NỀN TẢNG PHẬT GIÁO
(MŪLABUDDHASĀSANA)

QUYỂN V

PHƯỚC THIỆN
(PUÑÑA-KUSALA)


III- PHƯỚC-THIỆN HÀNH-THIỀN (Bhāvanākusala)

Bhāvanākusala: Phước-thiện hành-thiền

- Định nghĩa Bhāvanā:

“Kusaladhamme bhāveti uppādeti vaḍḍhatī’ti bhāvanā”.

Trạng-thái nào làm cho thiện-pháp bậc cao phát sinh lên đầu tiên, rồi làm cho thiện-pháp ấy phát triển, trạng-thái ấy gọi là bhāvanākusala: phước-thiện hành-thiền.

- Định nghĩa bhāvanā có 2 giai đoạn:

1- Giai đoạn đầu: Kusaladhamme bhāveti uppādeti:

Trạng-thái làm cho thiện-pháp bậc cao phát sinh lên đầu tiên.

2- Giai đoạn sau: Kusaladhamme bhāveti vaḍḍhati:

Trạng-thái làm cho thiện-pháp bậc cao phát triển, và tăng trưởng lên.

Bhāvanā có 2 loại:

1-Samathabhāvanā: Pháp-hành thiền-định.

2-Vipassanābhāvanā: Pháp-hành thiền-tuệ.

* Thế nào gọi là pháp-hành thiền-định?

Pháp-hành thiền-định là pháp-hành có định-tâm đồng sinh với thiện-tâm an trú trong một đề-mục thiền-định duy nhất (thuộc về đối-tượng chế-định-pháp (paññatti-dhamma)), ban đầu chế-ngự được phiền-não là 5 pháp-chướng-ngại (nivaraṇa) bằng 5 chi-thiền, dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm và tiếp theo chứng đắc 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm.

Định-tâm an trú trong bậc thiền, hưởng sự an-lạc trong bậc thiền ấy.

Như vậy, gọi là pháp-hành thiền-định.

* Thế nào gọi là pháp-hành thiền-tuệ?

Pháp-hành thiền-tuệ là pháp-hành làm phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp, danh-pháp tam-giới (thuộc về chân-nghĩa-pháp ‘para-matthadhamma’), trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, danh-pháp tam-giới, nên thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận mọi phiền-não, mọi tham-ái, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.

Như vậy, gọi là pháp-hành thiền-tuệ.

* Thực-hành pháp-hành thiền-định như thế nào?

Muốn thực-hành pháp-hành thiền-định, hành-giả cần phải học hỏi hiểu biết rõ 40 đề-mục thiền-định, rồi chọn một đề-mục thiền-định thích hợp với bản tính riêng của mình, làm đối tượng để thực-hành pháp-hành thiền-định, với đề-mục thiền-định ấy, cho được thuận lợi dễ phát triển thiền-định.

Đề-mục thiền-định

Thiền-định gồm có 40 đề-mục:

- 10 đề-mục hình tròn (kasiṇa).

- 10 đề-mục tử thi (asubha).

- 10 đề-mục niệm-niệm (anussati).

- 4 đề-mục tứ vô-lượng-tâm (appamaññā).

- 1 đề-mục vật thực đáng gớm (āhāre paṭikkūlasaññā).

- 1 đề-mục phân tích tứ đại (catudhātuvavatthāna).

- 4 đề-mục vô-sắc-giới (āruppa).

(Nên xem bộ “Nền-Tảng-Phật-Giáo”, quyển IX “Pháp-Hành Thiền-Định”, cùng soạn giả.)

Sau khi chọn một đề-mục nào phù hợp với bản tính của mình xong, hành-giả nên tìm đến Ngài Trưởng-Lão thiền-sư uyên thâm về pháp-học Phật-Giáo, đầy đủ kinh nghiệm về pháp-hành Phật-Giáo nhất là pháp-hành thiền-định, để nương nhờ học hỏi phương pháp thực-hành pháp-hành thiền-định về đề-mục thiền-định ấy.

Trong 40 đề-mục thiền-định làm đối tượng của pháp-hành thiền-định, mỗi đề-mục thiền-định có tính chất khả năng khác nhau như sau:

* 10 đề-mục thiền-định đạt đến cận-định (Upacārasamādhi)

- Trong 40 đề-mục thiền-định đều đạt đến cận-định (upacārasamādhi) cả thảy, nhưng có 10 đề-mục thiền-định chỉ đạt đến upacārasamādhi: cận-định mà thôi, không thể dẫn đạt đến appanāsamādhi: an-định, nên không thể chứng đắc bậc thiền nào cả.

10 đề-mục thiền-định ấy là:

1- Đề-mục niệm-niệm 9 Ân-Đức-Phật (Buddhānussati).

2- Đề-mục niệm-niệm 6 Ân-Đức-Pháp (Dhammānussati).

3- Đề-mục niệm-niệm 9 Ân-Đức-Tăng (Saṃghānussati).

4- Đề-mục niệm-niệm về giới trong sạch của mình (Sīlānussati).

5- Đề-mục niệm-niệm về sự bố-thí của mình (Cāgānussati).

6- Đề-mục niệm-niệm về 5 pháp Chư-thiên có nơi mình (Devatānussati).

7- Đề-mục niệm-niệm về trạng-thái tịch tịnh an-lạc Niết-bàn (Upasamānussati).

8- Đề-mục niệm-niệm về sự chết (Maraṇānussati).

9- Đề-mục vật thực đáng ghê tởm (Āhārepaṭikkūlasaññā).

10- Đề-mục phân tích tứ-đại (catudhātuvavatthāna).

Bởi vì 10 đề-mục thiền-định này là những đề-mục thiền-định vô cùng vi-tế, vô cùng sâu sắc, rộng lớn mênh mông bao la, nên định-tâm không thể an trú trong một đối-tượng nào nhất định, cho nên, 10 đề-mục thiền-định này chỉ có khả năng đạt đến upcārasamādhi: tâm cận-định mà thôi.

Tâm cận-định này còn thuộc về dục-giới thiện-tâm.

30 đề-mục thiền-định chứng đắc bậc thiền

* 30 đề-mục thiền-định còn lại là:

-10 đề-mục thiền-định (kasiṇa).

- 10 đề-mục thiền-định tử-thi (asubha).

- 1 đề-mục thiền-định niệm 32 thể trọc trong thân (kāyagatāsati).

- 1 đề-mục thiền-định hơi thở vào, hơi thở ra (ānāpānassati).

- 4 đề-mục thiền-định tứ vô-lượng-tâm (appamaññā).

- 4 đề-mục thiền-định vô-sắc (āruppa).

Như vậy, 30 đề-mục thiền-định này đều có khả năng tiến hành đạt đến apanāsamādhi: an-định, nên dẫn đến chứng đắc bậc thiền sắc-giới thiện-tâm hoặc bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm.

Hành-giả chứng đắc bậc thiền sắc-giới thiện-tâm nào hoặc bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm nào, tùy theo mỗi đề-mục thiền-định ấy.

Đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm

Trong 30 đề-mục thiền-định ấy, có 11 đề-mục thiền-định chỉ có khả năng dẫn đến chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm mà thôi, đó là:

-10 đề-mục thiền-định tử-thi (asubha).

- 1 đề-mục niệm 32 thể trọc (trược) trong thân (kāyagatāsati).

11 đề-mục thiền-định này chỉ có khả năng dẫn đến chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm mà thôi.

Nếu hành-giả chọn 1 trong 11 đề-mục thiền-định này làm đối-tượng để thực-hành pháp-hành thiền-định thì đề-mục thiền-định ấy chỉ có khả năng dẫn đến chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm mà thôi, bởi vì 11 đề-mục thiền-định này là đối-tượng thô, nên luôn luôn cần phải nương nhờ chi-thiền hướng-tâm (vitakka) đến đề-mục thiền-định ấy mới có thể dẫn đến chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm được.

Nếu hành-giả muốn chứng đắc đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm, v.v… bậc cao, thì hành-giả cần phải thay đổi sang đề-mục thiền-định khác.

4 bậc thiền sắc-giới bậc thấp

Trong 19 đề-mục thiền-định còn lại, có 3 đề-mục thiền-định chỉ có khả năng dẫn đến chứng đắc từ đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm cho đến đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm mà thôi, đó là:

- Đề-mục niệm rải tâm từ (mettā).

- Đề-mục niệm rải tâm bi (karuṇā).

- Đề-mục niệm rải tâm hỷ (muditā).

3 đề-mục thiền-định này chỉ có khả năng dẫn đến chứng đắc từ đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm cho đến đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm mà thôi.

Nếu hành-giả chọn 1 trong 3 đề-mục-thiền định vô-lượng-tâm này làm đối-tượng để thực-hành pháp-hành thiền-định thì đề-mục thiền-định vô-lượng-tâm này chỉ có khả năng dẫn đến chứng đắc từ đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm cho đến đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm mà thôi, không thể chứng đắc đến đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm được, bởi vì 3 đề-mục thiền-định vô-lượng-tâm này luôn luôn cần phải có chi-thiền lạc (sukha), mà đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm cần phải có chi-thiền xả (upekkhā) thay thế cho chi-thiền lạc.

Cho nên, muốn chứng đắc đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm, hành-giả cần phải thay đổi sang đề-mục niệm rải tâm xả (upekkhā) đến chúng-sinh vô lượng mà thôi, không thể có đề-mục thiền-định nào khác.

Đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm

-Đề-mục thiền-định niệm rải tâm xả (upekkhā) đến chúng-sinh vô lượng majjhattasattapaññatti không thương không ghét này chỉ có khả năng chứng đắc đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm mà thôi, nên hành-giả không thể sử dụng đề-mục thiền-định này khi bắt đầu thực-hành, mà chỉ sử dụng sau khi hành-giả đã chứng đắc đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm của 1 trong 3 đề-mục thiền-định là đề-mục niệm rải tâm từ (mettā) hoặc đề-mục niệm rải tâm bi (karuṇā) hoặc đề-mục niệm rải tâm hỷ (muditā) đến chúng-sinh vô lượng mà thôi, bởi vì 4 đề-mục thiền-định tứ vô-lượng-tâm này cùng có đối-tượng chúng-sinh chế-định (sattapaññatti) giống nhau, chỉ có khác tính chất mỗi loại chúng-sinh mà thôi.

5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm

* 11 đề-mục thiền-định là:

-10 đề-mục thiền-định (kasiṇa).

- Đề-mục thiền-định hơi thở vào -hơi thở ra (ānāpānassati).

11 đề-mục thiền-định này có khả năng dẫn đến chứng

đắc đầy đủ 5 bậc thiền sắc-giới-thiện-tâm.

Nếu hành-giả chọn 1 trong 11 đề-mục thiền-định này làm đối-tượng để thực-hành pháp-hành thiền-định thì mỗi đề-mục thiền-định ấy đều có khả năng dẫn đến chứng đắc từ đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm cho đến đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm mà không cần phải thay đổi sang đề-mục thiền-định khác.

4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm

Sau khi đã chứng đắc đầy đủ 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, hành-giả muốn tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-định, để chứng đắc 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm.

Mỗi đề-mục thiền-định vô-sắc chỉ có khả năng chứng đắc mỗi bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm riêng biệt mà thôi như sau:

1- Đề-mục thiền-định vô-sắc thứ nhất là đề-mục ākāsapaññatti chỉ dẫn đến chứng đắc đệ nhất thiền vô-sắc-giới thiện-tâm gọi là ākāsānañcāyatanakusalacitta: không-vô-biên-xứ thiện-tâm mà thôi.

2- Đề-mục thiền-định vô-sắc thứ nhì là đề-mục ākāsānañcāyatanakusalacitta chỉ dẫn đến chứng đắc đệ nhị thiền vô-sắc-giới thiện-tâm gọi là viññāṇañcāyatana-kusalacitta: thức-vô-biên-xứ thiện-tâm mà thôi.

3- Đề-mục thiền-định vô-sắc thứ ba là đề-mục natthibhāvapaññatti chỉ dẫn đến chứng đắc đệ tam thiền vô-sắc-giới thiện-tâm gọi là ākiñcaññāyatanakusala-citta: vô-sở-hữu-xứ thiện-tâm mà thôi.

4- Đề-mục thiền-định vô-sắc thứ tư là đề-mục ākiñcaññāyatanakusalacitta chỉ dẫn đến chứng đắc đệ tứ thiền vô-sắc-giới thiện-tâm gọi là nevasaññānāsaññā-yatanakusalacitta: phi-tưởng phi-phi-tưởng-xứ thiện-tâm mà thôi.

Đó là 4 đề-mục thiền-định vô-sắc mà mỗi đề-mục riêng biệt làm đối-tượng có khả năng dẫn đến chứng đắc mỗi bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm riêng biệt.

Như vậy, pháp-hành thiền-định có 40 đề-mục thiền-

định chia ra làm 3 loại:

1- Đề-mục thiền-định dẫn đến cận-định (upacāra-samādhi) có 10 đề-mục, vẫn còn dục-giới thiện-tâm.

2- Đề-mục thiền-định dẫn đến an-định (appanā-samādhi) có 26 đề-mục, chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm.

3- Đề-mục thiền-định vô-sắc dẫn đến an-định (appanāsamādhi) có 4 đề-mục vô-sắc mà mỗi đề-mục thiền-định vô-sắc chỉ dẫn đến chứng đắc mỗi bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm riêng biệt mà thôi.

* Sắc-giới thiện-tâm có 5 bậc thiền

Đối với hành-giả thuộc hạng người mandapuggala hành-giả có trí-tuệ chậm thực-hành pháp-hành thiền-định có khả năng chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm theo tuần tự như sau:

1- Đệ nhất thiền sắc-giới-tâm có 5 chi-thiền là vitakka (hướng-tâm), vicāra (quan-sát), pīti (hỷ), sukha (lạc), ekaggatā (nhất-tâm) do chế ngự đè nén được 5 pháp-chướng-ngại (nivāraṇa) là tham-dục (kāmacchanda), sân-hận (byāpada), buồn-chán -buồn-ngủ (thīna-middha), phóng-tâm -hối-hận (uddhacca-kukkucca), hoài-nghi (vicikicchā).

Mỗi chi-thiền có khả năng chế ngự được mỗi pháp-chướng-ngại như sau:

- Hướng-tâm chế ngự được buồn-chán -buồn-ngủ.

- Quan-sát chế ngự được hoài-nghi.

- Hỷ chế ngự được sân-hận.

- Lạc chế ngự được phóng-tâm -hối-hận.

- Nhất-tâm chế ngự được tham-dục.

2- Đệ nhị thiền sắc-giới-tâm có 4 chi-thiền là vicāra (quan-sát), pīti (hỷ), sukha (lạc), ekaggatā (nhất-tâm) do chế ngự được chi-thiền vitakka (hướng-tâm), bởi vì chi-thiền này có trạng-thái thô.

3- Đệ tam thiền sắc-giới-tâm có 3 chi-thiền là pīti (hỷ), sukha (lạc), ekaggatā (nhất-tâm) do chế ngự được chi-thiền vicāra (quan-sát), bởi vì chi-thiền này có trạng-thái thô.

4- Đệ tứ thiền sắc-giới-tâm có 2 chi-thiền là sukha (lạc), ekaggatā (nhất-tâm) do chế ngự được chi-thiền pīti (hỷ), bởi vì chi-thiền này có trạng-thái thô.

5- Đệ ngũ thiền sắc-giới-tâm có 2 chi-thiền là upekkhā (xả), ekaggatā (nhất-tâm) do chế ngự bằng cách thay thế được chi-thiền sukha (lạc), bởi vì chi-thiền này có trạng-thái thô.

* Sắc-giới thiện-tâm có 4 bậc thiền

Đối với hành-giả thuộc hạng người tikkhapuggala hành-giả có trí-tuệ sắc bén nhanh nhạy thực-hành pháp-hành thiền-định có khả năng suy xét thấy rõ, biết rõ trạng-thái thô của chi-thiền vitakka (hướng-tâm) và chi-thiền vicāra (quan-sát) cùng một lúc, nên đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm có 3 chi-thiền pīti (hỷ), sukha (lạc), ekaggatā (nhất-tâm). Cho nên, hành-giả thuộc hạng người tikkhapuggala chỉ có 4 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm theo tuần tự như sau:

1- Đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm có 5 chi-thiền là vitakka (hướng-tâm), vicāra (quan-sát), pīti (hỷ), sukha (lạc), ekaggatā (nhất-tâm) do chế ngự đè nén được 5 pháp-chướng-ngại (nivāraṇa) là tham-dục (kāmac-chanda), sân-hận (byāpada), buồn-chán -buồn-ngủ (thina-middha), phóng-tâm -hối-hận (uddhacca-kukkucca), hoài-nghi (vicikicchā).

2- Đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm có 3 chi-thiền là pīti (hỷ), sukha (lạc), ekaggatā (nhất-tâm) do chế ngự được 2 chi-thiền là chi-thiền vitakka (hướng-tâm) và chi-thiền vicāra (quan-sát) cùng một lúc, bởi vì 2 chi-thiền này có trạng-thái thô.

3- Đệ tam thiền sắc-giới thiện-tâm có 2 chi-thiền là sukha (lạc), ekaggatā (nhất-tâm) do chế ngự được chi-thiền pīti (hỷ), bởi vì chi-thiền này có trạng-thái thô.

4- Đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm có 2 chi-thiền là upekkhā (xả), ekaggatā (nhất-tâm) do chế ngự bằng cách thay thế được chi-thiền sukha (lạc), bởi vì chi-thiền này có trạng-thái thô.

Vô-sắc-giới thiện-tâm có 4 bậc thiền

Đề-mục thiền-định vô-sắc có 4 đề-mục mà mỗi đề-mục chỉ có thể dẫn đến chứng đắc mỗi bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm riêng biệt mà thôi như sau:

1- Đệ nhất thiền vô-sắc-giới thiện-tâm gọi là “không-vô-biên-xứ thiện-tâm” có 2 chi-thiền là upekkhā (xả), ekaggatā (nhất-tâm).

2- Đệ nhị thiền vô-sắc-giới thiện-tâm gọi là “thức-vô-biên-xứ thiện-tâm” có 2 chi-thiền là upekkhā (xả), ekaggatā (nhất-tâm).

3- Đệ tam thiền vô-sắc-giới thiện-tâm gọi là “vô-sở-hữu-xứ thiện-tâm” có 2 chi-thiền là upekkhā (xả), ekaggatā (nhất-tâm).

4- Đệ tứ thiền vô-sắc-giới thiện-tâm gọi là “phi-tưởng phi-phi-tưởng-xứ thiện-tâm” có 2 chi-thiền là upekkhā (xả), ekaggatā (nhất-tâm).

Như vậy, mỗi bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm đều có 2 chi-thiền giống nhau upekkhā (xả), ekaggatā (nhất-tâm), nhưng mỗi bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm có mỗi đối-tượng thiền-định vô-sắc riêng biệt khác nhau, vô-sắc-giới thiện-tâm bậc cao vi tế hơn vô-sắc-giới thiện-tâm bậc thấp.

Để tìm hiểu phương pháp thực-hành pháp-hành thiền-định để chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm và 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm, hành-giả nên xem bộ Nền-Tảng-Phật-Giáo, quyển IX “Pháp-Hành Thiền-Định” cùng soạn giả.

* Phước-thiện hành-thiền (Bhāvanākusala) phần pháp-hành thiền-định trong 10 phước-thiện này chỉ có giới hạn trong dục-giới thiện-tâm mà thôi.

Cho nên, hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định có khả năng đạt đến cận-định (upacārasamādhi) và an-định (appanāsamādhi) chứng đắc các bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, vô-sắc-giới thiện-tâm nhưng phước-thiện hành thiền chỉ kể đến cận-định (upacārasamādhi) thôi, bởi vì tâm cận-định này vẫn còn thuộc về dục-giới thiện-tâm.

* Thực-hành pháp-hành thiền-tuệ như thế nào?

Hành-giả muốn thực-hành pháp-hành thiền-tuệ cần phải hiểu biết rõ các đối-tượng thiền-tuệ thuộc chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma), đó là thân, thọ, tâm, pháp trong Kinh Tứ-Niệm-Xứ, hoặc sắc-pháp, danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma).

Đối-tượng tứ niệm-xứ

1- Thân niệm-xứ gồm có 14 phần (pabba).

2- Thọ niệm-xứ có 1 đối-tượng chia ra làm 9 loại thọ.

3- Tâm niệm-xứ có 1 đối-tượng chia ra làm 16 loại tâm.

4- Pháp niệm-xứ gồm có 5 phần (pabba).

Như vậy, đối-tượng tứ niệm-xứ gồm có 21 đối-tượng.

1-Thân niệm-xứ gồm có 14 phần (pabba).

1- Niệm hơi thở vào, hơi thở ra.

2- Niệm tứ oai-nghi: đi, đứng, ngồi, nằm.

3- Niệm các oai-nghi-phụ: đi tới trước, đi lui sau, quay bên phải, quay bên trái, co tay vào, co chân vào, duỗi tay ra, duỗi chân ra,…

4- Niệm 32 thể trọc (trược) trong thân: tóc, lông, móng, răng, da,…

5- Niệm tứ đại: địa đại (đất), thuỷ đại (nước), hoả đại (lửa), phong đại (gió).

6- Niệm tưởng thân của mình như tử thi bỏ nghĩa địa đã trải qua 1-2-3 ngày.

7- Niệm tưởng thân của mình như tử thi bỏ nghĩa địa, bị quạ, diều, chó rừng,… cắn xé ăn thịt.

8- Niệm tưởng thân của mình như tử thi bỏ nghĩa địa, chỉ còn bộ xương dính máu và thịt, có gân ràng rịt.

9- Niệm tưởng thân của mình như tử thi bỏ nghĩa địa, chỉ còn bộ xương dính máu, thịt rã rời.

10- Niệm tưởng thân của mình như tử thi bỏ nghĩa địa, chỉ còn bộ xương khô, không còn máu và thịt nữa.

11- Niệm tưởng thân của mình như tử thi bỏ nghĩa địa, chỉ còn bộ xương rã rời, rải rác mọi nơi.

12- Niệm tưởng thân của mình như tử thi bỏ nghĩa địa, chỉ còn bộ xương màu trắng.

13- Niệm tưởng thân của mình như tử thi bỏ nghĩa địa, chỉ còn đống xương trắng.

14- Niệm tưởng thân của mình như tử thi bỏ nghĩa địa, chỉ còn bột xương trắng.

14 phần (pabba) của thân niệm-xứ thuộc về sắc-pháp.

2-Thọ niệm-xứ có 1 đối-tượng chia ra làm 9 loại thọ:

1- Sukhavedanā: Thọ lạc.

2- Dukkhavedanā: Thọ khổ.

3- Adukkhamasukhavedanā: Thọ không khổ không lạc.

4- Sāmisasukhavedanā: Thọ lạc nương nhờ ngũ-dục.[1]

5- Nirāmisasukhavedanā: Thọ lạc không nương nhờ ngũ-dục.

6-Sāmisadukkhavedanā: Thọ khổ nương nhờ ngũ-dục.

7-Nirāmisadukkhavedanā: Thọ khổ không nương nhờ ngũ-dục.

8- Sāmisa adukkhamasukhavedanā: Thọ không khổ không lạc nương nhờ ngũ-dục.

9- Nirāmisa adukkhamasukhavedanā: Thọ không khổ không lạc, không nương nhờ ngũ-dục.

1 đối-tượng của thọ niệm-xứ chia ra làm 9 loại thọ thuộc về danh-pháp.

3-Tâm niệm-xứ có 1 đối-tượng chia ra làm 16 loại tâm.

1- Sarāgacitta: Tâm có tham đó là tham tâm-sở đồng sinh với 8 tham-tâm.

2- Vītarāgacitta: Tâm không có tham đó là các tam-giới thiện-tâm và các phi-thiện-ác-tâm (abyākatacitta)(1).

3- Sadosacitta: Tâm có sân đó là sân-tâm-sở đồng sinh với 2 sân-tâm.

4- Vītadosacitta: Tâm không có sân đó là các tam-giới thiện-tâm và các phi-thiện-ác-tâm (abyākatacitta).

5- Samohacitta: Tâm có si đó là si tâm-sở đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm.

6- Vītamohacitta: Tâm không có si đó là các tam-giới thiện-tâm và các phi-thiện-ác-tâm (abyākatacitta).

7- Saṃkhittacitta: Tâm buồn ngủ đó là buồn-ngủ tâm-sở đồng sinh với 4 tham-tâm 1 sân-tâm cần tác động, có 5 tâm.

8- Vikkhittacitta: Tâm phóng tâm đó là phóng-tâm tâm-sở đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm.

9- Mahaggatacitta: Tâm cao hơn dục-giới-tâm đó là sắc-giới thiện-tâm và vô-sắc-giới thiện-tâm.

10- Amahaggatacitta: Tâm không cao đó là dục-giới-tâm. 11-Sa uttaracitta: Tâm có pháp cao hơn đó là dục- giới-tâm.

12- Anuttaracitta: Tâm không có pháp cao hơn đó là sắc-giới thiện-tâm và vô-sắc-giới thiện-tâm.

13- Samāhitacitta: Tâm có định đó là tâm cận-định, tâm an-định.

14- Asamāhitacitta: Tâm không có định đó là tâm không thực-hành pháp-hành thiền-định.

15- Vimuttacitta: Tâm giải thoát khỏi phiền-não bằng cách diệt-từng-thời (tadaṅgappahāna), diệt-chế-ngự (vikkhambhanappahāna) đó là tam-giới thiện-tâm.

16- Avimuttacitta: Tâm không giải thoát khỏi phiền-não đó là bất-thiện-tâm, tam-giới quả-tâm, phi-thiện-ác-tâm.

1 đối-tượng của tâm niệm-xứ chia ra làm 16 loại tâm thuộc về danh-pháp.

4-Pháp niệm-xứ gồm có 5 phần (pabba)

1-Nivaraṇapabba: Năm pháp-chướng-ngại.

2-Khandhapabba: Ngũ-uẩn-chấp-thủ.

3- Āyatanapabba: Thập-nhị-xứ.

4- Bojjhaṅgapabba: Thất-giác-chi.

5- Saccapabba: Tứ Thánh-đế.

4.1-Nivaraṇapabba: Năm pháp-chướng-ngại

Hành-giả thực-hành pháp-hành-thiền-định ban đầu thường gặp các pháp-chướng-ngại làm cản trở mọi thiện-pháp không phát triển được.

Năm pháp-chướng-ngại (nivaraṇa) là:

1- Kāmacchanda: Tham-dục trong ngũ-dục là pháp-chướng-ngại đó là tham tâm-sở đồng sinh với 8 tham-tâm.

2- Byāpāda: Sân-hận là pháp-chướng-ngại đó là sân tâm-sở đồng sinh với 2 sân-tâm.

3- Thinamiddha: Buồn-chán -buồn-ngủ là pháp-chướng ngại đó là buồn-chán tâm-sở và buồn-ngủ tâm-sở đồng sinh với 4 tham-tâm và 1 sân-tâm cần tác động.

4- Uddhaccakukkucca: Phóng-tâm -hối-hận là pháp-chướng-ngại đó là phóng-tâm tâm-sở đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm hối-hận tâm-sở đồng sinh với 2 sân-tâm.

5- Vicikicchā: Hoài-nghi là pháp-chướng-ngại đó là hoài-nghi tâm-sở đồng sinh với si-tâm hợp với hoài-nghi.

Năm pháp-chướng-ngại của pháp niệm-xứ này thuộc về danh-pháp.

Năm pháp-chướng-ngại này trực tiếp làm chướng ngại đối với hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định, nhưng đối với hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ thì 5 pháp-chướng-ngại này là đối-tượng của pháp-hành tứ niệm-xứ hoặc pháp-hành thiền-tuệ.

* Hành-giả thực-hành pháp-hành tứ niệm-xứ hoặc pháp-hành thiền-tuệ, khi pháp-chướng-ngại nào phát sinh, hành-giả có trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ đối-tượng pháp-chướng-ngại ấy thuộc về danh-pháp sự sinh, sự diệt, nên có 3 trạng-thái-chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của danh-pháp, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh quả và Niết-bàn được.

Cho nên, 5 pháp-chướng-ngại là 1 trong 5 pabba đối-tượng của phần pháp niệm-xứ.

4.2-Khandhapabba: Ngũ-uẩn chấp-thủ

Ngũ-uẩn chấp-thủ (pañcupadānakkhandha) nghĩa là ngũ-uẩn là đối-tượng của 4 pháp-chấp-thủ (tham-dục chấp-thủ, tà-kiến chấp-thủ, pháp-thường-hành chấp-thủ, ngã-kiến chấp-thủ, do tham tâm-sở và tà-kiến tâm-sở).

Ngũ-uẩn chấp-thủ có 5 uẩn là:

1- Sắc-uẩn chấp-thủ đó là 28 sắc-pháp là đối-tượng của pháp-chấp-thủ.

2- Thọ-uẩn chấp-thủ đó là thọ tâm-sở đồng sinh với 81 tam-giới-tâm là đối-tượng của pháp-chấp-thủ.

3- Tưởng-uẩn chấp-thủ đó là tưởng tâm-sở đồng sinh với 81 tam-giới-tâm là đối-tượng của pháp-chấp-thủ.

4- Hành-uẩn chấp-thủ đó là 50 tâm-sở (không có thọ tâm-sở và tưởng tâm-sở) đồng sinh với 81 tam-giới-tâm là đối-tượng của pháp-chấp-thủ.

5- Thức-uẩn chấp-thủ đó là 81 tam-giới-tâm là đối tượng của pháp-chấp-thủ.

Ngũ-uẩn chấp-thủ của pháp niệm-xứ thuộc về sắc-pháp và danh-pháp.

4.3-Āyatanapabba: Thập-nhị-xứ

Thập nhị xứ có 12 xứ chia ra 2 bên:

Bên trong có 6 xứ và bên ngoài có 6 xứ như sau:

* Bên trong có 6 xứ:

1- Cakkhāyatana: Nhãn-xứ đó là nhãn-tịnh-sắc làm duyên cho nhãn-thức-tâm với tâm-sở phát sinh.

2- Sotāyatana: Nhĩ-xứ đó là nhĩ-tịnh-sắc làm duyên cho nhĩ-thức-tâm với tâm-sở phát sinh.

3- Ghānāyatana: Tỷ-xứ đó là tỷ-tịnh-sắc làm duyên cho tỷ-thức-tâm với tâm-sở phát sinh.

4- Jivhāyatana: Thiệt-xứ đó là thiệt-tịnh-sắc làm duyên cho thiệt-thức-tâm với tâm-sở phát sinh.

5- Kayāyatana: Thân-xứ đó là thân tịnh-sắc làm duyên cho thân-thức-tâm với tâm-sở phát sinh.

6- Manāyatana: Ý-xứ đó là tất cả tâm làm duyên cho ý-thức-tâm với tâm-sở phát sinh.

* Bên ngoài có 6 xứ:

1- Rūpāyatana: Sắc-xứ làm đối-tượng cho nhãn-thức-tâm với tâm-sở phát sinh.

2- Saddāyatana: Thanh-xứ làm đối-tượng cho nhĩ-thức-tâm với tâm-sở phát sinh.

3- Gandhāyatana: Hương-xứ làm đối-tượng cho tỷ-thức-tâm với tâm-sở phát sinh.

4- Rasāyatana: Vị-xứ làm đối-tượng cho thiệt-thức-tâm với tâm-sở phát sinh.

5- Phoṭṭhabbāyatana: Xúc-xứ làm đối-tượng cho thân-thức-tâm với tâm-sở phát sinh.

6- Dhammāyatana: Pháp-xứ đó là 52 tâm-sở, 16 sắc-pháp vi-tế, Niết-bàn làm đối-tượng cho các tâm với tâm-sở phát sinh.

Khi 6 xứ bên trong tiếp xúc với 6 xứ bên ngoài, phát sinh 6 lộ-trình-tâm, để tâm với tâm-sở phát sinh:

* Khi nhãn-xứ tiếp xúc với sắc-xứ, nên phát sinh nhãn-môn-lộ-trình-tâm.

* Khi nhĩ-xứ tiếp xúc với thanh-xứ, nên phát sinh nhĩ-môn-lộ-trình-tâm.

* Khi tỷ-xứ tiếp xúc với hương-xứ, nên phát sinh tỷ-môn-lộ-trình-tâm.

* Khi thiệt-xứ tiếp xúc với vị-xứ, nên phát sinh thiệt-môn-lộ-trình-tâm.

* Khi thân-xứ tiếp xúc với xúc-xứ, nên phát sinh thân-môn-lộ-trình-tâm.

* Khi ý-xứ tiếp xúc với pháp-xứ, nên phát sinh ý-môn-lộ-trình-tâm.

Thập-nhị-xứ của phần pháp niệm-xứ thuộc về sắc-pháp và danh-pháp.

4.4-Bojjhaṅgapabba: Thất-giác-chi

Thất-giác-chi có 7 pháp giác-chi, là 7 pháp làm nhân-duyên chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả.

Thất-giác-chi có 7 pháp:

1- Satisambojjhaṅga: Pháp niệm giác-chi làm nhân-duyên chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, có chi-pháp là niệm tâm-sở đồng sinh với 8 đại-thiện-tâm, 8 đại-duy-tác-tâm, 26 tác-hành-thiền-tâm (appanājavanacitta).

2- Dhammavicayasambojjhaṅga: Pháp phân-tích giác-chi làm nhân-duyên chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, có chi-pháp là trí-tuệ tâm-sở đồng sinh với 4 đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ, 4 đại-duy-tác-tâm hợp với trí-tuệ, 26 tác-hành-thiền-tâm.

3- Vīriyasambojjhaṅga: Pháp tinh-tấn giác-chi làm nhân-duyên chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, có chi-pháp là tinh-tấn tâm-sở đồng sinh với 8 đại-thiện-tâm, 8 đại-duy-tác-tâm, 26 tác-hành-thiền-tâm.

4- Pītisambojjhaṅga: Pháp hỷ giác-chi làm nhân-duyên chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, có chi-pháp là hỷ tâm-sở đồng sinh với 4 đại-thiện-tâm đồng sinh với hỷ, 4 đại-duy-tác-tâm đồng sinh với hỷ, 3 sắc-giới-thiện-tâm, 3 sắc-giới-duy-tác-tâm.

5- Passaddhisambojjhaṅga: Pháp an-tịnh giác-chi làm nhân-duyên chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, có chi-pháp là an-tịnh tâm-sở đồng sinh với 8 đại-thiện-tâm, 8 đại-duy-tác-tâm, 26 tác-hành-thiền-tâm.

6- Samādhisambojjhaṅga: Pháp định giác-chi làm nhân-duyên chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, có chi-pháp là nhất-tâm tâm-sở đồng sinh với 8 đại-thiện-tâm, 8 đại-duy-tác-tâm, 26 tác-hành-thiền-tâm.

7- Upekkhāsambojjhaṅga: Pháp xả giác-chi làm nhân-duyên chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, có chi-pháp là trung-dung tâm-sở đồng sinh với 8 đại-thiện-tâm, 8 đại-duy-tác-tâm, 26 tác-hành-thiền-tâm.

Thất-giác-chi của phần pháp niệm-xứ thuộc về danh-pháp.

4.5-Saccapabba: Tứ-đế

Tứ Thánh-đế là sự-thật chân-lý của bậc Thánh-nhân chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.

1- Dukkha ariyasacca: Khổ-Thánh-đế là sự-thật chân-lý của chư bậc Thánh-nhân đã chứng ngộ, đó là:

-Tái-sinh kiếp sau là khổ, già là khổ, chết là khổ, sầu não, khóc than, khổ thân, khổ tâm, khổ cùng cực.

- Phải gần gũi, thân cận với người không yêu thương là khổ.

- Phải xa lìa người yêu thương là khổ.

- Mong muốn đừng có sinh, có già, có bệnh, có chết,.. mà không thể nào được như ý là khổ.

Tóm lại, chấp-thủ trong ngũ-uẩn do tham muốn và tà-kiến là khổ.

2- Dukkhasamudaya-ariyasacca: Nhân sinh khổ-Thánh-đế là sự-thật chân-lý của chư bậc Thánh-nhân đã chứng ngộ, đó là tham-ái dắt dẫn tái-sinh kiếp sau hợp với tham muốn, hài lòng, say mê trong các đối-tượng, đắm say trong kiếp sống. Nhân sinh khổ-Thánh-đế ấy là:

- Dục-ái (kāmataṇhā) là tham-ái trong 6 đối-tượng ái (sắc-ái, thanh-ái, hương-ái, vị-ái, xúc-ái, pháp-ái).

- Hữu-ái (bhavataṇhā) là tham-ái trong 6 đối-tượng ái hợp với thường-kiến, và tham-ái trong bậc thiền sắc-giới, bậc thiền vô-sắc-giới, trong cõi sắc-giới, cõi vô-sắc-giới.

- Phi-hữu-ái (vibhavataṇhā) là tham-ái trong 6 đối-tượng ái hợp với đoạn-kiến.

3- Dukkhanirodha ariyasacca: Diệt khổ-Thánh-đế là sự-thật chân-lý của chư bậc Thánh-nhân đã chứng ngộ, đó là Niết-bàn là pháp diệt tận mọi say mê do tham-ái ấy không còn dư sót bằng 4 Thánh-đạo-tuệ, xả ly, từ bỏ chấp-thủ trong ngũ-uẩn, giải thoát khổ, không còn luyến ái, không còn dính mắc nữa.

4- Dukkhanirodhagāminī paṭipadā ariyasacca: Pháp-hành dẫn đến diệt khổ-Thánh-đế là sự-thật chân-lý của chư bậc Thánh-nhân đã chứng ngộ, đó là Thánh-đạo hợp đủ 8 chánh: chánh-kiến, chánh-tư-duy, chánh-ngữ, chánh-nghiệp, chánh-mạng, chánh-tinh-tấn, chánh-niệm, chánh-định.

Tứ-đế của phần pháp niệm-xứ thuộc về sắc-pháp, danh-pháp.

Như vậy, đối-tượng của tứ-niệm-xứ thân, thọ, tâm, pháp gồm có 21 pabba (phần) mà mỗi pabba đều có khả năng dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cả thảy.

Sau khi hành-giả đã học hỏi hiểu rõ đối-tượng thân, thọ, tâm, pháp gồm có 21 pabba trong pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc đối-tượng sắc-pháp, danh-pháp trong pháp-hành thiền-tuệ thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) xong, hành-giả nên tìm đến Ngài Trưởng-lão thiền-sư uyên thâm về pháp-học Phật-giáo, đầy đủ kinh nghiệm về pháp-hành Phật-giáo nhất là pháp-hành thiền-tuệ, để nương nhờ học hỏi phương pháp thực-hành pháp-hành thiền-tuệ.

Hành-giả thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ có đối-tượng thân, thọ, tâm, pháp hoặc thực-hành pháp-hành thiền-tuệ đối-tượng thiền-tuệ sắc-pháp, danh-pháp dẫn đến phát sinh trí-tuệ-thiền-tuệ theo tuần tự từ trí-tuệ-thiền-tuệ tam-giới (lokiyavipassanā) cho đến trí-tuệ-thiền-tuệ siêu-tam-giới (lokuttaravipassanā) gồm có 16 loại trí-tuệ-thiền-tuệ theo tuần tự như sau:

1- Trí-tuệ thứ nhất gọi là nāmarūpaparicchedañāṇa: trí-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp, danh-pháp đúng theo chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) là pháp-vô-ngã (anattā) không phải là ta, không phải là người, không phải là đàn ông, không phải là đàn bà, không phải là chúng-sinh, v.v… tiếp đến,

2- Trí-tuệ thứ nhì gọi là nāmarūpapaccayapariggaha-ñāṇa: trí-tuệ thấy rõ, biết rõ nhân-duyên phát sinh mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp, tiếp đến,

3- Trí-tuệ-thiền-tuệ thứ 3 gọi là sammasanañāṇa: trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-pháp, danh-pháp do nhân-duyên diệt, nên thấy rõ, biết rõ trạng-thái vô thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, danh-pháp, tiếp đến,

4- Trí-tuệ-thiền-tuệ thứ 4 gọi là udayabbayānupas-sanāñāṇa: trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, danh-pháp tam-giới, nên thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, danh-pháp tam-giới, tiếp đến,

5- Trí-tuệ-thiền-tuệ thứ 5 gọi là bhaṅgānupassanā-ñāṇa: trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ đặc biệt sự diệt của sắc-pháp, danh-pháp tam-giới, nên thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, danh-pháp tam-giới, tiếp đến,

6- Trí-tuệ-thiền-tuệ thứ 6 gọi là bhayatupaṭṭhānañāṇa: trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp thật đáng kinh sợ, tiếp đến,

7- Trí-tuệ-thiền-tuệ thứ 7 gọi là ādīnavānupassanā-ñāṇa: trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp thật đầy tội chướng, tiếp đến,

8- Trí-tuệ-thiền-tuệ thứ 8 gọi là nibbidānupassanā-ñāṇa: trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp thật đáng nhàm chán, tiếp đến,

9- Trí-tuệ-thiền-tuệ thứ 9 gọi là muñcitukamyatā-ñāṇa: trí-tuệ-thiền-tuệ tha thiết mong thoát khỏi sắc-pháp, danh-pháp, tiếp đến,

10- Trí-tuệ-thiền-tuệ thứ 10 gọi là paṭisaṅkhānupas-sanāñāṇa: trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ trở lại sắc-pháp, danh-pháp có 3 trạng-thái-chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, danh-pháp một cách rõ ràng, để tìm ra phương-pháp giải thoát khỏi khổ-đế của sắc-pháp, của danh-pháp, tiếp đến,

11- Trí-tuệ-thiền-tuệ thứ 11 gọi là saṅkhārupekkhā-ñāṇa: trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp thật sự là pháp-vô-ngã, nên trí-tuệ-thiền-tuệ đặt tâm-trung-dung trong sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái vô-thường, hoặc trạng-thái khổ, hoặc trạng-thái vô-ngã làm đối tượng, tiếp đến,

12- Trí-tuệ-thiền-tuệ thứ 12 gọi là saccānuloma-ñāṇa: trí-tuệ-thiền-tuệ thuận dòng theo 8 trí-tuệ-thiền-tuệ phần trước và thuận dòng theo 37 pháp chứng đắc Thánh-đạo (bodhipakkhiyadhamma) phần sau, tiếp đến,

13- Trí-tuệ-thiền-tuệ thứ 13 gọi là gotrabhuñāṇa: trí-tuệ-thiền-tuệ chuyển dòng từ phàm-nhân sang dòng bậc Thánh-nhân, (hoặc chuyển dòng từ Thánh-nhân bậc thấp lên Thánh-nhân bậc cao) vì thấy rõ, biết rõ Niết-bàn là đối tượng, tiếp đến,

14- Trí-tuệ-thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 14 gọi là Maggañāṇa: Thánh-đạo-tuệ [2] là trí-tuệ-thiền-tuệ siêu-tam-giới có Niết-bàn làm đối-tượng, có khả năng đặc biệt diệt tận được mọi phiền-não, mọi tham-ái tùy theo khả năng của mỗi Thánh-đạo-tuệ, tiếp đến,

15- Trí-tuệ-thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 15 gọi là Phalañāṇa: Thánh-quả-tuệ[3] là trí-tuệ-thiền-tuệ siêu-tam-giới có Niết-bàn là đối tượng, tiếp đến,

16- Trí-tuệ-thiền-tuệ thứ 16 gọi là paccavekkhaṇa-ñāṇa: trí-tuệ đặc biệt quán triệt Thánh-đạo nào, Thánh-quả nào đã chứng đắc, Niết-bàn đã chứng ngộ, phiền-não nào đã bị diệt tận và phiền-não nào chưa bị diệt tận được.

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có khả năng làm cho phát sinh 16 loại trí-tuệ-thiền-tuệ trở thành bậc Thánh-nhân.

Phước-thiện hành-thiền (Bhāvanākusala) phần pháp-hành thiền-tuệ trong 10 phước-thiện này chỉ có giới hạn trong dục-giới thiện-tâm mà thôi.

Cho nên, nếu hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có khả năng phát sinh 16 loại trí-tuệ-thiền-tuệ thì chỉ kể từ trí-tuệ thứ nhất nāmarūpaparicchedañāṇa cho đến trí-tuệ-thiền-tuệ thứ 11 saṅkhārupekkhāñāṇa mà thôi, bởi vì 11 loại trí-tuệ-thiền-tuệ này vẫn còn thuộc về dục-giới thiện-tâm đối-tượng sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới.

Còn trí-tuệ-thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 14 gọi là Maggañāṇa thuộc về siêu-tam-giới thiện-tâm.

Những tính chất của phước-thiện hành thiền

- Kusalavaḍḍhāpanalakkhaṇa: Phước-thiện hành-thiền có trạng-thái làm cho thiện-pháp phát triển.

- Akusalapahānarasa: Phước-thiện hành-thiền có phận sự diệt bất-thiện-pháp (ác-pháp).

- Sattācārokkamanapaccuppaṭṭhāna: Phước-thiện hành-thiền đúng theo phương pháp thực-hành pháp hành-thiền là quả hiện hữu.

- Yonisomanasikārapadaṭṭhāna: Sự hiểu đúng trong tâm phương pháp thực-hành pháp hành-thiền là nguyên nhân gần của phước-thiện hành-thiền.

- Paṭikkhepadhamma: Pháp nghịch với phước-thiện hành-thiền đó là tâm si.

- Anuññātadhamma: Pháp giúp hỗ-trợ cho phước-thiện hành-thiền đó là trí-tuệ.

(Xong phần phước-thiện hành-thiền)

IV- PH ƯỚC-THIỆN CUNG-KÍNH (Apacāyanakusala)

Apacāyanakusala: Phước-thiện cung-kính

- Định nghĩa Apacāyana:

“Apacāyanti etenā’ti apacāyanaṃ.”

Những người cúi đầu với tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm là nhân khiến cúi đầu cung-kính, nên gọi là apacāyanakusala: phước-thiện cung-kính.

Người nào đến hầu cha, mẹ, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, thầy, cô giáo, những bậc trưởng-lão tuổi cao, tỳ-khưu, sa-di, các Ngài Đại-Trưởng-lão, v.v... là những bậc đáng tôn kính, người ấy có đại-thiện-tâm tôn kính cúi đầu cung-kính, đảnh lễ những bậc đáng tôn kính ấy với đại-thiện-tâm trong sạch, không hề mong muốn sẽ được lợi lộc, danh thơm, tiếng tốt nào cả.

Như vậy, gọi là phước-thiện cung-kính.

Nếu người nào cúi đầu cung-kính, đảnh lễ những bậc đáng tôn kính ấy với hy vọng mong được lợi lộc, danh thơm tiếng tốt, v.v… thì sự cúi đầu cung-kính, đảnh lễ của người ấy không phải là phước-thiện cung-kính thật sự, mà chỉ là sự cung-kính theo thói quen, theo phong tục tập quán mà thôi.

Apacāyanakusala: Phước-thiện cung-kính có 2 loại:

1- Sāmañña apacāyanakusala: Phước-thiện cung-kính thông thường: Đó là sự cúi đầu cung-kính, đảnh lễ cha mẹ, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, thầy giáo, cô giáo, những bậc trưởng-lão tuổi cao, tỳ-khưu, sa-di, … do nghĩ rằng: “Ta phải có bổn phận cúi đầu cung-kính, đảnh lễ những bậc đáng tôn kính của ta.”

Cho nên, sự cúi đầu cung-kính, đảnh lễ những bậc đáng tôn kính ấy với đại-thiện-tâm trong sạch, không hề mong muốn sẽ được lợi lộc, danh thơm, tiếng tốt nào cả.

Như vậy, gọi là phước-thiện cung-kính thông thường.

2- Visesa apacāyanakusala: Phước-thiện cung-kính đặc biệt: Đó là sự cúi đầu cung-kính, đảnh lễ Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, với đại-thiện-tâm niệm tưởng đến ân-đức Tam-bảo là 9 ân-đức Phật-bảo, 6 ân-đức Pháp-bảo, 9 ân-đức Tăng-bảo với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ.

Như vậy, gọi là phước-thiện cung-kính đặc biệt.

Bậc đáng tôn kính có 3 hạng:

1- Guṇavuḍḍhipuggala: Bậc đáng tôn kính có 5 đức cao thượng (guṇa) [4] là giới-đức (sīlaguṇa), định-đức (samādhiguṇa), tuệ-đức (paññāguṇa), giải-thoát-đức (vimuttiguṇa), giải-thoát tri-kiến-đức (vimuttiñāṇa-dassanaguṇa).

2- Vayavuḍḍhipuggala: Bậc đáng tôn kính có tuổi cao là bậc Đại-Trưởng-lão, bậc Trưởng-lão.

3- Jātivuḍḍhipuggala: Bậc đáng tôn kính sinh trong dòng dõi cao quý.

Trong 3 bậc đáng tôn kính này, chỉ có sự cung-kính, đảnh lễ bậc đáng tôn kính có 5 đức cao thượng và bậc đáng tôn kính có tuổi cao, bậc Đại-trưởng-lão, bậc Trưởng-lão là phước-thiện cung-kính thật sự mà thôi.

Nếu người dân nào cung-kính bậc đáng tôn kính do sinh trong dòng dõi hoàng tộc bởi vì sợ bị trị tội bất kính, hoặc vì muốn được phong chức tước,… thì sự cung-kính của người ấy không phải phước-thiện cung-kính thật sự, mà đó là sự cung-kính theo phong tục, theo truyền thống.

Người dân nào cung-kính bậc đáng tôn kính do sinh trong dòng dõi hoàng tộc, nếu người ấy nghĩ đến ân-đức của Đức-vua trị vì đất nước đã đem lại sự an lành thịnh vượng thì sự cung-kính của người ấy được gọi là phước-thiện cung-kính.

Đức-Phật Gotama có đầy đủ cả 3 Bậc đáng tôn kính: Bậc đáng tôn kính có đầy đủ 5 đức cao thượng, Bậc đáng tôn kính do có tuổi cao và Bậc đáng tôn kính do sinh trong dòng dõi hoàng tộc Sakya cao quý.

Ngài Trưởng-lão Rāhula có 2 bậc đáng tôn kính: Bậc đáng tôn kính do có đức cao thượng, bởi vì Ngài Trưởng-lão là bậc Thánh A-ra-hán, và Bậc đáng tôn kính do sinh trong dòng dõi hoàng tộc Sakya cao quý.

Chư bậc Thánh A-ra-hán có 2 bậc đáng tôn kính: bậc đáng tôn kính có đức cao thượng, bậc đáng tôn kính do có tuổi cao là Bậc Đại-trưởng-lão.

Trong pháp luật của Đức-Phật, tỳ-khưu nhỏ hạ phải cung-kính đảnh lễ tỳ-khưu cao hạ. Nếu 2 tỳ-khưu có hạ bằng nhau thì tỳ-khưu xuất gia sau phải cung-kính đảnh lễ tỳ-khưu xuất gia trước, thậm chí chỉ có trước ít phút mà thôi.

Người tại-gia là cận-sự-nam, cận-sự-nữ dù là bậc Thánh-nhân cũng phải nên cung-kính đảnh lễ tỳ-khưu phàm-nhân.

Người con phải có bổn phận cúi đầu cung-kính, đảnh lễ cha mẹ, ông bà của mình, nhưng nếu khi người con trai ấy đã xuất gia trở thành tỳ-khưu có giới của tỳ-khưu, thì không nên đảnh lễ cha mẹ, ông bà của mình là người tại-gia nữa, vị tỳ-khưu chỉ cần tỏ vẻ cung-kính trong tâm là đủ.

Đức-vua trời Sakka đảnh lễ

Kinh Satthāravandanāsutta [5] được tóm lược như sau:

Đức Thế Tôn truyền dạy chư tỳ-khưu rằng:

- Này chư tỳ-khưu! Chuyện từng có, Đức-vua trời Sakka cõi trời Tam-thập-tam-thiên truyền bảo vị thiên-nam Mātali đánh xe rằng:

- Này Mātali! Ngươi hãy chuẩn bị cổ long xa Vejayanta được kéo do 1000 con ngựa báu[6], để Trẫm ngự đi du lãm vườn thượng uyển.

Tuân theo lệnh Đức-vua trời Sakka, vị thiên-nam Mātali đã chuẩn bị cổ long xa xong, rồi tâu với Đức-vua trời Sakka rằng:

- Muôn tâu Đức-Thiên-vương, cổ long xa Vejayanta

được kéo do 1000 con ngựa báu đã sẵn sàng.

- Này chư tỳ-khưu! Khi ấy, Đức-vua trời Sakka từ trên lâu đài Vejayanta ngự bước xuống, chắp 2 tay đưa lên trán hướng về đảnh lễ Đức-thiên-nhân-sư.

- Này chư tỳ-khưu! Khi ấy, vị thiên-nam Mātali tâu với Đức-vua trời Sakka rằng:

- Muôn tâu Đức-Thiên-vương, tất cả chư-thiên và nhân loại đều cung-kính, đảnh lễ Đức-Thiên-vương.

- Muôn tâu Đức-Thiên-vương, nay Bệ-hạ cung-kính

đảnh lễ Bậc đáng tôn kính ấy là Bậc nào vậy?

Đức-vua trời Sakka truyền dạy thiên-nam Mātali rằng:

- Này Mātali! Trẫm cung-kính đảnh lễ Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, Bậc cao thượng nhất trong cõi người, các cõi trời dục-giới, cõi trời sắc-giới, cõi trời vô-sắc-giới.

- Này thiên-nam Mātali! Trẫm cung-kính đảnh lễ chư Thánh A-ra-hán cao thượng đã diệt tận được tất cả tham, sân, si không còn dư sót.

- Này thiên-nam Mātali! Trẫm cung-kính đảnh lễ 3 bậc Thánh-nhân bậc thấp [7], không dể duôi, đang tinh-tấn thực-hành để diệt tận mọi phiền-não, mọi tham-ái còn lại .

Nghe Đức-vua trời Sakka truyền dạy như vậy, vị thiên-nam Mātali tâu rằng:

- Muôn tâu Đức-Thiên-vương, Bệ-hạ cung-kính, đảnh lễ chư Bậc cao thượng nào trong tam-giới này, kẻ hạ thần cũng xin cung-kính đảnh lễ chư Bậc cao thượng ấy.

Sau khi truyền dạy vị thiên-nam Mātali như vậy xong, Đức-vua trời Sakka cung-kính đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, rồi lên ngồi trên cổ long xa Vejayanta được kéo do 1000 con ngựa báu ngự đi du lãm vườn thượng uyển.

* Kinh Saṃghavandanāsutta[8] được tóm lược như sau:

- Này chư tỳ-khưu! Chuyện từng có, Đức-vua trời Sakka cõi trời Tam-thập-tam-thiên truyền bảo vị thiên-nam Mātali đánh xe rằng:

- Này Mātali! Ngươi hãy chuẩn bị cổ long xa Vejayanta được kéo do 1000 con ngựa báu, để Trẫm ngự đi du lãm vườn thượng uyển.

Tuân theo lệnh Đức-vua trời Sakka, thiên-nam Mātali đã chuẩn bị cổ long xa xong, rồi tâu với Đức-vua trời Sakka rằng:

- Muôn tâu Đức-Thiên-vương, cổ long xa Vejayanta

được kéo do 1000 con ngựa báu đã sẵn sàng.

- Này chư tỳ-khưu! Khi ấy, Đức-vua trời Sakka từ trên lâu đài Vejayanta ngự bước xuống, chắp 2 tay đưa lên trán đảnh lễ chư tỳ-khưu-Tăng.

- Này chư tỳ-khưu! Khi ấy, vị thiên-nam Mātali tâu với Đức-vua trời Sakka rằng:

- Muôn tâu Đức-Thiên-vương, chư tỳ-khưu vốn từng nằm trong bụng mẹ suốt 10 tháng đầy dơ dáy.

- Muôn tâu Đức-Thiên-vương, do nguyên nhân nào mà Bệ-hạ lại cung-kính, đảnh lễ chư tỳ-khưu-Tăng không có nhà như vậy.

Kính xin Bệ hạ truyền dạy cho kẻ hạ thần này hiểu biết về chư tỳ-khưu-Tăng ấy có đức-hạnh cao thượng như thế nào?

Đức-vua trời Sakka truyền dạy thiên-nam Mātali rằng:

- Này Mātali! Trẫm cung-kính đảnh lễ chư tỳ-khưu-Tăng là bậc xuất gia không có nhà ấy, bởi vì các Ngài đã từ bỏ nhà, không còn quan tâm lưu luyến đến nhà nữa, các Ngài không cất giữ lúa gạo trong kho, trong hũ, trong nồi. Các Ngài thực-hành hạnh đi khất thực, nhận vật thực mà người ta đã nấu chín rồi, các Ngài duy trì sinh-mạng bằng các món vật thực ấy.

Chư tỳ-khưu-Tăng ấy là bậc thiện-trí thường nói lời hay hữu ích, luôn luôn thực-hành phạm-hạnh cao thượng.

- Này Mātali! Nhóm chư-thiên còn hận thù với nhóm Asura, phần đông chúng-sinh hay giận hờn với nhau.

Chư tỳ-khưu-Tăng ấy không còn sân hận nữa, đã diệt tận được mọi phiền-não bên trong của mình rồi.

Khi mọi người, mọi chúng-sinh còn chấp-thủ, thì các Ngài không còn chấp-thủ nữa.

- Này Mātali! Trẫm cung-kính, đảnh lễ chư tỳ-khưu-Tăng ấy.

Nghe Đức-vua trời Sakka truyền dạy như vậy, vị thiên-nam Mātali tâu rằng:

- Muôn tâu Đức-Thiên-vương, Bệ-hạ cung-kính, đảnh lễ chư tỳ-khưu-Tăng cao thượng nào trong đời này, kẻ hạ thần cũng xin cung-kính đảnh lễ chư tỳ-khưu-Tăng cao thượng ấy.

Sau khi truyền dạy vị thiên-nam Mātali như vậy xong, Đức-vua trời Sakka cung-kính đảnh lễ chư tỳ-khưu-Tăng, rồi lên ngồi trên cổ long xa Vejayanta được kéo do 1000 con ngựa báu ngự đi du lãm vườn thượng uyển.

* Kinh Gahaṭṭhavandanāsutta[9] được tóm lược như sau:

-Này chư tỳ-khưu! Chuyện từng có, Đức-vua trời Sakka cõi trời Tam-thập-tam-thiên truyền bảo vị thiên-nam Mātali đánh xe rằng:

- Này Mātali! Ngươi hãy chuẩn bị cổ long xa Vejayanta được kéo do 1000 con ngựa báu, để Trẫm ngự đi du lãm vườn thượng uyển.

Tuân theo lệnh Đức-vua trời Sakka, thiên-nam Mātali đã chuẩn bị cổ long xa xong, rồi tâu với Đức-vua trời Sakka rằng:

- Muôn tâu Đức-Thiên-vương, cổ long xa Vejayanta

được kéo do 1000 con ngựa báu đã sẵn sàng.

- Này chư tỳ-khưu! Khi ấy, Đức-vua trời Sakka từ trên lâu đài Vejayanta ngự bước xuống, chắp 2 tay đảnh lễ vòng quanh 8 hướng.

- Này chư tỳ-khưu! Khi ấy, thiên-nam Mātali tâu với

Đức-vua trời Sakka rằng:

- Muôn tâu Đức-Thiên-vương, các Bà-la-môn thông suốt các bộ môn, các Đức-vua trong toàn cõi người, tất cả mọi người, 4 Đức-Thiên-vương, toàn thể chư-thiên cõi trời Tứ Đại-thiên-vương, toàn thể chư-thiên cõi trời Tam-thập-tam-thiên đều cung-kính, đều đảnh lễ Bệ-hạ.

- Muôn tâu Đức-Thiên-vương, do nguyên nhân nào mà Bệ-hạ lại cung-kính, đảnh lễ vòng quanh 8 hướng.

Kính xin Bệ-hạ truyền dạy cho kẻ hạ thần này hiểu biết về những hạng người có đức hạnh cao thượng ấy là những hạng nào vậy?

Đức-vua trời Sakka truyền dạy thiên-nam Mātali rằng:

- Này Mātali! Trẫm cung-kính đảnh lễ các bậc xuất-

gia thực-hành phạm-hạnh cao thượng, có giới-đức trong sạch, có định-tâm vững chắc, có trí-tuệ hiểu biết rõ thật-tánh của các pháp.

Trẫm cung-kính đảnh lễ những người tại-gia là cận-sự-nam, cận-sự-nữ có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, thường tạo phước-thiện bố-thí, có giới hạnh trong sạch, biết ơn và biết đền ơn, biết lo phụng dưỡng cha mẹ, biết tế độ vợ con, bạn hữu, thân quyến.

- Này Mātali! Trẫm cung-kính, đảnh lễ những hạng người ấy.

Nghe Đức-vua trời Sakka truyền dạy như vậy, vị thiên-nam Mātali tâu rằng:

- Muôn tâu Đức-Thiên-vương, Bệ-hạ cung-kính, đảnh lễ những hạng người cao thượng nào trong đời này, kẻ hạ thần cũng xin cung-kính đảnh lễ những hạng người cao thượng ấy.

Sau khi truyền bảo vị thiên-nam Mātali như vậy xong, Đức-vua trời Sakka cung-kính đảnh lễ những hạng người cao thượng ấy, rồi lên ngồi trên cổ long xa Vejayanta được kéo do 1000 con ngựa báu ngự đi du lãm vườn thượng uyển.

Tích Vandanavimānavatthu [10]

Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana, gần kinh-thành Sāvatthi. Khi ấy, một nhóm đông tỳ-khưu-Tăng an cư nhập hạ tại gần một xóm làng suốt 3 tháng mùa mưa xong, sau khi làm lễ Pavāraṇā: Lễ thỉnh mời chư tỳ-khưu-Tăng chỉ lỗi, một đoàn tỳ-khưu-Tăng lên đường đi đến kinh-thành Sāvatthi, để hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn.

Chư tỳ-khưu-Tăng trên đường đi ngang qua xóm nhà, một cận-sự-nữ nhìn thấy đoàn chư tỳ-khưu-Tăng ấy, cô liền phát sinh đức-tin trong sạch, ngồi xuống đất chắp 2 tay cúi đầu cung-kính đảnh lễ 3 lần đoàn chư tỳ-khưu-Tăng ấy với đại-thiện-tâm trong sạch cung-kính vô cùng hoan-hỷ, rồi cô ngồi chắp tay nhìn theo đoàn chư tỳ-khưu-Tăng ấy đi cho đến khi khuất tầm mắt.

Về sau, người cận-sự-nữ ấy chết, phước-thiện cung-kính đảnh lễ chư tỳ-khưu-Tăng ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau, hóa-sinh làm vị thiên-nữ xinh đẹp có nhiều oai lực, có hào quang rực rỡ tỏa khắp mọi nơi, trong lâu đài nguy nga tráng lệ tại cõi trời Tam-thập-tam-thiên, được hưởng mọi sự an-lạc trong cõi trời.

Một hôm, Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna lên cõi trời Tam-thập-tam-thiên, vị thiên-nữ đến cung-kính đảnh lễ Ngài Đại-Trưởng-lão, Ngài Đại-Trưởng-lão truyền hỏi thiên-nữ rằng:

- Này thiên nữ! Cô có thân hình rất xinh đẹp, có nhiều oai lực, có hào quang rực rỡ tỏa ra khắp mọi nơi như một ngôi sao sáng, có đầy đủ các thứ của cải quý báu phát sinh lên với cô như vậy.

- Này thiên-nữ! Khi ở cõi người, tiền-kiếp của cô đã tạo phước-thiện nào, mà nay kiếp hiện-tại là vị thiên-nữ xinh đẹp, có nhiều oai lực, có hào quang rực rỡ tỏa ra khắp mọi nơi như vậy?

Nghe Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna hỏi như vậy, thiên nữ vô cùng hoan-hỷ bạch rằng:

- Kính bạch Ngài Đại-Trưởng-lão, khi ở cõi người, con nhìn thấy đoàn chư tỳ-khưu-Tăng có giới-đức đi trên đường ngang xóm nhà, con phát sinh đức-tin trong sạch ngồi xuống đất chắp tay cung-kính đảnh lễ đoàn chư tỳ-khưu-Tăng ấy với đại-thiện-tâm trong sạch của con.

Sau khi con chết, phước-thiện cung-kính đảnh lễ đoàn chư tỳ-khưu-Tăng ấy có cơ hội cho quả tái-sinh, hóa-sinh làm vị thiên-nữ trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên này, con là thiên-nữ có thân hình xinh đẹp, có hào quang rực rỡ tỏa ra khắp mọi nơi như thế này, và mọi thứ của cải quý báu được phát sinh cũng do nhờ quả của phước-thiện cung-kính đảnh lễ đoàn chư tỳ-khưu-Tăng ấy.

-Kính bạch Ngài Đại-Trưởng-lão, khi ở cõi người, con đã tạo phước-thiện cung-kính đảnh lễ đoàn chư tỳ-khưu-Tăng ấy như vậy, nên kiếp hiện-tại này con được xinh đẹp, có hào quang rực rỡ tỏa ra khắp mọi phương hướng, được hưởng mọi sự an-lạc trên cõi trời này như vậy.

Tích con chim Ulūkasakuṇa [11]

Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn ngự trong động Indasālā trên núi Vedisaka. Khi ấy, một con chim Ulūka (chim ưng) có đại-thiện-tâm tôn kính Đức-Thế-Tôn, mỗi ngày nó bay theo sau hầu tiễn đưa Đức-Thế-Tôn ngự đi vào xóm làng khất thực một nửa đoạn đường, rồi nó đậu chờ tại nơi ấy.

Sau khi Đức-Thế-Tôn khất thực xong ngự đi trở về, con chim Ulūka chờ nửa đường đón rước Đức-Thế-Tôn ngự trở về núi.

Hằng ngày, con chim Ulūka có đại-thiện-tâm tôn kính bay theo sau tiễn đưa Đức-Thế-Tôn ngự đi khất thực một nửa đường, và chờ đón rước Đức-Thế-Tôn ngự đi trở về núi một nửa đường như vậy.

Một hôm vào một buổi chiều, Đức-Thế-Tôn cùng chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng đang ngồi tụ hội trên núi, con chim Ulūka từ trên núi bay sà xuống cúi đầu cung-kính đi vào gần Đức-Thế-Tôn, cung-kính chắp đôi cánh lại, rồi xòe đôi cánh ra, cúi đầu sát nền cung-kính đảnh lễ Đức-Thế-Tôn và chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng với đại-thiện-tâm trong sạch vô cùng tôn kính.

Khi ấy, nhìn thấy con chim Ulūka cung-kính đảnh lễ như vậy, Đức-Thế-Tôn mỉm cười. Ngài Trưởng-lão Ānanda bạch hỏi Đức-Thế-Tôn rằng:

- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, do nhân nào, do duyên nào mà Đức-Thế-Tôn mỉm cười như vậy?

Đức-Thế-Tôn dạy rằng:

- Này Ānanda! Con hãy nhìn con chim Ulūka có đại-thiện-tâm trong sạch cung-kính đảnh lễ Như-Lai và chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng. Với phước-thiện cung-kính đảnh lễ này, suốt 100 ngàn đại-kiếp trái đất, con chim Ulūka này chỉ còn tử sinh luân-hồi trong cõi người và các cõi trời mà thôi (nó không hề bị sa đọa vào trong 4 cõi ác giới: địa ngục, a-tu-la, ngạ-quỷ, súc-sinh).

Sau này, hậu-kiếp của con chim Ulūka này sẽ trở thành Đức-Phật Độc-Giác có danh hiệu là Somanassa.

Tích con chim Ulūka (chim ưng) này có đức-tin trong sạch cung-kính đảnh lễ Đức-Thế-Tôn cùng chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng với đại-thiện-tâm trong sạch tôn kính như vậy, là phước-thiện cung-kính không chỉ ngăn được sự tái-sinh trong 4 cõi ác-giới: địa ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh, mà còn làm nhân, làm duyên dắt dẫn tạo đầy đủ trọn vẹn 20 pháp-hạnh ba-la-mật (10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ và 10 pháp hạnh ba-la-mật bậc trung) để trở thành Đức-Phật Độc-Giác có danh hiệu Somanassa.

Con chim Ulūka tạo phước-thiện cung-kính đảnh lễ Đức-Thế-Tôn và chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng như vậy, mà năng lực của phước-thiện cung-kính đảnh lễ ấy làm nhân-duyên dẫn đến thành tựu quả báu trong cõi người (manussasampatti), thành tựu quả báu trong các cõi trời (devasampatti), cuối cùng thành tựu Niết-bàn giải thoát khổ (Nibbānasampatti) nữa.

Quả báu của pháp cung-kính

Đức-Phật dạy câu kệ Dhammapadagāthā số 109 rằng:

“Abhivādanasīlissa, niccaṃ vuḍḍhāpaccāyino. Cattāro dhammā vaḍḍhanti, āyu vaṇṇo sukhaṃ balaṃ.”

-Này chư tỳ-khưu! Bốn pháp là tuổi thọ sống lâu, sắc đẹp tuyệt vời, thân tâm an-lạc, sức mạnh của thân tâm được tăng trưởng đối với người thường có pháp cung-kính, đảnh lễ bậc đáng tôn kính.

Bậc đáng tôn kính là bậc xuất-gia sa-di, tỳ-khưu có giới-đức trong sạch, có pháp-hạnh cao thượng; người tại-gia có giới-hạnh trong sạch, có mọi phước-thiện đầy đủ, có tuổi cao cũng là bậc đáng tôn kính đối với người tại-gia.

Tuổi thọ của người ấy được tăng trưởng có nghĩa là người ấy có tuổi thọ chừng nào thì sống đến hết tuổi thọ chừng ấy, mà không có một tai họa nào có thể cắt đứt sinh-mạng của người ấy trước khi hết tuổi thọ. Sắc đẹp, sự an-lạc, sức mạnh tùy theo tuổi thọ của người ấy.

Đức-Phật tôn kính Pháp-bảo

Đức-Phật thuyết dạy kinh Gāravasutta [12]

Một thuở nọ, sau khi trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu Đức-Phật Gotama, trong tuần lễ thứ năm Đức-Thế-Tôn ngự tại cội cây Ajapāla-nigrodha (về phía Đông, cách cội Đại-Bồ-Đề khoảng 32 sải tay) bên bờ sông Nerañjarā, gần khu rừng Uruvelā, (từ ngày 14 tháng 5 đến 20 tháng 5).

Khi ấy, điều tư duy phát sinh đối với Đức-Thế-Tôn tại nơi thanh vắng ấy rằng:

“Con người không có nơi tôn kính, không có nơi kính trọng là sống khổ, Như-Lai nên cung-kính, lễ bái vị Sa-môn hoặc Bà-la-môn nào đây!”

Tiếp theo, Đức-Thế-Tôn suy xét rằng:

“* Như-Lai nên tôn kính, kính trọng Sa-môn hoặc Bà-la-môn nào, rồi nương nhờ nơi vị ấy, để cho phần giới (sīlakkhandha) chưa đầy đủ thì được đầy đủ hoàn toàn, nhưng Như-Lai không thấy Sa-môn hoặc Bà-la-môn nào khác có đầy đủ hoàn toàn phần giới hơn Như-Lai, trong thế giới này, cõi ma-vương, các cõi trời dục-giới, các cõi trời sắc-giới, chúng-sinh muôn loài, chư Sa-môn, chư Bà-la-môn, nhân loại, chư-thiên, chư phạm-thiên cả thảy.

Vậy, Như-Lai sống nên tôn kính, kính trọng phần giới của Như-Lai.”

“* Như-Lai nên tôn kính, kính trọng Sa-môn hoặc Bà-la-môn nào, rồi nương nhờ nơi vị ấy, để cho phần định (samādhikkhandha) chưa đầy đủ thì được đầy đủ hoàn toàn, nhưng Như-Lai không thấy Sa-môn hoặc Bà-la-môn nào khác có đầy đủ hoàn toàn phần định hơn Như-Lai, trong thế giới này, cõi ma-vương, các cõi trời dục-giới, các cõi trời sắc-giới, chúng-sinh muôn loài, chư Sa-môn, chư Bà-la-môn, nhân-loại, chư-thiên, chư phạm-thiên cả thảy.

Vậy, Như-Lai sống nên tôn kính, kính trọng phần

định của Như-Lai.”

“* Như-Lai nên tôn kính, kính trọng Sa-môn hoặc Bà-la-môn nào, rồi nương nhờ nơi vị ấy, để cho phần tuệ (paññādhikkhandha) chưa đầy đủ thì được đầy đủ hoàn toàn, nhưng Như-Lai không thấy Sa-môn hoặc Bà-la-môn nào có đầy đủ hoàn toàn phần tuệ hơn Như-Lai, trong cõi giới này, cõi ma-vương, các cõi trời dục-giới, các cõi trời sắc-giới, chúng-sinh muôn loài, chư Sa-môn, chư Bà-la-môn, nhân loại, chư-thiên, chư phạm-thiên cả thảy.

Vậy, Như-Lai sống nên tôn kính, kính trọng phần tuệ của Như-Lai.”

“* Như-Lai nên tôn kính, kính trọng Sa-môn hoặc Bà-la-môn nào, rồi nương nhờ nơi vị ấy, để cho phần pháp-giải-thoát (vimuttikkhandha) chưa đầy đủ thì được đầy đủ hoàn toàn, nhưng Như-Lai không thấy Sa-môn hoặc Bà-la-môn nào khác có đầy đủ hoàn toàn phần pháp-giải-thoát hơn Như-Lai, trong thế giới này, cõi ma-vương, các cõi trời dục-giới, các cõi trời sắc-giới, chúng-sinh muôn loài, chư Sa-môn, chư Bà-la-môn, nhân loại, chư-thiên, chư phạm-thiên cả thảy.

Vậy, Như-Lai sống nên tôn kính, kính trọng phần pháp-giải-thoát của Như-Lai.”

“* Như-Lai nên tôn kính, kính trọng Sa-môn hoặc Bà-la-môn nào, rồi nương nhờ nơi vị ấy, để cho phần pháp-giải-thoát tri-kiến (vimuttiñāṇadassanakkhandha) chưa đầy đủ thì được đầy đủ hoàn toàn, nhưng Như-Lai không thấy Sa-môn hoặc Bà-la-môn nào khác có đầy đủ hoàn toàn phần pháp-giải-thoát tri-kiến hơn Như-Lai, trong thế giới này, cõi ma-vương, các cõi trời dục-giới, các cõi trời sắc-giới, chúng-sinh muôn loài, chư Sa-môn, chư Bà-la-môn, nhân loại, chư-thiên, chư phạm-thiên cả thảy.

Vậy, Như-Lai sống nên tôn kính, kính trọng phần pháp giải-thoát tri-kiến của Như-Lai.”

Vì vậy, Như-Lai sống nên tôn kính, kính trọng 9 pháp-siêu-tam-giới đó là 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn mà Như-Lai đã chứng đắc vậy.”

Ngay sau đó, Đại-phạm-thiên Sahampati biết được điều tư duy của Đức-Thế-Tôn với tâm của mình, nên biến từ cõi sắc-giới phạm-thiên, xuất hiện xuống cõi người đứng trước Đức-Thế-Tôn, như người khỏe mạnh co tay vào hoặc duỗi tay ra.

Khi ấy, Đại-phạm-thiên Sahampati mặc y phục chừa vai phải, chắp 2 tay cung-kính hướng về Đức-Thế-Tôn kính bạch rằng:

- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, điều ấy đúng như vậy!

- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, điều ấy đúng như vậy!

- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, chư Đức A-ra-hán, Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác đã xuất hiện trong thời quá khứ, tất cả chư Phật Chánh-Đẳng-Giác quá khứ ấy sống cũng đều tôn kính 9 pháp-siêu-tam-giới.

- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, chư Đức A-ra-hán, Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác sẽ xuất hiện trong thời vị-lai, tất cả chư Phật Chánh-Đẳng-Giác vị-lai ấy sống cũng sẽ đều tôn kính 9 pháp siêu-tam-giới.

- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, Đức A-ra-hán, Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác đang xuất hiện trong thời hiện-tại này, cũng tôn kính 9 pháp siêu-tam-giới.

Sau khi kính bạch Đức-Thế-Tôn như vậy, Đại-phạm-thiên Sahampati bạch bài kệ tóm lược rằng:

- Kính bạch Đức Thế Tôn!

Chư Phật Chánh-Đẳng-Giác đã xuất hiện thời quá khứ, Chư Phật Chánh-Đẳng-Giác sẽ xuất hiện thời vị-lai, Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác đang hiện hữu hiện-tại, Tất cả chư Phật Chánh-Đẳng-Giác sống đều tôn kính chánh-pháp.

Đó là truyền thống của chư Phật Chánh-Đẳng-Giác. Vì thế, chúng-sinh yêu mình, mong được cao thượng,

Nên niệm tưởng đến lời giáo huấn của Đức-Phật, Nên đem hết lòng tôn kính chánh-pháp của Đức-Phật.

Cung-kính Đức-Phật là Bậc Vô-Thượng trong toàn cõi-giới chúng-sinh.

Phước-thiện cung-kính cao thượng nhất là cung-kính Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, bởi vì Tam-bảo là cao cả nhất trong toàn cõi-giới chúng-sinh, nên các hàng thanh-văn đệ-tử có đại-thiện-tâm trong sạch đem hết lòng tôn kính đảnh lễ Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, chắc chắn được phước-thiện cung-kính cao quý nhất, được quả báu cao quý nhất mà không có nơi nào sánh với Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo được.

(Xong phần phước-thiện cung-kính)

V- PHƯỚC-THIỆN HỖ-TRỢ (Veyyāvaccakusala)

Veyyāvaccakusala: Phước-thiện hỗ-trợ

-Định nghĩa Veyyāvacca:

“Visesena āvaranti ussakkaṃ āpajjanī’ti byāvaṭā. Byāvaṭassa kammaṃ: veyyāvaccaṃ.”

Những người nào cố gắng quan tâm đặc biệt đến công việc tạo phước-thiện những người ấy được gọi là người hỗ-trợ tạo phước-thiện. Phước-thiện nào làm cho những người ấy quan tâm đặc biệt đến công việc tạo phước-thiện, gọi là veyyāvaccakusala: phước-thiện hỗ-trợ tạo mọi phước-thiện.

Veyyāvaccakusala: Phước-thiện hỗ-trợ tạo phước-thiện như là:

- Hỗ-trợ người theo học pháp-học Phật-giáo.

-Hỗ-trợ hành-giả thực-hành pháp-hành thiền.

- Hỗ-trợ giúp đỡ thí-chủ tạo phước-thiện bố-thí.

- Hỗ-trợ giúp đỡ nuôi dưỡng tỳ-khưu bệnh.

- Hỗ-trợ giúp đỡ quét dọn làm sạch sẽ xung quanh cội Đại-Bồ-đề, quét dọn làm sạch sẽ xung quanh ngôi bảo tháp tôn thờ Xá-Lợi của Đức-Phật Gotama và ngôi tháp thờ Xá-Lợi của chư Thánh A-ra-hán.

- Hỗ-trợ giúp đỡ sửa ngôi chùa cũ, sửa chỗ ở của chư tỳ-khưu, v.v…

Đó là định nghĩa theo cách puggaladhiṭṭhāna: định nghĩa theo người là chính.

Taṃ taṃ kiccakaraṇe byāvaṭassa bhāvo: veyyāvaccaṃ Pháp nào làm nhân cho người quan tâm đặc biệt hỗ-trợ giúp đỡ tạo phước-thiện, pháp ấy gọi là veyyāvacca: phước-thiện hỗ-trợ tạo mọi phước-thiện. Đó là tác-ý tâm- sở đồng sinh với dục-giới thiện-tâm.

Đó là định nghĩa theo cách dhammadhiṭṭhāna: định nghĩa theo pháp là chính.

* Hỗ-trợ giúp đỡ mọi công việc trong đời không có lỗi, không có hại cho mình, cũng không có hại cho mọi người, không có hại đến mọi chúng-sinh khác, như giúp đỡ chữa bệnh, nuôi bệnh, giúp đỡ dạy các môn học có ích lợi, hoàn toàn vô hại, giúp đỡ công việc đồng áng, trồng trọt, giúp đỡ làm công việc xây dựng, v.v…

Như vậy, cũng gọi là veyyāvacca: phước-thiện hỗ-trợ.

Tích Uttaravimānavatthu [13]

Tích Uttaravimānavatthu là tích lâu đài to lớn nguy nga tráng lệ sáng ngời của vị thiên-nam Uttara cũng như hội trường Sudhammā tại cõi trời Tam-thập-tam-thiên của Đức-vua trời Sakka.

Khi ở cõi người, tiền-kiếp của vị thiên-nam Uttara đã tạo phước-thiện như thế nào?

Khi ở cõi người, tiền-kiếp của vị thiên-nam Uttara cậu Uttara, người làm công ăn lương của ông tỉnh trưởng Pāyāsi tỉnh Setabya trong đất nước Kosala.

Hằng ngày, cậu Uttara tạo phước-thiện hỗ-trợ giúp ông tỉnh trưởng lo công việc phước-thiện bố-thí cúng dường đến chư tỳ-khưu, sa-môn, bà-la-môn, những người nghèo khổ, những người đi đường, v.v

Trước kia, ông tỉnh trưởng Pāyāsi là người có tà-kiến thấy sai chấp lầm rằng: không có kiếp sau, không có quả của ác-nghiệp, không có quả của thiện-nghiệp nào cả.

Về sau, ông tỉnh trưởng Pāyāsi đi đến hầu nghe Ngài Trưởng-lão Kumārakassapa giảng giải tế độ, ông tỉnh trưởng Pāyāsi từ bỏ tà-kiến ấy, trở thành người có chánh-kiến, ông tỉnh trưởng phát sinh đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, rồi kính xin thọ phép quy-y Tam-bảo trở thành người cận-sự-nam (upāsaka) đã quy-y Tam-bảo đến trọn kiếp.

Ông tỉnh trưởng Pāyāsi muốn tạo phước-thiện bố-thí hằng ngày, nên truyền bảo cậu Uttara hỗ-trợ giúp ông tạo phước-thiện bố-thí các vật thí như cơm, đồ ăn, vải may y phục đến chư tỳ-khưu, sa-môn, bà-la-môn, những người nghèo khổ, những người qua đường.

Ông tỉnh trưởng Pāyāsi vốn có tính keo kiệt, bủn xỉn trong của cải, nên ông ra lệnh cho cậu Uttara đem các vật thí loại xấu, loại tồi tạo phước-thiện bố-thí đến chư tỳ-khưu, sa-môn, bà-la-môn, những người nghèo khổ, những người đi đường, v.v…

Mặc dù vậy, cậu Uttara vẫn vâng lệnh ông tỉnh trưởng đem những vật thí loại xấu, loại tồi ấy tạo phước-thiện bố-thí, cúng dường đến chư tỳ-khưu, sa-môn, bà-la-môn một cách cung-kính, và tạo phước-thiện bố-thí phân phát những vật thí loại xấu, loại tồi ấy đến những người nghèo khổ, những người đi đường, v.v… cũng cung-kính như vậy.

Sau khi tạo phước-thiện bố-thí xong phận sự, cậu Uttara phát nguyện rằng:

“Tôi chỉ gặp ông tỉnh trưởng Pāyāsi kiếp hiện-tại này mà thôi. Do năng lực phước-thiện hỗ-trợ tạo phước-thiện bố-thí này, kiếp sau của tôi xin không gặp lại ông tỉnh trưởng Pāyāsi này nữa.”

Nghe người báo cho ông tỉnh trưởng biết cậu Uttara phát nguyện như vậy, nên ông tỉnh trưởng Pāyāsi gọi cậu Uttara đến hỏi rằng:

- Này Uttara! Ta nghe người báo tin cho biết ngươi

đã phát nguyện như vậy có thật hay không?

Cậu Uttara thưa với ông tỉnh trưởng Pāyāsi rằng:

- Kính thưa ông tỉnh trưởng, đúng sự thật như vậy.

-Này Uttara! Do nguyên nhân nào mà ngươi phát nguyện như vậy?

-Kính thưa ông tỉnh trưởng, ông dùng những món ăn ngon lành, mặc y phục những thứ vải tốt, còn ông ra lệnh cho tôi đem những thứ vật thực dở như cơm nấu bằng thứ gạo hẩm, với nước cải ngâm chua; các thứ vải thô xấu tạo phước-thiện bố-thí đến chư tỳ-khưu, sa-môn, bà-la-môn, những người nghèo khổ, những người đi đường, v.v…

Những thứ vật thí loại xấu, loại tồi ấy chính ông cũng không muốn nhìn thấy. Ông tỉnh trưởng muốn cho mọi người kính trọng ông, nhưng ông lại đối xử với những người ấy như vậy, thì làm sao họ kính trọng, thương yêu ông được?

Nghe cậu Uttara thưa như vậy, ông tỉnh trưởng Pāyāsi ra lệnh cậu Uttara rằng:

- Này Uttara! Vậy, từ nay ngươi hãy tạo phước-thiện bố-thí những món vật thực như ta dùng, những thứ vải như ta mặc [14].

Tuân theo lệnh của ông tỉnh trưởng Pāyāsi, từ đó về sau, hằng ngày cậu Uttara hỗ-trợ, giúp đỡ ông tỉnh trưởng trong công việc tạo phước-thiện bố-thí, cúng dường những vật thí tốt đến chư tỳ-khưu, sa-môn, bà-la-môn một cách cung-kính, và bố-thí phân phát những vật thí tốt ấy đến những người nghèo khổ, những người đi đường, v.v... rất cung-kính, với tâm từ, tâm bi của mình.

Quả báu phước-thiện bố-thí của ông tỉnh trưởng Pāyāsi

Ông tỉnh trưởng Pāyāsi chỉ ra lệnh cho cậu Uttara tạo phước-thiện bố-thí mà thôi, ông không tự tay mình tạo phước-thiện bố-thí đến chư tỳ-khưu, chư sa-môn, chư bà-la-môn, các người nghèo khổ, người đi dường khác, cũng không biết kính trọng phước-thiện bố-thí.

Về sau, sau khi ông tỉnh trưởng Pāyāsi chết, đại-thiện-nghiệp bố-thí ấy cho quả tái-sinh làm vị thiên-nam trong lâu đài tầm thường hoang vắng có tên Serīsaka-vimāna tại cõi trời tứ Đại-Thiên-vương, sống một mình không có ai hầu hạ, mà còn phải lên hầu hạ các chư-thiên trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên nữa.

Quả báu phước-thiện hỗ-trợ của cậu Uttara

Hằng ngày, cậu Uttara là người làm công ăn lương của ông tỉnh trưởng Pāyāsi, cậu Uttara có phận sự hỗ-trợ tạo phước-thiện bố-thí các vật thí loại tốt đến chư tỳ-khưu, sa-môn, bà-la-môn một cách cung-kính, và bố-thí phân phát những vật thí tốt ấy đến những người nghèo khổ, những người đi đường, v.v... rất cung-kính, với tâm từ, tâm bi như vậy.

Sau khi cậu Uttara chết, đại-thiện-nghiệp hỗ-trợ tạo phước-thiện bố-thí ấy cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam Uttara cao quý trong một lâu đài Uttaravimāna cao 12 do-tuần to lớn nguy nga tráng lệ sáng ngời tại cõi trời Tam-thập-tam-thiên, cũng như hội trường Sudhammā của Đức-vua trời Sakka tại cõi trời Tam-thập-tam-thiên.

Vị thiên-nam Uttara cao quý có hào quang sáng ngời, có đông chư thiên-nam và chư thiên-nữ hầu hạ, hưởng mọi sự an-lạc trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên ấy.

* Một hôm, Ngài Trưởng-lão Gavampati bay lên nghỉ trưa trên cõi trời tứ Đại-Thiên-vương, gặp vị thiên-nam Pāyāsi truyền hỏi rằng:

- Này vị thiên-nam! Tiền-kiếp của ngươi là ai, đã làm phước-thiện như thế nào mà tái-sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời này như vậy?

Vị thiên-nam Pāyāsi bạch với Ngài Trưởng-lão rằng:

- Kính bạch Ngài Trưởng-lão, tiền-kiếp của con là tỉnh trưởng Pāyāsi ra lệnh cho cậu Uttara hỗ-trợ giúp con tạo phước-thiện bố-thí, còn con không tự tay tạo phước-thiện bố-thí đến những người thọ-thí, và không biết kính trọng phước-thiện bố-thí, nên sau khi con chết, đại-thiện-nghiệp bố-thí ấy cho quả tái-sinh làm vị thiên-nam trong lâu đài Serīsakavimāna hoang vắng này. Bạch Ngài.

- Kính bạch Ngài Trưởng-lão, khi Ngài trở về cõi người, kính xin Ngài Trưởng-lão dạy bảo cho những người thân nhân của con biết rằng:

“Tỉnh trưởng Pāyāsi đã không tự tay tạo phước-thiện bố-thí một cách cung-kính, không kính trọng phước-thiện bố-thí, nên sau khi chết, đại-thiện-nghiệp bố-thí ấy cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam trong lâu đài hoang vắng trên cõi trời tứ Đại-Thiên-vương.”

- Kính bạch Ngài Trưởng-lão, kính xin Ngài dạy bảo những người thân nhân của con và những người khác nên tự tay mình tạo phước-thiện bố-thí đến chư tỳ-khưu, chư sa-môn, chư bà-la-môn một cách cung-kính, và nên biết kính trọng phước-thiện bố-thí.

Ngài Trưởng-lão Gavampati nhận lời yêu cầu của vị thiên-nam Pāyāsi, rồi Ngài hỏi thiên-nam Pāyāsi rằng:

-Này vị thiên-nam Pāyāsi! Cậu Uttara là người làm công ăn lương hỗ-trợ giúp tiền-kiếp ngươi tạo phước-thiện bố-thí, nay kiếp hiện-tại của cậu Uttara sinh ở cõi trời nào vậy?

- Kính bạch Ngài Trưởng-lão, cậu Uttara là người làm công ăn lương hỗ-trợ giúp tiền-kiếp của con tạo phước-thiện bố-thí các vật thí cúng-dường đến chư tỳ-khưu, chư sa-môn, chư bà-la-môn,…một cách cung-kính, nên sau khi cậu Uttara chết, đại-thiện-nghiệp cao quý ấy cho quả tái-sinh kiếp sau là vị thiên-nam Uttara trong lâu đài Uttaravimāna to lớn cũng như hội trường Sudhammā của Đức-vua-trời Sakka trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên. Bạch Ngài.

* Một hôm, Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna ngự lên trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên gặp vị thiên-nam Uttara, nên hỏi rằng:

-Này Uttara! Ngươi có lâu đài to lớn nguy nga tráng lệ, có ánh sáng tỏa rộng khắp mọi nơi cũng như hội trường Sudhammā của Đức-vua trời Sakka là nơi hội họp nhóm chư thiên. Ngươi có nhiều oai lực, có ánh sáng hào quang sáng ngời tỏa ra khắp mọi phương hướng, có đông thiên-nam thiên-nữ hầu hạ, hưởng mọi sự an-lạc như vậy.

Khi ở cõi người, tiền-kiếp của ngươi đã tạo những phước-thiện nào mà nay kiếp hiện-tại này ngươi có nhiều oai lực đến như vậy?

Nghe Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna hỏi như vậy, vị thiên-nam Uttara vô cùng hoan-hỷ bạch với Ngài Đại-Trưởng-lão rằng:

- Kính bạch Ngài Đại-Trưởng-lão, khi ở cõi người, tiền-kiếp của con là người làm công ăn lương của ông tỉnh trưởng Pāyāsi, con có phận sự tạo phước-thiện hỗ-trợ giúp đỡ tạo phước-thiện bố-thí cúng dường các vật thí đến chư tỳ-khưu, Sa-môn, Bà-la-môn một cách cung-kính, và bố-thí phân phát những vật thí đến những người nghèo khổ, những người đi đường, v.v…cũng cung-kính, với tâm từ, tâm bi.

Ngoài ra, khi có được món vật thực, con cũng tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đến chư tỳ-khưu, Sa-môn, Bà-la-môn một cách cung-kính.

- Kính bạch Ngài Đại-Trưởng-lão, những phước-thiện mà tiền-kiếp của con đã tạo tại cõi người như vậy.

Sau khi con chết, đại-thiện-nghiệp cao quý ấy có cơ hội cho quả tái-sinh hóa-sinh làm vị thiên-nam trong cõi trời Tam-thập-tam-thiên, trong lâu đài to lớn nguy nga tráng lệ sáng ngời, con có ánh sáng hào quang, có nhiều oai lực như thế này.

- Kính bạch Ngài Đại-Trưởng-lão, tiền-kiếp của con, đã tạo những phước-thiện khi ở cõi người như vậy, nên kiếp hiện-tại, con là vị thiên-nam có nhiều oai lực, có ánh sáng hào quang sáng ngời toả khắp các phương hướng, có nhiều thiên-nam, thiên-nữ hầu hạ, con hưởng mọi an-lạc như vậy. Bạch Ngài.

Nhận xét về ông tỉnh trưởng Pāyāsi và cậu Uttara

Ông tỉnh trưởng Pāyāsi trong tích Serīsakavimāna và cậu Uttara trong tích Uttaravimāna được tóm lược như sau:

* Tiền-kiếp của vị thiên-nam Pāyāsi ông tỉnh trưởng Pāyāsi tỉnh Setabya trong đất nước Kosala, ra lệnh cho cậu Uttara hằng ngày làm phận sự hỗ-trợ ông trong công việc tạo phước-thiện bố-thí các vật thí đến chư tỳ-khưu, chư sa-môn, chư bà-la-môn, các người nghèo khổ, người đi đường, v.v…

Ông tỉnh trưởng Pāyāsi chỉ xuất ra tiền của mà thôi, không tự tay mình tạo phước-thiện bố-thí đến người thọ thí một cách cung-kính, và cũng không coi trọng công việc tạo phước-thiện bố-thí. Cho nên, sau khi ông tỉnh trưởng Pāyāsi chết, đại-thiện-nghiệp bậc thấp cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam tên là Pāyāsi trong lâu đài Serīsakavimāna hoang vắng tại cõi trời tứ Đại-Thiên-vương, không có thiên-nam, thiên-nữ nào hầu hạ, vị thiên-nam Pāyāsi còn phải lên cõi trời Tam-thập-tam-thiên hầu hạ các vị chư-thiên trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên nữa.

* Tiền-kiếp của vị thiên-nam Uttara là người làm công ăn lương của ông tỉnh trưởng Pāyāsi, tên là Uttara.

Hằng ngày, cậu Uttara vâng theo lệnh của ông tỉnh trưởng Pāyāsi, tạo phước-thiện hỗ-trợ giúp ông trong công việc tạo phước-thiện bố-thí các vật thí đến chư tỳ-khưu, chư Sa-môn, chư bà-la-môn một cách cung-kính, phân phát các vật thí đến những người nghèo khổ,… cũng cung-kính với tâm từ, tâm bi đến với họ.

Cho nên, sau khi cậu Uttara chết, đại-thiện-nghiệp bậc cao cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam Uttara cao quý trong lâu đài Uttaravimāna cao 12 do-tuần to lớn nguy nga tráng lệ sáng ngời tại cõi trời Tam-thập-tam-thiên, cũng như hội trường Sudhammā của Đức-vua trời Sakka tại cõi trời Tam-thập-tam-thiên.

Vị thiên-nam Uttara cao quý có hào quang sáng ngời, có đông chư thiên-nam và thiên-nữ hầu hạ, hưởng mọi sự an-lạc trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên ấy.

Như vậy, ông tỉnh trưởng Pāyāsi thí-chủ xuất ra nhiều tiền của mỗi ngày, nhưng không trực-tiếp tự tay tạo phước-thiện bố-thí đến người thọ-thí.

Còn cậu Uttara là người làm công ăn lương, tạo phước-thiện hỗ-trợ giúp ông tỉnh trưởng Pāyāsi, hằng ngày trực-tiếp tự tay tạo phước-thiện bố-thí cúng dường các vật thí đến chư tỳ-khưu, chư sa-môn, chư bà-la-môn một cách cung-kính.

* Quả của phước-thiện bố-thí của ông tỉnh trưởng Pāyāsi không trực-tiếp tự tay tạo phước-thiện bố-thí đến người thọ-thí thật là thấp kém.

* Còn quả của phước-thiện hỗ-trợ của cậu Uttara làm công ăn lương trực-tiếp tự tay tạo phước-thiện bố-thí cúng dường các vật thí đến chư tỳ-khưu, chư sa-môn, chư bà-la-môn một cách cung-kính thật là cao quý.

Như vậy, đại-thiện-nghiệp bố-thí của người thí-chủ xuất ra tiền của tạo phước-thiện bố-thí dù có nhiều đến bao nhiêu, mà không tự tay tạo phước-thiện bố-thí đến cho người thọ-thí, thì cũng không thể sánh với đại-thiện-nghiệp hỗ-trợ của người bỏ công sức tạo phước-thiện hỗ-trợ trực-tiếp tự tay tạo phước-thiện bố-thí đến người thọ-thí một cách cung-kính.

Thật ra, người thí-chủ tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm xuất tiền của tạo phước-thiện bố-thí trong những dục-giới lộ-trình-tâm diễn tiến qua thời gian quá ít so với người bỏ công sức tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm tạo phước-thiện hỗ-trợ, trực-tiếp tự tay tạo phước-thiện bố-thí đến người thọ-thí trong những dục-giới lộ-trình-tâm diễn tiến qua thời gian hằng ngày quá nhiều vô số, không sao kể được.

Tóm lại, người thí-chủ xuất ra tiền của tạo phước-thiện bố-thí mà không tự tay mình tạo phước-thiện bố-thí đến cho người thọ-thí, dù có xuất ra tiền của nhiều đến bao nhiêu cũng không thể sánh với người bỏ công tạo phước-thiện hỗ-trợ giúp đỡ tạo phước-thiện bố-thí.

Nếu người thí-chủ có đại-thiện-tâm trong sạch, tin nghiệp và quả của nghiệp, xuất ra tiền của tạo phước-thiện bố-thí, rồi tự tay mình tạo phước-thiện bố-thí đến cho người thọ-thí một cách cung-kính thì chắc chắn quả báu của phước-thiện bố-thí ấy thật là vô lượng, đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai.

VI-PHƯỚC-THIỆN HỒI-HƯỚNG (Pattidānakusala)

Pattidānakusala: Phước-thiện hồi-hướng

- Định nghĩa Pattidāna:

“Pattabbā’ti: Patti. Pattiyā dānaṃ: Pattidānaṃ.”

Trạng-thái mà người đã có phần phước-thiện, gọi là patti; Sự bố-thí hồi-hướng phần phước-thiện ấy, gọi là pattidānakusala: phước-thiện hồi-hướng.

Phước-thiện hồi-hướng là hồi-hướng phần phước-thiện bố-thí, giữ-giới, hành-thiền,… của mình đến cho ông bà, cha mẹ, thầy tổ, bà con thân quyến đã quá vãng, đến cho tất cả chúng-sinh đã quá vãng.

Đó là định nghĩa theo cách puggalādhiṭṭhāna: định nghĩa theo con người là chính.

“Pattiṃ dadanti etenā’ti: Pattidānaṃ.”

Những thí-chủ có tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm bố-thí, giữ-giới, hành-thiền, v.v… rồi hồi-hướng phần phước-thiện của mình đến cho những người đã quá vãng hoặc chia phần phước-thiện của mình đến những người đang hiện hữu với đại-thiện-tâm trong sạch, gọi là pattidānakusala: phước-thiện hồi-hướng.

Đó là định nghĩa theo cách dhammādhiṭṭhāna: định nghĩa theo pháp là chính.

Vấn: Khi người thí-chủ đã tạo phước-thiện nào, rồi hồi-hướng phần phước-thiện ấy đến cho nhiều người khác, nhiều chúng-sinh khác, thì phần phước-thiện của mình như thế nào?

Đáp: Khi người thí-chủ đã tạo phước-thiện nào, rồi hồi-hướng phần phước-thiện ấy đến cho càng nhiều người, càng nhiều chúng-sinh bao nhiêu, thì phần phước-thiện ấy càng tăng thêm phần xán lạn, vững chắc thêm nhiều, đặc biệt thí-chủ có thêm phước-thiện hồi-hướng nữa.

Ví dụ: Một người có cây đèn đang cháy sáng, đem ánh sáng cây đèn của mình cho mồi càng nhiều cây đèn bao nhiêu, thì ánh sáng càng tỏa rộng ra bấy nhiêu.

Pattidānakusala: Phước-thiện hồi-hướng.

Patti trong danh từ pattidāna này có nghĩa là phần phước-thiện của mình như phần phước-thiện bố-thí, phần phước-thiện giữ-giới, phần phước-thiện hành-thiền của mình, v.v… mà người đã tạo phước-thiện xong rồi, đã tích lũy trong tâm của mình, rồi người ấy nói lên lời hồi-hướng phần phước-thiện ấy đến cho những bà con thân quyến đã quá vãng, hoặc chia phần phước-thiện ấy đến những người sống đang hiện hữu trong đời, hoặc ban phần phước-thiện ấy đến tất cả chúng-sinh trong muôn loài.

* Người thí-chủ đã tạo được phước-thiện nào, rồi tạo phước-thiện hồi-hướng phần phước-thiện ấy đến cho người khác, chúng-sinh khác, gọi là pattidāna.

* Người nhận đó là những bà con thân quyến đã quá vãng, hoặc những bà con thân quyến đang sống hiện hữu trong đời, hoặc tất cả chúng-sinh muôn loài hoan-hỷ nhận phần phước-thiện của người thí-chủ tạo phước-thiện hồi-hướng đến mình, gọi là pattānumodanā.

Vậy, pattidāna: Phước-thiện hồi-hướng phần phước-thiện của mình có liên quan với pattānumodanā: phước-thiện hoan-hỷ nhận phần phước-thiện của người khác hồi-hướng đến cho mình.

(Xong phần phước-thiện hồi-hướng)

VII- PHƯỚC-THIỆN HOAN-HỶ (Pattānumodanākusala)

Pattānumodanākusala: Phước-thiện hoan-hỷ

- Định nghĩa Pattānumodanā:

“Pāpiyatī’ti: patti. Pattiṃ anumodanti sādhukāraṃ dadanti etenā’ti: pattānumodanaṃ.”

Phần phước-thiện của người khác hồi-hướng đến gọi là patti. Những chúng-sinh phát sinh đại-thiện-tâm hoan-hỷ nhận phần phước-thiện của người khác hồi-hướng đến cho mình bằng cách nói lên lời hoan-hỷ rằng: “Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!” với tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm hoan-hỷ gọi là pattānumodanākusala: phước-thiện hoan-hỷ nhận phần phước-thiện của người khác hồi-hướng.

Patti trong danh từ pattānumodanākusala này có nghĩa là phần phước-thiện của người khác hồi-hướng.

Chúng-sinh phát sinh đại-thiện-tâm hoan-hỷ nhận phần phước-thiện của người khác hồi-hướng đến cho mình, bằng cách nói lên lời hoan-hỷ rằng:

“Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!” với tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm hoan-hỷ, gọi là pattānumodanākusala: phước-thiện hoan-hỷ nhận phần phước-thiện của người khác hồi-hướng đến cho mình.

Căn cứ theo định nghĩa này:

* Nếu tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm đồng sinh với thọ hỷ vô cùng hoan-hỷ nhận phần phước-thiện của người khác hồi-hướng đến cho mình, bằng cách nói lên lời hoan-hỷ rằng: “Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!” thì pattānumodanākusala: phước-thiện hoan-hỷ nhận phần phước-thiện của người khác hồi-hướng được trọn vẹn.

* Nếu tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm đồng sinh với thọ xả không hoan-hỷ nhiều nhận phần phước-thiện của người khác hồi-hướng đến cho mình, dù có nói lên lời hoan-hỷ theo người khác rằng: “Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!” thì pattānumodanākusala: phước-thiện hoan-hỷ nhận phần phước-thiện của người khác hồi-hướng không được trọn vẹn.

* Nếu người nào có tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm đồng sinh với thọ hỷ hợp với trí-tuệ vô cùng hoan-hỷ nhận phần phước-thiện của người khác hồi-hướng đến cho mình, bằng cách nói lên lời hoan-hỷ rằng: “Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!” thì pattānumodanākusala: phước-thiện hoan-hỷ nhận phần phước-thiện của người khác hồi-hướng được hoàn toàn trọn vẹn.

Anumodanākusala với Pattānumodanākusala

* Anumodanākusala: Phước-thiện hoan-hỷ.

Ví như người nào nhìn thấy người khác đang tạo phước-thiện bố-thí, phước-thiện giữ gìn giới trong sạch, phước-thiện đang thực-hành pháp-hành thiền-định, đang thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, v.v… hoặc nhìn thấy tên thí-chủ ghi trên vật thí dâng cúng dường đến Tam-bảo, hoặc đọc kinh sách thấy danh sách các thí-chủ tạo phước-thiện pháp-thí, rồi người ấy phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan-hỷ phước-thiện pháp-thí như vậy, gọi là anumodanākusala: phước-thiện hoan-hỷ.

* Pattānumodanākusala: Phước-thiện hoan-hỷ nhận phần phước-thiện của người khác chia cho mình.

Ví như người thí-chủ nào đã tạo được phước-thiện bố-thí, hoặc phước-thiện xây dựng chỗ ở xong, làm lễ dâng cúng dường đến chư tỳ-khưu-Tăng, rồi người thí-chủ ấy nói lên lời hồi-hướng phần phước-thiện ấy đến cho bà con thân quyến đã quá vãng, và nói lời chia phần phước-thiện ấy đến cho những người đến tham dự trong buổi lễ ấy, hoặc sau đó gặp những người bà con thân quyến, bạn hữu, quen biết, v.v…

Khi nghe người thí-chủ ấy chia phần phước-thiện của họ đến cho mình như vậy, những người nghe phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan-hỷ nói lên lời hoan-hỷ rằng: “Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!” với tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm hoan-hỷ nhận phần phước-thiện của thí-chủ chia cho mình, như vậy, gọi là pattānumodanākusala: phước-thiện hoan-hỷ nhận phần phước-thiện của người khác chia đến mình.

Phước-thiện hồi-hướng (Pattidāna)

Pattidāna có 2 cách:

1- Uddissikapattidāna: Hồi-hướng phần phước-thiện đến cho chúng-sinh riêng biệt.

2- Anuddissikapattidāna: Hồi-hướng phần phước-thiện đến chung cho tất cả chúng-sinh.

* Hồi-hướng phần phước-thiện đến cho chúng-sinh riêng biệt như thế nào?

Sau khi đã tạo được phước-thiện nào xong rồi, người thí-chủ hồi-hướng phần phước-thiện ấy đến cho bà con thân quyến của họ đã quá vãng thời gian lâu hoặc mau không giới hạn.

Nếu bà con thân quyến quá vãng nào hay biết có thân nhân tạo phước-thiện, rồi hồi-hướng phần phước-thiện ấy thì xuất hiện đến nơi ấy. Bà con thân quyến quá vãng ấy phát sinh đại-thiện-tâm trong sạch vô cùng hoan-hỷ nói lên lời hoan-hỷ rằng: “Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!” nhận phần phước-thiện ấy. Ngay tức thì bà con thân quyến quá vãng ấy hưởng được quả báu của phần phước-thiện ấy, thoát khỏi kiếp khổ cực thiếu thốn ấy, được hưởng kiếp sống an-lạc đầy đủ ngay khi ấy.

Ví dụ: Tích Tirokuḍḍapetavatthu [15] được tóm lược

điểm chính như sau:

Nhóm ngạ-quỷ là bà con thân quyến của Đức-vua Bimbisāra từ thời-kỳ Đức-Phật Phussa xuất hiện trên thế gian cho đến thời-kỳ Đức-Phật Gotama của chúng ta trải qua thời gian khoảng cách 92 đại-kiếp trái đất, có 8 Đức-Phật theo tuần tự xuất hiện trên thế gian: Đức-Phật Phussa, Đức-Phật Vipassī, Đức-Phật Sikhī, Đức-Phật Vessabhū, Đức-Phật Kakusandha, Đức-Phật Koṇā-gamana, Đức-Phật Kasspa, đến Đức-Phật Gotama.

Những người bà con thân quyến của Đức-vua Bimbisāra ấy vốn là những người hộ độ Đức-Phật Phussa cùng chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, họ gây gỗ với nhóm người có đức-tin khác, rồi cố ý làm trở ngại công việc bố-thí cúng dường, họ đã tự lấy các đồ ăn của chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng mà dùng, lại còn đốt cháy nhà bếp, nên họ đã tạo ác-nghiệp trộm cắp của chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng.

Sau khi nhóm người ấy chết, ác-nghiệp trộm-cắp ấy cho quả tái-sinh trong cõi đại-địa-ngục, từ cõi đại-địa ngục này đến các tiểu-địa-ngục khác, trải qua 92 đại-kiếp trái đất, đến kiếp trái đất Bhaddakappa này.

Trong thời-kỳ Đức-Phật Kassapa xuất hiện trên thế-gian, nhóm chúng-sinh ấy mới được thoát ra khỏi cõi địa-ngục, rồi tái-sinh làm loài ngạ-quỷ đói khát.

Một hôm, nhóm ngạ-quỷ này đến hầu Đức-Phật Kassapa, bạch rằng:

- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, nhóm ngạ-quỷ chúng con đến khi nào mới có người bà con thân quyến tạo phước-thiện bố-thí, rồi hồi-hướng phần phước-thiện bố-thí ấy đến cho chúng con, để chúng con nhận được phần phước-thiện hồi-hướng ấy, mới mong thoát khỏi kiếp ngạ-quỷ đói khát khổ cực này, được hưởng kiếp sống đầy đủ an-lạc? Bạch Ngài.

Nghe chúng ngạ-quỷ bạch hỏi như vậy, Đức-Phật Kassapa dạy bảo rằng:

- Này các ngạ-quỷ! Bây giờ các con chưa được gì đâu! Các con hãy ráng chờ trong thời vị-lai đến khi Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian.

Thuở ấy, Đức-vua Bimbisāra đã từng là bà con thân quyến của các con trước đây cách 92 đại-kiếp trái đất. Đức-vua Bimbisāra sẽ tạo phước-thiện bố-thí, cúng dường đến Đức-Phật Gotama cùng chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, rồi sẽ hồi-hướng phần phước-thiện ấy đến cho các con.

Nghe lời dạy của Đức-Phật Kassapa, nhóm ngạ-quỷ vô cùng hoan-hỷ trông chờ như sắp nhận được phần phước-thiện bố-thí ấy nay mai.

Thời-kỳ Đức-Phật Kassapa xuất hiện trên thế gian, tuổi thọ con người khoảng 20.000 năm. Đến khi Đức-Phật Kassapa tịch diệt Niết-bàn, và giáo-pháp của Đức-Phật cũng hoàn toàn bị tiêu hoại, thì ác-pháp dần dần tăng trưởng, còn thiện-pháp từ từ suy thoái, cho nên, tuổi thọ của con người giảm dần, giảm dần từ 20.000 năm xuống dần cho đến khi tuổi thọ chỉ còn 10 năm.

Khi ấy, một thảm họa khủng khiếp xảy ra, con người chém giết lẫn nhau vô cùng tàn khốc, không phân biệt cha mẹ, con cái, anh em, bà con thân quyến,…

Một số người hoảng sợ chạy trốn trong rừng núi thoát thân. Khi biết nạn chém giết không còn nữa, số người ấy gặp lại nhau, cam kết không sát hại lẫn nhau nữa.

Từ đó, con người bắt đầu biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, giữ gìn ngũ-giới trong sạch trọn vẹn. Vì vậy, tuổi thọ con người dần dần càng ngày càng tăng trưởng lên đến tột đỉnh a-tăng-kỳ năm [16].

Thời-kỳ ấy, con người sống lâu phát sinh tâm dể duôi, ác-pháp bắt đầu phát sinh, do đó, tuổi thọ của con người cũng bắt đầu giảm xuống dần, giảm xuống dần cho đến thời-kỳ con người có tuổi thọ khoảng 100 năm. Khi ấy, Đức-Phật Gotama của chúng ta xuất hiện trên thế gian.

Vào thời ấy, Đức-vua Bimbisāra ngự tại kinh-thành Rājagaha, trị vì đất nước Māgadha, Đức-Thế-Tôn ngự đến kinh-thành Rājagaha cùng với chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng. Khi ấy, Đức-vua Bimbisāra ngự đến hầu đảnh lễ Đức-Phật, cùng toàn thể dân chúng trong kinh-thành, Đức-Phật thuyết-pháp tế độ Đức-vua Bimbisāra và toàn thể dân chúng. Ngay ngày hôm ấy, Đức-vua Bimbisāra chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu cùng với dân chúng 110.000 người trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.

Đức-vua Bimbisāra có đức-tin trong sạch vững chắc nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, kính thỉnh Đức-Phật cùng chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng ngày hôm sau độ vật thực tại cung điện.

Đức-Phật im lặng nhận lời thỉnh mời của Đức-vua Bimbisāra.

Sáng ngày hôm sau, Đức-Phật ngự cùng chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng đến cung điện, Đức-vua Bimbisāra tạo phước-thiện đại-thí cúng dường đến Đức-Phật và chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng.

Khi ấy, nhóm ngạ-quỷ bà con thân quyến của Đức-vua Bimbisāra cùng nhau hiện đến cung điện đứng chờ đợi với hy vọng rằng:

“Bây giờ, Đức-vua Bimbisāra sẽ hồi-hướng phần phước-thiện đại-thí đến cho nhóm ngạ-quỷ chúng ta. Bây giờ, Đức-vua Bimbisāra sẽ hồi-hướng, …”

Sau khi làm lễ phước-thiện đại-thí cúng dường vật thực đến Đức-Phật và chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng độ xong, Đức-vua Bimbisāra mải lo suy nghĩ xây dựng ngôi chùa nơi nào thuận lợi, làm chỗ ở của Đức-Phật và chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, nên không hồi-hướng phần phước thiện đại-thí ấy đến cho một ai cả.

Nhóm ngạ-quỷ bà con thân quyến của Đức-vua không nhận được phần phước-thiện đại-thí ấy. Vì vậy, chúng ngạ-quỷ vô cùng thất vọng khổ tâm khôn xiết.

Ban đêm, nhóm ngạ-quỷ bà con thân quyến của Đức-vua dẫn nhau hiện đến lâu đài của Đức-vua, kêu la khóc than những âm thanh đáng kinh sợ.

Sáng ngày hôm sau, Đức-vua Bimbisāra ngự đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, bạch rằng:

-Kính bạch Đức-Thế-Tôn, đêm qua, con nghe những âm thanh đáng kinh sợ.

Vậy, có chuyện gì xảy đến với con? Bạch Ngài.

Đức-Thế-Tôn dạy rằng:

-Này Đại-vương! Không có gì đáng cho Đại-vương lo sợ. Nhóm ngạ-quỷ là bà con thân quyến của Đại-vương trong thời quá khứ, chúng trông đợi Đại-vương từ thời-kỳ Đức-Phật Kassapa cho đến nay với hy vọng Đại-vương tạo phước-thiện đại-thí rồi hồi-hướng phần phước-thiện đại-thí ấy đến cho nhóm ngạ-quỷ riêng biệt.

Sau khi nhóm ngạ-quỷ ấy hoan-hỷ nhận được phần phước-thiện hồi-hướng ấy, chúng sẽ được thoát khỏi kiếp ngạ-quỷ đói khát khổ cực, được hưởng kiếp sống đầy đủ an-lạc.

Ngày hôm qua, sau khi tạo phước-thiện đại-thí xong, Đại-vương không hồi-hướng phần phước-thiện đại-thí ấy đến cho nhóm ngạ-quỷ ấy.

Vì vậy, nhóm ngạ-quỷ vô cùng thất vọng khổ tâm, nên đêm khuya nhóm ngạ-quỷ ấy hiện đến gần lâu đài của Đại-vương kêu la khóc than những âm thanh đáng kinh sợ như vậy.

Nghe Đức-Thế-Tôn dạy như vậy, Đức-vua Bimbisāra bạch rằng:

- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, nếu ngày mai con tạo phước-thiện đại-thí, rồi hồi-hướng phần phước-thiện đại-thí ấy thì nhóm ngạ-quỷ bà con thân quyến của con có nhận được phần phước-thiện đại-thí ấy hay không? Bạch Ngài.

Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:

- Này Đại-vương! Nhóm ngạ-quỷ bà con thân quyến của Đại-vương sẽ nhận được phần phước-thiện bố-thí ấy.

Lắng nghe Đức-Thế-Tôn truyền dạy như vậy, Đức-vua Bimbisāra liền bạch rằng:

- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, ngày mai, con kính thỉnh Đức-Thế-Tôn ngự cùng với chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng đến cung điện, để con xin tạo phước-thiện đại-thí cúng dường đến Đức-Thế-Tôn và chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, lần này con sẽ hồi-hướng phần phước-thiện đại-thí ấy đến cho nhóm ngạ-quỷ bà con thân quyến của con riêng biệt, để cứu giúp chúng thoát khỏi kiếp ngạ-quỷ đói khát khổ cực ấy, được hưởng kiếp sống đầy đủ an-lạc.

Đức-Phật im lặng nhận lời thỉnh mời của Đức-vua Bimbisāra.

Đức-vua Bimbisāra thành kính đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, rồi xin phép hồi cung ngự trở về cung điện, lo sửa soạn vật thực, để tạo phước-thiện đại-thí vào ngày hôm sau.

Sáng ngày hôm sau ấy, Đức-Phật ngự cùng với chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng đến cung điện của Đức-vua Bimbisāra, Đức-Phật ngự lên ngồi chỗ cao quý và chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng ngồi chỗ mỗi vị.

Nhóm ngạ-quỷ bà con thân quyến của Đức-vua Bimbisāra dẫn nhau hiện đến đứng các nơi bên ngoài chờ đợi với hy vọng rằng:

“Hôm nay, chúng ta chắc chắn sẽ nhận được phần phước-thiện đại-thí hồi-hướng ấy, rồi sẽ hóa thành thức ăn, thức uống, v.v… cho chúng ta.”

Đức-Phật làm cho tất cả nhóm ngạ-quỷ hiện rõ ra, để cho Đức-vua Bimbisāra nhìn thấy chúng. Mỗi khi, Đức-vua tự tay mình dâng cúng dường món ăn, thức uống nào đến Đức-Phật và chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, Đức-vua đều hồi-hướng phần phước-thiện bố-thí rằng:

“Idaṃ me ñātīnaṃ hotu” phước-thiện bố-thí này, cầu mong cho được thành tựu đến những bà con thân quyến của tôi.

Nhóm ngạ-quỷ bà con thân quyến của Đức-vua Bimbisāra phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan-hỷ nói lên lời hoan-hỷ rằng:

“Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!”

Ngay khi ấy, những ngạ-quỷ bà con thân quyến đều thoát khỏi kiếp ngạ-quỷ, hóa-sinh làm nhóm chư-thiên có đầy đủ món ăn, thức uống cõi trời, không còn phải chịu cảnh đói khát khổ thân nữa, chúng có nước tắm đầy đủ mát mẻ, có thân hình khỏe mạnh.

Đức-vua Bimbisāra thành kính dâng cúng dường y và các thứ vật dụng khác đến Đức-Phật và chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, rồi hồi-hướng phần phước-thiện bố-thí rằng:

Idaṃ me ñātīnaṃ hotu” phước-thiện bố-thí này, cầu mong cho được thành tựu đến những bà con thân quyến của tôi.

Nhóm ngạ-quỷ bà con thân quyến của Đức-vua Bimbisāra phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan-hỷ nói lên lời hoan-hỷ rằng:

“Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!”

Ngay khi ấy, những ngạ-quỷ bà con thân quyến đều có đầy đủ các bộ y phục đẹp đẽ lạ thường, các đồ trang sức quý giá, các lâu đài sang trọng, chỗ nằm, chỗ ngồi đẹp đẽ, v.v… như cõi trời được phát sinh đến tất cả nhóm bà con thân quyến ấy.

Do nhờ oai lực của Đức-Phật, nên Đức-vua Bimbisāra tận mắt nhìn thấy tất cả nhóm bà con thân quyến của mình được thoát khỏi kiếp ngạ-quỷ, được hóa-sinh làm nhóm chư-thiên hưởng được mọi sự an-lạc như nhóm chư-thiên. Đức-vua phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan-hỷ.

Sau khi độ vật thực xong, Đức-Thế-Tôn thuyết-pháp tích Tirokuḍḍapetavatthu này.

Tích Tirokuḍḍapetavatthu này có 12 bài kệ, trong đó có câu hồi-hướng rằng:

“Idaṃ vo ñātīnaṃ hotu, sukhitā hontu ñātayo.

Cầu mong phần phước-thiện bố-thí này được thành tựu quả báu đến những bà con thân quyến của các con, cầu mong những bà con thân quyến của các con thoát khỏi mọi cảnh khổ, được hưởng sự an-lạc lâu dài.

* Về sau, mỗi khi người thí-chủ nào tạo phước-thiện nào rồi, người thí-chủ ấy đọc câu hồi-hướng phần phước-thiện ấy bằng câu kệ Pāḷi rằng:

“Idaṃ no ñātīnaṃ hotu, sukhitā hontu ñātayo.

Cầu mong phần phước-thiện bố-thí này được thành tựu quả báu đến những bà con thân quyến của chúng con, cầu mong những bà con thân quyến của chúng con thoát khỏi mọi cảnh khổ, được hưởng sự an-lạc lâu dài.

Như vậy, thí-chủ hồi hướng phần phước-thiện của mình đến cho chúng-sinh khác gọi là pattidānakusala: phước-thiện hồi-hướng phần phước-thiện của mình và chúng-sinh khác hoan-hỷ nhận phần phước-thiện của thí-chủ gọi là pattānumodanakusala: phước-thiện hoan-hỷ nhận phần phước-thiện của người khác, nên 2 loại phước-thiện này có sự liên quan với nhau giữa người ban cho và người hoan-hỷ nhận.

Tích Sāriputtattheramātupeta [17]

Tích Sāriputtattheramātupeta: Ngạ-quỷ thân mẫu của Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta được tóm lược như sau:

Tiền-kiếp của nữ ngạ-quỷ này đã từng là thân mẫu của Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta trong quá khứ kiếp thứ 5 kể từ kiếp hiện-tại.

Tiền-kiếp của nữ ngạ-quỷ là vợ của ông Bà-la-môn nhà giàu có nhiều của cải. Ông Bà-la-môn là người có tâm từ, tâm bi đối với mọi người. Hằng ngày, ông tự tay tạo phước-thiện bố-thí, cúng dường vật thực, y phục, vật dụng cần thiết,… đến các Sa-môn, Bà-la-môn, những người nghèo khổ, người qua đường, v.v…

Một hôm, ông Bà-la-môn có công việc phải đi khỏi nhà, nên ông dạy bảo người vợ ở nhà thay ông giữ gìn truyền thống gia đình tạo phước-thiện bố-thí, cúng dường vật thực, y phục, vật dụng cần thiết,… đến các Sa-môn, Bà-la-môn, những người nghèo khổ, những người qua đường, nhưng người vợ ở nhà không làm theo lời dạy bảo của chồng.

Hễ có người đến nương nhờ thì bà buông lời mắng nhiếc rằng: “Các người hãy ăn phẩn, uống nước tiểu, liếm máu mủ, nước miếng,…”.

Sau khi bà chết, ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh vào loài ngạ-quỷ đói khát, ăn uống những đồ dơ bẩn như ăn phẩn, uống nước tiểu, liếm máu mủ, nước miếng,… chịu bao nỗi khổ cực đói khát, lạnh lẽo do quả của ác-nghiệp của mình đã tạo trong tiền-kiếp.

Nữ ngạ-quỷ nhớ lại được tiền-kiếp của mình đã từng là thân mẫu của Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta, nên bà đến nương nhờ Ngài Đại-Trưởng-lão có tâm bi tế độ, nhưng vị thiên-nam giữ cổng ngăn cản không cho vào, nên nữ ngạ-quỷ thưa với vị thiên-nam rằng:

-Thưa thiên-nam, tiền-kiếp của tôi đã từng là thân mẫu của Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta. Xin thiên-nam cho tôi được phép vào đảnh lễ Ngài Đại-Trưởng-lão.

Nữ ngạ-quỷ được phép vào đứng khép nép. Nhìn thấy nữ ngạ-quỷ, Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta có tâm bi bèn hỏi rằng:

-Này nữ ngạ-quỷ! Ngươi là ai mà thân hình trần truồng, ốm yếu da bọc xương, đứng run rẩy thật đáng thương. Lão tăng tế độ ngươi thế nào?

Nghe Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta hỏi, nên nữ ngạ-quỷ bạch rằng:

- Kính bạch Ngài Đại-Trưởng-lão, tiền-kiếp của con đã từng là thân mẫu của Ngài Đại-Trưởng-lão, do ác-nghiệp của con cho quả tái-sinh làm loài nữ ngạ-quỷ chịu cảnh khổ đói khát, đành phải ăn uống đồ dơ bẩn, ăn phẩn, uống nước tiểu, nước đàm, nước miếng người ta nhổ bỏ, liếm máu mủ của đàn ông, đàn bà, nước vàng từ tử thi chảy ra, sống không có nơi nương tựa trong các nghĩa địa, bãi tha ma.

- Kính bạch Ngài Đại-Trưởng-lão, kính xin Ngài Đại-Trưởng-lão tạo phước-thiện bố-thí, rồi hồi-hướng phần phước-thiện bố-thí ấy đến cho con. Khi con phát sinh đại-thiện-tâm trong sạch hoan-hỷ nhận được phần phước-thiện bố-thí hồi-hướng ấy, may ra cứu giúp con thoát khỏi kiếp ngạ-quỷ đói khát khổ sở như thế này.

Lắng nghe nữ ngạ-quỷ đã từng là thân mẫu của Ngài trong tiền-kiếp thứ 5, Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta phát sinh tâm bi tìm cách cứu giúp nữ ngạ-quỷ thoát khỏi cảnh khổ, nên Ngài Đại-Trưởng-lão đến bàn bạc với Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna, Ngài Trưởng lão Anuruddha, Ngài Trưởng-lão Mahākappina cùng nhau cứu giúp nữ ngạ-quỷ.

Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna đi khất thực trong kinh-thành Rājagaha, vào cung điện gặp Đức-vua Bimbisāra. Đức-vua thỉnh mời, yêu cầu Ngài Đại-Trưởng-lão cần những thứ vật dụng nào, để Đức-vua dâng cúng. Nhân dịp ấy, Ngài Đại-Trưởng-lão báo cho Đức-vua biết chuyện nữ ngạ-quỷ đã từng là thân mẫu của Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta, sống trong cảnh đói khát khổ sở không có nơi nương tựa.

Nghe vậy, Đức-vua truyền lệnh xây cất 4 cái cốc chỗ ở của chư tỳ-khưu-Tăng. Sau khi xây cất xong, sắm sửa đầy đủ 4 thứ vật dụng cần thiết đối với tỳ-khưu.

Đức-vua Bimbisāra làm lễ dâng 4 cái cốc ấy đến Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta có Đức-Phật chủ trì.

Một lần nữa, Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta làm lễ dâng 4 cái cốc có đầy đủ 4 thứ vật dụng cần thiết đến chư tỳ-khưu-Tăng từ bốn phương, có Đức-Phật chủ trì, rồi xin hồi-hướng phần phước-thiện bố-thí ấy đến nữ ngạ-quỷ đã từng là thân mẫu của mình trong tiền-kiếp.

Nữ ngạ-quỷ phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan-hỷ, nói lên lời hoan-hỷ rằng: “Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!” nhận được phần phước-thiện bố-thí hồi-hướng đặc biệt ấy. Ngay tức thì, nữ ngạ-quỷ thoát khỏi kiếp ngạ-quỷ, hóa-sinh làm vị thiên-nữ xinh đẹp trên cõi trời, có hào quang sáng ngời, có y phục lộng lẫy trong lâu đài nguy nga tráng lệ, có đầy đủ các thứ của cải quý giá của chư-thiên, hưởng mọi sự an-lạc trong cõi trời ấy.

Sau đó, vị thiên-nữ hiện xuống cõi người, đến hầu đảnh lễ Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna, rồi đứng một nơi hợp lẽ. Khi ấy, Ngài Đại-Trưởng-lão hỏi vị thiên-nữ đã tạo đại-thiện-nghiệp nào mà trở thành vị thiên-nữ có nhiều quả báu đặc biệt như vậy.

Vị thiên-nữ bạch với Ngài rõ về tiền-kiếp của mình...

Hồi-hướng thành tựu

Phước-thiện bố-thí mà thí-chủ hồi-hướng đến hàng ngạ-quỷ bà con thân quyến của thí-chủ, hoặc hàng ngạ-quỷ khác được thành tựu cần phải hội đầy đủ 3 điều kiện cần thiết:

* Thí-chủ có đại-thiện-tâm trong sạch hồi-hướng phần phước-thiện bố-thí của mình đến cho hàng ngạ-quỷ.

* Hàng ngạ-quỷ gồm có nhiều nhóm như: 12 nhóm, 4 nhóm, 21 nhóm. Trong tất cả các nhóm ngạ-quỷ ấy, chỉ có nhóm ngạ-quỷ sống gần gũi với loài người, gọi là paradattupajīvikapeta: ngạ-quỷ sống do nhờ người khác cho, mới có cơ hội nhận được phần phước-thiện bố-thí của thân nhân, hoặc của những người khác hồi-hướng. Còn lại các nhóm ngạ-quỷ khác không có cơ hội nhận phần phước-thiện bố-thí của thân nhân hồi-hướng, bởi vì chúng sống xa loài người.

* Bậc thọ-thí có đầy đủ các đức cao thượng, như Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, chư bậc Thánh A-ra-hán, chư Đại-đức Tỳ-khưu-Tăng có giới-đức trong sạch, thực-hành pháp-hạnh cao thượng.

Nếu hội đầy đủ 3 điều kiện cần thiết ấy thì thí-chủ hồi-hướng phần phước-thiện bố-thí đến nhóm ngạ-quỷ bà con thân quyến của thí-chủ, hoặc hàng ngạ-quỷ khác ấy mới được thành tựu.

Hồi-hướng thành tựu – không thành tựu

Trong bài kinh Jāṇussoṇīsutta[18] Đức-Thế-Tôn thuyết dạy ông Bà-la-môn Jāṇussoṇī về cách hồi-hướng phước-thiện bố-thí thành tựu và không thành tựu đến số chúng-sinh, được tóm lược như sau:

Một thuở nọ, ông Bà-la-môn Jāṇussoṇī đến hầu đảnh lễ vấn an Đức-Thế-Tôn xong, ngồi một nơi hợp lẽ, bạch với Đức-Thế-Tôn rằng:

- Kính bạch Đức-Phật Gotama, con là Bà-la-môn tạo phước-thiện bố-thí, rồi hồi-hướng phần phước-thiện bố-thí ấy đến cho các bà con thân quyến đã quá vãng của con, với hy vọng rằng: “Các bà con thân quyến đã quá vãng ấy nhận được phần phước-thiện bố-thí mà con đã hồi-hướng”.

- Kính bạch Đức-Phật Gotama, các bà con thân quyến đã quá vãng của con có nhận được phần phước-thiện bố-thí ấy mà con đã hồi-hướng hay không? Bạch Ngài.

Đức Thế Tôn dạy ông Bà-la-môn Jāṇussoṇī rằng:

- Này Bà-la-môn! Nếu các bà con thân quyến đã quá vãng có cơ hội thì nhận được phần phước-thiện bố-thí mà thân quyến đã hồi-hướng, và nếu các bà con thân quyến đã quá vãng không có cơ hội thì không nhận được phần phước-thiện bố-thí mà thân quyến đã hồi-hướng.

Jā.-Kính bạch Đức-Phật Gotama, nếu các bà con thân quyến đã quá vãng có cơ hội thì nhận được phần phước-thiện bố-thí mà thân quyến đã hồi-hướng như thế nào?

Và nếu bà con thân quyến đã quá vãng không có cơ hội thì không nhận được phần phước-thiện bố-thí mà thân quyến đã hồi-hướng như thế nào? Bạch Ngài.

ĐP. -Này Bà-la-môn! Trong đời này, người nào tạo ác-nghiệp sát-sinh, ác-nghiệp trộm-cắp, ác-nghiệp tà-dâm, ác-nghiệp nói-dối, ác-nghiệp nói lời chia rẽ, ác-nghiệp nói lời thô tục, ác-nghiệp nói lời vô ích, tham lam của người khác, thù hận, có tà-kiến.

Sau khi người ấy chết, nếu ác-nghiệp ấy có cơ hội cho quả thì tái-sinh kiếp sau làm chúng-sinh trong cõi địa-ngục, sống trong cõi địa ngục.

- Này Bà-la-môn! Nếu các bà con thân quyến đã quá vãng thuộc về loài chúng-sinh trong cõi địa-ngục thì không có cơ hội nhận được phần phước-thiện bố-thí mà thân quyến đã hồi-hướng đến cho chúng (bởi vì, chúng-sinh trong cõi địa ngục không biết, nên không có cơ hội đến nhận phần phước-thiện bố-thí mà thân quyến đã hồi-hướng đến cho chúng).

-Này Bà-la-môn! Trong đời này, người nào tạo ác-nghiệp sát-sinh, ác-nghiệp trộm-cắp, ác-nghiệp tà-dâm, …, tham lam của người khác, thù hận, có tà-kiến.

Sau khi người ấy chết, nếu ác-nghiệp ấy có cơ hội cho quả thì tái-sinh kiếp sau làm loài súc-sinh, sống trong loài súc-sinh.

- Này Bà-la-môn! Nếu các bà con thân quyến đã quá vãng thuộc về loài súc-sinh thì không có cơ hội nhận được phần phước-thiện bố-thí mà thân quyến đã hồi-hướng đến cho chúng (bởi vì, loài súc-sinh không biết, nên không có cơ hội đến nhận phần phước-thiện bố-thí mà thân quyến đã hồi-hướng đến cho chúng).

- Này Bà-la-môn! Trong đời này, người nào tạo đại-thiện-nghiệp tránh xa sự sát-sinh, tránh xa sự trộm-cắp, tránh xa sự tà-dâm, tránh xa sự nói-dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục, tránh xa sự nói lời vô ích, không tham lam của người khác, không thù hận, có chánh-kiến.

Sau khi người ấy chết, nếu đại-thiện-nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau làm loài người, sống trong cõi người.

- Này Bà-la-môn! Nếu các bà con thân quyến đã quá vãng thuộc về loài người thì không có cơ hội nhận được phần phước-thiện bố-thí mà thân quyến đã hồi-hướng đến cho họ (bởi vì, loài người không biết, nên không có cơ hội đến nhận phần phước-thiện bố-thí mà thân quyến đã hồi-hướng đến cho họ).

-Này Bà-la-môn! Trong đời này, người nào tạo đại-thiện-nghiệp tránh xa sự sát-sinh, tránh xa sự trộm-cắp, tránh xa sự tà-dâm,…, không tham lam của người khác, không thù hận, có chánh-kiến.

Sau khi người ấy chết, nếu đại-thiện-nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ, sống trong cõi trời dục-giới.

- Này Bà-la-môn! Nếu các bà con thân quyến đã quá vãng thuộc về vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trong cõi trời dục-giới thì không có cơ hội nhận được phần phước-thiện bố-thí mà thân quyến đã hồi-hướng đến cho họ (bởi vì, vị chư-thiên cõi trời dục-giới không quan tâm, nên không có cơ hội đến nhận phần phước-thiện bố-thí mà thân quyến đã hồi-hướng đến cho họ).

- Này Bà-la-môn! Trong đời này, người nào tạo ác-nghiệp sát-sinh, ác-nghiệp trộm-cắp, ác-nghiệp tà-dâm,

… tham lam của người khác, thù hận, có tà-kiến.

Sau khi người ấy chết, nếu ác-nghiệp ấy có cơ hội cho quả thì tái-sinh kiếp sau làm loài ngạ-quỷ, sống trong loài ngạ-quỷ chịu quả khổ đói khát.

Nếu loài ngạ-quỷ ấy biết có thân quyến hoặc bạn hữu, hoặc những thí-chủ khác tạo phước-thiện bố-thí, rồi hồi-hướng phần phước-thiện bố-thí ấy đến cho loài ngạ-quỷ thì loài ngạ-quỷ ấy có cơ hội hiện đến phát sinh đại-thiện-tâm nói lên lời hoan-hỷ, nên nhận được phần phước thiện bố-thí mà thí-chủ hồi-hướng đến cho họ, mới thoát khỏi kiếp ngạ-quỷ đói khát ấy, nhờ đại-thiện-nghiệp hoan-hỷ phần phước-thiện bố-thí cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-dục-giới là cõi người hoặc 6 cõi trời dục-giới, hưởng mọi sự an-lạc trong cõi thiện-dục-giới ấy tuỳ theo năng lực quả của đại-thiện-nghiệp.

-Này Bà-la-môn! Nếu các bà con thân quyến đã quá vãng thuộc về loài ngạ-quỷ ấy thì có cơ hội nhận được phần phước-thiện bố-thí mà thân quyến đã hồi-hướng (bởi vì, loài ngạ-quỷ biết, nên có cơ hội hiện đến nơi ấy, phát sinh đại-thiện-tâm hoan-hỷ, nhận được phần phước-thiện bố-thí mà thí-chủ đã hồi-hướng đến cho họ).

Jā. -Kính bạch Đức-Phật Gotama, nếu bà con thân quyến đã quá vãng ấy không thuộc về loài ngạ-quỷ thì ai sẽ hưởng được quả báu của phước-thiện bố-thí ấy?

ĐP. -Này Bà-la-môn! Có các bà con thân quyến khác đã quá vãng thuộc về loài ngạ-quỷ. Các bà con thân quyến ngạ-quỷ khác ấy có cơ hội đến nhận được phần phước-thiện bố-thí mà thân quyến đã hồi-hướng đến cho họ. Loài ngạ-quỷ khác ấy hưởng được quả báu của phước-thiện bố-thí ấy.

Jā. -Kính bạch Đức-Phật Gotama, nếu bà con thân quyến đã quá vãng ấy không thuộc về loài ngạ-quỷ và các bà con thân quyến đã quá vãng khác cũng không thuộc về loài ngạ-quỷ, thì ai sẽ hưởng được quả báu của phước-thiện bố-thí ấy.

ĐP. -Này Bà-la-môn! Các bà con thân quyến đã tử sinh luân-hồi trải qua vô số kiếp ấy, mà không có bà con thân quyến quá vãng nào thuộc về loài ngạ-quỷ, đó là điều không thể có được.

Và thí-chủ đã tạo phước-thiện bố-thí, rồi hồi-hướng phần phước-thiện bố-thí của mình, thì chính thí-chủ là người hưởng được quả báu của phước-thiện bố-thí ấy.

Jā. -Kính bạch Đức-Phật Gotama, Ngài dạy: “Người thí-chủ cũng hưởng được quả báu của phước-thiện bố-thí ấy nữa. Bạch Ngài”.

ĐP. -Này Bà-la-môn! Như-Lai dạy: “Người thí-chủ hưởng được quả báu của phước-thiện bố-thí ấy nữa”.

-Này Bà-la-môn! Trong đời này, người nào tạo ác-nghiệp sát-sinh, ác-nghiệp trộm-cắp, ác-nghiệp tà-dâm,

…, tham lam của người khác, thù hận, có tà-kiến.

Và người ấy cũng tạo phước-thiện bố-thí vật thực, nước uống, vải, xe cộ, vòng hoa, vật thơm, vật thoa đến những người khác, tạo phước-thiện bố-thí cúng dường các thứ vật dụng cần thiết đến chư tỳ-khưu, các Sa-môn, các Bà-la-môn,…

Sau khi người ấy chết, nếu ác-nghiệp ấy có cơ hội cho quả thì tái-sinh kiếp sau sinh làm con voi báu được người quyền quý sử dụng, nên con voi báu ấy có vật thực, nước uống đầy đủ, có các đồ trang sức quý giá,…

- Này Bà-la-môn! Như vậy, trong đời này, người nào tạo ác-nghiệp sát-sinh, ác-nghiệp trộm-cắp, ác-nghiệp tà-dâm,..., tham lam của người khác, thù hận, có tà-kiến.

Và người ấy cũng tạo phước-thiện bố-thí vật thực,nước uống, vải, xe cộ, vòng hoa, vật thơm, vật thoa đến những người khác, tạo phước-thiện bố-thí cúng dường các thứ vật dụng cần thiết đến chư tỳ-khưu, các Sa-môn, các Bà-la-môn,…

Sau khi người ấy chết, nếu ác-nghiệp ấy có cơ hội cho quả thì tái-sinh kiếp sau sinh làm con ngựa báu, con chó tinh khôn,… Con ngựa báu, con chó tinh khôn ấy được người quyền quý nuôi dưỡng chăm sóc chu đáo.

- Này Bà-la-môn! Trong đời này, người nào tạo thiện-nghiệp tránh xa sự sát-sinh, tránh xa sự trộm-cắp, tránh xa sự tà-dâm, tránh xa sự nói-dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục, tránh xa sự nói lời vô ích, không tham lam của người khác, không thù hận, có chánh-kiến.

Và người ấy cũng tạo phước-thiện bố-thí vật thực, nước uống, vải, xe cộ, vòng hoa, vật thơm, vật thoa đến những người khác, tạo phước-thiện bố-thí cúng dường các thứ vật dụng cần thiết đến chư tỳ-khưu, các Sa-môn, các Bà-la-môn.

Sau khi người ấy chết, nếu đại-thiện-nghiệp ấy có cơ hội cho quả thì tái-sinh kiếp sau làm người trong cõi người. Người ấy là người giàu sang phú quý, có nhiều của cải tài sản, hưởng được mọi sự an-lạc trong cõi người.

- Này Bà-la-môn! Trong đời này, người nào tạo thiện-nghiệp tránh xa sự sát-sinh, tránh xa sự trộm-cắp, tránh xa sự tà-dâm, tránh xa sự nói-dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục, tránh xa sự nói lời vô ích, không tham lam của người khác, không thù hận, có chánh-kiến.

Và người ấy cũng tạo phước-thiện bố-thí vật thực, nước uống, vải, xe cộ, vòng hoa, vật thơm, vật thoa đến những người khác, tạo phước-thiện bố-thí cúng dường các thứ vật dụng cần thiết đến chư tỳ-khưu, các Sa-môn, các Bà-la-môn.

Sau khi người ấy chết, nếu đại-thiện-nghiệp ấy có cơ hội cho quả thì tái-sinh kiếp sau hóa-sinh vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trên cõi trời dục-giới, hưởng được mọi sự an-lạc vi-tế cho đến khi hết tuổi thọ trên cõi trời dục-giới ấy.

- Này Bà-la-môn! Vì vậy, Như-lai dạy rằng: Người thí-chủ cũng hưởng được quả-báu của phước-thiện bố-thí ấy nữa.

Jā. -Kính bạch Đức-Phật Gotama, thật phi thường! chưa từng nghe!

- Kính bạch Đức-Phật Gotama, người thí-chủ cũng được hưởng được quả báu của phước-thiện bố-thí ấy.

Như vậy, mọi người nên tạo phước-thiện bố-thí thật sự, nên có đức-tin nơi phước-thiện bố-thí thật sự.

ĐP. -Này Bà-la-môn! Điều ấy đúng như vậy!

Sau khi nghe Đức-Thế-Tôn thuyết dạy như vậy, ông Bà-la-môn Jāṇussoṇī bạch rằng:

-Kính bạch Đức-Phật Gotama, con thật vô cùng hoan-hỷ. Đức-Phật Gotama thuyết-pháp bằng nhiều cách, ví như lật ngửa ra vật bị che đậy, hoặc mở ra vật bị đóng kín, hoặc rọi đèn soi sáng vào chỗ tăm tối, để cho người có đôi mắt sáng được thấy rõ tất cả mọi vật hiện hữu.

Con đem hết lòng thành kính xin quy-y, nương nhờ nơi Đức-Phật Gotama; xin quy-y, nương nhờ nơi Đức-Pháp-bảo; xin quy-y, nương nhờ nơi chư tỳ-khưu-Tăng-bảo.

Kính xin Đức-Phật Gotama công nhận con là người cận-sự-nam đã quy-y Tam-bảo kể từ nay cho đến trọn kiếp của con.

Phước-thiện bố-thí và phước-thiện hồi-hướng (Dānakusala và Pattidānakusala)

Phước-thiện bố-thí (dānakusala), phước-thiện hồi-hướng (pattidānakusala) và phước-thiện hoan-hỷ (pattā-numodanakusala) cả 3 loại phước-thiện này chỉ có thuận lợi nhất đối với con người trong cõi Nam-thiện-bộ-châu (cõi người mà chúng ta đang sinh sống) mà thôi, còn đối với các chúng-sinh trong các cõi-giới khác thì khó có cơ hội, thậm chí không có cơ hội thực hiện được theo ý muốn của mình được.

Thật vậy, nên suy xét các chúng-sinh trong 31 cõi trong tam-giới như sau:

* Chư phạm-thiên trong 4 tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên chỉ có tứ-uẩn (thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn và thức-uẩn), nghĩa là chư phạm-thiên chỉ có tâm mà không có thân. Mỗi vị phạm-thiên đều hưởng quả an-lạc của vô-sắc-giới thiện-nghiệp trong tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên của mình.

* Chư phạm-thiên trong 15 tầng trời sắc-giới phạm-thiên có đủ ngũ-uẩn (sắc-uẩn, thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn và thức-uẩn), nghĩa là chư phạm-thiên thân tâm. Mỗi vị phạm-thiên đều hưởng quả an-lạc của sắc-giới thiện-nghiệp trong tầng trời sắc-giới phạm-thiên của mình.

* Và chư phạm-thiên trong tầng trời sắc-giới Vô-tưởng-thiên chỉ có nhất-uẩn sắc-uẩn mà thôi, nghĩa là chư phạm-thiên chỉ có thân mà không có tâm. Mỗi vị phạm-thiên đều duy trì sắc thân suốt 500 đại-kiếp trái đất trong tầng trời sắc-giới phạm-thiên của mình.

* Chư vị thiên-nam, vị thiên-nữ trong 6 tầng trời dục-giới có đủ ngũ-uẩn (sắc-uẩn, thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn và thức-uẩn). Mỗi vị thiên-nam, vị thiên-nữ đều hưởng quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp trong tầng trời dục-giới của mình.

* Những chúng-sinh trong 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), đang chịu quả khổ của ác-nghiệp trong cõi ác-giới của mình.

* Con người trong cõi Nam-thiện-bộ-châu (cõi người mà chúng ta đang sinh sống), khi thì đại-thiện-nghiệp cho quả an-lạc, khi thì ác-nghiệp cho quả khổ.

Con người trong cõi Nam-thiện-bộ-châu này có tính chất đặc biệt hơn các chúng-sinh trong các cõi-giới khác như sau:

- Con người chúng ta có nhiều cơ hội thuận lợi tạo các pháp-hạnh ba-la-mật tuỳ theo ý nguyện của mỗi Đức-Bồ-tát.

- Nếu Đức-Bồ-tát có ý nguyện muốn trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, thì Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải tạo đầy đủ 30 pháp-hạnh ba-la-mật: 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ, 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung, 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng.

- Nếu Đức-Bồ-tát có ý nguyện muốn trở thành Đức-Phật Độc-Giác, thì Đức-Bồ-tát Độc-Giác cần phải tạo đầy đủ 20 pháp-hạnh ba-la-mật: 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ, 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung.

- Nếu Đức-Bồ-tát có ý nguyện muốn trở thành bậc Thánh thanh-văn-giác, thì Đức-Bồ-tát thanh-văn-giác cần phải tạo đầy đủ 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ.

Cho nên, con người trong cõi Nam-thiện-bộ-châu này có khả năng trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, Đức-Phật Độc-Giác, bậc Thánh thanh-văn-giác tuỳ theo ý nguyện của mỗi Đức-Bồ-tát.

-Con người này có cơ hội tạo mọi thiện-nghiệp tuỳ theo khả năng của mình, và cũng có cơ hội tạo mọi ác-nghiệp theo khả năng của mình.

-Con người này có cơ hội tốt tạo mọi phước-thiện rồi hồi hướng phần phước-thiện ấy đến cho những người bà con thân quyến đã quá vãng, hoặc chia phần phước-thiện ấy đến cho những người thân hiện hữu trong đời.

Ví dụ: Người thí-chủ tạo phước-thiện bố-thí (dāna-kusala), cúng dường đến chư tỳ-khưu-Tăng, rồi tạo phước-thiện hồi-hướng (pattidānakusala) phần phước-thiện bố-thí ấy đến cho bà con thân quyến đã quá vãng, nhất là loài ngạ-quỷ, đọc câu hồi-hướng như sau:

“Idaṃ no ñātīnaṃ hotu, sukhitā hontu ñātayo.”

Phước-thiện bố-thí này, xin hồi-hướng đến tất cả bà con thân quyến của chúng con từ kiếp hiện-tại cho đến vô số kiếp trong quá-khứ, cầu mong quý vị nhận phần phước-thiện bố-thí này, để thoát khỏi mọi cảnh khổ, được an-lạc lâu dài.

Nếu bà con thân quyến đã quá vãng thuộc về loài ngạ-quỷ nào hay biết, thì loài ngạ-quỷ ấy xuất hiện đến, phát sinh đại-thiện-tâm nói lên lời hoan-hỷ rằng:

“Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!” gọi là phước-thiện hoan-hỷ (pattānumodanakusala) nhận được phần phước-thiện bố-thí ấy, thì ngay khi ấy, bà con thân quyến ấy được thoát khỏi kiếp ngạ-quỷ, nhờ đại-thiện-nghiệp hoan-hỷ nhận phần phước-thiện bố-thí ấy cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-dục-giới là cõi người hoặc cõi trời dục-giới, hưởng quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp ấy trong cõi thiện-giới ấy.

Đó là điều hạnh phúc an lành biết dường nào!

Pattidānakusala: Phước-thiện hồi-hướng có 2 cách:

1- Uddissikapattidānakusala: Hồi-hướng phần phước-thiện đến cho chúng-sinh riêng biệt:

Người thí-chủ có tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm tạo phước-thiện hồi-hướng đến cho các bà con thân quyến quá vãng riêng biệt như sau:

Dựa theo bài kệ trong tích Tirokuḍḍapetavatthu, các Ngài Đại-Trưởng-Lão dạy câu kệ hồi-hướng rằng:

“Idaṃ no ñātīnaṃ hotu, sukhitā hontu ñātayo.”

“Xin hồi-hướng phần phước-thiện này đến cho những bà con thân quyến của chúng con từ kiếp hiện-tại cho đến vô số kiếp quá-khứ, cầu mong những bà con thân quyến của chúng con hoan-hỷ nhận phần phước-thiện này, để thoát khỏi mọi cảnh khổ, được hưởng sự an-lạc lâu dài.”

2- Anuddissikapattidānakusala: Hồi-hướng phần phước-thiện đến chung cho tất cả chúng-sinh:

Người thí-chủ có tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm tạo phước-thiện hồi-hướng chung đến cho tất cả chúng-sinh như sau:

“Imaṃ puññabhāgaṃ sabbasattānaṃ demi (dema).”

“Con (chúng con) xin hồi-hướng phần phước-thiện này đến cho tất cả chúng-sinh muôn loài.”

* Nếu các thí-chủ tạo phước-thiện bố-thí nào, phước-thiện giữ-giới, phước-thiện hành-thiền, nhất là phước-thiện nghe chánh-pháp rồi, có tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm tạo phước-thiện hồi-hướng đến riêng cho các bà con thân quyến cùng chung với tất cả chúng-sinh muôn loài, thì nên đọc câu hồi hướng rằng:

“Imaṃ puññabhāgaṃ mātā-pitu-ācariya-ñāti-mitta-samūhānañceva sesasabbasattānañca devatānañca ārakkhadevatānañca visesato guṇavantānañca dema, sabbepi te puññapattiṃ laddhāna sukhitā hontu, dukkhā muccantu sabbattha.”

“Chúng con thành tâm hồi-hướng, kính dâng phần phước-thiện thanh cao này đến ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo, bà con thân quyến, bạn hữu cả thảy, cùng với tất cả chúng-sinh muôn loài, toàn thể chư-thiên, các vị chư-thiên hộ trì mỗi chúng con, đặc biệt đến các bậc ân nhân. Sau khi quý vị phát sinh đại-thiện-tâm hoan-hỷ nhận phần phước-thiện thanh cao này rồi, cầu mong tất cả quý vị đều hưởng được mọi sự an-lạc, được thoát khỏi mọi cảnh khổ trong khắp mọi nơi.”

Những loài chúng-sinh nào có cơ hội phát sinh đại-thiện-tâm hoan-hỷ nhận được phần phước-thiện mà thân quyến hoặc các thí-chủ khác đã hồi-hướng đến cho tất cả chúng-sinh, gọi là pattānumodanākusala: phước-thiện hoan-hỷ phần phước-thiện của thí-chủ hồi hướng đến cho họ.

Những loài chúng-sinh ấy nói lên lời Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay! Hoan-hỷ nhận phần phước-thiện của thí-chủ, đó là những loài chúng-sinh sống gần gũi với loài người như sau:

- Paradattupajīvikapeta: loài ngạ-quỷ duy trì sinh mạng do nhờ người khác ban đến cho họ.

- Vemānikapeta: ngạ-quỷ chịu quả khổ nhẹ của ác-nghiệp ban ngày, đến ban đêm hưởng quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp của họ.

- Vinipātika asura: Loài a-su-ra vinipātika như chư thiên ở trên mặt đất gần gũi với loài người.

- Những người thân sống gần gũi thân cận với thí-chủ hoặc những người cùng nhau tạo phước-thiện ấy.

Những loài chúng-sinh ấy có cơ hội phát sinh đại-thiện-tâm nói lên lời hoan-hỷ rằng: “Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!” nhận được phần phước-thiện ấy. Ngay khi ấy, đối với các loài ngạ-quỷ, nhờ đại-thiện-

nghiệp hoan-hỷ phần phước-thiện ấy cho quả thoát khỏi kiếp ngạ-quỷ, đồng thời liền tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trên cõi trời dục-giới, hưởng được mọi sự an-lạc trong cõi trời dục-giới ấy.

Còn các loài chúng-sinh khác ở cách xa loài người không hay biết, nên không có cơ hội phát sinh đại-thiện-tâm hoan-hỷ phần phước-thiện ấy.

Quả báu Của Pattānumodanākusala

Tích Vihāravimāna [19] được tóm lược những điểm chính như sau:

Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh-thành Sāvatthi. Khi ấy, đại cận-sự-nữ Visākhā (Visākhā mahā-upāsikā) cùng với các bạn và đoàn thuộc hạ đông đảo đều trang điểm lộng lẫy có ý định đi du ngoạn công viên.

Đại cận-sự-nữ Visākhā trang điểm với đồ trang sức tấm choàng mahālatā cùng với 500 người bạn gái và đoàn thuộc hạ ngồi trên xe đang trên đường đi đến công viên, bà Visākhā nghĩ rằng:

“Ta đi du ngoạn công viên có lợi ích gì đâu! Vậy, ta nên đi đến ngôi chùa Jetavana, đảnh lễ Đức-Thế-Tôn và chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, rồi nghe Đức-Phật thuyết-pháp thì hạnh phúc biết dường nào!”

Sau khi nghĩ như vậy, đại cận-sự-nữ Visākhā dẫn đoàn đi đến gần ngôi chùa, dừng lại một nơi, bà cởi đồ trang sức tấm choàng mahālatā ra, rồi trao cho một tỳ nữ cầm.

Đại cận-sự-nữ Visākhā đi vào giảng đường đảnh lễ Đức-Thế-Tôn và chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, rồi ngồi một nơi hợp lẽ. Đức-Thế-Tôn thuyết-pháp tế độ đại cận-sự-nữ Visākhā cùng với 500 bạn gái và đoàn thuộc hạ.

Sau khi nghe Đức-Thế-Tôn thuyết-pháp xong, đại cận-sự-nữ Visākhā đảnh lễ Đức-Thế-Tôn và chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, xin phép trở về nhà.

Trên đường đi về, đại cận-sự-nữ Visākhā bảo cô nữ tỳ trao tấm choàng mahālatā lại cho bà, thì cô tỳ nữ thưa với bà rằng:

- Kính thưa bà chủ, con để quên tấm choàng mahālatā tại giảng đường. Con xin phép trở lại giảng đường lấy tấm choàng mahālatā cho bà.

Nghe cô nữ tỳ thưa như vậy, đại cận-sự-nữ Visākhā bảo rằng:

- Này con! Nếu con đã để quên tấm choàng mahālatā tại giảng đường thì con không nên trở lại lấy nó. Ta sẽ kính dâng tấm choàng mahālatā ấy để bán lấy tiền xây dựng ngôi chùa.

Đại cận-sự-nữ Visākhā đi trở lại đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, rồi bạch rằng:

- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con kính dâng tấm choàng mahālatā trị giá 90 triệu 100 ngàn đồng tiền vàng.

-Kính bạch Đức-Thế-Tôn, với số tiền ấy, Đức-Thế-Tôn cho phép con xây dựng một ngôi chùa to lớn thích hợp làm chỗ ở của Đức-Thế-Tôn và chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng.

Nghe đại cận-sự-nữ Visākhā bạch như vậy, Đức-Thế-Tôn chấp thuận bằng cách làm thinh.

- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, người có khả năng mua nổi tấm choàng mahālatā này không có. Vậy, con xin mua lại tấm choàng mahālatā với giá ấy.

- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con nên xây dựng ngôi chùa tại nơi nào? Bạch Ngài.

Đức-Thế-Tôn dạy đại cận-sự-nữ Visākhā rằng:

- Này Visākhā! Con nên xây dựng một ngôi chùa gần phía Đông cửa thành Sāvatthi.

Vâng lời dạy của Đức-Thế-Tôn, đại cận-sự-nữ Visākhā mua đất, rồi xây dựng một ngôi chùa to lớn do Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna trông coi xây dựng ngôi chùa ấy.

Một ngôi chùa như lâu đài đồ sộ có 2 tầng gồm có 1000 phòng: tầng trên có 500 phòng và tầng dưới cũng có 500 phòng thật là nguy nga như cõi trời.

Xung quanh ngôi chùa xây cất 1000 cốc nhỏ riêng biệt vắng vẻ, đường đi kinh hành, và đầy đủ mọi tiện nghi khác cho chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng.

Công trình xây dựng ngôi chùa ấy suốt 9 tháng mới hoàn thành, làm lễ khánh thành ngôi chùa đặt tên ngôi chùa là Pubbārāma chi phí thêm số tiền 90 triệu đồng vàng nữa.

Đại cận-sự-nữ Visākhā kính dâng cúng dường ngôi chùa Pubbārāma đến chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng tứ phương có Đức-Phật chủ trì.

Đại cận-sự-nữ Visākhā và 500 người bạn gái nhìn thấy ngôi chùa Pubbārāma đồ sộ nguy nga nên phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan-hỷ. Khi ấy, đại cận-sự-nữ Visākhā nói với các người bạn gái rằng:

“Imaṃ evarūpaṃ pasādaṃ kārentiyā yaṃ mayā puññaṃ pasutaṃ, taṃ anumodatha, pattidānaṃ vo dammi.”

-Này các bạn gái thân mến! Tôi đã cho xây dựng ngôi chùa Pubbārāma đồ sộ như một lâu đài nguy nga thế này, đã kính dâng đến chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng tứ phương có Đức-Phật chủ trì, nên đã tạo được phước-thiện bố-thí lớn này.

Tôi xin thành tâm chia phần phước-thiện thanh cao này đến cho quý bạn. Xin quý bạn nên phát sinh đại-thiện tâm hoan-hỷ nhận phần phước-thiện bố-thí này.

Nghe đại cận-sự-nữ Visākhā chia phần phước-thiện bố-thí đến cho mình, nên tất cả những người bạn gái phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan-hỷ nói lên lời hoan-hỷ rằng:

“Aho sādhu! Aho sādhu!” “Ô lành thay! Ô lành thay!” với đại-thiện-tâm vô cùng hoan-hỷ.

Trong nhóm những người bạn gái thân thiết ấy, có một người bạn gái phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan-hỷ đến phần phước-thiện bố-thí của bạn đại cận-sự-nữ Visākhā.

Về sau, người bạn gái thân thiết của đại cận-sự-nữ Visākhā chết, đại-thiện-nghiệp hoan-hỷ phần phước-thiện bố-thí của đại cận-sự-nữ Visākhā cho quả tái-sinh làm vị thiên-nữ trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên trong lâu đài đồ sộ nguy nga tráng lệ cao 16 do-tuần, tỏa ra ánh sáng 100 do-tuần, có hồ nước rộng lớn nhiều hoa sen, hoa súng đủ loại rất xinh đẹp lạ thường.

Một hôm nọ, Ngài Trưởng-lão Anuruddha bay lên cõi trời Tam-thập-tam-thiên, nhìn thấy vị thiên-nữ bạn thân của đại cận-sự-nữ Visākhā nên hỏi rằng:

- Này thiên-nữ! Cô có thân hình rất xinh đẹp, hào quang sáng ngời tỏa ra khắp mọi phương hướng, như ngôi sao sáng trên hư không, có các tiếng trời du dương, có hương trời tỏa ra quanh cô.

- Này thiên-nữ! Tiền-kiếp của cô khi ở cõi người, cô đã tạo đại-thiện-nghiệp như thế nào, mà nay kiếp hiện-tại này là vị thiên-nữ có nhiều oai lực như vậy?

Nghe Ngài Trưởng-lão Anuruddha hỏi như vậy, vị thiên-nữ hoan-hỷ bạch với Ngài Trưởng-lão rằng:

- Kính bạch Ngài Trưởng-lão, tiền-kiếp của con, khi ở cõi người, con là người bạn thân của đại cận-sự-nữ Visākhā. Đại cận-sự-nữ Visākhā cho xây dựng ngôi chùa Pubbārāma đồ sộ nguy nga như lâu đài, làm lễ dâng cúng dường đến chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng tứ phương có Đức-Phật chủ trì.

Con nhìn thấy ngôi chùa Pubbārāma đồ sộ nguy nga được dâng cúng dường đến chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng mà con kính trọng, nên con phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan-hỷ phước-thiện bố-thí cúng dường ấy.

Khi ấy, đại cận-sự-nữ Visākhā vô cùng hoan-hỷ nói với chúng con, bạn của bà rằng:

“-Này các bạn gái thân mến! Tôi đã cho xây dựng ngôi chùa Pubbārāma đồ sộ như một lâu đài nguy nga thế này, đã kính dâng đến chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng tứ phương có Đức-Phật chủ trì, nên đã tạo được phước-thiện bố-thí lớn này.

Tôi xin thành tâm chia phần phước-thiện này đến cho quý bạn. Xin quý bạn nên phát sinh đại-thiện-tâm hoan-hỷ nhận phần phước-thiện bố-thí này”.

Khi ấy, con là một trong nhóm bạn của đại cận-sự-nữ Visākhā, con phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan-hỷ nói lên lời hoan-hỷ rằng:

“Aho, sādhu! Aho, sādhu!”“Ô lành thay! Ô lành thay!” với đại-thiện-tâm vô cùng hoan-hỷ.

- Kính bạch Ngài Trưởng-lão, sau khi tiền-kiếp của con chết, đại-thiện-nghiệp hoan-hỷ phần phước-thiện bố-thí của đại cận-sự-nữ Visākhā ấy cho quả tái-sinh làm thiên-nữ trong lâu đài đồ sộ nguy nga tráng lệ tại cõi trời Tam-thập-tam-thiên này. Con có ánh sáng hào quang sáng ngời tỏa ra khắp mọi phương hướng, các thiên-nữ khác hầu hạ đàn ca múa hát. Xung quanh lâu đài có các nhạc trời đường dương, các hương trời tỏa ra thơm tho, có hồ nước lớn với nhiều loại hoa sen, hoa súng xinh đẹp, có khu vườn với nhiều loại cây có quả quanh năm, suốt tháng.

- Kính bạch Ngài Trưởng-lão, tất cả những gì mà con đang hưởng trong kiếp hiện-tại thiên-nữ này, đó là quả báu của phước-thiện hoan-hỷ phần phước-thiện bố-thí của đại cận-sự-nữ Visākhā, mà trong tiền-kiếp của con đã nói lên lời hoan-hỷ trong lễ dâng cúng dường ngôi chùa Pubbārāma đến chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng tứ phương có Đức-Phật chủ trì.

Nghe vị thiên-nữ bạch về tiền-kiếp của cô đã phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan-hỷ phần phước-thiện bố-thí của đại cận-sự-nữ Visākhā, nên kiếp hiện-tại là vị thiên-nữ như vậy.

Ngài Trưởng-lão Anuruddha hỏi về đại cận-sự-nữ Visākhā sinh cõi trời nào rằng:

- Này thiên-nữ! Cô có được những quả báu của đại-thiện-nghiệp đáng hài lòng này là nhờ phước-thiện hoan-hỷ phần phước-thiện bố-thí của đại cận-sự-nữ Visākhā.

Vậy, xin cô nói cho biết, sau khi đại cận-sự-nữ Visākhā chết, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh trong cõi trời dục-giới nào?

Vị thiên-nữ bạch với Ngài Trưởng-lão Anuruddha rằng

- Kính bạch Ngài Trưởng-lão, sau khi đại cận-sự-nữ Visākhā là bạn thân của con chết, đại-thiện-nghiệp cho quả hóa-sinh làm vị thiên-nữ Visākhā, trở thành Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua trời Sunimmita trên cõi trời Nimmānaratī (Hóa-lạc-thiên). Còn các quả báu của đại-thiện-nghiệp của đại cận-sự-nữ Visākhā thì con không thể nào biết được.

- Kính bạch Ngài Trưởng-lão, con đã bạch cho Ngài biết, sau khi đại cận-sự-nữ Visākhā chết, đại-thiện-nghiệp cho quả hóa-sinh làm vị thiên-nữ trong cõi trời Nimmānaratī là đúng sự thật vậy.

Vấn: Vị thiên-nữ cõi trời Tam-thập-tam-thiên biết vị thiên-nữ Visākhā cõi trời Hóa-lạc-thiên bằng cách nào?

Đáp: Vị thiên-nữ Visākhā từ cõi trời Hóa-lạc-thiên hiện xuống thăm vị thiên-nữ cõi trời Tam-thập-tam-thiên nói cho biết về cõi trời của mình.

Khi ấy, cô thiên-nữ bạch thỉnh cầu Ngài Trưởng-lão Anuruddha rằng:

-Kính bạch Ngài Trưởng-lão, khi Ngài trở lại cõi người, kính xin Ngài khuyên dạy mọi người nên có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, tạo phước-thiện bố-thí đến chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, nên lắng nghe chánh-pháp của Đức-Phật, bởi vì:

“Sudullabho laddho manussalābho, …”

Được sinh làm kiếp người là điều khó lắm, …

Đã được làm người rồi, thật vô cùng diễm phúc gặp thời-kỳ Đức-Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian, Đức-Pháp-bảo, và Đức-Tăng-bảo đã xuất hiện trên thế gian. Xin quý vị phát sinh đại-thiện-tâm có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, cố gắng tạo mọi phước-thiện bố-thí, cúng dường đến chư Thánh-Tăng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật, có 4 bậc Thánh-nhân là phước điền cao thượng của chúng-sinh không đâu sánh được.

Cho nên, những thí-chủ nào tạo phước-thiện bố-thí, cúng dường những thứ vật dụng cần thiết đến chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, dù ít, dù nhiều, chắc chắn những thí-chủ ấy được phước-thiện bố-thí lớn lao vô lượng, có quả báu lớn lao vô lượng, cũng ví như nước biển đại dương không thể biết được số lượng nhiều bao nhiêu.

Sau khi những thí-chủ ấy chết, đại-thiện-nghiệp bố-thí ấy có cơ hội cho quả tái-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trên cõi trời dục-giới, hưởng mọi sự an-lạc trong cõi trời ấy cho đến hết tuổi thọ.

Vị thiên-nữ đã hưởng được mọi quả báu thật đáng hài lòng của phước-thiện hoan-hỷ phần phước-thiện bố-thí của đại cận-sự-nữ Visākhā, nên cô nhắn lời khuyên bảo mọi người nên có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, nên tạo phước-thiện bố-thí những thứ vật dụng cần thiết đến chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, để có được nhiều phước-thiện vô lượng, có quả báu cũng vô lượng, được hưởng sự an-lạc trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai, đặc biệt còn làm duyên lành để giải thoát khỏi cảnh khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.

Đức-vua trời Sakka bạch hỏi 4 câu hỏi

Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana, gần kinh-thành Sāvatthi. Khi ấy, Đức-vua trời Sakka ngự cùng đoàn chư-thiên đông đảo đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn. Đức-Thế-Tôn truyền hỏi Đức-vua trời Sakka rằng:

-Này Thiên-vương! Do nhân nào mà Thiên-vương ngự đến cùng với đoàn chư-thiên đông đảo như vậy?

Đức-vua trời Sakka bạch với Đức-Thế-Tôn rằng:

-Kính bạch Đức-Thế-Tôn, toàn thể chư-thiên hội họp, đàm đạo với nhau có đặt ra 4 câu hỏi mà suốt 12 năm qua không một vị nào có khả năng giải đáp được.

Đó là nguyên nhân mà con ngự cùng với đoàn chư-thiên đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn như thế này.

- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, có 4 câu hỏi:

1- Trong tất cả các sự bố-thí, bố-thí nào bậc thiện-trí gọi là bố-thí cao thượng nhất?

2- Trong tất cả các loại vị, thứ vị nào bậc thiện-trí gọi là thứ vị cao thượng nhất?

3- Trong tất cả các sự hỷ-lạc, hỷ-lạc nào bậc thiện-trí gọi là sự hỷ lạc cao thượng nhất?

4- Sự diệt tận mọi tham-ái, tại sao bậc thiện-trí gọi là cao thượng nhất?

Nghe Đức-vua trời Sakka bạch hỏi 4 câu hỏi như vậy, Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:

- Này Thiên-vương! Như-Lai đã tạo đầy đủ trọn vẹn 30 pháp-hạnh ba-la-mật, đã trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác cốt để giải đáp mọi thắc mắc của tất cả chúng-sinh như Thiên-vương bây giờ.

Xin Thiên-vương lắng nghe Như-Lai giải đáp:

1- Trong tất cả các sự bố-thí, thì pháp-thí là sự bố-thí cao thượng nhất.

2- Trong tất cả loại vị, thì pháp-vị là vị cao thượng nhất.

3- Trong tất cả các sự hỷ-lạc, thì pháp-hỷ-lạc là cao thượng nhất.

4- Sự diệt tận mọi tham-ái là cao thượng thật sự, bởi vì trở thành bậc Thánh A-ra-hán giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

Đức-Phật thuyết câu kệ Dhammapadagāthā số 354:

“Sabbadānaṃ dhammadānaṃ jināti. Sabbarasaṃ dhammaraso jināti.

Sabbaratiṃ dhammaratiṃ jināti. Taṇhakkhayo sabbadukkhaṃ jināti.”[20]

Pháp-thí là cao thượng hơn tất cả mọi sự bố-thí.

Pháp-vị là cao thượng hơn tất cả mọi thứ vị.

Pháp-hỷ-lạc là cao thượng hơn tất cả mọi sự hỷ-lạc. Sự diệt tận mọi tham-ái, trở thành bậc Thánh A-ra-

hán là cao thượng thật sự, vì giải thoát mọi sự khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

Giảng Giải:

* Sabbadāna: tất cả mọi sự bố-thí:

Sự bố-thí cúng dường những tấm y quý giá, những vật thực ngon lành, những chỗ ở đầy đủ tiện nghi, những thuốc trị bệnh hay, v.v... thuộc về āmisadāna. Sự bố-thí cúng dường các vật thí này đến Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, đến Đức-Phật Độc-Giác, đến chư Thánh Thanh-văn-giác,… những phước-thiện bố-thí đều thuộc về āmisadāna, các vật thí này sẽ cho quả báu có nhiều của cải đầy đủ, giàu sang phú quý trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai.

* Dhammadāna: pháp-thí là bố-thí chánh-pháp của Đức-Phật đó là thuyết dạy chánh-pháp, đàm đạo chánh-pháp, sự ấn hành sách học chánh-pháp, phân phát sách dạy chánh-pháp, … đều gọi là dhammadāna: pháp-thí.

Chánh-pháp có 10 pháp là:

-Pháp-học chánh-pháp đó là học Tam-tạng Pāḷi.

-9 pháp siêu-tam-giới đó là 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.

Dhammadāna: pháp-thí là bố-thí các chánh-pháp của

Đức-Phật là nhân phát sinh các loại trí-tuệ như:

-Trí-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của các sắc-pháp, danh-pháp.

- Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, danh-pháp tam-giới.

- Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, danh-pháp tam-giới.

- Trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

Vì vậy, tất cả mọi sự bố-thí thuộc về āmisadāna, các vật thí dù nhiều đến bao nhiêu cũng không thể sánh với dhammadāna: pháp-thí được.

Thật vậy, thí-chủ tạo phước-thiện bố-thí thuộc về āmisadāna chỉ có thể giúp cho người thọ-thí bớt khổ trong kiếp hiện-tại, được sự an-lạc có giới hạn mà thôi.

Còn bậc thiện-trí tạo phước-thiện bố-thí thuộc về dhammadāna dù chỉ một bài kệ gồm có 4 câu, mà người hiểu biết rõ ý nghĩa bài kệ ấy, rồi thực-hành đúng theo chánh-pháp cũng dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

Thật vậy, như trường hợp Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta vốn là bậc đại-trí-tuệ, khi Ngài còn là tu-sĩ tên Upatissa đệ-tử của vị Đạo-sư ngoại đạo Sañcaya, tu-sĩ Upatissa không thể tự chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế.

Đến khi tu-sĩ Upatissa nghe Ngài Trưởng-lão Assaji thuyết dạy bài kệ gồm có 4 câu, mới nghe 2 câu đầu, tu-sĩ Upatissa liền chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.

Cho nên, pháp-thí là cao thượng hơn tất cả mọi sự thí.

* Sabbarasa: tất cả mọi thứ vị đó là các thứ vị ngon của các món ăn, thức uống của con người, hoặc của chư-thiên trong các cõi trời dục-giới, …Tất cả mọi thứ vị ngon bổ dưỡng ấy làm nhân-duyên cho chúng-sinh dễ phát sinh tâm tham-ái trong vị (rasataṇhā), say đắm trong vòng tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.

* Dhammarasa: pháp-vị đó là vị của chánh-pháp 37 pháp gọi là bodhipakkhiyadhamma dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, gọi là 9 pháp siêu-tam-giới, diệt tận được mọi tham-ái, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

Đức-Phật dạy rằng:

“Seyyathāpi Pahārāda, mahāsamuddo ekaraso loṇa-raso. Evamevaṃ kho Pahārāda, ayaṃ dhammavinayo ekaraso vimuttiraso.

Ayampi Pahārāda, ayaṃ dhammavinayo ekaraso vimuttiraso,… [21]

- Này Pahārāda! Như đại dương chỉ có vị duy nhất là vị mặn mà thôi.

- Này Pahārāda! Cũng như vậy, pháp và luật này của Như-Lai chỉ có vị duy nhất là “vị giải-thoát-khổ” mà thôi.

Cho nên, dhammarasa pháp-vị đó là vimuttirasa: vị giải-thoát-khổ là vị cao thượng hơn tất cả mọi thứ vị.

* Sabbarati: tất cả mọi thọ hỷ-lạc là thọ hỷ-lạc trong của cải, trong danh vọng, trong con cái thành đạt, trong các trò chơi trong đời. Tất cả mọi thọ hỷ-lạc ấy làm nhân-duyên để cho chúng-sinh dễ phát sinh tâm tham-ái trong thọ hỷ-lạc, say đắm trong vòng tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.

* Dhammarati: pháp-lạc như hành-giả thực-hành pháp-hành tứ niệm-xứ trong phần thọ-lạc niệm-xứ, hoặc thực-hành pháp-hành thiền-tuệ đối-tượng thiền-tuệ là thọ-lạc (sukhavedanā) thuộc về danh-pháp, trí-tuệ-thiền-tuệ phát sinh thấy rõ, biết rõ thật-tánh của danh-pháp (thọ-lạc), trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của danh-pháp (thọ lạc) ấy, thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của danh-pháp (thọ lạc), sắc-pháp ấy dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, trở thành bậc Thánh A-ra-hán hưởng an-lạc tịch tịnh Niết-bàn.

“Nibbānaṃ paramaṃ sukhaṃ.”

Niết-bàn là pháp an-lạc tuyệt đối, bởi vì hoàn toàn không còn có khổ nữa.

Đến khi hết tuổi thọ, bậc Thánh A-ra-hán tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

Cho nên, Niết-bàn là pháp an-lạc là cao thượng hơn tất cả mọi sự hỷ-lạc trong đời.

* Taṇhakkhaya: Diệt tận được tham-ái thì chỉ có 4 Thánh-đạo-tuệ mới có khả năng đặc biệt diệt tận được tham-ái mà thôi. Mỗi bậc Thánh-đạo-tuệ diệt tận được tham-ái theo khả năng mỗi Thánh-đạo-tuệ.

- Nhập-lưu Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được tham-ái trong 4 tham-tâm hợp với tà-kiến.

Cho nên, bậc Thánh Nhập-lưu ấy vĩnh viễn không còn khổ tái-sinh trong 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh) nữa, mà chỉ còn tái-sinh trong 7 cõi thiện-giới là cõi người và 6 cõi trời dục-giới nhiều nhất 7 kiếp nữa.

Đến kiếp thứ 7, bậc Thánh Nhập-lưu chắc chắn sẽ diệt tận được mọi tham-ái không còn dư sót nữa, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

- Nhất-lai Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được tham-ái loại thô trong cõi dục-giới trong 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến.

Cho nên, bậc Thánh Nhất-lai chỉ còn tái-sinh trong cõi thiện-giới: cõi người hoặc cõi trời dục-giới một kiếp duy nhất nữa mà thôi.

Trong kiếp ấy, bậc Thánh Nhất-lai ấy chắc chắn sẽ diệt tận được mọi tham-ái không còn dư sót nữa, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

- Bất-lai Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được tham-ái loại vi-tế trong cõi dục-giới trong 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến.

Cho nên, bậc Thánh Bất-lai không còn tái-sinh trở lại trong cõi dục-giới, mà chỉ còn tái-sinh trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên. Vị phạm-thiên Thánh Bất-lai ấy chắc chắn sẽ diệt tận được mọi tham-ái không còn dư sót nữa, trở thành bậc Thánh A-ra-hán rồi tịch diệt Niết-bàn tại tầng trời sắc-giới phạm-thiên ấy, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới .

- A-ra-hán Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được tham-ái còn lại trong 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến không còn dư sót.

Cho nên, bậc Thánh A-ra-hán đến khi hết tuổi thọ, đồng thời tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

Taṇhakkhaya: diệt tận được mọi tham-ái không còn dư sót thì chắc chắn là bậc Thánh A-ra-hán.

Sabbadukkha: tất cả mọi cảnh khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới đều không còn nữa, bởi vì bậc Thánh A-ra-hán tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

Cho nên, sự diệt tận được mọi tham-ái, trở thành bậc Thánh A-ra-hán là cao thượng thật sự, vì giải thoát khỏi mọi cảnh khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

Đức-vua trời Sakka thỉnh cầu Đức-Phật ban phước

Sau khi Đức-Thế-Tôn thuyết dạy bài kệ như vậy, Đức-vua trời Sakka đảnh lễ Đức-Thế-Tôn bạch rằng:

“Bhante evaṃ jeṭṭhake nāma dhammadāne kimatthaṃ amhākaṃ pattiṃ na dāpetha, ito paṭṭhāya no bhikkhu-saṃghassa kathetvā pattiṃ dāpetha Bhante.” [22]

- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, phước-thiện pháp-thí là cao thượng hơn tất cả mọi phước-thiện bố-thí khác như vậy. Đức-Thế-Tôn không truyền bảo chư tỳ-khưu-Tăng ban phần phước-thiện pháp-thí cao thượng ấy cho chúng con.

- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, từ nay về sau, kính xin Ngài truyền bảo chư tỳ-khưu-Tăng ban phần phước-thiện pháp-thí cao thượng ấy cho chúng con. Bạch Ngài.

Nghe lời thỉnh cầu của Đức-vua trời Sakka như vậy, nên Đức-Thế-Tôn truyền dạy chư Đại-đức tỳ-khưu rằng:

“Bhikkhave, Ajjādiṃ katvā mahādhammassavanaṃ vā pākatikadhammassavanaṃ vā upanisinnakathaṃ vā antamaso anumodanampi kathetvā sabbasattānaṃ pattiṃ dadeyyātha.”

- Này chư tỳ-khưu! Từ nay về sau, các con nghe chánh-pháp nhiều hoặc nghe chánh-pháp thường ngày hoặc ngồi đàm đạo chánh-pháp, dù ít nhất nói lời hoan-hỷ, thì các con cũng nên ban phần phước-thiện pháp-thí cao thượng ấy đến cho tất cả chúng-sinh.

Như vậy, pattidānakusala, phước-thiện hồi-hướng (biếu, dâng, phân phát) phần phước-thiện của mình đến cho người khác, và pattānumodanakusala, phước-thiện hoan-hỷ nhận phần phước-thiện của người khác biếu cho (dâng cho, phân phát cho) đến mình có liên quan với nhau.

* Nếu người thí-chủ nào đã tạo phước-thiện bố-thí (dānakusala), rồi hồi-hướng phần phước-thiện bố-thí ấy đến cho tất cả chúng-sinh, thì người thí-chủ ấy có thêm được phước-thiện hồi-hướng (pattidānakusala).

* Và nếu chúng-sinh nào phát sinh đại-thiện-tâm hoan-hỷ nhận phần phước-thiện của người khác đã hồi-hướng đến cho mình, thì chúng-sinh ấy có được phước-thiện hoan-hỷ nhận phần phước-thiện của người khác (pattānumodanākusala).

Cho nên, nếu người nào đã tạo phước-thiện nào rồi, nên hồi-hướng phần phước-thiện ấy đến cho nhiều chúng-sinh khác, thì người ấy càng làm tăng thêm được nhiều phước-thiện hồi-hướng nữa.

Cũng ví như người có ngọn đèn đang cháy sáng, rồi cho nhiều người mồi thắp sáng nhiều cây đèn khác, thì ánh sáng đèn của mình không giảm mà còn làm cho ánh sáng lan toả rộng thêm nữa.

Cũng như vậy, người nào đã tạo phước-thiện nào rồi, người ấy nên hồi-hướng phần phước-thiện ấy đến cho tất cả mọi chúng-sinh, thì làm cho phước-thiện ấy của mình càng thêm xán lạn.

(Xong phần phước-thiện hồi-hướng, phước-thiện hoan-hỷ)



[1] Ngũ-dục: sắc-dục, thanh-dục, hương-dục, vị-dục, xúc-dục.

[2] Thánh-đạo-tuệ có 4 loại: Nhập-lưu Thánh-đạo-tuệ, Nhất-lai Thánh-đạo-tuệ, Bất-lai Thánh-đạo-tuệ, A-ra-hán Thánh-đạo-tuệ.

[3] Thánh-quả-tuệ có 4 loại: Nhập-lưu Thánh-quả-tuệ, Nhất-lai Thánh-quả-tuệ, Bất-lai Thánh-quả-tuệ, A-ra-hán Thánh-quả-tuệ.

[4] Visuddhimagga, Buddhānussatikathā, Anuttaro.

[5] Saṃ. Sagāthāvaggasaṃyutta, Sakkasaṃyutta, Satthāravandanāsutta.

[6] 1000 con ngựa báu do chư-thiên hóa ra, (cõi trời không có loài súc-sinh).

[7] Sekkha là 3 bậc Thánh-nhân bậc thấp là bậc Thánh Nhập-lưu, bậc Thánh Nhất-lai, bậc Thánh Bất-lai.

[8] Saṃ. Sagāthāvaggasaṃyutta, Sakkasaṃyutta, Saṃghavandanāsutta.

[9] Sam. Sagāthāvaggasamyutta, Sakkasamyutta, Gahaṭṭhavandanāsutta.

[10] Khu. Vimānavatthu, Vandanavimānavatthu.

[11] M. Mūlapaṇṇāsaṭṭhakathā, Cūḷasīhanādasuttavaṇṇanā.

[12] Saṃyuttanikāya, Sagāthāvaggasaṃyuttapāḷi, Gāravasutta.

[13] Bộ Vimānavatthu, tích Uttaravimānavatthu.

[14] Trích Chú-giải Dī. Mahāvagga, Pāyāsirājaññasuttavaṇṇanā.

[15] Bộ Chú-giải Petavatthu, tích Tirokuḍḍapetavatthuvaṇṇanā.

[16] Asaṅkheyya tính theo số lượng số 1 đứng trước 140 số 0 (số không).

[17] Bộ Petavatthu, tích Sāriputtattheramātupetavaṇṇanā.

[18] Bộ Aṅguttaranikāya, phần Dasakanipāta, kinh Jāṇussoṇīsutta.

[19] Bộ Chú-giải Vimānavatthu, tích Vihāravimānavatthu.

[20] Bộ Dhammapadaṭṭhakathā, tích Sakkapañhavatthu.

[21] Bộ Aṅguttaranikāya, phần Aṭṭhakanipāta, Pahārādasutta.

[22] Bộ Dhammapadaṭṭhakathā, tích Sakkapañhavatthu.


Mục lục quyển 5 | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07


Mục lục chính | Quyển 1 | Quyển 2 | Quyển 3 | Quyển 4 | Quyển 5 | Quyển 6 | Quyển 7 | Quyển 8 | Quyển 9 | Quyển 10


[Đầu trang][Mục lục tổng quát]