SỐ 220
KINH ĐẠI BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA

HỘI THỨ III

Phẩm 14: Ma
(QUYỂN 509)

Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.


QUYỂN 509

Phẩm 14: Ma

Bấy giờ, Thiện Hiện liền bạch Phật:

–Đức Phật đã khen ngợi công đức của Bồ-tát, vì chứng quả vị Giác ngộ cao tột nên siêng năng dũng mãnh tu hành Bố thí cho đến Bát-nhã ba-lamật-đa, đem lại sự thành tựu cho hữu tình, làm nghiêm tịnh cõi Phật. Làm sao biết việc ma đã cản trở các Bồ-tát ấy khi tu các hạnh hướng tới quả vị Giác ngộ cao tột?

Phật bảo:

–Thiện Hiện, Đại Bồ-tát nào muốn thuyết pháp biện tài mà một hồi lâu mới phát sinh, phải biết đó là việc ma của Bồ-tát.

Cụ thọ Thiện Hiện liền bạch Phật:

–Nguyên nhân nào mà nói: “Đại Bồ-tát muốn thuyết pháp, biện tài phải một hồi lâu mới phát sinh” là việc ma?

Phật bảo:

–Thiện Hiện, khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, Đại Bồ-tát này đã tu Bát-nhã cho đến Bố thí ba-la-mật-đa khó được viên mãn. Do nguyên nhân này nên nói đó là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, Đại Bồ-tát nào muốn nói pháp, biện tài liền chợt phát khởi, phải biết đó là việc ma của Bồ-tát.

Cụ thọ Thiện Hiện liền bạch Phật:

–Nguyên nhân nào mà nói Bồ-tát muốn nói pháp, biện tài liền chợt phát khởi là việc ma?

Phật bảo:

–Thiện Hiện, Đại Bồ-tát này tu hành Bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa, muốn thuyết pháp đầy đủ, sự biện tài vừa chợt phát khởi, phế bỏ sự tu hành, nên đó là việc ma.

Lại nữa Thiện Hiện, khi biên chép kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa uể oải ợ ngáp, giỡn cười vô cớ, chê bai lẫn nhau, thân tâm phiền loạn, đảo lộn câu văn, mê lầm nghĩa lý, chẳng cảm nhận được ý hay, việc rủi ro chợt đến, nên việc biên chép chẳng trọn vẹn. Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, khi thọ trì, đọc tụng, tư duy, tu tập, nói nghe kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, uể oải ợ ngáp, giỡn cười vô cớ, chê bai lẫn nhau, thân tâm phiền toái, đảo loạn câu văn, mê lầm nghĩa lý, chẳng cảm nhận được ý hay, việc rủi ro chợt đến, nên việc làm chẳng thành tựu. Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Cụ thọ Thiện Hiện liền bạch Phật rằng:

–Vì nguyên nhân nào mà có những thiện nam trụ Bồ-tát thừa nghe thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, chợt nghĩ thế này: “Đối với kinh này, ta chẳng cảm nhận được ý hay, tại sao lại phải dụng công khổ cực lắng nghe kinh này làm gì.” Nghĩ như vậy rồi, liền bỏ đi; hoặc thọ trì, đọc tụng, tư duy, tu tập biên chép, giảng nói cũng lại như vậy.

Phật bảo:

–Thiện Hiện, các thiện nam trụ Bồ-tát thừa này do đời quá khứ chưa tu hành sáu pháp Ba-la-mậtđa như Bố thí... lâu dài, nên đối với kinh này chẳng cảm nhận được ý hay, tâm chẳng ưa chuộng nên liền xả bỏ.

Lại nữa Thiện Hiện, các thiện nam trụ Bồ-tát thừa nghe thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa hoặc nghĩ thế này: “Đối với kinh này, chúng ta chẳng được thọ ký thì nghe làm gì?” Tâm chẳng thanh tịnh nên từ chỗ ngồi đứng dậy, nhàm chán bỏ đi, chẳng có tâm lưu luyến, phải biết đây là việc ma của Bồ-tát. Cụ thọ Thiện Hiện liền bạch Phật:

–Vì sao trong kinh sâu xa này lại chẳng thọ ký cho họ, khiến họ nhàm chán bỏ đi, không lưu luyến?

Phật bảo:

–Thiện Hiện, Bồ-tát chưa nhập vào ngôi Chánh tánh ly sinh thì không nên thọ ký đại Bồđề. Nếu thọ ký cho họ, họ càng tăng thêm kiêu mạn lung ý, chỉ có tổn chứ không có ích, nên không được thọ ký.

Lại nữa Thiện Hiện, các thiện nam trụ Bồ-tát thừa nghe thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa, nếu nghĩ rằng: “Ở trong đây chẳng nói đến danh hiệu của chúng ta thì nghe làm gì?” Tâm chẳng thanh tịnh, liền đứng dậy nhàm chán bỏ đi, không lưu luyến.

Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Cụ thọ Thiện Hiện liền bạch Phật:

–Vì sao trong kinh sâu xa này chẳng nói đến danh hiệu của các Bồ-tát ấy?

Phật bảo:

–Thiện Hiện, Bồ-tát chưa được thọ ký đại Bồđề, nguyên tắc là như vậy, không nên nói danh hiệu.

Lại nữa Thiện Hiện, các thiện nam trụ Bồ-tát thừa khi nghe thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa lại nghĩ rằng: “Trong đây chẳng nói đến thành ấp, xóm làng, chỗ chúng ta sinh thì nghe làm gì?” Tâm chẳng thanh tịnh, liền đứng dậy, nhàm chán bỏ đi, không lưu luyến. Phải biết đây là việc ma của Bồtát.

Cụ thọ Thiện Hiện liền bạch Phật:

–Vì sao trong kinh sâu xa này chẳng nói về xóm làng, thành ấp, chỗ sinh của Bồ-tát ấy?

Phật dạy:

–Thiện Hiện, khi chưa thọ ký danh hiệu của Bồ-tát ấy thì không nên nói về chỗ sinh của Bồ-tát ấy.

Lại nữa Thiện Hiện, nếu các thiện nam trụ Bồtát thừa khi nghe thuyết kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa tâm không thanh tịnh mà bỏ đi, tùy theo mức độ tâm không thanh tịnh và sự nhàm chán kinh này cất bước đi nhiều ít liền bị tổn giảm công đức số kiếp tương ưng và mắc tội chướng ngại Bồđề tương xứng. Khi họ chịu tội rồi, phải trải qua thời gian như trước để phát khởi sự siêng năng tinh tấn, cầu tới quả vị Giác ngộ cao tột, tu các hạnh khổ khó hành của Bồ-tát mới được trở lại như trước. Thế nên, nếu muốn mau chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột, Bồ-tát không nên chán bỏ Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa.

Lại nữa Thiện Hiện, các thiện nam trụ Bồ-tát thừa xả bỏ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa để cầu học kinh khác, phải biết đây là việc ma của Bồ-tát. Vì sao? Vì các thiện nam trụ Bồ-tát thừa xả bỏ Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa là cội gốc của trí Nhất thiết trí mà lại học các kinh khác là nhánh lá, thì chắc chắn không thể chứng quả Bồ-đề của Phật.

Cụ thọ Thiện Hiện liền bạch Phật:

–Những kinh điển nào là nhánh, lá, không thể hướng tới trí Nhất thiết trí?

Phật dạy:

–Thiện Hiện, nếu pháp tương ưng với Nhị thừa gồm bốn Niệm trụ, nói rộng cho đến tám chi Thánh đạo, ba pháp môn giải thoát, tứ Đế, trí... các thiện nam tu học trong đó chỉ đắc quả Dự lưu, Nhất lai,

Bất hoàn, A-la-hán, Độc giác Bồ-đề, chẳng chứng được quả vị Giác ngộ cao tột. Đây gọi là những kinh nhánh lá không thể đạt đến trí Nhất thiết trí.

Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chắc chắn sẽ đạt đến trí Nhất thiết trí, có thế lực và công dụng lớn như gốc cây. Các thiện nam trụ Bồ-tát thừa này xả bỏ Bát-nhã ba-la-mật-đa, cầu học kinh khác thì nhất định không chứng được trí Nhất thiết trí. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thường sinh ra các chúng Đại Bồ-tát, tất cả công đức thế gian và xuất thế gian. Các kinh điển khác không có công dụng này. Nếu Đại Bồ-tát tu học Bát-nhã ba-lamật-đa tức là tu học tất cả công đức quý báu ở thế gian và xuất thế gian của chúng Đại Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, như có chó đói bỏ thức ăn của ông chủ, lại theo tôi tớ mà tìm cầu miếng ăn. Ở đời vị lai sẽ có những thiện nam trụ Đại thừa xả bỏ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, là cội gốc của tất cả Phật pháp, lại cầu học kinh điển tương ưng Nhị thừa, sự việc ấy cũng vậy. Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, ví như có người muốn tìm voi lớn. Được voi này rồi lại bỏ đi mà tìm chân voi.

Ý ông nghĩ sao? Người kia khôn chăng?

Thiện Hiện đáp rằng:

–Người ấy chẳng khôn.

Phật bảo:

–Thiện Hiện, ở đời vị lai có những thiện nam trụ Đại thừa xả bỏ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa là cội gốc của tất cả Phật pháp, cầu học kinh điển tương ưng Nhị thừa, sự việc ấy cũng như vậy. Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, thí như có người muốn thấy biển cả. Đã đến bờ biển lại xem dấu chân trâu với ý nghĩ rằng: Nước trong biển cả lượng nó sâu rộng như thế này chăng? Ý ông nghĩ sao? Người đó khôn chăng?

Thiện Hiện đáp rằng:

–Người ấy chẳng khôn.

Phật bảo:

–Thiện Hiện, ở đời vị lai có những thiện nam trụ Đại thừa xả bỏ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, là cội gốc của tất cả Phật pháp, cầu học kinh điển tương ưng Nhị thừa, sự việc đó cũng vậy. Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, như có người thợ giỏi hay đệ tử vị ấy muốn tạo ra cung điện lớn như cung điện thù thắng của Thiên đế Thích. Thấy cung điện ấy rồi liền phát họa sơ đồ cung điện Nhật nguyệt. Ý ông nghĩ sao? Người thợ giỏi này hoặc đệ tử vị ấy có thể tạo ra được cung điện lớn như cung điện thù thắng của Đế Thích không?

Thiện Hiện đáp:

–Bạch Thế Tôn, không!

Phật bảo:

–Thiện Hiện, ý ông nghĩ sao? Người ấy có khôn không?

Thiện Hiện đáp rằng:

–Người ấy chẳng phải khôn, mà là loại người ngu si.

Phật bảo:

–Thiện Hiện, ở đời vị lai có những thiện nam trụ Đại thừa muốn tới quả vị Giác ngộ cao tột mà bỏ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, lại cầu học kinh điển tương ưng Nhị thừa, sự việc ấy cũng như vậy. Người kia chắc chắn không chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột. Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, ví như có người muốn thấy Luân vương, thấy rồi nhưng chẳng biết bèn bỏ đi chỗ khác, gặp Tiểu quốc vương xem xét hình tướng, nghĩ rằng: “Hình tướng và oai đức của Chuyển luân thánh vương và vị này nào có khác.” Ý ông nghĩ sao? Người ấy khôn chăng?

Thiện Hiện đáp rằng:

–Người kia chẳng phải khôn.

Phật bảo:

–Thiện Hiện, ở đời vị lai có những thiện nam trụ Đại thừa cũng lại như thế, muốn tới quả vị Giác ngộ cao tột mà bỏ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, cầu học kinh điển tương ưng Nhị thừa, còn nói: “Kinh điển này cùng với kinh kia nào có khác thì dùng kinh kia làm gì.” Do nguyên nhân này, chắc chắn người ấy chẳng chứng được quả vị Giác ngộ cao tột. Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, như có người đói được thức ăn ngon trăm vị lại bỏ đi mà tìm ăn cơm của thứ gạo để sáu mươi ngày. Ý ông nghĩ sao? Người ấy có khôn chăng?

Thiện Hiện đáp rằng:

–Người ấy chẳng khôn.

Phật dạy:

–Thiện Hiện, ở đời vị lai có những thiện nam trụ Đại thừa bỏ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, cầu học kinh điển tương ưng với Nhị thừa, muốn tìm trí Nhất thiết trí ở trong ấy, thật luống uổng nhọc nhằn, rốt cuộc chẳng được gì. Ý ông nghĩ sao?

Người ấy khôn chăng?

Thiện Hiện đáp rằng:

–Người ấy chẳng phải khôn.

Phật bảo:

–Thiện Hiện, đúng vậy, đúng vậy! Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, như có người nghèo được ngọc vô giá lại vứt bỏ đi mà lấy ngọc Ca-giá-mạtni tầm thường. Ý ông nghĩ sao? Kẻ ấy có khôn chăng?

Thiện Hiện đáp rằng:

–Kẻ ấy chẳng phải khôn.

Phật bảo:

–Thiện Hiện, ở đời vị lai, có những thiện nam trụ Đại thừa bỏ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, cầu học kinh điển tương ưng Nhị thừa, mong được trí Nhất thiết trí ở trong kinh điển ấy, chỉ phí sức nhọc công mà chẳng được gì. Ý ông nghĩ sao? Người ấy khôn chăng?

Thiện Hiện đáp rằng:

–Người ấy chẳng khôn.

Phật dạy:

–Đúng vậy, đúng vậy! Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, các thiện nam an trụ Đại thừa, khi biên chép Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, các biện luận linh tinh dấy khởi, muốn nói các loại pháp môn sai khác, khiến cho việc chép kinh chẳng được hoàn hảo. Phải biết đây là việc ma của Bồtát.

Sao gọi là nhiều sự biện luận? Nghĩa là ưa nói sắc, thanh, hương, vị, xúc, ưa nói sáu pháp Ba-lamật-đa; ưa nói về Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới, ưa nói công đức thọ trì, đọc tụng; ưa nói về tu các phước nghiệp khác như săn sóc người bệnh; ưa nói về Niệm trụ cho đến các chi Thánh đạo; ưa nói tất cả tĩnh lự giải thoát, đẳng trì, đẳng chí; ưa nói pháp không bên trong cho đến quả vị Giác ngộ cao tột. Phải biết đều là việc ma của Bồ-tát. Vì sao? Vì đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, muốn thuyết pháp tướng đều hoàn toàn chẳng thể nắm bắt được, vì không tầm tứ, vì khó nghĩ bàn, vì không có sự lo nghĩ, vì không sinh diệt, vì không nhiễm tịnh, vì không định, loạn, vì xa lìa danh tự, ngôn ngữ, vì chẳng thể nói, vì chẳng thể nắm bắt được. Vì sao? Vì trong Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa các pháp như trước đã nói đều không thật có và hoàn toàn chẳng thể nắm bắt được. Các thiện nam an trụ đại thừa, khi biên chép kinh đại bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa bị các pháp như thế làm rối loạn tâm họ khiến cho việc biên chép ấy không được hoàn thành. thế nên nói đó là việc ma của bồ-tát.

Khi ấy, Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, có thể biên chép Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa được không?

Phật dạy:

–Thiện Hiện, không thể biên chép được. Vì sao? Vì trong kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, sáu pháp Ba-la-mật-đa như Bát-nhã... đều không có tự tánh và hoàn toàn chẳng thể nắm bắt được. Nói rộng cho đến trí Nhất thiết tướng cũng không có tự tánh và hoàn toàn chẳng thể nắm bắt được.

Thiện Hiện nên biết, tự tánh các pháp đều không thật có, hoàn toàn chẳng thể nắm bắt được tức là không tánh. Không tánh như thế tức là Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa. Chẳng phải pháp không tánh có thể biên chép không tánh. Thế nên ta nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không thể biên chép được.

Thiện Hiện nên biết, các thiện nam an trụ Đại thừa nếu khởi ý tưởng về không tánh đối với Bátnhã ba-la-mật-đa, phải biết đây là việc ma của Bồtát.

Lại nữa Thiện Hiện, khi biên chép kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, nếu các thiện nam trụ Đại thừa nghĩ thế này: Ta dùng văn tự biên chép Bátnhã ba-la-mật-đa. Những kẻ kia dựa vào văn tự mà chấp trước Bát-nhã ba-la-mật-đa, phải biết đây là việc ma của Bồ-tát. Vì sao? Vì trong kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, tất cả Bát-nhã cho đến Bố thí ba-la-mật-đa đều không có văn tự; sắc cho đến thức cũng không văn tự, nói rộng cho đến trí Nhất thiết tướng cũng không có văn tự. Thế nên, chẳng nên chấp có văn tự có thể biên chép Bát-nhã ba-lamật-đa.

Thiện Hiện nên biết, nếu các thiện nam trụ Đại thừa chấp thế này: “Trong kinh Bát-nhã ba-la-mậtđa sâu xa này, tất cả Bát-nhã cho đến Bố thí ba-lamật-đa đều không có văn tự; sắc cho đến thức cũng không có văn tự; nói rộng cho đến trí Nhất thiết tướng cũng không văn tự.” Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, khi biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, giảng nói kinh Đại Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa này, nếu các thiện nam trụ Đại thừa nghĩ về quốc độ, hoặc nghĩ về thành ấp, kinh đô, nơi chốn, hoặc nghĩ về thầy Bổn sư, hoặc nghĩ về thầy dạy, hoặc nghĩ về bạn đồng học, hoặc bạn quen biết, hoặc nghĩ về cha mẹ, hoặc vợ con, hay anh em, chị em, hoặc nghĩ về bà con, bạn bè, hoặc nghĩ về quốc vương, đại thần; hoặc nghĩ về giặc cướp hay thú dữ, hoặc nghĩ về người ác hay quỷ dữ, hoặc nghĩ về chúng hội, hoặc nghĩ đến sự du hý hay báo oán, báo ân, hoặc nghĩ về những hành nghiệp khác, phải biết đều là việc ma của Bồ-tát, vì ma dùng các việc này quấy nhiễu Bồ-tát, làm cho những việc đang làm chẳng được thành tựu.

Lại nữa Thiện Hiện, các thiện nam an trụ Đại thừa khi biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, giảng nói kinh Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này được danh lợi lớn, được cung kính cúng dường những thứ như y phục, đồ ăn uống, giường nằm, thuốc thang lúc bệnh duyên và các của cải khác. Nếu họ tham đắm vào việc này mà phế bỏ sự nghiệp. Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, các thiện nam an trụ Đại thừa khi biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, giảng nói kinh Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, có những ác ma mang các thứ sách luận thế tục hoặc kinh điển tương ưng với Nhị thừa, trá hiện bạn thân trao cho Bồ-tát. Trong các kinh sách này cũng nói rộng cho đến các thắng sự của thế tục, hoặc nói rộng cho đến các uẩn, xứ, giới, lý duyên khởi chắc thật, hoặc ba mươi bảy pháp Bồ-đề, ba pháp môn giải thoát, bốn Tĩnh lự... bảo rằng:

–Kinh điển này ý nghĩa thâm thúy, phải siêng tu học, bỏ việc tu tập kinh kia đi.

Các thiện nam trụ Đại thừa này dùng phương tiện thiện xảo khước từ, không nên nhận lấy sách luận thế tục mà ác ma đã cho, hoặc kinh điển tương ưng Nhị thừa. Vì sao? Vì sách luận thế tục và kinh điển Nhị thừa không thể dẫn đến trí Nhất thiết trí, chẳng phải hướng tới quả vị Giác ngộ cao tột. Phương tiện tuy không trái ngược nhưng đối với quả vị Giác ngộ cao tột rất là trở ngại.

Thiện Hiện nên biết, trong kinh Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa này, Như Lai đã nói rộng phương tiện thiện xảo về đạo của Đại Bồ-tát. Nếu ở trong đây siêng năng tu học sẽ mau chứng quả vị Giác ngộ cao tột. Nếu các thiện nam trụ Đại thừa vì không có phương tiện thiện xảo nên bỏ Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa, thọ học sách luận thế tục của ác ma và kinh điển Nhị thừa. Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, những người thường nghe pháp, vui nghe, thích nghe, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Những người thuyết pháp ham vui, lười biếng chẳng muốn thuyết pháp cho người khác, cũng chẳng ban cho Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, những người thuyết pháp, tâm họ chẳng ham vui, cũng chẳng lười biếng, ưa thuyết, muốn ban cho Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, dùng mọi cách khích lệ biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập. Nhưng những người được nghe pháp thì biếng nhác ham vui, chẳng muốn nghe nhận cho đến tu tập. Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, những người nghe pháp, vui nghe, thích nghe, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nhưng những vị thuyết pháp thì muốn đến phương khác, chẳng chịu truyền dạy. Phải biết đây là việc ma của Bồtát.

Lại nữa Thiện Hiện, những người thuyết pháp thì vui thuyết, ưa thí cho Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, dùng mọi cách khích lệ, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập. Nhưng những người được nghe muốn đi nơi khác, chẳng chịu nghe. Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, người thuyết pháp có nhiều tham muốn xấu xa, ham chuộng danh lợi, y phục, đồ ăn uống, giường nằm, thuốc thang và các của cải khác, cung kính cúng dường tâm không biết đủ. Còn người được nghe pháp thì ít muốn, vui đủ, tu hạnh xa lìa, dũng mãnh tinh siêng, đủ niệm, định, tuệ, chán ghét lợi dưỡng, cung kính danh dự. Hai bên chẳng hòa hợp, chẳng được truyền trao, dạy bảo, nghe nhận, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa. Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, người hay thuyết pháp thì ít muốn, vui đủ, tu hạnh xa lìa, dũng mãnh siêng năng, đủ niệm, định, tuệ, chán ghét lợi dưỡng, cung kính danh dự. Còn người được nghe pháp thì có nhiều tham muốn xấu xa, ham chuộng danh lợi và y phục, đồ ăn uống, giường nằm, thuốc thang và các của cải khác, đối với sự cúng dường, cung kính tâm không nhàm đủ. Hai bên chẳng hòa hợp nên chẳng truyền trao, chẳng được nghe, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, người thuyết pháp thì tu hành mười hai công đức Đỗ-đa, nghĩa là ở chỗ vắng vẻ cho đến bất cứ nơi nào cũng chỉ chứa ba y. Kẻ được nghe pháp chẳng hành mười hai công đức Đỗ-đa. Hai bên chẳng hòa hợp chẳng truyền đạt, lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa. Phải biết đây là việc ma của Bồtát.

Lại nữa Thiện Hiện, người được nghe pháp thì hành mười hai công đức Đỗ-đa, người thuyết pháp chẳng hành mươi hai công đức Đỗ-đa. Hai bên chẳng hòa hợp, chẳng truyền dạy, lắng nghe, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, người thuyết pháp có tín, có giới, thích vì người khác thuyết Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa, phương tiện khích lệ biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập. Nhưng người nghe pháp không có tín, không giới chẳng ưa lắng nghe. Hai bên chẳng hòa hợp, chẳng truyền dạy, nghe nhận, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, người nghe có tín có giới ưa nghe, ưa hỏi, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nhưng người thuyết pháp không tín, không giới, không muốn truyền dạy. Hai bên chẳng hòa hợp, chẳng được nghe thuyết biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, người thuyết pháp, tâm không keo kiệt, hay xả tất cả. Nhưng người nghe pháp thì tâm có keo kiệt, chẳng thường buông xả, bố thí. Hai bên không hòa hợp, chẳng được truyền dạy, chẳng chịu nghe nhận, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, người nghe pháp tâm không keo kiệt, thường xả bỏ tất cả. Nhưng người thuyết pháp tâm có keo kiệt, không thường xả bỏ và bố thí. Hai bên không hòa hợp, chẳng truyền đạt, chẳng được nghe nhận, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, người nghe pháp muốn cúng dường người thuyết pháp y phục, đồ ăn uống, giường nằm, thuốc thang và các thứ báu. Nhưng người thuyết pháp chẳng muốn nhận dùng. Hai bên chẳng hòa hợp nên không truyền đạt, lắng nghe, thọ trì, biên chép, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa. Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát. Lại nữa Thiện Hiện, người thuyết pháp muốn được người nghe pháp cung cấp y phục, thức ăn, giường nằm, thuốc thang và các thứ báu. Nhưng người được nghe pháp chẳng muốn cung cấp. Hai bên chẳng hòa hợp nên chẳng truyền dạy được, chẳng nghe nhận, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, người thuyết pháp thành tựu khai trí, chẳng ưa nói rộng. Nhưng người nghe pháp thành tựu diễn trí, chẳng muốn nói lược, hai bên chẳng hòa hợp nên chẳng truyền dạy được, chẳng nghe nhận, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, người nghe pháp thành tựu khai trí chẳng ưa nói rộng. Nhưng người thuyết pháp thành tựu diễn trí, chẳng thích nói lược. Hai bên chẳng hòa hợp nên không được truyền dạy, lắng nghe, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa. Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, người thuyết pháp chuyên biết rộng thứ lớp và pháp nghĩa của mười hai phần giáo gồm Khế kinh cho đến Luận nghị nhưng người nghe pháp thì chẳng ưa biết, rộng về thứ lớp và pháp nghĩa của mười hai phần giáo. Hai bên chẳng hòa hợp, chẳng được truyền dạy, chẳng lắng nghe, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, người nghe pháp chuyên ưa biết rộng về thứ lớp và pháp nghĩa của mười hai bộ kinh. Nhưng người thuyết pháp chẳng thích biết rộng về thứ lớp và pháp nghĩa của mười hai bộ kinh. Hai bên chẳng hòa hợp, chẳng truyền dạy, lắng nghe, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa. Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, người thuyết pháp thành tựu sáu pháp Ba-la-mật-đa, có phương tiện thiện xảo đối với sáu pháp Ba-la-mật-đa. Nhưng người nghe pháp không có đức này. Hai bên chẳng hòa hợp nên không được truyền dạy, lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, người nghe pháp thì thành tựu sáu pháp Ba-la-mật-đa, lại có phương tiện thiện xảo đối với sáu pháp Ba-la-mật-đa, nhưng người thuyết pháp thì không có đức này. Hai bên chẳng hòa hợp, chẳng được nghe pháp, chẳng truyền dạy, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa. Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, người thuyết pháp đã chứng được Đà-la-ni. Nhưng người nghe pháp chưa được Đà-la-ni. Hai bên chẳng hòa hợp nên chẳng được truyền dạy, lắng nghe, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, người nghe pháp đã chứng được Đà-la-ni, người thuyết pháp chưa được Đàla-ni. Hai bên chẳng hòa hợp nên chẳng được truyền trao, nghe nhận, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, người thuyết pháp muốn làm cho người nghe cung kính, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nhưng người nghe pháp chẳng theo ý người kia. Hai bên không hòa hợp nên chẳng được truyền dạy, nghe nhận, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, người nghe pháp muốn được cung kính, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nhưng người thuyết pháp chẳng theo ý người kia. Hai bên không hòa hợp nên không được truyền dạy, nghe nhận, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, người thuyết pháp đã lìa xan tham, đã lìa năm pháp ngăn che. Nhưng người nghe pháp chưa lìa xan tham, chưa lìa năm pháp ngăn che. Hai bên chẳng hòa hợp, nên không được truyền dạy, nghe nhận, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, người nghe pháp đã lìa xan tham, đã lìa năm pháp ngăn che. Nhưng người thuyết pháp chưa lìa xan tham, chưa lìa năm pháp ngăn che. Hai bên không hòa hợp nên không được truyền dạy, nghe nhận, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, có những thiện nam trụ Đại thừa khi biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, giảng nói kinh Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này. Nếu có người đến nói về các sự khổ cực ở ba đường ác. Nhân đây lại bảo rằng: “Đối với thân này, ông nên siêng năng, tinh tấn, mau diệt hết gốc khổ mà vào Niết-bàn, lưu lại làm gì trong biển cả sinh tử chịu trăm ngàn đau khổ bức bách để cầu tới quả vị Giác ngộ cao tột.” Do lời nói này, mà việc biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, giảng nói Bát-nhã ba-la-mật-đa của người kia không được rốt ráo. Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, có những thiện nam trụ Đại thừa khi biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, giảng nói kinh Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, nếu có người đến khen ngợi các việc thù thắng ở cõi người, khen ngợi Tứ đại Thiên vương, cho đến các việc thù thắng vi diệu ở trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Nhân đây bảo rằng: “Tuy ở cõi Dục hưởng các dục lạc, ở trong cõi Sắc hưởng vui tĩnh lự, ở cõi Vô sắc hưởng vui đẳng chí, nhưng chúng đều là pháp vô thường, khổ, không, vô ngã, bất tịnh và biến hoại, pháp rơi rụng, pháp lìa, pháp tận, pháp diệt. Đối với thân này, sao ông không tinh tấn chứng lấy quả Dự lưu, hoặc quả Nhất lai, hoặc quả Bất hoàn, hoặc quả A-la-hán, hoặc quả Độc giác Bồ-đề, nhập vào cõi Niết-bàn an vui hoàn toàn, cần gì phải ở lâu trong sinh tử luân hồi, cũng không việc gì phải vì người mà chịu khổ để cầu tới quả vị Giác ngộ cao tột.” Do lời nói này, việc biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, giảng nói kinh Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa của người kia không được rốt ráo. Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, người nói pháp thì sống một mình, không bị ràng buộc, chuyên tu việc mình, chẳng lo việc người. Người nghe pháp ưa lĩnh đồ chúng, thích lo toan việc người, chẳng lo nghiệp mình. Hai bên chẳng hòa hợp nên không truyền dạy, nghe nhận, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, người được nghe pháp thì sống một mình, không bị ràng buộc, chuyên tu việc mình, chẳng lo việc người. Nhưng người thuyết pháp ưa lãnh đồ chúng, thích lo toan việc người, chẳng lo việc mình. Hai bên chẳng hòa hợp nên không truyền dạy, nghe nhận biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, người thuyết pháp chẳng ưa ồn náo rộn ràng. Nhưng người nghe pháp lại thích chỗ ồn náo rộn ràng. Hai bên chẳng hòa hợp nên không truyền dạy, nghe nhận biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, người nghe pháp chẳng ưa ồn náo rộn ràng. Nhưng người thuyết pháp lại ưa chỗ ồn náo rộn ràng. Hai bên chẳng hợp nên không truyền dạy, nghe nhận biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, người thuyết pháp muốn làm cho người nghe đều theo hỗ trợ việc làm của vị ấy. Nhưng người nghe pháp chẳng tùy hỷ với ý muốn của người kia. Hai bên chẳng hòa hợp nên chẳng được truyền dạy, nghe nhận biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, người nghe pháp ưa theo giúp các việc làm của người thuyết pháp. Nhưng người thuyết pháp chẳng tùy hỷ với ý muốn của người kia. Hai bên chẳng hòa hợp nên chẳng được truyền dạy, nghe nhận biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, người thuyết pháp vì danh lợi nên vì người thuyết pháp, lại muốn khiển người kia biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa. Người nghe pháp biết được việc làm của người kia nên chẳng muốn nghe theo lãnh thọ. Hai bên chẳng hòa hợp, nên chẳng được truyền dạy, nghe nhận biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Phải biết đây là việc ma sự của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, người nghe pháp thì vì danh lợi nên muốn thỉnh người thuyết pháp, còn muốn tìm cách biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nhưng người thuyết pháp biết được việc làm của người kia nên chẳng nhận lời thỉnh. Hai bên chẳng hòa hợp nên chẳng được truyền dạy, nghe nhận biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, người thuyết pháp muốn qua phương khác, chỗ nguy hiểm đối với thân mạng. Người nghe pháp thì sợ mất thân mạng, chẳng muốn đi theo. Hai bên chẳng hòa hợp nên chẳng được truyền dạy, nghe nhận biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, người nghe pháp muốn qua phương khác chỗ nguy hiểm đối với thân mạng. Người thuyết pháp thì sợ mất thân mạng, chẳng muốn đi chung. Hai bên chẳng hòa hợp nên chẳng được truyền dạy, nghe nhận biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.

Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, người thuyết pháp muốn qua phương khác có nhiều giặc cướp, tật bệnh, ôn dịch vì cõi nước đói khát. Người nghe pháp lo sợ gian nan kia chẳng chịu đi theo. Hai bên chẳng hòa hợp nên chẳng được truyền dạy, nghe nhận biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, người nghe pháp muốn qua phương khác có nhiều giặc cướp, tật bệnh, ôn dịch vì cõi nước đói khát. Người thuyết pháp lo nghĩ về gian nan kia, chẳng chịu cùng đi. Hai bên chẳng hòa hợp nên chẳng được truyền dạy, nghe nhận biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa. Phải biết đây là việc ma của Bồtát.

Lại nữa Thiện Hiện, người thuyết pháp muốn qua phương khác là chỗ an ổn, giàu vui không có các tai nạn. Người nghe pháp muốn đi theo. Người thuyết pháp phương tiện nói thử: “Mặc dù ông vì lợi mà đi theo ta, nhưng đến chỗ kia đâu chắc ông vừa ý, nên suy xét thật kỹ để sau này khỏi hối tiếc.” Khi ấy, người nghe pháp nghe lời này rồi liền nghĩ: “Vậy là ông ấy chẳng muốn cho ta đi. Nếu cố đi theo chắc gì được nghe pháp.” Do đó nên chẳng đi theo. Hai bên chẳng hòa hợp nên chẳng được truyền dạy, nghe nhận biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, người thuyết pháp muốn qua phương khác, đường đi sẽ phải qua đồng hoang hiểm trở, nhiều tai nạn giặc cướp và bọn côn đồ du đảng, ác thú, thợ săn, rắn độc... uy hiếp. Người nghe pháp muốn đi theo người kia. Nhưng người thuyết pháp phương tiện nói thử: “Vì sao hôm nay không việc gì ông lại theo ta, muốn qua chỗ nhiều hiểm nạn như vậy? Ông nên xét nghĩ cho kỹ để sau này hối tiếc.” Người nghe pháp nghe rồi liền nghĩ: Ý người kia chẳng muốn cho ta theo. Nếu cố đi theo đâu chắc được nghe pháp.” Do đó nên chẳng đi theo. Hai bên không hòa hợp nên chẳng được truyền dạy, nghe nhận biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, người thuyết pháp có nhiều thí chủ thường đi theo. Người nghe pháp đến thỉnh thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa, hoặc thỉnh biên chép, thọ trì, đọc tụng, theo đúng lời dạy tu hành. Người kia nhiều chướng duyên, không rảnh truyền dạy. Người nghe pháp sinh tâm giận hờn ghét bỏ. Về sau dù có dạy trao điều gì cũng chẳng nghe nhận. Hai bên chẳng hòa hợp nên không truyền dạy, nghe nhận, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, có những ác ma giả dạng Bí-sô đến chỗ Bồ-tát, tìm cách phá hoại, khiến cho không được biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, vì người thuyết giảng kinh Bát-nhã ba-la-mậtđa sâu xa.

Cụ thọ Thiện Hiện liền bạch Phật:

–Thế nào là ác ma giả dạng Bí-sô đến chỗ Bồtát, tìm cách phá hoại làm cho không được biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, vì người thuyết giảng kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa?

Phật dạy:

–Thiện Hiện, có những ác ma giả dạng Bí-sô đến chỗ Bồ-tát, tìm cách phá hoại làm cho Bồ-tát hủy bỏ, nhàm chán Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Ác ma nói rằng: “Ông đã đọc tụng, tu tập kinh điển không tướng chẳng phải là thật Bát-nhã ba-la-mậtđa. Tôi đã tụng đọc, tu tập kinh điển có tướng là Bát-nhã ba-la-mật-đa thật.” Khi nói lời này, có những Bồ-tát chưa được thọ ký liền sinh tâm nghi ngờ đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa. Bởi nghi ngờ nên sinh nhàm chán, hủy bỏ Bát-nhã ba-la-mật-đa. Do nhàm chán hủy bỏ nên chẳng biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, vì người thuyết giảng Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa. Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, có những ác ma giả dạng Bí-sô, đến chỗ Bồ-tát, nói với Bồ-tát rằng: “Nếu các Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, chỉ chứng thật tế quả Dự lưu cho đến Độc giác Bồ-đề, rốt cuộc chẳng chứng được quả Phật Vô thượng, vì sao phải luống uổng nhọc nhằn với kinh này?” Bồtát nghe rồi, chẳng biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, vì người thuyết giảng Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa. Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, khi biên chép... Bát-nhã ba-la-mật-đa có nhiều việc ma, Bồ-tát phải biết rõ mà xa lìa.

Cụ thọ Thiện Hiện liền thưa hỏi Phật:

–Những gì gọi là việc ma mà Bồ-tát cần phải biết rõ để xa lìa?

Phật dạy:

–Thiện Hiện, khi biên chép... Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa có nhiều việc của ác ma tương tợ như Bát-nhã, Tĩnh lự, An nhẫn, Tịnh giới, Bố thí ba-la-mật-đa; có nhiều việc của ác ma tương tợ như pháp không bên trong, pháp không bên ngoài, pháp không cả trong ngoài, pháp không không, pháp không lớn, pháp không thắng nghĩa, pháp không hữu vi, pháp không vô vi, pháp không rốt ráo, pháp không không biên giới, pháp không tản mạn, pháp không bản tánh, pháp không tướng, pháp không nơi tất cả pháp, pháp không không tánh, pháp không không tánh tự tánh; có nhiều việc của ác ma tương tợ như chân như, pháp giới nói rộng cho đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn. Bồ-tát phải biết rõ để xa lìa.

Lại nữa Thiện Hiện, khi biên chép... Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, có nhiều việc ma làm cản trở. Nghĩa là có ác ma giả dạng Bí-sô đến chỗ Bồ-tát thuyết giảng giáo pháp tương ưng với Nhị thừa, bảo Bồ-tát rằng: “Đây mới thật sự là lời Phật nói. Người nào học pháp này sẽ mau chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột.”

Lại có ác ma giả dạng Bí-sô đến chỗ Bồ-tát thuyết giảng bốn Niệm trụ của Nhị thừa, bảo Bồtát rằng: “Nên dựa vào pháp này siêng năng tu học sẽ chứng được quả Dự lưu, nói rộng cho đến Độc giác Bồ-đề, xa lìa tất cả sinh, già, bệnh, chết. Cần gì quả vị Giác ngộ cao tột.” Đây là các việc ma đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa mà các Bồ-tát phải biết rõ để xa lìa.

Lại nữa Thiện Hiện, có những ác ma giả hình dạng Phật, thân toàn màu vàng ròng, thường phóng ánh sáng xa một tầm, đủ ba mươi hai tướng Đại sĩ, tám mươi vẻ đẹp viên mãn trang nghiêm, đến chỗ Bồ-tát. Bồ-tát thấy vậy hết lòng mến kính. Do đây lui giảm trí Nhất thiết trí, chẳng được lắng nghe, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, thuyết giảng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, có những ác ma giả dạng Bí-sô, oai nghi đĩnh đạt, dung mạo đoan nghiêm đến chỗ Bồ-tát. Bồ-tát thấy vậy sinh tâm kính mến. Do đó lui giảm trí Nhất thiết trí, chẳng chịu lắng nghe, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, có những ác ma giả dạng Đức Phật có các Bí-sô vây quanh, tuyên nói chánh pháp, đến chỗ Bồ-tát. Bồ-tát thấy vậy, rất kính mến, bèn nghĩ rằng: “Nguyện ta đời sau cũng sẽ như thế.” Do đây lui giảm trí Nhất thiết trí, chẳng chịu lắng nghe, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa Thiện Hiện, có những ác ma giả dạng Bồ-tát, hoặc trăm hoặc ngàn cho đến vô lượng lần, hoặc hành Bố thí ba-la-mật-đa, hoặc hành Tịnh giới cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa. Bồ-tát thấy vậy rất kính mến. Do đây lui giảm trí Nhất thiết trí, chẳng chịu lắng nghe, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Phải biết đây là việc ma của Bồ-tát. Vì sao? Thiện Hiện, vì trong giáo pháp của Đại Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa này, sắc không thật có, thọ, tưởng, hành, thức không thật có, nói rộng cho đến tất cả hạnh của Đại Bồ-tát cũng không thật có. Quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật cũng không thật có. Nếu ở nơi đây, sắc không thật có, nói rộng cho đến quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật cũng không thật có thì ở nơi đây tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và các chúng Đại Bồ-tát, Độc giác, Thanh văn, các loài phàm phu cũng không thật có. Vì sao? Vì tất cả pháp tự tánh là không.

Lại nữa Thiện Hiện, các thiện nam an trụ Đại thừa, khi lắng nghe, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, vì người thuyết giảng kinh Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này có nhiều sự cản trở, chống đối, phá hại khởi lên làm cho việc làm của người phước mỏng chẳng được thành tựu. Như ở châu Thiệm-bộ có nhiều ngọc báu như ngọc Phệ-lưu-ly cho đến vàng... Có nhiều giặc cướp cản trở phá hại, những người phước mỏng cầu không thể được. Ngọc vô giá thần châu Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cũng như vậy, khi những người phước mỏng lắng nghe... có nhiều ác ma làm cản trở.

Cụ thọ Thiện Hiện liền bạch Phật rằng:

–Bạch Thế Tôn, đúng vậy! Bạch Thiện Thệ, đúng vậy! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như các thứ ngọc quý: Phệ-lưu-ly... ở châu Thiệm-bộ, có nhiều hiểm nạn cản trở, các người phước mỏng cầu chẳng thể được. Các thiện nam an trụ Đại thừa vì ít phước đức nên khi lắng nghe... có nhiều hiểm nạn cản trở, tuy có ưa muốn nhưng không thành tựu. Vì sao? Vì có những người ngu si bị ma sai khiến, nên khi các thiện nam trụ Đại thừa lắng nghe, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, vì người diễn giảng kinh Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, các thiện nam trụ Đại thừa bị họ làm cản trở.

Bạch Thế Tôn, kẻ ngu si kia trí tuệ lu mờ không thể tư duy về Phật pháp rộng lớn nên đối với Bátnhã ba-la-mật-đa tự thân không thể lắng nghe, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn nói được. Mà trái lại muốn cản trở việc biên chép... của người khác Phật dạy:

–Thiện Hiện, đúng vậy, đúng vậy, đúng như ông nói có những người ngu bị ma sai khiến, vì chưa trồng căn lành, phước tuệ mỏng cạn, chưa ở chỗ Phật phát thệ nguyện lớn, chưa được bạn lành hộ trì. Đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa, tự thân không thể lắng nghe cho đến thuyết giảng được. Các thiện nam mới học Đại thừa khi lắng nghe, biên chép cho đến thuyết giảng kinh Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này sẽ bị họ cản trở. Ở đời vị lai có những thiện nam, thiện nữ phước tuệ cạn mỏng, căn lành quá ít nên đối với công đức rộng lớn của Như Lai, tâm chẳng vui ưa. Đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa tự thân không thể lắng nghe cho đến thuyết giảng. Trái lại muốn ngăn cản việc lắng nghe... của người khác. Phải biết những hạng người này mắc tội vô lượng.

Lại nữa Thiện Hiện, có những thiện nam trụ Đại thừa, khi lắng nghe, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, vì người diễn nói kinh Đại Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa này có nhiều việc ma làm cản trở, khiến cho việc lắng nghe... không được thành tựu. Do đó không thể viên mãn Bát-nhã cho đến Bố thí ba-la-mật-đa. Nói rộng cho đến không thể viên mãn trí Nhất thiết tướng.

Có những thiện nam trụ Đại thừa, khi lắng nghe, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn giảng kinh Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, nếu không có việc ma lại được viên mãn Bát-nhã, Tĩnh lự, Tinh tấn, An nhẫn, Tịnh giới, Bố thí bala-mật-đa cho đến viên mãn trí Nhất thiết tướng. Phải biết đều là nhờ thần lực của Như Lai từ bi hộ niệm. Và cũng là nhờ thần lực của Như Lai ở khắp mười phương thế giới hiện tại và các chúng Bồ-tát không thoái chuyển gia hộ, khiến cho bọn ác ma không thể chướng ngại việc lắng nghe... làm cho việc này không thành tựu và cũng chính nhờ năng lực căn lành nơi bản thân người ấy nữa.


Trước

[Đầu trang][Mục lục Kinh Đại Bát Nhã]

Tiếp theo


[Mục lục bộ Bát-nhã][220][221][222][223][224][225][226][227][228][229][230][231][232][233][234][235][236][237][238][239][240][241][242][243][244][245][246][247][248][249][250][251][252][253][254][255][256][257][258][259][260][261]


[Mục lục tổng quát]