SỐ 220
KINH ĐẠI BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA

HỘI THỨ VI

Phẩm 17: Phó chúc
(QUYỂN 573)

Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.


QUYỂN 573

Phẩm 17: Phó chúc

Bấy giờ, Phật bảo A-nan-đà rằng:

–Ngươi phải thọ trì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, chớ để quên mất.

Khi ấy, A-nan-đà liền từ chỗ ngồi dậy, đảnh lễ chân Phật, mặc y che vai trái, gối phải sát đất, chắp tay cung kính bạch Phật rằng:

–Bạch Thế Tôn, kinh điển như vậy thọ trì cách nào?

Phật liền bảo A-nan rằng:

–Thọ trì kinh này có mười phương pháp:

1. Biên chép.

2. Cúng dường.

3. Cấp cho người.

4. Lắng nghe.

5. Tìm đọc.

6. Thọ trì.

7. Giảng rộng.

8. Phúng tụng.

9. Suy nghĩ.

10. Tu tập.

Dựa vào mười pháp này để thọ trì kinh này. Thí như ở thế gian, tất cả cỏ cây, hoa, quả, thuốc... đều nương nhờ đại địa cũng như vậy tất cả pháp lành thù thắng đều dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa. Như vua Chuyển luân nếu trụ ở đời thì bảy báu luôn biểu hiện. Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa lại cũng như thế, nếu trụ ở đời thì Tam bảo chẳng diệt.

Bấy giờ, đại chúng chiêm ngưỡng tôn nhan, khác miệng đồng thanh đều than rằng:

–Sau khi Như Lai diệt độ, ai có thể gánh được gánh nặng đại giáo pháp của Thế Tôn này? Nghĩa là vị ấy phải trải qua vô lượng, vô biên đại kiếp tu tập mới thành tựu Vô thượng Bồ-đề.

Bấy giờ, trong chúng có một vạn hai ngàn Bồtát, vì hộ pháp này liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, mặc y che vai trái, gối phải sát đất, chắp tay cung kính, nói kệ rằng:

Chúng con bỏ thân mạng
Chẳng cầu phước đời sau
Hộ trì lời Phật dạy
Chánh pháp thâm sâu này.

Bấy giờ, trong chúng có năm trăm Thiên tử do Hiền Vương dẫn đầu, cũng từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, mặc y che vai trái, gối phải sát đất, chắp tay cung kính, nói kệ rằng:

Vì độ các hữu tình,
Thành tựu nguyện đại Bi,
Hộ trì lời Phật dạy,
Chánh pháp thâm sâu này.

Khi ấy Thiên đế Thích, Trì Kế Phạm vương, Tỳ-sa-môn vương, đều từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, mặc y che vai trái, gối phải sát đất, chắp tay cung kính, nói kệ rằng:

Trị được tất cả bệnh,
Thế Tôn nay đã nói,
Thuốc Bát-nhã nhiệm mầu,
Chúng con đầu đội mang.

Thần cầm chày Kim cang cũng từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, mặc y che vai trái, gối phải sát đất, chắp tay cung kính mà nói kệ rằng:

Pháp vốn không danh tự,
Phật dùng danh tự nói,
Đại bi chân giáo pháp,
Con nay đầu đội mang.

Bấy giờ, Phật bảo Trì Kế Phạm rằng:

–Phạm thiên nên biết, Phật khen ba việc là tối thượng nhất. Những gì là ba?

1. Phát tâm Bồ-đề.

2. Hộ trì chánh pháp.

3. Như giáo pháp tu hành.

Ba pháp này thật là Vô thượng. Người nào tu hành được mới là chân cúng dường Phật. Nếu Ta trụ đời một kiếp, hoặc hơn một kiếp, nói công đức ấy cũng không thể hết. Hộ trì Như Lai bằng một bài kệ bốn câu, công đức ấy nói còn không hết, huống gì hộ trì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa là mẹ chư Phật ba đời. Vì sao? Vì chư Phật ba đời đều do Bát-nhã ba-la-mật-đa mà được sinh xuất. Vì pháp mà cúng dường là chân cúng dường Phật. Nếu dùng tiền của thì chẳng phải là chân cúng dường. Nên cúng dường pháp là cúng dường tối thượng nhất. Nếu người nào hộ trì chánh pháp của Phật, phải biết người ấy an lạc ba đời. Cho nên này Phạm thiên, phải thường ủng hộ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Hộ trì pháp rồi, ông sẽ được gặp ngàn Đức Phật trong hiền kiếp và được làm thỉnh chủ. Phạm vương nên biết, ở cõi uế trược này, hộ trì chánh pháp trong chừng giây lát công đức đạt được còn hơn ở cõi Tịnh hoặc một kiếp hay hơn một kiếp.

Thế nên phải siêng năng hộ trì chánh pháp.

Thế Tôn lại bảo Thiên đế Thích rằng:

–Kiều-thi-ca, Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa ở chỗ nào thì biết là Như Lai đã sinh chỗ đó và chứng quả Bồ-đề ở chỗ đó, chuyển pháp luân ở đó và nhập Niết-bàn cũng ở đó. Vì sao? Kiều-thi-ca, tất cả Bồ-tát, tất cả pháp lành, tất cả Như Lai đều từ đây mà xuất sinh. Nếu có Pháp sư tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này thì chỗ ấy chính là chỗ Phật đã đi đến. Ở chỗ Pháp sư, các loài hữu tình phải sinh tâm tôn trọng và gần gũi như Phật, vui mừng, cung kính, cúng dường, ngợi khen. Nếu ta trụ ở đời một kiếp hay hơn một kiếp nói về công đức mà Pháp sư ấy đã truyền bá kinh này cũng không thể hết.

Kiều-thi-ca, khi Pháp sư này đi đến chỗ nào, các thiện nam có người cắt máu rải xuống đất cúng dường nhưng vẫn chưa gọi là nhiều. Vì sao? Vì pháp luân vô thượng khó thọ trì vậy.

Khi ấy, Thiên đế Thích bạch Phật rằng:

–Bạch Thế Tôn, trong đời vị lai, chỗ nào thuyết kinh này, tôi và quyến thuộc đều phải ủng hộ vị Pháp sư và bảo vệ địa phương ấy. Nếu thấy kinh này để ở chỗ nào liền sinh bốn loại tâm xứ như đã nói ở trước.

Bấy giờ, Thế Tôn khen Thiên đế Thích:

–Ngươi được như vậy thật quý hóa thay, quý hóa thay! Ta đem kinh này giao phó và dặn dò cho ngươi. Ở đời sau, ngươi phải ủng hộ và lưu truyền. Khi ấy, Thiên đế Thích liền bạch Phật rằng:

–Bạch Thế Tôn, chư Thiên chúng con được sinh vào cảnh giới lành đều do Bát-nhã ba-la-mậtđa, phát tâm Bồ-đề cũng nhờ vào đây. Thế nên chúng con chẳng tiếc thân mạng, ủng hộ giáo pháp thâm sâu của Thế Tôn.

Khi ấy, Phật lại khen Thiên đế Thích rằng:

–Hay thay, hay thay! Hãy làm như lời đã nói.

Khi Đức Thế Tôn thuyết kinh này rồi, Tối Thắng Thiên vương và các Đại Bồ-tát trong mười phương cõi, tất cả Thanh văn, Trời, Rồng, Dượcxoa, Kiền-đạt-phược, A-tố-lạc, Yết-lộ-đồ, Khẩnnại-lạc, Mạc-hô-lạc-già, Nhân phi nhân... nghe Phật thuyết rồi đều rất vui mừng, tin nhận, phụng hành.


Trước

[Đầu trang][Mục lục Kinh Đại Bát Nhã]

Tiếp theo


[Mục lục bộ Bát-nhã][220][221][222][223][224][225][226][227][228][229][230][231][232][233][234][235][236][237][238][239][240][241][242][243][244][245][246][247][248][249][250][251][252][253][254][255][256][257][258][259][260][261]


[Mục lục tổng quát]