SỐ 220
KINH ĐẠI BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA
HỘI THỨ III
Phẩm 2: Xá-lợi tử
(QUYỂN 479 - 482)
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.
Bấy giờ, Thế Tôn biết các thế giới như Trời, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, các Đại Bồ-tát kế thừa ngôi vị Thế Tôn, ngoài ra còn có tất cả các hàng Nhân phi nhân … có duyên với pháp đều đến hội họp, Ngài liền nói với Cụ thọ Xá-lợi Tử:
–Đại Bồ-tát nếu muốn biết rõ các tướng của tất cả pháp thì nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Nghe Phật nói như vậy, Xá-lợi Tử chắp tay cung kính thưa:
–Bạch Thế Tôn, thế nào là Đại Bồ-tát muốn biết rõ các tướng của tất cả pháp phải học Bát-nhã ba-la-mật-đa?
Phật dạy Cụ thọ Xá-lợi Tử:
–Các Đại Bồ-tát lấy không trụ làm phương tiện để an trụ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa, vì chủ thể trụ và đối tượng trụ đều chẳng thể nắm bắt được.
Nên lấy không xả làm phương tiện để viên mãn Bố thí ba-la-mật-đa, vì người cho và người nhận chẳng thể nắm bắt được.
Nên lấy không hộ trì làm phương tiện để viên mãn Tịnh giới ba-la-mật-đa vì tướng phạm hay không phạm đều chẳng thể nắm bắt được.
Nên lấy không chấp giữ làm phương tiện để viên mãn An nhẫn ba-la-mật-đa, vì tướng động hay không động đều chẳng thể nắm bắt được.
Nên lấy không sách tấn mà làm phương tiện để viên mãn Tinh tấn ba-la-mật-đa, vì thân tâm siêng năng hay giải đãi đều chẳng thể nắm bắt được.
Nên lấy không suy nghĩ làm phương tiện để viên mãn Tĩnh lự ba-la-mật-đa, vì có vị ngọt hay không có vị ngọt đều chẳng thể nắm bắt được.
Nên lấy không chấp làm phương tiện để viên mãn Bát-nhã ba-la-mật-đa, vì tánh tướng của có hay không có đều chẳng thể nắm bắt được.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, các Đại Bồ-tát an trụ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa lấy vô sở đắc làm phương tiện.
Nên tu bốn Niệm trụ, bốn Chánh đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy chi Đẳng giác, tám chi Thánh đạo.
Nên tu pháp môn giải thoát Không, pháp môn giải thoát Vô tướng, pháp môn giải thoát Vô nguyện.
Nên tu bốn Tĩnh lự, bốn Vô lượng, bốn Định vô sắc.
Nên tu tám Giải thoát, chín Định thứ đệ.
Nên tu chín tưởng. Thế nào là chín? Nghĩa là: Tưởng phình trướng, tưởng nát rã, tưởng đỏ bầm, tưởng xanh bầm, tưởng mổ ăn, tưởng chia lìa, tưởng hài cốt, tưởng thiêu đốt, tưởng hư hoại.
Nên tu mười tùy niệm. Thế nào là mười? Nghĩa là: Tùy niệm Phật, tùy niệm Pháp, tùy niệm Tăng, tùy niệm giới, tùy niệm xả, tùy niệm thiên, tùy niệm hơi thở ra vào, tùy niệm nhàm chán, tùy niệm chết, tùy niệm thân…
Nên học mười thứ tưởng. Thế nào là mười? Nghĩa là: Tưởng vô thường, tưởng khổ, tưởng vô ngã, tưởng bất tịnh, tưởng chết, tưởng tất cả thế gian không đáng ưa thích, tưởng nhàm chán ăn uống, tưởng đoạn, tưởng xa lìa, tưởng diệt.
Nên tu mười một trí. Thế nào là mười một? Nghĩa là: Khổ trí, Tập trí, Diệt trí, Đạo trí, Tận trí, Vô sinh trí, Pháp trí, Loại trí, Thế tục trí, Tha tâm trí, Như thuyết trí.
Nên tu Tam-ma-địa có tầm, có tứ. Tam-ma-địa không tầm, có tứ. Tam-ma-địa không tầm, không tứ.
Nên tu vị tri đương tri căn, dĩ tri căn và cụ tri căn.
Nên tu quán bất tịnh xứ, quán biến xứ, trí Nhất thiết trí.
Nên tu Xa-ma-tha và Tỳ-bát-xá-na.
Nên tu ba minh, bốn sự hiểu biết thông suốt, bốn điều không sợ.
Nên tu không thoái chuyển năm Thần thông.
Nên tu sáu pháp Ba-la-mật-đa, bảy Thánh tài, tám điều giác ngộ của bậc Đại sĩ, trí chín cõi hữu tình.
Nên tu mười lực của Như Lai, mười tám pháp Phật bất cộng.
Nên tu đại Từ, đại Bi, đại Hỷ, đại Xả.
Nên tu trí Nhất thiết tướng vi diệu… vô lượng, vô biên chẳng thể nghĩ bàn công đức của chư Phật, vì tất cả pháp như vậy đều chẳng thể nắm bắt được. Lại nữa này Xá-lợi Tử, Đại Bồ-tát muốn mau chứng đắc trí Nhất thiết trí, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa; muốn mau viên mãn trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng, trí Nhất thiết hữu tình tâm hành tướng, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Muốn nhổ sạch tất cả tập khí, phiền não, phải học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Muốn nhập vào vị Chánh quyết định của Bồtát, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Muốn vượt lên những địa của Thanh văn, Độc giác, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Muốn trụ vào địa Bồ-tát không thoái chuyển, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Muốn đạt được sáu phép thần thông thù thắng, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Muốn biết tâm hành của tất cả hữu tình thay đổi sai khác, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Muốn vượt qua tác dụng trí tuệ của tất cả Thanh văn, Độc giác nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Muốn chứng tất cả pháp môn Đà-la-ni, tất cả pháp môn Tam-ma-địa, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Muốn dùng nhất tâm tùy hỷ để vượt hơn sự bố thí của Thanh văn, Độc giác nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Muốn dùng nhất niệm tùy hỷ để vượt qua tất cả tịnh giới của Thanh văn, Độc giác, nên học Bátnhã ba-la-mật-đa.
Muốn dùng nhất niệm tùy hỷ để vượt qua tất cả định, tuệ giải thoát, giải thoát tri kiến của Thanh văn, Độc giác, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Muốn dùng nhất niệm tùy hỷ để vượt qua thiền định, giải thoát, đẳng trì… cho đến các pháp lành của Thanh văn, Độc giác, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Muốn dùng pháp lành tu trong một niệm để vượt qua các pháp lành của tất cả phàm phu, Thanh văn, Độc giác, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Muốn hành chút phần nhỏ về Bố thí, Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bát-nhã và vì các hữu tình mà dùng phương tiện thiện xảo bình đẳng hồi hướng về trí Nhất thiết trí để được vô lượng, vô số công đức nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, Đại Bồ-tát muốn tu Bố thí, Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa, mau được viên mãn xa lìa các chướng ngại, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Muốn được đời đời thường thấy chư Phật, luôn nghe chánh pháp, được Phật giác ngộ, được Phật nhớ nghĩ, truyền trao, dạy bảo, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Muốn được như thân Phật trang nghiêm, đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Muốn sinh và ngôi nhà Phật ở địa vị đồng chân, không bao giờ xa lìa chư Phật, Bồ-tát, nên học Bátnhã ba-la-mật-đa.
Muốn dùng những căn lực thắng thiện, tùy ý đem những vật cúng dường thượng hạng, đến cúng dường, cung kính, tôn trọng, khen ngợi tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, để những căn lành mau được viên mãn, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Muốn cho tất cả hữu tình được mãn nguyện nhu cầu như: ăn uống, y phục, giường chiếu, mền mùng, thuốc thang trị bệnh; những loại hương hoa, đèn đuốc, xe cộ, vườn rừng, nhà cửa, của cải, trân bảo, đồ trang sức, kỹ nhạc và những vật dụng ưa thích thượng diệu mà những vì vua thường sử dụng cho đến các pháp lành vi diệu của thế gian và xuất thế gian, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, Đại Bồ-tát nào muốn an lập tất cả hữu tình trong tận hư không giới, pháp giới thế giới để được an trụ vào Bố thí, Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa và vô biên pháp lành thù thắng khác, nên học Bátnhã ba-la-mật-đa.
Muốn đạt được công đức, khi phát sinh một tâm niệm thiện cho đến ngồi tòa Bồ-đề diệu mầu, chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột cũng không cùng tận, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Muốn được tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và các Đại Bồ-tát trong thế giới chư Phật ở mười phương khen ngợi, hộ niệm, ban cho sức lực, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Muốn một khi phát tâm, thì có thể đến khắp hằng hà sa thế giới để cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và chúng Đại Bồ-tát, làm lợi ích an lạc cho tất cả hữu tình, thì nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Muốn dùng một âm thanh, có thể vang khắp hằng hà sa thế giới trong mười phương để khen ngợi chư Phật, giáo hóa hữu tình, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Muốn kế thừa hạt giống Tam bảo để không bị đoạn tuyệt, làm lợi ích an lạc cho tất cả hữu tình, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, Đại Bồ-tát nào muốn thông đạt pháp không bên trong, pháp không bên ngoài, pháp không cả trong ngoài, pháp không không, pháp không lớn, pháp không thắng nghĩa, pháp không hữu vi, pháp không vô vi, pháp không rốt ráo, pháp không không biên giới, pháp không tản mạn chẳng đổi khác, pháp không bản tánh, pháp không tự tướng cộng tướng, pháp không nơi tất cả pháp, pháp không chẳng thể nắm bắt được, pháp không không tánh, pháp không tự tánh, pháp không không tánh tự tánh cho đến sở duyên không, tăng thượng duyên không… vô không… nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Đại Bồ-tát muốn thông đạt tất cả pháp, chân như, pháp giới, pháp tánh, tánh không hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sinh, pháp định, pháp trụ, thật tế, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Đại Bồ-tát muốn biết tất cả đại địa hư không trong thế giới ba lần ngàn, như núi, biển, sông, ao, hồ, đầm, rạch, khe, hang, đất, nước, lửa, gió… cho đến các loại rất nhỏ, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa. Thấy kiếp hỏa thiêu, cháy khắp thế giới ba lần ngàn, làm cho trời đất đỏ rực. Đại Bồ-tát muốn thổi để dập tắt, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Thấy kiếp gió nổi lên, làm cho thế giới ba lần ngàn rớt xuống chỗ luân phong, gặp gió thổi vọt lên, khiến cho núi Tô-mê-lô, núi Luân vi,… và tất cả những vật trong thế giới ba lần ngàn vụn nát, rơi như lá mục. Đại Bồ-tát muốn dùng ngón tay ngăn cản sức gió ấy dừng lại, không nổi dậy nữa, thì nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Đại Bồ-tát muốn ở trong thế giới ba lần ngàn, một khi ngồi kiết già thì đầy khắp hư không, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Đại Bồ-tát, lấy một sợi lông, cột giữ núi Tômê-lô, núi Luân vi,… và tất cả vật trong thế giới ba lần ngàn, ném qua vô số, vô lượng, vô biên thế giới khác mà không làm tổn hại hữu tình nào trong đó, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Đại Bồ-tát muốn dùng một bữa ăn, một chút hương thơm, một cành hoa, một vòng hoa, một chiếc áo, một cái phướn, một cái lọng, một ngọn đèn,… làm những vật cúng dường; đem cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen tất cả hằng hà sa Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và đệ tử của các Ngài trong mười phương đều được đầy đủ, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Đại Bồ-tát muốn an lập tất cả hằng hà sa các loài hữu tình trong mười phương thu vào giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn, giải thoát uẩn, giải thoát tri kiến uẩn; hoặc trụ vào quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Độc giác Bồ-đề cho đến khi họ có thể nhập vào cảnh giới Vô dư y Niết-bàn, hoàn toàn an lạc, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, nếu Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể biết như thật mà tu hành bố thí thì được quả báo lớn. Nghĩa là biết như thật bố thí như vậy sẽ được sinh vào dòng dõi lớn Sát-đế-lợi. Bố thí như vậy được sinh vào dòng dõi lớn Bà-la-môn. Bố thí như vậy được sinh vào dòng dõi lớn Trưởng giả. Bố thí như vậy được sinh vào dòng dõi lớn Cư sĩ.
Lại nữa, biết như thật là bố thí như vậy sẽ được sinh lên cõi trời Tứ đại Thiên vương. Bố thí như vậy được sinh lên tầng trời Ba mươi ba. Bố thí như vậy được sinh lên cõi trời Dạ-ma. Bố thí như vậy được sinh lên cõi trời Đổ-sử-đa. Bố thí như vậy được sinh lên cõi trời Lạc biến hóa. Bố thí như vậy được sinh lên cõi trời Tha hóa tự tại.
Lại nữa, biết như thật là nương nhờ bố thí này mà chứng được Sơ thiền, hoặc thiền thứ hai, hoặc thiền thứ ba, hoặc thiền thứ tư. Lại nữa, như thật tri nương nhờ bố thí này mà chứng định Không vô biên xứ, hoặc định Thức vô biên xứ, hoặc định Vô sở hữu xứ, hoặc định Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
Lại nữa, biết như thật là nương nhờ Bố thí này mà phát sinh ba mươi bảy pháp phần Bồ-đề, do đó mà chứng được quả Dự lưu, hoặc quả Nhất lai, hoặc quả Bất hoàn, hoặc quả A-la-hán, hoặc quả Độc giác Bồ-đề, hoặc chứng quả vị Giác ngộ cao tột.
Nếu biết như thật mà tu hành Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bát-nhã thì cũng được quả báo lớn như vậy.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, nếu Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, có thể biết như thật là Bố thí như vậy làm phương tiện thiện xảo để viên mãn Bố thí ba-la-mật-đa. Bố thí như vậy là phương tiện thiện xảo để viên mãn Tịnh giới ba-la-mật-đa. Bố thí như vậy là phương tiện thiện xảo để viên mãn An nhẫn ba-la-mật-đa. Bố thí như vậy là phương tiện thiện xảo để viên mãn Tinh tấn ba-la-mật-đa. Bố thí như vậy là phương tiện thiện xảo để viên mãn Tĩnh lự ba-la-mật-đa. Bố thí như vậy là phương tiện thiện xảo để viên mãn Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Lại nữa, biết như thật về Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bát-nhã như thế là phương tiện thiện xảo đều có thể viên mãn sáu pháp Ba-la-mậtđa.
Khi ấy, Xá-lợi Tử bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, vì sao Đại Bồ-tát tu hành Bátnhã ba-la-mật-đa, có thể biết như thật là bố thí như vậy làm phương tiện thiện xảo để viên mãn Bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa. Có thể biết như thật là Tịnh giới cho đến Bát-nhã như vậy làm phương tiện thiện xảo để có thể thành tựu viên mãn Tịnh giới cho đến Tĩnh lự ba-la-mật-đa.
Phật dạy Xá-lợi Tử:
–Này Xá-lợi Tử, vì lấy vô sở đắc làm phương tiện; nghĩa là Đại Bồ-tát khi hành bố thí, thông đạt rõ ràng tất cả tướng người cho, người nhận, vật cho là chẳng thể nắm bắt được; cho nên có thể thành tựu viên mãn Bố thí ba-la-mật-đa. Tướng phạm, tướng không phạm là chẳng thể nắm bắt được; nên có thể thành tựu viên mãn Tịnh giới ba-la-mật-đa. Tướng động hay tướng không động đều chẳng thể nắm bắt được; nên có thể thành tựu viên mãn An nhẫn ba-la-mật-đa. Thân tâm siêng năng hay biếng nhác đều chẳng thể nắm bắt được; nên có thể viên mãn Tinh tấn ba-la-mật-đa. Bị loạn hay không loạn, đều chẳng thể nắm bắt được; nên có thể viên mãn Tĩnh lự ba-la-mật-đa. Tánh tướng của các pháp đều chẳng thể nắm bắt được; nên có thể viên mãn Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Này Xá-lợi Tử, đó là Đại Bồ-tát khi hành Bố thí làm phương tiện thiện xảo nên có thể viên mãn sáu pháp Ba-la-mật-đa.
Như vậy, này Xá-lợi Tử, Đại Bồ-tát khi hành Tịnh giới cho đến khi tu hành Bát-nhã làm phương tiện thiện xảo đều có thể thành tựu viên mãn sáu pháp Ba-la-mật-đa.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, Đại Bồ-tát nếu muốn được công đức thù thắng của Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác trong quá khứ, vị lai, hiện tại, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Đại Bồ-tát, muốn thông đạt các pháp hữu vi, vô vi; thành tựu rốt ráo đến bờ bên kia, nên học Bátnhã ba-la-mật-đa.
Đại Bồ-tát, muốn thông đạt các pháp, chân như, pháp giới, pháp tánh, không sinh, thật tế trong quá khứ, vị lai, hiện tại, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Đại Bồ-tát, nếu muốn làm người dẫn đầu cho Thanh văn, Độc giác, nên học Bát-nhã ba-la-mậtđa.
Đại Bồ-tát, muốn làm người thị giả gần gũi chư Phật, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Đại Bồ-tát, muốn là người trong dòng quyến thuộc với chư Phật, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa. Nếu Đại Bồ-tát muốn đời đời có nhiều quyến thuộc vĩ đại, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Nếu Đại Bồ-tát muốn thường được làm quyến thuộc với Bồ-tát, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Nếu Đại Bồ-tát làm ruộng phước chân chánh, thanh tịnh cho thế gian, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Nếu Đại Bồ-tát muốn chiến thắng tâm xan tham, thôi bỏ tâm phạm giới, dứt bỏ tâm xan giận, xả bỏ tâm biếng nhác, làm yên tịnh tâm tán loạn, gạt bỏ tâm ác tuệ thì nên học Bát-nhã ba-la-mậtđa.
Nếu Đại Bồ-tát, an lập tất cả hữu tình, một cách chu đáo, vào việc phước nghiệp của tánh bố thí, việc phước nghiệp của tánh trì giới, việc phước nghiệp của tánh tu hành, việc phước nghiệp của tánh cúng dường và y vào các việc phước nghiệp đó thì nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, nếu Đại Bồ-tát muốn được năm loại mắt thì năm loại mắt đó là gì? Nghĩa là Nhục nhãn, Thiên nhãn, Tuệ nhãn, Pháp nhãn, Phật nhãn, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Đại Bồ-tát muốn dùng Thiên nhãn, thấy tất cả thân tướng tốt đẹp của chư Phật, trong hằng hà sa thế giới của mười phương, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Đại Bồ-tát muốn dùng Thiên nhĩ nghe pháp giải thoát mà chư Phật trong hằng hà sa thế giới ở mười phương nói; thì nên học Bát-nhã ba-la-mậtđa.
Nếu Đại Bồ-tát muốn biết như thật về tâm và tâm sở pháp của tất cả Như Lai trong hằng hà sa thế giới ở mười phương, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Đại Bồ-tát muốn được nghe chư Phật trong mười phương thế giới nói pháp cho đến khi chứng quả vị Giác ngộ cao tột, không bao giờ gián đoạn, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Nếu Đại Bồ-tát thấy tất cả quốc độ trong mười phương chư Phật ở quá khứ, vị lai, hiện tại, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Đại Bồ-tát, muốn đối với các kinh mà mười phương chư Phật trong quá khứ, hiện tại, vị lai nói, như Khế kinh, Ứng tụng, Thọ ký, Phúng tụng, Tự thuyết, Nhân duyên, Bản sự, Bản sinh, Phương quảng, Hy pháp, Thí dụ, Luận nghị, mà chư Thanh văn chưa từng được nghe, đều có thể thọ trì, thông lợi rốt ráo, thì nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Đối với tất cả pháp môn mà mười phương chư Phật ở quá khứ, hiện tại, vị lai nói, Đại Bồ-tát muốn tự thọ trì, hoàn toàn thông suốt, theo đó mà tu hành; lại như thật mà nói rõ, khuyến khích người khác tu hành thì nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Đối với hằng hà sa thế giới tối tăm trong mười phương, hoặc trong thế giới không có ánh sáng mặt trời, mặt trăng; Đại Bồ-tát muốn làm ánh sáng sáng tỏ cho những nơi đó thì nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Nếu Đại Bồ-tát muốn tất cả chúng sinh trong hằng hà sa vô lượng thế giới khắp mười phương bị tà kiến; không nghe danh hiệu Phật, danh hiệu Pháp, danh hiệu Tăng; không tin nhân quả mà có thể giáo hóa, hướng dẫn để họ phát sinh chánh kiến, nghe tên Tam bảo, tin sâu nhân quả; thì nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Đối với hằng hà sa thế giới hữu tình trong mười phương; Đại Bồ-tát muốn dùng oai lực của mình làm cho người mù được thấy, người điếc được nghe, người câm được nói, người điên được nhớ, người loạn được định, người nghèo được giàu, người rách rưới được mặc quần áo, người đói được ăn, người khát được uống, người bệnh được lành, người xấu được đẹp đẽ, người tàn tật được đầy đủ, người thiếu căn được trọn vẹn, người chết giấc được tỉnh lại, người mệt mỏi được thư thái; tất cả hữu tình đều đem lòng Từ đối xử với nhau; người đọa vào đường ác được sinh vào cõi lành, người tập theo nghiệp ác được tu sửa lại nghiệp thiện, những người phạm giới được trụ trong giới uẩn, người chưa đạt định thì được an trú trong định uẩn, người có ác tuệ thì được an trú trong tuệ uẩn, người không giải thoát được an trú trong giải thoát uẩn, người không giải thoát tri kiến thì an trú trong giải thoát tri kiến uẩn, người chưa Kiến đế thì được chứng quả Dự lưu hoặc quả Nhất lai, hoặc quả Bất hoàn, hoặc quả A-la-hán, hoặc Độc giác Bồ-đề thì nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Nếu Đại Bồ-tát muốn học oai nghi thù thắng của Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, khiến cho các hữu tình nhìn thấy không chán, mà bỏ ác tu thiện, thì nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, nếu Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa mà nghĩ như vầy: “Khi nào ta mới được giống như bậc long tượng, với thái độ ung dung đàng hoàng khi nhìn, khi im lặng; khi thuyết pháp cho đại chúng, thân, ngữ, ý nghiệp theo trí tuệ tu hành đều được thanh tịnh, khi đi kinh hành chân không đạp đất, cách chừng bốn ngón tay…?” Muốn được những việc ấy, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Đại Bồ-tát, tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa mà nghĩ rằng: “Khi nào ta được vô lượng trăm ngàn câu-chi na-do-đa, trời Tứ đại Thiên vương, trời Ba mươi ba, trời Dạ-ma, trời Đổ-sử-đa, trời Lạc biến hóa, trời Tha hóa tự tại, trời Phạm chúng, trời Phạm phụ, trời Phạm hội, trời Đại phạm, trời Quang, trời Thiểu quang, trời Vô lượng quang, trời Cực quang tịnh, trời Tịnh, trời Thiểu tịnh, trời Vô lượng tịnh, trời Biến tịnh, trời Quảng, trời Thiểu quang, trời Vô lượng quảng, trời Quảng quả, trời Vô phiền, trời Vô nhiệt, trời Thiện hiện, trời Thiện kiến, trời Sắc cứu cánh cùng nhau đi đến gốc cây Bồ-đề; chúng trời đó đem áo trời làm tòa ngồi, ta ngồi kiết già trên tòa ấy; tay được trang sức những tướng tốt đẹp rồi vỗ xuống đại địa, làm cho thần đất và quyến thuộc của họ cùng một lúc vọt lên, chiến thắng quân ma oán, được chánh đắc quả vị Giác ngộ cao tột. Từ đó về sau, khi ta đi, hoặc đứng, hoặc nằm, hoặc ngồi thì đất chỗ đó đều là kim cang.” Muốn thành tựu những việc đó, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Nếu Đại Bồ-tát khi tu hành Bát-nhã ba-la-mậtđa, suy nghĩ như vầy: “Khi nào ta được bỏ về nhà để xuất gia thì ngày đó chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột và cũng ngày ấy cùng chuyển bánh xe diệu pháp, làm cho vô lượng, vô số hữu tình xa lìa trần cấu, sinh Pháp nhãn thanh tịnh; lại khiến cho vô lượng, vô số hữu tình, diệt sạch các lậu, tâm tuệ hoàn toàn giải thoát; cũng làm cho vô lượng, vô số hữu tình, đối với quả vị Giác ngộ cao tột không bị thoái chuyển.” Muốn thành tựu những việc đó, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Nếu Đại Bồ-tát, tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, nghĩ như vầy: “Khi nào ta chứng quả vị Giác ngộ cao tột, có vô lượng, vô số Thanh văn, Bồ-tát làm chứng đệ tử. Một khi ta nói pháp, khiến cho vô lượng, vô số hữu tình chứng A-la-hán ngay tại chỗ, lại khiến cho vô lượng, vô số hữu tình ngay chỗ ngồi đối với quả vị Giác ngộ cao tột không bị thoái chuyển.” Muốn thành tựu như vậy, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Nếu Đại Bồ-tát, khi tu hành Bát-nhã ba-la-mậtđa, suy nghĩ như vầy: “Khi nào ta được sống lâu vô tận, được trang sức bằng vô biên ánh sáng tướng tốt, người thấy không chán? Khi đi, mặc dầu có ngàn cánh hoa sen nâng đỡ chân, nhưng khiến trên đất lại hiện lên bánh xe ngàn căm; khi kinh hành mỗi bước đi làm cho đại địa chấn động, nhưng không quấy nhiễu hữu tình ở trên đất; khi muốn quay nhìn thì toàn thân đều chuyển theo, nơi mà chân đạp lên đều là Kim cang, giống như bánh xe di chuyển theo đất. Những chi tiết của toàn thân, đều phóng ra ánh sáng chiếu khắp vô biên thế giới trong mười phương, chiếu đến chỗ nào thì làm cho hữu tình nơi ấy được lợi ích hơn.” Muốn thành tựu những việc như vậy, nên học Bát-nhã ba-la-mậtđa.
Nếu Đại Bồ-tát, khi tu hành Bát-nhã ba-la-mậtđa, suy nghĩ như vầy: “Khi nào chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột, nguyện ở chỗ nào cũng đều không có tên của tham dục, sân giận, ngu si… Hữu tình cõi đó hoàn toàn được trí tuệ sáng suốt; nhờ năng lực trí tuệ đó, mà luôn suy nghĩ đến Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, xa lìa các phóng dật, siêng năng tấn tu phạm hạnh, Từ, Bi, Hỷ, Xả; không xúc não đến hữu tình; giống như cõi Phật khác, há không tốt thay, việc giáo hóa đã chu tất, sau khi nhập Niết-bàn, chánh pháp không có thời kỳ diệt tận, luôn làm lợi ích lớn cho các hữu tình.” Muốn thành tựu những việc như vậy, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Nếu Đại Bồ-tát, khi tu hành Bát-nhã ba-la-mậtđa, suy nghĩ như vầy: “Khi nào chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột, nguyện cho tất cả các hữu tình trong vô lượng hằng hà sa thế giới ở mười phương; ai nghe đến tên ta, đều được chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột.” Muốn thành tựu những việc như vậy, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Này Xá-lợi Tử, các Đại Bồ-tát muốn được vô lượng, vô biên công đức thù thắng này, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, Đại Bồ-tát tu hành Bátnhã ba-la-mật-đa đã phát sinh những công đức như vậy thì khi ấy, Tứ đại Thiên vương trong thế giới ba lần ngàn, vui mừng khôn xiết, suy nghĩ như vầy: “Hôm nay, chúng ta nên đem bốn cái bát để cúng dường vị Bồ-tát này, giống như xưa kia Thiên vương đã dâng cúng bát cho Đức Phật trước.”
Lúc đó, thế giới ba lần ngàn, cõi trời Ba mươi ba, trời Dạ-ma, trời Đổ-sử-đa, trời Lạc biến hóa, trời Tha hóa tự tại sung sướng vui mừng, suy nghĩ như vầy: “Chúng ta hãy cung cấp, hầu hạ, cúng dường vị Bồ-tát ấy, để bè đảng hung ác của A-tốlạc bị tổn giảm, làm cho quyến thuộc của chư Thiên được tăng trưởng lợi ích.”
Lúc đó, thế giới ba lần ngàn, từ trời Phạm chúng cho đến trời Đại phạm; trời Quang cho đến trời Cực quang tịnh; trời Tịnh cho đến trời Biến tịnh; trời Quảng cho đến trời Quảng quả; trời Vô phiền cho đến trời Sắc cứu cánh đều vui mừng phấn khởi, tư duy như vầy: “Chúng ta nên thỉnh Bồ-tát này mau chứng quả vị Giác ngộ cao tột, chuyển Diệu pháp luân để làm lợi ích cho tất cả.”
Lại nữa này Xá-lợi Tử, nếu Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa làm tăng trưởng Bố thí, Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa và các pháp lành khác, thì các thiện nam, thiện nữ... ở thế giới kia vui mừng khôn xiết, suy nghĩ như vầy: “Chúng ta xem vị Bồ-tát đó như là cha mẹ, anh em, vợ con, quyến thuộc, tri thức, bạn lành của ta.”
Khi ấy, trời Tứ đại Thiên vương ở thế giới đó cho đến trời Tha hóa tự tại; từ trời Phạm chúng cho đến trời Đại phạm; trời Quang cho đến trời Cực quang tịnh; trời Tịnh cho đến trời Biến tịnh; trời Quảng cho đến trời Quảng quả; trời Vô phiền cho đến trời Sắc cứu cánh… tất cả đều vui mừng sung sướng, suy nghĩ như vầy: “Chúng ta nên bày mọi phương tiện để vị Bồ-tát ấy lìa bỏ pháp dâm dục, từ lúc mới phát tâm cho đến chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột, luôn tu hành phạm hạnh. Đối với pháp thuận lợi không sinh lòng đắm nhiễm. Vì sao? Vì tu hành như vậy chẳng phải phạm hạnh, sinh vào Phạm thiên còn bị chướng ngại thì làm sao chứng quả vị Giác ngộ cao tột. Cho nên Đại Bồ-tát đoạn dục, xuất gia, tu phạm hạnh, có thể chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột. Ngoài ra, không xuất gia mà tu hành thì chẳng phải là phạm hạnh.” Bấy giờ, Xá-lợi Tử bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, các Đại Bồ-tát phải nhất thiết là có cha mẹ, vợ con, người thân, bè bạn sao?
Đức Phật dạy:
–Này Xá-lợi Tử, có Bồ-tát đầy đủ cha mẹ, vợ con, quyến thuộc mà vẫn tu hạnh Đại Bồ-tát; cũng có Bồ-tát không có vợ con; từ lúc mới phát tâm cho đến khi thành Phật, luôn tu phạm hạnh, không làm mất đi bản chất đồng chân; cũng có Bồ-tát dùng phương tiện thiện xảo, ban đầu thị hiện, hưởng thọ năm cảnh dục lạc, sau đó mới chán bỏ, siêng năng tu phạm hạnh, mới chứng quả vị Giác ngộ cao tột. Này Xá-lợi Tử, giống như thầy ảo thuật hoặc đệ tử của ông ta, ảo thuật rất giỏi, có thể hóa làm đủ loại vui của năm dục, rồi trong năm dục huyễn hóa đó, tha hồ hưởng thọ khoái lạc. Ý ông thế nào? Những gì mà người ảo thuật làm ra là có thật không?
Xá-lợi Tử thưa:
–Bạch Thế Tôn, không!
Phật dạy:
–Này Xá-lợi Tử, Đại Bồ-tát cũng vậy, dùng phương tiện thiện xảo là để thành tựu các hữu tình, nên thị hiện thọ năm dục nhưng thật không bị nhiễm. Vì sao? Vì đối với năm dục, Đại Bồ-tát rất nhàm chán, không bị tội lỗi của năm dục làm ô uế, mà còn dùng vô lượng cách để quở trách, chê bai các dục, lại nghĩ như vầy: “Năm dục giống như lửa dữ, dục như phân dơ, dục như kẻ đồ tể, dục như oán thù, dục như binh khí độc, dục như giếng sâu.” Này Xá-lợi Tử, các Đại Bồ-tát dùng vô lượng cách chê bai, quở trách các dục như vậy, lẽ nào có các dục chân thật để mà hưởng thọ; đó chỉ là phương tiện; để làm lợi ích các hữu tình, mà khiến có những việc hóa hiện lợi lạc như vậy.
Bấy giờ, Xá-lợi Tử bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, các Đại Bồ-tát nên hành Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế nào?
Phật dạy:
–Này Xá-lợi Tử, các Đại Bồ-tát khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa nên quán như vầy: “Thật có Bồ-tát nhưng không thấy có Bồ-tát, không thấy tên của Bồ-tát, không thấy Bát-nhã ba-la-mật-đa, không thấy tên của Bát-nhã ba-la-mật-đa, không thấy hành, không thấy không hành. Vì sao? Này Xá-lợi Tử, vì tự tánh của Bồ-tát là không, tên của Bồ-tát là không. Vì sao? Tự tánh của sắc là không, vì chẳng do không. Tự tánh của thọ, tưởng, hành, thức là không, vì chẳng do không. Không của sắc chẳng phải là sắc; không của thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải thọ, tưởng, hành, thức. Sắc chẳng lìa không, không chẳng lìa sắc. Thọ, tưởng, hành, thức chẳng lìa không; không chẳng lìa thọ, tưởng, hành, thức. Sắc tức là không, không tức là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức tức là không; không tức là thọ, tưởng, hành, thức.”
Vì sao? Này Xá-lợi Tử, đây chỉ có tên gọi là Bồ-đề, đây chỉ có tên gọi là Tát-đỏa, đây chỉ có tên gọi là Bồ-tát, đây chỉ có tên gọi đó là không. Như vậy, tự tánh không sinh, không diệt, không nhiễm, không tịnh. Các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như vậy thì không thấy sinh, không thấy diệt, không thấy nhiễm, không thấy tịnh. Vì sao? Này Xá-lợi Tử, đó chỉ là các tên khách giả lập ra để phân biệt riêng các pháp. Do có sự phân biệt, mượn lập ra cái tên, nên theo đó mà nói. Giống như theo lời nói như vậy, như vậy rồi sinh tâm chấp trước. Các Đại Bồ-tát khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, đối với tất cả đều không thấy có cái tên chung và tên riêng, do không thấy, nên không bị chấp trước.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, Đại Bồ-tát khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa nên quán như vầy: “Bồ-tát chỉ có cái tên, Phật chỉ có cái tên, Bát-nhã ba-la-mật-đa chỉ có cái tên, sắc chỉ có cái tên; thọ, tưởng, hành, thức chỉ có cái tên, tất cả pháp chỉ có cái tên.” Này Xá-lợi Tử, giống như ngã, chỉ có cái tên gọi đó là ngã, nhưng thật ra chẳng thể nắm bắt được. Như vậy, hữu tình, dòng sinh mạng, sự sinh khởi, sự dưỡng dục, sự trưởng thành, chủ thể luân hồi, nói rộng cho đến cái biết, cái thấy cũng chỉ có cái tên; nghĩa là từ loài hữu tình cho đến người thấy, thật chẳng thể nắm bắt được; vì chẳng thể nắm bắt được là không. Nó chỉ theo thế tục để mượn, mà lập ra cái tên khách. Các pháp cũng vậy, không nên chấp trước. Cho nên, Đại Bồ-tát khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, không thấy có ngã cho đến cái thấy, cũng không thấy có tánh của tất cả pháp.
Này Xá-lợi Tử, Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa như vậy, ngoài trí tuệ của Phật ra, thì trí tuệ của tất cả Thanh văn, Độc giác không thể nào sánh kịp. Vì sao? Vì đối với tên mà được gọi đó, Đại Bồ-tát đều chẳng thể nắm bắt được; do không quán thấy, nên không chấp trước.
Này Xá-lợi Tử, nếu Đại Bồ-tát có thể tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như vậy, thì gọi là khéo hành thiện vào Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Này Xá-lợi Tử, giả sử các đại Thanh văn, các ông trong châu Thiệm-bộ có trí tuệ nhiều như tre, cỏ, lúa, gạo, mía, gai... so với trí tuệ của Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thì trăm phần không bằng một, ngàn phần không bằng một, trăm ngàn phần không bằng một. Số phần, toán phần cho đến Ô-ba-ni-sát-đàm phần (phần cực số) cũng không bằng một. Vì sao? Này Xá-lợi Tử, vì trí tuệ của Đại Bồ-tát đó có thể làm cho tất cả hữu tình trong mười phương hướng đến Niết-bàn.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, một Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa với trí tuệ tu trong một ngày thì trí tuệ của tất cả Thanh văn, Độc giác không thể sánh kịp.
Này Xá-lợi Tử, gác châu Thiệm-bộ qua một bên; giả sử trí tuệ của các đại Thanh văn các ông khắp cả bốn đại châu nhiều như tre, cỏ, lúa, gạo, mía, gai... so với trí tuệ của Đại Bồ-tát tu hành Bátnhã ba-la-mật-đa thì trăm phần không bằng một, ngàn phần không bằng một, trăm ngàn phần không bằng một. Số phần, toán phần cho đến Ô-ba-ni-sátđàm phần cũng không bằng một. Vì sao? Này Xálợi Tử, vì tất cả trí tuệ của Đại Bồ-tát ấy, có thể khiến cho tất cả hữu tình trong mười phương hướng đến Niết-bàn.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, một Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa với trí tuệ tu trong một ngày, thì trí tuệ của tất cả Thanh văn, Độc giác không thể sánh kịp.
Này Xá-lợi Tử, gác bốn đại châu qua một bên; giả sử trí tuệ của các đại Thanh văn các ông khắp cả một thế giới ba lần ngàn nhiều như tre, cỏ, lúa, gạo, mía, gai... so với trí tuệ của Bồ-tát tu hành Bátnhã ba-la-mật-đa, thì trăm phần không bằng một, ngàn phần không bằng một, trăm ngàn phần không bằng một. Số phần, toán phần cho đến Ô-ba-ni-sátđàm phần cũng không bằng một. Vì sao? Này Xálợi Tử, vì tất cả trí tuệ của Đại Bồ-tát ấy, có thể khiến cho tất cả hữu tình trong mười phương hướng đến Niết-bàn.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, một Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa với trí tuệ tu trong một ngày; thì trí tuệ của tất cả Thanh văn, Độc giác cũng không thể sánh kịp.
Này Xá-lợi Tử, gác một thế giới ba lần ngàn qua một bên; giả sử trí tuệ của các đại Thanh văn các ông khắp trong hằng hà sa thế giới chư Phật trong mười phương; nhiều như tre, cỏ, lúa, gạo, mía, gai... so với trí tuệ của Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, thì trăm phần không bằng một, ngàn phần không bằng một, trăm ngàn phần không bằng một. Số phần, toán phần cho đến Ô-ba-ni-sát-đàm phần cũng không bằng một. Vì sao? Này Xá-lợi Tử, vì tất cả trí tuệ của Đại Bồ-tát ấy, có thể khiến cho tất cả hữu tình trong mười phương hướng đến Niết-bàn.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, một Đại Bồ-tát, tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, đối với trí tuệ tu trong một ngày, thì trí tuệ của tất cả Thanh văn, Độc giác không thể sánh kịp.
Bấy giờ, Xá-lợi Tử bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, tất cả trí tuệ của Thanh văn thừa, Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, tất cả trí tuệ của Độc giác thừa, tất cả trí tuệ của Đại Bồtát; tất cả trí tuệ của chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác; tất cả trí tuệ trên, đều không sai khác, không chống trái nhau, không sinh, không diệt, tự tánh nó đều không. Nếu pháp không sai biệt, không chống trái nhau, không sinh, không diệt, tự tánh đều không thì lý của pháp sai biệt ấy chẳng thể nắm bắt được. Vậy, vì sao Đức Thế Tôn nói trí tuệ của tất cả Thanh văn, Độc giác không thể sánh bằng trí tuệ của một Đại Bồ-tát tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa trong một ngày?
Phật dạy:
–Này Xá-lợi Tử, ý ông thế nào? Trí tuệ được tu tập và sự nghiệp làm ra trong một ngày, của một Đại Bồ-tát, tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, so với trí tuệ của tất cả Thanh văn, Độc giác có tác dụng như vậy không?
Xá-lợi Tử thưa:
–Bạch Thế Tôn, không!
Phật dạy tiếp:
–Này Xá-lợi Tử, ý ông thế nào? Trí tuệ được tu tập trong một ngày của một Đại Bồ-tát, tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, có thể phát sinh đầy đủ trí Nhất thiết tướng vi diệu, trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng; làm lợi ích an lạc cho tất cả hữu tình và giác ngộ tất cả tướng của tất cả pháp; dùng phương tiện lập ra cảnh giới Vô dư y Niết-bàn cho tất cả hữu tình, thì đối với trí tuệ của Thanh văn, Độc giác có tác dụng như vậy không?
Xá-lợi Tử thưa:
–Bạch Thế Tôn, không!
Phật dạy tiếp:
–Này Xá-lợi Tử, ý ông thế nào? Tất cả Thanh văn và Độc giác có suy nghĩ như vầy: “Ta chứng quả vị Giác ngộ cao tột, rồi dùng phương tiện an lập cảnh giới Vô dư y Niết-bàn cho tất cả hữu tình.” Suy nghĩ như vậy được không?
Xá-lợi Tử thưa:
–Bạch Thế Tôn, không!
Phật dạy tiếp:
–Này Xá-lợi Tử, ý ông thế nào? Tất cả Thanh văn và Độc giác có suy nghĩ như vầy: “Ta sẽ tu hành Bố thí, Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa để đem lại sự thành tựu cho hữu tình, làm nghiêm tịnh cõi Phật, viên mãn mười lực của Phật, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, mười tám pháp Phật bất cộng, chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột, rồi dùng phương tiện an lập vô lượng, vô biên, vô số hữu tình vào cảnh giới Vô dư y Niết-bàn.” Suy nghĩ như vậy có được không?
Xá-lợi Tử thưa:
–Bạch Thế Tôn, không!
Phật dạy:
–Này Xá-lợi Tử, các Đại Bồ-tát tu hành Bátnhã ba-la-mật-đa, đều nghĩ như vầy: “Ta sẽ tu hành Bố thí, Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bátnhã ba-la-mật-đa để đem lại sự thành tựu cho hữu tình, làm nghiêm tịnh cõi Phật, viên mãn mười lực của Phật, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, mười tám pháp Phật bất cộng, chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột, rồi dùng phương tiện an lập vô lượng, vô số, vô biên hữu tình ở cảnh giới Vô dư y Niết-bàn.”
Này Xá-lợi Tử, giống như con đom đóm không thể nghĩ: “Ánh sáng của ta có thể làm ánh sáng lớn chiếu khắp châu Thiệm-bộ.” Thanh văn, Độc giác cũng vậy, chưa từng nhất tâm khó có thể nghĩ như vầy: “Ta tu sáu pháp Ba-la-mật-đa để đem lại sự thành tựu cho hữu tình, làm nghiêm tịnh cõi Phật, viên mãn mười lực của Phật, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, mười tám pháp Phật bất cộng, chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột, dùng phương tiện an lập vô lượng, vô số, vô biên hữu tình ở cảnh giới Vô dư y Niết-bàn!
Này Xá-lợi Tử, ví như mặt trời có ánh sáng rực rỡ, vừa mới mọc liền chiếu khắp châu Thiệm-bộ; Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng vậy, đều nghĩ như vầy: “Ta tu sáu pháp Ba-la-mật-đa, để đem lại sự thành tựu cho hữu tình, làm nghiêm tịnh cõi Phật, viên mãn mười lực của Phật, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, mười tám pháp Phật bất cộng, chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột, dùng phương tiện an lập vô lượng, vô số, vô biên hữu tình vào cảnh giới Vô dư y Niết-bàn.” Bấy giờ Xá-lợi Tử bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, vì sao Đại Bồ-tát có thể vượt qua các địa vị Thanh văn, Độc giác...? Có thể chứng đắc địa vị Bồ-tát không thoái chuyển, làm thanh tịnh đạo Bồ-đề?
Phật dạy:
–Này Xá-lợi Tử, từ khi mới phát tâm tu hành sáu pháp Ba-la-mật-đa, Đại Bồ-tát luôn trụ vào pháp Không, Vô tướng, Vô nguyện; nên vượt qua địa vị Thanh văn, Độc giác; có thể chứng đắc địa vị Bồ-tát không thoái chuyển, làm thanh tịnh đạo Bồ-đề.
Khi ấy, Xá-lợi Tử thưa tiếp:
–Bạch Thế Tôn, các Đại Bồ-tát trụ vào những địa vị nào mà có thể làm ruộng phước chân tịnh cho tất cả Thanh văn, Độc giác?
Phật dạy:
–Này Xá-lợi Tử, từ khi mới phát tâm tu hành sáu pháp Ba-la-mật-đa cho đến lúc ngồi tòa Bồ-đề; các Đại Bồ-tát thường làm ruộng phước chân tịnh cho tất cả Thanh văn, Độc giác. Vì sao? Này Xálợi Tử, vì nương dựa vào các Đại Bồ-tát, mà tất cả các pháp lành xuất hiện ở thế gian. Đó là tất cả mười nẻo nghiệp thiện, năm giới Cận sự, tám giới Cận trụ, bốn Tĩnh lự, bốn Vô lượng, bốn Định vô sắc, bốn trí Thánh đế, bốn Niệm trụ, bốn Chánh đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy chi Đẳng giác, tám chi Thánh đạo, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, mười lực của Như Lai, sáu pháp Ba-la-mật-đa, mười tám pháp Phật bất cộng; tất cả vô lượng, vô số, vô biên pháp lành như vậy, xuất hiện ra thế gian. Nhờ các pháp lành của Đại Bồ-tát ấy, mà thế gian có dòng dõi lớn Sát-đếlợi, dòng dõi lớn Bà-la-môn, dòng dõi lớn Trưởng giả, dòng dõi lớn Cư sĩ, trời Tứ đại Thiên vương cho đến trời Tha hóa tự tại, trời Phạm chúng cho đến trời Đại phạm, trời Quang cho đến trời Cực quang tịnh, trời Tịnh cho đến trời Biến tịnh, trời Quảng cho đến trời Quảng quả, trời Vô tưởng hữu tình, trời Vô phiền cho đến trời Sắc cứu cánh, trời Không vô biên xứ cho đến trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ xuất hiện ra nơi đời. Lại nhờ các pháp lành của Bồ-tát nên có Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Độc giác, Đại Bồ-tát và chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác xuất hiện trên thế gian.
Bấy giờ, Xá-lợi Tử bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, các Đại Bồ-tát có cần làm thanh tịnh ruộng phước cho tự thân nữa không? Phật dạy:
–Này Xá-lợi Tử, các Đại Bồ-tát không cần làm thanh tịnh ruộng phước cho tự thân nữa. Vì sao? Vì đã hoàn toàn thanh tịnh rồi. Nghĩa là thế nào? Này Xá-lợi Tử, vì các Đại Bồ-tát là đại thí chủ, bố thí cho các hữu tình rất nhiều pháp lành, thuộc thế gian và xuất thế gian, như: Bố thí cho hữu tình mười nẻo nghiệp thiện, năm giới Cận sự, tám giới Cận trụ, bốn Tĩnh lự, bốn Vô lượng, bốn Định vô sắc, bốn trí Thánh đế, bốn Niệm trụ, bốn Chánh đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy chi Đẳng giác, tám chi Thánh đạo, mười lực của Như Lai, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, sáu pháp Ba-la-mật-đa, mười tám pháp Phật bất cộng... Bố thí vô lượng, vô biên pháp lành như vậy, nên nói Bồ-tát là đại thí chủ. Do đây mà Bồtát đã làm thanh tịnh ruộng phước tự thân rồi và còn phát triển vô lượng phước đức tích tụ ở thế gian nữa.
Khi ấy, Xá-lợi Tử bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, các Đại Bồ-tát phải tương ưng với những pháp nào mà nói tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa?
Phật dạy:
–Này Xá-lợi Tử, các Đại Bồ-tát vì tương ưng với sắc không, nên nói là tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì tương ưng với thọ, tưởng, hành, thức không, nên nói là tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Các Đại Bồ-tát vì tương ưng với nhãn xứ không, nên nói là tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì tương ưng với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ không, nên nói là tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Các Đại Bồ-tát vì tương ưng với sắc xứ không, nên nói là tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì tương ưng với thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ không, nên nói là tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Các Đại Bồ-tát vì tương ưng với nhãn giới không, nên nói là tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì tương ưng với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới không, nên nói là tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Các Đại Bồ-tát vì tương ưng với sắc giới không, nên nói là tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì tương ưng với thanh, hương, vị, xúc, pháp giới không, nên nói là tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Các Đại Bồ-tát vì tương ưng với nhãn thức giới không, nên nói là tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì tương ưng với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới không, nên nói là tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Các Đại Bồ-tát vì tương ưng với Thánh đế khổ không, nên nói là tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì tương ưng với Thánh đế tập, diệt, đạo không, nên nói là tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Các Đại Bồ-tát vì tương ưng với vô minh không, nên nói là tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì tương ưng với hành, thức, danh sắc, lục xứ, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử, sầu bi khổ ưu não không, nên nói là tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Các Đại Bồ-tát vì tương ưng với tất cả pháp không, nên nói là tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì tương ưng với pháp hữu vi, pháp vô vi không, nên nói là tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Các Đại Bồ-tát vì tương ưng với bản tánh không, nên nói là tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Này Xá-lợi Tử, các Đại Bồ-tát vì tương ưng với bảy pháp không như vậy nên nói là tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Này Xá-lợi Tử, các Đại Bồ-tát khi tương ưng với bảy pháp không như vậy mà không thấy sắc có tương ưng hay không tương ưng; không thấy thọ, tưởng, hành, thức có tương ưng hay không tương ưng.
Không thấy sắc là pháp sinh hay pháp diệt; không thấy thọ, tưởng, hành, thức là pháp sinh hay pháp diệt.
Không thấy sắc là pháp nhiễm hay pháp tịnh; không thấy thọ, tưởng, hành, thức là pháp nhiễm hay pháp tịnh.
Không thấy sắc hợp với thọ, không thấy thọ hợp với tưởng, không thấy tưởng hợp với hành, không thấy hành hợp với thức.
Vì sao? Này Xá-lợi Tử, không có một pháp nhỏ nào mà hợp với pháp, vì bản tánh của tất cả pháp đều không.
Này Xá-lợi Tử, các sắc không, chẳng phải là sắc; các thọ, tưởng, hành, thức không, chẳng phải là thọ, tưởng, hành, thức. Vì sao? Này Xá-lợi Tử, các sắc không, chẳng phải là tướng biến đổi và ngăn ngại; các thọ không, chẳng phải là tướng lãnh nạp; các tưởng không, chẳng phải là tướng nắm giữ tưởng tượng; các hành không, chẳng phải là tướng tạo tác; các thức không, chẳng phải là tướng riêng biệt.
Vì sao vậy? Này Xá-lợi Tử, sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc. Sắc tức là không, không tức là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy.
Này Xá-lợi Tử, tướng không của các pháp ấy không sinh, không diệt, không nhiễm, không tịnh, không tăng, không giảm; chẳng phải quá khứ, chẳng phải vị lai, chẳng phải hiện tại. Như vậy trong cái không đó, không có sắc; không có thọ, tưởng, hành, thức. Không có nhãn xứ; không có nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ. Không có sắc xứ; không có thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ. Không có địa giới; không có thủy, hỏa, phong, không, thức giới. Không có nhãn giới; không có nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới. Không có sắc giới; không có thanh, hương, vị, xúc, pháp giới. Không có nhãn thức giới; không có nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới. Không có vô minh, cũng không có vô minh diệt. Không có hành, thức, danh sắc, lục xứ, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử, cũng không có hành cho đến lão tử diệt. Không có Thánh đế khổ, không có Thánh đế tập, diệt, đạo. Không có đắc, không có hiện quán. Không có Dự lưu, không có quả Dự lưu. Không có Nhất lai, không có quả Nhất lai. Không có Bất hoàn, không có quả Bất hoàn. Không có A-la-hán, không có quả A-la-hán. Không có Độc giác, không có Độc giác Bồ-đề. Không có Bồ-tát, không có hạnh của Bồ-tát. Không có Như Lai Chánh Đẳng Giác, không có quả vị Giác ngộ cao tột.
Này Xá-lợi Tử, vì Đại Bồ-tát tương ưng với pháp như vậy, nên nói là tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, không thấy Bố thí ba-la-mật-đa có tương ưng hay không tương ưng; không thấy Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa có tương ưng hay không tương ưng.
Không thấy sắc có tương ưng hay không tương ưng; không thấy thọ, tưởng, hành, thức có tương ưng hay không tương ưng.
Không thấy nhãn xứ có tương ưng hay không tương ưng; không thấy nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ có tương ưng hay không tương ưng.
Không thấy sắc xứ có tương ưng hay không tương ưng; không thấy thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ có tương ưng hay không tương ưng.
Không thấy nhãn giới có tương ưng hay không tương ưng; không thấy nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới có tương ưng hay không tương ưng.
Không thấy sắc giới có tương ưng hay không tương ưng; không thấy thanh, hương, vị, xúc, pháp giới có tương ưng hay không tương ưng.
Không thấy nhãn thức giới có tương ưng hay không tương ưng; không thấy nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới có tương ưng hay không tương ưng.
Không thấy Thánh đế khổ có tương ưng hay không tương ưng; không thấy Thánh đế tập, diệt, đạo có tương ưng hay không tương ưng.
Không thấy vô minh có tương ưng hay không tương ưng; không thấy hành, thức, danh sắc, lục xứ, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử có tương ưng hay không tương ưng.
Không thấy bốn Niệm trụ có tương ưng hay không tương ưng; không thấy bốn Chánh đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy chi Đẳng giác, tám chi Thánh đạo có tương ưng hay không tương ưng.
Không thấy sáu phép thần thông có tương ưng hay không tương ưng.
Không thấy mười lực của Như Lai có tương ưng hay không tương ưng.
Không thấy bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, mười tám pháp Phật bất cộng có tương ưng hay không tương ưng.
Không thấy trí Nhất thiết tướng vi diệu có tương ưng hay không tương ưng; không thấy trí Nhất thiết trí có tương ưng hay không tương ưng.
Này Xá-lợi Tử, vì các Đại Bồ-tát tu hành Bátnhã ba-la-mật-đa, tương ưng với những pháp như vậy, nên nói là tương ưng với Bát-nhã ba-la-mậtđa.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, không quán Không hợp với Không, cũng không tương ưng với không; không quán Vô tướng hợp với Vô tướng, cũng không tương ưng với Vô tướng; không quán Vô nguyện hợp với Vô nguyện, cũng không tương ưng với Vô nguyện. Vì sao? Này Xá-lợi Tử, vì Không, Vô tướng, Vô nguyện không hợp, không phải không hợp, cũng không tương ưng, chẳng phải không tương ưng.
Này Xá-lợi Tử, các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, tương ưng với pháp như vậy, nên nói là tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, đã nhập vào tự tướng không của tất cả pháp, không quán sắc là hợp hay tan; không quán thọ, tưởng, hành, thức là hợp hay tan.
Không quán sắc hợp hay tan với khoảng trước. Vì sao? Vì không thấy khoảng trước. Không quán sắc là hợp hay tan với khoảng sau. Vì sao? Vì không thấy khoảng sau. Không quán sắc hợp hay tan với khoảng giữa. Vì sao? Vì không thấy khoảng giữa.
Không quán thọ, tưởng, hành, thức hợp hay tan với khoảng trước. Vì sao? Vì không thấy khoảng trước. Không quán thọ, tưởng, hành, thức hợp hay tan với khoảng sau. Vì sao? Vì không thấy khoảng sau. Không quán thọ, tưởng, hành, thức hợp hay tan ở khoảng giữa. Vì sao? Vì không thấy khoảng giữa.
Này Xá-lợi Tử, các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, tương ưng với pháp như vậy, nên nói là tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, các Đại Bồ-tát không quán khoảng trước hợp hay tan với khoảng sau; không quán khoảng trước hợp hay tan với khoảng giữa; không quán khoảng sau hợp hay tan với khoảng trước; không quán khoảng sau hợp hay tan với khoảng giữa; không quán khoảng giữa hợp hay tan với khoảng trước; không quán khoảng giữa hợp hay tan với khoảng sau; không quán khoảng trước hợp hay tan với khoảng sau, khoảng giữa; không quán khoảng sau hợp hay tan với khoảng trước, khoảng giữa; không quán khoảng giữa hợp hay tan với khoảng trước, khoảng sau; không quán khoảng trước, khoảng sau, khoảng giữa hợp hay tan. Vì sao? Vì ba đời đều không.
Này Xá-lợi Tử, các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, tương ưng với pháp như vậy, nên nói là tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, không quán trí Nhất thiết hợp hay tan với quá khứ. Vì sao? Vì quá khứ còn không thấy còn không thấy, thì làm sao quán trí Nhất thiết hợp hay tan với quá khứ! Không quán trí Nhất thiết hợp hay tan với vị lai. Vì sao? Vì vị lai còn không thấy, làm sao quán trí Nhất thiết hợp hay tan với vị lai. Không quán trí Nhất thiết hợp hay tan với hiện tại. Vì sao? Vì hiện tại còn không thấy, làm sao quán trí Nhất thiết hợp hay tan với hiện tại.
Không quán trí Nhất thiết hợp hay tan với sắc. Vì sao? Vì sắc còn không thấy, làm sao quán trí Nhất thiết hợp hay tan với sắc. Không quán trí Nhất thiết hợp hay tan với thọ, tưởng, hành, thức. Vì sao? Vì thọ, tưởng, hành, thức còn không thấy, làm sao quán trí Nhất thiết hợp hay tan với thọ, tưởng, hành, thức.
Không quán trí Nhất thiết hợp hay tan với nhãn xứ. Vì sao? Vì nhãn xứ còn không thấy, làm sao quán trí Nhất thiết hợp hay tan với nhãn xứ. Không quán trí Nhất thiết hợp hay tan với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ. Vì sao? Vì nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ còn không thấy, làm sao quán trí Nhất thiết hợp hay tan với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ.
Không quán trí Nhất thiết hợp hay tan với sắc xứ. Vì sao? Vì sắc xứ còn không thấy, làm sao quán trí Nhất thiết hợp hay tan với sắc xứ. Không quán trí Nhất thiết hợp hay tan với thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ. Vì sao? Vì thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ còn không thấy, làm sao quán trí Nhất thiết hợp hay tan với thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ.
Không quán trí Nhất thiết hợp hay tan với nhãn giới. Vì sao? Vì nhãn giới còn không thấy, làm sao quán trí Nhất thiết hợp hay tan với nhãn giới. Không quán trí Nhất thiết hợp hay tan với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới. Vì sao? Vì nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới còn không thấy, làm sao quán trí Nhất thiết hợp hay tan với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới.
Không quán trí Nhất thiết hợp hay tan với sắc giới. Vì sao? Vì sắc giới còn không thấy, làm sao quán trí Nhất thiết hợp hay tan với sắc giới. Không quán trí Nhất thiết hợp hay tan với thanh, hương, vị, xúc, pháp giới. Vì sao? Vì thanh, hương, vị, xúc, pháp giới còn không thấy, làm sao quán trí Nhất thiết hợp hay tan với thanh, hương, vị, xúc, pháp giới.
Không quán trí Nhất thiết hợp hay tan với nhãn thức giới. Vì sao? Vì nhãn thức giới còn không thấy còn không thấy, thì làm sao quán trí Nhất thiết hợp hay tan với nhãn thức giới. Không quán trí Nhất thiết hợp hay tan với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới. Vì sao? Vì nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới còn không thấy, thì làm sao quán trí Nhất thiết hợp hay tan với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới.
Không quán trí Nhất thiết hợp hay tan với Thánh đế khổ. Vì sao? Vì Thánh đế khổ còn không thấy còn không thấy, thì làm sao quán trí Nhất thiết hợp hay tan với Thánh đế khổ. Không quán trí Nhất thiết hợp hay tan với Thánh đế tập, diệt, đạo. Vì sao? Vì Thánh đế tập, diệt, đạo còn không thấy còn không thấy, thì làm sao quán trí Nhất thiết hợp hay tan với Thánh đế tập, diệt, đạo.
Không quán trí Nhất thiết hợp hay tan với vô minh. Vì sao? Vì vô minh còn không thấy còn không thấy, thì làm sao quán trí Nhất thiết hợp hay tan với vô minh. Không quán trí Nhất thiết hợp hay tan với hành, thức, danh sắc, lục xứ, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử. Vì sao? Vì hành... cho đến lão tử còn không thấy còn không thấy, thì làm sao quán trí Nhất thiết hợp hay tan với hành... cho đến lão tử.
Không quán trí Nhất thiết hợp hay tan với Bố thí ba-la-mật-đa. Vì sao? Vì Bố thí ba-la-mật-đa còn không thấy, thì làm sao quán trí Nhất thiết hợp hay tan với Bố thí ba-la-mật-đa. Không quán trí Nhất thiết hợp hay tan với Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì sao? Vì Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa còn không thấy, thì làm sao quán trí Nhất thiết hợp hay tan với Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Không quán trí Nhất thiết hợp hay tan với bốn Niệm trụ. Vì sao? Vì bốn Niệm trụ còn không thấy, thì làm sao quán trí Nhất thiết hợp hay tan với bốn Niệm trụ. Không quán trí Nhất thiết hợp hay tan với bốn Chánh đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy chi Đẳng giác, tám chi Thánh đạo. Vì sao? Vì bốn Chánh đoạn cho đến tám chi Thánh đạo còn không thấy, thì làm sao quán trí Nhất thiết hợp hay tan với bốn Chánh đoạn cho đến tám chi Thánh đạo.
Không quán trí Nhất thiết hợp hay tan với năm loại mắt. Vì sao? Vì năm loại mắt còn không thấy, thì làm sao quán trí Nhất thiết hợp hay tan với năm loại mắt. Không quán trí Nhất thiết hợp hay tan với sáu phép thần thông. Vì sao? Vì sáu phép thần thông còn không thấy, thì làm sao quán trí Nhất thiết hợp hay tan với sáu phép thần thông.
Không quán trí Nhất thiết hợp hay tan với mười lực của Phật. Vì sao? Vì mười lực của Phật; thì làm sao quán trí Nhất thiết hợp hay tan với mười lực của Phật. Không quán trí Nhất thiết hợp hay tan với bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, mười tám pháp Phật bất cộng. Vì sao? Vì bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, mười tám pháp Phật bất cộng; thì làm sao quán trí Nhất thiết hợp hay tan với bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, mười tám pháp Phật bất cộng.
Không quán trí Nhất thiết hợp hay tan với Phật, cũng không quán Phật hợp hay tan với trí Nhất thiết. Vì sao? Vì trí Nhất thiết tức là Phật, Phật là trí Nhất thiết. Không quán trí Nhất thiết hợp hay tan với Bồ-đề, cũng không quán Bồ-đề hợp hay tan với trí Nhất thiết. Vì sao? Vì trí Nhất thiết tức là Bồ-đề, Bồ-đề tức là trí Nhất thiết.
Này Xá-lợi Tử, các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, tương ưng với pháp như vậy, nên nói là tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, không chấp trước sắc là có hay chẳng có; không chấp trước thọ, tưởng, hành, thức là có hay chẳng có. Không chấp trước sắc là thường hay vô thường; không chấp trước thọ, tưởng, hành, thức là thường hay vô thường. Không chấp trước sắc là vui hay khổ; không chấp trước thọ, tưởng, hành, thức là vui hay khổ. Không chấp trước sắc là ngã hay vô ngã; không chấp trước thọ, tưởng, hành, thức là ngã hay vô ngã. Không chấp trước sắc là tịch tĩnh hay không tịch tĩnh; không chấp trước thọ, tưởng, hành, thức là tịch tĩnh hay không tịch tĩnh. Không chấp trước sắc là không hay bất không; không chấp trước thọ, tưởng, hành, thức là không hay bất không. Không chấp trước sắc là hữu tướng hay vô tướng; không chấp trước thọ, tưởng, hành, thức là hữu tướng hay vô tướng. Không chấp trước sắc là hữu nguyện hay vô nguyện; không chấp trước thọ, tưởng, hành, thức là hữu nguyện hay vô nguyện.
Này Xá-lợi Tử, vì các Đại Bồ-tát tu hành Bátnhã ba-la-mật-đa, tương ưng với pháp như vậy, nên nói là tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, không nghĩ rằng: “Ta hành Bát-nhã ba-la-mật-đa”; không nghĩ rằng: “Ta không hành Bát-nhã ba-la-mật-đa”; không nghĩ rằng: “Ta hành hoặc không hành Bát-nhã ba-la-mật-đa”; không nghĩ rằng: “Ta chẳng hành, cũng chẳng phải không hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.”
Này Xá-lợi Tử, các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, tương ưng với pháp như vậy, nên nói là tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, các Đại Bồ-tát khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa không vì Bố thí ba-la-mật-đa mà tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa; không vì Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa mà tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Không vì nhập vào Chánh quyết định của Bồ-tát mà tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa; không vì đắc địa vị Bồ-tát không thoái chuyển mà tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Không vì thành tựu các hữu tình mà tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa; không vì trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật mà tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Không vì bốn Niệm trụ mà tu hành Bátnhã ba-la-mật-đa; không vì bốn Chánh đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy chi Đẳng giác, tám chi Thánh đạo mà tu hành Bát-nhã ba-la-mậtđa. Không vì mười lực của Phật mà tu hành Bátnhã ba-la-mật-đa; không vì bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, mười tám pháp Phật bất cộng mà tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Không vì pháp không bên trong mà tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa; không vì pháp không bên ngoài, pháp không cả trong ngoài, pháp không không, pháp không lớn, pháp không thắng nghĩa, pháp không hữu vi, pháp không vô vi, pháp không rốt ráo, pháp không không biên giới, pháp không tản mạn chẳng đổi khác, pháp không bản tánh, pháp không tự tướng cộng tướng, pháp không nơi tất cả pháp, pháp không chẳng thể nắm bắt được, pháp không không tánh, pháp không tự tánh, pháp không không tánh tự tánh mà tu hành Bát-nhã ba-la-mậtđa. Không vì chân như mà tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa; không vì pháp giới, pháp tánh, thật tế mà tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì sao? Này Xá-lợi Tử, các Đại Bồ-tát khi tu hành Bát-nhã ba-la-mậtđa vì không thấy sự sai khác của các pháp tánh.
Này Xá-lợi Tử, các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, tương ưng với pháp như vậy, nên nói là tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa; không vì Thiên nhãn trí chứng thông mà tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa; không vì Thiên nhĩ, Tha tâm, Túc trú tùy niệm, Thần cảnh, Lậu tận, trí chứng thông mà tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì sao? Này Xá-lợi Tử, vì khi các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa; không thấy Bát-nhã ba-la-mật-đa, thì làm sao thấy sáu phép thần thông của Bồ-tát và chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác.
Này Xá-lợi Tử, các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, tương ưng với pháp như vậy, nên nói là tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, không nghĩ rằng: “Ta dùng Thiên nhãn trí chứng thông mà quán khắp tất cả hữu tình chết đây, sinh kia; có từng phẩm loại khác nhau, trong hằng hà sa thế giới, chư Phật khắp mười phương.” Không nghĩ rằng: “Ta dùng Thiên nhĩ trí chứng thông để nghe những âm thanh riêng biệt của tất cả hữu tình trong hằng hà sa thế giới khắp cả mười phương.” Không nghĩ rằng: “Ta dùng Tha tâm trí chứng thông để biết những ý nghĩ sai khác thuộc tâm và tâm sở của tất cả hữu tình trong hằng hà sa thế giới chư Phật ở mười phương.” Không nghĩ rằng: “Ta dùng Túc trụ tùy niệm trí chứng thông để nhớ kiếp trước sai khác của tất cả hữu tình trong hằng hà sa thế giới chư Phật ở mười phương.” Không nghĩ rằng: “Ta dùng Thần cảnh trí chứng thông để giảng nói chánh pháp cho các hữu tình trong hằng hà sa thế giới chư Phật ở mười phương.” Không nghĩ rằng: “Ta dùng Lậu tận trí chứng thông để biết rõ tất cả hữu tình trong hằng hà sa thế giới chư Phật ở mười phương, lậu đã tận hay chưa tận.”
Này Xá-lợi Tử, các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, tương ưng với pháp như vậy, nên nói là tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, Đại Bồ-tát tu hành Bátnhã ba-la-mật-đa, khi đã tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa thì hay dùng phương tiện thiện xảo để có thể an lập vô lượng, vô số, vô biên hữu tình, vào cảnh giới Vô dư y Niết-bàn; làm cho tất cả ác ma và quyến thuộc của chúng không làm hại được. Tất cả phiền não đều được diệt trừ, mong muốn những việc ở đời, đều được thành tựu, được tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và các Đại Bồ-tát trong hằng hà sa thế giới ở mười phương hộ niệm, không để cho Bồ-tát ấy thoái lui, rơi trở lại địa vị Thanh văn, Độc giác.
Trong mười phương, hằng hà sa giới, các Đại Bồ-tát ấy được Thanh văn, Độc giác, trời Tứ đại Thiên vương cho đến trời Tha hóa tự tại; trời Phạm chúng cho đến trời Phạm thiên; trời Quang cho đến trời Cực quang tịnh; trời Tịnh cho đến trời Biến tịnh; trời Quảng cho đến trời Quảng quả; trời Vô phiền cho đến trời Sắc cứu cánh ủng hộ và bảo vệ.
Các Đại Bồ-tát ấy làm những việc gì không bao giờ bị chướng ngại mà lại mau thành tựu. Tất cả bệnh khổ của thân tâm đều được tiêu trừ. Giả sử có nghiệp tội phải thọ quả báo ở đời tương lai, thì được chuyển chịu quả báo nhẹ ở hiện tại. Vì sao? Này Xá-lợi Tử, vì Đại Bồ-tát ấy có lòng Từ bi trùm khắp tất cả hữu tình.
Này Xá-lợi Tử, Đại Bồ-tát ấy tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, có đầy đủ đại thế lực, diệu dụng gia hạnh thì có thể phát sinh tất cả pháp môn Đà-la-ni thù thắng, tất cả pháp môn Tam-ma-địa thù thắng. Nhờ thế lực này, tùy ý phát sinh tất cả công đức ở thế gian hay ở xuất thế gian; sinh ra nơi nào, thường được gặp, tôn thờ chư Thế Tôn và các Đại Bồ-tát ấy cho đến khi chứng quả vị Giác ngộ cao tột. Trong thời gian ấy, Đại Bồ-tát ấy không bao giờ lìa Phật và chúng Đại Bồ-tát.
Xá-lợi Tử nên biết, Đại Bồ-tát ấy tu hành Bátnhã ba-la-mật-đa, tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa, nên được vô lượng, vô biên công đức chẳng thể nghĩ bàn, lợi ích thù thắng như vậy.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa không nghĩ rằng: “Có pháp tương ưng hoặc không tương ưng, bằng nhau hoặc không bằng nhau với pháp.” Vì sao? Này Xá-lợi Tử, vì Đại Bồ-tát ấy không thấy có pháp nào tương ưng hoặc không tương ưng, bằng hoặc không bằng với pháp.
Này Xá-lợi Tử, các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, tương ưng với pháp như vậy, nên nói là tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa không nghĩ rằng: Đối với pháp giới ta nên mau chứng Đẳng giác, hoặc không mau chứng Đẳng giác. Vì sao? Này Xá-lợi Tử, vì không có một pháp nhỏ nào đối với pháp giới mà chứng Đẳng giác.
Này Xá-lợi Tử, Đại Bồ-tát ấy không thấy một pháp nhỏ nào lìa pháp giới, không thấy pháp giới lìa các pháp hữu, không thấy pháp nhỏ tức là pháp giới, không thấy pháp giới tức là các pháp hữu. Vì sao? Này Xá-lợi Tử, pháp và pháp giới chẳng phải lìa nhau.
Này Xá-lợi Tử, Đại Bồ-tát ấy không nghĩ rằng: “Pháp giới có thể là nhân duyên các pháp”; không nghĩ rằng: “Như vậy các pháp có thể chứng pháp giới.” Vì sao? Này Xá-lợi Tử, vì Đại Bồ-tát ấy không thấy pháp nhỏ, thì làm sao có pháp để chứng pháp giới?
Này Xá-lợi Tử, Đại Bồ-tát ấy không thấy pháp giới tương ưng với không, cũng không thấy không tương ưng với pháp giới. Chư Phật cũng vậy. Vì sao? Này Xá-lợi Tử, vì không và pháp giới chẳng phải tương ưng, chẳng phải không tương ưng, chẳng phải xa lìa nhau.
Này Xá-lợi Tử, các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, tương ưng với pháp như vậy, nên nói là tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, không thấy pháp giới tương ưng với không; cũng không thấy không tương ưng với pháp giới.
Này Xá-lợi Tử, Đại Bồ-tát ấy không thấy sắc tương ưng với không; cũng không thấy không tương ưng với sắc. Không thấy thọ, tưởng, hành, thức tương ưng với không; cũng không thấy không tương ưng với thọ, tưởng, hành, thức.
Này Xá-lợi Tử, Đại Bồ-tát ấy không thấy nhãn xứ tương ưng với không, cũng không thấy không tương ưng với nhãn xứ. Không thấy nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ tương ưng với không; cũng không thấy không tương ưng với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ.
Này Xá-lợi Tử, Đại Bồ-tát ấy không thấy sắc xứ tương ưng với không, cũng không thấy không tương ưng với sắc xứ. Không thấy thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ tương ưng với không; cũng không thấy không tương ưng với thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ.
Này Xá-lợi Tử, Đại Bồ-tát ấy không thấy nhãn giới tương ưng với không, cũng không thấy không tương ưng với nhãn giới. Không thấy nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới tương ưng với không; cũng không thấy không tương ưng với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới.
Này Xá-lợi Tử, Đại Bồ-tát ấy không thấy sắc giới tương ưng với không, cũng không thấy không tương ưng với sắc giới. Không thấy thanh, hương, vị, xúc, pháp giới tương ưng với không; cũng không thấy không tương ưng với thanh, hương, vị, xúc, pháp giới.
Này Xá-lợi Tử, Đại Bồ-tát ấy không thấy nhãn thức giới tương ưng với không, cũng không thấy không tương ưng với nhãn thức giới. Không thấy nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới tương ưng với không; cũng không thấy không tương ưng với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới.
Này Xá-lợi Tử, Đại Bồ-tát ấy tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, có thể tương ưng như vậy, đó là đệ nhất tương ưng với không.
Này Xá-lợi Tử, Đại Bồ-tát ấy nhờ tương ưng với không như vậy, nên không rơi vào địa vị Thanh văn, Độc giác; đem lại sự thành tựu cho hữu tình, làm nghiêm tịnh cõi Phật, mau chứng quả vị Giác ngộ cao tột.
Này Xá-lợi Tử, trong những sự tương ưng của các Đại Bồ-tát, thì sự tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa là đệ nhất, rất tôn quý, rất thù thắng, tối thượng, tối diệu, tối cao, là không gì trên, không gì vượt lên trên, là không gì bằng, không gì sánh bằng. Vì sao? Này Xá-lợi Tử, vì tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa như vậy, tức là tương ưng với Không; tức là tương ưng với Vô tướng; tức là tương ưng với Vô nguyện.
Này Xá-lợi Tử, Đại Bồ-tát khi tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa như vậy, nên biết rằng: “Các vị đã được thọ ký Bồ-đề, hoặc gần được thọ ký.”
Này Xá-lợi Tử, Đại Bồ-tát ấy nhờ tương ưng này, mà có thể làm lợi ích rất lớn cho vô lượng, vô số hữu tình.
Này Xá-lợi Tử, Đại Bồ-tát ấy không nghĩ rằng: “Ta tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa”; không nghĩ rằng: “Ta đã được thọ ký hoặc gần được thọ ký Bồ-đề”; không nghĩ rằng: “Ta có thể làm nghiêm tịnh cõi Phật, ta có thể đem lại sự thành tựu cho hữu tình”; không nghĩ rằng: “Ta sẽ chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột, chuyển bánh xe diệu pháp độ vô lượng chúng sinh.”
Vì sao? Này Xá-lợi Tử, Đại Bồ-tát ấy không thấy có pháp lìa pháp giới; không thấy pháp giới lìa các pháp hữu; không thấy có pháp để có thể hành Bát-nhã ba-la-mật-đa; không thấy có pháp được Phật thọ ký; không thấy có pháp đắc quả vị Giác ngộ cao tột; không thấy có pháp có thể làm nghiêm tịnh cõi Phật; không thấy có pháp có thể đem lại sự thành tựu cho hữu tình.
Vì sao? Này Xá-lợi Tử, vì các Đại Bồ-tát khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, hoàn toàn không sinh vọng tưởng về các hữu tình. Vì sao? Vì các hữu tình hoàn toàn không sinh lại cũng không diệt. Đã hoàn toàn không sinh, không diệt rồi, thì làm sao có thể tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa? Các hữu tình không sinh, không diệt như vậy, thì các pháp cũng thế.
Này Xá-lợi Tử, Đại Bồ-tát ấy không thấy hữu tình và các pháp sinh, nên tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì không thấy hữu tình và các pháp diệt, nên tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì đạt được cái không của các hữu tình và pháp, nên tu hành Bátnhã ba-la-mật-đa. Vì thông đạt các hữu tình và pháp đều chẳng phải ngã, nên tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì thông đạt các hữu tình và pháp là không thể đắc, nên tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì thông đạt sự xa lìa của các hữu tình và pháp, nên tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Này Xá-lợi Tử, các Đại Bồ-tát khi tu hành Bátnhã ba-la-mật-đa, mà tương ưng với không là đệ nhất; vì người nào tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa thì rất đáng tôn kính, rất thù thắng, không ai sánh bằng.
Này Xá-lợi Tử, các Đại Bồ-tát tương ưng như vậy, thì có thể phát sinh đại Từ, đại Bi và vô lượng, vô biên Phật pháp khác. Nhờ công năng này mà hoàn toàn không có tâm tạp nhiễm về xan tham, phạm giới, sân giận, biếng nhác, tán loạn, ác tuệ.
Bấy giờ, Xá-lợi Tử bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, nếu Đại Bồ-tát tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa, thì Đại Bồ-tát ấy từ chỗ nào sinh đến đây, từ nơi đây sẽ sinh về đâu?
Phật dạy Tôn giả Xá-lợi Tử:
–Nếu Đại Bồ-tát tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa thì Đại Bồ-tát ấy, hoặc từ cõi Phật khác mà sinh đến đây, hoặc từ cõi trời Đổ-sử-đa mà sinh đến đây, hoặc từ cõi người mà sinh đến đây.
Này Xá-lợi Tử, nếu Đại Bồ-tát tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa, mà từ cõi Phật khác sinh đến đây thì Đại Bồ-tát ấy mau tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa. Nhờ nhân duyên chuyển sinh này, liền đạt được pháp môn vi diệu sâu xa, ngay hiện tại, một cách mau chóng. Từ đó về sau luôn được mau chóng tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa; sinh ra nơi nào thì thường gặp chư Phật để cúng dường, cung kính, tôn trọng, khen ngợi không sót vị nào.
Này Xá-lợi Tử, nếu Đại Bồ-tát tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa, từ cõi trời Đổ-sử-đa mà sinh đến đây, thì Đại Bồ-tát ấy không bao giờ quên mất sáu pháp Ba-la-mật-đa mà ngược lại nó luôn được hiện tiền. Đối với tất cả pháp môn Đà-la-ni, tất cả pháp môn Tam-ma-địa cũng không quên mất và luôn được hiện tiền.
Này Xá-lợi Tử, nếu Đại Bồ-tát tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa mà từ cõi người sinh đến đây, thì Đại Bồ-tát ấy chẳng những không đắc không thoái chuyển mà căn tánh còn chậm chạp, không tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa một cách mau chóng được; đối với tất cả pháp môn Đàla-ni, tất cả pháp môn Tam-ma-địa đều chưa tự tại, rất khó được hiện tiền.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, với những điều ông hỏi: “Nếu Đại Bồ-tát tương ưng với Bát-nhã ba-la-mậtđa thì Đại Bồ-tát ấy từ đây sẽ sinh vào chỗ nào?” Này Xá-lợi Tử, Đại Bồ-tát ấy ở đây qua đời, rồi sinh vào cõi Phật khác. Từ cõi Phật này, đến cõi Phật khác, sinh ra nơi nào, cũng thường gặp Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác cho đến khi chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột, không bao giờ lìa Phật.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, có Đại Bồ-tát không có phương tiện thiện xảo, chỉ có khả năng làm phát sinh bốn Tĩnh lự, cũng có thể tu hành sáu pháp Ba-la-mật-đa. Nhờ đắc tĩnh lự nên sinh vào cõi trời Trường thọ. Từ cõi trời Trường thọ lại sinh vào nhân gian, được gặp chư Phật để cúng dường, cung kính, tôn trọng, khen ngợi, tu hành sáu pháp Ba-la-mật-đa nhưng căn tánh còn chập chạp, không lanh lợi sáng suốt.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, có Đại Bồ-tát mặc dầu đắc tĩnh lự, tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa nhưng không có phương tiện thiện xảo, cho nên vứt bỏ tĩnh lự, sinh vào cõi Dục. Nên biết rằng, Đại Bồtát ấy, căn tánh cũng chậm chạp, không lanh lợi sáng suốt.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, nếu có Đại Bồ-tát, mặc dầu có thể nhập bốn Tĩnh lự, có thể nhập bốn Vô lượng, cũng có thể nhập bốn Định vô sắc, cũng có thể tu bốn Niệm trụ, bốn Chánh đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy chi Đẳng giác, tám chi Thánh đạo, mười lực của Như Lai, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại Từ, đại Bi, đại Hỷ, đại Xả, mười tám pháp Phật bất cộng, mà còn có phương tiện thiện xảo, không do thế lực của Tĩnh lự, Vô lượng, Vô sắc sinh ra, thì sinh vào thế giới có Phật, thường gặp Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, không lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa. Trong Hiền kiếp nhất định sẽ thành Phật.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, có Đại Bồ-tát mặc dầu có thể phát sinh bốn Tĩnh lự, bốn Vô lượng, bốn Định vô sắc; lại còn có phương tiện thiện xảo nhưng không thuận theo thế lực của Tĩnh lự, Vô lượng, Vô sắc mà sinh ra, nên vẫn sinh trở lại cõi Dục, hoặc sinh vào dòng dõi lớn Sát-đế-lợi, hoặc dòng dõi lớn Bà-la-môn, hoặc dòng dõi lớn Trưởng giả, hoặc dòng dõi lớn Cư sĩ. Sở dĩ như vậy là vì muốn đem lại sự thành tựu cho hữu tình.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, có Đại Bồ-tát tuy hiện nhập bốn Tĩnh lự, bốn Vô lượng, bốn Định vô sắc; lại còn có phương tiện thiện xảo, nhưng không thuận theo thế lực của Tĩnh lự, Vô lượng, Vô sắc mà sinh; nên vẫn trở lại cõi Dục; hoặc trời Tứ đại Thiên vương, hoặc cõi trời Ba mươi ba, hoặc cõi trời Dạ-ma, hoặc cõi trời Đổ-sử-đa, hoặc trời Lạc biến hóa, trời Tha hóa tự tại. Sở dĩ như vậy là vì muốn đem lại sự thành tựu cho hữu tình, hoặc vì muốn làm nghiêm tịnh cõi Phật, thường được gặp chư Phật để cúng dường, cung kính, tôn trọng, khen ngợi không bao giờ bỏ sót.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, có Đại Bồ-tát tuy hiện nhập bốn Tĩnh lự, bốn Vô lượng, bốn Định vô sắc; lại còn có phương tiện thiện xảo; từ cõi này sinh vào trong Phạm thế, làm Đại phạm vương có oai đức, quyền lực dạo chơi các cõi Phật, từ cõi Phật này đến cõi Phật kia. Trong đó, Bồ-tát nào chưa chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột thì khuyến hóa cho họ để chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột; vị nào chứng quả vị Giác ngộ cao tột rồi, thì thỉnh chuyển pháp luân làm lợi ích cho tất cả hữu tình.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, có Đại Bồ-tát còn lại một đời; tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa; có phương tiện thiện xảo; dù hiện khởi bốn Tĩnh lự, bốn Vô lượng, bốn Định vô sắc; tu bốn Niệm trụ, bốn Chánh đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy chi Đẳng giác, tám chi Thánh đạo, Tam-ma-địa Không, Tam-ma-địa Vô tướng, Tam-ma-địa Vô nguyện; nhưng không thuận theo thế lực của Tĩnh lự, Vô lượng, Vô sắc mà chuyển, hiện tiền phụng thờ, gần gũi cúng dường hiện tại chư Như Lai Chánh Đẳng Giác. Ở trong cõi Phật này, siêng năng tinh tấn, tu phạm hạnh, từ đây qua đời, sinh vào cõi trời Đổ-sử-đa, được sống lâu, các căn đều đầy đủ, nhớ nghĩ thấy biết đều chân chánh, có vô lượng, vô số trăm ngàn câu-chi na-do-đa chúng trời cung kính vây quanh. Đến khi sinh vào cõi người, chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột, chuyển bánh xe diệu pháp độ vô lượng chúng sinh.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, có Đại Bồ-tát đạt được sáu phép thần thông, không sinh vào cõi Dục, không sinh vào cõi Sắc, không sinh vào cõi Vô sắc, dạo chơi các cõi Phật để cúng dường, cung kính, tôn trọng, khen ngợi chư Phật Thế Tôn, tu hạnh Bồ-tát cho đến chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, có Đại Bồ-tát đạt được sáu phép thần thông, sinh hoạt tự tại từ cõi Phật này đến cõi Phật khác; những cõi Phật đã được trải qua, không có tên Thanh văn, Độc giác thừa; chỉ có một thừa là các chúng Bồ-tát.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, có Đại Bồ-tát đạt được sáu phép thần thông, sinh hoạt tự tại từ cõi Phật này đến cõi Phật kia; cõi Phật đã từng được trải qua, hữu tình sống rất lâu, không thể nào tính biết được.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, có Đại Bồ-tát đạt được sáu phép thần thông, dạo chơi các thế giới, từ thế giới này đến thế giới khác. Nếu có thế giới không nghe đến tên của Phật, Pháp, Tăng, thì Đại Bồ-tát ấy đến thế giới này, khen ngợi công đức của Tam bảo, để các hữu tình có lòng tin một cách sâu sắc và thanh tịnh, nhờ đó mà thường được lợi ích rất lớn. Đại Bồ-tát ấy ở đây, sau khi qua đời, sinh vào thế giới có Phật, tu hạnh Bồ-tát, lần lần chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, có Đại Bồ-tát từ khi mới phát tâm, đắc bốn Tĩnh lự, bốn Vô lượng, bốn Định vô sắc; tu bốn Niệm trụ, bốn Chánh đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy chi Đẳng giác, tám chi Thánh đạo, tu mười lực của Phật, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, mười tám pháp Phật bất cộng, thì Đại Bồ-tát ấy không sinh vào cõi Dục, không sinh vào cõi Sắc, không sinh vào cõi Vô sắc, mà thường sinh vào chỗ hữu tình, để làm lợi ích an lạc và giáo hóa hữu tình.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, có Đại Bồ-tát từ lúc mới phát tâm có thể nhập vào ngôi vị Chánh quyết định của Bồ-tát cho đến trụ vào địa vị không thoái chuyển.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, có Đại Bồ-tát từ lúc mới phát tâm, có thể theo thứ lớp mà chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột, chuyển diệu pháp luân, độ thoát vô lượng, vô số hữu tình được lợi ích an lạc, thù thắng, nhập Niết-bàn, vào cảnh giới Vô dư y. Sau khi nhập Niết-bàn, thì chánh pháp đã nói trước kia được trụ một kiếp hay hơn một kiếp, làm lợi ích cho vô số các loài hữu tình.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, có Đại Bồ-tát từ lúc mới phát tâm có thể tương ưng với Bát-nhã ba-la-mậtđa và cùng vô lượng, vô số trăm ngàn câu-chi nado-đa Đại Bồ-tát cung kính, cùng nhau dạo chơi các cõi Phật rồi cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen chư Phật Thế Tôn, đem lại sự thành tựu cho hữu tình, làm nghiêm tịnh cõi Phật.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, có Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, đạt được bốn Tĩnh lự, bốn Vô lượng, bốn Định vô sắc và ở trong đó, có thể sinh hoạt tự tại. Nghĩa là, trước tiên nhập Sơ tĩnh lự; ra khỏi Sơ tĩnh lự, nhập vào Diệt đẳng chí; ra khỏi Diệt đẳng chí, nhập vào Tĩnh lự thứ hai; ra khỏi Tĩnh lự thứ hai, nhập vào Diệt đẳng chí; ra khỏi Diệt đẳng chí, nhập vào Tĩnh lự thứ ba; ra khỏi Tĩnh lự thứ ba, nhập vào Diệt đẳng chí; ra khỏi Diệt đẳng chí, nhập vào Tĩnh lự thứ tư; ra khỏi Tĩnh lự thứ tư, nhập vào Diệt đẳng chí; ra khỏi Diệt đẳng chí, nhập vào Không vô biên xứ; ra khỏi Không vô biên xứ, nhập vào Diệt đẳng chí; ra khỏi Diệt đẳng chí, nhập vào Thức vô biên xứ; ra khỏi Thức vô biên xứ, nhập vào Diệt đẳng chí; ra khỏi Diệt đẳng chí, nhập vào Vô sở hữu xứ; ra khỏi Vô sở hữu xứ, nhập vào Diệt đẳng chí; ra khỏi Diệt đẳng chí, nhập vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ; ra khỏi Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nhập vào Diệt đẳng chí.
Như vậy, này Xá-lợi Tử, Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, dùng phương tiện thiện xảo với các đẳng chí, lần lượt vượt qua thuận, nghịch, đến, đi một cách tự tại.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, có Đại Bồ-tát mặc dầu đã đạt được bốn Niệm trụ, bốn Chánh đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy chi Đẳng giác, tám chi Thánh đạo, cũng đã tu mười lực của Phật, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, mười tám pháp Phật bất cộng nhưng không đạt được quả Dự lưu, hoặc quả Nhất lai, hoặc quả Bấthoàn, hoặc quả A-la-hán, hoặc Độc giác Bồ-đề, hoặc quả vị Giác ngộ cao tột của Phật. Còn Đại Bồtát, tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, nhờ có phương tiện thiện xảo, khiến cho các hữu tình tu bốn Niệm trụ, bốn Chánh đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy chi Đẳng giác, tám chi Thánh đạo, được đắc quả Dự lưu hoặc quả Nhất lai, hoặc quả Bất hoàn, hoặc quả A-la-hán, hoặc Độc giác Bồ-đề; cũng khiến cho các hữu tình tu mười lực của Phật, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, mười tám pháp Phật bất cộng, để chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột.
Này Xá-lợi Tử, các trí tuệ của quả vị Thanh văn, Độc giác tức là nhẫn của Đại Bồ-tát.
Này Xá-lợi Tử, nên biết các Đại Bồ-tát, đã trụ vào địa vị không thoái chuyển, an trụ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa, có thể làm việc như vậy.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, có Đại Bồ-tát an trụ vào sáu pháp Ba-la-mật-đa, làm thanh tịnh cung trời Đổ-sử-đa, thì trong Hiền kiếp này, sẽ được thành Phật, làm lợi ích an lạc cho vô lượng hữu tình.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, có Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, tuy đã đắc bốn Tĩnh lự, bốn Vô lượng, bốn Định vô sắc; đã tu bốn Niệm trụ, bốn Chánh đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy chi Đẳng giác, tám chi Thánh đạo; cũng đã tu mười lực của Phật, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, mười tám pháp Phật bất cộng; luôn siêng năng tu học, hướng đến Bồ-đề nhưng hiện tại chưa thông đạt về bốn Đế. Nên biết, Đại Bồ-tát ấy đối với Nhất sinh bổ xứ chưa đắc quả vị Giác ngộ cao tột.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, có Đại Bồ-tát tu hành sáu pháp Ba-la-mật-đa đã đi đến các thế giới, an lập hữu tình vào Vô thượng giác, làm trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật; nên biết, Đại Bồ-tát ấy phải trải qua vô lượng, vô số đại kiếp, mới đắc quả vị Giác ngộ cao tột.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, có Đại Bồ-tát an trụ vào sáu pháp Ba-la-mật-đa, luôn siêng năng tinh tấn, làm lợi ích hữu tình. Miệng không bao giờ nói lời vô nghĩa, thân tâm không tạo nghiệp vô nghĩa.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, có Đại Bồ-tát thường lấy sáu pháp Ba-la-mật-đa làm hàng đầu để tu Bồtát hạnh, ban cho các hữu tình tất cả vật ưa thích: Cần thức ăn, cho thức ăn; cần thức uống, cho thức uống; cần y phục, cho y phục; cần xe, cho xe; cần vòng hoa thơm, cho vòng hoa thơm; cần giường chiếu, cho giường chiếu; cần nhà cửa, cho nhà cửa; cần của cải gạo thóc, cho của cải gạo thóc; cần trân bảo, cho trân bảo; cần đồ tốt đẹp, cho đồ tốt đẹp; cần đầy tớ, cho đầy tớ... cần những vật gì cũng đều đem cho hết; siêng năng tu các việc thiện, chỉ dạy đoạn trừ các điều ác, để họ chứng đắc Niết-bàn thường lạc.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, có Đại Bồ-tát hóa thân giống như Phật vào khắp trong cõi địa ngục, bàng sinh, ngạ quỷ, trời, người, tùy theo âm thanh từng loại, mà nói chánh pháp, để họ đạt được lợi ích an vui thù thắng.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, có Đại Bồ-tát an trụ sáu pháp Ba-la-mật-đa, hóa thân giống như Phật, đi khắp hằng hà sa thế giới chư Phật trong mười phương, vì các hữu tình mà giảng nói chánh pháp, làm trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật, lại được nghe chư Phật nói chánh pháp, cung kính cúng dường, tôn trọng, ngợi khen, nắm lấy hết tướng thanh tịnh vi diệu tối thắng vô thượng của cõi Phật, rồi tự tạo cho mình cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh tối thắng vô thượng, trong đó an trí các Bồ-tát vào Nhất sinh bổ xứ, để cho họ mau chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, có Đại Bồ-tát tu hành sáu pháp Ba-la-mật-đa, đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, để trang nghiêm thân thể, các căn lanh lợi, thanh tịnh vô thượng; chúng sinh nào thấy cũng đều kính mến. Đại Bồ-tát ấy lần lượt hóa đạo, khiến mau chứng đắc Niết-bàn của Tam thừa.
Như vậy, này Xá-lợi Tử, các Đại Bồ-tát nên học làm thanh tịnh nghiệp của thân, khẩu, ý để làm lợi ích an lạc cho tất cả hữu tình.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, có Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, tuy được các căn lanh lợi tối thắng, nhưng không được khinh khi coi thường người khác.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, có Đại Bồ-tát từ lúc mới phát tâm, luôn sống trong Bố thí, Tịnh giới ba-la-mật-đa cho đến khi chưa đạt được địa vị không thoái chuyển, thì trong tất cả thời gian đó, không đọa vào đường ác.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, có Đại Bồ-tát từ lúc mới phát tâm cho đến khi chưa đạt được địa vị không thoái chuyển; không bao giờ lìa bỏ mười nẻo nghiệp thiện.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, có Đại Bồ-tát an trụ trong Bố thí, Tịnh giới ba-la-mật-đa, làm vua Chuyển luân, có đầy đủ oai đức lớn, thường đem của cải quý báu ra bố thí cho hữu tình, để họ sống theo mười nẻo nghiệp thiện.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, có Đại Bồ-tát tu học Bố thí, Tịnh giới ba-la-mật-đa, có hơn trăm ngàn phước báo của vua Chuyển luân. Do đây, mà Đại Bồ-tát ấy được gặp vô lượng trăm ngàn chư Phật Thế Tôn, để cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen, không bao giờ bỏ qua.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, có Đại Bồ-tát an trụ vào sáu pháp Ba-la-mật-đa, thường vì hữu tình làm cho chánh pháp chiếu sáng, không bao giờ xa lìa ánh sáng Phật pháp. Như vậy, lần lượt cho đến khi chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột.
Xá-lợi Tử, do nhân duyên này mà các Đại Bồtát luôn làm phát triển các Phật pháp. Cho nên, này Xá-lợi Tử, các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa không nên tạo tội từ thân nghiệp, ngữ nghiệp và ý nghiệp.
Khi ấy, Xá-lợi Tử bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, sao gọi là tội từ thân nghiệp, ngữ nghiệp và ý nghiệp?
Phật dạy:
–Xá-lợi Tử, nếu Đại Bồ-tát suy nghĩ như vầy: “Những gì là thân? Do thân này mà ta tạo nghiệp từ thân. Những gì là ngữ? Do lời nói này mà ta tạo ra nghiệp từ lời nói. Những gì là ý? Do ý này mà ta tạo ra nghiệp từ ý. Này Xá-lợi Tử, đó gọi là tội từ thân, ngữ, ý nghiệp.
Này Xá-lợi Tử, các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, không có thân và nghiệp của thân, không có ngữ và nghiệp của ngữ, không có ý và nghiệp của ý.
Này Xá-lợi Tử, nếu Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, mà cho là có thân, ngữ, ý và các nghiệp của nó, thì nổi tâm xan tham, phạm giới, sân giận, biếng nhác, tán loạn và ác tuệ.
Này Xá-lợi Tử, nếu Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, mà có tâm như vậy thì không có vấn đề ấy.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, tạo ra ba loại thô trọng về thân, ngữ, ý cũng không có vấn đề đó. Vì sao? Này Xá-lợi Tử, vì các Đại Bồ-tát tu hành sáu pháp Ba-la-mật-đa, có khả năng làm thanh tịnh ba thô trọng về thân, ngữ, ý.
Khi ấy, Xá-lợi Tử thưa:
–Bạch Thế Tôn, Đại Bồ-tát làm thanh tịnh ba thô trọng về thân, ngữ, ý như thế nào?
Phật dạy:
–Này Xá-lợi Tử, các Đại Bồ-tát tu hành Bátnhã ba-la-mật-đa, không đắc thân và thô trọng của thân, không đắc ngữ và thô trọng của ngữ, không đắc ý và thô trọng của ý. Này Xá-lợi Tử, như vậy là Đại Bồ-tát có khả năng làm thanh tịnh ba thô trọng về thân, ngữ, ý.
Này Xá-lợi Tử, nếu Đại Bồ-tát từ lúc mới phát tâm có thể thọ trì đầy đủ mười nẻo nghiệp thiện; không có tác ý là Thanh văn, Độc giác mà luôn nhớ nghĩ độ thoát tất cả hữu tình. Xá-lợi Tử, Đại Bồ-tát ấy cũng gọi là làm thanh tịnh ba thô trọng.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, có Đại Bồ-tát tu hành sáu pháp Ba-la-mật-đa, làm thanh tịnh đạo Bồ-đề.
Khi ấy, Xá-lợi Tử thưa:
–Bạch Thế Tôn, thế nào gọi là Đại Bồ-tát làm thanh tịnh đạo Bồ-đề?
Phật dạy:
–Này Xá-lợi Tử, nếu Đại Bồ-tát khi tu hạnh Bồ-tát; không đắc thân nghiệp; không đắc ngữ nghiệp; không đắc ý nghiệp; không đắc Bố thí ba-la-mật-đa; không đắc Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa; không đắc Thanh văn; không đắc Độc giác; không đắc Bồ-tát; không đắc Như Lai; không đắc tất cả pháp. Này Xá-lợi Tử, đó là đạo Bồ-đề của Đại Bồ-tát.
Này Xá-lợi Tử, các Đại Bồ-tát tu hành sáu pháp Ba-la-mật-đa mà hướng đến đạo Bồ-đề thì không có gì ngăn cản được.
Khi ấy, Xá-lợi Tử thưa:
–Bạch Thế Tôn, vì duyên gì Đại Bồ-tát tu hành sáu pháp Ba-la-mật-đa mà hướng đến đạo Bồ-đề thì không có gì ngăn cản?
Phật dạy:
–Này Xá-lợi Tử, các Đại Bồ-tát tu hành sáu pháp Ba-la-mật-đa, không chấp giữ sắc; không chấp giữ thọ, tưởng, hành, thức; không chấp giữ nhãn xứ, sắc xứ; không chấp giữ nhĩ xứ, thanh xứ; không chấp giữ tỷ xứ, hương xứ; không chấp giữ thiệt xứ, vị xứ; không chấp giữ thân xứ, xúc xứ; không chấp giữ ý xứ, pháp xứ; không chấp giữ nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới; không chấp giữ nhĩ giới, thanh giới, nhĩ thức giới; không chấp giữ tỷ giới, hương giới, tỷ thức giới; không chấp giữ thiệt giới, vị giới, thiệt thức giới; không chấp giữ thân giới, xúc giới, thân thức giới; không chấp giữ ý giới, pháp giới, ý thức giới; không chấp giữ địa giới; không chấp giữ thủy, hỏa, phong, không, thức giới; không chấp giữ bốn Niệm trụ; không chấp giữ bốn Chánh đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy chi Đẳng giác, tám chi Thánh đạo; không chấp giữ Bố thí ba-la-mật-đa; không chấp giữ Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa; không chấp giữ mười lực của Phật; không chấp giữ bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, mười tám pháp Phật bất cộng; không chấp giữ quả Dự lưu; không chấp giữ quả Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán; không chấp giữ Độc giác Bồ-đề; không chấp giữ hạnh của Đại Bồ-tát; không chấp giữ quả vị Giác ngộ cao tột.
Này Xá-lợi Tử, do nhân duyên này mà các Đại Bồ-tát tu hành sáu pháp Ba-la-mật-đa, được tăng trưởng mạnh mẽ, hướng đến đạo Bồ-đề không có gì ngăn cản.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, có Đại Bồ-tát an trụ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa, mau viên mãn trí Nhất thiết trí, thành tựu thắng trí; cho nên đóng tất cả các cửa của con đường đưa đến cảnh giới ác; được thọ thân trời, người, không còn nghèo khổ, các căn được đầy đủ, tướng mạo đẹp đẽ, được trời, người, thế gian kính mến.
Khi ấy, Xá-lợi Tử bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, thế nào gọi là Đại Bồ-tát được thành tựu thắng trí?
Phật dạy:
–Này Xá-lợi Tử, nhờ thành tựu trí này, mà các Đại Bồ-tát thấy tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác khắp hằng hà sa thế giới chư Phật trong mười phương; được nghe tất cả âm thanh của chư Phật thuyết pháp; thấy tất cả Thanh văn, Độc giác, Bồtát, Tăng..., ở trong hội và thấy rõ tướng trang nghiêm, thanh tịnh của cõi ấy.
Này Xá-lợi Tử, nhờ thành tựu trí này mà các Đại Bồ-tát không có tưởng về thế giới, không có tưởng về Phật, không có tưởng về Pháp, không có tưởng về Thanh văn Tăng, không có tưởng về Bồtát Tăng, không có tưởng về Độc giác, không có tưởng về mình, không có tưởng về người khác, không có tưởng về sự trang nghiêm thanh tịnh của cõi Phật.
Này Xá-lợi Tử, nhờ thành tựu trí này mà các Đại Bồ-tát tuy hành Bố thí ba-la-mật-đa nhưng không đắc Bố thí ba-la-mật-đa; mặc dầu hành Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa nhưng không đắc Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa; mặc dầu tu bốn Niệm trụ nhưng không đắc bốn Niệm trụ; mặc dầu tu bốn Chánh đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy chi Đẳng giác, tám chi Thánh đạo nhưng không đắc bốn Chánh đoạn cho đến tám chi Thánh đạo; mặc dầu có đầy đủ mười lực của Phật nhưng không đắc mười lực của Phật; mặc dầu có bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, mười tám pháp Phật bất cộng nhưng không đắc bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt và mười tám pháp Phật bất cộng.
Này Xá-lợi Tử, đó là Đại Bồ-tát được thành tựu thắng trí. Nhờ trí này mà các Đại Bồ-tát mau viên mãn tất cả Phật pháp. Mặc dầu có thể viên mãn tất cả Phật pháp nhưng không chấp giữ.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, có Đại Bồ-tát tu hành sáu pháp Ba-la-mật-đa, đạt được năm loại mắt thanh tịnh, đó là: Nhục nhãn, Thiên nhãn, Tuệ nhãn, Pháp nhãn và Phật nhãn.
Khi ấy, Xá-lợi Tử thưa:
–Bạch Thế Tôn, thế nào là Đại Bồ-tát đạt được Nhục nhãn thanh tịnh?
Phật dạy:
–Này Xá-lợi Tử, có Đại Bồ-tát với Nhục nhãn có thể thấy trăm du-thiện-na, có Đại Bồ-tát với Nhục nhãn, có thể thấy hai trăm du-thiện-na; có Đại Bồ-tát, với Nhục nhãn, có thể thấy ba trăm... cho đến một ngàn du-thiện-na; có Đại Bồ-tát, với Nhục nhãn, có thể thấy cõi châu Thiệm-bộ, có Đại Bồ-tát với Nhục nhãn, có thể thấy hai đại châu; có Đại Bồ-tát, với Nhục nhãn, có thể thấy bốn đại châu; có Đại Bồ-tát, với Nhục nhãn, có thể thấy tiểu thiên thế giới; có Đại Bồ-tát, với Nhục nhãn, có thể thấy trung thiên thế giới; có Đại Bồ-tát, với Nhục nhãn, có thể thấy thế giới ba lần ngàn. Này Xá-lợi Tử, đó là Đại Bồ-tát đạt được Nhục nhãn thanh tịnh.
Khi ấy, Xá-lợi Tử lại thưa:
–Bạch Thế Tôn, thế nào là Đại Bồ-tát được Thiên nhãn thanh tịnh?
Phật dạy:
–Này Xá-lợi Tử, Thiên nhãn của Đại Bồ-tát, có thể thấy tất cả như Thiên nhãn của trời Tứ đại Thiên vương, trời Ba mươi ba, trời Dạ-ma, trời Đổsử-đa, trời Lạc biến hóa, trời Tha hóa tự tại; cũng có thể thấy như Thiên nhãn của tất cả trời Phạm chúng, trời Phạm phụ, trời Phạm hội, trời Đại phạm thiên; cũng có thể thấy như Thiên nhãn của tất cả trời Quang, trời Thiểu quang, trời Vô lượng quang, trời Quang âm; cũng có thể thấy như Thiên nhãn của tất cả trời Tịnh, trời Thiểu tịnh, trời Vô lượng tịnh, trời Biến tịnh; cũng có thể thấy như Thiên nhãn của tất cả trời Quảng, trời Thiểu quảng, trời Vô lượng quảng, trời Quảng quả; cũng có thể thấy như Thiên nhãn của tất cả trời Vô Tưởng hữu tình; cũng có thể thấy như Thiên nhãn của tất cả trời Vô phiền, trời Vô nhiệt, trời Thiện hiện, trời Hiện kiến, trời Sắc cứu cánh.
Này Xá-lợi Tử, có Đại Bồ-tát có thể thấy bằng Thiên nhãn; mà Thiên nhãn của tất cả thì trời Tứ đại Thiên vương... cho đến trời Sắc cứu cánh thì không thể thấy được.
Này Xá-lợi Tử, Thiên nhãn của các Đại Bồ-tát có thể thấy và như thật biết rõ, các loài hữu tình chết nơi này, sinh vào chỗ kia, trong hằng hà sa thế giới khắp mười phương. Này Xá-lợi Tử, đó là Thiên nhãn thanh tịnh của Đại Bồ-tát.
Khi ấy, Xá-lợi Tử thưa:
–Bạch Thế Tôn, thế nào là Đại Bồ-tát được Tuệ nhãn thanh tịnh?
Phật dạy:
–Này Xá-lợi Tử, các Đại Bồ-tát có Tuệ nhãn thanh tịnh; không thấy có pháp hữu vi, pháp vô vi, pháp thiện, pháp chẳng thiện, pháp hữu tội, pháp vô tội, pháp hữu lậu, pháp vô lậu, pháp hữu nhiễm, pháp ly nhiễm, pháp thế gian, pháp xuất thế gian, pháp tạp nhiễm, pháp thanh tịnh...
Này Xá-lợi Tử, Tuệ nhãn của Đại Bồ-tát ấy là không thấy có pháp để có thể thấy, để có thể nghe, để có thể hay, để có thể biết. Này Xá-lợi Tử, đó là Đại Bồ-tát được Tuệ nhãn thanh tịnh.
Khi ấy, Xá-lợi Tử thưa:
–Bạch Thế Tôn, thế nào là Đại Bồ-tát được Pháp nhãn thanh tịnh?
Phật dạy:
–Này Xá-lợi Tử, Pháp nhãn của Đại Bồ-tát có thể biết rõ như thật những sự sai khác của các loài hữu tình; nghĩa là như thật biết hạng này là Tùy tín hành, hạng này là Tùy pháp hành, hạng này là Vô tướng hành, hạng này là trụ Không, hạng này là trụ Vô tướng, hạng này là trụ Vô nguyện, hạng này là do ba môn giải thoát phát sinh năm căn, do năm căn mà phát sinh định không gián đoạn, do định không gián đoạn mà phát sinh giải thoát tri kiến, nhờ giải thoát tri kiến mà vĩnh viễn đoạn trừ ba kết sử; đó là Tát-ca-da kiến, giới cấm thủ và nghi. Nhờ đoạn trừ ba kết sử này mà đắc được quả Dự lưu.
Tới đây là bắt đầu phần tu đạo, làm mỏng dục tham và sân mà đắc quả Nhất lai.
Từ đây nhờ thượng phẩm tu đạo, tận trừ dục tham và sân mà đắc quả Bất hoàn.
Từ đây lại nhờ tăng thượng tu đạo, tận trừ năm thuận thượng phần kết sử, đó là: sắc tham, vô sắc tham, vô minh, mạn, trạo cử. Nhờ đoạn trừ năm thượng phần kết sử mà đắc quả A-la-hán.
Nhờ pháp môn giải thoát Không mà phát sinh năm căn, nhờ năm căn mà phát sinh định không gián đoạn, nhờ định không gián đoạn mà phát sinh giải thoát tri kiến, nhờ giải thoát tri kiến mà vĩnh viễn đoạn trừ ba kết, đắc quả Dự lưu, nói hết là cho đến đắc quả A-la-hán.
Như vậy, nhờ pháp môn giải thoát Vô tướng mà phát sinh năm căn, nhờ năm căn mà phát sinh định không gián đoạn, nhờ định không gián đoạn mà phát sinh giải thoát tri kiến, nhờ giải thoát tri kiến mà vĩnh viễn đoạn trừ ba kết sử, đắc quả Dự lưu, nói hết là cho đến đắc quả A-la-hán.
Như vậy, nhờ pháp môn giải thoát Vô nguyện mà phát sinh năm căn, nhờ năm căn mà phát sinh định không gián đoạn, nhờ định không gián đoạn mà phát sinh giải thoát tri kiến, nhờ giải thoát tri kiến mà vĩnh viễn đoạn trừ ba kết, đắc quả Dự lưu, nói hết là cho đến đắc quả A-la-hán.
Như vậy nhờ pháp môn giải thoát Không, Vô tướng; nhờ pháp môn giải thoát Không, Vô nguyện; nhờ pháp môn giải thoát Vô tướng, Vô nguyện, nói rộng cũng như thế. Này Xá-lợi Tử, đó là Đại Bồ-tát được Pháp nhãn thanh tịnh.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, Pháp nhãn của các Đại Bồ-tát có thể biết như thật tất cả pháp tập, đều là pháp diệt. Do biết như vậy, liền đắc năm căn. Này Xá-lợi Tử, đó là Đại Bồ-tát đắc Pháp nhãn thanh tịnh.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, Pháp nhãn của Đại Bồtát có thể biết như thật, một Đại Bồ-tát từ lúc ban đầu phát tâm tu hành Bố thí, Tịnh giới ba-la-mậtđa, thành tựu tín căn và tinh tấn căn; dùng phương tiện thiện xảo suy nghĩ đến nơi thọ thân của mình để tăng trưởng thiện pháp. Đại Bồ-tát ấy hoặc sinh vào dòng dõi lớn Sát-đế-lợi cho đến sinh vào dòng dõi lớn Cư sĩ, hoặc sinh lên cõi trời Tứ đại Thiên vương cho đến sinh vào cõi trời Tha hóa tự tại, an trụ vào những nơi đó, làm cho chúng sinh được thành tựu, bố thí cho hữu tình đủ loại vật ưa thích, làm trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật, phụng thờ Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và cung kính cúng dường, tôn trọng, ngợi khen, không rơi vào những địa vị Thanh văn, Độc giác cho đến quả vị Giác ngộ cao tột không bao giờ thoái chuyển. Này Xálợi Tử, đó là Đại Bồ-tát được Pháp nhãn thanh tịnh.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, Pháp nhãn của các Đại Bồ-tát có thể biết như thật là Đại Bồ-tát ấy đã được thọ ký quả vị Giác ngộ cao tột; là Đại Bồ-tát ấy chưa được thọ ký quả vị Giác ngộ cao tột. Là Đại Bồ-tát ấy đã được không thoái chuyển; là Đại Bồtát ấy, chưa được không thoái chuyển. Là Đại Bồtát ấy thần thông đã viên mãn; là Đại Bồ-tát ấy, chưa viên mãn thần thông. Là Đại Bồ-tát ấy có thể đến hằng hà sa thế giới chư Phật trong mười phương để cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen chư Phật Thế Tôn; là Đại Bồ-tát ấy, không thể đến hằng hà sa thế giới chư Phật trong mười phương để cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen chư Phật Thế Tôn. Là Đại Bồ-tát ấy đã đắc thần thông; là Đại Bồ-tát ấy, chưa đắc thần thông.
Là Đại Bồ-tát ấy đã trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật; là Đại Bồ-tát ấy, chưa trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật. Là Đại Bồ-tát ấy đã làm chúng sinh được thành tựu; là Đại Bồ-tát ấy, chưa làm cho chúng sinh thành tựu. Là Đại Bồ-tát ấy đã được chư Phật khen ngợi; là Đại Bồ-tát ấy, chưa được chư Phật khen ngợi. Là Đại Bồ-tát ấy đã gần gũi chư Phật; là Đại Bồ-tát ấy, chưa gần gũi chư Phật. Là Đại Bồ-tát ấy sống lâu vô lượng; là Đại Bồ-tát ấy, sống có giới hạn. Là Đại Bồ-tát ấy khi đắc Bồđề có vô lượng Bí-sô Tăng; là Đại Bồ-tát ấy, khi đắc Bồ-đề có số Bí-sô Tăng giới hạn. Là Đại Bồtát ấy khi đắc Bồ-đề có Bồ-tát Tăng; là Đại Bồ-tát ấy, khi đắc Bồ-đề không có Bồ-tát Tăng. Là Đại Bồ-tát ấy có hạnh khổ khó hành; là Đại Bồ-tát ấy, không có hạnh khổ khó hành. Là Đại Bồ-tát ấy đã ở vào thân cuối cùng; là Đại Bồ-tát ấy, chưa ở vào thân cuối cùng. Là Đại Bồ-tát ấy đã ngồi tòa Bồđề; là Đại Bồ-tát ấy, chưa ngồi tòa Bồ-đề. Là Đại Bồ-tát ấy bị ma đến quấy nhiễu; là Đại Bồ-tát ấy, không có ma đến quấy nhiễu. Này Xá-lợi Tử, đó là Đại Bồ-tát đắc Pháp nhãn thanh tịnh.
Khi ấy, Xá-lợi Tử bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, thế nào là Đại Bồ-tát đắc Phật nhãn thanh tịnh?
Phật dạy:
–Này Xá-lợi Tử, các Đại Bồ-tát có tâm Bồ-đề không gián đoạn, đã nhập vào định Kim cang dụ, nên đắc trí Nhất thiết tướng, thành tựu mười lực của Phật, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, mười tám pháp Phật bất cộng, đại Từ, đại Bi, đại Hỷ, đại Xả, đắc Phật nhãn thanh tịnh. Nhờ đắc được nhãn này, nên các Đại Bồ-tát không còn chỗ nào mà không thấy, không có gì mà không nghe, không có điều gì mà không biết, không sự kiện nào mà không nhận thức. Này Xá-lợi Tử, đó là Đại Bồtát đắc Phật nhãn thanh tịnh.
Này Xá-lợi Tử, nếu Đại Bồ-tát muốn đắc năm loại mắt thanh tịnh như vậy, thì nên học sáu pháp Ba-la-mật-đa. Vì sao? Này Xá-lợi Tử, vì sáu pháp Ba-la-mật-đa ấy, có khả năng bao gồm tất cả pháp lành thù thắng, đó là tất cả pháp lành của Thanh văn, pháp lành của Độc giác, pháp lành của Bồ-tát, những pháp lành như vậy...
Này Xá-lợi Tử, nếu ai nói Bát-nhã ba-la-mậtđa sâu xa, có khả năng bao gồm tất cả pháp lành thù thắng, đó là nói đúng. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa là mẹ của tất cả pháp lành, có thể sinh ra tất cả Ba-la-mật-đa và công đức thù thắng của năm loại mắt...
Này Xá-lợi Tử, nếu Đại Bồ-tát muốn đắc năm loại mắt thanh tịnh như vậy, phải học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Này Xá-lợi Tử, nếu Đại Bồ-tát muốn đắc quả vị Giác ngộ cao tột, phải học năm loại mắt.
Này Xá-lợi Tử, nếu Đại Bồ-tát học năm loại mắt thì nhất định đắc quả vị Giác ngộ cao tột.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, có Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, có thể phát sinh sáu Thần thông ba-la-mật-đa.
Xá-lợi Tử, có Đại Bồ-tát có Thần cảnh trí chứng thông, nên có thể làm ra các loại thần biến lớn; nghĩa là làm chấn động tất cả vật, trong hằng hà sa đại địa ở mười phương; biến một thành ra nhiều, biến nhiều thành một; hoặc hiện hoặc ẩn, nhanh chóng không bị chướng ngại, vượt thẳng qua bờ núi, tường vách, giống như đi trong hư không; qua lại trên không, trên đất bằng giống như chim bay; ra vào dưới đất giống như ra vào trong nước; đi trên nước như đi trên đất; thân phát ra khói lửa giống như lửa cháy trên cao nguyên; trong thân chảy ra những dòng nước như băng tuyết bị tan; oai thế của thần mặt trời, mặt trăng khó sánh bằng; dùng tay che khuất ánh sáng mặt trời cho đến chuyển thân tự tại cao đến trời Tịnh cư..., biến hóa như vậy tính nhiều vô biên.
Này Xá-lợi Tử, Đại Bồ-tát này tuy đầy đủ công dụng của Thần cảnh trí như vậy, nhưng đối với sự việc ấy không tự cao, không chấp tánh của Thần cảnh trí chứng thông, không chấp vào việc Thần cảnh trí chứng thông, không chấp người có thể đắc Thần cảnh trí chứng thông. Đối với chấp hay không chấp, cả hai đều không có gì để chấp. Vì sao? Này Xá-lợi Tử, vì tự tánh không, vì tự tánh là xa lìa, vì tự tánh xưa nay chẳng thể nắm bắt được.
Này Xá-lợi Tử, Đại Bồ-tát ấy không vì ham vui mà phát sinh Thần cảnh trí chứng thông như vậy, chỉ trừ khi đã đắc trí Nhất thiết trí. Xá-lợi Tử, đó là Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, phát sinh Thần cảnh trí chứng thông Ba-la-mật-đa.
Này Xá-lợi Tử, có Đại Bồ-tát với Thiên nhĩ trí chứng thông, là Thiên nhĩ thanh tịnh tối thắng siêu nhân, có thể như thật nghe mọi thứ tiếng của loài hữu tình, vô tình trong hằng hà sa thế giới ở mười phương. Nghĩa là nghe tiếng khắp cả các địa ngục, tiếng của bàng sinh, tiếng của ngạ quỷ, tiếng người, tiếng trời, tiếng Thanh văn, tiếng Độc giác, tiếng Bồ-tát, tiếng Như Lai và tất cả tiếng của loài hữu tình, vô tình khác, dù tiếng lớn hay nhỏ đều nghe, không bị chướng ngại.
Này Xá-lợi Tử, Đại Bồ-tát này tuy có đầy đủ công dụng của Thiên nhĩ trí như vậy; nhưng không tự cao, không chấp tánh Thiên nhĩ trí chứng thông, không chấp vào việc Thiên nhĩ trí chứng thông, không chấp người có Thiên nhĩ trí chứng thông. Với chấp hay không chấp, cả hai đều không có gì để chấp. Vì sao? Này Xá-lợi Tử, vì tự tánh không, vì tự tánh là xa lìa, vì tự tánh xưa nay chẳng thể nắm bắt được.
Này Xá-lợi Tử, Đại Bồ-tát ấy không vì ham vui, mà phát sinh Thiên nhĩ trí chứng thông, chỉ trừ khi đã đắc trí Nhất thiết trí. Này Xá-lợi Tử, đó là Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa mà phát sinh Thiên nhĩ trí chứng thông Ba-la-mật-đa.
Này Xá-lợi Tử, có Đại Bồ-tát với Tha tâm trí chứng thông, có thể biết như thật tâm và tâm sở của các loài hữu tình, trong hằng hà sa thế giới ở mười phương. Nghĩa là biết các loài hữu tình có tâm tham hay tâm lìa bỏ tham; có tâm sân hay tâm lìa bỏ sân; có tâm si hay tâm lìa bỏ si; có tâm ái hay tâm lìa bỏ ái; có tâm thủ hay tâm lìa bỏ thủ; có tâm tập trung hay tâm tán loạn; có tâm lớn hay tâm nhỏ; có tâm cao thượng hay tâm thấp hèn; tâm tịch tĩnh hay tâm không tịch tĩnh; tâm trạo cử hay tâm không trạo cử; tâm định hay tâm không định; tâm giải thoát hay tâm không giải thoát; tâm hữu lậu hay tâm vô lậu; có tâm hẹp hay có tâm rộng; có tâm cao tột hay không có tâm cao tột... Với các tâm này, Đại Bồ-tát ấy đều biết như thật.
Này Xá-lợi Tử, Đại Bồ-tát này tuy đầy đủ công dụng của Tha tâm trí thông nhưng trong đó không tự cao ngạo, không chấp tánh của Tha tâm trí chứng thông, không chấp vào việc Tha tâm trí chứng thông, không chấp vào người có thể đắc Tha tâm trí chứng thông. Đối với chấp hay không chấp, cả hai đều không có gì để chấp. Vì sao? Này Xálợi Tử, vì tự tánh không, vì tự tánh là xa lìa, vì tự tánh xưa nay chẳng thể nắm bắt được.
Này Xá-lợi Tử, Đại Bồ-tát ấy không vì ham vui, mà phát sinh Tha tâm trí chứng thông như vậy, chỉ trừ khi đã đắc trí Nhất thiết trí. Này Xá-lợi Tử, đó là Đại Bồ-tát, tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa mà phát sinh Tha tâm trí chứng thông Ba-la-mật-đa.
Này Xá-lợi Tử, có Đại Bồ-tát với Túc trụ tùy niệm trí chứng thông có thể nhớ như thật tất cả việc đời trước của hữu tình, trong hằng hà sa thế giới ở mười phương. Nghĩa là nhớ các việc trong một tâm cho đến một trăm tâm trong quá khứ của mình và người; hoặc nhớ các việc trong một ngày cho đến một trăm ngày trong quá khứ của mình và người; hoặc lại nhớ những việc đã qua, trong một tháng cho đến một trăm tháng ở quá khứ của mình và người; hoặc nhớ các việc đời trước, trong một năm cho đến một trăm năm, ở quá khứ của mình và người; hoặc lại nhớ những việc đời trước trong một kiếp, trăm kiếp, ngàn kiếp, hơn trăm ngàn kiếp cho đến vô lượng trăm ngàn câu-chi na-dođa kiếp; hoặc lại nhớ tất cả việc đời trước, ở đời trước. Nghĩa là thời gian như vậy, nơi chốn như vậy, tên như vậy, họ như vậy, loài như vậy, ăn uống như vậy, tồn tại lâu như vậy, tuổi thọ như vậy, khổ vui như vậy. Từ nơi này qua đời, sinh vào chỗ kia; từ chỗ kia qua đời, sinh vào chỗ này; dung mạo như vậy, nói năng như vậy, đơn giản hay phóng khoáng... Các việc đã qua như vậy, đều có thể nhớ cả.
Này Xá-lợi Tử, Đại Bồ-tát này tuy đầy đủ các công dụng của Túc trụ tùy niệm trí như vậy, nhưng trong đó không tự cao ngạo, không chấp tánh Túc trụ tùy niệm trí chứng thông, không chấp vào việc Túc trụ tùy niệm trí chứng thông, không chấp người có thể đắc Túc trụ tùy niệm trí chứng thông. Với chấp hay không chấp, cả hai đều không có gì để chấp. Vì sao? Này Xá-lợi Tử, vì tự tánh không, vì tự tánh là xa lìa, vì tự tánh xưa nay chẳng thể nắm bắt được.
Này Xá-lợi Tử, Đại Bồ-tát ấy không vì ham vui, mà phát sinh Túc trụ tùy niệm trí chứng thông, chỉ trừ khi đã đắc trí Nhất thiết trí. Này Xá-lợi Tử, đó là Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, mà phát sinh Túc trụ tùy niệm trí chứng thông Ba-la-mật-đa.
Này Xá-lợi Tử, có Đại Bồ-tát với Thiên nhãn trí chứng thông, thù thắng thanh tịnh hơn Thiên nhãn của người; có thể thấy như thật các màu sắc, hình tượng của loài có tình thức, của loài chẳng phải có tình thức, trong hằng hà sa thế giới ở mười phương. Thấy các hữu tình khi chết, lúc sống; sắc đẹp hay xấu, cõi lành hay cõi ác, hoặc thua hoặc hơn; tùy theo nghiệp lực mà thọ sinh khác biệt.
Như vậy, hữu tình nào thành tựu ba diệu hạnh thuộc thân, ngữ, ý, khen ngợi Hiền thánh, chánh kiến về nhân duyên thì sau khi qua đời sẽ sinh vào cõi lành, hoặc sinh lên trời, hoặc sinh vào cõi người hưởng các khoái lạc. Còn hữu tình nào tạo ba ác hạnh thuộc thân, ngữ, ý, chê bai Hiền thánh, tà kiến về nhân duyên thì sau khi qua đời, sẽ đọa vào đường ác, hoặc sinh vào địa ngục, hoặc làm bàng sinh, hoặc làm ngạ quỷ, hoặc sinh nơi biên địa hạ tiện xấu ác. Hữu tình tập trung đó chịu các khổ não.
Này Xá-lợi Tử, Đại Bồ-tát này tuy đầy đủ Thiên nhãn thanh tịnh như vậy, có thể thấy hữu tình trong các cõi ở mười phương, chết đây sinh kia, nhân quả sai khác nhưng trong đó không tự cao ngạo, không chấp tánh của Thiên nhãn trí chứng thông, không chấp vào việc Thiên nhãn trí chứng thông, không chấp người có thể đắc Thiên nhãn trí chứng thông. Đối với chấp hay không chấp, cả hai đều không có gì để chấp. Vì sao? Này Xá-lợi Tử, vì tự tánh không, vì tự tánh là xa lìa, vì tự tánh xưa nay chẳng thể nắm bắt được.
Này Xá-lợi Tử, Đại Bồ-tát ấy không vì ham vui mà phát sinh Thiên nhãn trí chứng thông như vậy, chỉ trừ khi đã đắc trí Nhất thiết trí. Này Xá-lợi Tử, đó là Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, phát sinh Thiên nhãn trí chứng thông Ba-la-mậtđa.
Này Xá-lợi Tử, có Đại Bồ-tát với Lậu tận trí chứng thông, có thể như thật biết, tất cả hữu tình trong hằng hà sa thế giới ở mười phương; các lậu đã tận hay chưa tận. Bồ-tát đắc Lậu tận thông này, không rơi vào địa vị Thanh văn, Độc giác; chỉ hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột, không còn mong muốn nghĩa lợi nào nữa.
Này Xá-lợi Tử, Đại Bồ-tát này tuy đầy đủ công dụng của Lậu tận trí như vậy, nhưng trong đó không tự cao ngạo, không chấp tánh của Lậu tận trí chứng thông, không chấp vào việc Lậu tận trí chứng thông, không chấp người có thể đắc Lậu tận trí chứng thông. Với chấp hay không chấp, cả hai đều không có gì để chấp. Vì sao? Này Xá-lợi Tử, vì tự tánh không, vì tự tánh là xa lìa, vì tự tánh xưa nay chẳng thể nắm bắt được.
Này Xá-lợi Tử, Đại Bồ-tát ấy không vì ham vui mà phát sinh Lậu tận trí chứng thông như vậy, chỉ trừ khi đã đắc trí Nhất thiết trí. Này Xá-lợi Tử, đó là Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, phát sinh Lậu tận trí chứng thông Ba-la-mật-đa.
Như vậy, này Xá-lợi Tử, các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, nên mau viên mãn được sáu phép thần thông thanh tịnh. Nhờ sáu phép thần thông viên mãn thanh tịnh này nên cũng mau chứng đắc trí Nhất thiết trí.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, có Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, an trụ vào Bố thí ba-la-mậtđa, làm nghiêm tịnh đạo trí Nhất thiết trí, vì biết hoàn toàn là không, nên không keo kiệt.
Có Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, an trụ vào Tịnh giới ba-la-mật-đa, làm nghiêm tịnh đạo trí Nhất thiết trí, vì biết hoàn toàn là không, nên không hủy phạm.
Có Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, an trụ vào An nhẫn ba-la-mật-đa, làm nghiêm tịnh đạo trí Nhất thiết trí, vì biết hoàn toàn là không, nên không sân giận.
Có Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, an trụ vào Tinh tấn ba-la-mật-đa, làm nghiêm tịnh đạo trí Nhất thiết trí, vì biết hoàn toàn là không, nên không biếng nhác.
Có Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, an trụ vào Tĩnh lự ba-la-mật-đa, làm nghiêm tịnh đạo trí Nhất thiết trí, vì biết hoàn toàn là không, nên không tán loạn.
Có Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, an trụ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa, làm nghiêm tịnh đạo trí Nhất thiết trí, vì biết hoàn toàn là không, nên không có ác tuệ.
Như vậy, này Xá-lợi Tử, các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, an trụ vào sáu pháp Ba-la-mật-đa, hoặc riêng hoặc chung, nghiêm tịnh đạo trí Nhất thiết trí; vì biết hoàn toàn không, nên không qua lại, không lấy, bỏ. Đưa ra bố thí, xan tham; tịnh giới, ác giới; an nhẫn, sân giận; tinh tấn, biếng nhác; tĩnh lự, tán loạn; trí tuệ, ác tuệ; nhưng trong đó không có chấp trước.
Này Xá-lợi Tử, lúc bấy giờ Đại Bồ-tát ấy không chấp bố thí, không chấp xan tham, không chấp tịnh giới, không chấp phạm giới, không chấp an nhẫn, không chấp sân giận, không chấp tinh tấn, không chấp biếng nhác, không chấp tĩnh lự, không chấp tán loạn, không chấp trí tuệ, không chấp ác tuệ.
Này Xá-lợi Tử, ngay lúc ấy, Đại Bồ-tát này không chấp hủy nhục, không chấp khen ngợi, không chấp khinh mạn, không chấp cung kính. Vì sao? Này Xá-lợi Tử, vì trong pháp không sinh, hủy nhục, khen ngợi, khinh mạn, cung kính đều không có. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, vĩnh viễn chấm dứt tất cả các chấp trước.
Này Xá-lợi Tử, công đức tối thắng, tối diệu của Đại Bồ-tát ấy là do tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa đạt được, đối với tất cả Thanh văn và các Độc giác đều không thể có.
Này Xá-lợi Tử, các Đại Bồ-tát ấy công đức viên mãn, đem lại sự thành tựu cho hữu tình, làm nghiêm tịnh cõi Phật, mau chứng đắc trí Nhất thiết trí.
Lại nữa này Xá-lợi Tử, các Đại Bồ-tát khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, đều phát tâm bình đẳng với các hữu tình. Có tâm bình đẳng với các hữu tình rồi, thì Đại Bồ-tát ấy đắc tánh bình đẳng của tất cả hữu tình và đắc tánh bình đẳng của tất cả pháp. Sau khi đắc tánh bình đẳng của tất cả hữu tình và đắc tánh bình đẳng của tất cả pháp, Đại Bồtát ấy an lập tất cả hữu tình vào trong tánh bình đẳng của tất cả pháp. Ở trong hiện pháp, Đại Bồtát ấy được tất cả Đức Phật hộ niệm, được tất cả Đại Bồ-tát mến trọng, được tất cả Thanh văn cùng Độc giác cung kính. Đại Bồ-tát ấy sinh ra nơi nào, mắt không bao giờ thấy những sắc không đáng ưa, tai luôn luôn không nghe tiếng không đáng ưa, mũi luôn luôn không ngửi mùi hương không đáng ưa, lưỡi luôn luôn không nếm vị không đáng ưa, thân không cảm giác những tiếp xúc không đáng ưa, ý thường không chấp lấy những pháp không đáng ưa.
Này Xá-lợi Tử, đối với quả vị Giác ngộ cao tột Đại Bồ-tát ấy vĩnh viễn không thoái chuyển.
Khi Đức Phật đang nói công đức thù thắng của các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa này, thì có hơn một trăm Bí-sô rời khỏi chỗ và đem thượng y để dâng Thế Tôn. Dâng lên Thế Tôn xong, các vị ấy đều phát tâm quả vị Giác ngộ cao tột.
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn liền mỉm cười, từ giữa mặt, phóng ra ánh sáng đủ loại màu sắc. Bấy giờ, A-nan-đà rời khỏi tòa, trịch bày vai phải, quỳ gối sát đất, chắp tay cung kính thưa:
–Bạch Thế Tôn, vì nhân duyên gì mà Ngài mỉm cười như vậy? Chư Phật mỉm cười ắt có nhân duyên?
Đức Phật dạy A-nan-đà:
–Hơn một trăm Bí-sô rời khỏi tòa này, từ đây trở về sau, sáu mươi mốt kiếp trong kiếp Tinh dụ sẽ thành Phật, đều đồng một hiệu là Đại Tràng Tướng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Viên Mãn, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Trượng Phu, Điều Ngự Sĩ, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Các Bí-sô này sau khi xả thân, sẽ sinh vào cõi Phật Bất Động ở phương Đông; ở cõi Phật đó ai cũng có tâm tu hạnh Bồ-tát.
Khi ấy, lại có sáu vạn Thiên tử được nghe Phật nói pháp tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, nên rất hoan hỷ tín thọ. Thế Tôn thọ ký cho họ sẽ ở trong pháp của Đức Thế Tôn Từ Thị, tịnh tín xuất gia, siêng năng tu hành phạm hạnh, đoạn trừ các phiền não, để chứng Bát-niết-bàn.
Bấy giờ, tất cả đại chúng trong hội, nhờ thần lực của Phật, nên đều thấy ngàn cõi Phật và chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác cùng chúng hội của các Ngài trong mười phương. Oai đức trang nghiêm của các cõi Phật đó rất khả ái. Ngay trong lúc này, tướng trang nghiêm thanh tịnh của thế giới Kham nhẫn cũng không thể sánh kịp. Khi ấy, mười ngàn chúng sinh trong chúng hội đều phát nguyện: “Phước mà tôi tu được, nguyện xin vãng sinh về những cõi Phật kia.”
Biết ước nguyện của những người này, Đức Thế Tôn lại mỉm cười, giữa mặt lại phóng ra ánh sáng đủ màu sắc.
Bấy giờ, A-nan-đà lại rời khỏi tòa, cung kính hỏi Phật vì sao mỉm cười? Phật dạy:
–Ông có thấy mười ngàn chúng sinh này không?
A-nan-đà thưa:
–Bạch Thế Tôn, con đã thấy. Phật dạy:
–Mười ngàn chúng sinh này, do nguyện lực của họ, mà sau khi qua đời được vãng sinh về cõi Phật. Từ đó về sau, không bao giờ xa lìa Phật, luôn cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen, tu hành sáu pháp Ba-la-mật-đa. Sau khi được viên mãn, được chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột, đều cùng một hiệu: Trang Nghiêm Vương Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Viên Mãn, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Trượng Phu, Điều Ngự Sĩ, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.
Khi ấy ở trong chúng, gồm Cụ thọ Xá-lợi Tử, Cụ thọ Mục-kiền-liên, Cụ thọ Đại Ẩm Quang, Cụ thọ Thiện Hiện,... các đại Bí-sô, Bí-sô-ni, Đại Bồtát, Ô-ba-sách-ca, Ô-ba-tư-ca tất cả đều rời khỏi tòa, chắp tay cung kính thưa:
–Bạch Thế Tôn, Bát-nhã ba-la-mật-đa mà các Đại Bồ-tát được chứng đắc là Ba-la-mật-đa lớn lao, là Ba-la-mật-đa rộng lớn, là Ba-la-mật-đa đệ nhất, là Ba-la-mật-đa tôn quý, là Ba-la-mật-đa tối thắng, là Ba-la-mật-đa diệu mầu, là Ba-la-mật-đa vi diệu, là Ba-la-mật-đa cao tột, là Ba-la-mật-đa tột cùng, là Ba-la-mật-đa trên hết, là Ba-la-mật-đa không gì trên, là Ba-la-mật-đa không gì vượt trên, là Ba-la-mật-đa ngang bằng, là Ba-la-mật-đa không gì sánh, là Ba-la-mật-đa không gì sánh bằng, là Ba-la-mậtđa như hư không, là Ba-la-mật-đa không đối đãi, là Ba-la-mật-đa tự tướng không, là Ba-la-mật-đa cộng tướng không, là Ba-la-mật-đa thành tựu tất cả công đức, là Ba-la-mật-đa không khuất phục, là Ba-la-mật-đa có thể điều phục tất cả?
Bạch Thế Tôn, các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa; rất tôn, rất thù thắng, tối cao, tối diệu; đầy đủ thế lực lớn; có thể hành Bố thí, Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa không gì sánh bằng. Có thể viên mãn Bố thí, Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa không gì sánh bằng. Có thể đầy đủ Bố thí, Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bátnhã ba-la-mật-đa không gì sánh bằng. Có thể đắc tự thể không gì sánh bằng, đó là vô biên tướng tốt đẹp trang nghiêm thân, có thể chứng pháp không gì sánh bằng. Đó là quả vị Giác ngộ cao tột?
Bạch Thế Tôn, cũng nhờ tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, hoàn toàn viên mãn mà đắc sắc không gì sánh bằng; đắc thọ, tưởng, hành, thức không gì sánh bằng; chứng Bồ-đề không gì sánh bằng; chuyển pháp luân không gì sánh bằng; làm lợi ích an lạc cho các loài hữu tình. Chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai cũng nhờ tu hành Bát-nhã ba-la-mậtđa sâu xa, mà đã, sẽ và đang chứng quả vị Giác ngộ cao tột?
Cho nên, bạch Thế Tôn, nếu Đại Bồ-tát muốn đạt đến sự cứu cánh của tất cả các pháp để đến bờ bên kia thì nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa?
Bạch Thế Tôn, các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, làm cho tất cả Trời, Người, A-tố-lạc, Kiền-đạt-phược... trong tất cả thế gian đều cung kính, cúng dường, tôn trọng ca ngợi?
Bấy giờ, Thế Tôn dạy chư Bồ-tát và chúng đệ tử:
–Đúng vậy, đúng vậy, như ông lời nói! Các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, làm cho tất cả Trời, Người, A-tố-lạc, Kiền-đạt-phược... đều cung kính, cúng dường, tôn trọng, ngợi khen. Vì sao? Vì nhờ Đại Bồ-tát ấy mà thế gian có trời, người xuất hiện. Đó là dòng dõi lớn Sát-đế-lợi, dòng dõi lớn Bà-la-môn, dòng dõi lớn Trưởng giả, dòng dõi lớn Cư sĩ, đó là Chuyển luân thánh vương đến các vua nhỏ phú quý và tự tại, Tứ đại Thiên vương cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, xuất hiện ra thế gian.
Cũng nhờ Đại Bồ-tát này, mà thế gian xuất hiện Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Độc giác, Bồ-tát và chư Phật. Cũng nhờ Đại Bồ-tát này, mà thế gian xuất hiện Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo. Cũng nhờ Đại Bồ-tát này, mà thế gian xuất hiện những thứ đồ ưa thích để sinh sống, đó là thức ăn uống, y phục, giường chiếu, thuốc thang trị bệnh, của cải, gạo thóc, trân bảo, đèn đuốc... Nói tóm lại, tất cả thú vui của trời, người và an lạc ở Niết-bàn đều phát sinh từ Đại Bồ-tát ấy. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát ấy tự mình hành sáu pháp Ba-la-mật-đa và khuyến khích người khác tu hành, cho nên nhờ các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mậtđa mà tất cả hữu tình đều đạt được lợi ích, an vui, thù thắng.
Bấy giờ Đức Thế Tôn hiện tướng lưỡi, che khắp thế giới ba lần ngàn. Từ nơi tướng lưỡi này lại phóng ra vô lượng tia ánh sáng đủ màu sắc chiếu khắp hằng hà sa thế giới chư Phật ở mười phương đầy đủ, không thiếu chỗ nào. Khi ấy, ở mỗi cõi Phật trong hằng hà sa thế giới ở mười phương; có vô lượng, vô số, các Đại Bồ-tát thấy ánh sáng lớn này đều nghi ngờ; các vị liền đến chỗ Phật của cõi mình, cúi đầu cung kính thưa:
–Bạch Thế Tôn, đây là thần lực của ai? Lại do nhân duyên gì mà có ánh sáng lớn chiếu các cõi Phật như vậy?
Khi ấy, mỗi Đức Phật trả lời cho các vị Đại Bồtát:
–Ở phương... có thế giới Phật tên Kham nhẫn, Phật hiệu Thích-ca Mâu-ni Như Lai, Ứng Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Viên Mãn, Thiện Thệ, Thế
Gian Giải, Vô Thượng Trượng Phu, Điều Ngự Sĩ, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, đang giảng nói Bátnhã ba-la-mật-đa cho chúng Đại Bồ-tát, hiện tướng lưỡi che, khắp thế giới ba lần ngàn; từ tướng lưỡi lại phát ra vô lượng ánh sáng đủ màu sắc, chiếu đến hằng hà sa các cõi Phật ở mười phương. Ánh sáng này là do tướng lưỡi của Phật ấy hiện ra.
Khi ấy, vô lượng, vô biên các Đại Bồ-tát ở mỗi cõi nghe xong, hoan hỷ bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, chúng con muốn đến thế giới Kham nhẫn để chiêm ngưỡng, lễ bái, cúng dường Phật Thích-ca Mâu-ni và các Bồ-tát, đồng thời nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa. Cúi xin Đức Thế Tôn thương xót cho phép chúng con được đi.
Mỗi Đức Phật đều dạy:
–Nay đã đúng lúc. Các ông hãy đi tự nhiên.
Bấy giờ, được Phật đồng ý, các chúng Đại Bồtát lễ lạy dưới chân Phật, đi nhiễu bên phải rồi từ giã ra đi. Các Đại Bồ-tát sửa soạn đủ thứ vật quý báu, nào tràn phan, lọng, y phục, anh lạc, vòng hoa thơm, trân bảo, vàng bạc, các loại hoa..., tấu lên đủ loại âm nhạc tuyệt tác. Trong chốc lát đã đến chỗ Phật Thích-ca, cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen Phật và Bồ-tát, đi nhiễu trăm ngàn vòng và đảnh lễ dưới chân Phật rồi lui qua một bên.
Khi ấy, trời Tứ đại Thiên vương cho đến trời Sắc cứu cánh đều đem vô lượng vòng hoa thơm và vô lượng hoa trời thượng diệu, đến chỗ Đức Phật cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen Phật và Bồ-tát, đi nhiễu trăm ngàn vòng, đảnh lễ dưới chân Phật rồi lui qua một bên.
Cũng lúc ấy, các Đại Bồ-tát trong mười phương và vô lượng trời ở cõi Dục, dâng cúng đủ loại vật báu; nào tràng phan, lọng, y phục, anh lạc, hương hoa, trân báu và các âm nhạc... Nhờ thần lực của Phật, làm cho tất cả vật cúng dường ấy vọt lên trên không trung, hợp lại thành một cái lọng, sánh bằng thế giới ba lần ngàn. Bốn góc đỉnh lọng, đều có cờ báu tất cả được trưng bày trang nghiêm đủ kiểu, rất là khả ái.
Sau khi biết ý vui thích thanh tịnh của các Đại Bồ-tát từ mười phương thế giới đến và các Thiên chúng; đối với các pháp đã đắc Vô sinh pháp nhẫn, thì nay lại đạt được tất cả pháp như: vô tác, vô vi, không sinh, không diệt, Đức Thế Tôn liền mỉm cười, từ nơi giữa mặt lại phóng ra ánh sáng đủ màu sắc. A-nan-đà liền đứng dậy, cung kính chắp tay thưa:
–Bạch Thế Tôn, vì nhân duyên gì mà Ngài mỉm cười? Đại Thánh mỉm cười ắt có nhân duyên?
Phật dạy:
–Này A-nan-đà, hôm nay, trăm ngàn câu-chi na-do-đa chúng trong hội này, đối với các pháp đã đắc Vô sinh pháp nhẫn, nay lại đạt được tất cả pháp là vô tác, vô vi, không sinh, không diệt và ý lạc thanh tịnh. Do nhờ dâng cúng những thứ hoa..., các vật cúng dường ấy vọt lên không trung, kết lại thành một cái lọng, bốn góc, trên đỉnh lọng có cờ báu trang nghiêm đủ kiểu rất khả ái.
Bấy giờ, trăm ngàn câu-chi na-do-đa chúng trong hội đứng dậy, chắp tay, cung kính thưa:
–Bạch Thế Tôn, chúng con nguyện đời vị lai sẽ thành Phật có oai đức tướng tốt, giống như Thế Tôn vậy; quốc độ trang nghiêm, chuyển pháp luân độ Thanh văn, Bồ-tát, trời, người đều thành Phật. Bấy giờ, Đức Thế Tôn dạy Cụ thọ A-nan-đà:
–Trăm ngàn câu-chi na-do-đa chúng đứng dậy này, vào đời vị lai trải qua sáu mươi tám câu-chi đại kiếp, tu hạnh Bồ-tát, trong kiếp Hoa tích sẽ thành Phật, đồng một hiệu là Giác Phần Hoa, Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Viên Mãn, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Trượng Phu, Điều Ngự Sĩ, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.
[Mục lục bộ Bát-nhã][220][221][222][223][224][225][226][227][228][229][230][231][232][233][234][235][236][237][238][239][240][241][242][243][244][245][246][247][248][249][250][251][252][253][254][255][256][257][258][259][260][261]