SỐ 220
KINH ĐẠI BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA

HỘI THỨ III

Phẩm 11: Ngợi khen sự thanh tịnh
(QUYỂN 506 - 507)

Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.

QUYỂN 506

QUYỂN 507


QUYỂN 506

Phẩm 11: Ngợi khen sự thanh tịnh (1)

Bấy giờ, Xá-lợi Tử bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, sự thanh tịnh như vậy rất là sâu xa?

Phật dạy:

–Đúng vậy! Vì hoàn toàn thanh tịnh.

Xá-lợi Tử bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, những pháp gì hoàn toàn thanh tịnh, nên nói thanh tịnh ấy rất là sâu xa?

Phật dạy Xá-lợi Tử:

–Sắc hoàn toàn thanh tịnh nên nói thanh tịnh ấy rất là sâu xa. Thọ, tưởng, hành, thức hoàn toàn thanh tịnh, nên nói thanh tịnh ấy rất là sâu xa. Như vậy cho đến trí Nhất thiết hoàn toàn thanh tịnh, nên nói thanh tịnh ấy rất là sâu xa. Trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng hoàn toàn thanh tịnh, nên nói thanh tịnh ấy rất là sâu xa.

Xá-lợi Tử lại bạch Phật:

–Sự thanh tịnh như vậy thật là sáng suốt ư?

Phật dạy:

–Đúng vậy! Vì hoàn toàn thanh tịnh.

Xá-lợi Tử bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, những pháp gì hoàn toàn thanh tịnh, nên nói thanh tịnh ấy thật là sáng suốt?

Phật dạy Xá-lợi Tử:

–Bát-nhã ba-la-mật-đa hoàn toàn thanh tịnh, nên nói thanh tịnh ấy thật là sáng suốt. Cho đến Bố thí ba-la-mật-đa hoàn toàn thanh tịnh, nên nói thanh tịnh ấy thật là sáng suốt. Như vậy cho đến trí Nhất thiết hoàn toàn thanh tịnh, nên nói thanh tịnh ấy thật là sáng suốt. Trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng hoàn toàn thanh tịnh, nên nói thanh tịnh ấy thật là sáng suốt.

Xá-lợi Tử lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, sự thanh tịnh như vậy không chuyển động, không tương tục sao?

Phật dạy:

–Đúng vậy! Vì nó hoàn toàn thanh tịnh.

Xá-lợi Tử bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, những pháp gì hoàn toàn thanh tịnh, nên nói thanh tịnh ấy không chuyển động, không tương tục?

Phật dạy Xá-lợi Tử:

–Sắc không chuyển động, không tương tục hoàn toàn thanh tịnh, nên nói thanh tịnh ấy không chuyển động, không tương tục. Như vậy cho đến trí Nhất thiết tướng không chuyển động, không tương tục hoàn toàn thanh tịnh, nên nói thanh tịnh ấy không chuyển động, không tương tục.

Xá-lợi Tử lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, sự thanh tịnh như vậy vốn không tạp nhiễm sao?

Phật dạy:

–Đúng vậy! Vì hoàn toàn thanh tịnh.

Xá-lợi Tử bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, những pháp gì hoàn toàn thanh tịnh, nên nói thanh tịnh ấy vốn không tạp nhiễm.

Phật dạy Xá-lợi Tử:

–Sắc hoàn toàn thanh tịnh, nên nói thanh tịnh ấy vốn không tạp nhiễm. Như vậy cho đến trí Nhất thiết tướng hoàn toàn thanh tịnh, nên nói thanh tịnh ấy vốn không tạp nhiễm.

Xá-lợi Tử lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, sự thanh tịnh như vậy bản tánh vốn tinh khiết sao?

Phật dạy:

–Đúng vậy! Vì hoàn toàn thanh tịnh.

Xá-lợi Tử bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, những pháp gì hoàn toàn thanh tịnh, nên nói thanh tịnh ấy bản tánh vốn tinh khiết?

Phật dạy Xá-lợi Tử:

–Sắc hoàn toàn thanh tịnh, nên nói thanh tịnh ấy bản tánh vốn tinh khiết. Như vậy cho đến trí Nhất thiết tướng hoàn toàn thanh tịnh, nên nói thanh tịnh ấy bản tánh vốn tinh khiết.

Xá-lợi Tử lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, sự thanh tịnh như thế không sở đắc, không hiện quán sao?

Phật dạy:

–Đúng vậy! Vì hoàn toàn thanh tịnh.

Xá-lợi Tử bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, những pháp gì hoàn toàn thanh tịnh, nên nói thanh tịnh ấy không sở đắc, không hiện quán?

Phật dạy Xá-lợi Tử:

–Sắc, bản tánh vốn không, hoàn toàn thanh tịnh, nên nói thanh tịnh ấy không sở đắc, không hiện quán. Như vậy cho đến trí Nhất thiết tướng, bản tánh vốn không, hoàn toàn thanh tịnh, nên nói thanh tịnh ấy không sở đắc, không hiện quán.

Xá-lợi Tử lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, thanh tịnh như vậy không sinh, không xuất hiện hay sao?

Phật dạy:

–Đúng vậy! Vì hoàn toàn thanh tịnh.

Xá-lợi Tử bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, những pháp gì hoàn toàn thanh tịnh, nên nói thanh tịnh ấy không sinh, không xuất hiện?

Phật dạy Xá-lợi Tử:

–Sắc không sinh, không hiển lộ, hoàn toàn thanh tịnh, nên nói thanh tịnh ấy không sinh, không xuất hiện. Như vậy cho đến trí Nhất thiết tướng không sinh, không hiển lộ, hoàn toàn thanh tịnh, nên nói thanh tịnh ấy không sinh, không xuất hiện. Xá-lợi Tử lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, sự thanh tịnh như thế không sinh Dục giới, không sinh Sắc giới, không sinh Vô sắc giới hay sao?

Phật dạy:

–Đúng vậy! Vì hoàn toàn thanh tịnh.

Xá-lợi Tử bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, vì sao sự thanh tịnh như vậy lại không sinh Dục giới, không sinh Sắc giới, không sinh Vô sắc giới?

Phật dạy Xá-lợi Tử:

–Tự tánh ba cõi chẳng thể nắm bắt được, nên nói thanh tịnh ấy không sinh Dục giới, không sinh Sắc giới, không sinh Vô sắc giới.

Xá-lợi Tử lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, sự thanh tịnh như vậy, bản tánh nó vốn vô tri sao?

Phật dạy:

–Đúng vậy! Vì hoàn toàn thanh tịnh.

Xá-lợi Tử bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, vì sao sự thanh tịnh như thế, bản tánh lại vô tri?

Phật dạy Xá-lợi Tử:

–Vì bản tánh tất cả pháp ẩn mật cho nên bản tánh thanh tịnh như thế vô tri.

Xá-lợi Tử bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, những pháp gì bản tánh vô tri, nên nói thanh tịnh ấy, bản tánh vô tri.

Phật dạy Xá-lợi Tử:

–Sắc, bản tánh vô tri, tự tánh không, nên nói thanh tịnh ấy bản tánh vô tri. Như vậy cho đến trí Nhất thiết tướng bản tánh vô tri, tự tánh không, nên nói thanh tịnh ấy bản tánh vô tri.

Xá-lợi Tử lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, vì bản tánh tất cả pháp thanh tịnh nên nói là thanh tịnh sao?

Phật dạy:

–Đúng vậy! Vì tất cả pháp hoàn toàn thanh tịnh.

Xá-lợi Tử bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, vì sao bản tánh tất cả pháp thanh tịnh, nên nói là thanh tịnh.

Phật dạy Xá-lợi Tử:

–Vì tất cả pháp chẳng thể nắm bắt được, bản tánh thanh tịnh, nên nói là thanh tịnh.

Xá-lợi Tử lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, Bát-nhã ba-la-mật-đa như vậy đối với trí Nhất thiết trí không lợi ích, không tổn hại sao?

Phật dạy:

–Đúng vậy! Vì hoàn toàn thanh tịnh.

Xá-lợi Tử bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, vì sao Bát-nhã ba-la-mật-đa đối với trí Nhất thiết trí không lợi ích, không tổn hại?

Phật dạy Xá-lợi Tử:

–Vì pháp giới thường trụ, nên Bát-nhã ba-lamật-đa như thế đối với trí Nhất thiết trí không lợi ích, không tổn hại.

Xá-lợi Tử lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, bản tánh thanh tịnh của Bátnhã ba-la-mật-đa như thế đối với tất cả pháp, không cần sự giữ gìn sao?

Phật dạy:

–Đúng vậy! Vì tất cả pháp hoàn toàn thanh tịnh.

Xá-lợi Tử bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, vì sao bản tánh thanh tịnh của Bát-nhã ba-la-mật-đa đối với tất cả pháp không cần sự giữ gìn?

Phật dạy Xá-lợi Tử:

–Vì pháp giới vắng lặng, không lay động nên bản tánh thanh tịnh của Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế đối với tất cả pháp, không cần sự giữ gìn.

Cụ thọ Thiện Hiện cũng lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, ngã thanh tịnh cho nên sắc, thọ, tưởng, hành, thức cho đến pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả thanh tịnh sao?

Phật dạy:

–Đúng vậy! Hoàn toàn thanh tịnh.

–Bạch Thế Tôn, do duyên gì mà nói ngã thanh tịnh cho nên sắc, thọ, tưởng, hành, thức cho đến pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả thanh tịnh là thanh tịnh hoàn toàn?

–Thiện Hiện, ngã không thật có cho nên thọ, tưởng, hành, thức cho đến pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả cũng không thật có là thanh tịnh hoàn toàn.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, ngã thanh tịnh cho nên quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Độc giác Bồ-đề, tất cả Đại Bồ-tát hành quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật thanh tịnh hay sao?

Phật dạy:

–Đúng vậy! Hoàn toàn thanh tịnh.

–Bạch Thế Tôn, do nhân duyên gì mà nói, ngã thanh tịnh cho nên nói quả Dự lưu cho đến quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật thanh tịnh là hoàn toàn thanh tịnh?

–Thiện Hiện, ngã, tự tướng không, cho nên quả Dự lưu cho đến quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật cũng tự tướng không, là hoàn toàn thanh tịnh. Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, ngã thanh tịnh, cho nên trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng thanh tịnh sao?

Phật dạy:

–Đúng vậy! Hoàn toàn thanh tịnh.

–Bạch Thế Tôn, do nhân duyên gì mà nói ngã thanh tịnh cho nên trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng thanh tịnh, là hoàn toàn thanh tịnh?

–Thiện Hiện, vì ngã không có tướng, không có đắc, không có niệm, không có tri cho nên trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng cũng không có tướng, không có đắc, không có niệm, không có tri là thanh tịnh hoàn toàn.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, sự thanh tịnh cả hai nên không sở đắc, không hiện quán hay sao?

Phật dạy:

–Đúng vậy! Hoàn toàn thanh tịnh.

–Bạch Thế Tôn, do duyên gì mà nói thanh tịnh cả hai nên không sở đắc, không hiện quán là thanh tịnh hoàn toàn?

–Thiện Hiện, sự ô nhiễm hay thanh tịnh do điên đảo khởi đều không có, nên không sở đắc, không hiện quán là thanh tịnh hoàn toàn.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, ngã vô biên cho nên sắc, thọ, tưởng, hành, thức cho đến trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng cũng vô biên hay sao?

Phật dạy:

–Đúng vậy! Hoàn toàn thanh tịnh.

–Bạch Thế Tôn, do duyên gì mà nói ngã vô biên cho nên sắc, thọ, tưởng, hành, thức cho đến trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng cũng vô biên là hoàn toàn thanh tịnh?

–Thiện Hiện, vì rốt ráo không, không biên giới không, cho nên là thanh tịnh hoàn toàn.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, nếu Đại Bồ-tát có thể hiểu như vậy, thì là Bát-nhã ba-la-mật-đa hay sao?

Phật dạy:

–Đúng vậy! Hoàn toàn thanh tịnh.

–Bạch Thế Tôn, do duyên gì mà nói nếu Đại Bồ-tát có thể hiểu như vậy, thì là Bát-nhã ba-lamật-đa tức hoàn toàn thanh tịnh.

–Thiện Hiện, do đây có thể thành trí Đạo tướng.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

–Nếu khi Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mậtđa không đến bờ bên này, không đến bờ bên kia, không ở giữa dòng, thì là Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa của Đại Bồ-tát hay sao?

Phật dạy:

–Đúng vậy! Hoàn toàn thanh tịnh.

–Bạch Thế Tôn, do duyên gì mà nói khi Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, không đến bờ bên này, không đến bờ bên kia, không ở giữa dòng, thì là Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa của Đại Bồ-tát tức hoàn toàn thanh tịnh.

–Thiện Hiện, vì pháp tánh ba đời bình đẳng vậy.

QUYỂN 507

Phẩm 11: Ngợi khen sự thanh tịnh (2)

Bấy giờ, Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, các thiện nam, thiện nữ an trụ Đại thừa, nếu không dùng phương tiện thiện xảo đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa khởi tưởng Bát-nhã ba-la-mật-đa thì các thiện nam, thiện nữ này dùng có sở đắc làm phương tiện, xả bỏ xa lìa Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa.

Phật dạy Thiện Hiện:

–Lành thay, lành thay! Đúng vậy, đúng vậy, đúng như lời ông nói! Các thiện nam, thiện nữ kia vì chấp danh, chấp tướng cho nên đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này để xả bỏ, xa lìa.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, vì sao các thiện nam, thiện nữ kia chấp danh, chấp tướng?

Phật dạy Thiện Hiện:

–Các thiện nam, thiện nữ kia đối Bát-nhã bala-mật-đa chấp lấy danh, chấp lấy tướng. Đã chấp lấy danh tướng rồi nên bị chìm đắm nơi Bát-nhã ba-la-mật-đa mà sinh kiêu mạn, không thể chứng đắc thật tướng Bát-nhã. Cho nên những hạng người đó đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa xả bỏ, xa lìa.

Lại nữa Thiện Hiện, các thiện nam, thiện nữ an trụ Đại thừa, nếu có dùng phương tiện thiện xảo đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, không khởi vọng tưởng Bát-nhã ba-la-mật-đa, dùng vô sở đắc làm phương tiện, đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không chấp lấy danh tướng, không tham đắm, không sinh kiêu mạn, liền có thể chứng đắc thật tướng Bát-nhã. Nên biết những vị này đối với Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa, không xả bỏ cũng không xa lìa.

Cụ thọ Thiện Hiện liền bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, thật kỳ lạ. Ngài khéo vì chúng Đại Bồ-tát đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa khai thị, phân biệt tướng chấp trước, không chấp trước.

Khi ấy, Xá-lợi Tử hỏi Thiện Hiện:

–Vì sao Đại Bồ-tát đối với Bát-nhã ba-la-mậtđa sâu xa, khởi tướng chấp trước, không chấp trước?

Thiện Hiện đáp:

–Các thiện nam, thiện nữ an trụ Đại thừa nếu không dùng phương tiện thiện xảo khi hành Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa, đối với sắc cho là không, phát sinh sự chấp trước tưởng không, đối với thọ, tưởng, hành, thức cho là không, phát sinh sự chấp trước tưởng không. Như vậy cho đến đối với trí Nhất thiết cho là không, đối với trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng cho là không, phát sinh sự chấp trước tướng không.

Lại nữa Xá-lợi Tử, các thiện nam, thiện nữ an trụ Đại thừa, nếu không dùng phương tiện thiện xảo, khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa đối với sắc cho là sắc, phát sinh sự chấp trước tưởng sắc. Cho đến đối với trí Nhất thiết tướng cho là trí Nhất thiết tướng, phát sinh sự chấp trước tưởng trí Nhất thiết tướng; đối với pháp quá khứ cho là pháp quá khứ, phát sinh sự chấp trước tưởng pháp quá khứ, đối với pháp vị lai cho là pháp vị lai, phát sinh sự chấp trước tưởng vị lai, đối với pháp hiện tại cho là pháp hiện tại, phát sinh sự chấp trước tưởng hiện tại.

Lại nữa Xá-lợi Tử, nếu Đại Bồ-tát dùng có sở đắc làm phương tiện, từ lúc mới phát tâm đối với Bố thí ba-la-mật-đa cho đến trí Nhất thiết tướng, khởi sự chấp trước tưởng thực hành. Xá-lợi Tử, các Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, nếu không dùng phương tiện thiện xảo mà dùng có sở đắc làm phương tiện, khởi các tưởng chấp trước như vậy thì gọi là tướng chấp trước.

Lại nữa Xá-lợi Tử, về câu hỏi trước của ông làm sao Đại Bồ-tát đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa không chấp trước nơi tướng. Nếu Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, có phương tiện thiện xảo, đối với sắc chẳng khởi tưởng không, chẳng không, đối với thọ, tưởng, hành, thức chẳng khởi tưởng không, chẳng không. Cho đến đối với trí Nhất thiết chẳng khởi tưởng không, chẳng không; đối với trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng chẳng khởi tưởng không, chẳng không; đối với quá khứ chẳng khởi tưởng không, chẳng không; đối với vị lai, hiện tại chẳng khởi tưởng không, chẳng không.

Lại nữa Xá-lợi Tử, nếu Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, có phương tiện thiện xảo nên không có ý nghĩ như vầy: “Ta là người thực hành bố thí, đây là bố thí được thực hành, như vậy là hành bố thí. Ta là người trì giới, đây là trì giới được trì, như vậy là trì giới. Ta là người tu nhẫn nhục, đây là nhẫn nhục được tu, như vậy là tu nhẫn nhục. Ta là người tinh tấn, đây là sự tinh tấn, như vậy là tinh tấn. Ta là người tu thiền định, đây là thiền định được tu, như vậy là tu thiền định. Ta là người tu tuệ, đây là tuệ được tu, như vậy là tu tuệ. Ta là người gieo trồng phước đức, đây là phước đức được gieo trồng, như vậy là sự gieo trồng phước đức. Ta là người nhập Chánh tánh ly sinh của Bồ-tát. Ta là người làm nghiêm tịnh cõi Phật. Ta là người đem lại sự thành tựu cho hữu tình. Ta là người chứng đắc trí Nhất thiết trí.

Xá-lợi Tử, Đại Bồ-tát này khi hành Bát-nhã bala-mật-đa có dùng phương tiện thiện xảo, không phân biệt tất cả những điều ấy. Do thông đạt pháp không bên trong cho đến pháp không không tánh tự tánh.

–Xá-lợi Tử, đây gọi là Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, không chấp trước tướng.

Khi ấy Thiên đế Thích hỏi Thiện Hiện:

–Các thiện nam, thiện nữ an trụ Đại thừa khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa làm sao biết được sự phát sinh chấp trước tướng kia?

Thiện Hiện đáp:

–Các thiện nam, thiện nữ an trụ Đại thừa khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, nếu không có phương tiện thiện xảo, dùng có sở đắc làm phương tiện. Tự tâm khởi tưởng, khởi tưởng bố thí, cho đến khởi tưởng trí Nhất thiết trí, khởi tưởng chư Phật, khởi tưởng sự gieo trồng căn lành nơi chư Phật, khởi tưởng dùng các căn lành đã gieo trồng tập hợp lại, cùng các hữu tình bình đẳng, đồng hồi hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột.

Kiều-thi-ca, do đó nên biết các thiện nam, thiện nữ an trụ Đại thừa, khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có khởi tưởng chấp trước.

Kiều-thi-ca, nếu các thiện nam, thiện nữ do chấp trước tướng nên không thể tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa không chấp trước, hồi hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột được. Vì sao? Kiều-thi-ca, vì chẳng phải bản tánh sắc có thể hồi hướng, cho đến chẳng phải bản tánh trí Nhất thiết tướng có thể hồi hướng.

Lại nữa Kiều-thi-ca, nếu Đại Bồ-tát muốn đối với quả vị Giác ngộ cao tột mà thị hiện khuyên bảo, hướng dẫn, khen ngợi, hoan hỷ đối với hữu tình khác, thì nên quan sát thật tướng bình đẳng của các pháp. Tùy theo đây mà tác ý, thị hiện, khuyên bảo, hướng dẫn, khen ngợi, hoan hỷ các hữu tình khác. Nghĩa là nói như vầy: “Các Thiện nam, khi hành bố thí, không nên phân biệt ta là người hành bố thí, cho đến khi hành trí Nhất thiết tướng, không nên phân biệt ta là người hành trí Nhất thiết tướng. Khi tu quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật, không nên phân biệt ta là người tu quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật.”

Kiều-thi-ca, các Đại Bồ-tát đối với quả vị Giác ngộ cao tột mà thị hiện, khuyên bảo, hướng dẫn, khen ngợi, hoan hỷ đối với hữu tình khác, nên thị hiện, khuyên bảo, hướng dẫn, khen ngợi, hoan hỷ như thế. Nếu làm được như vậy thì đối với mình không bị tổn hại, với người cũng không bị tổn hại. Cũng như chư Như Lai đã thị hiện, khuyên bảo, hướng dẫn, khen ngợi, hoan hỷ đối với các hữu tình.

Kiều-thi-ca, các thiện nam an trụ Đại thừa nếu có thể thị hiện, khuyên bảo, hướng dẫn, khen ngợi, hoan hỷ đối với các hữu tình như vậy, thì liền xa lìa tất cả chấp trước.

Bấy giờ, Thế Tôn khen ngợi Thiện Hiện:

–Lành thay, lành thay! Nay, ông khéo vì các Bồ-tát mà thuyết tướng chấp trước. Lại còn có sự chấp trước vi tế khác nữa. Ta sẽ vì ông mà thuyết. Ông nên lắng nghe và khéo tư duy.

Thiện Hiện bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, cúi xin Thế Tôn thuyết giảng.

Chúng con rất muốn nghe.

Phật bảo Thiện Hiện:

–Các thiện nam an trụ Đại thừa, muốn đến quả vị Giác ngộ cao tột, nếu đối với Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác mà chấp tướng nhớ nghĩ, đều là chấp trước. Nếu đối với chư Phật Thế Tôn ba đời, từ lúc mới phát tâm cho đến lúc chánh pháp an trụ, có được bao nhiêu căn lành đều chấp tướng nhớ nghĩ, tùy hỷ hồi hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột, đều là chấp trước. Nếu đối với pháp lành của Như Lai và các đệ tử đã tu mà chấp tướng nhớ nghĩ, tùy hỷ hồi hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột đều là chấp trước. Vì sao? Vì công đức thiện căn của chư Như Lai và các đệ tử không nên chấp tướng, nhớ nghĩ, phân biệt. Ai chấp tướng đều là hư vọng.

Bấy giờ Thiện Hiện liền bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, Bát-nhã ba-la-mật-đa như vậy, thật là sâu xa.

Phật dạy:

–Đúng vậy! Vì tất cả pháp, bản tánh vốn xa lìa. Thiện Hiện lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, Bát-nhã ba-la-mật-đa như vậy đều nên kính lễ.

Phật dạy:

–Đúng vậy! Vì công đức nhiều nhưng Bát-nhã ba-la-mật-đa này không tạo, không tác, không chứng.

Thiện Hiện lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, vì tánh tất cả pháp không thể chứng giác.

Phật dạy:

–Đúng vậy! Vì tất cả pháp là một tánh chẳng phải hai. Thiện Hiện, ông nên biết các pháp là một tánh tức là không tánh.

Các pháp không tánh tức là một tánh.

Các pháp một tánh, không tánh như vậy vốn là thật tánh. Thật tánh này không tạo, không tác. Nếu Đại Bồ-tát như thật biết một tánh, không tánh, không tạo, không tác, tức là xa lìa tất cả chấp trước. Thiện Hiện lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, Bát-nhã ba-la-mật-đa như vậy khó có thể hiểu nổi.

Phật dạy:

–Đúng vậy! Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa không thể thấy, nghe, hiểu, biết được.

Thiện Hiện lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, Bát-nhã ba-la-mật-đa như vậy chẳng thể nghĩ bàn.

Phật dạy:

–Đúng vậy! Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, không thể dùng tâm chấp vì xa lìa tướng của tâm không thể dùng sắc chấp xa lìa tướng của sắc. Cho đến không thể dùng trí Nhất thiết tướng chấp vì xa lìa tướng của trí Nhất thiết tướng. Không thể dùng tất cả pháp chấp vì xa lìa tướng của tất cả pháp.

Thiện Hiện bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, Bát-nhã ba-la-mật-đa như vậy, không được tạo tác sao?

Phật dạy:

–Đúng vậy! Vì các chủ thể tạo tác chẳng thể nắm bắt được. Thiện Hiện nên biết, sắc chẳng thể nắm bắt được cho nên chủ thể tạo tác chẳng thể nắm bắt được. Thọ, tưởng, hành, thức, chẳng thể nắm bắt được cho nên chủ thể tạo tác chẳng thể nắm bắt được. Cho đến trí Nhất thiết tướng chẳng thể nắm bắt được nên chủ thể tạo tác chẳng thể nắm bắt được. Tất cả pháp chẳng thể nắm bắt được nên chủ thể tạo tác chẳng thể nắm bắt được. Do các chủ thể tạo tác và sắc... là pháp chẳng thể nắm bắt được. Nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không tạo, không tác.

Bấy giờ, Thiện Hiện lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, Đại Bồ-tát nên hành Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế nào?

Phật dạy Thiện Hiện:

–Nếu Đại Bồ-tát, không hành nơi sắc là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, không hành thọ, tưởng, hành, thức là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Cho đến không hành trí Nhất thiết là hành Bát-nhã ba-lamật-đa, không hành trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Lại nữa Thiện Hiện, nếu Đại Bồ-tát không hành sắc, hoặc thường, hoặc vô thường, hoặc vui, hoặc khổ, hoặc ngã, hoặc vô ngã, hoặc tịnh, hoặc bất tịnh, hoặc xa lìa, hoặc chẳng xa lìa, hoặc tịch tĩnh, hoặc chẳng tịch tĩnh, là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Cho đến không hành trí Nhất thiết tướng hoặc thường, hoặc vô thường, hoặc vui, hoặc khổ, hoặc ngã, hoặc vô ngã, hoặc tịnh, hoặc bất tịnh, hoặc xa lìa, hoặc chẳng xa lìa, hoặc tịch tĩnh, hoặc chẳng tịch tĩnh, là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì sao? Vì sắc cho đến trí Nhất thiết tướng không thật có, huống chi có thường, vô thường, cho đến tịch tĩnh, chẳng tịch tĩnh.

Lại nữa Thiện Hiện, nếu Đại Bồ-tát không hành sắc viên mãn là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, không hành sắc bất viên mãn là hành Bát-nhã ba-la-mậtđa. Cho đến không hành trí Nhất thiết tướng viên mãn là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, không hành trí Nhất thiết tướng bất viên mãn là hành Bát-nhã bala-mật-đa. Vì sao? Vì nếu sắc viên mãn và bất viên mãn đều không gọi là sắc, cũng không hành như thế là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Cho đến nếu trí Nhất thiết tướng viên mãn và bất viên mãn, đều không gọi là trí Nhất thiết tướng, cũng không hành như thế là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Cụ thọ Thiện Hiện liền bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, kỳ lạ thay! Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác khéo vì Bồ-tát tuyên thuyết các tướng chấp trước, không chấp trước.

Phật dạy Thiện Hiện:

–Đúng vậy, đúng vậy! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, khéo vì Bồ-tát tuyên thuyết các tướng chấp trước, không chấp trước, làm cho việc học Bát-nhã ba-la-mật-đa mau chóng đạt đến cứu cánh.

Lại nữa Thiện Hiện, khi các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Nếu không hành tướng sắc chấp trước không chấp trước là hành Bát-nhã bala-mật-đa. Cho đến nếu không hành tướng tất cả hạnh của Đại Bồ-tát chấp trước không chấp trước là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Không hành tướng quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật chấp trước không chấp trước là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Bấy giờ Thiện Hiện liền bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, thật kỳ lạ! Pháp tánh sâu xa rất là hy hữu. Nếu thuyết, không thuyết đều không tăng giảm.

Phật dạy Thiện Hiện:

–Đúng vậy, đúng vậy! Pháp tánh sâu xa rất là hy hữu. Nếu thuyết không thuyết đều không tăng giảm. Ví như hư không, giả sử trọn đời chư Phật hoặc khen, hoặc chê nhưng hư không kia không tăng, không giảm. Pháp tánh sâu xa cũng lại như vậy. Nếu thuyết không thuyết đều không tăng giảm. Lại như người huyễn đối với việc khen chê không vui, không buồn, không tăng, không giảm. Pháp tánh sâu xa cũng lại như vậy. Nếu thuyết không thuyết cũng vậy không khác.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

–Các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thật là việc khó. Nghĩa là Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, tu hay không tu cũng không tăng, không giảm, không buồn, không vui, không phải, không trái mà siêng năng tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cho đến quả vị Giác ngộ cao tột thường không thoái chuyển. Vì sao? Vì các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa như tu hư không hoàn toàn không thật có. Như trong hư không, không có sắc có thể rõ, cũng không có thọ, tưởng, hành, thức có thể rõ. Cho đến không có tất cả hạnh của Đại Bồ-tát có thể rõ. Cũng không có quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật có thể rõ. Chỗ tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng lại như vậy, nghĩa là trong pháp sâu xa Bátnhã ba-la-mật-đa này, không có sắc có thể nắm bắt được. Cho đến không có quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật có thể nắm bắt được. Trong đây tuy không có các pháp có thể nắm bắt được nhưng các Đại Bồ-tát hay siêng năng tinh tấn tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa cho đến quả vị Giác ngộ cao tột thường không thoái chuyển. Cho nên Như Lai thuyết các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thật là việc khó.

Bấy giờ, Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, các Đại Bồ-tát mặc áo giáp đại công đức như thế, hữu tình chúng con đều nên kính lễ. Bạch Thế Tôn, nếu Đại Bồ-tát vì tạo mọi thành tựu giải thoát cho các hữu tình mà tinh tấn mặc áo giáp công đức. Nếu Đại Bồ-tát vì tất cả pháp, siêng năng tinh tấn mặc áo giáp công đức, cũng như vì hư không phát tâm siêng năng tinh tấn mặc áo giáp công đức. Nếu Đại Bồ-tát vì cứu vớt hữu tình ra khỏi biển khổ sinh tử nên siêng năng tinh tấn mặc áo giáp công đức. Cũng như vì muốn đem hư không để chỗ cao hơn, nên siêng năng tinh tấn mặc áo giáp công đức.

Bạch Thế Tôn, các Đại Bồ-tát được đại Tinh tấn ba-la-mật-đa. Vì các loài hữu tình như hư không được lợi ích an lạc lớn mà phát tâm hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột.

Bạch Thế Tôn, các Đại Bồ-tát được thần lực không gì sánh bằng, chẳng thể nghĩ bàn, vì biển pháp tánh như hư không nên mặc áo giáp công đức, phát tâm hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột.

Bạch Thế Tôn, các Đại Bồ-tát rất là dũng mãnh, vì quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật như hư không mà siêng năng tinh tấn mặc áo giáp công đức.

Bạch Thế Tôn, các Đại Bồ-tát vì các loài hữu tình như hư không, nên siêng năng tu hành khổ hạnh, muốn chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột, thật là hy hữu. Vì sao? Giả sử Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác ở khắp thế giới ba lần ngàn như rừng trúc, mè, tre, lau, mía... sống ở đời một kiếp hoặc hơn một kiếp, vì các hữu tình thường thuyết chánh pháp, độ thoát vô lượng, vô số hữu tình, làm cho họ nhập Niết-bàn cứu cánh an lạc, nhưng cõi hữu tình không tăng, không giảm. Vì sao? Vì các hữu tình đều không thật có, tánh xa lìa.

Bạch Thế Tôn, giả sử Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác khắp mười phương tất cả thế giới như rừng tre, mè, lau, mía sống ở đời một kiếp hoặc hơn một kiếp, vì các hữu tình thường thuyết chánh pháp, độ thoát vô lượng, vô số hữu tình, làm cho nhập Niết-bàn cứu cánh an lạc, nhưng cõi hữu tình không tăng, không giảm. Vì sao? Vì các hữu tình đều không thật có, tánh xa lìa.

Bạch Thế Tôn, do nhân duyên này, nên con nói là các Đại Bồ-tát vì các hữu tình như hư không mà siêng năng tu hành khổ hạnh, chứng quả vị Giác ngộ cao tột thật là hy hữu.

Bấy giờ, trong chúng có một Bí-sô nghĩ thầm rằng: “Ta nên kính lễ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Trong đây, các pháp tuy không sinh diệt, nhưng có trình bày giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn, giải thoát uẩn, giải thoát tri kiến uẩn có thể đắc; cũng trình bày quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Độc giác Bồ-đề, tất cả Đại Bồ-tát hành quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật có thể đắc; cũng trình bày Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo, chuyển pháp luân vi diệu, độ thoát các hữu tình, có thể đắc.

Phật biết ý nghĩ kia, liền dạy vị ấy:

–Đúng vậy, đúng vậy, đúng như ý ông nghĩ! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa vi diệu khó lường. Trong đây, các pháp tuy chẳng thể nắm bắt được nhưng cũng chẳng phải không.

Khi ấy, Thiên đế Thích hỏi Thiện Hiện:

–Nếu Đại Bồ-tát muốn học Bát-nhã ba-la-mậtđa nên học như thế nào?

Thiện Hiện đáp:

–Nên tinh tấn tu học như hư không.

Thiên đế Thích liền bạch Phật:

–Nếu thiện nam, thiện nữ nào đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa mà chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, tư duy đúng lý, biên chép giảng giải, tuyên thuyết, lưu truyền cùng khắp. Con phải hộ trì thế nào?

Cụ thọ Thiện Hiện bảo Thiên đế Thích:

–Ông thấy có pháp có thể hộ trì không?

Thiên đế Thích thưa:

–Bạch Đại đức, con không thấy có pháp gì có thể hộ trì.

Thiện Hiện dạy rằng:

–Nếu các thiện nam, thiện nữ đúng như lời Phật thuyết, an trụ nơi Bát-nhã ba-la-mật-đa tức là hộ trì. Nếu các thiện nam, thiện nữ an trụ Bát-nhã bala-mật-đa thường không xa lìa, nên biết tất cả người, phi nhân... không thể nào rình tìm chỗ dở của vị ấy để làm tổn hại được.

Kiều-thi-ca, nếu muốn hộ trì các Bồ-tát an trụ Bát-nhã ba-la-mật-đa thì không khác người siêng năng tinh tấn hộ trì hư không. Nếu muốn hộ trì các Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, chỉ luống uổng nhọc nhằn, hoàn toàn vô ích.

Kiều-thi-ca, ý ông nghĩ sao? Có ai lại hộ trì việc huyễn mộng, tiếng vang, hình tượng, bóng trong gương, sóng nắng, thành Tầm hương, việc biến hóa không?

Thiên đế Thích thưa:

–Bạch Đại đức, không có.

Thiện Hiện dạy rằng:

–Kiều-thi-ca, nếu muốn hộ trì các Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cũng lại như vậy, chỉ luống uổng nhọc nhằn, hoàn toàn vô ích. Kiều-thica, ý ông nghĩ sao? Có ai hộ trì việc huyễn hóa của Phật và Như Lai không?

Thiên đế Thích thưa:

–Bạch Đại đức, không có.

Thiện Hiện dạy:

–Kiều-thi-ca, nếu muốn hộ trì các Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng lại như vậy chỉ luống uổng nhọc nhằn hoàn toàn vô ích. Kiều-thi-ca, ý ông nghĩ sao? Có ai hộ trì pháp giới, chân như cho đến cảnh giới hư không, cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn không?

Thiên đế Thích thưa:

–Bạch Đại đức, không có.

Thiện Hiện đáp:

–Kiều-thi-ca, nếu muốn hộ trì các Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng lại như vậy, chỉ luống uổng nhọc nhằn, hoàn toàn vô ích.

Khi đó Thiên đế Thích lại hỏi Thiện Hiện:

–Vì sao Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mậtđa chỉ đạt các pháp như huyễn, như mộng, như tiếng vang, như hình tượng, như bóng trong gương, như sóng nắng, như thành Tầm hương, như việc biến hóa, nhưng Đại Bồ-tát này không chấp trước là huyễn cho đến việc biến hóa này, không chấp do huyễn cho đến việc biến hóa, không chấp thuộc huyễn cho đến thuộc việc biến hóa, không chấp nương tựa huyễn cho đến nương tựa việc biến hóa?

Thiện Hiện đáp:

–Nếu khi Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mậtđa sâu xa, không chấp là sắc cho đến trí Nhất thiết tướng, không chấp do sắc cho đến trí Nhất thiết tướng, không chấp thuộc sắc cho đến trí Nhất thiết tướng, không chấp nương tựa sắc cho đến trí Nhất thiết tướng. Đại Bồ-tát này, khi hành Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa tuy đạt các pháp như huyễn cho đến như việc biến hóa, nhưng không chấp là huyễn cho đến là việc biến hóa, cũng lại không chấp do huyễn cho đến do việc huyễn hóa, cũng lại không chấp thuộc huyễn cho đến thuộc việc biến hóa, cũng lại không chấp nương tựa huyễn cho đến nương tựa việc biến hóa. Cho đến không chấp là tướng, do tướng, thuộc tướng, nương tựa tướng.

Bấy giờ, nhờ thần lực của Thế Tôn làm cho tất cả chư Thiên ở bốn Đại thiên vương cho đến trời Sắc cứu cánh trong thế giới ba lần ngàn này, đều đem hương bột chiên-đàn ở cõi trời rải lên Thế Tôn, đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân, rồi đứng một bên. Nhờ thần lực của Phật, khi ấy chư Thiên đều thấy ở mười phương ngàn Đức Phật tuyên thuyết danh tự phẩm nghĩa Bát-nhã ba-la-mật-đa đều giống như ở tại đây, đứng đầu trong chúng Bí-sô thỉnh thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa đều là Thiện Hiện, đứng đầu trong chúng chư Thiên vấn nạn Bát-nhã ba-la-mật-đa đều là Đế Thích.

Khi ấy, Thế Tôn bảo Thiện Hiện:

–Khi Bồ-tát Từ Thị sẽ chứng quả vị Giác ngộ cao tột cũng tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa ở chỗ này. Chư Phật đương lai trong hiền kiếp này cũng tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa ở chỗ này. Cụ thọ Thiện Hiện liền bạch Phật:

–Khi Bồ-tát Từ Thị sẽ chứng quả vị Giác ngộ cao tột, dùng pháp hành tướng trạng gì để tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa?

Phật dạy Thiện Hiện:

–Khi Bồ-tát Từ Thị chứng quả vị Giác ngộ cao tột sẽ dùng sắc, thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải thường, chẳng phải vô thường, chẳng vui, chẳng khổ, chẳng ngã, chẳng vô ngã, chẳng tịnh, chẳng bất tịnh, chẳng xa lìa, chẳng chẳng xa lìa, chẳng tịch tĩnh, chẳng chẳng tịch tĩnh, chẳng buộc, chẳng mở, chẳng có chẳng không, chẳng quá khứ, chẳng vị lai, chẳng hiện tại mà tuyên thuyết Bát-nhã bala-mật-đa. Cho đến sẽ dùng trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng, chẳng thường, chẳng vô thường, chẳng vui, chẳng khổ, chẳng ngã, chẳng vô ngã, chẳng tịnh, chẳng bất tịnh, chẳng xa lìa, chẳng chẳng xa lìa, chẳng tịch tĩnh, chẳng chẳng tịch tĩnh, chẳng buộc, chẳng mở, chẳng có, chẳng không, chẳng quá khứ, chẳng vị lai, chẳng hiện tại mà tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, khi Bồ-tát Từ Thị sẽ chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột, Ngài chứng những pháp gì và thuyết những pháp gì?

Phật dạy Thiện Hiện:

–Khi Bồ-tát Từ Thị sẽ chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột, chứng đắc sắc hoàn toàn thanh tịnh; thuyết sắc hoàn toàn thanh tịnh; cho đến chứng trí Nhất thiết tướng hoàn toàn thanh tịnh, thuyết trí Nhất thiết tướng hoàn toàn thanh tịnh.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thanh tịnh thế nào?

Phật dạy Thiện Hiện:

–Sắc thanh tịnh, nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thanh tịnh. Cho đến trí Nhất thiết tướng thanh tịnh nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thanh tịnh.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

–Vì sao sắc thanh tịnh nên Bát-nhã ba-la-mậtđa thanh tịnh cho đến vì sao trí Nhất thiết tướng thanh tịnh nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thanh tịnh?

Phật dạy Thiện Hiện:

–Sắc không sinh, không diệt, không nhiễm, không tịnh, cho nên thanh tịnh. Vì sắc thanh tịnh nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thanh tịnh. Cho đến trí Nhất thiết tướng không sinh, không diệt, không nhiễm, không tịnh cho nên thanh tịnh. Vì trí Nhất thiết tướng thanh tịnh cho nên Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa thanh tịnh.

Lại nữa Thiện Hiện, hư không thanh tịnh nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thanh tịnh.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

–Vì sao hư không thanh tịnh nên Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa thanh tịnh?

Phật dạy Thiện Hiện:

–Hư không không sinh, không diệt, không nhiễm, không tịnh cho nên thanh tịnh. Vì hư không thanh tịnh nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thanh tịnh.

Lại nữa Thiện Hiện, sắc không nhiễm ô nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thanh tịnh. Cho đến trí Nhất thiết tướng không nhiễm ô nên Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa thanh tịnh.

–Bạch Thế Tôn, vì sao sắc không nhiễm ô nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thanh tịnh? Cho đến trí Nhất thiết tướng không nhiễm ô nên Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa thanh tịnh?

–Thiện Hiện, vì sắc không thể chấp lấy nên không nhiễm ô. Sắc không nhiễm ô nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thanh tịnh. Cho đến trí Nhất thiết tướng không thể chấp lấy nên không nhiễm ô. Trí Nhất thiết tướng không nhiễm ô nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thanh tịnh.

Lại nữa Thiện Hiện, hư không không nhiễm ô nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thanh tịnh.

–Bạch Thế Tôn, vì sao hư không không nhiễm ô nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thanh tịnh?

–Thiện Hiện, hư không không thể chấp lấy nên không nhiễm ô. Hư không, không nhiễm ô nên Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa thanh tịnh.

Lại nữa Thiện Hiện, hư không chỉ là giả thuyết nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thanh tịnh.

–Bạch Thế Tôn, vì sao hư không chỉ là giả thuyết nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thanh tịnh? –Thiện Hiện, cũng như nhờ hư không mà hai thứ tiếng và vang xuất hiện, chỉ có là giả thuyết. Vì chỉ giả thuyết nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thanh tịnh.

Lại nữa Thiện Hiện, hư không chẳng thể tuyên thuyết nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thanh tịnh. –Bạch Thế Tôn, vì sao hư không chẳng thể tuyên thuyết nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thanh tịnh?

–Thiện Hiện, việc hư không, không thể thuyết nên chẳng thể tuyên thuyết. Vì chẳng thể tuyên thuyết nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thanh tịnh. Lại nữa Thiện Hiện, hư không chẳng thể nắm bắt được, nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thanh tịnh.

–Bạch Thế Tôn, vì sao hư không chẳng thể nắm bắt được nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thanh tịnh?

–Thiện Hiện, việc hư không, không thể đắc nên chẳng thể nắm bắt được. Vì chẳng thể nắm bắt được nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thanh tịnh.

Lại nữa Thiện Hiện, tất cả pháp không sinh, không diệt, không nhiễm, không tịnh cho nên Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa thanh tịnh?

–Bạch Thế Tôn, vì sao tất cả pháp không sinh, không diệt, không nhiễm, không tịnh nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thanh tịnh?

–Thiện Hiện, vì tất cả pháp hoàn toàn thanh tịnh cho nên không sinh, không diệt, không nhiễm, không tịnh. Vì không sinh diệt, không nhiễm tịnh cho nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thanh tịnh.


Trước

[Đầu trang][Mục lục Kinh Đại Bát Nhã]

Tiếp theo


[Mục lục bộ Bát-nhã][220][221][222][223][224][225][226][227][228][229][230][231][232][233][234][235][236][237][238][239][240][241][242][243][244][245][246][247][248][249][250][251][252][253][254][255][256][257][258][259][260][261]


[Mục lục tổng quát]