SỐ 220
KINH ĐẠI BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA
HỘI THỨ V
Phẩm 6: Kinh điển
(QUYỂN 558)
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.
Lại nữa Kiều-thi-ca, nếu có thiện nam, thiện nữ nào muốn giáo hóa các loài hữu tình ở châu Thiệmbộ, làm cho họ đều an trụ mười nẻo nghiệp thiện; lần lượt cho đến giáo hóa khắp các loài hữu tình ở thế giới của chư Phật như cát sông Hằng trong mười phương, làm cho họ an trụ mười nẻo nghiệp thiện, thì ý ông thế nào? Thiện nam, thiện nữ này, do nhân duyên như vậy, được phước có nhiều không?
Thiên đế Thích thưa:
–Rất nhiều, kính bạch Thế Tôn! Rất nhiều, kính bạch Thiện Thệ!
Phật bảo:
–Kiều-thi-ca, nếu có thiện nam, thiện nữ nào biên chép, thọ trì Bát-nhã ba-la-mật-đa, trang hoàng xinh đẹp bằng các thứ báu, đem bố thí cho người đọc tụng, thì phước đức có được càng nhiều hơn trường hợp trước.
Kiều-thi-ca, nếu có thiện nam, thiện nữ nào muốn giáo hóa các loài hữu tình ở châu Thiệm-bộ, làm cho họ đều an trụ bốn Tĩnh lự, bốn Vô lượng, bốn Định vô sắc, năm Thần thông, lần lượt cho đến khắp các loài hữu tình ở thế giới chư Phật như cát sông Hằng trong mười phương, làm cho họ đều an trụ bốn Tĩnh lự, bốn Vô lượng, bốn Định vô sắc, năm Thần thông thì ý ông thế nào? Thiện nam, thiện nữ này, do nhân duyên như vậy đạt được phước có nhiều không?
Thiên đế Thích thưa:
–Rất nhiều, kính bạch Thế Tôn! Rất nhiều, kính bạch Thiện Thệ!
Phật bảo:
–Kiều-thi-ca, nếu có thiện nam, thiện nữ nào biên chép, thọ trì Bát-nhã ba-la-mật-đa, trang hoàng xinh đẹp bằng các báu, đem bố thí cho người đọc tụng, thì phước đức có được càng nhiều hơn trường hợp trước.
Kiều-thi-ca, nếu có thiện nam, thiện nữ nào biên chép, thọ trì Bát-nhã ba-la-mật-đa, trang hoàng xinh đẹp bằng các thứ báu, tự mình thường đọc tụng thì phước sẽ không bằng như có người biên chép, thọ trì Bát-nhã ba-la-mật-đa, trang hoàng xinh đẹp bằng các thứ báu và đem bố thí cho người khác đọc tụng.
Kiều-thi-ca, nếu có thiện nam, thiện nữ nào biên chép, thọ trì Bát-nhã ba-la-mật-đa, trang hoàng xinh đẹp bằng các thứ báu và đem bố thí cho người khác đọc tụng thì phước cũng không bằng có người hiểu biết đúng nghĩa lý sâu xa của Bátnhã ba-la-mật-đa và giảng thuyết cho người.
Thiên đế Thích bạch Phật:
–Nên giảng thuyết nghĩa thú sâu xa của Bátnhã ba-la-mật-đa cho các loài hữu tình nào?
Phật dạy:
–Kiều-thi-ca, nếu thiện nam, thiện nữ nào không biết nghĩa lý sâu xa của Bát-nhã ba-la-mậtđa thì nên giảng thuyết cho họ. Vì sao? Kiều-thica, vì ở đời vị lai có thiện nam, thiện nữ cầu hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột, nghe người giảng thuyết tương tợ Bát-nhã ba-la-mật-đa bèn mê lầm nên giữa đường lui mất.
Thiên đế Thích bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, những gì gọi là tương tợ Bátnhã ba-la-mật-đa?
Phật bảo:
–Kiều-thi-ca, đời vị lai có các Bí-sô ngu si điên đảo, mặc dầu muốn tuyên thuyết chân thật Bát-nhã ba-la-mật-đa nhưng nói đảo ngược bằng pháp tương tợ Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Thế nào là Bí-sô nói ngược bằng pháp tương tợ Bát-nhã ba-la-mật-đa?
Nghĩa là, Bí-sô kia nói cho người phát tâm quả vị Giác ngộ cao tột rằng: Sắc hoại nên gọi là vô thường chứ chẳng phải thường không, mà gọi là vô thường. Nói thọ, tưởng, hành, thức hoại, nên gọi là vô thường chứ chẳng phải thường không, mà gọi là vô thường. Lại nói, nếu người cầu như vậy là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Kiều-thi-ca, như vậy gọi là nói ngược bằng pháp tương tợ Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Này Kiều-thi-ca, không nên căn cứ vào sắc hoại để quán sắc là vô thường. Không nên căn cứ vào thọ, tưởng, hành, thức hoại để quán thọ, tưởng, hành, thức là vô thường, mà chỉ nên căn cứ thường là không để quán sắc cho đến thức là vô thường. Do vậy nên, này Kiều-thi-ca, nếu có thiện nam, thiện nữ nào biết rõ nghĩa thú của Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa và giảng thuyết cho người thì phước của người đó rất nhiều.
Lại nữa Kiều-thi-ca, nếu có thiện nam, thiện nữ nào muốn giáo hóa tất cả hữu tình ở châu Thiệmbộ, làm cho họ đều trụ quả Dự lưu, hoặc Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, hoặc Bồ-đề của bậc Độc giác; lần lượt cho đến giáo hóa khắp tất cả hữu tình ở thế giới như cát sông Hằng... trong mười phương, làm cho họ đều trụ quả Dự lưu cho đến Bồ-đề của bậc Độc giác, thì ý ông thế nào? Thiện nam, thiện nữ này, do nhân duyên như vậy được phước có nhiều không?
Thiên đế Thích thưa:
–Rất nhiều, kính bạch Thế Tôn! Rất nhiều, kính bạch Thiện Thệ!
Phật dạy:
–Kiều-thi-ca, có thiện nam, thiện nữ biên chép, thọ trì Bát-nhã ba-la-mật-đa, trang hoàng xinh đẹp bằng các thứ báu, đem bố thí cho người đọc tụng, răn bảo, chỉ dạy hữu tình kia rằng: “Ngươi nên siêng năng tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa tương ưng với Phật pháp, nhất định sẽ chứng đắc trí Nhất thiết trí.” Thiện nam, thiện nữ này, phước đức đạt được nhiều hơn trường hợp trước. Vì sao? Kiều-thi-ca, vì tất cả quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán và Bồ-đề của bậc Độc giác đều từ nơi Bát-nhã bala-mật-đa này bày ra vậy. Nghĩa là người đã chứng đắc trí Nhất thiết trí, sẽ giáo hóa vô lượng vô biên hữu tình, làm cho họ thành tựu Dự lưu cho đến Độc giác là không giới hạn vậy.
Kiều-thi-ca, nếu các loài hữu tình ở châu Thiệm-bộ, đều phát tâm cầu quả vị Giác ngộ cao tột, lần lượt cho đến tất cả hữu tình ở thế giới như cát sông Hằng trong mười phương cũng đều phát tâm cầu quả vị Giác ngộ cao tột. Có thiện nam, thiện nữ biên chép, thọ trì Bát-nhã ba-la-mật-đa, trang hoàng xinh đẹp bằng các thứ báu, rồi đem cho những hữu tình ấy đọc tụng. Ý ông thế nào? Thiện nam, thiện nữ này, do nhân duyên như vậy được phước có nhiều không?
Thiên đế Thích thưa:
–Rất nhiều, kính bạch Thế Tôn! Rất nhiều, kính bạch Thiện Thệ!
Phật dạy:
–Kiều-thi-ca, nếu có thiện nam, thiện nữ nào biên chép, thọ trì Bát-nhã ba-la-mật-đa, trang hoàng xinh đẹp bằng các thứ báu, đem bố thí cho một người đã được không thoái chuyển nơi quả vị Giác ngộ cao tột, bảo siêng năng tu học, thì thiện nam, thiện nữ này phước đức có được nhiều hơn trường hợp trước. Vì sao? Kiều-thi-ca, vì Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa như vậy mau được viên mãn, làm cho Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa được lưu hành và ban bố rộng rãi khắp nơi.
Kiều-thi-ca, nếu các loài hữu tình ở châu Thiệm-bộ, đều phát tâm cầu quả vị Giác ngộ cao tột, lần lượt cho đến tất cả hữu tình ở thế giới như cát sông Hằng trong mười phương đều phát tâm cầu quả vị Giác ngộ cao tột, có thiện nam, thiện nữ nào biên chép, thọ trì Bát-nhã ba-la-mật-đa, trang hoàng xinh đẹp bằng các thứ báu, bố thí cho người, bảo đọc tụng, lại dùng văn nghĩa hay đẹp để giải thích thì ý ông thế nào? Thiện nam, thiện nữ ấy, do nhân duyên như vậy được phước có nhiều không?
Thiên đế Thích thưa:
–Rất nhiều, kính bạch Thế Tôn! Rất nhiều, kính bạch Thiện Thệ!
Phật dạy:
–Kiều-thi-ca, nếu có thiện nam, thiện nữ biên chép, thọ trì Bát-nhã ba-la-mật-đa, lại đem bố thí cho một người đã được không thoái chuyển nơi quả vị Giác ngộ cao tột bảo đọc tụng, lại dùng văn nghĩa hay đẹp để giải thích, thì thiện nam, thiện nữ này phước đức đạt được nhiều hơn trường hợp trước.
Kiều-thi-ca, nếu các loài hữu tình ở châu Thiệm-bộ, đều được không thoái chuyển nơi quả vị Giác ngộ cao tột, lần lượt cho đến tất cả hữu tình ở thế giới như cát sông Hằng trong mười phương đều được không thoái chuyển nơi quả vị Giác ngộ cao tột. Có thiện nam, thiện nữ biên chép, thọ trì Bát-nhã ba-la-mật-đa, trang hoàng xinh đẹp bằng các thứ báu, đem bố thí và bảo đọc tụng. Ý ông thế nào? Thiện nam, thiện nữ này, do nhân duyên như vậy được phước có nhiều không?
Thiên đế Thích thưa:
–Rất nhiều, kính bạch Thế Tôn! Rất nhiều, kính bạch Thiện Thệ!
Phật dạy:
–Kiều-thi-ca, trong các Bồ-tát đã được không thoái chuyển nơi quả vị Giác ngộ cao tột, có một Bồ-tát nói thế này: “Con muốn sao mau chứng quả vị Giác ngộ cao tột để cứu vớt các khổ sinh tử cho hữu tình.” Thiện nam, thiện nữ nào vì muốn thành tựu việc kia nên biên chép, thọ trì Bát-nhã ba-lamật-đa, trang hoàng xinh đẹp bằng các thứ báu, bố thí và bảo đọc tụng, thì thiện nam, thiện nữ này, phước đức đạt được nhiều hơn trường hợp trước vô lượng, vô số.
Kiều-thi-ca, nếu các loài hữu tình ở châu Thiệm-bộ, đều được không thoái chuyển nơi quả vị Giác ngộ cao tột, lần lượt cho đến tất cả hữu tình ở thế giới như cát sông Hằng trong mười phương đều được không thoái chuyển nơi quả vị Giác ngộ cao tột. Có thiện nam, thiện nữ biên chép, thọ trì Bát-nhã ba-la-mật-đa, trang hoàng xinh đẹp bằng các thứ báu, bố thí và bảo đọc tụng, lại dùng văn nghĩa hay đẹp để giải thích. Ý ông thế nào? Thiện nam, thiện nữ này, do nhân duyên như vậy được phước có nhiều không?
Thiên đế Thích thưa:
–Rất nhiều, kính bạch Thế Tôn! Rất nhiều, kính bạch Thiện Thệ!
Phật dạy:
–Kiều-thi-ca, trong các Bồ-tát đã được không thoái chuyển nơi quả vị Giác ngộ cao tột, có một Bồ-tát nói thế này: “Con muốn được mau chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột, để cứu vớt các khổ sinh tử cho hữu tình.” Thiện nam, thiện nữ nào vì muốn thành tựu việc kia nên biên chép, thọ trì Bátnhã ba-la-mật-đa, trang hoàng xinh đẹp bằng các thứ báu, bố thí cho người và bảo đọc tụng, lại dùng văn nghĩa hay đẹp để giải thích, thì thiện nam, thiện nữ này, phước đức đạt được nhiều hơn trường hợp trước vô lượng, vô số.
Thiên đế Thích bạch Phật:
–Đúng vậy, kính bạch Thế Tôn! Đúng vậy, kính bạch Thiện Thệ! Bạch Thế Tôn, Đại Bồ-tát như thế càng gần quả vị Giác ngộ cao tột. Đúng vậy, đúng vậy! Nên đem Bát-nhã ba-la-mật-đa ân cần răn bảo, chỉ dạy. Nên đem các thức ăn uống, y phục, đồ nằm, thuốc men tốt đẹp nhất và các thứ đồ dùng riêng tư khác cung kính cúng dường, làm cho không bị thiếu thốn. Thiện nam, thiện nữ nào có thể dùng pháp thí, tài thí như thế để giúp đỡ cúng dường Đại Bồ-tát kia, thì thiện nam, thiện nữ này, do nhân duyên như vậy, sẽ đạt được phước vô lượng. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát kia chính nhờ pháp thí, tài thí cúng dường bảo vệ như thế mà mau chứng quả vị Giác ngộ cao tột, làm lợi ích lớn cho các hữu tình.
Khi ấy, Thiện Hiện khen Thiên đế Thích:
–Lành thay, lành thay! Ông có thể bảo vệ, khuyến khích, hỗ trợ tốt các Đại Bồ-tát, làm cho mau chứng đắc sự cầu quả vị Giác ngộ cao tột.
Kiều-thi-ca, ông đã làm việc đáng nên làm của Thánh đệ tử Phật. Vì sao? Kiều-thi-ca, vì tất cả các Thánh đệ tử của Như Lai vì muốn làm lợi ích cho các hữu tình, theo pháp thì cần phải giúp đỡ, khuyến khích, hỗ trợ các Đại Bồ-tát, làm cho mau chứng đắc sự cầu quả vị Giác ngộ cao tột.
Vì sao? Vì tất cả thắng sự của Như Lai và Thanh văn, Độc giác ở thế gian đều do chúng Đại Bồ-tát mà được xuất hiện vậy.
Vì sao? Kiều-thi-ca, vì nếu không có Đại Bồtát phát tâm Bồ-đề thì không có Đại Bồ-tát có thể tu học sáu pháp Ba-la-mật-đa. Nếu không có Đại Bồ-tát tu học sáu pháp Ba-la-mật-đa thì không có Đại Bồ-tát có thể chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột. Nếu không có Đại Bồ-tát chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột thì không có thắng sự của Như Lai và Thanh văn, Độc giác ở thế gian.
Thế nên, các Thánh đệ tử của Như Lai vì muốn làm lợi ích an vui cho các hữu tình, theo pháp thì phải giúp đỡ khuyến khích, hỗ trợ các chúng Bồtát, làm cho họ tu học sáu pháp Ba-la-mật-đa để có thể mau chứng đắc trí Nhất thiết trí, làm lợi ích an vui cho tất cả hữu tình cùng tận đời vị lai.
[Mục lục bộ Bát-nhã][220][221][222][223][224][225][226][227][228][229][230][231][232][233][234][235][236][237][238][239][240][241][242][243][244][245][246][247][248][249][250][251][252][253][254][255][256][257][258][259][260][261]