SỐ 220
KINH ĐẠI BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA
HỘI THỨ VI
Phẩm 7: Bình đẳng
(QUYỂN 570)
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.
Bấy giờ Tối Thắng rời tòa đứng dậy lệch áo che vai trái, gối phải chấm đất, chắp tay cung kính bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, Thế Tôn đã thuyết pháp tánh bình đẳng. Sao gọi là bình đẳng? Những pháp nào thì gọi là bình đẳng?
Phật bảo Tối Thắng:
–Thiên vương nên biết, bình đẳng quán tự tánh các pháp vốn tịch tĩnh, không sinh, không diệt nên gọi là bình đẳng. Tất cả phiền não, hư vọng phân biệt tự tánh tịch tĩnh, không sinh, không diệt nên gọi là bình đẳng. Danh tướng phân biệt tự tánh tịch tĩnh, không sinh, không diệt nên gọi là bình đẳng. Diệt các điên đảo, không có phan duyên gọi là bình đẳng. Diệt tâm năng duyên, vô minh, hữu, ái nên được tịch tĩnh. Vì diệt si ái nên không còn trở lại chấp trước ngã và ngã sở cho nên gọi là bình đẳng.
Vì diệt sạch hoàn toàn ngã và ngã sở thì danh sắc tịch tĩnh nên gọi là bình đẳng. Vì diệt danh sách nên biên kiến không sinh gọi là bình đẳng. Vì diệt chấp đoạn, chấp thường nên thân kiến tịch tĩnh gọi là bình đẳng.
Thiên vương nên biết, năng chấp, sở chấp và tất cả phiền não làm chướng thiện pháp đều sinh ra từ thân kiến. Bồ-tát nào bằng phương tiện quyền xảo hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thì có năng lực diệt thân kiến, tất cả phiền não và tùy miên hoàn toàn tịch tĩnh sự mong cầu cũng chấm dứt. Thí như cây đại thọ bị nhổ gốc rễ thì nhánh, lá đều chết khô; như người đứt đầu thì cả thân mạng đều bị chết. Cũng vậy, nếu đoạn thân kiến thì tùy miên, phiền não đều diệt tận. Người nào quán được các pháp vô ngã thì người chấp và pháp để chấp bị diệt tận.
Khi ấy, Tối Thắng bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, vì sao ngã kiến làm chướng ngại chân lý?
Phật bảo Tối Thắng:
–Thiên vương nên biết, đối với năm thủ uẩn vọng chấp nghĩa là có liền khởi ngã kiến. Pháp chân thật tự tánh bình đẳng là không có năng chấp và sở chấp, trái ngược với ngã kiến, cho nên gọi là không có năng chấp và sở chấp, cho nên gọi là chướng.
Thiên vương nên biết, như thế ngã kiến không ở trong, không ở ngoài, không ở giữa, hoàn toàn không có chỗ trụ nên gọi là tịch tĩnh tức là bình đẳng, xa lìa ngã kiến, thông suốt bình đẳng gọi là chân thật không. Quán sát Không, Vô tướng, Vô nguyện này tự tánh tịch tĩnh, không sinh, không diệt, không chấp chặt, không nhiễm trước, xa lìa ngã kiến nên gọi là bình đẳng.
Thiên vương nên biết, gọi là ngã thì không đến, không đi, không có chân thật. Pháp hư vọng phân biệt từ vọng sinh cũng là hư vọng. Bồ-tát nào bằng phương tiện thiện xảo hành Bát-nhã ba-la-mật-đa quán các pháp như thế, xa lìa hư vọng cho nên gọi là tịch tĩnh bình đẳng.
Thiên vương nên biết, năng chấp, sở chấp như lửa hừng cháy, nếu xa lìa gọi là tịch tĩnh. Các phiền não chướng cũng như lửa rực cháy, nếu xa lìa nó gọi là tịch tĩnh. Bồ-tát nào bằng phương tiện thiện xảo hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thì biết rõ như thật về năng chấp và sở chấp, diệt các phiền não gọi là tăng trưởng thiện pháp. Đoạn diệt năng chấp, sở chấp và các phiền não mà không thấy sinh, không thấy diệt nên gọi là bình đẳng. Tu tập tất cả các pháp Ba-la-mật-đa, xa lìa ma chướng mà không thấy có chỗ tu tập, không thấy xa lìa nên gọi là bình đẳng. Bồ-tát thường duyên theo pháp phần Bồ-đề nên không có ý niệm về Thanh văn, Độc giác không thấy tướng khác nên gọi là bình đẳng.
Duyên với trí Nhất thiết tâm không dừng nghỉ, thường không hạnh, nhờ năng lực đại Bi không bỏ hữu tình nên gọi là bình đẳng.
Thiên vương nên biết, những Bồ-tát nào bằng phương tiện thiện xảo hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thì đối với các pháp, tâm duyên tự tại, tâm duyên vô tướng để tu Bồ-đề, mà không thấy vô tướng và Bồ-đề khác nhau. Tâm duyên vô nguyện không bỏ ba cõi, không thấy vô nguyện và ba cõi khác nhau nên gọi là bình đẳng. Quán thân bất tịnh nhưng tâm trụ thanh tịnh; quán hành vô thường nên tâm duyên sinh tử mà không nhàm chán; quán khổ của hữu tình mà trụ Niết-bàn; quán pháp vô ngã nhưng an vui đối với các hữu tình luôn phát tâm đại Từ. Thường vì hữu tình nói thuốc bất tịnh, nên không bị bệnh tham; thường thuyết đại Từ bi nên không bị bệnh sân; thường thuyết duyên khởi nên không bị bệnh si. Vì kẻ đủ các bệnh trên thì nói thuốc vô thường mà không thấy vô thường và các bệnh khác nhau. Bồ-tát bằng phương tiện thiện xảo hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa nên tâm duyên tự tại với tất cả các pháp, duyên pháp lìa tham để giáo hóa Thanh văn, duyên pháp lìa sân để giáo hóa Độc giác, duyên pháp lìa si, để giáo hóa Bồtát. Duyên tất cả sắc, nguyện đạt được diệu sắc thanh tịnh của Như Lai nhưng vô sở đắc. Duyên tất cả âm thanh, nguyện được âm thanh vi diệu của chư Phật nhưng vô sở đắc. Duyên tất cả hương, nguyện được giới hướng thanh tịnh của Như Lai nhưng vô sở đắc. Duyên tất cả vị, nguyện được tướng Đại trượng phu nhất trong mùi vị của Như Lai, nhưng vô sở đắc. Duyên tất cả xúc, nguyện được bàn tay mềm mại của Như Lai nhưng vô sở đắc. Duyên tất cả pháp, nguyện được tâm tịch tĩnh của Như Lai nhưng vô sở đắc. Duyên các việc Bố thí, vì muốn được thành tựu thân tướng tốt đẹp của Như Lai. Duyên Tịnh giới, vì muốn được cõi Phật viên mãn nghiêm tịnh. Duyên An nhẫn, nguyện được tiếng đại Phạm âm của chư Phật và thân tịnh quang minh của chư Phật. Duyên Tinh tấn, vì muốn độ hữu tình không bị gián đoạn. Duyên Tĩnh lự, vì muốn thành tựu thần thông quảng đại. Duyên Bát-nhã, vì muốn đoạn tất cả vọng kiến phiền não. Duyên đại Từ bình đẳng, vô ngại, vì muốn cho các hữu tình đều được an lạc. Duyên đại Bi, vì muốn hộ chánh pháp để cứu vớt hữu tình ra khỏi khổ sinh tử. Duyên đại Hỷ, vì muốn cho hữu tình được vui sướng nên thuyết pháp vô ngại tự tại. Duyên đại Xả, vì không chấp kiến phiền não tùy miên trói buộc hữu tình.
Thiên vương nên biết, những Bồ-tát nào bằng phương tiện thiện xảo hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thì không thấy hai việc gọi là bình đẳng hành. Duyên bốn Nhiếp pháp vì muốn giáo hóa hữu tình. Duyên với lỗi lầm của xan tham, tật đố vì muốn bỏ của cải để tu hành bố thí. Duyên với lỗi lầm của phá giới vì muốn trụ tịnh giới. Duyên lỗi lầm của sân hận vì muốn được an nhẫn. Duyên với lỗi lầm của biếng nhác vì muốn thành tựu năng lực đại tinh tấn của Như Lai. Duyên với lỗi lầm của tánh loạn vì muốn được Thắng định tịch tĩnh của Như Lai. Duyên với sai lầm của ác tuệ vì muốn thành tựu trí tuệ vô ngại của Như Lai. Duyên pháp Nhị thừa vì muốn thành tựu Đại thừa vô thượng. Duyên các cảnh giới ác vì muốn cứu vớt tất cả hữu tình. Duyên các cảnh giới thiện vì muốn biết rõ quả báo trời, người đều phải bại hoại. Duyên các hữu tình vì muốn rõ tất cả chỉ là hư vọng, không có bền chắc. Duyên tùy niệm Phật vì muốn được thành tựu Thắng định trợ đạo. Duyên tùy niệm Pháp vì muốn thông suốt các tạng pháp bí mật. Duyên tùy niệm Tăng vì muốn chúng hòa hợp tâm không thoái chuyển. Duyên tùy niệm xả vì không ái trước. Duyên tùy niệm giới vì được tịnh giới. Duyên tùy niệm thiên vì thành Bồ-đề được chư Thiên tán thán. Duyên thân tướng của chính mình vì muốn được thân Phật. Duyên ngữ tướng của chính mình nên được Phật ngữ. Duyên ý tướng của chính mình vì muốn được tâm bình đẳng của chư Phật. Duyên pháp hữu vi vì thành Phật trí. Duyên pháp vô vi vì được tịch tĩnh.
Thiên vương nên biết, Bồ-tát nào bằng phương tiện thiện xảo hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không có bỏ qua một tâm, một hành nào mà không hồi hướng đến trí Nhất thiết. Đó là Bồ-tát bằng phương tiện thiện xảo hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, tuy có duyên các pháp rộng khắp nhưng không chấp trước nên gọi là phương tiện thiện xảo. Quán các pháp đều là nơi hướng đến đạo Bồ-đề. Thí như các vật được sinh ra trong ba ngàn thế giới để cho các hữu tình sử dụng. Cảnh giới sở duyên bằng phương tiện thiện xảo khi Bồ-tát hành Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa như vậy đều vì sự lợi ích hướng đến Bồ-đề. Thí như các sắc đều được sinh ra từ tứ đại chủng. Cảnh giới sở duyên của Bồ-tát như vậy không có một pháp nào mà không hướng đến Bồ-đề. Vì sao? Vì sự tu hành của Bồ-tát đều nhờ các duyên bên ngoài mà được thành lập. Nghĩa là Bồ-tát nhờ kẻ xan tham, tật đố mà thành tựu Bố thí ba-la-mật-đa, nhờ kẻ bội ân mà thành tựu Tịnh giới ba-la-mật-đa, nhờ kẻ ác mà thành tựu An nhẫn ba-la-mật-đa, nhờ kẻ biếng nhác mà thành tựu Tinh tấn ba-la-mật-đa, nhờ kẻ tán loạn mà thành tựu Tĩnh lự ba-la-mật-đa, nhờ kẻ ngu si mà thành tựu Bát-nhã ba-la-mật-đa. Những hữu tình nào làm tổn hại, não loạn Bồ-tát thì Bồ-tát nhờ họ mà chế phục, diệt trừ sân giận. Nếu Bồ-tát thấy người tu hành thiện pháp hướng đến Bồ-đề thì xem như con mình. Bồ-tát như thế thì khen không mừng, chê không giận. Thấy kẻ không vui, Bồ-tát khởi tâm đại Từ, thấy kẻ đau khổ mà sinh tâm đại Bi, thấy kẻ vui sướng mà tâm đại Hỷ, thấy kẻ không khổ mà sinh tâm đại Xả. Nhờ kẻ khó giáo hóa mà tu pháp chỉ, thấy kẻ dễ giáo hóa mà tu pháp quán, nhờ kẻ tín hành mà sinh trí tri ân. Hữu tình nào duyên ác bên ngoài nhiều, duyên thiện bên ngoài ít thì siêng năng bảo hộ. Nếu người nhờ vào năng lực mà cương cường thì dùng mọi phương tiện giáo hóa để cho họ lãnh thọ giáo pháp. Nếu thấy hữu tình trí tuệ đã khai ngộ thì tuyên thuyết pháp yếu sâu xa. Nếu thấy hữu tình cần phải nói rộng mới ngộ thì phải lần lượt tuyên thuyết các pháp. Nếu thấy hữu tình chấp trước văn tự thì thuyết văn nghĩa cho họ được thông hiểu. Nếu đã học pháp chỉ thì thuyết diệu quán. Nếu đã học pháp quán thì thuyết tịch chỉ. Nếu chấp trì giới thì thuyết về địa ngục. Trì giới không chấp thì không có gì để thuyết. Nếu chấp văn tuệ thì thuyết về tứ tuệ. Nếu chấp Đẳng trì thì thuyết Bát-nhã. Nếu người thích ở A-lan-nhã thì thuyết pháp lìa tâm. Nếu người ưa nghe nói về công đức của Phật thì vì họ mà thuyết Thánh trí vô thượng. Vì kẻ tham dục thuyết pháp bất tịnh, vì kẻ sân hận thuyết pháp Từ bi, vì kẻ ngu si thuyết pháp duyên khởi, vì kẻ đủ cả ba phần trên thuyết pháp bất tịnh, hoặc thuyết pháp Từ bi, hoặc thuyết pháp duyên khởi. Kẻ đã điều phục thì thuyết tịnh giới, thắng định, trí tuệ. Người muốn nhập vào Phật thừa mới chịu sự giáo hóa thì thứ lớp thuyết Ba-la-mật-đa. Người phải khống chế mới chịu thọ giáo thì trước hết bẻ gãy lý luận sau đó mới thuyết pháp. Người muốn dùng nhiều lời lẽ mới chịu thọ giáo thì nên vì họ mà thuyết về nhân duyên, thí dụ làm cho họ được khai ngộ. Người cần dùng pháp sâu xa mới chịu thọ giáo thì nên vì họ mà dùng phương tiện thiện xảo, vô ngã, vô pháp để thuyết về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Người có chấp trước các kiến thì thuyết pháp Không. Người nhiều tầm tứ thì thuyết Vô tướng. Người chấp trước hữu vi thì thuyết Vô nguyện. Người chấp trước các uẩn thì thuyết pháp như huyễn. Người chấp trước các giới thì thuyết không tánh. Người chấp trước xứ thì thuyết pháp như mộng. Người chấp trước Dục giới thì thuyết về lửa thiêu đốt. Người chấp trước Sắc giới thì thuyết về hành khổ. Người chấp trước Vô sắc giới thì thuyết về các hành vô thường. Hữu tình khó giáo hóa thì tán thán về Thánh chủng. Hữu tình dễ giáo hóa thì thuyết về Tĩnh lự và Vô lượng tâm. Người nghe sinh lên cõi trời mới chịu thọ giáo thì thuyết khoái lạc. Người nghe pháp Thanh văn mới chịu thọ giáo thì thuyết Thánh đế. Người nghe pháp Độc giác mới chịu thọ giáo thì thuyết Duyên khởi. Người nghe pháp Bồ-tát mới chịu thọ giáo thì thuyết Tịnh tâm. Bồ-tát tu hành pháp đại Từ bi thì thuyết Phước tuệ. Bồ-tát không thoái chuyển thì thuyết Tịnh độ. Bồ-tát Nhất sinh bổ xứ thì thuyết trang nghiêm tòa Bồ-đề. Người cần nghe lời Phật thuyết thì mới chịu thọ giáo nên vì họ mà thuyết thứ lớp liên tục.
Thiên vương nên biết, những Đại Bồ-tát này bằng phương tiện thiện xảo hành Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa thanh tịnh, được tự tại, thuyết pháp lợi ích không có vô ích.
Khi thuyết pháp tự tại của Bồ-tát có ba vạn trời, người đều phát tâm cầu quả vị Giác ngộ cao tột, năm ngàn Bồ-tát được Vô sinh pháp nhẫn.
Bấy giờ Thế Tôn liền mỉm cười. Theo thường pháp của chư Phật khi mỉm cười như vậy thì vô số hào quang từ mặt phóng ra đủ màu: xanh, vàng, đỏ, tía, pha lê… chiếu khắp mười phương đến vô biên thế giới, hiện việc hy hữu rồi trở về chỗ Phật, nhiễu quanh ba vòng xong nhập và đỉnh Phật.
Khi ấy, Xá-lợi Tử thấy tướng lành ấy sinh tâm do dự, rời tòa đứng dậy, trệch áo che vai trái, gối phải chấm đất, cung kính chắp tay bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, vì nhân duyên gì Ngài hiện tướng lành này?
Khi ấy, Thế Tôn bảo Xá-lợi Tử:
–Trời Tối Thắng này trong vô lượng, vô biên đại kiếp về quá khứ đã từng ở chỗ chư Phật tu tất cả hạnh Ba-la-mật-đa, vì các Bồ-tát mà thủ hộ Bátnhã ba-la-mật-đa. Do nhân duyên đó mà nay được gặp ta thưa hỏi lãnh thọ Bát-nhã ba-la-mật-đa. Ở đời vị lai phải trải qua vô lượng, vô biên đại kiếp tu tập Vô thượng Bồ-đề để làm tư lương, sau đó chứng đắc điều mong cầu là quả vị Giác ngộ cao tột, đầy đủ mười hiệu. Đức Phật ấy tên là Công Đức Trang Nghiêm, cõi nước tên Tối cực nghiêm tịnh, kiếp tên là Thanh tịnh. Cõi ấy giàu vui, dân chúng phồn thịnh, thuần nhất Bồ-tát Tăng không có chúng Thanh văn. Mặt đất cõi ấy do bảy báu hợp thành, các báu trang nghiêm, bằng phẳng như bàn tay. Cõi đó được trang sức bằng hương hoa cỏ mềm, không có núi, gò, đồi, chông gai; có tràng phan, lọng hoa và nhiều loại trang nghiêm, có đô thành lớn tên là Nan phục, có lưới bảy báu giăng phủ ở trên, dùng dây bằng vàng giăng bủa với nhau, được treo chuông vàng ở các góc. Ngày đêm sáu thời trên bầu trời tấu nhạc và rải các thứ hương hoa trời tuyệt diệu. Cõi ấy dân chúng sung sướng an vui tuyệt diệu hơn cả cung trời Tha hóa, người, trời qua lại không có ngăn ngại không có ba cõi ác và tên gọi Nhị thừa. Hữu tình ở cõi ấy chỉ cầu Phật trí. Phật ấy thường tuyên thuyết pháp yếu thanh tịnh cho các Bồ-tát. Vô lượng, vô biên quyến thuộc Bồ-tát không chấp, không tà kiến, tà mạng và không phá giới; không có kẻ mù, điếc, câm, ngọng, gù lưng, các căn thiếu khuyết hay các việc ác... Người ở cõi ấy có đủ ba mươi hai tướng tốt trang nghiêm thân tướng Như Lai cõi ấy thọ tám tiểu kiếp, trong chúng trời, người không có kẻ chết yểu. Đức Phật ấy có vô lượng công đức như thế. Nếu muốn thuyết pháp thì trước tiên phóng ánh sáng, các chúng Bồ-tát thấy ánh sáng ấy thì biết được Thế Tôn sắp thuyết pháp, chúng ta hãy đến nghe.
Khi ấy, trời trải tòa Sư tử cho Phật cao rộng trăm do-tuần, đem nhiều loại xinh đẹp để cúng dường bằng nhiều cách. Đức Thế Tôn thăng tòa thuyết pháp cho chúng hội. Các Bồ-tát ấy lợi căn thông minh nghe xong lãnh ngộ, xa lìa ngã và ngã sở, đồ dùng ăn uống tùy theo ý niệm đều có.
Khi Phật thuyết pháp thọ ký cho Tối Thắng, có năm vạn chư Thiên đều hoan hỷ phát tâm cầu quả vị Giác ngộ cao tột, nguyện đời vị lai sinh về cõi ấy.
Bấy giờ, Tối Thắng nghe lời Phật dạy vui mừng hớn hở được điều chưa từng có, liền bay lên hư không cao bằng bảy cây Đa-la. Khi ấy thế giới ba lần ngàn biến động sáu cách. Các thứ âm nhạc trời tự nhiên vang lên, vô lượng hoa trời được tung rải cúng dường Phật và Bồ-tát Tối Thắng Thiên vương. Khi ấy Thiên vương ở cõi kia từ trên không xuống lễ Phật sát đất rồi lui ngồi một phía.
[Mục lục bộ Bát-nhã][220][221][222][223][224][225][226][227][228][229][230][231][232][233][234][235][236][237][238][239][240][241][242][243][244][245][246][247][248][249][250][251][252][253][254][255][256][257][258][259][260][261]