SỐ 220
KINH ĐẠI BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA

HỘI THỨ II

Phẩm 34: Chư Thiên đến
(QUYỂN 429 - 430)

Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.

QUYỂN 429

QUYỂN 430


QUYỂN 429

Phẩm 34: Chư Thiên đến (1)

Bấy giờ, Cụ thọ Khánh Hỷ bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, nguyên nhân nào Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác không ca ngợi nhiều về năm pháp Ba-la-mật-đa như Bố thí… cho đến mười tám pháp Phật bất cộng, nhưng lại tán thán nhiều về hạnh thứ sáu là Bát-nhã ba-la-mậtđa?

Đức Phật bảo Khánh Hỷ:

–Pháp thứ sáu là Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể so với năm pháp Ba-la-mật-đa trước, cho đến mười tám pháp Phật bất cộng là tôn quý, là sự dẫn dắt, nên Ta chỉ ca ngợi nhiều về Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Này Khánh Hỷ, ý ông nghĩ sao? Nếu không hồi hướng về trí Nhất thiết tướng mà tu Bố thí cho đến mười tám pháp Phật bất cộng, có thể gọi là chân tu Bố thí ba-la-mật-đa, cho đến mười tám pháp Phật bất cộng chăng?

Tôn giả Khánh Hỷ thưa:

–Thưa không, bạch Đức Thế Tôn! Thưa không, bạch Đấng Thiện Thệ!

Đức Phật bảo:

–Khánh Hỷ, cần do hồi hướng về trí Nhất thiết tướng mà tu Bố thí cho đến mười tám pháp Phật bất cộng mới có thể gọi là chân tu Bố thí ba-la-mậtđa, cho đến mười tám pháp Phật bất cộng. Thế nên Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể so với năm pháp Bala-mật-đa trước, cho đến mười tám pháp Phật bất cộng là tôn quý, là sự dẫn dắt, nên Ta chỉ ca ngợi nhiều về Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Cụ thọ Khánh Hỷ bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, thế nào là hồi hướng về trí Nhất thiết tướng mà tu Bố thí cho đến mười tám pháp Phật bất cộng mới được gọi là chân tu Bố thí ba-la-mật-đa, cho đến mười tám pháp Phật bất cộng?

Đức Phật bảo:

–Khánh Hỷ, lấy không hai làm phương tiện, không sinh làm phương tiện, không sở đắc làm phương tiện, hồi hướng về trí Nhất thiết tướng mà tu Bố thí cho đến mười tám pháp Phật bất cộng, mới được gọi là chân tu Bố thí ba-la-mật-đa, cho đến mười tám pháp Phật bất cộng.

Cụ thọ Khánh Hỷ lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, lấy không hai nào làm phương tiện, không sinh nào làm phương tiện, không sở đắc nào làm phương tiện để hồi hướng về trí Nhất thiết tướng mà tu Bố thí cho đến mười tám pháp Phật bất cộng, mới được gọi là chân tu Bố thí bala-mật-đa cho đến mười tám pháp Phật bất cộng?

Đức Phật bảo:

–Khánh Hỷ, lấy không hai nơi sắc, thọ, tưởng, hành, thức cho đến quả vị Giác ngộ cao tột làm phương tiện, lấy không sinh nơi các pháp kia làm phương tiện, lấy không sở đắc nơi các pháp kia làm phương tiện hồi hướng về trí Nhất thiết tướng mà tu Bố thí cho đến mười tám pháp Phật bất cộng mới được gọi là chân tu Bố thí ba-la-mật-đa cho đến mười tám pháp Phật bất cộng.

Cụ thọ Khánh Hỷ bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, tại sao lấy không hai nơi sắc, thọ, tưởng, hành, thức cho đến quả vị Giác ngộ cao tột làm phương tiện, lấy không sinh nơi các pháp kia làm phương tiện, lấy không sở đắc nơi các pháp kia làm phương tiện hồi hướng về trí Nhất thiết tướng mà tu Bố thí cho đến mười tám pháp Phật bất cộng mới được gọi là chân tu Bố thí ba-la-mậtđa cho đến mười tám pháp Phật bất cộng? Đức Phật bảo:

–Khánh Hỷ, sắc, thọ, tưởng, hành, thức và tánh của sắc, thọ, tưởng, hành, thức là không, cho đến quả vị Giác ngộ cao tột và tánh của quả vị Giác ngộ cao tột là không. Vì sao? Vì tánh không sắc, thọ, tưởng, hành, thức cho đến quả vị Giác ngộ cao tột cùng Bố thí ba-la-mật-đa cho đến mười tám pháp Phật bất cộng đều không hai, không hai chốn.

Khánh Hỷ, phải biết do Bát-nhã ba-la-mật-đa nên có thể hồi hướng về trí Nhất thiết tướng. Do hồi hướng về trí Nhất thiết tướng nên có thể làm cho Bố thí ba-la-mật-đa cho đến mười tám pháp Phật bất cộng đạt được rốt ráo. Thế nên Bát-nhã ba-la-mật-đa đối với năm pháp Ba-la-mật-đa trước, cho đến mười tám pháp Phật bất cộng là tôn quý, là sự dẫn dắt, nên Ta chỉ ca ngợi nhiều về Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Khánh Hỷ nên biết, ví như đem hạt giống gieo rải nơi đất, do các duyên hòa hợp thì hạt giống được sinh trưởng. Nên biết sự sinh trưởng của hạt giống nhờ vào đất, vì có thể dựa vào đất mọc lên.

Như vậy, Bát-nhã ba-la-mật-đa cùng với chỗ hồi hướng về trí Nhất thiết tướng so với năm pháp Ba-la-mật-đa trước cho đến mười tám pháp Phật bất cộng chính là nơi chôn nương dựa, là chủ thể tạo lập, khiến được tăng trưởng. Thế nên, Bát-nhã ba-la-mật-đa này đối với năm pháp Ba-la-mật-đa trước cho đến mười tám pháp Phật bất cộng chính là tôn quý, là sự dẫn dắt. Nên ta khen ngợi nhiều về Bát-nhã ba-la-mật-đa chứ chẳng phải Bố thí...

Thiên đế Thích bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, hôm nay Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đối với tất cả công đức của Bát-nhã ba-la-mật-đa này, nói vẫn chưa cùng tận. Vì sao? Vì con nhận được Bát-nhã ba-la-mật-đa của Đức Thế Tôn với công đức sâu rộng vô lượng, vô biên không bờ bến. Các thiện nam, thiện nữ đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa này chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, suy nghĩ đúng lý, truyền bá khắp chúng hữu tình thì công đức đạt được cũng vô biên. Nếu có người biên chép kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này dùng vô số các vật để trang hoàng đẹp đẽ, lại dùng vô lượng vòng hoa tươi tốt nhất, hương xoa, hương bột..., y phục, chuỗi ngọc, cờ phướn lọng báu, các châu ngọc quý hiếm, âm nhạc, đèn sáng để cúng dường thì công đức đạt được cũng vô biên.

–Bạch Đức Thế Tôn, nếu các thiện nam, thiện nữ đối với kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép, giải nói, truyền bá rộng rãi, do nhân duyên đấy nên thế gian mới có mười nẻo nghiệp thiện; bốn Tĩnh lự, bốn Vô lượng, bốn Định vô sắc; Bố thí ba-la-mật-đa cho đến Bátnhã ba-la-mật-đa; hoặc pháp không bên trong cho đến pháp không không tánh tự tánh; bốn Niệm trụ nói rộng đến mười tám pháp Phật bất cộng; hoặc quả Dự lưu đến quả A-la-hán, Độc giác Bồ-đề; hoặc các hạnh Đại Bồ-tát, hoặc quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật; hoặc tất cả các việc thù thắng ở thế gian đều xuất hiện.

Khi ấy, Đức Phật bảo Thiên đế Thích:

–Kiều-thi-ca, Như Lai không nói Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa này, chỉ có công đức như trước đã nêu. Vì sao? Kiều-thi-ca, vì Bát-nhã ba-la-mật-đa đã gồm đủ vô biên công đức thù thắng.

Kiều-thi-ca, Ta cũng chẳng nói, đối với Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa này, chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, suy nghĩ đúng lý, truyền bá khắp chúng hữu tình và có thể biên chép dùng các thứ để trang hoàng đẹp đẽ. Lại đem vô lượng vòng hoa tươi tốt nhất, hương xoa, hương bột..., y phục, chuỗi ngọc, cờ phướn lọng báu, các châu báu quý hiếm, âm nhạc, đèn sáng... để cúng dường, các thiện nam, thiện nữ ấy chỉ có công đức như trước đã nói. Vì sao? Kiều-thi-ca, nếu thiện nam, thiện nữ ấy không lìa tâm của trí Nhất thiết trí, lấy vô sở đắc làm phương tiện, đối với kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, suy nghĩ đúng lý, truyền bá khắp chúng hữu tình, hoặc biên chép, dùng các thứ để trang hoàng đẹp đẽ, lại đem vô lượng vòng hoa tốt đẹp nhất cho đến đèn sáng... để cúng dường thì các thiện nam, thiện nữ này sẽ thành tựu vô số giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến thù thắng.

Kiều-thi-ca, phải biết các thiện nam, thiện nữ này là như Phật. Vì sao? Vì họ đã thọ trì đạo Vô thượng của tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác trong quá khứ, hiện tại và vị lai, quyết định hướng thẳng tới nẻo giác ngộ của Phật, tạo mọi lợi ích và an lạc cho tất cả hữu tình không cùng tận, vượt hơn bậc Thanh văn, Độc giác.

Kiều-thi-ca, các khối lượng về giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến của hàng Thanh văn, Độc giác, so sánh với sự tích tụ về giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến của các thiện nam, thiện nữ đó đạt được không bằng một phần ngàn, cho đến cũng không bằng một phần số cực nhỏ. Vì sao? Kiều-thi-ca, vì các thiện nam, thiện nữ này đã vượt qua tất cả tâm tưởng của Thanh văn, Độc giác. Đối với các pháp nơi Thanh văn thừa, Độc giác thừa, không hề tán dương. Đối với tất cả pháp không gì là không biết, nghĩa là có thể nhận biết đúng về chúng là không sở hữu.

Kiều-thi-ca, các thiện nam, thiện nữ chẳng phải lìa tâm của trí Nhất thiết trí, lấy vô sở đắc làm phương tiện, đối với kinh điển Bát-nhã ba-la-mậtđa sâu xa chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, suy nghĩ đúng lý, truyền bá cho khắp hữu tình, hoặc biên chép, trang hoàng đẹp đẽ và dùng vô lượng vòng hoa tốt tươi nhất cho đến đèn sáng... để cúng dường. Ta nói những người đó đạt được công đức lợi ích thù thắng vô lượng, vô biên trong hiện tại và vị lai.

Thiên đế Thích bạch Phật:

–Chư Thiên chúng con thường theo hộ vệ các thiện nam, thiện nữ đó, không để cho tất cả các hàng người và phi nhân và các duyên ác làm não hại.

Đức Phật bảo Thiên đế Thích:

–Kiều-thi-ca, nếu các thiện nam, thiện nữ đem tâm tương ưng trí Nhất thiết trí, lấy vô sở đắc làm phương tiện, đối với kinh điển Bát-nhã ba-la-mậtđa sâu xa đây thọ trì, đọc tụng; khi ấy có vô lượng trăm ngàn Thiên tử vì nghe pháp cho nên đều đến nhóm hội, vui mừng phấn chấn, kính thọ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này.

Kiều-thi-ca, nếu các thiện nam, thiện nữ đem tâm tương ưng trí Nhất thiết trí, lấy vô sở đắc làm phương tiện, giảng nói pháp tương ưng Bát-nhã bala-mật-đa; khi ấy có vô lượng các Thiên tử... đều đến nhóm hội, dùng oai lực trời làm cho Pháp sư thuyết giảng tăng thêm tài hùng biện, lưu loát không cùng tận.

Kiều-thi-ca, nếu các thiện nam, thiện nữ đem tâm tương ưng trí Nhất thiết trí, lấy vô sở đắc làm phương tiện, giảng nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa; khi ấy có vô lượng các Thiên tử... vì kính trọng pháp nên đều đến nhóm hội, dùng uy lực của trời làm cho Pháp sư thuyết giảng lưu loát không ngưng trệ. Giả sử có chướng nạn cũng không thể cản trở hoặc làm gián đoạn.

Kiều-thi-ca, nếu các thiện nam, thiện nữ đem tâm tương ưng trí Nhất thiết trí, lấy vô sở đắc làm phương tiện, đối với kinh điển Bát-nhã ba-la-mậtđa sâu xa chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, suy nghĩ đúng lý, truyền bá khắp chúng hữu tình; hoặc biên chép, trang hoàng các vật báu, dùng nhiều vòng hoa tốt tươi nhất cho đến đèn sáng để cúng dường, nơi đời hiện tại sẽ được vô biên công đức lợi ích thù thắng, ma và quân ma không thể làm rối loạn, não hại được.

Kiều-thi-ca, nếu các thiện nam, thiện nữ ở trong bốn chúng giảng nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, tâm không khiếp sợ thì không bị tất cả luận nạn hàng phục. Vì sao? Kiều-thi-ca, vì người đó nhờ sự gia hộ của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa vậy. Và trong tạnh bí mật Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này đã phân biệt rộng đủ về tất cả các pháp; đấy là pháp thiện, pháp bất thiện, pháp hữu ký, pháp vô ký, pháp hữu lậu, pháp vô lậu, pháp thế gian, pháp xuất thế gian, pháp hữu vi, pháp vô vi, pháp Thanh văn, pháp Độc giác, pháp Bồ-tát, pháp Như Lai... Các pháp môn như vậy có vô lượng trăm ngàn sai khác đều hội nhập, được thâu tóm nơi kinh này. Do các thiện nam, thiện nữ... khéo trụ nơi pháp không bên trong cho đến pháp không không tánh tự tánh cho nên hoàn toàn không thấy có chủ thể luận nạn, cũng không thấy có đối tượng bị luận nạn, cũng không thấy có Bát-nhã ba-lamật-đa được giảng nói.

Vì sao? Này Kiều-thi-ca, các thiện nam, thiện nữ ấy nhờ diệu lực từ oai thần lớn của Bát-nhã bala-mật-đa hộ trì cho nên không bị tất cả luận nạn của hàng dị học và các kẻ oán địch làm cho khuất phục.

Kiều-thi-ca, các thiện nam, thiện nữ đối với kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép, giải nói, truyền bá khắp nơi thì các thiện nam, thiện nữ ấy tâm thường không kinh, không sợ, không hãi, không chìm đắm, không hối tiếc, âu lo. Vì sao? Kiều-thi-ca, các thiện nam, thiện nữ này hoàn toàn không thấy có sự kiện đáng kinh, đáng sợ, đáng hãi, chìm đắm, hối tiếc, âu lo.

Kiều-thi-ca, nếu các thiện nam, thiện nữ muốn được vô biên công đức lợi ích thù thắng trong hiện tại, nên đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép, giải nói, truyền bá khắp nơi, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen, không chút rời bỏ.

Kiều-thi-ca, nếu các thiện nam, thiện nữ đem tâm tương ưng với trí Nhất thiết, lấy vô sở đắc làm phương tiện, đối với kinh điển Bát-nhã ba-la-mậtđa sâu xa này chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép, giải nói, truyền bá khắp nơi, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen thì các thiện nam, thiện nữ ấy thường được cha mẹ, sư trưởng, bạn thân, quốc vương, đại thần và các Sa-môn, Bà-la-môn... thương kính; cũng được vô biên thế giới trong mười phương với tất cả chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, Đại Bồ-tát, Độc giác, các vị đã chứng đắc quả A-la-hán, Bất hoàn, Nhất lai, Dự lưu... thương tưởng. Lại được Trời, Ma, Phạm, Nhân phi nhân, A-tố-lạc... khắp thế gian thương mến, ủng hộ.

Các thiện nam, thiện nữ này thành tựu biện tài tối thắng không gián đoạn, nơi tất cả thời tu hành Bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa; an trú vào pháp không bên trong cho đến pháp không không tánh tự tánh; tu hành bốn Niệm trụ nói rộng cho đến mười tám pháp Phật bất cộng; tu hành tất cả pháp môn Tam-ma-địa, tất cả pháp môn Đà-la-ni; đem lại sự thành tựu cho hữu tình, làm nghiêm tịnh cõi Phật; tu hành trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng luôn không rời bỏ.

Các thiện nam, thiện nữ này không bị tất cả ngoại đạo dị luận và các oán địch khuất phục; ngược lại có thể hàng ngoại đạo, dị luận và các thứ oán địch kia.

Kiều-thi-ca, nếu các thiện nam, thiện nữ muốn được công đức thù thắng vô tận, không gián đoạn trong hiện tại và vị lai, nên đối với Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa này đem tâm tương ưng với trí Nhất thiết, lấy vô sở đắc làm phương tiện, chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép giải nói, truyền bá rộng rãi, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen.

Kiều-thi-ca, nếu các thiện nam, thiện nữ biên chép Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, dùng nhiều thứ trang hoàng, để chỗ thanh tịnh, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen; khi thế giới ba lần ngàn này và vô biên thế giới khác trong mười phương tất cả các trời Tứ đại vương cho đến trời Quảng quả, người đã phát tâm cầu quả vị Giác ngộ cao tột thường đến chỗ này tham quan, đảnh lễ, đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật-đa, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen, nhiễu quanh bên phải, chắp tay đảnh lễ mà đi. Các cõi trời Tịnh cư đó là trời Vô phiền, trời Vô nhiệt, trời Thiện hiện, trời Thiện kiến, trời Sắc cứu cánh cũng thường đến nơi đây tham quan, đảnh lễ, đọc tụng Bát-nhã ba-lamật-đa này và cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen, nhiễu quanh bên phải, chắp tay đảnh lễ rồi lui ra. Lúc này thế giới ba lần ngàn và vô biên thế giới khác trong mười phương, các chúng Rồng, Dược-xoa, Kiền-đạt-phược, A-tố-lạc, Yếtlộ-đồ, Khẩn-nại-lạc, Mạc-hô-lạc-già, Nhân phi nhân có uy đức lớn cũng thường đến đây tham quan, đảnh lễ, đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật-đa, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen, nhiễu quanh bên phải, chắp tay đảnh lễ mà lui ra.

Kiều-thi-ca, các thiện nam, thiện nữ nên suy nghĩ thế này: “Nay thế giới ba lần ngàn đây và vô biên thế giới khác trong mười phương tất cả những trời Tứ đại vương cho đến trời Sắc cứu cánh cùng vô lượng chúng khác có oai đức lớn như các chúng Rồng, Dược-xoa, Kiền-đạt-phược, A-tố-lạc, Yếtlộ-đồ, Khẩn-nại-lạc, Mạc-hô-lạc-già, Nhân phi nhân... thường đến đây tham quan, đảnh lễ, đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa do ta biên chép, rồi họ cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen, đi nhiễu bên phải, chắp tay lễ bái mà lui ra.” Đó là ta đã vì họ mà thiết lập pháp thí. Suy nghĩ như vậy rồi, hoan hỷ phấn chấn, làm cho phước đã đạt được tăng trưởng bội phần.

Kiều-thi-ca, các thiện nam, thiện nữ ấy do thế giới ba lần ngàn này và vô biên thế giới khác trong mười phương có tất cả trời Tứ đại vương cho đến trời Sắc cứu cánh, cùng vô lượng chúng khác có oai đức lớn như các chúng Rồng, Dược-xoa, Kiềnđạt-phược, A-tố-lạc, Yết-lộ-đồ, Khẩn-nại-lạc, Mạc-hô-lạc-già, Nhân phi nhân... thường đi đến đây theo dõi ủng hộ nên không bị tất cả hàng người và phi nhân não hại. Chỉ trừ nhân nơi định nghiệp ác của đời trước nên hiện tại phải trả quả, hoặc nghiệp nặng được chuyển biến, đời hiện tại thọ nghiệp nhẹ.

Kiều-thi-ca, các thiện nam, thiện nữ ấy do diệu lực từ oai thần lớn của kinh điển Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa này, nên đạt được các thứ công đức lợi ích thù thắng nơi đời hiện tại. Nghĩa là chư Thiên... đã phát tâm cầu quả vị Giác ngộ cao tột, hoặc nương nơi pháp Phật đã đạt được những lợi lạc thù thắng, vì kính trọng pháp nên họ thường đến đây theo dõi, ủng hộ, tăng thêm uy lực cho các thiện nam, thiện nữ đó. Vì sao? Kiều-thi-ca, các thiện nam, thiện nữ này đã phát tâm cầu quả vị Giác ngộ cao tột, thường vì cứu vớt các hữu tình, thường vì đem lại sự thành tựu cho các hữu tình, thường vì không lìa bỏ các hữu tình, thường vì đem lại lợi ích cho các hữu tình, mà các chư Thiên kia cũng lại như vậy. Do nhân duyên này, họ thường đến ủng hộ các thiện nam, thiện nữ ấy để những người đó không bị não hại.

QUYỂN 430

Phẩm 34: Chư Thiên đến (2)

Bấy giờ Thiên đế Thích bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, các thiện nam, thiện nữ này làm thế nào biết ở thế giới ba lần ngàn và vô biên thế giới khác trong mười phương có bao nhiêu vị trời Tứ đại vương, cho đến trời Sắc cứu cánh cùng vô lượng chúng khác có oai đức lớn như các Rồng, Dược-xoa, Kiền-đạt-phược, A-tố-lạc, Yếtlộ-đồ, Khẩn-nại-lạc, Mạc-hô-lạc-già, Nhân phi nhân... đến nơi đó tham quan, đảnh lễ, đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cho họ biên chép, rồi cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen, nhiễu quanh bên phải và hoan hỷ hộ niệm?

Đức Phật bảo Thiên đế Thích:

–Kiều-thi-ca, các thiện nam, thiện nữ nếu thấy chỗ đặt kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có ánh sáng vi diệu, hoặc nghe nơi ấy có mùi thơm ngào ngạt lạ thường, hoặc có tiếng nhạc trời, phải biết bấy giờ các chúng trời, rồng... có đại thần lực, oai đức nổi bật đi đến chỗ ấy tham quan, đảnh lễ, đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa do các thiện nam, thiện nữ đó biên chép, rồi cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen, chắp tay nhiễu quanh bên phải và hoan hỷ hộ niệm.

Này Kiều-thi-ca, các thiện nam, thiện nữ này tu thuần hạnh thanh tịnh, nơi chốn để kinh rất trang nghiêm đẹp đẽ, lại chí tâm cúng dường kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, nên biết bấy giờ các chúng trời, rồng... có đại thần lực, oai đức nổi bật đi đến chỗ ấy tham quan, đảnh lễ, đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa do các thiện nam, thiện nữ biên chép, rồi cung kính cúng dường, tôn trọng, ngợi khen, chắp tay nhiễu quanh bên phải và hoan hỷ hộ niệm.

Kiều-thi-ca, tùy các chúng trời, rồng... có đủ đại thần lực, oai đức nổi bật như vậy đi đến chỗ kia, tại đấy có những tà thần, ác quỷ đều kinh sợ, tản mát lui ra, không dám đứng gần. Nhờ nhân duyên này mà các thiện nam, thiện nữ liền sinh tâm rộng lớn, khởi thắng giải thanh tịnh, nghiệp lành đã tu càng thêm tăng trưởng, mọi việc làm đều không bị ngăn ngại.

Thế nên, Kiều-thi-ca, nếu kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, tùy để chỗ nào cần phải trừ bỏ vật nhơ nhớp chung quanh, lau quét dọn dẹp, rưới nước thơm tho, bày biện tòa báu mà đặt kinh lên.

Đốt hương, rải hoa, giăng treo màn lọng, dựng cờ phướn báu, linh quý xen giữa, các ngọc châu quý lạ, chuỗi ngọc, vàng bạc vật báu, âm nhạc, đèn sáng, các thứ tơ lụa xen lẫn trang hoàng nơi đó. Nếu có thể cúng dường Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế, liền có vô lượng chúng trời, rồng... có đủ đại thần lực, oai đức nổi bật như vậy đi đến chỗ kia tham quan, đảnh lễ, đọc tụng Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa do các thiện nam, thiện nữ biên chép, rồi cung kính cúng dường, tôn trọng, ngợi khen, chắp tay nhiễu quanh bên phải và hoan hỷ hộ niệm.

Kiều-thi-ca, các thiện nam, thiện nữ này nếu có thể cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế, chắc chắn sẽ được thân tâm thư thái, thân vui tâm vui, thân nhẹ tâm nhẹ, thân êm ái tâm hài hòa, thân an tâm ổn, luôn liên tưởng đến Bát-nhã ba-la-mật-đa. Ban đêm ngủ nghỉ không có mộng ác, chỉ có mộng lành là thấy Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, toàn thân màu vàng ròng, đủ ba mươi hai tướng Đại trượng phu, tám mươi vẻ đẹp viên mãn trang nghiêm, phóng ánh sáng lớn chiếu soi tất cả, chúng Thanh văn Bồ-tát vây quanh trước sau Đức Như Lai, thấy mình ở giữa chúng hội, nghe Phật thuyết pháp tương ưng với Bố thí, Tịnh giới, An nhẫn,

Tinh tấn, Tĩnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa; tương ưng với pháp không bên trong cho đến pháp không không tánh tự tánh, bốn Niệm trụ nói rộng cho đến mười tám pháp Phật bất cộng. Và nghe phân tích nghĩa tương ưng của Bố thí, Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa; lại nghe phân tích nghĩa tương ưng của pháp không bên trong cho đến pháp không không tánh tự tánh, bốn Niệm trụ, nói rộng cho đến mười tám pháp Phật bất cộng.

Lại ở trong mộng thấy cây Bồ-đề rất cao lớn, được trang nghiêm bằng châu báu. Có Đại Bồ-tát tới cội Bồ-đề, ngồi kiết già dẹp trừ ma oán, chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột, chuyển bánh xe pháp vi diệu, hóa độ vô lượng chúng sinh. Cũng thấy vô lượng trăm ngàn muôn ức chúng Đại Bồ-tát luận bàn, chọn lựa các thứ nghĩa pháp, tức là nên tạo sự thành tựu cho hữu tình như vậy để làm nghiêm tịnh cõi Phật, tu hạnh Bồ-tát, phá dẹp quân ma, dứt hẳn tập khí chướng ngại, hướng đến chứng quả vị Giác ngộ cao tột. Lại còn mộng thấy vô lượng trăm ngàn, muôn ức Phật trong mười phương, cũng nghe Đức Phật đó bảo: “Có thế giới tên..., Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác hiệu..., có từng ấy trăm ngàn, trăm ức, muôn ức chúng Đại Bồ-tát, có từng ấy trăm ngàn, trăm ức, muôn ức chúng Thanh văn cung kính vây quanh mà vì họ thuyết pháp.”

Lại nữa, mộng thấy vô lượng trăm ngàn, trăm ức, muôn ức Phật trong mười phương nhập Bátniết-bàn. Mỗi mỗi Đức Phật đó sau khi nhập Niếtbàn đều có thí chủ cúng dường xá-lợi Phật, dùng bảy báu tốt đẹp xây dựng vô lượng trăm ngàn, trăm ức, muôn ức các bảo tháp, nơi mỗi một bảo tháp đều đem vô lượng vòng hoa tốt tươi nhất, hương xoa, hương bột..., y phục, chuỗi ngọc, cờ phướn lọng báu, các châu ngọc diệu kỳ, âm nhạc, đèn sáng... cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen trải qua vô lượng kiếp.

Kiều-thi-ca, các thiện nam, thiện nữ nào thấy các tướng mộng lành như vậy, hoặc ngủ, hoặc thức, thân tâm luôn an vui. Các chúng trời, thần... giúp họ tinh lực, khiến họ tự biết thân thể nhẹ nhàng. Do nhân duyên đó nên không có nhiều tham nhiễm về ăn uống, thuốc thang, y phục, đồ nằm. Đối với bốn sự cúng dường, tâm người đó thanh thản và biết đủ, như Du-già sư nhập định thắng diệu. Nhờ sức của định ấy mà thân tâm tươi nhuận. Từ định xuất rồi, dù có gặp các thức ăn ngon lạ nhưng tâm thanh thản và biết đủ ấy cũng như vậy. Vì sao? Này Kiều-thi-ca, các thiện nam, thiện nữ này nhờ tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, các hàng Thanh văn, Bồ-tát, Trời, Rồng, Dược-xoa, Kiền-đạt-phược, A-tố-lạc, Yết-lộ-đồ, Khẩn-nạilạc, Mạc-hô-lạc-già, Nhân phi nhân của thế giới ba lần ngàn đây và vô biên thế giới khác, là những bậc thiện duyên đủ đại thần lực, oai đức thù thắng từ bi hộ niệm, đem năng lực vi diệu thấm đượm vào thân tâm, làm cho những người đó chí khí dũng mãnh, thân thể cường tráng.

Kiều-thi-ca, nếu các thiện nam, thiện nữ muốn được các công đức lợi ích thù thắng trong hiện tại như vậy, nên phát tâm tương ưng với trí Nhất thiết trí, lấy vô sở đắc làm phương tiện, đối với kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép, giải nói, truyền bá khắp nơi.

Kiều-thi-ca, nếu các thiện nam, thiện nữ, tuy đối với kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không thể lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, suy nghĩ đúng lý, truyền bá khắp chúng hữu tình, mà chỉ biên chép và dùng các báu để trang hoàng đẹp đẽ đem các vòng hoa tốt tươi nhất, các thứ hương xoa, hương bột..., y phục, chuỗi anh lạc, cờ phướn lọng báu, các châu ngọc quý lạ, âm nhạc, đèn sáng... cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen thì cũng đạt được các công đức lợi ích thù thắng như trước đã nói. Vì sao? Kiều-thi-ca, vì các thiện nam, thiện nữ ấy có thể tạo mọi lợi lạc cho vô lượng, vô biên các hữu tình.

Này Kiều-thi-ca, nếu các thiện nam, thiện nữ đem tâm tương ưng với trí Nhất thiết trí, lấy vô sở đắc làm phương tiện, đối với kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, suy nghĩ đúng lý, truyền bá khắp chúng hữu tình, hoặc biên chép và trang hoàng bằng các thứ châu báu, dùng các vòng hoa tốt đẹp nhất, cho đến đèn sáng để cúng dường, thì phước đức đạt được là vô lượng, vô biên, vượt hơn hữu tình khác trọn đời đem vô lượng các món ăn uống, y phục, đồ nằm, thuốc thang của cải quý giá nhất cung kính cúng dường tôn trọng ngợi khen tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và chúng đệ tử nơi mười phương thế giới. Cũng vượt hơn trường hợp Phật và đệ tử trong mười phương sau khi Bát-niết-bàn có người vì cúng dường xá-lợi nên dùng các loại châu báu quý giá xây dựng tháp cao rộng, trang nghiêm, tráng lệ, lại đem vô lượng vòng hoa trời tốt đẹp cho đến đèn sáng... trọn đời cung kính cúng dường, tôn trọng khen ngợi. Vì sao? Kiều-thi-ca, vì chư Phật và chúng đệ tử trong mười phương đều nhận nơi Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này mà sinh khởi.


Trước

[Đầu trang][Mục lục Kinh Đại Bát Nhã]

Tiếp theo


[Mục lục bộ Bát-nhã][220][221][222][223][224][225][226][227][228][229][230][231][232][233][234][235][236][237][238][239][240][241][242][243][244][245][246][247][248][249][250][251][252][253][254][255][256][257][258][259][260][261]


[Mục lục tổng quát]