SỐ 220
KINH ĐẠI BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA

HỘI THỨ III

Phẩm 9: Tùy hỷ hồi hướng
(QUYỂN 504 - 505)

Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.

QUYỂN 504

QUYỂN 505


QUYỂN 504

Phẩm 9: Tùy hỷ hồi hướng (1)

Bấy giờ Bồ-tát Từ Thị bảo Cụ thọ Thiện Hiện:

–Nếu Đại Bồ-tát nào dùng vô sở đắc làm phương tiện đối với các hữu tình có bao nhiêu công đức của việc phước nghiệp cùng làm tùy hỷ. Nếu Đại Bồ-tát nào dùng vô sở đắc làm phương tiện, đem việc phước nghiệp cùng làm tùy hỷ này ban cho các hữu tình một cách bình đẳng, rồi cùng nhau hồi hướng về quả vị Giác ngộ cao tột. Hoặc hữu tình khác, tùy hỷ hồi hướng các việc phước nghiệp. Hoặc các việc phước nghiệp của hàng phàm phu, Thanh văn, Độc giác, đó là bố thí, trì giới, tu hành các việc phước nghiệp như: ba việc phước nghiệp, hoặc bốn Niệm trụ.

Đại Bồ-tát này có bao nhiêu công đức tùy hỷ hồi hướng đối với việc phước nghiệp của phàm phu, Thanh văn, Độc giác là tối, là thắng, là tôn, là cao, là diệu, là vi diệu, là thượng, là không gì trên, không gì bằng, không gì sánh bằng. Vì sao? Vì các hàng phàm phu tu việc phước nghiệp chỉ vì muốn an lạc bản thân mình, Thanh văn, Độc giác tu việc phước nghiệp, chỉ vì muốn điều phục riêng mình, tịch tĩnh riêng mình, Niết-bàn riêng mình. Các Đại Bồ-tát có bao nhiêu công đức, tùy hỷ hồi hướng, vì muốn tất cả hữu tình được điều phục, tịch tĩnh, chứng đắc Niết-bàn.

Khi ấy Cụ thọ Thiện Hiện hỏi Bồ-tát Từ Thị:

–Đại Bồ-tát này đem tâm hồi hướng tùy hỷ khắp mười phương vô lượng, vô số, vô biên thế giới. Cứ mỗi một thế giới thì có vô lượng, vô số, vô biên chư Phật đã nhập Niết-bàn. Từ lúc mới phát tâm cho đến thành quả vị Giác ngộ cao tột, như vậy cho đến sau khi nhập Niết-bàn vô dư, dần dần đến khi chánh pháp hoại diệt. Trong khoảng thời gian này có bao nhiêu căn lành tương ưng với sáu pháp Ba-la-mật-đa và cùng với Thanh văn, Độc giác, Bồ-tát, tất cả hữu tình, căn lành tương ưng với vô lượng, vô số, vô biên Phật pháp cộng hoặc bất cộng.

Hoặc việc phước nghiệp của bố thí, trì giới và tu hành của đệ tử phàm phu.

Hoặc căn lành vô lậu, địa vị vô học, hữu học của đệ tử Thanh văn kia. Hoặc sự thành tựu giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn, giải thoát uẩn, giải thoát tri kiến uẩn của chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng giác và vì lợi lạc tất cả hữu tình, đại Từ, đại Bi, đại Hỷ, đại Xả, vô lượng, vô biên Phật pháp và chánh pháp được tuyên thuyết của chư Phật kia.

Nếu dựa vào pháp kia mà tinh tấn tu học, hoặc đắc quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Độc giác Bồ-đề, hoặc nhập vào Chánh tánh ly sinh của Bồ-tát, hoặc tu hạnh của Đại Bồ-tát. Tất cả căn lành như vậy và hữu tình khác đối với chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, hàng Thanh văn, Bồ-tát, các đệ tử.

Hoặc các căn lành ở đời hiện tại hoặc sau Niếtbàn. Tập hợp tất cả các căn lành, hiện tiện tùy hỷ đã tùy hỷ rồi.

Lại đem việc phước nghiệp cùng làm tùy hỷ như thế ban cho các hữu tình một cách bình đẳng, rồi đồng hồi hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột. Nguyện đem căn lành này cùng các hữu tình, cùng nhau hướng tới quả vị Giác ngộ cao tột, khởi sự tùy hỷ hồi hướng như vậy, đối với việc phước nghiệp được phát khởi khác là tối, là thắng, là tôn, là cao, là diệu, là vi diệu, là thượng, là không gì trên, không gì bằng, không gì sánh bằng. Ý ông nghĩ sao? Do việc phát khởi tâm tùy hỷ hồi hướng như vậy, vì có đối tượng để duyên như thế, có thể nói là Đại Bồ-tát kia chấp tướng không?

Bồ-tát Từ Thị trả lời Thiện Hiện:

–Đại Bồ-tát kia duyên việc như vậy, phát khởi tâm tùy hỷ hồi hướng, thật không thể gọi Đại Bồtát kia chấp tướng do có đối tượng để duyên như thế.

Lúc này Cụ thọ Thiện Hiện hỏi Bồ-tát Từ Thị:

–Nếu không phải do có đối tượng để duyên như thế là chấp tướng thì sự phát tâm tùy hỷ hồi hướng của Đại Bồ-tát kia là dùng chấp tướng làm phương tiện, để duyên khắp mười phương vô lượng, vô số, vô biên thế giới. Mỗi một thế giới có vô lượng, vô số, vô biên chư Phật đã Niết-bàn. Từ lúc mới phát tâm cho đến lúc chánh pháp hoại diệt, có bao nhiêu căn lành và căn lành của chư đệ tử. Tập họp tất cả lại để hiện tiền tùy hỷ hồi hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột. Sự phát khởi tùy hỷ hồi hướng như vậy phải chăng bị đảo lộn, đối với vô thường gọi là thường, đối với khổ gọi là lạc, đối với vô ngã gọi là ngã, đối với bất tịnh gọi là thanh tịnh. Đây là tâm vọng tưởng thấy điên đảo. Đây là đối với vô tướng mà chấp lấy tướng cũng sẽ như vậy. Đối tượng để duyên như thế là không thật có. Tâm tùy hỷ hồi hướng cũng như vậy; các căn lành cũng như vậy; quả vị Giác ngộ cao tột cũng như vậy; sáu pháp Ba-la-mật-đa như Bố thí... cho đến trí Nhất thiết tướng cũng như vậy; nếu như đối tượng để duyên không thật có, thì tâm tùy hỷ hồi hướng cho đến trí Nhất thiết tướng cũng như vậy.

Những gì là đối tượng để duyên? Những gì là việc? Những gì là tâm tùy hỷ hồi hướng, cho đến những gì là trí Nhất thiết tướng? Mà Đại Bồ-tát kia duyên theo việc như vậy mà khởi tâm tùy hỷ hồi hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột?

Khi ấy, Bồ-tát Từ Thị trả lời Cụ thọ Thiện Hiện:

–Nếu Đại Bồ-tát từ lâu đã học sáu pháp Ba-lamật-đa, đã từng cúng dường vô lượng chư Phật, đã phát đại nguyện, trồng nhiều căn lành được nhiều bạn lành hộ trì, khéo học các pháp tự tướng đều không. Đại Bồ-tát này đối với việc sở duyên và tâm tùy hỷ hồi hướng, các căn lành, quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật Thế Tôn và tất cả pháp, đều không chấp lấy tướng mà có thể phát tâm tùy hỷ hồi hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột. Khởi tâm tùy hỷ hồi hướng như vậy là dùng chẳng phải hai, chẳng phải không hai làm phương tiện, chẳng phải hữu tướng, chẳng phải vô tướng làm phương tiện, chẳng phải có sở đắc, chẳng phải vô sở đắc làm phương tiện, chẳng phải nhiễm, chẳng phải tịnh làm phương tiện, chẳng phải sinh, chẳng phải diệt làm phương tiện. Đối với đối tượng để duyên cho đến quả vị Giác ngộ cao tột không chấp lấy tướng, đã không chấp lấy tướng cho nên chẳng phải thuộc về điên đảo.

Nếu Đại Bồ-tát nào từ lâu chưa học sáu pháp Ba-la-mật-đa, chưa từng cúng dường vô lượng chư Phật, chưa phát đại nguyện, chưa gieo trồng nhiều căn lành, chưa được nhiều bạn tốt hộ trì, chưa đối với tất cả pháp lành học tự tướng không. Đại Bồtát này đối với đối tượng để duyên, tâm tùy hỷ hồi hướng, các căn lành, quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật Thế Tôn và tất cả pháp, chấp lấy tướng kia mà phát tâm tùy hỷ, hồi hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột. Sự phát tâm tùy hỷ hồi hướng như vậy là còn chấp lấy tướng nên cồn thuộc về điên đảo, chẳng phải là tâm tùy hỷ hồi hướng chân thật.

Lại nữa Đại đức, không nên vì các Đại Bồ-tát mới học Đại thừa đối với điều trên mà tuyên thuyết Bát-nhã cho đến Bố thí ba-la-mật-đa và các Phật pháp khác, nghĩa tự tướng đều không. Vì sao? Vì các Bồ-tát mới học Đại thừa, đối với các pháp như thế tuy có ít phần tin tưởng, cung kính, yêu thích, nhưng khi nghe rồi đều quên mất, kinh hãi, sợ sệt, nghi ngờ hoặc sinh nhiều việc hủy báng. Còn nếu Đại Bồ-tát không thoái chuyển, từng cúng dường vô lượng chư Phật, từ lâu đã phát đại nguyện gieo trồng nhiều căn lành, được nhiều bạn tốt hộ trì thì nên đối với các điều trên vì họ mà nói rộng, phân biệt, khai thị tất cả Bát-nhã cho đến Bố thí ba-lamật-đa và Phật pháp khác, nghĩa tự tướng đều không. Vì sao? Vì các Bồ-tát không thoái chuyển nếu nghe pháp này đều thọ trì, không bao giờ quên mất, cũng không kinh hãi hoảng hốt, nghi ngờ, hoặc hủy báng.

Đại đức nên biết, các Đại Bồ-tát phải đem việc phước nghiệp cùng làm tùy hỷ hồi hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột. Khi đó phải nghĩ như thế này: “Có thể dùng tâm tùy hỷ hồi hướng để chấm dứt xa lìa, biến đổi sự dụng tâm này, đối tượng để duyên này và các căn lành, cũng đều chấm dứt, xa lìa, biến đổi như tâm ấy. Trong đây, những gì là sự dụng tâm, lại dùng những gì làm đối tượng để duyên và các căn lành, mà nói tùy hỷ hồi hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột. Tâm này đối với tâm lẽ ra không nên có tùy hỷ hồi hướng, dùng tâm không hai, đồng thời phát khởi. Tâm cũng không thể tùy hỷ hồi hướng vì tự tánh của tâm là không.” Nếu khi Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế, thì có thể biết tất cả là Bát-nhã cho đến Bố thí ba-la-mật-đa đều không thật có, cho đến trí Nhất thiết tướng cũng không thật có. Đại Bồ-tát này biết tất cả pháp đều không thật có, nhưng lại có thể đem việc phước nghiệp cùng làm tùy hỷ, hồi hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột. Tâm tùy hỷ hồi hướng như thế là không điên đảo. Vì dùng vô sở đắc làm phương tiện cho nên gọi là tùy hỷ hồi hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột chân thật.

QUYỂN 505

Phẩm 9: Tùy hỷ hồi hướng (2)

Bấy giờ Thiên đế Thích bạch với Cụ thọ Thiện Hiện:

–Các Đại Bồ-tát mới học Đại thừa nghe pháp như vậy, tâm vị ấy sẽ không kinh hãi, hoảng hốt, nghi hoặc. Các Đại Bồ-tát mới học Đại thừa làm sao có thể đem việc tu căn lành mà hồi hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột? Làm sao giữ gìn việc phước nghiệp cùng làm tùy hỷ để hồi hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột.

Lúc đó Cụ thọ Thiện Hiện bảo Thiên đế Thích: –Các Đại Bồ-tát mới học Đại thừa, nếu tu hành, cung kính Bát-nhã ba-la-mật-đa cho đến trí Nhất thiết tướng, dùng vô sở đắc làm phương tiện và dùng không tướng làm phương tiện, giữ gìn Bátnhã ba-la-mật-đa cho đến trí Nhất thiết tướng. Đại Bồ-tát này do nhân duyên ấy nên đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa cho đến trí Nhất thiết tướng, nghĩa tự tướng không sinh nhiều thắng giải, thường được bạn lành hộ trì. Đối với bạn lành thì dùng vô lượng môn văn nghĩa thiện xảo, vì họ mà biện thuyết Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa cho đến pháp tương ưng với trí Nhất thiết tướng. Dùng pháp như thế mà dạy bảo, trao truyền, làm cho vị ấy được nhập vào Chánh tánh ly sinh của Bồ-tát; người chưa nhập vào Chánh tánh ly sinh của Bồ-tát cũng thường không xa lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cho đến trí Nhất thiết tướng.

Lại còn thuyết giảng các việc ác ma, làm cho vị ấy nghe rồi, đối với các việc ma tâm không tăng giảm. Vì sao? Vì các việc ác ma, tánh không thật có, chẳng thể nắm bắt được, cũng dùng pháp này để dạy bảo, trao truyền, làm cho vị ấy thậm chí chứng nhập vào Chánh tánh ly sinh Bồ-tát, thường không xa lìa Phật, gieo trồng các căn lành ở chỗ chư Phật.

Lại do giữ gìn căn lành, cho nên thường sinh trong chúng Đại Bồ-tát cho đến quả vị Giác ngộ cao tột, đối với các căn lành, thường không xa lìa.

Kiều-thi-ca, các Đại Bồ-tát mới học Đại thừa, nếu có thể dùng vô sở đắc làm phương tiện như thế và dùng vô tướng làm phương tiện, thì sẽ giữ gìn được các công đức. Ở nơi các công đức phát sinh được nhiều thắng giải, thường được các bạn lành hộ trì, nghe pháp này nhưng tâm không kinh hãi, hoảng hốt, cũng không nghi hoặc.

Lại nữa Kiều-thi-ca, các Đại Bồ-tát mới học Đại thừa, tùy theo chỗ tu tập sáu pháp Ba-la-mậtđa như Bố thí... cho đến trí Nhất thiết tướng, đều phải dùng vô sở đắc làm phương tiện và dùng không tướng làm phương tiện cùng các hữu tình bình đẳng đồng hồi hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột.

Lại nữa Kiều-thi-ca, các Đại Bồ-tát mới học Đại thừa ở khắp mười phương vô lượng, vô số, vô biên thế giới của tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, dứt đường các cõi, tuyệt hẳn hý luận, đặt các gánh nặng xuống, nhổ gai xóm làng, đoạn tận các hữu kết sử, đầy đủ chánh trí, tâm được giải thoát là vị thuyết pháp khéo léo và đệ tử của vị ấy thành tựu giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn, giải thoát uẩn, giải thoát tri kiến uẩn và tạo được các công đức khác.

Lại ở những chỗ này để gieo trồng căn lành, đó là dòng dõi lớn Sát-đế-lợi cho đến dòng dõi lớn Cư sĩ... là nơi gieo trồng căn lành, hoặc bốn Đại thiên vương cho đến trời Tịnh cư... là chỗ gieo trồng căn lành, như vậy tập hợp tất cả việc phát khởi hiện tiền. So với căn lành khác, thì nó là tối là thắng, là tôn, là cao, là diệu, là vi diệu, là thượng, là không gì trên, không gì bằng, không gì sánh bằng.

Lại đem tâm tùy hỷ cùng làm việc phước nghiệp tùy hỷ, cùng các hữu tình bình đẳng đồng hồi hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột.

Bấy giờ Bồ-tát Từ Thị, hỏi Cụ thọ Thiện Hiện: –Các Đại Bồ-tát mới học Đại thừa, nếu nhớ nghĩ bao nhiêu công đức của Như Lai và đệ tử để gieo trồng căn lành ở cõi trời, người, như thế tập hợp tất cả việc phát khởi hiện tiền. So với căn lành khác, thì nó là tôn thắng...

Lại dùng tâm tùy hỷ như thế, căn lành tùy hỷ cùng các hữu tình bình đẳng đồng hồi hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột. Đại Bồ-tát này, vì sao không rơi vào tâm vọng tưởng, thấy điên đảo?

Cụ thọ Thiện Hiện đáp:

–Bạch Đại sĩ, nếu Đại Bồ-tát nào nhớ nghĩ bao nhiêu công đức của chư Phật và các đệ tử, không khởi vọng tưởng công đức của chư Phật và các đệ tử, đối với việc giao trồng căn lành ở cõi trời, người, mà không khởi vọng tưởng căn lành ở trời, người: Đối với việc phát khởi tâm tùy hỷ hồi hướng đại Bồ-đề cũng lại không khởi tâm tưởng tùy hỷ hồi hướng Bồ-đề.

Đại Bồ-tát này, khởi tâm tùy hỷ hồi hướng thì không rơi vào tâm vọng tưởng thấy điên đảo. Nếu Đại Bồ-tát nào nhớ nghĩ bao nhiêu công đức của Phật và các đệ tử, rồi chấp lấy tướng công đức của Phật và các đệ tử. Đối với việc gieo trồng căn lành ở trời, người... còn chấp lấy tướng căn lành ở trời, người kia, đối với việc phát khởi tâm tùy hỷ hồi hướng đại Bồ-đề, còn chấp lấy tướng phát khởi tâm tùy hỷ hồi hướng Bồ-đề. Đại Bồ-tát này khi phát khởi tâm tùy hỷ hồi hướng, liền rơi vào tâm vọng tưởng thấy điên đảo.

Lại nữa Đại sĩ, nếu Đại Bồ-tát đem lòng nhớ nghĩ căn lành công đức của tất cả chư Phật và các đệ tử như thế, biết đúng tâm này đoạn tận, diệt trừ, xa lìa, biến đổi, chẳng phải có thể tùy hỷ. Biết đúng pháp này tánh nó cũng vậy, chẳng phải là chỗ tùy hỷ, lại hiểu rõ đúng đắn tâm chủ thể hồi hướng pháp tánh cũng vậy, chẳng phải chủ thể hồi hướng và hiểu rõ đúng đắn, pháp đối tượng hồi hướng tánh nó cũng vậy chẳng phải đối tượng hồi hướng. Nếu có thể dựa vào lời nói này mà tùy hỷ hồi hướng là đúng đắn chẳng phải sai lầm. Các Đại Bồtát, đều phải tùy hỷ hồi hướng như vậy.

Lại nữa Đại sĩ, nếu Đại Bồ-tát đối với chư Phật Thế Tôn trong ba đời, từ lúc mới phát tâm đến khi đắc quả vị Giác ngộ cao tột, cho đến lúc pháp diệt, trong khoảng thời gian đó, có bao nhiêu công đức, y vào Phật pháp gieo trồng căn lành từ đệ tử Phật và các Độc giác, gieo trồng căn lành khi nghe thuyết pháp của các phàm phu. Gieo trồng căn lành khi nghe thuyết pháp của Long, Thần, A-tố-lạc... Gieo trồng căn lành khi nghe thuyết pháp của dòng dõi lớn Sát-đế-lợi cho đến dòng dõi lớn Cư sĩ. Gieo trồng căn lành khi nghe thuyết pháp của bốn Đại thiên vương cho đến trời Sắc cứu cánh. Gieo trồng căn lành khi nghe thuyết pháp của các thiện nam, thiện nữ. Phát khởi tâm quả vị Giác ngộ cao tột, tinh tấn tu học các hạnh Bồ-tát. Như vậy, tập hợp tất cả sự phát khởi hiện tiền để so sánh với các căn lành khác thì là tâm tùy hỷ tối thắng...

Lại nữa, đem căn lành tùy hỷ như vậy, cùng các hữu tình bình đẳng đồng hồi hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột. Trong lúc như thế, nếu hiểu rõ đúng đắn các pháp chủ thể tùy hỷ hồi hướng sẽ tận diệt, xa lìa, biến đổi, các pháp đối tượng tùy hỷ hồi hướng, tự tánh đều không. Tuy biết như vậy nhưng có thể tùy hỷ hồi hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột.

Lại ở trong thời gian này, nếu hiểu rõ đúng đắn đều không có pháp, có thể tùy hỷ hồi hướng đối với pháp. Vì sao? Vì tất cả pháp tự tánh đều không, trong không đó đều không có pháp chủ thể và đối tượng tùy hỷ hồi hướng cho nên tuy biết như thế nhưng có thể tùy hỷ hồi hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột.

Đại Bồ-tát này nếu có thể tùy hỷ hồi hướng như thế thì tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa cho đến trí Nhất thiết tướng liền không bị rơi vào tâm vọng tưởng thấy điên đảo. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát này đối với tâm tùy hỷ và chỗ công đức thiện căn tùy hỷ không sinh chấp trước, đối với tâm hồi hướng và đối tượng hồi hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột cũng không chấp trước. Do không chấp trước nên không rơi vào điên đảo. Đó là chỗ để Bồ-tát phát khởi tâm tùy hỷ hồi hướng, gọi là tùy hỷ hồi hướng vô thượng, xa lìa tất cả sự phân biệt giả dối.

Lại nữa Đại sĩ, nếu Đại Bồ-tát này đối với việc tu hành phước nghiệp, như thật biết rõ, xa lìa uẩn, giới, xứ, cũng xa lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa cho đến trí Nhất thiết tướng, thì Đại Bồ-tát này đối với việc tu hành việc phước nghiệp, biết rõ như vậy rồi có thể tùy hỷ hồi hướng đúng đắn về quả vị Giác ngộ cao tột.

Lại nữa Đại sĩ, nếu Đại Bồ-tát hiểu rõ đúng như thật về việc phước nghiệp cùng làm tùy hỷ, xa lìa tự tánh của việc phước nghiệp cùng làm tùy hỷ, chư Phật Thế Tôn, xa lìa tự tánh của chư Phật Thế Tôn, công đức thiện căn, xa lìa tự tánh công đức thiện căn, Thanh văn, Độc giác và các phàm phu, xa lìa tự tánh Thanh văn, Độc giác và các phàm phu. Tâm tùy hỷ hồi hướng đại Bồ-đề, xa lìa tự tánh tâm tùy hỷ hồi hướng đại Bồ-đề, Đại Bồ-tát, xa lìa tự tánh Đại Bồ-tát. Bát-nhã ba-la-mật-đa cho đến trí Nhất thiết tướng, xa lìa tự tánh Bát-nhã bala-mật-đa cho đến trí Nhất thiết tướng, tất cả hạnh Đại Bồ-tát, xa lìa tự tánh tất cả hạnh Đại Bồ-tát, quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật, xa lìa tự tánh quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật, thì Đại Bồtát này, tu hành như vậy, xa lìa tánh Bát-nhã ba-lamật-đa, gọi là chân thật tu hành Bát-nhã ba-la-mậtđa sâu xa, có thể tùy hỷ hồi hướng đúng đắn về quả vị Giác ngộ cao tột.

Lại nữa Đại sĩ, các Đại Bồ-tát, đối với tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đã Niết-bàn và công đức thiện căn của chư đệ tử. Nếu vị nào muốn phát khởi tâm tùy hỷ hồi hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột phải nên tùy hỷ hồi hướng như vầy. Nghĩ như thế này: “Chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và các đệ tử đều đã diệt độ, tự tánh chẳng phải là có, công đức thiện căn cũng lại như vậy, chỗ để ta phát khởi tâm tùy hỷ hồi hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột và sự hồi hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột, tánh kia cũng vậy. Biết như vậy rồi đối với các căn lành, phát sinh tùy hỷ hồi hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột, thì không sinh tâm vọng tưởng thấy điên đảo.”

Nếu Đại Bồ-tát nào lấy việc chấp tướng làm phương tiện, hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, đối với công đức thiện căn của chư Phật Thế Tôn và các đệ tử đã diệt độ mà chấp tướng tùy hỷ hồi hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột, thì chẳng phải là khéo tùy hỷ hồi hướng, vì công đức thiện căn của Phật và các đệ tử ở đời quá khứ, chẳng phải tướng, chẳng phải không tướng, chẳng phải chấp lấy cảnh giới để Đại Bồ-tát này do vì ý niệm chấp tướng mà phát sinh tùy hỷ hồi hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột cho nên chẳng phải khéo tùy hỷ hồi hướng. Do đó liền rơi vào tâm vọng tưởng thấy điên đảo. Nếu Đại Bồ-tát không chấp lấy tướng làm phương tiện hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, đối với công đức thiện căn của chư Phật Thế Tôn và các đệ tử đã diệt độ, xa lìa tướng tùy hỷ hồi hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột thì gọi là khéo tùy hỷ hồi hướng, do đó nên không rơi vào tâm vọng tưởng thấy điên đảo.

Bấy giờ Bồ-tát Từ Thị hỏi Cụ thọ Thiện Hiện:

–Vì sao Đại Bồ-tát, đối với các công đức thiện căn của chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và các đệ tử và các việc phước nghiệp cùng làm tùy hỷ đều không chấp lấy tướng mà có thể tùy hỷ hồi hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột?

Thiện Hiện đáp:

–Nên biết, việc học Bát-nhã ba-la-mật-đa của Đại Bồ-tát có các phương tiện khéo léo như vậy, tuy không chấp lấy tướng nhưng lại tác thành, chẳng xa lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa, có thể khởi việc phước nghiệp cùng làm tùy hỷ đúng đắn, hồi hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột, cho nên các Đại Bồ-tát này vì muốn thành tựu thì cần phải học Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Đại Bồ-tát Từ Thị hỏi:

–Đại đức Thiện Hiện, ông chớ nói như thế. Vì sao? Vì trong Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, chư Phật Thế Tôn và các đệ tử, cùng sự thành tựu công đức thiện căn, đều không thật có, chẳng thể nắm bắt được, các việc phước nghiệp cùng làm tùy hỷ phát tâm hồi hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột, cũng không thật có, chẳng thể nắm bắt được. Trong đây, Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa nên quán như vầy: “Các công đức thiện căn của chư Phật và các đệ tử đời quá khứ, tánh đều đã diệt việc phước nghiệp cùng làm tùy hỷ phát tâm hồi hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột tánh đều tịch diệt. Nếu ta đối với các công đức thiện căn của chư Phật Thế Tôn và các đệ tử kia mà chấp tướng phân biệt và đối với việc phước nghiệp cùng làm tùy hỷ, phát tâm hồi hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột cũng chấp tướng phân biệt. Dùng chấp tướng phân biệt này làm phương tiện, phát sinh tùy hỷ hồi hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột. Chư Phật Thế Tôn đều không công nhận. Vì sao? Vì đối việc chấp tướng phân biệt chư Phật Thế Tôn và các đệ tử đã diệt độ mà tùy hỷ hồi hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột, thì gọi là rất có sở đắc, cho nên các Đại Bồ-tát muốn đối với công đức thiện căn của Như Lai và các đệ tử phát khởi tâm tùy hỷ hồi hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột đúng đắn, thì không nên ở trong đó mà phát khởi có sở đắc, chấp tướng phân biệt để tùy hỷ hồi hướng. Nếu ở trong đó mà khởi có sở đắc, chấp tướng phân biệt mà tùy hỷ hồi hướng, thì Phật không tuyên thuyết nghĩa lợi ích lớn lao kia. Vì sao? Vì tâm tùy hỷ hồi hướng như vậy là vọng tưởng phân biệt, gọi là có lẫn chất độc. Tuy ăn uống có đầy đủ sắc hương thượng diệu, mùi vị thơm ngon, nhưng lại có lẫn chất độc. Người ngu, hiểu biết, cạn cợt, tham lam lấy và ăn, ban đầu tuy rất vừa ý, lại vui vẻ, sung sướng, nhưng sau đó, thức ăn tiêu hóa rồi chịu khổ bội phần, hoặc dẫn đến chết, hoặc gần mất mạng. Một người như thế, thì không khéo thọ trì, không khéo quán sát nghĩa lý câu văn của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, không khéo đọc tụng, không khéo thông hiểu nghĩa lý sâu xa, mà lại bảo người chủng tánh Đại thừa rằng:

–Thiện nam, hãy đến đây! Ông đối với chư Phật Thế Tôn trong ba đời, từ lúc mới phát tâm cho đến khi chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột chuyển pháp luân vi diệu, độ thoát các hữu tình, nhập Niếtbàn vô dư rồi cho đến lúc pháp diệt. Trong khoảng thời gian đó, nếu tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa cho đến trí Nhất thiết tướng, đã tập hợp, sẽ tập hợp, đang tập hợp căn lành, hoặc đem lại sự thành tựu cho hữu tình, làm nghiêm tịnh cõi Phật, đã tập hợp, sẽ tập hợp, đang tập hợp căn lành. Hoặc giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn, giải thoát uẩn, giải thoát tri kiến uẩn của chư Như Lai và vô lượng, vô biên công đức khác. Hoặc tất cả căn lành hữu lậu, vô lậu của đệ tử Phật. Hoặc chư Như Lai đã thọ ký, sẽ thọ ký, đang thọ ký công đức của Trời, Người... Độc giác Bồ-đề. Hoặc các căn lành đã tập hợp, sẽ tập hợp, đang tập hợp của Trời, Rồng, A-tố-lạc... Hoặc các thiện nam, thiện nữ đối với các công đức phát sinh căn lành tùy hỷ hồi hướng. Như vậy, tập hợp tất cả sự tùy hỷ hiện tiền, cùng các hữu tình bình đẳng, đồng hồi hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột. Nói tùy hỷ hồi hướng như thế là dùng có sở đắc, chấp tướng phân biệt làm phương tiện. Cũng giống như các loại thức ăn uống có xen lẫn chất độc ở thế gian, ban đầu thì lợi ích nhưng về sau thì tổn hoại, cho nên tùy hỷ hồi hướng này chẳng phải là khéo tùy hỷ hồi hướng. Vì sao? Vì dùng có sở đắc, chấp tướng phân biệt để phát khởi tâm tùy hỷ hồi hướng, có nhân, có duyên, có tác ý, có hý luận, không phải Bát-nhã ba-la-mật-đa, đó là xen lẫn chất độc, nên gọi là phỉ báng Phật, không tùy thuận theo lời Phật dạy, không theo lời thuyết pháp. Những vị nào có chủng tánh Bồ-tát không nên theo lời nói kia mà học.

Vì vậy, Đại đức, nên nói thế nào để các thiện nam an trụ Bồ-tát thừa? Nên đối với công đức thiện căn của chư Phật và các đệ tử ở ba đời tùy hỷ hồi hướng. Nghĩa là chư Phật kia từ lúc mới phát tâm cho đến khi pháp diệt. Trong khoảng thời gian đó, nếu tu Bát-nhã ba-la-mật-đa cho đến trí Nhất thiết tướng tập hợp các căn lành. Như vậy cho đến nếu các thiện nam, thiện nữ đối với các công đức phát sinh tùy hỷ hồi hướng căn lành.”

Các thiện nam, thiện nữ an trụ Bồ-tát thừa, làm thế nào đối với công đức thiện căn kia, phát sinh tùy hỷ hồi hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột?

Cụ thọ Thiện Hiện đáp Bồ-tát Từ Thị:

–Các thiện nam, thiện nữ an trụ Bồ-tát thừa, hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Vị ấy không muốn phỉ báng Phật mà phát khởi tâm tùy hỷ hồi hướng, phải nghĩ như vầy: “Trí Phật vô thượng của chư Như Lai, hiểu rõ biết hết công đức thiện căn, có tánh như vậy, có tướng như vậy, có pháp như vậy, nhưng có thể tùy hỷ. Tôi nay cũng nên tùy hỷ như vậy. Giống như trí Phật vô thượng của chư Như Lai hiểu rõ, biết hết, nên dùng việc phước nghiệp như vậy hồi hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột. Tôi nay cũng nên hồi hướng như vậy.”

Các thiện nam, thiện nữ an trụ Bồ-tát thừa đối với công đức thiện căn của chư Như Lai và các đệ tử, nên tùy hỷ hồi hướng như thế. Nếu tùy hỷ hồi hướng như thế thì không phỉ báng Phật, đó là theo lời dạy của Phật, theo pháp Phật thuyết. Đại Bồ-tát này dùng tâm tùy hỷ hồi hướng như vậy, không xen tạp các loại độc có thể đến cứu cánh.

Lại nữa Đại sĩ, các thiện nam, thiện nữ an trụ Bồ-tát thừa, hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, đối với công đức thiện căn của chư Như Lai và các đệ tử, nên tùy hỷ hồi hướng như vậy. Như sắc uẩn... không rơi vào ba cõi, chẳng bị lệ thuộc vào ba đời, tùy hỷ hồi hướng cũng nên như vậy. Cho đến trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng, không rơi vào ba cõi, chẳng bị lệ thuộc vào ba đời, tùy hỷ hồi hướng cũng vậy. Như các giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn, giải thoát uẩn, giải thoát tri kiến uẩn, không rơi vào ba cõi, chẳng bị lệ thuộc vào ba đời, tùy hỷ hồi hướng cũng nên như vậy. Vì sao? Vì các pháp kia tự tánh không, không rơi vào ba cõi, chẳng bị lệ thuộc vào ba đời, tùy hỷ hồi hướng cũng lại như vậy. Nghĩa là tự tánh của chư Như Lai là không, nên không rơi vào ba cõi, chẳng bị lệ thuộc vào ba đời. Công đức của chư Phật, tự tánh không, nên không rơi vào ba cõi, chẳng bị lệ thuộc vào ba đời. Thanh văn, Độc giác và Trời, Người... tự tánh không, nên không rơi vào ba cõi, chẳng bị lệ thuộc vào ba đời. Các căn lành đó, tự tánh không, nên không rơi vào ba cõi, chẳng bị lệ thuộc vào ba đời. Đối với việc tùy hỷ kia, tự tánh không, nên không rơi vào ba cõi, chẳng bị lệ thuộc vào ba đời. Pháp hồi hướng tự tánh không, nên không rơi vào ba cõi, chẳng bị lệ thuộc vào ba đời. Người hồi hướng, tự tánh không, nên không rơi ba cõi, chẳng bị lệ thuộc vào ba đời. Nếu khi Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, biết đúng như thật các pháp năm uẩn, thì không rơi vào ba cõi, chẳng bị lệ thuộc vào ba đời. Nếu không rơi vào ba cõi, chẳng bị lệ thuộc vào ba đời, thì không thể dùng có tướng làm phương tiện, có sở đắc làm phương tiện, phát sinh tùy hỷ hồi hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột. Vì sao? Vì các pháp uẩn... tự tánh chẳng sinh. Nếu pháp chẳng sinh thì không thật có, không thể dùng pháp không thật có tùy hỷ hồi hướng không thật có, cho nên Đại Bồ-tát tùy hỷ hồi hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột như vậy là không xen tạp độc hại, có thể đến cứu cánh.

Các thiện nam, thiện nữ an trụ Bồ-tát thừa, nếu dùng có tướng làm phương tiện, hoặc có sở đắc làm phương tiện, đối với các công đức thiện căn của chư Như Lai và các đệ tử mà phát tâm tùy hỷ hồi hướng nên biết đây là tùy hỷ hồi hướng sai lầm. Phát tâm tùy hỷ hồi hướng sai lầm, thì chư Phật Thế Tôn không khen ngợi. Tâm tùy hỷ hồi hướng như vậy, chẳng phải là việc để Phật Thế Tôn khen ngợi, cho nên không có thể viên mãn sáu pháp Bala-mật-đa như Bố thí... cho đến không viên mãn trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng. Do các công đức không viên mãn, nên không làm nghiêm tịnh cõi Phật, đem lại sự thành tựu cho hữu tình. Do không làm nghiêm tịnh cõi Phật, đem lại sự thành tựu cho hữu tình, nên không chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột. Vì sao? Vì do phát khởi sự tùy hỷ hồi hướng có các sự xen tạp độc hại của có tướng, có sở đắc.

Lại nữa Đại sư, nếu khi Đại Bồ-tát hành Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa nên nghĩ như vầy: “Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác ở mười phương thế giới thông hiểu công đức thiện căn đúng như thật, có pháp như vậy để nương tựa, đó là pháp phát sinh tùy hỷ hồi hướng không điên đảo.” Ta nay cũng nên y vào pháp như vậy mà phát sinh tùy hỷ hồi hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột, đó là phát sinh tùy hỷ hồi hướng đúng đắn. Do đó nhất định chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột, độ các hữu tình cùng tận đời vị lai.

Bấy giờ Thế Tôn khen ngợi Thiện Hiện:

–Lành thay, lành thay! Nay ông đã vì tất cả Đại Bồ-tát mà làm Phật sự lớn, nghĩa là vì các Đại Bồtát mà khéo tuyên thuyết không điên đảo về sự tùy hỷ hồi hướng. Việc tuyên thuyết tùy hỷ hồi hướng như vậy là dùng không tướng, không đắc, không sinh, không diệt, không nhiễm, không tịnh, tự tánh, không tánh, tự tướng tánh không mà làm phương tiện. Cũng dùng pháp tánh pháp giới, chân như cho đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn làm phương tiện. Thiện Hiện nên biết, giả sử tất cả hữu tình ở thế giới ba lần ngàn đều được thành tựu mười nẻo nghiệp thiện, bốn Tĩnh lự, bốn Vô lượng, bốn Định vô sắc, năm Thần thông. Ý ông nghĩ sao? Các hữu tình này được phước đức nhiều không?

Thiện Hiện đáp:

–Bạch Thế Tôn, rất nhiều! Bạch Thiện Thệ, rất nhiều!

Phật bảo Thiện Hiện:

–Nếu thiện nam, thiện nữ nào đối với công đức thiện căn của chư Như Lai và các đệ tử, khởi tâm không nhiễm trước, tùy hỷ hồi hướng, công đức đạt được nhiều hơn trên. Thiện Hiện nên biết, các thiện nam, thiện nữ này, khởi tâm tùy hỷ hồi hướng như vậy, đối với các căn lành khác là tối, là thắng, là tôn, là cao, là diệu, là vi diệu, là thượng, là không gì trên, không gì bằng, không gì sánh bằng.

Lại nữa Thiện Hiện, giả sử tất cả hữu tình ở thế giới ba lần ngàn, đều đắc quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Độc giác Bồ-đề. Nếu các thiện nam, thiện nữ đối với các vị Dự lưu cho đến Độc giác kia trọn đời đem tất cả vật cúng dường để dâng lên vị ấy một cách cung kính, tôn trọng, ngợi khen. Ý ông nghĩ sao? Các thiện nam, thiện nữ này, do nhân duyên ấy mà được nhiều phước đức chăng?

Thiện Hiện thưa:

–Bạch Thế Tôn, rất nhiều! Bạch Thiện Thệ, rất nhiều!

Phật bảo Thiện Hiện:

–Nếu thiện nam, thiện nữ nào đối với công đức thiện căn của chư Như Lai và đệ tử, khởi tâm vô nhiễm, tùy hỷ hồi hướng. Công đức này đạt được nhiều hơn trên. Thiện Hiện nên biết, các thiện nam, thiện nữ này nên phát khởi tùy hỷ hồi hướng như thế, đối với căn lành khác là tối, là thắng...

Lại nữa Thiện Hiện, giả sử tất cả hữu tình ở thế giới ba lần ngàn đều hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột. Nếu tất cả hữu tình ở mười phương thế giới như số cát sông Hằng đều đem đầy đủ sự cúng dường mà dâng lên, trải qua hằng hà sa đại kiếp đều cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen. Ý ông nghĩ sao? Các hữu tình do nhân duyên ấy mà được nhiều phước đức không?

Thiện Hiện đáp:

–Bạch Thế Tôn, rất nhiều! Bạch Thiện Thệ, rất nhiều! Phước đức như vậy nếu có hình sắc, mười phương hằng hà sa thế giới không thể chứa hết.

Phật bảo Thiện Hiện:

–Đúng vậy, đúng vậy, đúng như lời ông nói! Thiện Hiện nên biết, các thiện nam, thiện nữ đối với công đức thiện căn của chư Như Lai và các đệ tử, khởi tâm không nhiễm trước, tùy hỷ hồi hướng. Công đức đạt được nhiều hơn trên.

Thiện Hiện nên biết, các thiện nam, thiện nữ này khởi tâm tùy hỷ hồi hướng như thế, đối với căn lành khác là tối, là thắng cho đến như đã nói rộng.

Thiện Hiện nên biết, đem phước đức trên so với công đức sau không bằng một phần trăm một phần ngàn cho đến một phần nhỏ. Vì sao? Mười nẻo nghiệp thiện, bốn Tĩnh lự... của hữu tình kia đều dùng có tướng và có sở đắc làm phương tiện, cho nên các thiện nam, thiện nữ kia dùng đầy đủ sự cúng dường mà dâng lên bậc Dự lưu, cho đến bậc phát tâm Bồ-đề lớn, cũng dùng có tướng và có sở đắc làm phương tiện.

Bấy giờ bốn Đại thiên vương cùng với ba vạn hai ngàn Thiên tử quyến thuộc đều đảnh lễ sát chân Phật và chắp tay cung kính bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, các Đại Bồ-tát kia mới có thể phát tâm tùy hỷ rộng lớn như thế. Nghĩa là phương tiện thiện xảo của Bồ-tát kia là dùng không tướng, không sở đắc, không nhiễm trước, không tạo tác làm phương tiện, đối với công đức thiện căn của chư Như Lai và các đệ tử phát khởi tùy hỷ hồi hướng không điên đảo. Sự phát khởi tùy hỷ hồi hướng như vậy không rơi vào trong pháp hai và không pháp hai.

Khi ấy Thiên đế Thích và Thiên tử Tô-dạ-ma, Thiên tử San-đổ-sử-đa, Thiên tử Thiện Biến Hóa, Thiên tử Tối Tự Tại, đều cùng vô lượng trăm ngàn các Thiên tử, cầm các loại tràng hoa thượng diệu, hương bột, hương xoa... y phục, anh lạc, tràng phan, lọng báu, các thứ trân kỳ tấu tiếng nhạc trời để cúng dường Phật, đảnh lễ sát chân ngài và chắp tay bạch:

–Các Đại Bồ-tát kia mới có thể phát tâm tùy hỷ hồi hướng rộng lớn như thế. Nghĩa là vị Đại Bồ-tát kia bày phương tiện thiện xảo dùng không tướng, không sở đắc, không nhiễm trước, không tạo tác làm phương tiện, đối với các công đức thiện căn của chư Như Lai và các đệ tử, phát khởi tâm tùy hỷ hồi hướng nhưng không điên đảo. Tùy hỷ hồi hướng như vậy là không rơi vào trong pháp hai và không pháp hai.

Khi ấy Đại phạm Thiên vương, trời Cực quang tịnh, trời Biến tịnh, trời Quảng quả, trời Sắc cứu cánh, mỗi vị cùng với vô lượng trăm ngàn câu-chi na-dữu-đa Thiên chúng, đều đảnh lễ sát chân Phật, chắp tay cung kính, đồng bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, thật hy hữu! Các Đại Bồ-tát kia được phương tiện thiện xảo Bát-nhã ba-la-mậtđa nâng đỡ nên vượt hơn, thù thắng hơn các căn lành của các thiện nam không có phương tiện thiện xảo và có tướng, có sở đắc để tu căn lành.

Phật bảo bốn Đại thiên vương cho đến trời Sắc cứu cánh...

–Giả sử tất cả hữu tình ở thế giới ba lần ngàn, đều hướng về quả vị Giác ngộ cao tột, ở khắp tất cả Như Lai, mười phương thế giới thời quá khứ, vị lai, hiện tại, từ lúc mới phát tâm cho đến chánh pháp an trụ, trong khoảng thời gian đó các căn lành tương ưng với Bố thí ba-la-mật-đa cho đến trí Nhất thiết tướng; hoặc các căn lành của chư đệ tử; hoặc giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn, giải thoát uẩn, giải thoát tri kiến uẩn của chư Như Lai và vô lượng, vô biên Phật pháp; hoặc chánh pháp do chư Như Lai tuyên thuyết; hoặc dựa vào pháp đó tu tập ba việc phước nghiệp: tánh thí, tánh giới, tánh tu; hoặc dựa vào pháp đó mà tinh tấn tu học, đắc quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Độc giác Bồ-đề, được pháp vào Chánh tánh ly sinh của Bồ-tát; hoặc các hữu tình được dẫn phát căn lành tu tập Bố thí, Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bát-nhã... Tập hợp tất cả như thế để cân lường, dùng có tướng, có sở đắc, có nhiễm trước, có tạo tác, có hai, có không hai làm phương tiện hiện tiền tùy hỷ; đã tùy hỷ rồi hồi hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột.

Cũng có các thiện nam, thiện nữ phát tâm cầu quả vị Giác ngộ cao tột đối với tất cả Như Lai trong mười phương thế giới vào thời quá khứ, vị lai, hiện tại, từ lúc mới phát tâm cho đến chánh pháp an trụ. Trong khoảng thời gian đó tu căn lành tương ưng Bố thí ba-la-mật-đa, cho đến các hữu tình được dẫn phát căn lành tu tập Bố thí, Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bát-nhã... Tập hợp tất cả như thế để cân lường, dùng không tướng, không sở đắc, không nhiễm trước, không tạo tác, không hai, không chẳng hai làm phương tiện hiện tiền tùy hỷ; đã tùy hỷ rồi hồi hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột. Sự tùy hỷ hồi hướng của các thiện nam, thiện nữ đối với căn lành khác là tối, là thắng, nói rộng như trên. Đối với sự tùy hỷ hồi hướng của hữu tình trên thù thắng gấp trăm phần, ngàn phần cho đến muôn ức phần cũng là tối, là thắng.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

–Sự tùy hỷ hồi hướng của các thiện nam, thiện nữ như Phật đã nói, đối với các căn lành khác là tối, là thắng, nói rộng như trên. Vậy ở mức độ nào thì nói là tùy hỷ hồi hướng đối với các căn lành khác là tối là thắng...?

Phật dạy:

–Thiện Hiện, các thiện nam, thiện nữ đó đối với tất cả Như Lai, Thanh văn, Độc giác Bồ-tát ở mười phương thế giới thời quá khứ, vị lai, hiện tại và các căn lành khác của tất cả hữu tình, không lấy, không bỏ, không khoe, không khinh, chẳng có sở đắc, chẳng không sở đắc, đạt được tất cả pháp không sinh, không diệt, không nhiễm, không tịnh, không tăng, không giảm, không đến, không đi, không hợp, không tan, không vào, không ra.

Lại nghĩ như vầy: “Pháp ba đời là cảnh giới pháp chân như cho đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn. Ta cũng như vậy, đối với các căn lành dùng vô sở đắc làm phương tiện tùy hỷ hồi hướng.”

Thiện Hiện, sự tùy hỷ hồi hướng ở mức độ này nên Như Lai nói đối với căn lành khác là tối, là thắng... Tùy hỷ hồi hướng như thế thù thắng hơn tùy hỷ hồi hướng khác gấp trăm ngàn lần cho đến muôn ức phần. Cho nên ta nói tùy hỷ hồi hướng như vậy đối với căn lành khác là tối, là thắng...

Lại nữa Thiện Hiện, các thiện nam, thiện nữ... an trụ Bồ-tát thừa ở mười phương ba đời Như Lai, từ lúc mới phát tâm cho đến chánh pháp an trụ, trong khoảng thời gian đó tu căn lành tương ưng với Bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa, cho đến vô lượng, vô số, vô biên Phật pháp; hoặc công đức thiện căn của chư Thanh văn, Độc giác, Bồ-tát; hoặc ba việc phước nghiệp là tánh thí, tánh giới, tánh tu và các căn lành khác của các hữu tình. Tập hợp tất cả như thế lại hiện tiền phát khởi tâm tùy hỷ hồi hướng không điên đảo. Nên nghĩ như vầy: “Sắc cho đến thức cùng với giải thoát... cho đến trí Nhất thiết tướng cùng với giải thoát... giới uẩn... năm uẩn cùng với giải thoát... đối với sự thắng giải tất cả pháp cùng với giải thoát... chư Phật ba đời cùng với giải thoát... chư pháp ba đời cùng với giải thoát... tất cả sự tùy hỷ và sự hồi hướng cùng với giải thoát... các căn thành thục, biến hóa của Phật và đệ tử cùng các Độc giác cùng với giải thoát... sự chứng đắc Niết-bàn của Phật và đệ tử cùng với các Độc giác cùng với giải thoát... các pháp, pháp tánh của chư Phật, Bồ-tát Độc giác, Thanh văn cùng với giải thoát... tất cả hữu tình và tất cả pháp, pháp tánh kia cùng với giải thoát... như các pháp tánh không buộc, không mở, không nhiễm, không tịnh, không khởi, không tận, không sinh, không diệt, không lấy, không bỏ. Ta đối với công đức thiện căn như thế, hiện tiền tùy hỷ. Đem căn lành này ban cho các hữu tình một cách bình đẳng rồi đồng hồi hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột. Tùy hỷ hồi hướng như vậy chẳng phải có chủ thể tùy hỷ hồi hướng, không có đối tượng tùy hỷ, không có đối tượng hồi hướng. Tùy hỷ hồi hướng như vậy, chẳng chuyển, chẳng dừng, không sinh diệt.

Thiện Hiện, tùy hỷ hồi hướng của Đại Bồ-tát này đối với sự phát khởi tùy hỷ hồi hướng khác là tối, là thắng, nói rộng như trên. Nếu đem Bồ-tát thành tựu tùy hỷ hồi hướng như thế, mau chóng chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột.

Lại nữa Thiện Hiện, nếu các thiện nam, thiện nữ... phát tâm Đại thừa, giả sử ở trong mười phương hằng hà sa thế giới hiện tại của tất cả Như Lai và các đệ tử, dùng có tướng, có sở đắc làm phương tiện, trọn đời thường đem các vật thượng diệu cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen. Sau khi chư Như Lai và các đệ tử nhập Niết-bàn, lấy xá-lợi, rồi dùng bảy báu xây dựng các tháp cao rộng, ngày đêm tinh tấn, lễ bái, nhiễu quanh.

Lại dùng các loại tràng hoa thượng diệu cho đến đèn sáng, cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen.

Lại dùng có tướng và có sở đắc làm phương tiện, tinh tấn tu, Bố thí cho đến Bát-nhã và căn lành khác. Cũng có các thiện nam, thiện nữ khác phát tâm Đại thừa, dùng không tướng và không sở đắc làm phương tiện, tu hành căn lành tương ưng với sáu pháp Ba-la-mật-đa, phương tiện thiện xảo, phát sinh tùy hỷ đối với tất cả công đức thiện căn khác. Đem căn lành này ban cho các hữu tình một cách bình đẳng rồi đồng hồi hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột. Các thiện nam, thiện nữ này, do nhờ phương tiện khéo léo, tùy hỷ hồi hướng Bát-nhã ba-la-mật-đa. Sự tạo tác công đức này của các thiện nam phát tâm Đại thừa thù thắng hơn trên đã nói gấp trăm phần, ngàn phần, muôn ức phần. Cho nên nói tùy hỷ hồi hướng như thế đối với căn lành khác là tối, là thắng...

Thế nên Thiện Hiện, các Đại Bồ-tát phát khởi tâm Đại thừa nên dùng không tướng và không sở đắc làm phương tiện, tinh tấn tu căn lành tương ưng với Bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa và dựa vào phương tiện thiện xảo Bát-nhã ba-la-mậtđa đối với công đức thiện căn của Như Lai và các đệ tử, phát sinh tâm tùy hỷ hồi hướng không điên đảo. Nếu Đại Bồ-tát, có thể dùng không tướng và không sở đắc làm phương tiện để tùy hỷ hồi hướng, thì Đại Bồ-tát này mau chóng chứng quả vị Giác ngộ cao tột, làm lợi ích an lạc cho tất cả hữu tình đến tận đời vị lai.


Trước

[Đầu trang][Mục lục Kinh Đại Bát Nhã]

Tiếp theo


[Mục lục bộ Bát-nhã][220][221][222][223][224][225][226][227][228][229][230][231][232][233][234][235][236][237][238][239][240][241][242][243][244][245][246][247][248][249][250][251][252][253][254][255][256][257][258][259][260][261]


[Mục lục tổng quát]