SỐ 220
KINH ĐẠI BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA

HỘI THỨ VI

Phẩm 4: Pháp giới
(QUYỂN 567 - 568)

Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.

QUYỂN 567

QUYỂN 568


QUYỂN 567

Phẩm 4: Pháp giới (1)

Bấy giờ, Tối Thắng từ chỗ ngồi đứng dậy, che vai bên trái, gối phải quỳ sát đất, chắp tay cung kính bạch Phật:

–Kính bạch Thế Tôn, các Đại Bồ-tát làm thế nào tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thông suốt pháp giới?

Khi ấy, Phật bảo trời Tối Thắng:

–Lành thay, lành thay! Hãy lắng nghe! Hãy lắng nghe! Hãy khéo tác ý! Ta sẽ phân biệt giảng thuyết cho ông.

Trời Tối Thắng bạch:

–Cúi xin Thế Tôn giảng thuyết, chúng con mong muốn được nghe.

Phật bảo Tối Thắng:

–Thiên vương nên biết, các Đại Bồ-tát học Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa có diệu tuệ cho nên gần gũi bạn lành, phát khởi sự siêng năng tinh tấn, lìa các chướng hoặc, tâm được thanh tịnh, cung kính tôn trọng, muốn tu tập hạnh không, xa lìa các kiến, tu đạo như thật, thông suốt pháp giới.

Thiên vương nên biết, các Bồ-tát này có diệu tuệ nên gần gũi bạn lành, vui mừng kính thờ, tưởng nghĩ như Phật vậy. Vì gần gũi nên xa lìa các biếng nhác, diệt trừ tất cả pháp ác bất thiện, tăng trưởng căn lành. Đã diệt phiền não, xa lìa pháp chướng ngại, thân, ngữ, ý nghiệp đều được thanh tịnh; do thanh tịnh nên liền sinh kính trọng; vì tâm kính trọng, tu tập hạnh không; vì tu tập hạnh không, nên xa lìa các kiến; vì xa lìa các kiến nên tu hành chánh đạo; tu hành chánh đạo nên có thể thấy pháp giới.

Bấy giờ, Tối Thắng bạch Phật:

–Kính bạch Thế Tôn, thế nào gọi là pháp giới? Phật bảo trời Tối Thắng:

–Thiên vương nên biết, pháp giới tức là tánh không hư vọng.

Kính bạch Thế Tôn, thế nào là tánh không hư vọng?

–Này Thiên vương, tức là tánh chẳng đổi khác. Kính bạch Thế Tôn, thế nào là tánh chẳng đổi khác?

–Này Thiên vương, tức là chân như của các pháp.

Kính bạch Thế Tôn, thế nào là chân như của các pháp?

–Thiên vương nên biết, chân như sâu xa vi diệu chỉ có thể dùng trí để biết, chẳng phải ngôn ngữ diễn nói được. Vì sao? Vì chân như các pháp vượt qua văn tự, lìa phạm trù ngữ ngôn; tất cả sự diễn đạt chẳng thể diễn đạt nổi; lìa các hý luận, dứt các phân biệt, không đây, không kia; lìa tướng và vô tướng, xa lìa suy tìm, vượt cảnh tầm tư, không có tưởng, không có tướng, vượt khỏi hai cảnh, xa lìa ngu phu vượt ngoài ngu phu, vượt khỏi cảnh ma, xa lìa các chướng hoặc; chẳng phải thức thông suốt được, trụ nơi không chỗ trụ, Thánh trí vắng lặng và cảnh hậu đắc trí, không ngã và ngã sở, cầu chẳng thể được; không giữ, không bỏ, không nhiễm, không đắm, thanh tịnh lìa cấu nhiễm, tối thắng đệ nhất, tánh chẳng biến đổi; hoặc Phật ra đời hay chẳng ra đời, tánh tướng vẫn thường trụ.

Thiên vương nên biết, đó là pháp giới. Các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, tu chứng pháp giới, hành trăm ngàn hạnh khổ khó hành, làm cho các hữu tình đều được thông suốt.

Này Thiên vương, đó gọi là thật tướng Bát-nhã ba-la-mật-đa, chân như Niết-bàn, tướng không phân biệt, chẳng có cõi để nghĩ bàn. Cũng gọi là chân không và trí Nhất thiết trí, trí Nhất thiết tướng, pháp giới không hai.

Bấy giờ Tối Thắng bạch Phật:

–Kính bạch Thế Tôn, làm sao có thể chứng đắc pháp giới như thế?

Phật bảo Tối Thắng:

–Thiên vương nên biết, Bát-nhã ba-la-mật-đa xuất thế và trí hậu sở đắc không phân biệt có thể chứng, có thể đắc.

Kính bạch Thế Tôn, nghĩa chứng và đắc có gì khác?

–Thiên vương nên biết, Bát-nhã ba-la-mật-đa xuất thế có khả năng thấy đúng như thật nên gọi là chứng, hậu trí thông suốt nên gọi là đắc.

Bấy giờ Tối Thắng bạch Phật:

–Như Phật đã dạy, văn tư tu tuệ chẳng phải là có thể thông suốt thật tướng Bát-nhã ba-la-mật-đa sao, mà lại nói có Bát-nhã ba-la-mật-đa xuất thế và trí hậu sở đắc không phân biệt có khả năng chứng đắc?

Phật dạy:

–Chẳng phải vậy! Vì sao? Vì thật tướng Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa vi diệu, văn tuệ thô thiển, cạn cợt, chẳng thể thấy được. Vì là thắng nghĩa nên tư tuệ chẳng thể lường được. Vì là pháp xuất thế nên tu tuệ chẳng có thể hành được.

Thiên vương nên biết, thật tướng Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa vi diệu, là chỗ phàm phu, Nhị thừa chẳng thể thấy được. Vì sao? Vì hạng kia như mù bẩm sinh, chẳng thấy các sắc; như đứa trẻ mới sinh bảy ngày chẳng thấy mặt trời. Thấy còn chẳng thể được, huống là có thể chứng.

Này Thiên vương, ví như mùa hè nóng bức, có người đi về phương Tây, ở giữa đồng hoang; lại có một người từ phương Tây đi đến, hỏi người trước mặt:

–Tôi nay bị nóng khát, biết chỗ nào có nước trong và bóng mát làm ân chỉ giúp.

Người kia đáp:

–Từ đây đi về hướng Đông, sẽ có hai đường: một là phía bên trái, hai là phía bên phải, nên theo đường bên phải, lần hồi đi tới có ao suối nước trong và bóng cây mát mẻ.

–Này Thiên vương, ý ông thế nào? Người nóng khát kia chỉ nghe tên suối và cây mát như thế, suy nghĩ việc đi đến thì có thể trừ nóng khát, được mát mẻ ngay chăng?

–Bạch Thế Tôn, chẳng được! Người kia đến nơi, vào ao tắm rửa, uống nước, nghỉ dưới gốc cây mới khỏi nóng khát và được mát mẻ.

Phật dạy:

–Này Thiên vương, đúng vậy, đúng vậy! Văn tuệ, tư tuệ, tu tuệ chẳng thể thông suốt thật tướng Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Thiên vương nên biết, nói về đồng nội tức dụ cho sinh tử, con người dụ cho hữu tình, nóng dụ cho các hoặc, khát dụ cho tham ái. Người phương Đông đến, dụ cho các Bồ-tát, đường bên trái dụ cho chẳng phải chánh đạo, đường bên phải dụ cho đạo trí Nhất thiết. Các chúng Bồ-tát hành Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa biết rõ con đường thẳng đến sinh tử. Suối dụ cho Bát-nhã ba-la-mật-đa, cây dụ cho đại Bi. Các Đại Bồ-tát hành hai pháp nên xa lìa phàm phu và đạo Nhị thừa.

Thiên vương nên biết, Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa tuy không hình tướng nhưng khéo diễn nói thì có thể khiến cho các hữu tình có thể chứng, có thể đắc.

Thiên vương nên biết, các Đại Bồ-tát hành Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa có thể biết đúng như thật các lực, vô sở úy, pháp bất cộng là không. Cũng biết đúng như thật các giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn, giải thoát uẩn, giải thoát tri kiến uẩn là không. Cũng biết đúng như thật pháp không bên trong, pháp không bên ngoài, pháp không cả trong ngoài, pháp không không, pháp không lớn, pháp không thắng nghĩa... Mặc dù biết tất cả pháp đều không, nhưng biết tướng không cũng chẳng thể nắm bắt, chẳng nắm giữ tướng không, chẳng khởi cái thấy không, chẳng chấp tướng không, chẳng nương tựa không. Như vậy, Bồ-tát vì chẳng chấp trước nên chẳng rơi vào không.

Thiên vương nên biết, các Đại Bồ-tát hành Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa nên xa lìa các tướng, nghĩa là hoàn toàn chẳng thấy các tướng trong ngoài, lìa tướng hý luận, lìa tướng phân biệt, lìa tướng tìm cầu, lìa tướng tham đắm, lìa tướng cảnh giới, lìa tướng phan duyên, lìa tướng năng tri và sở tri.

Bấy giờ, Tối Thắng bạch Phật:

–Nếu các chúng Đại Bồ-tát hành Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa có thể quán các pháp không tướng như thế thì làm thế nào để quán Phật Bạc-giàphạm?

Phật dạy:

–Này Thiên vương, cảnh giới chư Phật chẳng thể nghĩ bàn. Vì sao? Vì lìa cảnh giới vậy. Tất cả hữu tình suy lường Phật cảnh thì tâm phát sinh cuồng loạn, chẳng biết đây kia. Vì sao? Vì tánh đồng hư không, chẳng thể suy lường, cầu chẳng thể nắm bắt, lìa cảnh suy tầm. Các chúng Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa còn chẳng thấy có cảnh phàm phu có thể suy lường được, huống là cảnh giới Phật, cũng chẳng nương vào tất cả diệu nguyện. Mặc dù hành các pháp Bố thí, Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa, nhưng đối với quả kia hoàn toàn không chấp đắm, đối với các công đức cho đến Niết-bàn cũng chẳng nương tựa, chấp trước. Vì sao? Vì tự tánh xa lìa, vì lìa ngã và ngã sở, không hai không khác vậy?

Khi Phật thuyết pháp môn Bát-nhã ba-la-mậtđa sâu xa như thế, làm cho thế giới ba lần ngàn này chấn động sáu cách, núi Diệu cao, núi Mục-chânlân-đà, núi Đại mục-chân-lân-đà, núi Kim cang luân vi, núi Đại kim cang luân vi, núi Hương, núi Bảo, núi Hắc, núi Đại hắc, tất cả đều chấn động. Vô lượng trăm ngàn các chúng Bồ-tát đều cởi thượng y trải làm chỗ ngồi cho Phật, tòa đó cao rộng như núi Diệu cao. Vô lượng trăm ngàn các Thiên vương, Đế Thích, Phạm thiên, Hộ thế... chắp tay cung kính rải cúng các thứ hoa đẹp, đó là: hoa Diệu âm, hoa Đại diệu âm, hoa Cát tường, hoa Đại cát tường, hoa sen xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, tía.

Khi ấy, núi Thứu phong cao rộng bốn mươi dotuần, hoa chất đầy khắp đến tận đầu gối Như Lai. Vô lượng Thiên tử ở giữa hư không trổi các nhạc trời và xướng lên thế này:

–Lại thấy Phật xuất thế. Lại nghe chuyển pháp luân. Lành thay! Tất cả loài hữu tình châu Thiệmbộ siêng tu công đức, trồng nhiều căn lành nên được nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế, huống là tương lai có người có thể tin. Nên biết, tất cả hữu tình như thế đều đi đến cảnh giới chư Phật Như Lai.

Lại có vô lượng trăm ngàn Long vương dùng thần lực bủa giăng mây lớn cùng khắp, rưới mưa hương rảy thấm núi Thứu phong và cùng khắp thế giới ba lần ngàn. Những người nghe pháp chỉ biết thấm nhuần hương, chẳng thấy bị thấm ướt. Vô lượng Long nữ đều ở trước Phật chắp tay khen ngợi.

Lại có vô lượng thần Kiền-đạt-phược dùng âm nhạc vi diệu để cúng dường Phật. Các chúng Dược-xoa rải cúng các thứ hoa đẹp. A-tố-lạc... cung kính cúng dường.

Vô số Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác ở vô lượng, vô biên cõi Phật trong mười phương, tướng lông giữa chặng mày đều phóng hào quang sáng, chiếu soi những chốn tối tăm ở thế giới ba lần ngàn này, khắp núi Thứu phong đều trải sáng hào quang rực rỡ đó.

Làm việc đó xong, đều trở về thế giới của mình, nhiễu quanh bên phải ba vòng và nhập vào nơi đảnh Phật. Vô lượng trăm ngàn chúng Bà-la-môn và Sát-đế-lợi, Trưởng giả, Cư sĩ đều đem các thứ hương xoa, hương bột, phan, phướn, lọng, hoa để cúng dường Phật.

Bấy giờ trong hội có bảy mươi hai ức Đại Bồtát đắc Vô sinh pháp nhẫn, vô lượng trăm ngàn các loài hữu tình xa trần lìa cấu, sinh tịnh Pháp nhãn, vô lượng trăm ngàn các loài hữu tình đều phát tâm cầu quả vị Giác ngộ cao tột.

Bấy giờ, Tối Thắng bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa đã tuyệt ngữ ngôn, lìa các văn tự, Đại Bồ-tát làm sao hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa và thuyết cho các hữu tình pháp như thế?

Phật bảo Tối Thắng:

–Thiên vương nên biết, các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa và thuyết cho các hữu tình pháp như thế là sự tu tập Phật pháp, nhưng đối với các Phật pháp hoàn toàn chẳng thể nắm bắt. Vì thành thục các Ba-la-mật-đa nhưng đối với các Bala-mật-đa, hoàn toàn chẳng thể nắm bắt. Vì thanh tịnh Bồ-đề, nhưng đối với Phật Bồ-đề rốt ráo chẳng thể nắm bắt. Vì ly diệt Niết-bàn nhưng đối với ly diệt Niết-bàn hoàn toàn chẳng thể nắm bắt được.

Vì bốn quả Sa-môn, nhưng đối với bốn quả Samôn hoàn toàn chẳng thể nắm bắt. Vì Độc giác Bồđề, nhưng đối với Độc giác Bồ-đề hoàn toàn chẳng thể nắm bắt. Vì dứt trừ ngã và chấp, thủ, nhưng đối với ngã và thủ chấp ấy hoàn toàn chẳng thể nắm bắt. Đại Bồ-tát này hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, tâm chẳng phân biệt tất cả pháp tướng, năng phân biệt và sở phân biệt đều chẳng thể đắc. Tùy thuận Bát-nhã ba-la-mật-đa mà chẳng trái với sinh tử. Mặc dù ở sinh tử mà chẳng trái Bát-nhã ba-lamật-đa và sự tùy thuận pháp tướng.

Bấy giờ Tối Thắng bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, các Đại Bồ-tát làm sao tùy thuận pháp tướng sâu xa, chẳng trái thế tục?

Phật dạy:

–Này Thiên vương, Bồ-tát tùy thuận Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, chẳng xa lìa sắc, thọ, tưởng, hành, thức; chẳng xa lìa cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc; chẳng xa lìa pháp mà cũng không chấp trước; tùy thuận Bát-nhã ba-la-mật-đa, chẳng xa lìa đạo. Vì sao? Vì đầy đủ năng lực đại phương tiện thiện xảo vậy.

Bấy giờ Tối Thắng bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, cái gì gọi là Bồ-tát phương tiện thiện xảo?

Phật dạy:

–Này Thiên vương, đó là bốn Vô lượng. Các Đại Bồ-tát đầy đủ tâm đại Từ, đại Bi, đại Hỷ, đại Xả nên thường có thể lợi ích an vui trong việc giáo hóa hữu tình, đó là Bồ-tát phương tiện thiện xảo.

Kính bạch Thế Tôn, vì sao bốn thứ này gọi là đại?

–Thiên vương nên biết, các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa đầy đủ lòng Từ không biên giới, Từ không phân biệt, Từ các pháp tánh, Từ chẳng ngưng nghỉ, Từ không não hại, Từ lợi ích lớn, Từ bi tánh bình đẳng, Từ bi lợi lạc khắp, Từ bi xuất thế gian. Những loại như thế... gọi là Đại từ.

Thiên vương nên biết, các Đại Bồ-tát hành Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa, thấy các hữu tình đủ các thứ khổ, không có nơi quay về nương tựa, vì muốn cứu giúp nên phát tâm Bồ-đề, siêng cầu chánh pháp, đã tự mình đắc rồi, giảng thuyết cho các hữu tình: Những người tham lam thì dạy tu bố thí. Người không giới, phá giới thì dạy thọ trì giới. Người tánh hung ác, dạy hành nhẫn nhục. Người lười biếng, trễ nải, dạy hành tinh tấn. Người tâm tán loạn, dạy hành tĩnh lự. Người ngu si, dạy học diệu tuệ. Vì độ hữu tình nên mặc dù gặp phải các thứ việc khó khăn rất khổ nhọc, hoàn toàn không rời bỏ tâm đại Bồ-đề. Những việc làm như thế gọi là đại Bi.

Thiên vương nên biết, các Đại Bồ-tát hành Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa có suy nghĩ rằng: “Ba cõi lửa cháy dữ dội, ta đã ra khỏi nên sinh hoan hỷ. Dây sinh tử ràng buộc từ lâu, ta đã cắt đứt vĩnh viễn nên sinh hoan hỷ. Ở trong biển sinh tử vọng tưởng chấp giữ, chấp tướng, ta đã ra khỏi hẳn nên sinh hoan hỷ. Cờ kiêu mạn dựng từ vô thỉ, ta đã bẻ gãy nên sinh hoan hỷ. Dùng trí Kim cang phá núi phiền não, làm cho tiêu tan hết nên sinh hoan hỷ. Ta đã tự an ổn, lại an ổn cho người. Kẻ ngu si tối tăm, kẻ tham, sân, mạn. phiền não trói buộc, ngủ lâu nơi thế gian, nay mới được thức tỉnh nên sinh hoan hỷ. Ta nay đã khỏi tất cả nẻo ác, lại có thể cứu giúp hữu tình trong nẻo ác, làm cho được ra khỏi, nên sinh hoan hỷ. Hữu tình từ lâu ở trong sinh tử mê lầm, chẳng biết đường ra, ta nay cứu giúp chỉ dạy đường chánh, làm cho đều được thành tựu trí Nhất thiết rốt ráo, an vui nên sinh hoan hỷ.” Các việc làm như thế... gọi là Đại hỷ.

Thiên vương nên biết, các Đại Bồ-tát hành Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa, đối với tất cả sắc mà mắt đã thấy, tiếng mà tai đã nghe, mùi mà mũi đã ngửi, vị mà lưỡi đã nếm, xúc mà thân đã xúc chạm, pháp mà ý đã rõ, chẳng đắm, chẳng lìa mà khởi tâm xả.

Những việc làm như thế gọi là đại Xả.

Thiên vương nên biết, các Đại Bồ-tát hành Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa, thành tựu bốn Vô lượng lớn như thế, do đó gọi là phương tiện thiện xảo.

QUYỂN 568

Phẩm 4: Pháp giới (2)

Bấy giờ Tối Thắng lại bạch Phật rằng:

–Bạch Thế Tôn, vì độ hữu tình các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thị hiện các tướng như thế nào?

Phật bảo Tối Thắng:

–Thiên vương nên biết, tướng Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa, chẳng thể nắm bắt được; tướng các Bồ-tát cũng chẳng thể nắm bắt được. Vì cứu độ hữu tình nên các Ngài dùng oai lực phương tiện quyền xảo thị hiện các tướng giáo hóa bằng cách nhập vào thai mẹ cho đến nhập Niết-bàn. Vì sao? Vì chư Thiên chấp thường cho là không bị đọa lạc cho nên Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa dùng phương tiện quyền xảo thị hiện các tướng vào thai mẹ để phá sự chấp trước kia. Do đó làm cho chư Thiên phát sinh ý niệm vô thường, nghĩ rằng: “Bậc Tối thắng Tối tôn ở trong thế gian chẳng ai sánh bằng, ở trong cõi Dục không nhiễm mà còn có rơi rớt huống nữa là các chư Thiên khác mà được thường ư?” Cho nên chúng ta chớ có buông lung cần phải tinh tấn, giữ niệm tu đạo. Như thấy mặt trời còn có lúc lặn mất thì biết lửa đom đóm không thể tồn tại lâu dài.

Lại có chư Thiên sống phóng dật say đắm dục lạc, không tu chánh pháp, mặc tình đùa giỡn. Tuy cùng với Bồ-tát ở trong thiên cung nhưng không đến lễ bái, không thưa hỏi pháp mà đều nghĩ rằng: “Lúc này, ta hãy hưởng dục, đợi đến ngày mai sẽ đến Bồ-tát để thưa hỏi pháp.” Nghĩ vậy rồi, bảo rằng:

–Ta cùng với Bồ-tát thường ở nơi đây thì việc tu hành đâu có muộn màng gì? Do đó, Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa siêng tu tinh tấn như cứu lửa cháy trên đầu để phá trừ hành động buông lung nên thị hiện đọa lạc. Sự thì hiện này có hai nguyên nhân: Một, làm cho chư Thiên xa lìa sự buông lung; hai, làm cho hữu tình đều được trông thấy.

Vì trong thế gian cũng có hữu tình hèn kém, ít có căn lành không thể thấy Phật thành Vô thượng giác, chuyển xe diệu pháp nên Bồ-tát phải thị hiện làm trẻ con chơi giỡn ở hậu cung. Nếu làm các tướng khác để thuyết pháp thì e rằng nữ nhân trong hậu cung khó tin được. Do đó, Bồ-tát thị hiện làm trẻ con.

Lại có chư Thiên nghĩ rằng: “Người có đức hạnh cao thượng hay rời bỏ thế tục” thì Bồ-tát vì người kia mà thị hiện xuất gia.

Lại có chư Thiên nghĩ rằng: “Ngồi yên thọ lạc thì không đạt được Thánh đạo.” Bồ-tát vì người kia thị hiện khổ hạnh. Vì để hàng phục khổ hạnh của ngoại đạo nên Bồ-tát thị hiện các khổ hạnh khó hành.

Lại có chư Thiên phát nguyện từ lâu rằng: “Khi Bồ-tát đi đến tòa Bồ-đề thì trời, người chúng ta cung kính cúng dường.” Bồ-tát vì họ nên đi đến tòa Bồ-đề. Vô lượng trời, người đã cúng dường rồi đều được nhân duyên Bồ-đề.

Lại có chư Thiên nghĩ rằng: “Ác ma ngoại đạo làm chướng ngại chánh pháp, nguyện các Bồ-tát ngồi tòa Bồ-đề điều phục ác ma và ngoại đạo để cho người có chánh tín đều được thấy pháp.”

Sau khi Bồ-tát thành Chánh giác, trong hư không khắp thế giới ba lần ngàn vang lên những âm thanh tán thán rằng:

–Mặt trời Phật xuất hiện ở đời làm cho ánh sáng đom đóm lặn mất.

Chư Thiên nói rằng:

–Nguyện cho tôi đời sau thành Vô thượng giác cũng được như sự chứng đắc Bồ-đề của Bồ-tát hôm nay vì các hữu tình mà ngồi tòa Bồ-đề.

Lại có vô lượng chư Thiên... nói rằng:

–Nguyện được thấy Đại sư thành trí Nhất thiết, trí Nhất thiết tướng, Vô sư trí, Tự nhiên trí. Đó là các hữu tình không cầu xuất ly mà căn tánh đã thuần thục ấy là bậc Pháp khí thâm sâu. Bồ-tát vì các hữu tình này mà thị hiện ba chuyển, mười hai hành tướng vô thượng pháp luân.

Lại có chư Thiên muốn nghe pháp viên tịch, Bồ-tát vì họ mà thị hiện.

Thiên vương nên biết, các Đại Bồ-tát hành Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa thì có khả năng thị hiện các hóa tướng như vậy.

Thiên vương nên biết, Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thì chắc chắn không sinh vào cảnh giới bất an. Vì sao? Vì người không phước đức, không nghe được danh tự Bát-nhã ba-la-mậtđa.

Lại nữa, các Bồ-tát thường xa lìa các ác nghiệp, không hề hủy phạm giới cấm Phật chế. Tâm không ganh ghét, thân, miệng không phạm lỗi. Vì đã gieo trồng nhiều căn lành với vô lượng Phật trong quá khứ, đầy đủ phước đức, trí tuệ, phương tiện thù thắng, thành tựu đại nguyện, tâm ưa tịch tĩnh, siêng tu tinh tấn, bỏ sự biếng nhác.

Thiên vương nên biết, các Bồ-tát này không có ác nghiệp đọa vào địa ngục, vì luôn thực hành mười nẻo nghiệp thiện. Các Bồ-tát này không có phá giới để đọa vào loài bàng sinh vì thường hay hộ trì giới đã thọ. Các Bồ-tát này không có tâm ganh ghét, không đọa vào loài ngạ quỷ, không sinh vào nhà tà kiến, thường gặp bạn lành, xa lìa bạn ác. Vì sao? Vì đã trồng nhiều căn lành với vô lượng Phật trong thời quá khứ cho nên được sinh chỗ giàu sang, có quyền thế, đầy đủ chánh kiến. Thân hình các Bồ-tát này đã thọ đầy đủ các căn để thành tựu bậc Pháp khí của Phật. Vì sao? Vì vào thời quá khứ đã cúng dường chư Phật, lắng nghe chánh pháp, kính lễ đại chúng cho nên sinh ở chỗ nào cũng đầy đủ các căn, hình tướng xinh đẹp để thành bậc Pháp khí của Phật. Các Bồ-tát này không sinh nơi biên địa, độn căn ngu si, không biết rõ thiện ác, lời nói và ý nghĩa chẳng hợp với Pháp khí của Phật, không biết Sa-môn, Bà-la-môn... Vì sao? Vì Bồ-tát chắc chắn thọ sinh ở trung tâm của đất nước, các căn thông minh trí tuệ, nói năng lưu loát, biết rõ ý nghĩa về ngôn ngữ là Pháp khí của Phật, biết rõ Sa-môn, Bà-la-môn... Vì sao? Vì đời trước Bồ-tát đầy đủ năng lực trí tuệ, phước đức thù thắng nên Bồ-tát không sinh vào cõi trời sống lâu, vì không có lợi ích cho người, không được gặp Phật. Các Bồ-tát đa số sinh ở Dục giới, thị hiện ở đời, lợi lạc hữu tình. Vì sao? Vì đầy đủ năng lực phương tiện quyền xảo tối thắng. Bồ-tát không sinh vào thế giới không có Phật, không người thuyết pháp, không nghe chánh pháp, không cúng dường Tăng. Vì sao? Vì sức nguyện mạnh mẽ đời trước nên Bồ-tát sinh chỗ nào cũng đầy đủ Tam bảo. Các Bồ-tát này nghe pháp ác ở thế giới nào liền sinh tâm nhàm chán, xa lìa. Các Bồ-tát này tu hạnh tịch tĩnh, tâm không lười biếng, tinh tấn dũng mãnh, dùng các pháp thiện diệt các pháp ác.

Thiên vương nên biết, các Đại Bồ-tát hành Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa nhờ tất cả nhân duyên như thế nên chắc chắn không sinh vào nơi không thuận tiện.

Thiên vương nên biết, các Đại Bồ-tát hành Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa dù cho trong mộng cũng không quên mất đại Bồ-đề tâm huống gì lúc thức mà lại quên mất ư? Vì sao? Vì các thiện pháp đều được sinh ra ở tâm này tức tâm Vô thượng Chánh đẳng giác. Nếu không có tâm này thì không có Phật. Nếu không có Phật thì không có giáo pháp, không có giáo pháp thì không có Tăng. Do có tâm này nên có Tam bảo và có trời, người tu thiện, hưởng thọ an vui. Các Bồ-tát thường xa lìa nịnh hót, lừa dối, tâm Bồ-tát thanh tịnh, chân thật nhu hòa, không nghi hoặc đối với Phật pháp. Nếu người muốn lắng nghe, thọ nhận thì Bồ-tát không giấu ý nghĩa sâu xa. Bồ-tát xa lìa sự ganh ghét và ác nghiệp tam đồ. Giai đoạn trước, giữa và sau không có tướng thay đổi, hành pháp Đại thừa chẳng trái với lời nói, thấy người đồng học sinh tâm cung kính khuyên siêng tu tập, xưng tán Đại thừa. Đối với thuyết Pháp sư thường tưởng như Phật, thân gần bạn lành, xa lìa bạn ác. Đó là phương tiện thiện xảo của các Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa nên thành tựu tâm Bồ-đề như vậy, nương nơi tâm này đắc Túc trụ trí. Vì sao? Vì đã từng cúng dường vô lượng chư Phật, hộ trì chánh pháp, trì giới thanh tịnh, xa lìa ác nghiệp, hoàn toàn không còn chướng ngại, tâm thường hoan hỷ, tâm siêng tu học, tâm không tán loạn, không thoái thất. Vì sao? Vì tôn trọng chánh pháp nên các Bồ-tát này đã từng cúng dường vô lượng chư Phật. Do tôn trọng chánh pháp nên đã vì người khác giảng thuyết sâu rộng, vì hộ chánh pháp nên chẳng tiếc thân mạng. Thân nghiệp, ngữ nghiệp, ý nghiệp đều thanh tịnh, do nghiệp thanh tịnh nên lìa các chướng ngại. Do lìa chướng ngại nên tâm thường hoan hỷ, do tâm hoan hỷ nên siêng năng tinh tấn. Tâm tánh chánh trực, niệm trí viên mãn, do niệm trí viên mãn nên biết đời sống quá khứ, một kiếp, mười kiếp, trăm kiếp, ngàn kiếp, cho đến vô số kiếp. Các Bồtát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa nên rõ biết như thật về các nơi sinh thời quá khứ, biết rõ đời trước gần gũi bạn lành nên đối với ba việc nghe, thấy, niệm về chư Phật chẳng quên mất, thường ưa nghe pháp, cúng dường Tăng bảo không lúc nào để thời gian trống rỗng trôi qua. Đối với việc cúng dường, cung kính lễ bái Phật Bồ-tát không bỏ qua lúc nào, đi, đứng, nằm, ngồi luôn luôn học hỏi.

Thiên vương nên biết, các Đại Bồ-tát nhờ trì tịnh giới nên thường được nghe danh tự công đức Bát-nhã ba-la-mật-đa, thường tu tập trợ Bồ-đề phần, không xa lìa ba môn giải thoát, thường xuyên tu tập bốn Vô lượng tâm, thường nghe Vô thượng trí Nhất thiết.

Thiên vương nên biết, các Đại Bồ-tát hành Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa, do nhân duyên đó nên được gần gũi bạn lành.

Thiên vương nên biết, các Đại Bồ-tát hành Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa dù cho trong mộng còn chưa gần bạn ác huống chi là lúc thức mà lại gần gũi ư? Vì sao? Vì Bồ-tát đối với kẻ phá giới, kẻ đắm trước tà kiến, hạng bất luật nghi, người hành tà mạng, người nói vô nghĩa, người lười biếng, người ưa sinh tử, người trái ngược Bồ-đề, người ưa việc thế tục, tuy thường thương xót họ nhưng không ở chung.

Thiên vương nên biết, các Đại Bồ-tát hành Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa nhờ đó thường xa lìa bạn ác.

Thiên vương nên biết, các Đại Bồ-tát hành Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa nên được mười thân sai khác của Như Lai. Mười thân đó là gì?

1.         Thân bình đẳng.

2.         Thân thanh tịnh.

3.         Thân vô tận.

4.         Thân tu tập viên mãn.

5.         Thân pháp tánh.

6.         Thân lìa tầm tứ.

7.         Thân chẳng nghĩ bàn.

8.         Thân tịch tĩnh.

9.         Thân hư không.

10.   Thân diệu trí.

Bấy giờ Tối Thắng bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa đến địa vị nào mới đạt được mười thân của Như Lai. Phật bảo Tối Thắng:

–Thiên vương nên biết, các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa ở trong Sơ địa được thân bình đẳng. Vì sao? Vì thông đạt pháp tánh xa lìa tà vạy, thấy tất cả đều bình đẳng.

Trong địa Thứ hai được thân thanh tịnh. Vì sao? Vì xa lìa sự phạm giới, mất giới thanh tịnh.

Ở trong địa Thứ ba được thân vô tận. Vì sao? Vì lìa dục, tham, sân nên được thắng định.

Trong địa Thứ tư được thân tu tập viên mãn. Vì sao? Vì thường siêng tu tập Bồ-đề phần.

Trong địa Thứ năm được thân pháp tánh. Vì sao? Vì quán các Đế lý chứng đạt pháp tánh.

Trong địa Thứ sáu được thân ly tầm tứ. Vì sao? Vì quán lý duyên khởi, xa lìa tầm tứ.

Trong địa Thứ bảy được thân chẳng nghĩ bàn. Vì sao? Vì thực hành đầy đủ trí phương tiện quyền xảo.

Trong địa Thứ tám được thân tịch tĩnh. Vì sao? Vì lìa các phiền não, hý luận.

Trong địa Thứ chín được thân hư không. Vì sao? Vì thân tướng vô tận biến khắp tất cả.

Trong địa Thứ mười được thân diệu trí. Vì sao?

Vì tu tập viên mãn Nhất thiết chủng trí.

Khi ấy, Tối Thắng lại bạch Phật rằng:

–Bạch Thế Tôn, như vậy thân Bồ-tát và thân Phật có gì sai khác chăng?

Phật bảo Tối Thắng:

–Tuy thân không sai khác nhưng công đức có sai khác, nghĩa ấy như thế nào? Nghĩa là thân Phật và thân Bồ-tát không có sai khác. Vì sao? Vì tất cả pháp đồng một tánh tướng. Công đức sai khác nghĩa là thân Như Lai đầy đủ công đức còn thân Bồ-tát thì chưa được như vậy.

Ta sẽ nói thí dụ cho ông. Thí như bảo châu được trang sức hay không được trang sức thì bảo châu ấy vẫn như nhau. Thân Phật và thân Bồ-tát cũng lại như vậy. Tuy công đức có sai khác nhưng pháp tánh không sai khác. Vì sao? Vì công đức của Như Lai hoàn toàn viên mãn, cùng tận đến mười phương, biến khắp cõi hữu tình, thanh tịnh xa lìa dơ bẩn, không còn chướng ngại. Công đức của Bồtát chưa viên mãn nên vẫn còn chướng ngại. Ví như mặt trăng lúc khuyết, lúc tròn, nhưng tánh trăng vẫn không sai khác. Hai thân cũng vậy, đều kiên cố không thể phá hoại được giống như kim cang. Vì sao? Vì không bị ba độc phá hoại, vì không nhiễm pháp thế tục, vì không bị bức bách bởi các cảnh khổ ở cảnh ác của trời, người, xa lìa hẳn sinh, già, bệnh, chết, có khả năng chế phục ngoại đạo, vượt cảnh giới ma, chẳng hướng đến Độc giác và Thanh văn thừa, do đó không thể bị phá hoại.

Thiên vương nên biết, các Đại Bồ-tát hành Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa khéo hướng dẫn Trời, Người, A-tố-lạc... ở trong thế gian đều tin cậy. Thí như có người khéo dẫn đường được quốc vương hoặc hàng thân cận vua... hoặc trưởng giả, cư sĩ đều tin cậy. Các Bồ-tát này cũng lại như vậy, Thanh văn, Độc giác, Bồ-tát, Như Lai đều phải công nhận họ là người dẫn đường giỏi. Thí như có người khéo dẫn đường thì quốc vương, đại thần, Bà-la-môn... đều tôn kính. Cũng vậy, các Đại Bồtát đều được Trời, Rồng, Dược-xoa, A-tố-lạc... và bậc hữu học, bậc vô học cúng dường. Như kẻ đi đường mệt mỏi giữa nơi hoang dã nguy hiểm, gặp kẻ dẫn đường có thể được yên ổn. Cũng vậy, các vị Đại Bồ-tát này dùng năng lực phương tiện hướng dẫn hữu tình ra khỏi sinh tử được an ổn.

Như người nghèo khó nương dựa vào trưởng giả giàu có mới thoát khỏi túng thiếu. Ngoại đạo, Bà-la-môn nương vào Bồ-tát mới ra khỏi sinh tử. Như đại trưởng giả của cải vô lượng làm cho mọi người đều được sử dụng. Cũng vậy, hữu tình sinh tử đều phải nương tựa vào các Đại Bồ-tát này. Như đại trưởng giả muốn vượt qua khỏi hiểm nạn phải nhờ nhiều bạn, đầy đủ vật thực ăn uống mới qua khỏi hiểm nạn được. Cũng vậy, các Đại Bồ-tát này muốn ra khỏi hiểm nạn sinh tử chắc chắn phải nhờ phước tuệ bảo vệ các hữu tình mới ra khỏi thế gian đến trí Nhất thiết. Như người đi xa cần đem nhiều của báu mới được lợi lạc. Cũng vậy các Đại Bồ-tát từ biển sinh tử đến trí Nhất thiết cần tu tập thật nhiều của báu, phước, tuệ mới mau chứng trí Nhất thiết. Như người thế gian tham cầu vật chất không hề nhàm chán. Cũng vậy, Bồ-tát ưa cầu thắng pháp tâm không nhàm chán.

Như người dẫn đường cần có bốn việc hơn người: giàu có, địa vị cao, tài giỏi, lời nói có uy tín. Cũng vậy, các Bồ-tát giàu có công đức, ở địa vị tôn quý, được pháp tự tại, lời nói chắc chắn. Như người biết cách dẫn đường đi đến thành lớn. Cũng vậy, các vị Bồ-tát hướng dẫn hữu tình đến trí Nhất thiết. Thiên vương nên biết, các Đại Bồ-tát hành Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa biết rõ con đường nên đi, con đường không nên đi, nơi tà, nơi chánh, nơi cong, nơi ngay, nơi an ổn, nơi nguy hiểm, nơi có nước, nơi không có nước hoặc nơi có nguy hiểm thì đều biết con đường thoát ra. Các Đại Bồ-tát này biết rõ các con đường không hề nhầm lẫn, đã hướng dẫn thì không trái với căn cơ của chúng sinh, vì người cầu Đại thừa nói đạo Vô thượng chẳng nói đạo Độc giác, Thanh văn; vì người cầu Độc giác nói đạo Độc giác không nói đạo Bồ-tát, Thanh văn; vì người cầu Thanh văn nói đạo Thanh văn không nói đạo Bồ-tát, Độc giác; vì người chấp trước ngã nói đạo vô ngã; vì người chấp trước pháp thì nói đạo pháp không; vì người chấp hai bên nói trung đạo; vì người mê loạn nói đạo chỉ, quán để họ hết mê loạn; vì người hý luận nói đạo chân như để họ hết hý luận; vì người chấp trước sinh tử nói đạo Niết-bàn để họ ra khỏi thế gian; vì người theo đường mê nói đạo chân chánh để họ xa lìa đường tà vạy.

Này Thiên vương, đây là Đại Bồ-tát hành Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa biết rõ đường tà, đường chánh để hướng dẫn hữu tình đi ra thông suốt.


Trước

[Đầu trang][Mục lục Kinh Đại Bát Nhã]

Tiếp theo


[Mục lục bộ Bát-nhã][220][221][222][223][224][225][226][227][228][229][230][231][232][233][234][235][236][237][238][239][240][241][242][243][244][245][246][247][248][249][250][251][252][253][254][255][256][257][258][259][260][261]


[Mục lục tổng quát]