SỐ 220
KINH ĐẠI BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA

HỘI THỨ IV

Phẩm 23: Vua trời
(QUYỂN 552)

Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.


QUYỂN 552

Phẩm 23: Vua trời

Bấy giờ, Thiên đế Thích bạch Phật:

–Kính bạch Thế Tôn, Bát-nhã ba-la-mật-đa như vậy rất là sâu xa, khó thấy, khó biết.

Phật bảo Thiên đế Thích:

–Đúng vậy, đúng vậy, như lời ông nói! Kiềuthi-ca, Bát-nhã ba-la-mật-đa này rất là sâu xa. Bátnhã ba-la-mật-đa này khó thấy, khó biết. Này Kiều-thi-ca, vì hư không mênh mông nên Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng như vậy, rất là mênh mông. Vì hư không khó thấy, khó biết nên Bát-nhã ba-lamật-đa cũng như vậy, khó thấy, khó biết. Vì sao? Này Kiều-thi-ca, vì Bát-nhã ba-la-mật-đa này tự tánh xa lìa, hoàn toàn không sở hữu, giống như hư không.

Khi ấy, Thiên đế Thích bạch Phật:

–Các loài hữu tình, chỉ với chút ít căn lành; đối với sự sâu xa khó thấy, khó biết của Bát-nhã ba-lamật-đa mà có thể chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, siêng năng tinh tấn tu học, tư duy đúng pháp, phân biệt giảng thuyết rộng rãi được sao?

Khi ấy, Phật bảo Thiên đế Thích:

–Đúng vậy, đúng vậy, như lời ông nói! Này Kiều-thi-ca, các loài hữu tình chẳng phải với chút ít căn lành mà có thể chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, tư duy đúng pháp và phân biệt giảng thuyết rộng rãi Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa khó thấy, khó biết; hoặc có thể biên chép làm cho lưu hành rộng rãi, các hữu tình này sẽ được công đức vô lượng.

Kiều-thi-ca, giả sử tất cả hữu tình ở trong châu Thiệm-bộ này đều thành tựu mười nẻo nghiệp thiện, ý ông thế nào? Các hữu tình này được công đức có nhiều không?

Thiên đế Thích thưa:

–Rất nhiều, kính bạch Thế Tôn! Rất nhiều, kính bạch Thiện Thệ!

Phật bảo:

–Kiều-thi-ca, có các thiện nam, thiện nữ chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, tư duy đúng pháp, phân biệt, giảng nói rộng rãi kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này cho tất cả hữu tình, hoặc là biên chép làm cho được lưu truyền cùng khắp; các thiện nam, thiện nữ này đạt được công đức hơn công đức trước gấp trăm lần, gấp ngàn lần, cho đến gấp cùng cực số lần.

Bấy giờ, trong đại hội có một Bí-sô bảo Thiên đế Thích:

–Kiều-thi-ca, nếu thiện nam, thiện nữ nào chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, chuyên tinh tu học, tư duy đúng pháp, phân biệt, giảng dạy, rộng rãi kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này cho tất cả hữu tình; hoặc lại biên chép làm cho được lưu truyền cùng khắp, thì các thiện nam, thiện nữ này đạt được công đức hơn Ngài?

Thiên đế Thích thưa:

–Các thiện nam, thiện nữ này, chỉ cần một lần phát tâm đầu tiên còn hơn tôi, huống là chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, chuyên tinh tu học, tư duy đúng pháp, phân biệt giảng dạy kinh điển Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa cho tất cả hữu tình, hoặc lại biên chép làm cho được lưu truyền cùng khắp.

Bí-sô nên biết, phước đức của Đại Bồ-tát này đạt được, cũng hơn tất cả công đức của thế gian, Trời, Người, A-tố-lạc đạt được.

Bí-sô nên biết, phước đức của Đại Bồ-tát này đạt được, chẳng những hơn công đức của khắp tất cả thế gian, Trời, Người, A-tố-lạc đạt được mà còn hơn công đức của tất cả các bậc Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Độc giác đạt được.

Bí-sô nên biết, phước đức của Đại Bồ-tát này đạt được, chẳng những hơn công đức của khắp tất cả các bậc Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Độc giác, mà còn hơn tất cả các Đại Bồ-tát xa lìa phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa mà làm nhà đại thí chủ, tu hạnh bố thí.

Bí-sô nên biết, phước đức của Đại Bồ-tát này đạt được, cũng hơn tất cả các Đại Bồ-tát, xa lìa phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa để tu học: giới thanh tịnh, giới không khuyết, giới không hủy, giới không tạp, giới không uế và làm viên mãn giới uẩn.

Bí-sô nên biết, phước đức của Bồ-tát này đạt được, cũng hơn sự tu học của tất cả các Đại Bồ-tát, xa lìa phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-lamật-đa để tu học viên mãn an nhẫn, viên mãn tịch tĩnh, không sân, không hận... cho đến đối với cây cháy cũng không có tâm làm hại, an nhẫn hoàn toàn.

Bí-sô nên biết, phước đức của Đại Bồ-tát này đạt được, cũng hơn sự tu học của tất cả các Đại Bồtát, xa lìa phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-lamật-đa mà tu học tinh tấn dũng mãnh, không từ bỏ sự hộ trì tốt đẹp nào, không lười biếng, không hèn kém; tinh tấn viên mãn nghiệp thân, ngữ, ý.

Bí-sô nên biết, phước đức của Đại Bồ-tát này đạt được, cũng hơn sự tu học của tất cả các Đại Bồtát, xa lìa phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-lamật-đa mà tu học tĩnh lự đáng yêu mến, tĩnh lự đáng ưa thích, tĩnh lự dũng mãnh, tĩnh lự an trụ, tĩnh lự tự tại, tĩnh lự viên mãn.

Bí-sô nên biết, phước đức đạt được của Đại Bồtát này, cũng hơn sự tu học của tất cả Đại Bồ-tát, xa lìa phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-lamật-đa mà tu học các căn lành khác.

Bí-sô nên biết, Đại Bồ-tát này đúng như lời dạy, đã tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, vì có phương tiện thiện xảo nên hơn tất cả thế gian, Trời, Người, A-tố-lạc... cũng hơn tất cả Thanh văn, Độc giác, cũng hơn tất cả các chúng Bồ-tát xa lìa phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì sao? Vì Đại Bồ-tát này đúng theo lời dạy, đã tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa; đối với Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa tùy thuận hoàn toàn. Đại Bồ-tát này có thể kế tục chủng tánh trí Nhất thiết trí, làm cho không đoạn tuyệt; thường không xa lìa bạn lành chân tịnh là chư Phật và Bồ-tát. Đại Bồtát này, tu hành tịnh hạnh thù thắng như vậy, thường không xa lìa tòa Bồ-đề vi diệu, hàng phục chúng ma, chế ngự các ngoại đạo. Đại Bồ-tát này, khi tu học như vậy, với phương tiện thiện xảo thường hay cứu vớt các loài hữu tình chìm đắm trong bùn phiền não. Đại Bồ-tát này, khi học như vậy, với phương tiện thiện xảo thường học pháp cần nên học của chúng Đại Bồ-tát, chẳng học pháp nên học của các Thanh văn, Độc giác thừa,...

Bí-sô nên biết, Đại Bồ-tát này đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa; khi học như vậy, các chúng Thiên thần đều rất hoan hỷ, bốn vua Hộ thế đều thống lĩnh Thiên chúng đi đến chỗ Đại Bồ-tát đó, cung kính cúng dường, tôn trọng, ngợi khen, đồng nói thế này:

–Lành thay, Đại sĩ! Nên siêng năng, tinh tấn học pháp cần nên học, của các chúng Đại Bồ-tát, chớ học pháp nên học của các Thanh văn, Độc giác thừa. Nếu học được như vậy, thì mau được an trụ nơi tòa Bồ-đề mầu nhiệm, mau chứng quả vị Giác ngộ cao tột. Như Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác trước kia, nhận bốn bình bát của bốn Thiên vương dâng cúng, nay Ngài cũng sẽ nhận như xưa. Bốn đức Thiên vương Hộ thế dâng lên bốn bát, chúng tôi cũng sẽ dâng như vậy.

Bí-sô nên biết, Đại Bồ-tát này khi học như vậy, vua trời chúng tôi còn thống lãnh Thiên chúng đi đến chỗ Đại Bồ-tát đó để cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen, huống là các Thiên thần khác mà không đi đến nơi đó hay sao?

Bí-sô nên biết, Đại Bồ-tát này khi học như vậy, tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và các chúng Đại Bồ-tát cùng các Trời, Rồng, A-tố-lạc,... thường theo hộ niệm. Do nhân duyên như vậy, Đại Bồ-tát này với tất cả hiểm nạn, nguy khốn, thân tâm buồn khổ... ở thế gian đều chẳng phải là khổ ách. Các thứ bệnh tật do bốn đại trái nhau ở thế gian, vĩnh viễn không có trong thân; chỉ trừ nghiệp nặng được chuyển đổi, nên hiện tại chịu nhẹ.

Bí-sô nên biết, Đại Bồ-tát này đúng như lời dạy, đã tu hành phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, nên được những công đức ngay đời hiện tại như vậy và công đức đời sau thì vô lượng, vô biên.

Khi ấy, A-nan-đà thầm nghĩ: “Thiên đế Thích tự mình có biện tài khen ngợi Bát-nhã ba-la-mậtđa sâu xa và công đức thù thắng của các Bồ-tát như thế hay là nhờ năng lực oai thần của Như Lai?”

Khi ấy, Thiên đế Thích nhờ oai thần của Phật, biết ý nghĩ trong tâm A-nan-đà, nên thưa rằng:

–Bạch Đại đức, sự khen ngợi của tôi về Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa và công đức thù thắng của các Bồ-tát đều là nhờ thần lực của Như Lai.

Khi ấy, Phật bảo A-nan-đà:

–Đúng vậy, đúng vậy! Nay Thiên đế Thích khen ngợi Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa và công đức thù thắng của Bồ-tát như vậy; thì nên biết, đó đều là nhờ thần lực của Như Lai, chứ chẳng phải biện tài của chính mình. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa và công đức thù thắng của các chúng Đại Bồ-tát, nhất định chẳng phải tất cả thế gian, Trời, Người, A-tố-lạc,... có thể khen ngợi được.


Trước

[Đầu trang][Mục lục Kinh Đại Bát Nhã]

Tiếp theo


[Mục lục bộ Bát-nhã][220][221][222][223][224][225][226][227][228][229][230][231][232][233][234][235][236][237][238][239][240][241][242][243][244][245][246][247][248][249][250][251][252][253][254][255][256][257][258][259][260][261]


[Mục lục tổng quát]