BuddhaSasana Home Page Thiền
Tâm Từ Tỳ
kheo THIỆN MINH dịch PHẦN MỘT TINH THẦN CỦA THIỀN ÐỊNH
Trong việc hành thiền
chúng ta khám phá những phương thức để chúng ta có thể
liên hệ với chính những cảm nhận và những động lực của
bản thân. Chúng ta quan sát mức độ của sự tập trung chánh
niệm, và tình thương hầu để chúng ta áp dụng chúng cho bất
cứ trường hợp nào có thể xảy ra trong cuộc sống. Những
nỗ lực của chúng ta trong việc hành thiền là hướng thẳng
đến sự khai thông, sự nhận biết những gì chúng ta đang cảm
nhận, sự nhận thức trọn vẹn về những khổ đau và hoan lạc
mà chúng ta đối mặt. Ðấy là thiền định, là một cách sống,
một phương cách hồi tưởng lại những cuộc đời để chúng
ta có thể thỏa thích trong sự trọn vẹn, niềm vui và an lạc
xuất phát từ sự hiểu biết thật sự bản thân chúng ta là
ai. "TÔI CÓ NHỮNG GÌ
CÁC BẠN CẦN" Trong thành phố cổ của
khu vực Jerusalem, có một khu chợ lộ thiên tuyệt vời. Nếp
sinh hoạt ở đây thật là tưng bừng - tràn ngập những hình
ảnh và âm thanh cùng với hàng hóa để buôn bán. Có một lần
khi tôi còn dạy học ở Israel, một số người bạn và tôi
đã đến đó. Khi chúng tôi đi dọc theo các lối đi, một
trong những người bán hàng mời gọi tôi, "Tôi có những
gì các bạn cần". Tôi cảm thấy như có một điều gì
xao xuyến, rạo rực chạy khắp thân tôi. Bằng sự đáp lại,
chúng tôi nhập tâm những lời nói đó trở thành "Tôi cần,
tôi cần một điều gì đó. Tôi đang ở trong trạng thái hụt
hẫng, suy sụp". Nó cũng giống như chúng ta , đột nhiên
biến thành một số hình vẽ tranh hoạt họa, với cặp mắt
của chúng tôi lúc nào cũng vọt ra ngoài như có lò xo.
"Nó ở đâu? Ðiều tôi cần đang ở đâu?" Những
cánh tay của chúng tôi dang rộng ra. Nghiêng ngón tay co quắp lại,
tìm cách để chộp, để nắn hết vật này đến vật khác.
Ðầu óc của chúng tôi bám víu theo hướng của vật khát
khao ham muốn, để không mất đi bóng dáng của nó. Thân thể
của chúng tôi hướng về nơi vật mong đợi. Thật là rối
ren như một mớ bòng bong! Và tuy thế chúng tôi đã
với tay ra nhiều lần, tin tưởng vào những giọng nói. Sự cử
động này, sự với tay liên tục làm cho chúng tôi cảm thấy
như bị căng thẳng trong thể xác lẫn tinh thần. "Tôi có
những gì các bạn cần" giọng nói bảo với chúng tôi
"Các bạn không có những gì các bạn cần. Tôi có những
gì các bạn cần". Những điều chúng tôi thật sự cần
đến đó là điều gì? Thật đúng tất cả mọi
người đều muốn được hạnh phúc. Chúng tôi cần sự thoải
mái trong cuộc sống của riêng mình. Chúng tôi cần cảm thấy
mình là một thành phần của một điều gì đó hơn là ý tưởng
hạn hẹp chúng tôi là ai. Chúng tôi cần đến một cảm giác
nội tâm phong phú để có thể mang lại cho người khác.
Chúng ta cần một sự hiểu biết đầy đủ về mối quan hệ
của chúng tôi với tất cả cuộc sống, để yêu thương những
người khác. Nhưng ở thói quen của chúng ta để đạt tới sự
thỏa mãn nhu cầu mình, chúng ta không nhận ra được sự thỏa
mãn sâu sắc nhất của chúng ta nằm ở nơi nào. Một câu
nói của người Tây Tạng đã nói điều đó như thế này:
"Bên dưới căn nhà của người nghèo khó có những kho
tàng vô tận, nhưng con người khốn khổ nghèo khó đó chẳng
bao giờ nhận ra điều này, và những kho báu chẳng bao giờ
nói "Tôi đây này". Tương tự như vậy, kho báu là bản
chất tự nhiên của chúng ta, nó tinh túy một cách tự nhiên,
nó bị cái tâm thường tình của chúng ta che khuất và chúng
sinh đau khổ trong tâm hồn nghèo nàn". Tất cả những âm thanh
giọng nói đó đã làm cho chúng ta không biết được ta cần
điều gì. Khi chúng ta tu tập thiền, chúng ta thoát khỏi cái
âm thanh chát chúa của giọng nói đang la hét bên tai chúng ta
về sự nghèo khó bề ngoài. Chúng ta học hỏi để không phải
bị dính mắc trong việc cố vươn tới để chụp lấy những
điều mà chúng ta thật sự chẳng bao giờ cần đến để khởi
đầu. Khi chúng ta tu tập thiền,
chúng ta nhận thấy rằng chúng ta có thể quẳng đi gánh nặng
mà chúng ta đã từng gánh vác quá lâu rồi. Thi sĩ Rumi nói:
"Chúng ta giống như những đứa trẻ con sẽ bỏ đầy đất
đá vào túi áo của mình được bao lâu? Hãy để thế giới
này trôi đi. Giữ nó lại, chúng ta chẳng bao giờ biết được
bản thân mình, chẳng bao giờ bay lên trên không". Khi tu tập
thiền, chúng ta dứt bỏ. Chúng ta từ bỏ những gì đam mê về
những vấn đề nào đó và những cảm nhận, chúng ta từ bỏ
được niềm tin vào những giọng nói đang réo gọi chúng ta.
Chúng ta từ bỏ được những khái niệm hạn hẹp về hai chữ
hạnh phúc và chúng ta là ai hoặc chúng ta cần gì. Khám phá
được kho tàng bản chất tự nhiên của mình, chúng ta có thể
cất cánh bay cao. Chúng ta có thể giải thoát. SỰ SỐNG ÐANG ÐI ÐẾN Mới gần đây một người
bạn của tôi, đang có sức khỏe khá tốt, đã bị mắc một
bệnh phổi nghiêm trọng và gần chết. Một thời gian sau,
tôi về nhà và nhận được thư nhắn của anh ở trên máy
điện thoại của tôi. Ngay khi tôi sắp sửa gọi điện trả
lời anh, thì chuông điện thoại reo. Người gọi tình cờ là
một người bạn thân của tôi. Tôi bảo với chị ấy là
tôi phải cúp điện thoại để gọi cho một người bạn của
chúng tôi, cô ta đáp lại: "Chị không biết anh ta sắp chết
ư?" Tôi bảo với chị ấy là tôi đã biết rồi, và rồi
chúng tôi chấm dứt cuộc điện đàm để tôi có thể gọi
điện cho anh ta. Ngay khi tôi gác máy, chuông điện thoại lại
reo tiếp và một người bạn thân khác. Một lần nữa tôi bảo
với người gọi tôi cần cúp điện thoại để hỏi thăm một
người bạn đang bị ốm, và chị ta lại trả lời ngay.
"À, chị có biết anh ta gần chết chưa?" Cuối cùng khi tôi tìm
cách để liên lạc được với bạn tôi, tôi nói rằng:
"Tôi nghĩ là bây giờ tôi có thể dựa vào sự xác định
của anh là: "Anh ta sắp chết!", "A, tốt hơn là
được biết rằng anh ta sắp chết", Bạn tôi đáp lại.
Tôi hỏi: "Vậy theo ý anh muốn nói đến điều đó như
thế nào?". Anh muốn nói nó giống như là "Anh ta gần
chết nhưng cuối cùng đã không..." "Không", anh ta
nói theo ý tưởng chung của mọi người chúng ta là làm cách
nào để chúng ta có thể dành toàn bộ quãng đời để sống
hơn là nên sống đúng với ý nghĩa". Thảm thương thay! Chúng
ta có thể trải qua rất nhiều cuộc sống của mình như thể
là đã chết rồi. Tuy thế một số người trong chúng ta, cảm
thấy rằng chúng ta đang sống, và muốn tỉnh giác đầy đủ
hơn, đi đến sự tu tập thiền định - để biết rõ bản
thân mình, để sống trọn vẹn, chúng ta cần trau dồi năng lực
về sự tỉnh giác của mình. Sự tỉnh giác làm cháy
bừng lên một năng lực tiềm tàng sống động trong con người
của chúng ta. Tiếng Pàli (phạn) là ngôn ngữ chính yếu trong
kinh tạng Phật giáo, thuật ngữ "cháy" này là Tejos.
Từ vựng này có một số ý nghĩa, nó có nghĩa là: sức
nóng, ngọn lửa, ánh sáng và nó truyền đạt một ý tưởng
huy hoàng, rực rỡ vinh quang. Tejos đề cập đến một năng lực
sâu xa, một sức mạnh, và một khả năng đó là sự tỏa
sáng. Bằng cách tập thiền,
chúng ta tạo ra một số hình ảnh rực rỡ, tỏa sáng, và năng
lực này trở thành những hoạt động của một ngày thường
nhật. Chúng ta tu tập thiền để nhận biết bất cứ điều
gì chúng ta đang làm. Sự tỉnh giác của chúng ta càng sâu sắc
thì sự tỏa sáng càng vi diệu hơn. Qua thiền định chúng ta
đến với cuộc sống, để rồi đến ngày nào sẽ không chết
giống như "ai cũng đều phải chết?". TÌNH THƯƠNG CỦA MỘT VỊ
PHẬT Tôi đến với khóa thiền
đầu tiên ở Bodhaya, một ngôi làng ở Ấn Ðộ đã được hình
thành quanh cội bồ đề nơi đức Phật đạt đạo quả Giác
Ngộ. Khi 18 tuổi, tôi đã nhận ra được nỗi hoang mang và bất
hạnh của mình. Tôi đã đến Ấn Ðộ để học thiền. Tôi
bị trở ngại với hoàn cảnh trong thời thơ ấu và nền văn
hóa của mình - tự ghét bỏ bản thân, tự phán xét, sự
khát khao trở thành một người khác hơn là chính mình. Tôi
âm thầm hy vọng rằng qua việc tu tập thiền mình hoàn toàn
biến đổi trở thành một người khác. Vì tôi là một người
phương Tây trẻ tuổi nhất nơi này, nên đã không thoát khỏi
sự hiếu kỳ của người khác, một vài người đã hỏi
tôi: "Tại sao tôi tu tập thiền?" Hình ảnh đầu tiên
đập vào tâm khảm tôi là hình tượng đức Phật trong ngôi
chùa chính ở gần cây bồ đề, và tôi tìm ra câu trả lời:
"Tôi tu tập thiền để có tình thương của một vị Phật,
để tôi có thể yêu thương mọi người theo cách Ngài đã
hành động" Tôi thực sự giật mình để nghe bản thân
mình nói lên câu nói đó, nhưng tôi biết nó đang xuất phát
từ một nơi sâu kín trong lòng tôi. Bởi việc ham muốn có
tình thương của một vị Phật, tôi đang tìm kiếm khả năng
yêu thương bản thân mình, trước hết như tôi cảm thấy Ðức
Phật đã từng như thế - với sự nhận thức rõ ràng, tuy thế
không làm giảm bớt đi lòng bi mẫn. Thực tế, giáo pháp của
Ðức Phật là sự biểu hiện tình thương, sự xuất phát từ
lòng từ bi vô bờ bến của Ngài. Không có dâng hiến của bất
cứ sự trong sáng về sự nhận thức sâu sắc, thì không có
chúng sinh hiện hữu, và không có khuynh của bất cứ sự hiện
hữu nào vượt ra khỏi khoảng không của tình thương. Tình
thương này hết sức bao la. Khi tôi dốc lòng tu tập
thiền, tôi luôn luôn hiểu rằng tôi không thể tu tập hoàn hảo
khi tâm bị thôi thúc bởi sự than thân trách phận, sự tự
lên án, hoặc không thông cảm với người khác, ảo tưởng về
cái ngã (cái tôi). Những sự tu tập tinh thần được thôi
thúc bởi các yếu tố này giống như một cuộc tranh đấu nội
tâm, một cuộc chiến ác liệt vì lý tưởng của sự tốt lành,
mà không tỏ ra một chút nương tay. Tôi chỉ có thể tu tập
thật sự bằng cách liên kết sự thúc đẩy ban đầu của tôi
- để yêu thương bản thân cũng như yêu thương người khác
một cách hoàn thiện. Tôi nhận ra rằng việc nhớ lại điều
này đã tạo nên những phẩm chất dịu dàng và bao dung. Khi sự tự phán xét xuất
hiện, chúng ta buộc phải đến một con đường tránh xa (từ
bỏ) và che giấu bởi vì nỗi đau đớn của sự phán xét
phát sinh bất cứ điều gì trong tâm thì quả thật khó có thể
chịu đựng nổi. Có một năm, người bạn
của tôi ngồi hành thiền suốt ba tháng trong một khóa thiền
ở Hiệp hội thiền Minh sát tuệ ở Barre, Massachusetts. Vào năm
đặc biệt đó, vị thầy Dipa Ma được chúng tôi yêu thương
kính trọng, đã thăm viếng trong suốt khóa thiền. Người bạn
này đã trải qua một vài ngày không an vui ở trong khóa thiền,
và cuối cùng anh ta quyết định rằng điều anh ta cần là phải
rời khỏi khóa thiền, đăng ký vào một khách sạn và xem một
trận bóng đá đặc biệt trên truyền hình và anh ta đã thực
hiện như vậy. Khi anh ta trở lại - Tôi
chắc chắn không hạnh phúc hơn khi anh ta ra đi - anh ta bất chợt
cảm thấy hết sức có tội và tự phán xét mình. Anh ta rất
ngại kể lại cho Dipa Ma về những gì anh ta đã làm. Ngày qua
ngày, anh ta cảm thấy dày vò đau đớn với điều đó.
"Làm thế nào tôi có thể nói cho thầy tôi về những điều
tôi đã làm? Nó có vẻ quá điên rồ ngớ ngẩn. Nó có vẻ
quá yếu đuối. Thầy tôi sẽ kết tội tôi và cảm thấy
khinh rẻ tôi và thầy tôi sẽ biết rằng tôi không phải là
một thiền sinh tốt". Tôi có thể có cách nào để trình
bày cho thầy tôi?" Cuối cùng anh ta thu hết can đảm đi vào
phòng thầy mình. Anh ta ngồi xuống và sám hối. Dipa Ma nhìn
anh. Bà ta đưa tay ra nắm lấy tay anh ta và nói: "Ổn rồi.
Bây giờ con có thể làm lại từ đầu". Ðó là tình thương của
Ðức Phật. Hãy tưởng tượng đến một khoảnh khắc của
trạng thái tâm đó thật là dịu dàng và bao dung rộng mở đủ
để xem xét những sự việc mà không có một chút phán xét
khắc nghiệt, mà còn nhận thức các vấn đề đúng như bản
chất thật của chúng. Với trạng thái tâm đó, sẽ không có
sự căm ghét bản thân chúng ta do bởi những hành động, lời
nói, ý tưởng, ham muốn hoặc sợ hãi. Với tình thương của
đức Phật, khi chúng ta quan sát thế giới nội tâm của
mình, chúng ta không cảm thấy xấu hổ, tội lỗi hoặc lo ngại.
Hãy từ bỏ những chướng ngại này để làm sáng tỏ sự nhận
thức thực tế để chúng ta có thể can đảm và trung thực
xem xét lại bản thân mình. Rồi từ sự hiểu biết, lòng bi
mẫn phát sinh, hơn là sự căm ghét dày vò bản thân, và
chúng ta có thể đổi hướng cuộc sống của mình đến sự
giải thoát. Tương tự như thế, khi
chúng ta gặp gỡ người khác, chúng ta không cảm thấy xa
cách hoặc thù hận; một lần nữa chúng ta nhận thức rõ
ràng cùng với lòng bi mẫn bao la. Chúng ta đừng giữ thói thụ
động hoặc thờ ơ lãnh đạm trong sự bất công hoặc trong
những hoàn cảnh thương tâm, ngoài ra chúng ta cũng không còn
bị lôi kéo một cách vô bổ bởi sức mạnh do những sự
phán xét của chính mình. Với sự tu tập thiền, chúng ta có
thể phát huy khả năng này để yêu thương bản thân chúng ta
nhiều hơn nữa cũng như yêu thương những người khác mãi
mãi, ca ngợi tình yêu của một vị Phật, đó cũng là năng lực
thần kỳ của bản thân chúng ta. BIẾN ÐỔI SỰ KHỔ ÐAU
TRONG CUỘC ÐỜI Người thầy của tôi,
Dipa Ma phải chịu đựng nhiều nỗi khổ lớn lao trong đời của
bà, và đó chính là điều đã dẫn dắt bà đến với việc
tu tập thiền. Tinh tấn tu tập, bà biến đổi nỗi đau của
riêng mình thành tình yêu thương cho tất cả chúng sinh. Hiểu
được bản chất con người bà đã khuyên tôi biết nên làm
cách nào để có thể dùng sự khổ đau mở ra một con đường
đưa chúng ta đến với chân lý, nếu không thì chắc hẳn điều
này cũng đã được giữ kín trong lòng, khi chúng ta ráng sức
để vượt qua những thử thách đớn đau và tìm được những
nguồn mới của đức tin và tình thương ở trong lòng họ.
Dipa Ma cũng chỉ cho tôi thấy làm cách nào có thể dùng sự
khổ đau để làm tỏa sáng mối liên hệ của chúng ta với
người khác. Theo phong tục Ấn Ðộ,
Dipa Ma phải đính hôn vào lúc 12 tuổi. Và khi 14 tuổi bà giã
từ bố mẹ cùng chồng đến Rangoon. Ở đây chồng bà làm việc
trong một tổ chức xã hội. Là một người vợ trẻ trong một
đất nước xa lạ, Dipa Ma nói rằng: bà ta hết sức cô độc
và thường khóc thầm. Tuy thế chồng của bà rất dịu dàng,
và theo thời gian với sự gần gũi họ hiểu nhau hơn và yêu
thương. Hạnh phúc của họ bị thử thách khi phát hiện ra rằng
bà không thể có con. Thậm chí gia đình chồng bà bảo ông ta
nên bỏ bà và lấy một người vợ khác. Năm tháng trôi qua,
nhưng Dipa Ma không thể mang thai, và đây chính là nguồn gốc
của sự tủi hổ và phiền muộn . Cuối cùng, sau khi chờ
đợi 20 năm đứa con gái đầu lòng ra đời, và ba tháng sau
thì đứa bé mất. Bốn năm sau một bé gái khác ra đời. Tiếp
theo năm sau Dipa Ma có thai, nhưng đứa con bà chưa bao giờ trông
thấy, chết ngay khi sanh. Ðau khổ vì những cái chết của
các đứa con làm sức khỏe của Dipa Ma xuống dốc thảm hại.
Ở vào thời điểm khi bà ta vừa mới bắt đầu tìm được
sự yên ổn trong lòng thì lại khám phá ra rằng bà mắc bệnh
tim trầm trọng, và bác sĩ của bà lo ngại vì bà có thể chết
bất cứ lúc nào. Ngay khi bà phải đối mặt với sự yếu
đuối của bản thân và khả năng cái chết sắp ập đến,
thì chồng bà với sức khỏe tốt, sau khi đi làm về. Ông ta
cảm thấy người mệt mỏi và lên cơn sốt. Và chồng bà đã
qua đời vào ngay hôm sau, bà gặp phải một cú sốc khủng
khiếp. Trái tim của Dipa Ma tan
nát và cảm thấy như thể là chết được vì nỗi đau đớn.
Bà không thể nhắm mắt được mà cũng không thể bò ra khỏi
giường. Bà quá kiệt sức nhưng bà còn phải có bổn phận
nuôi dưỡng một đứa con. Một ngày nọ, vị bác sĩ biết
được nỗi đau xót giày vò mà bà phải chịu đựng nhiều
đến dường nào và nói với bà "Bà sẽ chết trừ phi
bà phải làm một điều gì đó cho tâm trạng của bà. Bà phải
học cách hành thiền". Dipa Ma ghi nhớ lời
khuyên vào trong lòng và quan tâm nó cách sâu sắc. Bà ta mô tả
cái khoảnh khắc khi bà ta tự hỏi mình, "Tôi có thể
mang theo cho mình điều gì khi ta chết đi? Sau khi suy niệm, đây
là câu trả lời của bà: " Tôi nhìn xung quanh mình. Tôi
nhìn của hồi môn - những chiếc Sari bằng lụa và nữ trang
- và tôi biết mình không thể mang theo bất cứ cái gì. Tôi
nhìn đứa con gái của mình và cũng biết rằng mình cũng không
thể mang nó theo. Như vậy tôi có thể mang theo được cái
gì? Tôi tự nhủ: "thôi ta hãy đến trung tâm thiền. Có lẽ
ở đó tôi có thể tìm được một điều gì để mang theo cùng
lúc khi từ giã cõi đời này". Vào thời gian đó Dipa Ma
vẫn đang sống ở Miến Ðiện. Bà ta tìm được một tu viện
ở đó bà có thể tu tập thiền, nhưng khi đến nơi, bà quá
yếu sức đến nỗi bà phải bò lên những bậc thang của
ngôi chùa để vào thiền đường. Tuy thế nỗi đau đớn mà
bà đã chịu đựng một cách kiên cường thôi thúc bà nỗ lực
tu tập thiền. Khi bà hành thiền, bà quan sát sâu sắc nỗi khổ
đau của mình và nhận ra được một sự thương xót lớn lao
cho bản thân và cho tất cả chúng sinh. Lòng bi mẫn của bà
chính là biểu hiện sự lành bệnh của mình. Trải qua nhiều
sự mất mát, Dipa Ma đi đến sự hiểu biết về sự mong manh
của cuộc sống và một sự thật là chẳng có ai tránh khỏi
được mất mát và đau khổ. Việc tu tập thiền mang lại sự
an bình cho thể xác và tâm hồn của bà. Dipa Ma trở thành một
thiền sư được tôn kính và sâu sắc, người mà tôi được
may mắn theo học ở Ấn Ðộ. Khi Dipa Ma bảo rằng tôi nên trở
về Hoa Kỳ và khởi sự việc dạy thiền, tôi hết sức nghi
hoặc. Tôi cảm thấy mình chẳng có một chút tư cách nào để
thành một thiền sư. Nhưng bà ta trấn an tôi và nói: "con
thật sự hiểu được sự khổ đau, do đó con nên dạy thiền".
Tôi nhận thấy Dipa Ma không đặt thành vấn đề người tiếp
xúc là ai, bà luôn luôn bày tỏ lòng bi mẫn và tình thương yêu
trong sáng. Sự hiểu biết sâu sắc của bà về tất cả những
gì nơi chúng tôi là việc nhạy cảm với nỗi đau của cuộc
sống và điều đó dường như đã đoạn trừ bất cứ ý tưởng
ngăn cách trong trái tim bà. Bất cứ khi nào tôi đắn
đo trong khi tu tập thì lòng tôi lại được kích thích lẫn
thán phục về hình ảnh một người phụ nữ bé nhỏ, kiệt
sức đau đớn đang bò lên những bậc thang của ngôi chùa để
học cách tu thiền, hầu tìm ra được một điều gì đó mà
sự chết không thể hủy diệt. Bất cứ khi nào tôi xem nỗi
khổ đau của mình là một nỗi nhọc nhằn, tôi lại nhớ đến
vị thầy Dipa Ma đã biến đổi sự đau khổ của mình thành
tình yêu thương và sự bình yên. SỰ QUAN TÂM TỰ NHIÊN Một ngày nọ, tôi gặp
phải một sự xúc động ngỡ ngàng trên điện thoại. Tôi vừa
mới trải qua một cuộc tiểu phẫu xét nghiệm để quyết định
có phải loại bướu lành tính hay ác tính (ung thư). Tôi đang
tiếp chuyện với một người phụ nữ mới quen. Bà ấy mắc
một chứng bệnh ung thư mà tôi vừa biết là mình không gặp
phải. Tôi chỉ vừa nhận được kết quả của nó mấy hôm
trước. Lúc tôi báo cho bà ta biết loại bướu của mình
lành tính, bà ấy hết sức vui mừng nói với tôi:
"Sharon, tôi đã nghĩ đến cô rất nhiều, tôi xin chia xẻ
hạnh phúc với cô". Sự phản ứng của bà thật quá ấm
áp thân tình vượt quá một trái tim bình thường. Lẽ ra bà
ta phải nói một vài điều như vầy: "Tôi biết rằng cô
sẽ đau khổ biết bao khi cô lo sợ rằng chắc hẳn mình đã
bị ung thư. Tôi mắc bệnh còn cô thì không". Hình thức
bày tỏ này chắc chắn là một sự thương xót để nói ra.
Nhưng sự phản ứng của bà ta thậm chí dường như có vẻ lạ
lùng hơn điều đó. Khi đưa ra sự quan tâm, bà đã không nói
đến vấn đề chủ yếu, hoàn cảnh của bà ta không phải
là điểm chủ yếu để bàn đến. Bằng sự quan tâm sâu sắc
và đạo đức, bà ta lo hết sức hoan hỉ rằng tôi được khỏe
mạnh. Ðiều làm tôi hết sức
xúc động là vẻ tự nhiên thành thật khi bà ta nói lên điều
này. Lạ lùng thay, cái phẩm chất của sự quan tâm này không
có một chút ép buộc hay xếp đặt, nó thường được bày tỏ
bởi những con người vượt qua sự thường tình, thậm chí
những người đó sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình vì những
người khác. Khi người ta hỏi điều gì đã khiến họ làm
như vậy, họ trả lời một cách quen thuộc, "Tôi có thể
làm điều gì khác hơn?" Mặc dù điều đó dường như khác
thường đối với chúng ta, cách cư xử của họ, hòa hợp với
nhân sinh quan thật bình thường đối với họ. Thầy Munidra của tôi có
một người học trò, một phụ nữ có tên là Carol, làm việc
ở nhà ga xe điện ngầm ở Hà Lan suốt 5 năm đã giúp người
Do Thái thoát khỏi bọn phát xít Ðức quốc xã trong thời thế
chiến thứ II. Bà bị bọn lính Ðức bắt hai lần và tra tấn
nhục hình, và hầu như tất cả những người bạn của bà
đã bị giết chết khi làm công việc giống như vậy. Về bản
thân mình bà chỉ nói: "Tôi luôn luôn mang đầy những nỗi
xót thương ám ảnh về thế giới này; với những bất công,
chiến tranh, đói khát, khủng bố, tàn ác làm cho nhân loại
đau khổ đang đối mặt với chúng. Tôi sống trong cuộc đời
làm một người chiến đấu chống lại những gì tôi cho là
sai trái và đặc biệt là sự bất công". Sự đúng đắn và thành
thật về phản ứng của Carol không có nghĩa là việc làm
này rất dễ dàng hoặc là không có cái giá phải trả. Thực
tế là bà ta phải đau đớn với những cơn ác mộng và những
nỗi sợ hãi ăn sâu vào tâm khảm trong 30 năm. Nhưng mối quan
hệ và sự quan tâm là bản chất đối với cái nhìn về cuộc
sống của bà ta, và tính chân thật của bà thúc đẩy bà
hành động phù hợp với cái nhìn đó. Chúng ta có thể nhìn thấy
ở Carol hoặc một số người nào đó chúng ta biết họ giống
như bà ta, và suy nghĩ rằng chúng ta có thể không bao giờ có
sự quan tâm sâu sắc như bà ta đã thể hiện. Trong khi một
vài điều kiện nào đó đã hỗ trợ cho những hành động của
bà ta, cơ bản là nổi bật lên với cách nhìn cuộc đời của
bà ta và nó là một cách nhìn mà bất cứ người nào trong
chúng ta có thể theo đuổi được. Bát chánh đạo của Ðức
Phật được bắt đầu với chánh kiến, cho chúng ta đây là
một khả năng như thế nào. Theo như lời Ðức Phật dạy:
"giống như bình minh là điều báo trước là dấu hiệu
đầu tiên của mặt trời mọc, chánh kiến cũng vậy là điều
báo trước và dấu hiệu của những trạng thái tốt đẹp".
Cách nhìn về những sự việc chi phối những mục đích của
chúng ta, và lần lượt chi phối những hành động của chúng
ta. Chúng ta xem xét những cuộc sống của chúng ta bằng cách
nào để trở thành cơ bản cho việc chúng ta nên hành động
và sống như thế nào. Khi có được sự nhận thức rõ ràng,
chúng ta hiểu được mối quan hệ hỗ tương của tất cả cuộc
sống, và chúng ta hiểu rằng những hành động của chúng ta
làm là một sự khác biệt, chúng ta có thể hành động với
một tính cách vị tha. Ở ngôn ngữ Pàli từ vựng
cho nỗi băn khăn có thể được dịch như là "san sẻ"
khi chúng ta bị chia xẻ sự cảm nhận. Khi những người khác
tỏ ra xa lạ hoặc phân biệt, chúng ta cảm thấy lo ngại. Khi
chúng ta chia sẻ, chúng ta lại để cho bản thân nhận biết
tình cảm ít hơn, và chúng ta đương nhiên quan tâm đến ít
người hơn. Chúng ta cố gắng loại trừ sự băn khoăn lo âu,
tránh né nó, thậm chí càng xa cách hơn: Thế giới của chúng
ta trở nên xa cách, trống vắng. Không nhận thức được bản
chất thật của họ, chúng ta có thể chẳng bao giờ tưởng
tượng bằng cách nào mà mình có thể hy sinh mạng sống vì
người khác. Việc tu tập thiền có
thể hàn gắn sự chia rẽ này và mang chúng ta trở lại mối
quan hệ ban đầu. Khi quan điểm về thế giới của chúng ta
được biến đổi, cuộc sống của chúng ta được biến đổi.
Những hành động của chúng ta xuất phát từ nguồn mối quan
tâm chân thật, không được suy niệm, tự ý thức, hoặc lo
âu bồn chồn. Giống như người quen biết trên điện thoại
tặng cho tôi, sự quan tâm này trao tặng hạnh phúc cho người
cho và người nhận giống như nhau. Một cái nhìn trong sáng
mang lại mối quan hệ của chúng ta, mối quan hệ làm tăng thêm
hành động của chúng ta, và cuộc sống của chúng ta trở
thành những cách biểu hiện vững chắc về việc nhận thức
như thế nào với bản thân ta và thế giới. PHÚC LÀNH CỦA CHÁNH TINH
TẤN Trong từng khoảnh khắc
(sát na) ở kiếp sống, tiềm năng của chúng ta thật rộng lớn.
Tiềm ẩn trong chúng ta là một năng lực vô tận cho sự tỉnh
giác, can đảm, cống hiến, và tình thương. Tuy thế nhiều
người trong chúng ta lại giữ nó trong một tình trạng vô dụng,
và tự thuyết phục rằng mình không thể hoàn thành điều
mong muốn. Trái tim của chúng ta khép lại. Chúng ta tự nhủ với
lòng: "Tôi không thể thực hiện được điều đó. Tôi
không có khả năng làm điều đó. Tôi không đủ sức. Tôi
không có năng lực..." Theo thời gian, những niềm tin về
bản thân của chúng ta biến thành một hình tượng chai cứng
và chúng ta là ai. Và chúng ta buộc phải sống với quá khứ,
đi đến những con đường mà chúng ta chắc phải thất bại,
và đến với một nội tâm không còn khả năng. Buồn thảm
thay, cơ bản là chúng ta không nhận thấy và nghi ngờ sức mạnh
về tiềm năng bản thân chúng ta. Chúng ta thật sự đã quên
đi mình là ai. Cho nên một sự hiểu biết
chính chắn về Chánh tinh tấn thì thật là quan trọng. Chánh
tinh tấn là một phần của Bát chánh đạo, Chánh tinh tấn
có nghĩa là một sự cố gắng dũng cảm với năng lực của
chúng ta hướng đến một sự tỉnh giác trọn vẹn. Tôi luôn
luôn cảm thấy rằng Chánh Tinh Tấn là một điển hình tuyệt
vời về tuệ giác sÂu sắc chứa đựng trong Giáo Pháp của
Ðức Thế Tôn. Chánh tinh tấn là một hình thức chấp nhận
về sự khổ đau được thể hiện rõ ràng trong nhiều tư tưởng
của chúng ta về cái ngã (bản thân chúng ta), và nó là một
điều hứa hẹn, bằng cách quyết định kiên trì trong tỉnh
giác, chúng ta có thể biến đổi được cuộc sống của mình. Khi nghe từ "tinh tấn",
chúng ta có thể nghĩ rằng; "Hừ, thật là một gánh nặng.
Hết khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác cặm cụi theo
đuổi nó". Nhưng thực tế, Chánh tinh tấn là niềm phúc
lành lớn lao nhất của chúng ta bởi vì nó làm sáng tỏ tiềm
năng phi thường để giải thoát và có khả năng thay đổi mọi
người trong chúng ta. Vào ngày đầu tiên tu tập, thầy
Munindra ân cần nói với tôi, "Sự giác ngộ của Ðức Phật
đã làm sáng tỏ vấn đề của Ngài, bây giờ con hãy giải
quyết vấn đề của mình". Tôi nhận thấy đó là lời
nói gây phấn khởi nhất bởi vì nó hàm ý rằng thực sự
tôi có thể giải quyết chính vấn đề của mình. Giải pháp
của Ðức Phật dạy rằng không một người nào khác sẽ có
thể giúp cho chúng ta thoát khỏi nỗi đau đớn của mình, và
chẳng một ai muốn làm điều đó, bởi vì thực tế chúng ta
có thể tự bản thân thực hiện nó. Chính nỗ lực của
chúng ta mang lại tiềm năng này cho cuộc sống. Tinh tấn là nhiệt tình
bền chí vượt qua khó khăn. Nó không phải là một nỗ lực
gượng ép, khắt khe, liều lĩnh, nhưng nói cho đúng hơn sự hồi
tưởng lại đầy nhiệt tình về năng lực của chúng ta để
được giải thoát. Chánh tinh tấn là sự sẵn lòng mở rộng
ra nơi nào chúng ta đã khép lại, và đến gần những gì
chúng ta né tránh, kiên nhẫn với bản thân, và từ bỏ những
định kiến. Khi vị thầy Dipa Ma của
tôi khởi sự tu tập thiền, bà nhận thấy rằng bà phải
liên tục khắc phục những cơn buồn ngủ. Thời gian đó, bà
đã từng nói với chúng tôi: "Khi thầy khởi sự tu tập
thiền, thầy đã luôn luôn khóc bởi vì thầy muốn đạt được
sự hướng dẫn một cách sâu sắc, nhưng không thể thực hiện
được vì cơn buồn ngủ. Trước đó tôi đã kêu khóc trong 5
năm trời vì mất ngủ và tôi đã không thể ngủ được do bởi
buồn phiền, than khóc, yếu đuối, và những đớn đau khác.
Nhưng ngay khi bắt đầu hành thiền, tất cả những gì tôi
có thể làm là ngủ. Khi Dipa Ma đến gặp vị
thầy của mình, trình bày sự khó khăn bà gặp phải, ông ta
dạy. "Ðó là một dấu hiệu rất tốt, bởi vì trong 5 năm
vừa qua con đã đau khổ tồi tệ con không thể ngủ được,
bây giờ con sẽ buồn ngủ. Như thế, hãy tiếp tục giữ
chánh niệm. Hãy hành thiền như con được dẫn dắt".
Dipa Ma tiếp tục ngồi, và tiếp tục ngủ. Bà ta thuật lại.
Nhưng rồi một ngày nọ, tất cả là một điều bất ngờ,
thầy đã đi đến một trạng thái ở đó cơn buồn ngủ trước
đây của thầy biến mất và nó dứt hẳn thậm chí khi thầy
ngồi thiền hằng giờ". Chánh tinh tấn ở trường
hợp Dipa Ma chỉ có ý nghĩa đơn thuần là không đầu hàng.
Tin tưởng vào năng lực của mình để tỉnh giác, bà ta thật
thận trọng và qua báo cáo tu tập của bà thật phi thường.
Sau thử thách này, bà nhận thấy rằng mình hãy nên nói với
mọi người "Nào hãy đến trung tâm thiền. Các bạn đã
nhìn thấy tôi thật sự ngã lòng biết dường nào, bởi vì
tôi đã mất chồng, mất con rồi đến bệnh tật. Nhưng bây
giờ các bạn thấy tôi tươi tỉnh, và tôi hoàn toàn hạnh
phúc. Không có một điều thần kỳ nào cả. Ðơn thuần là
chỉ tuân theo sự hướng dẫn của các vị thầy, tôi cảm thấy
sự an bình trong tâm. Bạn cũng nên đến rồi bạn cũng sẽ
đạt được điều như thế". Chúng ta cũng có thể nhận
thức được sự bình an trong tâm. Thành thật mà nói biểu hiện
cho chánh tinh tấn trong sự tu tập là sự nói lên năng lực
thật sự tiềm tàng của chúng ta. Và năng lực tiềm ẩn của
chúng ta vô bờ bến. Khi chúng ta nhận thức điều này đầy
đủ, sự nỗ lực (tinh tấn) sẽ trở thành một cơ hội hơn
là một gánh nặng, và bây giờ chúng ta mới hiểu hết được
ý nghĩa thâm thúy của câu nói: "Sự giác ngộ của Ðức
Phật đã làm sáng tỏ vấn đề của Ngài, bây giờ con giải
quyết vấn đề của con". LÚC BAN ÐẦU Người ta nói rằng lời
đức Phật dạy thật đơn giản thậm chí một đứa trẻ bảy
tuổi cũng có thể hiểu Ngài. Có lẽ do bởi điều này người
ta cũng nói rằng có nhiều vị đệ tử của Ngài đạt được
sự giác ngộ lúc bảy tuổi. Ðôi khi tôi tự hỏi có lẽ
mình giống một đứa bé bảy tuổi học tu tập thiền. Ở
nhiều trường hợp khó có thể tưởng tượng ra nhưng tôi thật
sự nghĩ rằng có lẽ tôi đã mang đến một cái tâm rộng mở
và nhiệt tình chắc hẳn điều này đã nâng đỡ tôi đứng
vững trong những năm tháng sau đó. Cuối cùng khi tôi thật sự
bắt đầu tu tập thiền. Vào thời gian khi lần đầu
đến với Ngài Sayadaw U Pandita, tôi đã tu tập thiền được
14 năm. Tôi chưa từng gặp vị thiền sư người Miến Ðiện
này trước đây, nhưng khi tôi nhập cốc ba tháng dưới sự
hướng dẫn của vị này. Ngài là một vị thầy nhiệt quyết
và có yêu cầu cao. Tôi thường có những ghi nhận tóm tắt
sau mỗi thời gian hành thiền để tôi có thể mô tả chính
xác cảm nhận của tôi về Ngài. Mỗi ngày trong tuần, chúng
tôi tiếp xúc Ngài trong những buổi đàm đạo riêng tư. Lần đầu tiên khi tôi
tham dự buổi thảo luận, tôi cẩn thận mô tả một trong những
giai đoạn hành thiền của mình. Ngài quan sát tôi và nói:
"À, vào lúc ban đầu nó có thể như thế đấy". Và
sự việc ấy là sự mở rộng cuộc thảo luận của tôi!
Hàng ngày tôi thường mô tả cho Ngài một cảm nhận mà tôi
nghĩ là nó tuyệt vời hoặc khủng khiếp hoặc bất cứ điều
gì, và không đặt thành vấn đề những gì tôi tường thuật
lại, Ngài thường nói "À, vào lúc ban đầu nó có thể
là như thế đấy". Mỗi lần Ngài nói điều đó, tôi
nghe một giọng nói trong đầu gào lên: "Mười bốn năm!
Mười bốn năm!" Tôi thường tự nhủ thầm. "Tôi đã
ngồi thiền 14 năm. Tôi không thể gọi là một người mới
nhập môn. Tại sao Ngài lại gọi tôi là người mới nhập môn?
Tôi không phải là người nhập môn!". Mọi việc như thế
tiếp diễn hết ngày này sang ngày khác: Ngài thách thức, tôi
phẫn nộ, cho đến một ngày nọ một điều gì đó bất ngờ
làm thay đổi trong tâm tôi. Nhiều năm trước đó,
khi tôi đang sống ở Ấn Ðộ, tôi hầu như bị mù quáng
trong một khuôn mẫu tu tập mà bất chấp mọi phấn đấu, tôi
nghĩ mình đang làm thật tốt, tiến triển vững chắc trên
con đường đến Níp bàn. Tôi trở về thăm viếng Hoa Kỳ
trong một thời gian ngắn. Cuốn sách của thiền sư Suzuki
Roshi "Zen Mind, Beginner's Mind... Tâm của người mới nhập
môn (Thiền tâm, Sơ tâm)"vừa mới ra mắt độc giả. Khi
tôi trông thấy tựa đề cuốn sách, tôi nghĩ: "Ồ, tôi
biết cuốn sách đó nói điều gì. Nó nói về phương pháp
khi bạn khởi sự tu tập. Bạn chỉ có những gì được gọi
là tâm của người nhập môn. Sau đó bạn tu tập một thời
gian, và bạn tích lũy tất cả những cảm nhận tuyệt vời này,
cho tới một ngày nọ bạn trở nên siêu việt và bạn đạt
được một điều gì đó gọi là Tâm thiền" Tôi không
mua cuốn sách đó, tôi nghĩ là không cần. Một vài tháng sau, khi
tôi trở lại Ấn Ðộ, một ai đó gởi cho bản sao của
"Zen Tâm của người sơ cơ, Beginner’s mind" cuối cùng
khi đọc nó, tôi nhận ra rằng mình hoàn toàn hiểu nhầm về
nó. Nó không phải nói về sự vượt qua cái tâm thấp kém của
người mới nhập môn và một ngày nọ sẽ có được cái
tâm thiền vi tế và phi thường. Nếu có xảy ra bất cứ điều
gì, nó là sự ngược lại: một sự phát hiện về sự tụ tập
khi tiến đến việc cảm nhận trọn vẹn bình thường thay vì
chộp lấy một điều có vẻ lạ thường. Nó ở trong cái
tâm bình thường mà chúng ta tìm được tính Phật, khi chúng
ta không còn ham muốn đạt được một điều gì đặc biệt
xảy ra. Ðối với một cái tâm thực sự bình thường - không
có những kỳ vọng hoặc tạo ra những sự so sánh - là tâm của
người mới nhập môn. Như thiền sư Suziki mô tả về nó, sự
phóng khoáng và không bị ràng buộc của cái tâm người sơ
cơ chính nó là sự giác ngộ: "Ở cái tâm của người
sơ cơ có nhiều năng lực, ở cái tâm của người lão luyện
có ít". Chính là tôi, đã đối
mặt đúng y với cùng một sự việc trong những năm sau đó
khi được tu tập với thiền sư U Pandita. Một ngày nọ tôi
đã hiểu nó. Một lần nữa tôi nhận ra rằng thật tốt đẹp,
khi là một người mới bắt đầu. Là một người mới bất
đầu nhập môn nghĩa là có một quan điểm trong sáng và một
sự thông thoáng để cảm nhận. Nó có nghĩa là không bị bó
buộc nặng nề với những ý tưởng và quan niệm về những
gì sẽ phải xảy ra, điều có thể sẽ xảy ra, điều gì phải
xảy ra tiếp theo sau đó, và tôi phải được hưởng điều gì
xảy ra. Hãy từ bỏ đi những khái niệm về quan điểm và
tình huống để tạo cho việc tu tập sống động ở khoảnh
khắc này, hơn là trì trệ. Với sự thanh thản, tôi chấp nhận
bản thân mình. "Tôi là người mới nhập môn, và hy vọng
mình sẽ tìm được nguồn vui là một người mới bắt đầu". Lẽ dĩ nhiên, ngay cùng một
ngày tôi ý thức được những điều ấy, U Pandita không còn
nói một cách khó hiểu: "Vào lúc ban đầu nó có thể giống
như thế". NĂNG LỰC CỦA
CHÚNG TA Trong quá trình cuộc sống
của chúng ta, chúng ta cũng thường quên đi việc dừng lại và
hồi tưởng mình là ai và hậu quả là nỗi đau đớn. Như
thi hào Wordsworth viết: "sớm muộn và thu chi, chúng ta làm
hoang phí năng lực của chính mình". Không chỉ ở được
và mất nhưng ở nhiều hành động của chúng ta, năng lực của
chúng ta - sức mạnh của chúng ta bị phân tán và không có sẵn
cho chúng ta. Một ý tưởng phát sinh trong tâm, và chúng ta đi
đến kết thúc là bị chìm vào ở trong một dòng thác nghĩ
suy lan man khi chúng ta nổi lên, chúng ta có thể lấy làm ngạc
nhiên biết bao vì thế giới chúng ta kết thúc sự suy nghĩ một
cách luyến tiếc về Paris khi điều cuối cùng chúng ta nhớ
đến là sự suy nghĩ thèm thuồng về bữa ăn trưa! Ðôi khi,
hầu như mọi tình cảm chúng ta đã có khả năng áp đảo chúng
ta. Chúng ta có thể cảm thấy thỏa thích trong giây phút nhưng
rồi lại đau buồn liền sau đó chúng ta chạy theo những gì
chúng ta nghĩ là đáng khát khao, và chúng ta đẩy lùi những
gì chúng ta nghĩ không xứng đáng khát khao. Và như vậy, bị
cuốn hút trong quá khứ hoặc tương lai, chồng chất sự suy
đoán bận tâm, hoặc phán xét, chúng ta tiến đến một tình
trạng phản kháng liên tục. Phân tán một năng lực to tát
vào trong tất cả những sự xao lãng phí phạm này, chúng ta
phá hoại ngầm vận may của mình để có được sự an lạc
và tự tại, và thật sự "phí phạm năng lượng của chúng
ta". Hãy thử tưởng tượng
khi bạn tập trung năng lượng đó trở về lại với mình,
thì như vậy nó có đủ để cung cấp trở lại cho bạn để
sử dụng có ý thức - hơn là để tâm của bạn vớ vẩn đây
đó. Khi chúng ta sống với hiện tại, chúng ta phát huy sự tập
trung và nắm quyền lực trở lại. Chúng ta biết điều gì
mình đang suy nghĩ như là mình đang nghĩ về nó, và chúng ta
biết điều gì mình đang cảm nhận như là đang cảm nhận về
nó. Chúng ta không được nhồi nhét vào mọi thứ được phát
sinh trong tâm của chúng ta. Khi tâm tập trung, có một cảm
giác xúc cảm quân bình. Trong lúc không chấp nhận hoặc loại
bỏ cảm giác, loại tập trung này ở tiếng Pàli người ta gọi
là samatha, mang lại một sự kiên định hết sức ngạc nhiên
và một tâm vững chắc. Trong thuyền thống tu tập
thiền định, chúng ta đặt sự tỉnh giác (nhận biết) vào một
đề mục duy nhất, chẳng hạn như là hít thở, hoặc những
ngôn từ về từ bi (tâm bi) và chúng ta dứt bỏ mọi điều
khác khỏi thân tâm, hầu như chỉ có một nhận biết trong
lòng về đề mục tập trung; đôi khi, như thể chúng ta đang
bảo vệ nó. Nhưng chúng ta đừng bao giờ bám víu vào nó quá
mức hoặc quá nghiêm ngặt; chúng ta chỉ đơn thuần tu tập với
một phẩm chất tận tụy. Tinh tấn với đề mục được chọn
cho sự tập trung, chúng ta liên tục theo dõi nó, nhẹ nhàng
đoạn trừ bất cứ điều gì làm cho chúng ta xao lãng đề mục. Người ta đã từng hỏi
Michelango làm thế nào để ông ta tạo được một con voi.
Ông ta trả lời "Tôi sẽ dùng một tảng đá lớn và bỏ
đi tất cả mọi thứ không phải là con voi". Phát huy năng
lực tập trung là đơn thuần nhìn thấy những gì "không
phải là con voi" và xả bỏ nó đi. Nghệ thuật tập trung
là một sự xả bỏ liên tục. Chúng ta hãy xả bỏ điều không
thiết yếu hoặc điều xao lãng. Chúng ta dứt bỏ một ý tưởng
hay một cảm xúc, không phải vì chúng ta sợ nó bởi vì
chúng ta không thể chịu được việc chấp nhận nó như là một
phần cảm nhận của mình, nhưng bởi vì không cần thiết.
Khi chúng ta đang thực hành sự tập trung và một ý nghĩ phát
sinh trong tâm - một kỷ niệm, một kế hoạch, một sự so
sánh, một sự tưởng tượng hấp dẫn - Chúng ta hãy dứt bỏ
chúng. Nếu cơn giận bùng lên, hoặc, tự phán xét, hăm hở
mong đợi, chúng ta hoàn toàn dứt bỏ nó, bình tĩnh trở lại
đề mục tập trung. Ðây là những gì có nghĩa "sự từ
bỏ". Thánh Gandhi mô tả sứ mệnh
cuộc sống của ông chỉ trong ba từ: "từ bỏ, vui vẻ, hạnh
phúc và sự từ bỏ của Gandhi là một sự thanh lọc tâm tuyệt
vời, không phải là một sự khổ hạnh khủng khiếp hoặc đắng
cay. Với một hình thức như thế, xuyên suốt lúc thực hành
sự tập trung, khi chúng ta dứt bỏ sự lơ đãng, tính chất cảm
giác của chúng ta không cần phải là một sự phản kháng bất
mãn. Nói cho đúng hơn, nó có thể là một sự thể hiện về
sự thôi thúc sâu sắc của bản thân chúng ta đến sự giải
thoát. Chúng ta từ bỏ cùng với sự ung dung thoải mái mà
chúng ta có thể áp dụng trong việc biếu tặng ai một món
quà. Chúng ta từ bỏ như là một hành động cao thượng. Củng
cố sự tập trung, chúng ta "từ bỏ vui vẻ và hạnh
phúc. Chúng ta dứt bỏ những gì không thiết yếu, và thoải
mái đi vào sự vắng lặng, chúng ta hoàn toàn tập trung vào
khoảnh khắc hiện tiền. Chúng ta càng kẹt trong
những khuynh hướng phản kháng về sự dính mắc và lên án,
thiên về một số ý nghĩ và tình cảm và xa cách những sự
khác, thì chúng ta càng đau khổ. Mất tập trung hoàn toàn vào
việc cảm nhận đời sống của chúng ta, "chúng ta đã
phí phạm năng lực của mình". Sự thực hành tập trung
là một phương pháp thần hiệu giúp bản thân chúng ta thoát
khỏi những mối quan hệ phức tạp và những khả năng hạn
chế của hình thức bất ổn này. Và như thế với sự tận
tụy sâu sắc dành cho mục đích sâu kín nhất của mình.
Chúng ta hiểu rõ bản thân là mãi mãi dứt bỏ. HẠNH PHÚC NHỜ CÓ TÂM
ÐỊNH Lần đầu tiên khi bắt
đầu tu tập thiền, tôi cho rằng sẽ gặp rất nhiều khó khăn,
chuyên cần nỗ lực để huấn luyện tâm và phát triển sự
tập trung (thiền định). Ở khóa thiền tu tập đầu tiên
tôi bị thất vọng với tâm bất định (phóng dật) tập
trung chú ý của tôi. Với sự điên cuồng tôi tự nhủ bản
thân rằng lần tới nếu việc tập trung của tôi còn vẩn vơ,
tôi sẽ dập đầu vào tường. May mắn thay, ngay lúc ấy,
chuông báo giờ độ ngọ (ăn trưa vang lên). Ðứng xếp hàng
chờ ăn trưa, tôi tình cờ nghe được lời trao đổi giữa
hai thiền sinh mà tôi không biết. Một trong hai người đó hỏi
người nọ sáng hôm nay công việc đã tiến triển như thế nào.
Người nọ trả lời với một tinh thần hết sức phấn chấn:
"Tôi thật sự không thể tập trung hết mình được,
nhưng chiều này có lẽ sẽ tốt hơn". Tôi quay người lại với
một ngạc nhiên cao độ và nhìn anh ta chăm chăm mà không tin
ở tai mình. "Tại sao anh ta lại không khó chịu, bực bội
như tôi đây?" Tôi thắc mắc: "Anh ta chẳng đặt sự
việc này nghiêm trọng chút nào sao?" Ðó là buổi đầu
tiên gặp gỡ của tôi với Joseph Goldstein. Năm năm rưỡi sau
đó, tôi cùng với Jack Kornfield và nhiều người bạn tận tâm
và là những người sáng lập Hiệp hội Thiền Minh Sát Tuệ
(IMS, Insight Meditation Society) ở Hoa Kỳ. Vào thời gian đó,
tôi đã có được sự hiểu biết ẩn trong lời nói vô tư của
Joseph Goldstein. Khi việc tu tập của tôi
được phát triển, tôi hiểu rằng những điều kiện cần
thiết cho sự tập trung phát triển ngược lại với hình thức
nỗ lực khắc khổ mà tôi đã dấn thân. Trong môn tâm lý học
Phật giáo (vi diệu pháp), đặc tính của mỗi tâm thiện có
một điều được người ta gọi là "nhân gần".
Ðây là điều kiện (duyên) hoặc căn bản mà hầu như dễ dàng
và sẵn sàng tạo ra một phẩm chất đặc biệt. Ví dụ,
nguyên nhân gần (câu hành) của tâm bi hoặc lòng bi mẫn được
nhận thấy ở trong con người của một ai đó. Tôi đã từng
mong cầu nhân gần của sự tập trung là một điều gì giống
như một lòng nhiệt tình sâu sắc hoặc một nỗ lực dũng cảm.
Thay vào đó, thật bất ngờ cho tôi, theo giáo pháp của Ðức
Phật nguyên nhân gần của sự tập trung là hạnh phúc. Như tôi đã nhận thức
được, việc ráng sức để giữ tâm trên một đề mục không
tạo nên điều kiện để việc tập trung dễ dàng phát sinh
nhất. Tuy thế, khi tâm thoải mái, bình thản, và hạnh phúc,
chúng ta có thể tập trung một cách đơn giản và dễ dàng. Hạnh
phúc trong cái cảm giác này không có nghĩa là cái cảm nhận
thích thú, vút qua nhanh, chứa đựng một nỗi khắc khoải trầm
lắng dựa trên sự hiểu biết khoảnh khắc sẽ trôi qua. Loại
hạnh phúc đó là nguyên nhân gần của sự tập trung là một
trạng thái vắng lặng trong đó những trái tim yên tĩnh của
chúng ta, rộng mở và tự tin. Ðây là mảnh đất màu mỡ
dành cho sự phát triển sự tập trung. Nhưng làm cách nào để
đi đến trạng thái hạnh phúc này? Ðến một mức độ nào
đó chúng ta sẽ đến nơi đó khi có một bối cảnh chính
xác - cái bối cảnh mà Joseph đã biểu lộ vào lúc xếp hàng
độ ngọ cách đây nhiều năm. Luôn luôn có những điều chúng
ta cảm nhận bập bềnh trong lúc tu tập Thiền là một tiến
trình tuần hoàn làm lu mờ sự phân tích, nhưng đòi hỏi sự
chấp nhận. Khi sự tu tập của tôi phát triển, tôi nhận thấy
rằng khả năng để chấp nhận và giúp cho sự thay đổi cảm
nhận có liên hệ đối với mức độ lòng tự trọng của
tôi. Khi cảm giác về lòng tự
trọng của tôi mạnh mẽ, tôi có thể vượt qua những thời
kỳ khó khăn mà không ngã lòng. Những sự khó khăn đã không
phản ánh việc thiếu đi lòng tự trọng đối với tôi. Và
tôi có thể trải qua những thời kỳ thú vị mà không nỗ lực
để đạt một sự bám chặt đến chết với chúng vì sợ
hãi, chúng sẽ thay đổi và để lại cho tôi cái cảm giác tồi
tệ về bản thân. Ðối với tôi, lòng tự trọng dường như
chắc chắn là một thành phần chủ yếu trong việc gìn giữ
hạnh phúc, mà nó liên tục hổ trợ cho sự tập trung. Và nó
trở nên rõ ràng rằng mức độ lòng tự trọng của tôi được
ăn sâu vào trong tính cách là tôi nên cư xử ra sao trong suốt
phần còn lại của cuộc đời mình, khi tôi không ngồi trên
tấm đệm hành thiền. Tôi đã phát hiện ra chân lý này
không chỉ trong việc tu tập, mà cũng như ở trong Giáo Pháp bất
diệt của Ðức Phật. Những lời dạy này thường
được trình bày ở một trình tự nhân quả, cho thấy một
trạng thái tâm tạo nên những điều kiện (duyên) cho sự
phát sinh kế tiếp. Ở Thanh Tịnh Ðạo, một công trình chú
giải nổi tiếng của Phật giáo Nguyên Thủy, hạnh phúc diễn
ra trong một sự mở rộng hợp lý đi từ giới luật đến sự
giải thoát tối cao. Kinh điển được mở rộng
bằng cách nói cho chúng ta rằng giới luật được xem là nền
tảng cho sự phát huy việc kiềm chế. Trong Phật giáo, giới
luật không có nghĩa là sự tuân giữ (bị) ép buộc bằng luật
lệ. Giới luật có nghĩa là sống với những mục đích mà
phản ánh tình yêu thương và lòng bi mẫn dành cho bản thân cũng
như với những người khác. Như triết gia George Santayana nói:
"Giới luật là sự khát khao làm giảm bớt sự đau khổ
trong thế gian". Khi chúng ta sống hài hòa với chân lý tự
nhiên về sự tương quan của mình, chúng ta muốn kiềm chế
việc thực hiện những hành động nguy hại. Ðiều này dẫn
đến điều kiện kiềm chế tâm kế tiếp. Kiềm chế là nền tảng
cho sự phát huy về việc dứt bỏ sự ăn năn hối hận. Khi
chúng ta kiềm chế sự thúc đẩy nhất thời dễ làm một
hành động nguy hại, chúng ta có thể nhận thấy được sự
vô thường và cái vỏ của sự ham muốn phát sinh lúc ban đầu.
Khi đã tránh được hành động nguy hại, chúng ta cũng có thể
tránh được tội lỗi, lo sợ về sự phát hiện và bối rối
lẫn hối tiếc sự việc xảy đến là chúng ta đã quên rằng
những gì chúng ta làm đều có hậu quả. Ðiều kiện chắc chắn
là kết quả nhận được từ sự kiềm chế được gọi là:
"lấy làm sung sướng". Sự tự bỏ việc ân hận là
nền tảng cho việc phát huy "sự lấy làm sung sướng".
Sự lấy làm sung sướng là trạng thái của sự nhẹ nhàng
và thanh thản, chúng ta tìm được trong cuộc sống của mình
khi chúng ta tăng thêm sự quan tâm đến bản thân và mọi người
chung quanh. Bởi vì chúng ta thật sự cảm nhận một mối quan
hệ với những người khác, chúng ta từ bỏ những hành động
làm tổn thương và giảm bớt đi những sự việc tạo cho chúng
ta có cảm tưởng xa rời những người khác. Như vậy mới
xua đi cái cảm giác cô đơn lẻ loi và tâm tư nhẹ nhõm đi.
Việc lấy làm sung sướng là nền tảng cho sự phát huy hạnh
phúc. Bằng cách này chúng ta
đi tới bến bờ hạnh phúc - hạnh phúc của sự an lạc,
thanh thản và sức mạnh. Ðây là hạnh phúc mà sẽ không bị
đổ vỡ do những điều thay đổi. Như khi người ta cư xử
ở những hình thức làm chúng ta thất vọng, khi chúng ta
không đạt được những gì ước muốn. Ðây là hạnh phúc dựa
trên cơ bản biết được mối quan hệ của chúng ta; về sự
chính trực trong hành động xuất phát từ những giá trị
sâu sắc nhất. Ðây là lòng tự trọng. Rồi tiếp tục sau đó,
theo Thanh Tịnh Ðạo, hạnh phúc ấy là nền tảng của sự
phát triển vắng lặng. Nói chính xác hơn sự kích động và
xao động mà chúng ta cảm nhận khi tâm chúng ta đầy lo lắng,
ân hận và cảm thấy tội lỗi, thì tâm càng êm ả hơn. Bởi
vì không có một gánh nặng lớn lao phức tạp mà chúng ta cần
phải gỡ rối và đền bù, chúng ta có thể cảm thấy an lạc
hơn vào giây phút này. Sự vắng lặng từ hạnh phúc là nền
tảng cho việc phát huy sự tập trung (hiển nhiên sự vắng lặng
này tôi đã không đạt được khi tu tập ở trong cốc trước
đây). Sự tập trung (định) là
sự vững chắc của tâm, cái cảm giác chúng ta đạt được
khi chúng ta hướng mạnh mẽ đến sự chú tâm của mình. Khi
chúng ta có thể tập trung, một cánh cửa mở đến tuệ giác
và trí tuệ. Sự tập trung như vậy là nền tảng cho sự hiểu
biết đúng đắn và một cái nhìn chính xác. Ðiều này có
nghĩa là có thể nhìn thấy vạn vật theo bản chất thật của
chúng, mà không quá vội vã bóp méo sự cảm nhận qua sự gạn
lọc về những niềm hy vọng và những nỗi sợ hãi của
chúng ta. Ðiều phát sinh từ những sự gạn lọc này dẫn dắt
chúng ta một cách riêng rẽ, để tin tưởng vào ý thức bản
thân về sự thật. Một khi có cách nhìn và sự hiểu biết
đúng đắn là một phần vững chắc của cuộc sống chúng ta
đó cũng là nền tảng cho việc phát triển sự vô tư. Vô tư không có nghĩa là
lạnh lùng hoặc thờ ơ, nhưng đúng hơn là một cái tâm rộng
mở ở đó chúng ta thích thú cái cảm giác trọn vẹn và đầy
đủ, không đặt vấn đề thành hoàn cảnh đặc biệt. Chúng
ta bình thản đối mặt với những hoàn cảnh đổi thay mà
chúng ta liên tục trải qua. Dù chúng ta đạt được điều
ham muốn hay không, chúng ta có thể nhận thấy vạn vật theo
một quan điểm phù hợp. Chúng ta có thể thực hiện những
gì cần được làm để nỗ lực làm giảm bớt sự khổ đau
của bản thân hoặc của những người khác, và chúng ta có
thể thực hiện nó từ một nơi an lạc trong nội tâm. Ðó
là Joseph trong buổi xếp hàng ăn trưa, mặc dù vào cái thời
điểm tôi nghĩ rằng anh ta ngớ ngẩn vì không dày xéo bản
thân như tôi đang hành động với chính bản thân mình. Vô tư là nền tảng cho
sự phát triển việc từ bỏ tham và sân. Một khi chúng ta tiến
bước qua những hoàn cảnh của cuộc sống với một sự
quân bình hơn cùng với hạnh phúc của lòng tự trọng. Chúng
ta đừng để phản ứng của thói quen cũ lôi cuốn một cách
máy móc, giống như cố gắng một cách liều lĩnh để bám chặt
vào lạc thú hoặc chạy trốn sự đau đớn. Những thói quen
cũ này không thể bám rễ sâu trong lòng của chúng ta với
cùng một tính cách như thế. Thậm chí ngay khi chúng phát sinh
một đặc tính xốp đối với chúng, cho nên chúng ta không cần
sợ hãi chúng nữa, và chúng ta có thể quyết định không
theo tiếng gọi của chúng. Sự đoạn trừ tham sân
là nền tảng cho sự giải thoát. Giải thoát là "sự
thoát khỏi trái tim cố định về một sự hiểu biết, về sự
thật quá mạnh mẽ đến nỗi không sự quay trở lại với bản
chất của nó". Khi chúng ta không xử lý được những cảm
nhận của chúng ta, hãy cố gắng bổ sung nó cho một ý tưởng
bị thiếu trong bản thân chúng ta, chúng ta cố quan sát cẩn
thận những gì đang phát sinh. Chúng ta có thể mở rộng cuộc
sống và học hỏi từ nó, bởi vì ngay chính sự cảm nhận của
chúng ta là chân lý của toàn bộ cuộc sống. Khi chúng ta có
thể quan sát một cách cẩn thận và vô tư, chúng ta có thể
khám phá nguyên nhân cái khổ cũng như giải thoát chúng ta khỏi
sự khổ đau phiền não. Theo như Thanh Tịnh Ðạo
mô tả về quả này là - giới đức, kiềm chế, thỏa thích,
hạnh phúc, vắng lặng, định (tập trung) vô tư, đoạn trừ
tham sân, giải thoát - là tự nhiên như cơn gió đi qua. Khi chúng
ta nhận thấy được hạnh phúc trong điều kiện của tiến
trình này, nó trở thành một phần hợp nhất của đời sống
tinh thần chúng ta. Chúng ta dâng hiến những mục đích của
mình cho sự bình an, cho tình thương và lòng bi mẫn, và chúng
ta đang hướng tới viễn cảnh giải thoát. Trong khi hạnh phúc tự
nó kết thúc, bằng một trong những quả thiền, nó cũng là một
trạng thái tâm mà chúng ta có thể đạt được ngay lúc này,
đơn thuần là tôn trọng bản thân và sống một cuộc sống
quan tâm. Loại hạnh phúc này là một thành phần cơ bản để
đến đi sự giải thoát tối cao cái tâm của chúng ta khỏi sự
khổ đau. CẢM NHẬN VỀ HƠI THỞ Người ta kể rằng lúc
còn bé, Ðức Phật đã tự động giữ chánh niệm về hơi thở,
và ngay trước lúc giác ngộ Ngài đã nhớ đến việc này khi
Ngài tìm một sự quân bình hoàn hảo của tâm. Anapana, một từ
Pàli để diễn tả sự nhận biết về hơi thở khi nó ra vào
bằng mũi, là một trong những đề mục chủ yếu của sự tập
trung (thiền định) mà đức Phật đã dạy. Tôi đến Ấn Ðộ vào năm
1970, để tìm hiểu về cách hành thiền. Vào tháng Giêng 1971,
tôi bước vào khóa tu tập thiền đầu tiên của mình. Tôi
hoàn toàn không có một chút kinh nghiệm nào về thiền, nhưng
tôi thật sự đã nói nhiều ý tưởng về những gì trong sự
tu tập đầy thần bí và phức tạp này mà tôi sẽ học hỏi.
Trong bài hướng dẫn tu tập thiền đầu tiên điều tôi từng
được nghe đến là việc nhận thức về thở. Một điều
đơn giản và hết đỗi ngạc nhiên. Anapana là phương pháp cơ
bản cho sự tu tập. Hơi thở tự nhiên và không gò bó. Khi tu
tập lần đầu, tôi thường lo âu về hơi thở, tiếp theo sau
đó là tôi phải tạo nó. Nhưng tôi thầm nghĩ, "Dù gì
đi nữa, khi bạn đang thở, chắc hẳn là bạn phải nhận biết
về nó". Tôi có thể thư giãn. Nhận biết hơi thở tự
nhiên, chúng ta tạo nên sự thoải mái cho thân tâm. Hơi thở đang xảy ra
ngay bây giờ, ở khoảnh khắc này. Ngay khi chúng ta chú tâm đến
hơi thở, chúng ta có thể nhận ra rằng sự chú tâm của
mình đi lang thang về quá khứ, so sánh với hơi thở đang xảy
ra ở hiện tại với hơi thở đã đi qua trước đó. Hoặc sự
chú tâm có vẩn vơ đến tương lai, biết được khi chúng ta
phải đứng lên và dùng bữa điểm tâm rồi đi làm việc,
trong khi đó tất cả mọi khoảnh khắc của luồng hơi thở vẫn
tiếp tục diễn ra. Một trong những tuệ giác
mạnh mẽ nhất trong buổi tu tập lần đầu đã xảy ra khi
tôi nhận biết mình thường "ngã về phía trước" tìm
kiếm hơi thở kế tiếp như thế nào. Tôi nhận thấy mình
hoàn toàn có thể quay ngược về hiện tại. Sự việc cảm
thấy quân bình một cách đáng ngạc nhiên và khác thường,
như thế là tôi trở về mái ấm quen thuộc mà tôi đã không
biết mình đã từng đánh mất. Với hình thức chánh niệm
này, chúng ta lưu ý đến khuynh hướng rơi trở lại quá khứ
và thiên về tương lai, và sau đó chúng ta có thể giảm bớt
căng thẳng và quân bình. Bằng cách này, chúng cảm nhận được
sự khác biệt giữa việc bị phân tán và việc cảm nhận trọn
vẹn về giây phút hiện tại của chúng ta. Sự nhận biết về hơi
thở được sử dụng như một tấm gương soi rõ ràng, không
vì một lý do nào đó hoặc ngược lại với bất cứ điều
gì, nhưng đơn giản phản ánh cái khoảnh khắc không có sự
ngăn trở của những ý niệm và những sự phán xét. Chúng ta
hoàn toàn có thể cho nó trôi qua bất cứ điều gì khi phát
sinh trong tâm, bởi vì chúng ta đang duy trì việc chú tâm vào
hơi thở. Có thể chúng ta thường cho rằng: "Hơi thở của
tôi chưa đủ tốt, chưa đủ sâu, chưa đủ vi tế, chưa đủ
trong trẻo". Tôi chắc chắn mình đã nghĩ vậy, khi tôi
phát hiện hành động đơn giản củasự thở đầy ắp với
ý nghĩa phát sinh về những gì ở nơi một con người còn thiếu
sót như tôi là thế đó. Quay trở lại với hơi thở, khi chúng
ta liên tục dứt bỏ những xét đoán này, chúng ta tạo nên
lòng bi mẫn cho bản thân. Bằng sự tu tập giữ
tâm chánh niệm theo từng hơi thở này từ lúc đầu cho đến
cuối rồi trở thành vũ trụ của chúng ta. Cảm nhận hơi thở
khi nó ra vào mũi, đúng hơn là theo dõi nó như thể chúng ta
là những người quan sát từ xa. Chúng ta với hơi thở là một
liên hệ với những cảm giác đổi thay của nó. Khi tôi nghĩ
về hơi thở, những xu hướng của tôi đưa bản thân thoát
khỏi khoảnh khắc thực sự và kéo ngược trở lại là những
khuynh hướng được thử thách, và tôi tìm được một mối
liên quan mật thiết với chính cuộc đời của mình. Trong khi giữ chánh niệm
về hơi thở của mình, chúng ta nhận thấy thật rõ ràng về
sự mong manh của cuộc sống, bởi vì chúng ta hoàn toàn phụ
thuộc vào từng luồng khí nhận vào. Khi chúng ta cảm nhận
những cảm giác liên tục thay đổi ấy sinh rồi diệt, chúng
ta bắt đầu theo dõi sự vững chắc của thân bị hoại diệt,
tạo nên sự hiểu biết về bản chất của sự thay đổi. Bởi
vì chính bản thân sự sống hoạt động tùy thuộc vào hơi
thở. Một trong những vị thầy của tôi từng đã nói:
"Con biết rằng, cuộc sống của chúng ta tùy thuộc mỗi
khi con thở ra hít vào". Cơ bản của sự tu tập
theo dõi hơi thở thì giống như tất cả các phương pháp tu tập
thiền là khả năng làm lại từ đầu. Chúng ta có thể bị
cuốn hút vào quá khứ, tương lai hoặc ở sự xét đoán, nhưng
một khi chúng ta nhận thức rằng mình đã bị xao lãng, ngay
ở khoảnh khắc đó chúng ta có thể bắt đầu trở lại và
tiếp nối hơi thở. Trong khi ấy điều khoản này có thể bị
cám dỗ để dành toàn bộ một thời gian cho sự xao lãng hoặc
đánh giá bản thân vì đã không theo dõi hơi thở, bằng cách
dứt bỏ và bắt đầu ngay trở lại, chúng ta lập tức cảm
nhận trọn vẹn một mối quan hệ và một sự nhận biết
ngay tức thì. Vào buổi ban đầu tu tập; tôi thường xao lãng
với hơi thở. Khi tôi vượt qua được những ý tưởng kỳ
quặc của mình, thỉnh thoảng tôi thường dành hết khoảng
thời gian ngồi thiền để hành hạ bản thân về việc xao
lãng, cuốn hút: "Tại sao bản thân tôi lại làm như thế?
Ngày hôm qua bản thân mình đã xao lãng nhiều. Chẳng một người
nào khác xao lãng, chỉ một mình bản thân tôi". Ðiều mỉa mai về việc
cảm nhận đó chính là cái ý tưởng kỳ quặc chắc hẳn đã
làm tôi xao lãng trong năm phút, trong lúc tôi đang bị cuốn hút
trong việc phán xét tôi về sự xao lãng thêm hơn 20 phút và
thậm chí tạo nên nhiều đau khổ hơn. Khi chúng ta tu tập
theo cách này, nhận thấy rằng dù bị xúc phạm, khó khăn, có
sức quyến rũ hoặc có ý tưởng rồ dại phát sinh, chúng ta
đều có thể bắt đầu trở lại với một lòng tin sâu sắc
vào bản thân. Bằng cách bắt đầu trở
lại, chúng ta trở thành thực tại. Từ Pàli "Bhavana"
thường được dịch là "tu tập", nghĩa đen là
"nhân tạo nên quả", "cảm nhận hiện hữu"
hoặc "ghi nhận". Nó truyền đạt một ý tưởng sự
ra đời. Khi chúng ta tu tập tâm chánh niệm về thiền hơi thở.
Chúng ta tạo nên một sự thoải mái, hiện hữu, thân thiết,
bi mẫn, trí tuệ và đức tin. Ðơn giản chỉ với hơi thở của
mình, chúng ta sẽ mang lại sự trọn vẹn cho bản thân. TỨ VÔ LƯỢNG TÂM Tôi đi đến nhiều nơi
trên thế giới để dạy tu tập Tứ vô lượng tâm - Brahma
viharas, Tứ phạm trú - Từ Bi Hỉ Xả. Tôi liên tục ngạc
nhiên rằng, dù bất cứ nơi nào tôi đặt chân đến, đều có
quá nhiều người cho rằng những trạng thái tâm này thật yếu
đuối. Những thiền sinh tu tập ở trung tâm sẽ nói rằng:
"Nếu tôi Từ bi thì tôi sẽ để cho bản thân bị đối
xử tệ bạc và tổn thương". "Ðối với tôi những
trạng thái tâm này là những tình cảm ngọt ngào, nhưng thật
sự không thể sống như vậy được". Thật buồn thay, thái
độ này đã bỏ lỡ những gì về sức mạnh tuyệt vời nằm
trong tứ vô lượng tâm - "Brahma viharas". Chúng ta là
nguồn gốc của sự chấp nhận và trau dồi mối quan hệ sâu
sắc với cuộc sống. Nhà văn Wendell Berry nói
rằng "đơn vị nhỏ nhất của sức khỏe là một cộng
đồng". Nói một cách khác, cộng đồng là mối quan hệ,
và mối quan hệ chính là cuộc sống. Ðiều này được trình
bày rất nhiều ở các cuộc nghiên cứu khác. Ví dụ những
người mắc bệnh tim dường như điều trị nhanh hơn nếu
như họ có những con vật nuôi trong nhà (chó, mèo, chim...) khi
so sánh với những bệnh nhân không có. Những bệnh nhân ung
thư khi tham gia vào một nhóm, một cộng đồng những người
ấy có khuynh hướng kéo dài tuổi thọ hơn những người khác.
Những người thường cầu nguyện khi ốm đau, thậm chí họ
không nhận thức được ý nghĩa những lời cầu nguyện,
nhưng có những điều tốt đẹp hơn những người không làm
điều này. Căn nguyên kỳ bí của việc chữa khỏi bệnh là
mối quan hệ. Tứ vô lượng tâm
(Brahma Viharas) là những phương pháp tu tập tạo mối đồng cảm
và tăng thêm mối quan hệ sâu sắc với người khác. Bằng
cách này, họ mở rộng việc điều trị khỏi bệnh không chỉ
cho những người khác mà còn ích lợi cho bản thân. Từ ngữ
"điều trị khỏi bệnh" có cùng nghĩa gốc là "sự
trọn vẹn". Chúng ta không thể sống như là những con người
xa cách, cô lập, chúng ta là một phần của cộng đồng nhân
loại. Ðó là sự trọn vẹn của chúng ta. Brahma Viharas là những
phương pháp tu tập để trau dồi phát triển đức tin của chúng
ta đến những trái tim nhân ái của bản thân và ở sức mạnh
về mối quan hệ của chúng ta với người khác. Tâm đầu tiên của Tứ
vô lượng tâm - Brahma Vihara, là tâm Từ, là sự tu tập về
tình bằng hữu. Chúng ta có thể tin rằng chúng ta không có khả
năng để yêu thương bản thân, không đếm xỉa đến tất cả
chúng sinh trên thế giới. Sự tu tập tâm Từ vững chắc đánh
thức khả năng yêu thương mà nó bất khả xâm phạm trong con
người của chúng ta. Khi chúng ta mong ước tình yêu thương, hòa
bình và hạnh phúc cho bản thân và người khác, chúng ta hiểu
được luôn tất cả những chúng sinh và tất cả những
khuynh hướng của chúng sinh, bao gồm luôn cả bản thân, trong
tim của chúng ta. Lần đầu tiên khi tôi
tu tập tâm từ một cách tích cực, có thể cái khoảnh khắc
kinh ngạc nhất xảy đến khi tôi thật sự nhận ra rằng,
tôi có khả năng rất nhiều về tình yêu thương này. Thực tế,
tôi đã ngồi thẩn thờ, suy nghĩ: "Có phải là tôi
không?". Thực tế, tất cả chúng ta đều có khả năng về
tình yêu lớn lao đó, nhưng cho tới khi chúng ta tháo gỡ hoàn
cảnh của mình, khả năng của chúng ta dành cho mối quan hệ
vẫn còn bị che lấp hoặc bóp méo. Dipa Ma, người biểu hiện
thật nhiều lòng từ bi, có một lần khi đến nhà của Sylvia
Boorstein để hướng dẫn một lớp học thiền, một con chó
to lớn, một giống chó gọi là Akita, đó là một giống chó
có dáng vẻ thật dữ tợn. Thông thường những người khách
đến nhà họ thường e dè ở ngưỡng cửa, đợi xem chắc chắn
con chó dữ hay hiền. Tuy thế khi Dipa Ma trông thấy con chó,
bà thản nhiên bước vào. Con chó chồm lên và mừng rỡ với
bà, nó đặt đôi chân đầy vuốt nhọn trên vai bà. Dipa Ma
là một phụ nữ nhỏ thó, cao khoảng 5 bộ anh, như thế bà
ta và con chó cũng cao gần bằng nhau. Dipa Ma đặt hai bàn tay
lên đầu nó và ban phước lành cho nó! Dường cũng như không
một ai có thể ngăn chặn sự ban bố phúc lành của bà hoặc
từ cái cảm giác bao dung xuất phát ở nơi con người bà. Cái tâm kế tiếp của tứ
vô lượng tâm là lòng bi mẫn (tâm Bi) theo nghĩa đen là sự
rung động của trái tim để hòa nhịp cùng nỗi đau đớn hoặc
phiền não. Nỗi đau đớn của bản thân ta và của người khác
có thể trở thành những chiếc xe cho một mối quan hệ sâu sắc
đầy xúc động. Thông thường, khi chúng ta đau đớn trong lòng,
chúng ta có thể chứa đầy nỗi oán trách, và tự hỏi tại
sao ta phải chịu những cảnh khổ đau như vậy. Hoặc chúng
ta có thể rất cô đơn, có lẽ do trách nhiệm lỗi lầm ám
ảnh bản thân vì một điều nào đó mà chúng ta đã nói hoặc
đã làm, hoặc một điều nào đó chúng ta đã không thực hiện
hoặc không thể nói ra điều đó chúng ta cho rằng là nhân của
sự khổ đau. Và chúng ta có thể cảm thấy khó chịu khi thấy
khổ đau ở những người khác bởi vì chúng ta nhận thấy
không thể chịu đựng được hoặc hết sức khó chịu, hoặc
chúng ta nhận thấy nó đe dọa đến hạnh phúc của bản
thân chúng ta. Tất cả những phản ứng này dẫn đến khổ tâm
trong thế gian làm sao chúng ta muốn xa lánh cuộc đời. Ngược lại, lòng bi mẫn
thể hiện nơi chúng ta là sự bày tỏ tình đoàn kết hơn là
chối từ. Bởi vì lòng bi mẫn là một trạng thái tâm mà
chính nó mở rộng, chan chứa trải rộng khắp, nó giúp chúng
ta đối mặt trực tiếp hơn với sự đau đớn. Với sự nhận
thức trực tiếp này, chúng ta biết rằng mình không cô đơn
trong nỗi khổ đau của bản thân, và do điều đó không ai muốn
cô đơn trong nỗi đau. Nhận thức được tính đồng nhất của
chúng ta là sự khởi đầu lòng bi mẫn của chúng ta, và nó
giúp cho chúng ta vượt xa hơn tính ác cảm và sự xa cách để
đi đến sự hiểu biết rằng cộng đồng của chúng ta là tất
cả mọi người. Niềm vui đồng cảm (tâm
Hỉ), là tâm thứ ba của Brahma Viharas, là cách tu tập về sự
thích thú tích cực hòa mình vào hạnh phúc của người khác,
đúng hơn là cảm thấy bị đe dọa hoặc bị bôi nhọ, như
thể hạnh phúc của người khác đã lấy mất một điều gì
nơi bạn. Khi tôi bắt đầu tu tập cách nhìn này, tôi nhận
thấy rằng phản ứng bình thường quen thuộc của mình là cảm
thấy như thể có một số lượng giới hạn về hạnh phúc
trong thế gian và người khác càng có nhiều hơn thì đối với
tôi sẽ càng bớt đi nhiều. Nhưng trong thực tế, với niềm
vui đồng cảm mạnh mẽ, chúng ta có thể cảm thấy hạnh
phúc khi người khác được hạnh phúc; chúng ta lấy làm hoan
hỉ và cảm thấy thỏa thích với hạnh phúc của họ. Theo như ngài Dalai Lama diễn
tả về điều này, có quá nhiều người trong thế giới này
có cảm tưởng việc tạo hạnh phúc của họ là quan trọng
như đối với riêng bản thân mình, bởi vì sau đó những cơ
hội thích thú "được tăng lên 6 tỷ lần so với một".
Ðó là những sự chênh lệch rất tốt. Khi hạnh phúc của người
khác là hạnh phúc của chính mình, chúng ta đang thừa nhận mối
quan hệ của mình với người khác. Chúng ta trở thành một
phần của một cộng đồng. Tâm thứ tư của Brahma
Viharas là tính bình thản (tâm Xả) theo những cách nào đó người
ta cảm thấy nó khác biệt với ba tâm trên. Sự việc này do
bởi phong cách nổi bật của tâm xả (sự bình thản) là một
hình thức khác của sự tĩnh lặng. Ở hình thức êm ả mở
rộng của tâm này, chúng cóthể liên kết với bất cứ điều
gì đang xảy ra quanh ta, liên hệ với những người khác, nhưng
không có những phản ứng quen thuộc thiên về những điều dễ
chịu và trốn tránh những gì khó chịu. Theo thực tế, tâm
này giúp cho các tâm khác của Brahma Viharas. Không có tâm xả, chúng
ta thường đem đến tình bằng hữu chỉ với điều kiện là
sự dâng hiến của chúng ta được thừa nhận và được cảm
kích, hoặc miễn là được một ai đó đáp lại tử tế.
Chúng ta thường tỏ ra lòng bi mẫn cho bản thân chỉ khi
chúng ta không vượt qua sự đau đớn của chính mình hoặc
cho những người khác chỉ khi chúng ta không thể vượt qua sự
đau khổ của họ. Chúng thường bày tỏ niềm vui đồng cảm
chỉ khi chúng ta không cảm thấy bị đe dọa hoặc ghen tị.
Khi chúng ta tu dưỡng tâm xả (sự bình thản), khả năng to lớn
của chúng ta để mối quan hệ có thể nở hoa, vì rằng
chúng ta không cần phải chạy trốn hoặc dính mắc với bất
cứ điều gì có thể xảy ra. Ðôi khi trong lúc học tập,
thiền sinh thường được hướng dẫn như vầy: "Hãy ngồi
vững như một ngọn núi. Hãy ngồi với một ý tưởng mạnh
mẽ và đầy phẩm cách. Hãy vững lòng, oai nghiêm, hãy tự
nhiên và thoải mái trong sự nhận biết. Bất kể gió thổi,
hay mây cuộn như thế nào, bất kể bao nhiêu con sư tử đang
gào rống, hãy thân thiết với mọi việc và ngồi vững như
núi". Ðây là một hình tượng của tâm xả. Chúng ta cảm
nhận mọi sự việc không có sự ngoại lệ, và chúng ta cảm
thông sự việc qua sức mạnh nhận thức của chúng ta, chứ
không qua phản ứng của thói quen. Giống như Dipa Ma ban phúc
lành cho chú chó dữ Akita, chúng ta tìm được sự thoải mái
khi mối quan hệ với mọi người luôn được mỹ mãn. Tất cả bốn pháp tu tập
này thành tựu bằng cái tâm thật vô tư hướng tới tình
yêu thương và mối quan hệ. Chúng ta bắt đầu với những
người mà chúng ta dễ dàng mang lại tâm từ bi hỉ xả - rồi
lãnh vực chú ý, của chúng ta mở rộng dần đến những người
khác mà chúng ta quan tâm, đến những người mà chúng ta cảm
thấy xa cách, những người chúng ta yêu thích, và cuối cùng
tất cả chúng sinh khắp mọi nơi. Khi thực hành các pháp
này, chúng ta đừng cố công tạo những tình cảm giả tạo cũng
như không nỗ lực để thích nghi đối với một ý tưởng trừu
tượng của một người sống về tâm linh. Chúng ta đừng đè
nén những cảm xúc phẫn nộ mà chúng ta chắc hẳn phải có
hoặc kiềm chế sự lo sợ trong tâm về sức khỏe. Tình thương
(từ) lòng bi mẫn (bi) niềm vui đồng cảm (hỉ) và lòng bao
dung vô tư (xả) không làm biến đổi năng lực để nhận thức
một cách rõ ràng, nhưng chính xác hơn, khi chúng ta nhận thức
rằng chúng ta đang sống cùng với tất cả mọi người, họ
thay đổi những lý lẽ chúng ta tiến hành để tạo nên sự
thay đổi. Ðộng cơ thúc đẩy hoặc thái độ tinh thần của
chúng ta trở thành một tổng thể hơn là sự cách biệt. Và
khi chúng ta tiến triển nhiều hơn trong sự tu tập Tứ vô lượng
tâm (Brahma Viharas), chúng ta có thể nhìn thấy các vấn đề một
cách trung thực và có hành động mạnh mẽ khi chúng ta quan
tâm đến bản thân và những người khác. Chúng ta tìm được
chân lý điều trị cơ bản. -ooOoo- Chân thành cám ơn Tỳ kheo
Thiện Minh đã gửi tặng phiên bản vi tính (Bình Anson, 01-2002) [Trở
về trang Thư Mục]
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times
font
PL 2545 - TL 2002
updated: 01-02-2002