NỀN TẢNG PHẬT GIÁO
(MŪLABUDDHASĀSANA)

QUYỂN II
QUY-Y TAM-BẢO
(TISARAṆA)


CHƯƠNG III
ÂN-ĐỨC TAM-BẢO
(RATANATTAYAGUṆA)

II- ÂN-ĐỨC PHÁP-BẢO (Dhammaguṇa)

Trong bài kinh Dhajaggasutta, Đức-Phật dạy chư tỳ- khưu niệm 6 ân-đức Pháp-bảo như sau:
“Svākkhāto Bhagavatā dhammo, Sandiṭṭhiko, Akāliko, Ehipassiko, Opaneyyiko, Paccattaṃ veditabbo viññūhi.” (1)
- Đức-Pháp-bảo có 6 ân-đức là Svākkhāto Bhagavatā dhammo, Sandiṭṭhiko, Akāliko, Ehipassiko, Opaneyyiko, Paccattaṃ veditabbo viññūhi.
6 ân-đức Pháp-bảo
có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, vi-tế, rộng lớn vô lượng vô biên, chỉ có chư Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật mới có thể hiểu biết rõ tùy theo khả năng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh- đạo, Thánh-quả, Niết-bàn của mỗi Vị.

Còn hạng phàm-nhân thanh-văn đệ-tử chỉ có khả năng hiểu biết có giới hạn về phần pháp-học chánh-pháp và pháp-hành chánh-pháp mà thôi. Còn phần pháp- thành chánh-pháp thì hạng phàm-nhân thanh-văn đệ-tử chưa có khả năng biết được.

Ý nghĩa 6 ân-đức Pháp-bảo


1- Svākkhāto dhammo: Pháp gồm có 10 chánh-pháp mà Đức-Phật đã thuyết giảng hoàn hảo phần đầu, phần giữa, phần cuối, có ý nghĩa đầy đủ, văn chương trong sáng, rõ ràng và thanh-tịnh. 10 chánh-pháp là:
- Pháp-học chánh-pháp.
- 9 pháp siêu-tam-giới (4 Thánh-đạo + 4 Thánh-quả
+ 1 Niết-bàn).
2- Sandiṭṭhiko dhammo: Chánh-pháp đó là 9 pháp siêu-tam-giới mà chư Thánh-nhân đã chứng đắc (Thánh- đạo, Thánh-quả, Niết-bàn nào rồi), tự thấy, tự biết Thánh-đạo, Thánh-quả ấy bằng trí-tuệ của mình.
3- Akāliko dhammo: Chánh-pháp đó là 4 Thánh-đạo cho quả tương xứng 4 Thánh-quả không có thời gian ngăn cách, nghĩa là sau khi chứng đắc Thánh-đạo nào liền cho Thánh-quả ấy sau một sát-na tâm diệt rồi sinh.
4- Ehipassiko dhammo: Chánh-pháp đó là 9 pháp siêu-tam-giới thuộc chân-nghĩa-pháp rất trong sạch và thanh-tịnh, nên dám mời đến để chứng kiến, để thực chứng, thực đắc.
5- Opaneyyiko dhammo: Chánh-pháp đó là 9 pháp siêu-tam-giới là pháp nên hướng tâm chứng đắc trước tiên, để mong giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.
6- Paccattaṃ veditabbo viññūhi dhammo: Chánh- pháp đó là 9 pháp siêu-tam-giới mà chư bậc thiện-trí Thánh-nhân đã chứng đắc tự mình biết rõ, tự mình nhập Thánh-quả hưởng an-,lạrcồiNiết-bàn tịch tịnh.

Đó là 6 ân-đức Pháp-bảo mà chỉ có bậc Thánh thanh- văn đệ-tử của Đức-Phật mới có đầy đủ mà thôi. Còn các hạng phàm-nhân thanh-văn đệ-tử có được ân-đức Pháp-bảo bị giới hạn về phần pháp-học chánh-pháp và pháp- hành chánh-pháp, chưa đạt đến phần pháp-thành chánh-pháp đó là 9 pháp siêu-tam-giới.

Giảng Giải Về 6 Ân-Đức Pháp-Bảo

Trong bộ Chú-giải giảng giải 6 ân-đức Pháp-bảo được tóm lược sau đây:

1- Ân-Đức Pháp-Bảo thứ nhất:
Svākkhāto Bhagavatā dhammo

(Cách đọc: Xoa-kha-tô Phá-gá-voá-ta thăm-mô)

Svākkhāto dhammo:
Pháp gồm có 10 chánh-pháp mà Đức-Phật đã thuyết giảng hoàn hảo phần đầu, phần giữa, phần cuối, có ý nghĩa đầy đủ, văn chương trong sáng, rõ ràng và thanh-tịnh. 10 chánh-pháp là: 1 pháp- học chánh-pháp và 9 pháp siêu-tam-giới.
Trong Chú-giải Saṃyuttanikāya, phần Sagāthavagga trình bày 10 chánh-pháp hoàn hảo phần đầu, phần giữa, phần cuối như sau:

1- Pháp-học chánh-pháp hoàn hảo phần đầu, phần giữa, phần cuối như thế nào?
* Đức-Phật thuyết một bài kệ gồm có 4 câu:
- Câu đầu: Hoàn hảo ở phần đầu.
- Hai câu giữa: Hoàn hảo ở phần giữa.
- Câu cuối: Hoàn hảo ở phần cuối.
* Đức-Phật thuyết một bài Kinh ngắn:
- Phần mở đầu: Hoàn hảo ở phần đầu.
- Phần thân bài: Hoàn hảo ở phần giữa.
- Phần kết luận: Hoàn hảo ở phần cuối.
* Đức-Phật thuyết một bài Kinh dài gồm có nhiều đoạn:
- Phần mở đầu: Hoàn hảo ở phần đầu.
- Phần thân bài (có nhiều đoạn): Hoàn hảo ở phần giữa.
- Phần kết luận: Hoàn hảo ở phần cuối.
* Đức-Phật thuyết về Tạng Luật Pāḷi, Tạng Vi-diệu- pháp Pāḷi, sự hoàn hảo cũng tương tự như Tạng Kinh Pāḷi.

2- Chín pháp siêu-tam-giới hoàn hảo ở phần đầu, phần giữa, phần cuối như thế nào?
9 pháp siêu-tam-giới:
* 4 Thánh-đạo:
- Nhập-lưu Thánh-đạo (Sotāpattimagga).
- Nhất-lai Thánh-đạo (Sakadāgāmimagga).
- Bất-lai Thánh-đạo (Anāgāmimagga).
- A-ra-hán Thánh-đạo (Arahattamagga).
* 4 Thánh-quả:
- Nhập-lưu Thánh-quả (Sotāpattiphala).
- Nhất-lai Thánh-quả (Sakadāgāmiphala).
- Bất-lai Thánh-quả (Anāgāmiphala).
- A-ra-hán Thánh-quả (Arahattaphala).
* 1 Niết-bàn là đối-tượng của 4 Thánh-đạo-tâm và 4 Thánh-quả-tâm.
4 Thánh-đạo-tâm và 4 Thánh-quả-tâm
chỉ có đối- tượng Niết-bàn mà thôi, ngoài ra không có đối-tượng nào khác. 9 pháp siêu-tam-giới thuộc về pháp-thành chánh-pháp là quả của pháp-hành chánh-pháp.

Pháp-hành chánh-pháp và pháp-thành chánh-pháp hoàn hảo ở phần đầu, phần giữa, phần cuối như sau:
- Pháp-hành giới: Hoàn hảo ở phần đầu.
- Pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ, 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả: Hoàn hảo ở phần giữa.
- Niết-bàn: Hoàn hảo ở phần cuối. Hay trình bày một cách khác:
- Pháp-hành giới, pháp-hành thiền-định: Hoàn hảo ở phần đầu.
- Pháp-hành thiền-tuệ, 4 Thánh-đạo: Hoàn hảo ở phần giữa.
- 4 Thánh-quả và Niết-bàn: Hoàn hảo ở phần cuối. Một cách trình bày khác:
* Pháp-học chánh-pháp: Ban đầu lắng nghe, học hỏi, nghiên cứu để hiểu rõ về pháp-học chánh-pháp, về cách hành pháp-hành giới, phương pháp thực hành pháp- hành thiền-định và pháp-hành thiền-tuệ, … Đó là pháp- học chánh-pháp hoàn hảo ở phần đầu.
* Pháp-hành chánh-pháp:
Có 3 pháp:
- Pháp-hành giới: Hành-giả có tác-ý thiện-tâm giữ gìn giới cho được trong sạch và trọn vẹn, để làm nền tảng cho pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ.
- Pháp-hành thiền-định: Hành-giả thực hành pháp- hành thiền-định dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới, 4 bậc thiền vô-sắc-giới.
- Pháp-hành thiền-tuệ: Hành-giả thực hành pháp-hành thiền-tuệ làm cho phát sinh trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, danh-pháp tam-giới; thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung (trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã) của sắc-pháp, danh-pháp tam-giới; dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế. Đó là pháp-hành chánh-pháp hoàn hảo ở phần giữa.
* Pháp-thành chánh-pháp:
Hành-giả chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được mọi phiền-não, tham-ái, ác-pháp. Đó là pháp-thành chánh- pháp hoàn hảo ở phần cuối.
Cho nên, ân-đức Pháp-bảo này gọi là Svākkhāto dhammo.

2- Ân-Đức Pháp-Bảo thứ nhì:
Sandiṭṭhiko dhammo

(Cách đọc: Xăn-đít-thí-cô thăm-mô)

Sandiṭṭhiko dhammo: Chánh-pháp đó là 9 pháp siêu- tam-giới mà chư Thánh-nhân đã chứng đắc 4 Thánh- đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn rồi, tự thấy, tự biết bằng trí- tuệ của mình.

Sandiṭṭhiko có 3 ý nghĩa:

1- Chứng đắc bằng trí-tuệ của mình
- Bậc thiện-trí phàm-nhân
thực hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế lần thứ nhất, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.
- Bậc Thánh Nhập-lưu tiếp tục thực hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế lần thứ nhì, chứng đắc Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh- quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhất-lai.
- Bậc Thánh Nhất-lai tiếp tục thực hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế lần thứ ba, chứng đắc Bất-lai Thánh-đạo, Bất-lai Thánh- quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Bất-lai.
- Bậc Thánh Bất-lai tiếp tục thực hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế lần thứ tư cuối cùng, chứng đắc A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.
Mỗi bậc Thánh-nhân tự thấy, tự biết bằng trí-tuệ của mình.

2- Cách diệt phiền-não
* 4 Thánh-đạo-tuệ
có khả năng đặc biệt diệt tận (samucchedapahāna) được phiền-não tùy theo mỗi Thánh-đạo-tuệ như sau:
- Nhập-lưu Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được 2 loại phiền-não là tà-kiếnhoài-nghi.
- Nhất-lai Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được 1 loại phiền-não là sân loại thô.
- Bất-lai Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được 1 loại phiền-não là sân loại vi-tế.
- A-ra-hán Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được 7 loại phiền-não còn lại là tham, si, ngã-mạn, buồn-chán, phóng-tâm, không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi. Mọi phiền-não, mọi tham-ái, mọi ác-pháp đều bị diệt tận không còn dư sót.
* 4 Thánh-quả-tuệ có khả năng đặc biệt diệt bằng cách an-tịnh (paṭipassadhipahāna) được loại phiền-não mà Thánh-đạo-tuệ đã diệt tận rồi.
* Niết-bàn là đối-tượng giải thoát khổ, diệt tử sinh luân-hồi (nissaraṇappahāna).

Theo định luật tự nhiên, sau khi đã chứng đắc Thánh- đạo, Thánh-quả, Niết-bàn nào rồi, thì bậc Thánh-nhân có trí-tuệ quán-triệt (paccavekkhaṇañāṇa) 5 điều:
- Quán-triệt biết rõ Thánh-đạo nào đã chứng đắc.
- Quán-triệt biết rõ Thánh-quả nào đã chứng đắc.
- Quán-triệt biết rõ Niết-bàn đã chứng ngộ.
- Quán-triệt biết rõ phiền-não nào đã bị diệt tận.
- Quán-triệt biết rõ phiền-não nào chưa bị diệt tận.
Riêng bậc Thánh A-ra-hán thì không còn quán-triệt phiền-não nào chưa bị diệt tận, bởi vì A-ra-hán Thánh-đạo-tuệ đã diệt tận tất cả mọi phiền-não không còn dư sót.

3- Tự khẳng định
- Bậc Thánh Nhập-lưu
tự biết, tự khẳng định sẽ không còn tái-sinh trong 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ- quỷ, súc-sinh), chỉ còn tái-sinh ở cõi người, cõi trời dục- giới nhiều nhất là 7 kiếp, rồi sẽ chứng đắc thành bậc Thánh A-ra-hán, sẽ tịch diệt Niết-bàn.
- Bậc Thánh Nhất-lai tự biết, tự khẳng định chỉ còn tái-sinh 1 kiếp trong cõi người hoặc cõi trời dục-giới, rồi sẽ chứng đắc thành bậc Thánh A-ra-hán, sẽ tịch diệt Niết-bàn.
- Bậc Thánh Bất-lai tự biết, tự khẳng định không trở lại tái-sinh trong cõi dục-giới, chỉ còn tái-sinh ở cõi sắc- giới, rồi sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, sẽ tịch diệt Niết-bàn tại cõi sắc-giới ấy.
- Bậc Thánh A-ra-hán tự biết, tự khẳng định ngay kiếp hiện-tại này là kiếp chót, sẽ tịch diệt Niết-bàn, thoát khỏi khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
Cho nên, ân-đức Pháp-bảo này gọi là Sandiṭṭhiko dhammo.

3- Ân-Đức Pháp-Bảo thứ ba:
Akāliko dhammo

(Cách đọc: Á-ca-lí-cô thăm-mô)

Akāliko dhammo: Chánh-pháp đó là 4 Thánh-đạo cho quả tương xứng 4 Thánh-quả không có thời gian ngăn cách, nghĩa là sau khi chứng đắc Thánh-đạo nào liền cho Thánh-quả ấy sau một sát-na tâm diệt rồi sinh.
Akāliko có 2 ý nghĩa:
1- Thánh-đạo-tâm diệt, Thánh-quả-tâm sinh không có thời gian ngăn cách.
2- Thánh-đạo-tâm và Thánh-quả-tâm
trong cùng một Thánh-đạo lộ-trình-tâm (Maggavīthicitta).
Ví dụ:
Trong Nhập-lưu-Thánh-đạo lộ-trình-tâm (Sotāpatti- maggavīthicitta) sinh diệt theo tuần tự như sau:
Bhavaṅgacitta --> Bhavaṅgacalana --> Bhavaṅgu- paccheda --> Manodvāravajjanacitta --> Parikamma --> Upacāra --> Anuloma --> Gotrabhū --> Sotāpattimagga --> Sotāpattiphala (2 - 3 sát-na tâm) --> Bhavaṅgacitta.
Chấm dứt Nhập-lưu-Thánh-đạo lộ-trình-tâm.
Giải thích:
1- Bhavaṅgacitta: Hộ-kiếp-tâm (viết tắt bha).
2- Bhavaṅgacalana: Hộ-kiếp-tâm rung động (vt na). 3- Bhavaṅgupaccheda: Hộ-kiếp-tâm bị cắt đứt (vt da). 4- Manodvāravajjanacitta: Ý-môn hướng-tâm (vt ma).
5- Parikamma: Chuẩn bị Nhập-lưu-Thánh-đạo-tâm sẽ phát sinh (vt pari).
6- Upacāra: Cận Nhập-lưu-Thánh-đạo-tâm sẽ phát sinh (vt upa).
7- Anuloma: Thuận-dòng theo 37 pháp để chứng đắc Nhập-lưu-Thánh-đạo-tâm (viết tắt anu).
8- Gotrabhū: Chuyển-dòng từ phàm-nhân sang Thánh- nhân (vt got).
9- Sotāpattimaggacitta: Nhập-lưu-Thánh-đạo-tâm 1 sát-na tâm (vt mag).
10- Sotāpattiphalacitta: Nhập-lưu-Thánh-quả-tâm 2-3 sát-na tâm (vt pha).
11- Bhavaṅgacitta: Hộ-kiếp-tâm, chấm dứt Nhập-lưu- Thánh-đạo lộ-trình-tâm.

Đó là có các tâm sinh rồi diệt theo tuần tự.

Đồ-biểu Nhập-lưu-Thánh-đạo lộ-trình-tâm

(Sotāpattimaggavīthicitta)



Qua Nhập-lưu-Thánh-đạo lộ-trình-tâm nhận thấy:
- Nhập-lưu-Thánh-đạo Nhập-lưu-Thánh-quả sinh rồi diệt liên tục trong cùng Nhập-lưu-Thánh-đạo lộ- trình-tâm, không có thời gian ngăn cách.
- Tương tự như vậy, Nhất-lai-Thánh-đạoNhất-lai- Thánh-quả sinh rồi diệt liên tục trong cùng Nhất-lai- Thánh-đạo lộ-trình-tâm, không có thời gian ngăn cách.
- Bất-lai-Thánh-đạo Bất-lai-Thánh-quả sinh rồi diệt liên tục trong cùng Bất-lai-Thánh-đạo lộ-trình-tâm, không có thời gian ngăn cách.
- A-ra-hán-Thánh-đạo A-ra-hán-Thánh-quả sinh rồi diệt liên tục trong cùng A-ra-hán-Thánh-đạo lộ- trình-tâm, không có thời gian ngăn cách.
Cho nên, 4 Thánh-đạo-tâm liền cho quả là 4 Thánh- quả-tâm tương xứng sau 1 sát-na-tâm, không có thời gian ngăn cách, không có thời gian chờ đợi.

Tam-giới thiện-nghiệp


- Dục-giới thiện-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 8 dục-giới thiện-tâm có khả năng cho quả ngay trong kiếp hiện-tại sớm nhất trong khoảng thời gian 7 ngày và còn cho quả trong những kiếp vị-lai.
Cho nên, dục-giới thiện-nghiệp này cho quả có thời gian chờ đợi.
- Sắc-giới thiện-nghiệp và vô-sắc-giới thiện-nghiệp không cho quả trong kiếp hiện-tại mà chắc chắn cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp trên cõi trời sắc-giới hoặc cõi trời vô-sắc-giới tùy theo bậc thiền sở đắc của hành-giả.

Siêu-tam-giới thiện-nghiệp


Siêu-tam-giới thiện-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm liền cho quả là 4 Thánh-quả- tâm tương xứng ngay trong kiếp hiện-tại, không có thời gian chờ đợi, nghĩa là khi Thánh-đạo-tâm nào diệt, liền Thánh-quả-tâm ấy phát sinh trong cùng Thánh-đạo lộ- trình-tâm, chỉ sau 1 sát-na-tâm mà thôi, không có thời gian chờ đợi.
Cho nên, ân-đức Pháp-bảo này gọi là Akāliko dhammo.

4- Ân-Đức Pháp-Bảo thứ tư
Ehipassiko Dhammo

(Cách đọc: Ê-hí pát-xí-cô thăm-mô)

Ehipassiko dhammo:
Chánh-pháp đó là 9 pháp siêu- tam-giới thuộc về thật-tánh của chân-nghĩa-pháp rất trong sạch và thanh-tịnh, nên dám mời đến để chứng kiến, để thực chứng, thực đắc.

Ehipassiko
có 2 ý nghĩa:

1- 9 pháp siêu-tam-giới có thật-tánh của chân-nghĩa- pháp nên thực chứng.
9 pháp siêu-tam-giới
đó là 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn thuộc về thật-tánh của chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma), có thật-tánh rõ ràng, thật-tánh không biến đổi theo thời gian, không gian, nghĩa là 9 pháp siêu-tam-giới đã phát sinh trong thời quá-khứ như thế nào, đang phát sinh trong thời hiện-tại và sẽ phát sinh trong thời vị-lai cũng như thế ấy. Cho nên, 9 pháp siêu-tam-giới có thật-tánh chân thật rõ ràng.
Do có thật-tánh chân thật rõ ràng như vậy, nên mới dám gọi đến, mời đến thực hành đúng theo pháp-hành trung-đạo để thực chứng, để chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn bằng trí-tuệ-thiền-tuệ siêu-tam-giới của hành-giả.
Ví dụ: Trong hộp có viên ngọc quý, nên mới dám mời người khác đến xem, ...

2- 9 pháp siêu-tam-giới có thật-tánh hoàn toàn trong sạch thanh-tịnh
9 pháp siêu-tam-giới
đó là 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn thuộc về pháp-thành chánh-pháp hoàn toàn trong sáng và thanh-tịnh, bởi vì 9 pháp siêu-tam-giới này không hề bị ô nhiễm bởi phiền-não, nên dám mời đến, động viên khuyến khích đến để chứng kiến, thực hành đúng theo pháp-hành trung-đạo, thì sẽ chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, bằng trí-tuệ-thiền- tuệ siêu-tam-giới của hành-giả.
Ví dụ: Trong đời này, những vật có thật, đang hiện hữu, nếu những vật là thứ bất tịnh, ô uế, hôi thối, bẩn thỉu đáng tránh xa thì không có một ai dám mời, dám động viên khuyến khích người khác đến để xem.
Còn 9 pháp siêu-tam-giới này thuộc về thật-tánh của chân-nghĩa-pháp hoàn toàn trong sáng và thanh-tịnh, nên dám mời, dám động viên khuyến khích người khác đến để chứng kiến, để chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, để mong giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.
Cho nên, ân-đức Pháp-bảo này gọi là Ehipassiko dhammo.

5- Ân-Đức Pháp-Bảo thứ năm:
Opaneyyiko Dhammo

(Cách đọc: Ô-pá-nây-dí-cô thăm-mô)

Opaneyyiko dhammo: Chánh-pháp đó là 9 pháp siêu-tam-giới, là pháp nên hướng tâm chứng đắc trước tiên, để mong giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.
Những hạng phàm-nhân chắc chắn chưa từng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chưa từng chứng đắc Thánh- đạo, Thánh-quả nào, cũng chưa từng chứng ngộ Niết- bàn lần nào trong kiếp tử sinh luân-hồi trong tam-giới, nên những hạng phàm-nhân thường bị 11 thứ lửa (2) và 1.500 loại phiền-não thiêu đốt, làm cho thân tâm nóng nảy, chẳng bao giờ được an-lạc thật sự. Cho nên, dập tắt lửa phiền-não là việc cần kíp, không nên chậm trễ.
Để diệt tận được phiền-não một cách hữu hiệu chỉ có 9 pháp siêu-tam-giới mà thôi.
- 4 Thánh-đạo-tuệ có khả năng đặc biệt diệt tận được phiền-não (samucchedapahāna).
- 4 Thánh-quả-tuệ có khả năng diệt bằng cách làm an-tịnh được phiền-não (paṭipassaddhipahāna).
- Niết-bàn là pháp giải thoát khổ, diệt tử sinh luân-hồi (nissaraṇapahāna).

* Bậc Nhập-lưu-Thánh-đạo-tuệ
có khả năng diệt tận được 2 loại phiền-não là tà-kiếnhoài-nghi, cho nên bậc Thánh Nhập-lưu vĩnh viễn không bao giờ khổ do tà-kiếnhoài-nghi nữa.
Bậc Thánh Nhập-lưu vĩnh viễn không còn tái-sinh trong 4 cõi ác-giới, chỉ còn tái-sinh trong cõi thiện-dục- giới nhiều nhất 7 kiếp. Đến kiếp thứ 7, chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
* Bậc Nhất-lai-Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được 1 loại phiền-não là sân loại thô, cho nên bậc Thánh Nhất-lai vĩnh viễn không bao giờ khổ do sân loại thô nữa.
Bậc Thánh Nhất-lai chỉ còn tái-sinh trong cõi thiện- dục-giới 1 kiếp nữa mà thôi. Trong kiếp ấy chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
* Bậc Bất-lai-Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được 1 loại phiền-não là sân loại vi-tế, và tham trong ngũ-dục cõi dục-giới, cho nên bậc Thánh Bất-lai vĩnh viễn không bao giờ khổ do sân loại vi-tếtham trong ngũ-dục nữa.
Bậc Thánh Bất-lai không còn tái-sinh trở lại cõi dục- giới nữa, chỉ còn tái-sinh kiếp sau trên cõi trời sắc-giới mà thôi, chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
* Bậc A-ra-hán-Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được tất cả mọi phiền-não còn lại là tham, si, ngã- mạn, buồn-chán, phóng-tâm, không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi và tất cả mọi tham-ái, mọi ác-pháp không còn dư sót. Vì vậy, bậc Thánh A-ra-hán hoàn toàn không có khổ tâm, chỉ còn khổ thân mà thôi.
Bậc Thánh A-ra-hán ngay trong kiếp hiện-tại chắc chắn sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
Đối với các hạng phàm-nhân còn đầy đủ mọi phiền- não, mọi tham-ái, mọi ác-pháp, thì còn phải khổ-tâm, khổ-thân.
Hễ còn tử sinh luân-hồi trong tam-giới, thì khó tránh khỏi khổ trong 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh).
Muốn giải thoát khỏi khổ tái-sinh, thì chỉ có chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn mà thôi.
Vì vậy, hành-giả quyết tâm tinh-tấn không ngừng, đặt ưu tiên hàng đầu là hướng tâm đến sự chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn mà thôi.
Dù cho lửa cháy trên đầu cũng không quan tâm, bởi vì, hành-giả suy xét rằng: “Lửa cháy trên đầu chỉ làm khổ (nóng nảy) một kiếp hiện-tại này, nhưng phiền-não chưa diệt được, không chỉ làm khổ (nóng nảy) trong kiếp hiện-tại, mà còn khổ lâu dài trong vô số kiếp vị-lai nữa.”
Sự chết là điều chắc chắn, nhưng không biết chắc chắn sẽ chết khi nào. Cho nên, hành-giả đặt ưu tiên hàng đầu là hướng tâm cố gắng tinh-tấn không ngừng, thực hành pháp-hành thiền-tuệ, để dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh- quả, Niết-bàn.”
Vì vậy, 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn9 pháp siêu-tam-giới mà hành-giả nên đặt ưu tiên hướng tâm của mình để chứng đắc trước tiên.
Cho nên, ân-đức Pháp-bảo này gọi là Opaneyyiko dhammo.

6- Ân-Đức Pháp-Bảo thứ sáu:
Paccattaṃ Veditabbo Viññūhi Dhammo

(Cách đọc: Pách-chát-tăng vuê-đí-tắp-bô vin-nhu-hí thăm-mô)

Paccattaṃ veditabbo viññūhi dhammo: Chánh-pháp đó là 9 pháp siêu-tam-giới mà chư bậc thiện-trí Thánh- nhân đã chứng đắc tự mình biết rõ, tự mình nhập Thánh-quả hưởng an,-lạc Niết-bàn.


Bậc thiện-trí có 3 hạng:

1- Bậc thiện-trí có trí-tuệ bậc thượng (Ugghaṭitaññū)
Bậc thiện-trí này
có trí-tuệ rất sắc bén, tinh nhanh, khi lắng nghe một bài kệ có 4 câu, chỉ cần nghe 2 câu đầu, bậc thiện-trí này có khả năng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh-nhân ngay khi ấy, không cần chờ nghe tiếp đến 2 câu sau.

2- Bậc thiện-trí có trí-tuệ bậc trung (Vipañcitaññū)
Bậc thiện-trí này có trí-tuệ sắc bén, khi lắng nghe pháp đầu-đề xong, lắng nghe tiếp theo lời giảng-giải, khai-triển, bậc thiện-trí này có khả năng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn ngay khi ấy.

3- Bậc thiện-trí có trí-tuệ bậc thường (Neyya)
Bậc thiện-trí
này có trí-tuệ trung bình khi lắng nghe pháp đầu-đề, lắng nghe tiếp theo lời giảng-giải, khai-triển xong rồi, bậc thiện-trí này còn cần phải gần gũi, thân cận với chư Thánh thanh-văn để được giúp đỡ, hỗ trợ.
Bậc thiện-trí này cố gắng tinh-tấn thực hành pháp- hành thiền-tuệ trải qua một thời gian, mới có khả năng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn trong kiếp hiện-tại ấy.

Thánh-Đạo Lộ-Trình-Tâm (Maggavīthicitta)

Thánh-đạo lộ-trình-tâm có 4 loại:
1- Nhập-lưu-Thánh-đạo lộ-trình-tâm.
2- Nhất-lai-Thánh-đạo lộ-trình-tâm.
3- Bất-lai-Thánh-đạo lộ-trình-tâm.
4- A-ra-hán-Thánh-đạo lộ-trình-tâm.

Sau mỗi Thánh-đạo lộ-trình-tâm trở thành bậc Thánh- nhân, liền tiếp theo sau có 5 quán-triệt lộ-trình-tâm (paccavekkhaṇavīthicitta) phát sinh tuần tự, mỗi lộ- trình-tâm làm phận sự quán triệt Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn, phiền-não nào đã bị diệt tận và phiền-não nào chưa bị diệt tận như sau:
- Sau Nhập-lưu-Thánh-đạo lộ-trình-tâm có 5 quán- triệt lộ-trình-tâm phát sinh theo tuần tự làm phận sự quán-triệt Nhập-lưu-Thánh-đạo, Nhập-lưu-Thánh-quả, Niết-bàn, phiền-não nào đã bị diệt tận, phiền-não nào chưa bị diệt tận được.
- Sau Nhất-lai-Thánh-đạo lộ-trình-tâm có 5 quán-triệt lộ-trình-tâm phát sinh theo tuần tự làm phận sự quán- triệt Nhất-lai-Thánh-đạo, Nhất-lai-Thánh-quả, Niết-bàn, phiền-não nào đã bị diệt tận, phiền-não nào chưa bị diệt tận được.
- Sau Bất-lai-Thánh-đạo lộ-trình-tâm có 5 quán-triệt lộ-trình-tâm phát sinh theo tuần tự làm phận sự quán- triệt Bất-lai-Thánh-đạo, Bất-lai-Thánh-quả, Niết-bàn, phiền-não nào đã bị diệt tận, phiền-não nào chưa bị diệt tận được.
- Sau A-ra-hán Thánh-đạo lộ-trình-tâm chỉ có 4 quán- triệt lộ-trình-tâm phát sinh theo tuần tự làm phận sự quán-triệt A-ra-hán-Thánh-đạo, A-ra-hán-Thánh-quả, Niết-bàn, tất cả mọi phiền-não còn lại đều đã bị diệt tận không còn dư sót nữa.
Cho nên, mỗi bậc Thánh-nhân chắc chắn tự mình biết rõ Thánh-đạo, Thánh-quả mà mình đã chứng đắc.

Khả năng đặc Biệt của mỗi bậc Thánh-nhân

* Những bậc Thánh-nhân ngang hàng, có thể biết lẫn nhau qua đàm đạo hoặc bằng tha-tâm-thông.
* Những bậc Thánh-nhân bậc thấp không thể biết được bậc Thánh-nhân bậc cao, mà chỉ có bậc Thánh- nhân bậc cao mới có khả năng biết được bậc Thánh- nhân bậc thấp cũng qua cuộc đàm đạo hoặc bằng tha- tâm-thông.
* Những hạng phàm-nhân hoàn toàn không thể biết được các bậc Thánh-nhân.

Bậc Thánh-nhân nhập Thánh-quả

Mỗi bậc Thánh-nhân có khả năng nhập Thánh-quả (phalasamāpatti) mà Ngài đã chứng đắc, để hưởng sự an-lạc Niết-bàn.
Bậc Thánh-nhân nào đã chứng đắc bậc thiền siêu- tam-giới có đối-tượng Niết-bàn, thì bậc Thánh-nhân ấy có khả năng nhập Thánh-quả-tâm với bậc thiền siêu- tam-giới ấy, để hưởng sự an-lạc Niết-bàn.
- Bậc Thánh Nhập-lưu có khả năng nhập Nhập-lưu- Thánh-quả-tâm, để hưởng sự an-lạc Niết-bàn.
- Bậc Thánh Nhất-lai có khả năng nhập Nhất-lai- Thánh-quả-tâm, để hưởng sự an-lạc Niết-bàn.
- Bậc Thánh Bất-lai có khả năng nhập Bất-lai-Thánh- quả-tâm, để hưởng sự an-lạc Niết-bàn.
- Bậc Thánh A-ra-hán có khả năng nhập A-ra-hán- Thánh-quả-tâm, để hưởng sự an-lạc Niết-bàn.

Bậc Thánh-nhân đã chứng đắc đến Thánh-quả-tâm nào thì bậc Thánh-nhân ấy chỉ có khả năng nhập Thánh- quả-tâm ấy mà thôi, để hưởng sự an-lạc Niết-bàn.
Như vậy, bậc Thánh-nhân bậc thấp không thể nhập Thánh-quả-tâm bậc cao, và Thánh-nhân bậc cao cũng không thể nhập Thánh-quả-tâm bậc thấp.
9 pháp siêu-tam-giới bậc Thánh-nhân đã chứng đắc, tự mình biết rõ, tự mình an hưởng sự an-lạc Niết- bàn. Vì vậy, Thánh-đạo-tuệ của thầy không thể diệt phiền-não của đệ-tử. Người đệ-tử có thể thừa hưởng những thứ vật dụng của thầy, song không thể nhập Thánh-quả của thầy, để hưởng sự an-lạc Niết-bàn được.
Cho nên, ân-đức Pháp-bảo này gọi là Paccataṃ veditabbo viññūhi.

Ân-đức Pháp-bảo được thực chứng

Trong bài kinh Brahmaṇasutta (3) Đức-Phật thuyết về ân-đức Pháp-bảo được thực chứng, tự thấy, tự biết do chính mình, được tóm lược như sau:
Một thuở nọ, một vị Bà-la-môn đến đảnh lễ Đức-Thế- Tôn xong, ngồi một nơi hợp lẽ, rồi bạch hỏi Đức-Thế- Tôn rằng:
- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, do nhân nào mà ân-đức Pháp-bảo gọi là Sandiṭṭhiko, Akāliko, Ehipassiko, Opaneyyiko, Paccattaṃ veditabbo viññūhi?
Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:
- Này Bà-la-môn! Người có tâm tham-dục phát sinh, tâm tham-dục khống chế, tâm tham-dục bắt buộc xui khiến tự làm khổ mình, làm khổ người, tự làm khổ cả mình lẫn người, chịu nỗi khổ thân, nỗi khổ tâm.
Khi Thánh-đạo-tuệ phát sinh diệt tận được tâm tham-dục rồi, người ấy không còn tự làm khổ mình, không làm khổ người, không tự làm khổ mình lẫn cả người, không còn chịu khổ thân, khổ tâm nữa.
- Này Bà-la-môn! Do nhân ấy, ân-đức Pháp-bảo gọi là Sandiṭṭhiko, Akāliko, Ehipassiko, Opaneyyiko, Paccattaṃ veditabbo viññūhi.
- Này Bà-la-môn! Người có tâm sân-hận phát sinh, tâm sân-hận khống chế, tâm sân-hận bắt buộc xui khiến tự làm khổ mình, …
- Này Bà-la-môn! Người có tâm si-mê phát sinh, tâm si-mê khống chế, tâm si-mê bắt buộc xui khiến tự làm khổ mình, làm khổ người, tự làm khổ cả mình lẫn người, chịu khổ nỗi khổ thân, nỗi khổ tâm.
Khi Thánh-đạo-tuệ phát sinh diệt tận được tâm si-mê rồi, người ấy không còn tự làm khổ mình, không làm khổ người, không tự làm khổ mình lẫn cả người, không còn chịu nỗi khổ thân, nỗi khổ tâm nữa.
- Này Bà-la-môn! Do nhân ấy, ân-đức Pháp-bảo gọi là Sandiṭṭhiko, Akāliko, Ehipassiko, Opaneyyiko, Paccattaṃ veditabbo viññūhi, …


Nghe Đức-Phật thuyết giảng như vậy, ông Bà-la-môn vô cùng hoan-hỷ tán dương ca tụng Đức-Thế-Tôn, rồi ông kính xin quy-y nơi Đức-Thế-Tôn, xin quy-y nơi Đức- Pháp-bảo, xin quy-y nơi chư Trưởng-lão tỳ-khưu-Tăng- bảo. Ông kính xin Đức-Thế-Tôn công nhận ông là một cận-sự-nam đã quy-y Tam-bảo kể từ đó cho đến trọn đời.

Niết-bàn là pháp chứng ngộ

Trong bài kinh Nibbutasutta (4), Đức-Thế-Tôn thuyết về Niết-bàn là pháp chứng ngộ, được tóm lược như sau:
Một thuở nọ, ông Bà-la-môn Jānusasoṇī đến đảnh lễ Đức-Thế-Tôn xong, ngồi một nơi hợp lẽ, rồi bạch hỏi Đức-Thế-Tôn rằng:
- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, Niết-bàn gọi là pháp Sandiṭṭhikaṃ, ... Do nhân nào mà Niết-bàn gọi là Pháp Sandiṭṭhikaṃ, Akālikaṃ, Ehipassikaṃ, Opaneyyikaṃ, Paccattaṃ veditabbaṃ viññūhi?
Đức-Thế-Tôn dạy rằng:
- Này Bà-la-môn! Người có tâm tham-dục, tâm sân- hận, tâm si-mê phát sinh, tự làm khổ mình, làm khổ người, tự làm khổ mình lẫn cả người, chịu nỗi khổ thân, khổ tâm.
Khi Thánh-đạo-tuệ phát sinh có đối-tượng Niết-bàn, diệt tận được tâm tham-dục, tâm sân-hận, tâm si-mê xong rồi, người ấy không còn tự làm khổ mình, không làm khổ người, không làm khổ mình lẫn cả người, không chịu nỗi khổ thân, khổ tâm nữa.
- Này Bà-la-môn! Do nhân ấy, Niết-bàn gọi là pháp Sandiṭṭhikaṃ, Akālikaṃ, Ehipassikaṃ, Opaneyyikaṃ, Paccattaṃ veditabbaṃ viññūhi.


Nghe Đức-Phật thuyết giảng như vậy, ông Bà-la-môn vô cùng hoan-hỷ tán dương ca tụng Đức-Thế-Tôn, rồi ông kính xin quy-y nơi Đức-Thế-Tôn, xin quy-y nơi Đức- Pháp-bảo, xin quy-y nơi chư Trưởng-lão tỳ-khưu-Tăng- bảo. Ông kính xin Đức-Thế-Tôn công nhận ông là một cận-sự-nam đã quy-y Tam-bảo kể từ đó cho đến trọn đời.

6 Ân-đức Pháp-bảo

Chư Thánh thanh-văn đệ-tử Đức-Phật có đầy đủ 6 ân-đức Pháp-bảo trọn vẹn, nghĩa là quý Ngài đã hiểu biết rõ pháp-học chánh-pháp, đó là hiểu biết rõ lời giáo huấn của Đức-Phật; đã thực hành pháp-hành chánh-pháp, đó là đã thực hành pháp-hành giới hoàn toàn trong sạch, đã thực hành pháp-hành thiền-định, đã thực hành pháp-hành thiền-tuệ; đã chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, đã chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, đó là pháp-thành chánh-pháp.
Còn các hàng phàm-nhân thanh-văn đệ-tử Đức-Phật có khả năng đạt đến ân-đức Pháp-bảo có giới hạn về phần pháp-học chánh-pháp và phần pháp-hành chánh- pháp đó là pháp-hành giới, đang thực hành pháp-hành thiền-định, đang thực hành pháp-hành thiền-tuệ còn thuộc về pháp trong tam-giới, chưa chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, nên chưa đạt đến pháp-thành chánh-pháp.

Đề-mục niệm-niệm 6 Ân-đức Pháp-bảo
(Dhammānussati)


6 ân-đức Pháp-bảo là đối-tượng của đề-mục niệm- niệm ân-đức Pháp-bảo. Đề-mục niệm-niệm 6 ân-đức Pháp-bảo là 1 trong 10 đề-mục niệm-niệm (anussati), cũng là 1 trong 40 đề-mục thiền-định.
Muốn thực hành đề-mục niệm-niệm 6 ân-đức Pháp-bảo, trước tiên hành-giả cần phải học hỏi cho hiểu rõ ý nghĩa 6 ân-đức Pháp-bảo kỹ càng từng các chi pháp về phần pháp-học. Phần pháp-hành, trước khi thực hành đề-mục niệm-niệm 6 ân-đức Pháp-bảo, hành-giả nên có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức- Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo.
- Nếu là người cận-sự-nam, cận-sự-nữ, thì nên xin thọ phép quy-y Tam-bảo và ngũ-giới hoặc bát giới, cửu giới, ...
- Nếu là Sa-di, thì nên xin thọ phép quy-y Tam-bảo và Sa- di thập giới với vị Thầy tế độ hoặc với một vị Trưởng-lão.
- Nếu là vị Tỳ-khưu, thì nên xin sám hối āpatti với một vị tỳ-khưu khác.
Như vậy, hành-giả là người có giới thuộc về phần pháp-hành giới làm nền tảng cho pháp-hành thiền-định, thực hành pháp-hành niệm-niệm 6 ân-đức Pháp-bảo.

Phương pháp niệm-niệm 6 Ân-Đức Pháp-Bảo

6 ân-đức Pháp-bảo này chỉ có trong chánh-pháp Phật- giáo mà thôi. Chánh-pháp gồm có 10 pháp đó là pháp- học chánh-pháp và 9 pháp siêu-tam-giới (4 Thánh-đạo + 4 Thánh-quả + 1 Niết-bàn).

Muốn thực hành đề-mục niệm-niệm 6 ân-đức Pháp- bảo, hành-giả cần phải học hỏi, hiểu rõ rành rẽ 6 ân-đức Pháp-bảo. Sau khi đã hiểu rõ đầy đủ 6 ân-đức Pháp-bảo xong, hành-giả nên tìm một nơi thanh vắng, để thuận lợi thực hành đề-mục niệm-niệm 6 ân-đức Pháp-bảo này.

Niệm ân-đức Pháp-bảo có nhiều cách:

- Cách thứ nhất (phổ thông): Niệm-niệm trọn vẹn 6 ân-đức Pháp-bảo.

Hành-giả thực hành niệm-niệm 6 ân-đức Pháp-bảo như sau: “Svākkhāto Bhagavatā dhammo, Sandiṭṭhiko, Akāliko, Ehipassiko, Opaneyyiko, Paccattaṃ veditabbo viññūhi...” (5) làm đối-tượng thiền-định.
Hành-giả tâm niệm đến ân-đức Pháp-bảo nào, nên hiểu rõ ý nghĩa và chi-pháp của ân-đức Pháp-bảo ấy, định-tâm theo dõi mỗi ân-đức Pháp-bảo như vậy hằng trăm lần, hằng ngàn lần, ... trong suốt thời gian thực hành niệm-niệm 6 ân-đức Pháp-bảo, để làm tăng trưởng đức-tin trong sạch nơi Đức-Pháp-bảo.

- Cách thứ nhì (đặc biệt): Niệm một ân-đức Pháp-bảo.

Hành-giả có thể chọn một ân-đức Pháp-bảo nào trong 6 ân-đức Pháp-bảo làm đối-tượng, để thực hành niệm- niệm ân-đức Pháp-bảo ấy, nên hiểu rõ ý nghĩa và chi- pháp của ân-đức Pháp-bảo ấy, luôn luôn định-tâm nơi ân-đức Pháp-bảo ấy.

Ví dụ: Niệm-niệm ân-đức Pháp-bảo thứ nhất rằng: Svākkhāto dhammo, ... Svākkhāto dhammo, ... làm đối- tượng thiền-định.
Hoặc: Niệm-niệm ân-đức Pháp-bảo thứ nhì rằng: Sandiṭṭhiko dhammo, ... Sandiṭṭhiko dhammo, ... làm đối- tượng-thiền-định.

Hành-giả thực hành niệm câu ân-đức Pháp-bảo ấy, đồng thời hiểu rõ ý nghĩa và chi-pháp của ân-đức Pháp- bảo ấy, định-tâm theo dõi ân-đức Pháp-bảo ấy hằng trăm lần, hằng ngàn lần, ... trong suốt thời gian thực hành niệm-niệm ân-đức Pháp-bảo, để làm tăng trưởng đức-tin trong sạch nơi Đức-Pháp-bảo.
Đề-mục niệm-niệm 6 ân-đức Pháp-bảo là một đề-mục thiền-định dễ làm cho phát sinh đức-tin nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, mà đức- tin là nền tảng cho mọi thiện-pháp từ dục-giới thiện- pháp, sắc-giới thiện-pháp, vô-sắc-giới thiện-pháp cho đến siêu-tam-giới thiện-pháp.
Đề-mục niệm-niệm 6 ân-đức Pháp-bảo là đề-mục thiền- định vô cùng vi-tế, vô cùng sâu sắc, rộng lớn mênh mông bao la, vô lượng vô biên. Vì vậy, định-tâm không thể an- định vào một pháp nào nhất định làm đối-tượng được. Đề- mục niệm-niệm 6 ân-đức Pháp-bảo này chỉ có khả năng đạt đến cận-định (upacārasamādhi) mà thôi, không có khả năng chứng đạt đến an-định (appanāsamādhi), nên không thể chứng đắc bậc thiền sắc-giới nào. Cho nên, tâm cận-định vẫn còn là dục-giới thiện-tâm.

Quả báu trong kiếp hiện-tại


Hành-giả thực hành pháp-hành-thiền-định với đề-mục niệm-niệm 6 ân-đức Pháp-bảo tạo dục-giới thiện- nghiệp rất đặc biệt: do năng lực của dục-giới thiện-nghiệp này, trong kiếp hiện-tại hành-giả có thân tâm thường được an-lạc, tránh khỏi điều rủi ro tai hại một cách phi thường, được nhiều người kính mến, chư-thiên kính mến và hộ trì hành-giả.

Quả báu trong những kiếp vị-lai

Dục-giới thiện-nghiệp do hành-giả thực hành thiền-định với đề-mục niệm-niệm 6 ân-đức Pháp-bảo này có phần vững chắc hơn là dục-giới thiện-nghiệp được tạo do bố-thí, giữ-giới, v.v…
Cho nên, hành-giả khi gần chết, tâm không mê muội, tâm bình tĩnh sáng suốt. Vì vậy, sau khi hành-giả chết, nếu dục-giới thiện-nghiệp này có cơ hội cho quả tái-sinh làm người thì sẽ là người có trí-tuệ thuộc “hạng người tam-nhân”, hoặc tái-sinh hóa-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ có trí-tuệ ở 1 trong 6 cõi trời dục-giới, vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ ấy ở cõi trời nào cũng có nhiều oai lực, có hào quang sáng ngời đặc biệt.
* Tuy nhiên, đề-mục niệm-niệm 6 ân-đức Pháp-bảo không chỉ là đối-tượng của pháp-hành thiền-định có khả năng đạt đến cận-định (upacārasamādhi), mà tâm cận- định còn là đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến sự nhàm chán trong ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp tsm- giới, diệt tận tham-ái, phiền-não, chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn được nữa. Như Đức-Phật dạy:
- Này chư tỳ-khưu! Có một pháp-hành mà hành-giả đã thực hành, đã hành thuần thục, chắc chắn dẫn đến phát sinh sự nhàm chán trong ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh- pháp tam-giới; để diệt tận tham-ái, sân hận, si mê; để làm vắng lặng mọi phiền-não, phát sinh trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung (trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã) của sắc-pháp, danh- pháp tam-giới; dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn.
Pháp-hành ấy là pháp-hành nào?
- Pháp-hành ấy là Dhammānussati: Pháp-hành niệm- niệm 6 ân-đức Pháp-bảo.
- Này chư tỳ-khưu! Pháp-hành niệm-niệm 6 ân-đức Pháp-bảo mà hành-giả đã thực hành, đã hành thuần thục, chắc chắn dẫn đến phát sinh sự nhàm chán trong ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp tam-giới; để diệt tận tham-ái, sân hận, si mê; để làm vắng lặng mọi phiền- não, phát sinh trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung (trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã) của sắc-pháp, danh-pháp tam- giới; dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn.” (6)

Qua lời giáo huấn trên của Đức-Phật, thì đề-mục niệm-niệm 6 ân-đức Pháp-bảo, không chỉ là đề-mục thiền-định, mà còn làm nền tảng để thực hành pháp- hành thiền-tuệ nữa. Cho nên, đề-mục niệm-niệm 6 ân- đức Pháp-bảo có 2 giai đoạn:
- Giai đoạn đầu: Đề-mục niệm-niệm 6 ân-đức Pháp-bảo là đối-tượng của pháp-hành thiền-định mà hành-giả thực hành niệm-niệm 6 ân-đức Pháp-bảo có khả năng dẫn đến cận-định (upacārasamādhi) (phương pháp đã trình bày).
- Giai đoạn sau: Sau khi hành-giả đã thực hành đề- mục niệm-niệm 6 ân-đức Pháp-bảo, đã đạt đến cận-định, nếu hành-giả tiếp tục thực hành pháp-hành thiền-tuệ, thì phải có ngũ-uẩn hoặc sắc-pháp, danh-pháp tam-giới, làm đối-tượng thiền-tuệ.

Pháp-Hành Thiền-Tuệ

Hành-giả thực hành pháp-hành thiền-tuệ cần phải có đối-tượng thân, thọ, tâm, pháp trong pháp-hành tứ niệm-xứ (thân niệm-xứ, thọ niệm-xứ, tâm niệm-xứ, pháp niệm-xứ), hoặc sắc-pháp, danh-pháp tam-giới, đều thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) làm đối-tượng thiền-tuệ.
Tâm cận-định trong đề-mục niệm-niệm 6 ân-Đức Pháp-bảo làm nền tảng, làm đối-tượng, để thực hành pháp-hành thiền-tuệ như thế nào?

Đúng theo thật-tánh của chân-nghĩa-pháp thì không có hành-giả thực hành niệm-niệm 6 ân-Đức Pháp-bảo mà chỉ có đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ làm phận sự thực hành niệm-niệm 6 ân-đức Pháp-bảo đạt đến cận- định mà thôi.

* Phân tích theo ngũ-uẩn

- Tâm cận-định này là dục-giới thiện-tâm hợp với trí-tuệ, thuộc về thức-uẩn.
- Thọ tâm-sở đồng sinh với dục-giới thiện-tâm ấy, thuộc về thọ-uẩn.
- Tưởng tâm-sở đồng sinh với dục-giới thiện-tâm ấy, thuộc về tưởng-uẩn.
- Các tâm-sở còn lại đồng sinh với dục-giới thiện-tâm ấy, thuộc về hành-uẩn.
- Hadayavatthurūpa: Sắc-pháp là nơi nương nhờ của dục-giới thiện-tâm ấy, thuộc về sắc uẩn.
Ngũ-uẩn này, thuộc về phần pháp niệm-xứ trong pháp-hành tứ niệm-xứ.
Như vậy, ngũ-uẩn này là 1 trong 5 đối-tượng trong phần pháp niệm-xứ của pháp-hành tứ niệm-xứ, hoặc ngũ-uẩn, hoặc sắc-pháp, danh-pháp tam-giới này cũng là đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ.

* Phân tích theo danh-pháp, sắc-pháp

- Tâm cận-định
này thuộc về phần tâm niệm-xứ trong pháp-hành tứ niệm-xứ, và tâm cận-định là 1 trong 16 loại tâm trong phần tâm niệm-xứ của pháp-hành tứ niệm-xứ.
Tâm cận-định này là dục-giới thiện-tâm hợp với trí- tuệ thuộc về danh-pháp cũng là đối-tượng của pháp- hành thiền-tuệ.
- Tâm cận-định này nương nhờ nơi hadayavatthu- rūpa thuộc về sắc-pháp cũng là đối-tượng của pháp- hành thiền-tuệ.
Như vậy, tâm cận-định này là 1 trong 16 loại tâm trong phần tâm niệm-xứ, hoặc tâm cận-định này là dục- giới thiện-tâm hợp với trí-tuệ thuộc về danh-pháp là đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ.

Hành-giả thực hành pháp-hành thiền-tuệ, có chánh- niệm, có trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của danh-pháp tam-giới, sắc-pháp; thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của ngũ-uẩn hoặc danh-pháp tam-giới, sắc-pháp; thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung (trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã) của ngũ-uẩn, hoặc danh-pháp tam-giới, sắc-pháp; dẫn đến chứng ngộ chân- lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận mọi phiền-não, mọi tham-ái, mọi ác- pháp, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.
Cho nên, tâm cận-định trong đề-mục niệm-niệm 6 ân- đức Pháp-bảo làm nền tảng, làm đối-tượng thiền-tuệ, để thực hành pháp-hành thiền-tuệ như Đức-Phật dạy:
- Này chư tỳ-khưu! Pháp-hành niệm-niệm 6 ân-đức Pháp-bảo mà hành-giả đã thực hành, đã hành thuần thục, chắc chắn dẫn đến phát sinh sự nhàm chán trong ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp tam-giới; để diệt tận tham-ái, sân hận, si mê; để làm vắng lặng mọi phiền-não, phát sinh trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái- chung (trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã) của sắc-pháp, danh-pháp tam-giới; dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh- đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn.”

Quả báu đặc biệt niệm-niệm 6 Ân-đức Pháp-bảo

Hành-giả thực hành niệm-niệm 6 ân-đức Pháp-bảo, trong kiếp hiện-tại, nếu chưa chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả nào, chưa trở thành bậc Thánh-nhân thì hành-giả sẽ được hưởng những quả báu đặc biệt ngay trong kiếp hiện-tại và nhiều kiếp vị-lai như sau:
- Được phần đông chúng-sinh kính trọng.
- Có đại-thiện-tâm trong sạch thanh-tịnh.
- Khi sắp chết, tâm bình tĩnh sáng suốt, không mê muội.
- Sau khi chết, đại-thiện-nghiệp này cho quả tái-sinh làm người cao quý hoặc chư-thiên cao quý.
- Tái-sinh kiếp nào cũng thuộc hàng chúng-sinh cao quý.
- Có sắc thân xinh đẹp đáng ngưỡng mộ.
- Các bộ phận trong thân thể đều xinh đẹp đáng quý.
- Thân có mùi thơm tỏa ra.
- Miệng có mùi thơm tỏa ra.
- Có trí-tuệ nhiều.
- Có trí-tuệ sâu sắc.
- Có trí-tuệ sắc bén.
- Có trí-tuệ nhanh nhẹn.
- Có trí-tuệ phong phú.
- Có trí-tuệ phi thường.
- Nói lời hay có lợi ích, …
- Kiếp vị-lai có duyên lành gặp Đức-Phật, lắng nghe chánh-pháp dễ dàng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn, ...


Đó là những quả báu phát sinh từ thực hành đề-mục niệm-niệm 6 ân-đức Pháp-bảo.

Nhận xét về đề-mục niệm-niệm 6 Ân-đức Pháp-bảo


Đề-mục niệm-niệm 6 ân-đức Pháp-bảo là một đề-mục thiền-định chỉ có trong Phật-giáo mà thôi, hoàn toàn không có ngoài Phật-giáo. Hành-giả thực hành đề-mục niệm-niệm 6 ân-đức Pháp-bảo này dễ phát sinh đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật-bảo, nơi Đức-Pháp-bảo, nơi Đức-Tăng-bảo.
Đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo có tầm quan trọng làm nền tảng cho tất cả mọi thiện-pháp được phát triển từ dục-giới thiện-pháp, sắc-giới thiện-pháp, vô-sắc-giới thiện-pháp cho đến Siêu-tam-giới thiện-pháp đó là 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn.

(Xong phần 6 Ân-đức Pháp-bảo)


(1) Saṃyuttanikāya, Sagāthavagga, kinh Dhajaggasutta.
(2) 11 thứ lửa: Lửa tham, lửa sân, lửa si, lửa sinh, lửa già, lửa chết, lửa sầu não, lửa than khóc, lửa khổ thân, lửa khổ tâm, lửa thống khổ cùng cực.
(3) Aṅguttaranikāya, phần Tikanipāta, kinh Brahmaṇasutta.
(4) Aṅguttaranikāya, phần Tikanipāta, kinh Nibbutasutta.
(5) Samyuttanikāya, Sagāthavagga, kinh Dhajaggasutta.
(6) Aṅguttaranikāya, phần Ekadhammapāḷi.


Mục lục quyển 2 | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07


Mục lục chính | Quyển 1 | Quyển 2 | Quyển 3 | Quyển 4 | Quyển 5 | Quyển 6 | Quyển 7 | Quyển 8 | Quyển 9 | Quyển 10


[Đầu trang][Mục lục tổng quát]