TẠNG KINH
BỘ BÁT NHÃ (0220-0261)
Hán dịch: Đời Lương, Tam tạng Mạn-đà-la-tiên, người nước Phù Nam.
Tôi nghe như vầy:
Một thuở nọ, tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ, Đức Phật cùng một ngàn vị đại Tỳ-kheo và mười ngàn vị Đại Bồ-tát tập hợp đầy đủ. Các vị đều dùng Đại trang nghiêm để tự trang nghiêm thân và tất cả đã trụ vào địa vị không thoái chuyển. Tên của các vị Bồ-tát ấy là Bồ-tát Di-lặc, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, Bồ-tát Vô Ngại Biện, Bồ-tát Bất Xả Đởm… đầy đủ các Bồ-tát như vậy.
Đại Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi Đồng chân vào sáng sớm một mình đi đến chỗ Đức Phật, nhưng đứng ở bên ngoài. Bấy giờ các Tôn giả Xá-lợi-phất, Phúlâu-na Di-đa-la-ni Tử, Đại Mục-kiều-liên, Ma-ha Ca-diếp, Ma-ha Ca-chiên-diên, Ma-ha Câu-hyla… cùng tất cả các đại Thanh văn cũng đều đến chỗ Đức Phật và đứng bên ngoài.
Biết chúng hội đã tập hợp, Đức Như Lai đi ra khỏi phòng và trải tòa ngồi. Đức Thế Tôn dạy Tôn giả Xá-lợi-phất:
–Vì sao mới sáng sớm mà ông đến đứng ở ngoài cửa rồi?
Xá-lợi-phất bạch Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn! Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi Đồng chân, đã đến đây và đứng ngoài cửa trước tiên. Thật ra con đến sau.
Bấy giờ Đức Phật hỏi Văn-thù-sư-lợi:
–Ông đến đây trước tiên là ý muốn gặp Như Lai chăng?
Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn, đúng vậy! Đúng là con đến đây để gặp Thế Tôn. Vì sao? Vì con ưa thích chánh quán để làm lợi ích cho chúng sinh. Con quán Như Lai tướng như như, chẳng phải tướng dị, chẳng phải tướng động, chẳng phải tướng tạo tác, không phải tướng sinh, không phải tướng diệt, chẳng phải tướng có, chẳng phải tướng không, không phải ở một chỗ, không phải rời khỏi chỗ không phải ba đời, không phải không ba đời, không phải hai tướng, không phải không hai tướng, chẳng phải tướng cấu, chẳng phải tướng tịnh… Con chánh quán tất cả tướng Như Lai như vậy, để làm lợi ích cho chúng sinh.
Đức Phật dạy Văn-thù-sư-lợi:
–Nếu thấy được tướng Như Lai như vậy, thì tâm không nắm lấy, cũng không phải không nắm lấy. Không phải tích tụ, cũng không phải không tích tụ.
Khi ấy, Xá-lợi-phất nói với Văn-thù-sư-lợi:
–Nếu ông nói như vậy, thì việc thấy Như Lai là rất hiếm có; vì tất cả chúng sinh thấy Như Lai mà tâm không chấp lấy tướng chúng sinh. Giáo hóa tất cả chúng sinh hướng đến Niết-bàn mà cũng không nắm lấy tướng đến Niết-bàn. Vì tất cả chúng sinh, làm trang nghiêm vĩ đại nhưng tâm không thấy tướng trang nghiêm.
Đại Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi Đồng chân nói với Xá-lợi-phất:
–Đúng vậy, đúng vậy, đúng như những điều Tôn giả nói! Tuy vì tất cả chúng sinh, phát tâm làm Đại trang nghiêm nhưng thường không thấy có tướng chúng sinh. Vì tất cả chúng sinh phát Đại trang nghiêm nhưng cảnh giới của chúng sinh thì không tăng, cũng không giảm. Giả sử có một Đức Phật trụ ở đời một kiếp hay hơn một kiếp; từ cảnh giới của một Đức Phật đó, lại có vô lượng, vô biên hằng hà sa chư Phật; như vậy, mỗi mỗi Đức Phật trụ một kiếp hay hơn một kiếp, ngày đêm thuyết pháp, tâm không dừng nghỉ. Tất cả chư Phật đó cứu độ vô lượng hằng hà sa chúng sinh, làm cho nhập vào Niết-bàn, nhưng cảnh giới của chúng sinh cũng không tăng, không giảm. Cho đến mười phương thế giới chư Phật, cũng lại như vậy. Mỗi mỗi chư Phật thuyết pháp giáo hóa, đều độ vô lượng hằng hà sa chúng sinh, làm cho nhập vào Niết-bàn nhưng cảnh giới của chúng sinh thì không tăng, cũng không giảm. Vì sao? Vì định tướng của chúng sinh là không thể nắm bắt, cho nên cảnh giới của chúng sinh là không tăng không giảm.
Xá-lợi-phất lại nói với Văn-thù-sư-lợi:
–Nếu cảnh giới của chúng sinh không tăng không giảm thì làm sao Bồ-tát vì chúng sinh mà cầu Chánh đẳng Chánh giác, thường thực hành việc thuyết pháp?
Văn-thù-sư-lợi nói:
–Nếu tất cả chúng sinh đều là tướng không thì không có Bồ-tát cầu Chánh đẳng chánh giác. Cũng không có chúng sinh để thuyết pháp. Vì sao? Vì trong pháp tôi nói, không có một pháp nào có thể nắm bắt.
Đức Phật dạy Văn-thù-sư-lợi:
–Nếu không có chúng sinh, vì sao nói có chúng sinh và cảnh giới của chúng sinh?
Văn-thù-sư-lợi nói:
–Cảnh giới của chúng sinh tương tự cảnh giới của chư Phật.
Đức Phật lại hỏi Văn-thù-sư-lợi:
–Cảnh giới của chúng sinh có lường được chăng?
Văn-thù-sư-lợi thưa:
–Số lượng cảnh giới của chúng sinh cũng như số lượng cảnh giới của Phật.
Đức Phật lại hỏi:
–Số lượng cảnh giới của chúng sinh có xứ sở không?
Văn-thù-sư-lợi thưa:
–Số lượng cảnh giới của chúng sinh là không thể nghĩ bàn.
Đức Phật lại hỏi:
–Tướng cảnh giới của chúng sinh có trụ không? Thưa:
–Chúng sinh không có trụ, giống như trụ hư không.
Đức Phật hỏi Văn-thù-sư-lợi:
–Như vậy, khi tu Bát-nhã ba-la-mật, nên trụ Bát-nhã ba-la-mật như thế nào?
Văn-thù-sư-lợi thưa:
–Không trụ vào pháp nào cả, là trụ Bát-nhã bala-mật.
Đức Phật lại hỏi:
–Vì sao nói không trụ vào pháp nào gọi là trụ Bát-nhã ba-la-mật?
Văn-thù-sư-lợi thưa:
–Vì không có tướng trụ tức là trụ Bát-nhã bala-mật.
Đức Phật hỏi Văn-thù:
–Như vậy, khi trụ Bát-nhã ba-la-mật, thì các căn lành ấy tăng trưởng ra sao? Tổn giảm thế nào? Văn-thù-sư-lợi thưa:
–Nên trụ Bát-nhã ba-la-mật, thì các căn lành không tăng, không giảm; đối với tất cả pháp cũng không tăng, không giảm. Tánh, tướng của Bát-nhã ba-la-mật đó cũng không tăng, không giảm.
Bạch Thế Tôn! Như vậy tu Bát-nhã ba-la-mật thì không xả pháp phàm phu, cũng không giữ lấy pháp của Hiền thánh. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật không thấy có pháp để nắm bắt hay xả bỏ. Như vậy, tu Bát-nhã ba-la-mật cũng không thấy Niếtbàn, sinh tử đáng vui hay đáng nhàm chán. Vì sao? Vì không thấy sinh tử thì lam sao nhàm chán, xa lìa? Không thấy Niết-bàn thì làm sao ưa thích? Như vậy, tu Bát-nhã ba-la-mật không thấy phiền não, cấu bẩn để xả bỏ; cũng không thấy công đức để bắt lấy. Đối với tất cả các pháp, tâm không tăng không giảm. Vì sao? Vì không thấy pháp giới có tăng giảm. Bạch Thế Tôn! Nếu đúng như vậy thì gọi là tu Bát-nhã ba-la-mật.
Bạch Thế Tôn! Không thấy các pháp có sinh có diệt, đó là tu Bát-nhã ba-la-mật. Bạch Thế Tôn! Không thấy các pháp có tăng có giảm, đó là tu Bátnhã ba-la-mật. Bạch Thế Tôn! Tâm không muốn nắm bắt, không thấy tướng của pháp để có thể mong cầu; đó là tu Bát-nhã ba-la-mật.
Bạch Đức Thế Tôn! Không thấy đẹp xấu, không có so đo cao thấp, không nắm bắt hay xả bỏ. Vì sao? Pháp không có đẹp xấu, vì pháp xa lìa các tướng; pháp không cao thấp, vì tánh của pháp bình đẳng; pháp không nắm bắt hay xả bỏ, vì pháp trụ vào thật tế. Đó là tu Bát-nhã ba-la-mật.
Đức Phật hỏi Văn-thù-sư-lợi:
–Có pháp nào hơn Phật pháp không?
Văn-thù thưa:
–Con không thấy các pháp nào thù thắng hơn Phật pháp. Như Lai tự giác ngộ tất cả pháp không, đó là điều có thể chứng tri.
Đức Phật dạy Văn-thù-sư-lợi:
–Đúng như vậy, Như Lai chánh giác tự chứng pháp không.
Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn! Trong pháp không đó sẽ có pháp thắng mà có thể chứng đắc ư?
Đức Phật nói:
–Lành thay, Văn-thù-sư-lợi! Những lời ông nói, đúng là pháp chân chánh.
Đức Phật lại hỏi:
–Vô thượng Chánh đẳng có gọi là Phật pháp không?
Thưa:
–Như lời Phật nói, Vô thượng Chánh đẳng gọi là Phật pháp. Vì sao? Vì không có pháp nào được gọi là Vô thượng Chánh đẳng.
Văn-thù-sư-lợi thưa:
–Như vậy, tu Bát-nhã ba-la-mật không gọi là pháp khí, không có pháp để giáo hóa phàm phu, cũng không có Phật pháp, không có pháp tăng trưởng. Đó là tu Bát-nhã ba-la-mật.
Bạch Đức Thế Tôn! Khi tu Bát-nhã ba-la-mật, không thấy có pháp, có thể phân biệt tư duy.
Đức Phật hỏi:
–Ông không tư duy về Phật pháp ư?
Thưa:
–Bạch Đức Thế Tôn, không! Theo con, tư duy không thấy Phật pháp, cũng không thể phẩn biệt đây là pháp phàm phu, là pháp Thanh văn, là pháp Bích-chi-phật, như vậy gọi Phật pháp vô thượng.
Lại nữa, khi tu Bát-nhã ba-la-mật, không thấy tướng phàm phu, không thấy tướng Phật pháp, không thấy các pháp có tướng cố định. Đó là tu Bát-nhã ba-la-mật.
Bạch Đức Thế Tôn! Khi tu Bát-nhã ba-la-mật, không thấy Dục giới, không thấy Sắc giới, không thấy Vô sắc giới, không thấy Tịch diệt giới. Vì sao? Vì không thấy có pháp nào là tướng diệt tận. Đó là tu Bát-nhã ba-la-mật.
Bạch Đức Thế Tôn! Khi tu Bát-nhã ba-la-mật, không thấy người ban ân, không thấy người trả ân. Tư duy hai tướng như vậy tâm không phân biệt. Đó là tu Bát-nhã ba-la-mật.
Lại nữa, khi tu Bát-nhã ba-la-mật, không thấy Phật pháp có thể nắm bắt, không thấy pháp phàm phu có thể xả bỏ. Đó là tu Bát-nhã ba-la-mật.
Lại nữa, khi tu Bát-nhã ba-la-mật, không thấy pháp phàm phu có thể diệt, cũng không thấy Phật pháp để chứng tri. Đó là tu Bát-nhã ba-la-mật.
Đức Phật dạy Văn-thù:
–Lành thay! Ông đã khéo nói đúng về tướng thâm sâu của Bát-nhã ba-la-mật. Đó là pháp ấn mà các Đại Bồ-tát đã học. Cho đến Thanh văn, Duyên giác, bậc Hữu học và Vô học cũng sẽ không lìa ấn ấy, để tu đạo quả.
Đức Phật dạy Văn-thù-sư-lợi:
–Nếu người nào được nghe pháp ấy mà không kinh nghi, sợ sệt. Phải biết rằng người ấy từ xa xưa đã trồng các căn lành với ngàn Đức Phật, cho đến trăm ngàn vạn ức Phật, cũng đã trồng sâu căn đức nên không kinh nghi, sợ sệt đối với Bát-nhã ba-lamật thâm sâu ấy.
Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn! Con xin nói lại nghĩa Bátnhã ba-la-mật.
Đức Phật dạy:
Hãy nói đi!
Văn-thù-sư-lợi thưa:
–Bạch Đức Thế Tôn! Khi tu Bát-nhã ba-la-mật, không thấy các pháp nào là nên trụ là không nên trụ; cũng không thấy cảnh giới có tướng để nắm lấy hay bỏ đi. Vì sao? Vì chư Như Lai không thấy tướng cảnh giới của tất cả các pháp, cho đến không thấy cảnh giới của chư Phật, huống chi phải nắm bắt cảnh giới của Thanh văn, Duyên giác và phàm phu, không nắm giữ tướng có thể nghĩ bàn, cũng không nắm giữ tướng chẳng nghĩ bàn; không thấy các pháp có bao nhiêu tướng; tự chứng pháp không, chẳng thể nghĩ bàn. Như vậy, Đại Bồ-tát đã cúng dường và trồng các căn lành với vô lượng trăm ngàn vạn ức Phật, cho nên không kinh nghi, sợ sệt Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu ấy.
Lại nữa, khi tu Bát-nhã ba-la-mật không thấy buộc, không thấy mở, không thấy tướng sai biệt của phàm phu cho đến Tam thừa. Đó là tu Bát-nhã ba-la-mật.
Đức Phật hỏi Văn-thù:
–Ông đã cúng dường bao nhiêu chư Phật?
Văn-thù-sư-lợi thưa:
–Tướng của con và chư Phật như huyễn hóa, nên không thấy được sự cúng dường và người thọ sự cúng dường.
Đức Phật hỏi:
Nay ông không thể trụ vào Phật thừa ư?
Văn-thù thưa:
–Như con đã tư duy, không thấy một pháp nào thì làm sao được trụ vào Phật thừa.
Đức Phật hỏi:
–Ông không chứng Phật thừa ư?
Văn-thù thưa:
–Như Phật thừa thì chỉ có danh tự, không thể chứng đắc cũng không thể thấy, thì làm sao con chứng đắc được?
Đức Phật hỏi:
–Ông có chứng đắc trí vô ngại không?
Văn-thù thưa:
–Con tức là vô ngại, thì làm sao mà dùng vô ngại chứng vô ngại?
Đức Phật hỏi:
–Ông có ngồi đạo tràng không?
Văn-thù thưa:
–Tất cả Như Lai không ngồi đạo tràng thì làm sao riêng con ngồi đạo tràng. Vì sao? Vì hiện tại thấy các pháp đều trụ vào thật tế.
Đức Phật hỏi:
–Thế nào gọi là thật tế? Văn-thù thưa:
–Thân kiến… là thật tế.
Đức Phật hỏi:
Thế nào là thân kiến, là thật tế đó?
Văn-thù thưa:
–Thân kiến tướng của Như là chẳng thật, chẳng phải không thật; không đến, không đi; là thân, không phải thân. Đó gọi là thật tế.
Xá-lợi-phất bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Nếu hiểu rõ nghĩa này thì nhất định gọi là Đại Bồ-tát. Vì sao? Vì được nghe tướng Bát-nhã ba-la-mật sâu xa ấy mà tâm không kinh nghi sợ sệt, không lùi, không hối hận.
Di-lặc Bồ-tát bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Được nghe đầy đủ pháp tướng của Bát-nhã ba-la-mật tức là gần ngôi vị Phật. Vì sao? Vì hiện tại Như Lai đã giác ngộ pháp tướng này.
Văn-thù thưa:
–Bạch Thế Tôn! Được nghe Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu, thì không kinh nghi sợ sệt, không lùi, không hối hận. Nên biết người này đã thấy Phật.
Bấy giờ có Ưu-bà-di Vô Tướng bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Các pháp phàm phu, pháp Thanh văn, pháp Bích-chi-phật, pháp Bồ-tát, pháp Phật đều là vô tướng. Cho nên được nghe Bát-nhã ba-la-mật, tất cả đều không kinh nghi sợ sệt, không lùi, không hối hận. Vì sao? Vì tất cả các pháp vốn là vô tướng.
Đức Phật dạy Xá-lợi-phất:
Thiện nam, thiện nữ nào, được nghe Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu ấy thì tâm nhất định, không kinh nghi sợ sệt, không lùi, không hối hận. Nên biết, người ấy đã trụ vào địa vị không thoái chuyển. Nếu người nào nghe Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu này mà không kinh nghi, sợ sệt, lại tin ưa, nghe, thọ, vui mừng không biết chán; tức là người ấy có đầy đủ Bố thí ba-la-mật, Trì giới ba-la-mật, Tinh tấn ba-la-mật, Nhẫn nhục ba-la-mật, Thiền định ba-la-mật và Trí tuệ ba-la-mật; cũng có thể chỉ bày, phân biệt cho người khác để tu hành đúng pháp.
Đức Phật hỏi Văn-thù:
–Ông quán xét nghĩa gì, mà chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác mà trụ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác?
Văn-thù thưa:
–Con không chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, con không trụ Phật thừa thì làm sao chứng được? Với những điều con nói tức là tướng Bồ-tát.
Đức Phật khen Văn-thù-sư-lợi:
–Lành thay! Ông đã khéo nói nghĩa trong pháp thâm sâu này. Trước đây ông đã trồng sâu các căn lành với Phật, lấy pháp vô tướng mà thanh tịnh tu hành phạm hạnh.
Văn-thù thưa:
–Nếu thấy có tướng thì nói vô tướng. Nay con không thấy có tướng, cũng không thấy vô tướng, thì làm sao nói là dùng pháp vô tướng để thanh tịnh tu hành phạm hạnh?
Đức Phật hỏi Văn-thù:
–Ông có thấy giới luật Thanh văn chăng?
Văn-thù thưa: –Dạ thấy.
Đức Phật hỏi:
–Ông thấy như thế nào?
Văn-thù thưa:
–Con không tạo tri kiến phàm phu, con không tạo tri kiến bậc Thánh, không tạo hữu giác kiến, không tạo vô giác kiến, không tạo đại kiến, không tạo tiểu kiến, không tạo điều phục kiến, không tạo không điều phục kiến, chẳng phải kiến, chẳng phải không kiến.
Xá-lợi-phất hỏi Văn-thù:
–Ông quán Thanh văn thừa như vậy, còn quán Phật thừa thì sao?
Văn-thù nói:
–Tôi không thấy pháp Bồ-đề, không thấy người tu hành Bồ-đề, cũng không thấy người chứng Bồ-đề.
Xá-lợi-phất hỏi Văn-thù:
–Sao gọi là Phật? Thế nào là quán Phật?
Văn-thù hỏi lại:
–Thế nào là ngã?
Xá-lợi Phật nói:
–Ngã chỉ có trong danh tự, tướng danh tự là trống không.
Văn-thù nói:
–Đúng vậy, nếu ngã chỉ là danh tự thì Phật cũng chỉ là danh tự. Tướng của danh tự trống không tức là Bồ-đề. Không dùng danh tự để cầu Bồ-đề. Tướng của Bồ-đề là không lời, không nói. Vì sao? Vì lời nói và Bồ-đề, cả hai đều trống không.
Này Xá-lợi-phất! Sao gọi là Phật? Quán Phật thế nào? Nghĩa là không sinh, không diệt, không đến, không đi, không tên, không tướng; đó gọi là Phật. Quán thật tướng của thân mình thì quán Phật cũng như vậy. Chỉ người có trí tuệ mới có thể biết được thôi. Đó gọi là quán Phật.
Bấy giờ Xá-lợi-phất bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Như Văn-thù-sư-lợi nói với Bát-nhã ba-la-mật thì hàng Sơ học Bồ-tát không thể hiểu biết được.
Văn-thù thưa:
–Không những hàng Sơ học Bồ-tát không thể biết mà hàng Nhị thừa đã chứng đắc cũng chưa chắc đã biết rõ được. Nói pháp như vậy, không có ai biết cả. Vì sao? Vì tướng Bồ-đề, thật không có pháp nào mà có thể biết, nó không thấy, không nghe, không đắc, không nghĩ, không sinh, không diệt, không nói, không tiếng. Như vậy, tánh tướng của Bồ-đề là không tịch, không chứng, không biết, không hình, không tướng, thì làm sao có người chứng đắc Bồ-đề?
Xá-lợi-phất hỏi Văn-thù:
–Đối với pháp giới, Phật không chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác ư?
Văn-thù trả lời:
–Xá-lợi-phất! Không chứng. Vì sao? Vì Thế Tôn tức là pháp giới. Nếu dùng pháp giới chứng pháp giới tức là tranh luận. Này Xá-lợi-phất! Tướng của pháp giới tức là Bồ-đề. Vì sao? Vì trong pháp giới ấy không có tướng của chúng sinh vì tất cả pháp là không; tất cả các pháp là không, tức là Bồ-đề; vì không hai, không phân biệt. Xá-lợi-phất! Trong cái không phân biệt tức có cái không biết. Nếu không biết tức là không nói năng. Không có tướng nói năng tức là chẳng phải có, chẳng phải không, chẳng biết, chẳng phải không biết. Tất cả các pháp cũng đều như vậy. Vì sao? Vì tất cả các pháp không thấy có xứ sở, không có tánh nhất định, nên có thêm tướng nghịch tội cũng chẳng thể nghĩ bàn. Vì sao? Vì thật tướng của các pháp, không thể hư hoại. Như vậy nghịch tội cũng không phải bản tánh, nó không sinh lên trời, không đọa địa ngục, cũng không nhập Niết-bàn. Vì sao? Vì tất cả nghiệp duyên đều trụ vào thật tế, không đến, không đi, không nhân, không quả. Vì sao? Vì pháp giới là vô biên, không trước không sau.
Cho nên, này Xá-lợi-phất! Nếu thấy Tỳ-kheo phạm trọng tội mà không đọa địa ngục, dù có tu hành thanh tịnh nhưng không nhập Niết-bàn. Tỳ-kheo như vậy chẳng phải bậc Ứng cúng, chẳng phải không Ứng cúng, chẳng phải đã hết lậu, cũng chẳng phải không hết lậu. Vì sao? Vì các pháp trụ trong bình đẳng.
Xá-lợi-phất nói:
–Sao gọi là pháp nhẫn không thoái?
Văn-thù trả lời:
–Không thấy một pháp nhỏ nào, có tướng sinh diệt; gọi là pháp nhẫn không thoái.
Xá-lợi-phất hỏi:
–Sao gọi là Tỳ-kheo chẳng điều phục?
Văn-thù trả lời:
–Là A-la-hán đã sạch các lậu, gọi là chẳng điều phục. Vì sao? Vì đã diệt sạch các kết sử, không có gì để điều phục nữa nên gọi là chẳng điều phục. Nếu tâm và hành động tội lỗi gọi là phàm phu. Vì sao? Vì phàm phu chúng sinh, không thuận với pháp giới, cho nên gọi là tội lỗi.
Xá-lợi-phất nói:
–Lành thay! Nay ông đã khéo giảng cho tôi về nghĩa lậu tận A-la-hán.
Văn-thù nói:
–Đúng vậy, đúng vậy! Tôi đã lậu tận, là A-la- hán chân thật. Vì sao? Vì tôi đoạn trừ sự mong cầu Thanh văn và Bích-chi-phật. Do nhân duyên này gọi là lậu tận chứng A-la-hán.
Đức Phật nói Văn-thù:
–Các Bồ-tát, khi ngồi đạo tràng có giác ngộ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không?
Văn-thù thưa:
–Bồ-tát ngồi đạo tràng, không có giác ngộ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì sao? Vì tướng như Bồ-đề, không có pháp nhỏ nào, có thể chứng đắc, nên gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Bồ-đề là vô tướng thì ai có thể ngồi, cũng không có ai đứng dậy. Vì thế mà không thấy Bồ-tát ngồi đạo tràng, cũng không có ai giác ngộ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Văn-thù bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Bồ-đề tức là năm nghịch, năm nghịch tức là Bồ-đề. Vì sao? Vì Bồ-đề và năm nghịch không có hai tướng, không học điều không học, không thấy điều không thấy, không biết điều không biết, không phân biệt điều không phân biệt. Tướng như vậy gọi là Bồ-đề. Thấy tướng năm nghịch cũng như vậy. Nếu nói thấy có Bồ-đề và người chứng đắc thì nên biết, hạng người này là kẻ tăng thượng mạn.
Bấy giờ Đức Thế Tôn dạy Văn-thù:
–Ông nói ta là Như Lai, vậy ta là Như Lai phải không?
Văn-thù thưa:
–Không, bạch Thế Tôn! Con không nói Như Lai là Như Lai. Không có tướng Như, không thể gọi là Như, cũng không có trí Như Lai mà có thể biết Như. Vì sao? Vì Như Lai và trí không có hai tướng, là trống không; vì Như Lai chỉ có danh tự, thì làm sao con nói là Như Lai?
Đức Phật dạy Văn-thù:
–Ông nghi Như Lai ư?
Văn-thù thưa:
–Không có, bạch Thế Tôn! Con quán Như Lai không có tánh nhất định, không sinh không diệt, cho nên con không có gì để nghi ngờ.
Phật dạy Văn-thù:
–Ông không nói Như Lai xuất hiện ở đời ư?
Văn-thù thưa:
–Nếu có Như Lai xuất hiện ở đời thì tất cả pháp giới cũng xuất hiện.
Phật dạy Văn-thù:
–Ông cho rằng hằng hà sa chư Phật nhập Niếtbàn ư?
Thưa:
–Chư Phật một tướng, nhưng chẳng thể nghĩ bàn!
Phật dạy Văn-thù:
–Đúng vậy, Phật một tướng nhưng chẳng nghĩ bàn.
Văn-thù thưa:
–Bạch Thế Tôn! Phật đang trụ ở đời phải không?
Phật dạy:
–Đúng vậy.
Văn-thù thưa:
–Nếu Phật trụ ở đời thì hằng hà sa chư Phật cũng sẽ trụ ở đời. Vì sao? Vì tất cả chư Phật đồng một tướng, là tướng chẳng nghĩ bàn. Tướng chẳng nghĩ bàn không sinh không diệt. Nếu chư Phật đời vị lai xuất hiện nơi đời thì tất cả chư Phật cũng xuất hiện. Vì sao? Vì trong chẳng nghĩ bàn, không có tướng quá khứ, tướng vị lai, tướng hiện tại; nhưng vì chúng sinh lại chấp trước, cho Phật xuất hiện nơi đời, cho là Phật diệt độ.
Đức Phật dạy Văn-thù-sư-lợi:
–Điều này chỉ có Như Lai, A-la-hán, Bồ-tát không thoái chuyển mới có thể hiểu được. Vì sao? Vì ba bậc này nghe pháp thâm sâu không chê bai, cũng không khen ngợi.
Văn-thù bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Như vậy với pháp chẳng nghĩ bàn, ai chê bai, ai khen ngợi?
Phật dạy Văn-thù:
–Như Lai chẳng nghĩ bàn, phàm phu cũng chẳng nghĩ bàn.
Văn-thù bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Phàm phu cũng chẳng nghĩ bàn ư?
Phật dạy:
–Phàm phu cũng chẳng nghĩ bàn. Vì sao? Vì tất cả tâm tướng đều chẳng nghĩ bàn.
Văn-thù nói:
–Nếu nói như vậy thì Như Lai chẳng nghĩ bàn, phàm phu cũng chẳng nghĩ bàn. Nay vô số chư Phật cầu Niết-bàn mệt mỏi uổng công. Vì sao? Vì pháp chẳng nghĩ bàn tức là Niết-bàn, bình đẳng, không khác.
Văn-thù thưa:
–Như vậy phàm phu chẳng nghĩ bàn, chư Phật chẳng nghĩ bàn. Nếu thiện nam, thiện nữ nào học tập căn lành vững chắc, gần gũi Thiện tri thức, mới có thể hiểu biết đầy đủ được.
Phật dạy Văn-thù:
–Ông có muốn Như Lai là tối thắng trong chúng sinh không?
Thưa:
–Con muốn Như Lai là tối thắng đệ nhất trong chúng sinh, nhưng tướng của chúng sinh cũng không thể nắm bắt được.
Phật nói:
–Ông có muốn Như Lai đắc pháp chẳng nghĩ bàn không?
Thưa:
–Con muốn Như Lai đắc pháp chẳng nghĩ bàn nhưng đối với các pháp không có ai thành tựu.
Phật dạy Văn-thù:
–Ông muốn Như Lai nói pháp để giáo hóa ư?
Văn-thù-sư-lợi thưa:
–Con muốn Như Lai thuyết pháp giáo hóa, nhưng người nói và người nghe không thể đắc. Vì sao? Vì trụ pháp giới và pháp giới của chúng sinh, không có tướng sai khác.
Phật dạy Văn-thù:
–Ông muốn Như Lai là vô thượng phước điền ư?
Thưa:
–Như Lai là ruộng phước vô tận, là tướng vô tận. Tướng vô tận tức là ruộng phước vô thượng. Chẳng phải ruộng phước, chẳng phải không ruộng phước, mà gọi đó là ruộng phước. Không có các tướng sáng tối, sinh diệt, đó là ruộng phước. Nếu hiểu rõ tướng ruộng phước như vậy thì việc trồng sâu căn lành cũng không tăng không giảm.
Phật dạy Văn-thù:
–Thế nào là trồng sâu căn lành không tăng không giảm?
Thưa:
–Tướng của ruộng phước, chẳng thể nghĩ bàn.
Nếu ai ở trong đó, mà như pháp tu thiện thì cũng chẳng thể nghĩ bàn. Gieo trồng như vậy gọi là không tăng không giảm, cũng là ruộng phước tối thắng vô thượng.
Bấy giờ, với thần lực của Phật, mặt đất chấn động sáu cách, hiện ra tướng vô thường. Một vạn sáu ngàn người đều đắc Vô sinh pháp nhẫn. Bảy trăm Tỳ-kheo, ba ngàn Ưu-bà-tắc, bốn vạn Ưu-bàdi, sáu mươi ức na-do-tha cõi trời Lục dục được xa lìa trần cấu; trong các pháp, được đắc Pháp nhãn thanh tịnh.
Bấy giờ A-nan đứng dậy, trịch áo bày vai phải, quỳ sát đất, bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà mặt đất chấn động sáu cách?
Đức Phật dạy:
–Vì ta nói tướng phước điền không sai khác, nên có điềm này. Xưa kia ở nơi đây, chư Phật cũng đã nói tướng phước điền để làm lợi ích chúng sinh, làm cho mười phương thế giới cũng đã chấn động sáu cách như vậy.
Xá-lợi-phất thưa:
–Bạch Thế Tôn! Văn-thù-sư-lợi là chẳng thể nghĩ bàn. Vì sao? Vì pháp tướng mà ông thuyết ra là chẳng thể nghĩ bàn?
Đức Phật dạy Văn-thù:
–Đúng vậy! Theo lời Xá-lợi-phất nói, đúng là tướng chẳng nghĩ bàn.
Văn-thù bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Chẳng thể nghĩ bàn không thể nói, có thể nghĩ bàn cũng không thể nói. Như vậy tánh của nghĩ bàn và chẳng nghĩ bàn đều không thể nói. Tất cả tướng của âm thanh chẳng phải có thể nghĩ bàn, cũng chẳng phải chẳng thể nghĩ bàn.
Phật dạy:
–Ông nhập vào chẳng nghĩ bàn Tam-muội chăng?
Văn-thù thưa:
–Không, bạch Đức Thế Tôn! Con là chẳng nghĩ bàn, không thấy có tâm có thể nghĩ bàn; thì sao nói con nhập vào chẳng nghĩ bàn Tam-muội? Khi mới phát tâm, con muốn nhập vào định ấy, nhưng nay tư duy thì không có tướng nào trong tâm để nhập Tam-muội. Giống như người học bắn đã lâu thì giỏi. Sau đó tuy không chí tâm nhưng do tập lâu nên bắn rất trúng đích. Con cũng như vậy, mới học Tam-muội chẳng nghĩ bàn thì buộc tâm vào một duyên. Do tập lâu được thành tựu. Lại không còn tâm tưởng luôn trụ trong định.
Xá-lợi-phất hỏi Văn-thù:
–Lại có định tịch diệt thắng diệu không?
Văn-thù trả lời:
–Nếu có định chẳng nghĩ bàn, thì tại sao thầy lại hỏi có định tịch diệt không? Theo ý của tôi, định chẳng thể nghĩ bàn vẫn không thể đắc, sao hỏi có định tịch diệt?
Xá-lợi-phất hỏi:
–Định chẳng thể nghĩ bàn không thể đắc ư?
Văn-thù trả lời:
–Định có thể nghĩ bàn thì tướng có thể đắc, còn định chẳng thể nghĩ bàn thì tướng không thể đắc. Tất cả chúng sinh đều thành tựu định chẳng thể nghĩ bàn. Vì sao? Vì tất cả tướng của tâm thì tức chẳng phải tâm, nên gọi là định chẳng nghĩ bàn. Cho nên tướng của tất cả chúng sinh và tướng của Tam-muội chẳng nghĩ bàn đều như nhau, không phân biệt.
Đức Phật khen Văn-thù:
–Lành thay, với chư Phật, ông đã trồng căn lành, tịnh tu phạm hạnh, cho nên diễn nói được Tam-muội sâu xa. Nay ông đã an trụ trong Bát-nhã ba-la-mật rồi.
Văn-thù thưa:
–Nếu con trụ trong Bát-nhã ba-la-mật, có thể nói như vậy, tức là hữu tưởng liền trụ vào ngã tưởng. Nếu ai trụ trong hữu tưởng và ngã tưởng thì Bát-nhã ba-la-mật có xứ sở. Bát-nhã ba-la-mật nếu trụ vào không thì cũng là ngã tưởng, cũng gọi là xứ sở. Lìa ngã tưởng và xứ sở thì trụ vào chỗ không có chỗ nào để trụ, giống như chư Phật trụ vào cảnh giới an định tịch diệt chẳng phải cảnh giới có thể nghĩ bàn. Như vậy, chẳng nghĩ bàn gọi là trụ xứ của Bát-nhã ba-la-mật. Xứ của Bát-nhã ba-la-mật, tất cả pháp đều vô tướng, tất cả pháp đều vô tác.
Bát-nhã ba-la-mật tức là chẳng nghĩ bàn. Chẳng nghĩ bàn tức là pháp giới. Pháp giới tức là vô tướng. Vô tướng tức chẳng nghĩ bàn. Chẳng nghĩ bàn là Bát-nhã ba-la-mật. Bát-nhã ba-la-mật và pháp giới không hai, không khác. Không hai, không khác tức là pháp giới. Pháp giới tức vô tướng. Vô tướng tức cảnh giới Bát-nhã ba-la-mật. Cảnh giới Bát-nhã ba-la-mật tức cảnh giới chẳng nghĩ bàn. Cảnh giới chẳng nghĩ bàn tức là cảnh giới vô sinh, vô diệt cảnh giới vô sanh, vô diệt tức cảnh giới chẳng nghĩ bàn.
Văn-thù-sư-lợi nói:
–Cảnh giới Như Lai là cảnh giới của ngã không có hai tướng. Như vậy, tu Bát-nhã ba-la-mật thì không cầu Bồ-đề. Vì sao? Vì tướng Bồ-đề là lìa, là Bát-nhã ba-la-mật.
–Bạch Thế Tôn! Nếu biết ngã tướng mà không chấp trước; không biết, không chấp trước là điều mà Phật chứng tri. Chẳng thể nghĩ bàn, không biết, không chấp trước tức là điều mà Phật chứng tri. Vì sao? Vì biết rõ bản tánh đều không có tướng, thì làm sao chuyển pháp giới? Nếu biết bản tánh không thể, không chấp trước, thì không có vật. Nếu không có vật thì không có xứ sở, không có chỗ nương tựa, không có chỗ trụ. Không chỗ nương tựa, không có chỗ trụ tức là vô sinh, vô diệt. Không sinh không diệt tức là công đức hữu vi, vô vi. Nếu biết như vậy thì không có tâm tưởng. Nếu không có tâm tưởng thì làm sao biết. Công đức hữu vi, vô vi, mà không biết tức là chẳng nghĩ bàn. Chẳng nghĩ bàn là điều Đức Phật chứng tri, cũng không nắm bắt, không phải không nắm bắt. Không thấy tướng của ba đời: quá khứ, hiện tại, vị lai. Không chấp thủ sinh, diệt và các hoạt động, không đoạn cũng không thường. Biết như vậy gọi là chánh trí. Trí chẳng nghĩ bàn như hư không. Không thế này, không thế kia, không có gì sánh bằng, không tốt xấu, không tướng, không mạo.
Phật dạy Văn-thù-sư-lợi:
–Nếu biết như vậy thì gọi là trí không thoái.
Văn-thù-sư-lợi nói:
–Trí không tạo tác gọi là trí không thoái. Giống như thỏi vàng, trước tiên dùng búa đập mới biết nó tốt hay xấu. Nếu không đập thì không thể biết được. Tướng của trí không thoái cũng như vậy, không niệm, không đắm trước, không khởi, không tạo tác, đầy đủ bất động, không sinh, không diệt cứ như thế mà hiển hiện.
Bấy giờ Đức Phật dạy Văn-thù:
–Như chư Như Lai tự nói trí của mình, thì ai có thể tin được?
Văn-thù thưa:
–Trí như vậy, chẳng phải pháp của Niết-bàn; cũng chẳng phải pháp của sinh tử; là hạnh tịch tĩnh; là hạnh vô động; không đoạn trừ tham dục, sân giận, ngu si; cũng chẳng phải không đoạn trừ chúng. Vì sao? Vì không tận, không diệt, không lìa sinh tử, cũng chẳng phải không lìa, không tu đạo, chẳng phải không tu đạo. Người hiểu rõ như vậy gọi là chánh tín.
Đức Phật nói với Văn-thù:
–Lành thay, như lời ông nói, là ông đã hiểu sâu về nghĩa này.
Bấy giờ Ma-ha Ca-diếp bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Nếu nói chánh pháp sâu xa như vậy, thì đời vị lai ai có thể tin hiểu, nghe thọ và thực hành?
Đức Phật dạy Ca-diếp:
–Các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bàdi trong hội hôm nay được nghe kinh này; cũng như đời vị lai những người này được nghe pháp ấy, đều có thể tin hiểu Bát-nhã ba-la-mật sâu xa; và cũng có thể đọc tụng, tin hiểu, thọ trì; và cũng có thể diễn thuyết, phân biệt cho người khác.
Giống như ông trưởng giả mất ngọc báu ma-ni, nên ưu sầu khổ não, sau đó tìm lại được thì sẽ rất vui mừng. Như vậy, này Ca-diếp, chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di ấy, cũng như vậy. Dù có lòng tin ưa, nhưng không nghe pháp thì vẫn sinh khổ não. Nếu có ai khi được nghe, mà tin hiểu thọ trì, thường ưa thích đọc tụng, lòng rất vui mừng, thì nên biết rằng, những người ấy đã thấy Phật, đã gần gũi cúng dường chư Phật.
Phật dạy Ca-diếp:
–Giống như trên cõi trời Đao-lợi, khi cây Balợi-chất-đa-la bắt đầu xuất hiện thì trong chư Thiên cõi đó ai thấy cây cũng rất vui mừng; vì không bao lâu, cây này sẽ trổ hoa. Nếu các Tỳ-kheo, Tỳ-kheoni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di... được nghe Bát-nhã bala-mật, mà tin hiểu thì cũng giống như vậy. Không bao lâu, những người này sẽ mở mang tất cả Phật pháp.
Vào thời tương lai, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưubà-tắc, Ưu-bà-di nào nghe Bát-nhã ba-la-mật mà tin thọ, đọc tụng, tâm không lùi, không hối; nên biết người đó đã ở trong hội này, đã nghe thọ kinh này; nếu có thể cũng nên lưu bố, rộng nói cho mọi người trong thành ấp, xóm làng…; những người ấy được chư Phật hộ niệm.
Như vậy, trong Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu, người nào tin ưa, không nghi ngờ thì nên biết rằng, những người ấy đối với chư Phật thời quá khứ, đã từng tu tập trồng các căn lành. Giống như có người xâu châu ngọc, bỗng nhiên gặp bảo châu ma-ni thật quý giá, tất vui mừng, thì nên biết người này chắc chắn đã từng thấy bảo châu ma-ni rồi.
Như vậy, này Ca-diếp! Nếu có thiện nam, thiện nữ nào tu học pháp khác, bỗng nhiên được nghe Bát-nhã ba-la-mật sâu xa sinh tâm rất vui mừng, thì cũng như người kia được bảo châu ma-ni vậy. Nên biết người này đã từng nghe Bát-nhã ba-lamật. Nếu có chúng sinh được nghe Bát-nhã ba-lamật sâu xa, sinh lòng tín thọ, sinh đại hoan hỷ, thì những người này cũng đã từng gần gũi vô số chư Phật, đã nghe và đã tu học Bát-nhã ba-la-mật. Giống như có người, trước kia đã đi qua, đã thấy xóm làng, thành ấp nọ; sau đó người nghe khen ngợi thành ấp đó có vườn uyển, nhiều ao, suối, hoa quả, cây cối, nhân dân nam nữ... rất đáng ưa thích. Nghe vậy, người ấy rất vui mừng.
Lại nói, vườn uyển thành ấy được trang hoàng đẹp đẽ với hoa đủ loại, cây trái ngọt, ao suối, nhiều trân châu quý đẹp đẽ… tất cả đều rất ưa thích. Người ấy được nghe lần nữa, lại rất vui mừng; thì nên biết người ấy cũng đã từng thấy như vậy rồi. Thiện nam, thiện nữ nào, nghe Bát-nhã ba-la-mật mà tin nhận, lại luôn luôn vui mừng, thích nghe không chán, lại khuyến nói cho người khác; nên biết người này đã từng theo Văn-thù-sư-lợi ở trong hội để nghe Bát-nhã ba-la-mật.
Ca-diếp bạch Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có thiện nam, thiện nữ nào, vào đời tương lai, được nghe Bát-nhã bala-mật sâu xa ấy, mà có lòng tin ưa, nghe thọ, thì nên biết người này, vào thời quá khứ cũng đã từng nghe và tu học.
Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Đức Phật nói các pháp là vô tướng, vô tác, tịch diệt đệ nhất. Thiện nam, thiện nữ nào, có thể hiểu rõ được nghĩa đó; rồi tuyên bày nghĩa này được chư Như Lai khen ngợi, không trái tướng của pháp, tức là Phật nói cũng là tướng hưng thịnh của Bát-nhã ba-la-mật, cũng gọi là hưng thịnh đầy đủ Phật pháp, thông đạt thật tướng, không thể nghĩ lường.
Đức Phật dạy Văn-thù:
–Xưa, khi hành đạo Bồ-tát, ta tu các căn lành, muốn trụ vào địa vị không thoái chuyển, cần phải học Bát-nhã ba-la-mật; muốn chứng thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, phải học Bát-nhã ba-la-mật. Thiện nam, thiện nữ muốn hiểu tất cả tướng của Phật pháp, muốn biết tâm giới của tất cả chúng sinh đều đồng nhau, nên học Bát-nhã ba-lamật.
Văn-thù thưa:
–Muốn học tất cả Phật pháp đầy đủ vô ngại thì nên học Bát-nhã ba-la-mật. Muốn học tất cả khi Phật thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tướng tốt oai nghi, vô lượng pháp thức, thì nên học Bát-nhã ba-la-mật. Muốn biết tất cả chư Phật chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tất cả pháp thức và các oai nghi thì nên học Bát-nhã bala-mật. Vì sao? Vì trong pháp không ấy, không thấy chư Phật, Bồ-đề…
Thiện nam, thiện nữ nào, muốn biết những tướng như vậy mà không nghi ngờ thì nên học Bátnhã ba-la-mật. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật không thấy các pháp có sinh, có diệt, có cấu, có tịnh. Cho nên thiện nam, thiện nữ nên học Bát-nhã ba-la-mật. Muốn biết tất cả pháp không có những tướng quá khứ, hiện tại, vị lai; nên học Bát-nhã ba-la-mật. Vì sao? Vì tánh tướng của pháp giới không có ba đời. Muốn biết tất cả pháp đồng nhập vào pháp giới, tâm vô quái ngại, nên học Bát-nhã ba-la-mật. Muốn chứng tam chuyển, mười hai hành pháp luân, tự mình chứng biết, nhưng không chấp trước, thì nên học Bát-nhã ba-la-mật.
Muốn được lòng từ, bao trùm khắp tất cả chúng sinh cứu giúp không có giới hạn, cũng không nghĩ là có tướng chúng sinh, nên học Bát-nhã ba-la-mật. Muốn đạt sự không tranh luận với tất cả chúng sinh, mà cũng không nắm giữ lấy tướng không tranh luận; nên học Bát-nhã ba-la-mật. Muốn biết mười Lực, Vô úy trụ trí tuệ Phật được vô ngại biện tài thì nên học Bát-nhã ba-la-mật.
Bấy giờ Văn-thù bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Con quán chánh pháp: vô vi, vô tướng, vô đắc, vô lợi, không sinh, không diệt, không đến, không đi, không có người biết, không có người thấy, không người tạo tác, không thấy Bát-nhã ba-la-mật, cũng không thấy cảnh giới Bátnhã ba-la-mật, chẳng chứng, chẳng phải không chứng, không hý luận, không có phân biệt. Tất cả các pháp không tận, lìa tận; không có pháp phàm phu, không có pháp Thanh văn, không có pháp Bích-chi-phật và pháp Phật; chẳng được, chẳng phải không được, không xả bỏ sinh tử, không chứng đắc Niết-bàn, chẳng nghĩ bàn, chẳng phải chẳng nghĩ bàn, không làm, chẳng phải không làm. Tướng pháp như vậy, nếu không biết thì làm sao học Bát-nhã ba-la-mật?
Đức Phật dạy Văn-thù:
–Nếu biết tướng của các pháp như vậy, thì gọi là học Bát-nhã ba-la-mật. Đại Bồ-tát nào muốn học Tam-muội tự tại Bồ-đề, khi được Tam-muội đó rồi, ánh sáng sẽ chiếu khắp tất cả Phật pháp sâu xa và biết danh xưng của tất cả chư Phật, cũng biết và thông suốt thế giới của chư Phật mà không có chướng ngại, nên học theo những gì mà Văn-thù nói trong Bát-nhã ba-la-mật.
Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Bát-nhã ba-la-mật? Đức Phật dạy:
–Bát-nhã ba-la-mật không bờ, không bến, không tên, không tướng, chẳng suy lường, không chỗ quay về nương tựa, không là hòn đảo, không tội, không phước, không tối, không sáng. Giống như pháp giới, không có ranh giới, không hạn số… Đó gọi là Bát-nhã ba-la-mật. Cũng gọi là hành xứ của Đại Bồ-tát. Chẳng phải hành xứ, chẳng phải không hành xứ; tất cả đều nhập vào một thừa gọi là phi hành xứ. Vì sao? Vì vô niệm, vô tác.
Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Nên tu hành như thế nào để mau thành Vô thượng chánh giác?
Đức Phật dạy:
–Làm theo những điều được nói trong Bát-nhã ba-la-mật thì có thể mau đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Lại có Tam-muội Nhất hạnh; nếu thiện nam, thiện nữ nào tu Tam-muội ấy thì cũng mau đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Tam-muội Nhất hạnh là gì?
Đức Phật dạy:
–Một tướng của pháp giới duyên chặt vào pháp giới, gọi là Tam-muội Nhất hạnh. Nếu thiện nam, thiện nữ nào muốn nhập vào Tam-muội Nhất hạnh, thì trước tiên nghe Bát-nhã ba-la-mật, theo đó mà tu học; sau có thể nhập vào Tam-muội Nhất hạnh; giống như duyên vào pháp giới, không lui sụt, không hư hoại, không nghĩ bàn, vô ngại, vô tướng.
Nếu thiện nam, thiện nữ nào, muốn nhập vào Tam-muội Nhất hạnh; nên ở nơi thanh vắng, xả tâm, bỏ các loạn động, không chấp chặt vào tướng mạo, cột tâm vào một vị Phật và chuyên niệm danh hiệu của Ngài. Tùy theo Đức Phật ở phương nào mà ngồi thẳng, hướng đến và niệm danh hiệu của vị Phật đó liên tục. Thế thì trong niệm ấy, có thể thấy quá khứ, hiện tại, vị lai chư Phật. Vì sao? Vì niệm một Đức Phật công đức vô lượng, vô biên, cũng bằng công đức niệm vô lượng chư Phật, công đức ấy như một, không thể nghĩ bàn. Phật pháp bình đẳng, không phân biệt, tất cả đều chở nhất như, đều chứng thành Tối chánh giác, đều đầy đủ vô lượng công đức, vô lượng biện tài. Như vậy, người hành Tam-muội Nhất hạnh là người biết rõ hằng hà sa pháp giới của chư Phật là không có tướng sai biệt. Tôn giả A-nan nhờ được nghe Phật pháp mà được niệm tổng trì biện tài trí tuệ. Đối với trong hàng Thanh văn, tuy là tối thắng, vẫn trụ vào lượng số, có giới hạn. Nếu đắc Tam-muội Nhất hạnh, thì với pháp môn của các kinh, đều phân biệt rõ ràng, đều giác ngộ nhất định không chướng ngại, luôn luôn nói trí tuệ biện tài ngày đêm không gián đoạn; so với A-nan đa văn biện tài, trăm ngàn phần không bằng một phần của người kia.
Đại Bồ-tát nên nghĩ như vầy: “Ta phải làm thế nào để mau chứng được Tam-muội Nhất hạnh, chẳng thể nghĩ bàn công đức, vô lượng danh xưng.”
Phật dạy:
–Đại Bồ-tát nên nghĩ nhớ Tam-muội Nhất hạnh, thường chuyên cần tinh tấn, không biếng lười. Như vậy, cứ thứ lớp tu học dần dần, thì có thể nhập Tam-muội Nhất hạnh, được công đức chẳng thể nghĩ bàn; trừ những kẻ hủy báng chánh pháp, không có lòng tin, ác nghiệp tội chướng nặng nề, không thể nào nhập được Tam-muội Nhất hạnh.
Lại nữa, Văn-thù-sư-lợi, giống như có người được châu ma-ni đem cho người thọ ngọc xem, người thợ ngọc trả lời: “Đây là bảo châu ma-ni vô giá.” Người được châu, yêu cầu người thợ: “Ông hãy mài dũa ngọc châu này cho tôi, chớ để mất đi màu sắc ánh sáng.” Khi người thợ ngọc mài dũa xong, màu sắc của ngọc châu sáng rỡ chiếu khắp, trong ngoài đều trong suốt.
Văn-thù-sư-lợi! Nếu có thiện nam, thiện nữ nào, tu học Tam-muội Nhất hạnh, thì được công đức chẳng thể nghĩ bàn, vô lượng danh xưng. Trong lúc tu học, biết được tướng của các pháp, thông suốt vô ngại, công đức càng tăng trưởng.
Cũng như vậy, này Văn-thù-sư-lợi, giống như ánh sáng của mặt trời đầy khắp, không có tướng giảm. Nếu chứng đắc Tam-muội Nhất hạnh thì đều có đầy đủ tất cả các công đức, không có thiếu kém. Cũng vậy, đắc Tam-muội Nhất hạnh chiếu sáng Phật pháp, giống như ánh sáng của mặt trời.
Văn-thù-sư-lợi! Giáo pháp mà ta nói đến đều là một vị, là vị xa lìa, vị giải thoát, vị tịch diệt. Thiện nam, thiện nữ nào đắc Tam-muội Nhất hạnh rồi những điều diễn nói cũng là một vị, vị xa lìa, vị giải thoát, vị tịch diệt, tùy thuận với chánh pháp sẽ không có tướng sai lầm.
Văn-thù-sư-lợi! Nếu Đại Bồ-tát đắc Tam-muội Nhất hạnh ấy, thì có đầy đủ pháp trợ đạo sẽ mau chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Lại nữa, Văn-thù-sư-lợi! Nếu Đại Bồ-tát không thấy pháp giới có tướng phân biệt dù chỉ là một tướng thì sẽ mau chứng được tướng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chẳng thể nghĩ bàn. Trong Bồ-đề ấy, cũng không thành Phật, người nào biết như vậy thì mau đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nếu tin tất cả pháp đều là Phật pháp, không sinh tâm sợ hãi, không nghi ngờ, người nhẫn như vậy thì mau chứng Vô thượng Bồ-đề.
Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Nhờ nhân duyên như vậy mà mau chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề ư?
Phật dạy:
–Chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, không phải do nhân mà được chẳng phải chẳng do nhân mà được. Vì sao? Vì cảnh giới chẳng nghĩ bàn không do nhân mà được, không phải không nhân mà được. Thiện nam, thiện nữ nào nghe nói như vậy mà không sinh lòng lười biếng nên biết người đó trước kia đã gieo trồng căn lành rồi. Cho nên Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nghe nói Bát-nhã ba-lamật sâu xa không sinh kinh hãi, liền theo Phật xuất gia. Nếu Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di nào được nghe Bátnhã ba-la-mật sâu xa ấy, tâm không sợ hại liền thành tựu là nơi chân chánh để quay về nương tựa. Này Văn-thù-sư-lợi! Nếu có thiện nam, thiện nữ nào, không tu tập Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu này, tức là không tu tập Phật thừa; giống như đại địa, tất cả cây thuốc đều nhờ đất mà sinh trưởng. Văn-thù-sư-lợi, Đại Bồ-tát cũng như vậy; tất cả căn đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật mà được tăng trưởng, đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, không sai trái.
Lúc bấy giờ, Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Cả xóm làng, thành ấp trong Diêm-phù-đề này, chỗ nào sẽ diễn nói Bát-nhã bala-mật sâu xa như vậy?
Đức Phật dạy Văn-thù-sư-lợi:
–Nay trong hội này, nếu có người nào nghe Bát-nhã ba-la-mật, đều phát thệ nguyện: “Trong đời vị lai luôn luôn được tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật.” Từ lòng tín giải này, mà trong đời vị lai có thể được nghe kinh ấy; nên biết rằng, người này không phải do có chút ít căn lành mà có thể hoan hỷ thọ nhận được.
Văn-thù-sư-lợi! Có thiện nam, thiện nữ nào, theo ông nghe Bát-nhã ba-la-mật này, ông nên nói như vầy: “Trong Bát-nhã ba-la-mật này, không có pháp Thanh văn, pháp Bích-chi-phật, pháp Bồ-tát, pháp Phật, cũng không có pháp phàm phu, sinh diệt...”
Văn-thù bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, đến hỏi con rằng: “Như Lai nói Bát-nhã ba-la-mật như thế nào?” Con sẽ trả lời: “Tất cả các pháp không có tướng tranh luận, thì làm sao Như Lai nói Bát-nhã ba-la-mật. Vì sao? Vì không thấy có pháp nào để cùng tranh luận, cũng không có tâm thức của chúng sinh, có thể biết.”
Lại nữa, bạch Thế Tôn! Con sẽ nói cứu cánh thực tế. Vì sao? Vì tướng của tất cả các pháp cùng nhập vào thực tế. A-la-hán không có pháp thù thắng riêng biệt. Vì sao? Vì pháp A-la-hán, pháp phàm phu không một, không khác.
Bạch Đức Thế Tôn! Nói pháp như vậy không có chúng sinh đã, đang và sẽ chứng Niết-bàn. Vì sao? Vì không có tướng chúng sinh nhất định.
Văn-thù-sư-lợi nói:
–Nếu người nào muốn nghe Bát-nhã ba-la-mật, con sẽ nói với họ như vầy: “Nếu có người nào nghe, mà không nhớ nghĩ, không nắm giữ, không nghe, không chứng đắc, như người huyễn không có phân biệt.” Nói như vậy là chân thuyết pháp. Cho nên người nghe chớ khởi chấp ra hai tướng; không xả các kiến mà tu Phật pháp; không giữ lấy pháp của Phật, không xả bỏ pháp của phàm phu. Vì sao? Vì tướng của hai pháp là Phật và phàm phu đều không, không nắm giữ hay xả bỏ. Nếu ai hỏi con, con sẽ nói như vầy: “An ủi như vậy, kiến lập như vậy.” Thiện nam, thiện nữ nên hỏi như vậy; trụ tâm không lui, không mất, nên như pháp tướng mà tùy thuận theo Bát-nhã ba-la-mật để nói.
Khi ấy Thế Tôn khen Văn-thù-sư-lợi:
–Lành thay, lành thay, như lời ông nói! Nếu có thiện nam, thiện nữ nào muốn chiêm ngưỡng chư Phật, nên học Bát-nhã ba-la-mật như vậy. Muốn gần gũi chư Phật, theo pháp mà cúng dường, nên học Bát-nhã ba-la-mật. Muốn nói Như Lai là Thế Tôn của ta, nên học Bát-nhã ba-la-mật. Muốn nói Như Lai không phải là Thế Tôn của ta, cũng nên học Bát-nhã ba-la-mật. Nếu không muốn thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nên học Bát-nhã ba-la-mật. Nếu không muốn thành Vô thượng Bồ-đề, cũng nên học Bát-nhã ba-la-mật. Nếu muốn thành tựu tất cả các Tam-muội, nên học Bát-nhã ba-la-mật. Nếu không muốn thành tựu tất cả các Tam-muội, cũng nên học Bát-nhã ba-la-mật. Vì sao? Vì Tam-muội không tạo tác, không có tướng khác biệt, tất cả pháp không sinh, không xuất. Nếu muốn biết tất cả pháp là giả danh nên học Bát-nhã ba-la-mật. Nếu muốn biết tất cả chúng sinh tu đạo Bồ-đề, không cầu tướng Bồ-đề và tâm không thoái thất, nên học Bát-nhã ba-la-mật. Vì sao? Vì tất cả pháp đều là tướng Bồ-đề. Nếu muốn biết tất cả tướng hành, tướng chẳng hành của chúng sinh, mà tướng chẳng hành tức là Bồ-đề, Bồ-đề tức pháp giới, pháp giới tức là thật tế và tâm không thoái thất nên học Bát-nhã ba-la-mật. Nếu muốn biết tất cả Như Lai có thần thông biến hóa, vô tướng, vô ngại, cũng không có phương cách nào khác là nên học Bát-nhã ba-la-mật.
Đức Phật dạy Văn-thù:
–Nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bàdi, muốn không đọa vào đường ác, nên học Bátnhã ba-la-mật. Dù chỉ một bài kệ bốn câu, mà thọ trì, đọc tụng, tùy thuận giải nói thật tướng cho người khác, như vậy, nên biết rằng, người đó nhất định chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, trụ vào cõi Phật. Nếu người nào nghe Bát-nhã ba-la-mật mà không sợ hãi, có lòng tin hiểu; nên biết rằng người đó sẽ được Phật ấn chứng. Được Phật ấn tức là sẽ thực hành được pháp ấn Đại thừa của Phật. Thiện nam, thiện nữ học pháp ấn này, sẽ vượt qua khỏi đường ác, không nhập vào đạo Thanh văn, Bích-chi-phật, vì vị ấy đã vượt qua rồi. Lúc bấy giờ, Đế Thích ở cõi trời Tam thập tam dùng hoa thơm của trời như hoa Ưu-bát-la, hoa Câu-vật-đầu, hoa Phân-đà-lợi, hoa trời Mạn-đà-la, cùng với hương Chiên-đàn của trời… và các loại hương bột khác, các loại vàng bạc châu báu và cả nhạc trời cùng trổi lên để cúng dường Bát-nhã bala-mật và chư Như Lai cùng Văn-thù-sư-lợi.
Rải hương hoa cúng dường xong rồi nguyện rằng: “Nguyện cho con luôn được nghe pháp ấn của Bát-nhã ba-la-mật.”
Thích Đề-hoàn Nhân cũng nguyện: “Nguyện cho thiện nam, thiện nữ trong cõi Diêm-phù-đề, thường được ghe kinh ấy, tin chắc vào Phật pháp. Tất cả họ đều được tin hiểu, thọ trì, đọc tụng và diễn thuyết cho người, được tất cả chư Thiên ủng hộ.”
Khi ấy, Đức Phật bảo Thích Đề-hoàn Nhân:
–Này Kiều-thi-ca, đúng vậy! Thiện nam, thiện nữ ấy sẽ nhất định chứng được Bồ-đề của chư Phật. Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Thiện nam, thiện nữ thọ trì Bát-nhã ba-la-mật như vậy sẽ được lợi ích và công đức thì vô lượng.
Lúc này, do thần lực của Phật, tất cả đại địa chấn động sáu cách. Ngay lúc đó Đức Phật mỉm cười, phóng ánh sáng lớn chiếu khắp cả tam thiên đại thiên thế giới.
Văn-thù bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Đó là tướng ấn Bát-nhã ba-lamật của Như Lai?
Đức Phật dạy Văn-thù-sư-lợi:
–Đúng vậy! Khi nói Bát-nhã ba-la-mật xong, đều hiện điềm này, vì ấn Bát-nhã ba-la-mật sẽ khiến cho người thọ trì không khen chê. Vì sao? Vì Pháp ấn không có tướng thì không thể khen chê. Nay ta dùng Pháp ấn này để khiến cho chư Thiên ma không hại được.
Nghe Đức Phật nói Bát-nhã ba-la-mật xong, chư Thiên, Bồ-tát và bốn bộ chúng đều hoan hỷ phụng hành.
[Mục lục bộ Bát-nhã] [220][221][222][223][224][225][226][227][228][229][230][231][232][233][234][235][236][237][238][239][240][241][242][243][244][245][246][247][248][249][250][251][252][253][254][255][256][257][258][259][260][261]