TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH
BỘ BÁT NHÃ (0220-0261)

SỐ 247 - KINH LIỄU NGHĨA BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA

Hán dịch: Đại sư Thi Hộ


Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:

–Ông nên biết, nếu các Đại Bồ-tát ưa thích tu tập hạnh tương ưng với Ba-la-mật-đa thì nên đối với các pháp, như thật biết rõ những gì có tạo tác đều lìa tất cả tướng.

Khi ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất chắp tay cung kính thưa Phật:

–Bạch Thế Tôn! Như Thế Tôn nói: các Đại Bồ-tát ưa thích muốn tu tập hạnh tương ưng với Ba-lamật-đa, vậy làm thế nào để biết rõ tự tánh của các pháp? Với những gì có tạo tác, làm thế nào để lìa tướng?

Đức Phật dạy Xá-lợi Tử:

–Nếu các Đại Bồ-tát ưa thích viên mãn thắng hạnh tương ưng và đối với các pháp lìa tướng tạo tác thì phải hiểu các pháp trụ mà không chỗ trụ, mới có thể viên mãn thắng hạnh tương ưng.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Nếu các Đại Bồ-tát ở trong các pháp hành hạnh bố thí mà không thấy có người bố thí, không có vật được bố thí, không có người bố thí; thì như vậy mới có thể viên mãn Thí ba-la-mật.

Lại nữa, vị nào tu tập các giới pháp mà không thấy có người giữ, không có giới để giữ, không tạo tác; nếu giữ giới như vậy thì có thể viên mãn Giới ba-la-mật.

Lại nữa, vị nào tu tập pháp nhẫn nhục, ở trong các pháp không bị động chuyển, lìa các tạo tác thì như vậy mới có thể viên mãn Nhẫn ba-la-mật.

Lại nữa, trong hạnh tương ưng phải tinh tấn tu tập, dù thân hay tâm đều không biếng nhác, không có tướng tạo tác; nếu tinh tấn như vậy thì có thể viên mãn Tinh tấn ba-la-mật.

Lại nữa, trong các pháp không bị tán loạn, lìa xa các tướng sở đắc; nếu không tán loạn như vậy thì có thể viên mãn Định ba-la-mật.

Này Xá-lợi Tử! Nếu các Đại Bồ-tát ưa thích an trụ tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa thì cần phải viên mãn bốn Niệm xứ, bốn Chánh đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác chi, tám Thánh đạo.

Lại nữa, quán tưởng Tam-ma-địa Không, Tam-ma-địa Vô tướng, Tam-ma-địa Vô nguyện, bốn pháp Thiền định, bốn pháp Vô lượng, bốn pháp Vô sắc định, tám pháp Giải thoát, Cửu tiên hành pháp tiên hành, chín pháp tưởng.

Những gì là chín tưởng?

–Đó là tưởng pháp bên trong, tưởng Vĩ-bố-dãca, tưởng lìa đỏ xanh, tưởng vĩ-khư-nhĩ-đa, tưởng vô trụ, tưởng Khiếp-nhĩ-đa, tưởng ly tán, tưởng không nhiệt não, tưởng lìa ăn uống.

Như vậy gọi là chín pháp tưởng.

Lại nữa, tưởng niệm Phật; tưởng niệm Pháp; tưởng niệm Tăng; tưởng niệm giới, thí, thiên...; tưởng lìa phiền não; tưởng niệm sinh diệt; tưởng niệm vô thường, khổ, vô ngã...; tưởng niệm các thế gian không cứu cánh; tưởng niệm Khổ trí; tưởng Tập trí; tưởng Diệt trí; tưởng Đạo trí; tưởng tận trí; tưởng vô sinh trí; tưởng pháp trí; tưởng vô ngã trí; tưởng hòa hợp trí; tưởng như thật trí; tưởng ngôn ngữ phân biệt; tưởng lìa ngôn ngữ phân biệt; tưởng vị tri đương tri căn; tưởng dĩ tri căn; tưởng cụ tri căn; tưởng bất tịnh; tưởng thanh tịnh; tưởng chỉ và quán; tưởng ba Minh; tưởng bốn Liễu tri; tưởng bốn Vô úy; tưởng năm Thần thông; tưởng sáu Bala-mật; tưởng bảy chỗ Trụ tâm; tưởng tám pháp Đại nhân; tưởng chín chỗ ở của chúng sinh; tưởng mười Lực của Như Lai; tưởng mười tám pháp Bất cộng; tưởng đại Từ; tưởng đại Bi cho đến tưởng trí Nhất thiết trí. Với các pháp như vậy phải tưởng như vậy.

Lại nữa, các Đại Bồ-tát ưa thích viên mãn trí Nhất thiết và trí Nhất thiết chủng thì nên quán tưởng như thật về Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Lại nữa, nếu muốn viên mãn trí Đạo tướng và trí Nhất thiết tướng thấu rõ các hành tướng của tâm tất cả chúng sinh, đoạn trừ các tạp nhiễm của tất cả chúng sinh, thì cần phải tu tập thắng hạnh tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa.

–Này Xá-lợi Tử! Theo các môn tưởng, các pháp mà ta đã nói trên đây, Đại Bồ-tát phải học như vậy.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi Tử lại thưa Phật:

–Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa nên đoạn trừ pháp gì?

Đức Phật dạy Xá-lợi Tử:

–Ai tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa cần phải đoạn trừ mười thứ nghi ngờ.

Những gì là mười? Đó là nghi hữu tánh, nghi vô tánh, nghi các pháp sai biệt, nghi hủy báng, nghi một pháp, nghi nhiều pháp, nghi đồng, khác, nghi phẩm thượng, nghi như danh, nghi như danh nghĩa. Mười loại nghi ngờ này cần phải đoạn trừ. Nếu làm được như vậy thì Đại Bồ-tát đối với tất cả tướng đều không chỗ quán. Vì tướng không chỗ quán nên cũng gọi là không chỗ quán Bát-nhã ba-la-mật-đa, không chỗ quán các hành, không chỗ quán sắc, không chỗ quán thọ, tưởng, hành, thức. Tất cả đều không chỗ quán. Vì sao? Vì tự tánh của sắc là không, nên không ấy lìa tánh. Thể của sắc là không, lìa sắc thì chẳng có không riêng biệt. Thể của không là sắc, lìa không thì chẳng có sắc riêng biệt. Nghĩa ấy như thế nào gọi là phân biệt sắc?

–Xá-lợi Tử nên biết! Tự tánh của sắc pháp không sinh không diệt, chẳng phải nhiễm chẳng phải tịnh, nên gọi là tự tánh. Cũng chẳng phải duyên pháp, lìa các nghi ngờ, không từ đâu đến và cũng không có trụ chỗ nào. Vì sự phát sinh như thật nên lìa ba giai đoạn. Sắc pháp như vậy, thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Cho nên Đại Bồ-tát đối với các danh tướng đều không có chỗ quán. Vì không có chỗ quán nên không có chỗ nhập. Không chỗ nhập thì có thể viên mãn Bát-nhã ba-la-mật-đa.


[Mục lục bộ Bát-nhã] [220][221][222][223][224][225][226][227][228][229][230][231][232][233][234][235][236][237][238][239][240][241][242][243][244][245][246][247][248][249][250][251][252][253][254][255][256][257][258][259][260][261]


[Mục lục tổng quát]