SỐ 220
KINH ĐẠI BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA

HỘI THỨ II

Phẩm 44: Ma sự
(QUYỂN 440)

Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.


QUYỂN 440

Phẩm 44: Ma sự

Bấy giờ, Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, Ngài đã khen ngợi các thiện nam, thiện nữ thành tựu công đức, hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột, dũng mãnh tu hành Bố thí, Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bát-nhã bala-mật-đa, đem lại sự thành tựu cho hữu tình, làm nghiêm tịnh cõi Phật. Bạch Đức Thế Tôn, các thiện nam, thiện nữ này khi tu các hạnh hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột làm sao biết được những ma sự trở ngại?

Phật dạy:

–Thiện Hiện, Đại Bồ-tát nào muốn vì hữu tình tuyên nói chánh pháp nhưng phải đúng thời mới nói, mà không mau chóng nói ra đầy đủ. Nên biết đó là ma sự của Bồ-tát.

Cụ thọ Thiện Hiện thưa:

–Bạch Thế Tôn, do duyên gì mà Đại Bồ-tát muốn vì hữu tình tuyên nói chánh pháp nhưng phải đến thời mới nói mà không mau chóng nói ra đầy đủ gọi là ma sự?

Phật dạy:

–Thiện Hiện, các Đại Bồ-tát khi tu hành Bátnhã ba-la-mật-đa, do nhân duyên cho tu Bát-nhã ba-la-mật-đa cho đến Bố thí ba-la-mật-đa là pháp khó được viên mãn, nên nói Đại Bồ-tát muốn vì hữu tình tuyên nói chánh pháp phải đợi đến thời mới nói mà không mau chóng nói ra đầy đủ là ma sự.

Lại nữa Thiện Hiện, Đại Bồ-tát nào tu thắng hạnh, muốn mau thành tựu trong một đời nên biết đó là ma sự.

Cụ thọ Thiện Hiện thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn, do duyên gì Đại Bồ-tát tu thắng hạnh muốn mau thành tựu trong một đời gọi là ma sự?

Phật dạy:

–Các Đại Bồ-tát tu hành Bố thí ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa mà không có phương tiện thiện xảo để mau thành tựu trong một đời cho nên bỏ hạnh tu tập kia. Đó gọi là ma sự của Đại Bồ-tát tu thắng hạnh mà muốn mau thành tựu trong một đời.

Lại nữa Thiện Hiện, các thiện nam, thiện nữ trụ nơi Bồ-tát thừa, khi biên chép kinh Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa nhăn nhó, ợ ngáp, ngã nghiêng cười giỡn, khinh lấn lẫn nhau, thân tâm rối loạn, sai lầm văn cú, nghĩa lý lờ mờ không được thấm nhuần, tai ương phát sinh làm trở ngại nên biên chép không thành tựu. Nên biết đó là ma sự của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, các thiện nam, thiện nữ trụ nơi Bồ-tát thừa, khi thọ trì, đọc tụng, tư duy, tu tập, nói, nghe kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa nhăn rên, ợ ngáp, ngã nghiêng cười giỡn, khinh lấn lẫn nhau, thân tâm rối loạn, sai lầm văn cú, nghĩa lý lờ mờ, không được thấm nhuần, tai ương phát sinh làm trở ngại nên việc ấy không thành. Nên biết đó là ma sự của Bồ-tát.

Khi ấy Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, vì nhân duyên gì khi nghe thuyết kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, các thiện nam, thiện nữ trụ nơi Bồ-tát thừa bỗng phát khởi ý nghĩ: “Đối với kinh này, Ta không được thấm nhuần thì cần gì phải chịu khổ nhọc để được nghe kinh này.” Suy nghĩ vậy rồi liền bỏ đi. Việc thọ trì, đọc tụng, tư duy, tu tập, biên chép, giải nói, cũng lại như vậy?

Phật dạy:

–Thiện Hiện, Quá khứ các thiện nam, thiện nữ này tu hành Bát-nhã, Tĩnh lự, Tinh tấn, An nhẫn, Tịnh giới, Bố thí ba-la-mật-đa cạn cợt nên khi nghe thọ trì... Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này không được thấm nhuần, không kham nhẫn nổi rồi liền bỏ cuộc.

Lại nữa Thiện Hiện, khi nghe kinh Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa, các thiện nam, thiện nữ trụ nơi Bồ-tát thừa suy nghĩ: “Ta không được thọ ký quả vị Giác ngộ cao tột thì cần gì phải nghe nhận kinh điển như thế.” Do đó, tâm họ không thanh tịnh, không được thấm nhuần nên rời tòa đứng dậy, chán nản bỏ đi. Nên biết đó là ma sự của Bồ-tát.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, vì nhân duyên gì trong kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này không thọ ký quả vị Giác ngộ cao tột cho các thiện nam, thiện nữ, làm họ không thể kham nhẫn chán nản bỏ đi?

Phật dạy:

–Thiện Hiện, Bồ-tát chưa vào Chánh tánh ly sinh thì không nên thọ ký đại Bồ-đề, nếu thọ ký cho họ thì họ sẽ tăng thêm kiêu mạn, gây tổn hại, không ích gì nên không thọ ký.

Lại nữa Thiện Hiện, khi nghe thuyết kinh Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa, các thiện nam, thiện nữ trụ nơi Bồ-tát thừa suy nghĩ: “Trong đây không nói đến danh tự của chúng ta, cần gì chúng ta phải nghe.” Tâm họ không thanh tịnh, không được thấm nhuần, liền rời tòa đứng dậy, chán nản bỏ đi, nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, vì nhân duyên gì trong kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này không nói đến danh tự của Bồ-tát kia?

Phật dạy:

–Thiện Hiện, Bồ-tát chưa thọ ký đại Bồ-đề thì tất nhiên không nói đến danh tự của họ.

Lại nữa Thiện Hiện, khi nghe thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, các thiện nam, thiện nữ trụ nơi Bồ-tát thừa suy nghĩ: “Trong đây không nói đến nơi sinh, thành ấp, xóm làng của chúng ta thì cần gì chúng ta phải nghe.” Tâm họ không thanh tịnh, không được thấm nhuần, liền rời tòa đứng dậy, chán nản bỏ đi, nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, vì nhân duyên gì trong kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này không nói đến nơi sinh, thành ấp, xóm làng của Bồ-tát kia?

Phật dạy:

–Thiện Hiện, nếu chưa thọ ký, chưa nói đến danh tự của Bồ-tát kia thì không nên nói về nơi sinh sai khác.

Lại nữa Thiện Hiện, Đại Bồ-tát nào khi nghe thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, tâm không thanh tịnh, không thấm nhuần mà bỏ đi. Tùy theo họ sinh tâm không thanh tịnh, chán bỏ kinh này, đi bao nhiêu bước thì giảm bấy nhiêu kiếp số công đức, bị bấy nhiêu kiếp tội chướng Bồ-đề. Chịu tội ấy rồi, trải qua một thời gian phát tâm tinh tấn cầu đến quả vị Giác ngộ cao tột, tu các khổ hạnh Bồtát khó hành mới có thể phục hồi được. Vì thế Bồtát nào muốn mau chứng quả vị Giác ngộ cao tột thì không nên chán bỏ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.

Lại nữa Thiện Hiện, các thiện nam, thiện nữ trụ nơi Bồ-tát thừa vứt bỏ kinh điển Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa mà cầu học kinh khác thì nên biết đây là ma sự của Bồ-tát. Vì sao? Này Thiện Hiện, các thiện nam, thiện nữ này vứt bỏ trí Nhất thiết tướng là căn bản của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, mà vin vào cành lá là các kinh điển khác, quyết không thể được đại Bồ-đề.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, những kinh nào giống như cành lá không thể phát sinh trí Nhất thiết tướng?

Phật dạy:

–Thiện Hiện, nếu nói pháp mà tương ưng với hàng Thanh văn và Độc giác, nghĩa là bốn Niệm trụ, bốn Chánh đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy chi Đẳng giác, tám chi Thánh đạo và pháp môn giải thoát Không, Vô tướng, Vô nguyện... thuộc nơi các kinh. Các thiện nam, thiện nữ nào tu học trong đó đạt được quả Dự lưu, quả Nhất lai, quả Bất hoàn, quả A-la-hán, Độc giác Bồ-đề mà không đạt được quả vị Giác ngộ cao tột. Vì thế gọi các kinh khác này giống như cành lá không thể phát sinh trí Nhất thiết tướng. Bát-nhã ba-la-mậtđa sâu xa nhất định phát sinh trí Nhất thiết tướng, có sức mạnh và công năng lớn giống như cội cây. Các thiện nam, thiện nữ này vứt bỏ kinh điển Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa, cầu học kinh khác quyết không thể được trí Nhất thiết tướng. Vì sao? Này Thiện Hiện, kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, sinh ra pháp công đức nơi thế gian, xuất thế gian của chúng Đại Bồ-tát. Vì thế, Đại Bồ-tát nào tu học kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa là tu học tất cả thiện pháp, công đức nơi thế gian và xuất thế gian của chúng Đại Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, ví như con chó đang đói mà không ăn thức ăn của chủ lại theo tôi tớ cầu xin ăn. Đời vị lai có các thiện nam, thiện nữ trụ nơi Bồtát thừa, vứt bỏ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa là căn bản của tất cả Phật pháp để cầu học kinh điển tương ưng với Nhị thừa cũng là như vậy, nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.

Thiện Hiện, ví như người muốn tìm voi chúa, được voi rồi lại bỏ để đi tìm dấu chân nó, ý ông thế nào, người này có trí chăng?

Thiện Hiện thưa:

–Bạch Thế Tôn, người này không có trí.

Phật dạy:

–Thiện Hiện, trong đời vị lai, nếu có các thiện nam, thiện nữ trụ nơi Bồ-tát thừa, vứt bỏ tất cả căn bản Phật pháp là Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa để cầu học kinh điển tương ưng với Nhị thừa thì cũng như vậy, nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, ví như người muốn thấy biển lớn, khi thấy biển rồi lại bỏ đi tìm nước trong dấu chân trâu và suy nghĩ: “Lượng nước trong biển lẽ nào lại sâu rộng như thế này hay sao?” Ý ông thế nào, người này có trí chăng?

Thiện Hiện thưa:

–Bạch Thế Tôn, người này không có trí.

Phật dạy:

–Thiện Hiện, trong đời vị lai nếu có các thiện nam, thiện nữ trụ nơi Bồ-tát thừa vứt bỏ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa là căn bản của tất cả Phật pháp để cầu học kinh điển tương ưng với Nhị thừa thì cũng như vậy, nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, ví như có người thợ hoặc đệ tử của người thợ, muốn dựng một cung điện lớn như cung điện thù thắng của Thiên đế Thích, thấy cung điện ấy rồi nhưng lại thiết kế theo cung điện mặt trăng mặt trời. Ý ông thế nào, người thợ hoặc đệ tử người thợ có thể dựng cung điện lớn như cung điện thù thắng của Thiên đế Thích được không?

Thiện Hiện thưa:

–Thưa không, bạch Đức Thế Tôn! Thưa không, bạch Đấng Thiện Thệ!

Phật dạy:

–Thiện Hiện, ý ông thế nào, người này có trí chăng?

Thiện Hiện thưa:

–Người này không có trí, là người ngu si.

Phật dạy:

–Thiện Hiện, trong đời vị lai nếu có các thiện nam, thiện nữ trụ nơi Bồ-tát thừa muốn cầu quả vị Giác ngộ cao tột mà vứt bỏ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế để cầu học kinh điển tương ưng với Nhị thừa cũng như vậy. Quyết chắc họ không đạt được sự mong cầu quả vị Giác ngộ cao tột, nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, như người muốn diện kiến Chuyển luân Thánh vương, khi được diện kiến không nhìn kỹ hình tướng, rồi bỏ đi đến nơi khác thấy hình tướng Tiểu vương phàm phu liền nghĩ rằng hình tướng, oai đức của Chuyển luân Thánh vương cùng với đây nào có khác. Ý ông thế nào, người này có trí chăng?

Thiện Hiện thưa:

–Bạch Thế Tôn, người này không có trí.

Phật dạy:

–Thiện Hiện, trong đời vị lai nếu có các thiện nam, thiện nữ trụ nơi Bồ-tát thừa cũng như vậy, muốn cầu quả vị Giác ngộ cao tột nhưng vứt bỏ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế để cầu học kinh điển tương ưng với Nhị thừa và nói kinh điển này cùng với kinh điển kia không khác, đâu cần phải dùng kinh điển kia làm gì. Quyết chắc các thiện nam, thiện nữ này không đạt được sự mong cầu quả vị Giác ngộ cao tột, nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, như có người đang đói được món ăn nhiều vị ngon mà lại bỏ đi để cầu ăn cơm thiu hẩm. Ý ông thế nào, người này có trí chăng?

Thiện Hiện thưa:

–Bạch Thế Tôn, người này không có trí.

Phật dạy:

–Thiện Hiện, trong đời vị lai có các thiện nam, thiện nữ trụ nơi Bồ-tát thừa bỏ kinh điển Đại Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa để cầu học kinh điển tương ưng với Nhị thừa và muốn cầu trí Nhất thiết tướng ở trong đó cũng như vậy. Các thiện nam, thiện nữ kia chỉ luống uổng mệt nhọc, quyết chắc không đạt được trí Nhất thiết tướng, nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, Như có người nghèo được vật báu vô giá nhưng bỏ để đổi lấy ngọc Ca-giámạt-ni. Ý ông thế nào, người này có trí chăng?

Thiện Hiện thưa:

–Bạch Thế Tôn, người này không có trí.

Phật dạy:

–Thiện Hiện, trong đời vị lai nếu có các thiện nam, thiện nữ trụ nơi Bồ-tát thừa bỏ kinh điển Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa để cầu học kinh điển tương ưng với Nhị thừa và muốn cầu trí Nhất thiết tướng ở trong đó thì cũng như vậy. Các thiện nam, thiện nữ kia chỉ luống uổng mệt nhọc, quyết chắc không đạt được trí Nhất thiết tướng, nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.

LẠI NỮA THIỆN HIỆN, CÁC THIỆN NAM,

THIỆN NỮ TRỤ NƠI BỒ-TÁT THỪA, KHI

BIÊN CHÉP KINH ĐẠI BÁT-NHÃ BA-LA-

MẬT-ĐA SÂU XA, BỖNG PHÁT SINH

NHỮNG SUY XÉT THẤP KÉM. DO NHỮNG

SUY XÉT NÀY LÀM CHO SỰ BIÊN CHÉP

BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA SÂU XA

KHÔNG ĐƯỢC RỐT RÁO. NHỮNG SUY

XÉT THẤP KÉM LÀ SUY XÉT VỀ SẮC;

HOẶC SUY XÉT VỀ THANH, HƯƠNG, VỊ,

XÚC, PHÁP; HOẶC PHÁT SINH SUY XÉT

VỀ BỐ THÍ, TỊNH GIỚI, AN NHẪN, TINH

TẤN, TĨNH LỰ, BÁT-NHÃ CHO ĐẾN PHÁT SINH SUY XÉT VỀ QUẢ VỊ GIÁC NGỘ

CAO TỘT LÀM CHO SỰ BIÊN CHÉP BÁTNHÃ BA-LA-MẬT-ĐA KHÔNG ĐƯỢC RỐT

RÁO, NÊN BIẾT ĐÂY LÀ MA SỰ CỦA BỒ-

TÁT. VÌ SAO? NÀY THIỆN HIỆN, VÌ BÁT-

NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA LÀ KHÔNG THỂ

SUY XÉT, KHÓ NGHĨ BÀN, KHÔNG TƯ

LỰ, KHÔNG SINH DIỆT, KHÔNG NHIỄM

TỊNH, KHÔNG ĐỊNH LOẠN, LÌA DANH

NGÔN, CHẲNG THỂ NÊU BÀY, CHẲNG

THỂ NẮM BẮT ĐƯỢC. VÌ SAO? THIỆN

HIỆN, TRONG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA SÂU XA NHƯ PHÁP ĐÃ THUYẾT ĐỀU

KHÔNG SỞ HỮU, ĐỀU CHẲNG THỂ NẮM BẮT ĐƯỢC. CÁC THIỆN NAM, THIỆN NỮ

TRỤ NƠI BỒ-TÁT THỪA KHI BIÊN CHÉP

KINH BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA SÂU XA

CÓ CÁC PHÁP NHƯ THẾ RỐI LOẠN NƠI

TÂM LÀM CHO SỰ VIỆC KHÔNG ĐẠT

RỐT RÁO. VÌ THẾ NÊN NÓI LÀ MA SỰ CỦA BỒ-TÁT.

Khi ấy, Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có thể biên chép được chăng?

Phật dạy:

–Thiện Hiện, Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không thể biên chép. Vì sao? Này Thiện Hiện, tự tánh của Bát-nhã ba-la-mật-đa là không sở hữu, chẳng thể nắm bắt được. Tự tánh của Tĩnh lự, Tinh tấn, An nhẫn, Tịnh giới, Bố thí ba-la-mật-đa cũng không sở hữu, chẳng thể nắm bắt được. Tự tánh của pháp không bên trong là không sở hữu, chẳng thể nắm bắt được. Cho đến tự tánh của pháp không không tánh tự tánh cũng không sở hữu, chẳng thể nắm bắt được. Tự tánh của bốn Niệm trụ là không sở hữu, chẳng thể nắm bắt được. Nói rộng cho đến tự tánh của mười tám pháp Phật bất cộng cũng không sở hữu, chẳng thể nắm bắt được. Tự tánh của trí Nhất thiết là không sở hữu chẳng thể nắm bắt được. Tự tánh của trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng cũng không sở hữu, chẳng thể nắm bắt được. Này Thiện Hiện, tự tánh của các pháp đều không sở hữu, chẳng thể nắm bắt được, tức là không tánh. Không tánh như thế tức là Bát-nhã bala-mật-đa. Không phải pháp không tánh có thể ghi chép về không tánh. Cho nên Bát-nhã ba-la-mật-đa không thể biên chép được. Thiện Hiện, các thiện nam, thiện nữ trụ nơi Bồ-tát thừa nếu đối với Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế mà dấy khởi tưởng về không tánh thì nên biết đây là ma sự của Bồ-tát. Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, các thiện nam, thiện nữ trụ nơi Bồ-tát thừa biên chép Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế, suy nghĩ rằng: “Ta dùng văn tự biên chép Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như vậy.” Và họ nương vào văn tự để chấp trước nơi Bát-nhã ba-lamật-đa. Đây là ma sự của Bồ-tát.

Phật dạy:

–Thiện Hiện, đúng vậy, đúng vậy, như lời ông đã nói! Vì sao? Này Thiện Hiện, trong kinh Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa này, sắc không văn tự thọ, tưởng, hành, thức cũng không văn tự; nhãn xứ không văn tự; nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ cũng không văn tự. Sắc xứ không văn tự; thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ cũng không văn tự. Nhãn giới không văn tự; nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới cũng không văn tự. Sắc giới không văn tự; thanh, hương, vị, xúc, pháp giới cũng không văn tự. Nhãn thức giới không văn tự; nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới cũng không văn tự. Nhãn xúc không văn tự; nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc cũng không văn tự. Các thọ do nhãn xúc làm duyên sinh ra không văn tự; các thọ do nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc làm duyên sinh ra cũng không văn tự. Bát-nhã ba-la-mật-đa không văn tự; Tĩnh lự, Tinh tấn, An nhẫn, Tịnh giới, Bố thí ba-la-mật-đa cũng không văn tự. Pháp không bên trong không văn tự; pháp không bên ngoài, pháp không cả trong ngoài, pháp không không, pháp không lớn, pháp không thắng nghĩa, pháp không hữu vi, pháp không vô vi, pháp không rốt ráo, pháp không không biên giới, pháp không tản mạn chẳng đổi khác, pháp không bản tánh, pháp không tự tướng cộng tướng, pháp không nơi tất cả pháp, pháp không chẳng thể nắm bắt được, pháp không không tánh, pháp không tự tánh, pháp không không tánh tự tánh không cũng không văn tự. Bốn Niệm trụ không văn tự; nói rộng cho đến mười tám pháp Phật bất cộng cũng không văn tự. Trí Nhất thiết không văn tự; trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng cũng không văn tự. Vì thế không nên chấp có văn tự có thể biên chép được Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Thiện Hiện, các thiện nam, thiện nữ trụ nơi Bồtát thừa nếu chấp trong kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không văn tự là sắc; không văn tự là thọ, tưởng, hành, thức. Như vậy, cho đến không văn tự là trí Nhất thiết; không văn tự là trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng thì nên biết đây là ma sự của Bồtát.

Lại nữa Thiện Hiện, các thiện nam, thiện nữ trụ nơi Bồ-tát thừa khi biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn nói kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, nếu có ý nghĩ đến cõi nước, hoặc có ý nghĩ đến thành ấp, hoặc có ý nghĩ đến kinh đô, hoặc có ý nghĩ đến nơi chốn, hoặc có ý nghĩ đến Thân giáo sư, hoặc có ý nghĩ đến bạn đồng học, hoặc có ý nghĩ đến cha mẹ vợ con, hoặc có ý nghĩ đến anh chị em, hoặc có ý nghĩ đến dòng họ bạn bè, hoặc có ý nghĩ đến quốc vương, đại thần, hoặc có ý nghĩ đến kẻ ác trộm cắp, hoặc có ý nghĩ đến thú dữ, quỷ ác, hoặc có ý nghĩ đến sự nhóm họp chơi giỡn, hoặc có ý nghĩ đến dâm nữ, dục lạc, hoặc có ý nghĩ đến trả ân báo oán, hoặc có ý nghĩ đến vô số việc khác, hoặc ở nơi ý nghĩ lại khởi ý nghĩ thì đều là bị ác ma sai sử làm trở ngại Bát-nhã ba-la-mật-đa, là pháp phát sinh vô biên pháp thù thắng, thì nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, các thiện nam, thiện nữ trụ nơi Bồ-tát thừa, khi biên chép thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn nói kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa được tiếng khen lớn, được cung kính, cúng dường những thứ như y phục, thức ăn uống, giường chõng, thuốc men và các thứ khác. Các thiện nam, thiện nữ ấy tham đắm những thứ này nên thối thất nơi Bát-nhã ba-la-mật-đa, là pháp sinh ra vô biên nghiệp thiện thù thắng, nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.

Thiện Hiện, các thiện nam, thiện nữ trụ nơi Bồtát thừa khi biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn nói kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế, có các ác ma giả hiện bạn thân đem các thứ sách luận thế tục, hoặc kinh điển tương ưng với hàng Nhị thừa trao cho Bồ-tát, trong đấy rộng nói về các sự việc nổi bật của thế tục, hoặc rộng nói về các uẩn, xứ, giới, thật đế, duyên khởi, ba mươi bảy pháp phần Bồ-đề, ba pháp môn giải thoát, bốn Tĩnh lự... Ác ma nói: “Nghĩa thú nơi kinh điển này rất thâm sâu, nên siêng tu học và bỏ kinh đã tu tập.” Các thiện nam, thiện nữ trụ nơi Bồ-tát thừa này dùng phương tiện khéo léo không nhận lấy sách luận thế tục hoặc kinh điển tương ưng Nhị thừa do ác ma trao. Vì sao? Vì sách luận thế tục, kinh điển Nhị thừa không thể phát sinh trí Nhất thiết tướng, không phải phương tiện thuận hợp hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột mà chỉ làm chướng ngại quả vị Giác ngộ cao tột.

Thiện Hiện, trong kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này Ta rộng nói về phương tiện khéo léo cho đạo Đại Bồ-tát, trong đây Đại Bồ-tát nào cầu phương tiện khéo léo tinh cần tu học các hạnh Bồtát thì mau chứng quả vị Giác ngộ cao tột.

Thiện Hiện, các thiện nam, thiện nữ trụ nơi Bồtát thừa nào bỏ kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chỗ nói đến các phương tiện khéo léo của đạo Đại Bồ-tát mà chịu học các sách luận của thế tục, ác ma hoặc kinh điển tương ưng với Nhị thừa thì nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.


Trước

[Đầu trang][Mục lục Kinh Đại Bát Nhã]

Tiếp theo


[Mục lục bộ Bát-nhã][220][221][222][223][224][225][226][227][228][229][230][231][232][233][234][235][236][237][238][239][240][241][242][243][244][245][246][247][248][249][250][251][252][253][254][255][256][257][258][259][260][261]


[Mục lục tổng quát]