SỐ 220
KINH ĐẠI BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA

HỘI THỨ V

Phẩm 14: thí dụ Thuyền bè
(QUYỂN 561)

Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.


QUYỂN 561

Phẩm 14: thí dụ Thuyền bè

Này Thiện Hiện, ví như khách buôn đi trên biển lớn, thuyền bè của họ bỗng bị hư, những người trong thuyền nếu lấy được gỗ, đồ vật, phao nổi, tấm ván hay tử thi làm chỗ để bám vào, nên biết những người này hoàn toàn không bị chết chìm, được đến bờ bên kia của biển lớn an ổn, không tổn, không hại, nhận được các sự vui thú. Các chúng Bồ-tát cũng như thế, nếu đối với Đại thừa có tín, có nhẫn, có ưa, có thích, có tinh tấn, có hiểu rõ, có sự không buông lung, có ý ưa thích tốt đẹp, có xả, có kính, có tâm thanh tịnh, có sự hộ trì tốt đẹp, không rời bỏ quả vị Giác ngộ cao tột, lại thường giữ gìn Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa làm sự nương tựa, nên biết những người này nhất định chẳng thoái lui giữa đường, nhập vào địa vị Thanh văn, Độc giác, nhất định chứng quả vị Giác ngộ cao tột.

Thiện Hiện, như có các nam hoặc các nữ đem bình đất nung chín đến sông, hoặc ao, hoặc giếng, suối, kênh, ngòi... lấy nước, nên biết, bình này chắc chắn chẳng hư rã. Vì sao? Vì bình này đã được nung kỹ, có thể chứa đựng đầy nước vì rất bền chắc vậy.

Các chúng Bồ-tát cũng như thế. Nếu đối với Đại thừa có tín, có nhẫn, có ưa, có thích, có tinh tấn, có sự hiểu rõ, không buông lung, có ý ưa thích tốt đẹp, có xả, có kính, có tâm thanh tịnh, có sự cột buộc, chẳng rời bỏ quả vị Giác ngộ cao tột, lại có thể giữ gìn phương tiện thiện xảo của Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa, nên biết những loại người này nhất định chẳng thoái lui giữa đường, sẽ nhập vào địa vị Thanh văn, hoặc Độc giác, nhất định chứng quả vị Giác ngộ cao tột.

Thiện Hiện, như người đi buôn có đủ trí khôn khéo, trước tiên tại bờ biển, sửa chữa ghe thuyền cho bền chắc, xong rồi mới khiêng bỏ xuống nước, biết không có lỗ thủng, sau đó mới đem hàng hóa, đồ dùng chất lên mà đi. Nên biết, ghe thuyền kia chắc chắn chẳng bị hư chìm, người và vật đi đến nơi được an ổn.

Các chúng Bồ-tát cũng như thế. Nếu đối với Đại thừa có tín, có nhẫn, có ưa thích, có tinh tấn, có sự hiểu rõ, có sự không buông lung, có ý ưa thích tốt đẹp, có xả, có kính, có tâm thanh tịnh, có sự cột buộc tốt đẹp chẳng rời bỏ quả vị Giác ngộ cao tột, lại có thể giữ gìn phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, nên biết những loại người này nhất định chẳng thoái lui giữa đường, sẽ nhập vào địa vị Thanh văn, hoặc Độc giác, nhất định chứng quả vị Giác ngộ cao tột.

Thiện Hiện, ví như có người một trăm hai mươi tuổi, già nua, suy yếu, lại thêm có các thứ bệnh, như bệnh phong, nhiệt, đàm, hoặc cả ba thứ lẫn lộn. Người già bệnh này muốn từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến nơi khác, nhưng tự mình chẳng thể đi được. Nếu có hai người khỏe mạnh, xốc hai bên hông, từ từ đỡ lên và nói: “Chẳng có gì khó khăn, cứ đi lại tùy ý, nay đã có hai người chúng tôi luôn luôn ở bên cạnh, chắc chắn sự đi đến sẽ được an ổn, không tổn hại.”

Các chúng Bồ-tát cũng như thế. Nếu đối với Đại thừa có tín, có nhẫn, có ưa, có thích, có tinh tấn, có sự hiểu rõ ràng, có sự không buông lung, có ý ưa thích tốt đẹp, có xả, có kính, có tâm thanh tịnh, có sự cột buộc tốt đẹp, chẳng rời bỏ quả vị Giác ngộ cao tột, lại có thể hộ trì phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, nên biết những loại người này nhất định chẳng thoái lui giữa đường, sẽ nhập vào địa vị Thanh văn, hoặc Độc giác, nhất định chứng quả vị Giác ngộ cao tột. Trái với những gì đã nói trên đây thì gọi là bậc đen.


Trước

[Đầu trang][Mục lục Kinh Đại Bát Nhã]

Tiếp theo


[Mục lục bộ Bát-nhã][220][221][222][223][224][225][226][227][228][229][230][231][232][233][234][235][236][237][238][239][240][241][242][243][244][245][246][247][248][249][250][251][252][253][254][255][256][257][258][259][260][261]


[Mục lục tổng quát]