NHẬT TỤNG THIỀN MÔN

Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Công phu sáng thứ hai

MỤC LỤC

Công phu sáng thứ hai

Kệ Mở Kinh

Trì Tụng

Đảnh Lễ

Quay Về Nương Tựa

Hồi Hướng


Tĩnh Tọa – 20 tới 30 phút

Kinh Hành Im Lặng – một vòng

Kệ Mở Kinh

Nam mô đức Bổn Sư Bụt Thích Ca Mâu Ni (ba lần) (C)

Pháp Bụt cao siêu mầu nhiệm

Cơ duyên may được thọ trì

Xin nguyện đi vào biển tuệ

Tinh thông giáo nghĩa huyền vi. (C)

Trì Tụng

Hướng về Bụt và Thánh Chúng trên hội Kỳ Viên (3 lần) (C)

Kinh Kim Cương – Gươm Báu Cắt Đứt Phiền Não (C)

Ðây là những điều tôi được nghe hồi Bụt còn ở tại tu viện Kỳ Thọ Cấp Cô Ðộc gần thành Xá Vệ, với đại chúng khất sĩ gồm một ngàn hai trăm năm mươi vị. Hôm ấy vào giờ khất thực, Bụt mặc áo và ôm bát đi vào thành Xá Vệ. Trong thành, Người theo phép tuần tự ghé từng nhà để khất thực. Khất thực xong, Người về lại tu viện thọ trai. Thọ trai xong, Người xếp y bát, rửa chân, trải tọa cụ mà ngồi.

Lúc ấy, từ chỗ ngồi của mình trong đại chúng, thượng tọa Tu Bồ Ðề đứng dậy, trịch vai áo bên phải ra, quỳ chân trái xuống, chắp tay cung kính bạch với Bụt rằng: "Thế Tôn, Người thật là bậc hiếm có! Thế Tôn thường đặc biệt hộ niệm và giao phó sự nghiệp cho các vị Bồ Tát. Thế Tôn, những người con trai hiền và những người con gái hiền nào muốn phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác thì nên nương tựa vào đâu và làm sao mà điều phục tâm mình?”

Bụt bảo Tu Bồ Ðề: "Các bậc Bồ Tát đại nhân nên hàng phục tâm mình bằng cách quán niệm như sau: Có cả thảy bao nhiêu loại chúng sanh, hoặc sinh từ trứng, hoặc sinh từ thai, hoặc sinh từ sự ẩm ướt, hoặc từ sự biến hóa, hoặc có hình sắc, hoặc không có hình sắc, hoặc có tri giác, hoặc không có tri giác, hoặc không phải có tri giác cũng không phải không có tri giác, ta đều phải đưa tất cả các loài ấy vào Niết Bàn tuyệt đối để tất cả đều được giải thoát. Giải thoát cho vô số, vô lượng, vô biên chúng sanh như thế, mà kỳ thực ta không thấy có chúng sanh nào được giải thoát. Vì sao? Này Tu Bồ Ðề, nếu một vị Bồ Tát mà còn có khái niệm về Ngã, về Nhân, về Chúng sanh và về Thọ Giả thì vị ấy chưa phải là một vị Bồ Tát đích thực. (C)

“Này nữa, thầy Tu Bồ Ðề, vị Bồ Tát thực hiện phép bố thí nhưng không dựa vào bất cứ một thứ gì, nghĩa là không dựa vào sắc để bố thí, cũng không dựa vào thanh, hương, vị, xúc và pháp để bố thí. Tu Bồ Ðề, Bồ Tát nên bố thí theo tinh thần ấy, không dựa vào tướng. Tại sao? Nếu Bồ Tát bố thí mà không dựa vào tướng thì phước đức sẽ không thể nghĩ bàn. Tu Bồ Ðề, thầy nghĩ sao? Không gian về phương Ðông có thể nghĩ và lường được không?”

- Bạch đức Thế Tôn, không?

- Này thầy Tu Bồ Ðề, không gian về phương Tây, phương Nam, phương Bắc, phương Trên và phương Dưới có thể nghĩ và lường được hay không?

- Bạch đức Thế Tôn, không.

- Này thầy Tu Bồ Ðề, nếu Bồ Tát không nương vào đâu cả để thực hiện phép bố thí thì phước đức cũng nhiều như hư không vậy, không thể nghĩ được, không thể lường được. Này Tu Bồ Ðề, các vị Bồ Tát nên trú tâm theo những lời chỉ dẫn vừa đưa ra.

- Tu Bồ Ðề, thầy nghĩ sao? Có thể nhận diện Như Lai qua thân tướng hay không?

- Bạch đức Thế Tôn, không. Cái mà Như Lai nói là thân tướng vốn không phải là thân tướng.

Bụt bảo thầy Tu Bồ Ðề: "Nơi nào có tướng là nơi đó còn có sự lừa gạt.

Nếu thấy được tính cách không tướng của các tướng tức là thấy được Như Lai.”

Thầy Tu Bồ Ðề thưa với Bụt rằng: "Bạch đức Thế Tôn, trong tương lai, khi nghe những câu nói như thế người ta có thể phát sanh được lòng tin chân thật hay không?”

Bụt bảo: "Thầy đừng nói vậy. Năm trăm năm sau khi Như Lai diệt độ, vẫn sẽ có những người biết giữ giới và tu phúc, và những người ấy khi nghe được những lời như trên cũng sẽ có thể phát sanh lòng tin và nhận ra đó là sự thật. Ta nên biết rằng những người ấy đã gieo trồng những hạt giống tốt không phải ở nơi một vị Bụt, hai vị Bụt, ba, bốn, năm vị Bụt mà thật sự đã gieo trồng những hạt giống lành ở nơi vô lượng ngàn muôn vị Bụt. Người nào chỉ trong một giây phút thôi, phát sanh được niềm tin thanh tịnh khi nghe những lời và những câu ấy, thì Như Lai tất nhiên BIẾT được người ấy, THẤY được người ấy và người ấy sẽ đạt được vô lượng phước đức như thế. Vì sao? Vì những người như thế không còn kẹt vào những khái niệm về Ngã, về Nhân, về Chúng sanh, về Thọ Giả, về Pháp, về Không Phải Pháp, về Tướng và về Không Phải Tướng. Vì sao? Nếu còn chấp vào ý niệm Pháp thì vẫn còn kẹt vào các tướng Ngã, Nhân, Chúng sanh và Thọ Giả và nếu còn chấp vào ý niệm Không Phải Pháp, thì cũng vẫn còn kẹt vào tướng Ngã, Nhân, Chúng sanh và Thọ Giả như thường. Thế cho nên, đã không nên chấp vào Pháp mà cũng không nên chấp vào Không Phải Pháp. Vì vậy mà Như Lai đã mật ý nói: Này các vị khất sĩ, nên biết rằng Pháp tôi nói được ví như chiếc bè, Pháp còn nên bỏ, huống là Không Phải Pháp." (C)

Bụt hỏi thầy Tu Bồ Ðề: "Thuở xưa lúc còn theo học với Bụt Nhiên Ðăng, Như Lai có đắc pháp gì chăng?”

- Bạch đức Thế Tôn, không. Ngày xưa khi còn ở với Bụt Nhiên Ðăng, Như Lai không đắc pháp gì cả.

- Tu Bồ Ðề, thầy nghĩ sao? Bồ Tát có trang nghiêm cõi Bụt chăng?

- Bạch Thế Tôn, không. Vì sao? Trang nghiêm cõi Bụt tức là không trang nghiêm cõi Bụt, vì vậy nên mới gọi là trang nghiêm cõi Bụt.

- Như thế đó, thầy Tu Bồ Ðề, các vị Bồ Tát và đại nhân nên phát tâm thanh tịnh theo tinh thần ấy. Không nên dựa vào sắc mà phát tâm, cũng không nên dựa vào thanh, hương, vị, xúc và pháp mà phát tâm. Chỉ nên phát tâm trong tinh thần vô trụ.

“Tu Bồ Ðề ơi, Bồ Tát khi phát tâm bồ đề vô thượng thì nên buông bỏ tất cả các khái niệm, không nên dựa vào sắc mà phát tâm, không nên dựa vào thanh, hương, vị, xúc và pháp mà phát tâm, chỉ nên phát tâm vô trụ.

“Như Lai đã nói tất cả các khái niệm đều không phải là khái niệm và tất cả các loài chúng sanh đều không phải là chúng sanh. Tu Bồ Ðề, Như Lai là kẻ nói lời chính xác, là kẻ nói lời đúng với sự thật, là kẻ nói lời phù hợp với thực tại, là kẻ nói lời không dối trá, là kẻ chỉ nói một lời. Tu Bồ Ðề, nếu có pháp mà Như Lai đã đắc thì pháp ấy không phải thật cũng không phải hư.

“Tu Bồ Ðề, nếu Bồ Tát còn dựa vào pháp mà thực hiện bố thí thì cũng như đi vào trong bóng tối, chẳng thấy được gì. Trái lại, nếu Bồ Tát không dựa vào pháp mà bố thí thì cũng như người có mắt đi trong ánh mặt trời, có thể thấy được mọi hình và mọi sắc. (C)

“Tu Bồ Ðề, các vị đừng bảo rằng Như Lai có ý niệm 'ta sẽ độ chúng sanh'. Tu Bồ Ðề, đừng nghĩ như thế. Tại sao vậy? Sự thật thì không có chúng sanh nào để cho Như Lai độ. Nếu Như Lai nghĩ là có thì Như Lai đã vướng vào khái niệm Ngã, khái niệm Nhân, khái niệm Chúng sanh và khái niệm Thọ Giả rồi. Tu Bồ Ðề, cái mà Như Lai nói là có ngã vốn không phải là có ngã mà người phàm phu lại cho là có ngã. Này Tu Bồ Ðề, kẻ phàm phu đó, Như Lai không cho đó là phàm phu cho nên mới gọi họ là phàm phu.

“Tu Bồ Ðề, thầy nghĩ sao? Có nên quán tưởng Như Lai qua ba mươi hai tướng không?”

Tu Bồ Ðề nói: "Thưa vâng, thưa vâng, phải dùng ba mươi hai tướng mà quán Như Lai.”

Bụt nói: "Nếu nói lấy ba mươi hai tướng mà quán Như Lai thì một vị Chuyển Luân Thánh Vương cũng là Như Lai sao?”

Tu Bồ Ðề nói: "Thế Tôn, con hiểu lời Bụt dạy rồi, không nên dùng ba mươi hai tướng mà quán Như Lai.”

Lúc bấy giờ Thế Tôn nói lên bài kệ này:

- Tìm ta qua hình sắc

Cầu ta qua âm thanh

Là kẻ hành tà đạo

Không thể thấy Như Lai. (C)

- Tu Bồ Ðề, thầy đừng nghĩ rằng Như Lai đạt tới vô thượng chánh đẳng chánh giác mà không cần tới các tướng một cách đầy đủ. Tu Bồ Ðề, đừng nghĩ như thế. Tu Bồ Ðề! Thầy đừng nghĩ là khi phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác ta phải coi các pháp là hư vô, đoạn diệt. Ðừng nghĩ như thế. Kẻ phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác không chủ trương rằng các pháp là hư vô hay đoạn diệt.

Sau khi nghe Bụt nói Kinh này, thượng tọa Tu Bồ Ðề và các vị khất sĩ, nữ khất sĩ, ưu bà tắc, ưu bà di và tất cả các giới Trời, Người và A Tu La đều rất hoan hỷ, tin tưởng và tiếp nhận để thực hành. (CC)

Kinh Thương Yêu (C)

Những ai muốn đạt tới an lạc thường nên học hạnh thẳng thắn, khiêm cung, biết sử dụng ngôn ngữ từ ái, những kẻ ấy biết sống đơn giản mà hạnh phúc, nếp sống từ hòa, điềm đạm, ít ham muốn và không đua đòi theo đám đông.

Những kẻ ấy sẽ không làm bất cứ một điều gì mà các bậc thức giả có thể chê cười.

Và đây là điều họ luôn luôn tâm niệm:

Nguyện cho mọi người và mọi loài được sống trong an toàn và hạnh phúc, tâm tư hiền hậu và thảnh thơi.

Nguyện cho tất cả các loài sinh vật trên trái đất đều được sống an lành, những loài yếu, những loài mạnh, những loài cao, những loài thấp, những loài lớn, những loài nhỏ, những loài ta có thể nhìn thấy, những loài ta không thể nhìn thấy, những loài ở gần, những loài ở xa, những loài đã sinh và những loài sắp sinh.

Nguyện cho đừng loài nào sát hại loài nào, đừng ai coi nhẹ tính mạng của ai, đừng ai vì giận hờn hoặc ác tâm mà mong cho ai bị đau khổ và khốn đốn.

Như một bà mẹ đang đem thân mạng mình che chở cho đứa con duy nhất, chúng ta hãy đem lòng từ bi mà đối xử với tất cả mọi loài. (C)

Ta hãy đem lòng từ bi không giới hạn của ta mà bao trùm cả thế gian và muôn loài, từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, lòng từ bi không bị bất cứ một cái gì làm ngăn cách, tâm ta không còn vương vấn một chút hờn oán hoặc căm thù. Bất cứ lúc nào, khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, miễn là còn thức, ta nguyện duy trì trong ta chính niệm từ bi. Nếp sống từ bi là nếp sống cao đẹp nhất.

Không lạc vào tà kiến, loại dần ham muốn, sống nếp sống lành mạnh và đạt thành trí giác, hành giả sẽ chắc chắn vượt khỏi tử sinh. (CC)

Chuyển Niệm

Chúng con hiện tiền tâm thanh tịnh

Thiền tọa kinh hành và tụng kinh

Xin nguyện Tam Bảo và Long Thiên

Yểm trợ đạo tràng cùng bốn chúng

Tám nạn ba đường đều thoát khỏi

Bốn ân ba cõi thấm hồng ân

Thế giới khắp nơi không chiến tranh

Gió hòa mưa thuận dân an lạc

Đại chúng chuyên tu càng tinh tiến

Mười địa đi lên không khó khăn

Tăng thân an lạc sống tươi vui

Mọi giới quy y thêm phúc tuệ. (C)

Trí Bụt sáng ngời như trăng tỏ

Thân Bụt thanh tịnh như lưu ly

Bụt ở thế gian thường cứu khổ

Tâm Bụt không đâu không từ bi.

Nam mô Bụt Thích Ca Mâu Ni (3 lần) (C)

(Vừa niệm Bụt vừa đi nhiễu)

Đảnh Lễ

Nhất tâm kính lễ đức Bụt Thích Ca Mâu Ni (C)

Nhất tâm kính lễ đức Bụt Di Lặc (C)

Nhất tâm kính lễ đức Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi (C)

Nhất tâm kính lễ đức Bồ Tát Đại Hạnh Phổ Hiền (C)

Nhất tâm kính lễ đức Bồ Tát Thường Bất Khinh (C)

Nhất tâm kính lễ liệt vị Tổ Sư qua các thời đại từ Tây Trúc cho đến Việt Nam (CC)

Quy Nguyện

Trầm hương xông ngát điện

Sen nở Bụt hiện thân

Pháp giới thành thanh tịnh

Chúng sanh lắng nghiệp trần. (C)

Đệ tử tâm thành

Hướng về Tam Bảo

Bụt là thầy chỉ đạo

Bậc tỉnh thức vẹn toàn

Tướng tốt đoan trang

Trí và bi viên mãn.

Pháp là con đường sáng

Dẫn người thoát cõi mê

Đưa con trở về

Sống cuộc đời tỉnh thức.

Tăng là đoàn thể đẹp

Cùng đi trên đường vui

Tu tập giải thoát

Làm an lạc cuộc đời. (C)

Đệ tử nương nhờ Tam Bảo

Trên con đường học đạo

Biết Tam Bảo của tự tâm

Nguyện xin chuyên cần

Làm sáng lòng ba viên ngọc quý. (C)

Nguyện theo hơi thở

Nở nụ cười tươi

Nguyện học nhìn cuộc đời

Bằng con mắt quán chiếu

Nguyện xin tìm hiểu

Nỗi khổ của mọi loài

Tập từ bi

Hành hỷ xả

Sáng cho người thêm niềm vui

Chiều giúp người bớt khổ.

Đệ tử nguyện sống cuộc đời thiểu dục

Nếp sống lành mạnh an hòa

Cho thân thể kiện khương

Nguyện rũ bỏ âu lo

Học tha thứ bao dung

Cho tâm tư nhẹ nhõm. (C)

Đệ tử xin nguyện ơn sâu đền báo

Ơn Cha Mẹ ơn Thầy

Ơn Bè Bạn Chúng Sanh

Nguyện tu học tinh chuyên

Cho cây bi trí nở hoa

Mong một ngày kia

Có khả năng cứu độ mọi loài

Vượt ra ngoài cõi khổ. (C)

Xin nguyện Bụt, Pháp, Tăng chứng minh

Gia hộ cho đệ tử chúng con

Viên thành đại nguyện. (CC)

Quay Về Nương Tựa

Con về nương tựa Bụt, người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời.

Con về nương tựa Pháp, con đường của tình thương và sự hiểu biết.

Con về nương tựa Tăng, đoàn thể của những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức. (C)

Đã về nương tựa Bụt, con đang có hướng đi sáng đẹp trong cuộc đời.

Đã về nương tựa Pháp, con đang được học hỏi và tu tập các pháp môn chuyển hóa.

Đã về nương tựa Tăng, con đang được tăng thân soi sáng, dìu dắt và nâng đỡ trên con đường thực tập. (C)

Về nương Bụt trong con, xin nguyện cho mọi người thể nhận được giác tính, sớm mở lòng Bồ Đề.

Về nương Pháp trong con, xin nguyện cho mọi người nắm vững các pháp môn, cùng lên đường chuyển hóa.

Về nương Tăng trong con, xin nguyện cho mọi người xây dựng nên bốn chúng, nhiếp hóa được muôn loài. (CC)

Hồi Hướng

Trì tụng kinh thâm diệu

Tạo công đức vô biên

Đệ tử xin hồi hướng

Cho chúng sinh mọi miền. (C)

Pháp môn xin nguyện học

Ân nghĩa xin nguyện đền

Phiền não xin nguyện đoạn

Quả Bụt xin chứng nên. (CCC)


[][Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục][