LUẬT NGHI KHẤT SĨ (RIÊNG GIỚI XUẤT GIA)

TỔ SƯ MINH ĐĂNG QUANG

GIỚI PHẬT TỬ

MỤC LỤC

GIỚI PHẬT TỬ

CÁC PHẬT TỬ LÓNG NGHE

BA TỤ GIỚI

MƯỜI PHÁP THẾ GIỚI HẢI

PHÁP THẬP TRỤ: PHÁT THÚ TÂM

PHÁP THẬP HẠNH: THẬP TRƯỞNG DƯỠNG TÂM

PHÁP THẬP HỒI HƯỚNG: THẬP KIM CANG TÂM

PHÁP THẬP THIỀN ĐỊNH

PHÁP THẬP ĐỊA

PHÁP THẬP NHẪN

PHÁP THẬP NGUYỆN

THEO THỨ LỚP 10 CHỖ Ở NÓI PHÁP

MƯỜI TÁM TRỜI PHẠM THIÊN

BÁT BỘ

BA LA DI TỘI

THẤT NGHỊCH

BÁT NẠN

TRONG 8 THỨ RUỘNG PHƯỚC

MƯỜI HAI BỘ KINH


CÁC PHẬT TỬ LÓNG NGHE

Xưa Phật bảo các hàng Phật tử xuất gia rằng: Có 10 giới trọng, nếu các ngươi thọ giới Phật tử, mà không tụng giới này, thời chẳng phải Phật tử, chẳng phải dòng giống Phật. Ta cũng tụng như vậy, tất cả Phật tử đã học, sẽ học, và nay học, cần phải học, kỉnh tâm vâng giữ.

1. PHẬT NÓI: Này Phật tử! Hoặc mình giết, bảo người giết, phương tiện giết, khen ngợi giết, thấy giết vui theo, những đến chú thuật giết, nhơn giết, duyên giết, pháp giết, nghiệp giết, tất cả các loài có mạng sống, không nên cố giết. Bổn phận Phật tử phải luôn luôn khởi lòng từ bi hiếu thuận tìm phương cứu giúp tất cả chúng sanh; trái lại, lung lòng, vui ý, làm việc sát sanh, thời Phật tử ấy phạm trọng tội.

2. Này Phật tử! Mình trộm, xúi người trộm, phương tiện trộm, chú thuật trộm, nhơn trộm, duyên trộm, pháp trộm, nghiệp trộm, cho đến của quỷ thần, của có chủ, của giặc cướp, tất cả của cải, một cây kim, một sợi chỉ, không nên cố trộm; phép Phật tử phải sanh lòng hiếu thuận, Phật tánh từ bi, thường giúp cho tất cả người được phước an vui, trái lại, trộm tài vật của người, thời Phật tử ấy phạm trọng tội.

3. Này Phật tử! Mình dâm, bảo người dâm, cho đến tất cả người nữ không đặng cố dâm, nhơn dâm, duyên dâm, pháp dâm, nghiệp dâm, hành dâm phi đạo.

Nhẫn đến súc sanh cái, chư Thiên, quỷ thần gái, phép Phật tử phải sanh lòng hiếu thuận, cứu độ tất cả chúng sanh, đem pháp trong sạch dạy cho người, mà trái lại khởi lòng dâm nhơ mọi người, thật không lòng từ bi, Phật tử ấy phạm trọng tội.

4. Này Phật tử! Mình nói vọng, dạy người nói vọng, phương tiện nói vọng, nhơn nói vọng, duyên nói vọng, pháp nói vọng, nghiệp nói vọng cho đến chẳng thấy nói thấy, thấy nói chẳng thấy, thân tâm nói vọng. Phép Phật tử thường sanh chánh ngữ, chánh kiến, cùng sanh chánh ngữ, chánh kiến cho tất cả chúng sanh, mà trái lại khởi ra tà kiến, tà ngữ, tà nghiệp cho tất cả chúng sanh, thời Phật tử ấy phạm trọng tội.

5. Này Phật tử! Mình bán rượu, bảo người bán rượu, nhơn bán, duyên bán, pháp bán, nghiệp bán, tất cả rượu không đặng bán, vì rượu là nhơn duyên sanh tội. Phép Phật tử phải làm cho hết thảy chúng sanh được trí huệ, sáng suốt, mà trở lại làm điên đảo cho tất cả chúng sanh, thời Phật tử ấy phạm trọng tội.

6. Này Phật tử! Miệng mình nói tội lỗi của bậc xuất gia Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, và cư sĩ tại gia, cho người khác nghe, hoặc bảo người nói, nhơn nói, duyên nói, pháp nói, nghiệp nói. Phép Phật tử nghe ngoại đạo, người ác chê đạo Phật là phi pháp, phi luật, thường sanh tâm chẳng lành dạy bọn dữ ấy, tin rõ lý đạo mới phải, mà trở lại nói tội lỗi trong Phật pháp, thời Phật tử ấy phạm trọng tội.

7. Này Phật tử! Khen mình chê người, bảo kẻ khác khen mình chê người, nhơn chê, duyên chê, pháp chê, nghiệp chê. Phép Phật tử phải thế cho hết thảy chúng sanh chịu những điều hủy nhục, việc xấu đem về mình, việc tốt nhường cho người, nếu khoe đức mình, giấu việc tốt người, làm cho người chịu điều hủy nhục, thời Phật tử ấy phạm trọng tội.

8. Này Phật tử! Mình bỏn xẻn, bảo người bỏn xẻn, nhơn xẻn, duyên xẻn, pháp xẻn, nghiệp xẻn. Phép Phật tử thấy tất cả người nghèo đến xin, tùy người ấy dùng món chi, đều giúp cho cả, thế mà Phật tử trở lại đem lòng sân ác, nhẫn đến không cho một món, mũi kim, sợi chỉ, có người cầu pháp không nói cho một câu, một bài kệ, chút pháp như vi trần, mà trở lại mắng nhiếc, thời Phật tử ấy phạm trọng tội.

9. Này Phật tử! Mình sân, bảo người sân, nhơn sân, duyên sân, pháp sân, nghiệp sân. Phép Phật tử phải thường sanh lòng từ bi hiếu thuận, đem căn lành, không xích mích cho tất cả chúng sanh, mà trở lại mắng nhiếc, tay đánh cây đập, cho đến loài phi chúng sanh, ý còn chưa nguôi, người xin thú tội, nhỏ nhẹ cầu tha, vẫn còn giận hoài không hết thời Phật tử ấy phạm trọng tội.

10. Này Phật tử! Mình chê ngôi Tam bảo, xúi người chê ngôi Tam bảo, nhơn chê, duyên chê, pháp chê, nghiệp chê. Phép Phật tử thấy ngoại đạo và người ác chê Phật một tiếng như 300 mũi giáo đâm vào tim, huống chi tự mình chê chẳng sanh lòng tín, lòng hiếu thuận, mà trở lại giúp cho kẻ tà kiến và người dữ chê bai thời Phật tử ấy phạm trọng tội.

Các nhơn giả khéo học giữ như 10 giới trọng của Phật tử đây, cần phải học không phạm một giới nào chừng bằng mảy bụi, huống chi phạm đủ trong 10 giới; nếu phạm giới này, đương đời không đặng phát tâm Bồ đề, cũng mất ngôi Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, mười phát thú, mười trưởng dưỡng, mười kim cang, mười địa, tánh Phật quả nhiệm mầu, thường trụ, tất cả đều mất, đọa trong 3 đường dữ, hai kiếp, ba kiếp, chẳng nghe được danh hiệu của ngôi Tam bảo, vì thế nên chẳng dám phạm một giới nào cả, các người hết thảy Phật tử, nay học, sẽ học và đã học, mười giới này cần phải học hành, kỉnh lòng vâng giữ.

Phật bảo các Phật tử rằng: Đã nói giới trọng rồi, còn 48 giới khinh nay nói!

1. Này Phật tử! Khi thọ giới xuất gia, Phật tử đặng giới này rồi, phải sanh lòng hiếu thuận, lòng cung kỉnh, thấy vị Thượng tọa, Trưởng lão, Đại đức, đồng học, đồng hiểu, đồng tu, phải đứng dậy tiếp rước lễ bái, chào thưa, mà trái lại, Phật tử trở sanh kiêu ỷ, khinh dể và sân si, không đứng dậy, tiếp rước, lễ bái, không mỗi mỗi y phép cúng dường, nếu không thế, thời phạm khinh cấu tội.

2. Này Phật tử! Cố tâm uống rượu, vì rượu là thứ hay sanh vô lượng tội lỗi, nếu tự tay mình đưa chén rượu cho người uống, thời mắc quả báo năm trăm đời không tay, huống chi là tự mình uống, cũng chẳng đặng dạy tất cả người uống, và tất cả chúng sanh uống, huống mình uống rượu, tất cả các thứ rượu không đặng uống, nếu mình cố tâm uống, hoặc bảo người uống, thời phạm khinh cấu tội.

3. Này Phật tử! Cố ăn thịt, tất cả thịt chúng sanh không nên ăn, người ăn thịt đoạn mất hột giống đại từ bi của Phật tánh, tất cả chúng sanh thảy đều bỏ chạy. Thế nên quý vị Phật tử không đặng ăn thịt các loài chúng sanh, ăn thịt mắc vô lượng tội, nếu cố tâm ăn thịt, phạm khinh cấu tội.

4. Này Phật tử! Không đặng ăn ngũ vị tân: hành, hẹ, tỏi, nén, kiệu, năm món hôi nồng này, để trong các thứ đồ ăn, cũng không nên ăn, nếu cố tâm ăn, phạm khinh cấu tội.

5. Này Phật tử! Thấy chúng Tăng phạm phá giới cấm mắc THẤT NGHỊCH, BÁT NẠN, hết thảy các tội phạm giới, đều phải dạy họ sám hối, mà Phật tử đã không dạy sám hối, lại còn để chung ở, chung hưởng của chúng Tăng và chung cùng Bố tát, đồng chúng tụng giới, mà không cử tội người đó, cũng không dạy người đó sám hối, thời phạm khinh cấu tội.

6. Này Phật tử! Thấy Pháp sư, người đồng học, đồng hiểu, đồng hạnh, vào chùa, nhà, thành ấp hoặc trăm ngàn dặm đi đến, phải tiếp rước đưa đón, lễ bái, cúng dường hàng ngày món ẩm thực, giường ghế, thuốc thang, cúng dâng Pháp sư tất cả vật dụng đều cấp cho, thường thỉnh Pháp sư thuyết pháp, mỗi ngày lễ bái, chẳng sanh lòng giận rầu chán nản, vì pháp quên mình, thính pháp không mỏi, nếu chẳng vậy, thời phạm khinh cấu tội.

7. Này Phật tử! Tất cả chỗ có giảng kinh luật xuất gia thời Phật tử tân học, phải ôm kinh luật đến chỗ Pháp sư giảng, mà nghe, học, thưa, hỏi, hoặc trong núi rừng, chùa am, hoặc dưới cội cây chẳng hạn, bao nhiêu chỗ nói pháp, đều đến nghe thọ, nếu không đến đó nghe, thọ, thưa, hỏi, thời phạm khinh cấu tội.

8. Này Phật tử! Đem lòng bỏ kinh luật thường trụ, cho là không phải Phật nói, mà vâng giữ theo những giới cấm kinh luật của tà kiến, của ngoại đạo, thời phạm khinh cấu tội.

9. Này Phật tử! Thấy tất cả người xuất gia tật bịnh thời thường phải cúng dường như cúng dường Phật không khác. Trong các món ruộng phước, về phước nuôi bịnh là thứ nhứt, hoặc Tăng sư đệ tử có bịnh, trăm chứng khổ não, đều phải cấp nuôi cho lành mạnh, thế mà Phật tử lại dùng lòng hờn giận, không nuôi, cho đến chùa chiền, ngoài thành ấp, đồng nội, rừng núi, đường sá, thấy người xuất gia bịnh, không cứu giúp, thời phạm khinh cấu tội.

10. Này Phật tử! Chẳng đặng sắm tất cả thứ dao, gậy, cung, tên, búa, mác, những đồ đấu chiến, cùng bẫy dò lưới rập, thứ hại chúng sanh, tất cả chẳng đặng sắm. Phật tử, người ta giết thầy mình còn không trả thù, huống chi mình giết tất cả chúng sanh, chẳng đặng sắm đồ giết chúng sanh, nếu cố sắm đó, thời phạm khinh cấu tội.

(Như vậy mười giới, cần phải học, kỉnh lòng vâng giữ)

11. Này Phật tử! Không đặng vì lợi dưỡng mà ác tâm làm sứ mạng cho nước khác, hội hiệp quân trận, khởi binh đánh nhau, giết vô số chúng sanh. Phật tử còn không đặng tới lui trong quân trận, huống là cố làm giặc trong nước, nếu cố làm đó, thời phạm khinh cấu tội.

12. Này Phật tử! Cố tâm mua bán, người lành tôi tớ cùng loài súc vật, bán chác quan tài, cây ván đồ đựng thây chết, mình còn không được làm, huống chi bảo người, nếu mình cố làm, hoặc bảo người khác làm, thời phạm khinh cấu tội.

13. Này Phật tử! Cố đem lòng ác, vô cớ mà vu báng người hiền lương, Pháp sư, Tăng sư, cư sĩ, nói phạm tội BẢY NGHỊCH, mười trọng, phải sanh lòng hiếu thuận, lòng từ bi, mà trở lại làm nghịch hại, khiến kia chẳng vui lòng, thời phạm khinh cấu tội.

14. Này Phật tử! Đem lòng ác phóng lửa đốt núi rừng đồng nội, phóng lửa đốt thành, trại, lều, ấp, chùa am, đồng ruộng, cây cối, người ta, chỗ ở của quỷ thần cùng tất cả chỗ nào có sanh mạng, không đặng cố đốt, nếu cố tâm đốt, thời phạm khinh cấu tội.

15. Này Phật tử! Từ đệ tử Phật cho đến ngoại đạo, người ác, tất cả người quen biết, phải mỗi mỗi dạy họ vâng giữ kinh luật, dạy hiểu nghĩa lý đặng phát tâm Bồ đề, nhận rõ mười tâm PHÁT THÚ, mười tâm TRƯỞNG DƯỠNG và mười tâm KIM CANG, trong 30 tâm thứ lớp dạy rõ cách tu, trái lại Phật tử đem tâm giận dữ, tâm xấu xa, dạy càn kinh luật tà kiến, ngoại đạo v.v… phạm khinh cấu tội.

16. Này Phật tử! Hảo tâm trước học kinh luật, oai nghi, rộng hiểu nghĩa lý, thấy Phật tử mới học sau, từ trăm dặm ngàn dặm đến cầu hỏi kinh luật, phải y pháp dạy cho người biết, những khổ hạnh của Phật tử, nào cúng dường chư Phật, nếu không cúng dường chẳng phải Phật tử xuất gia, mỗi mỗi theo thứ lớp, nói Chánh pháp cho họ nghe, khiến lòng dạ họ mở tỏ, mà Phật tử cố vì lợi dưỡng, lời đáng dạy không dạy, nói ngược chữ nghĩa kinh luật, không sau không trước, chê bai ngôi Tam bảo, thời Phật tử ấy phạm khinh cấu tội.

17. Này Phật tử! Mình vì sự ăn uống, của cải, danh lợi và tiếng khen, thân cận nhà vua, vương tử, đại thần, bá quan, cậy mượn oai thế, đánh đập, lôi kéo, lấy ngang của cải, đủ cách cầu lợi phi lý, gọi là ác tâm, đa cầu, hoặc xúi người khác cầu, như vậy không lòng từ mẫn và hiếu thuận, thời phạm khinh cấu tội.

18. Này Phật tử! Phải học 12 bộ kinh, tụng giới mỗi ngày, giữ giới Phật tử, phải hiểu rõ nghĩa lý, khế hiệp với tánh Phật, mà Phật tử không biết một câu, một bài kệ, và nhơn duyên giới luật, láo rằng hiểu biết đó, tức là dối gạt mình, cũng dối gạt người khác nữa. Tất cả kinh pháp không biết, mà làm thầy truyền giới cho người, thời phạm khinh cấu tội.

19. Này Phật tử! Đem lòng ác, thấy Tỳ kheo giữ giới, tay bưng bát cơm, tu hạnh Phật tử, lại đâm thọc hai đầu vu hiếp người hiền, không việc ác nào mà chẳng làm, thời phạm khinh cấu tội.

20. Này Phật tử! Đem lòng lành làm việc phóng sanh, vì tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta, mỗi đời ta từ đó mà sanh ra, nên chúng sanh trong sáu đường, đều là cha mẹ của ta cả, lại giết mà ăn, tức là giết cha mẹ của ta, tức là giết thân cũ của ta, tất cả nước, đất, lửa, gió, là thân trước của ta, nên thường làm việc phóng sanh, đời đời thọ sanh, là các việc còn hoài. Nên dạy người phóng sanh, nếu thấy người đời khi giết loài súc sanh, phải tìm phương giải cứu cho nó khỏi khổ, thường giảng nói giới Phật tử cứu độ chúng sanh, nếu chẳng thế đó, thời phạm khinh cấu tội.

(Như trên 10 giới, cần phải học, kỉnh lòng vâng giữ).

21. Này Phật tử! Chẳng nên đem giận trả giận, đem thù trả thù, dầu người có giết thầy mình, Tăng chúng cũng không nên giết lại, Phật mình bị giết cũng không nên trả thù, giết mạng trả mạng, không thuận hiếu đạo, cũng không nuôi tôi tớ, mỗi ngày đánh mắng khởi ba nghiệp tội miệng vô số huống cố phạm bảy tội nghiệp Phật tử xuất gia lại cố trả thù không lòng lành, đến nỗi trả thù, thời phạm khinh cấu tội.

22. Này Phật tử! Mới xuất gia chưa hiểu chi cả, mà ỷ mình thông minh có trí, hoặc ỷ cao sang tuổi lớn, họ hàng rân rát, hiểu rộng biết nhiều, phước to giàu đủ, dư của bảy báu, cậy đó mà ỷ thế khoe tài, sanh lòng kiêu mạng, không chịu hỏi học kinh luật với các vị Pháp sư học trước, còn Pháp sư kia, hoặc là cánh họ thấp, tuổi nhỏ, nhà hẹp, nghèo nàn, hèn hạ, mà thiệt có đức, bao nhiêu kinh luật đều thông, Phật tử tân học không đặng xem dòng họ của Pháp sư, mà không đến học hỏi nghĩa chơn đế thứ nhứt của Pháp sư, thời phạm khinh cấu tội.

23. Này Phật tử! Sau khi Phật diệt độ rồi, hảo tâm muốn thọ giới Phật tử, thời phải tới trước hình tượng Phật tự thệ nguyện mà thọ, cần phải sám hối trước tượng Phật, trong bảy ngày, đặng thấy tướng tốt thời đắc giới, nếu chưa thấy tướng tốt phải sám hối hai tuần, ba tuần cho đến một năm, cầu đặng tướng tốt, chừng nào tướng tốt đặng thấy rồi, thời đặng ở trước hình tượng Phật mà thọ giới, nếu không thấy tướng tốt của Phật, dầu ở trước tượng Phật mà thọ giới, cũng không gọi là đắc giới. Bằng như thọ giới nơi Pháp sư, trước có thọ Phật tử giới thì không buộc phải thấy tướng tốt. Vì sao? Vì Pháp sư ấy có thầy nối truyền, nên không buộc thấy tướng tốt, bởi vậy khi thọ giới đối trước Pháp sư, sanh lòng chí trọng mà thọ, thời đắc giới. Hoặc trong ngàn dặm, không có thầy truyền giới, thì được ở trước tượng Phật, tự phát thệ thọ giới, song cần phải thấy tướng tốt. Nếu Pháp sư ỷ mình biết kinh luật, học giới, có Phật tử tân học đến hỏi nghĩa kinh luật, lại đem lòng khinh khi ghét bỏ, kiêu căng, không đáp tử tế mỗi lời nói, thời phạm khinh cấu tội.

24. Này Phật tử! Có kinh luật của Phật, chánh kiến, chánh tánh, chánh Pháp thân, mà không chịu cầu học tu tập, khác nào bỏ của thất bảo, trở lại học theo sách vở của thế tục, lý luận của đời, các luận của ngoại đạo, tất cả thuyết của tà kiến, đó là nhơn duyên ngăn đạo, dứt mất Phật tánh chẳng phải tu hạnh Phật tử, nếu cố làm như thế, thời phạm khinh cấu tội.

25. Này Phật tử! Khi Phật diệt độ rồi, làm ông chủ thuyết pháp, chủ tu hành, chủ giáo hóa, chủ tọa thiền, phải sanh lòng từ, khéo sắp đặt hòa giải trong chúng và khéo giữ gìn của Tam bảo, đừng xài vô độ như của mình, nếu khuấy chúng gây tranh, rầy rà, còn mình lung lòng, xài của Tam bảo, phạm khinh cấu tội.

26. Này Phật tử! Ở trước trong chùa, thấy ông khách Tỳ kheo sau đến vào chùa, nhà, thành, ấp, hoặc đền vua, nhẫn đến chỗ kiết hạ an cư và trong đại hội, thời ông thầy ở trước đó, phải rước vào, đưa đi cúng các đồ ăn uống, phòng, nhà, chiếu gối, giường chõng, mỗi việc phải cấp cho như không của, cúng dường tất cả vật dụng cho khách Tăng dùng, nếu có người đàn việt đến thỉnh chúng Tăng, thời khách Tăng cũng có dự phần thỉnh, chủ Giáo hội phải sắp thứ lớp cho khách Tăng thọ thỉnh, nếu ỷ ở trước trong chùa, lại thọ thỉnh riêng, mà không cho khách Tăng dự, mắc tội vô lượng, không khác súc sanh, không phải Sa môn, không phải con nhà Phật, phạm khinh cấu tội.

27. Này Phật tử! Không đặng thọ thỉnh riêng, thu lãnh của cúng về mình, của cúng ấy chung mười phương Tăng, thọ thỉnh riêng tức là lấy của Tăng mười phương và trong các ruộng phước là: chư Phật, thánh nhơn, thầy, chúng Tăng về mình dùng, phạm khinh cấu tội.

28. Này Phật tử! Khi có những người đàn việt nào muốn thỉnh chúng Tăng cần ruộng phước, thì phải vào trong chùa thưa với sư tri sự rằng: Tôi nay muốn xin thỉnh chúng Tăng cầu phước. Sư tri sự phải dạy lại rằng: Cứ theo thứ lớp mà thỉnh, thì đặng mười phương Hiền Thánh Tăng (người đời riêng thỉnh 500 vị La hán Phật tử Tăng, chẳng bằng theo thứ lớp mà thỉnh một vị phàm Tăng!). Nếu lựa mà thỉnh riêng là cách của ngoại đạo, xưa bảy lớp Phật, không có cách thỉnh riêng, nếu Phật tử làm vị sư tri sự không dạy, thời phạm khinh cấu tội.

29. Này Phật tử! Cố đem lòng ác, vì cố lợi dưỡng, buôn bán, sắc đẹp nam nữ, tay mình làm đồ ăn hoặc xay giã, xem tướng đàn ông đàn bà, bàn mộng kiết hung, sanh nam hay nữ, chú thuật nghề khéo, tập luyện chim ưng, bào chế trăm ngàn thuốc độc, độc rắn, độc sâu, độc vàng bạc, đều không lòng từ mẫn, lòng hiếu thuận, nếu cố làm, thời phạm khinh cấu tội.

30. Này Phật tử! Cố đem lòng ác, mình chê Tam bảo, giả bộ nương gần, miệng cứ nói không, làm trong chỗ có, xu phụ về mặt của thế gian, mai mốt cho nam nữ tư thông, giao hội sắc dâm, gây các việc buộc ràng dính mắc, ăn chay lại sát sanh trộm cắp, hủy giới phá trai, phạm khinh cấu tội.

(Mười giới này, cần phải học, kỉnh lòng vâng giữ)

31. Này Phật tử! Khi Phật tịch rồi, trong đời dữ, thấy kẻ ngoại đạo, tất cả người ác cướp tặc, bán hình tượng Phật, Phật tử, và bán kinh luật, hoặc bán Tăng sư, Ni cô, người tu Phật tử, kẻ phát tâm Bồ đề, bán làm tay sai cho quan, làm tôi mọi cho người, Phật tử thấy thế, phải sanh lòng từ bi, tìm phương cứu chữa đi các nơi giáo hóa tìm cách chuộc tượng Phật, Phật tử và Tăng sư, Ni cô cùng những người phát tâm Bồ đề, và tất cả kinh luật, nếu không mua chuộc, thời phạm khinh cấu tội.

32. Này Phật tử! Không đặng buôn bán dao, gậy, cung, tên, cân non, giạ thiếu, cậy thế lực quan trên, lấy ngang của chúng, lòng ác trói buộc, phá hư việc thành công của người, và nuôi mèo, chồn, heo, chó v.v… nếu cố nuôi, thời phạm khinh cấu tội.

33. Này Phật tử! Cố đem lòng ác, xem coi các kẻ nam nữ đánh lộn, cùng binh tướng đánh giặc nơi quân trận, cũng chẳng đặng nghe thổi ốc, trống, còi, đờn cầm, đờn sắt, đờn tranh, ống tiêu, ống sáo, đờn không hầu, các tiếng ca ngâm kỹ nhạc, chẳng đặng đánh bài bạc, cờ vây, cờ tướng, cờ đàn, cờ lục bát, đánh banh, quăng đá, gieo hồ, và phép coi bói, cỏ thi nhành dương, bát nước, sọ khô, làm việc bói xủ, và không đặng làm sứ cho cướp trộm, mỗi mỗi không nên làm, nếu cố tâm làm đó, phạm khinh cấu tội.

34. Này Phật tử! Khi đi đứng nằm ngồi, giữ gìn giới cấm, ngày đêm trì tụng giới này, trọng như ngọc kim cang, như đeo phao nổi qua khỏi biển lớn, như Tỳ kheo buộc cỏ, thường sanh lòng từ thiện chánh tín, tự biết mình là Phật chưa thành, chư Phật là Phật đã thành, phát tâm Bồ đề, mỗi niệm không lui sụt, nếu khởi một niệm ngoại đạo, phạm khinh cấu tội.

35. Này Phật tử! Thường phải phát tất cả lời nguyện: Hiếu thuận Tăng sư, nguyện gặp thầy hay, bạn lành đồng học, thường dạy cho ta kinh luật: MƯỜI PHÁT THÚ, MƯỜI TRƯỞNG DƯỠNG, MƯỜI KIM CANG và MƯỜI

ĐỊA, đặng ta hiểu rõ, thà bỏ thân mạng, mỗi niệm không quên, tất cả Phật tử không phát nguyện này, phạm khinh cấu tội.

36. Này Phật tử! Phát đại nguyện ấy rồi, giữ giới cấm của Phật phải phát thệ rằng: Thà đem thân này nhảy vào đống lửa dữ, hầm lớn, núi đao, quyết không phạm kinh luật của Phật ba đời: làm hạnh bất tịnh với tất cả người nữ, Lại nguyện rằng: Thà lấy ngàn lớp sắt nóng vấn giáp thân mình, quyết không dùng thân phá giới này: mặc những y phục của người đàn việt tín tâm. Lại nguyện rằng: Thà lấy miệng này nuốt hoàn sắt nóng và cục lửa to, trải trăm ngàn kiếp, quyết không đem miệng phá giới này: ăn uống trăm món của người đàn việt tín tâm. Lại nguyện rằng: Thà đem thân này nằm trên lưới sắt cháy đỏ, quyết không dùng thân phá giới này: ngồi nằm trăm thứ giường ghế của người đàn việt tín tâm. Lại nguyện rằng: Thà lấy thân này chịu 300 mũi giáo chĩa đâm vào mình, một kiếp, hai kiếp, quyết không đem thân phá giới này: dùng trăm thứ thuốc thang của người đàn việt tín tâm. Lại nguyện rằng: Thà đem thân này háp vào tấm sắt nóng, trải trăm ngàn kiếp, quyết không dùng thân phá giới này: ở trong ngàn lớp phòng nhà, vườn đất của người đàn việt tín tâm. Lại nguyện rằng: Thà lấy chùy sắt đập nát thân này, từ đầu đến chơn, nát ra như bụi, quyết không dùng thân phá giới này: chịu người đàn việt tín tâm cung kỉnh lễ bái. Lại nguyện rằng: Thà chịu lấy trăm ngàn dao mác đỏ nóng, khoét cặp mắt, quyết không dùng thân phá giới này: xem coi sắc đẹp. Lại nguyện rằng: Thà lấy trăm ngàn dùi sắt, xoi lụi lỗ tai, một hai kiếp, quyết không đem tâm phá giới này: nghe giọng hay, tiếng tốt. Lại nguyện rằng: Thà lấy trăm ngàn kéo bén, hớt bỏ cái mũi, quyết không dùng tâm phá giới này: tham ngửi mùi thơm. Lại nguyện rằng: Thà lấy trăm ngàn dao bén cắt cuống lưỡi, quyết không dùng tâm phá giới này: ăn trăm món quý của người đàn việt tín tâm. Lại nguyện rằng: Thà đem búa bén bằm chặt thân thể, quyết không dùng tâm phá giới này: ham cạ vật êm. Lại nguyện rằng: Tất cả chúng sanh đều đặng thành Phật. Phật tử nếu không phát nguyện như vậy, thời phạm khinh cấu tội.

37. Này Phật tử! Thường phải tu hạnh Đầu đà và mùa Hạ ngồi thiền, kiết hạ an cư, thường dùng ba y bình bát, tọa cụ, bàn lược, khăn tay, dao cạo với kinh luật. Phật tử khi tu Đầu đà, và khi du phương, đi đến trăm ngàn dặm, thì các món này thường đem theo mình, như chim có hai cánh. Đến ngày bố tát, Phật tử phải học, cứ mỗi nửa tháng một kỳ, thường bố tát tụng 10 giới trọng, 48 giới khinh. Khi tụng giới, phải tụng trước tượng Phật; một người Phật tử thời một người tụng, hoặc hai người, ba người, nhẫn đến trăm ngàn người, cùng một người tụng, người tụng ngồi cao, người nghe ngồi thấp, hoặc khi đi hạnh Đầu đà, đừng vào chỗ nạn như cõi nước dữ, hoặc vua hung, đất cát gò, hố, cỏ cây rậm rạp, sư tử, hổ lang, nạn nước, lửa, gió cùng là cướp tặc, đường sá rắn độc, bao nhiêu chỗ nạn đều không đặng vào, chẳng những Đầu đà, dầu kiết hạ an cư, mãi những chỗ nạn như vậy, cũng chớ nên kiết, nếu cố kiết thời phạm khinh cấu tội.

38. Này Phật tử! Phải y theo thứ lớp mà ngồi, thọ giới trước ngồi trước, thọ giới sau ngồi sau, chẳng luận già trẻ, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, quý nhơn, quốc vương, thái tử, cho đến huỳnh môn tôi tớ, đều phải theo thứ lớp, thọ giới trước sau mà ngồi, đừng như ngoại đạo, người già trẻ trước sau lộn xộn, ngồi không có thứ lớp, khác nào kẻ binh nô (mọi rợ): trong đạo Phật ta, kẻ thọ giới trước ngồi trước, kẻ thọ giới sau ngồi sau, tại gia ngồi theo tại gia, xuất gia ngồi theo xuất gia, cho đến nam nữ cũng phải phân biệt, nếu Phật tử không mỗi mỗi y theo thứ lớp mà ngồi, thời phạm khinh cấu tội.

39. Này Phật tử! Thường phải dạy bảo cho tất cả chúng sanh, dựng lập chùa, tòng lâm, ruộng vườn và tháp Phật, cùng chỗ để mùa hạ ẩn cư ngồi thiền, bao nhiêu chỗ đạo tràng tu niệm đều phải tạo lập cả, Phật tử phải giảng kinh luật cho tất cả chúng sanh nghe, khi tật bịnh, nạn nước lửa, giặc cùng Tăng chúng mất, cũng phải giảng nói kinh luật; tất cả trai hội cầu nguyện, hoặc đi đường rủi bị nạn lửa thiêu, nước trôi, gió dữ, thổi chìm ghe tàu, nơi sông hồ, biển lớn, gặp nạn La sát, cũng đọc tụng giảng nói kinh luật này, nhẫn đến tất cả tội báo trong ba đường, tám nạn, bảy nghịch, gông cùm, xiềng xích trói buộc thân thể, hoặc lòng thường móng dâm, giận, ngu si, nhiều tật bịnh, cũng đều giảng nói kinh luật này. Phật tử mới học, nếu không như thế, phạm khinh cấu tội.

(Chín giới này, cần phải học, kỉnh lòng vâng giữ)

40. Này Phật tử! Khi truyền giới cho Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, phải dạy họ mặc y phục nhuộm màu cho hiệp với đạo; chẳng những y phục, cho đến ngọa cụ đều phải nhuộm, như người trong nước, nhơn dân mặc đồ thế nào, Tỳ kheo phải mặc cho khác với người thế tục. Khi muốn thọ giới xuất gia, thầy phải hỏi, người đương đời có phạm tội thất nghịch không? Pháp sư không nên cho người đương đời phạm tội thất nghịch thọ giới xuất gia. TỘI THẤT NGHỊCH là: làm cho mình Phật ra máu; giết cha mẹ, hòa thượng, giáo thọ, thánh nhơn, phá Tăng dạy lễ chuyển pháp luân, nếu phạm đủ bảy nghịch tội, thì đời này không được thọ giới, còn ngoài ra tất cả đều đặng thọ giới. Phép xuất gia không đặng lạy vua chúa, cha mẹ, sáu thân chẳng mến, quỷ thần chẳng lạy, có người hiểu đặng lời Pháp sư, từ trăm ngàn dặm, đến cầu pháp mà Pháp sư đem lòng ác, lòng sân, chẳng chịu truyền giới cho đó, phạm khinh cấu tội.

41. Này Phật tử! Khi giáo hóa người khởi lòng tin thấy muốn thọ giới, mình làm Pháp sư, dạy bảo phải thỉnh hai thầy: Hòa thượng, Giáo thọ, hai thầy phải hỏi người có phạm bảy tội ngăn chăng? Nếu đương đời có phạm bảy tội ngăn, thời Pháp sư không nên cho người đó thọ giới xuất gia, nếu không có bảy tội ngăn đó, thời được thọ. Bằng có phạm 10 giới trọng, phải dạy sám hối nơi trước tượng Phật, ngày đêm tụng 10 giới trọng, 48 giới khinh, tha thiết ân cần, lạy ba đời ngàn Phật, cầu đặng thấy tướng tốt, hoặc một tuần, hai, ba tuần cho đến một năm, cầu thấy tướng tốt, tướng tốt đó là Phật đến rờ đầu, thấy hào quang, thấy hoa nở, các điều tướng lạ, liền đặng dứt tội.

Như không thấy tướng tốt, tuy sám hối cũng vô ích, song người ấy đương đời vẫn không đắc giới, nhưng được thêm căn lành thọ giới đời sau. Nếu phạm 48 giới khinh, phải làm phép đối thú, sám hối, tội liền tiêu hết, không như bảy tội ngăn nói trên. Song ông thầy dạy bảo phải hiểu rõ tất cả trong giới pháp, nếu không hiểu kinh luật, các tướng tội hoặc khinh, hoặc trọng, phải quấy cũng không hiểu, Đế Thứ Nhứt, Tánh Giống Quen, Tánh Nuôi Lớn, Tánh Giống Tánh, Tánh Hư Không, Tánh Giống Đạo, Tánh Chánh Pháp, trong đó có bao nhiêu QUÁN HẠNH cao thấp MƯỜI THIỀN CHI, tất cả phép tu mỗi mỗi không hiểu ý nghĩa ấy là gì, mà Phật tử vì danh lợi, vì tiếng khen, tưởng bậy, tham nhiều, ham cầu đệ tử, dối nói hiểu thông tất cả kinh luật, cho người cúng dường, đó là gạt mình, cũng gạt người nữa; hành vi như thế mà cố truyền giới cho người, thời phạm khinh cấu tội.

42. Này Phật tử! Không nên vì lợi dưỡng, đọc giới của ngàn Phật, chung với người chưa thọ giới Phật tử, ngoại đạo, cùng người dữ nghe, trước kẻ tà kiến cũng không nên đọc, những người ác đời đời sanh chỗ nào, không gặp được ngôi Tam bảo, vô tâm như cây, như đá nên gọi là ngoại đạo, bọn người tà kiến thế, không khác khúc cây. Phật tử đối trước người ác như vậy, lại đọc giới của bảy lớp Phật, thời phạm khinh cấu tội.

43. Này Phật tử! Tâm tín xuất gia, thọ chánh giới của Phật, lại quyết đem lòng hủy phạm chánh giới, thời không nên hưởng tất cả của người đàn việt cúng dường, cũng chẳng đặng đi trên đất và uống nước của vua, năm ngàn quỷ lớn, thường ngăn trước mặt, quỷ mắng là “đại tặc”, vào nhà cửa, thành ấp, tất cả người đời mắng rằng: “Tặc trong Phật pháp”, tất cả chúng sanh mắt không muốn ngó, những kẻ phạm giới không khác súc sanh, in như khúc gỗ, nếu cố hủy phá chánh giới, phạm khinh cấu tội.

44. Này Phật tử! Thường phải một lòng vâng giữ, đọc tụng kinh luật, biên chép giới Phật, dùng những vỏ cây, giấy tốt, lá tre, biên chép giữ gìn, thường dùng bảy báu hoa hương vô giá, tất cả vật quý, làm rương tráp đựng quyển kinh luật, nếu không như pháp cúng dường, thời phạm khinh cấu tội.

45. Này Phật tử! Thường đem lòng đại bi vào các chỗ thành ấp, cửa nhà, thấy bao nhiêu chúng sanh, thời phải bảo rằng: Chúng sanh các ngươi, đều phải thọ Tam quy, trì Ngũ giới, hoặc thấy heo, ngựa, trâu, dê, cả thảy mọi loài, phải lòng tưởng, miệng nói rằng: Súc sanh các ngươi phải phát tâm Bồ đề. Phật tử vào tất cả chỗ núi, rừng, sông, ruộng đều phải khiến cho tất cả chúng sanh phát tâm Bồ đề. Phật tử ấy nếu không lòng giáo hóa chúng sanh như vậy, phạm khinh cấu tội.

46. Này Phật tử! Thường phải giáo hóa khởi lòng đại bi, hoặc khi vào nhà người đàn việt, quý nhơn, trong tất cả người, chẳng đặng đứng nói pháp cho người thế nghe, phải ngồi trên tòa cao nơi phía trước người thế mà nói.

Pháp sư Tỳ kheo không đặng đứng dưới đất thấp, vì tứ chúng mà nói pháp. Nếu khi thuyết pháp, vị Pháp sư ngồi tòa cao, hương hoa cúng dường, tứ chúng nghe, thời ngồi dưới thấp, như hiếu thuận cha mẹ, kỉnh vâng lời thầy dạy. Như Bà La Môn thờ lửa, nếu Pháp sư thuyết pháp không như vậy, phạm khinh cấu tội.

47. Này Phật tử! Đã đem lòng chánh tín thọ giới xuất gia của Phật, hoặc vua, thái tử, bá quan, bốn bộ đệ tử, còn ỷ mình cao sang phá diệt giới luật Phật, bày đặt quan chức ngăn cấm bốn bộ đệ tử ta, không cho xuất gia tu hành, cũng không cho dựng lập hình tượng, tháp Phật, và kinh luật, hoặc chức thống quan cai quản Tăng chúng và bộ sổ ghi tên Tăng chúng. Phật tử Tỳ kheo đứng dưới đất, còn người thế ngồi tòa cao, làm nhiều việc phi pháp, chẳng khác nào như quân lính hầu vua (đầy tớ hầu chủ nhà). Phật tử chính phải thọ tất cả người cúng dường, mà trái lại làm kẻ sứ cho quan, sái phép sái luật (nếu vị quốc vương, bá quan hảo tâm thọ giới xuất gia của Phật rồi thời đừng tạo tội, phá Tam bảo). Nếu cố tâm làm việc phá pháp ấy phạm khinh cấu tội.

48. Này Phật tử! Hảo tâm xuất gia, mà vì tiếng khen lợi dưỡng hiếp đáp trói buộc Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, đệ tử thọ Phật tử giới, như cách ngục tù, như binh nô, khác nào dòi trong mình sư tử ăn thịt sư tử, không phải dòi ở ngoài mà ăn đặng, như vậy Phật tử tự phá Phật pháp, chẳng phải ngoại đạo thiên ma nào phá nổi, nếu thọ giới của Phật rồi, thì phải giữ gìn như thương con đỏ, như thờ cha mẹ, chớ nên phá hủy. Phật tử nghe kẻ ngoại đạo, người ác dùng lời chê hủy giới của Phật, khác nào như 300 mũi giáo đâm chĩa vào tim, ngàn đao muôn gậy đánh đập vào thân mình, thà chịu vào địa ngục thọ khổ trăm kiếp, chớ không chịu nghe người dữ, dùng lời ác chê phá giới cấm của Phật, huống chi mình phá, và làm gương bảo người phá. Lòng không hiếu thuận, nếu cố phá đó, phạm khinh cấu tội.

(Chín giới này, cần phải học, kỉnh lòng vâng giữ).

Này Phật tử! 48 giới khinh này, các ông phải thọ trì.

Các vị Phật tử quá khứ đã tụng, Phật tử vị lai sẽ tụng và Phật tử hiện tại nay tụng.

BA TỤ GIỚI

1. Nhiếp luật nghi giới, nguyện đoạn tất cả ác.

2. Nhiếp thiện pháp giới, nguyện làm tất cả việc lành.

3. Nhiêu ích hữu tình giới, nguyện độ tất cả chúng sanh.

MƯỜI PHÁP THẾ GIỚI HẢI

1. Thế giới hải

2. Chúng sanh hải

3. Pháp giới an lạc hải

4. Phật hải

5. Phật ba la mật hải

6. Phật giải thoát hải

7. Phật biến hóa hải

8. Phật diễn thuyết hải

9. Phật danh hiệu hải

10. Phật thọ lượng hải.

Chữ “hải” nghĩa là: rộng lớn, như nói “thế giới rộng lớn, chúng sanh rộng lớn, Phật biến hóa cũng rộng lớn v.v…”

PHÁP THẬP TRỤ: PHÁT THÚ TÂM

1. 1.Xả tâm

2. Giới tâm

3. Nhẫn tâm

4. Tấn tâm

5. Định tâm

6. Huệ tâm

7. Nguyện tâm

8. Hộ tâm

9. Hỷ tâm

10. Đảnh tâm.

(Muốn hiểu nghĩa rộng của 10 tâm, xin xem trong bộ Phạm võng hiệp chú).

PHÁP THẬP HẠNH: THẬP TRƯỞNG DƯỠNG TÂM

1. Từ tâm

2. Bi tâm

3. Hỷ tâm

4. Xả tâm

5. Thí tâm

6. Hảo tâm

7. Ích tâm

8. Đồng tâm

9. Định tâm

10. Huệ tâm.

PHÁP THẬP HỒI HƯỚNG: THẬP KIM CANG TÂM

1. Tín tâm

2. Niệm tâm

3. Hồi hướng tâm

4. Đại tâm

5. Chơn tâm

6. Bất thối tâm

7. Đại thừa tâm

8. Vô tưởng tâm

9. Huệ tâm

10. Bất hoại tâm.

PHÁP THẬP THIỀN ĐỊNH

Cũng gọi là 10 pháp tam muội lớn.

1. Phổ quang tam muội

2. Diệu quang tam muội

3. Thứ đệ biến vãng sanh chư Phật quốc độ tam muội

4. Thanh tịnh thân tâm hành tam muội

5. Tri quá khứ trang nghiêm tạng tam muội

6. Trí quang minh tạng tam muội

7. Liễu tri nhứt thiết, thế giới Phật trang nghiêm tam muội

8. Chúng sai biệt thân tam muội

9. Pháp giới tự tại tam muội

10. Vô ngại luân tam muội

Chữ tam muội này cũng như nghĩa đại định vậy.

PHÁP THẬP ĐỊA

1. Bình đẳng địa

2. Thiện huệ địa

3. Quang minh địa

4. Nhĩ diệm địa

5. Huệ chiếu địa

6. Hoa quang địa

7. Mãn túc địa

8. Phật hầu địa

9. Hoa nghiêm địa

10. Nhập Phật địa.

PHÁP THẬP NHẪN

1. Âm thinh nhẫn

2. Thuận nhẫn

3. Vô sanh pháp nhẫn

4. Như huyễn nhẫn

5. Như diệu nhẫn

6. Như mộng nhẫn

7. Như hướng nhẫn

8. Như ảnh nhẫn

9. Như hóa nhẫn

10. Như không nhẫn.

PHÁP THẬP NGUYỆN

1. Thành thục chúng sanh vô hữu bi quyện nguyện

2. Cụ hạnh chúng thiện tịnh như thế giới nguyện

3. Thừa sự Như Lai thường sanh tôn trọng nguyện

4. Hộ trì chánh pháp bất tích thân mạng nguyện

5. Dĩ trí quán sát nhập chư Phật độ nguyện

6. Dữ chư Bồ tát, đồng nhứt thể tánh nguyện

7. Nhập Như Lai môn liễu nhứt thế pháp nguyện

8. Kiến giả sanh tín vô bất hoạch ích nguyện

9. Thần lực trụ thế tận vị lai kiếp nguyện

10. Cụ Phổ Hiền hạnh tịnh trị nhứt thế chủng trí chi môn nguyện.

THEO THỨ LỚP 10 CHỖ Ở NÓI PHÁP

1. Tòa Kim Cang và nhà Diệu Quang Cung

2. Đế Thích

3. Trời Diệm Ma T

4. rời Đâu Suất

5. Trời Tha Hóa

6. Trời Hóa Lạc

7. Trời Sơ thiền

8. Trời Nhị thiền

9. Trời Tam thiền

10. Trời Tứ thiền.

MƯỜI TÁM TRỜI PHẠM THIÊN

(Chung gọi trời ở Sắc giới), phân làm 4 thiền:

I- Cõi Trời Sơ thiền có ba:

A.-Trời Phạm Chúng

B.-Trời Phạm Phụ

C.-Trời Đại Phạm.

II- Cõi Trời Nhị thiền có ba:

A.-Trời Thiểu Quang

B.-Trời Vô Lượng Quang

C.-Trời Quang Âm.

III- Cõi Trời Tam thiền có ba:

A.-Trời Thiểu Tịnh

B.-Trời Vô Lượng Tịnh

C.-Trời Biến Tịnh.

IV- Cõi Trời Tứ thiền có chín:

A. Trời Phước Sanh

B. Trời Phước Ái

C. Trời Quảng Quả.

Ba cõi này phàm phu tu chứng ở

D. Trời Vô Tưởng.

Một cõi này ngoại đạo tu chứng ở

E. Trời Vô Phiền

F. Trời Vô Nhiệt

G. Trời Thiện Kiến

H. Trời Thiện Hiện

I. Trời Sắc Cứu Cánh

Năm cõi này Thánh nhơn chứng quả thứ ba ở.

Thiên tử cõi lục dục: Sáu cõi trời Dục về cõi Dục giới:

1. Trời Tứ Thiên Vương

2. Trời Đao Lợi

3. Trời Dạ Ma

4. Trời Đâu Suất

5. Trời Hóa Lạc

6. Trời Tha Hóa

Sáu cõi này cũng có nam nữ, nhưng sự ăn ở và sung sướng hưởng phước tự nhiên hơn cõi người, không có sự dâm

HUỲNH MÔN: Người nam không phải nam, nữ không phải nữ (bóng chàng).

BÁT BỘ

1. Trời – 2. Rồng – 3. Dạ xoa – 4. Càn thát bà – 5. A tu la – 6. Ca lầu la – 7. Khẩn na la – 8. Ma hầu la dà.

Tám vị thần này, thường theo ủng hộ những người thọ trì giới của Phật.

BA LA DI TỘI

Có 4 nghĩa:

1. KHÍ TỘI, nghĩa là: Phạm giới này rồi cũng như người đã bỏ ngoài biển Phật pháp, mất hẳn cả nhơn mầu và quả tốt.

2. ĐỌA TỘI, nghĩa là: Phạm giới này rồi, phải đọa trong ba đường: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

3. KIA HƠN, nghĩa là: Khi chưa phạm giới, thời mình hơn bọn ma quân, nay phạm rồi thời chúng nó hơn mình.

4. CỰC ÁC, nghĩa là: Phạm giới này rồi cũng ví như cái đầu đã đứt mất, như cây đứt gốc, như kim sứt lỗ, như viên đá bể hai, không tháp lại được.

THẤT NGHỊCH

1. Giết mẹ

2. Giết cha

3. Giết vị Hòa thượng

4. Giết vị Giáo thọ

5. Giết thầy Tỳ kheo

6. Giết Thánh nhơn

7. Làm thân Phật ra máu.

(Như ông Đề Bà Đạt Đa xô đá dập ngón chân Phật ra máu).

BÁT NẠN

1. Nạn địa ngục

2. Nạn ngạ quỷ

3. Nạn súc sanh

4. Nạn đui, què, điếc, câm, ngọng; sáu căn thiếu thốn

5. Nạn sanh nhằm trong nhà tà kiến, không trí huệ sáng suốt

6. Nạn sanh ra không gặp Phật ra đời, hoặc Phật diệt độ rồi ta mới sanh

7. Nạn sanh ra ở Bắc Cu Lô Châu

8. Nạn sanh lên cõi trời Vô Tưởng: hai cõi này không có Phật pháp, nên hưởng hết phước rồi bị nạn sa đọa.

TRONG 8 THỨ RUỘNG PHƯỚC

1. Kỉnh Phật

2. Kỉnh Thánh nhơn

3. Kỉnh Hòa thượng

4. Kỉnh vị Giáo thọ

5. Kỉnh Tăng

6. Kỉnh cha

7. Kỉnh mẹ

8. Kỉnh mọi người có bịnh, vì đã có tâm thương nuôi và kỉnh trọng nữa, được phước bội phần, nên gọi là thứ nhứt. Trong Tứ phần luật nói: Nuôi bịnh có 5 công đức:

1. Phải biết chứng bịnh, món nào đáng cho ăn, món nào không đáng cho ăn.

2. Không nhờm gớm đàm mũi và đồ đại, tiểu tiện.

3. Chỉ có lòng thương nuôi, chớ không tính nuôi đặng cầu danh cầu lợi.

4. Về phần thuốc thang, chuyên chăm chu đáo và bền chí nuôi cho đến ngày lành, hoặc giờ phút tận số.

5. Cần nhứt là phải thường thường nói Phật pháp cho bịnh nhân nghe, giải cơn sầu muộn, và nhận rõ rằng: “Thân này là một khối giả hợp, có ngày sẽ rã tan, hết tiếc nuối thân thì thân bớt đau; hết tiếc nuối của thì tâm bớt phiền não, và dù tới số cũng vẫn thanh tịnh mà được sanh lên cõi lành”.

MƯỜI HAI BỘ KINH

Kinh đức Phật nói ra rất nhiều, song tóm lại làm thành 12 bộ:

1. KHẾ KINH: Những lời Phật nói khế hợp với chơn lý và căn cơ chúng sanh.

2. KỲ DẠ hay TRÙNG TỤNG: Phật nói lại đại ý trên, chánh văn cho mấy vị tới sau nghe.

3. GIÀ ĐÀ: Những bài kệ, bài tụng, Phật nói riêng từng đoạn, dụ như văn 8 câu hay 4 câu.

4. NHƠN DUYÊN: Được nhơn duyên nghe Phật thuyết pháp, như kinh Vị Tằng Hữu nói: Nhơn duyên Phật nói pháp cho ông La Hầu La nghe, mà cả chúng hội cũng được nghe.

5. BẢN SỰ: Là những nhơn duyên đời trước, tạo cái nhơn gì, mà đời nay được gặp Phật pháp.

6. BẢN SINH: Phật thuật nhơn duyên tiền thân của Ngài cho các vị đệ tử nghe để bắt chước tu hành. Dụ như Ngài nói: Thuở đời quá khứ lâu xa, Ngài còn làm người phàm, buông lung ba nghiệp thân, khẩu và ý, rồi đọa trong địa ngục hỏa sa, bị quỷ sứ hành hình mà Ngài hồi tâm quyết ý tu cho thành Phật, nên có hiệu là “THIỆN THỆ”, nghĩa là khéo qua, qua khỏi địa ngục, qua khỏi tam giới và trở lại độ sanh trong tam giới, mà không dính mắc cũng gọi là “khéo qua”.

7. VỊ TẰNG HỮU: Nói những thần thông, và biện tài vô ngại của Phật.

8. VÍ DỤ: Nói lời ví dụ để hiểu nghĩa lý trong kinh.

9. LUẬN NGHĨA: Phật trả lời những câu người hỏi, và rộng giải nghĩa lý cao thêm nữa.

10. TỰ THUYẾT: Không ai biết hỏi, Phật vì lòng từ bi tự nói dạy bảo như trong kinh A Di Đà (vô vấn tự thuyết).

11. PHƯƠNG QUẢNG hay TỲ PHẬT LƯỢC: Phật nói lý nghĩa rộng sâu.

12. THỌ KÝ: Phật dự định ghi chép các ông đệ tử sau này thành vị Phật chi, ở quốc độ nào.

ĐỆ NHỨT NGHĨA ĐẾ: Tức là thể tánh của giới. Chánh nhơn của “tâm địa”, hay là cực quả thường trú. Danh từ tuy khác, chớ cũng một cái tâm cứu cánh thành Phật.

TU TẬP THÀNH TÁNH: Cũng như nuôi lớn tánh tu tập (tức mười tâm phát thú).

TÁNH KHÔNG LUI SỤT: Cũng như tánh không hư (tức mười tâm trưởng dưỡng).

THEO LÝ TRUNG ĐẠO: Không chênh lệch (tức mười tâm kim cang).

TÁNH CHÁNH PHÁP: Tức mười địa, bực Đẳng giác Diệu giác.

TỨ CHÚNG: Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di.

BỐN BỘ ĐỆ TỬ: Cư sĩ, cư sĩ phụ, đồng nam, đồng nữ.

Chỗ học là: BỰC HỮU HỌC (Nhị thừa Thinh Văn).

Chỗ không học là: BỰC VÔ HỌC (quả Vô lậu A La Hán). Nói về pháp chủng tánh học tức vô học. Ở trong vô học mà hằng hay học tập, cho nên nói đừng sanh lòng phân biệt.


[][Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục][]