SỐ 220
KINH ĐẠI BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA
HỘI THỨ III
Phẩm 17: Thí dụ
(QUYỂN 511)
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.
Bấy giờ Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, Bát-nhã ba-la-mật-đa vì việc trọng đại nên xuất hiện ở thế gian, vì việc không thể nghĩ bàn nên xuất hiện ở thế gian, vì việc không thể suy lường nên xuất hiện ở thế gian, vì việc không có số lượng nên xuất hiện ở thế gian, vì việc không gì sánh bằng nên xuất hiện ở thế gian?
Phật bảo:
–Thiện Hiện, đúng vậy, đúng vậy! Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa hay thành tựu sáu pháp Ba-la-mật-đa, thường thành tựu pháp không bên trong cho đến pháp không không tánh tự tánh, thường thành tựu chân như cho đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn; thường thành tựu Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo; thường thành tựu bốn Tĩnh lự, bốn Vô lượng, bốn Định vô sắc; thường thành tựu bốn Niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo; thường thành tựu tám Giải thoát, tám Thắng xứ, chín Định thứ đệ, mười Biến xứ; thường thành tựu ba pháp môn giải thoát Không, Vô tướng, Vô nguyện; thường thành tựu bậc Tịnh quán cho đến bậc Như Lai; thường thành tựu bậc Cực hỷ cho đến bậc Pháp vân; thường thành tựu tất cả pháp môn Đàla-ni, tất cả pháp môn Tam-ma-địa; thường thành tựu năm loại mắt, sáu phép thần thông; thường thành tựu mười lực của Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng; thường thành tựu đại Từ, đại Bi, đại Hỷ, đại Xả; thường thành tựu ba mươi hai tướng Đại sĩ, tám mươi vẻ đẹp; thường thành tựu pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả; thường thành tựu quả Dự lưu cho đến Độc giác Bồ-đề; thường thành tựu tất cả hạnh của Đại Bồ-tát, quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật; thường thành tựu trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng.
Thiện Hiện nên biết, như vị Đại vương đã được quán đỉnh thuộc dòng Sát-đế-lợi có oai đức tự tại, chinh phục tất cả rồi giao phó việc nước cho các đại thần, khoanh tay ngồi nghỉ, an ổn hưởng lạc. Như Lai cũng vậy, là Đấng Đại Pháp Vương oai đức tự tại, chinh phục tất cả. Ngài đem pháp Thanh văn, hoặc pháp Độc giác, hoặc pháp Bồ-tát, hoặc pháp Như Lai giao phó tất cả cho Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa. Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa đủ khả năng thành tựu tất cả mọi sự nghiệp. Thế nên Thiện Hiện, Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa vì việc trọng đại nên xuất hiện ở thế gian. Nói rộng cho đến vì việc không gì sánh bằng nên xuất hiện ở thế gian. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không chấp trước, không nắm giữ đối với sắc nên xuất hiện trong thế gian để thành tựu mọi việc. Không chấp trước, không nắm giữ thọ, tưởng, hành, thức nên xuất hiện trong thế gian để hoàn tất mọi việc. Nói rộng cho đến không chấp trước, không nắm giữ trí Nhất thiết nên xuất hiện trong thế gian để hoàn thành mọi việc. Không chấp giữ trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng nên xuất hiện trong thế gian để hoàn thành mọi việc. Không chấp giữ quả Dự lưu nên xuất hiện trong thế gian để hoàn thành mọi việc. Cho đến không chấp giữ quả vị Giác ngộ cao tột của Phật nên xuất hiện trong thế gian để hoàn thành mọi việc.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
–Vì sao Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này không chấp giữ sắc cho đến quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật nên xuất hiện trong thế gian để hoàn thành mọi việc?
Phật bảo:
–Thiện Hiện, ý ông nghĩ sao? Theo ông thấy, sắc cho đến quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật có thể chấp giữ chăng?
Thiện Hiện đáp:
–Bạch Thế Tôn, không! Bạch Thiện Thệ, không!
Phật bảo Thiện Hiện:
–Lành thay, lành thay! Ta cũng chẳng thấy sắc cho đến quả vị Giác ngộ cao tột của Phật để chấp giữ. Do không thấy nên không nắm giữ. Do không nắm giữ nên không chấp trước. Do yếu tố này nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không chấp trước, không nắm giữ sắc cho đến quả vị Giác ngộ cao tột của Phật. Thiện Hiện nên biết, Ta cũng chẳng thấy Phật tánh, Như Lai tánh, Tự nhiên giác tánh, trí Nhất thiết tánh của tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác có thể chấp giữ. Do không thấy nên không nắm giữ. Do không nắm giữ nên không chấp trước. Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cũng lại như vậy đều chẳng thấy có Phật tánh, Như Lai tánh, Tự nhiên giác tánh, trí Nhất thiết tánh của tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác để chấp giữ. Do nhân duyên không chấp giữ này nên, Thiện Hiện, các Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không nên chấp giữ sắc, thọ, tưởng, hành, thức, nói rộng cho đến Phật tánh, Như Lai tánh, Tự nhiên giác tánh, trí Nhất thiết tánh của tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác.
Bấy giờ, các Thiên tử ở cõi Dục, cõi Sắc đồng bạch Phật:
–Bát-nhã ba-la-mật-đa này rất là sâu xa khó thấy khó hiểu, không thể tư duy, vượt khỏi cảnh giới tư duy, bậc tịch tĩnh, bậc vi diệu, bậc biết đúng, bậc thâm trầm, bậc cực kỳ thông minh trí tuệ mới có thể hiểu nổi. Những hữu tình nào tin hiểu sâu xa đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa này, phải biết kẻ ấy đã từng cúng dường hàng trăm ngàn chư Phật trong quá khứ: ở chỗ chư Phật phát nguyện rộng lớn, gieo trồng nhiều căn lành, thân cận thiện hữu, đã được vô lượng thiện hữu hộ trì, mới có thể tin hiểu Bát-nhã ba-la-mật-đa như vậy. Nếu được nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa như vậy hết lòng tin hiểu. Phải biết vị ấy là Đại Bồ-tát chắc chắn sẽ chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột. Giả sử cả loài hữu tình trong thế giới ba lần ngàn, tất cả đều đạt được Tùy tín hành, Tùy pháp hành, Đệ bát, Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán và Độc giác, tất cả họ đều thành tựu hoặc Trí, hoặc Đoạn, chẳng bằng có người một ngày chấp nhận vui vẻ tư duy đắn đo quán sát Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, người đó đã thành tựu pháp nhẫn đối với Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa này, hơn hẳn bậc Trí, Đoạn kia vô lượng, vô biên. Vì sao? Vì những bậc đạt Tùy tín hành, hay Trí, hay Đoạn ấy tuy đều đạt được Vô sinh pháp nhẫn nhưng chỉ là phần nhỏ so với pháp nhẫn của Đại Bồ-tát.
Bấy giờ Phật bảo các Thiên tử:
–Lành thay, lành thay, như lời các ông nói! Thiên tử nên biết, nếu các thiện nam, thiện nữ lắng nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa trong chốc lát, nghe rồi tin hiểu, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, giảng nói. Các thiện nam, thiện nữ ấy sẽ mau ra khỏi sinh tử, sớm chứng Niết-bàn, hơn hẳn hạng người vì cầu Thanh văn thừa, Độc giác thừa mà xa lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa, học các kinh điển khác hoặc trải qua một kiếp hoặc hơn một kiếp. Vì sao? Vì trong kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này bao quát tất cả những pháp vi diệu tối thắng. Những bậc Tùy tín hành, Tùy pháp hành đều phải tinh tấn tu tập kinh này để sự nghiệp đã tạo mau được rốt ráo theo chỗ nguyện cầu. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều dựa vào sự học này đã, đang, sẽ chứng quả vị Giác ngộ cao tột.
Khi ấy các Thiên tử đồng thanh thưa:
–Bát-nhã ba-la-mật-đa này là Đại Ba-la-mậtđa, là Ba-la-mật-đa không thể nghĩ bàn, là Ba-lamật-đa không thể suy lường, là Ba-la-mật-đa không có số lượng, là Ba-la-mật-đa không gì sánh bằng. Bậc Tùy tín hành cho đến bậc Độc giác đều tinh tấn tu học pháp này mà mau chứng Niết-bàn. Tất cả chúng Đại Bồ-tát đều tinh tấn tu tập pháp này mà mau chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột. Tuy các Thanh văn, Độc giác, Bồ-tát đều nương vào pháp này học và mỗi mỗi đều đạt đến cứu cánh nhưng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa vẫn không tăng, không giảm. Sau khi nói lời này rồi, các Thiên tử vui mừng hớn hở đảnh lễ chân Phật, đi nhiễu bên phải Đức Phật ba vòng rồi lui về cung. Đi cách hội chưa bao xa, thảy đều biến mất, mỗi vị đều trở về bản cung.
Bấy giờ, Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, những Đại Bồ-tát nghe thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa mà tin hiểu sâu xa là từ đâu sinh về đây?
Phật bảo:
–Thiện Hiện, nếu Đại Bồ-tát nghe thuyết Bátnhã ba-la-mật-đa mà tin hiểu sâu xa, chẳng chìm, chẳng đắm, chẳng mê, chẳng hoảng hốt, không phân vân, không e sợ, không chấp trước, không nắm giữ, vui mừng lãnh thọ, cung kính cúng dường, thường theo Pháp sư thưa hỏi nghĩa lý, khi đi đứng, lúc ngồi nằm, không lúc nào rời bỏ, như bê con mới sinh không lìa xa mẹ. Cho đến nếu chưa đạt được nghĩa lý tinh tường rốt ráo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa để có thể giảng thuyết cho người thì quyết không xa lìa kinh Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa này và vị thầy thuyết pháp. Thiện Hiện nên biết, Đại Bồ-tát ấy vốn từ loài người, sau khi qua đời sinh đến cõi này. Vì sao? Vì đời trước Đại Bồ-tát này đã nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, nghe rồi thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, giảng nói, biên chép, dùng các vật báu trang hoàng, cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen. Do căn lành này được xa lìa tám nạn, qua đời từ cõi người sinh lại trong cõi người vừa nghe kinh này liền tin hiểu sâu xa.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:
–Nếu có Đại Bồ-tát thành tựu công đức thù thắng như vầy: cúng dường thờ phụng chư Phật ở phương khác rồi, qua đời từ cõi ấy sẽ sinh đến cõi này, được nghe thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa tin hiểu sâu sắc, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tư duy, giảng nói, cúng dường, cung kính không lười mỏi chăng?
Phật bảo:
–Thiện Hiện, các Đại Bồ-tát đã thành tựu công đức thù thắng như vầy: cúng dường, phụng thờ Đức Phật ở phương khác, qua đời từ phương khác được sinh về cõi này, được nghe thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa tin hiểu sâu sắc, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tư duy, giảng nói, cúng dường, cung kính, tâm không lười mỏi. Vì sao? Vì trước kia Đại Bồ-tát này từ chỗ vô lượng chư Phật ở những phương khác được nghe thuyết Bát-nhã ba-la-mậtđa sâu xa tin hiểu sâu sắc, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tư duy, giảng nói, cúng dường, cung kính, tâm không lười mỏi. Nhờ căn lành này nên qua đời từ cõi kia sẽ được sinh vào cõi này sẽ được nghe kinh này và tin hiểu sâu xa.
Lại nữa Thiện Hiện, có Đại Bồ-tát thuộc Thiên chúng ở trời Đổ-sử-đa qua đời sinh vào trong loài người. Họ cũng thành tựu công đức như thế. Vì sao? Vì đời trước Đại Bồ-tát này đã ở cõi trời Đổsử-đa, chỗ của Đại Bồ-tát Từ Thị, thưa hỏi nghĩa lý sâu xa của Bát-nhã ba-la-mật-đa. Do căn lành này, qua đời ở cõi kia sinh vào loài người, được nghe thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa, tin hiểu sâu xa, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, giảng nói, cúng dường, cung kính, tâm không lười mỏi.
Lại nữa Thiện Hiện, có các thiện nam trụ Đại thừa, đời trước tuy được nghe Bát-nhã cho đến Bố thí ba-la-mật-đa; hoặc nghe Pháp không bên trong cho đến pháp không không tánh tự tánh; hoặc nghe chân như cho đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn; hoặc nghe Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo; hoặc nghe bốn Tĩnh lự, bốn Vô lượng, bốn Định vô sắc; hoặc nghe bốn Niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo; hoặc nghe tám Giải thoát, tám Thắng xứ, chín Định thứ đệ, mười Biến xứ; hoặc nghe ba pháp môn giải thoát Không, Vô tướng, Vô nguyện; hoặc nghe bậc Tịnh quán cho đến bậc Như Lai; hoặc nghe bậc Cực hỷ cho đến bậc Pháp vân; hoặc nghe tất cả pháp môn Đà-la-ni, tất cả pháp môn Tam-ma-địa; hoặc nghe năm loại mắt, sáu phép thần thông; hoặc nghe mười lực của Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng; hoặc nghe đại Từ, đại Bi, đại Hỷ, đại Xả; hoặc nghe ba mươi hai tướng Đại sĩ, tám mươi vẻ đẹp; hoặc nghe pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả; hoặc nghe tất cả hạnh của Đại Bồ-tát, quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật; hoặc nghe trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng, mà chẳng thưa hỏi nghĩa lý sâu xa. Nay được sinh trong loài người tuy được nghe thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như vậy nhưng tâm họ mê muội, do dự, khiếp nhược; hoặc hiểu khác đi, khó khai ngộ được.
Lại nữa Thiện Hiện, có những thiện nam trụ Đại thừa, kiếp trước tuy được nghe Bát-nhã ba-lamật-đa và đã từng thưa hỏi nghĩa lý sâu xa, hoặc một ngày cho đến mười ngày, mà không tinh tấn tu hành theo sự thuyết giảng. Nay sinh trong loài người được nghe thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, giả sử trải qua một ngày cho đến mười ngày mà tâm vững chắc, không gì hoại được, nhưng nếu lìa bỏ những điều được nghe từ Bát-nhã ba-la-mậtđa sâu xa thì tâm sinh do dự, bèn lui mất. Vì sao? Vì những thiện nam trụ Đại thừa này, bởi kiếp trước được nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa dù cũng thỉnh hỏi nghĩa lý sâu xa nhưng không tinh tấn tu hành như sự thuyết giảng nên ngay đời này nếu gặp bạn lành ân cần nhắc nhở, liền ưa nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nếu không gặp bạn lành ân cần khuyên nhủ thì chẳng ưa nghe kinh này. Đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa, những người này khi thì ưa nghe khi chẳng muốn nghe, hoặc khi thì vững vàng, hoặc khi lui mất. Tâm họ lúc khinh lúc động, tiến thoái bất thường, như cành bông vải theo gió lay chuyển. Phải biết, các thiện nam an trụ Đại thừa này, thời gian hướng tới Đại thừa chưa được bao lâu, chưa gần gũi nhiều thiện tri thức chân chánh, chưa cúng dường nhiều chư Phật Thế Tôn, chưa từng thọ trì, đọc tụng, biên chép, tư duy, giảng thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, chưa từng siêng năng tu học Bát-nhã cho đến Bố thí bala-mật-đa, nói rộng cho đến trí Nhất thiết tướng. Nên biết, các thiện nam an trụ Đại thừa này mới hướng tới Đại thừa nên ít kính tin, ưa thích đối với pháp Đại thừa. Vì chưa có khả năng biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, vì người thuyết giảng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Lại nữa Thiện Hiện, các thiện nam an trụ Đại thừa, nếu không biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, vì người khác thuyết giảng Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa. Hoặc không thể đem Bát-nhã sâu xa cho đến Bố thí ba-la-mật-đa, nói rộng cho đến trí Nhất thiết tướng giáo hóa hữu tình, thì các thiện nam an trụ Đại thừa này chẳng được sự hộ niệm của Bát-nhã cho đến Bố thí ba-la-mật-đa nói rộng cho đến trí Nhất thiết tướng. Các thiện nam an trụ Đại thừa này không thể tùy thuận tu hành Bát-nhã cho đến Bố thí ba-la-mật-đa, nói rộng cho đến trí Nhất thiết tướng. Do nguyên nhân này nên rơi vào hàng Thanh văn, hoặc bậc Độc giác. Vì sao? Vì các thiện nam an trụ Đại thừa này không thể biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy vì người khác thuyết giảng Bát-nhã ba-la-mật-đa, cũng không thể đem Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, nói rộng cho đến trí Nhất thiết tướng nhiếp thọ hữu tình. Không thể tùy thuận tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa nói rộng cho đến trí Nhất thiết tướng. Không được Bát-nhã bala-mật-đa cho đến trí Nhất thiết tướng hộ niệm. Do đó nên rơi vào hàng Thanh văn và bậc Độc giác. Thiện Hiện nên biết, như đi giữa biển cả mà thuyền bị vỡ, nếu những người trên thuyền không níu lấy cây, hoặc phao nổi, tấm ván, tử thi làm chỗ nương tựa thì nhất định những người ấy sẽ chết chìm, chẳng đến bờ được. Nếu vin lấy đồ vật bằng gỗ, phao nổi, tấm ván, tử thi làm chỗ nương tựa. Nên biết, hạng người này chắc chắn chẳng chết chìm, được an ổn vào đến bờ, không tổn không hại, hưởng được nhiều khoái lạc. Cũng vậy Thiện Hiện, các thiện nam an trụ Đại thừa tuy thành tựu phần nhỏ sự kính tin, ưa thích Đại thừa, nếu chẳng biên chép, thọ trì, đọc tụng, tư duy, tu tập, vì người mà thuyết giảng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, nói rộng cho đến kinh điển tương ưng trí Nhất thiết tướng làm chỗ nương tựa, phải biết các thiện nam an trụ Đại thừa này sẽ bị thoái thất giữa đường, không chứng được quả vị Giác ngộ cao tột, lui vào hàng Thanh văn và bậc Độc giác. Nếu các thiện nam an trụ Đại thừa này thành tựu trọn vẹn sự kính tin ưa thích Đại thừa, lại hay biên chép thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, vì người mà thuyết giảng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa nói rộng cho đến lấy kinh điển tương ưng trí Nhất thiết tướng làm chỗ nương tựa, phải biết chắc chắn các thiện nam an trụ Đại thừa này không bị rơi vào hàng Thanh văn và bậc Độc giác ở giữa đường, chắc chắn chứng quả vị Giác ngộ cao tột.
Lại nữa Thiện Hiện, như người muốn qua đồng hoang hiểm ác. Nếu không chuẩn bị lương thực và khí cụ thì không thể đến được nơi an lạc, ở giữa đường gặp nguy hiểm mất mạng. Cũng vậy Thiện Hiện, đối với quả vị Giác ngộ cao tột, nếu các thiện nam an trụ Đại thừa này có lòng tin, có an nhẫn, có tâm thanh tịnh, có ý thích thù thắng, có sự ham muốn, có thắng giải, có xả, có tinh tấn. Nếu không nhiếp thọ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa nói rộng cho đến trí Nhất thiết tướng. Phải biết các thiện nam an trụ Đại thừa này sẽ thoái thất giữa đường, không chứng được quả vị Giác ngộ cao tột, lui vào hàng Thanh văn và bậc Độc giác. Thiện Hiện nên biết, như người muốn vượt qua đồng hoang nguy hiểm, nếu biết chuẩn bị lương thực và khí cụ thì chắc chắn sẽ đến được nơi an toàn, giữa đường không gặp nguy hiểm mất mạng. Cũng vậy Thiện Hiện, đối với quả vị Giác ngộ cao tột, nếu các thiện nam trụ Đại thừa đã có lòng tin, có nhẫn, có tâm thanh tịnh, có ý thích thù thắng, có sự ham muốn, có thắng giải, có xả, có tinh tấn. Lại thường hộ trì Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa nói rộng cho đến trí Nhất thiết tướng. Phải biết, các thiện nam an trụ Đại thừa này sẽ không bị thoái thất giữa đường, vượt qua địa vị Thanh văn và bậc Độc giác, đem lại sự thành tựu cho hữu tình, làm nghiêm tịnh cõi Phật, mau chứng quả vị Giác ngộ cao tột.
Lại nữa Thiện Hiện, như có thiện nam hoặc thiện nữ mang bình bằng đất chưa nung đến sông, hoặc ao, hoặc giếng, hoặc suối, hoặc rảnh lấy nước, phải biết bình này sẽ rã nát. Vì sao? Vì bình này chưa nung chín, không thể chứa nước được, rốt cuộc cũng trở về với đất. Cũng vậy Thiện Hiện, đối với quả vị Giác ngộ cao tột, nếu thiện nam trụ Đại thừa có lòng tin, có nhẫn, có tâm thanh tịnh, có ý thích thù thắng, có sự ham muốn, có thắng giải, có xả, có tinh tấn, mà không hộ trì phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa nói rộng cho đến trí Nhất thiết tướng, nên biết thiện nam an trụ Đại thừa này sẽ thoái thất giữa đường, không chứng quả vị Giác ngộ cao tột, lại lui vào hàng Thanh văn, hoặc bậc Độc giác. Thiện Hiện nên biết, như có người nam hoặc người nữ cầm bình đã nung chín đến sông, hoặc ao, hoặc giếng, hoặc suối, hoặc khe lấy nước phải biết bình này chắc chắn không bị nát rã. Vì sao? Vì bình này đã nung chín có thể chứa đựng nước lâu bền. Cũng vậy Thiện Hiện, nếu các thiện nam trụ Đại thừa có tin, có nhẫn, có tâm thanh tịnh, có ý thích thù thắng, có sự ham muốn, có thắng giải, có xả, có tinh tấn đối với quả vị Giác ngộ cao tột. Lại thường hộ trì phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, nói rộng cho đến trí Nhất thiết tướng. Phải biết, Thiện nam an trụ Đại thừa này thường được chư Phật và Bồ-tát nâng đỡ, hộ niệm, chắc chắn không bị thoái thất giữa đường mà còn vượt qua địa vị Thanh văn và bậc Độc giác, để đem lại sự thành tựu cho hữu tình, làm nghiêm tịnh cõi Phật, mau chứng quả vị Giác ngộ cao tột.
Lại nữa Thiện Hiện, như có người buôn không có trí thông minh, ở trên bờ, thuyền chưa sửa xong, bèn mang hàng hóa chất đầy thuyền, đẩy thuyền xuống nước, vội vã khởi hành. Phải biết, thuyền đó sẽ hư chìm giữa dòng. Người, thuyền và hàng hóa mỗi thứ mỗi nơi. Người buôn không trí khôn này chết mất thân mạng, hao tốn của cải. Cũng vậy Thiện Hiện, nếu có thiện nam trụ Đại thừa có tin, có nhẫn, có tâm thanh tịnh, có vui thắng giải, có sự ham muốn, có thắng giải, có xả, có tinh tấn đối với quả vị Giác ngộ cao tột nhưng chẳng hộ trì phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, nói rộng cho đến trí Nhất thiết tướng. Phải biết, các thiện nam an trụ Đại thừa như thế sẽ thoái thất giữa đường, chết mất thân mạng, hao mất của cải. Chết thân mạng là rơi vào hàng Thanh văn và Độc giác. Mất của cải là mất quả vị Giác ngộ cao tột. Thiện Hiện nên biết, như có người buôn có trí khôn, trước hết lo sửa chữa thuyền, bè khi trên cạn rồi đẩy xuống nước, xét thấy không lỗ thủng, mới chất hàng hóa lên thuyền mà xuất hành. Phải biết thuyền này chắc chắn không hư chìm. Người và vật an ổn, đến nơi đến chốn. Như vậy Thiện Hiện, nếu các thiện nam an trụ Đại thừa có tin, có nhẫn, có tâm thanh tịnh, có ý thích thù thắng, có sự ham muốn, có thắng giải, có xả, có tinh tấn đối với quả vị Giác ngộ cao tột, lại thường hộ trì phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa nói rộng cho đến trí Nhất thiết tướng. Phải biết các thiện nam an trụ Đại thừa như thế thường được chư Phật và Bồ-tát nâng đỡ hộ niệm, giữa đường không thất bại, vượt qua bậc Thanh văn và Độc giác, đem lại sự thành tựu cho hữu tình, làm nghiêm tịnh cõi Phật, mau chứng quả vị Giác ngộ cao tột.
Lại nữa Thiện Hiện, ví như có người một trăm hai mươi tuổi, già nua lụm cụm lại thêm nhiều bệnh như bệnh gió, bệnh nóng, bệnh đàm, hoặc nhiều loại bệnh khác xen tạp. Ý ông nghĩ sao? Người già bệnh này có thể tự dậy khỏi giường chăng?
Thiện Hiện thưa:
–Bạch Thế Tôn, không!
Phật bảo:
–Thiện Hiện, giả sử người này có người dìu đỡ đứng dậy cũng không đủ sức đi được một câu-lôxá hoặc hai câu-lô-xá, ba câu-lô-xá. Vì sao? Vì quá già lại lắm bệnh. Cũng vậy Thiện Hiện, các thiện nam trụ Đại thừa tuy có tín, có nhẫn, có tâm thanh tịnh, có ý thích thù thắng, có sự ham muốn, có thắng giải, có xả, có tinh tấn đối với quả vị Giác ngộ cao tột nhưng nếu không hộ trì phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thì phải biết các thiện nam an trụ Đại thừa này sẽ thoái thất giữa đường, chẳng chứng quả vị Giác ngộ cao tột, lại lui vào hàng Thanh văn và bậc Độc giác. Vì sao? Vì không hộ trì phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, nói rộng cho đến trí Nhất thiết tướng nên chư Phật và Bồ-tát không hộ niệm. Thiện Hiện nên biết, ví như có người một trăm hai mươi tuổi già nua lụm cụm, lại thêm nhiều bệnh như bệnh gió, bệnh nhiệt, bệnh đàm và các bệnh khác xen tạp. Từ giường, người già bệnh này muốn dậy và đến chỗ khác mà không thể tự đi được. Có hai người khỏe mạnh dìu hai bên, nâng từ từ đỡ người bệnh đứng dậy, nói với người ấy: chẳng có gì khó cả, cụ muốn đi đâu hai chúng tôi sẽ đưa đến nơi, chúng tôi chẳng bỏ cụ đâu, chắc chắn sẽ tới được chỗ ấy một cách an ổn, không tổn hại gì. Cũng vậy Thiện Hiện, có thiện nam trụ Đại thừa, nếu có lòng tin, có nhẫn, có tâm thanh tịnh, có ý thích thù thắng, có sự ham muốn, có thắng giải, có xả, có tinh tấn đối với quả vị Giác ngộ cao tột. Lại thường hộ trì phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa; nói rộng cho đến trí Nhất thiết tướng. Nên biết, các thiện nam an trụ Đại thừa này chắc chắn không thất bại giữa đường, vượt qua địa vị Thanh văn và Độc giác, đem lại sự thành tựu cho hữu tình, làm nghiêm tịnh cõi Phật, mau chứng quả vị Giác ngộ cao tột. Vì sao? Vì thường hộ trì phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa nói rộng cho đến trí Nhất thiết tướng nên được chư Phật và Bồ-tát cùng nhau hộ niệm.
Bấy giờ Thiện Hiện bèn bạch Phật:
–Vì sao các thiện nam an trụ Đại thừa do chẳng hộ trì phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mậtđa sâu xa nói rộng cho đến trí Nhất thiết tướng nên rơi vào hàng Thanh văn và bậc Độc giác không chứng được quả vị Giác ngộ cao tột?
Phật bảo:
–Thiện Hiện, lành thay, lành thay! Nay ông đã hỏi Như Lai yếu nghĩa này thì hãy lắng nghe kỹ, Ta sẽ vì ông mà nói: “Có các thiện nam trụ Đại thừa, ngay từ lúc mới phát tâm đã chấp ngã và ngã sở trong khi tu hành Bố thí cho đến Bát-nhã ba-lamật-đa. Khi tu Bố thí, các thiện nam trụ Đại thừa này nghĩ: “Ta thường hành thí, ta thí vật này, người kia nhận vật của ta thí.” Khi tu Tịnh giới nghĩ như vầy: “Ta thường trì giới, ta trì giới này. Ta đủ giới này.” Khi tu An nhẫn, lại nghĩ như vầy: “Ta thường tu nhẫn. Ta nhẫn với đối tượng. Ta đầy đủ nhẫn này.” Khi tu Tinh tấn, nghĩ như vầy: “Ta thường tinh tấn. Ta vì sự tinh tấn này. Ta đầy đủ sự tinh tấn này.” Khi tu Tĩnh lự, nghĩ như vầy: “Ta thường tu định. Ta vì sự tu định này. Ta đầy đủ định này.” Khi tu Bát-nhã, khởi lên ý nghĩ: “Ta thường tu tuệ, ta vì sự tu tuệ này, ta đầy đủ tuệ này.”
Lại nữa Thiện Hiện, khi tu Bố thí, các thiện nam trụ Đại thừa này chấp có bố thí đây, chấp do bố thí này, chấp bố thí là ngã sở. Khi tu Tịnh giới, chấp có tịnh giới đây, chấp do tịnh giới này, chấp tịnh giới là ngã sở. Khi tu An nhẫn, chấp có an nhẫn đây, chấp do an nhẫn này, chấp an nhẫn là ngã sở. Khi tu Tinh tấn, chấp có tinh tấn đây, chấp do tinh tấn này, chấp tinh tấn là ngã sở. Khi tu Tĩnh lự, chấp có tĩnh lự đây, chấp do tĩnh lự này, chấp tĩnh lự là ngã sở. Khi tu Bát-nhã, chấp có Bát-nhã đây, chấp do Bát-nhã này, chấp Bát-nhã là ngã sở. Sự chấp ngã và ngã sở thường theo đuổi các thiện nam trụ Đại thừa này nên dù tu Bố thí cho đến Bátnhã ba-la-mật-đa tâm vẫn tăng trưởng sinh tử, không thể giải thoát các khổ của sinh tử... Vì sao? Vì trong sáu pháp Ba-la-mật-đa như Bố thí... không có sự phân biệt nào đáng để khởi lên chấp trước như vậy. Vì sao? Vì xa lìa bên này bên kia là tướng của sáu pháp Ba-la-mật-đa như Bố thí...
Thiện Hiện nên biết, các thiện nam trụ Đại thừa này không biết tướng bên này bên kia nên không thể hộ trì Bố thí, Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa, nói rộng cho đến trí Nhất thiết tướng. Do yếu tố này nên các thiện nam trụ Đại thừa này thoái lui vào hàng Thanh văn và bậc Độc giác, chẳng chứng được quả vị Giác ngộ cao tột.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:
–Vì sao không có phương tiện thiện xảo thì dù tu hành sáu pháp Ba-la-mật-đa mà các thiện nam trụ Đại thừa vẫn rơi vào hàng Thanh văn và bậc Độc giác, chẳng chứng quả vị Giác ngộ cao tột?
Phật bảo:
–Thiện Hiện, có những thiện nam trụ Đại thừa không có phương tiện thiện xảo từ lúc mới phát tâm, nên khi tu Bố thí lại nghĩ như vầy: “Ta năng hành bố thí, ta đủ bố thí, đây là bố thí.” Khi tu Tịnh giới, nghĩ như vầy: “Ta năng trì giới, ta đủ tịnh giới, đây là tịnh giới.” Khi tu An nhẫn, nghĩ như vầy: “Ta năng tu nhẫn, ta đủ an nhẫn, đây là an nhẫn.” Khi tu Tinh tấn, nghĩ: “Ta năng tinh tấn, ta đủ tinh tấn, đây là tinh tấn.” Khi tu Tĩnh lự, nghĩ như vầy: “Ta năng tu định, ta đủ tĩnh lự, đây là tĩnh lự.” Khi tu Bát-nhã nghĩ như vầy: “Ta năng tu tuệ, ta đủ Bát-nhã, đây là Bát-nhã.”
Lại nữa Thiện Hiện, các thiện nam trụ Đại thừa này, khi tu Bố thí, chấp có sự bố thí đây, chấp do sự bố thí này, chấp bố thí là ngã sở nên sinh buông lung kiêu mạn. Khi tu Tịnh giới, chấp có tịnh giới đây, chấp do tịnh giới này, chấp tịnh giới là ngã sở mà sinh ra buông lung kiêu mạn. Khi tu An nhẫn, chấp có an nhẫn đây, chấp do an nhẫn này, chấp an nhẫn là ngã sở mà sinh buông lung kiêu ngạo. Khi tu Tinh tấn, chấp có tinh tấn đây, chấp do tinh tấn này, chấp tinh tấn là ngã sở rồi sinh buông lung kiêu ngạo. Khi tu Tĩnh lự, chấp có tĩnh lự đây, chấp do tĩnh lự này, chấp tĩnh lự là ngã sở rồi sinh buông lung kiêu ngạo. Khi tu Bát-nhã, chấp có Bát-nhã đây, chấp do Bát-nhã này, chấp Bát-nhã là ngã sở rồi sinh buông lung kiêu ngạo. Vì các thiện nam thường chấp ngã và ngã sở theo sau nên dù tu Bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa nhưng vẫn tăng trưởng sinh tử, không thể thoát khỏi các khổ sinh... Vì sao? Vì trong sáu pháp Ba-la-mật-đa như Bố thí... không có sự phân biệt như đây, cũng chẳng phân biệt như kia. Vì sao? Vì chẳng phải đến bên này bên kia là tướng của sáu pháp Ba-la-mật-đa như Bố thí... Thiện Hiện nên biết, vì các thiện nam trụ Đại thừa này không biết tướng bên này bên kia nên không thể hộ trì Bố thí, Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa nói rộng cho đến trí Nhất thiết tướng. Do nguyên nhân này nên các thiện nam trụ Đại thừa này rơi vào hàng Thanh văn và bậc Độc giác, chẳng chứng được quả vị Giác ngộ cao tột. Như vậy Thiện Hiện, do chẳng hộ trì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa và các công đức khác, cũng chẳng hộ trì phương tiện thiện xảo nên dù các thiện nam trụ Đại thừa hành sáu pháp Bala-mật-đa mà vẫn rơi vào hàng Thanh văn và bậc Độc giác, chẳng chứng quả vị Giác ngộ cao tột.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:
–Thế nào là các thiện nam trụ Đại thừa do thường hộ trì phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa nói rộng cho đến trí Nhất thiết tướng nên không rơi vào hàng Thanh văn và bậc Độc giác lại mau chứng quả vị Giác ngộ cao tột?
Phật bảo:
–Thiện Hiện, có những thiện nam trụ Đại thừa lìa chấp ngã và ngã sở từ lúc mới phát tâm, tu hành Bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa. Khi tu Bố thí, các thiện nam trụ Đại thừa không nghĩ như vầy: “Ta năng hành bố thí, ta bố thí vật này, người kia nhận ta bố thí.” Khi tu Tịnh giới, không nghĩ: “Ta năng trì giới, ta trì giới đây, ta đủ giới này.” Khi tu An nhẫn, chẳng nghĩ: “Ta năng tu nhẫn, ta nhẫn với người kia, ta đủ nhẫn này.” Khi tu Tinh tấn, chẳng nghĩ: “Ta năng tinh tấn, ta vì sự tinh tấn này, ta đủ tinh tấn đây.” Khi tu Tĩnh lự, chẳng nghĩ: “Ta năng tu định, ta vì tu định này, ta đủ định đây.” Khi tu Bát-nhã, chẳng nghĩ: “Ta năng tu tuệ, ta vì tu tuệ đây, ta đủ tuệ này.”
Lại nữa Thiện Hiện, các thiện nam trụ Đại thừa này, khi tu Bố thí, chẳng chấp có bố thí đây, chẳng chấp do bố thí này, chẳng chấp bố thí là ngã sở. Khi tu Tịnh giới chẳng chấp có tịnh giới đây, chẳng chấp do tịnh giới này, chẳng chấp tịnh giới là ngã sở. Khi tu An nhẫn, chẳng chấp có an nhẫn đây, chẳng chấp do an nhẫn này, chẳng chấp an nhẫn là ngã sở. Khi tu Tinh tấn, chẳng chấp có tinh tấn đây, chẳng chấp do tinh tấn này, chẳng chấp tinh tấn là ngã sở. Khi tu Tĩnh lự, chẳng chấp có tĩnh lự đây, chẳng chấp do tĩnh lự này, chẳng chấp tĩnh lự là ngã sở. Khi tu Bát-nhã, chẳng chấp có Bát-nhã đây, chẳng chấp do Bát-nhã này, chẳng chấp Bát-nhã là ngã sở. Vì các thiện nam trụ Đại thừa không chấp ngã và ngã sở theo sau nên tu Bố thí cho đến Bátnhã ba-la-mật-đa làm giảm bớt sinh tử, mau giải thoát các khổ sinh tử... Vì sao? Vì trong sáu pháp Ba-la-mật-đa như Bố thí... không có sự phân biệt nào đáng khởi lên chấp trước như vậy. Vì sao? Vì xa lìa bên này bên kia là tướng của sáu pháp Bala-mật-đa như Bố thí... Thiện Hiện nên biết, các thiện nam trụ Đại thừa này khéo biết tướng bên này bên kia, nên thường hộ trì sáu pháp Ba-la-mật-đa như Bố thí... nói rộng cho đến trí Nhất thiết tướng. Do nguyên nhân này nên các thiện nam trụ Đại thừa này không rơi vào hàng Thanh văn và bậc Độc giác, mau chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:
–Vì sao các thiện nam trụ Đại thừa có phương tiện thiện xảo nên tu hành sáu pháp Ba-la-mật-đa chẳng rơi vào hàng Thanh văn và bậc Độc giác, lại mau chứng quả vị Giác ngộ cao tột?
Phật bảo:
–Thiện Hiện, có những thiện nam trụ Đại thừa có phương tiện thiện xảo từ lúc mới phát tâm, nên khi tu Bố thí chẳng nghĩ: “Ta năng hành thí, ta đủ sự bố thí, đây là bố thí.” Khi tu Tịnh giới, chẳng nghĩ: “Ta năng trì giới, ta đủ tịnh giới, đây là tịnh giới.” Khi tu An nhẫn chẳng nghĩ: “Ta năng tu nhẫn, ta đủ an nhẫn, đây là an nhẫn.” Khi tu Tinh tấn, chẳng nghĩ: “Ta năng tinh tấn, ta đủ tinh tấn, đây là tinh tấn.” Khi tu Tĩnh lự chẳng nghĩ: “Ta năng tu định, ta đủ tĩnh lự, đây là tĩnh lự.” Khi tu Bát-nhã, chẳng nghĩ: “Ta năng tu tuệ, ta đủ Bátnhã, đây là Bát-nhã.”
Lại nữa Thiện Hiện, các thiện nam trụ Đại thừa này, khi tu Bố thí chẳng chấp có bố thí đây, chẳng chấp do bố thí này, chẳng chấp bố thí là ngã sở nên chẳng sinh buông lung kiêu mạn. Khi tu Tịnh giới, chẳng chấp có tịnh giới đây, chẳng chấp do tịnh giới này, chẳng chấp tịnh giới là ngã sở nên chẳng sinh buông lung kiêu mạn. Khi tu An nhẫn, chẳng chấp có an nhẫn đây, chẳng chấp do an nhẫn này, chẳng chấp an nhẫn là ngã sở nên chẳng sinh buông lung kiêu mạn. Khi tu Tinh tấn, chẳng chấp có tinh tấn đây, chẳng chấp do tinh tấn này, chẳng chấp tinh tấn là ngã sở nên chẳng sinh buông lung kiêu mạn. Khi tu Tĩnh lự, chẳng chấp có tĩnh lự đây, chẳng chấp do tĩnh lự này, chẳng chấp tĩnh lự là ngã sở nên chẳng sinh buông lung kiêu mạn. Khi tu Bát-nhã, chẳng chấp có Bát-nhã đây, chẳng chấp do Bát-nhã này, chẳng chấp Bát-nhã là ngã sở nên chẳng sinh buông lung kiêu mạn. Các thiện nam này không đeo theo chấp ngã, ngã sở nên khi tu Bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa đã giảm bớt sinh tử, mau được giải thoát các khổ sinh tử... Vì sao? Vì trong sáu pháp Ba-la-mật-đa như Bố thí... không có sự phân biệt như đây, cũng chẳng như kia đã phân biệt. Vì sao? Vì đạt đến bên này, bên kia chẳng phải là tướng của sáu pháp Ba-la-mật-đa như Bố thí...
Thiện Hiện nên biết, các thiện nam trụ Đại thừa này khéo biết tướng bên này bên kia, nên hộ trì sáu pháp Ba-la-mật-đa như Bố thí... nói rộng cho đến trí Nhất thiết tướng. Do nhân duyên này các thiện nam trụ Đại thừa này chẳng rơi vào hàng Thanh văn và bậc Độc giác, mau chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột.
Như vậy Thiện Hiện, các thiện nam an trụ Đại thừa nhờ thường hộ trì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa và các công đức khác, cũng thường hộ trì phương tiện thiện xảo khi tu hành sáu pháp Ba-lamật-đa nên chẳng rơi vào hàng Thanh văn và bậc Độc giác, mau chứng quả vị Giác ngộ cao tột.
[Mục lục bộ Bát-nhã][220][221][222][223][224][225][226][227][228][229][230][231][232][233][234][235][236][237][238][239][240][241][242][243][244][245][246][247][248][249][250][251][252][253][254][255][256][257][258][259][260][261]