SỐ 220
KINH ĐẠI BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA
HỘI THỨ VI
Phẩm 2: Thông đạt
(QUYỂN 566)
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.
Khi ấy, có Thiên vương tên là Tối Thắng, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật, phủ vai bên trái, gối phải quỳ sát đất, chắp tay cung kính bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, con có chút nghi, muốn hỏi Phật, nếu được Thế Tôn cho phép, con mới dám thưa rõ.
Khi ấy, Phật bảo trời Tối Thắng:
–Này Thiên vương, Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tùy theo sự nghi vấn mà sẽ giải thích cho ông. Khi ấy, trời Tối Thắng được Phật cho phép, vui mừng hớn hở, liền bạch Phật:
–Kính bạch Thế Tôn, các Đại Bồ-tát làm sao tu học một pháp mà có thể thông đạt tất cả pháp?
Phật bảo Tối Thắng:
–Lành thay, lành thay! Ông có thể thưa hỏi Như Lai nghĩa sâu xa như thế. Hãy lắng nghe! Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ giải đáp điều nghi cho ông!
Trời Tối Thắng bạch:
–Cúi xin Thế Tôn, con nguyện được nghe!
Bấy giờ, Phật bảo Tối Thắng:
–Thiên vương nên biết, các Đại Bồ-tát tu học một pháp mà có thể thông đạt tất cả pháp, pháp đó là Bát-nhã ba-la-mật-đa. Nếu Đại Bồ-tát tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa thì có thể thông đạt Bố thí, Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bát-nhã phương tiện thiện xảo, Diệu nguyện, Lực, Trí bala-mật-đa.
Này Thiên vương, thế nào là các Đại Bồ-tát tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa thì có thể thông đạt Bố thí ba-la-mật-đa?
Thiên vương nên biết, nếu Đại Bồ-tát tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa thì có thể hành diệu pháp Thí ba-la-mật-đa. Nghĩa là dùng tâm thanh tịnh không có điều mong cầu, vì người thuyết pháp chẳng cầu danh lợi, chỉ vì diệt khổ, chẳng thấy mình là người thuyết pháp cho người kia, chẳng thấy kia là người nghe, không hai, không khác, vì tự tánh đều xa lìa các tướng.
Nếu Đại Bồ-tát tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa thì có thể hành “Vô úy thí Ba-la-mật-đa.” Nghĩa là quán hữu tình giống như cha mẹ, anh em, bà con thân thích, làm cho tất cả mọi người đều gần gũi mình. Vì sao? Vì từ vô thỉ đến giờ lưu chuyển trong sáu nẻo đều làm bà con thân thích. Nếu các hữu tình ở chỗ nguy nan sợ hãi, còn đem thân mạng mà cứu giúp họ, huống lại đem tâm não hại họ. Chẳng thấy mình là người bố thí sự không sợ hãi cho người kia, chẳng thấy kia là người nhận lãnh, không hai, không khác, vì tự tánh đều xa lìa.
Nếu Đại Bồ-tát tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa thì có thể hành Tư sinh thí Ba-la-mật-đa, nghĩa là tùy theo hữu tình cần dùng những vật gì thì bố thí cho họ những vật ấy và dạy cho họ tu hành mười nẻo nghiệp thiện. Chẳng thấy mình là người bố thí của cải cho người kia, chẳng thấy kia là người thọ nhận, vì tự tánh đều xa lìa các tướng.
Nếu Đại Bồ-tát tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa thì có thể hành Vong báo thí Ba-la-mật-đa, nghĩa là khi hành bố thí chẳng mong cầu quả báo. Bồ-tát bố thí tự nhiên như thế, chẳng thấy mình là người bố thí, chẳng cầu quả báo và chẳng thấy quả báo của sự bố thí, không hai, không khác, vì tự tánh xa lìa các tướng vậy.
Nếu Bồ-tát tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa thì có thể hành Đại bi thí Ba-la-mật-đa. Nghĩa là thấy hữu tình nghèo cùng, già bệnh, không có người cứu giúp, phát khởi tâm đại Bi mà phát thệ nguyện: “Khi ta đắc quả vị Giác ngộ cao tột, làm chỗ nương tựa cho các hữu tình, vì các hữu tình nên đem chút căn lành hồi hướng Bồ-đề, cũng chẳng phân biệt mình là người cứu giúp, kia là người nhận lãnh, đều không hai, không khác, vì tự tánh xa lìa các tướng.
Nếu Đại Bồ-tát tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa thì có thể hành Cung kính thí Ba-la-mật-đa, nghĩa là tùy theo hữu tình cần vật gì, liền tự kính dâng, chẳng để cho mỏi mệt, chẳng thấy mình là người hành thí cung kính, chẳng thấy kia là người nhận lãnh, không hai, không khác, vì tự tánh đều xa lìa các tướng vậy.
Nếu Đại Bồ-tát tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa thì có thể hành Tôn trọng thí Ba-la-mật-đa, nghĩa là đối với hữu tình phát sinh ý tưởng xem như là bậc Sư tăng, hoặc tưởng như cha mẹ, với tâm tôn trọng mà bố thí. Nếu không có tài vật để ban cho thì dùng lời nói thiện mà cho, chẳng thấy mình là người hành thí tôn trọng, chẳng thấy kia là người nhận lãnh vì tự tánh đều xa lìa các tướng vậy.
Nếu Đại Bồ-tát tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa thì có thể hành Cúng dường thí Ba-la-mật-đa, nghĩa là thấy bảo tháp, hoặc thấy chỗ ở của chư Tăng thì nên dọn quét, rưới nước, đem các thứ hương hoa và ánh sáng của đèn... để cúng dường. Nếu thấy tôn tượng và chánh pháp bị hư hoại thì nên siêng năng sửa sang, cúng dường. Nếu thấy Tăng chúng thì nên đem thức ăn uống, đồ nằm, thuốc men để cúng dường, chẳng thấy mình là người làm việc cúng dường, chẳng thấy kia là người nhận lãnh vì tự tánh đều xa lìa các tướng vậy.
Nếu Đại Bồ-tát tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa thì thường hành Vô úy thí Ba-la-mật-đa, nghĩa là khi thực hành bố thí chẳng nghĩ: “Nguyện nhờ bố thí này được sinh cõi trời, người, làm vua trời, người, giàu sang, phú quý, hưởng thọ sự vui sướng, cho đến quả vị Giác ngộ cao tột cũng chẳng chấp giữ, mong cầu, vì không sở đắc vậy.”
Này Thiên vương, đó gọi là các Đại Bồ-tát tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa, có thể thông đạt Bố thí ba-la-mật-đa.
Này Thiên vương, thế nào là các Đại Bồ-tát tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể thông đạt Tịnh giới ba-la-mật-đa?
Thiên vương nên biết, nếu Đại Bồ-tát tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa thì có thể hành Tịnh giới bala-mật-đa. Nghĩa là các Bồ-tát tư duy: “Phật ở trong tịnh chỉ dạy Tỳ-nại-da, thuyết giới kinh tương ưng với Biệt giải thoát, Bồ-tát nên học, chẳng thấy giới tướng và người thọ trì, chẳng đắm trước giới kiến, cũng chẳng chấp trước ngã”, không hai, không khác, vì tự đều xa lìa vậy.
Nếu Bồ-tát tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa thì có thể hành Tịnh giới ba-la-mật-đa, nghĩa là các Bồtát suy nghĩ: “Quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật chẳng phải chỉ thọ trì tịnh giới liền đắc, mà cần phải học khắp tất cả giới hạnh của Bồ-tát, giới tánh trong lành, vắng lặng, chẳng làm dấy khởi”, vì tự tánh tất cả đều xa lìa các tướng vậy.
Nếu Đại Bồ-tát tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa thì có thể hành Tịnh giới ba-la-mật-đa, nghĩa là các Bồ-tát tư duy: “Thế nào là trì giới có thể dứt trừ phiền não?”
Phiền não có ba thứ là tham, sân, si. Mỗi phiền não này lại có ba bậc là thượng, trung, hạ. Muốn dứt trừ phiền não phải biết đối trị. Người nào mà tham tăng trưởng thì quán bất tịnh, quán đầy đủ ba mươi sáu vật trượt trong thân. Người nào mà sân tăng trưởng thì tu quán Từ bi. Người nào mà si tăng trưởng thì tu quán Duyên khởi, chẳng thấy năng quán và pháp sở quán, vì tự tánh đều xa lìa các tướng vậy.
Nếu Đại Bồ-tát tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa thì có thể hành Tịnh giới ba-la-mật-đa, nghĩa là các Bồ-tát tư duy: “Thế nào là Bồ-tát phải xa lìa tư duy bất chánh?” Nghĩa là các Bồ-tát chẳng phát khởi tâm: “Mình hành tịch tĩnh, hành xa lìa, hành không, còn các Sa-môn, Bà-la-môn... khác đều ở chỗ huyên náo tạp loạn, chẳng ưa thích hạnh vắng lặng.” Vì biết tự tánh đều xa lìa và thấy không hai không khác, nên liền có thể xa lìa tư duy bất chánh. Nếu Đại Bồ-tát học Bát-nhã ba-la-mật-đa thì có thể hành Tịnh giới ba-la-mật-đa, nghĩa là các Bồtát tuy biết các pháp đều xa lìa mà càng sợ các tội. Như Phật đã dạy, nên trì tịnh giới, tu các phước nghiệp cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa, đối với tội nhỏ thì phải mang một nỗi sợ to lớn, chẳng cho móng khởi, vì Thế Tôn dạy: “Ví như thuốc độc, nhiều ít đều hại.”
Nếu Đại Bồ-tát tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa thì có thể hành Tịnh giới ba-la-mật-đa. Nghĩa là các Bồ-tát thường sinh cho sợ trong sự tương ưng với Tín hạnh. Giả sử ở chỗ vắng vẻ đơn độc một mình, không có bạn bè, có Sa-môn... đem các thứ vật báu như vàng, bạc và Phệ-lưu-ly, trân châu gửi cho Bồtát. Bồ-tát đối với các thứ đó không khởi tâm tham lấy, mà suy nghĩ: “Thế Tôn thường dạy: thà phải tự cắt thịt nơi thân mình mà ăn, nhưng đối với của cải của người chẳng cho thì chẳng lấy.”
Nếu Đại Bồ-tát tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa thì có thể hành Tịnh giới ba-la-mật-đa. Nghĩa là các Bồ-tát trì giới vững vàng. Nếu các ác ma và quyến thuộc của ma dùng sắc đẹp để thử Bồ-tát, Bồ-tát đối với sắc đẹp kia tâm chẳng lay động mà tư duy: “Thế Tôn thường dạy: sắc..., các pháp đều như mộng, huyễn hóa, không hai, không khác vậy, vì tự tánh đều xa lìa các tướng vậy.”
Nếu Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thì có thể hành Tịnh giới ba-la-mật-đa. Nghĩa là các Bồ-tát tuy siêng năng trì giới nhưng chẳng mong cầu ngôi vua trời, người, thân lìa ba lỗi, miệng dứt bốn lầm, ý tránh ba tội. Trì giới như thế chẳng thấy ta trì, chẳng thấy giới tướng, vì tự tánh đều xa lìa các tướng vậy.
Này Thiên vương, đó gọi là các Đại Bồ-tát tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể thông đạt Tịnh giới ba-la-mật-đa.
Này Thiên vương, thế nào là các Đại Bồ-tát tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể thông đạt An nhẫn ba-la-mật-đa?
Thiên vương nên biết, nếu Đại Bồ-tát tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa thì có thể hành An nhẫn bala-mật-đa. Nghĩa là các Bồ-tát thường học sự nhẫn bên trong tức là hoàn toàn chẳng lệ thuộc ưu, sầu, khổ, não. Cũng học sự nhẫn bên ngoài, nghĩa là nếu người khác đánh đập, mắng chửi, khi dễ, cướp đoạt, lăng nhục, thì hoàn toàn chẳng sinh sân hận. Cũng học pháp nhẫn như Thế Tôn dạy vì thật tánh sâu xa không pháp, không ngã, không sinh, tịch tĩnh, tức là Niết-bàn.
Nghe nói như thế, tâm không kinh sợ, suy nghĩ: “Chẳng học pháp ấy làm sao có thể đắc sở cầu là quả vị Giác ngộ cao tột, có thể lợi ích an vui cho các loài hữu tình cùng tận vị lai?” Suy nghĩ kỹ: “Các độc tham, sân, si như thế là ở chỗ nào khởi lên? Nhân duyên nào sinh? Nhân duyên nào diệt?” Quán sát đúng như thật đều chẳng thấy có năng sinh, sở sinh, năng diệt, sở diệt. Tâm nhẫn như thế liên tục chẳng dứt, ngày đêm các thời không xen hở. Đối với cảnh nhẫn không có tâm lựa chọn, nghĩa là không có tâm phân biệt đối với quốc vương, cha mẹ, Sư trưởng, thì ta nên tu nhẫn, còn ngoài ra đối với kẻ khác thì có thể gia hại.
Bồ-tát hành nhẫn chẳng vì sự trả ân, danh lợi, nhân nghĩa, sợ hãi, xấu hổ. Bồ-tát nên hành nhẫn tự nhiên như thế. Nếu bị người khác gia hại, đánh đập, nhục mạ, xâm chiếm, cướp đoạt, khinh khi, lăng nhục, tâm cũng chẳng lay động. Bồ-tát nếu ở chỗ ngôi vị vua, đại thần... có người bần tiện hủy mắng, sỉ nhục, hoàn toàn chẳng vội vàng tỏ thái độ thị uy rằng: “Ta ở ngôi vị cao sang nên theo pháp là phải quở phạt”, mà chỉ nghĩ: “Thuở xưa ta ở chỗ Phật Thế Tôn phát thệ nguyện rộng lớn là đối với tất cả hữu tình ta đều cứu giúp, khiến cho được quả vị Giác ngộ cao tột. Nay nếu khởi tâm sân, liền trái với nguyện xưa.”
Ví như thầy thuốc giỏi, phát lời thề như vầy: “Thế gian đui mù ta đều chữa lành. Nếu mắt mình không sáng thì đâu có thể chữa lành cho ai được.” Như thế, Bồ-tát vì trừ tối tăm cho người mà tự mình phát sinh giận dữ thì làm sao cứu họ được? Chẳng thấy mình nhẫn và chẳng thấy có sự nhẫn, vì tự tánh xa lìa không hai không khác vậy.
Này Thiên vương, đó gọi là các Đại Bồ-tát tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể thông đạt An nhẫn ba-la-mật-đa.
Này Thiên vương, thế nào là các Đại Bồ-tát tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể thông đạt Tinh tấn ba-la-mật-đa?
Thiên vương nên biết, nếu Đại Bồ-tát tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa thì có thể hành Tinh tấn bala-mật-đa. Nghĩa là các Bồ-tát chưa diệt thì làm cho diệt, chưa độ thì khiến cho được độ, chưa giải thoát thì làm cho được giải thoát, chưa an thì làm cho được an, chưa giác thì khiến cho được giác. Khi Bồ-tát hành tinh tấn như thế, có các ác ma làm các việc trở ngại, nói với Bồ-tát rằng: “Thiện nam, bạn chớ tu hạnh này, luống chịu khổ nhọc. Vì sao?
Vì ta xưa kia từng tu hạnh này: chưa diệt thì khiến cho tiêu diệt, chưa độ thì khiến cho được độ, chưa thoát thì khiến cho giải thoát, chưa an thì làm cho an, chưa giác thì làm cho giác, luống chịu khổ nhọc nhưng hoàn toàn không có lợi ích chân thật. Ta từ xưa đến nay thấy nhiều Bồ-tát tu học hạnh này và đều thoái lui. Bạn nên hồi tâm tu đạo Nhị thừa, lấy quả Nhị thừa để tự diệt độ.”
Bồ-tát nghe xong liền biết là ác ma, bảo rằng: “Ngươi hãy lui đi! Tâm ta vững chắc giống như kim cang, chẳng phải lời sai lầm của ngươi có thể làm thoái lui được. Ngươi cố gây trở ngại thì chính người luôn luôn phải chịu khổ nhọc.” Ma nghe lời này liền ẩn mất. Nếu Bồ-tát khác chưa đắc Bát-nhã ba-la-mật-đa mà tu năm pháp Ba-la-mật-đa trước, trải qua thời gian trăm ngàn kiếp, thì lúc Bồ-tát hành tinh tấn như thế còn chưa có thể vượt qua, huống là bậc Nhị thừa. Như thế, Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, thành tựu Phật pháp, thì chúng ma đều xa lìa. Mặc dù hành tinh tấn, chẳng mau chẳng chậm nhưng có thể phát khởi nguyện lớn thù thắng là: “Khiến cho ta cảm được thân đồng như Như Lai, có nhục kế trên đỉnh đầu, lông trắng giữa chặng mày, Phật chuyển pháp luân thì ta cũng như thế.”
Ví như vàng ròng, các ngọc báu trang sức thì đẹp đẽ, Bồ-tát tinh tấn cũng như thế, lìa các cấu uế, nghĩa là lìa các sự lười nhác biếng trễ, mỏi mệt, chẳng tự rõ biết, chẳng tư duy đúng... Nhờ đó mà có thể đạt được phước đức trí tuệ thanh tịnh thù thắng để trang nghiêm, thân chẳng mỏi mệt, tâm chẳng chán lười, tất cả pháp ác, bất thiện làm ngăn ngại đạo đều làm cho diệt trừ, các pháp trợ đạo hướng đến Niết-bàn đều khiến tăng trưởng, một chút ác chẳng khởi, huống là nhiều.
Giả sử thế giới nhiều như cát sông Hằng khắp mười phương, trong đó tràn đầy lửa lớn như ngục Vô gián, chỉ có một hữu tình có thể độ được ra ngoài thế giới này. Bồ-tát vì hữu tình ấy còn đưa ra khỏi nơi đó, huống là nhiều hữu tình. Các Bồ-tát này chẳng nghĩ: “Vô thượng Bồ-đề chẳng dễ đắc được. Bồ-tát tu hành như chữa cháy trên đầu, cần phải trải qua trăm ngàn ức kiếp, gánh nặng như thế thật khó mang vác!”, mà chỉ nghĩ: “Chư Phật quá khứ, hiện tại đều tu hạnh này, chứng đại Bồ-đề. Ta cũng như thế, nên chính mình tu tập, thà trăm ngàn kiếp ở trong địa ngục để làm cho các hữu tình đều được độ thoát, chứ quyết không bỏ họ để mau tới Niết-bàn.”
Bồ-tát khi tinh tấn tu hành như thế, tâm chẳng tự cao, đối với người chẳng tự ti, chẳng thấy pháp năng hành và sở hành, vì tự tánh xa lìa các tướng vậy.
Này Thiên vương, đó gọi là các Đại Bồ-tát tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể thông đạt Tinh tấn ba-la-mật-đa.
Này Thiên vương, thế nào là các Đại Bồ-tát tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể thông đạt Tĩnh lự ba-la-mật-đa?
Thiên vương nên biết, nếu Đại Bồ-tát tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa thì có thể hành Tĩnh lự ba-lamật-đa, nghĩa là các Bồ-tát trồng sâu căn lành, đối với Đại thừa đời đời kiếp kiếp tu nhiều diệu hạnh, gần gũi bạn lành, chẳng sinh trong nhà bần tiện, tà kiến..., thường sinh trong dòng họ Sát-đế-lợi, Bàla-môn..., chánh tín Tam bảo, tăng trưởng pháp lành. Nhờ căn lành đời trước mà phát khởi ý nghĩ: “Hữu tình ngày đêm trôi lăn trong các nẻo, luân hồi đau khổ mãi mãi là đều do tham ái.” Bồ-tát nghĩ xong, khởi tâm nhàm chán, xa lìa, thấu biết tất cả đều từ hư vọng phân biệt mà có.
Trong kinh, Thế Tôn dùng vô số phương tiện giảng thuyết: Tội lỗi của dục như gươm dài, mâu ngắn, như dao, như rắn, như bọt, như bèo, nhơ nhớp bất tịnh, thay đổi vô thường. Cớ sao người trí lại tham đắm pháp này! Vừa cạo râu tóc xuất gia tu đạo, chưa thấy cho là thấy, chưa đắc cho là đắc, chưa chứng cho là chứng mà phải nghe thuyết, thọ trì hoặc Thế tục đế, hoặc Thắng nghĩa đế, như thật tu hành, như pháp quán sát. Đó là Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định, xa lìa huyên náo loạn tạp, chẳng màng danh dự, cũng chẳng cầu cung kính cúng dường, thân tâm tinh tấn thường không lười bỏ. Tư duy tâm này phần nhiều đi cảnh nào? Là thiện, là ác hay là vô ký? Nếu đi cảnh ác thì tức tốc chấm dứt. Nếu đi vô ký cũng nên rời bỏ. Nếu đi cảnh thiện thì lập tức siêng năng tinh tấn, cố gắng làm cho tăng trưởng căn lành thù thắng.
Vì muốn đối trị pháp ác bất thiện nên đưa ra ba mươi bảy phần Bồ-đề vi diệu. Ác bất thiện đó là tham, sân, si.
Tham lại có ba bậc là thượng, trung, hạ:
- Tham bậc thượng là nghe tên cảnh dục, thân thể khoan khoái, hết lòng vui mừng, chẳng quán lỗi của dục, chẳng sinh nhàm chán, tìm tòi phi lý, không có xấu hổ. Người không xấu hổ là như một mình đi đến đâu, tâm thường nghĩ về cảnh dục, liên tục chưa từng tạm nghỉ, chỉ thấy tốt đẹp, chẳng biết tội lỗi. Cha mẹ, thầy bạn quở trách sự tham dục kia cũng hoàn toàn không xấu hổ, vì chẳng biết nên phát khởi tranh cãi. Như thế gọi là người không xấu hổ. Loại này chết rồi đọa vào đường ác.
- Tham bậc trung là khi lìa cảnh dục, dục tâm chẳng khởi.
- Tham bậc hạ là chỉ cùng nói cười, dục tình liền hết.
Sân cũng có ba bậc:
- Sân bậc thượng là nếu phát khởi tức giận thì tâm mờ, mắt hoa, hoặc tạo nghiệp vô gián, hoặc hủy báng chánh pháp, hoặc lại tạo các nghiệp trọng tội khác, hơn năm trọng tội vô gián gấp trăm ngàn lần.
- Sân bậc trung là do sân giận nên tuy tạo các việc ác, lập tức sinh hối hận.
- Sân bậc hạ là tâm không hiềm hận, chỉ miệng chê trách, liền ăn năn.
Si cũng có ba bậc, nên biết đúng lý, mặc dù quán như thế mà biết các pháp đều như huyễn, như mộng, tiếng vang, bóng hình, bóng sáng, bóng nắng, sự biến hóa và ảo thành, vì điên đảo hư vọng, chẳng thật. Cảnh giới bên ngoài diệt thì trong tâm vắng lặng, chẳng thấy năng hành và pháp sở hành, vì tự tánh xa lìa tất cả vậy.
Này Thiên vương, đó gọi là các Đại Bồ-tát tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể thông đạt Tĩnh lự ba-la-mật-đa.
Này Thiên vương, thế nào là các Đại Bồ-tát tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể thông đạt Bát-nhã ba-la-mật-đa?
Thiên vương nên biết, nếu các Đại Bồ-tát tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa thì có thể hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Đó là các Bồ-tát chánh trí, quán sắc, thọ, tưởng, hành, thức chẳng thấy sắc sinh, chẳng thấy sắc nhóm họp, chẳng thấy sắc diệt; thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như thế. Vì sao? Vì tự tánh đều là không, không có chân thật, chỉ có danh tự giả bày hư dối. nhưng hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, giáo hóa các hữu tình, rốt cuộc chẳng vì họ mà nói không nghiệp, không quả; mặc dù biết các pháp đều như huyễn, như mộng, tiếng vang, bóng hình, bóng sáng, bóng nắng, biến hóa và ảo thành, không có ngã, hữu tình, dòng sinh mạng, sự sinh khởi, sự dưỡng dục, sự trưởng thành, chủ thể luân hồi mà thường tuyên thuyết có nghiệp quả.
Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế, quyến thuộc của ma chẳng được tiện lợi. Vì sao? Vì các Bồ-tát này gần gũi bạn lành, thành tựu các pháp trợ Bồ-đề đạo, lìa pháp thế gian, hoan hỷ khen ngợi chánh pháp sâu xa của các Đức Như Lai. Trời, Ma, Phạm và Sa-môn, Bà-la-môn… trừ Phật chánh trí, không ai bằng được. Chẳng thấy năng hành và pháp sở hành, vì tự tánh đều xa lìa tất cả vậy.
Này Thiên vương, đó gọi là các Đại Bồ-tát tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể thông đạt Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Này Thiên vương, thế nào là các Đại Bồ-tát tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể thông đạt phương tiện thiện xảo Ba-la-mật-đa?
Thiên vương nên biết, nếu các Đại Bồ-tát tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa thì có thể hành phương tiện thiện xảo Ba-la-mật-đa. Nghĩa là các Bồ-tát phương tiện thiện xảo hồi hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột. Nếu thấy hoa quả thế gian tốt đẹp, thường đem cúng dường chư Phật, Bồ-tát, ngày đêm sáu thời không từng tạm nghỉ, đem thắng thiện này hồi hướng Bồ-đề cũng như thấy hoa quả trên cây. Nếu nghe trong Khế kinh Như Lai thuyết về pháp nghĩa sâu xa thì hoan hỷ tin nhận, ưa thích thọ trì đọc tụng và nói lại cho người khác nghe, đem diệu thiện này hồi hướng Bồ-đề. Nếu thấy bảo tháp và hình tượng Như Lai liền đem các thứ hương hoa cúng dường, nguyện loài hữu tình lìa hương phá giới, được hương tịnh giới.
Giống như chư Phật quét trừ đất bụi, nguyện các hữu tình uy nghi tề chỉnh, lọng hoa che phủ; nguyện các hữu tình xa lìa nóng nảy, vào trụ xứ Tăng; nguyện các hữu tình đều vào Niết-bàn, ra khỏi chỗ Tăng trụ; nguyện các hữu tình ra khỏi cảnh ma.
Thấy cửa Tăng mở, bèn phát nguyện: Đem trí xuất thế vì các hữu tình mở cửa chưa mở, đều khiến ngộ nhập. Nếu thấy cửa đóng, nguyện các hữu tình đóng cửa ba cõi, hoặc bốn nẻo ác.
Nếu được ngồi yên, nguyện các hữu tình ngồi tòa Bồ-đề. Nếu nằm hông phải, nguyện các hữu tình đều chứng Niết-bàn. Từ sự ngồi, nằm, đứng dậy, nguyện các hữu tình lìa các sự phát sinh mê lầm.
Nếu khi rửa chân, nguyện các hữu tình lìa đất bụi nhơ.
Nếu khi lạy Phật, nhiễu bên phải bảo tháp, nguyện các hữu tình đều sẽ thành Phật, được trời, người cung kính, chẳng lấy đó làm vui mừng.
Nếu có ngoại đạo tà kiến khó giáo hóa, bèn nghĩ: “Ta làm thầy họ thì họ có giữ sự kiêu mạn, chắc chắn chẳng chịu tin. Hãy làm đồng học, hoặc làm đệ tử của họ. Tuy ở trong chúng của họ mà giới hạnh đa văn hơn các ngoại đạo, nhân đây hàng phục họ, được họ tôn trọng làm thầy, thì lời nói chắc chắn được tin nhận. Hủy bỏ tà pháp, nói chánh pháp Niết-bàn, làm cho họ nhập vào giáo pháp thanh tịnh của Như Lai, tấn tu phạm hạnh Tĩnh lự đẳng trì, đắc thần thông thù thắng, tu tất cả diệu thiện.”
Thấy người đa dục hóa làm nữ nhân đẹp nhất, khiến cho kẻ kia say mê, trong khoảng chốc lát thị hiện vô thường, nhan sắc biến đổi, sình trương bủn nát, hôi thối, khiến cho chán ghét, nhờm gớm và khởi tâm nhàm chán, xa lìa. Sau đó liền hoàn phục hình cũ là hình tượng Bồ-tát, nhân đó nói pháp yếu sâu xa, khiến cho phát tâm cầu quả vị Giác ngộ cao tột, tu hạnh Đại thừa, thành quả Vô thượng.
Thấy người theo Đại thừa mà xa lìa thiện tri thức, tuy siêng năng tinh tấn học đạo Nhị thừa nhưng đối với quả đó không thể chứng đắc, bỏ mất pháp lợi lạc nơi Đại thừa Vô thượng, quán căn tánh của người kia mà thuyết Đại thừa cho họ, làm cho người đó hồi tâm, nhập đạo Vô thượng. Người chưa phát tâm, giáo hóa làm cho phát tâm. Nếu đã phát tâm thì khuyên khiến cho bền vững. Thấy người trì giới phạm tội nhẹ, chẳng thể giải bày sám hối nên lo sợ buồn rầu, thoái lui, do đó không thể tấn tu thắng đạo, liền thuyết pháp cho họ, làm cho họ mau được sám hối để trừ diệt, tâm lìa buồn rầu, tấn tu đạo học thù thắng. Các chúng Bồ-tát ấy thiểu dục hỷ túc, chuyên cầu pháp lạc. Vì các hữu tình thuyết về sự cúng dường Như Lai. Do đó liền thành tựu sáu pháp Ba-la-mật-đa:
- Thuyết pháp cúng dường, đó là Bố thí ba-lamật-đa.
- Hành động chẳng trái với lời nói, đó là Tịnh giới ba-la-mật-đa.
- Các Thiên ma… chẳng thể não loạn, đó là An nhẫn ba-la-mật-đa.
- Tâm tiếp nối nhau chẳng biết mỏi mệt, đó là Tinh tấn ba-la-mật-đa.
- Chuyên tâm nhất niệm, chẳng duyên cảnh khác, đó là Tĩnh lự ba-la-mật-đa.
- Thuyết pháp cúng dường, lìa ngã, ngã sở, đó là Bát-nhã ba-la-mật-đa; chẳng thấy năng hành và pháp sở hành, vì tự tánh xa lìa tất cả vậy.
Này Thiên vương, đó gọi là các Đại Bồ-tát tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể thông đạt phương tiện thiện xảo Ba-la-mật-đa.
Này Thiên vương, thế nào là các Đại Bồ-tát tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể thông đạt diệu nguyện Ba-la-mật-đa?
Thiên vương nên biết, nếu Đại Bồ-tát tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa thì có thể hành Diệu nguyện Ba-la-mật-đa. Nghĩa là các Bồ-tát có các sở nguyện chẳng vì được hưởng vui sướng khoái lạc thế gian, cũng chẳng vì mình cầu ra khỏi ba cõi, tu đạo Nhị thừa, chứng Niết-bàn an lạc, mà chỉ nguyện tất cả hữu tình đều nhập vào cõi Vô dư Bátniết-bàn, thân mình sau cùng mới thành chánh giác. Người chưa phát tâm thì giáo hóa làm cho phát tâm. Nếu đã phát tâm rồi thì làm cho họ tu đại hạnh. Đã tu đại hạnh rồi thì làm cho họ đắc Bồ-đề. Đắc Bồ-đề rồi thì khuyên mời thuyết pháp, lần lượt cho đến sau khi vào Niết-bàn, dùng bảy báu tốt đẹp xây tháp, tôn trí xá-lợi, thiết lập sự cúng dường, làm cho vô lượng chúng đạt được phước vô biên.
Lại phát nguyện: Các thế giới mà Phật thành Chánh giác đều không có Thiên ma và các ngoại đạo làm rối loạn, nguyện nhờ tự trí mà phát tâm vô thượng, chẳng nhờ duyên bên ngoài tuy phát mà thoái lui.
Lại phải nguyện: Ta thường ở thế gian đem lại sự thành tựu cho hữu tình, khiến cho đạt được lợi ích an lạc. Nguyện các Bồ-tát mới phát tâm, nếu nghe Như Lai thuyết pháp sâu xa, ngộ nhập đúng như thật, tâm không kinh sợ. Nguyện các hữu tình đắc đại trí tuệ, đều thông suốt hoàn toàn vô biên Phật đạo, vô biên Phật cảnh, vô biên đại Bi, làm lợi ích vô biên các loài hữu tình.
Các Bồ-tát này phần nhiều nguyện tự thân thường ở nước nhơ uế, chẳng sinh cõi tịnh. Vì sao? Ví như có bệnh nhân mới nhờ thầy thuốc, nếu không có bệnh tật thì thầy thuốc vô dụng. Bồ-tát khi phát diệu nguyện như thế, chẳng thấy năng hành và pháp sở hành, vì tự tánh xa lìa tất cả vậy.
Này Thiên vương, đó gọi là các Đại Bồ-tát tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể thông đạt diệu nguyện Ba-la-mật-đa.
Này Thiên vương, thế nào là các Đại Bồ-tát tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể thông đạt Lực bala-mật-đa?
Thiên vương nên biết, nếu các Đại Bồ-tát tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa thì có thể hành Lực bala-mật-đa. Nghĩa là các Bồ-tát có thể hàng phục Thiên ma, dẹp trừ ngoại đạo, đầy đủ năng lực phước đức trí tuệ, tu hành tất cả Phật pháp, chứng biết tất cả Phật cảnh, dùng năng lực thần thông đem đầu sợi lông nhấc châu Thiệm-bộ hoặc cõi bốn châu, hoặc cõi đại thiên thế giới cho đến vô lượng thế giới như cát sông Hằng trong mười phương rồi để lại chỗ cũ mà không hề tổn hại; hoặc dùng năng lực thần thông, ở giữa hư không lấy các thứ báu bố thí cho loài hữu tình, có thể nghe và thọ trì tất cả pháp mà chư Phật thuyết ở vô lượng, vô biên thế giới trong mười phương, chẳng thấy năng hành và pháp sở hành, không hai, không khác, vì tự tánh ly xa lìa các tướng vậy.
Này Thiên vương, đó gọi là các Đại Bồ-tát tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể thông đạt Lực bala-mật-đa.
Này Thiên vương, thế nào là các Đại Bồ-tát tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể thông đạt Trí bala-mật-đa?
Thiên vương nên biết, nếu các Đại Bồ-tát tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa thì có thể hành Trí ba-lamật-đa. Nghĩa là các Bồ-tát quán sát-năm uẩn sinh chẳng phải thật sinh, diệt chẳng phải thật diệt, tư duy năm uẩn đều rốt ráo không, không có ngã, hữu tình, dòng sinh mạng, sự sinh khởi, sự dưỡng dục, sự trưởng thành, chủ thể luân hồi; phàm phu điên đảo hư vọng chấp trước, chẳng biết đúng như thật các uẩn chẳng phải ngã, chẳng biết đúng như thật ngã, chẳng phải các uẩn, trong ngã không có uẩn; do đó sinh tử luân hồi các nẻo như vòng lửa xoay. Kẻ phàm phu ngu si vọng chấp là có, nhưng tất cả pháp tự tánh vốn không, không sinh, không diệt. Duyên hợp lại gọi là sinh, duyên lìa tan thì bảo là diệt; thật không có sinh diệt, tánh chẳng phải là không, nên chẳng thể nói sinh; tánh chẳng phải là có nên chẳng thể nói là diệt. Các Bồ-tát này đối với tất cả cảnh, không pháp nào là không thông suốt. Tu hành Trí ba-la-mật-đa này, Nhị thừa, ngoại đạo chẳng thể ngăn cản. Dùng trí quán sát, từ khi mới phát tâm cho đến Niết-bàn đều thấu suốt tất cả, có thể dùng một pháp mà biết tất cả cảnh, đạt tất cả cảnh chẳng lìa một pháp. Vì sao? Vì chân như là một. Thế nên khi các Bồ-tát tu trí này chẳng thấy năng tu và pháp sở tu, không hai, không khác, vì tự tánh xa lìa tất cả vậy.
Này Thiên vương, đó gọi là các Đại Bồ-tát tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể thông đạt Trí bala-mật-đa. Đó gọi là Bồ-tát tu học một pháp, có thể thông đạt tất cả pháp.
[Mục lục bộ Bát-nhã][220][221][222][223][224][225][226][227][228][229][230][231][232][233][234][235][236][237][238][239][240][241][242][243][244][245][246][247][248][249][250][251][252][253][254][255][256][257][258][259][260][261]