SỐ 220
KINH ĐẠI BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA
HỘI THỨ II
Phẩm 22: Tùy Thuận
(QUYỂN 420)
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.
Bấy giờ, Cụ thọ Mãn Từ Tử bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, trước đây Như Lai bảo Tôn giả Thiện Hiện thuyết giảng Bát-nhã ba-la-mật-đa cho các Đại Bồ-tát mà hôm nay sao lại giảng Đại thừa? Cụ thọ Thiện Hiện liền bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, trên đây con đã nói các nghĩa của Đại thừa nhưng không trái với Bát-nhã ba-lamật-đa đã nói.
Phật bảo Thiện Hiện:
–Trên đây ông đã nói các nghĩa của Đại thừa, tất cả đều tùy thuận, không trái vượt với Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì sao? Này Thiện Hiện, vì tất cả pháp thiện, pháp Bồ-đề phần, hoặc pháp Thanh văn, hoặc pháp Độc giác, hoặc pháp Bồ-tát, hoặc pháp Như Lai, tất cả như thế không có pháp nào là không bao gồm trong Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Bấy giờ, Thiện Hiện lại bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, tại sao tất cả pháp thiện, pháp Bồ-đề phần, hoặc pháp Thanh văn, hoặc pháp Độc giác, hoặc pháp Bồ-tát, hoặc pháp Như Lai đều bao gồm trong Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa?
Phật bảo Thiện Hiện:
–Hoặc Bố thí ba-la-mật-đa, hoặc Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa; hoặc bốn Niệm trụ, hoặc bốn Chánh đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy chi Đẳng giác, tám chi Thánh đạo; hoặc pháp môn giải thoát Không, hoặc pháp môn giải thoát Vô tướng, Vô nguyện; hoặc mười lực của Phật, hoặc bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại Từ, đại Bi, đại Hỷ, đại Xả, mười tám pháp Phật bất cộng; hoặc trí Nhất thiết, hoặc trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng; hoặc pháp không quên mất, hoặc tánh luôn luôn xả; này Thiện Hiện, tất cả các thiện pháp như vậy và pháp Bồ-đề phần, hoặc pháp Thanh văn hoặc pháp Độc giác, hoặc pháp Bồ-tát, hoặc pháp Như Lai, đều bao gồm trong Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Lại nữa này Thiện Hiện, hoặc Đại thừa, hoặc Bát-nhã ba-la-mật-đa, hoặc Tĩnh lự, Tinh tấn, An nhẫn, Tịnh giới, Bố thí ba-la-mật-đa, hoặc sắc, hoặc thọ, tưởng, hành, thức; hoặc nhãn xứ, hoặc nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ; hoặc sắc xứ, hoặc thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ; hoặc nhãn giới, hoặc nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới; hoặc sắc giới, hoặc thanh, hương, vị, xúc, pháp giới; hoặc nhãn thức giới, hoặc nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới; hoặc nhãn xúc, hoặc nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc; hoặc các thọ do nhãn xúc làm duyên sinh ra, hoặc các thọ do nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc làm duyên sinh ra; hoặc bốn Tĩnh lự, hoặc bốn Vô lượng, bốn Định vô sắc; hoặc tám Giải thoát, hoặc tám Thắng xứ, chín Định thứ đệ, mười Biến xứ; hoặc bốn Niệm trụ, bốn Chánh đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy chi Đẳng giác, tám chi Thánh đạo, hoặc pháp môn giải thoát Không, hoặc pháp môn giải thoát Vô tướng, Vô nguyện; hoặc pháp thiện, hoặc pháp chẳng thiện; hoặc pháp hữu ký, hoặc pháp vô ký; hoặc pháp hữu lậu, hoặc pháp vô lậu; hoặc pháp hữu vi, hoặc pháp vô vi; hoặc pháp thế gian, hoặc pháp xuất thế gian; hoặc Thánh đế khổ, hoặc Thánh đế tập, diệt, đạo; hoặc cõi Dục, hoặc cõi Sắc, cõi Vô sắc; hoặc pháp không bên trong, hoặc pháp không bên ngoài, pháp không cả trong ngoài, pháp không không, pháp không lớn, pháp không thắng nghĩa, pháp không hữu vi, pháp không vô vi, pháp không rốt ráo, pháp không không biên giới, pháp không tản mạn chẳng đổi khác, pháp không bản tánh, pháp không tự tướng cộng tướng, pháp không nơi tất cả pháp, pháp không chẳng thể nắm bắt được, pháp không không tánh, pháp không tự tánh, pháp không không tánh tự tánh; hoặc pháp giới, hoặc chân như, thật tế, cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn, cảnh giới an ổn; hoặc tất cả pháp môn Đà-la-ni, hoặc tất cả pháp môn Tam-ma-địa; hoặc mười lực của Phật, hoặc bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại Từ, đại Bi, đại Hỷ, đại Xả, mười tám pháp Phật bất cộng, hoặc chư Như Lai, hoặc Pháp luật của Phật giác ngộ thuyết ra, hoặc Bồ-đề, hoặc Niết-bàn, tất cả pháp như vậy đều chẳng phải tương ưng, chẳng phải không tương ưng, vô sắc, vô kiến, vô đối, một tướng, nghĩa là không tướng.
Này Thiện Hiện, do nhân duyên này mà trên đây ông đã nói các nghĩa của Đại thừa tất cả đều tùy thuận, không trái với Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì sao? Này Thiện Hiện, vì Đại thừa không khác Bátnhã ba-la-mật-đa, Bát-nhã ba-la-mật-đa không khác Đại thừa, Đại thừa không khác Tĩnh lự, Tinh tấn, An nhẫn, Tịnh giới, Bố thí ba-la-mật-đa; Tĩnh lự, Tinh tấn, An nhẫn, Tịnh giới, Bố thí ba-la-mậtđa không khác Đại thừa. Vì sao? Vì hoặc Đại thừa, hoặc Bát-nhã ba-la-mật-đa, hoặc Tĩnh lự, Tinh tấn, An nhẫn, Tịnh giới, Bố thí ba-la-mật-đa, tánh các pháp đó không hai, không hai phần.
Này Thiện Hiện, Đại thừa không khác bốn Niệm trụ, bốn Niệm trụ không khác Đại thừa, Đại thừa không khác bốn Chánh đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy chi Đẳng giác, tám chi Thánh đạo; bốn Chánh đoạn cho đến tám chi Thánh đạo không khác Đại thừa. Vì sao? Vì hoặc Đại thừa, hoặc bốn Niệm trụ, hoặc bốn Chánh đoạn cho đến tám chi Thánh đạo, tánh các pháp đó không hai, không hai phần.
Này Thiện Hiện, Đại thừa cho đến không khác mười lực của Phật, mười lực của Phật không khác Đại thừa; Đại thừa không khác bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại Từ, đại Bi, đại Hỷ, đại Xả, mười tám pháp Phật bất cộng; bốn điều không sợ cho đến mười tám pháp Phật bất cộng không khác Đại thừa. Vì sao? Vì hoặc Đại thừa, hoặc mười lực của Phật, hoặc bốn điều không sợ cho đến mười tám pháp Phật bất cộng, tánh các pháp đó không hai, không hai phần.
Này Thiện Hiện, do nhân duyên này, trên đây ông đã nói các nghĩa của Đại thừa, tất cả đều tùy thuận, không trái với Bát-nhã ba-la-mật-đa. Nếu nói Đại thừa tức là nói Bát-nhã ba-la-mật-đa, nếu nói Bát-nhã ba-la-mật-đa tức là nói Đại thừa, vì nghĩa hai danh từ này không khác nhau.
[Mục lục bộ Bát-nhã][220][221][222][223][224][225][226][227][228][229][230][231][232][233][234][235][236][237][238][239][240][241][242][243][244][245][246][247][248][249][250][251][252][253][254][255][256][257][258][259][260][261]