NHẬT TỤNG THIỀN MÔN

Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Công phu sáng thứ năm

MỤC LỤC

Công phu sáng thứ năm

Kệ Mở Kinh

Trì Tụng

Đảnh Lễ

Quay Về Nương Tựa

Hồi Hướng


Tĩnh Tọa – 20 tới 30 phút

Kinh Hành Im Lặng – một vòng

Kệ Mở Kinh

Nam mô đức Bổn Sư Bụt Thích Ca Mâu Ni (ba lần) (C)

Pháp Bụt cao siêu mầu nhiệm

Cơ duyên may được thọ trì

Xin nguyện đi vào biển tuệ

Tinh thông giáo nghĩa huyền vi. (C)

Trì Tụng

Hướng về Bụt và Thánh Chúng trên hội Kỳ Viên (

3 lần) (C)

Kinh Người Biết Sống Một Mình

Sau đây là những điều tôi được nghe lúc đức Thế Tôn còn lưu trú ở tịnh xá Kỳ Viên trong vườn Kỳ Ðà tại thành Xá Vệ; Ngài gọi các vị khất sĩ và bảo:

- Này quý thầy.

Các vị khất sĩ đáp:

- Có chúng con đây.

Ðức Thế Tôn dạy:

- Tôi sẽ nói cho quý thầy nghe thế nào là người biết sống một mình. Trước hết tôi nói đại cương, sau đó tôi sẽ giải thích. Quý thầy hãy lắng nghe.

- Thưa Thế Tôn, chúng con đang lắng nghe đây.

Ðức Thế Tôn dạy:

Ðừng tìm về quá khứ

Ðừng tưởng tới tương lai

Quá khứ đã không còn

Tương lai thì chưa tới

Hãy quán chiếu sự sống

Trong giờ phút hiện tại

Kẻ thức giả an trú

Vững chãi và thảnh thơi.

Phải tinh tấn hôm nay

Kẻo ngày mai không kịp

Cái chết đến bất ngờ

Không thể nào mặc cả.

Người nào biết an trú

Ðêm ngày trong chánh niệm

Thì Mâu Ni gọi là

Người Biết Sống Một Mình. (C)

“Này quý thầy, sao gọi là tìm về quá khứ? Khi một người nghĩ rằng: trong quá khứ hình thể ta từng như thế, cảm thọ ta từng như thế, tri giác ta từng như thế, tâm tư ta từng như thế, nhận thức ta từng như thế, nghĩ như thế và khởi tâm ràng buộc quyến luyến về những gì thuộc về quá khứ ấy thì người đó đang tìm về quá khứ.

"Này quý thầy, sao gọi là không tìm về quá khứ? Khi một người nghĩ rằng: trong quá khứ hình thể ta từng như thế, cảm thọ ta từng như thế, tri giác ta từng như thế, tâm tư ta từng như thế, nhận thức ta từng như thế. Nghĩ như thế mà không khởi tâm ràng buộc quyến luyến về những gì thuộc về quá khứ ấy, thì người đó đang không tìm về quá khứ. (C)

"Này quý thầy, sao gọi là tưởng tới tương lai? Khi một người nghĩ rằng: trong tương lai hình thể ta sẽ như thế kia, cảm thọ ta sẽ như thế kia, tri giác ta sẽ như thế kia, tâm tư ta sẽ như thế kia, nhận thức ta sẽ như thế kia, nghĩ như thế mà khởi tâm ràng buộc, lo lắng hay mơ tưởng về những gì thuộc về tương lai ấy, thì người đó đang tưởng tới tương lai.

"Này quý thầy, sao gọi là không tưởng tới tương lai? Khi một người nghĩ rằng: trong tương lai hình thể ta sẽ như thế kia, cảm thọ ta sẽ như thế kia, tri giác ta sẽ như thế kia, tâm tư ta sẽ như thế kia, nhận thức ta sẽ như thế kia, nghĩ như thế mà không khởi tâm ràng buộc, lo lắng hay mơ tưởng về những gì thuộc về tương lai ấy, thì người đó đang không tưởng tới tương lai. (C)

"Này quý thầy, thế nào gọi là bị lôi cuốn theo hiện tại? Khi một người không học, không biết gì về Bụt, Pháp, Tăng, không biết gì về các bậc hiền nhân và giáo pháp của các bậc này, không tu tập theo giáo pháp của các bậc hiền nhân, cho rằng hình thể này là mình, mình là hình thể này, cảm thọ này là mình, mình là cảm thọ này, tri giác này là mình, mình là tri giác này, tâm tư này là mình, mình là tâm tư này, nhận thức này là mình, mình là nhận thức này... thì người đó đang bị lôi cuốn theo hiện tại.

"Này quý thầy, thế nào gọi là không bị lôi cuốn theo hiện tại? Khi một người có học, có biết về Bụt, Pháp, Tăng, có biết về các bậc hiền nhân và giáo pháp của các bậc này, có tu tập theo giáo pháp của các bậc hiền nhân, không cho rằng hình thể này là mình, mình là hình thể này, cảm thọ này là mình, mình là cảm thọ này, tri giác này là mình, mình là tri giác này, tâm tư này là mình, mình là tâm tư này, nhận thức này là mình, mình là nhận thức này... thì người đó đang không bị lôi cuốn theo hiện tại.

"Ðó, tôi đã chỉ cho quý thầy biết về đại cương và giải thích cho quý thầy nghe về thế nào là người biết sống một mình.”

Bụt nói xong, các vị khất sĩ đồng hoan hỷ phụng hành. (CC)

Kinh Bát Nhã Hành (C)

Những vị Bồ Tát nào vì đời

Diệt trừ chướng ngại và phiền não

Phát tâm tịnh tín nơi Niết Bàn

Ðều nên noi theo Bát Nhã độ.

Các sông lưu nhuận Châu Diêm Phù

Làm tươi dược thảo và hoa quả

Ðều do uy lực của Long Vương

Cư trú nơi hồ Vô Nhiệt Trì.

Các giới thanh văn đệ tử Bụt

Phương tiện thuyết pháp độ được người

Vui hưởng phước báo hạnh tối thắng

Ðều do uy lực Tối Thắng Tôn.

Bụt truyền con mắt của chánh pháp

Ðệ tử theo đó mà hành trì

Thực hiện tự chứng và dạy người

Tất cả đều do uy lực Bụt. (C)

Ðối tượng tuyệt vời không nắm bắt

Không có sở chứng, không bồ đề

Nghe vậy mà không thấy khiếp sợ

Là Bồ Tát kia hiểu được Bụt.

Sắc, thọ, tưởng, hành, thức là không

Không dính mảy may, không xứ sở

Bồ Tát không trú nơi pháp nào

Là chứng bồ đề không nắm bắt.

Bồ Tát khi cầu trí xuất gia

Soi thấy năm uẩn không thật tướng

Biết vậy không tìm cầu tịch tĩnh

Mới thật là hạnh trí Bồ Tát.

Sở đắc của trí này là gì?

Là soi thấy tất cả đều không

Một soi thấy rồi không hoảng sợ

Bồ Tát tự giác và giác tha.

Các uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức

Khi hành phải hiểu được tự tánh

Bồ Tát soi thấy uẩn đều không

Hành theo vô tướng, không danh tự.

Sắc, thọ, tưởng, hành, thức là không

Không hành nên gọi vô tướng hành

Có hành nên không trí tối thắng

Không định, vô tướng và tịch tĩnh.

Nếu hành tịch tĩnh được như thế

Chư Bụt quá khứ đều thọ ký

Bản tánh nhân duyên đã biết rồi

Khổ vui không còn chạm tới được.

Hành mà không thấy pháp sở hành

Là hành theo trí bậc Thiện Thệ

Hành theo được pháp vô sở hành

Mới là Bát Nhã Hành tối thượng.

Vô sở hành ấy không thể nắm

Kẻ ngu chấp tướng nói có không

Có Không cả hai đều chẳng thật

Bồ Tát liễu tri nên thoát khỏi.

Bồ Tát biết được là huyễn hóa

Năm uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức

Thoát ly các tướng tịch tĩnh hành

Ðó là Bát Nhã Hành tối thượng. (C)

Thầy hiền bạn tốt mách bảo cho

Nghe Kinh Phật Mẫu không hoảng sợ

Thầy hư bạn xấu đưa lầm đường

Là vò chứa nước nung chưa chín.

Thế nào được gọi là Bồ Tát?

Là kẻ đạt tới đệ nhất nghĩa

Chặt hết tà kiến trong quần sanh

Vì vậy nên gọi Ma Ha Tát.

Ðại thí, đại huệ, đại uy đức

Ngồi xe tối thượng của Phật thừa

Phát tâm bồ đề độ chúng sanh

Cho nên gọi là Ma Ha Tát.

Như nhà ảo thuật giữa ngã tư

Hóa hiện đám đông chặt đầu người

Mọi cõi thế giới đều huyễn hóa

Biết thế Bồ Tát không sợ hãi.

Sắc, thọ, tưởng, hành, thức buộc ràng

Biết chúng không thật không cần cõi

Hành tâm Bồ Tát không vướng mắc

Ðó gọi là Bồ Tát tối thượng.

Thế nào mệnh danh là Bồ Tát?

Cưỡi xe Ðại Thừa độ chúng sanh

Thể tướng Ðại Thừa như hư không

Bồ Tát được niềm vui an ổn.

Cỗ xe Ðại Thừa không nắm được

Tới cõi Niết Bàn, đi mọi nơi

Nơi về không thấy, như lửa tắt

Vì thế nên gọi là Niết Bàn.

Sở hành Bồ Tát không nắm được

Tất cả ba thời đều thanh tịnh

Thanh tịnh, vô úy, không hý luận

Là hành Bát Nhã Hành tối thượng.

Khi Bồ Tát hành hạnh đại trí

Phát đại từ bi độ chúng sanh

Không hề phát khởi niệm chúng sanh

Là hành Bát Nhã Hành tối thượng.

Bồ Tát khởi niệm vì chúng sanh

Tu các khổ hạnh, có khổ tướng

Là còn tướng ngã, tướng chúng sanh

Không phải Bát Nhã Hành tối thượng.

Biết rõ tự thân và chúng sanh

Biết rõ các pháp cũng như thế

Sanh diệt không hai, không phân biệt

Là hành Bát Nhã Hành tối thượng.

Bỏ hết danh từ và tên gọi

Ác pháp sanh diệt thế gian này

Ðạt trí cam lộ vô tỷ ấy

Là hành Bát Nhã Hành tối thượng.

Bồ Tát hành sở hành như thế

Biết rõ phương tiện, không mong gì

Bản tánh pháp này biết không thật

Là hành Bát Nhã Hành tối thượng.

Nếu không trú sắc không trú thọ

Cũng không trú tưởng, hành và thức

Mà chỉ an trú nơi chánh pháp

Là hành Bát Nhã Hành tối thượng.

Thường và vô thường, khổ và lạc

Ngã và vô ngã đều là không

Không trú hữu vi, không vô vi

Trú vô tướng hành như Bụt vậy.

Thanh văn, duyên giác quả muốn cầu

Hay cầu quả Bụt cũng như thế:

Không trú nhẫn này không đạt được

Như sang sông lớn chẳng thấy bờ.

Nếu nghe pháp này nhất định đắc

Thành chánh đẳng giác, chứng bồ đề

Thấy nơi tất cả như tự thân

Ðó là đại trí Như Lai nói.

Ðại trí Bồ Tát hành như thế

Không học duyên giác và thanh văn

Chỉ học nhất thiết trí Như Lai

Học cái phi học mới là học.

Học không thọ sắc, không tăng giảm

Lại cũng không học những pháp khác

Chỉ vui học theo nhất thiết trí

Thọ, tưởng, hành, thức cũng như thế.

Sắc không hữu trí, không vô trí

Thọ, tưởng, hành, thức cũng như thế

Tự tánh của sắc như hư không

Bình đẳng, vô nhị, không phân biệt.

Bản tánh vọng tưởng không biên giới

Bản tánh chúng sanh cũng thế kia

Tự tánh hư không không ngằn mé

Trí Thế Gian Giải cũng như vậy. (C)

Trí tuệ không sắc, Bụt đã nói

Lìa tất cả tưởng, đến Niết Bàn

Nếu ai lìa được các tưởng rồi

Ngữ ý người ấy trú chân như.

Người ấy ở đời hằng sa kiếp

Không nghe Bụt nói tiếng "chúng sanh”

Chúng sanh bất sanh, vốn thanh tịnh

Là hành Bát Nhã Hành tối thượng.

Tất cả ngôn từ ta nói ra

Ðều mang nghĩa tối thượng Bát Nhã

Bụt quá khứ vì ta thọ ký

Sẽ chứng Bồ Ðề đời vị lai.

Nếu ai thường thọ trì Bát Nhã

Hành tung chẳng khác Bụt sở hành

Ðao kiếm, thuốc độc, lửa và nước

Cho đến loài ma không chạm được. (CC)

Chuyển Niệm

Chúng con hiện tiền tâm thanh tịnh

Thiền tọa kinh hành và tụng kinh

Xin nguyện Tam Bảo và Long Thiên

Yểm trợ đạo tràng cùng bốn chúng

Tám nạn ba đường đều thoát khỏi

Bốn ân ba cõi thấm hồng ân

Thế giới khắp nơi không chiến tranh

Gió hòa mưa thuận dân an lạc

Đại chúng chuyên tu càng tinh tấn

Mười địa đi lên không khó khăn

Tăng thân an lạc sống tươi vui

Mọi giới quy y thêm phước tuệ. (C)

Trí Bụt sáng ngời như trăng tỏ

Thân Bụt thanh tịnh như lưu ly

Bụt ở thế gian thường cứu khổ

Tâm Bụt không đâu không từ bi.

Nam mô Bụt Thích Ca Mâu Ni (3 lần) (C)

(Vừa niệm Bụt vừa đi nhiễu)

Đảnh Lễ

Nhất tâm kính lễ đức Bụt Thích Ca Mâu Ni (C)

Nhất tâm kính lễ đức Bụt Di Lặc (C)

Nhất tâm kính lễ đức Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi (C)

Nhất tâm kính lễ đức Bồ Tát Đại Hạnh Phổ Hiền (C)

Nhất tâm kính lễ đức Bồ Tát Thường Bất Khinh (C)

Nhất tâm kính lễ liệt vị Tổ Sư qua các thời đại từ Tây Trúc cho đến Việt Nam (CC)

Ðiều Phục Cơn Giận

Cúi đầu con kính lạy

Bậc Ðiều Ngự Trượng Phu

Xin duỗi cánh tay vàng

Ðưa con lên bờ bình an và vững chãi

Chúng con vì mê muội lâu đời

Chưa từng có cơ duyên học hỏi

Nên đã thường vụng dại

Ðể hạt giống giận hờn bạo động

Mỗi ngày tưới tẩm mãi

Trong chiều sâu tâm thức của con.

Những hạt giống buồn phiền tức tối

Mỗi khi phát khởi hiện hành

Thường gây ra đau thương và hờn tủi

Cho bao nhiêu kẻ khác

Và cho chính bản thân con. (C)

Theo lời dạy đức Từ Bi

Bắt đầu từ hôm nay

Con xin dâng lời thề nguyện

Mỗi khi tâm giận hờn phát hiện

Con sẽ nhớ trở về

Nương vào hơi thở

Vào bước chân chánh niệm

Ðể chăm sóc và ôm ấp

Ðể hộ trì và nhận diện

Những tâm hành đau khổ trong con.

Con sẽ nhớ thực tập nhìn sâu

Ðể thấy được bản chất và cội nguồn

Của tâm hành sân hận

Vâng lời đức Thế Tôn căn dặn

Con sẽ biết hộ trì tâm ý

Nguyện sẽ không nói năng

Và cũng không hành động

Một khi trong tâm con

Cơn giận hờn vẫn còn chưa điều phục

Xin thực tập quán chiếu

Ðể thấy được cội nguồn đích thực

Của niềm đau nỗi khổ trong con. (C)

Sở dĩ con khổ đau

Vì hạt giống si mê

Và hạt giống giận hờn

Trong con còn quá lớn

Và người làm con giận

Là người đang có nhiều đau khổ

Người ấy cũng chưa từng

Biết quay về tự bảo hộ

Chưa từng biết chuyển hóa

Những tập khí sâu dày trong tự tâm.

Quán chiếu được như thế

Con sẽ làm phát sanh

Hiểu biết và chấp nhận

Và con sẽ có thể

Giúp được cho người kia

Tu tập để chuyển hóa

Những khổ đau trong lòng. (C)

Ðức Thế Tôn thường dạy

Ðiều phục được giận hờn

Là đạt tới chiến thắng

Một lần cho cả hai phía.

Con nguyền hết lòng thực tập

Mong báo đáp được hồng ân

Cầu lượng Từ Tam Bảo

Nhiếp thọ và hộ niệm cho con

Ðể chúng con chóng vượt sang

Bến bờ an lành và tịnh lạc. (CC)

Quay Về Nương Tựa

Con về nương tựa Bụt, người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời.

Con về nương tựa Pháp, con đường của tình thương và sự hiểu biết.

Con về nương tựa Tăng, đoàn thể của những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức. (C)

Đã về nương tựa Bụt, con đang có hướng đi sáng đẹp trong cuộc đời.

Đã về nương tựa Pháp, con đang được học hỏi và tu tập các pháp môn chuyển hóa.

Đã về nương tựa Tăng, con đang được tăng thân soi sáng, dìu dắt và nâng đỡ trên con đường thực tập. (C)

Về nương Bụt trong con, xin nguyện cho mọi người thể nhận được giác tánh, sớm mở lòng Bồ Đề.

Về nương Pháp trong con, xin nguyện cho mọi người nắm vững các pháp môn, cùng lên đường chuyển hóa.

Về nương Tăng trong con, xin nguyện cho mọi người xây dựng nên bốn chúng, nhiếp hóa được muôn loài. (CC)

Hồi Hướng

Trì tụng kinh thâm diệu

Tạo công đức vô biên

Đệ tử xin hồi hướng

Cho chúng sinh mọi miền. (C)

Pháp môn xin nguyện học

Ân nghĩa xin nguyện đền

Phiền não xin nguyện đoạn

Quả Bụt xin chứng nên. (CCC)


[][Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục][