SỐ 220
KINH ĐẠI BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA

HỘI THỨ II

Phẩm 85: Không tánh
(QUYỂN 478)

Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.


QUYỂN 478

Phẩm 85: Không tánh

Bấy giờ Cụ thọ Thiện Hiện thưa:

–Bạch Thế Tôn, nếu tánh bình đẳng của tất cả pháp đều là bản tánh không, thì bản tánh không này chẳng phải chỗ tạo ra các pháp. Vì sao Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, với thắng nghĩa bất động; lại lấy bốn Nhiếp pháp làm lợi ích cho hữu tình?

Phật dạy:

–Này Thiện Hiện, đúng vậy, đúng vậy! Tánh bình đẳng của tất cả pháp, bản tánh đều không; bản tánh không này, không thể tạo ra các pháp. Nhưng các Bồ-tát có thể vì hữu tình mà lấy Bố thí... để làm việc lợi ích. Nếu các hữu tình tự biết bản tánh của các pháp đều không thì chư Như Lai và Bồ-tát không hiện thần thông để làm việc hy hữu. Nghĩa là, trong bản tánh không của các pháp, tuy không bị chuyển động nhưng khiến hữu tình xa lìa các vọng tưởng điên đảo. Nghĩa là, khiến hữu tình xa lìa tưởng về ngã, tưởng về hữu tình cho đến tưởng về sự biết, sự thấy; rồi cũng làm cho xa lìa tưởng về sắc cho đến thức; tưởng về nhãn xứ cho đến ý xứ; tưởng về sắc xứ cho đến pháp xứ; tưởng về nhãn giới cho đến ý giới; tưởng về sắc giới cho đến pháp giới; tưởng về nhãn thức giới cho đến ý thức giới; tưởng về các thọ do nhãn xúc làm duyên sinh ra, cho đến các thọ do ý xúc làm duyên sinh ra; tưởng về địa giới cho đến thức giới; tưởng về vô minh cho đến lão tử; rồi cũng khiến cho lìa xa tưởng về cảnh giới hữu vi trụ vào cảnh giới vô vi; giải thoát tất cả sinh, già, bệnh, chết. Cảnh giới vô vi tức là các pháp không, nhưng căn cứ vào Thế tục đế mà nói thì gọi là cảnh giới vô vi.

Cụ thọ Thiện Hiện thưa:

–Bạch Thế Tôn, do sự kiện không gì mà nói các pháp không?

Phật dạy:

–Này Thiện Hiện, do tưởng không, nên nói các pháp không. Lại nữa này Thiện Hiện, ý ông thế nào? Giống như thân biến hóa lại làm những việc biến hóa, như vậy việc có thật nhưng mà chẳng phải không hay sao?

Thiện Hiện thưa:

–Bạch Thế Tôn, những gì biến hóa ra đều không thật sự, tất cả đều là không.

Phật dạy:

–Này Thiện Hiện, biến hóa và không, hai pháp như vậy, chẳng hợp, chẳng tan. Hai pháp này đều lấy không làm không. Đã là không, thì không nên phân biệt đây là không, đây là biến hóa. Vì sao? Vì chẳng phải trong tánh không, mà có không và có biến hóa; hai việc này không thể đắc, vì tất cả pháp hoàn toàn là không.

Lại nữa này Thiện Hiện, không có sắc chẳng phải biến hóa; không có thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải biến hóa. Các việc biến hóa đó đều là không, còn những pháp khác thì hữu tình nên biết cũng như vậy.

Cụ thọ Thiện Hiện thưa:

–Bạch Thế Tôn, các pháp thế gian uẩn giới xứ... và các hữu tình có thể là biến hóa; pháp xuất thế gian bốn Niệm trụ... và các hữu tình chẳng lẽ cũng là biến hóa sao?

Phật dạy:

–Này Thiện Hiện, tất cả pháp thế gian và xuất thế gian đều là biến hóa. Nhưng trong đó, có biến hóa của Thanh văn, có biến hóa của Độc giác, có biến hóa của Bồ-tát, có biến hóa của Như Lai, có biến hóa phiền não, có biến hóa các nghiệp. Do đó Ta nói tất cả biến hóa không sai khác.

Cụ thọ Thiện Hiện thưa:

–Bạch Thế Tôn, tất cả các pháp đoạn hẳn; nghĩa là Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Độc giác, Như Lai đoạn hẳn tập khí và sự câu sinh của phiền não chẳng lẽ cũng là biến hóa sao?

Phật dạy:

–Này Thiện Hiện, các pháp như vậy nếu hợp với hai tướng sinh diệt thì cũng đều là biến hóa.

Cụ thọ Thiện Hiện thưa:

–Bạch Thế Tôn, pháp nào không biến hóa?

Phật dạy Thiện Hiện:

–Pháp nào không thuộc về tướng sinh, diệt thì pháp đó chẳng phải biến hóa.

Cụ thọ Thiện Hiện thưa:

–Bạch Thế Tôn, pháp nào không thuộc về tướng sinh, diệt?

Phật dạy:

–Này Thiện Hiện, pháp không hư dối tức là Niết-bàn. Pháp này không thuộc về tướng sinh diệt, cho nên chẳng phải biến hóa.

Cụ thọ Thiện Hiện thưa:

–Bạch Thế Tôn, như Thế Tôn đã nói, tánh pháp bình đẳng thì tất cả đều không. Không thể lay động, không có hai mà có thể đắc, không có một pháp nhỏ nào mà chẳng phải tự tánh không. Vậy sao nói Niết-bàn chẳng phải biến hóa? Phật dạy:

–Này Thiện Hiện, đúng vậy, đúng vậy, đúng như những gì ông nói! Không có một pháp nhỏ nào mà chẳng phải tự tánh không. Tự tánh không này chẳng phải Thanh văn tạo ra, chẳng phải Độc giác tạo ra, chẳng phải Bồ-tát tạo ra, chẳng phải Như Lai tạo ra, cũng chẳng phải cái gì khác tạo ra. Có Phật xuất hiện hay không Phật xuất hiện trên thế gian thì tánh đó vẫn là thường không. Đây tức là Niết-bàn cho nên Ta nói Niết-bàn chẳng phải biến hóa. Pháp không thật có gọi là Niết-bàn, có thể nói không sinh, không diệt, chẳng phải biến hóa.

Lại nữa này Thiện Hiện, Ta vì các Bồ-tát mới tu học mà nói Niết-bàn chẳng phải biến hóa, chẳng sai khác, mà thật có Niết-bàn bất không, cho nên không nên chấp vào đó làm trở ngại.

Bấy giờ Thiện Hiện thưa:

–Bạch Thế Tôn, phải dùng phương tiện như thế nào để truyền trao, dạy bảo các Bồ-tát mới tu học, biết tự tánh các pháp là thường không?

Phật dạy:

–Này Thiện Hiện, đâu phải tất cả pháp trước có, sau không mà không thường không. Nên nhớ rằng tất cả pháp trước đã chẳng có, sau cũng chẳng không, tự tánh thường không thì không nên kinh nghi sợ sệt. Nên dùng phương tiện thiện xảo như vậy để truyền trao, dạy bảo cho hàng Bồ-tát mới tu học, để họ biết tự tánh của các pháp là thường không.

Khi Đức Bạc-già-phạm nói kinh này xong, vô lượng chúng Đại Bồ-tát, từ Bồ-tát Từ Thị làm Thượng thủ, Cụ thọ Thiện Hiện cho đến Xá-lợi Tử, Đại Thể Phúc Thị, Đại Ca-diếp-ba, A-nan-đà... các đại Thanh văn và các Trời, Rồng, A-tố-lạc... tất cả đại chúng nghe Phật nói như vậy rất hoan hỷ tín thọ, phụng hành.


Trước

[Đầu trang][Mục lục Kinh Đại Bát Nhã]

Tiếp theo


[Mục lục bộ Bát-nhã][220][221][222][223][224][225][226][227][228][229][230][231][232][233][234][235][236][237][238][239][240][241][242][243][244][245][246][247][248][249][250][251][252][253][254][255][256][257][258][259][260][261]


[Mục lục tổng quát]