NHẬT TỤNG THIỀN MÔN
Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Những kinh văn và bài tụng mới
Những kinh văn và bài tụng mới
Kinh Nghĩa Lý Siêu Việt về Không
Kẻ nào còn ôm ấp tư kiến, xem nhận thức của mình là cao nhất thế gian, cho rằng ‘kiến giải này là tối thượng’ và công kích mọi nhận thức khác, kẻ ấy còn được xem là chưa thoát khỏi vòng tranh chấp.
Khi thấy, nghe hoặc cảm nhận được một điều gì rồi nghĩ rằng điều đó là cái duy nhất có thể đem lại lợi lạc và tiện nghi cho cá nhân và đoàn thể mình, người ta dễ có khuynh hướng bám víu vào điều ấy rồi cho rằng tất cả mọi kẻ khác so với mình đều là thua kém.
Bị lệ thuộc vào chủ thuyết mình đang theo và xem thường tất cả những kiến giải khác, điều này được kẻ trí nhận thức là một sự ràng buộc, là một sự đánh mất tự do. Kẻ hành giả đứng đắn không nên vội tin vào những gì mình nghe, thấy và cảm nhận, kể cả những cấm giới và lễ nghi.
Vị hành giả chân chính không có nhu yếu tạo ra một chủ thuyết mới cho thế gian, hoặc bằng kiến thức đã thu nhặt được, hoặc bằng những cấm giới và lễ lược đã được học hỏi, không tự cho mình là ‘hơn người’, ‘thua người’ hay ‘bằng người’.
Bậc thức giả là kẻ đã buông bỏ ý niệm về ‘ta’ và không còn giữ thái độ nắm bắt. Vị ấy không bị lệ thuộc vào bất cứ một cái gì, kể cả kiến thức, không đứng về phía nào khi có một cuộc tranh chấp và không còn duy trì một tư kiến hoặc một giáo điều nào nữa cả.
Vị ấy hoàn toàn không còn tìm cầu và nắm bắt, hoặc cái này hay cái kia, hoặc trong đời này hay trong đời khác. Vị ấy đã chấm dứt mọi tư kiến và không còn đi tìm sự nương náu hoặc an ủi và vỗ về trong bất cứ một chủ thuyết nào.
Bậc thức giả chân chính là người không còn tư kiến đối với những gì mình thấy, nghe và cảm nhận. Làm sao còn có thể phê phán hoặc nắm bắt được bằng khái niệm một bậc hành giả thanh tịnh đã từ bỏ mọi tư kiến?
Bậc ấy quả không còn nhu yếu thiết lập một giáo điều hoặc chọn lựa một ý thức hệ. Mọi giáo điều và ý thức hệ đều đã bị bậc ấy buông bỏ. Kẻ cao sĩ không hề bị cấm giới và lễ nghi ràng buộc. Kẻ ấy đang đi từng bước vững chãi đến bờ giải thoát và không bao giờ còn trở lại chốn trầm luân.
Ðây là những điều tôi được nghe một thời hồi Bụt còn cư trú với những người thuộc bộ tộc Kuru trong làng Kalmasadamya. Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các vị khất sĩ: “Bây giờ tôi muốn nói cho các thầy nghe về một giáo pháp mà nghĩa lý cũng như khí vị được xem như là tốt đẹp từ chặng đầu, qua chặng giữa, tới chặng cuối; một giáo pháp thuần nhất và thanh tịnh có thể giúp các thầy thực tập được cuộc sống phạm hạnh thanh tịnh của người tu. Các thầy hãy lắng tai nghe và chiêm nghiệm cho khéo léo, tôi sẽ nói.
“Này các thầy, thế nào gọi là Nghĩa Lý Siêu Việt về Không? Khi con mắt phát sanh, nó không từ đâu tới cả, và khi hoại diệt, nó không đi về đâu cả. Như vậy con mắt phát sanh không phải như một thực thể chắc thật, và khi đã phát sanh thì phải hoại diệt sau đó. Có nghiệp, có báo mà không có tác giả. Uẩn này diệt thì nhường chỗ cho uẩn khác tiếp tục, nhìn kỹ thì các pháp chỉ là những cái giả danh mà thôi. Ðối với tai, mũi, lưỡi, thân và ý, sự thật cũng như thế. Chúng không phải là những thực tại chắc thật mà chỉ là những giả danh.
“Thế nào là giả danh. Giả danh nghĩa là vì cái này có nên cái kia có, vì cái này sanh nên cái kia sanh. Như vô minh mà có hành, do hành mà có thức, v.v..., cho đến khi cả khối khổ đau phát hiện. Giả danh cũng có nghĩa là vì cái này không nên cái kia không, vì cái này diệt nên cái kia diệt. Như do vô minh diệt mà hành diệt, do hành diệt mà thức diệt, v.v..., cho đến khi cả khối khổ đau hoại diệt.
“Này các thầy, đó gọi là Nghĩa Lý Siêu Việt về Không.”
Bụt nói kinh này xong, các thầy nghe Bụt lòng rất hoan hỷ, đem áp dụng liền lời dạy của Ngài vào sự thực tập.
(Tạp A Hàm, Kinh số 335)
Ðây là những điều tôi đã được nghe vào một thời mà Bụt còn đang ở tại vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Ðộc gần thành Xá Vệ. Hôm ấy, Bụt bảo các thầy khất sĩ: “Có bốn loại thức ăn giúp các loài sinh vật lớn lên và sống còn. Bốn loại thức ăn ấy là gì? Thứ nhất là đoàn thực, thứ hai là xúc thực, thứ ba là ý tư thực và thứ tư là thức thực.
“Này các vị khất sĩ! Vị khất sĩ phải quán chiếu về đoàn thực như thế nào? Ví dụ có một cặp vợ chồng kia có một đứa con trai nhỏ, thường chăm sóc nuôi dưỡng nó với rất nhiều thương yêu, một hôm muốn đem con (đến xứ khác sanh sống) đi qua một vùng sa mạc đầy nguy hiểm và tai nạn. Giữa đường hết lương thực, sa vào tình trạng đói khát cùng cực, không có cách nào giải quyết, họ mới bàn với nhau: “Chúng ta chỉ có một đứa con mà chúng ta thương yêu hết mực. Nếu ăn thịt nó thì ta sẽ sống sót và vượt qua khỏi cơn hiểm nạn này, còn nếu không thì cả ba người sẽ cùng chết”. Bàn tánh như vậy xong, họ giết đứa con, xót thương rơi lệ và gắng gượng ăn thịt con để sống còn mà vượt qua miền sa mạc.
“Này các thầy, các thầy có nghĩ rằng cặp vợ chồng kia ăn thịt con vì muốn thưởng thức hương vị của thịt ấy hoặc vì muốn cho thân thể họ có nhiều chất bổ dưỡng mà trở thành xinh đẹp thêm?
“Các thầy khất sĩ đáp: “Bạch đức Thế Tôn, không”. Bụt lại hỏi: “Có phải cặp vợ chồng ấy bị bắt buộc ăn thịt con để có thể sống sót mà vượt qua khỏi chặng đường hiểm nguy và hoang vắng?” Các thầy khất sĩ đáp: “Bạch đức Thế Tôn, đúng như vậy.”
Bụt dạy: “Này các thầy, mỗi khi tiếp nhận đoàn thực, ta phải tập quán chiếu như thế. Quán chiếu như thế thì sẽ đạt tới được cái thấy và cái hiểu rạch ròi (đoạn tri) về đoàn thực. Có được cái thấy và cái hiểu rạch ròi như thế về đoàn thực rồi thì tâm vướng mắc vào ái dục sẽ được tiêu tán. Tâm vướng mắc đã được tiêu tán thì không còn một kiết sử nào về năm đối tượng ái dục mà không tiêu tán trong con người của vị thánh đệ tử có tu có học. Còn kết sử trói buộc thì mới còn phải trở lại trong cõi đời này.
“Này các thầy khất sĩ! Vị khất sĩ phải quán chiếu về xúc thực như thế nào? Ví dụ có một con bò bị lột da và đi đâu con bò ấy cũng bị các loài côn trùng sống trong đất cát, bụi bặm và cây cỏ bám vào và rúc rỉa. Nằm trên đất thì nó bị các loài côn trùng ở đất bám vào mà ăn, đi xuống dưới nước thì nó bị các loài côn trùng ở dưới nước bám vào mà ăn, đứng ở trong không nó cũng bị các loài côn trùng trong hư không bám vào mà ăn, nằm xuống hay đứng lên nó cũng cảm thấy bức xúc, đau đớn nơi thân thể. Này các thầy, khi tiếp nhận xúc thực, ta cũng phải thực tập quán chiếu như thế. Quán chiếu như thế thì sẽ đạt tới cái thấy và cái hiểu rạch ròi như thế về xúc thực. Có được cái thấy và cái hiểu rạch ròi như thế về xúc thực rồi thì ta hết còn bị vướng mắc vào ba loại cảm thọ. Không còn bị vướng mắc vào ba loại cảm thọ thì các vị thánh đệ tử có học có tu đâu còn phải dụng công gì nữa, bởi vì tất cả những gì cần làm đã được làm xong.
“Này các thầy khất sĩ! Vị khất sĩ phải quán chiếu về ý tư thực như thế nào? Ví dụ có một đô thị hay một thôn làng gần bên bốc cháy, cháy cho đến khi không còn thấy khói lửa. Lúc bấy giờ có một trang sĩ phu thông minh, có trí tuệ, không muốn đi về phía khổ đau chỉ muốn đi về phía an lạc, không muốn đi về nẻo chết, chỉ muốn hướng về nẻo sống. Người ấy nghĩ rằng: nơi chốn kia có cháy lớn, tuy không còn khói, không còn ngọn lửa nhưng nếu ta không tránh mà lại đi vào trong chốn ấy thì chắc chắn sẽ chết, không còn nghi ngờ gì nữa. Suy tư như thế, người kia quyết định bỏ đô thị hoặc thôn làng ấy mà đi. Về ý tư thực, vị khất sĩ cũng phải quán chiếu như thế. Quán chiếu như thế thì sẽ đạt được cái thấy và cái hiểu rạch ròi như thế về ý tư thực. Ðạt được cái thấy và cái hiểu rạch ròi như thế về ý tư thực rồi thì ba loại tham ái sẽ được đoạn trừ. Ba loại tham ái đoạn trừ rồi thì vị thánh đệ tử có tu có học kia đâu còn phải lao tác gì nữa, vì cái gì cần làm đã được làm xong.
“Này các thầy khất sĩ! Vị khất sĩ quán chiếu về thức thực như thế nào? Ví dụ quân lính canh tuần của vị quốc vương kia vừa bắt được một tên đạo tặc, trói người ấy lại và điệu tới nơi vua. Vì tội trộm cướp, kẻ đạo tặc bị phạt bằng cách để cho người ta đâm qua thân hình mình ba trăm mũi giáo, đau đớn khổ sở suốt cả đêm ngày. Về thức thực vị khất sĩ cũng phải quán chiếu như thế. Quán chiếu như thế thì sẽ đạt được cái thấy và cái hiểu rạch ròi về thức thực. Ðạt được cái thấy và cái hiểu rạch ròi về thức thực rồi thì cũng sẽ đạt được cái thấy và cái hiểu rạch ròi về danh sắc. Ðạt được cái thấy và cái hiểu rạch ròi về danh sắc rồi thì vị thánh đệ tử có tu có học kia đâu còn phải dụng công gì nữa, vì cái gì cần làm đã được làm xong.”
Bụt nói kinh này xong, các vị khất sĩ đều hoan hỷ phụng hành.
Con đã trở về
Quỳ dưới đài sen quý
Nhìn lên con quan chiêm và ngưỡng mộ
Nét tâm linh rạng rỡ
Tỏa chiếu trên vầng trán Thế Tôn
Thế Tôn là ánh sáng bình minh
Là không gian bao la bát ngát
Là hành tinh vững chãi
Chuyên chở chúng con
Trong cuộc hành trình
Từ thế giới u minh
Trở về cõi viên dung vô ngại. (C)
Từ vô lượng kiếp xa xưa
Chúng con đã gây lầm lỗi
Ðã tạo nhiều khổ đau
Mỗi chúng con đều ôm đầy nội kết
Có khi không nhìn được mặt nhau
Không còn khả năng lắng nghe
Không còn nói được với nhau những lời hòa ái
Sự truyền thông giữa chúng con
Ðã trở nên khó khăn vì bao chướng ngại
Khổ đau không có đường giải tỏa
Hiểu và thương càng ngày càng vắng mặt
Tình trạng nặng nề bế tắc
Làm tắt lịm mọi niềm vui
Nay con xin đem đầu lạy xuống
Với tâm dạ chí thành
Nguyện vâng lời chỉ dạy đức Thế Tôn
Bắt đầu thực tập pháp lắng nghe
Và nói lời ái ngữ
Theo pháp môn lợi hành và đồng sự
Ðể mau chóng tái lập được truyền thông. (C)
Xin chuyên cần thực tập
Hộ trì thân tâm
Bằng hơi thở chánh niệm
Bằng bước chân ý thức
Ðể có khả năng nhận diện
Ðể có khả năng ôm ấp
Những giận hờn và bực bội trong tâm
Ðể có thể ngồi lắng nghe
Với tất cả tâm từ bi
Và để người kia có dịp nói ra
Những khổ đau uất ức
Xin tập ngồi lắng nghe
Với niềm cảm thương thao thức
Ðể giúp cho người kia bớt khổ
Con xin hứa với Bụt
Là dù người kia có nói
Những điều không phù hợp với sự thực
Dù lời nói người kia
Có hàm ý buộc tội và trách móc
Con cũng sẽ chăm chú ngồi nghe.
Con sẽ biết đợi chờ
Cho đến khi thuận lợi
Mới tìm ra phương cách
Ðể nói cho người kia nghe
Những gì đã thật sự xảy ra
Ðể người kia có dịp
Ðiều chỉnh nhận thức mình.
Con nguyện sẽ thực tập
Dùng ngôn từ hòa ái
Ðể giúp người đối diện
Có thể nghe và hiểu
Những gì con muốn nói
Mỗi khi trong lòng bực bội
Con sẽ chỉ tập thở
Tập đi thiền hành
Và nhất thiết tránh việc luận tranh
Con nguyện con chỉ nói
Mỗi khi con làm chủ được tâm mình. (C)
Con xin đức Thế Tôn
Ðức Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi Ðại Trí
Ðức Bồ Tát Phổ Hiền Ðại Hạnh
Và đức Bồ Tát Quán Âm Ðại Bi
Gia hộ và soi sáng cho con
Ðể con mau chóng thành công
Trên con đường thực tập.
1. Ba nghiệp lắng thanh tịnh
Gửi lòng theo tiếng chuông
Nguyện người nghe tỉnh thức
Vượt thoát nẻo đau buồn.
2. Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe
Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm.
3. Nguyện tiếng chuông này vang pháp giới
Khắp nơi u tối mọi loài nghe
Siêu nhiên vượt thoát vòng sanh tử
Giác ngộ tâm tư một hướng về.
4. Nguyện tiếng chuông này vang pháp giới
Xa xôi tăm tối cũng đều nghe
Những ai lạc bước mau dừng lại
Tỉnh giấc hôn mê thấy nẻo về.
5. Nghe chuông phiền não tan mây khói
Ý lặng, thân an, miệng mỉm cười
Hơi thở nương chuông về chánh niệm
Vườn tâm hoa tuệ nở xinh tươi.
6. Nghe tiếng chuông Lòng nhẹ buông
Tâm tĩnh lặng
Hết sầu thương
Tập buông thả
Thôi vấn vương
Lắng nghe thấu
Tận nguồn cơn
Học nhìn lại
Hiểu và thương.
7. Chuông đại hồng mới vọng
Tiếng kệ xướng đã vang
Trên vọng tới thiên đường
Dưới thông về địa phủ.
8. Nam Mô Bụt Tỳ Lô Giá Na, Pháp Thân Thanh Tịnh.
9. Nam Mô Bụt Lô Xá Na, Báo Thân Viên Mãn
10. Nam Mô Bụt Thích Ca Mâu Ni, Hóa Thân ngàn muôn ức.
11. Nam Mô Bụt A Di Ðà cõi nước Tịnh Ðộ.
12. Nam Mô Bụt Di Lặc hạ sanh trong tương lai.
13. Nam Mô Bụt Dược Sư Lưu Ly.
14. Nam Mô Bụt Bất Ðộng cõi nước Diệu Hỷ.
15. Nam Mô Bồ Tát Đại Trí Văn Thù Sư Lợi.
16. Nam Mô Bồ Tát Đại Hạnh Phổ Hiền.
17. Nam Mô Bồ Tát Đại Bi Quan Thế Âm.
18. Nam Mô Bồ Tát Đại Nguyện Ðịa Tạng Vương.
19. Nguyện ngày an lành đêm an lành Ngày đêm sáu thời đều an lành
An lành trong mỗi giây mỗi phút
Cầu ơn Tam Bảo luôn che chở.
20. Bốn loài sinh lên đất Tịnh
Ba cõi thác hóa tòa Sen
Hằng sa ngạ quỷ chứng Tam Hiền
Vạn loại hữu tình lên Thập Ðịa.
21. Tám nạn ba đường đều thoát khỏi
Bốn ân ba cõi thấm hồng ân
Thế giới khắp nơi không chiến tranh
Gió hòa mưa thuận dân an lạc.
22. Ðại chúng chuyên tu càng tinh tiến
Mười địa đi lên không khó khăn
Tăng thân an lạc sống tươi vui
Mọi giới quy y thêm phước tuệ.
23. Nguyện chúc đạo Bụt sáng thêm
Pháp môn càng ngày càng tỏ rạng
Gió hòa mưa thuận Ðất nước bình an.
24. Khắp nơi thành thị nông thôn
Mọi giới biết noi theo đường tu tập.
25. Thiên nhiên được bảo vệ an lành
Xã hội được tự do bình đẳng.
26. Xin thổi ngọn gió từ bi thanh lương vào thế gian nóng bức
Ðem mặt trời trí tuệ rạng rỡ về ngự giữa không gian âm u.
27. Khắp nơi đạo giải thoát được tuyên dương
Mưa pháp thấm nhuần chúng sanh đều lợi lạc.
28. Hiện tiền đại chúng tu tập tinh chuyên
Biết thương yêu nhau như ruột thịt
Chuyển hóa nội tâm trang nghiêm Tịnh Ðộ.
29. Nguyện noi gương Phổ Hiền và Quán Tự Tại Cùng các bậc Bồ Tát Ma Ha Tát Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật.
30. Lạy đức Bồ Tát Quán Thế Âm, chúng con xin học theo hạnh Ngài, biết lắng tai nghe cho cuộc đời bớt khổ.
31. Ngài là trái tim biết nghe và biết hiểu. Chúng con xin tập ngồi nghe với tất cả sự chú tâm và thành khẩn của chúng con. Chúng con xin tập ngồi nghe với tâm không thành kiến.
32. Chúng con xin tập ngồi nghe mà không phán xét, không phản ứng. Chúng con nguyện tập ngồi nghe để hiểu.
33. Chúng con xin nguyện ngồi nghe chăm chú để có thể hiểu được những điều đang nghe và cả những điều không nói.
34. Chúng con biết chỉ cần lắng nghe thôi, chúng con cũng đã làm vơi bớt rất nhiều khổ đau của kẻ khác rồi.
35. Nam Mô đức Bồ Tát Lắng Nghe Quán Thế Âm.
36. Nam Mô đức Bồ Tát Lắng Nghe Quán Thế Âm.
37. Nam Mô đức Bồ Tát Lắng Nghe Quán Thế Âm.
38. Lạy đức Bồ Tát Ðịa Tạng, chúng con xin học theo hạnh Ngài, tìm cách có mặt ở bất cứ nơi nào mà bóng tối, khổ đau, tuyệt vọng và áp bức còn đang trấn ngự, để có thể mang đến những nơi ấy ánh sáng, niềm tin, hy vọng và giải thoát.
39. Chúng con nguyện không bao giờ quên lãng và bỏ rơi những người còn đang bị kẹt trong những tình huống tuyệt vọng.
40. Xin nguyện cố gắng thiết lập liên lạc với những ai đang không còn lối thoát, những ai bị bưng bít không có phương tiện lên tiếng kêu gọi công bình, nhân phẩm và quyền được làm người.
41. Chúng con biết địa ngục có mặt khắp nơi trên thế giới và chúng con nguyện sẽ không bao giờ tiếp sức xây dựng thêm những địa ngục trần gian như thế.
42. Chúng con xin nguyện nỗ lực giải trừ những địa ngục còn đang có mặt.
43. Chúng con nguyện tu học để đạt được đức vững chãi và kiên trì của Ðất, để có thể trở thành trung kiên và không kỳ thị như Ðất.
44. Và cũng được như Ðất có thể làm nơi nương tựa cho tất cả những ai cần đến chúng con.
45. Nam Mô đức Bồ Tát Đại Nguyện Ðịa Tạng Vương.
46. Nam Mô đức Bồ Tát Đại Nguyện Ðịa Tạng Vương.
47. Nam Mô đức Bồ Tát Đại Nguyện Ðịa Tạng Vương.
48. Con về nương tựa Bụt, người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời.
Con về nương tựa Pháp, con đường của tình thương và sự hiểu biết.
Con về nương tựa Tăng, đoàn thể của những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức.
49. Ðã về nương tựa Bụt, con đang có hướng đi sáng đẹp trong cuộc đời.
Ðã về nương tựa Pháp, con đang được học hỏi và tu tập các pháp môn chuyển hóa.
Ðã về nương tựa Tăng, con đang được tăng thân soi sáng, dìu dắt và nâng đỡ trên con đường thực tập.
50. Về nương Bụt trong con, xin nguyện cho mọi người, thể nhận được giác tính, sớm mở lòng Bồ Ðề.
Về nương Pháp trong con, xin nguyện cho mọi người, nắm vững các pháp môn, cùng lên đường chuyển hóa.
Về nương Tăng trong con, xin nguyện cho mọi người, xây dựng nên bốn chúng, nhiếp hóa được muôn loài.
51. Nghe chuông phiền não tan mây khói
Ý lặng, thân an, miệng mỉm cười
Hơi thở nương chuông về chánh niệm
Vườn tâm hoa tuệ nở xinh tươi.
52. Nghe tiếng chuông
Lòng nhẹ buông
Tâm tĩnh lặng
Hết sầu thương
Tập buông thả
Thôi vấn vương
Lắng nghe thấu
Tận nguồn cơn
Học nhìn lại
Hiểu và thương.
53. Thỉnh chuông pháp thâm diệu
Tạo công đức vô biên
Ðệ tử xin hồi hướng
Cho chúng sanh mọi miền.
54. Pháp môn xin nguyện học
Ân nghĩa xin nguyện đền
Phiền não xin nguyện đoạn
Quả Bụt xin chứng nên.
1. Hào quang chiếu rạng nơi tăm tối
Bụt đã phân thân xuống đạo tràng
Xin độ hương linh về cõi Tịnh
Ngồi sen chín phẩm đến Tây Phương...
Nam mô Bồ Tát Tiến Vãng Sanh.
2. Hương hoa thỉnh, hương hoa thỉnh Nhất tâm triệu thỉnh:
Chúng sanh độ hết mới chứng bồ đề
Ðịa ngục chưa không nguyền chưa dừng nghỉ
Nam mô đức Bồ Tát Ðại Nguyện Ðịa Tạng Vương giáo chủ cõi U Minh
Xin đừng quên lời thề nguyện năm xưa
Có mặt nơi này hướng dẫn hương linh cùng các loại cô hồn về đây nơi chốn đàn trai tham gia pháp hội...
3. Hương hoa thỉnh, hương hoa thỉnh Nhất tâm triệu thỉnh:
Ðại sĩ Quan Âm thật tuyệt vời
Cánh tay cứu độ hiện ngàn nơi
Không đâu cầu thỉnh mà không ứng
Biển khổ thuyền giong cứu độ người Nam mô đức Bồ Tát Ðại Bi Quán Thế Âm bậc đại từ cứu khổ cứu nạn thường xuyên hạnh lắng nghe
Xin đừng quên lời thề nguyện năm xưa
Có mặt nơi này hướng dẫn hương linh cùng các loại cô hồn về đây nơi chốn đàn trai tham gia pháp hội...
4. Hương hoa thỉnh, hương hoa thỉnh Nhất tâm triệu thỉnh:
Biển khổ mênh mông nghiệp đã mang
Hôn mê chưa tỉnh giấc kê vàng
Hãy mau trì niệm hồng danh Bụt
Rời bỏ bờ mê, bến giác sang.
Một nén danh hương
Một phen triệu thỉnh...
Phục vị: các bậc tổ tiên ông bà cha mẹ quá cố trong bảy đời qua cùng với thân nhân quyến thuộc và tất cả cô hồn nam nữ khắp nơi nguyện nhờ ơn đức Bụt, Pháp và Tăng nương tựa chơn Ngôn giờ phút này đây trở về phó hội tham dự đàn chay nghe kinh chuyển hóa hưởng nguồn Cam lộ.
5. Hương hoa thỉnh, hương hoa thỉnh Nhất tâm triệu thỉnh:
Ác vàng vừa lặn
Thỏ ngọc đã lên Dù cốt nhục cũng phân ly
Mặt mũi xưa đâu còn thấy?
Hai nén danh hương
Hai phen triệu thỉnh...
Phục vị: các bậc tổ tiên ông bà cha mẹ quá cố trong bảy đời qua cùng với thân nhân quyến thuộc và tất cả cô hồn nam nữ khắp nơi nguyện nhờ ơn đức Bụt, Pháp và Tăng nương tựa chơn Ngôn giờ phút này đây trở về phó hội tham dự đàn chay nghe kinh chuyển hóa hưởng nguồn Cam lộ.
6. Hương hoa thỉnh, hương hoa thỉnh Nhất tâm triệu thỉnh:
Hình hài chỉ như mộng
Kiếp sống mãi vô thường
Nương sức Từ Tam Bảo
Mở được lối thanh lương.
Ba nén danh hương
Ba phen triệu thỉnh...
Phục vị: các bậc tổ tiên ông bà cha mẹ quá cố trong bảy đời qua cùng với thân nhân quyến thuộc và tất cả cô hồn nam nữ khắp nơi nguyện nhờ ơn đức Bụt, Pháp và Tăng nương tựa chơn Ngôn giờ phút này đây trở về phó hội tham dự đàn chay nghe kinh chuyển hóa hưởng nguồn Cam lộ.
7. Tuyên đọc chơn Ngôn xin triệu thỉnh
Hương linh đã tỉnh và đã nghe
Sức thiêng Tam Bảo nguyện gia trì
Tất cả giờ đây về pháp hội
Hương linh nghe triệu, nghe triệu thỉnh đến ngay đây.
8. Triệu thỉnh, hương linh đã đến đây
Tiếp nhận hương hoa phẩm cúng dường
Hãy xin ngồi lại lắng nghe kinh
Lắng nghe kinh, Bồ Tát Ma Ha Tát.
Nam mô đức Bổn Sư Bụt Thích Ca Mâu Ni. (3 lần)
9. Pháp Bụt cao siêu mầu nhiệm
Cơ duyên may được thụ trì Xin nguyện đi vào biển tuệ tinh thông giáo nghĩa huyền vi.
Kinh Tinh Yếu Bát Nhã Ba La Mật Ða
Bồ Tát Quán Tự Tại
Khi quán chiếu thâm sâu
Bát Nhã Ba La Mật
Tức diệu pháp Trí Ðộ
Bỗng soi thấy năm uẩn
Ðều không có tự tánh.
Thực chứng điều ấy xong
Ngài vượt thoát tất cả
Mọi khổ đau ách nạn.
“Nghe đây, Xá Lợi Tử:
Sắc chẳng khác gì không
Không chẳng khác gì sắc
Sắc chính thực là không
Không chính thực là sắc
Còn lại bốn uẩn kia
Cũng đều như vậy cả.
Xá Lợi Tử, nghe đây:
Thể mọi pháp đều không
Không sanh cũng không diệt
Không nhơ cũng không sạch
Không thêm cũng không bớt.
Cho nên trong tánh không
Không có sắc, thọ, tưởng
Cũng không có hành, thức
Không có nhãn, nhĩ, tỷ
Thiệt, thân, ý-sáu căn
Không có sắc, thanh, hương
Vị, xúc, pháp-sáu trần
Không có mười tám giới
Từ nhãn đến ý thức
Không hề có vô minh
Không có hết vô minh
Cho đến không lão tử
Cũng không hết lão tử
Không khổ, tập, diệt, đạo
Không trí cũng không đắc.
Vì không có sở đắc
Nên khi vị Bồ Tát
Nương diệu pháp Trí Ðộ
Bát Nhã Ba La Mật
Thì tâm không chướng ngại
Vì tâm không chướng ngại
Nên không có sợ hãi
Xa lìa mọi mộng tưởng
Xa lìa mọi điên đảo
Ðạt Niết Bàn tuyệt đối.
Chư Bụt trong ba đời
Y diệu pháp Trí Ðộ
Bát Nhã Ba La Mật
Nên đắc vô thượng giác.
Vậy nên phải biết rằng
Bát Nhã Ba La Mật
Là linh chú đại thần
Là linh chú đại minh
Là linh chú vô thượng
Là linh chú tuyệt đỉnh
Là chân lý bất vọng
Có năng lực tiêu trừ
Tất cả mọi khổ nạn
Cho nên tôi muốn thuyết
Câu thần chú trí độ
Bát Nhã Ba La Mật”.
Nói xong đức Bồ Tát
Liền đọc thần chú rằng:
Gate
Gate
Paragate
Parasamgate
Bodhi
Svaha. (3 lần)
10. Tổ chức đàn trai
Thầy A Nan khởi xướng
Ðại sĩ Quan Âm
Tiêu Diện mang hình tướng
Niệm Bụt nhất tâm
Ðọc chơn Ngôn cứu khổ
Vạn loại cô hồn
Ðều được cùng siêu độ.
11. Chẩn tế đàn khai
Mọi loài xin mời tới
Uổng tử vong thân
Hồn về đây đủ loại
Tám nạn ba đường
Hiểm nguy đều thoát khỏi
Nương bóng Từ Bi
Ngồi yên nghe pháp thoại.
12. Bụt A Di Ðà
Không quên lời thề cũ
Sanh chúng mê lầm
Ðắm chìm trong biển khổ
Duỗi cánh tay vàng
Giong thuyền Từ cứu độ
Vớt hết muôn loài
Ðưa về nơi tịnh thổ.
Nam mô Bụt và Bồ Tát trên hội Liên Trì. (3 lần)
(Một phép thực tập ở Làng Mai, được vị chủ tọa đọc lên trước các buổi họp chúng hay các buổi họp giáo thọ để đại chúng cùng thực tập trong suốt buổi họp)
“Lạy Bụt, lạy Tổ, chúng con xin nguyện họp buổi họp hôm nay trong tinh thần Ý Hòa Đồng Duyệt và Kiến Hòa Đồng Giải. Nguyện sử dụng ái ngữ và đế thính để buổi họp đưa lại kết quả tốt đẹp nhất làm phẩm vật cúng dường Tam Bảo. Chúng con nguyện không ngần ngại chia sẻ cái thấy và tuệ giác của chúng con, nhưng chúng con cũng nguyện sẽ không mở lời nếu chúng con nhận thấy trong tâm còn có tâm hành bực bội. Chúng con quyết tâm không để cho sự căng thẳng xảy ra trong buổi họp, và lỡ nếu trong số chúng con có người nhận thấy có sự căng thẳng, chúng con xin lập tức ngừng lại để sám hối tại chỗ và trả lại cho đại chúng không khí Ý Hòa Đồng Duyệt.”
(Một phép thực tập ở Làng Mai, được đọc lên trước mỗi buổi soi sáng để đại chúng cùng thực tập)
Lạy Bụt, lạy Tổ, hôm nay chúng con thực tập soi sáng cho các sư anh/sư chị và sư em của chúng con. Chúng con biết tất cả chúng con đều là những thành phần của cùng một tăng thân, tất cả chúng con đều là xương thịt của cùng một tăng thân. Vì vậy chúng con ý thức rằng soi sáng cho bất cứ ai trong tăng thân cũng là tự soi sáng cho chính mình. Chúng con nguyện sẽ đem hết tình thương và sự hiểu biết của chúng con để thực tập công việc soi sáng. Chúng con nguyện tất cả những gì chúng con nói ra đều phát sinh từ thiện ý muốn đi tới một cái thấy chính xác về đối tượng soi sáng và cống hiến cho đương sự những đề nghị thực tập thực tế để có thể đưa tới những chuyển hóa tốt đẹp cho đối tượng soi sáng. Chúng con nguyện cố gắng không để cho sự buồn giận và những thành kiến làm sai lệch cái thấy của chúng con. Chúng con nguyện bất cứ một lời nào của chúng con cũng đều phát xuất từ tình thương. Chúng con biết trong khi soi sáng cho một thành phần của tăng thân, chúng con cũng đang soi sáng cho bản thân chúng con, vì vậy việc thực tập soi sáng cũng đem lợi lạc cho bản thân của mỗi chúng con. Lạy Bụt và Chư Tổ gia hộ cho chúng con để buổi thực tập soi sáng này được thành công viên mãn.
1. Như chim có hai cánh
Thiền tập có chỉ, quán
Hai cánh chim nương nhau
Chỉ và quán song hành
2. Chỉ là tập dừng lại
Ðể nhận diện, tiếp xúc
Nuôi dưỡng và trị liệu
Lắng dịu và chú tâm
3. Quán là tập nhìn sâu
Vào bản chất năm uẩn
Làm phát khởi tuệ giác
Chuyển hóa mọi sầu đau
4. Hơi thở và bước chân
Chế tác nguồn chánh niệm
Ðể nhận diện, tiếp xúc
Với sự sống mầu nhiệm
5. Làm lắng dịu thân, tâm
Nuôi dưỡng và trị liệu
Hộ trì được sáu căn
Và duy trì chánh định
6. Nhìn sâu vào thực tại
Thấy tự tánh các pháp
Quán giúp ta buông bỏ
Mọi tìm cầu sợ hãi
7. An trú trong hiện tại
Chuyển hóa các tập khí
Làm phát sanh tuệ giác
Giải thoát mọi phiền não
8. Vô thường là vô ngã
Vô ngã là duyên sanh
Là không, là giả danh
Là trung đạo, tương tức
9. Không, vô tướng, vô tác
Giải tỏa mọi sầu đau
Trong nhật dụng công phu
Không kẹt vào lý giải
10. Niết bàn là vô đắc
Ðốn, tiệm không phải hai
Chứng đạt sống thảnh thơi
Ngay trong giờ hiện tại
11. Các thiền kinh căn bản
Như An Ban, Niệm Xứ
Chỉ đường đi nước bước
Chuyển hóa thân và tâm
12. Các kinh luận Ðại Thừa
Mở thêm nhiều cửa lớn
Giúp ta thấy chiều sâu
Của dòng thiền Nguyên Thỉ
13. Như Lai và Tổ Sư
Thiền chẳng nên cách biệt
Bốn đế phải nương nhau
Làm nền tảng truyền thừa
14. Có tăng thân yểm trợ
Thực tập dễ thành công
Chí nguyện lớn độ sanh
Lên đường mau thành tựu.
[Chương trước][Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục][Chương tiếp theo]