TAM TẠNG PĀLI - VIỆT tập 33
JĀTAKAPĀLI - BỔN SANH tập II
Người Dịch: Tỳ khưu Indacanda
TẠNG KINH - TIỂU BỘ
JĀTAKAPĀLI - BỔN SANH
 

XV. VĪSATINIPĀTO - NHÓM HAI MƯƠI KỆ NGÔN

 

1. BỔN SANH ẨN SĨ MĀTAṄGA

 

2328. “Thế ngươi từ đâu đi đến mà ăn mặc dơ dáy, tồi tàn, tựa như loài yêu tinh ở đống rác? Ngươi là ai mà buộc mảnh vải lượm từ đống rác ở cổ? Ngươi sẽ không được cúng dường.”

 

2329. “Này người có danh vọng, vật thực này của ngài được chuẩn bị sẵn; mọi người nhai nó, ăn nó, và uống nó. Ngài biết rằng tôi có cuộc sống nương vào sự bố thí của người khác. Vậy hãy cho người hạ tiện nhận lãnh miếng ăn do đứng chầu chực.”

 

2330. “Vật thực này của ta được chuẩn bị sẵn cho các vị Bà-la-môn. Vật thực này là của ta, của người có đức tin, nhằm sự tấn hóa cho bản thân. Ngươi hãy tránh xa nơi này. Việc gì mà ngươi đứng ở đây? Này kẻ hèn hạ, những người như ta không bố thí cho ngươi.”

 

2331. “Những người mong mỏi về thành quả gieo hạt giống ở đất bằng, ở đất trũng, và ở cánh đồng đẫm nước. (Tương tự như thế ấy,) ngài hãy ban phát vật thí với niềm tin ấy, có lẽ ngài có thể có được các bậc xứng đáng cúng dường.”

 

2332. “Các thửa ruộng ở thế gian đã được ta biết đến, ta sẽ đặt các hạt giống ở những nơi ấy. Đó là các vị Bà-la-môn thành tựu về dòng dõi và các chú thuật; các thửa ruộng ấy, ở thế gian này, là vô cùng mầu mỡ.”

 

2333. “Sự kiêu hãnh về dòng dõi, sự ngã mạn thái quá, tham lam, sân hận, kiêu căng, và si mê, tất cả các đức tính xấu này hiện hữu ở những nơi nào, những thửa ruộng ấy, ở thế gian này, là không mầu mỡ.

 

2334. Sự kiêu hãnh về dòng dõi, sự ngã mạn thái quá, tham lam, sân hận, kiêu căng, và si mê, tất cả các đức tính xấu này không hiện hữu ở những nơi nào, những thửa ruộng ấy, ở thế gian này, là vô cùng mầu mỡ.”

 

2335. “Các người ở nơi này, Upajotiya, Upajjhāya, hay Bhaṇḍakucchi, đã đi đâu? Các ngươi hãy cho gã này một trận đòn và sự trừng phạt, hãy nắm lấy kẻ hèn hạ ở cổ và tống khứ gã đi.

 

2336. “Kẻ nào đã mắng nhiếc bậc ẩn sĩ, kẻ ấy đã đào bới ngọn núi bằng móng tay, đã nhai sắt cục bằng răng, đã nuốt vào ngọn lửa.”

 

2337. Sau khi nói điều này, Mātaṅga, vị ẩn sĩ có sự chân thật và nỗ lực, đã bước đi ở trên không trung để cho các vị Bà-la- môn chiêm ngưỡng.

 

2338. “Cái đầu đã bị vặn ngược về phía sau. Nó xuội cánh tay không còn hoạt động. Các con mắt trắng dã giống như của người chết. Kẻ nào đã làm cho đứa con trai này của ta trở nên như vậy?”

 

2339. “Có vị Sa-môn đã đi đến nơi này. Vị ấy ăn mặc dơ dáy, tồi tàn, tựa như loài yêu tinh ở đống rác, đã có buộc mảnh vải lượm từ đống rác ở cổ. Vị ấy đã làm cho đứa con trai này của bà trở nên như vậy.”

 

2340. “Bậc có trí tuệ uyên bác đã đi về hướng nào? Này các thanh niên Bà-la- môn, các ngươi hãy nói với ta về việc ấy. Chúng ta hãy đi đến (gặp vị ẩn sĩ) và sửa chữa lại lỗi lầm ấy, có lẽ chúng ta sẽ nhận được lại cuộc sống cho đứa con trai ấy của ta.”

 

2341. “Bậc có trí tuệ uyên bác đã đi theo đường hư không, tựa như mặt trăng ở vào giữa cuộc hành trình trong ngày rằm. Hơn nữa, vị ẩn sĩ có sự công nhận về pháp chân thật, có dáng vóc tốt đẹp ấy, đã đi về hướng đông.”

 

2342. “Cái đầu đã bị vặn ngược về phía sau. Nó xuội cánh tay không còn hoạt động. Các con mắt trắng dã giống như của người chết. Kẻ nào đã làm cho đứa con trai này của ta trở nên như vậy?”

 

2343. “Quả thật, có các Dạ-xoa có đại năng lực, đã đi đến tháp tùng theo các vị ẩn sĩ có vóc dáng tốt đẹp (đã thành tựu đức hạnh). Chính các Dạ-xoa ấy, sau khi biết được (con trai nàng có) tâm xấu xa, bực bội, đã làm cho con trai của nàng trở nên như vậy.”

 

2344. “Và các Dạ-xoa đã làm cho con trai của thiếp trở nên như vậy. Thưa bậc hành Phạm hạnh, riêng ngài xin chớ giận dữ với thiếp. Thiếp đi đến nương nhờ hai bàn chân của chính ngài. Thưa vị tỳ khưu, thiếp đã đi đến vì nỗi sầu muộn về đứa con trai.”

 

2345. “Đối với ta, đúng ngay vào lúc ấy và bây giờ, không có chút nào sân hận trong ý nghĩ của ta. Và con trai của nàng bị say sưa do sự kiêu hãnh về Kinh Vệ Đà; nó đã học thuộc Kinh Vệ Đà nhưng không hiểu biết ý nghĩa.”

 

2346. “Thật vậy, thưa vị tỳ khưu, đương nhiên sự nhận biết của con người cũng bị mê mờ trong chốc lát. Thưa bậc có trí tuệ uyên bác, xin ngài hãy tha thứ cho một sự sai trái. Các bậc sáng suốt không có năng lực của sự giận dữ.”

 

2347. “Và đây là miếng ăn do đứng chầu chực của ta. Hãy cho Maṇḍavya thiểu trí ăn vật ấy. Các Dạ-xoa sẽ không quấy nhiễu con trai của nàng, và đứa con trai ấy của nàng sẽ khỏi bệnh.”

 

2348. “Này Maṇḍavya, con thật là ngu si, thiểu trí, là kẻ không rành rẽ về các thửa ruộng phước. Con ban phát vật thí ở những kẻ có khuyết điểm lớn, ở những kẻ có hành động bị ô nhiễm, ở những kẻ đã không tự chế ngự.

 

2349. Những vị có tóc được bện lại, mặc y phục bằng da dê, râu mọc dài ở miệng tựa như cái giếng nước cũ kỹ. Con hãy nhìn xem người này, có sự ăn mặc dơ dáy. Không nên hộ độ kẻ tóc bện, mặc y da dê, nhưng thiểu trí.

 

2350. Đối với những vị nào có sự luyến ái, sân hận, và vô minh đã được dứt trừ, những bậc A-la- hán có các lậu hoặc đã được cạn kiệt, sự bố thí ở những vị ấy có quả báu lớn lao.”

 

xxxx. “Sau khi có tâm ý xấu xa với vị ẩn sĩ Mātaṅga có danh tiếng, vua xứ Mejjha cùng toàn bộ xứ sở đã bị tiêu diệt. Từ đó, đã có khu rừng Mejjha.”

 

Bổn Sanh Ẩn Sĩ Mātaṅga. [497]

 

***

 

2. BỔN SANH CITTA VÀ SAMBHŪTA

 

2351. “Mọi việc làm của con người đều có quả báo và khéo được tích lũy. Không có nghiệp nào là rỗng không (không có quả báo). Trẫm nhìn thấy Sambhūta có đại năng lực, đã được thành tựu quả phước do nghiệp của bản thân.

 

2352. Mọi việc làm của con người đều có quả báo và khéo được tích lũy. Không có nghiệp nào là rỗng không (không có quả báo). Phải chăng cũng tương tự y như thế đối với Citta? Phải chăng sự thành tựu thuộc về ý của người ấy cũng giống như của trẫm?”

 

2353. “Mọi việc làm của con người đều có quả báo và khéo được tích lũy. Không có nghiệp nào là rỗng không (không có quả báo). Tâu bệ hạ, xin bệ hạ hãy nhận biết về Citta là tương tự y như vậy. Sự thành tựu thuộc về ý của người ấy cũng giống như của bệ hạ.”

 

2354. “Phải chăng khanh là Citta? Khanh đã nghe từ chính vị ấy nói? Hay là người nào đó đã nói điều này về vị ấy với khanh? Câu kệ ngôn đã được ngâm nga khéo léo; không có sự hoài nghi đối với trẫm. Trẫm ban cho khanh ân huệ là một trăm ngôi làng.”

 

2355. “Thần không phải là Citta. Thần đã không nghe từ chính vị ấy nói. Một vị ẩn sĩ đã nói điều ấy cho thần rằng: ‘Ngươi hãy đi đến gặp và ngâm nga câu kệ ngôn cho đức vua nghe. Thậm chí được hoan hỷ, đức vua cũng có thể ban cho ngươi ân huệ.’”

 

2356. “Đúng vậy, hãy cho thắng ngựa vào cỗ vương xa đã khéo được kiến tạo, có các tấm thảm may nhiều màu sắc. Các khanh hãy buộc dây đai, hãy đeo vòng trang sức ở cổ cho các con voi.

 

2357. Hãy cho vỗ lên các trống lớn, trống nhỏ, và các tù và. Và hãy thắng ngựa cho những cỗ xe tốc hành. Ngay hôm nay, trẫm sẽ đi đến khu ẩn cư ấy, ngay tại nơi mà trẫm sẽ nhìn thấy vị ẩn sĩ ngồi.”

 

2358. “Quả thật, lợi ích khéo đạt được đã có cho trẫm! Câu kệ ngôn đã được ngâm nga khéo léo ở giữa hội chúng. Trẫm đây được hân hoan, sau khi nhìn thấy vị ẩn sĩ thành tựu về giới và phận sự; trẫm trở nên vui sướng.

 

2359. Xin bậc đạo hạnh hãy tiếp nhận chỗ ngồi, nước, dầu bôi chân của chúng tôi. Chúng tôi xin phép dâng bậc đạo hạnh các vật giá trị. Xin bậc đạo hạnh hãy thọ nhận vật giá trị của chúng tôi.

 

2360. Và hãy để cho bọn họ làm cho chỗ trú ngụ của ngài trở nên xinh xắn. Xin ngài hãy để cho đám phụ nữ hầu hạ. Xin ngài hãy tạo cho cơ hội, không có ngăn cản. Cả hai chúng ta hãy cai quản vương quốc này.”

 

2361. “Tâu bệ hạ, sau khi nhìn thấy kết quả của uế hạnh, rồi quả thành tựu lớn lao của việc hành thiện, tôi sẽ tự chế ngự bản thân như vậy, không cầu mong con cái, thú vật, hay tài sản.

 

2362. Đời sống của loài người ở thế gian này chỉ có mười giai đoạn mười năm này thôi. Khi giới hạn ấy vẫn còn chưa đạt đến, con người tựa như cây sậy đã bị đốn ngã, khô héo dần.

 

2363. Ở cuộc sống ấy, cái gì là sự vui vẻ, cái gì là sự chơi đùa, cái gì là sự khoái lạc, cái gì là sự tầm cầu tài sản? Đối với tôi, có việc gì với các con và những người vợ? Tâu bệ hạ, tôi đã thoát ra khỏi sự trói buộc.

 

2364. Tôi đây nhận biết rõ điều ấy, Tử Thần không mê hoặc được tôi. Đối với người đã bị Thần Chết chế ngự, thì cái gì là sự khoái lạc, cái gì là sự tầm cầu tài sản?

 

2365. Tâu vị chúa của loài người, việc sanh ra ở loài người là thấp thỏi, dòng dõi của hạng người hạ tiện là kém cỏi nhất trong số các loài hai chân. Do các nghiệp vô cùng xấu xa của bản thân, chúng ta đã sanh vào bào thai của dòng dõi hạ tiện trong thời quá khứ.

 

2366. Chúng ta đã là những người dòng dõi hạ tiện ở xứ Avantī, là loài nai ở cạnh sông Nerañjarā, là chim ưng ở bờ sông Nammadā, chúng ta đây, hôm nay, là Bà-la-môn và Sát-đế-lỵ.

 

2367. Mạng sống này bị dẫn đi, có tuổi thọ ít ỏi. Đối với người bị dẫn đi bởi tuổi già, các nơi trú ẩn là không có. Này Pañcāla, bệ hạ hãy làm theo lời nói này của tôi. Chớ tạo các nghiệp đưa đến khổ đau.

 

2368. Mạng sống này bị dẫn đi, có tuổi thọ ít ỏi. Đối với người bị dẫn đi bởi tuổi già, các nơi trú ẩn là không có. Này Pañcāla, bệ hạ hãy làm theo lời nói này của tôi. Chớ tạo các nghiệp có kết quả khổ đau.

 

2369. Mạng sống này bị dẫn đi, có tuổi thọ ít ỏi. Đối với người bị dẫn đi bởi tuổi già, các nơi trú ẩn là không có. Này Pañcāla, bệ hạ hãy làm theo lời nói này của tôi. Chớ tạo các nghiệp khiến đầu bị lấm bụi (ô nhiễm).

 

2370. Mạng sống này bị dẫn đi, có tuổi thọ ít ỏi. Sự già tiêu hủy sắc đẹp của người đang bị già. Này Pañcāla, bệ hạ hãy làm theo lời nói này của tôi. Chớ tạo các nghiệp đưa đến việc sanh vào địa ngục.”

 

2371. “Quả đúng vậy, lời nói ấy của ngài là sự thật, giống như vị ẩn sĩ đã nói điều ấy như vậy. Thưa vị tỳ khưu, các dục của trẫm có vẻ không ít, chúng là khó dứt bỏ bởi người như trẫm.

 

2372. Giống như con voi bị lún xuống ở giữa bãi lầy, trong khi nhìn thấy đất bằng nhưng không có khả năng để đi đến; cũng tương tự như vậy, trẫm bị lún xuống ở bãi lầy dục vọng, không đi theo con đường của vị tỳ khưu được.

 

2373. Cũng giống như người mẹ và người cha chỉ dạy đứa con trai sao cho nó có thể có sự an lạc, thưa ngài, cũng tương tự như vậy, xin ngài hãy chỉ dạy trẫm cách thực hành nào để sau khi chết, trẫm có thể có sự an lạc.”

 

2374. “Tâu vị chúa của loài người, nếu bệ hạ không thể nỗ lực để dứt bỏ các dục này thuộc về loài người, tâu bệ hạ, bệ hạ hãy thiết lập luật pháp có đủ sức mạnh, và chớ để lối hành xử bất công xảy ra ở xứ sở của bệ hạ.

 

2375. Hãy cho các sứ giả đi khắp bốn phương thỉnh mời các vị Sa-môn và Bà-la-môn. Bệ hạ hãy hộ độ các vị ấy với cơm ăn và nước uống, với y phục và vật dụng nằm ngồi.

 

2376. Với tâm tịnh tín, bệ hạ hãy làm hài lòng các vị Sa-môn và Bà-la-môn với cơm ăn và nước uống. Sau khi bố thí và hưởng thụ tùy theo khả năng, là người không bị chê trách, bệ hạ sẽ đạt đến vị thế cõi trời.

 

2377. Tâu bệ hạ, nếu sự mê đắm khống chế bệ hạ trong khi bệ hạ đang tiêu khiển với đám phụ nữ, bệ hạ hãy chú tâm vào chính câu kệ ngôn này và hãy cho giảng giải nó ở giữa hội chúng.

 

2378. Con người (trước đây) có chỗ nằm ngủ ở ngoài trời, được mẹ cho bú sữa trong lúc mẹ đang phải di chuyển, bị bỏ rơi lăn lóc với những con chó, người ấy hôm nay được gọi là ‘đức vua.’”

 

Bổn Sanh Citta và Sambhūta. [498]

 

***

 

3. BỔN SANH ĐỨC VUA SIVI

 

2379. Chính lão già, trong lúc (bị mù) không nhìn thấy, từ nơi xa xôi đã đi đến để cầu xin con mắt (nói rằng): “Chúng ta sẽ có (mỗi người) một con mắt. Được yêu cầu, xin bệ hạ hãy bố thí con mắt đến tôi.”

 

2380. “Này lão ăn mày, được ai chỉ bảo mà lão đã đi đến nơi này để cầu xin thị giác. Lão cầu xin phần cơ thể quý giá nhất, là vật khó dứt bỏ vô cùng. Người ta đã nói con mắt là vật khó dứt bỏ bởi con người.”

 

2381. “Người đã nói điều ấy là ‘Chồng của nàng Sujā’ ở cõi Trời. Người ở trần gian đã gọi vị ấy là ‘Maghavā.’ Được vị ấy chỉ bảo nên lão ăn mày tôi đã đi đến nơi này để cầu xin thị giác.

 

2382. Trong khi lão đang van nài điều cầu xin tột đỉnh, xin bệ hạ hãy bố thí thị giác đến lão; được cầu xin, xin bệ hạ hãy bố thí thị giác cao quý đến lão; người ta đã nói con mắt là vật khó dứt bỏ bởi con người.”

 

2383. “Trong khi mong mỏi mục đích gì thì người ta đã đi đến vì mục đích ấy. Hãy để cho các ý định ấy của lão được thành tựu. Này Bà-la-môn, lão hãy nhận lấy hai con mắt.

 

2384. Trong khi lão cầu xin một, trẫm cho lão cả hai. Có mắt rồi, lão hãy đi cho dân chúng chiêm ngưỡng. Điều nào mà lão mong muốn, mong rằng điều ấy hãy được thành tựu trọn vẹn cho lão”

 

2385. “Tâu bệ hạ, bệ hạ chớ bố thí con mắt cho chúng thần, chớ dứt bỏ tất cả cho chúng thần. Tâu đại vương, đại vương hãy bố thí tài sản, con cái, và nhiều ngọc bích.

 

2386. Tâu bệ hạ, bệ hạ hãy bố thí các cỗ xe đã được thắng ngựa thuần chủng và đã được trang hoàng. Tâu đại vương, đại vương hãy bố thí những con voi được nai nịt và phục sức bằng vàng.

 

2387. Tâu đấng thủ lãnh xa binh, giống như tất cả dân chúng xứ Sivi cùng với các cỗ xe kéo, và các cỗ xe ngựa luôn luôn hộ tống xung quanh bệ hạ, bệ hạ hãy bố thí (tài sản và các vật ngoại thân) như thế ấy.”

 

2388. “Thật vậy, người nào sau khi nói rằng: ‘Tôi sẽ bố thí,’ rồi có ý định không bố thí nữa, người ấy tự máng vào cổ cái bẫy đã được cài đặt ở mặt đất.

 

2389. Thật vậy, người nào sau khi nói rằng: ‘Tôi sẽ bố thí,’ rồi có ý định không bố thí nữa, người ấy còn xấu xa hơn cả kẻ xấu xa, bị đọa vào chốn đọa đày của Diêm Vương.

 

2390. Nên bố thí vật mà người ta cầu xin. không nên bố thí vật mà người ta không cầu xin. Trẫm đây sẽ bố thí vật mà người Bà-la-môn cầu xin trẫm.”

 

2391. “Tâu vị chúa của loài người, trong khi ước nguyện điều gì mà bệ hạ bố thí? Có phải là tuổi thọ, sắc đẹp, hạnh phúc, hay sức mạnh? Tại sao đức vua vô thượng của xứ Sivi lại bố thí hai con mắt vì nguyên nhân là thế giới (tái sanh) khác?”

 

2392. “Ta bố thí vật ấy không vì danh tiếng, không vì ước muốn con trai, không vì tài sản, không vì vương quốc. Đây là pháp đã được thực hành thời xa xưa của các bậc thiện nhân, chính vì như thế mà tâm ý của trẫm vui thích trong việc bố thí.”

 

2393. “Hai con mắt không có bị ta ghét bỏ, bản thân không có bị ta ghét bỏ; đối với ta quả vị Toàn Giác là yêu quý, vì thế ta đã bố thí con mắt.

 

2394. Này Sīvaka, khanh là người cộng sự và là bạn bè của trẫm. Là người đã được học tập rành rẽ, khanh hãy thực hiện tốt đẹp lời nói của trẫm. Trẫm mong muốn khanh hãy móc ra hai con mắt của trẫm rồi đặt vào ở hai bàn tay của lão ăn mày.”

 

2395. “Được khuyến khích bởi đức vua Sivi, Sīvaka, người thực hiện lời nói, đã móc ra hai con mắt của đức vua rồi trao cho vị Bà-la-môn. Vị Bà-la-môn đã trở nên có mắt sáng, còn đức vua đã rơi vào cảnh mù lòa.”

 

2396. Sau đó vài ngày, khi hai con mắt đã được phục hồi, vị vua ấy, bậc làm hưng thịnh vương quốc Sivi, đã bảo người đánh xe rằng:

 

2397. “Này xa phu, khanh hãy thắng ngựa vào cỗ xe, và hãy thông báo khi đã làm xong. Chúng ta sẽ đi đến khu vườn giải trí, hồ sen, và các khu rừng.”

 

2398. Và đức vua đã đi đến bờ hồ bằng chiếc kiệu khiêng. Đấng Thiên Vương Sakka, chồng của nàng Sujā, đã hiện ra trước đức vua.

 

2399. “Ta là Sakka, chúa tể của chư Thiên, đã đi đến bên cạnh bệ hạ. Tâu vị ẩn sĩ vương, xin bệ hạ hãy chọn một ân huệ về bất cứ điều gì bệ hạ mong muốn ở trong tâm.”

 

2400. “Thưa Sakka, tài sản của trẫm có nhiều, sức mạnh và kho báu không phải là ít. Giờ đây, đối với trẫm, trong khi bị mù lòa, chỉ có cái chết là được ưa thích.”

 

2401. “Tâu chúa tể của loài người, những gì là sự thật, tâu vị Sát-đế-lỵ, xin bệ hạ hãy nói ra những điều ấy. Trong khi bệ hạ nói ra sự thật, con mắt sẽ có trở lại cho bệ hạ.”

 

2402. “Những người đi đến cầu xin trẫm là những kẻ ăn mày có dòng họ khác nhau. Kẻ nào cầu xin trẫm ở tại nơi ấy, trẫm đều có tâm yêu quý đối với kẻ ấy. Do lời nói chân thật này, mong rằng con mắt hãy sanh lên cho trẫm.

 

2403. Về việc lão Bà-la-môn ấy đã đi đến cầu xin trẫm rằng: ‘Xin bệ hạ hãy bố thí con mắt,’ trẫm đã ban cho lão Bà-la-môn ăn mày ấy hai con mắt.

 

2404. Sự hoan hỷ đã khởi lên ở trẫm nhiều hơn nữa, sự vui mừng đã sanh lên không phải là ít. Do lời nói chân thật này, mong rằng con mắt thứ hai hãy sanh lên cho trẫm.”

 

2405. “Thưa bậc làm hưng thịnh vương quốc Sivi, các kệ ngôn đã được nói đúng với bản thể. Cặp mắt thuộc cõi Trời này được hiện ra cho bệ hạ.

 

2406. Mong rằng bệ hạ đạt được việc nhìn thấy xuyên qua bức tường, xuyên qua tảng đá, băng qua núi non, và một trăm do-tuần ở xung quanh.”

 

2407. “Người nào ở thế gian này, khi không được cầu xin, mà có thể bố thí của cải, thậm chí là vật tuyệt vời nhất, thậm chí là vật vô cùng yêu quý đối với bản thân? Nào, tất cả dân chúng xứ Sivi đã tụ tập lại, các người hãy nhìn xem cặp mắt thuộc cõi Trời của trẫm.

 

2408. Trẫm đạt được việc nhìn thấy xuyên qua bức tường, xuyên qua tảng đá, băng qua núi non, và một trăm do-tuần ở xung quanh.

 

2409. Không có bất cứ việc gì cao hơn sự việc xả thí ở nơi này, ở cuộc sống của con người. Sau khi bố thí con mắt thuộc nhân loại, trẫm nhận được con mắt thuộc cõi Trời.

 

2410. Này các người dân xứ Sivi, sau khi nhìn thấy việc này, các người hãy bố thí các vật thí, các ngươi hãy thụ hưởng. Sau khi bố thí và thụ hưởng tùy theo khả năng, là những người không bị chê trách, các người sẽ đạt đến vị thế cõi Trời.”

 

Bổn Sanh Đức Vua Sivi. [499]

 

***

 

4. BỔN SANH SIRIMANDA

 

2411. “Người có trí tuệ nhưng thiếu về uy quyền, hay là người có danh vọng mà không có trí tuệ, này Senaka, trẫm hỏi ngài về sự việc này, các bậc thiện xảo nói người nào trong hai người này là tốt hơn?”

 

2412. “Tâu vị chúa của loài người, thật vậy, những bậc trí và những kẻ ngu, những người có kiến thức và không có kiến thức, dầu cho có dòng dõi cao quý, cũng trở thành những người làm công việc phục vụ cho kẻ không có dòng dõi cao quý nhưng có danh vọng. Sau khi nhìn thấy điều ấy, thần nói rằng: người có trí tuệ thấp kém nhưng có uy quyền là tốt hơn.”

 

2413. “Trẫm cũng hỏi luôn cả khanh nữa, này Mahosadha, vị có trí tuệ tuyệt đỉnh, có sự nhìn thấy tất cả các pháp, các bậc thiện xảo nói người nào trong hai người này là tốt hơn?”

 

2414. “Kẻ ngu làm các hành động xấu xa nghĩ rằng: ‘Chính cái này (uy quyền) là tốt hơn.’ Có sự nhìn thấy đời này, không nhìn thấy đời sau, kẻ ngu gánh lấy tai họa trong cả hai đời. Sau khi nhìn thấy điều ấy, thần nói rằng: chính người có trí tuệ là tốt hơn, không phải kẻ ngu có danh vọng.”

 

2415. “Không phải kiến thức này đem lại của cải, không phải các thân quyến, không phải ưu thế về cơ thể (đem lại của cải). Bệ hạ hãy nhìn xem gã Gorimanda ngu dốt đang tràn trề hạnh phúc, bởi vì uy quyền thân cận với gã. Sau khi nhìn thấy điều ấy, thần nói rằng: Người có trí tuệ thì bị hạ thấp, chính kẻ có uy quyền là tốt hơn.”

 

2416. Sau khi đạt được hạnh phúc, kẻ thiểu trí bị say mê. Còn người bị tác động bởi khổ đau, cũng đi đến sự mê muội. Bị tác động bởi hạnh phúc hay khổ đau xảy đến, con người run rẩy tựa như loài thủy tộc giãy giụa ở nơi nóng bức. Sau khi nhìn thấy điều ấy, thần nói rằng: Chính người có trí tuệ là tốt hơn, không phải kẻ ngu có danh vọng.”

 

2417. “Giống như cây có trái ngọt ở trong rừng, các con chim lai vãng ở xung quanh, cũng tương tự như thế, số đông người thân cận với kẻ giàu sang, có tài sản, có của cải, vì nguyên nhân lợi lộc. Sau khi nhìn thấy điều ấy, thần nói rằng: Người có trí tuệ thì bị hạ thấp, chính kẻ có uy quyền là tốt hơn.”

 

2418. “Chẳng tốt lành gì việc kẻ ngu có quyền thế tìm kiếm tài sản bằng bạo lực. Các viên quan canh giữ địa ngục kéo lôi kẻ ngu muội còn đang than khóc vào địa ngục vô số kể. Sau khi nhìn thấy điều ấy, thần nói rằng: Chính người có trí tuệ là tốt hơn, không phải kẻ ngu có danh vọng.”

 

2419. “Mọi dòng sông đều chảy vào sông Gaṅgā; tất cả các dòng sông ấy đều từ bỏ danh xưng và gốc gác. Trong khi đạt đến biển cả, sông Gaṅgā không còn được biết đến; bởi vì kẻ khác có quyền lực hiện diện ở trên đời, (người trí không còn được biết đến). Sau khi nhìn thấy điều ấy, thần nói rằng: Người có trí tuệ thì bị hạ thấp, chính kẻ có uy quyền là tốt hơn.”

 

2420. “Biển cả to lớn mà vị Senaka đã nói đến có các dòng sông luôn chảy vào không kể xiết, biển cả ấy, là đại dương, thường xuyên có lực đẩy khủng khiếp, nhưng không tràn qua bờ.

 

2421. Cũng tương tự như vậy, những lời nói làm nhảm của kẻ ngu (không qua mặt được người trí); uy quyền không bao giờ vượt hơn trí tuệ. Sau khi nhìn thấy điều ấy, thần nói rằng: Chính người có trí tuệ là tốt hơn, không phải kẻ ngu có danh vọng.”

 

2422. “Nếu kẻ có danh vọng, đã đạt được địa vị, dẫu cho không có giới hạnh, trình bày sự việc cho những người khác, lời nói của chính kẻ ấy có giá trị ở giữa các thân quyến; chính uy quyền giúp cho gã ấy vượt lên, không phải trí tuệ. Sau khi nhìn thấy điều ấy, thần nói rằng: Người có trí tuệ thì bị hạ thấp, chính kẻ có uy quyền là tốt hơn.”

 

2423. “Dẫu cho vì nguyên nhân của người khác hay của bản thân, kẻ ngu, kém trí tuệ, nói lời dối trá, kẻ ấy bị chê bai ở giữa hội chúng. Thậm chí sau khi chết, kẻ ấy còn bị đi đến chốn khổ đau. Sau khi nhìn thấy điều ấy, thần nói rằng: Chính người có trí tuệ là tốt hơn, không phải kẻ ngu có danh vọng.”

 

2424. “Nếu người có trí tuệ uyên bác, không dư dả, có ít tài sản, nghèo khó, trình bày sự việc, lời nói của người ấy không có giá trị ở giữa các thân quyến; và uy quyền không thuộc về người có trí tuệ. Sau khi nhìn thấy điều ấy, thần nói rằng: Người có trí tuệ thì bị hạ thấp, chính kẻ có uy quyền là tốt hơn.”

 

2425. “Dẫu cho vì nguyên nhân của người khác hay của bản thân, người có trí tuệ uyên bác không nói lời không đúng sự thật, người ấy được tôn vinh ở giữa hội chúng. Và sau khi chết, người ấy được đi đến chốn an vui. Sau khi nhìn thấy điều ấy, thần nói rằng: Chính người có trí tuệ là tốt hơn, không phải kẻ ngu có danh vọng.”

 

2426. “Các con voi, bò, ngựa, các bông tai ngọc ma-ni, và các nữ nhân được phát hiện ở các gia tộc giàu có; toàn bộ tất cả các nàng ấy là vật sở hữu. Những người không có quyền thế là thuộc về người có quyền thế. Sau khi nhìn thấy điều ấy, thần nói rằng: Người có trí tuệ thì bị hạ thấp, chính kẻ có uy quyền là tốt hơn.”

 

2427. “Uy quyền từ bỏ kẻ ngu muội, kẻ có việc làm không được sắp xếp, kẻ ngu dốt có suy nghĩ xấu xa, tựa như con rắn từ bỏ lớp da đã bị già cỗi. Sau khi nhìn thấy điều ấy, thần nói rằng: Chính người có trí tuệ là tốt hơn, không phải kẻ ngu có danh vọng.”

 

2428. “Tâu bậc tôn kính, năm người sáng suốt chúng thần, tất cả đều chắp tay hầu cận. Ngài đã khuất phục chúng thần và là vị chúa tể, tựa như Sakka là người chủ quản của các sanh linh, vị chúa của chư Thiên. Sau khi nhìn thấy điều ấy, thần nói rằng: Người có trí tuệ thì bị hạ thấp, chính kẻ có uy quyền là tốt hơn.”

 

2429. “Kẻ ngu có danh vọng chính là nô lệ của người trí. Khi các công việc thuộc loại như thế ấy sanh khởi, người sáng suốt xếp đặt công việc một cách khéo léo, trong trường hợp ấy kẻ ngu đi đến sự rối loạn. Sau khi nhìn thấy điều ấy, thần nói rằng: Chính người có trí tuệ là tốt hơn, không phải kẻ ngu có danh vọng.

 

2430. Thật vậy, bởi vì chính trí tuệ đã được các bậc thiện nhân ca tụng, còn loài người ưa thích của cải, uy quyền được chúng yêu mến. Và trí của chư Phật là không thể sánh bằng. Uy quyền không bao giờ vượt hơn trí tuệ.”

 

2431. “Điều mà chúng ta đã hỏi khanh, khanh đã trả lời cho chúng ta. Này Mahosadha, vị có sự nhìn thấy tất cả các pháp, được hài lòng với việc giải thích câu hỏi, ta ban cho khanh một ngàn bò cái, một bò mộng, và một con voi, với mười cỗ xe kéo đã được thắng vào những con ngựa thuần chủng này, và ân huệ là mười sáu ngôi làng.”

 

Bổn Sanh Sirimanda. [500]

 

***

 

5. BỔN SANH NAI ROHANTA

 

2432. “Này Cittaka, bầy hươu này kinh sợ sự chết, nên bỏ đi. Em cũng hãy đi đi, chớ nghi ngại. Bầy hươu sẽ sống với em.”

 

2433. “Anh Rohanta, em không đi. Trái tim em níu em lại. Em sẽ không lìa bỏ anh. Em sẽ buông bỏ mạng sống ở đây.”

 

2434. “Bởi vì mẹ và cha thì mù lòa, không người dẫn dắt, có lẽ họ sẽ phải chết. Em cũng hãy đi đi, chớ nghi ngại. Mẹ và cha sẽ sống với em.”

 

2435. “Anh Rohanta, em không đi. Trái tim em níu em lại. Em sẽ không lìa bỏ anh đang bị trói buộc. Em sẽ buông bỏ mạng sống ở đây.”

 

2436. “Này em gái nhút nhát, em hãy đi đi, hãy tẩu thoát đi. Anh bị trói chặt vào cái cùm sắt rồi. Em cũng hãy đi đi, chớ nghi ngại. (Ba người) họ sẽ sống với em.”

 

2437. “Anh Rohanta, em không đi. Trái tim em níu em lại. Em sẽ không lìa bỏ anh. Em sẽ buông bỏ mạng sống ở đây.”

 

2438. “Bởi vì mẹ và cha thì mù lòa, không người dẫn dắt, có lẽ họ sẽ phải chết. Em cũng hãy đi đi, chớ nghi ngại. Mẹ và cha sẽ sống với em.”

 

2439. “Anh Rohanta, em không đi. Trái tim em níu em lại. Em sẽ không lìa bỏ anh đang bị trói buộc. Em sẽ buông bỏ mạng sống ở đây.”

 

2440. “Gã thợ săn kia đi đến kìa, với dáng vẻ dữ tợn, có vũ khí. Hôm nay, gã ấy sẽ giết chết chúng ta bằng giươm, thậm chí bằng giáo.”

 

2441. Bị áp đảo vì nỗi sợ hãi, bị kinh hoàng vì nỗi sợ hãi, con hươu cái nhỏ đã bỏ chạy một chốc lát, rồi đã quay trở lại chấp nhận cái chết; nó đã làm một việc vô cùng khó làm.

 

2442. “Hai con nai này được tự do, lại luẩn quẩn ở bên con nai bị mắc bẫy, phải chăng chúng không muốn bỏ rơi con nai ấy, thậm chí vì lý do của mạng sống?”

 

2443. “Này thợ săn, chúng là hai đứa em có cùng xuất xứ, có chung một mẹ với ta. Chúng không muốn bỏ rơi ta, thậm chí vì lý do của mạng sống.”

 

2444. “Bởi vì mẹ và cha thì mù lòa, không người dẫn dắt, có lẽ họ sẽ phải chết. Này thợ săn, xin ông hãy tha mạng sống cho năm người, xin ông hãy phóng thích anh trai của ta.”

 

2445. “Ta đây sẽ phóng thích con nai đang phụng dưỡng mẹ cha. Mong rằng nai mẹ và nai cha được vui mừng, sau khi nhìn thấy con nai vĩ đại được tự do.”

 

2446. “Này thợ săn, mong rằng ông được vui mừng như vậy cùng với tất cả thân quyến, giống như ta hôm nay được vui mừng, sau khi nhìn thấy con nai vĩ đại được tự do.”

 

2447. “Làm thế nào con có được sự phóng thích khi mạng sống đã bị dẫn dắt đi? Này con trai, tại sao người thợ săn đã giải thoát cho con khỏi cái cùm, khỏi cái bẫy?”

 

2448. “Trong khi thốt lên lời nói làm khoái lỗ tai, đâm vào trái tim, lắng đọng ở tim, Cittaka đã giải thoát cho con bằng những lời nói được khéo nói.

 

2449. Trong khi thốt lên lời nói làm khoái lỗ tai, đâm vào trái tim, lắng đọng ở tim, Sutanā đã giải thoát cho con bằng những lời nói được khéo nói.

 

2450. Sau khi lắng nghe lời nói làm khoái lỗ tai, đâm vào trái tim, lắng đọng ở tim, sau khi lắng nghe những lời khéo nói, người thợ săn đã giải thoát cho con.”

 

2451. “Mong rằng người thợ săn được vui mừng như vậy cùng với những người vợ, giống như chúng ta hôm nay được vui mừng, sau khi nhìn thấy Rohanta trở về.”

 

2452. “Này thợ săn, chẳng phải khanh đã nói rằng: ‘Thần sẽ mang về con nai hoặc tấm da nai’? Vậy thì vì lý do gì mà khanh đã không mang về con nai hay tấm da nai?”

 

2453. “Con nai ấy đã ở trong tay, và nó thật sự đã đi vào đã cái cùm, cái bẫy. Nó đã bị bắt, và nó là con nai chúa. Hai con khác, được tự do, đã luẩn quẩn ở bên con nai ấy.

 

2454. Sự chấn động, sự dựng đứng lông trước đây chưa từng có, đã xảy ra ở thần đây. Và nếu thần giết chết con nai này, thần sẽ buông bỏ mạng sống ngày hôm nay.”

 

2455. “Này thợ săn, những con nai ấy là như thế nào, các con nai có đạo đức như thế nào, màu sắc ra sao, tánh hạnh ra sao mà khanh ca ngợi chúng lắm thế?”

 

2456. “Chúng có cặp sừng trắng sáng, chùm lông đuôi sạch sẽ, làn da tựa như vàng, các móng chân màu đỏ sẫm, hai con mắt long lanh, đáng yêu.

 

2457. Tâu bệ hạ, các con nai ấy là như thế ấy, là các con thú có đạo đức như thế ấy. Tâu bệ hạ, chúng đang phụng dưỡng mẹ cha. Thần đây đã không bắt chúng đem đi.”

 

2458. “Này thợ săn, trẫm sẽ ban thưởng một trăm tiền vàng lớn, bông tai ngọc ma-ni loại lớn, kiệu khiêng bốn bên đều lót nệm có màu sắc rực rỡ giống như màu hoa của cây bông vải, –

 

2459. –thêm hai người vợ tương xứng, cùng với bò mộng và bò cái một trăm con. Này thợ săn, khanh là người có nhiều công đức đối với trẫm. Trẫm sẽ trị vì vương quốc một cách công minh.

 

2460. Này thợ săn, có các nghề trồng trọt, buôn bán, cho vay nợ, lượm lặt để mưu sinh, khanh hãy cấp dưỡng vợ bằng các nghề ấy, chớ có làm điều ác nữa.”

 

Bổn Sanh Nai Rohanta. [501]

 

***

 

6. TIỂU BỔN SANH THIÊN NGA

 

2461. “Các con thiên nga ấy bay đi rồi, các con chim run rẩy vì sợ hãi. Này Sumukha có lông vàng, có sắc vàng, ngươi hãy bay đi như ý muốn.

 

2462. Đám thân quyến đã bỏ lại ta, ra đi không chờ đợi, khi một mình ta đã bị rơi vào bẫy, việc gì một mình ngươi còn ở lại?

 

2463. Này con chim cao cả, ngươi phải bay đi thôi! Không có tình bạn ở người bị giam cầm. Ngươi chớ bỏ lỡ cơ hội khi chưa bị nguy khốn. Này Sumukha, ngươi hãy bay đi như ý muốn.”

 

2464. “Thưa Dhataraṭṭha, (nghĩ rằng): ‘Ngài lâm cảnh khổ đau,’ tôi không thể bỏ rơi ngài. Tôi sẽ cùng sống hay cùng chết chung với ngài.”

 

2465. “Này Sumukha, điều ngươi nói là lời nói tốt lành của người thánh thiện. Và trong khi xem xét về ngươi, ta đã nói lời nói này: ‘Ngươi hãy bay đi.’”

 

2466. “Loài chim di chuyển ở không trung, tiến tới một bước không phải dùng chân. Ngươi là ưu tú nhất trong số các con chim thiên nga, tại sao từ đàng xa ngươi đã không phát hiện ra cái bẫy?”

 

2467. “Khi con người có sự tiêu vong, ở vào giai đoạn cuối của mạng sống, thậm chí đã đến gần bên lưới giăng và bẫy sập cũng không nhận biết.”

 

2468. “Các con thiên nga ấy bay đi rồi, các con chim run rẩy vì sợ hãi. Này chim có lông vàng, có sắc vàng, có phải ngươi ở lại với chim kia?

 

2469. Này chim, các con chim ấy, sau khi ăn và uống xong, bay đi không chờ đợi, chỉ còn một mình ngươi hầu cận.

 

2470. Vậy con chim này là gì đối với ngươi? Ngươi được tự do, sao lại hầu cận kẻ bị giam cầm? Các con chim đã bỏ lại rồi ra đi, tại sao một mình ngươi hầu cận?”

 

2471. “Chim ấy là vua, bạn bè, thân hữu của tôi, và sánh bằng mạng sống của tôi. Tôi sẽ không bao giờ rời bỏ chim ấy cho đến cuối cuộc đời.”

 

2472. “Vì nguyên nhân bạn bè mà ngươi đây muốn từ bỏ mạng sống, ta đây trả tự do cho bạn của ngươi. Chim thiên nga chúa hãy đi cùng với ngươi.”

 

2473. “Này thợ săn, mong rằng ông được vui mừng như vậy cùng với tất cả thân quyến, giống như ta hôm nay được vui mừng, sau khi nhìn thấy chim thủ lãnh được tự do.”

 

2474. “Bệ hạ có được an khang không? Bệ hạ có được khỏe mạnh không? Xứ sở này có được phồn thịnh không, và bệ hạ có trị vì một cách công minh không?”

 

2475. “Này chim thiên nga, trẫm được an khang. Và này chim thiên nga, trẫm được khỏe mạnh. Còn xứ sở này được phồn thịnh, và trẫm trị vì một cách công minh.”

 

2476. “Có phải bất cứ lỗi lầm nào đều không tìm thấy ở các quan đại thần của bệ hạ? Có phải các kẻ thù đều tránh xa bệ hạ, tựa như bóng nắng không chiếu về phía nam?”

 

2477. “Bất cứ lỗi lầm nào cũng đều không tìm thấy ở các quan đại thần của trẫm. Và các kẻ thù đều tránh xa trẫm, tựa như bóng nắng không chiếu về phía nam.”

 

2478. “Có phải người vợ tương xứng với bệ hạ có sự vâng lời, có lời nói đáng yêu, có được con trai, sắc đẹp, danh tiếng, và tuân theo ý muốn và quyền uy của bệ hạ?”

 

2479. “Còn người vợ tương xứng với trẫm có sự vâng lời, có lời nói đáng yêu, có được con trai, sắc đẹp, danh tiếng, và tuân theo ý muốn và quyền uy của trẫm.”

 

2480. “Tâu bậc làm hưng thịnh đất nước, có phải bệ hạ có nhiều con trai có dòng dõi cao sang, được thành tựu trí tuệ nhạy bén, và hòa hiếu ở mọi nơi?”

 

2481. “Này Dhataraṭṭha, trẫm có một trăm lẻ một người con trai, được nổi tiếng nhờ vào trẫm. Ngài hãy nói về phận sự của chúng, chúng không xao lãng lời nói của ngài.”

 

2482. “Dầu đã được sanh ra với dòng dõi hay tánh hạnh, mà thực hành việc rèn luyện chậm trễ thì sẽ đầu hàng khi có khó khăn, khi có các sự bất hạnh.

 

2483. Đối với người có trí tuệ bị suy giảm ấy, nghịch cảnh nảy sanh được quan trọng hóa, giống như người bị quáng gà, vào ban đêm nhìn thấy các hình thể được phóng đại.

 

2484. Người lầm tưởng cốt lõi ở điều không phải cốt lõi chẳng bao giờ đạt được sự hiểu biết, tựa như nai rừng gánh lấy tai họa ở khe núi hiểm trở.

 

2485. Dầu có dòng dõi thấp kém, mà là người cầu tiến, có nghị lực, đầy đủ hạnh kiểm và giới luật, vẫn tỏa sáng tựa như ngọn lửa trong bóng đêm.

 

2486. Hãy sử dụng ví dụ ấy của tôi và cho các con học tập các kiến thức. Người thông minh có thể trưởng thành, tựa như hạt giống ở thửa ruộng với cơn mưa.”

 

Tiểu Bổn Sanh Thiên Nga. [502]

 

***

 

7. BỔN SANH CHIM KÉT SATTIGUMBA

 

2487. Vị đại vương, đấng thủ lãnh xa binh của xứ Pañcāla, thích săn bắt nai, trong khi xuất hành cùng với đoàn quân, đã rời đám đông đi vào khu rừng.

 

2488. Ở nơi ấy, trong khu rừng, đức vua đã nhìn thấy căn chòi đã được dựng lên của bọn cướp. Từ trong căn chòi ấy, có con két bước ra và nói những lời hung dữ:

 

2489. “Người nam, còn trẻ tuổi, có cỗ xe hoàn hảo, có bông tai được đánh bóng, có khăn đội đầu màu đỏ, tỏa sáng, tựa như mặt trời chiếu sáng vào ban ngày.

 

2490. Bây giờ, vào lúc giữa trưa, vua với người đánh xe đã ngủ. Nào, chúng ta hãy dùng bạo lực đoạt lấy tất cả đồ trang sức của người này.

 

2491. Bây giờ vắng vẻ cũng như lúc nửa đêm, vua với người đánh xe đã ngủ. Chúng ta hãy lấy đi y phục và bông tai bằng ngọc ma-ni, rồi giết chết họ, và vùi lấp bằng những cành cây.”

 

2492. “Này chim két Sattigumba, ngươi nói cái gì như là kẻ bị điên khùng vậy? Bởi vì, các vị vua là khó lại gần, giống như ngọn lửa đã bùng cháy.”

 

2493. “Này Patikoḷamba, giờ ngươi lại say sưa, nói năng thô tháo. Trong khi mẹ của chúng ta bị thiếu thốn, vậy ngươi còn ghê tởm điều gì?

 

2494. “Này khanh, hãy mau dậy đi. Này xa phu, hãy thắng ngựa vào cỗ xe. Các con chim không làm ta vui thích. Chúng ta hãy đi đến chốn ẩn cư khác.”

 

2495. “Tâu đại vương, cỗ xe đã được thắng ngựa, phương tiện di chuyển có năng lực đã được sẵn sàng. Tâu đại vương, xin ngài bước lên. Chúng ta đi đến chốn ẩn cư khác.”

 

2496. “Những kẻ nào sống ở nơi này, tất cả bọn ấy đã đi đâu rồi? Vua xứ Pañcāla ấy ra đi tự do, thoát khỏi tầm nhìn của chúng rồi.

 

2497. Các ngươi hãy cầm lấy các cây cung, các gươm đao, và các cây giáo. Vua xứ Pañcāla ấy ra đi rồi. Chớ để gã thoát khỏi các ngươi, còn sống sót.”

 

2498. Rồi, một con chim két khác, có mỏ đỏ, đã vui mừng đón tiếp: ‘Tâu đại vương, chào mừng ngài đã đến, và hoan nghênh ngài đã đến! Là bậc quân vương, bệ hạ ngự đến nơi này có việc gì, xin bệ hạ cho biết.

 

2499. Tâu bệ hạ, xin ngài chọn lấy trái ngon nhất và hãy thưởng thức các trái cây ngọt như mật ong, các trái tinduka, piyāla, madhuka, kāsumārī.

 

2500. Tâu đại vương, còn đây là nước uống mát lạnh đã được mang lại từ hang núi. Sau đó, bệ hạ hãy uống nước, nếu ngài mong muốn.

 

2501. Những người sống ở nơi này đã đi vào rừng nhặt trái cây. Xin bệ hạ hãy tự mình đứng dậy và chọn lấy, thần không có tay để dâng lên.”

 

2502. “Con chim này quả thật là hiền thiện! Là con chim có đạo đức tuyệt vời. Còn con chim ấy ở nơi kia, con chim két nói những lời hung dữ rằng:

 

2503. ‘Các ngươi hãy giết chết gã ấy, hãy bắt lấy gã, Chớ để gã thoát khỏi các ngươi, còn sống sót.’ Trong khi nó lảm nhảm như vậy, trẫm đã đến được chốn ẩn cư này một cách an toàn.”

 

2504. “Tâu đại vương, cả hai chúng tôi là anh em, có cùng xuất xứ, có chung một mẹ, đã được lớn lên ở cùng một thân cây, rồi đã đi đến hai mảnh đất khác nhau.

 

2505. Sattigumba ở với bọn cướp, còn thần ở nơi này với các vị ẩn sĩ. Nó ở giữa những kẻ xấu, thần giữa những người tốt, nên không thể không bị ảnh hưởng bởi tư cách của những người ấy.

 

2506. Tại nơi ấy, có sự giết chóc, sự bắt bớ, sự tráo trở, và các sự gian lận, sự cướp giựt và các biểu hiện bạo lực; Sattigumba học theo các điều ấy ở nơi ấy.

 

2507. Ở nơi này, có sự chân thật, có thiện pháp, và sự không hãm hại, có sự thu thúc, có sự rèn luyện. Tâu đức vua, thần đã được lớn lên trong sự bảo bọc của những người có thói quen bố thí chỗ ngồi và nước uống cho khách lạ.

 

2508. Tâu bệ hạ, bởi vì khi thân cận người nào, người ấy tốt hay xấu, có giới hạnh hay không có giới hạnh, ta sẽ chịu sự ảnh hưởng của chính người ấy.

 

2509. Khi kết bạn với người như thế nào, và thân cận với người như thế nào, ta đây cũng trở thành người như thế ấy; bởi vì sự cộng trú là như thế.

 

2510. Người được hầu cận làm ô nhiễm người đang hầu cận mình, người được tiếp xúc làm ô nhiễm người khác đang tiếp xúc với mình, ví như mũi tên tẩm độc làm ô nhiễm túi tên còn chưa bị nhiễm độc. Do nỗi sợ hãi sự ô nhiễm, bậc sáng trí không bao giờ có bạn bè xấu xa.

 

2511. Người nào bao bọc con cá thối bằng ngọn cỏ, các ngọn cỏ cũng toát ra mùi hôi thối; tương tự như vậy, do việc thân cận với những kẻ ngu dốt (sẽ bị tổn hại danh tiếng).

 

2512. Người nào bao bọc gỗ thơm bằng lá cây, các chiếc lá cũng tỏa ra mùi thơm; tương tự như vậy, do việc thân cận với các bậc sáng trí (sẽ đạt được tiếng tốt).

 

2513. Vì thế, sau khi biết được hậu quả dành cho bản thân tương tự như kết quả của chiếc lá và vật chứa đựng, người sáng suốt không nên hầu cận những kẻ ác nhân, nên thân cận các bậc thiện nhân. Những kẻ ác nhân dẫn lối vào địa ngục, các bậc thiện nhân giúp cho đạt được cảnh giới an vui.”

 

Bổn Sanh Chim Két Sattigumba. [503]

 

***

 

8. BỔN SANH VUA BHALLĀṬIYA

 

2514. Xưa có vị vua tên là Bhallāṭiya. Vị vua ấy đã bỏ bê xứ sở đi săn thú. Đức vua đã đi đến ngọn núi cao quý Gandhamādana được trổ đầy hoa, được lui tới bởi loài nhân điểu.

 

2515. Và sau khi ngăn lại bầy chó săn, đức vua đã đặt cây cung và bó tên xuống. Với ý định thốt lên lời thăm hỏi, đức vua đã đi đến gần nơi có hai nhân điểu đang đứng.

 

2516. “Khi mùa đông đã qua đi, có phải hai ngươi thường đứng tâm sự ở đây, bên bờ sông Hemavatā? Ta hỏi hai ngươi, những kẻ có cơ thể và dáng vóc của con người, ở thế giới nhân loại, người ta nhận biết hai ngươi như thế nào?”

 

2517. “Thưa thợ săn, chúng tôi đi du ngoạn đến núi Malla, đến các con sông Paṇḍaraka và Tikūṭa có nước mát lạnh. Chúng tôi là loài thú, có bề ngoài và dáng vóc tựa như con người; người ta nhận biết chúng tôi là ‘loài nhân điểu.’”

 

2518. “Là người yêu được người yêu ôm ấp, mà hai ngươi than van có vẻ vô cùng khổ sở. Ta hỏi hai ngươi, những kẻ có cơ thể và dáng vóc của loài người, việc gì hai ngươi lại ủ rũ, khóc lóc ở đây, trong khu rừng?

 

2519. Là người yêu được người yêu ôm ấp, mà hai ngươi than van có vẻ vô cùng khổ sở. Ta hỏi hai ngươi, những kẻ có cơ thể và dáng vóc của loài người, việc gì hai ngươi lại ủ rũ, kể lể ở đây, trong khu rừng?

 

2520. Là người yêu được người yêu ôm ấp, mà hai ngươi than van có vẻ vô cùng khổ sở. Ta hỏi hai ngươi, những kẻ có cơ thể và dáng vóc của loài người, việc gì hai ngươi lại ủ rũ, sầu muộn ở đây, trong khu rừng?”

 

2521. “Thưa thợ săn, chúng tôi đã sống xa nhau một đêm một cách miễn cưỡng. Trong khi nhớ nhung lẫn nhau, trong khi hối tiếc một đêm ấy, chúng tôi sầu muộn (ước rằng): ‘Đêm ấy sẽ không xảy ra lần nữa.’”

 

2522. “Hai ngươi hối tiếc một đêm ấy tựa như hai ngươi tiếc nuối tài sản bị mất mát, hay tiếc nuối người cha đã qua đời. Ta hỏi hai ngươi, những kẻ có cơ thể và dáng vóc của loài người, như thế nào hai ngươi đã phải chịu cuộc sống xa cách?”

 

2523. “Ngài hãy nhìn xem con sông này, có dòng nước chảy xiết giữa hai bờ đá, có sự che khuất bởi nhiều loại cây cối. Vào lúc trời mưa, người yêu của thiếp đã vượt qua con sông ấy, trong lúc nghĩ về thiếp rằng: ‘Nàng ấy bước theo sau.’

 

2524. Còn thiếp bận thu hái các loại hoa aṅkolaka này, hoa atimuttaka, hoa sattali, và hoa yothika, (nghĩ rằng): ‘Người yêu của ta sẽ đeo tràng hoa, và ta cũng sẽ đeo tràng hoa rồi đi đến bên chàng.’

 

2525. Rồi thiếp thu hái các loại hoa kuravaka, hoa uddālakā, hoa pāṭali, hoa sinduvāraka, (nghĩ rằng): ‘Người yêu của ta sẽ đeo tràng hoa, và ta cũng sẽ đeo tràng hoa rồi đi đến bên chàng.’

 

2526. Và sau khi thu hái các bông hoa của cây sāla khéo được nở rộ, thiếp làm tràng hoa, (nghĩ rằng): ‘Người yêu của ta sẽ đeo tràng hoa, và ta cũng sẽ đeo tràng hoa rồi đi đến bên chàng.’

 

2527. Và sau khi thu hái các bông hoa của cây sāla khéo được nở rộ, thiếp làm thành đống (nghĩ rằng): ‘Cái này sẽ dùng làm tấm trải cho chúng ta, là nơi mà hôm nay chúng ta sẽ sống qua đêm này.’

 

2528. Và thiếp nghiền quế và trầm hương ở tảng đá cho đến khi nát vụn, (nghĩ rằng): ‘Người yêu của ta sẽ có thân thể được tẩm hương, và ta cũng sẽ được tẩm hương rồi đi đến bên chàng.’

 

2529. Sau đó, thiếp đã đi đến con sông có dòng nước chảy xiết, mang theo các loại bông hoa sāla, hoa salaḷa, hoa kaṇṇikāra. Trong khoảnh khắc ấy, con sông này đã tràn đầy; nó đã trở nên vô cùng khó vượt qua đối với thiếp.

 

2530. Khi ấy, cả hai chúng tôi đứng ở hai bên bờ sông, người này nhìn người kia. Thậm chí, chúng tôi đã cùng khóc, chúng tôi đã cùng cười. Đối với chúng tôi, đêm ấy đã qua đi một cách khó khăn.

 

2531. Rồi vào buổi sáng, khi mặt trời đã mọc lên, sau khi vượt qua con sông cạn khô, thưa thợ săn, cả hai chúng tôi đã ôm ấp lẫn nhau. Thậm chí, chúng tôi đã cùng khóc, chúng tôi đã cùng cười.

 

2532. Thưa thợ săn, thiếu ba năm nữa là đủ bảy trăm, ở nơi này, trước đây chúng tôi đã sống xa nhau. Tâu đấng hộ quốc, vậy người nào ở nơi đây có thể sống cuộc sống này thiếu vắng người vợ một năm?”

 

2533. “Này các bạn, vậy tuổi thọ của các bạn là bao nhiêu? Nếu các bạn biết, xin các bạn hãy nói về tuổi thọ (của các bạn) theo truyền thuyết, hay do sự truyền thừa từ bậc trưởng thượng. Xin các bạn hãy trả lời cho trẫm điều ấy, không phải run sợ.”

 

2534. “Thưa thợ săn, tuổi thọ của chúng tôi là một ngàn năm, trong khoảng thời gian ấy không có tai họa, không có bệnh hoạn, ít khổ đau, còn hạnh phúc thì vượt trội. Chúng tôi lìa bỏ mạng sống, với sự luyến ái còn chưa vơi.”

 

2535. Và sau khi nghe được điều này của hai phi nhân, đức vua Bhallāṭiya (nghĩ rằng): ‘Mạng sống là ngắn ngủi,’ rồi đã quay trở về, đã không đi săn thú, đã ban phát các vật thí, đã thọ hưởng các của cải.

 

2536. Và sau khi nghe được điều này của hai phi nhân, các vị hãy hòa thuận với nhau, chớ gây ra sự cãi cọ. Các vị chớ có sự hối tiếc, chớ có lỗi lầm ở hành động của bản thân. các vị cũng chớ có giống như câu chuyện một đêm (xa cách) của loài nhân điểu.

 

2537. Và sau khi nghe được điều này của hai phi nhân, các vị hãy hòa thuận với nhau, chớ gây ra sự tranh cãi. Các vị chớ có sự hối tiếc, chớ có lỗi lầm ở hành động của bản thân. các vị cũng chớ có giống như câu chuyện một đêm (xa cách) của loài nhân điểu.”

 

2538. “Thiếp chú tâm lắng nghe phương thức trình bày của Ngài, có tính đa dạng, liên hệ đến lợi ích. Trong khi cất lên giọng nói, Ngài đã xua đi nỗi lo lắng của thiếp. Thưa vị Sa-môn, thưa bậc đem lại sự an lạc cho thiếp, cầu mong Ngài sống lâu.”

 

Bổn sanh Vua Bhallāṭiya. [504]

 

***

 

9. BỔN SANH HOÀNG TỬ SOMANASSA

 

2539. “Người nào hãm hại và xúc phạm ngài? Tại sao ngài lại có vẻ buồn bã, ủ rũ, và sầu muộn? Hôm nay, cha mẹ của người nào phải khóc lóc? Hôm nay, người nào bị đánh đập, phải nằm dài ở mặt đất?”

 

2540. “Tâu bệ hạ, thần được vui mừng do việc nhìn thấy bệ hạ. Tâu đấng hộ quốc, lâu nay thần không gặp bệ hạ. Tâu bệ hạ, thần là người không hãm hại, mà Reṇu, con trai của bệ hạ, đã đột nhập và xúc phạm thần.”

 

2541. “Các ngự lâm quân mang gươm hãy lại đây. Các đao phủ hãy đi đến hậu cung kia. Các ngươi hãy giết chết hoàng tử Somanassa ấy, hãy chặt đứt cái đầu cao quý rồi mang lại.”

 

2542. Các sứ giả của đức vua được phái đi đã nói điều này với vị hoàng tử: “Tâu vị Sát-đế -lỵ, ngài đã bị chúa thượng phế bỏ, ngài đã phạm tội chết.”

 

2543. Vị hoàng tử ấy, trong lúc than khóc, đã chắp lại mười ngón tay đưa lên (nói rằng): “Ta cũng muốn gặp vị chúa của loài người. Các ngươi hãy dẫn ta đi trong lúc ta còn sống. Các ngươi hãy để ta diện kiến phụ vương.”

 

2544. Sau khi nghe lời nói ấy của vị hoàng tử, họ đã để cho hoàng tử gặp đức vua. Và người con trai, sau khi nhìn thấy vua cha, từ đàng xa đã thưa rằng:

 

2545. “Các ngự lâm quân mang gươm và các đao phủ đã đi đến để giết chết con. Tâu vị chúa của loài người, được hỏi về sự việc này, xin cha hãy nói cho con. Hôm nay, con có lỗi lầm gì ở đây?”

 

2546. “Là người sáng và chiều lội xuống nước (rửa tội), luôn luôn thờ phượng ngọn lửa, không xao lãng, vì sao con lại gọi vị ấy, bậc đã thu thúc, có Phạm hạnh như thế ấy, là ‘gia chủ’?”

 

2547. “Tâu phụ vương, các rau cải, các rễ củ, và các trái cây là các vật sở hữu nhiều loại của người này. Gã bảo vệ, gìn giữ chúng, không xao lãng; vì việc ấy, vị Bà-la-môn trở thành người gia chủ.”

 

2548. “Này hoàng tử, điều con nói ấy quả là sự thật. Người này có các vật sở hữu nhiều loại. Gã bảo vệ, gìn giữ chúng, không xao lãng; vì việc ấy, vị Bà-la-môn trở thành người gia chủ.”

 

2549. “Này các đồ chúng đã tụ tập lại, cùng các thị dân, và tất cả dân chúng, các người hãy lắng nghe ta: ‘Người này là kẻ ngu; sau khi nghe theo lời nói của kẻ ngu, vị chúa của loài người ra lệnh giết hại không có nguyên nhân.

 

2550. Khi phần rễ được vững chắc, đã được lan rộng, đã được lớn mạnh, cây tre đã mọc nhánh thì khó dời đi. Tâu vị chúa của loài người, con xin đảnh lễ các bàn chân của người. Tâu bệ hạ, xin cha hãy cho phép con. Con sẽ xuất gia.”

 

2551. “Này hoàng tử, con hãy hưởng thụ các của cải có hiệu quả lớn lao, và trẫm ban cho con toàn bộ vương quyền. Ngay hôm nay, con hãy là đức vua của xứ Kuru. Con chớ có xuất gia, bởi vì xuất gia là khổ.”

 

2552. “Tâu bệ hạ, vậy có cái gì ở nơi này là vật hưởng thụ của bệ hạ? Trước đây, ở thế giới chư Thiên, con đã vui sướng với các sắc, với các thinh, rồi với các vị, với các hương, với các xúc, với các pháp làm thích ý.

 

2553. Tâu bệ hạ, con đã hưởng thụ ở cõi Trời các của cải được vây quanh bởi đoàn tiên nữ. Và sau khi biết được quyền lực của bệ hạ có thể bị người khác lèo lái, con không nên sống ở gia đình vua chúa như thế ấy.”

 

2554. “Nếu trẫm là kẻ ngu, nếu trẫm là có thể bị người khác lèo lái, này con trai, hãy tha thứ cho trẫm một lần lầm lỗi. Nếu việc như thế này xảy ra lần nữa, này Somanassa, con hãy làm theo ý nghĩ của con.”

 

2555. “Hành động đã được làm không suy xét trước, đã được suy nghĩ không cân nhắc, tựa như sự thất bại của phương thuốc, kết quả đạt được là xấu xa.

 

2556. Và hành động đã được làm sau khi suy xét, đã được suy nghĩ sau khi cân nhắc đúng đắn, tựa như sự thành công của phương thuốc, kết quả đạt được là tốt đẹp.

 

2557. Người tại gia biếng nhác có sự thọ hưởng các dục, là không tốt. Bậc xuất gia không tự chế ngự, là không tốt. Vị vua có hành động không suy xét, là không tốt. Người sáng suốt có sự phẫn nộ, việc ấy là không tốt.

 

2558. Vị Sát-đế-lỵ nên hành động sau khi suy xét. Bậc chúa tể một phương không thể không suy xét. Tâu bệ hạ, người hành động sau khi suy xét có danh vọng và tiếng tăm tăng trưởng.

 

2559. Tâu đấng hộ quốc, vị quân vương nên ấn định hình phạt sau khi đã suy xét. Việc đã được làm một cách vội vã làm cho bực bội. Và các quyết định đúng đắn vì lợi ích của con người sẽ không là các nỗi hối tiếc cho bệ hạ về sau này.

 

2560. Bởi vì những người nào, sau khi đã phân tích các loại nghiệp ở thế gian, rồi làm các việc không gây ra sự hối tiếc, các việc ấy được khen ngợi bởi những vị hiểu biết, là các nguồn tạo ra sự an lạc, được tán thành bởi các bậc trưởng thượng.

 

2561. Tâu vị chúa của loài người, các ngự lâm quân mang gươm và các đao phủ đã đi đến để giết chết con. Và tâu bệ hạ, con đang ngồi bên cạnh mẫu hậu thì đã bị bọn chúng lôi đi bằng bạo lực.

 

2562. Tâu bệ hạ, con đã gặp phải sự trở ngại cay đắng, vô cùng đau đớn, để đạt được mạng sống ngọt ngào, yêu quý. Hôm nay, con được thoát khỏi cái chết một cách khó khăn. Con có ý dứt khoát về việc xuất gia.”

 

2563. “Này hoàng hậu Sudhammā, người con trai này của nàng, hoàng tử Somanassa, còn trẻ, và có lòng thương xót. Hôm nay, trong khi nó cầu xin điều ấy, trẫm đây không chấp nhận. Nàng cũng thích hợp để thuyết phục con (bỏ ý định xuất gia).”

 

2564. “Này con trai, con hãy vui thích việc thực hành khất thực. Sau khi suy xét về các pháp, con hãy xuất gia. Sau khi dẹp bỏ hình phạt đối với tất cả chúng sanh, con không bị chê trách, con hãy tiến đến vị thế Phạm thiên.”

 

2565. “Điều như thế này có vẻ kỳ lạ thật đấy! Này hoàng hậu Sudhammā, trẫm đang khổ, nàng lại khiến cho trẫm phải khổ. Trong khi được nói rằng: ‘Nàng hãy thuyết phục con trai (bỏ ý định xuất gia),’ nàng còn khuyến khích hoàng tử thêm nữa.”

 

2566. “Các vị nào đã được giải thoát, có sự thọ hưởng không bị chê trách, đã được hoàn toàn diệt tắt, đang sống ở thế gian này, thiếp không ra sức để ngăn cản hoàng tử thực hành đạo lộ cao thượng của các vị ấy.

 

2567. Quả thật, đúng vậy, các bậc có trí tuệ, các bậc đa văn, các vị có những suy nghĩ thiết thực nên được thân cận. Sau khi lắng nghe những lời thiện thuyết của các vị này, thiếp đây ít ham muốn, không còn sầu muộn, có thiện pháp.”

 

Bổn sanh Hoàng Tử Somanassa. [505]

 

***

 

10. BỔN SANH RỒNG CHÚA CAMPEYYA

 

2568. “Người nữ nào chiếu sáng tựa như tia chớp, tựa như ngôi sao osadhī? Có phải nàng là vị Thiên nhân, hay nữ Càn-thát-bà? Trẫm không nghĩ rằng nàng là loài người.”

 

2569. “Thưa đại vương, thiếp không phải là Thiên nữ, không phải nữ Càn-thát-bà, không phải loài người. Thưa bậc đức độ, thiếp là con gái của loài rồng. Vì công việc mà thiếp đã đi đến nơi này.”

 

2570. “Nàng có tâm bị tản mác, các giác quan bị đờ đẫn. những dòng lệ tuôn trào từ hai con mắt của nàng. Nàng đã bị mất mát cái gì? Hơn nữa, trong khi ước nguyện điều gì mà nàng đã đi đến nơi này? Nào, hỡi cô nương, nàng hãy nói ra điều ấy.”

 

2571. Tâu vị chúa của loài người, người ta đã gọi con vật có oai lực dữ dằn là ‘rắn’ và đã gọi chàng ấy là ‘rồng.’ Gã đàn ông đã bắt lấy chàng ấy vì mục đích kiếm sống. Hãy giải thoát cho chàng ấy khỏi sự trói buộc. Chàng ấy là chồng của thiếp.”

 

2572. Vậy làm thế nào mà con rồng được sanh ra với sức lực và dũng mãnh này đã rơi vào bàn tay của kẻ cùng khổ? Hỡi nàng con gái của loài rồng, nàng hãy giải thích ý nghĩa ấy cho trẫm. Làm thế nào chúng tôi có thể nhận biết về con rồng đã bị bắt?”

 

2573. “Rồng chúa có thể làm cho cả thành phố trở thành tro bụi, bởi vì chàng ấy được sanh ra với sức lực và dũng mãnh như thế ấy. Và trong khi tôn kính pháp tu tập, vì thế rồng chúa đã nỗ lực (kiềm chế) và thực hành hạnh khắc khổ.

 

2574. Tâu bệ hạ, vào ngày mười bốn và mười lăm, rồng chúa tịnh cư ở ngã tư đường. Gã đàn ông đã bắt lấy chàng ấy vì mục đích kiếm sống. Hãy giải thoát cho chàng ấy khỏi sự trói buộc. Chàng ấy là chồng của thiếp.”

 

2575. Mười sáu ngàn nữ nhân có các bông tai bằng ngọc trai và ngọc ma-ni, các nàng có nhà ở dưới nước, các nàng ấy đã đến nương tựa ở chàng.

 

2576. Bệ hạ hãy giải thoát cho rồng chúa đúng theo pháp, không bằng bạo lực, bằng ngôi làng, bằng tiền vàng lớn, bằng một trăm bò cái. Hãy để cho rồng chúa ra đi với thân thể được cởi trói. Hãy để cho người tầm cầu phước thiện được thoát khỏi sự trói buộc.”

 

2577. “Trẫm sẽ giải thoát cho rồng chúa đúng theo pháp, không bằng bạo lực, bằng ngôi làng, bằng tiền vàng lớn, bằng một trăm bò cái. Hãy để cho rồng chúa ra đi với thân thể được cởi trói. Hãy để cho người tầm cầu phước thiện được thoát khỏi sự trói buộc.

 

2578. Này thợ săn, trẫm sẽ ban thưởng một trăm tiền vàng lớn, bông tai ngọc ma-ni loại lớn, kiệu khiêng bốn bên đều lót nệm có màu sắc rực rỡ giống như màu hoa của cây bông vải, –

 

2579. – thêm hai người vợ tương xứng, cùng với bò mộng và bò cái một trăm con. Hãy để cho rồng chúa ra đi với thân thể được cởi trói. Hãy để cho người tầm cầu phước thiện được thoát khỏi sự trói buộc.”

 

2580. “Tâu vị chúa của loài người, chỉ với lời nói của bệ hạ thì khỏi cần vật ban thưởng, chúng thần sẽ giải thoát cho rồng chúa ấy khỏi sự trói buộc. Hãy để cho rồng chúa ra đi với thân thể được cởi trói. Hãy để cho người tầm cầu phước thiện được thoát khỏi sự trói buộc.”

 

2581. Được tự do, rồng chúa Campeyyaka đã nói với đức vua điều này: ‘Tâu đức vua xứ Kāsi, vậy hãy kính lễ đến ngài! Tâu bậc làm hưng thịnh xứ Kāsi, xin kính lễ ngài! Thần xin chắp tay lại chào bệ hạ. Thần có thể nhìn ngắm cung điện của thần.”

 

2582. “Quả đúng vậy, người đời đã nói việc ấy là khó tin, là việc con người có thể đặt niềm tin vào hạng phi nhân. Và nếu ngài yêu cầu trẫm (tin tưởng) điều ấy, này rồng chúa, hãy để chúng tôi nhìn thấy các cung điện của ngài.”

 

2583. “Bởi vì, nếu như làn gió có thể dời đi ngọn núi, mặt trăng và mặt trời có thể rơi xuống trái đất, và tất cả các con sông có thể chảy ngược dòng, nhưng tâu bệ hạ, thần không bao giờ có thể nói lời dối trá.

 

2584. (Dẫu cho) bầu trời có thể vỡ tan, thậm chí biển cả có thể khô cạn, trái đất cưu mang chúng sanh và cất giữ của cải tự cuộn tròn, ngọn núi đá Meru có thể nhổ lên luôn cả gốc, nhưng tâu bệ hạ, thần không bao giờ có thể nói lời dối trá.”

 

2585. “Quả đúng vậy, người đời đã nói việc ấy là khó tin, là việc con người có thể đặt niềm tin vào hạng phi nhân. Và nếu ngài yêu cầu trẫm (tin tưởng) điều ấy, này rồng chúa, hãy để chúng tôi nhìn thấy các cung điện của ngài.”

 

2586. “Quả thật, các ngài ở đây là có chất độc dữ dội, có uy thế, có quyền lực lớn lao, và có sự nổi giận mau chóng. Nhờ vào trẫm mà ngài được thoát ra khỏi sự trói buộc, ngài cần phải nhận biết những việc đã được làm của chúng tôi.”

 

2587. “Kẻ nào không nhận biết hành động đã được làm như thế ấy, kẻ ấy hãy bị nung nấu ở địa ngục có hình thức ghê rợn, chẳng đạt được bất cứ khoái lạc nào thuộc về thân, và đạt đến cái chết khi bị giam cầm trong cái giỏ.”

 

2588. “Mong rằng lời hứa hẹn này của ngài là sự thật. Mong rằng ngài không giận dữ, không thù hằn. Mong rằng các linh điểu lánh xa tất cả gia tộc loài rồng của ngài, tựa như (loài người) lánh xa ngọn lửa vào các mùa nóng nực.”

 

2589. “Tâu vị chúa của loài người, bệ hạ đã có lòng thương tưởng đến gia tộc loài rồng, giống như người mẹ đối với đứa con trai độc nhất vô cùng yêu quý. Thần cùng với gia tộc loài rồng sẽ làm công việc phục vụ xuất sắc đến bệ hạ.”

 

2590. “Các khanh hãy thắng các con la xứ Kamboja khéo được huấn luyện vào các cỗ vương xa khéo được sơn phết, và hãy thắng các yên cương bằng vàng cho các con voi; chúng ta hãy viếng thăm các cung điện của rồng chúa.”

 

2591. Các trống lớn, các trống nhỏ, các trống con, và các tù và vỏ ốc đã vang lên chào đón đức vua Uggasena. Đức vua đã tiến đến, vô cùng rực rỡ, được tôn vinh, ở giữa một đoàn nữ nhân.

 

2592. Bậc làm hưng thịnh xứ Kāsi đã nhìn thấy khu đất được trải lên bằng cát vàng và các tòa lâu đài làm bằng vàng, được khảm ngọc bích và ngọc pha-lê.

 

2593. Vị vua ấy đã tiến vào cung điện, nơi trú ngụ của rồng chúa Campeyya, có sự chói sáng rực rỡ tựa như tia chớp phát ra từ đám mây đen, tương tự màu sắc của mặt trời.

 

2594. Vị vua xứ Kāsi ấy sẽ tiến vào nơi trú ngụ của rồng chúa Campeyya, được bao phủ bởi những cây cối đa dạng, được phảng phất với các hương thơm khác loại.

 

2595. Khi đức vua xứ Kāsi tiến vào nơi trú ngụ của rồng chúa Campeyya, các nhạc cụ Thiên đình đã tấu vang, và các nàng con gái của loài rồng đã nhảy múa.

 

2596. Nơi trú ngụ ấy được lui tới bởi các nàng con gái của loài rồng theo từng nhóm. Được an tâm, đức vua xứ Kāsi đã bước tiếp lên, và đã ngồi xuống ở cái ghế làm bằng vàng, có chỗ tựa đầu, đã được thoa dầu của lõi trầm hương.

 

2597. Sau khi đã thọ hưởng rồi vui thú ở nơi ấy, đức vua xứ Kāsi ấy đã nói với rồng chúa Campeyyaka rằng: “Các cung điện tuyệt vời này của ngài có màu sắc của mặt trời, có sự chói sáng rực rỡ. Ở thế giới loài người, không có như thế này. Này rồng chúa, vì mục đích gì mà ngài thực hành hạnh khắc khổ?

 

2598. Các nàng ấy mang các vật trang sức bằng vàng, có y phục đẹp, có ngón tay tròn trịa, được thành tựu lòng bàn tay và bàn chân màu đỏ thắm, có làn da hoàn hảo, đã đem lại thần thủy mời trẫm uống. Ở thế giới loài người, không có như thế này. Này rồng chúa, vì mục đích gì mà ngài thực hành hạnh khắc khổ?

 

2599. Và các dòng sông này của ngài có loài cá lớn vảy, có tiếng hót của loài chim āṭā, có bến tắm đẹp. Ở thế giới loài người, không có như thế này. Này rồng chúa, vì mục đích gì mà ngài thực hành hạnh khắc khổ?

 

2600. Các con cò, các con công, các chim thiên nga, và các con chim cu với tiếng hót ngọt ngào bay nhảy. Ở thế giới loài người, không có như thế này. Này rồng chúa, vì mục đích gì mà ngài thực hành hạnh khắc khổ?

 

2601. Các cây xoài, các cây sāla, các cây họ mè, các cây mận đỏ, các cây bả đậu, và các cây hoa kèn được nở rộ. Ở thế giới loài người, không có như thế này. Này rồng chúa, vì mục đích gì mà ngài thực hành hạnh khắc khổ?

 

2602. Các hồ sen này của ngài ở khắp nơi và có các mùi hương của cõi Trời thường xuyên phảng phất. Ở thế giới loài người, không có như thế này. Này rồng chúa, vì mục đích gì mà ngài thực hành hạnh khắc khổ?”

 

2603. “Không vì nguyên nhân con trai, không vì nguyên nhân tài sản, và cũng không vì nguyên nhân tuổi thọ, tâu vị chúa của loài người, trong khi ước nguyện về bản thể loài người, vì thế thần đã nỗ lực (kiềm chế) và thực hành hạnh khắc khổ.”

 

2604. “Với mắt đỏ ngầu, với bờ vai rộng, đã được trang điểm, có râu tóc đã được chăm sóc, khéo được thoa trầm hương đỏ, ngài tỏa sáng các phương tựa như vị vua của các Càn-thát-bà.

 

2605. Ngài đã đạt được thần thông của chư Thiên, có đại oai lực, được phú cho tất cả các dục. Này chúa rồng, trẫm hỏi ngài ý nghĩa này, thế giới loài người tốt hơn nơi này bởi điều gì?”

 

2606. “Tâu vị chúa của loài người, ngoại trừ thế giới loài người, không nơi nào khác được tìm thấy sự trong sạch và sự tự kiềm chế. Và sau khi đạt được bản thể loài người, thần sẽ thực hiện việc chấm dứt sanh tử.”

 

2607. “Quả thật, đúng vậy, nên thân cận các bậc có trí tuệ, các bậc đa văn, các vị có những suy nghĩ thiết thực. Này rồng chúa, sau khi nhìn thấy ngài và các nàng con gái của loài rồng, trẫm sẽ làm các việc phước thiện không phải là ít.”

 

2608. “Quả thật, đúng vậy, nên thân cận các bậc có trí tuệ, các bậc đa văn, các vị có những suy nghĩ thiết thực. Tâu bệ hạ, sau khi nhìn thấy thần và các nàng con gái của loài rồng, bệ hạ hãy làm các việc phước thiện không phải là ít.

 

2609. Vàng này của thần có nhiều, và các đống vàng có số lượng nhiều như cây thốt nốt. Bệ hạ hãy mang đi khỏi đây rồi cho xây dựng các căn nhà bằng vàng. Và các vị hãy xây dựng tường thành bằng bạc.

 

2610. Sau khi mang đi khỏi đây năm ngàn xe ngọc trai được trộn lẫn với ngọc bích, các vị hãy trải ở mặt đất ở nội cung, như vậy sẽ không có bùn và không có bụi.

 

2611. Tâu đấng quân vương hạng nhất, bệ hạ hãy cư ngụ ở cung điện hạng nhất đang chiếu sáng rực rỡ như thế ấy, trong thành Bārāṇasī thịnh vượng, sung túc. Và tâu bậc có trí tuệ tuyệt đỉnh, ngài hãy trị vì vương quốc.”

 

Bổn sanh Rồng Chúa Campeyya. [506]

 

***

 

11. BỔN SANH SỰ CÁM DỖ LỚN

 

2612. Vị Thiên tử có đại thần lực, sau khi chết đi từ thế giới Phạm Thiên, đã sanh làm con trai của một vị vua có sự thành tựu của tất cả các dục.

 

2613. Dục hay dục tưởng không hiện hữu ở thế giới Phạm Thiên. Nhờ vào tưởng về thiền định đã phát sanh ở chính thế giới Phạm Thiên ấy, vị hoàng tử ấy ghê tởm đối với các dục.

 

2614. Và có một thiền thất đã khéo được tạo lập ở nội cung cho vị hoàng tử. Tại nơi ấy, được yên tịnh, vị ấy, một mình, đã tham thiền trong sự cô tịch.

 

2615. Bị phiền muộn bởi nỗi sầu muộn về đứa con trai, đức vua ấy đã than vãn rằng: “Ta có mỗi một đứa con trai này, và nó không thọ hưởng các dục.

 

2616. Vậy ở đây có phương thức nào, hoặc ai biết được điều gì đó, người nào có thể cám dỗ con trai của trẫm khiến cho nó có thể thèm muốn các dục?”

 

2617. Ngay tại nơi (hoàng cung) ấy, đã có một thiếu nữ được hội đủ dáng vóc và sắc đẹp, thiện xảo về múa ca, và thành thạo về tấu nhạc. Nàng ấy đã đi đến nơi ấy và đã nói với đức vua điều này:

 

2618. “Tiện nữ chắc chắn có thể cám dỗ được hoàng tử, nếu hoàng tử sẽ trở thành chồng (của thiếp). Đức vua đã nói với người thiếu nữ có lời nói như thế ấy điều này: “Chính nàng hãy cám dỗ hoàng tử, hoàng tử sẽ trở thành chồng của nàng.”

 

2619. Và sau khi đi đến nội cung, nàng ấy, với nhiều kiểu cách liên hệ đến dục, đã nói lên những kệ ngôn hoa mỹ, đáng yêu, đi vào trái tim.

 

2620. Và sau khi lắng nghe âm thanh của người phụ nữ ấy trong khi nàng ấy đang ca hát, ước muốn về dục đã sanh khởi đến vị hoàng tử. Vị ấy đã hỏi người hầu rằng:

 

2621. “Âm thanh ấy là của người nào? Ai là người nói với ta nhiều lời nói trầm bổng, đi vào trái tim, đáng yêu, êm tai vậy?”

 

2622. “Tâu hoàng tử, nàng ấy đúng là kiều nữ. Nàng ấy là thú tiêu khiển không phải tầm thường. Nếu ngài có thể thọ hưởng các dục, các dục có thể khiến ngài vui sướng nhiều hơn, nhiều hơn nữa.

 

2623. “Nào, hãy để nàng đến gần hơn, hãy để nàng ca hát ở nơi không xa. Hãy để nàng ca hát ở nơi kế cận thiền thất, trong sự hiện diện của ta.”

 

2624. Sau khi đã ca hát ở bên kia bức tường (ở phía ngoài), nàng đã đi vào thiền thất. Nàng đã từ từ trói buộc hoàng tử, tựa như trói buộc con voi rừng.

 

2625. Sau khi biết được hương vị của dục, vị hoàng tử đã khởi lên pháp ganh tỵ (nói rằng): “Chỉ có ta mới có thể thọ hưởng các dục, chẳng có người đàn ông nào khác (được phép thọ hưởng).”

 

2626. Sau đó, vị hoàng tử đã cầm lấy thanh gươm rồi đã ra sức giết chết những người đàn ông (nói rằng): “Chỉ có một mình ta mới có thể thọ hưởng, chẳng có người đàn ông nào khác (được phép thọ hưởng)”

 

2627. Do đó, tất cả dân chúng đã tụ hội lại kêu than rằng: “Tâu đại vương, gã con trai này của ngài hãm hại người dân vô tội.”

 

2628. Và đức vua, vị Sát-đế-lỵ, đã trục xuất hoàng tử ra khỏi xứ sở của mình (nói rằng): “Con không được sống ở trong lãnh địa của trẫm.”

 

2629. Sau đó, vị hoàng tử ấy đã mang theo người vợ rồi đi về phía bờ biển. Vị ấy đã tạo nên một gian nhà lá, rồi đã đi vào rừng để thu nhặt củ quả.

 

2630. Rồi có vị ẩn sĩ đã lướt đi ở ngay trên mặt biển và đến tại nơi này,. Vị ấy đi vào căn nhà của hoàng tử vào lúc bữa ăn đã cận kề.

 

2631. Và người vợ đã cám dỗ vị ẩn sĩ ấy. Hãy nhìn xem việc làm vô cùng tàn nhẫn đến chừng nào! Vị ấy đã bị lìa khỏi Phạm hạnh và đã mất hẳn thần thông.

 

2632. Còn vị hoàng tử, vào buổi chiều, đã dùng giỏ đeo vai mang vác nhiều rễ và trái cây rừng do việc thu nhặt, rồi đã đi về lại khu ẩn cư.

 

2633. Và vị ẩn sĩ, sau khi nhìn thấy vị Sát-đế-lỵ, đã đi về phía biển cả (nghĩ rằng): ‘Ta sẽ ra đi bằng đường không trung;’ vị ấy chìm xuống ở đại dương.

 

2634. Còn vị Sát-đế-lỵ, sau khi nhìn thấy vị ẩn sĩ đang chìm xuống ở đại dương, vì lòng thương xót đối với chính vị ấy, đã nói những lời kệ này:

 

2635. “Sau khi tự mình đi đến bằng thần thông ở mặt nước không bị xao động, sau khi đi đến trạng thái chung chạ cùng với phụ nữ, ngài chìm xuống ở đại dương.

 

2636. Có sức quyến rũ, có nhiều xảo trá, có sự làm tổn hại Phạm hạnh, các nàng ấy (sẽ) đọa (địa ngục); sau khi biết được điều ấy, nên lánh xa các nàng.

 

2637. Các nàng ấy có lối nói mềm mỏng, không hề biết đủ, tựa như dòng sông, khó làm cho tràn đầy, các nàng ấy (sẽ) đọa (địa ngục); sau khi biết được điều ấy, nên lánh xa các nàng.

 

2638. Các nàng hầu hạ người nào, dầu do sự mong muốn hay vì tài sản, các nàng thiêu hủy người ấy một cách mau chóng, tựa như ngọn lửa đốt cháy nhiên liệu.”

 

2639. Sau khi lắng nghe lời nói của vị Sát-đế-lỵ, sự nhàm chán (các dục) đã sanh khởi đến vị ẩn sĩ. Sau khi đạt được đạo lộ cũ, vị ấy ra đi bằng đường không trung.

 

2640. Còn vị Sát-đế-lỵ, sau khi nhìn thấy vị ẩn sĩ đang ra đi bằng đường không trung, bậc sáng trí đã đạt đến trạng thái chấn động, đã vui thích việc xuất gia.

 

2641. Sau đó, khi đã xuất gia, vị ấy đã dứt trừ sự luyến ái ở các dục. Sau khi đã dứt trừ sự luyến ái ở các dục, vị ấy đã đạt đến thế giới Phạm Thiên.

 

Bổn sanh Sự Cám Dỗ Lớn. [507]

 

***

 

12. CÂU HỎI DÀNH CHO NĂM BẬC NHÂN SĨ

 

2642. “Năm bậc nhân sĩ đã tụ hội lại. Có câu hỏi lóe lên ở trẫm, các vị hãy lắng nghe điều ấy. Có nên bày tỏ việc cần phải giấu kín đến người nào khác, cho dầu là việc đáng bị chê bai hay là việc đáng được khen ngợi?”

 

2643. “Tâu đấng hộ quốc, xin bệ hạ hãy bày tỏ với chúng thần. Bệ hạ là chủ nhân, là người nâng đỡ gánh nặng cho chúng thần, xin bệ hạ hãy nói ra. Tâu vị chúa của loài người, sau khi nắm bắt được mong muốn và ý thích của bệ hạ, khi ấy năm vị sáng trí sẽ phát biểu.”

 

2644. “Cho dầu là việc đáng bị chê bai hay là việc đáng được khen ngợi, nên bày tỏ việc cần phải giấu kín đến người vợ, (nếu) nàng là người có giới hạnh, không thể bị xúi giục bởi người khác, hợp ý, chiều theo sự mong muốn và mệnh lệnh của chồng.”

 

2645. “Cho dầu là việc đáng bị chê bai hay là việc đáng được khen ngợi, nên bày tỏ việc cần phải giấu kín đến người bạn, (nếu) vị ấy là nơi nương tựa, nơi đi đến, nơi nâng đỡ của người gặp khó khăn, của người bị bệnh.”

 

2646. “Cho dầu là việc đáng bị chê bai hay là việc đáng được khen ngợi, nên bày tỏ việc cần phải giấu kín đến anh em trai, là người anh cả, anh thứ, hay em út, nếu người ấy có giới hạnh, trầm tĩnh, có bản tánh kiên định.”

 

2647. “Cho dầu là việc đáng bị chê bai hay là việc đáng được khen ngợi, nên bày tỏ việc cần phải giấu kín đến người con trai, là người tuân phục sự sai bảo của cha, người con tiếp nối sự nghiệp của cha, có trí tuệ không kém cỏi.”

 

2648. “Tâu vị chúa tối thượng của loài người có hai chân, cho dầu là việc đáng bị chê bai hay là việc đáng được khen ngợi, nên bày tỏ việc cần phải giấu kín đến người mẹ, là người mẹ nuôi dưỡng kẻ ấy với sự mong mỏi, với sự yêu mến.”

 

2649. “Riêng đối với việc cần phải giấu kín, chỉ có việc giấu kín là tốt, bởi vì đối với việc cần phải giấu kín, sự bày tỏ là không được khen ngợi. Khi việc chưa được hoàn tất, vị sáng trí nên chịu đựng; khi việc đã được hoàn tất, thì có thể nói một cách thoải mái.”

 

2650. “Tâu chúa thượng, việc gì khiến bệ hạ ưu tư? Tâu vị chúa của loài người, bọn thiếp không nghe nói gì về việc ấy. Trong khi suy nghĩ về việc gì mà ngài phiền muộn? Tâu bệ hạ, không lẽ thiếp có lỗi lầm gì chăng?”

 

2651. “‘Kẻ có trí Mahosadha đáng bị giết chết,’ (nghe vậy) trẫm đã ra lệnh hành quyết bậc có trí tuệ uyên bác. Trong khi suy nghĩ về việc ấy khiến trẫm phiền muộn. Này hoàng hậu, nàng chẳng có lỗi lầm gì.”

 

2652. “Tối hôm qua khanh đã ra về, bây giờ khanh đi đến. Khanh đã nghe điều gì? Ý của khanh nghi ngờ điều gì? Này bậc có trí tuệ uyên bác, người nào đã nói điều gì với khanh? Nào, hãy cho chúng ta nghe lời nói ấy. Khanh hãy nói điều ấy với trẫm.”

 

2653. “Tâu vị chúa của loài người, nếu điều đã được nói ra bởi bệ hạ tối hôm qua rằng: ‘Kẻ có trí Mahosadha đáng bị giết chết,’ rồi bệ hạ đã tiết lộ cho người vợ ở nơi kín đáo. (Như thế) việc cần phải giấu kín đã được rõ ràng, (bởi vì) thần đã nghe được điều ấy.

 

2654. Việc Senaka đã làm hành động xấu xa, có hình thức không tốt lành, ở khu rừng cây sāla, rồi đã tiết lộ cho người bạn ở nơi kín đáo. (Như thế) việc cần phải giấu kín đã được rõ ràng, (bởi vì) thần đã nghe được điều ấy.

 

2655. Tâu vị chúa của loài người, Pukkusa, người của bệ hạ, đã bị phát khởi chứng bệnh (phong cùi), không thích hợp để đức vua chạm đến. Lão đã tiết lộ cho người em trai ở nơi kín đáo. (Như thế) việc cần phải giấu kín đã được rõ ràng, (bởi vì) thần đã nghe được điều ấy.

 

2656. Căn bệnh này có hình thức không tốt lành, Kāvinda bị ám ảnh bởi Dạ-xoa Naradeva. Lão đã tiết lộ cho người con trai ở nơi kín đáo. (Như thế) việc cần phải giấu kín đã được rõ ràng, (bởi vì) thần đã nghe được điều ấy.

 

2657. Thiên chủ Sakka đã cho đến ông nội của bệ hạ viên bảo ngọc ma-ni tuyệt hảo, có tám mặt. Hôm nay, viên ngọc ấy đã rơi vào tay của Devinda. Lão đã tiết lộ cho người mẹ ở nơi kín đáo. (Như thế) việc cần phải giấu kín đã được rõ ràng, (bởi vì) thần đã nghe được điều ấy.

 

2658. Riêng đối với việc cần phải giấu kín, chỉ có việc giấu kín là tốt, bởi vì đối với việc cần phải giấu kín, sự bày tỏ là không được khen ngợi. Khi việc chưa được hoàn tất, vị sáng trí nên chịu đựng; khi việc đã được hoàn tất, thì có thể nói một cách thoải mái.

 

2659. Không nên bộc lộ điều cần được giấu kín; nên bảo vệ nó như là của chôn giấu. Bởi vì, người có sự nhận thức làm rõ ràng điều cần được giấu kín là không tốt đẹp.

 

2660. Vị sáng suốt không nên tiết lộ bí mật cho phụ nữ, cho kẻ đối nghịch, là hạng có thể bị mua chuộc bởi tài vật và hạng người giả vờ kết thân.

 

2661. Người nào cho biết việc cần phải giấu kín đến kẻ không biết do nỗi sợ hãi về chú thuật hay về sự đổ vỡ quan hệ đối với kẻ ấy, thì phải chịu đựng thân phận làm nô lệ (cho kẻ biết được ấy).

 

2662. Càng có nhiều kẻ biết được điều cần được giấu kín của một người (do) đã được thổ lộ, thì càng có nhiều kích động đối với người ấy; vì thế, không nên thố lộ điều bí mật.

 

2663. Vào ban ngày, nên tách ly rồi mới nói điều bí mật, vào ban đên không nên thốt ra lời quá nhiều thời gian. Bởi vì những kẻ nghe lén lắng nghe điều thố lộ; vì thế, điều thố lộ mau chóng đi đến việc rò rỉ.”

 

Câu Hỏi Dành Cho Năm Bậc Nhân Sĩ. [508]

 

***

 

13. BỔN SANH VƯƠNG TỬ HATTHIPĀLA

 

2664. “Quả thật đã lâu lắm chúng tôi mới nhìn thấy vị Bà-la-môn có dáng vóc Thiên thần, có bện tóc to, đang mang túi vật dụng, có răng bị đóng bợn, có đầu lấm bụi.

 

2665. Quả thật đã lâu lắm chúng tôi mới nhìn thấy vị ẩn sĩ thỏa thích trong đức hạnh của thiện pháp, mặc vải màu ca-sa, che thân bằng y phục sợi vỏ cây.

 

2666. Thưa đại đức, xin ngài hãy thọ nhận chỗ ngồi, nước rửa chân, dầu thoa chân của chúng tôi. Chúng tôi hỏi dâng đại đức các vật có giá trị, thưa đại đức, xin ngài hãy làm vẻ vang cho chúng tôi (bằng sự thọ nhận).”

 

2667. “Này con, sau khi đã học các kinh Vệ Đà, con hãy tầm cầu của cải. Sau khi đã ổn định về con cái và nhà cửa, sau khi đã hưởng thụ các hương, các vị, và mọi thứ (vật dục), khu rừng là (sự chọn lựa) tốt đẹp (cho vị xuất gia lúc tuổi già); vị hiền trí ấy được ca ngợi.

 

2668. “Các kinh Vệ Đà không phải là chân lý, và sự đạt được của cải cũng không phải. Con người không tránh khỏi sự già do việc có được con cái. Các vị hiền nhân đã nói về sự giải thoát đối với các hương và các vị. Sự thành tựu quả báo là do nghiệp của bản thân.”

 

2669. “Quả thật vậy, lời nói ấy của con là sự thật. Sự thành tựu quả báo là do nghiệp của bản thân. Mẹ và cha của con đã già, họ có thể nhìn thấy con sống khỏe mạnh đến trăm tuổi.”

 

2670. “ Tâu bệ hạ, người nào có thể có tình bạn với sự chết, (hoặc) có tình thân hữu với sự già, tâu đấng tối thượng dũng mãnh của loài người, và người nào lại có thể biết được rằng mình sẽ không chết vào bất cứ lúc nào, họ có thể nhìn thấy bệ hạ sống khỏe mạnh đến trăm tuổi chăng?

 

2671. Cũng giống như người đàn ông chèo chiếc thuyền ở trong nước và đưa nó đến gần bờ, cũng tương tự như thế, bệnh và già thường xuyên đưa con người đến gần quyền lực của Thần Chết.”

 

2672. “Các dục tựa như đất bùn, và các dục là đầm lầy, hấp dẫn, khó vượt qua, là lãnh địa của Ma Vương. Những người bị chìm vào đất bùn, đầm lầy này có trạng thái tâm hạ liệt, không vượt qua đến bờ kia.

 

2673. Bản thân này trước đây đã tạo nghiệp hung bạo. Quả thành tựu của nghiệp ấy con phải gánh lấy, không bao giờ có sự thoát khỏi ác nghiệp đối với con. Con sẽ gìn giữ bản thân kỹ lưỡng bằng sự ngăn chặn. Chớ để bản thân này tạo nghiệp hung bạo nữa.”

 

2674. “Tâu bệ hạ, giống như người tìm kiếm chỉ mỗi con bò bị lạc mất ở trong rừng mà không tìm thấy, tương tự như vậy, tâu đức vua Esukārī, mục đích của thần đã bị lạc mất, tâu bệ hạ, tại sao thần đây không tìm lại (và đi theo đạo lộ của các anh trai)?

 

2675. Kẻ buông xuôi (nghĩ rằng): ‘Để ngày mai,’ rồi buông bỏ (nghĩ rằng): ‘Để ngày khác.’ Bậc sáng trí, sau khi biết rằng: ‘Việc gì để ngày mai, việc ấy là không có,’ rồi nên xúc tiến điều ước muốn đã được sanh khởi.”

 

2676. “Thần quả có nhìn thấy người thiếu nữ trẻ trung đang say đắm (cười nói), có cặp mắt (to và dài) như bông hoa ketaka, ở vào giai đoạn đầu của cuộc đời khi thú vui còn chưa được hưởng thụ, thì tử thần đã đoạt lấy người thiếu nữ rồi ra đi.

 

2677. Thần trẻ tuổi, có dòng dõi cao sang, có khuôn mặt thanh tú, có vóc dáng đẹp, có làn da vàng sẫm, có bộ râu tua tủa như nhụy bông hoa kusumbha. Tâu bệ hạ, thần sẽ từ bỏ các dục, lìa xa gia đình, và xuất gia. Xin bệ hạ cho phép thần.”

 

2678. “Nhờ vào những cành cây mà cây cối đạt được tên gọi riêng; hơn nữa, khi cành cây bị chặt bỏ thì người ta đã gọi là gốc cây. Này bà Vāseṭṭhī, khi đứa con trai đã dứt bỏ (ra đi), thì hôm nay là thời điểm thực hành hạnh khất thực của ta.”

 

2679. “Tựa như loài chim diệc di chuyển ở không trung, giống như loài chim thiên nga phá vỡ các mạng lưới đã được giăng mắc (bởi loài nhện) lúc đã hết mùa đông, các con trai và người chồng của ta ra đi, tại sao ta đây, trong khi nhận biết như thế, lại không đi theo họ?”

 

2680. “Những con chim này sau khi ăn, đã ói ra rồi bay đi; còn những con chim nào sau khi ăn mà không ói ra, chúng đi đến ở trong bàn tay của thiếp.

 

2681. Vị Bà-la-môn đã ói ra các dục, không lẽ bệ hạ sẽ thụ hưởng các dục ấy sao? Tâu bệ hạ, kẻ ăn vào vật đã được ói ra bởi kẻ khác, kẻ ấy không đáng được khen ngợi.”

 

2682. “Giống như người có sức mạnh vớt lên người yếu đuối bị chìm đắm từ chính vũng bùn ở trong đầm lầy, cũng tương tự như vậy, này Pañcālī, nàng là người đã nâng trẫm lên bằng những kệ ngôn được thốt ra khéo léo.”

 

2683. Sau khi nói điều này, vị đại vương Esukārī, bậc chúa tể một phương, đã từ bỏ vương quốc rồi xuất gia, tựa như con voi đã giật đứt sự trói buộc rồi ra đi.

 

2684. “Đức vua đã ưa thích việc xuất gia. Đấng tối thượng dũng mãnh của loài người đã từ bỏ vương quốc. Đối với chúng thần, hoàng hậu cũng giống y như là đức vua. Hoàng hậu hãy trị vì xứ sở đã được bảo vệ bởi chúng thần.”

 

XXXX. “Đức vua đã ưa thích việc xuất gia. Đấng tối thượng dũng mãnh của loài người đã từ bỏ vương quốc. Bổn cung cũng sẽ đơn độc sống ở thế gian, sau khi đã từ bỏ các dục quyến rũ.

(Câu kệ này không có ở Tạng Sri Lanka)

 

2685. “Đức vua đã ưa thích việc xuất gia. Đấng tối thượng dũng mãnh của loài người đã từ bỏ vương quốc. Bổn cung cũng sẽ đơn độc sống ở thế gian, sau khi đã từ bỏ các dục còn nguyên vẹn (không đụng chạm đến).

 

2686. Các thời khắc (ban ngày) đi qua, các đêm tối trôi qua, các giai đoạn của tuổi thọ lần lượt từ bỏ. Bổn cung cũng sẽ đơn độc sống ở thế gian, sau khi đã từ bỏ các dục quyến rũ.

 

2687. Các thời khắc (ban ngày) đi qua, các đêm tối trôi qua, các giai đoạn của tuổi thọ lần lượt từ bỏ. Bổn cung cũng sẽ đơn độc sống ở thế gian, sau khi đã từ bỏ các dục còn nguyên vẹn (không đụng chạm đến).

 

2688. Các thời khắc (ban ngày) đi qua, các đêm tối trôi qua, các giai đoạn của tuổi thọ lần lượt từ bỏ. Bổn cung cũng sẽ đơn độc sống ở thế gian, có trạng thái mát mẻ, sau khi đã vượt qua mọi sự quyến luyến.”

 

Bổn sanh Vương Tử Hatthipāla. [509]

 

***

 

14. BỔN SANH TÒA NHÀ SẮT

 

2689. “Việc đầu tiên (của sự tục sanh) là một đêm (hoặc một ngày), bào thai trú ở bụng mẹ. Ngay khi đã được hình thành, nó (liên tục) phát triển. Trong khi tiến triển, nó không dừng lại.

 

2690. Không phải trong lúc chiến đấu, không phải được trông cậy vào sức mạnh, mà con người không già hoặc thậm chí không chết. Toàn bộ tất cả đều bị quấy nhiễu bởi sự sanh và sự già. Vì thế, con có ý nghĩ rằng: ‘Ta phải thực hành pháp tu tập.’

 

2691. Các vua chúa của các xứ sở (có thể) chiến thắng đoàn quân gồm bốn binh chủng có dáng vẻ vô cùng khủng khiếp bằng vũ lực, nhưng không thể nào chiến thắng đạo binh của Thần Chết. Vì thế, con có ý nghĩ rằng: ‘Ta phải thực hành pháp tu tập.’

 

2692. Được tháp tùng bởi các tượng binh, xa binh, kỵ binh, và bộ binh, một số vua chúa (có thể) được thoát khỏi (kẻ thù), nhưng không thể nào được thoát khỏi đạo binh của Thần Chết. Vì thế, con có ý nghĩ rằng: ‘Ta phải thực hành pháp tu tập.’

 

2693. Cùng với các tượng binh, xa binh, kỵ binh, và bộ binh, các dũng sĩ (có thể) phá tan, tiêu diệt (kẻ thù), nhưng không thể nào phá vỡ đạo binh của Thần Chết. Vì thế, con có ý nghĩ rằng: ‘Ta phải thực hành pháp tu tập.’

 

2694. Những con voi bị nổi cơn dục, có dịch chất tiết ra (ở trán), bị giận dữ, (có thể) dẫm nát các thành phố và giết hại dân chúng, nhưng không thể nào dẫm nát đạo binh của Thần Chết. Vì thế, con có ý nghĩ rằng: ‘Ta phải thực hành pháp tu tập.’

 

2695. Những người bắn cung có cánh tay đã được tập luyện, sáng trí, có khả năng bắn xa, có phát bắn nhanh như tia chớp, nhưng không thể nào xuyên thủng đạo binh của Thần Chết. Vì thế, con có ý nghĩ rằng: ‘Ta phải thực hành pháp tu tập.’

 

2696. Các hồ nước, cùng với các ngọn núi và các khu rừng đều bị tiêu hoại. Toàn bộ tất cả đều bị tiêu hoại sau một thời gian dài. Toàn bộ tất cả đều tan vỡ theo trình tự của thời gian. Vì thế, con có ý nghĩ rằng: ‘Ta phải thực hành pháp tu tập.’

 

2697. Bởi vì mạng sống của tất cả những người nam và nữ, của sinh linh ở thế gian này là bấp bênh như vậy, tựa như tấm vải choảng của kẻ nghiện ngập, tựa như cây cối sanh trưởng ở bờ vực. Vì thế, con có ý nghĩ rằng: ‘Ta phải thực hành pháp tu tập.’

 

2698. Tựa như các trái ở trên cây rụng xuống, các chúng sanh, bao gồm các phụ nữ, các nam nhân, và những người bán nam bán nữ, ở tuổi non trẻ và già cả, khi có sự tan rã thân xác đều ngã xuống. Vì thế, con có ý nghĩ rằng: ‘Ta phải thực hành pháp tu tập.’

 

2699. Tuổi tác này không như mặt trăng, chúa của các vì sao (khuyết rồi lại tròn), một khi nó đã trôi qua, thì nó đã đi qua hẳn vào khi ấy (không còn trở lại nữa). Thật sự đối với người già cả, sự vui sướng (ở các dục) không còn, làm sao có sự khoái lạc? Vì thế, con có ý nghĩ rằng: ‘Ta phải thực hành pháp tu tập.’

 

2700. Các Dạ-xoa, các yêu tinh, hoặc thậm chí các vong nhân, khi đã nổi giận, chúng thổi hơi (làm mê man) con người, nhưng không thể nào thổi hơi (làm mê man) đạo binh của Thần Chết. Vì thế, con có ý nghĩ rằng: ‘Ta phải thực hành pháp tu tập.’

 

2701. Con người (có thể) xoa dịu các Dạ-xoa, các yêu tinh, hoặc thậm chí các vong nhân đã nổi giận, nhưng không thể nào xoa dịu được đạo binh của Thần Chết. Vì thế, con có ý nghĩ rằng: ‘Ta phải thực hành pháp tu tập.’

 

2702. Các vị vua (có thể) trừng trị những kẻ phạm tội, những kẻ quấy rối, và những kẻ hư hỏng, sau khi biết được tội lỗi (của những kẻ ấy), nhưng không thể nào trừng trị đạo binh của Thần Chết. Vì thế, con có ý nghĩ rằng: ‘Ta phải thực hành pháp tu tập.’

 

2703. Những kẻ phạm tội, những kẻ quấy rối, và những kẻ hư hỏng đạt được việc xoa dịu đối với các vị vua của họ, nhưng không thể nào xoa dịu được đạo binh của Thần Chết. Vì thế, con có ý nghĩ rằng: ‘Ta phải thực hành pháp tu tập.’

 

2704. Tử Thần không có sự mong mỏi ở một chúng sanh nào, là ‘vị Sát-đế-lỵ’ cũng không, là ‘vị Bà-la-môn’ cũng không, những người giàu có, những người có năng lực, những người có uy quyền cũng không. Vì thế, con có ý nghĩ rằng: ‘Ta phải thực hành pháp tu tập.’

 

2705. Các con sư tử, các con cọp, và luôn cả các con báo (có thể) dùng bạo lực nhai ngấu nghiến con mồi đang giãy giụa, nhưng không thể nào nhai ngấu nghiến đạo binh của Thần Chết. Vì thế, con có ý nghĩ rằng: ‘Ta phải thực hành pháp tu tập.’

 

2706. Những người làm ảo thuật, trong khi biểu diễn ở giữa khán đài, đánh lừa các con mắt của người xem vào lúc ấy, nhưng không thể nào mê hoặc được đạo binh của Thần Chết. Vì thế, con có ý nghĩ rằng: ‘Ta phải thực hành pháp tu tập.’

 

2707. Các con rắn có nọc độc bị nổi giận thì có uy lực hung bạo. Chúng cắn và giết chết nhiều người, nhưng không thể nào cắn được đạo binh của Thần Chết. Vì thế, con có ý nghĩ rằng: ‘Ta phải thực hành pháp tu tập.’

 

2708. Các con rắn có nọc độc bị nổi giận rồi cắn người nào, các thầy thuốc (có thể) tiêu diệt nọc độc của chúng, nhưng không thể nào tiêu diệt được nọc độc đã cắn vào của Thần Chết. Vì thế, con có ý nghĩ rằng: ‘Ta phải thực hành pháp tu tập.’

 

2709. Dhammantarī, Vetaraṇī, và Bhoja được nổi tiếng sau khi tiêu diệt các nọc độc của những con rắn. Họ đã qua đời tương tự y như thế. Vì thế, con có ý nghĩ rằng: ‘Ta phải thực hành pháp tu tập.’

 

2710. Các nhà pháp thuật trong khi học thần chú Ghora (có thể) tàng hình di chuyển nhờ vào các phương thuốc, nhưng không thể nào tàng hình di chuyển đối với Ma Vương. Vì thế, con có ý nghĩ rằng: ‘Ta phải thực hành pháp tu tập.’

 

2711. Thật vậy, thiện pháp hộ trì người có sự thực hành thiện pháp. Thiện pháp khéo được thực hành đem lại sự an lạc. Điều này là quả báu khi thiện pháp khéo được thực hành: Người có sự thực hành thiện pháp không đi đến cảnh giới khổ đau.

 

2712. Bởi vì cả hai thiện pháp và phi pháp không có quả thành tựu giống nhau. Phi pháp dẫn đến địa ngục, thiện pháp giúp cho đạt được nhàn cảnh.”

 

Bổn sanh Tòa Nhà Sắt. [510]

 

***

 

TÓM LƯỢC NHÓM NÀY

 

Ẩn sĩ Mātaṅga, vị Sambhūta, đức vua Sivi, vị Sirimanda,

nai Rohaṇa, chim thiên nga, chim két Sattigumba, vua Bhallāṭiya,

hoàng tử Somanassa, rồng chúa Campeyya, sự cám dỗ lớn,

năm bậc nhân sĩ, vương tử Hatthipāla, và các tòa nhà sắt.

 

Nhóm Hai Mươi Kệ Ngôn được chấm dứt.

 

--ooOoo--


[Mục lục][15][16][17][18][19][20][21]


[Thư Mục Tổng Quát][Thư mục Bổn Sanh I][Thư mục Bổn Sanh II][Thư mục Bổn Sanh III]