SỐ 220
KINH ĐẠI BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA
HỘI THỨ II
Phẩm 83: Vô sự
(QUYỂN 478)
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.
Bấy giờ Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, nếu tất cả pháp đều lấy không tánh để làm tự tánh, như vậy không tánh chẳng phải Phật tạo ra, chẳng phải Độc giác tạo ra, chẳng phải Bồ-tát tạo ra, chẳng phải Thanh văn tạo ra, cũng chẳng phải bậc trụ quả hạnh hướng tạo ra, thì tại sao nêu ra các pháp khác nhau? Nói đây là địa ngục, đây là bàng sinh, đây là ngạ quỷ, đây là người, đây là trời Tứ đại vương cho đến trời Tha hóa tự tại, đây là trời Phạm chúng cho đến trời Sắc cứu cánh, đây là trời Không vô biên xứ cho đến trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ, đây là Dự lưu, đây là Nhất lai, đây là Bất hoàn, đây là A-la-hán, đây là Độc giác, đây là Bồ-tát, đây là Như Lai. Do nghiệp như vậy, nên tạo ra địa ngục; do nghiệp như vầy, nên tạo ra bàng sinh; do nghiệp như vậy, nên tạo ra ngạ quỷ; do nghiệp như vậy, nên tạo ra người; do nghiệp như vậy, nên tạo ra trời Tứ đại Thiên vương cho đến trời Tha hóa tự tại; do nghiệp như vậy nên tạo ra trời Phạm chúng cho đến trời Sắc cứu cánh; do nghiệp như vậy, nên tạo ra trời Không vô biên xứ cho đến trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ; do pháp như vậy nên có Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn; do pháp như vậy nên có A-lahán; do pháp như vậy nên có Độc giác; do pháp như vậy nên có Bồ-tát; do pháp như vậy nên có Như Lai.
Bạch Đức Thế Tôn, pháp không tánh nhất định không có tác dụng, vậy tại sao lại nói: Do nghiệp như vậy nên sinh vào địa ngục; do nghiệp như vậy nên sinh trong loài bàng sinh; do nghiệp như vậy nên sinh vào ngạ quỷ; do nghiệp như vậy nên sinh trong loài người; do nghiệp như vậy nên sinh lên cõi trời Tứ đại Thiên chúng cho đến trời Tha hóa tự tại; do nghiệp như vậy nên sinh lên cõi trời Phạm chúng cho đến cõi trời Sắc cứu cánh; do nghiệp như vậy nên sinh vào cõi trời Không vô biên xứ cho đến cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ; do pháp như vậy nên đắc quả Dự lưu; do pháp như vậy nên đắc quả Nhất lai; do pháp như vậy nên đắc quả Bất hoàn; do pháp như vậy nên đắc quả A-lahán; do pháp như vậy nên đắc quả Độc giác Bồ-đề; do pháp như vậy nên đắc địa vị Bồ-tát hành đạo Bồ-tát; do pháp như vậy nên đắc trí Nhất thiết tướng gọi là Phật Thế Tôn, làm cho các hữu tình giải thoát sinh tử?
Phật dạy:
–Này Thiện Hiện, đúng vậy, đúng vậy! Theo những điều ông hỏi, trong pháp không tánh không thể nói là các pháp có sự khác nhau. Nó không có nghiệp không có quả cũng không có tác dụng; chỉ vì những kẻ phàm phu ngu si không hiểu rõ Thánh pháp Tỳ-nại-da, không biết như thật về các pháp đều lấy không tánh làm tánh; do ngu si điên đảo, mà tạo ra các nghiệp thân, khẩu, ý, rồi theo nghiệp sai khác ấy, mà thọ các loại thân khác nhau; dựa vào từng phẩm loại khác nhau của thân ấy, để đặt ra địa ngục, ngạ quỷ, bàng sinh, hoặc người, hoặc trời cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Vì muốn cứu vớt những kẻ phàm phu, ngu si, điên đảo, chịu các khổ đó mà đưa ra từng phần vị sai khác của Thánh pháp và Tỳ-nại-da. Dựa vào phần vị này mà đặt ra Dự lưu cho đến Độc giác, Bồ-tát, Như Lai. Nhưng tất cả pháp đều lấy không tánh làm tự tánh. Trong pháp không tánh thật không có pháp khác, không có nghiệp, không có quả, cũng không có tác dụng vì pháp không tánh thường không tánh.
Lại nữa này Thiện Hiện, như lời ông nói. Pháp không tánh chắc chắn không có tác dụng thì tại sao lại nói do pháp như vậy nên đắc quả Dự lưu, nói đầy đủ cho đến do pháp như vậy nên đắc trí Nhất thiết hiệu là Phật Thế Tôn; khiến cho các hữu tình được giải thoát sinh tử. Ý ông thế nào? Các đạo phải tu tập là không tánh ư? Các quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Độc giác Bồ-đề, Bồ-tát đạo, trí Nhất thiết tướng là không tánh ư?
Thiện Hiện thưa:
–Bạch Thế Tôn, đúng vậy, đúng vậy! Các đạo phải tu, nói rộng cho đến trí Nhất thiết tướng đều là không tánh.
Phật dạy:
–Này Thiện Hiện, ý ông thế nào? Pháp không tánh, có thể đắc pháp không tánh không?
Thiện Hiện thưa:
–Bạch Thế Tôn, không!
Phật dạy:
–Này Thiện Hiện, không tánh và đạo là tất cả pháp đều chẳng tương ưng, chẳng phải không tương ưng, không có sắc, không thấy, không đối tất cả là một, gọi đó là không tướng. Chúng sinh phàm phu, ngu si, điên đảo; đối với pháp không tướng, mà tưởng có pháp, nên chấp trước vào năm uẩn; trong cái vô thường, lại tưởng là thường; trong các khổ, lại tưởng vui; trong vô ngã, lại tưởng hữu ngã; trong bất tịnh, lại tưởng thanh tịnh; với pháp không tánh lại chấp trước hữu tánh. Do đấy mà các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa; dùng phương tiện thiện xảo cứu vớt các loài hữu tình, để chúng xa lìa cách phân biệt điên đảo, hư vọng; dùng phương tiện an trú trong pháp không tướng, khuyên họ siêng năng tu tập để giải thoát sinh tử, chứng đắc cứu cánh Niết-bàn thường lạc.
Cụ thọ Thiện Hiện thưa:
–Bạch Thế Tôn, những sự chấp trước của chúng sinh phàm phu ngu si nếu có chân thật mà không hư vọng, thì sự chấp trước của họ có tạo ra các nghiệp, do đó có bị trầm luân trong các nẻo không thể thoát khổ sinh tử không?
Phật dạy:
–Này Thiện Hiện, những sự chấp trước của chúng sinh phàm phu ngu si dẫu một chút nhỏ như đầu sợi lông, có thể nào nói chân thật mà không hư vọng? Sau khi họ chấp trước rồi, tạo ra các nghiệp, do đó mà bị trầm luân trong các nẻo, không thể giải thoát khổ sinh tử; chỉ vì họ hư vọng, điên đảo, chấp trước. Vì ông, nay Ta sẽ nói rõ những ví dụ để làm sáng tỏ nghĩa này, từ đó ông sẽ dễ hiểu. Những ai có trí, nhờ các ý nghĩa đã nói trong các ví dụ đó, có thể sinh tín giải.
Này Thiện Hiện, ý ông thế nào? Trong mộng, người thấy mình hưởng năm dục lạc. Như vậy, trong mộng có chút việc thật nào có thể làm cho người kia hưởng dục lạc không?
Thiện Hiện thưa:
–Người thấy trong mộng còn không thật có, thì làm sao có việc thật, để cho người kia hưởng năm dục lạc.
Phật dạy:
–Này Thiện Hiện, ý ông thế nào? Có phải các pháp hoặc thiện hoặc bất thiện, hữu ký hoặc vô ký, hữu lậu hoặc vô lậu, thế gian hoặc xuất thế gian, pháp hữu vi hoặc pháp vô vi, là những việc thấy như trong mộng không?
Thiện Hiện thưa:
–Bạch Thế Tôn, nhất định không có pháp hoặc thiện hoặc ác, hữu ký hay vô ký, hữu lậu hay vô lậu, thế gian hay xuất thế gian, hữu vi hoặc vô vi, chẳng phải là những việc đã thấy như trong mộng. Phật dạy:
–Này Thiện Hiện, ý ông thế nào? Trong mộng, thật có việc luân hồi sinh tử trong các nẻo không?
Thiện Hiện thưa:
–Bạch Thế Tôn, không!
Phật dạy:
–Này Thiện Hiện, ý ông thế nào? Trong mộng có tu đạo chân thật, dựa vào tu đạo đó có lìa tạp nhiễm để được thanh tịnh không?
Thiện Hiện thưa:
–Bạch Thế Tôn, không, vì sao? Vì pháp thấy trong mộng đều chẳng phải sự thật; chẳng phải người đặt ra, chẳng phải pháp được đặt ra; tu đạo còn không có thì làm sao dựa vào tu đạo mà lìa tạp nhiễm, để được thanh tịnh.
Phật dạy:
–Này Thiện Hiện, ý ông thế nào? Những hình tượng hiện trong gương sáng là có thật? Có thể theo đó tạo nghiệp, theo nghiệp đã tạo mà đọa địa ngục, hoặc đọa bàng sinh, hoặc đọa ngạ quỷ hoặc sinh trong cõi người, hoặc sinh lên trời chịu khổ vui không?
Thiện Hiện thưa:
–Bạch Thế Tôn, những hình tượng thấy trong gương sáng đều là việc không thật, chỉ dối gạt trẻ con ngu si thì làm sao có thể theo đó mà tạo ra các nghiệp; theo nghiệp đã tạo hoặc đọa vào cõi ác hoặc sinh lên cõi trời, cõi người, chịu cả khổ vui. Phật dạy:
–Này Thiện Hiện, ý ông thế nào? Các hình tượng có tu đạo chân thật, dựa vào tu đạo đó có lìa tạp nhiễm để được thanh tịnh không?
Thiện Hiện thưa:
–Bạch Thế Tôn, các hình tượng trong gương sáng đều không thật sự. Không có người đặt ra, không có pháp được đặt ra. Tu đạo còn không có, làm sao nương vào tu đạo mà lìa tạp nhiễm và được thanh tịnh?
Phật dạy:
–Này Thiện Hiện, ý ông thế nào? Những tiếng vọng trong hang núi là việc có thật, có thể nương vào đó tạo nghiệp, do nghiệp đã tạo mà đọa vào địa ngục, hoặc đọa vào bàng sinh, hoặc đọa vào ngạ quỷ, hoặc sinh vào cõi người, hoặc sinh lên cõi trời để chịu khổ vui không?
Thiện Hiện thưa:
–Bạch Thế Tôn, những tiếng vọng trong hanh núi đều là việc không có thật; chỉ là gạt trẻ con ngu si thì làm sao có thể vào đó để tạo các nghiệp, rồi do nghiệp đã tạo mà đọa vào đường ác, hoặc sinh vào cõi trời, người, để chịu khổ vui.
Phật dạy:
–Này Thiện Hiện, ý ông thế nào? Các tiếng vọng có tu đạo chân thật, y theo tu đạo mà lìa tạp nhiễm, được thanh tịnh không?
Thiện Hiện thưa:
–Bạch Thế Tôn, không! Vì sao? Vì tiếng vọng trong hang núi là việc không có thật, có thể dựa vào đó để tạo nghiệp; rồi do nghiệp đã tạo mà sinh vào địa ngục, hoặc sinh vào cõi trời để chịu khổ vui không?
Thiện Hiện thưa:
–Bạch Thế Tôn, nước hiện trong quáng nắng đều là việc không thật, chỉ là dối gạt trẻ con ngu si thì làm sao có thể y vào đó để tạo các nghiệp, do nghiệp đã tạo mà đọa vào các đường ác, hoặc sinh vào cõi trời, người, chịu các khổ vui. Phật dạy:
–Này Thiện Hiện, ý ông thế nào? Nước hiện trong quáng nắng có tu đạo chân thật, y vào tu đạo đó lìa tạp nhiễm, được thanh tịnh không?
Thiện Hiện thưa:
–Bạch Thế Tôn, không! Vì sao? Vì nước hiện trong quáng nắng đều là việc không thật, chẳng phải người tạo ra, chẳng phải pháp được tạo ra. Tu đạo còn không có, làm sao dựa vào tu đạo đó mà lìa tạp nhiễm để được thanh tịnh.
Phật dạy:
–Này Thiện Hiện, ý ông thế nào? Sắc tướng hiện trong bóng sáng đều là việc không thật, có thể dựa vào đó mà tạo các nghiệp, do nghiệp đó mà sinh vào địa ngục, hoặc sinh vào bàng sinh, hoặc sinh vào ngạ quỷ, hoặc sinh vào cõi người, hoặc sinh vào cõi trời mà chịu khổ vui không?
Thiện Hiện thưa:
–Bạch Thế Tôn, sắc tướng hiện trong bóng sáng đều là việc không thật, chỉ là dối gạt trẻ con ngu si, thì làm sao y vào đó tạo các nghiệp; do nghiệp đã tạo mà đọa vào các đường ác, hoặc sinh vào cõi người, trời, chịu khổ vui.
Phật dạy:
–Này Thiện Hiện, ý ông thế nào? Các sắc tướng trong bóng sáng, có tu đạo chân thật, dựa vào tu đạo đó mà lìa tạp nhiễm để được thanh tịnh không? Thiện Hiện thưa:
–Bạch Thế Tôn, không! Vì sao? Vì sắc tướng của bóng sáng đều là việc không thật, chẳng phải người tạo ra, chẳng phải pháp tạo ra; tu đạo còn không có thì làm sao dựa vào tu đạo đó mà lìa tạp nhiễm để được thanh tịnh.
Phật dạy:
–Này Thiện Hiện, ý ông thế nào? Thầy ảo thuật dùng ảo thuật làm bốn loại quân hùng mạnh: voi, ngựa, xe, bộ; hoặc huyễn hóa làm trâu, dê, trai, gái và những việc rất kỳ lạ. Tất cả hiện tướng huyễn hóa này là việc có thật, để y theo đó mà tạo nghiệp; rồi do nghiệp đã tạo, mà đọa vào địa ngục, hoặc đọa vào bàng sinh, hoặc vào ngạ quỷ, hoặc sinh vào cõi người, hoặc sinh vào cõi trời chịu khổ vui không?
Thiện Hiện thưa:
–Bạch Thế Tôn, tất cả hiện tượng ngựa, voi… do ảo thuật mà có đều là việc không thật, chỉ là dối gạt trẻ con ngu si, thì làm sao theo đó mà tạo các nghiệp; do nghiệp đã tạo mà đọa vào các đường ác, hoặc sinh vào cõi trời, người chịu khổ vui.
Phật dạy:
–Này Thiện Hiện, ý ông thế nào? Việc huyễn hóa có tu đạo chân thật, y vào tu đạo đó mà lìa nhiễm tạp để được thanh tịnh không?
Thiện Hiện thưa:
–Bạch Thế Tôn, không, vì sao? Vì tất cả voi, ngựa huyễn hóa… đều là việc không thật, chẳng phải người tạo ra, chẳng phải pháp tạo ra; tu đạo còn không có, thì làm sao dựa vào tu đạo đó mà lìa tạp nhiễm để được thanh tịnh.
Phật dạy:
–Này Thiện Hiện, ý ông thế nào? Người có phép biến hóa, hóa ra thân, thì thân biến hóa đó là việc có thật để y theo đó tạo nghiệp; do nghiệp đã tạo mà đọa vào địa ngục, hoặc đọa vào bàng sinh, hoặc đọa vào ngạ quỷ, hoặc sinh vào cõi người, hoặc sinh vào cõi trời mà chịu khổ vui không?
Thiện Hiện thưa:
–Bạch Thế Tôn, các thân biến hóa đều là việc không thật, như vậy làm sao có thể nương vào đó tạo các nghiệp; do nghiệp đã tạo hoặc đọa vào đường ác, hoặc sinh vào cõi trời, người để chịu khổ vui.
Phật dạy:
–Này Thiện Hiện, ý ông thế nào? Hóa thân vào tu đạo chân thật, y vào tu đạo đó mà lìa tạp nhiễm, được thanh tịnh không?
Thiện Hiện thưa:
–Bạch Thế Tôn, không, vì sao? Vì các thân biến hóa đều là việc không thật, chẳng phải người tạo ra, chẳng phải pháp tạo ra. Tu đạo còn không có, làm sao nương vào tu đạo mà lìa tạp nhiễm, để được thanh tịnh.
Phật dạy:
–Này Thiện Hiện, ý ông thế nào? Các sự việc hiện trong thành Tầm hương là việc có thật; có thể nương vào đó tạo nghiệp; do nghiệp đã tạo mà đọa vào địa ngục, hoặc đọa vào bàng sinh, hoặc đọa vào ngạ quỷ, hoặc sinh vào cõi người, hoặc sinh vào cõi trời để chịu khổ vui không?
Thiện Hiện thưa:
–Bạch Thế Tôn, các sự việc hiện trong thành Tầm hương đều là việc không thật, thì làm sao nương vào đó để tạo các nghiệp, rồi do nghiệp đã tạo nên mà đọa vào đường ác, hoặc sinh lên cõi trời để chịu khổ vui.
Phật dạy:
–Này Thiện Hiện, ý ông thế nào? Các sự việc hiện trong thành Tầm hương có tu đạo chân thật, nương vào tu đạo đó có lìa tạp nhiễm, được thanh tịnh không?
Thiện Hiện thưa:
–Bạch Thế Tôn, không, vì sao? Vì những sự việc hiện trong thành Tầm hương đều là việc không thật, chẳng phải người tạo ra, chẳng phải pháp tạo ra. Tu đạo còn không có, thì làm sao nương vào tu đạo mà lìa tạp nhiễm, được thanh tịnh.
Phật dạy:
–Này Thiện Hiện, ý ông thế nào? Trong những ví dụ trên đây có thật đều là việc tạp nhiễm và thanh tịnh không?
Thiện Hiện thưa:
–Bạch Thế Tôn, trong những thí dụ trên đây hoàn toàn không thật tạp nhiễm và thanh tịnh.
Phật dạy:
–Này Thiện Hiện, nếu như tạp nhiễm và thanh tịnh thật không sở hữu, vậy thì tạp nhiễm và thanh tịnh cũng chẳng thật có. Vì sao? Vì các hữu tình do chấp vào ngã và ngã sở, mà có phân biệt hư vọng nên mới nói có tạp nhiễm và thanh tịnh. Do đó mà nói có thanh tịnh và có tạp nhiễm. Chẳng thấy thật sự mà nói có tạp nhiễm và thanh tịnh. Nếu ai thấy thật sự thì biết không tạp nhiễm và thanh tịnh. Như vậy cũng không có tạp nhiễm, thanh tịnh thật sự để có thể đắc; vì tất cả các pháp hoàn toàn không vậy.
[Mục lục bộ Bát-nhã][220][221][222][223][224][225][226][227][228][229][230][231][232][233][234][235][236][237][238][239][240][241][242][243][244][245][246][247][248][249][250][251][252][253][254][255][256][257][258][259][260][261]