SỐ 220
KINH ĐẠI BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA
HỘI THỨ V
Phẩm 2: THIÊN ĐẾ THÍCH
(QUYỂN 556)
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.
Khi ấy, Thiên đế Thích cùng bốn vạn Thiên tử đồng đến hội họp. Bốn Thiên vương hộ thế cùng hai vạn Thiên tử đồng đến hội họp. Đại phạm Thiên vương, chủ cõi Sách-ha cùng một vạn Phạm chúng đồng đến hội họp. Lại có năm ngàn chúng trời Tịnh cư đồng đến hội họp. Nghiệp quả và ánh sáng nơi thân của các chúng trời này ở trước oai quang của Phật đều không thể hiện ra được.
Khi ấy, Thiên đế Thích bạch Thiện Hiện:
–Nay có vô lượng Thiên tử, muốn nghe Đại đức tuyên thuyết, chỉ dạy Bát-nhã ba-la-mật-đa. Cúi xin Đại đức thương xót chỉ dạy cho họ biết, thế nào là Bồ-tát nên trụ Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Khi ấy, Thiện Hiện bảo Đế Thích:
–Tôi nương thần lực của Phật, tuyên thuyết chỉ dạy Bát-nhã ba-la-mật-đa cho các chúng trời, như việc nên an trụ của các Bồ-tát. Thiên tử các ông, người nào chưa phát tâm quả vị Giác ngộ cao tột thì nay nên phát. Những vị đã nhập vào Chánh tánh ly sinh của Thanh văn, Độc giác thì không thể phát tâm đại Bồ-đề. Vì sao? Này Kiều-thi-ca, vì người đó đối với sinh tử có sự ngăn ngại vậy. Trong đó, nếu có vị nào đã phát tâm cầu quả vị Giác ngộ cao tột, thì tôi cũng tùy hỷ. Vì sao? Kiềuthi-ca, vì có các bậc thắng nhân nên cầu thắng pháp. Tôi hoàn toàn không làm trở ngại cấp bậc pháp thiện thắng của họ.
Khi ấy, Thế Tôn khen Thiện Hiện:
–Lành thay, lành thay! Ông khéo khuyên bảo các Bồ-tát.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
–Con đã biết ân, sao lại không trả ân? Nghĩa là Phật và các đệ tử quá khứ đã dạy cho các Bồ-tát nhiều loại pháp yếu, làm phương tiện để đi vào Bát-nhã ba-la-mật-đa. Bấy giờ Như Lai cũng học trong pháp đó, nay chứng quả vị Giác ngộ cao tột, chuyển vận bánh xe diệu pháp, làm lợi ích cho chúng con, cho nên con nay y theo lời Phật dạy, bảo vệ, hộ niệm các Bồ-tát này, làm cho mau chứng quả vị Giác ngộ cao tột, chuyển vận bánh xe diệu pháp, làm lợi ích an vui cho tất cả. Chính đó là đáp đền ân đức kia.
Thiện Hiện bảo với Đế Thích:
–Chư Thiên các ông nên lắng nghe. Ta sẽ nói về tướng đáng trụ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa của các chúng Bồ-tát cho các ông.
Kiều-thi-ca, các chúng Bồ-tát bằng đại thệ trang nghiêm, hướng thẳng đến Đại thừa thì nên dùng tướng không để an trụ Bát-nhã ba-la-mật-đa, không nên trụ sắc; cũng không nên trụ thọ, tưởng, hành, thức. Không nên trụ quả Dự lưu, cũng không nên trụ quả Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Độc giác Bồ-đề. Cũng không nên trụ đây là sắc. Cũng không nên trụ đây là thọ, tưởng, hành, thức. Không nên trụ đây là quả Dự lưu; cũng không nên trụ đây là quả Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Độc giác Bồ-đề. Không nên trụ sắc, thọ, tưởng, hành, thức hoặc thường hoặc vô thường, hoặc khổ hoặc vui, hoặc ngã hoặc vô ngã, tịnh hoặc bất tịnh, không hoặc bất không. Không nên trụ quả Dự lưu cho đến Độc giác Bồ-đề vì đều là sự hiển bày vô vi, là phước điền chân thật đáng thọ nhận cúng dường. Không nên trụ quả Dự lưu vì còn trở lại bảy lần cuối cùng, chắc chắn sẽ nhập Niết-bàn. Không nên trụ quả Nhất lai vì chưa đạt đến Niết-bàn, còn trở lại cõi này mật lần nữa, chắc chắn dứt sạch các khổ. Không nên trụ quả Bất hoàn vì qua diệt độ ở cõi kia, không còn trở lại nữa. Không nên trụ quả Ala-hán vì ngay đời này chắc chắn nhập Vô dư Niếtbàn. Không nên trụ quả Độc giác, vì vượt địa vị Thanh văn, nhưng không đến địa vị Phật mà Bátniết-bàn. Không nên trụ địa vị Phật, hiển bày vô vi là ruộng phước điền chân thật đáng thọ nhận sự cúng dường, vượt qua các địa vị Thanh văn, Độc giác... làm lợi ích an vui cho vô lượng, vô số hữu tình, làm cho nhập vào cảnh giới Vô dư Niết-bàn. Giả sử tất cả cảnh giới hữu tình không còn nữa, đều vào cảnh giới Vô dư Bát-niết-bàn.
Khi ấy, Xá-lợi Tử nghĩ: “Nếu như vậy thì Bồtát sẽ trụ ở đâu?”
Thiện Hiện biết ý nghĩ trong tâm Xá-lợi Tử, liền bảo rằng:
–Ý ông thế nào? Tâm Như Lai trụ ở chỗ nào?
Xá-lợi Tử thưa Thiện Hiện:
–Tâm Như Lai là hoàn toàn không chỗ trụ. Vì không trụ nên gọi là Như Lai. Nghĩa là không trụ cảnh giới hữu vi, cũng không trụ cảnh giới vô vi, cũng không phải không trụ.
Thiện Hiện thưa:
–Bồ-tát cũng vậy, như các Đức Như Lai đối với tất cả pháp, tâm không trụ, cũng không phải không trụ. Nghĩa là các Bồ-tát đối với Bát-nhã ba-la-mậtđa sâu xa, dùng vô sở đắc để làm phương tiện. Nên trụ như vậy, nên học như vậy.
Khi ấy, trong chúng có các Thiên tử thầm nghĩ: “Tất cả câu chú của các Dược-xoa, với vô số sai khác, mặc dù là bí mật nhưng mà chúng ta còn biết rõ, còn Đại đức Thiện Hiện đối với Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa, tuy dùng vô số lời lẽ để chỉ rõ nhưng chúng ta hoàn toàn chẳng hiểu được gì cả!”
Biết được ý nghĩ của chư Thiên, Cụ thọ Thiện Hiện bảo với họ:
–Trong đấy, tôi không giảng thuyết, chỉ dạy. Các ông cũng chẳng nghe. Vậy lấy gì để hiểu?
Khi ấy các Thiên tử lại nghĩ: “Trong nghĩa này, Tôn giả Thiện Hiện muốn làm cho dễ hiểu nhưng lại càng sâu sắc, vi tế, khó có thể đo lường.”
Biết được ý nghĩ của Thiên tử kia, Cụ thọ Thiện Hiện bảo Thiên tử:
–Có những người muốn chứng, muốn trụ quả vị Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, bậc Độc giác Bồ-đề và quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật thì cần phải nương vào nhẫn này mới có thể chứng, mới có thể trụ được.
Khi ấy, các Thiên tử nghĩ: “Đại đức Thiện Hiện hôm nay muốn vì những hữu tình nào và tuyên thuyết những pháp gì?”
Biết được ý nghĩ của các Thiên tử, Cụ thọ Thiện Hiện bảo với họ:
–Tôi nay muốn vì hữu tình như huyễn, thuyết pháp như huyễn. Người kia đối với sự giảng thuyết không nghe, không hiểu, thì không chứng vậy.
Khi ấy, các Thiên tử lại nghĩ: “Là người nghe pháp và pháp được thuyết là như huyễn; hay là hữu tình và quả Dự lưu... khác cũng đều như huyễn cả?”
Biết được ý nghĩ của Thiên tử nên Thiện Hiện bảo với họ:
–Các loài hữu tình khác hoặc quả Dự lưu, quả Nhất lai, hoặc quả Bất hoàn, A-la-hán, Bồ-đề của bậc Độc giác, quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật cũng đều như huyễn cả.
Khi ấy, chư Thiên hỏi Thiện Hiện:
–Chẳng lẽ sự chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột của các Đức Như Lai cũng đều như huyễn sao?
Thiện Hiện đáp:
–Đúng vậy, đúng vậy! Cho đến Niết-bàn cũng như huyễn.
Các Thiên tử hỏi Thiện Hiện:
–Lẽ nào Niết-bàn cũng như huyễn?
Thiện Hiện bảo:
–Giả sử có pháp cao hơn Niết-bàn chăng nữa thì pháp ấy cũng lại như huyễn, huống là Niết-bàn. Vì sao? Này các Thiên tử, huyễn cùng hữu tình và tất cả pháp cho đến Niết-bàn không hai, không riêng, đều chẳng thể nắm bắt được, chẳng thể nêu bày vậy.
Khi ấy, Xá-lợi Tử cùng Chấp Đại Tạng, Mãn Từ Tử, Đại Ẩm Quang... hỏi Khánh Hỷ:
–Sự thuyết về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như vậy, ai là người có thể tin nhận?
Khánh Hỷ thưa:
–Có các chúng Bồ-tát không thoái chuyển, đối với sự thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, có thể tin nhận. Lại có vô lượng hữu tình đầy đủ chánh kiến và các A-la-hán nguyện viên mãn đối với sự thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa... này, cũng có thể tin nhận.
Khi ấy, Thiện Hiện thưa:
–Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa được thuyết như vậy, không ai có thể tin nhận được là vì sao? Vì trong đấy không có pháp để có thể hiển bày, không có pháp để có thể chỉ dạy, nên người tin nhận cũng chẳng thể nắm bắt được.
Khi ấy, Thiên đế Thích nghĩ: “Tôn giả Thiện Hiện rưới trận mưa pháp lớn. Ta nên hóa làm hương hoa vi diệu để dâng lên cúng dường.”
Nghĩ như vậy xong, ngay khi ấy hóa làm hương hoa vi diệu dâng lên Thiện Hiện. Thiện Hiện nghĩ: “Hoa dâng hôm nay ở chỗ chư Thiên, chưa từng thấy. Hoa nhiệm mầu này, nhất định chẳng phải do đất, nước, cỏ cây sinh ra được, mà chính là từ nơi tâm của chư Thiên hóa ra.”
Biết tâm niệm của Thiện Hiện, Thiên đế Thích thưa với Thiện Hiện:
–Hoa dâng này thật chẳng phải do đất, nước, cỏ cây sinh ra, cũng chẳng phải từ tâm chư Thiên hóa ra, vì hoa dâng này không có tánh sinh vậy.
Cụ thọ Thiện Hiện bảo Thiên đế Thích:
–Hoa này không sinh thì không có tánh hoa.
Khi ấy, Thiên đế Thích nghĩ: “Tôn giả Thiện Hiện giác tuệ rộng sâu, không bỏ giả danh mà còn nói nghĩa thật.”
Nghĩ như vậy xong, bạch Thiện Hiện:
–Đúng vậy, đúng vậy, như lời Tôn giả dạy! Các chúng Bồ-tát đối với các pháp nên theo sự thuyết giảng của tôi mà học.
Khi ấy, Thiện hiện bảo Thiên đế Thích:
–Đúng vậy, đúng vậy, như lời ông nói! Các chúng Bồ-tát đối với các pháp, nên theo sự thuyết giảng của tôi mà học. Kiều-thi-ca, các chúng Bồtát theo lời tôi thuyết, khi học Bát-nhã ba-la-mậtđa sâu xa như vậy là không học theo quả Dự lưu, không học theo quả Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán. Không học theo Bồ-đề của bậc Độc giác. Nếu không học theo các bậc này, thì chính là học trí Nhất thiết trí của chư Phật. Nếu học trí Nhất thiết trí của chư Phật, thì chính là học vô lượng, vô biên Phật pháp. Nếu học vô lượng, vô biên Phật pháp, thì chính là không học sắc, thọ, tưởng, hành, thức có tăng, có giảm. Nếu không học sắc, thọ, tưởng, hành, thức có tăng, có giảm, thì không học sắc, thọ, tưởng, hành, thức có giữ, có bỏ. Nếu không học sắc, thọ, tưởng, hành, thức có giữ, có bỏ; thì không học tất cả pháp có thể giữ gìn và có thể hoại diệt. Nếu không học tất cả pháp có thể giữ gìn, có thể hoại diệt thì chẳng học trí Nhất thiết trí có thể giữ gìn và có thể hoại diệt. Các chúng Bồ-tát khi học như vậy, gọi đó là chân thật học trí Nhất thiết trí, mau chứng đắc trí Nhất thiết trí.
Khi ấy, Xá-lợi Tử hỏi Thiện Hiện:
–Nếu các Bồ-tát không học trí Nhất thiết trí, thì có thể giữ gìn và có thể hoại diệt; các Bồ-tát này khi học như vậy, gọi là chân thật học trí Nhất thiết trí, có thể mau chứng đắc trí Nhất thiết trí, phải không?
Thiện Hiện đáp:
–Đúng vậy, đúng vậy! Vì lấy vô sở đắc làm phương tiện vậy.
Khi ấy, Thiên đế Thích hỏi Xá-lợi Tử:
–Bồ-tát học Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa nên cầu ở đâu?
Xá-lợi Tử thưa:
–Bồ-tát học Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa nên cầu trong lời dạy của ngài Thiện Hiện.
Thiên đế Thích hỏi Thiện Hiện:
–Nhờ thần lực của ai hộ trì mà Xá-lợi Tử nói được như thế?
Thiện Hiện thưa:
–Nhờ thần lực của Như Lai hộ trì nên khiến Xálợi Tử nói được như vậy.
Thiên đế Thích hỏi:
–Lại nhờ thần lực của ai hộ trì mà Tôn giả có thể thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa?
Thiện Hiện đáp:
–Nhờ thần lực của Như Lai hộ trì, nên khiến tôi có thể thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Kiều-thi-ca, ông hỏi Bồ-tát học Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa nên cầu ở đâu?
Này Kiều-thi-ca, Bồ-tát học Bát-nhã ba-la-mậtđa sâu xa không nên ngay nơi sắc mà cầu; không nên lìa sắc mà cầu; không nên ngay nơi thọ, tưởng, hành, thức mà cầu; không nên lìa thọ, tưởng, hành, thức mà cầu. Vì sao? Vì sắc chẳng phải Bát-nhã ba-la-mật-đa, cũng chẳng phải lìa sắc, riêng có Bát-nhã ba-la-mật-đa. Thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải Bát-nhã ba-la-mật-đa, cũng chẳng phải lìa thọ, tưởng, hành, thức, riêng có Bát-nhã ba-lamật-đa.
Thiên đế Thích bạch Thiện Hiện:
–Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa là đại Ba-la-mậtđa, là vô lượng Ba-la-mật-đa, là vô biên Ba-la-mậtđa.
Thiện Hiện đáp:
–Đúng vậy, đúng vậy! Vì sao? Này Kiều-thica, vì sắc vô biên, nên phải biết Bát-nhã ba-la-mậtđa cũng vô biên. Vì thọ, tưởng, hành, thức vô biên, nên phải biết Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng vô biên.
Lại nữa Kiều-thi-ca, sở duyên vô biên, nên phải biết Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng vô biên.
Kiều-thi-ca, thế nào là sở duyên vô biên, nên phải biết Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng vô biên? Nghĩa là biên giới trước, giữa, sau của tất cả pháp đều chẳng thể nắm bắt được, nên nó là vô biên. Pháp vô biên nên sở duyên vô biên. Do vậy nên Bát-nhã ba-la-mật-đa này cũng nói là vô biên.
Kiều-thi-ca, tất cả pháp vô biên nên phải biết Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng vô biên.
Kiều-thi-ca, thế nào là tất cả pháp vô biên nên phải biết Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng vô biên? Nghĩa là biên giới của tất cả pháp chẳng thể nắm bắt được. Vì sao? Vì biên giới trước, giữa, sau của sắc cho đến thức đều chẳng thể nắm bắt được, nên nói vô biên. Do đó, biên giới trước, giữa, sau của Bát-nhã ba-la-mật-đa này cũng chẳng thể nắm bắt được.
Kiều-thi-ca, hữu tình vô biên, nên phải biết Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng vô biên.
Kiều-thi-ca, thế nào là hữu tình vô biên, nên phải biết Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng vô biên?
Kiều-thi-ca, chẳng phải số lượng loài hữu tình quá nhiều, không thể tính đếm được mà nói là vô biên.
Thiên đế Thích thưa:
–Vậy thì vì nghĩa gì nên nói như vậy?
Thiện Hiện bảo:
–Nay tôi hỏi ông, tùy ý ông trả lời. Ý ông thế nào? Nói hữu tình là khái niệm về pháp nào?
Thiên đế Thích thưa:
–Nói hữu tình là chẳng khái niệm về pháp nào cả, chỉ thuộc tên bên ngoài giả đặt, không thuộc về tên đúng sự thật, không thuộc về cái tên do quan hệ.
Thiện Hiện bảo Thiên đế Thích:
–Ý ông thế nào? Trong đấy có hữu tình chân thật để có thể chỉ rõ chăng?
Thiên đế Thích thưa:
–Thưa không, bạch Đại đức!
Thiện Hiện bảo:
–Vì hữu tình không thật có, để có thể chỉ rõ được, nên nói là vô biên.
Kiều-thi-ca, ý ông thế nào? Giả sử Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác trải qua số kiếp nhiều như cát sông Hằng; dùng vô biên âm thanh để nói vô lượng danh tự của loài hữu tình. Trong đây có còn hữu tình chân thật, có sinh có diệt không?
Thiên đế Thích thưa:
–Thưa không, bạch Đại đức, vì sao? Vì các hữu tình bản tánh thanh tịnh vậy.
Thiện Hiện bảo:
–Do đó nên nói hữu tình vô biên. Nên biết Bátnhã ba-la-mật-đa cũng vô biên, vì không tánh và sâu xa, đều vô biên vậy.
[Mục lục bộ Bát-nhã][220][221][222][223][224][225][226][227][228][229][230][231][232][233][234][235][236][237][238][239][240][241][242][243][244][245][246][247][248][249][250][251][252][253][254][255][256][257][258][259][260][261]