LUẬT NGHI KHẤT SĨ (RIÊNG GIỚI XUẤT GIA)

TỔ SƯ MINH ĐĂNG QUANG

KỆ GIỚI

MỤC LỤC

KỆ GIỚI

MƯỜI GIỚI TẬP SỰ SA DI

Giới thứ nhất: CẤM SÁT SANH

Giới thứ hai: CẤM TRỘM CẮP

Giới thứ ba: CẤM DÂM DỤC

Giới thứ tư: CẤM NÓI LÁO

Giới thứ năm: CẤM UỐNG RƯỢU

Giới thứ sáu: CẤM CHƯNG DIỆN ĐEO BÔNG

Giới thứ bảy: CẤM CA HÁT, CỜ BẠC

Giới thứ tám: CẤM NGỒI GHẾ CAO, NẰM GIƯỜNG RỘNG

Giới thứ chín: CẤM ĂN SÁI GIỜ

Giới thứ mười: CẤM GIỮ TIỀN, BẠC, VÀNG

TỨ Y PHÁP TRUNG ĐẠO

250 GIỚI XUẤT GIA TRUNG ĐẠO

8 ĐIỀU LẠ CỦA BIỂN

8 ĐIỀU LẠ CỦA PHÁP LUẬT

10 ĐIỀU LỢI ÍCH CỦA PHÁP LUẬT

7 CÁI ĐẶC ÂN CỦA GIỚI LUẬT

4 GIỚI TRONG SẠCH (THÀNH TỰU)

5 PHẬN SỰ CỦA PHẬT

4 PHÁP THÁI QUÁ CỦA KẺ NON NÚI

4 PHÁP BẤT CẬP CỦA NGƯỜI THÀNH THỊ

26 ĐIỀU NUÔI MẠNG TÀ KIẾN ĐỐI VỚI TU SĨ

DIỆT LÒNG HAM MUỐN


1. Giới như trái đất

2. Định như cây trồng trên trái đất

3. Huệ như trái cây

Giới là nguồn cội của đạo Phật, giới còn thì đạo Phật vẫn còn, giới mất thì đạo Phật phải mất; giới ví như khuôn hình cái trống, để bảo thủ lấy cái tiếng đầm ấm thanh tao của nó; giới ví như bầu không khí để hộ lấy sự sống của muôn loài.

Giới ví như bức tường để ngăn cản các nẻo phóng tâm, chẳng cho lục trần thâm nhập. Có giới mới có thể phân biệt được nẻo chánh đường tà; có giới mới có sự an vui hòa hảo; giới là cái nhơn sanh của giống người và trời, nghĩa là giới mới có thể bảo giữ cho con người được hoàn toàn tấn hóa.

Giới luật dắt dẫn người hành đạo từ thấp chí cao, tùy đẳng cấp, chớ sự tu hành chẳng phải không chuyên mà thành, không hành mà đắc. Giới ví như bờ biển, bao giờ cũng lài, cũng thấp, cũng bằng phẳng, chớ không phải dốc, đứng và hẩm sâu như các giếng, ao vậy. Vì thế nên vị nào hiểu rõ giới luật ấy rồi, thì hết lòng vui thích mà hành theo.

Điều luật mà Phật đã giáo huấn cho các hạng Thinh Văn rồi, ví dầu có điều chi uất trắc đến đỗi phải chịu luật tử hình đi nữa, cũng không thể nào ai dám bạo gan mà bỏ điều luật ấy. Cũng như nước trong biển cả, hằng giữ lấy mực nước cũ, chớ không vì một nguyên nhân gì mà phải đầy vơi như nước ở sông, ở rạch.

Bởi thế nên vị nào hiểu hết điều luật ấy rất lấy làm vui thích mà hành theo.

Những kẻ vì tính xấu, quyết lòng phá giới, làm cho người khác phải khổ tâm, hoặc che lấp các việc xấu của mình, mà bài xích kẻ khác, mình chưa đáng bực thầy mà tự xưng là thầy, không phải người cao siêu đức hạnh lại tự nhận là cao siêu đức hạnh, trong lòng chứa đầy ác dục, nhơ nhớp tợ như đống rác dưới thềm. Thánh chúng không thể chung cùng, nên xét lại hầu đem kẻ ấy ra khỏi Giáo hội lập tức. Ví dầu kẻ ấy có gượng ngồi chung trong đám hiệp hòa kia đi nữa, kẻ ấy ở trong Giáo hội cũng không còn giá trị trong Giáo hội, mà chúng hiệp hòa lại phải khổ tâm với kẻ ấy, chẳng khác nào biển cả, không bao giờ chứa một cái tử thi, dầu có đi nữa, cũng bị nước biển lần hồi đưa vào mé, rồi đưa tạt lên bờ!

Trong các đẳng cấp của các hạng người trong xã hội, khi xuất gia vào thọ lãnh giới luật, mà Phật đã giáo hóa rồi, thì cần nhứt phải dứt bỏ danh vọng, thế lực, dòng dõi, tổ tông mà nhìn nhận lấy chủng tộc Sa môn, họ hàng Khất sĩ mới được. Ví như nước của các nguồn sông, khi chảy vào đến biển rồi cũng phải dứt bỏ cái nguyên chất của nó, mà chung lấy một chất với nước biển.

Dầu cho có một số nhiều vị nhập Vô dư Niết bàn cùng là đắc Hữu dư Niết bàn đi nữa, trong Giáo hội cũng không đến nỗi phải thưa thớt quạnh hiu, hay là đông đầy náo nhiệt. Ví như nước của các nguồn sông, rạch, cùng nước ở trên không trung, sa vào biển cả, cũng không thể làm cho biển cả vì lẽ ấy mà phải đầy vơi, sái mực.

Giới luật chỉ đồng một phẩm vị giải thoát, ví như nước trong biển cả, chỉ có một chất mặn mà thôi.

Giới luật có nhiều điều quý báu, hằng làm cho con người đặng mở mang tấn hóa. Những điều ấy như vầy: bốn chỗ niệm, bốn ý dứt, bốn pháp mầu, năm căn, năm lực, bảy phần Bồ đề, tám món Thánh đạo là những pháp quá cao thượng. Ví như trong biển cả có nhiều vật báu: vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xà cừ, châu đỏ, mã não, những vật báu ấy chỉ thường có ở nơi đáy biển.

Giới luật là nơi dung thân của những bậc thiện căn, như: Tu Đà Huờn đạo, Tu Đà Huờn quả; Tư Đà Hàm đạo, Tư Đà Hàm quả; A Na Hàm đạo, A Na Hàm quả; A La Hán đạo, A La Hán quả; cũng ví như biển cả, là nơi cư trú của những loài cá lạ to lớn khác thường.

Những giới cấm mà Phật đã hạn định cho các đệ tử đó, có mười điều lợi ích như vầy:

1. Đặng sự tốt cho nhà đạo.

2. Đặng sự an vui cho nhà đạo.

3. Đặng đè nén những bọn dể duôi phạm giới.

4. Đặng sự an ổn cho những bậc trì giữ giới luật.

5. Đặng ngăn đón các pháp ác trong đời hiện tại.

6. Đặng ngăn đón các pháp ác trong kiếp vị lai.

7. Đặng dìu dắt những kẻ dữ về lành.

8. Đặng dìu dắt những kẻ sẵn lành cho càng thêm tấn hóa.

9. Đặng bảo tồn pháp luật.

10. Đặng nâng cao pháp luật.

Nên truyền thừa giới luật ra, cho những kẻ nào đã phạm, dầu chánh phạm hoặc tùng phạm rõ biết rằng: Giới luật mà người đã phạm đó, đức Thế Tôn đã hạn định ra, bởi nguyên nhân trước kia có một vị đã phạm như vậy. Thế thì người tu Phật cần nhứt phải giữ giới luật, nếu muốn giữ được hoàn toàn tinh tấn, thì phải cần biết giới luật có bảy đặc ân như vầy:

1. Giới luật giúp cho kẻ thực hành đạt được cái giác.

2. Giới luật giúp cho kẻ thực hành xa lìa sự tu hành thiên về một bên, để tìm sự vui sướng.

3. Giới luật giúp cho kẻ thực hành được tránh khỏi bốn đường ác đạo.

4. Giới luật giúp cho kẻ thực hành được dứt khỏi các điều phiền não.

5. Giới luật giúp cho kẻ thực hành dứt khỏi các tội lỗi về tình dục.

6. Giới luật giúp cho kẻ thực hành rửa sạch các pháp chẳng lành nơi thân, khẩu, ý.

7. Giới luật giúp cho kẻ thực hành đắc hai bậc Thánh quả, Nhập lưu và Nhứt lai.

Giới luật phác họa ra sao, phải để y như vậy, không bao giờ được sửa đổi, nếu sửa đổi thì không còn đạo Phật. Giới luật là một điều cần thiết cho Giáo hội. Bởi vậy trên thế gian này, kẻ nào có duyên với Phật, đã theo đạo thì phải theo chế độ nhất định; nên chi Phật đạo ví như biển cả, nước ở đâu đâu, như ở sông, ở rạch, hoặc ở không trung, chảy vào biển rồi đồng hóa một màu; trong Giáo hội cũng thế, dầu sang, hèn, trí, ngu gì, vào Giáo hội rồi cũng coi nhau đồng một hạng, mặc dầu căn cơ độn lợi, hễ người thông minh thì hết lòng thương mà dìu dắt kẻ tối tăm, ấy là do nơi giới luật mà được vậy. Giới luật là một chế độ rất khít khao chặt chẽ, cho đến mỗi vị thọ Cụ túc giới rồi, dầu cho đi, đứng, ngồi, nằm, dầu cho đăng đàn thuyết pháp, dầu cho trì bình khất thực, mỗi mỗi cách hành vi đều có giới luật nghiêm răn. Tu là trau, sửa, hễ tu hành thì đức hạnh làm gốc, mà đức hạnh do giới luật phát sanh, nếu nghiêm trì giới luật, tu hành chín chắn, đó tức là con đường giải thoát! Giới luật là món đắc dụng cho kẻ tu hành, ví như nền tảng chắc chắn để cất lầu cao, lại ví như bờ rào rất khít khao, không cho vọng tâm phóng túng.

Một người thay mặt cho Phật thật không phải dễ, mỗi cách hành động như đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, mặc, nói, làm, mỗi cách cư xử đều phải giống y như Phật, cho đặng thiện tín, hễ thấy Tăng cũng như thấy Phật. Tăng chúng chỉ giữ giới, tướng mạo trang nghiêm, ở ăn theo Phật, cũng đủ khêu gợi được lòng tín ngưỡng của bá tánh. Tăng chúng thay mặt cho Phật, ít ra cũng phải học hỏi uyên thâm, ngõ hầu hiểu thông và giảng giải lại những lý thuyết rất cao siêu, huyền diệu mà Phật đã thấy khó cho chúng sanh, sau khi thành Chánh đẳng Chánh giác. Người thay mặt cho Phật lẽ đương nhiên mỗi mỗi phải y theo Phật, phải trọn lòng vâng chịu theo chế độ của Giáo hội Tăng già; theo chế độ ấy, dầu cho tâm chưa được hoàn toàn trong sạch, chớ nết hạnh cũng được sửa đổi rất nhiều, cũng được đức hạnh đáng cho thiện tín cúng dường, sùng bái! Một người trước khi xuất gia để vào Giáo hội, phải chịu đủ điều kiện bắt buộc theo luật xuất gia. Làm lễ xuất gia xong, phải giữ giới tập sự, chịu các điều khổ hạnh trong một thời gian nhứt định, ấy cũng là phương pháp nung đúc lòng kiên nhẫn của người tu. Bởi tu Phật cần nhứt phải kiên tâm trì chí, đến khi vào hàng xuất gia thiệt thọ rồi, lại phải chịu câu thúc trong vòng giới luật, chịu dưới chế độ của Giáo hội cho đến trọn đời; nếu không chí quả quyết, giữa đường trở lại, hoặc tâm không trong sạch, chất chứa bụi trần, đã không xứng đáng làm người thay mặt cho Phật, lại thêm một mối hại cho Phật pháp nữa. Chế độ của Giáo hội là những quy củ chuẩn thằng để bó buộc Tăng chúng cùng chung khuôn khổ, để nâng cao địa vị của mình, cho đặng thọ hưởng lòng ham mộ cúng dường của thiện tín; chế độ khuôn khổ ấy giúp người nghiêm giữ nó, chiến thắng biết bao nhiêu trận giặc một cách vẻ vang, khí cụ ấy tức là giới luật vậy.

Cũng như các chế độ khác, đạo Phật được thạnh hành chừng nào, thì chế độ của Giáo hội lại càng thắt chặt chừng ấy.

Những ai muốn theo đạo Phật mà không chịu nghiêm trì theo chế độ của Giáo hội, tức khi giáo pháp; khi giáo pháp tức khi Phật; khi Phật tức khi tâm; mình không kể cái tâm của mình, để cho nó tự do phóng túng, chừng nó phóng túng được rồi, tưởng không việc ác nào mà chẳng dám làm.

Phương chi trong Giáo hội đều là những người đã ly gia cắt ái, muốn tu Vô thượng Bồ đề, tự nhiên phải nghiêm trì giới luật, bởi chưng giới luật là bá hạnh vi tiên. Giới luật chẳng trì giữ, quả Bồ đề đâu được đắc thành. Tiên triết xưa có nói: Chúng sanh thọ giới, tức là vào ngôi chư Phật; giới năng sanh định, định năng phát huệ, huệ năng minh tâm, minh tâm kiến tánh là thành Phật; xưa nay thành Phật Thánh cũng đều do giới luật vậy; muốn tu hành thì phải nghiêm giữ giới luật, phát đại nguyên dõng mãnh tinh tấn mới đạt quả Niết bàn đặng.

Ấy vậy, trong phạm vi chật hẹp, giới luật có thể nâng cao địa vị người lên nẻo tối cao, cho đặng giải thoát phiền não cõi trần, thật quý báu vô cùng! Nên chi Phật đã ân cần dặn bảo, người tu hành há dám dể duôi mà hờ hững hay sao? Tóm lại, muốn xuất gia tu Phật, phải hoàn toàn chịu dưới chế độ nghiêm luật của Giáo hội Tăng già.

MƯỜI GIỚI TẬP SỰ SA DI

1. Cấm sát sanh.

2. Cấm trộm cắp.

3. Cấm dâm dục.

4. Cấm nói dối, khoe khoang, đâm thọc, rủa chửi.

5. Cấm uống rượu, tham lam, sân giận, si mê.

6. Cấm trang điểm phấn son, dầu hoa, áo quần hàng lụa tươi tốt.

7. Cấm nghe, xem hát, múa, đờn, kèn, yến tiệc vui đông.

8. Cấm ngồi ghế cao, nằm giường rộng, chiếu lớn xinh đẹp.

9. Cấm ăn sái giờ từ quá ngọ đến ngọ mai (phải ăn chay).

10. Cấm rớ đến tiền, bạc, vàng, của quý, đồ trang sức.

Giới thứ nhất: CẤM SÁT SANH

Trên ví đến chư Phật thánh, thầy cùng cha mẹ, dưới cho đến những loài bò, bay, máy, cựa, côn trùng nhỏ nhít, nếu có mạng sống là chẳng đặng giết hại: hoặc mình giết, hoặc xúi người giết, hoặc thấy giết mà vui lòng, đều phạm giới sát cả! Ngày xưa những nhà đạo đức từ tâm, qua mùa Đông bắt rận bỏ ống tre, phủ bông gòn cho ấm, cạo mồ hôi cho ăn, vì sợ chúng đói lạnh mà chết đi! Lại như sự lược nước, vì sợ uống lầm giết mạng vi trùng; sự che đèn, vì sợ con thiêu thân uổng tử; chẳng dám nuôi mèo, nuôi chồn, vì sợ chết nhiều con vật khác! Ấy đó là việc làm của người đã chứng đạo từ bi! Loài nhỏ nhít mà lòng thương xót dường ấy, huống hồ mạng sống to lớn, quan hệ đến bực nào?

Ngày nay dầu ta chẳng làm được như người xưa, chớ lẽ nào ta lại giết hại? Như có thấy người giết, ta nên dùng lời khôn khéo, khuyên nhắc người phát khởi từ tâm, rộng ơn tha mạng sống ấy, khiến cho đương lúc ngặt nghèo, bỗng trở nên yên úy, cám cảnh biết ngần nào! Vậy nên nhớ rằng: Sự sanh tử luân hồi là bởi tại dây oan trái, muốn giải thoát phải tháo mở hận thù.

Giới thứ hai: CẤM TRỘM CẮP

Nếu không phải của người cho thì chẳng đặng lấy, chẳng những vàng bạc là vật báu quý mà thôi, dầu cho đến những vật hèn hạ như mũi kim, ngọn cỏ cũng vậy nữa, hoặc của chúng Tăng, hoặc của quan, của dân, của hết thảy, hoặc cướp lấy, trộm lấy, dối trá mà lấy đến như sự dối dò, thảy đều là trộm đạo.

Xưa có kẻ Sa di lấy trộm của Giáo hội 7 trái cây, một Sa di khác nữa lấy trộm của chúng Tăng vài cái bánh, một Sa di khác nữa lấy trộm của chúng Tăng chút đỉnh đường phèn, cả ba đều đọa địa ngục!

Vậy nên nhớ rằng: Thà để chặt tay chớ chẳng lấy của quấy.

Giới thứ ba: CẤM DÂM DỤC

Kẻ tại gia giữ năm giới, ấy chỉ ngăn việc tà dâm, chớ người xuất gia thọ mười giới, phải dứt hẳn sự dâm dục, nếu chẳng ngăn ngừa để phạm gọi là phá giới.

Xưa có một Ni cô trong tâm móng khởi dâm dục bèn nói như vầy: Chẳng phải sát sanh, chẳng phải trộm đạo thì không tội báo vậy. Kẻ ấy cả thân mình túa ra lửa dữ, sa về chốn địa ngục! Người đời bởi do lòng dục mà giết hại thân mình, tiêu tan sự nghiệp; ta mong đổi phàm làm Thánh, theo đạo bỏ đời, há lại phạm như vậy hay sao? Há không biết dâm dục là nguồn gốc của sự sanh tử luân hồi hay sao?

Vậy nên nhớ rằng: Dâm dục mà sống đi nữa cũng chẳng bằng trinh khiết mà chết!

Giới thứ tư: CẤM NÓI LÁO

Nói láo có bốn thứ:

1. Một là vọng ngữ: Lấy phải làm quấy, lấy quấy làm phải, thấy nói chẳng thấy, chẳng thấy nói thấy, gọi là chẳng thiệt.

2. Hai là ỷ ngữ: Khoe khoang ỷ thị, trau chuốt lời nói, ra tuồng màu mè, hồ mị, ỏng ẻo, làm cho mỗi câu văn để quyến rũ người say mê xiêu lòng lạc dạ.

3. Ba là ác khẩu: Miệng dữ hỗn xược, mắng nhiếc, rủa sả người ta.

4. Bốn là lưỡng thiệt: Hai lưỡi đâm thọc, tới ở đây nói chuyện đằng kia, tới đằng kia nói chuyện ở đây, châm chích cho người xa lìa ân nghĩa, ghẹo chọc cho người nóng nảy đua tranh! Những đến trước khen, sau chê, mặt phải lưng quấy, nói tội cho người, nói xấu chuyện người…, đều phạm về giới thứ tư vậy!

(Cũng như chưa dứt lòng phàm mà nói chứng quả Thánh, ấy thật đại vọng ngữ, tội nặng vô cùng). Chỉ trừ lúc gặp người tai nạn gấp rút, lòng từ bi dùng phương chước khéo trợ cứu, ấy chẳng phạm mà thôi. Người đời xưa hạnh nết thuần lương, tự nhiên chẳng bao giờ nói vọng, huống chi mình nay là người đạo, lìa bỏ cảnh đời mà còn đeo mang nghiệp quấy hay sao!

Kinh có chép rằng: Một Sa di kia chê cười một vị Tỳ kheo tụng kinh như tiếng chó sủa, mà vị Tỳ kheo ấy thiệt là bậc A la hán chẳng chấp, lại đi dạy Sa di sám hối, cho nên Sa di đó khỏi đọa địa ngục, nhưng còn phải mang thân chó; một lời nói dữ mắc hại biết dường nào!

Vậy nên nhớ rằng: Con người ở đời có búa để sẵn trong miệng, nói lời nói dữ, ấy là mình chém thân mình!

Giới thứ năm: CẤM UỐNG RƯỢU

Rượu là món rất hại, chỉ trừ cơn bịnh nặng phải dùng làm thuốc đó thôi, nhưng nếu chưa trình cho Giáo hội hay biết, thì một giọt nhỏ chẳng đặng thấm môi. Cho đến chẳng đặng ngửi mùi rượu, chẳng đặng đứng tại quán rượu, chẳng đặng lấy rượu cho người uống!

Xưa có một người thiện nam, nhơn phá giới rượu, mà phạm luôn 36 lỗi khác, ấy thật là chỉ có một lần uống no đủ, mà biết bao lần chịu thiếu thốn, về sự mất phước an vui, thêm tội khổ sầu, đời đời mê muội, mất giống trí huệ, loạn vọng điên cuồng, thật là dữ hơn thuốc độc. Người tại gia còn thế, lại như kẻ xuất gia, nếu uống rượu, thật đáng tủi hổ cho tiếng nhà sư!

Vậy nên nhớ rằng: Thà uống nước đồng sôi chớ chẳng uống rượu!

Giới thứ sáu: CẤM CHƯNG DIỆN ĐEO BÔNG

Chẳng đặng trau giồi về sự mặc, chẳng đặng dùng phấn sáp, dầu thơm, đeo bông.

Phật dạy: Tam y chỉ dùng bô bố to dề xấu xí, cấm hẳn tơ lụa nhiễu hàng, sợ e lông thú ruột tằm, những sinh mạng vì mình chết thảm, lòng từ bi bao nỡ mặc cho đành!

Nhà Hạ, vua Võ mặc áo xấu, ông Công Tôn dùng mền vải; ấy là bậc vương thân quyền quới nhứt đời, chẳng se sua chưng diện, nay người đạo há tham huê dạng mà làm việc trái ngược hay sao? Ca sa hoại sắc, rách rưới, tạm che hình đó mới hạp đạo! Xưa có người ba mươi năm đi có một đôi giày, ngày nay có ai được vậy?

Giới thứ bảy: CẤM CA HÁT, CỜ BẠC

Chẳng đặng đờn ca hát xướng, cũng chẳng đặng tới nghe, xem. Xưa có vị tiên nhơn, bởi nghe gái hát, âm thinh dịu dàng mà phải dứt mất phép linh; nghe xem còn hại dường ấy, huống chi tự mình hát xướng, vui chơi. Ta vì đường sanh tử, bỏ tục tầm thanh, há lại còn ham vui theo đàng bất chánh, kỹ nhạc chơi bời, cờ bạc, các cách chơi tiêu khiển, giải trí của người đời đều nguy hại cho lòng đạo cả!

Giới thứ tám: CẤM NGỒI GHẾ CAO, NẰM GIƯỜNG RỘNG

Phật dạy: Giường nằm không cao quá tám ngón tay (4 tấc), nếu trên nữa là phạm, chẳng đặng chạm trổ sơn vẽ, cùng chưng, treo màn chắn lụa là!

Người xưa dùng cỏ lót ngồi, nghỉ qua đêm dưới gốc cây, nay có giường chõng, kể đã hơn nhiều lắm vậy, lẽ nào còn tham rộng lớn buông lung vóc huyễn hay sao? Ông Hiếp Tôn Giả trọn đời lưng không dính chiếu. Ông Cao Phong Diệu thiền sư, ba năm nguyện đứng chẳng nương giường. Ông Ngộ Đạt thọ nhận trầm hương tòa, tổn phước mà mắc báo! Ta nên coi những gương ấy hầu sửa mình.

Giới thứ chín: CẤM ĂN SÁI GIỜ

Hàng chư Thiên ăn sớm mai, Phật ăn giờ ngọ, súc sanh ăn sau giờ ngọ, ngạ quỷ ăn đêm. Người tu học Phật, chẳng ăn quá giờ ngọ; loài ngạ quỷ nghe khua bát thì trong cổ khát khao phừng lửa, cho nên ăn trong giờ ngọ hãy còn vắng vẻ, huống hồ quá ngọ. Xưa có vị cao tăng, nghe vị sư gần bên sau giờ ngọ còn nổi lửa, bất giác Ngài sa nước mắt, thương trong Phật pháp suy đồi; chỉ trừ người vóc yếu bịnh nhiều, món ăn chiều ấy như món thuốc, chữa lành bịnh rồi thôi!

Kỳ dư ai trái lời Phật dạy, thật đáng tủi hổ! Thương kẻ đói lòng, chẳng nỡ ăn nhiều, chẳng đành ăn ngon, chẳng an lòng mà ăn, phải như vậy! Bằng chẳng đặng vậy, ắt mắc tội nặng nề! Chưa phải bịnh nặng mà ăn sau giờ ngọ, không đáng gọi là bậc Sa di vậy!

Giới thứ mười: CẤM GIỮ TIỀN, BẠC, VÀNG

Thuở Phật sanh tiền, chư Tăng đều đi khất thực, chùa không lửa khói. Vật ăn, đồ mặc, chỗ ở, thuốc men đều nhờ nơi những người cư sĩ hộ trì Phật pháp, nên tiền bạc không chỗ dùng, Phật cấm nghe biết, huống chi cầm giữ!

Xưa nhà nho thanh bạch, chẳng đoái của bằng vàng. Nay ta Khất sĩ, xưng nghèo, chứa của để làm gì? Người tu đời nay không phải Khất sĩ, nên chi lúc ở am chùa hoặc đi phương xa, cũng chưa khỏi dụng phí tiền bạc, trái lời Phật dạy dường ấy, hổ mang danh Phật tử vô cùng! Hãy thương kẻ ngặt nghèo, thường hành bố thí, chớ cầu nhiều, chớ chứa để, chớ buôn bán, chớ dùng của báu trau giồi xác thân, ăn mặc đơn giản thanh bần mới phải người tu giải thoát.

TỨ Y PHÁP TRUNG ĐẠO

1) Người tu xuất gia: Phải lượm những vải bỏ mà đâu lại thành áo, nhưng có ai cúng vải, đồ cũ thì được nhận.

2) Người tu xuất gia: Chỉ ăn đồ xin mà thôi, nhưng ngày hội thuyết pháp được ăn tại chùa.

3) Người tu xuất gia: Phải nghỉ dưới cội cây, nhưng có ai cúng lều am nhỏ bằng lá một cửa thì được ở.

4) Người tu xuất gia: Chỉ dùng cây, cỏ, vỏ, lá mà làm thuốc trong khi đau, nhưng có ai cúng thuốc, đường, dầu thì được dùng.

250 GIỚI XUẤT GIA TRUNG ĐẠO

Tứ phần luật Tỳ kheo (Khất sĩ)

Giới bổn (Tam y nhứt bát)

8 ĐIỀU LẠ CỦA BIỂN

1. Bực bao giờ cũng lài thấp

2. Nước vẫn giữ mực thường

3. Không bao giờ dung chứa tử thi

4. Các nước tuôn vào biển hóa một màu

5. Dầu thêm bớt cách mấy cũng tự nhiên

6. Chất mặn không thay đổi

7. Trong biển có nhiều vật báu

8. Trong biển có nhiều quái thú to lớn.

8 ĐIỀU LẠ CỦA PHÁP LUẬT

1. Dẫn dắt người hành đạo từ thấp chí cao

2. Điều luật không ai vì lẽ gì dám bỏ

3. Kẻ nhơ nhớp sẽ bị sa thải

4. Bình đẳng như nhau không giai cấp

5. Giáo hội dầu thêm bớt vẫn y nhiên

6. Pháp luật đồng một phẩm vị giải thoát

7. Pháp luật có 37 phần chánh giác

8. Pháp luật là nơi dung thân của Hiền Thánh.

10 ĐIỀU LỢI ÍCH CỦA PHÁP LUẬT

1. Đặng sự tốt cho Tăng

2. Đặng sự an vui cho Tăng

3. Đặng đè nén những kẻ dể duôi phá giới

4. Đặng yên ổn cho bậc Tỳ kheo giữ giới

5. Đặng ngăn đón các pháp ác trong đời hiện tại

6. Đặng ngăn đón các pháp ác trong kiếp vị lai

7. Đặng dìu dắt kẻ dữ về lành

8. Đặng dìu dắt kẻ sẵn lành cho thêm tấn hóa

9. Đặng bảo tồn pháp luật

10. Đặng nâng cao pháp luật.

7 CÁI ĐẶC ÂN CỦA GIỚI LUẬT

1. Giúp cho kẻ thật hành đạt được 3 cái giác

2. Giúp cho kẻ thật hành xa lìa sự tu hành một bên

3. Giúp cho kẻ thật hành tránh khỏi 4 đường ác đạo

4. Giúp cho kẻ thật hành dứt khỏi các điều phiền não

5. Giúp cho kẻ thật hành dứt các tội lỗi của tình dục

6. Giúp cho kẻ thật hành rửa sạch các pháp ác nơi thân, khẩu, ý.

7. Giúp cho kẻ thật hành đắc quả Nhập lưu và Nhứt lai.

4 GIỚI TRONG SẠCH (THÀNH TỰU)

1. Giới thành tựu do sự thu thúc theo giới bổn

2. Giới thành tựu do sự thu thúc lục căn

3. Giới thành tựu do sự chánh mạng

4. Giới thành tựu do sự nương theo phép quán tưởng trước rồi mới dùng bốn món vật dụng.

5 PHẬN SỰ CỦA PHẬT

1. Trong buổi mai, Ngài ngự đi trì bình khất thực

2. Trong buổi chiều, Ngài thuyết pháp

3. Trong buổi hoàng hôn, Ngài giáo hóa chư Tăng

4. Trong canh khuya, Ngài đáp lời vấn của chư Thiên

5. Trong canh năm, Ngài xem xét chúng sanh về nhơn duyên.

4 PHÁP THÁI QUÁ CỦA KẺ NON NÚI

1. Nhịn đói không ăn uống

2. Lõa lồ không mặc đậy

3. Mưa nắng phơi ngoài trời4. Đau liều mạng không uống thuốc.

4 PHÁP BẤT CẬP CỦA NGƯỜI THÀNH THỊ

1. Ăn nhiều bữa, lựa món ngon

2. Mặc khoe khoang dư dả

3. Ở nhà ngói, lầu đài

4. Không đau mà uống thuốc bổ dưỡng, cất dành.

26 ĐIỀU NUÔI MẠNG TÀ KIẾN ĐỐI VỚI TU SĨ

1. Giả cách làm tề chỉnh

2. Giả cách làm vui vẻ

3. Nói ướm

4. Giả bộ hăm dọa

5. Được nơi đây cho nơi kia, được nơi kia cho nơi đây

6. Cho tre

7. Cho cây lá

8. Cho bông hoa

9. Cho cây trái

10. Cho cây xỉa răng

11. Cho nước rửa mặt

12. Cho vật để tắm

13. Cho vật để thoa dồi

14. Cho đất của Tăng

15. Tôn kính kẻ thế

16. Thật ít, dối nhiều

17. Giữ giùm con cho người

18. Làm tay sai cho người

19. Làm thầy thuốc cho người

20. Làm kẻ đem tin cho người

21. Dâng mình cho người sai việc

22. Đem cơm cho người rồi đi xin sau mà ăn

23. Cho đi cho lại

24. Xem thiên văn địa lý

25. Xem ngày tháng sao hạn cho người

26. Xem tài tướng và xem thai đàn bà.

DIỆT LÒNG HAM MUỐN

1. Người nào trong lòng chứa đầy những sự ham muốn, làm các việc cho được danh vọng với đời, thì khác nào mùi hương trầm bay thoảng qua thơm phức, nhưng trong giây phút thì tan mất hết; những người mê muội ấy chỉ biết háo danh, chớ không hề ra sức tìm chơn học đạo, dầu họ được toại kỳ sở nguyện đi nữa, họ cũng vẫn nghèo hèn về đạo đức, mà sau đấy họ còn ân hận mãi.

2. Sắc đẹp với sang giàu, hai thứ này giống như miếng mật dính trên lưỡi dao, biết bao kẻ dại kê miệng nếm thử, không ngờ phải bị đứt lưỡi đớn đau!

3. Cỏ khô đem kê gần lửa, thì nó bắt cháy phừng lên; nếu người tu hành không tránh xa tình dục, thì sẽ phát cháy như cỏ khô kia.

4. Trong các thứ dục tình, duy có thói say mê sắc tốt là dữ hơn hết, không có dục tình nào thắng nó nổi, nhưng may thay có một mình nó mà thôi, nếu có một thứ dục tình nào khác cũng mạnh như nó, thì khó mà học đạo được.

5. Nếu trong lòng muốn tưởng quấy, hãy suy xét làm sao cho tấm lòng trở nên thanh tịnh như cũ. Vậy thì hãy

DIỆT LÒNG HAM MUỐN bắt từ trên đầu, suy nghĩ tới dưới chơn, rồi ở ngoài suy nghĩ vô trong thân thể. Này, trong mình con người chỉ chứa những chất ô uế: xương, thịt, máu, mủ... Suy nghĩ như vậy, bắt gớm nhờm, mà trừ được các tư tưởng quấy.

6. Người ở trong vòng ham muốn giống như kẻ điên cầm đuốc đi ngược gió, nếu không quăng đuốc phải cháy tay, sự vụng về của họ đã thấy rõ ràng; bởi vậy, khi người còn mang tam chướng là tham, sân, si và chưa thấy được đạo, thì in như kẻ điên cầm đuốc đi ngược gió mà không buông để đến phải cháy tay.

7. Người đời bị các điều ham muốn làm chóa mắt, nên không biết đàng nào là đàng chánh, họ giống như nước bùn có lộn năm thứ màu, nếu có cái chi làm cho nước xao động, thì dòm xuống nước không thấy được hình. Cái trí cũng thế, nếu bị các điều ham muốn làm chộn rộn, thì nó trở nên nhơ bợn, không thấy được đạo. Trái lại, những người biết thú tội và ăn năn chừa cải, nếu gặp được chơn sư tức thì ngộ đạo, cũng như nước lọc hết chất bùn, trở nên trong sạch, dòm vô liền thấy hình rõ ràng.

8. Lại ví như nồi nước để trên lửa, sôi lên sùng sục, hơi bay ngun ngút, ai lại gần dòm vô, thế nào cũng không thấy bóng của mình; vậy nếu mang lấy tam chướng vào mình và phạm giới luật, thì khó bề thấy được đạo. Song, nếu ai biết lo rửa sạch tâm trần, dầu khi bỏ xác phàm rồi về cảnh Phật ở chốn nào. Và tới lúc đi đầu thai kiếp sau, sự học thức thế nào đi nữa, chung cuộc cũng thấy rõ đường đạo.

9. Những kẻ phải kinh sợ vì quá tríu mến gia đình, hoặc mê của tiền gia thế, thì giống như người mắc chốn lao tù, bị xiềng, bị còng, vừa buồn rầu, vừa hãi hùng.

Ở trong khám còn mong ra được, chớ quá tríu mến gia đình, thì sự lo sợ khác nào lúc vào hang cọp, kẻ mê muội vì tình thương nặng quá và không đề phòng, thì có thể nào dứt được sự khổ não!

10. Ham muốn quá phải chịu đau đớn, có đau đớn tất phải lo sợ, hễ hết ham muốn thì hết đau đớn, hết đau đớn thì hết lo sợ.

11. Người học đạo giống như miếng cây trôi ra vàm sông, nếu miếng cây ấy trôi dõi theo dòng nước, không bị tấp vào bờ, không ai vớt lên, không phải vị hung thần hay kiết thần nào làm cho trở lại, không ở lình bình một chỗ, không hư không mục, tất nhiên trôi ra biển cả. Khi con người nhập đạo rồi, không còn bị các điều ham muốn làm cho lầm lạc, không để cho các tình dục làm chủ, giữ lòng thanh tịnh và ráng sức làm lành thì đắc đạo vậy.

12. Đạo không có hình dạng rõ ràng, muốn biết nó ra sao chẳng có ích chi cả, nhưng lo trau giồi tâm trí thì quý lắm, ví như tấm kiến trau giồi sáng suốt, tức nhiên hình rọi thấy rõ ràng. Bởi vậy, ngày nào con người dứt được các điều ham muốn, lòng vẫn trống không tức thì cửa đạo mở rộng, con người bước vào đó rồi, thì nhớ hết mấy kiếp trước.

13. Kẻ mới học đạo, giống như một người chống cự với muôn ngàn kẻ nghịch, ví như người kia mặc y giáp, mang khí giới rồi ra trận, hoặc người ấy sợ mà trở lại liền, hoặc đi nửa đường trở lại, hoặc tử trận, hoặc thắng trận về xứ được người tôn trọng vinh vang. Bởi vậy, nếu ai bền chí giữ gìn tánh hạnh, hết sức ăn ở theo đường đạo đức, không để cho sự dốt nát mê muội làm lầm lạc, thì tránh được hết các tình dục và sẽ đắc đạo.

14. Người học hỏi trong đường đạo giống như sắt, người ta nấu đặng lọc cho sạch, nấu nhiều lần mới lấy ra hết sét và cặn cáu, chừng ấy mới có thể dùng làm nên nhiều đồ tốt... Bởi vậy, những người nhập đạo, lần hồi rửa sạch cái tâm, chẳng cho dính chút bợn nhơ nào, và cứ một lòng lo đạo đức, thì thế nào cũng đắc đạo. Bằng như họ lo rầu, làm cho hư hại tinh thần họ, mà rồi cái ảnh hưởng ấy nó làm cho họ xa đường đạo; hễ xa đường đạo thì họ phải lầm lỗi, và tội của họ làm chất chứa thêm hoài.

15. Khi con người chuyên lo đạo đức, xa lánh các tình dục, thì giống như xâu chuỗi treo trên không, mỗi ngày mỗi rứt từng hột, cứ rứt hoài thì xâu chuỗi phải hết.

Bởi vậy cho nên nếu ai phá tan sự vô minh mê muội, thì đắc đạo rất dễ dàng.

16. Một con bò chở nặng, đi ngang qua vũng lầy, hồi đi thì cực nhọc rên siết, nhưng qua đến bờ khô ráo nghỉ ngơi rồi, nó quên hết các sự mệt nhọc; người học đạo cũng thế, các tình dục làm cho người lo sợ, cũng như lo sợ vũng lầy, nhưng dầu cho người sợ sệt thế nào, nếu người bền chí dốc lòng, chuyên lo đạo đức, ắt người sẽ tránh khỏi các sự đau khổ của kiếp luân hồi.

17. Những nhà đạo sau khi thí phát rồi, thì bỏ hết của trần, ngày đi xin ăn, đêm ngủ dưới cội cây, chỉ dùng một bữa cơm ngọ mà thôi! Tại sao thế? Là bởi vì con người thường bị những sự vui sướng áng mắt, giục làm các việc lỗi lầm.

18. Phật xưa có dạy rằng: Các ngươi đừng quá tin ở tấm lòng của các ngươi, các ngươi hãy ráng giữ mình, đừng để say đắm về hình thức, vì hễ say đắm về hình thức thì phải chịu đau khổ, ngày nào được chứng quả La hán rồi, chừng ấy mới nên tin ở lòng mình.

19. Lìa cha mẹ, bỏ nhà cửa đặng nhập đạo, một lòng quyết chí học hỏi cho rõ chơn tâm, bổn tánh, và hiểu thấu phép vô vi của Phật, tức là thành một vị Tu đà huờn.

Trì chí ăn ở theo 250 giới luật nghi, đừng bỏ qua một giới nào, ráng hết sức cho thâm nhập Tứ diệu đề và rửa lòng trong sạch là thành một vị A la hán.

20. Khi những vị đã dứt hết sự dục vọng, không thọ lãnh cái chi nữa, không tìm kiếm cái chi nữa, không bị đạo ràng buộc nữa, không bị việc trở ngại nữa, không còn tư tưởng nữa, không còn hành động nữa, không còn tham thiền nữa, không tỏ ra bề ngoài cái chi nữa, mấy vị ấy lên tới bậc Toàn giác tuyệt đối, đó tức là đạo.


[][Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục][]