LUẬT NGHI KHẤT SĨ (RIÊNG GIỚI XUẤT GIA)
TỔ SƯ MINH ĐĂNG QUANG
1. Thân hình của Đấng Trọn Lành hãy còn, đã tách khỏi thế lực, dắt tới sự biến thành. Thân hình ấy còn bao lâu, thần thánh và thế nhơn sẽ còn thấy người, nếu thân hình đó vỡ tan, nếu đời sống của người đã đến kỳ cùng tận, dầu cho thần thánh, dầu thế nhơn cũng sẽ không còn thấy đặng người nữa.
2. Kẻ nào không mê đắm về cơ thể hữu hình, không là gì nữa hết, sẽ không thể nào còn mắc phải những sự khổ đau. Người đã bỏ mọi danh từ, người không còn trú vào một nơi nào nữa, người đã hủy sự ham muốn, xu hướng về một cơ thể hữu hình; vì bởi không điều lo lắng, không sự ước ao, nên thần thánh và thế nhơn muốn tìm người, dầu dưới thế này, dầu trong cõi khác, dầu trong những cõi trời, dầu trong mọi chỗ, cũng không thể gặp đặng người.
3. Không có lời nào đặng chỉ kẻ đã trở về quê cũ của người, bởi vì đối với người, mọi vật đều bị hủy bỏ, cả thảy những biến thái của lời nói cũng bị hủy bỏ.
4. Hãy tôn kính những bậc Đại Quang Minh đã vượt khỏi tất cả những điều trở ngại, và đã hoàn toàn tắt mất, những bực không thể lường được.
5. Những bực hiền minh ra khỏi đời.
6. Những bực hiền minh không làm gì hại cho sinh vật nào hết, luôn luôn kiềm chế xác thân nên đến được cõi yên lặng, nơi đó không có sự buồn rầu nào động tới người nữa được.
7. Tống được sự nhơ nhớp, người sẽ đến được trong cõi huyền diệu, trong cõi tuyệt hảo, khi gỡ hết nết xấu.
8. Chẳng phải dùng những cách chở chuyên, như voi hay lừa, ngựa mà người sẽ đến được, cõi không ai đạp chơn tới là Niết bàn. Người đến cõi đó với cái tôi đã quy phục được.
9. Có một chỗ kia, nơi đó không có đất, cũng không có nước, cũng không có lửa, cũng không có khí thở, cũng không có sự mênh mông của thời gian, cũng không có sự bao la của ý thức, cũng không cõi này, cũng không cõi kia, cũng không cõi nào trong hai cõi, mặt trăng và mặt trời, chỗ đó không đi tới, cũng không bỏ đi, cũng không đứng, cũng không biến thành, cũng không mất, không căn bổn, không kế tiếp, không chi điểm là đó. Đó là sự hết đau khổ.
10. Ta sẽ đi đến cái vô động, cái không lay chuyển, cái đó không thứ gì giống được hết. Đó là chơn phước cực đại.
11. Làm thế nào mà ở đó có thể có chơn phước được ở chỗ không còn cảm giác? Chính không có cảm giác, điều này đúng là chơn phước đó.
12. Cũng giống như lửa, nháng ra dưới nhát búa của người thợ rèn, rồi kế đó lần lần trở lại sự yên lặng, và khi đó người ta không thể nói được nó đi đâu. Cũng như thế, chỗ cư trú của mấy bậc đã thật giải thoát, đã qua được con sông vui thích của giác quan và đến được cảnh chơn phước không thay đổi.
13. Chánh định của tuệ giác là chỗ ở của bậc đã siêu thăng vậy.
[Chương trước][Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục][Chương tiếp theo]