TẠNG KINH
BỘ BÁT NHÃ (0220-0261)
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Tam tạng Cưu-ma-la-thập.
Phẩm 5: Hộ Quốc Bấy giờ, Phật bảo:
Tôi nghe như vầy:
Một thuở nọ, Đức Phật ngự trong núi Kỳ-xàquật thuộc thành Vương xá, cùng với tám trăm vạn ức chúng đại Tỳ-kheo bậc Hữu học và Vô học đều là bậc A-la-hán, với công đức hữu vi, công đức vô vi. Bậc mười trí vô học, bậc tám trí hữu học, sáu trí hữu học, ba thiện căn, mười sáu tâm hạnh, quán pháp giả hư thật, quán thọ giả hư, thật quán danh giả hư thật, quán môn ba Không, bốn Đế, mười hai Nhân duyên, vô lượng công đức đều thành tựu. Lại có tám trăm muôn ức Đại tiên Duyên giác, chẳng đoạn, chẳng thường, quán Tứ đế, mười hai nhân duyên đều thành tựu.
Lại có chín trăm muôn ức vị Đại Bồ-tát đều là bậc A-la-hán, đầy đủ công đức thật trí, phương tiện trí tu theo Đại thừa, bốn Nhãn, năm Thần thông, ba Đạt, mười Lực, bốn Tâm vô lượng, bốn Biện tài, bốn Nhiếp pháp, Kim cang diệt định, tất cả công đức đều thành tựu.
Lại có ngàn muôn ức vị Hiền giả giữ năm giới, đều thực hành A-la-hán, đầy đủ mười Địa, mười Hồi hướng, năm phần Pháp thân, vô lượng công đức đều thành tựu.
Lại có mười ngàn vị Ưu-bà-di giữ năm giới đều thực hành A-la-hán, mười Địa đều thành tựu, vừa sinh công đức, đang sinh công đức, đã sinh công đức, ba mươi loại phát sinh công đức đều thành tựu.
Lại có mười ức vị cư sĩ ở bậc hiền thứ bảy, đầy đủ đức hạnh, bốn Niệm xứ, bốn Chánh cần, bốn Như ý túc, năm Căn, năm Lực, mười Nhất thiết nhập, tám Trừ nhập, tám Giải thoát, ba Tuệ, mười sáu hành tướng, bốn Đế, phẩm thứ nhất, thứ hai, thứ ba, thứ tư, quán chiếu được chín mươi nhẫn, tất cả công đức đều thành tựu.
Lại có vạn vạn ức chư Thiên ở chín cõi trời Phạm: ba tầng trời Tịnh thiên, ba tầng trời Quang thiên và ba tầng trời Phạm thiên, Ngũ hỷ lạc thiên, Định công đức thiên, Định vị thường lạc thần thông, mười tám sinh xứ công đức đều thành tựu.
Lại có ức ức các Thiên tử ở sáu tầng trời cõi Dục, nhờ quả báo mười điều lành nên thần thông công đức đều thành tựu.
Lại có mười sáu vị đại quốc vương, mỗi vị đều có một vạn, hai vạn, cho đến mười vạn quyến thuộc đã thọ Tam quy, Ngũ giới, Thập thiện công đức thanh tịnh, tín, hạnh đầy đủ.
Lại có trời, người, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, vô số chúng ở mười phương, không có hạn lượng, lại có khắp mười phương tịnh độ, hóa hiện trăm ức tòa cao, hóa ra trăm ức hoa báu Tu-di. Mỗi vị đều ngồi trên một tòa hoa.
Lại có vô lượng vị Hóa Phật, vô lượng Bồ-tát, Tỳ-kheo, tám bộ chúng, mỗi vị đều ngồi trên hoa sen báu. Trên mỗi hoa có vô lượng cõi nước, mỗi cõi nước đều có Phật và đại chúng như nay không khác. Trong mỗi cõi nước đều có Phật và đại chúng giảng nói Bát-nhã ba-la-mật. Đại chúng và hóa chúng ở phương khác cùng mười hai đại chúng ở trong ba cõi này đều đến ngồi trên tòa hoa sen. Chỗ ấy rộng chín trăm năm mươi dặm, đại chúng ngồi an nhiên.
Lúc bấy giờ, vào ngày mồng tám tháng giêng, Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, nhập đại định, tư duy rồi phát ra ánh sáng rực rỡ soi sáng ba cõi. Trên đỉnh đầu Phật phát ra hoa sen ngàn cánh. Hoa đó cao lên đến cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng ánh sáng cũng giống như thế cho đến hằng hà sa cõi nước chư Phật ở phương khác. Khi ấy, cõi Vô sắc rải xuống vô lượng hương hoa như mưa, tạo thành vô lượng lọng hoa như bánh xe, cao như núi Tu-di chúa như đám mây hạ xuống. Mười tám vị Phạm thiên mưa trăm thứ hoa, màu sắc biến đổi, ở cõi Dục chư Thiên rải hoa như mưa, vô lượng màu sắc. Đức Phật an nhiên ngồi trên tòa phát ra chín trăm muôn ức hoa, lên đến cõi Phi tưởng phi phi tưởng. Khi ấy, cả thế giới rung chuyển sáu cách.
Bấy giờ các đại chúng đều sinh nghi, bảo nhau: “Đức Đại Giác Thế Tôn có bốn Vô sở úy, mười tám pháp Bất cộng, Ngũ nhãn pháp thân, đều do trước đây trong hai mươi chín năm đã vì chúng ta giảng nói Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật, Kim cang Bátnhã ba-la-mật, Thiên Vương Vấn Bát-nhã ba-lamật, Quang Tán Bát-nhã ba-la-mật. Ngày nay Đức Như Lai phát ra ánh sáng rực rỡ khắp nơi chắc có sự kiện gì?”
Trong mười sáu vị đại quốc vương có vua Batư-nặc còn gọi là Nguyệt Quang ở nước Xá-vệ, đầy đủ đức hạnh ở mười Địa, sáu pháp Ba-la-mật, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, đạt bốn Bất hoại tịnh, trị nước bằng giáo pháp Đại thừa. Vua hỏi lần lượt tám trăm người từ cư sĩ Bảo Cái Pháp Tịnh… vua lại hỏi về năm ngàn vị như Tu-bồ-đề, Xá-lợi-phất… vua lại hỏi mười ngàn vị như Di-lặc, Sư Tử Hống… không ai trả lời được.
Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc dùng thần lực trổi lên tám vạn loại âm nhạc. Mười tám vị Phạm thiên và chư Thiên ở cõi Dục cũng trổi lên tám vạn loại âm nhạc vang dội khắp tam thiên cho đến hằng hà sa cõi Phật ở mười phương những ai có nhân duyên đều đến hội họp.
Cõi Phật ở phương Nam có Bồ-tát Pháp Tài cùng năm trăm vạn ức đại chúng đều đến hội họp. Ở phương Đông Bồ-tát Pháp Trụ và chín trăm vạn ức đại chúng đều đến hội họp. Ở phương Bắc, Bồ-tát Hư Không Tánh cùng trăm ngàn vạn ức đại chúng đều đến hội họp. Ở phương Tây, Bồ-tát Thiện Trụ cùng mười hằng hà sa đại chúng đều đến hội họp, tất cả sáu phương đều như vậy. Những người đã đến trong hội này đều cùng nhau trổi lên vô lượng âm nhạc đánh thức Như Lai.
Biết đã đến lúc chúng sinh phát sinh gốc lành, Đức Phật liền xuất định, ngồi trên tòa sen cao như núi Kim cang chúa. Đại chúng đều vui mừng, hiện vô lượng thần thông, rồi an trụ giữa hư không hoặc trên mặt đất.
Lúc bấy giờ, Đức Phật bảo đại chúng:
Ta biết mười sáu vị đại quốc vương muốn hỏi về nhân duyên che chở giữ gìn cõi nước, nay trước tiên ta vì các Bồ-tát nói nhân duyên hộ trì Phật quả, nhân duyên hộ trì mười Địa hành. Hãy lắng nghe, hãy lắng nghe khéo léo suy nghĩ, đúng như pháp thực hành!
Khi ấy, vua Ba-tư-nặc nghĩ rằng: “Đây là một nhân duyên lớn tốt lành”, vua liền rải trăm ức thứ hoa nhiều màu, hoa ấy biến thành trăm ức lọng báu che khắp các đại chúng.
Vua đảnh lễ Phật rồi thưa:
–Bạch Đức Thế Tôn! Vì sao tất cả Bồ-tát hộ trì Phật quả, vì sao hộ trì mười Địa hành?
Phật bảo:
–Bồ-tát giáo hóa bốn loài chúng sinh, quán sắc như thọ, tưởng, hành, thức như; chúng sinh, ngã, nhân, thường lạc ngã tịnh như; tri kiến, thọ giả như, Bồ-tát như sáu pháp Ba-la-mật như, bốn Nhiếp pháp như, tất cả hạnh như, hai Đế như, cho nên tất cả pháp Thánh chân thật không: “Không đến, không đi, không sinh, không diệt”, đồng với mé chân, bình đẳng với pháp tánh, như hư không, không hai, không khác. Vì vậy ấm, nhập, giới vô ngã, không có tướng thật gọi là Bồ-tát hành hóa Bát-nhã ba-la-mật trong mười Địa.
–Bạch Thế Tôn! Nếu các pháp như vậy thì Bồ-tát hộ trì, giáo hóa chúng sinh là giáo hóa chúng sinh chăng?
–Này đại vương! Sắc, thọ, tưởng, hành, thức, thường, lạc, ngã, tịnh của pháp tánh không trụ sắc, không trụ phi sắc, không trụ phi phi sắc cho đến thọ, tưởng, hành, thức cũng không trụ, chẳng phải chẳng trụ. Vì sao? Vì phi sắc như, phi phi sắc như, vì tục đế, vì ba pháp giả nên thấy chúng sinh, tất cả chúng sinh tánh thật cho đến chư Phật, ba thừa, bảy Hiền, tám Thánh cũng gọi là thấy. Sáu mươi hai kiến cũng gọi là thấy. Đại vương! Nếu dùng danh gọi là thấy tất cả pháp, cho đến chư Phật, ba thừa, bốn loại chúng sinh chẳng phải chẳng thấy tất cả pháp.
–Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật có pháp, chẳng phải chẳng có pháp thì pháp Đại thừa làm sao quán chiếu được?
–Đại vương! Đại thừa thấy chẳng phải chẳng có pháp. Nếu pháp chẳng phải chẳng có pháp, đó gọi là phi phi pháp không, pháp tánh không; sắc, thọ, tưởng, hành, thức không, mười hai nhập không, mười tám giới không, sáu đại pháp không, bốn đế không, mười hai nhân duyên không. Pháp này tức sinh, tức trụ, tức diệt, tức hữu, tức không, mỗi một sát-na cũng đều là pháp sinh, pháp trụ, pháp diệt. Vì sao? Vì chín mươi sát-na là một niệm. Trong một niệm, một sát-na trải qua chín trăm lần sinh diệt, cho đến sắc tất cả pháp cũng như vậy.
Vì Bát-nhã ba-la-mật là không cho nên không thấy duyên, không thấy đế, cho đến tất cả pháp không, nội không, ngoại không, nội ngoại không, hữu vi không, vô vi không, vô thỉ không, tánh không, Đệ nhất nghĩa không, Bát-nhã ba-la-mật không, nhân không, Phật quả không, không không, cho nên đều không, chỉ do các pháp tập hợp mà có. Thọ tập nên có, danh tập nên có, nhân tập nên có, quả tập nên có, mười hành tập nên có, Phật quả tập nên có, cho đến sáu đường chúng sinh trong tất cả cõi.
Này thiện nam! Nếu Bồ-tát nào thấy pháp chúng sinh, ngã, nhân, tri kiến, người ấy hành thế gian mà không thế gian. Đối với các pháp không động, không đến, không diệt, vô tướng, chẳng phải vô tướng, mỗi tướng đều như vậy. Chư Phật, Pháp, Tăng cũng như vậy. Đây là một niệm tâm của Sơ địa đầy đủ tám mươi bốn ngàn Bát-nhã ba-la-mật tức gọi là Ma-ha-diễn, tức diệt là Kim cang, cũng gọi là Định, là Nhất thiết hành, như có nói trong Quang Tán Bát-nhã ba-la-mật.
Đại vương! Đây là danh vị cú của kinh, trăm, ngàn, vạn Phật nói danh vị cú. Trong hằng hà sa tam thiên đại thiên cõi nước thành tựu bảy loại báu vô lượng, bố thí cho chúng sinh trong tam thiên cõi nước đều được bảy bậc hiền, bốn quả, không bằng có một niệm tin kinh này. Huống gì giải thích một câu, câu chẳng phải câu, chẳng phải chẳng phải câu, nên Bát-nhã chẳng phải câu, câu chẳng phải Bát-nhã. Bát-nhã cũng chẳng phải Bồ-tát. Vì vậy, cho nên mười Địa, ba mươi sinh là không, vừa sinh, đang sinh, đã sinh, không thật có. Ba sinh trong các địa là không, cũng không phải Nhất thiết trí, không phải Đại-thừa vì là không.
Đại vương! Nếu Bồ-tát thấy cảnh, thấy trí, thấy thuyết, thấy thọ đó chẳng phải là sự thấy biết của bậc Thánh. Đó là pháp thấy biết điên đảo, là hạng phàm phu. Thấy ba cõi chỉ là tên gọi quả báo của chúng sinh. Sáu thức khởi lên thì vô lượng sự ham muốn cùng cực gọi là Dục giới tạng không. Nghiệp quả khởi lên ở cõi Sắc gọi là Sắc giới tạng không. Nghiệp quả khởi lên ở tâm sở gọi là Vô sắc giới tạng không. Vô minh là căn bản của ba cõi cũng là không, ba địa chín sinh diệt, vô minh dẫn đầu trong ba cõi trước nhóm họp, ngoài ra Tập, quả báo là không. Bồ-tát Kim cang thấu rõ Tam-muội lý tận hoặc quả sinh diệt không, hữu quả không, nhân không cho nên không, Nhất thiết trí cũng không, diệt quả không. Vì trước đã không nên Phật đắc ba quả vô vi, trí duyên diệt, chẳng phải trí duyên diệt hư không, quả Nhất thiết trí là không.
Này thiện nam! Nếu có người nào biết tu tập, lắng nghe, vô thính, vô thuyết như hư không. Pháp đồng pháp tánh, nghe đồng nói đồng, tất cả pháp đều như.
Đại vương! Bồ-tát tu pháp hộ trì Phật quả, vì như thế nên hộ trì Bát-nhã ba-la-mật là hộ trì Nhất thiết trí, mười Lực, mười tám pháp Bất cộng, năm loại mắt, năm phần Pháp thân, bốn Tâm vô lượng, tất cả công đức quả vị đều như thế.
Khi Phật nói pháp như vậy có vô lượng trời, người được Pháp nhãn tịnh, Tánh địa, Tín địa, có trăm ngàn người đều đắc Đại không, đại hạnh của Bồ-tát.
–Bạch Đức Thế Tôn! Bồ-tát hộ trì hạnh mười Địa thì hạnh nào có thể thực hành? Hạnh nào có thể giáo hóa chúng sinh, tướng chúng sinh nào có thể giáo hóa?
Phật dạy:
–Đại vương! Năm Nhẫn là pháp Bồ-tát:
1. Phục nhẫn thượng, trung, hạ.
2. Tín nhẫn thượng, trung, hạ.
3. Thuận nhẫn thượng, trung, hạ.
4. Vô sinh nhẫn thượng, trung, hạ.
5. Tịch diệt nhẫn thượng, trung, hạ.
Chư Phật, Bồ-tát đều tu Bát-nhã ba-la-mật.
Người thiện nam mới phát tâm kính tin có hằng hà sa chúng sinh tu hành pháp Nhẫn nhục. Đối với Tam bảo sinh mười tâm tập chủng tánh, Tín tâm, Tinh tấn tâm, Niệm tâm, Tuệ tâm, Định tâm, Thí tâm, Giới tâm, Hộ tâm, Nguyện tâm, Hồi hướng tâm, đó là Bồ-tát đã dùng một phần nhỏ khả năng của mình để giáo hóa chúng sinh vượt qua Nhị thừa, tất cả thiện địa.
Tất cả chư Phật, Bồ-tát nuôi dưỡng mười tâm làm mầm Thánh, lần lượt phát sinh Càn tuệ tánh, Tập chủng tánh, đầy đủ mười tâm, bốn Niệm xứ: thân bất tịnh, thọ thì khổ, tâm vô thường, pháp vô ngã; ba gốc lành: Từ, Thí, Tuệ; ba đời: nhân nhẫn quá khứ, nhân quả nhẫn hiện tại, quả nhẫn vị lai. Vị Bồ-tát này cũng giáo hóa tất cả chúng sinh, đầy đủ năng lực vượt qua vọng tưởng ngã, nhân, tri kiến, chúng sinh… không bị phá hoại bởi vọng tưởng điên đảo của ngoại đạo.
Lại có Thập đạo chủng tánh địa, đó là quán sắc, thọ, tưởng, hành, thức, chứng đắc Giới nhẫn, Tri kiến nhẫn, Định nhẫn, Tuệ nhẫn, Giải thoát nhẫn, quán nhân quả trong ba cõi, Không nhẫn, Vô nguyện nhẫn, Vô tướng nhẫn; quán sự hư thật của hai đế, biết tất cả pháp vô thường chứng đắc Vô thường nhẫn. Biết tất cả pháp không, đắc Vô sinh nhẫn. Đó gọi là Bồ-tát đầy đủ mười tâm vững chắc để làm vua Chuyển luân, cũng có khả năng giáo hóa bốn châu thiên hạ, làm cho tất cả chúng sinh sinh các gốc lành.
Bồ-tát Tín nhẫn, thông suốt hoàn toàn, lúc hành đạo cắt đứt phiền não trói buộc trong ba cõi, ngài có khả năng giáo hóa chúng sinh trong trăm, ngàn, vạn cõi Phật, hiện ra trăm, ngàn vạn thân đầy đủ vô lượng công đức và thần thông. Ngài thường dùng mười tám tâm làm đầu: bốn Nhiếp pháp, bốn Tâm vô lượng, bốn Thệ nguyện rộng lớn, ba môn giải thoát. Bồ-tát từ thiện địa hướng đến về Nhất thiết trí dùng mười lăm tâm này làm chủng tử căn bản của tất cả các hạnh.
Bồ-tát Thuận nhẫn, thấy hiện pháp trong thù thắng, dứt bỏ phiền não trói buộc tâm ở ba cõi.
Hiện một thân trong các cõi Phật ở mười phương, dùng vô lượng không thể tính được, các thứ thần thông để giáo hóa chúng sinh.
Bồ-tát Vô sinh nhẫn còn gọi là Viễn bất động quán tuệ, cũng dứt bỏ tập khí phiền não của sắc tâm trong ba cõi hiện bất khả thuyết, bất khả thuyết vô lượng công đức thần thông.
Lại nữa Tịch diệt nhẫn, chư Phật và Bồ-tát đều dùng nhẫn này để vào Tam-muội Kim cang.
Thực hành hạ nhẫn gọi là Bồ-tát.
Thực hành thượng nhẫn là Nhất thiết trí.
Cùng quán Đệ nhất nghĩa đế, dứt bỏ tâm tập khí vô minh trong ba cõi. Thấu rõ tướng là Kim cang. Thấu rõ tướng, vô tướng là Nhất thiết trí. Vượt ra ngoài Thế đế, Đệ nhất nghĩa đế là thực hành Địa thứ mười một Nhất thiết trí. Biết rõ chẳng phải có, chẳng phải không, vắng lặng, thanh tịnh, thường trụ bất biến, đồng với chân như, bình đẳng với pháp tánh, vô duyên đại Bi, giáo hóa tất cả chúng sinh, nương Nhất thiết trí đến giáo hóa tất cả chúng sinh trong ba cõi.
Này thiện nam! Tất cả chúng sinh bị phiền não trói buộc không thoát ra khỏi ba cõi. Tất cả chúng sinh chịu quả báo hai mươi hai căn không ra khỏi ba cõi. Chư Phật – Ứng, Hóa, Pháp thân cũng không ra khỏi ba cõi. Ngoài ba cõi không có chúng sinh, chư Phật làm sao giáo hóa? Cho nên ta nói: Ngoài ba cõi riêng có một chúng sinh giới tạng. Ngoài đạo trong kinh Đại thừa nói chẳng phải lời do bảy Đức Phật nói.
Đại vương! Ta thường nói tất cả chúng sinh dứt bỏ quả báo phiền não trong ba cõi gọi là Phật. Tự tánh thanh tịnh gọi là Giác Nhất thiết trí tánh. Bản nghiệp của chúng sinh là sự tu hành theo bản nghiệp của chư Phật, Bồ-tát. Trong năm nhẫn đầy đủ mười bốn nhẫn.
–Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ-tát bản nghiệp thanh tịnh giáo hóa chúng sinh?
Phật dạy:
–Từ địa này cho đến địa sau, từ hành xứ của mình và hành xứ của Phật, tất cả tri kiến tùy theo bản nghiệp.
Nếu Bồ-tát trụ trong trăm cõi Phật, làm Tứ Thiên vương ở cõi Diêm-Phù-đề tu hành trăm pháp môn, dùng tâm bình đẳng của hai đế giáo hóa tất cả chúng sinh ở Sơ địa.
Nếu Bồ-tát trụ trong ngàn cõi Phật, làm vua cõi trời Đao-lợi, tu ngàn pháp môn, mười đường lành, giáo hóa tất cả chúng sinh ở Nhị địa.
Nếu Bồ-tát trụ trong mười vạn cõi Phật làm Diệm Thiên vương, tu mười vạn pháp môn đạt Tứ thiền định, giáo hóa chúng sinh ở Tam địa.
Nếu Bồ-tát ở trăm ức cõi Phật làm vua cõi trời Đâu-suất, tu trăm ức pháp môn hành đạo phẩm giáo hóa chúng sinh ở Tứ địa.
Nếu Bồ-tát trụ trong ngàn ức cõi Phật làm vua cõi trời Hóa lạc, tu ngàn ức pháp môn, hai Đế, bốn Đế, tám Đế, giáo hóa tất cả chúng sinh ở Ngũ địa.
Nếu Bồ-tát trụ trong mười vạn ức cõi Phật làm vua cõi trời Tha hóa (tự tại), tu mười vạn ức pháp môn, mười hai nhân duyên, dùng trí giáo hóa chúng sinh ở Lục địa.
Nếu Bồ-tát trụ trong trăm muôn ức cõi Phật, làm vua cõi Sơ thiền, tu trăm muôn ức pháp môn, phương tiện trí, nguyện trí giáo hóa tất cả chúng sinh ở Thất địa.
Nếu Bồ-tát trụ trong trăm vạn vi trần sát cõi Phật, làm Phạm vương ở Nhị thiền, tu trăm muôn vi trần sát pháp môn, thấu suốt phương tiện thần thông trí, giáo hóa tất cả chúng sinh ở Bát địa.
Nếu Bồ-tát ở trăm muôn ức a-tăng-kỳ vi trần sát cõi Phật, làm Đại Phạm vương ở Tam thiền, tu trăm muôn ức a-tăng-kỳ vi trần sát pháp môn, dùng bốn trí vô ngại giáo hóa tất cả chúng sinh ở Cửu địa.
Nếu Bồ-tát trụ trong vô số cõi Phật chẳng thể nêu bày làm Đại tĩnh Thiên vương ở Tứ thiền, làm chủ ba cõi, tu vô số pháp môn chẳng thể nêu bày, đạt Tam-muội lý tận, đồng hành xứ của Phật, thấu rõ nguồn gốc ba cõi, giáo hóa tất cả chúng sinh như cảnh giới Phật. Cho nên bản nghiệp của tất cả Bồ-tát giáo hóa thanh tịnh. Nếu các Như Lai ở mười phương cũng tu nghiệp ấy thì sẽ tiến lên quả Nhất thiết trí, làm vua ba cõi, giáo hóa tất cả vô lượng chúng sinh ở Phật địa.
Khi ấy, trăm muôn ức hằng hà sa chúng đều đứng dậy khỏi chỗ ngồi tung rải vô lượng chẳng thể nghĩ bàn hoa, đốt vô lượng chẳng thể nghĩ bàn hương, cúng dường Đức Phật Thích-ca Mâu-ni và vô lượng vị Đại Bồ-tát, sau đó chắp tay lắng nghe vua Ba-tư-nặc nói kệ khen ngợi Phật.
Thế Tôn Đạo Sư thân Kim cang
Tâm hành vắng lặng chuyển pháp luân
Đủ tám âm thanh để nói pháp
Trăm ngàn muôn ức người đắc đạo
Trời, người sáu đường theo xuất gia,
Thành tựu Tỳ-kheo, hạnh Bồ-tát
Công đức năm nhẫn diệu pháp môn
Mười bốn Bồ-tát đều thấu hiểu,
Ba Hiền, mười Thánh đều hành nhẫn
Chỉ có Phật mới rõ nguyên do
Phật, Pháp, Tỳ-kheo kho Tam bảo
Vô lượng công đức ở nơi đây
Bồ-tát Thập thiện phát đại tâm,
Thoát hẳn biển luân hồi ba cõi
Trung hạ phẩm Thiện Túc Tán vương
Thượng phẩm Thập thiện Thiết Luân vương
Thập trụ Bồ-tát tập chủng tánh
Đồng luân giáo hóa ở hai châu
Bồ-tát Thập hạnh tánh chủng tánh
Ngân luân giáo hóa ba thiên hạ
Luân vương bền đức đạo chủng tánh
Bảy báu chiếu sáng khắp bốn châu
Thánh thai phục nhẫn gồm ba mươi
Thập tín, Thập chỉ, Thập kiên tâm
Chư Phật ba đời hành trong đây
Đều do phục nhẫn mà sinh ra
Tất cả Bồ-tát hành bản nguyện
Nên khó phát tâm và tín tâm
Nếu được tín tâm không lui sụt
Tiến đến đạo Sơ địa vô sinh
Giáo hóa chúng sinh hành Bồ-đề
Gọi là Bồ-tát sơ phát tâm.
Bồ-tát khéo giác cả bốn châu
Chiếu sáng hai Đế đạo bình đẳng
Quyền hóa chúng sinh khắp trăm cõi
Mới lên đạo Nhất thừa vô tướng
Nhập lý Bát-nhã gọi là Trú
Trụ sinh đức hạnh gọi là Địa
Sơ trụ nhất tâm đủ đức hạnh
Đối đệ nhất nghĩa tâm bất động
Bồ-tát Ly Đạt vua Đạo-lợi
Hiện thân sáu đường ngàn cõi nước.
Vô duyên, vô tướng đệ tam đế
Vô tử, vô sinh không có hai
Minh tuệ không chiếu Diệm Thiên vương
Hiện thân dẫn dắt muôn cõi nước
Nhẫn tâm không hai trong ba đế
Ra có vào không biến hóa sinh
Giác ngộ chúng sinh lìa ba cõi
Diệt sạch phiền não trong ba cõi
Lại quán thân miệng của chúng sinh
Pháp tánh bậc nhất chiếu khắp nơi
Trí tuệ sáng rực, đại tinh tấn
Vua trời Đâu-suất dạo ức cõi
Thật trí duyên tịch phương tiện đạo
Đạt đến vô sinh chiếu không hữu
Thắng tuệ tự thấu rõ ba đế
Vua trời Hóa lạc trăm ức cõi
Quán rõ đều không chẳng hai tướng
Ở trong vô gián hóa lục đạo
Bồ-tát pháp hiện trời Hóa lạc,
Không hai, không chiếu đạt lý không
Ba đế hiện tiền, đại trí sáng
Chiếu ngàn ức cõi độ tất cả.
Thắng pháp hiện bày vô định tướng
Tâm mê chìm đắm trong ba cõi
Không tuệ vắng lặng quán vô duyên
Lại quán tâm không vô lượng báo
Chứng đạt quả Sơ thiền vô sinh
Giáo hóa chúng sinh muôn ức cõi
Chưa độ báo thân trong một đời
Tiến vào đất đẳng quán pháp lưu
Mới vào vô duyên Kim cang nhẫn
Không còn báo thân trong ba cõi
Quán nghĩa thứ ba rõ không hai
Hai mươi mốt sinh, hạnh vắng lặng
Dùng định hàng phục ái ba cõi
Bồ-tát chứng đạt thấu hiểu rõ
Bồ-tát quán chiếu Nhị thiền vương
Biến sinh Pháp thân vô lượng quang
Vào trăm ức cõi độ tất cả.
Chiếu hết việc muôn kiếp ba đời
Quán đến tận gốc đều hư vô
Vào đế thứ ba thường vắng lặng
Bồ-tát Tuệ Quang nhập Tam thiền
Ngàn hằng sa kiếp cùng lúc hiện
Thường trụ hạnh vắng lặng vô vi
Một niệm thấu hằng sa Phật tạng
Bồ-tát quán đảnh vua Tứ thiền
Trong ức hằng cõi độ chúng sinh
Mới vào Kim cang rõ tất cả
Hai chín lần sinh đã độ hết,
Trong Tịch diệt nhẫn quán hạ nhẫn
Vừa chuyển Diệu giác thường vắng lặng
Bậc ba phẩm quán đảnh đẳng tuệ
Dứt duyên vô minh tập khí trước
Vô minh huân tập sinh phiền não
Thấu rõ hai đế diệt tất cả
Viên trí vô tướng vua ba cõi
Ba mươi đời đều đồng đại giác
Kim cang tạng vắng lặng vô vi
Sạch tất cả báo, bi vô cực
Đệ nhất nghĩa đế thường an ổn
Dứt hết tâm tánh còn diệu trí
Ba hiền, mười Thánh trụ quả báo
Chỉ có Đức Phật ở Tịnh độ
Tất cả chúng sinh tạm trú báo
Lên nguồn Kim cang ở Tịnh độ
Ba nghiệp Như Lai đức vô cực
Nay con Nguyệt Quang lễ Tam bảo
Pháp Vương vô thượng, cây trong đời
Che mát chúng sinh vô lượng quang
Miệng thường nói pháp có nghĩa lý
Tâm trí vắng lặng chiếu sáng khắp
Sư tử trong người giảng chúng nghe
Đại chúng hoan hỷ rải hoa báu
Trăm ức muôn cõi đều rung chuyển
Chúng sinh được phước đức vô lượng
Phật nói pháp cho mười bốn vua
Cho nên nay con lược khen Phật.
Bấy giờ, đại chúng nghe vua Nguyệt Quang khen ngợi Phật, Tứ Thiên vương vô lượng tạng công đức được pháp lợi lớn. Ngay tại chỗ ngồi có mười hằng hà sa Phạm vương, mười hằng hà sa quỷ thần vương, cho đến chúng sinh trong ba đường đều được Vô sinh pháp nhẫn. Tám bộ A-tula vương chuyển thân quỷ sinh lên cõi trời Thọ đạo hoặc ba đời nhập chánh vị, bốn đời, năm đời, cho đến mười đời được vào chánh vị, chứng pháp tánh của bậc Thánh được vô lượng phước đức.
Phật bảo các đại chúng đã đắc đạo:
–Này thiện nam! Ở thời quá khứ trong mười ngàn kiếp, Nguyệt Quang này ở trong pháp của Phật Long Quang Vương là Bồ-tát Tứ Trụ, ta là Bồ-tát Bát Trụ. Nay ở trước ta Nguyệt Quang rống tiếng rống sư tử. Đúng vậy, đúng vậy, như lời ông nói! Người được nghĩa chân thật thì giảng nói không thể suy nghĩ, luận bàn, không thể so lường. Chỉ có Phật và Phật mới biết được việc ấy.
Này thiện nam! Ta đã nói mười bốn Bát-nhã ba-la-mật, ba nhẫn với từng địa thượng, trung, hạ thành ra ba mươi nhẫn, tất cả Hạnh tạng, tất cả Phật tạng không thể suy nghĩ bàn luận. Vì vậy, cho nên các việc sinh, diệt, giáo hóa, vô sinh, vô diệt, vô giáo hóa, vô tự, vô tha của chư Phật đều ở trong đây, bậc nhất không hai chẳng phải giáo hóa, chẳng phải không giáo hóa, chẳng phải tướng, chẳng phải vô tướng, không đến, không đi. Vì như hư không nên tất cả chúng sinh vô sinh, vô diệt, không trói, không mở, chẳng phải nhân, chẳng phải quả, chẳng phải không nhân quả. Vì phiền não ngã nhân, tri kiến, thọ giả ngã sở, tất cả khổ, thọ hành đều không, tất cả pháp nhóm họp, năm ấm huyễn hóa, không hợp, không tan. Pháp đồng pháp tánh. Vắng lặng như hư không, pháp giới cảnh đều không, không vô tướng, không lay chuyển, không điên đảo, không tùy thuận huyễn hóa, không Tam bảo, không bậc Thánh, không sáu đường. Vì như hư không nên Bát-nhã không biết, không thấy. Vì không hành, không duyên, không nhân, không thọ, không có tất cả tướng chiếu soi nên tướng hành đạo cũng như hư không.
Pháp tướng đã như vậy thì làm sao có tâm chứng đắc hay tâm không chứng đắc? Cho nên công đức Bát-nhã không thể ở trong chúng sinh hành mà hành, không thể ở trong pháp năm ấm hành mà hành, không thể ở trong cảnh hành mà hành, không thể ở trong giải hành mà hành, cho nên Bát-nhã không thể suy nghĩ, bàn luận. Ở trong tất cả chư Phật, Bồ-tát mà hành cho nên cũng không thể suy nghĩ bàn luận. Tất cả các Như Lai đối với pháp huyễn hóa vô trụ mà giáo hóa cũng không thể suy nghĩ, bàn luận.
Này thiện nam! Dù cho vô lượng hằng hà sa vị Khai sĩ quán đảnh thứ mười ba nói công đức này thì như lời vua đã nói không bằng một phần trong trăm ngàn ức phần, như một giọt nước trong biển cả. Nay ta lược nói một phần công đức đem lại lợi ích cho tất cả chúng sinh cũng được vô lượng Như Lai trong ba đời nói ra, được ba Hiền, mười Thánh khen ngợi vô lượng, là một phần công đức mà vua Nguyệt Quang đã nói.
Này thiện nam! Mười bốn pháp môn này, tất cả chúng sinh trong ba đời, Tam thừa chư Phật đều tụ tập. Chư Phật vị lai cũng giống như vậy, nếu tất cả chư Phật, Bồ-tát không nhờ pháp môn này mà chứng được Nhất thiết trí thì không bao giờ có việc ấy. Vì sao? Vì tất cả chư Phật, Bồ-tát đều không có con đường nào khác. Cho nên các thiện nam, nếu có người nào nghe các pháp môn nhẫn: Tín nhẫn, Chỉ nhẫn, Kiên nhẫn, Thiện giác nhẫn, Ly đạt nhẫn, Minh tuệ nhẫn, Diệm tuệ nhẫn, Thắng tuệ nhẫn, Pháp hiện nhẫn, Viễn đạt nhẫn, Đẳng giác nhẫn, Tuệ quang nhẫn, Quán đảnh nhẫn, Viên giác nhẫn thì người ấy thoát khỏi các khổ nạn trong trăm kiếp, ngàn kiếp, vô lượng hằng hà sa kiếp. Khi vào pháp môn này rồi thì hiện đời được phước báu.
Bấy giờ, trong các chúng có mười ức vị đồng danh hiệu là Bồ-tát Hư Không Tạng Hải, được pháp lạc hoan hỷ, cùng nhau tung hoa lên giữa hư không biến thành vô lượng đài hoa. Trên đó, có vô lượng đại chúng giảng nói mười bốn chánh hạnh, mười tám Phạm thiên, Lục dục Thiên tử cũng tung hoa báu, mỗi vị đều ngồi trên một tòa hoa giữa hư không, giảng nói mười bốn chánh hạnh, thọ trì, đọc tụng, giảng giải nghĩa lý, vô lượng các quỷ thần hiện thân tu hành Bát-nhã ba-la-mật.
Phật bảo:
–Đại vương! Trước ông có hỏi: Tướng chúng sinh nào có thể giáo hóa được? Nếu dùng thân huyễn hóa mà thấy huyễn hóa đó là Bồ-tát chân thật thực hành giáo hóa chúng sinh.
Một niệm thức đầu tiên của thức chúng sinh khác với gỗ đá. Thức hoặc sinh thiện, hoặc sinh ác. Ác thì vô lượng thức ác làm gốc, thiện thì vô lượng thức thiện làm gốc. Từ một niệm Kim cang ban đầu cho đến một niệm cuối cùng sinh ra bất khả thuyết thức mới thành sắc tâm của chúng sinh, là căn bản của chúng sinh. Sắc tức là sắc cái, cái có công dụng ngăn che. Thân là tích tụ. Đại vương, một sắc pháp này sinh ra vô lượng sắc. Mắt thấy sắc, tai nghe âm thanh, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, đất nâng đỡ, nước tươi nhuần, lửa nóng ấm, gió lay động. Chỗ sinh ra năm thức gọi là căn. Như vậy một sắc, một tâm có vô lượng sắc tâm.
Đại vương! Sáu thức của phàm phu thô động nên thấy có xanh, vàng, đỏ trắng, dài, ngắn, vuông, tròn… vô lượng sắc pháp giả. Sáu thức của bậc Thánh thanh tịnh nên đắc thật pháp, sắc, thanh, hương, vị, xúc, tất cả pháp thật. Chúng sinh là tên gọi của thế đế, hoặc có, hoặc không, chỉ sinh ra ức niệm chúng sinh, nên gọi là thế đế. Thế đế do giả cuồng huyễn hóa cho nên có, cho đến sáu đường đều là huyễn hóa, chúng sinh thấy huyễn hóa, tức là huyễn hóa thấy huyễn hóa. Các sắc tâm như: Bàla-môn, Sát-lợi, Tỳ-xá, Thủ-đà, Thần ngã… đều là huyễn đế. Pháp huyễn đế là không. Khi Phật chưa ra đời thì không có tên gọi, không có danh nghĩa. Huyễn pháp, huyễn hóa không danh tự, không thể tướng, không có tên gọi ba cõi, không có quả báo thiện ác, tên gọi sáu đường.
Đại vương! Vì chúng sinh nên các Đức Phật nối nhau xuất hiện ở đời, nói tên gọi ba cõi, sáu đường ấy gọi là vô lượng danh tự, như pháp không, pháp tứ đại, tâm pháp, sắc pháp, pháp tướng tục giả, chẳng phải một, chẳng phải khác. Một cũng chẳng tương tục, khác cũng chẳng tương tục. Chẳng phải một, chẳng phải khác gọi là Tục đế.
Pháp tương đãi giả, tất cả tên gọi đối đãi nhau, cũng gọi là bất định tương đãi, như sắc, thọ, tưởng, hành, thức, pháp có, pháp không… tất cả pháp đều duyên nhau mà thành, giả thành ra chúng sinh. Do nhân quả đồng thời, nhân quả khác thời, thiện ác ba đời, tất cả huyễn hóa là chúng sinh huyễn đế.
Đại vương! Nếu Bồ-tát nào thấy chúng sinh huyễn hóa như trên đây đều là giả dối như hoa đốm trong hư không.
Bồ-tát Thập trụ, chư Phật, Ngũ nhãn thấy như huyễn đế. Bồ-tát giáo hóa chúng sinh là như thế.
Khi Phật nói pháp như vậy có vô lượng vị Thiên tử và các đại chúng được phục nhẫn, đắc không, vô sinh nhẫn… cho đến nhập vào địa vị thứ nhất cho đến địa vị thứ mười, đạt được đức hạnh không thể nêu bày hết.
Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc thưa:
–Bạch Đức Thế Tôn! Trong Đệ nhất nghĩa đế có Thế đế không? Nếu không thì Trí tuệ ba-la-mật không nên có hai, nếu có thì Trí không nên có một. Nghĩa một hai việc ấy như thế nào?
Phật bảo:
–Đại vương! Thời quá khứ ông đã hỏi bảy Đức Phật về nghĩa hoặc một hoặc hai. Nay ông chẳng nghe, nay ta chẳng nói. Không nghe, không nói tức là nghĩa hoặc một hoặc hai. Hãy lắng nghe khéo suy nghĩ như pháp tu hành. Đây là bài kệ của bảy Đức Phật:
Vô tướng nghĩa bậc nhất
Không tự cũng không tha
Nhân duyên vốn tự có
Không tự cũng không tha
Pháp tánh vốn vô tánh
Là Đệ nhất nghĩa không
Các pháp hữu vốn hữu
Ba giả tập giả có
Không không đế thật không
Vắng lặng, không bậc nhất
Các pháp do duyên có
Có, không nghĩa như vậy
Có, không vốn tự hai
Như trâu có hai sừng
Giải thoát thấy không hai
Hai đế thường thấy hai.
Tâm giải thấy không hai
Tìm hai không thật có
Hai đế chẳng phải một
Chẳng hai làm sao được
Giải thoát là thứ nhất
Trong đế thường có hai
Thông đạt không hai này
Thật vào nghĩa bậc nhất
Thế đế huyễn hóa sinh
Như hoa đốm giữa không
Đều do tay dụi mắt
Nhân duyên nên giả có
Huyễn hóa thấy huyễn hóa
Chúng sinh gọi huyễn đế
Huyễn sư thấy huyễn pháp
Đế thật thì đều không
Đây là chư Phật quán
Bồ-tát quán cũng vậy.
Đại vương! Vị Đại Bồ-tát đối với Đệ nhất nghĩa đế thường thấu rõ hai đế để giáo hóa chúng sinh. Phật và chúng sinh chỉ là một không hai. Vì sao? Vì chúng sinh không, nên biết Bồ-đề không. Vì Bồ-đề không, nên biết rõ chúng sinh không. Vì tất cả pháp không cho nên không cũng không. Vì sao? Vì Bát-nhã vô tướng nên hai đế hư không, Bát-nhã không từ vô minh cho đến Nhất thiết trí không có tự tướng, không có tha tướng.
Khi thành tựu Ngũ nhãn thấy được chỗ không thể thấy, hành cũng không thọ, không hành cũng không thọ, chẳng phải hành, chẳng phải không hành cũng không thọ, cho đến tất cả pháp cũng không thọ.
Khi Bồ-tát chưa thành Phật thì Bồ-đề tức phiền não, khi Bồ-tát thành Phật thì phiền não tức Bồ-đề, cho nên đối với đệ nhất nghĩa không hai. Chư Phật Như Lai cho đến tất cả pháp đều như.
–Bạch Thế Tôn! Vì sao các Đức Như Lai, tất cả Bồ-tát trong mười phương khi thực hành các pháp tướng không xa lìa văn tự.
–Đại vương! Pháp luân là pháp Bản như, Trùng tụng như, Thọ ký như, Bất tụng kệ như, Vô vấn nhi tự thuyết như, Giới kinh như, Thí dụ như, Pháp giới như, Bản sự như, Phương quảng như, Vị tằng hữu như, Luận nghĩ như, gọi là vị cú. Âm thanh, quả báo, văn tự, ký cú đều như. Nếu người chấp lấy văn tự thì không có hành không.
Đại vương! Văn tự như như là tu tập theo trí tuệ của chư Phật, là căn bản trí mẫu của tất cả chúng sinh, là thể của Nhất thiết trí. Khi chư Phật chưa thành Phật thì lấy đang thành Phật làm trí mẫu, chưa được là tánh khi đã được thành Phật thì là Nhất thiết trí. Bát-nhã trong ba thừa tự tánh thường trụ bất sinh, bất diệt. Tất cả chúng sinh lấy Bát-nhã làm giác tánh. Nếu Bồ-tát vô thọ, không văn tự, lìa văn tự, phi phi văn tự. Tu vô tu gọi là tu, được Bátnhã chân tánh, Bát-nhã ba-la-mật. Đại vương! Bồ-tát hộ trì Phật, che chở, giáo hóa chúng sinh, hộ trì hạnh mười Địa là như vậy.
–Bạch Thế Tôn! Chúng sinh có vô lượng phẩm căn tánh cũng vô lượng, hạnh cũng vô lượng, vậy pháp môn là một hay là hai, hay là vô lượng?
–Đại vương! Tất cả pháp quán chẳng phải một, chẳng phải hai; mà có vô lượng tất cả pháp, cũng chẳng phải hữu tướng, chẳng phải vô tướng. Nếu Bồ-tát thấy chúng sinh thấy một, thấy hai tức không thấy một, không thấy hai. Một, hai là Đệ nhất nghĩa đế.
Đại vương! Hoặc có hoặc không tức là Thế đế. Vì ba đế: Không đế, Sắc đế, Tâm đế thâu nhiếp tất cả các pháp, nên ta nói tất cả pháp không ra ngoài ba đế. Các pháp ngã, nhân, tri kiến, năm thọ ấm… cho đến tất cả pháp đều là không. Căn hạnh của mỗi loại chúng sinh khác nhau nên pháp môn chẳng phải một, chẳng phải hai.
Đại vương! Bảy Đức Phật nói Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật. Nay ta nói Bát-nhã ba-la-mật không hai, không khác đại chúng các ông nên thọ trì, đọc tụng, giảng nói kinh này thì được công đức vô lượng, không thể nói hết được. Mỗi Đức Phật giáo hóa vô lượng chúng sinh. Mỗi chúng sinh đều được thành Phật. Khi đã thành Phật lại giáo hóa vô lượng chúng sinh đều thành Phật.
Trên đây Đức Phật đã ba lần nói Bát-nhã ba-lamật gồm tám vạn ức bài kệ. Trong mỗi bài kệ lại chia thành ngàn phần. Trong một phần lại được phân biệt rõ ràng từng câu, nghĩa lý không cùng tận. Nếu đối với kinh này có một niệm kính tin thì công đức của chúng sinh đó hơn hẳn công đức trong trăm ngàn kiếp ở Thập địa, huống gì thọ trì, đọc tụng, giảng nói thì công đức đồng như chư Phật mười phương không khác; nên biết người này không bao lâu sẽ thành Phật. Khi nghe nói kinh này, trong đại chúng có mười vạn người đắc Tam không nhẫn. Trăm vạn ức người đắc đại không nhẫn Thập địa tánh.
Đại vương! Kinh này tên là kinh Nhân Vương Vấn Bát-nhã Ba-la-mật, các ông nên thọ trì. Kinh này có vô lượng công đức gọi là công đức hộ quốc, cũng là pháp lạc của các quốc vương, cũng là công đức hộ trì nhà cửa, cũng là hộ trì thân của tất cả chúng sinh. Bát-nhã ba-la-mật này che chở cõi nước giống như hào, thành, vách, tường, đao, mâu, kiếm… các ông thọ trì Bát-nhã ba-la-mật cũng giống như vậy.
–Đại vương! Ông hãy lắng nghe, giờ đây ta chính thức nói về công dụng của pháp Hộ quốc. Ông nên thọ trì Bát nhã ba-la-mật, khi giặc cướp đến tàn phá đất nước, ông nên thỉnh trăm tượng Phật, trăm tượng Bồ-tát, trăm tượng La-hán, trăm vị Tỳ-kheo, bốn chúng, bảy chúng, trăm vị Pháp sư giảng Bát-nhã ba-la-mật, thỉnh trăm vị Sư tử hống ở trước tòa cao, đốt trăm đèn thiêu trăm thứ hoa hương, hoa trăm màu sắc để cúng dường Tam bảo. Cúng dường ba y và các thứ cần dùng dâng lên Pháp sư. Trong bữa tiểu thực và bữa ngọ cũng nên đúng thời.
Đại vương! Ông nên thỉnh Pháp sư một ngày hai thời giảng đọc kinh này. Trong cõi nước của ông có tám bộ quỷ thần, mỗi bộ lại có trăm bộ ưa nghe kinh này, họ sẽ che chở giữ gìn cõi nước của ông.
Đại vương! Khi cõi nước có loạn, trước tiên là quỷ thần nổi loạn, đạo tặc đến cướp nước. Nhân dân ly loạn, quan thần, thái tử, vương tử bá quan đều sinh điều thị phi. Trời đất có nhiều sự quái lạ, hai mươi tám vị sao và đường đi của các ngôi sao, mặt trời, mặt trăng vận hành không đúng lúc, có nhiều giặc cướp nổi loạn.
Đại vương! Nếu bị các tai nạn: nạn lửa, nạn nước, nạn gió… thì ông nên thỉnh Pháp sư giảng đọc kinh này chắc chắn sẽ được công dụng như trên đã nói.
Đại vương! Kinh này không chỉ che chở giữ gìn đất nước mà còn bảo hộ phước báu, cầu giàu sang, quan vị bảy báu sẽ được như ý. Muốn cầu con trai, con gái, cầu trí tuệ sáng suốt, học rộng, cầu quả báo ở sáu tầng trời, quả báo loài người, quả báo trong chín phẩm thì cũng nên giảng kinh này sẽ được công đức như trên.
Đại vương! Kinh này chẳng những để cầu phước mà còn để che chở các tai nạn, bệnh tật, khổ não, gông cùm, xiềng xích trói buộc thân thể. Muốn diệt bốn trọng tội, năm tội nghịch, tám nạn tội và vô lượng khổ não trong sáu đường cũng nên giảng kinh này thì sẽ được công dụng như trên.
Đại vương! Ngày xưa có vị vua Đảnh Sinh muốn đến phá hoại tầng trời của vua Thích Đềhoàn Nhân. Khi ấy, trời Đế Thích liền y theo lời dạy của bảy Đức Phật, sửa soạn trăm tòa cao, thỉnh trăm vị Pháp sư, giảng Bát-nhã ba-la-mật, Đảnh Sinh liền rút lui, giống như đã nói trong kinh Diệt Tội.
Đại vương! Ngày xưa quốc vương Thiên La có một vị thái tử tên là Ban Túc sắp lên ngôi. Thái tử đến thọ giáo với sư La-đà thuộc phái ngoại đạo. Ban Túc y theo lời dạy của ngoại đạo, lấy một ngàn đầu vua cúng lễ quỷ thần, để lên ngôi vua. Khi đã được chín trăm chín mươi chín đầu vua, còn thiếu một đầu nữa, Ban Túc bèn đi về phía Bắc khoảng vạn dặm, liền gặp vua Phổ Minh. Phổ Minh xin Ban Túc: “Cho tôi được một ngày cúng dường cơm cho Sa-môn, đảnh lễ Tam bảo”. Vua Ban Túc bằng lòng.
Lúc bấy giờ, vua Phổ Minh, y theo pháp của bảy Đức Phật thời quá khứ, thỉnh trăm vị Pháp sư, sửa soạn trăm tòa cao, một ngày hai lần giảng Bátnhã ba-la-mật đến tám ngàn ức bài kệ.
Pháp sư thứ nhất vì ngài Phổ Minh mà nói kệ rằng:
Thời cuối của kiếp thiêu
Cháy khắp cả trời đất
Tu-di và biển lớn
Đều cháy thành tro tàn
Trời, rồng phước đã hết
Tan xác ở trong đó
Thế giới chịu điêu tàn
Đất nước có thường đâu
Sinh, già và bệnh chết
Xoay lăn không bờ mé
Việc làm trái với nguyện
Bị lo buồn làm hại
Dục sâu, tai họa lớn
Đau đớn không gì hơn
Ba cõi đều khổ não
Đất nước biết nương đâu
Căn bản vốn là không
Chỉ do duyên tạo thành
Thịnh rồi thì đến suy
Có thật thì có hư
Chúng sinh do vô minh
Đều sống trong huyễn mộng
Âm thanh tiếng dội không
Đất nước cũng như vậy
Thần thức vô hình tướng
Như xe ngựa bốn con
Voi vô minh bảo vệ
Giữ gìn chiếc xe ấy
Người lái xe vô thường
Thức vô thường là nhà
Thân tâm đều chưa lìa
Đâu có đất nước ư?
Pháp sư nói kệ xong, quyến thuộc vua Phổ Minh và đắc Pháp nhãn không, vua chứng đắc định Hư không đẳng. Nghe pháp được ngộ giải, vua trở về nước Thiên la… ở trong hội chúng của vua Ban Túc, vua Phổ Minh bảo chín trăm chín mươi chín vị vua rằng: Khi mạng sống sắp hết, mỗi vị nên tụng các câu kệ trong kinh Nhân Vương Vấn Bátnhã Ba-la-mật của bảy Đức Phật thời quá khứ.
Khi ấy, vua Ban Túc hỏi các vua:
–Pháp gì mà tất cả đều phải tụng?
Phổ Minh dùng bài kệ trên đáp lại. Vua nghe pháp đắc Tam-muội không, chín trăm chín mươi chín vị vua nghe pháp cũng chứng định Tam-muội không.
Bấy giờ vua Ban Túc rất vui mừng bảo các vua rằng:
–Tôi bị tà sư ngoại đạo làm cho mê lầm, gây nhiều tội lỗi chẳng xứng đáng một vị vua. Các ông hãy trở về đất nước mình, mỗi vị nên thỉnh Pháp sư giảng Bát-nhã ba-la-mật vị cú.
Khi ấy vua Ban Túc giao nước lại cho người em, xuất gia hành đạo, chứng Vô sinh pháp nhẫn. Như kinh Thập Vương đã nói, năm ngàn vị quốc vương thường tụng kinh này được pháp báu ngay hiện tại.
Đại vương! Mười sáu vị đại quốc vương tu pháp Hộ quốc cũng nên tụng kinh này, các ông đều phải thọ trì. Chúng sinh ở cõi trời, cõi người và chúng sinh trong sáu đường đều nên thọ trì danh vị cú của bảy Đức Phật. Ở đời vị lai, có vô lượng tiểu quốc vương muốn giữ gìn đất nước cũng nên làm như vậy, nên thỉnh pháp giảng nói Bát-nhã ba-lamật.
Bấy giờ, khi Đức Phật Thích-ca Mâu-ni giảng nói Bát-nhã ba-la-mật, trong chúng có năm trăm ức người được vào Sơ địa. Tám mươi vạn vị Thiên tử ở sáu tầng trời cõi Dục đắc tánh không địa.
Lại có mười tám vị Phạm thiên đắc Vô sinh pháp nhẫn. Lại có các vị trước đã hành đạo Bồ-tát, chứng một Địa, hai Địa, ba Địa, cho đến mười Địa.
Lại có tám bộ chúng A-tu-la vương được một Tam-muội, hai Tam-muội được chuyển thân quỷ sinh lên cõi trời. Trong hội chúng ấy đều đạt được tự tánh tín cho đến vô lượng không tín. Nay ta nói lược các công đức ở cõi trời không thể nói hết.
Bấy giờ, mười sáu vị đại quốc vương nghe Phật nói mười vạn ức bài kệ Bát-nhã ba-la-mật tâm sinh vui mừng vô lượng liền tung rải trăm vạn ức thứ hoa biến thành một tòa hoa ở giữa hư không. Chư Phật mười phương đều ngồi trên tòa này giảng nói Bát-nhã ba-la-mật, vô lượng đại chúng cùng ngồi trên một tòa, tung hoa Kim la, tung lên cúng dường Đức Phật Thích-ca Mâu-ni tạo thành vạn lọng hoa, che trên đại chúng, lại tung tám mươi bốn ngàn hoa Bát-nhã ba-la-mật lên hư không, biến thành đài hoa trắng. Trong đài hoa đó, Đức Phật Quang Minh Vương giảng nói Bát-nhã ba-la-mật cho vô lượng đại chúng nghe. Trong đài hoa đó, đại chúng tung hoa Lôi hống lên cúng dường Đức Phật Thích-ca Mâu-ni và các đại chúng. Lại tung hoa Diệu giác lên hư không, biến thành tòa thành Kim cang. Trong thành đó, Phật Sư Tử Hống Vương cùng chư Phật mười phương, Bồ-tát bàn luận về Đệ nhất nghĩa đế. Trong thành đó, Bồ-tát Quang Minh tung gấm hoa lên cúng dường Phật Thích-ca, hoa đó tạo thành đài hoa. Trong đài hoa, chư Phật mười phương, chư Thiên, loài người tung hoa trời cúng dường Phật Thích-ca Mâu-ni. Hoa được tung lên giữa hư không biến thành lọng mây tím, che khắp tam thiên đại thiên thế giới. Trong lọng chư Thiên, loài người tung rải hằng hà sa các loài hoa rơi xuống như mưa.
Bấy giờ, các quốc vương tung hoa cúng dường xong, lại mong chư Phật ba đời thường giảng nói Bát-nhã ba-la-mật. Nguyện tất cả Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Tín nam, Tín nữ có những điều mong cầu đều được như ý, thường thực hành Bát-nhã ba-lamật.
Phật bảo đại vương:
–Đúng thế, đúng thế, đúng như lời vua nói! Bát-nhã ba-la-mật nên giảng nói, nên thọ trì. Là mẹ của chư Phật, mẹ của Bồ-tát, là chỗ sinh ra thần thông.
Bấy giờ, Đức Phật vì nhà vua hiện ra năm pháp thần thông không thể nghĩ bàn. Một hoa vào trong vô lượng hoa, vô lượng hoa vào trong một hoa. Một cõi Phật vào trong vô lượng cõi Phật; vô lượng cõi Phật nhập vào trong một cõi nước bằng lỗ chân lông, một cõi nước bằng lỗ chân lông nhập vào vô lượng cõi nước bằng lỗ chân lông. Vô lượng núi Tu-di, vô lượng biển lớn nhập vào một hạt cải. Một thân Phật nhập vào vô lượng thân chúng sinh, vô lượng thân chúng sinh nhập vào một thân Phật, nhập vào thân sáu đường, nhập vào thân bốn đại. Thân Phật, thân chúng sinh và thế giới không thể suy nghĩ, luận bàn. Khi Phật hiện thần thông chư Thiên, loài người trong mười phương đều đắc Tam-muội Phật hoa, mười phương hằng hà sa Bồ-tát hiện thân thành Phật. Ba hằng hà sa, tám bộ quốc vương thành đạo Bồ-tát. Mười ngàn tín nữ hiện thân được thần thông Tam-muội.
Này thiện nam! Bát-nhã ba-la-mật lợi ích trong ba đời. Quá khứ Đức Phật đã nói, hiện tại đang nói, vị lai sẽ nói. Hãy lắng nghe, khéo suy nghĩ, đúng như pháp tu hành.
Lúc bấy giờ, vua Nguyệt Quang tâm nghĩ, miệng nói:
–Con đã thấy Đức Phật Thích-ca Mâu-ni hiện vô lượng thần lực, cũng thấy trên ngàn đài hoa có vô số Đức Phật, đó là Chủ hóa thân của tất cả Phật. Lại thấy các cõi Phật ở trong ngàn cánh hoa, chư Phật ở trong các cõi nước ấy đều giảng nói Bát-nhã ba-la-mật.
Bạch Thế Tôn! Vô lượng Bát-nhã ba-la-mật không thể giảng nói, không thể giải thích, không thể dùng thức để hiểu biết thì làm sao các thiện nam đối với kinh này hiểu biết rõ ràng để đúng như pháp khai thông pháp đạo cho tất cả chúng sinh?
Đức Phật dạy:
–Có người tu hành mười ba pháp quán, các thiện nam này là đại quốc vương tử tu tập nhẫn cho đến Kim cang đảnh, đều là Pháp vương, nương giữ kiến lập của đại chúng. Các vị nên cúng dường các vị ấy như cúng dường Phật, nên dùng trăm vạn ức hoa trời, hương trời để cúng dường.
Này thiện nam! Pháp sư ấy là Bồ-tát Tập chủng tánh. Nếu có Tín nam, Tín nữ, Tỳ-kheo, Tỳ-kheoni tu hành mười điều lành, tự quán, từng phần, địa, thủy, hỏa, phong, không, thức của thân mình đều là bất tịnh. Lại quán mười bốn Căn, đó là: năm Tình, năm Thọ, Ý, Mạng của nam nữ… đã tạo vô lượng tội lỗi cho nên phải phát tâm vô thượng Bồ-đề thường tu ba cõi, trong mỗi niệm niệm đều quán ba cõi là bất tịnh, nên đạt được pháp quán Bất tịnh nhẫn, ở trong nhà Phật tu sáu phép hòa kỉnh, đó là ba nghiệp đồng giới, đồng kiến, đồng học, tu tám mươi bốn ngàn Ba-la-mật đạo.
Này thiện nam! Bồ-tát tu pháp Tập nhẫn trở xuống, thực hành mười điều lành, có tiến, có lùi. Ví như sợi lông nhẹ theo gió bay khắp nơi, các vị Bồ-tát này cũng giống như vậy. Tuy đã mười ngàn kiếp thực hành mười Chánh đạo, phát tâm Bồ-đề mới vào địa vị Tập nhẫn nhưng các vị vẫn thường học ba pháp phục nhẫn, không thể gọi tên là hạng người bất định. Hạng người bất định này nhập vào sinh không vị, là tánh của bậc Thánh. Chắc chắn họ không gây năm tội nghịch, sáu tội trọng, hai mươi tám tội khinh. Kinh sách Phật pháp nói gây tội phản nghịch mà nói chẳng phải Phật thuyết thì không bao giờ có sự ấy. Trong một a-tăng-kỳ kiếp, tu phục đạo nhẫn hành mới được nhập vào địa vị Tăng-già-đà.
Lại nữa, Tánh chủng tánh thực hành mười Tuệ quán, diệt mười điên đảo và ngã, nhân, tri kiến, mỗi phần đều là giả ngụy. Chỉ có danh và thọ, chỉ có pháp không thật có. Vì vô định tướng, vô tự tha tướng nên tu không quán, vừa quán vừa hành trăm vạn Ba-la-mật. Mỗi niệm không rời tâm, với hai atăng-kỳ kiếp thực hành mười pháp Chánh đạo, trụ ở địa vị Ba-la-đà.
Lại nữa, Đạo chủng tánh, trụ ở kiên nhẫn, quán tất cả pháp vô sinh, vô trụ, vô diệt. Cái gọi là năm thọ, ba cõi, hai đế không có tướng tự tha. Như thật tánh không thật có nên thường vào Đệ nhất nghĩa đế, tâm, tâm vắng lặng, nên thọ sinh trong ba cõi. Vì sao? Vì nghiệp tập, quả báo chưa hoại diệt hết nên thuận đạo sinh. Lại với ba a-tăng-kỳ kiếp tu tám muôn ức Ba-la-mật sẽ được bình đẳng Thánh nhân địa, an trụ giác vị không lui sụt.
Lại nữa, Đại thiện giác trụ ở bình đẳng nhẫn, tu hành bốn nhiếp pháp, niệm niệm không rời, tâm nhập vào vô tướng xả diệt phiền não tham trong ba cõi. Đối với Đệ nhất nghĩa đế không hai là pháp tánh vô vi, nương vào chân lý mà diệt tất cả tướng nên gọi là Trí duyên diệt vô tướng vô vi, khi trụ ở Sơ nhẫn, vô lượng sinh tử ở vị lai không do Trí duyên diệt mà diệt nên gọi là phi Trí duyên diệt, vô tướng vô vi, vô tự tha tướng. Vì vô tướng nên vô lượng phương tiện đều hiện tiền. Quán thật tướng phương tiện đối với Đệ nhất nghĩa đế chẳng đắm, chẳng xuất, chẳng chuyển, chẳng điên đảo. Học khắp phương tiện mà không chứng, chẳng phải không chứng, nhưng học tất cả. Hồi hướng phương tiện là chẳng trụ quả, chẳng phải không trụ quả, nên hướng đến Nhất thiết trí. Ma tự tại phương tiện là đối với phi đạo mà hành Phật đạo, bốn thứ ma không làm xao động. Nhất thừa phương tiện là đối với tướng không hai thông đạt tất cả hành của chúng sinh. Biến hóa phương tiện là dùng nguyện lực tự tại sinh về tất cả cõi nước Phật thanh tịnh.
Như thế, này thiện nam! Giác trí ban đầu này đối với tướng hữu, vô là không hai, thật trí này soi chiếu công dụng mà không chứng không đắm, không xuất, không điên đảo là phương tiện quán. Ví như nước và sóng chẳng phải một, chẳng phải khác, cho đến tất cả hành Ba-la-mật, Thiền định, Đà-la-ni chẳng phải một, chẳng phải hai nên mỗi một hành thành tựu. Có thể với bốn a-tăng-kỳ kiếp tu hành, nhập vào công đức tạng môn này không còn nghiệp tập sinh trong ba cõi, cho nên đã xong không còn gây tạo nghiệp mới. Nhờ nguyện lực nên tự tại sinh về các cõi Tịnh độ. Vì thường tu xả quán nên chứng giác vị Cưu-ma-la-già, thường đem bốn Đại bảo tạng dạy cho người khác.
Lại nữa, Bồ-tát Đức Tuệ dùng bốn Tâm vô lượng diệt các phiền não sân… trong ba cõi trụ trong Trung nhẫn thực hành tất cả công đức. Có thể với năm a-tăng-kỳ kiếp thực hành đại Bi quán, tâm tâm thường hiện tiền, nhập giai vị vô tướng Xà-đà-ba-la, giáo hóa tất cả chúng sinh.
Lại nữa, người hành đạo có trí tuệ sáng suốt, thường dùng vô tướng nhẫn thực hành ba minh quán. Biết các pháp trong ba đời, không đến, không đi, không có trú xứ. Tâm tâm vắng lặng, dứt bỏ phiền não si trong ba cõi, được ba minh tất cả công đức quán. Với sáu a-tăng-kỳ kiếp tu tập vô nguyện, thường sinh về tất cả Tịnh độ. Vạn a-tăngkỳ kiếp tu tập vô lượng Phật quang Tam-muội có khả năng hiện trăm vạn hằng hà sa thần lực chư Phật, trụ vào địa vị Bạc-già-phạm, cũng thường nhập vào Tam-muội Phật hoa.
Lại nữa, quán Phật Bồ-tát, trụ trong Tịch diệt nhẫn, kể từ khi mới phát tâm cho đến nay trải qua trăm muôn a-tăng-kỳ kiếp, tu trăm muôn a-tăng-kỳ công đức, chứng đạt tất cả pháp giải thoát, an trụ trên đài Kim cang.
Này thiện nam! Từ Tập nhẫn cho đến Đảnh Tam-muội đều gọi là hàng phục tất cả phiền não, tin vô tướng, diệt tất cả phiền não, sinh trí giải thoát, thấu rõ Đệ nhất nghĩa đế không gọi là kiến. Kiến là Nhất thiết trí, cho nên ta từ xưa đến nay đều nói chỉ có sự thấy biết của Phật là giác ngộ. Từ Đảnh Tam-muội trở xuống cho đến Tập nhẫn đều là chẳng thấy, chẳng biết, chẳng giác ngộ. Chỉ có Phật mới hiểu hoàn toàn, nên không gọi là Tín. Ở Tiệm tiệm phục thì tuệ tuy sinh diệt nhưng vì năng lực vô sinh diệt nên nếu tâm này diệt thì càng vô bất diệt. Vô sinh, vô diệt nhập vào lý tận Kim cang Tam-muội, đồng với mé chân, bình đẳng với pháp tánh, nhưng chưa thể bình đẳng với vô đẳng đẳng. Ví như có người ở trên tòa cao nhìn xuống thì thấy tất cả. An trụ lý tận Tam-muội cũng giống như vậy. Thường tu tất cả hạnh, đầy đủ công đức tạng, nhập vào địa vị Bà-già-độ, thường trụ Phật tuệ Tammuội.
Này thiện nam! Các Bồ-tát này đều có khả năm giáo hóa chúng sinh, giảng nói chánh nghĩa, thọ trì, đọc tụng, giải thích thật tướng trong cõi nước của tất cả Như Lai trong mười phương, nói cũng như ta ngày nay không khác.
Phật bảo vua Ba-tư-nặc:
–Sau khi ta diệt độ, lúc giáo pháp sắp diệt, thọ trì Bát-nhã ba-la-mật này là làm Phật sự lớn. Tất cả cõi nước an lập, an lạc nhân dân, cho nên ta phó chúc cho Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Tín nam, Tín nữ, người không có thế lực của vua thì không nên phó chúc. Các ông phải thọ trì, đọc tụng giải thích nghĩa lý.
Đại vương! Nay ta đã giáo hóa trăm ức núi Tudi, trăm ức mặt trời, mặt trăng. Mỗi núi Tu-di có bốn châu thiên hạ. Cõi Diêm-phù-đề ở phía Nam có mười sáu nước lớn, năm trăm nước vừa, mười ngàn nước nhỏ. Trong mỗi cõi nước xảy ra bảy tai nạn, tất cả quốc vương bị tai nạn nên thỉnh Pháp sư giảng đọc Bát-nhã ba-la-mật, bảy tai nạn liền tiêu diệt, bảy phước liền sinh, dân chúng an vui. Đế vương hoan hỷ.
Bảy tai nạn đó là gì?
Tai nạn thứ nhất là mặt trời, mặt trăng vận hành không đúng quy luật. Thời tiết trái ngược, hoặc xuất hiện mặt trời màu đỏ, mặt trời mầu đen, hoặc hai, ba, bốn, năm mặt trời xuất hiện, hoặc mặt trời bị nhật thực không chiếu sáng, hoặc vòng mặt trời xuất hiện một, hai, ba, bốn, năm lớp. Khi những việc quái lạ xuất hiện thì nên đọc tụng, giảng nói kinh này.
Nạn thứ hai là hai mươi tám vì sao vận hành không đúng độ. Kim tinh, Tuệ tinh, Luân tinh, Quỷ tinh, Hỏa tinh, Thủy tinh, Phong tinh, Đao tinh, Nam đẩu, Bắc đẩu, Ngũ trấn đại tinh, Nhất thiết quốc chủ tinh, Tam công tinh, Bách quan tinh, các ngôi sao như vậy thay nhau biến hiện. Khi những việc như vậy xảy ra cũng nên đọc tụng, giảng nói kinh này.
Nạn thứ ba là lửa lớn đốt cháy cõi nước, nhân dân bị thiêu chết, hoặc lửa quỷ, lửa rồng, lửa trời, lửa thần núi, lửa người, lửa cây cối, lửa đạo tặc biến hiện quái dị như thế thì nên đọc tụng, giảng nói kinh này.
Nạn thứ tư là nước lớn cuốn trôi nhân dân, thời tiết trái ngược. Mùa đông thì mưa, mùa hạ tuyết rơi, mùa đông sấm sét nổi lên. Tháng sáu mưa đá, mưa đỏ, mưa đen, mưa xanh, mưa đất đá, mưa cát sỏi. Nước sông chảy ngược, đá trôi, núi lở. Khi những sự biến quái như vậy xảy ra thì nên đọc tụng, giảng nói kinh này.
Nạn thứ năm là gió lớn thổi mạnh, giết hại nhân dân, đất nước, sông núi, cây cối, cùng lúc đều bị tiêu diệt, phi thời có gió lớn, gió đen, gió đỏ, gió xanh, gió trời, gió đất, gió lửa. Khi những tai biến như thế xảy ra thì cũng nên đọc tụng kinh này.
Nạn thứ sáu là khắp các cõi nước nhiệt độ rất cao, thiêu đốt cỏ cây, hạn hán làm ngũ cốc không thu hoạch được. Mặt đất bị thiêu đốt, nhân dân bị tiêu diệt. Khi những tai biến như thế xảy ra thì cũng nên đọc tụng kinh này.
Nạn thứ bảy là giặc bốn phương đến xâm chiếm. Trong nước giặc loạn nổi lên; giặc lửa, giặc nước, giặc gió, giặc quỷ làm cho nhân dân ly loạn, chiến tranh nổi lên. Khi các tai biến như thế xảy ra thì nên đọc tụng kinh này.
Đại vương! Bát-nhã ba-la-mật này là căn bản tinh thần của chư Phật, Bồ-tát và tất cả chúng sinh, là cha mẹ của tất cả quốc vương, là phù lệnh của nhà vua, là hạt châu diệt quỷ, là hạt châu như ý, là châu hộ quốc, là tấm gương chiếu soi trời đất, là vật báu của Long vương.
Phật lại bảo:
–Đại vương nên làm lá phướn chín màu, dài chín trượng, với hoa chín màu, cao hai trượng, ngàn cây đèn đều cao năm trượng, chín cái rương ngọc, chín cái khăn ngọc, làm cái án bằng bảy báu để đặt kinh này.
Nếu khi vua đi thì ngay ở trước vua cách một trăm bước, kinh này thường phát ra ánh sáng. Trong phạm vi một ngàn dặm, bảy tai nạn không sinh khởi, tội lỗi không sinh ra. Nếu khi vua đứng thì có trướng bảy báu che mát, trong đó có tòa cao bằng bảy báu dùng để kinh, ngày ngày cúng dường, rải hoa, đốt hương, như cúng dường cha mẹ, như thờ Đế Thích.
Đại vương! Ta dùng năm loại mắt thấy rõ ba đời, tất cả quốc vương đều do thời quá khứ đã theo hầu năm trăm Đức Phật, nên được làm đế vương, quốc chủ, vì thế các bậc Thánh, La-hán đều sinh ở cõi nước kia làm nhiều lợi ích. Khi vua hết thuốc thì bậc Thánh, La-hán không còn nữa, bảy tai nạn lại khởi lên.
Đại vương! Nếu đời vị lai có các quốc vương hộ trì Tam bảo thì ta sẽ sai năm vị Bồ-tát có sức mạnh đến ủng hộ vị quốc vương ấy. Bồ-tát Kim cang Hống tay cầm bánh xe ngàn báu đến che chở nước ấy, Bồ-tát Long Vương Hống tay cầm đèn Kim luân đến che chở nước ấy, Bồ-tát Vô Uy Thập Lực Hống tay cầm chày Kim cang đến che chở nước ấy, Bồ-tát Lôi Điện Hống tay cầm mành lưới ngàn báu đến che chở nước ấy, Bồ-tát Vô Lượng Lực Hống tay cầm năm mươi luân kiếm đến che chở nước ấy, năm vị Bồ-tát này có năm ngàn vị đại thần vương, làm việc lợi ích lớn ở quốc độ đó, các ông nên lập tượng cúng dường.
Đại vương! Nay ta đem Tam bảo giao phó cho tất cả quốc vương các ông. Nước Kiều-tát-la, nước Xá-vệ, nước Ma-kiệt-đà, nước Ba-la-nại, nước Catỳ-la-vệ, nước Cưu-thi-na, nước Cưu-diệm-di, nước Cưu-lưu, nước Kế tân, nước Di-đề, nước Giàla-càn, nước Càn-đà-vệ, nước Sa-đà, nước Tănggià-đà, nước Kiến-nô-quật-xà, nước Ba-đề, tất cả các vị quốc vương này đều nên thọ trì Bát-nhã bala-mật.
Bấy giờ, các đại chúng và A-tu-la vương nghe Phật nói bảy điều đáng sợ ở đời vị lai thì khắp mình nổi ốc, lớn tiếng kêu than, nguyện không sinh về cõi nước ấy.
Bấy giờ, mười sáu vị quốc vương liền giao phó việc nước lại cho người em, rồi xuất gia tu đạo, quán bốn đại, bốn sắc là tướng thắng xuất; bốn đại, bốn sắc không dùng thức, không nhập vào hành tướng. Ba mươi nhẫn là tướng Sơ địa, vị quốc vương bỏ thân phàm phu nhập vào thân Lục trụ, bỏ thân bảy lần sinh tử nhập vào tám Pháp thân, chứng tất cả hành Bát-nhã ba-la-mật.
Mười tám Phạm thiên, A-tu-la vương, đắc ba thừa quán đồng với cảnh vô sinh. Các vị ấy lại rải hoa cúng dường: Không pháp tánh hoa, Thánh nhân hoa, Thuận hoa, Vô sinh hoa, Pháp lạc hoa, Kim cang hoa, Duyên quán trung đạo hoa, Tam thập thất phẩm hoa, để rải lên Phật và chín trăm ức Đại Bồ-tát. Các chúng sinh đã chứng đạo quả dùng tâm Không hoa, tâm Thọ hoa, lục Ba-la-mật hoa, Diệu giác hoa rải lên Phật và đại chúng. Mười ngàn vị Bồ-tát nhớ nghĩ chúng sinh ở vị lai liền chứng Tam-muội diệu giác, Tam-muội viên minh, Tammuội Kim cang, Tam-muội thế đế, Tam-muội chân đế, Tam-muội đệ nhất nghĩa đế. Tam đế Tam-muội này là Nhất thiết Tam-muội vương Tam-muội, cũng được Vô lượng Tam-muội, Thất tài Tammuội, hai mươi lăm hữu Tam-muội, Nhất thiết hành Tam-muội. Lại có mười ức vị Bồ-tát chứng Kim cang đảnh, thành Chánh giác.
Phật bảo vua Ba-tư-nặc:
–Ta đã dạy các ông sau khi ta diệt độ khoảng tám mươi năm, tám trăm năm, tám ngàn năm khi không có Phật, Pháp, Tăng, không có tín nam, tín nữ, kinh Tam bảo này giao phó cho các quốc vương và bốn đệ tử thọ trì, đọc tụng, giải nghĩa, khai mở tuệ đạo cho chúng sinh trong ba cõi. Các vị tu bảy bậc hiền, hành mười điều lành, giáo hóa tất cả chúng sinh. Vào đời ngũ trược, sau này Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Tín nam, Tín nữ, tám bộ Thiên long, tất cả Thần vương, quốc vương, đại thần, thái tử, vương tử, tự ỷ dòng họ cao quý, phá hoại giáo pháp của ta, lập ra điều luật hạn chế không cho Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni xuất gia học đạo, cũng không cho tạo tượng Phật, xây tháp. Lập ra các chức quan quản lý, kiềm chế bốn chúng đệ tử Phật, ghi chép Tăng chúng vào sổ bộ. Tỳ-kheo đứng dưới đất, còn cư sĩ ngồi trên tòa cao. Binh nô làm Tỳ-kheo, thọ pháp thỉnh riêng. Các Tỳ-kheo tri thức cùng với các Tỳ-kheo thân thiện tổ chức trai hội, cầu phước như pháp ngoại đạo, chẳng đúng với giáo pháp của Phật; nên biết khi ấy Chánh pháp không bao lâu sẽ bị hoại diệt.
Đại vương! Các vị đó tự ỷ vào oai lực, phá hoại đạo pháp của ta, cấm chế bốn chúng đệ tử, làm cho nhân dân gặp nhiều khổ hoạn, bệnh tật, đó là nhân duyên phá nước. Nói về tội lỗi đời ngũ trược cho đến suốt kiếp cũng không hết được.
Đại vương! Đời mạt pháp ở vị lai có các Tỳ-kheo bốn bộ đệ tử cùng quốc vương, đại thần ngang ngược làm nhiều hành vi phi pháp, trói buộc Tỳ-kheo như pháp ngục tù, khi ấy nên biết giáo pháp diệt tận.
Đại vương! Sau khi ta diệt độ, bốn bộ đệ tử ở đời vị lai, các tiểu quốc vương, thái tử, vương tử vào chùa ủng hộ Tam bảo, lần lần cùng nhau phá hoại Tam bảo, giống như côn trùng ở trong thân sư tử tự ăn thịt sư tử, chẳng phải ngoại đạo đến phá. Người phá hoại Phật pháp mắc tội rất lớn, làm cho chánh pháp suy đồi, nhân dân không có chánh hạnh, do đó dần dần làm ác, mạng sống ngày một giảm dần cho đến một trăm năm. Người phá hoại Phật pháp sinh con bất hiếu, quyến thuộc bất hòa, Thiên thần không giúp đỡ. Bệnh truyền nhiễm và ác quỷ thường đến làm hại, tai họa thường xảy ra, chết đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Nếu sinh làm người mắc quả báo làm binh nô, như bóng theo hình, như người ngày đêm sống với lửa cháy. Quả báo trong ba cõi cũng giống như vậy.
Đại vương! Trong đời vị lai, quốc vương, thái tử, bốn bộ đệ tử, ngang ngược với đệ tử Phật, chế ra cấm giới như pháp cư sĩ, như pháp binh nô, hoặc Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni ghi tên làm sứ giả cho quan lại, đều chẳng phải đệ tử của ta. Đó là pháp binh nô, hoặc lập sổ ghi tên quản lý Tăng chúng như pháp ngục tù, như pháp binh nô, nên biết khi ấy Phật pháp không còn bao lâu sẽ bị hoại diệt.
Đại vương! Ở đời vị lai, các tiểu quốc vương, bốn bộ đệ tử gây ra tội lỗi làm nhân duyên phá hoại đất nước, thân tự làm các việc chẳng phải Phật, Pháp, Tăng.
Đại vương! Trong đời vị lai việc truyền bá kinh này là pháp khí của bảy Đức Phật, là đạo thực hành của chư Phật mười phương. Các ác Tỳ-kheo thường cầu danh lợi, nói với quốc vương, thái tử, vương tử về nhân duyên phá hoại Phật pháp, phá hoại đất nước. Các vị quốc vương mê muội tin theo lời nói này, ngang ngược lập pháp chế không y theo giới Phật, đó là nhân duyên phá hoại Phật pháp, phá hoại đất nước. Khi ấy nên biết chánh pháp không còn bao lâu nữa sẽ bị hóa diệt.
Bấy giờ, khi nghe Đức Phật bảy lần răn dạy những việc ở đời vị lai, mười sáu vị đại quốc vương buồn rầu, than khóc động đến cả Tam thiên. Mặt trời, mặt trăng, năm ngôi sao, hai mươi tám tinh tú mất hẳn ánh sáng.
Bấy giờ, các quốc vương đều dốc lòng thọ trì lời Phật, không cấm chế bốn bộ đệ tử Phật xuất gia hành đạo. Bấy giờ, đại chúng mười tám vị Đại Phạm vương, các Thiên tử ở sáu tầng trời Lục dục đều khen ngợi. Khi ấy nên biết thế gian như hư không, không có Phật xuất hiện.
Khi Phật nói nhân duyên hộ trì Phật, hộ trì đất nước thì vô lượng đại chúng, trăm ức Bồ-tát Dilặc, Sư Tử Nguyệt… trăm ức Xá-lợi-phất, Tu-Bồ-đề… năm trăm ức, mười tám Phạm thiên, các thiên tử sáu tầng trời cõi Dục, ba cõi, sáu đường, A-tula… nghe như vậy hết sức vui mừng, lễ Phật, thọ trì Bát-nhã ba-la-mật.
[Mục lục bộ Bát-nhã] [220][221][222][223][224][225][226][227][228][229][230][231][232][233][234][235][236][237][238][239][240][241][242][243][244][245][246][247][248][249][250][251][252][253][254][255][256][257][258][259][260][261]