TẠNG KINH
BỘ BÁT NHÃ (0220-0261)
Hán dịch: Tam tạng Bồ-đề-lưu-chí.
Một thời Đức Thế Tôn do thành tựu viên mãn ngôi vị chánh trí Kim cang của tất cả các Như Lai, đội mão báu quán đảnh thù thắng vượt lên ba cõi, đại Du-già tự tại vô ngại, nên được trí thâm sâu vi diệu, chứng pháp bình đẳng, làm các việc đều được rốt ráo, tùy theo tâm chúng sinh ưa muốn đều làm cho mỹ mãn, ba đời mỹ mãn không bị lay động, ba nghiệp kiên cố cũng như ánh sáng Kim cang chiếu khắp châu thân.
Đức Phật trú tại cung điện cõi trời Tha hóa ở cõi Dục. Cung điện ấy được trang trí bằng các châu báu tốt đẹp, làm bằng ngọc báu ma-ni lớn, cờ lọng lụa là, màu sắc rực rỡ. Những chuỗi châu báu khi gió thổi đến làm lay động, phát ra âm thanh. Tất cả Như Lai thường đến nơi đó đều khen ngợi là nơi tuyệt vời nhất. Lại có tám vạn ngàn Đại Bồ-tát, trước sau vây quanh cúng dường, cung kính Thế Tôn. Vì các vị Bồ-tát, Phật thuyết pháp đầu, giữa, sau đều thiện, nghĩa lý sâu xa, ngôn từ khéo léo, thuần nhất không xen tạp, thanh tịnh, viên mãn. Các Bồ-tát ấy tên là Bồ-tát Kim Cang Thủ, Bồ-tát Quán Tự Tại, Bồ-tát Hư Không Tạng, Bồ-tát Vănthù-sư-lợi, Bồ-tát Chuyển Pháp Luân, Bồ-tát Hàng Phục Nhất Thiên Ma. Các Đại Bồ-tát ấy là đứng đầu.
Bấy giờ ở giữa đại chúng, Thế Tôn thuyết cho các Bồ-tát nghe pháp môn tất cả pháp tự tánh thanh tịnh thật tướng Bát-nhã ba-la-mật. Nghĩa là, ái thanh tịnh là địa vị Bồ-tát; kiến thanh tịnh là địa vị Bồ-tát; nhiễm trước thanh tịnh là địa vị Bồ-tát; vui thích thanh tịnh là địa vị Bồ-tát; tạng thanh tịnh là địa vị Bồ-tát; trang nghiêm thanh tịnh địa vị Bồ-tát; ngữ thanh tịnh là địa vị Bồ-tát; ý thanh tịnh là địa vị Bồ-tát; sắc thanh tịnh là địa vị Bồ-tát; thanh thanh tịnh là địa vị Bồ-tát; hương thanh tịnh là địa vị Bồ-tát; vị thanh tịnh là địa vị của Bồ-tát; vì thanh tịnh là địa vị Bồ-tát. Vì sao? Vì tất cả các pháp tự tánh thanh tịnh. Tất cả các pháp tự tánh thanh tịnh tức là Bát-nhã ba-la-mật thanh tịnh.
Bấy giờ, khi thuyết pháp môn này rồi, Thế Tôn lại bảo Bồ-tát Kim Cang Thủ:
–Này Kim Cang Thủ! Nếu người nào được nghe pháp môn tất cả pháp tự tánh thanh tịnh thật tướng Bát-nhã ba-la-mật này, một lần lọt vào tai thì tất cả phiền não chướng, nghiệp chướng, pháp chướng, các tội rất nặng của người ấy đều tự tiêu trừ. Người nào đọc tụng, tư duy, tu tập thì ngay trong đời này được Tam-muội Kim cang, tất cả pháp tánh bình đẳng; trải qua mười sáu đời khác sẽ được tự tại thâm nhập, vui thích tất cả pháp môn, cho đến sẽ được thân Kim cang của chư Phật Như Lai.
Khi ấy, Như Lai liền nói thần chú “Hàm”.
Bấy giờ, Thế Tôn lại dùng tướng ánh sáng chiếu khắp của tất cả Như Lai, nói cho các Bồ-tát pháp môn tánh tịch tĩnh thành Chánh giác thật tướng Bát-nhã ba-la-mật của tất cả chư Phật. Đó là, thành Chánh giác Kim cang bình đẳng, vì tánh của đại Bồ-đề kiên cố như Kim cang; thành Chánh giác Nghĩa bình đẳng, vì tánh của đại Bồ-đề là Đệ nhất nghĩa; thành Chánh giác Pháp bình đẳng, vì tự tánh của đại Bồ-đề vốn thanh tịnh; thành Chánh giác Nhất thiết bình đẳng, vì tánh của đại Bồ-đề vốn xa lìa tất cả sự phân biệt.
Khi ấy, Thế Tôn nói pháp môn này rồi lại bảo Bồ-tát Kim Cang Thủ:
–Này Kim Cang Thủ! Người nào được nghe pháp môn bản tánh tịch tĩnh thành Chánh giác thật tướng Bát-nhã ba-la-mật này, lại thọ trì, đọc tụng, tư duy, tu tập, nên biết người ấy vượt qua được tất cả đường ác, mau chứng quả Vô thượng Bồ-đề.
Bấy giờ, Như Lai lại nói thần chú “Án”.
Khi ấy, vì các Bồ-tát, Thế Tôn lại dùng tướng Thích-ca Mâu-ni hay điều phục chúng sinh khó điều phục của tất cả Như Lai để nói pháp môn tất cả pháp bình đẳng thật tướng Bát-nhã ba-la-mật. Đó là tánh không hý luận của tham, tánh không hý luận của sân, tánh không hý luận của si. Vì sao? Vì tánh của tất cả các pháp vốn không hý luận. Tất cả các pháp tánh không hý luận, nên tánh của Bát-nhã ba-la-mật cũng không hý luận.
Bấy giờ, Thế Tôn nói pháp môn này xong lại bảo Bồ-tát Kim Cang Thủ:
–Này Kim Cang Thủ! Nếu người nào được nghe pháp môn tất cả pháp bình đẳng thật tướng Bát-nhã ba-la-mật này, thọ trì, đọc tụng, tư duy, tu tập; giả sử người ấy có giết hại tất cả chúng sinh trong ba cõi thì cũng hoàn toàn không do việc này mà đọa vào đường ác. Vì sao? Vì người ấy đã lãnh thọ luật nghi đều phục tâm. Nên biết vị ấy mau được Vô thượng Bồ-đề.
Khi ấy, Như Lai lại nói thần chú “Hám”.
Bấy giờ, vì các Bồ-tát, Thế Tôn lại dùng tướng tự tánh thanh tịnh của tất cả Như Lai để nói pháp môn tất cả pháp tánh bình đẳng quán tự tại trí ấn thật tướng Bát-nhã ba-la-mật. Nghĩa là, sự thanh tịnh của tánh tham, tánh sân của tất cả thế gian. Do tánh tham, tánh sân của tất cả thế gian là thanh tịnh nên tánh cấu, tánh tội, của tất cả thế gian là thanh tịnh. Do tánh cấu, tánh tội của tất cả thế gian là thanh tịnh nên tánh pháp, tánh chúng sinh của tất cả thế gian cũng thanh tịnh. Vì tánh pháp, tánh chúng sinh của tất cả thế gian là thanh tịnh, nên tánh trí của tất cả thế gian là thanh tịnh. Tánh trí của tất cả thế gian thanh tịnh nên Bát-nhã ba-lamật thanh tịnh.
Bấy giờ, Thế Tôn nói pháp môn này xong, lại bảo Bồ-tát Kim Cang Thủ:
–Này Kim Cang Thủ! Nếu người nào được nghe pháp môn tất cả pháp bình đẳng quán tự tại trí ấn thật tướng Bát-nhã ba-la-mật này, thọ trì, đọc tụng, chánh niệm, tu tập thì người ấy tuy ở trong trần cấu năm dục nhưng không bị tham dục, không bị các tội lỗi làm ô nhiễm; cũng như hoa sen tuy ở trong bùn lầy nhưng chẳng bị dính bùn. Cho đến mau chứng quả Vô thượng Bồ-đề.
Khi ấy Như Lai lại nói thần chú “Kiết rị”.
Bấy giờ, vì các Bồ-tát, Thế Tôn lại dùng tướng làm chủ ba cõi của tất cả Như Lai để nói pháp môn quán đảnh xuất hiện trí tạng thật tướng Bát-nhã bala-mật của tất cả chư Phật. Nghĩa là, thí quán đảnh làm cho tất cả được ngôi vua trong ba cõi, thí tài bảo làm cho tất cả đều mong muốn đều được đầy đủ; thí pháp thanh tịnh làm cho được tất cả thật tánh của các pháp; thí thức ăn uống làm cho tất cả thân tâm đều an lạc.
Khi ấy Như Lai lại nói thần chú “Đác lãm”.
Bấy giờ, vì các Bồ-tát, Thế Tôn lại dùng tướng bí tạng trí ấn thường trụ của tất cả Như Lai để nói pháp môn Kim cang trí ấn thậm thâm xứ thật tướng Bát-nhã ba-la-mật. Nghĩa là, Kim cang Thân ấn được tất cả chư Phật giữ gìn, vì chứng được thể tánh chân thật của các Như Lai; Kim cang Ngữ ấn được tất cả chư Phật giữ gìn, vì chứng được đầy đủ tất cả Tam-muội; Kim cang Trí ấn được tất cả chư Phật giữ gìn, vì chứng đắc được thân ngữ ý tối thượng như Kim cang.
Bấy giờ, Thế Tôn nói pháp môn này xong lại bảo Bồ-tát Kim Cang Thủ:
–Này Kim Cang Thủ! Người nào nghe được pháp môn Kim cang trí ấn thậm thâm xứ thật tướng Bát-nhã ba-la-mật này của tất cả chư Phật, rồi thọ trì, đọc tụng, tư duy, chánh niệm, nên biết người ấy sẽ được thành Kim cang ấn tối thượng đối với tất cả trí, và các sự nghiệp đều được viên mãn; thân, khẩu, ý tánh như Kim cang, cho đến sẽ thành quả Vô thượng Bồ-đề.
Khi ấy, Như Lai lại nói thần chú “A”.
Bấy giờ vì các Bồ-tát, Thế Tôn lại dùng tướng xa lìa hẳn hý luận của tất cả Như Lai để nói pháp môn văn tự chuyển luân phẩm thật tướng Bát-nhã ba-la-mật. Nghĩa là, tất cả các pháp là không, vì không có tự tánh; tất cả các pháp là vô tướng, vì xa lìa các tướng; tất cả các pháp là vô nguyện, vì xa lìa các nguyện; tất cả các pháp tự tánh thanh tịnh, nên Bát-nhã ba-la-mật thanh tịnh.
Khi ấy Như Lai lại nói thần chú “A”.
Bấy giờ vì các Bồ-tát, Thế Tôn lại dùng tướng thâm nhập chuyển luân rộng lớn của tất cả Như Lai để nói pháp môn thâm nhập chuyển luân rộng lớn thật tướng Bát-nhã ba-la-mật. Nghĩa là, tánh thâm nhập bình đẳng của Kim Cang, vì được thâm nhập chuyển luân của tất cả Như Lai; tánh thâm nhập nghĩa bình đẳng, vì được thâm nhập chuyển luân của tất cả Bồ-tát; tánh thâm nhập pháp bình đẳng, vì được thâm nhập diệu pháp chuyển luân; tánh thâm nhập bình đẳng, vì được thâm nhập vào tất cả chuyển luân.
Khi ấy Như Lai lại nói thần chú “Lam”.
Bấy giờ vì các Bồ-tát, Thế Tôn lại dùng các phương tiện thiện xảo lớn của tất cả Như Lai để nói pháp môn quảng cúng dường chư Phật tối đệ nhất thật tướng Bát-nhã ba-la-mật. Nghĩa là, phát tâm Bồ-đề, tức là phương tiện thiện xảo lớn cúng dường khắp tất cả chư Phật; cứu độ chúng sinh, tức là phương tiện thiện xảo lớn để cúng dường khắp tất cả chư Phật; giữ gìn chánh pháp, tức là phương tiện thiện xảo lớn cúng dường khắp tất cả chư Phật. Bấy giờ, Thế Tôn nói pháp môn này xong lại bảo Bồ-tát Kim Cang Thủ:
–Này Kim Cang Thủ! Nếu người nào được nghe pháp môn tối đệ nhất quảng cúng dường chư Phật thật tướng Bát-nhã ba-la-mật này, hoặc tự mình ghi chép, hoặc bảo người khác ghi chép, hoặc tự mình thọ trì, hoặc bảo người thọ trì, hoặc tự mình đọc tụng, hoặc bảo người đọc tụng, hoặc tự mình tư duy, hoặc bảo người tư duy, hoặc tự mình cúng dường, hoặc bảo người cúng dường, tùy theo việc làm ấy tức là phương tiện thiện xảo lớn cúng dường khắp tất cả chư Phật.
Khi ấy Như Lai lại nói thần chú “Án”.
Bấy giờ, vì các Bồ-tát, Thế Tôn lại dùng tướng hay điều phục của tất cả các Như Lai để nói pháp môn bí mật trí tạng thật tướng Bát-nhã ba-la-mật hay điều phục nhiếp thọ tất cả chúng sinh. Nghĩa là, tánh bình đẳng của tất cả chúng sinh là tánh sân bình đẳng; tánh điều phục của tất cả chúng sinh là tánh điều phục sân; tánh chân pháp của tất cả chúng sinh là tánh chân pháp của sân; tánh Kim cang của tất cả chúng sinh là tánh Kim cang của sân. Tại vì sao? Vì tánh điều phục của tất cả chúng sinh chính là Bồ-đề.
Khi ấy Như Lai lại nói thần chú “Hà”.
Bấy giờ vì các Bồ-tát, Thế Tôn lại dùng tướng trụ bình đẳng của tất cả Như Lai để nói pháp môn trí tánh bình đẳng tối thắng của tất cả pháp thật tướng Bát-nhã ba-la-mật. Nghĩa là, tánh bình đẳng của tất cả các pháp là tánh bình đẳng của Bát-nhã ba-la-mật; tánh đệ nhất nghĩa của tất cả các pháp là tánh đệ nhất nghĩa của Bát-nhã ba-la-mật; tánh pháp của tất cả các pháp là tánh pháp của Bát-nhã ba-la-mật; tánh nghiệp dụng của tất cả các pháp là tánh nghiệp dụng của Bát-nhã ba-la-mật.
Khi ấy Như Lai lại nói thần chú “Hiệt rị”.
Bấy giờ vì các Bồ-tát, Thế Tôn dùng tướng làm chỗ nương tựa cho chúng sinh của tất cả Như Lai để nói pháp môn chỗ dựa cho tất chúng sinh thật tướng Bát-nhã ba-la-mật. Nghĩa là, tất cả chúng sinh là Như Lai tạng, vì đều ở khắp trong thể tánh Bồ-tát Phổ Hiền; tất cả các chúng sinh là Kim cang, vì đều được nước Kim cang tạng rưới ướt; tất cả chúng sinh là chánh pháp tạng vì bản tánh lời nói là ngôn từ đúng đắn; tất cả chúng sinh là diệu nghiệp tạng, vì sự hoạt động của các nghiệp thiện xảo vi diệu.
Khi ấy Như Lai lại nói thần chú “Để rị”.
Bấy giờ, vì các Bồ-tát, Thế Tôn lại dùng tướng vô lượng, vô biên tận cùng rốt ráo của tất cả Như Lai để nói pháp môn tất cả các pháp vô lượng, vô biên tận cùng rốt ráo bình đẳng thật tướng Bát-nhã ba-la-mật. Nghĩa là, vì Bát-nhã ba-la-mật là vô lượng, nên tất cả chư Phật cũng vô lượng; vì Bátnhã ba-la-mật là vô biên, nên tất cả chư Phật cũng vô biên; vì Bát-nhã ba-la-mật tánh nhất như, nên nên các pháp cũng tánh nhất như; vì Bát-nhã ba-lamật tận cùng rốt ráo, nên tất cả các pháp cũng tận cùng rốt ráo.
Bấy giờ, Thế Tôn nói pháp môn này xong, lại bảo Bồ-tát Kim Cang Thủ:
Này Kim Cang Thủ! Nếu người nào được nghe pháp môn vô lượng, vô biên tận cùng rốt ráo thật tướng Bát-nhã ba-la-mật này, thọ trì, đọc tụng, chánh niệm, tư duy, thì tất cả nghiệp chướng của người ấy đều được tiêu trừ hết không còn sót lại, mau đến Bồ-đề; đối với thân Kim cang Như Lai được tự tại.
Khi ấy Như Lai lại nói thần chú “Phiếu”.
Bấy giờ, vì các Bồ-tát, Thế Tôn lại dùng tướng pháp tánh bí mật phổ quang minh ly hý luận của các Như Lai để nói pháp môn Kim cang bất không vô ngại đại an lạc quyết định nhập pháp tánh vô sơ trung hậu tối đệ nhất thật tướng Bát-nhã ba-la-mật. Nghĩa là, các Bồ-tát có thể phụng sự cúng dường rộng lớn nên được sự an lạc tối thượng. Do được sự an lạc tối thượng nên được đạo Bồ-đề tối thượng của chư Phật. Do được Bồ-đề vô thượng của chư Phật nên có thể thu phục được tất cả ma quân. Do thu phục được tất cả ma quân nên được tự tại trong ba cõi. Do được tự tại trong ba cõi nên có thể làm lợi ích cho tất cả chúng sinh đều được an lạc cứu cánh tối thượng. Vì sao? Bài tụng nói:
Có bậc Trí tối thắng
Thường ở trong sinh tử
Cứu độ khắp quần sinh
Mà không nhập Niết-bàn,
Bát-nhã ba-la-mật
Trí phương tiện cứu cánh
Thành tựu nghiệp thanh tịnh
Thanh tịnh khắp hữu tình.
Với các phiền não tham…
Điều phục các thế gian
Cho đến trời Hữu đảnh
Thanh tịnh không trái nghịch,
Ở trong đời sinh tử
Không nhiễm pháp thế gian
Như hoa sen thơm đẹp
Không ô nhiễm trần cấu,
Ưa muốn làm thanh tịnh
An lạc cho tất cả
Tự tại trong ba cõi
Làm ích lợi bền chắc.
Bấy giờ, nói pháp môn này xong, Thế Tôn lại bảo Bồ-tát Kim Cang Thủ:
–Này Kim Cang Thủ! Người nào nghe được pháp môn Kim cang pháp tánh đại an lạc thật tướng Bát-nhã ba-la-mật này, hàng ngày mỗi sáng sớm hoặc lắng nghe hoặc đọc tụng liên tục không dứt, nên biết tội chướng của người ấy đều tự tiêu trừ, tâm thường an lạc vui vẻ đệ nhất; ngay trong hiện đời liền được thành tựu Kim cang bất không vô ngại quyết định nhập pháp, lại sẽ thành tựu thân Kim cang kiên cố bí mật của tất cả Như Lai.
Khi ấy Như Lai nói thần chú “Sa ha”.
Bấy giờ sau khi nói cho các Bồ-tát nghe các pháp môn trên xong, Thế Tôn lại bảo Bồ-tát Kim Cang Thủ:
–Này Kim Cang Thủ! Kinh điển này của ta rất khó được nghe.
Người nào được nghe cho đến dù chỉ một từ, nên biết người ấy đời quá khứ đã từng cúng dường chư Phật, ở chỗ chư Phật đã từng gieo trồng căn lành. Huống là người lắng nghe đọc tụng đầy đủ, nên biết người ấy quyết định đã từng cúng dường, cung kính, tôn trọng, khen ngợi tám mươi ức nado-tha vô số chư Phật. Nếu kinh điển này ở nơi nào thì ở nơi ấy có tháp chư Phật. Nếu người nào kính trọng kinh này, thường giữ gìn không xa lìa, thì người ấy xứng đáng lãnh thọ sự cung kính cúng dường của tất cả các thế gian. Vị này sẽ được Túc mạng thông, có thể biết được mọi việc trong vô lượng kiếp quá khứ, không bị tất cả Thiên ma Batuần quấy nhiễu, được Tứ đại thiên vương và chư Thiên khác ủng hộ, được tất cả các chư Phật và các vị Bồ-tát thường cùng hộ vệ, tùy ý vãng sinh vào các Tịnh độ trong mười phương.
Này Kim Cang Thủ! Ta nói sơ lược công đức của pháp môn thật tướng Bát-nhã ba-la-mật như vậy. Nếu nói rộng thì tận cùng kiếp cũng không hết được.
Phật nói kinh này xong, Bồ-tát Kim Cang Thủ và các Đại Bồ-tát, Thiên, Long, Dạ-xoa, Càn-thátbà, A-tu-la, Câu-lâu-la, Ma-hầu-la-già, Nhân phi nhân…, tất cả chúng hội đều rất hoan hỷ, tin theo vâng làm.
[Mục lục bộ Bát-nhã] [220][221][222][223][224][225][226][227][228][229][230][231][232][233][234][235][236][237][238][239][240][241][242][243][244][245][246][247][248][249][250][251][252][253][254][255][256][257][258][259][260][261]