NỀN TẢNG PHẬT GIÁO
(MŪLABUDDHASĀSANA)

QUYỂN IV
NGHIỆP VÀ QUẢ CỦA NGHIỆP
(KAMMA-KAMMAPHALA)


PHẦN II (tt)

IV- Pākaṭṭhānacatukka phần nghiệp phân chia theo nghiệp cho quả theo cõi-giới, có 4 loại nghiệp:

IV.1-Akusalakamma: Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) trong 12 bất-thiện-tâm (ác-tâm) cho quả tái-sinh kiếp sau trong 4 cõi ác-giới là cõi địa-ngục, cõi a-su-ra, loài ngạ-quỷ, loài súc-sinh.

IV.2-Kāmāvacarakusalakamma: Dục-giới thiện-nghiệp (đại-thiện-nghiệp) trong 8 dục-giới thiện-tâm (đại-thiện-tâm) cho quả tái-sinh kiếp sau trong 7 cõi thiện-dục-giới là cõi người và 6 cõi trời dục-giới.

IV.3-Rūpāvacarakusalakamma: Sắc-giới thiện-nghiệp trong 5 sắc-giới thiện-tâm cho quả tái-sinh trên 16 tầng trời sắc-giới phạm-thiên.

IV.4-Arūpavacarakusalakamma: Vô-sắc-giới thiện-nghiệp trong 4 vô-sắc-giới thiện-tâm cho quả tái-sinh trên 4 tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên.

Giải thích 4 loại nghiệp cho quả theo cõi-giới

IV.1-Akusalakamma: Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp)

Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm (12 ác-tâm).

Bất-thiện-tâm (Akusalacitta) có 12 tâm chia ra 3 loại:

- Lobhacitta: Tham-tâm có 8 tâm.

- Dosacitta: Sân-tâm có 2 tâm.

- Mohacitta: Si-tâm có 2 tâm.

a- Lobhacitta: Tham-tâm có 8 tâm:

1- Somanassasahagataṃ diṭṭhigatasampayuttaṃ asaṅkhārikaṃ.

Tham-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ hỷ, hợp với tà-kiến, không cần tác-động.

2- Somanassasahagataṃ diṭṭhigatasampayuttaṃ sasaṅkhārikaṃ.

Tham-tâm thứ nhì đồng sinh với thọ hỷ, hợp với tà-kiến, cần tác-động.

3- Somanassasahagataṃ diṭṭhigatavippayuttaṃ asaṅkhārikaṃ.

Tham-tâm thứ ba đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với tà-kiến, không cần tác-động.

4- Somanassasahagataṃ diṭṭhigatavippayuttaṃ sasaṅkhārikaṃ.

Tham-tâm thứ tư đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với tà-kiến, cần tác-động.

5- Upekkhāsahagataṃ diṭṭhigatasampayuttaṃ asaṅkhārikaṃ.

Tham-tâm thứ năm đồng sinh với thọ xả, hợp với tà-kiến, không cần tác-động.

6- Upekkhāsahagataṃ diṭṭhigatasampayuttaṃ sasaṅkhārikaṃ.

Tham-tâm thứ sáu đồng sinh với thọ xả, hợp với tà-kiến, cần tác-động.

7- Upekkhāsahagataṃ diṭṭhigatavippayuttaṃ asaṅkhārikaṃ.

Tham-tâm thứ bảy đồng sinh với thọ xả, không hợp với tà-kiến, không cần tác-động.

8- Upekkhāsahagataṃ diṭṭhigatavippayuttaṃ sasaṅkhārikaṃ.

Tham-tâm thứ tám đồng sinh với thọ xả, không hợp với tà-kiến, cần tác-động.

b- Dosacitta: Sân-tâm có 2 tâm:

1- Domanassasahagataṃ paṭighasampayuttaṃ asaṅkhārikaṃ.

Sân-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ ưu, hợp với hận, không cần tác-động.

2- Domanassasahagataṃ paṭighasampayuttaṃ sasaṅkhārikaṃ.

Sân-tâm thứ nhì đồng sinh với thọ ưu, hợp với hận, cần tác-động.

c- Mohacitta: Si-tâm có 2 tâm: [1]

1-Upekkhāsahagataṃ vicikicchāsampayuttaṃ.

Si-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ xả, hợp với hoài-nghi.

2-Upekkhāsahagataṃ uddhaccasampayuttaṃ.

Si-tâm thứ nhì đồng sinh với thọ xả, hợp với phóng-tâm.

Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm (12 ác-tâm) tạo 10 bất-thiện-nghiệp (10 ác-nghiệp) phát sinh do nương nhờ nơi 3 môn là thân-môn, khẩu-môn, ý-môn như sau:

IV.1.1-Ác-nghiệp phát sinh do nương nhờ nơi thân-môn gọi là thân ác-nghiệp, có 3 loại:

- Ác-nghiệp sát-sinh.

- Ác-nghiệp trộm-cắp.

- Ác-nghiệp tà-dâm.

Ba thân-ác-nghiệp này còn gọi là 3 thân-hành-ác (kāyaduccarita).

IV.1.2-Ác-nghiệp phát sinh do nương nhờ nơi khẩu-môn gọi là khẩu ác-nghiệp, có 4 loại:

- Ác-nghiệp nói-dối.

- Ác-nghiệp nói lời chia rẽ.

- Ác-nghiệp nói lời thô tục.

- Ác-nghiệp nói lời vô ích.

Bốn khẩu-ác-nghiệp này còn gọi là 4 khẩu-nói-ác (vacīduccarita).

IV.1.3-Ác-nghiệp phát sinh do nương nhờ nơi ý-môn gọi là ý ác-nghiệp có 3 loại:

- Ác-nghiệp tham lam tài sản của người khác.

- Ác-nghiệp thù hận người khác.

- Ác-nghiệp tà-kiến thấy sai chấp lầm.

Ba ý-ác-nghiệp này còn gọi là 3 ý-nghĩ-ác (mano-duccarita).

Giải thích 10 ác-nghiệp theo 3 môn

IV.1.1- Thân ác-nghiệp ác-nghiệp phần nhiều được biểu hiện ra ở thân-hành-ác, có 3 loại ác-nghiệp:

- Ác-nghiệp sát-sinh.

- Ác-nghiệp trộm-cắp.

- Ác-nghiệp tà-dâm.

1-Ác-nghiệp sát-sinh

Ác-nghiệp sát-sinh là giết hại chúng-sinh, cắt đứt sinh-mạng của chúng-sinh.

Mỗi chúng-sinh đều phải chết do 4 nguyên-nhân:

1- Chúng-sinh chết vì hết tuổi thọ.

2- Chúng-sinh chết vì hết nghiệp hỗ trợ.

3- Chúng-sinh chết vì hết tuổi thọ và hết nghiệp hỗ trợ. 4-Chúng-sinh chết vì nghiệp khác cắt đứt sinh-mạng.

Nếu chúng-sinh nào chết vì 1 trong 3 trường hợp (1, 2, 3) thì chúng-sinh ấy chết hợp thời (kālamaraṇa).

Nếu chúng-sinh nào bị người nào giết hại chết trước khi hết tuổi thọ, hoặc chết trước khi hết nghiệp hỗ trợ, thì chúng-sinh ấy chết vì trường-hợp thứ 4 không hợp thời (akālamaraṇa), người ấy đã tạo ác-nghiệp sát-sinh

giết hại chúng-sinh ấy.

Chi-pháp của ác-nghiệp sát-sinh

Để biết có tạo ác-nghiệp sát-sinh hay không, cần phải căn cứ vào 5 chi-pháp của ác-nghiệp sát-sinh:

1- Pāṇo: Chúng-sinh còn sinh-mạng.

2- Pāṇasaññitā: Biết rõ chúng-sinh còn sinh-mạng.

3-Vadhakacittaṃ: Ác-tâm nghĩ sẽ giết hại chúng-sinh.

4-Payogo: Cố gắng giết hại chúng-sinh.

5-Tena maraṇaṃ: Chúng-sinh ấy bị chết do sự cố gắng ấy.

Nếu người nào hội đủ 5 chi-pháp của ác-nghiệp sát-sinh này thì người ấy đã tạo ác-nghiệp sát-sinh hội đủ chi-pháp, nhưng nếu không hội đủ 5 chi-pháp này, thì người ấy tạo ác-nghiệp sát-sinh không hội đủ chi-pháp.

Quả của 2 loại ác-nghiệp sát-sinh này có sự khác biệt:

- Nếu tạo ác-nghiệp sát-sinh hội đủ 5 chi-pháp này thì ác-nghiệp sát-sinh ấy có nhiều năng lực, có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) và có cơ hội cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại.

-Nếu tạo ác-nghiệp sát-sinh không hội đủ 5 chi-pháp này thì ác-nghiệp sát-sinh ấy có ít năng lực, không có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭi-sandhikāla), mà có cơ hội cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại.

Cố gắng tạo ác-nghiệp sát-sinh

Người cố gắng tạo ác-nghiệp sát-sinh bằng 6 cách:

1- Sāhatthikapayoga: Tự mình cố gắng tạo ác-nghiệp sát-sinh, nghĩa là tự mình sử dụng khí giới, dùng sức mạnh cố gắng giết hại chúng-sinh ấy, chúng-sinh ấy bị chết do chính mình. Như vậy gọi là tự mình cố gắng tạo ác-nghiệp sát-sinh.

2- Āṇattikapayoga: Cố gắng sai khiến người khác tạo ác-nghiệp sát-sinh bằng lời nói, hoặc bằng chữ viết gởi đến nhờ người khác, sai khiến họ tạo ác-nghiệp giết hại chúng-sinh ấy.

3- Nissaggiyapayoga: Cố gắng dùng khí giới như phóng lao, ném đá, bắn cung tên, bắn súng, ném chất nổ,

... để giết hại chúng-sinh ấy.

4- Thāvarapayoga: Cố gắng làm ra những thứ vũ khí để giết hại chúng-sinh có tính cách lâu dài như đào hầm, đặt bẫy, rèn gươm giáo, đúc súng đạn, làm bom, chất nổ, thuốc độc, v.v... Hễ khi nào có người sử dụng những thứ ấy để giết hại chúng-sinh, thì người làm ra những thứ ấy cũng gọi là tạo ác-nghiệp sát-sinh, bởi vì người ấy có tác-ý ác-tâm giết hại chúng-sinh có tính cách lâu dài.

5- Vijjāmayapayoga: Cố gắng sử dụng bùa chú, phù phép trù ếm, v.v... làm cho chúng-sinh ấy chết.

6- Iddhimayapayoga: Cố gắng sử dụng phép thuật của mình để giết hại chúng-sinh ấy.

Đó là 6 cách cố gắng tạo ác-nghiệp sát-sinh.

Ác-nghiệp sát-sinh nhẹ hoặc nặng

Người đã tạo ác-nghiệp sát-sinh nhẹ hoặc nặng căn cứ vào tác-ý tâm-sở trong ác-tâm trong các đối-tượng chúng-sinh bị giết chết như sau:

* Chúng-sinh là loài súc-sinh

- Nếu người nào giết hại loài súc-sinh có thân hình nhỏ bé như con muỗi, con kiến, v.v … thì người ấy tạo ác-nghiệp nhẹ, vì có sự cố gắng ít.

- Nếu người nào giết hại loài súc-sinh có thân hình to lớn như con voi, con bò, con trâu, con heo, v.v … thì người ấy tạo ác-nghiệp nặng, vì có sự cố gắng nhiều.

* Chúng-sinh là loài người

- Nếu người nào giết hại người không có giới, người ác thì người ấy tạo ác-nghiệp nhẹ.

- Nếu người nào giết hại người có giới-đức, bậc-thiện-trí, bậc Thánh-nhân thì người ấy tạo ác-nghiệp nặng.

- Người nào giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh A-ra-hán thì người ấy có ác-nghiệp cực kỳ nặng thuộc về ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội (ānantariyakamma).

Sau khi người ấy chết, chắc chắn ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp trong cõi đại-địa-ngục Avīci, mà không có nghiệp nào ngăn cản được, chịu quả khổ suốt thời gian lâu dài nhiều đại-kiếp trái đất cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới thoát ra khỏi cõi ác-giới ấy.

* Nếu người nào đã tạo ác-nghiệp sát-sinh rồi, về sau, người ấy biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, biết ăn năn hối lỗi, tránh xa mọi ác-nghiệp, từ bỏ mọi ác-nghiệp, rồi cố gắng tinh-tấn tạo mọi thiện-nghiệp tùy theo khả năng của mình, thì người ấy dù đã tạo ác-nghiệp nặng nào rồi, cũng có thể làm giảm bớt tiềm năng cho quả của ác-nghiệp nặng ấy, còn nếu ác-nghiệp nhẹ thì làm cho ác-nghiệp nhẹ ấy không có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau (nhưng không phải là tạo thiện-nghiệp rồi sẽ xóa được ác-nghiệp).

* Nếu người nào đã tạo ác-nghiệp sát-sinh giết súc vật hằng ngày, mà không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, không từ bỏ ác-nghiệp sát-sinh, vẫn cứ tiếp tục tạo ác-nghiệp sát-sinh hằng ngày, như người đồ tể giết bò, giết heo, giết gà, giết vịt, v.v … để bán thịt nuôi mạng, thì người ấy dù đã tạo ác-nghiệp nhẹ lâu ngày cũng trở thành ác-nghiệp nặng, bởi vì đó là thường-hành ác-nghiệp (āciṇṇakusalakamma).

Giết hại chúng-sinh như thế nào?

Danh từ gọi chúng-sinh là danh từ chế-định, do căn cứ vào ngũ-uẩn”. Ngũ-uẩn là sắc-uẩn, thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn trong mỗi chúng-sinh.

-Sắc-uẩn đó là thân, thân thể thuộc về sắc-pháp.

Sắc-pháp gồm có 28 sắc-pháp

Ví dụ: Chúng-sinh là loài người, mỗi người bình thường có đầy đủ chỉ có 27 sắc-pháp mà thôi.

- Nếu là người nam thì trừ sắc-nữ-tính.

- Nếu là người nữ thì trừ sắc-nam-tính.

- Nếu người nào bị mắt mù, tai điếc, … thì sắc-pháp bị giảm theo khuyết tật ấy.

Sắc-uẩn có 27 sắc-pháp thuộc về phần thân có trạng-thái sinh rồi diệt liên tục không ngừng, luôn luôn diễn biến từ nhỏ đến lớn, từ trẻ đến già cho đến chết.

Trong sắc-uẩn này có sắc-mạng-chủ (jīvitindriya-rūpa) có phận sự giữ gìn, bảo hộ các sắc-pháp, duy trì mỗi kiếp chúng-sinh cho đến khi hết tuổi thọ, hoặc hết quả của hỗ-trợ-nghiệp, khi ấy sắc-mạng-chủ bị đứt (chết), kết thúc kiếp mỗi chúng-sinh ấy cách bình thường, gọi là chết hợp thời (kālamaraṇa).

Còn phần thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn và thức-uẩn đó là các tâm-sở và tâm như sau:

- Thọ-uẩn đó là thọ tâm-sở.

- Tưởng-uẩn đó là tưởng tâm-sở.

- Hành-uẩn đó là các tâm-sở (trừ thọ tâm-sở và tưởng tâm-sở.

- Thức-uẩn đó là tâm, gồm có 4 uẩn này gọi là 4 danh-uẩn thuộc về phần tâm.

Như vậy, phần tâm gồm có các tâm-sở và tâm.

Các tâm-sở (cetasika) có 4 trạng-thái là:

-Đồng sinh với tâm (ekuppāda).

- Đồng diệt với tâm (ekanirodha).

- Đồng đối-tượng với tâm (ekālambana).

- Đồng nơi sinh với tâm (ekavatthuka).

Cho nên, tâm với tâm-sở không thể tách rời nhau được. Hễ có tâm nào phát sinh thì ắt có một số tâm-sở tương xứng đồng sinh với tâm ấy.[2]

Tâm với các tâm-sở đó là 4 danh-uẩn có trạng-thái sinh rồi diệt liên tục không ngừng, dù mỗi kiếp chúng-sinh, phần thân bị thay đổi tùy theo nghiệp và quả của nghiệp của chúng-sinh ấy, còn phần tâm với các tâm-sở vẫn sinh rồi diệt liên tục không ngừng, từ kiếp này sang kiếp kia, trong vòng tử sinh luân-hồi trong 3 giới 4 loài.

Trong tâm với các tâm-sở danh-mạng-chủ tâm-sở (jīvitindriyacetasika) có phận sự giữ gìn, bảo hộ tâm với tâm-sở đồng sinh được duy trì mãi mãi.

Như vậy, mỗi kiếp chúng-sinh ở trong 11 cõi dục-giới và chư phạm-thiên ở trong 15 tầng trời sắc-giới phạm-thiên (trừ tầng trời sắc-giới phạm-thiên Vô-tưởng-thiên) đều có đủ ngũ-uẩn.

Mỗi kiếp chúng-sinh đang hiện hữu do nhờ sắc-mạng-chủ (jīvitindriyarūpa) danh-mạng-chủ tâm-sở (jīvitindriyacetasika).

- Nếu chúng-sinh nào chết vì hết tuổi thọ hoặc mãn nghiệp hỗ trợ, thì gọi là chúng-sinh ấy chết hợp thời (kālamaraṇa).

- Nếu chúng-sinh nào chết do nghiệp khác cắt đứt sinh-mạng, mà tuổi thọ vẫn còn hoặc nghiệp hỗ trợ vẫn chưa mãn, thì gọi là chúng-sinh ấy chết không hợp thời (akālamaraṇa).

Tự sát có phải tạo ác-nghiệp sát-sinh hay không?

Tự sát là tác-ý tự giết hại mình do nguyên nhân nào đó, còn tạo ác-nghiệp sát-sinh hay không cần phải căn cứ vào 5 chi-pháp của ác-nghiệp sát-sinh như sau:

1- Chúng-sinh còn có sinh-mạng, đó là chính mình.

2- Biết rõ chúng-sinh còn sinh mạng (paṇasaññitā), chi-pháp này ám chỉ đến chúng-sinh khác, không phải chính mình.

3- Tâm nghĩ sẽ tự giết hại mình.

4- Cố gắng tự giết hại mình bằng cách nào đó. 5-Mình chết do sự cố gắng của chính mình.

Xét theo 5 chi-pháp của ác-nghiệp sát-sinh, thì tự sát thiếu chi-pháp thứ 2 là biết rõ chúng-sinh còn sinh mạng, bởi vì chi-pháp này ám chỉ đến chúng-sinh khác, không phải chính mình. Cho nên, tự sát không đủ 5 chi-pháp của ác-nghiệp sát-sinh.

Vậy, tự sát không phải tạo ác-nghiệp sát-sinh.

Thật vậy, để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải tạo đầy đủ 30 pháp-hạnh ba-la-mật (10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ, 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung, 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng).

- 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ

Khi tạo pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ nào, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải hy sinh những của cải, tài sản, ngôi báu, vợ con, v.v… những gì thuộc về bên ngoài thân thể của mình, để tạo pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ ấy.

- 10 pháp hạnh ba-la-mật bậc trung:

Khi bồi bổ pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung nào, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải hy sinh những bộ phận trong thân thể như đôi mắt, v.v… để bồi bổ pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung ấy.

- 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng:

Khi bồi bổ pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng nào, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải hy sinh sinh-mạng của mình, để bồi bổ pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng ấy cho được thành tựu.

Đối với Chư Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ sáng suốt dám hy sinh sinh-mạng của mình, vì mục đích cứu cánh cao cả nhất, để mong trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.

Như vậy, pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng là đại-thiện-nghiệp bậc thượng, chắc chắn không phải là ác-nghiệp sát-sinh được.

Tuy nhiên, trong đời đối với số người có sân-tâm tuyệt vọng cùng cực, không muốn sống trên đời này nữa, nên họ tự sát do sân-tâm chán ngán cuộc đời.

Xét theo nhân quả thì sân-tâm tuyệt vọng cùng cực là nhân đã phát sinh trước, rồi dẫn đến quả là tự sát.

Tuy hành động tự sát này không phải là ác-nghiệp sát-sinh vì không hội đủ 5 chi-pháp của ác-nghiệp sát-sinh, nhưng người ấy chết do sân-tâm chán ngán cuộc đời, cho nên sau khi người ấy chết khó tránh khỏi tái-sinh kiếp sau trong 4 cõi ác-giới.

Người nào gặp hoàn cảnh tuyệt vọng cùng cực, chán ngán không muốn sống do năng lực của sân-tâm là nguyên nhân dẫn đến tự sát, nên lúc lâm chung tâm bị ô nhiễm, chính ý ác-nghiệp phát sinh lúc lâm chung ấy cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) trong cõi ác-giới, không phải do ác-nghiệp tự sát.

Tạo ác-nghiệp sát-sinh

Nếu người ác nào có tác-ý tâm-sở đồng sinh với ác-tâm cắt đứt sinh-mạng của chúng-sinh ấy chết, khi tuổi thọ vẫn còn hoặc nghiệp hỗ trợ vẫn chưa mãn, thì gọi người ấy đã tạo ác-nghiệp sát-sinh.

Người đã tạo ác-nghiệp sát-sinh, sự thật như thế nào?

Người đã tạo ác-nghiệp sát-sinh, sự thật là người ấy có tác-ý tâm-sở đồng sinh với ác-tâm chỉ có thể cắt đứt sắc-mạng-chủ (jīvitindriyarūpa) của chúng-sinh ấy thuộc về phần thân mà thôi, nghĩa là phá hoại, làm tan rã sắc-uẩn kết thúc kiếp hiện-tại của chúng-sinh ấy chết. Song phần tâm của chúng-sinh ấy gồm có 4 danh-uẩn (thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn) có danh-mạng-chủ tâm-sở giữ gìn, bảo hộ tâm với các tâm-sở vẫn còn sinh rồi diệt liên tục làm duyên cho nghiệp của chúng-sinh ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau như sau:

- Sau khi chúng-sinh ấy chết, nếu ác-nghiệp trong ác-tâm (của chúng-sinh ấy) có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp ấy gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự cho quả tái-sinh kiếp sau 1 trong 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), chịu quả khổ cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy mới thoát khỏi cõi ác-giới ấy.

- Sau khi chúng-sinh ấy chết, nếu đại-thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm (của chúng-sinh ấy) có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự cho quả tái-sinh kiếp sau 1 trong 7 cõi thiện-giới là cõi người và 6 cõi trời dục-giới, hưởng mọi sự an-lạc cho đến khi mãn quả của đại-thiện-nghiệp ấy, mới rời khỏi cõi thiện-giới ấy.

Ví dụ: Ông A có tác-ý trong ác-tâm tạo ác-nghiệp “giết ông B chết” nghĩa là ông A cắt đứt sắc-mạng-chủ trong thân của ông B, kết thúc kiếp hiện-tại của ông B (chết).

- Sau khi ông B chết, nếu ác-nghiệp nào có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp ấy gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới làm loài súc-sinh có đủ ngũ-uẩn kiếp hiện-tại, chịu quả khổ cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới thoát khỏi cõi ác-giới ấy.

- Hoặc sau khi ông B chết, nếu đại-thiện-nghiệp nào có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭi-sandhikāla) đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭi-sandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau đầu thai làm người, hoặc hóa-sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời dục-giới, hưởng mọi sự an-lạc cho đến khi mãn quả của đại-thiện-nghiệp ấy, mới rời khỏi cõi thiện-giới ấy.

Cho nên, trong vòng tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài, nếu chúng-sinh nào chưa phải là bậc Thánh A-ra-hán, có đủ ngũ-uẩn: sắc-uẩn, thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn, thì phần thân (sắc-uẩn) của mỗi kiếp bị tan rã do quả của nghiệp (chết), còn phần tâm (4 danh-uẩn) của mỗi chúng-sinh có liên quan đến nghiệp của chúng-sinh ấy thì nghiệp làm phận sự cho quả tái-sinh kiếp sau.

Quả xấu của ác-nghiệp sát-sinh

Nếu người nào đã tạo ác-nghiệp sát-sinh, giết hại sinh-mạng của chúng-sinh dù lớn dù nhỏ, thì sau khi người ấy chết, nếu ác-nghiệp sát-sinh ấy trong 11 bất-thiện-tâm (trừ si-tâm hợp với phóng-tâm) có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) thì có suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau 1 trong 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), chịu quả khổ cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy mới thoát ra khỏi cõi ác-giới.

-Nếu suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả này là quả của ác-nghiệp trong tham-tâm có nhiều năng lực làm phận sự tái-sinh kiếp sau thì hóa-sinh làm loài ngạ-quỷ hoặc loài a-su-ra, 2 loài chúng-sinh này thường có tham-tâm thèm khát.

- Nếu suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả này là quả của ác-nghiệp trong sân-tâm có nhiều năng lực làm phận sự tái-sinh kiếp sau thì hóa-sinh làm chúng-sinh trong cõi địa-ngục, loài chúng-sinh trong cõi địa-ngục này thường có sân-tâm không hài lòng.

- Nếu suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả này là quả của ác-nghiệp trong si-tâm có nhiều năng lực làm phận sự tái-sinh kiếp sau thì tái-sinh làm loài súc-sinh, loài chúng-sinh này có tính si-mê.

Sau khi thoát ra khỏi cõi ác-giới, nếu có đại-thiện-nghiệp nào trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) thì có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau đầu thai làm người trong cõi người này.

* Và trường hợp, người nào đã tạo ác-nghiệp sát-sinh nhẹ, sau khi người ấy chết, nếu ác-nghiệp sát-sinh nhẹ ấy không có cơ hội cho quả mà đại-thiện-nghiệp nào trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau đầu thai làm người trong cõi người này.

Cả 2 trường hợp ấy, người ấy còn phải chịu 23 quả xấu của ác-nghiệp sát-sinh mà tiền-kiếp của người ấy đã tạo trong quá-khứ là:

Kiếp hiện-tại của người ấy:

1- Có thân hình tật nguyền.

2- Có thân hình không cân đối, xấu xí. 3-Là người chậm chạp.

4-Có lòng bàn tay và dưới lòng bàn chân lõm sâu. 5-Có thân hình xấu xí, đầy sẹo.

6-Có sắc diện tối tăm. 7-Có da thịt sần sùi. 8-Có tính hay sợ hãi.

9- Có sức khỏe yếu đuối.

10- Có tật cà lăm, lời nói lặp đi lặp lại, không suôn sẻ. 11-Bị mọi người ghét bỏ.

12-Có những thuộc hạ tùy tùng bị chia rẽ. 13-Có tính hay giật mình, hoảng sợ.

14-Thường bị tai nạn do khí giới, thuốc độc, … 15-Là người si mê, ngu dốt.

16- Có rất ít bạn bè.

17- Có thân hình dị hợm, đáng ghê sợ. 18-Có thân hình kỳ dị.

19-Là người hay bệnh hoạn ốm đau. 20-Là người thường sầu não, lo sợ. 21-Có con cháu thường xa lánh.

22- Là người thường bị chết yểu.

23- Là người bị người khác giết chết.

Đó là 23 quả xấu của ác-nghiệp sát-sinh mà tiền-kiếp của người ấy đã tạo trong kiếp quá-khứ.

2-Ác-nghiệp trộm-cắp

Trộm-cắp là ác-nghiệp chiếm đoạt của cải, tài sản, đất đai, nhà cửa, v.v… mà người chủ không sẵn lòng cho.

Người tạo ác-nghiệp trộm-cắp bằng nhiều cách:

- Lén vào nhà trộm-cắp của cải, tài sản của chủ nhà.

- Dùng sức mạnh cướp đoạt của cải, tài sản, đất đai, nhà cửa, … của người khác.

- Dùng quyền lực hăm dọa, bắt buộc người khác trao của cải, tài sản, … cho mình.

- Lừa gạt, dối trá để chiếm đoạt của cải, tài sản, … của người khác.

- Dùng phép thuật thôi miên khiến cho người khác làm theo ý đồ xấu xa của mình; làm cho người khác không còn biết tự chủ mà trao của cải, tài sản, … của họ đến cho mình.

- Hành vi tham nhũng, tham ô chiếm đoạt của cải, tài sản tư nhân; của cải, tài sản của tập thể; của cải, tài sản của nhà nước; v.v…

Người nào sử dụng mọi thủ đoạn xảo trá, mọi mánh lới khôn khéo để chiếm đoạt của cải, tài sản, … của người khác một cách bất hợp pháp, người ấy đã tạo ác-nghiệp trộm-cắp.

Chi-pháp của ác-nghiệp trộm-cắp

Để biết có tạo ác-nghiệp trộm-cắp hay không, cần phải căn cứ vào 5 chi-pháp của ác-nghiệp trộm-cắp:

1- Parapariggahitaṃ: Của cải có chủ-nhân giữ gìn.

2- Parapariggahitasaññitā: Biết rõ của cải, tài sản có chủ-nhân giữ gìn.

3- Theyyacittaṃ: Tâm nghĩ trộm-cắp.

4- Payogo: Cố gắng để trộm-cắp.

5-Avahāro: Chiếm được của cải, tài sản ấy bằng sự cố gắng ấy.

Nếu người nào hội đủ 5 chi-pháp của ác-nghiệp trộm-cắp này thì người ấy đã tạo ác-nghiệp trộm-cắp hội đủ chi-pháp, nhưng nếu không hội đủ 5 chi-pháp này, thì người ấy tạo ác-nghiệp trộm-cắp không hội đủ chi-pháp.

Quả của 2 loại ác-nghiệp trộm-cắp này có sự khác biệt:

- Nếu tạo ác-nghiệp trộm-cắp hội đủ 5 chi-pháp này thì ác-nghiệp trộm-cắp ấy có nhiều năng lực, có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) và có cơ hội cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại.

-Nếu tạo ác-nghiệp trộm-cắp không hội đủ 5 chi-pháp này thì ác-nghiệp trộm-cắp ấy có ít năng lực, không có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau, mà có cơ hội cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh, kiếp hiện-tại. Nếu kiếp hiện-tại được sinh làm người thì người ấy có khi còn phải chịu quả xấu của ác-nghiệp trộm-cắp mà tiền-kiếp của người ấy đã tạo.

Nếu người nào hội đủ 5 chi-pháp của ác-nghiệp trộm-cắp này thì người ấy tạo ác-nghiệp trộm-cắp hội đủ chi-pháp, nhưng nếu không hội đủ 5 chi-pháp này thì người ấy tạo ác-nghiệp trộm-cắp không hội đủ chi-pháp.

Cố gắng tạo ác-nghiệp trộm-cắp

Người cố gắng tạo ác-nghiệp trộm-cắp bằng 6 cách:

1- Sāhatthikapayoga: Tự mình cố gắng tạo ác-nghiệp trộm-cắp, nghĩa là tự mình cố gắng bằng nhiều cách để chiếm đoạt của cải, tài sản, v.v… của người khác một cách bất hợp pháp.

2- Āṇattikapayoga: Cố gắng sai khiến người khác tạo ác-nghiệp trộm-cắp bằng lời nói, hoặc bằng chữ viết gửi cho người khác, sai khiến họ tạo ác-nghiệp trộm-cắp của cải, tài sản, v.v… của người khác.

3- Nissaggiyapayoga: Cố gắng ném hàng hóa qua cửa khẩu, hoặc cất giấu hàng hóa qua cửa khẩu để trốn thuế.

4- Thāvarapayoga: Cố gắng sai khiến thuộc hạ rằng: “Nếu có cơ hội lúc nào, chúng mày hãy cố gắng trộm-cắp, chiếm đoạt của cải, tài sản, v.v… của người khác cho bằng được” thời gian mau hoặc lâu không hạn định. 5-Vijjāmayapayoga: Cố gắng sử dụng bùa chú, phù phép làm cho chủ-nhân mê, rồi chiếm đoạt của cải, tài sản, v.v… của họ, hoặc dùng phép thuật thôi miên điều khiển chủ-nhân theo ý đồ xấu của mình, bằng cách sai khiến, bắt buộc chủ-nhân trao của cải, tài sản, v.v… cho

mình một cách bất hợp pháp.

6-Iddhimayapayoga: Cố gắng sử dụng phép thần thông của mình để lấy một thứ nào đó mà không gây ra sự thiệt hại cho chủ-nhân.

Ác-nghiệp trộm-cắp nặng hoặc nhẹ

Người đã tạo ác-nghiệp trộm-cắp nhẹ hoặc tạo ác-nghiệp nặng, cần phải căn cứ vào tác-ý trong ác-tâm chiếm đoạt của cải, tài sản, v.v… và chủ-nhân.

- Nếu người nào tạo ác-nghiệp trộm-cắp của cải, tài sản, v.v… có giá trị ít, thì người ấy tạo ác-nghiệp trộm-cắp nhẹ.

- Nếu người nào tạo ác-nghiệp trộm-cắp của cải, tài sản, v.v… có giá trị nhiều, thì người ấy tạo ác-nghiệp trộm-cắp nặng.

- Nếu người nào tạo ác-nghiệp trộm-cắp của cải, tài sản, v.v… của người không có giới-đức trong sạch, thì người ấy tạo ác-nghiệp trộm-cắp nhẹ.

- Nếu người nào tạo ác-nghiệp trộm-cắp của cải, tài sản, v.v… của người có giới-đức trong sạch, của bậc Thánh-nhân thì người ấy tạo ác-nghiệp trộm-cắp nặng.

- Nếu người nào tạo ác-nghiệp trộm-cắp của cải, tài sản, v.v… của riêng cá nhân, thì người ấy tạo ác-nghiệp trộm-cắp nhẹ.

- Nếu người nào tạo ác-nghiệp trộm-cắp của cải, tài sản, v.v… của chung trong tập thể, của nhà nước, ... thì người ấy tạo ác-nghiệp trộm-cắp nặng, ...

* Chủ-nhân có 4 hạng:

- Của cải, tài sản, v.v… của người tại-gia, của tập thể, của nhà nước.

- Của cải vật dụng của bậc xuất gia là tu-nữ, sa-di, tỳ-khưu.

- Của cải, các thứ vật dụng của nhóm là tỳ-khưu, sa-di từ 2 -3 vị.

- Của cải, các thứ vật dụng của chư tỳ-khưu-Tăng. Trong 4 hạng chủ-nhân này:

- Nếu người nào tạo ác-nghiệp trộm-cắp của cải, tài

sản, v.v… của người tại-gia, của cải, tài sản, v.v… của nhà nước thì người ấy tạo ác-nghiệp trộm-cắp nhẹ hơn tạo ác-nghiệp trộm cắp các thứ vật dụng của bậc xuất gia là tu-nữ, sa-di, tỳ-khưu.

- Nếu người nào trộm-cắp các thứ vật dụng của cá nhân người tu-nữ, vị sa-di, vị tỳ-khưu thì người ấy tạo ác-nghiệp trộm-cắp nhẹ hơn tạo ác-nghiệp trộm-cắp các thứ vật dụng của nhóm tu-nữ, nhóm sa-di, của nhóm tỳ-khưu từ 2 -3 vị.

- Nếu người nào tạo ác-nghiệp trộm-cắp của cải, tài sản, vật dụng của chư tỳ-khưu-Tăng thì người ấy tạo ác-nghiệp nặng nhất.

* Chủ-nhân còn có 5 hạng:

Chủ-nhân là hạng phàm-nhân và bậc Thánh-nhân nên phân loại có 5 hạng:

- Của cải, tài sản, … của các hạng phàm-nhân.

- Của cải, tài sản, … của bậc Thánh Nhập-lưu.

- Của cải, tài sản, … của bậc Thánh Nhất-lai.

- Của cải, tài sản, … của bậc Thánh Bất-lai.

- Của cải vật dụng của bậc Thánh A-ra-hán.

Trong 5 hạng chủ-nhân này:

- Nếu người nào tạo ác-nghiệp trộm-cắp của cải, tài sản, v.v… của hạng phàm-nhân, thì người ấy tạo ác-nghiệp trộm-cắp nhẹ hơn tạo ác-nghiệp trộm-cắp của cải, tài sản, v.v… của bậc Thánh Nhập-lưu.

- Nếu người nào tạo ác-nghiệp trộm-cắp của cải, tài sản, v.v… của bậc Thánh Nhân càng cao thì người ấy tạo ác-nghiệp càng nặng nhiều.

Tóm lại, người nào tạo ác-nghiệp trộm-cắp của cải, tài sản, v.v… có giá trị càng nhiều thì người ấy tạo ác-nghiệp trộm-cắp càng nặng, còn tạo ác-nghiệp trộm-cắp của cải, tài sản, v.v… của người có giới-đức trong sạch hoàn toàn, thì người ấy tạo ác-nghiệp trộm-cắp nặng nhất.

Trộm-cắp hoặc không trộm-cắp căn cứ vào tác-ý

- Nếu tác-ý tâm-sở đồng sinh với ác-tâm chiếm đoạt của cải, tài-sản,… của người khác một cách bất hợp pháp thì tạo ác-nghiệp trộm-cắp.

- Nếu tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm không chiếm đoạt dụng cụ… của người khác, tự tiện lấy thì không tạo ác-nghiệp trộm-cắp.

Ví dụ: Ông A đến nhà ông B quen biết, mượn dụng cụ nào đó nhưng không gặp ông B, ông A tự tiện lấy dụng cụ ấy đem về sử dụng mà ông B chủ-nhân không hề biết.

Khi sử dụng dụng cụ ấy, ông A thấy dụng cụ ấy rất tốt khó có được nên ông A không muốn trả lại dụng cụ ấy cho ông B mà muốn chiếm đoạt dụng cụ ấy thuộc về của mình.

Suy xét thấy, ban đầu, ông A có tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm mượn dụng cụ ấy, dù tự tiện lấy dụng cụ ấy đem về sử dụng nhưng có tác-ý trả lại dụng cụ ấy cho ông B, nên ông A chưa gọi là tạo ác-nghiệp trộm-cắp.

- Về sau, ông A có tác-ý tâm-sở đồng sinh với tham-tâm muốn chiếm đoạt dụng cụ ấy của ông B, cho nên, ông A tạo ác-nghiệp trộm-cắp.

* Trường hợp vị sa-di đến gặp vị Long-vương trông coi hồ nước để xin nước uống. Vị Long-vương không chịu cho nước, nên vị sa-di sử dụng thần-thông bay lên hư không rồi đáp xuống giữa hồ lấy bát múc nước uống. Việc uống nước của sa-di không gọi là ác-nghiệp trộm-cắp bởi vì số lượng nước uống quá ít không gây thiệt hại đáng kể so với số lượng nước trong hồ.

* Trường hợp Đức-vua-trời Sakka bậc Thánh Nhập-lưu trị vì trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên, có giới hạnh hoàn toàn trong sạch. Đức-vua-trời Sakka với thiên-nhãn tự nhiên nhìn thấy ông Bà-la-môn Doṇa đứng ra phân chia Xá-lợi của Đức-Phật Gotama cho 8 Đức-vua của 8 nước.

Ông Bà-la-môn thỉnh Xá-lợi Răng Nhọn giấu trong búi tóc trên đầu của ông. Đức-vua-trời Sakka suy xét rằng: “Vị Bà-la-môn Doṇa không có khả năng xây ngôi Bảo-tháp xứng đáng để tôn thờ Xá-lợi Răng Nhọn của Đức-Phật Gotama, ta nên thỉnh Xá-lợi Răng Nhọn của Đức-Phật đem về tôn thờ trong ngôi Bảo tháp Cūḷāmaṇi tại cõi trời Tam-thập-tam-thiên.”

Sau khi suy xét đúng đắn xong, Đức-vua-trời Sakka hiện xuống thỉnh Xá-lợi Răng Nhọn của Đức-Phật Gotama đem vể đặt vào trong một cái hộp bằng vàng, rồi tôn thờ trong ngôi Bảo-tháp Cūḷāmaṇī tại cung trời Tam-thập-tam-thiên.

Đức-vua-trời Sakka không phải tạo ác-nghiệp trộm cắp bởi vì Đức-vua-trời có tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm trong sạch tôn kính Xá-lợi Răng Nhọn của Đức-Phật Gotama. Đức-vua-trời muốn Xá-lợi Răng nhọn của Đức-Phật Gotama được tôn thờ tại ngôi Bảo-tháp xứng đáng.

Trường hợp những người bạn xuất gia đồng phạm-hạnh được phép sử dụng những thứ vật dụng chung với nhau không gọi là trộm-cắp.

Trong gia đình gồm có những người thân yêu được phép sử dụng những đồ vật dụng chung với nhau không gọi là trộm-cắp.

Quả xấu của ác-nghiệp trộm-cắp

Nếu người nào đã tạo ác-nghiệp trộm-cắp của cải, tài sản, v.v… của người khác dù ít, dù nhiều, thì sau khi người ấy chết, nếu ác-nghiệp trộm-cắp trong 11 bất-thiện-tâm (trừ si-tâm hợp với phóng tâm) có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) thì có suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau 1 trong 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), chịu quả khổ cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy mới thoát ra khỏi cõi ác-giới.

Sau khi thoát ra khỏi cõi ác-giới, * trường-hợp nếu có đại-thiện-nghiệp nào trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) thì có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau đầu thai làm người trong cõi người này.

* Và trường hợp, người nào tạo ác-nghiệp trộm-cắp nhẹ. Sau khi người ấy chết, nếu ác-nghiệp trộm-cắp ấy không có cơ hội cho quả thì đại-thiện-nghiệp nào trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau đầu thai làm người trong cõi người này.

Cả 2 trường hợp ấy, người ấy còn phải chịu 11 quả xấu của ác-nghiệp trộm-cắp mà tiền-kiếp của người ấy đã tạo trong quá-khứ là:

Kiếp hiện-tại của người ấy:

1-Là người không thể có những thứ của cải quý giá. 2-Là người thiếu thốn những nhu yếu phẩm như lúa

gạo, tiền bạc, đồ dùng, v.v…

3- Là người nghèo khổ túng thiếu của cải.

4- Là người không phát triển được những thứ của cải. 5-Là người khi làm ra được của cải quý giá, thì không

giữ gìn được lâu dài.

6- Là người không thể có được thứ của cải mà mình mong muốn.

7- Là người khi có được của cải, thì thường bị thiệt hại do lửa thiêu cháy, do nước lũ cuốn trôi, do kẻ trộm cướp chiếm đoạt, do nhà nước tịch thu, v.v...

8- Là người có được của cải thì cũng liên quan đến nhiều người, không riêng cho mình được.

9- Là người khó chứng đắc được pháp siêu-tam-giới (4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn).

10- Là người thường nghe đến danh từ ‘không có’. 11-Là người sống không được an-lạc.

Đó là 11 quả xấu của ác-nghiệp trộm-cắp mà tiền-kiếp của người ấy đã tạo trong thời quá-khứ.

3-Ác-nghiệp tà-dâm

Tà-dâm là sự quan hệ tình dục với người khác mà không phải là vợ, là chồng của nhau. Tà-dâm là một hành vi xấu xa, bất chính, thấp hèn mà chư thiện-trí chê trách. Vì vậy, tà-dâm gọi là ác-nghiệp tà-dâm.

Nếu người đàn ông với người đàn bà là vợ chồng của nhau đúng theo phong tục tập quán, được hai bên cha mẹ, bà con dòng họ công nhận, được chính quyền chấp thuận đúng theo luật pháp hiện hành, được mọi người đều công nhận, … thì sự quan hệ tình dục giữa vợ chồng của nhau không gọi là tà-dâm, bởi vì đó là việc bình thường của những người tại-gia, cũng không bị ai chê trách.

Chi-pháp của ác-nghiệp tà-dâm

Để biết có tạo ác-nghiệp tà-dâm hay không, cần phải căn cứ vào 4 chi-pháp của ác-nghiệp tà-dâm:

1- Agamaniyavatthu: Đối tượng là người nữ không được phép quan hệ tình dục.

2- Tasmiṃ sevanacittaṃ: Tham-tâm muốn quan hệ tình dục.

3- Payogo: Cố gắng quan hệ tình dục.

4- Maggenamaggapaṭipatti addhivāsaṃ: Tâm thỏa thích trong sự tiếp xúc giữa hai bộ phận sinh dục của người nam với người nữ.

Nếu người nào hội đủ 4 chi-pháp của ác-nghiệp tà-dâm này, thì người ấy đã tạo ác-nghiệp tà-dâm hội đủ chi-pháp, nhưng nếu không hội đủ 4 chi-pháp này, thì người ấy tạo ác-nghiệp tà-dâm không hội đủ chi-pháp.

Quả của 2 loại ác-nghiệp tà-dâm này có sự khác biệt:

- Nếu tạo ác-nghiệp tà-dâm hội đủ 4 chi-pháp này thì ác-nghiệp tà-dâm ấy có nhiều năng lực, có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) và có cơ hội cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại.

-Nếu tạo ác-nghiệp tà-dâm không hội đủ 4 chi-pháp này thì ác-nghiệp tà-dâm ấy có ít năng lực, không có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisadhi-kāla) mà có cơ hội cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại.

Giảng giải về chi-pháp của ác-nghiệp tà-dâm

Đối tượng có 20 hạng người nữ mà người nam không được phép quan hệ tình dục là:

1-Con gái có mẹ trông nom (cha chết hay ở xa).

2-Con gái có cha trông nom (mẹ chết hay ở xa).

3-Con gái có mẹ cha trông nom.

4-Con gái có chị hoặc em gái trông nom.

5-Con gái có anh hoặc em trai trông nom.

6-Con gái có bà con trông nom.

7-Con gái có dòng họ trông nom (nếu con gái sống ở ngoại quốc, thì có người cùng nòi giống trông nom).

8-Con gái hành phạm hạnh có thầy, bạn trông nom.

9-Con gái đã được Đức-vua hoặc người có quyền thế đến mai mối rồi.

10-Con gái đã nhận lễ hứa hôn của đằng nhà trai.

11-Con gái đã được người đàn ông chuộc về làm vợ.

12-Con gái đã ưng thuận đi theo người mình yêu, để làm vợ.

13- Con gái đã ưng thuận làm vợ của một người đàn ông với hy vọng có được của cải.

14- Con gái đã ưng thuận làm vợ của một người đàn ông với hy vọng có được đồ trang sức.

15- Con gái đã làm lễ thành hôn với một người đàn ông đúng theo phong tục tập quán.

16- Con gái nghèo buôn bán, đã được một người đàn ông thương yêu, rồi đem về nuôi, để làm vợ.

17- Con gái là tù nhân đã được người đàn ông lấy làm vợ.

18- Con gái làm trong công sở đã được người chủ sở lấy làm vợ.

19- Con gái tôi tớ trong nhà đã được người chủ nhà lấy làm vợ.

20- Con gái chịu làm vợ trong thời gian ngắn (như các cô kỹ-nữ).

Trong 20 hạng con gái ấy, có 8 hạng con gái phần đầu kể từ “con gái có mẹ trông nom” cho đến “con gái là người hành phạm-hạnh” tuy có người thân trông nom bảo vệ, nhưng người thân này không phải là chủ cuộc đời của họ. 8 hạng con gái này là người chưa có chồng, chưa có người đàn ông nào làm chủ cuộc đời của họ.

Do đó, nếu 8 hạng con gái này tự ý lén lút yêu thương một người con trai còn độc thân, và hai người này đã có quan hệ tình dục với nhau.

* Nếu xét về nghiệp, thì người con gái ấy tạo ác-nghiệp tà-dâm không hội đủ 4 chi-pháp, chỉ có người con trai tạo ác-nghiệp tà-dâm mà thôi vì hội đủ 4 chi-pháp, bởi vì người con trai ấy đã xúc phạm đến hạng người con gái mà người thân của cô ấy chưa cho phép, không hợp với thuần phong mỹ tục, nên bị bậc thiện-trí chê trách.

Tuy người con gái không tạo ác-nghiệp tà-dâm vì không hội đủ 4 chi-pháp, nhưng đó là một hành vi xấu xa không đúng theo thuần phong mỹ tục của xứ sở của chúng ta, nên cha mẹ, bà con dòng họ bị mang tiếng xấu, nên người con gái bị mọi người chê trách. Cho nên, người con gái cảm thấy hổ thẹn, hối hận về hành vi xấu xa của mình, làm cho tâm bị ô nhiễm bởi phiền-não, thuộc về ý-ác-nghiệp.

Sau khi người con gái chết, nếu ác-nghiệp có cơ hội thì cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhi-kāla) trong cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), chịu quả khổ trong cõi ác-giới ấy.

Còn lại 12 hạng con gái, kể từ hạng con gái thứ 9 cho đến hạng con gái thứ 20 là người con gái đã có chồng, đã có người đàn ông làm chủ cuộc đời của họ (cô kỹ-nữ ưng thuận làm vợ của một người đàn ông trong thời gian ngắn, cô vẫn được xem như đã có chồng).

Trong 12 hạng con gái này, nếu người con gái nào tự ý ngoại tình và có quan hệ tình dục với một người đàn ông nào khác (không phải là chồng của mình), thì người con gái ấy đã phạm điều-giới tà-dâm tạo ác-nghiệp tà-dâm hội đủ 4 chi-pháp. Và người đàn ông có quan hệ tình dục với 12 hạng người con gái này cũng phạm điều-giới tà-dâm tạo ác-nghiệp tà-dâm hội đủ 4 chi-pháp.

Như vậy, người con trai không được phép quan hệ tình dục với 20 hạng con gái này. Nếu người con trai nào có quan hệ tình dục với 1 trong 20 hạng người con gái này, thì người con trai ấy tạo ác-nghiệp tà-dâm.

Và người đàn ông nào đã có vợ (dù là vợ chưa cưới), người vợ ấy đã là chủ cuộc đời của ông, nếu người đàn ông ấy tự ý ngoại tình và có quan hệ tình dục với một người đàn bà nào khác (không phải là vợ của mình), thì người đàn ông ấy tạo ác-nghiệp tà-dâm.

Sự cố gắng hành dâm

Sự cố gắng tà-dâm là hành vi của thân-môn, không phải lời nói từ khẩu-môn. Do đó, người tạo ác-nghiệp tà-dâm chính tự thân mình, không phải sai khiến người khác. Cho nên ác-nghiệp tà-dâm chỉ được tạo do chính tự mình mà thôi, không do người khác. Còn ác-nghiệp sát-sinh, ác-nghiệp trộm-cắp, v.v… được tạo do chính mình và do sai khiến người khác.

Ác-nghiệp tà-dâm nặng hoặc nhẹ

- Người nào tạo ác-nghiệp tà-dâm với người có giới đức, thì người ấy tạo ác-nghiệp nặng.

- Người nào tạo ác-nghiệp tà-dâm với người không có giới-đức, thì người ấy tạo ác-nghiệp nhẹ.

- Người nào tạo ác-nghiệp tà-dâm bằng cách hiếp-dâm, dù với người không có giới, thì người ấy vẫn tạo ác-nghiệp nặng.

- Người nào tạo ác-nghiệp tà-dâm giữa hai bên nam nữ cùng thỏa thuận với nhau, thì người ấy tạo ác-nghiệp nhẹ.

- Người nào tạo ác-nghiệp tà-dâm với bậc Thánh-nhân thì người ấy tạo ác-nghiệp nặng hơn tạo ác-nghiệp tà-dâm với hạng phàm-nhân.

- Người nào tạo ác-nghiệp tà-dâm với bậc Thánh-nhân càng cao, thì người ấy tạo ác-nghiệp càng nặng.

- Người nào hiếp-dâm bậc Thánh nữ A-ra-hán, thì người ấy tạo ác-nghiệp nặng nhất.

Như trường hợp tên Nanda hiếp-dâm Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Uppalavaṇṇā, bậc Thánh A-ra-hán. Tên Nanda đã phạm ác-nghiệp trọng-tội nặng làm cho mặt đất nứt nẻ ra, hút y vào sâu trong lòng đất.

Sau khi tên Nanda chết, ác-nghiệp trọng-tội ấy cho quả tái-sinh vào cõi đại-địa-ngục Avīci, chịu quả khổ suốt thời gian lâu dài trải qua nhiều đại-kiếp trái đất.

Vấn đề liên quan đến tà-dâm

Người đàn bà nào đã có chồng, nghĩa là người đàn bà đã có người đàn ông làm chủ và cũng đã chấp thuận làm vợ của người đàn ông ấy rồi. Như vậy, người đàn bà ấy đã có chủ, bà ấy cần phải giữ gìn một lòng chung thủy với người chồng của bà mà thôi.

Nếu người đàn bà ấy ngoại tình với người đàn ông nào khác, có quan hệ tình dục với người đàn ông khác thì người đàn bà ấy đã phạm điều-giới tà-dâm, tạo ác-nghiệp tà-dâm.

Cũng tương tự như vậy, người đàn ông nào đã có vợ, nghĩa là người đàn ông đã có người đàn bà làm chủ và cũng đã chấp thuận làm chồng của người đàn bà ấy rồi. Nếu người đàn ông ấy ngoại tình với người đàn bà khác, và có quan hệ tình dục với người ấy, thì người đàn ông ấy đã tạo ác-nghiệp tà-dâm.

Quả xấu của ác-nghiệp tà-dâm

Nếu người nào đã tạo ác-nghiệp tà-dâm với vợ, chồng, con người khác, thì sau khi người ấy chết, nếu ác-nghiệp tà-dâm ấy trong 11 bất-thiện-tâm (trừ si-tâm hợp với phóng tâm) có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) thì có suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau 1 trong 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), chịu quả khổ cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy mới thoát ra khỏi cõi ác-giới.

Sau khi thoát ra khỏi cõi ác-giới, * trường hợp nếu có đại-thiện-nghiệp nào trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) thì có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau đầu thai làm người trong cõi người này.

* Và trường hợp, người nào tạo ác-nghiệp tà-dâm nhẹ. Sau khi người ấy chết, nếu ác-nghiệp tà-dâm ấy không có cơ hội cho quả thì đại-thiện-nghiệp nào trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau đầu thai làm người trong cõi người này.

Cả 2 trường hợp này, người ấy còn phải chịu 11 quả xấu của ác-nghiệp tà-dâm mà tiền-kiếp của người ấy đã tạo trong quá-khứ.

Kiếp hiện-tại của người ấy:

1-Là người có nhiều người oan trái.

2-Là người có nhiều người thù ghét.

3-Là người nghèo khổ, thiếu thốn.

4-Là người ngủ không được an-lạc.

5-Là người thức không được an-lạc.

6- Là người khó tránh khỏi 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh).

7- Là người ái nam, ái nữ (không phải đàn ông, cũng không phải đàn bà).

8- Là người có tính hay nóng giận.

9- Là người sinh vào dòng họ thấp hèn, hạng người thấp hèn.

10- Là người có tính không minh bạch, hay che giấu tội lỗi.

11- Là người có thân hình tật nguyền, xấu xí.

12- Là người có sắc diện mặt mày sầu não, khổ tâm.

13- Là người bị mọi người coi thường khinh bỉ, không tin tưởng.

14- Là người khuyết tật: đui mù, câm điếc, ...

15- Sinh làm người đàn bà (tiền-kiếp là người đàn ông).

16- Là người có nhiều chứng bệnh đáng ghê sợ.

17- Là người không biết đủ, sống khổ cực.

18- Là người sống nơi nào cũng không được an-lạc.

19- Là người thường gặp tai hoạ, hay oan trái với nhiều người.

20-Là người sống xa người thân yêu, hay bị ruồng bỏ.

Đó là 20 quả xấu của ác-nghiệp tà-dâm mà tiền-kiếp của người ấy đã tạo trong thời quá-khứ.

Tóm lại, thân ác-nghiệp là ác-nghiệp phần nhiều được tạo bằng thân-môn hành động, còn gọi là thân hành-ác, có 3 loại ác-nghiệp:

- Ác-nghiệp sát-sinh.

- Ác-nghiệp trộm-cắp.

- Ác-nghiệp tà-dâm.

Ác-nghiệp sát-sinh ác-nghiệp trộm-cắp không chỉ được tạo phần nhiều bằng thân-môn hành động, mà còn có thể được tạo bởi khẩu-môn sai khiến, ra lệnh, truyền lệnh người khác sát-sinh, trộm-cắp theo lời nói của người ấy.

Như vậy, tuy ác-nghiệp sát-sinh ác-nghiệp trộm-cắp cũng được tạo bằng khẩu, nhưng không thuộc về khẩu ác-nghiệp mà thuộc về thân ác-nghiệp là vì 2 ác-nghiệp này phần nhiều được tạo bằng thân-môn hơn là bằng khẩu-môn.

Ác-nghiệp tà-dâm chỉ được tạo bằng thân-môn do tự mình hành động mà thôi. Ác-nghiệp tà-dâm này không phải tạo bằng khẩu-môn sai khiến người khác.

IV.1.2-Khẩu ác-nghiệp

Khẩu ác-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với ác-tâm được biểu hiện ra ở khẩu-môn nói ác còn gọi là khẩu hành-ác, có 4 loại ác-nghiệp:

- Ác-nghiệp nói-dối.

- Ác-nghiệp nói lời chia rẽ.

- Ác-nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc).

- Ác-nghiệp nói lời vô ích.

1-Ác-nghiệp nói-dối

Nói-dối là nói lời không thật với tác-ý tâm-sở đồng sinh với ác-tâm để lừa dối người nghe tin cho là sự thật.

* Nói-dối như thế nào?

- Điều mình thấy, nói-dối rằng: “Tôi không thấy.”

- Điều mình không thấy, nói-dối rằng: “Tôi có thấy.”

- Điều mình nghe, nói-dối rằng: “Tôi không nghe.”

- Điều mình không nghe, nói-dối rằng: “Tôi có nghe.”

- Điều mình biết, nói-dối rằng: “Tôi không biết.”

- Điều mình không biết, nói-dối rằng: “Tôi có biết.”…

- Vật nào mình có, nói-dối rằng: “Tôi không có vật ấy.”

- Vật nào mình không có, nói-dối rằng: “Tôi có vật ấy.”

v.v…

Người nào nói dối không đúng theo sự thật, có tác-ý tâm-sở đồng sinh với ác-tâm lừa dối người nghe tin theo cho là sự thật, làm thiệt hại cho người tin theo thì người nói-dối ấy tạo ác-nghiệp nói-dối.

Chi-pháp của ác-nghiệp nói-dối

Để biết có tạo ác-nghiệp nói-dối hay không, cần phải căn cứ vào 4 chi-pháp của ác-nghiệp nói-dối:

1-Atthavatthu: Điều không thật, vật không có.

2-Visaṃvādacittatā: Ác-tâm nghĩ lừa dối.

3- Payoga: Cố gắng lừa dối bằng lời nói hoặc bằng thân cử động theo ác-tâm nghĩ lừa dối của mình.

4- Tadattha vijānanaṃ: Người nghe tin theo sự lừa dối ấy.

Nếu người nào hội đủ 4 chi-pháp của ác-nghiệp nói-dối này thì người ấy đã tạo ác-nghiệp nói-dối hội đủ chi-pháp, nhưng nếu không hội đủ 4 chi-pháp này thì người ấy tạo ác-nghiệp nói-dối không hội đủ chi-pháp.

Quả của 2 loại ác-nghiệp nói-dối này có sự khác biệt:

- Nếu tạo ác-nghiệp nói-dối hội đủ 4 chi-pháp này thì ác-nghiệp nói-dối ấy có nhiều năng lực, có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) và có cơ hội cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại.

-Nếu tạo ác-nghiệp nói-dối không hội đủ 4 chi-pháp này thì ác-nghiệp nói-dối ấy có ít năng lực, không có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau mà có cơ hội cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh, kiếp hiện-tại.

Cố gắng tạo ác-nghiệp nói-dối

Người tạo ác-nghiệp nói-dối bằng lời nói hoặc bằng thân hành động có 4 cách:

1- Tự mình cố gắng lừa dối bằng lời nói, bằng thân cử động, lắc đầu phủ nhận điều có thật, hoặc gật đầu khẳng định điều không có thật.

2- Sai khiến người khác lừa dối bằng khẩu.

3- Viết chuyện không có thật trong thư, trên báo, nói trong đài phát thanh, v.v… lan truyền cho độc giả, thính giả tin theo cho là sự-thật.

4- Viết sách nội dung không có thật, ghi âm thanh vào băng, đĩa, phim ảnh, v.v… có tính cách lâu dài, để lừa dối độc giả, thính giả, khán giả,… tin theo cho là sự-thật.

Người nào có tác-ý tâm-sở đồng sinh với ác-tâm lừa dối người khác, nếu người khác tin theo sự lừa dối ấy cho là sự-thật thì người ấy tạo ác-nghiệp nói-dối hợp đủ 4 chi-pháp. Nhưng nếu người khác không tin theo sự lừa dối thì người ấy tạo ác-nghiệp nói-dối không hợp đủ chi-pháp.

Ác-nghiệp nói-dối nặng hoặc nhẹ

Người tạo ác-nghiệp nói-dối tạo ác-nghiệp nói-dối nặng hoặc tạo ác-nghiệp nói-dối nhẹ được căn cứ vào sự thiệt hại nhiều hoặc sự thiệt hại ít đến cho người tin theo sự nói-dối ấy.

- Nếu người tạo ác-nghiệp nói-dối đã làm thiệt hại nhiều đến cho người tin theo lời nói-dối, thì người nói-dối ấy tạo ác-nghiệp nói-dối nặng có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) trong cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh).

- Nếu người tạo ác-nghiệp nói-dối không làm thiệt hại nào đáng kể đến cho người tin theo sự nói-dối ấy thì người nói-dối ấy tạo ác-nghiệp nhẹ, không có khả năng cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla), nhưng nếu có cơ hội thì cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại.

* Trường-hợp nếu người nào nói dối khiến người nghe tin theo cho là sự-thật, thì người nói-dối ấy có thể phạm điều-giới nói-dối, nhưng không làm thiệt hại nào cho người nghe cả, thậm chí còn đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc cho người nói dối và cả người tin theo lời nói-dối ấy nữa. Như vậy, người nói-dối có phước, không có tội.

Quả xấu của ác-nghiệp nói-dối

Nếu người nào đã tạo ác-nghiệp nói-dối gây ra sự thiệt hại nặng đến cho người khác, thì sau khi người ấy chết, nếu ác-nghiệp nói-dối ấy trong 11 bất-thiện-tâm (trừ si-tâm hợp với phóng-tâm) có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) thì có suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau 1 trong 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), chịu quả khổ cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy mới thoát ra khỏi cõi ác-giới.

Sau khi thoát ra khỏi cõi ác-giới, * trường-hợp nếu có đại-thiện-nghiệp nào trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau thì có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau đầu thai làm người trong cõi người này.

* Và trường hợp, người nào tạo ác-nghiệp nói-dối nhẹ. Sau khi người ấy chết, nếu ác-nghiệp nói-dối ấy không có cơ hội cho quả thì đại-thiện-nghiệp nào trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau đầu thai làm người trong cõi người này.

Cả 2 trường-hợp này, người ấy còn phải chịu 14 quả xấu của ác-nghiệp nói-dối mà tiền-kiếp của người ấy đã tạo trong quá-khứ.

Kiếp hiện-tại của người ấy:

1- Là người có ngũ quan (5 giác quan của con người) không trong sáng.

2- Là người có giọng nói không rõ, khó nghe.

3- Là người có đôi hàm răng không đều đặn, xấu xí.

4- Là người có thân hình quá mập, dị kỳ.

5- Là người có thân hình quá ốm.

6-Là người có thân hình quá thấp.

7-Là người có thân hình quá cao.

8- Là người có da thịt sần sùi, xấu xí.

9- Là người mà trong miệng thường thoát ra mùi hôi khó chịu.

10- Là người nói không ai tin theo.

11- Là người nói không ai muốn nghe.

12- Là người có cái lưỡi cứng và ngắn.

13-Là người có tâm thường thoái chí nản lòng.

14-Là người có tật nói cà lăm, hoặc bị câm điếc.

Đó là 14 quả xấu của ác-nghiệp nói-dối mà tiền-kiếp của người ấy đã tạo trong thời quá-khứ.

2-Ác-nghiệp nói lời chia rẽ

Nói lời chia rẽ là nói lời làm cho 2 người thân thiết chia rẽ nhau, để có lợi cho mình.

Người nói lời chia rẽ bằng cách nào?

Ví dụ: Cậu A và cô B là hai người bạn thân thiết với nhau, thường giúp đỡ lẫn nhau. Nhìn thấy 2 người thân thiết với nhau như vậy, cô C sinh tâm ganh tỵ, nên đặt điều nói xấu để làm cho cậu A và cô B nghi ngờ lẫn nhau, rồi dẫn đến ghét bỏ chia rẽ nhau, như vậy cô C được lợi từ 2 người.

Cô C lén tìm đến gặp cậu A nói rằng:

- Này anh A! Em nói cho anh biết, cô B lén lút quan hệ với người con trai khác, anh nên thận trọng là hơn.

Ban đầu cậu A không tin, nhưng do cô C nói nhiều lần khiến cho cậu A phát sinh tâm nghi ngờ về cô B. Từ nghi ngờ nên mỗi khi gặp cô B, cậu A thường có thái độ dè dặt.

Lúc khác cô C lén tìm đến gặp cô B khuyên rằng:

- Này em B! Chị nói cho em biết, cậu A lén lút quan hệ với người con gái khác, em hãy thận trọng trong việc quan hệ với cậu ấy, để tránh sự hối hận về sau.

Ban đầu cô B không tin, nhưng do cô C nói nhiều lần khiến cho cô B phát sinh tâm nghi ngờ về cậu A. Từ nghi ngờ, nên cô B có thái độ dè dặt, bắt đầu để ý, dò xét thấy gần đây cậu A có thái độ không thân mật tự nhiên như trước. Cô B tin lời nói của cô C là thật và nghĩ rằng:

“Chị C thật tâm thương mình nên nhắc nhở.”

Về phía cậu A, từ khi nghe lời cô C, cậu A cũng dò xét, để ý thấy cô B gần đây có thái độ bớt thân thiết như trước, đáng nghi ngờ, nên nghĩ rằng:

“Chắc có lẽ điều mà cô C nói là sự thật.”

Một hôm, bất ngờ cậu A nhìn thấy cô B đang nói cười vui vẻ với một người con trai khác ở một nơi nào đó. Cậu A lẫn tránh không cho cô B nhìn thấy, rồi nghĩ rằng: “Cô C thật là tốt với ta, cô ấy không muốn ta thất vọng.”

Chuyện gì sẽ xảy ra?

Cậu A tìm đến gặp cô B, mắng nhiếc cô B rằng:

- Cô là con người lừa dối, không thật tâm với tôi.

Khi nghe cậu A mắng như vậy, cô B do bị xúc phạm quá nặng và vì quá oan ức, nên cô cũng phản ứng gay gắt rằng:

- Anh cũng không có tốt gì đâu!

Hai người tin theo lời nói chia rẽ của cô C, nên làm cho cậu A và cô B hiểu lầm nhau, ghét bỏ chia rẽ nhau, rồi xa lánh nhau.

Như vậy, cô C đã tạo ác-nghiệp nói lời chia rẽ.

Nói lời chia rẽ do khẩu là chính, nhưng cũng có trường hợp thuộc về phần thân: Không nói mà có cử chỉ, hành động, hoặc viết thư gửi cho hai người khiến cho họ hiểu lầm nhau, ghét bỏ chia rẽ nhau, rồi xa lánh nhau.

Chi-pháp của ác-nghiệp nói lời chia rẽ

Để biết có tạo ác-nghiệp nói lời chia rẽ hay không, cần phải căn cứ vào 4 chi-pháp của ác-nghiệp nói lời chia rẽ như sau:

1- Bhinditabbo: Những người bị chia rẽ.

2- Bhedapurakkhāro: Tác-ý ác làm cho hai người ấy chia rẽ nhau.

3- Payogo: Cố gắng bằng khẩu và bằng thân để hai người ấy chia rẽ.

4- Tadatthajānanaṃ: Những người nghe hiểu rõ ý nghĩa lời nói chia rẽ ấy.

Hai người ghét bỏ lẫn nhau, rồi chia rẽ xa lánh nhau.

- Nếu người nào hội đủ 4 chi-pháp của ác-nghiệp nói lời chia rẽ này thì người ấy đã tạo ác-nghiệp nói lời chia rẽ hội đủ chi-pháp, nhưng nếu không hội đủ 4 chi-pháp này thì người ấy tạo ác-nghiệp nói lời chia rẽ không hội đủ chi-pháp.

Quả của 2 loại ác-nghiệp nói lời chia rẽ này có sự khác biệt:

- Nếu tạo ác-nghiệp nói lời chia rẽ hội đủ 4 chi-pháp này thì ác-nghiệp nói lời chia rẽ ấy có nhiều năng lực, có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) và có cơ hội cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại.

-Nếu tạo ác-nghiệp nói lời chia rẽ không hội đủ 4 chi-pháp này thì ác-nghiệp nói lời chia rẽ ấy có ít năng lực, không có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla), mà chỉ có cơ hội cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại.

Cố gắng tạo ác-nghiệp nói lời chia rẽ

Người cố gắng tạo ác-nghiệp nói lời chia rẽ bằng thân, bằng khẩu:

* Ác-nghiệp biểu hiện chia rẽ bằng thân là sử dụng 2 tay ra dấu để cho người khác hiểu biết ý nghĩa của mình.

Ví dụ: Đôi vợ chồng sống với nhau, người chồng đi làm, người vợ lén đi sang nhà bên cạnh đánh bài bạc. Khi người chồng trở về nhà không thấy vợ, hỏi người bà con trong nhà. Người bà con vốn không ưa cháu dâu, muốn cho cặp vợ chồng gây xích mích chia rẽ nhau, nên lấy 2 tay ra dấu cháu dâu đang đánh bài bạc ở nhà bên cạnh.

Hiểu biết người vợ của mình như vậy, người chồng không thích người vợ ham chơi bài bạc. Cho nên, khi người vợ trở về nhà, người chồng la mắng người vợ một cách thậm tệ, rồi đôi vợ chồng ly dị, chia rẽ nhau.

Đó là ác-nghiệp biểu hiện chia rẽ bằng thân.

* Ác-nghiệp biểu hiện chia rẽ bằng khẩu là sử dụng lời nói đặt điều nói xấu người kia cho người này biết, rồi đến nói xấu người này cho người kia biết, để cho 2 người hiểu lầm với nhau, rồi ghét bỏ, chia rẽ nhau.

Chuyện kể rằng: Đôi vợ chồng rất thương yêu nhau tha thiết, người chồng là người địa phương giàu có sang trọng, còn người vợ là người từ nơi khác đến.

Cô gái trong địa phương sinh tâm ganh tỵ, nên đặt điều nói xấu để gây sự hiểu lầm giữa 2 vợ chồng với nhau, ghét nhau, rồi vợ chồng chia rẽ nhau.

Một hôm, cô gái địa phương lén đến gặp riêng người đàn ông là chồng của cô gái, nói cho biết rằng:

- Này anh! Người vợ của anh có dạ-xoa nhập, ban đêm khi anh ngủ say, dạ-xoa nhập vào vợ anh, trước khi đi kiếm ăn đồ dơ, nó bước qua người anh, làm cho anh mê, rồi nó xuất ra ngoài kiếm ăn xong, trở về bước lại người anh, làm cho anh trở lại bình thường.

Nếu anh không tin thì anh để ý dò xét sẽ rõ.

Cô gái địa phương lén đến gặp riêng người đàn bà là vợ của người đàn ông, nói cho biết rằng:

- Này cô em! Người chồng của em không phải là người bình thường đâu! Anh ta là dạ-xoa hóa ra người.

Nếu em không tin thì em sờ dưới xương cụt có cái đuôi ngắn lòi ra bên ngoài, em sẽ rõ.

Một đêm nọ, người chồng giả vờ ngủ say, tưởng chồng đã ngủ say, nên người vợ ngồi dậy lấy tay vừa chuẩn bị sờ vào xương cụt của chồng. Khi ấy, chồng nghĩ rằng:

“Người vợ là dạ-xoa nhập chuẩn bị bước qua thân người của ta, để xuất ra đi kiếm ăn đồ dơ.”

Do nghĩ như vậy, người chồng đạp mạnh vào người vợ rơi xuống nền đau điếng. Người vợ ngồi dậy mắng chồng là dạ-xoa hung ác.

Người chồng cũng mắng vợ là loài dạ-xoa ăn đồ dơ.

Đôi vợ chồng gây gổ với nhau, ghét nhau, rồi vợ chồng chia rẽ nhau, bởi vì tin theo lời đặt điều nói xấu chia rẽ của cô gái địa phương.

Ác-nghiệp nói lời chia rẽ nặng hoặc nhẹ

Tạo ác-nghiệp nói lời chia rẽ nặng hoặc ác-nghiệp nói lời chia rẽ nhẹ tùy thuộc vào đối tượng người có giới-đức hoặc người không có giới-đức.

Nếu người nào có tác-ý tâm-sở đồng sinh với ác-tâm nói lời chia rẽ giữa hai người có giới-đức thì người ấy tạo ác-nghiệp nói lời chia rẽ nặng.

Nếu người nào có tác-ý tâm-sở đồng sinh với ác-tâm nói lời chia rẽ giữa hai người không có giới-đức, thì người ấy tạo ác-nghiệp nói lời chia rẽ nhẹ.

Quả xấu của ác-nghiệp nói lời chia rẽ

Nếu người nào đã tạo ác-nghiệp nói lời chia rẽ gây ra sự chia rẽ giữa 2 người thân yêu với nhau, thì sau khi người ấy chết, nếu ác-nghiệp nói lời chia rẽ nặng ấy trong 11 bất-thiện-tâm (trừ si-tâm hợp với phóng tâm) có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) thì có suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhi-citta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau 1 trong 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), chịu quả khổ cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy mới thoát ra khỏi cõi ác-giới.

Sau khi thoát ra khỏi cõi ác-giới, * trường hợp nếu có đại-thiện-nghiệp nào trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) thì có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau đầu thai làm người trong cõi người này.

* Và trường hợp, người nào tạo ác-nghiệp nói lời chia rẽ nhẹ. Sau khi người ấy chết, nếu ác-nghiệp nói-lời chia rẽ ấy không có cơ hội cho quả thì đại-thiện-nghiệp nào trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau đầu thai làm người trong cõi người này.

Cả 2 trường-hợp này, người ấy còn phải chịu 6 quả xấu của ác-nghiệp nói lời chia rẽ mà tiền-kiếp của người ấy đã tạo trong quá-khứ là:

Kiếp hiện-tại của người ấy:

1- Là người thường bất hòa với bạn bè, vợ chồng, anh em, bà con, với mọi người.

2- Là người thường bị người khác đánh đập, bị tàn tật.

3- Là người không có bạn bè thân thiết.

4- Có bạn bè không lâu sẽ bỏ nhau.

5- Có nhiều người không ưa thích, không thân thiết.

6- Sống khổ tâm, bị phiền-não làm ô nhiễm, …

Đó là 6 quả xấu của ác-nghiệp nói lời chia rẽ mà tiền-kiếp của người ấy đã tạo trong thời quá-khứ.

3-Ác-nghiệp nói lời thô tục

Nói lời thô tục là nói lời chửi rủa, mắng nhiếc với tác-ý tâm-sở đồng sinh với sân-tâm để làm khổ người mình không ưa thích, oán ghét.

Trường hợp tác-ý tâm-sở đồng sinh với sân-tâm dù nói lời thô tục chua chát hoặc dù nói lời ngọt ngào, nghe êm tai với mục đích muốn tiêu diệt đối-phương vẫn gọi là ác-nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc).

Ví dụ: Một người có sân-tâm muốn giết người khác, nhưng nói bằng lời lẽ ngọt ngào rằng:

“Tôi sẽ giúp anh được yên giấc nghìn thu, hoặc tôi sẽ đưa anh về nơi chín suối, hoặc tôi sẽ gửi anh lên chầu trời, v.v…”

Như vậy, cũng gọi là ác-nghiệp nói lời thô tục, bởi vì tác-ý tâm-sở đồng sinh với sân-tâm muốn làm khổ người, muốn hại người.

Chi-pháp của ác-nghiệp nói lời thô tục

Để biết có tạo ác-nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) hay không, cần phải căn cứ vào 3 chi-pháp của ác-nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc):

1- Kopo: Sân-tâm tức giận.

2- Upakuṭṭho: Có người bị chửi rủa, mắng nhiếc.

3- Akkosanā: Nói lời chửi rủa, mắng nhiếc.

Nếu người nào hội đủ 3 chi-pháp của ác-nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) này thì người ấy đã tạo ác-nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) hội đủ chi-pháp, nhưng nếu không hội đủ 3 chi-pháp này thì người ấy tạo ác-nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) không hội đủ chi-pháp.

Quả của 2 loại ác-nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) này có sự khác biệt:

- Nếu tạo ác-nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) hội đủ 3 chi-pháp này thì ác-nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) ấy có nhiều năng lực, có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhi-kāla) và có cơ hội cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại.

-Nếu tạo ác-nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) không hội đủ 3 chi-pháp này thì ác-nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) ấy có ít năng lực, không có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) mà chỉ có cơ hội cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại.

Thật ra, ác-nghiệp hoặc đại-thiện-nghiệp căn cứ vào tác-ý tâm-sở là chính.

* Trong Chú-giải Aṭṭhasālinī giảng giải về lời nói thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) rằng:

“Cha mẹ rầy la con, hoặc thầy rầy la học trò, … là cốt để dạy dỗ, khuyên răn, hăm dọa, ... Những lời rầy la ấy hoàn toàn không có tác-ý trong ác-tâm làm hại con cái, làm hại học trò.”

Như vậy, khi cha mẹ, thầy rầy la đã tạo ác-nghiệp nói lời thô tục không hội đủ các chi-pháp của ác-nghiệp nói lời thô tục. Cho nên ác-nghiệp nói lời thô tục này không có năng lực cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla), nếu có cơ hội thì chỉ cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại.

* Trong Phụ-Chú-giải (Ṭikā) của Trường-bộ-kinh và Chi-bộ-kinh giảng giải về lời nói thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) rằng:

“Người nào nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) có tác-ý tâm-sở đồng sinh với sân-tâm dù không có người oán thù nghe, hoặc người thù ghét đã chết, người ấy vẫn tạo ác-nghiệp nói lời thô tục hợp đủ 3 chi-pháp.”

Ác-nghiệp nói lời thô tục bằng 2 môn

- Nói lời thô tục bằng khẩu-môn.

- Nói lời thô tục bằng thân-môn.

Nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) phần nhiều bằng khẩu-môn, nhưng cũng có thể bằng thân-môn như hành vi cử chỉ thô tục; hoặc viết thư, viết sách đồi trụy… bằng những lời lẽ thô tục.

Ác-nghiệp nói lời thô tục nặng hoặc nhẹ

Nếu người nào tạo ác-nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) đến cha mẹ, thầy tổ, những bậc Trưởng-lão, chư tỳ-khưu, sa-di có giới-đức trong sạch, chửi rủa mắng nhiếc xúc phạm đến Đức-Phật Độc-Giác, Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác thì người ấy tạo ác-nghiệp trọng tội.

Sau khi người ấy chết, ác-nghiệp nói lời thô tục ấy cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) trong cõi địa-ngục.

Nếu người nào tạo ác-nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) đến người không có giới-đức trong sạch thì người ấy tạo ác-nghiệp nhẹ.[3]

Quả xấu của ác-nghiệp nói lời thô tục

Nếu người nào đã tạo ác-nghiệp nói lời thô tục nặng đến Bậc có giới-đức trong sạch, thì sau khi người ấy chết, nếu ác-nghiệp nói lời thô tục ấy trong 11 bất-thiện-tâm (trừ si-tâm hợp với phóng tâm) có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) thì có suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau 1 trong 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), chịu quả khổ cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới thoát ra khỏi cõi ác-giới.

Sau khi thoát ra khỏi cõi ác-giới, * trường hợp nếu có đại-thiện-nghiệp nào trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) thì có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau đầu thai làm người trong cõi người này.

* Và trường hợp, người nào tạo ác-nghiệp nói lời thô tục nhẹ. Sau khi người ấy chết, nếu ác-nghiệp nói-lời thô tục ấy không có cơ hội cho quả thì đại-thiện-nghiệp nào trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau đầu thai làm người trong cõi người này.

Cả 2 trường hợp này người ấy còn phải chịu 6 quả xấu của ác-nghiệp nói lời thô tục mà tiền-kiếp của người ấy đã tạo trong quá-khứ là:

Kiếp hiện-tại của người ấy:

1- Là người thường nghe những lời không hài lòng như lời chửi rủa, mắng nhiếc, v.v...

2- Là người có nhiều người ghét.

3- Là người thường bị chê trách, bị vu oan giá họa.

4- Là người ít được nghe những lời ngon ngọt.

5-Là người có cuộc sống nghèo nàn khổ cực.

6-Là người bị tàn tật, câm điếc, đui mù.

Đó là 6 quả xấu của ác-nghiệp nói lời thô tục mà tiền-kiếp của người ấy đã tạo trong thời quá-khứ.

* Tích Ngài Trưởng-lão Jambuka [4]

Người tạo ác-nghiệp nói lời thô tục

Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn đang ngự tại ngôi chùa Veḷuvana gần kinh-thành Rājagaha. Khi ấy Đức-Thế-Tôn đề cập đến tiền-kiếp của Ngài Trưởng-lão Jambuka đã tạo ác-nghiệp nói lời thô tục đến bậc Thánh A-ra-hán trong thời-kỳ Đức-Phật Kassapa được tóm lược như sau:

Trong thời-kỳ Đức-Phật Kassapa, một người thí chủ giàu có nhiều của cải có đức-tin nơi Tam-bảo, cho xây cất một ngôi chùa xong, rồi thỉnh vị tỳ-khưu làm trụ trì tại ngôi chùa ấy và xin hộ độ 4 thứ vật dụng: y phục, vật thực, chỗ ở và thuốc trị bệnh, …

Hằng ngày, vị tỳ-khưu trụ trì đến độ vật thực tại nhà thí chủ. Một hôm, một Ngài Trưởng-lão khách-Tăng bậc Thánh A-ra-hán đi khất thực đến đứng trước cổng nhà người thí chủ ấy, Ngài Trưởng-lão có cẩn trọng ngũ-môn thanh-tịnh thật đáng tôn kính.

Nhìn thấy Ngài Trưởng-lão khách-Tăng, người thí chủ liền phát sinh đức-tin trong sạch nơi Ngài Trưởng-lão. Người thí chủ ra tận cổng, kính thỉnh Ngài Trưởng-lão vào trong nhà, thỉnh Ngài ngồi chỗ cao quý, rồi kính dâng vật thực đến Ngài Trưởng-lão khách-Tăng một cách cung-kính.

Nhìn thấy tấm y của Ngài Trưởng-lão đã cũ, người thí chủ xin phép kính dâng đến Ngài tấm y mới. Thấy tóc Ngài Trưởng-lão hơi dài, người thí chủ xin phép gọi người thợ hớt tóc đến cạo tóc cho Ngài. Người thí chủ kính thỉnh Ngài Trưởng-lão đến nghỉ tại chùa, và xin phép mang một chiếc giường đến kính dâng lên Ngài.

Vị tỳ-khưu trụ trì đang ngồi trong nhà thí chủ, theo dõi nhìn thấy người thí chủ hết lòng thành kính đối với Ngài Trưởng-lão khách-Tăng như vậy, nên phát sinh tâm ganh tỵ, nghĩ rằng:

“Mới gặp vị khách-Tăng này, người thí chủ hết lòng tôn kính và ân cần phục vụ đến như thế. Còn ta đến đây độ vật thực mỗi ngày, mà ta đâu có được người thí chủ tôn kính ân cần phục vụ như vậy đâu.”

Người thí chủ kính thỉnh Ngài Trưởng-lão khách-Tăng đến nghỉ tại ngôi chùa, cung-kính tiễn đưa Ngài Trưởng-lão khách-Tăng vị tỳ-khưu trụ trì trở về chùa. Người thí chủ kính dâng một tấm y mới đến Ngài Trưởng-lão khách-Tăng, gọi người thợ hớt tóc đến cạo tóc cho Ngài Trưởng-lão, kính dâng đến Ngài một chiếc giường nằm rồi kính thỉnh Ngài sử dụng chiếc giường ấy, để cho thí chủ có được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài.

Người thí chủ kính đảnh lễ Ngài Trưởng-lão khách-Tăng, xin phép trở về. Người thí-chủ đến đảnh lễ vị tỳ-khưu trụ trì, kính thỉnh vị tỳ-khưu trụ trì và Ngài Trưởng-lão khách-Tăng ngày hôm sau đến tư gia độ vật thực, rồi xin phép trở về nhà.

Theo dõi thấy người thí chủ hết lòng tôn kính và ân cần phục vụ chu đáo Ngài Trưởng-lão khách-Tăng, vị tỳ-khưu trụ trì phát sinh tâm ganh tỵ không sao chịu nổi được, nên vội vàng đến chỗ ở của Ngài Trưởng-lão, buông lời chửi mắng Ngài Trưởng-lão là bậc Thánh A-ra-hán 4 điều là:

-Này ông khách-Tăng!

* Ông nên ăn phân hơn là độ vật thực của nhà thí chủ.

* Ông nên ở truồng hơn là mặc tấm y của nhà thí chủ.

* Ông nên nằm trên mặt đất hơn là nằm trên giường của nhà thí chủ.

* Ông nên tự nhổ tóc hơn là để cho người thí chủ gọi người thợ hớt tóc đến cạo tóc cho ông.

Nghe lời chửi mắng như vậy, Ngài Trưởng-lão khách-Tăng rải tâm từ đến vị trụ trì rằng:

“Xin cho vị tỳ-khưu trụ trì này đừng có bị tai-hại.”

Ngài Trưởng-lão khách-Tăng nghỉ lại một đêm tại ngôi chùa ấy, khi thức dậy, từ sáng sớm Ngài Trưởng-lão đã lặng lẽ đi ra khỏi chùa du hành đến nơi khác.

Sáng hôm ấy, sau khi làm mọi công việc trong chùa xong, đến giờ đi khất thực, vị tỳ-khưu trụ trì dùng ngón tay búng nhẹ vào cái chuông báo hiệu giờ đi khất thực, rồi một mình đi đến nhà người thí chủ.

Người thí chủ đảnh lễ vị tỳ-khưu trụ trì xong, bèn bạch rằng:

- Kính bạch Ngài, Ngài đến đây một mình, còn Ngài Trưởng-lão khách-Tăng sao chưa thấy đến. Bạch Ngài.

Vị tỳ-khưu trụ trì bảo rằng:

- Này ông thí chủ! Xin ông đừng nhắc đến vị ấy nữa. Hôm qua, sau khi ông trở về, vị khách-Tăng ấy vào phòng ngủ. Sáng nay, sư thức dậy sớm làm mọi công việc quét dọn sạch sẽ bên trong, bên ngoài chùa, lấy nước uống, nước dùng… xong, đến giờ đi khất thực bần sư đã đánh chuông báo hiệu, mà vẫn chưa thấy vị ấy thức dậy, cho nên một mình sư đến đây.

Người thí chủ nghĩ rằng:

“Ngài Trưởng-lão khách-Tăng là Bậc có Tăng tướng thanh-tịnh, đáng tôn kính như vậy thì chắc chắn không phải là Bậc mê ngủ như vị tỳ-khưu trụ trì đã nói. Có lẽ vị tỳ-khưu trụ trì thấy ta hết lòng tôn kính, ân cần phục vụ chu đáo đặc biệt Ngài Trưởng-lão khách-Tăng, cho nên vị tỳ-khưu trụ trì phát sinh tâm ganh tỵ mà nói xấu Ngài Trưởng-lão khách-Tăng ấy.”

Người thí chủ kính dâng vật thực đến vị tỳ-khưu trụ trì độ xong, đem bát rửa sạch sẽ, rồi để vật thực ngon vào đầy bát, mang đến kính dâng vị tỳ-khưu trụ trì và bạch rằng:

-Kính bạch Ngài, kính xin Ngài hoan hỷ mang bát vật thực này về chùa dâng lại cho Ngài Trưởng-lão khách-Tăng. Bạch Ngài.

Vị tỳ-khưu trụ trì nhận lấy bát đầy vật thực, trên đường về chùa vị tỳ-khưu trụ trì nghĩ rằng:

“Nếu vị ấy có được vật thực ngon như thế này, thì sẽ ở mãi ngôi chùa của ta, không dễ gì chịu đi nơi khác.”

Nghĩ xong, vị tỳ-khưu trụ trì đem cái bát đầy vật thực ấy đổ bỏ, rồi mang cái bát không trở về chùa.

Khi đến chùa, vị tỳ-khưu trụ trì đi vào chỗ ở không thấy Ngài Trưởng-lão khách-Tăng nữa.

Từ đó về sau, vị tỳ-khưu trụ trì phát sinh tâm ăn năn hối hận, nóng nảy khổ tâm, cho nên thực-hành pháp-hành thiền-định, hoặc pháp-hành thiền-tuệ không thể phát triển được, bởi vì vị tỳ-khưu trụ trì đã tạo ác-nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) xúc phạm đến Ngài Trưởng-lão khách-Tăng là bậc Thánh A-ra-hán.

Vị tỳ-khưu trụ trì đã tạo ác-nghiệp nói lời thô tục, đã tạo khẩu ác-nghiệp nói lời mắng nhiếc, nên phát sinh tâm ăn năn hối hận nóng nảy khổ tâm rồi chết.

Sau khi vị tỳ-khưu trụ trì ấy chết, khẩu ác-nghiệp nói lời thô tục mắng nhiếc cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau trong cõi đại-địa-ngục Avīci, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy suốt thời gian lâu dài, cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy mới thoát ra khỏi cõi ác-giới ấy.

Quả của khẩu ác-nghiệp nói lời thô tục mắng nhiếc bậc Thánh A-ra-hán còn dư sót

Trong thời-kỳ Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, hậu-kiếp của vị tỳ-khưu trụ trì ấy, nhờ đại-thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp chót đầu thai vào một gia đình khá giả ở trong kinh-thành Rājagaha.

Đứa trẻ sinh ra đời được đặt tên là Jambuka, khi bé Jambuka lớn lên biết đi, nó có những tính cá biệt như:

* Nó chỉ thích ăn pânn của nó mà thôi, không chịu ăn món vật thực nào khác.

Cha mẹ nó tưởng rằng:

“Trẻ con còn nhỏ dại không biết nên ăn bậy.”

* Nó chỉ thích nằm dưới đất mà thôi, không chịu nằm trên giường.

* Nó chỉ thích ở trần truồng mà thôi, không chịu mặc quần áo gì cả (mặc dù trời lạnh hay trời nóng).

Khi trưởng thành, cậu Jambuka thích ăn phân, không chịu ăn các món ăn nào khác; thích ở trần truồng, không chịu mặc quần áo; vẫn thích nằm trên mặt đất, không chịu nằm trên giường (đó là quả xấu của ác-nghiệp nói lời thô tục mắng nhiếc đến bậc Thánh A-ra-hán còn dư sót trong tiền-kiếp của cậu Jambuka).

Cha mẹ của cậu bàn tính với nhau rằng:

“Jambuka đã lớn rồi, nhưng không biết hổ thẹn, không biết mắc cỡ, nó thích ở trần truồng, không chịu mặc quần áo. Chúng ta nên cho Jambuka xuất gia theo phái tu-sĩ đạo lõa thể, thì sẽ thích hợp với nó hơn là sống tại gia với chúng ta.”

Cha mẹ dẫn cậu Jambuka đến chùa phái tu-sĩ đạo lõa thể, xin cho cậu Jambuka được xuất gia theo phái này.

Phái tu-sĩ đạo lõa thể đồng ý chấp thuận cho cậu Jambuka xuất gia trở thành tu-sĩ trong phái họ, với điều kiện bắt buộc Jambuka phải nhổ tóc cho sạch, không được cạo tóc.

Cậu Jambuka chấp nhận điều kiện ấy, tự mình nhổ sạch tóc, rồi được xuất gia trở thành tu-sĩ lõa thể.

Cha mẹ của tu sĩ Jambuka mời tất cả tu-sĩ lõa thể đến nhà ông để dùng cơm vào ngày hôm sau.

Sáng ngày hôm sau, tất cả nhóm tu-sĩ đều đến nhà cha mẹ của Jambuka, nhưng tu-sĩ Jambuka xin phép ở lại tu viện một mình.

Thấy tất cả nhóm tu-sĩ vừa đi ra khỏi tu viện, tu-sĩ Jambuka đến hầm cầu dùng 2 bàn tay hốt phân ăn no đủ. Khi nhóm tu-sĩ trở về, có mang một phần ăn về cho Jambuka, nhưng Jambuka không thọ nhận, thưa rằng:

- Con đã dùng vật thực no đủ rồi.

Và những ngày kế tiếp, … Jambuka vẫn xin phép ở lại tu viện một mình ăn phân no đủ. Nhóm tu-sĩ mang một phần ăn về cho Jambuka, nhưng lần nào Jambuka cũng không nhận phần ăn ấy, mà thưa rằng:

- Con đã dùng vật thực no đủ rồi.

Nhóm tu-sĩ phát sinh tâm hoài-nghi rằng:

“Tại sao tu-sĩ Jambuka không dùng vật thực mà chúng ta đem về? Vật thực nào mà Jambuka dùng mấy hôm vừa qua có từ đâu? Chúng ta nên cho người dò xét xem để biết sự thật.”

Cũng như mọi ngày, tất cả nhóm tu-sĩ lõa thể ra khỏi tu viện đi khất thực, nhưng đặc biệt hôm ấy còn hai vị tu-sĩ lõa thể ở lại ẩn vào một chỗ kín đáo làm phận sự theo dõi tu-sĩ Jambuka có vật thực từ đâu.

Thấy tất cả tu-sĩ loã thể đã đi ra khỏi tu viện, tu-sĩ Jambuka đi đến hầm cầu dùng 2 tay hốt phân ăn no đủ rồi đi ra, không hề hay biết có người đang theo dõi mình.

Khi nhóm tu-sĩ đi khất thực trở về, hai vị tu-sĩ làm phận sự theo dõi tu-sĩ Jambuka trình bày sự thật mà họ đã tận mắt nhìn thấy cho các tu-sĩ lõa thể nghe biết.

Nghe xong như vậy, nhóm tu-sĩ lõa thể bàn tính với nhau rằng:

“Nếu chúng ta để Jambuka ở lại nơi đây, không sớm thì muộn đệ-tử của Samôn Gotama hay biết, chắc chắn chúng ta sẽ mất uy tín, tiếng xấu sẽ lan tỏa ra khắp mọi nơi. Vậy chúng ta nên đuổi Jambuka ra khỏi tu viện.”

Tu-sĩ Jambuka bị đuổi ra khỏi tu viện, đi đến trú ở một nơi gần tảng đá, chỗ để cho mọi người đi đại tiện.

Buổi tối, tu-sĩ lõa thể Jambuka lén đến nơi đó lấy phân ăn, còn ban ngày y đứng một chân, một chân kia chống vào đầu gối, và một tay vịn vào tảng đá há miệng ngửa mặt nhìn trời.

Một số đông người qua lại gặp tu-sĩ lõa thể Jambuka thực-hành hạnh lạ thường, đảnh lễ xong, bạch rằng:

- Kính bạch Ngài, tại sao Ngài đứng há miệng như vậy?

Tu-sĩ Jambuka đáp rằng:

- Này quý vị! Ta là người dùng vật thực bằng gió, chỉ có gió là vật thực của ta mà thôi. Ngoài vật thực gió ra ta không dùng một thứ vật thực nào khác.

- Kính bạch Ngài, tại sao Ngài đứng một chân, còn một chân kia chống vào đầu gối như vậy?

- Này quý vị! Ta là người thực-hành hạnh cao thượng, hạnh này có nhiều thần-lực. Nếu ta đứng cả 2 chân trên mặt đất thì sẽ làm cho mặt đất này rung chuyển. Vì vậy, ta chỉ đứng một chân mà thôi, còn chân kia chống vào đầu gối, suốt ngày đêm không ngồi, không nằm như vậy.

Một số đông người thiểu trí, mê tín tin theo lời của tu-sĩ Jambuka, họ tán dương ca tụng cho đó là hạnh phi thường chưa từng thấy bao giờ.

Một số đông dân chúng xứ Aṅga và xứ Magadha đem nhiều phẩm vật đến cúng dường nhưng tu-sĩ Jambuka không nhận một thứ nào cả.

Tu-sĩ Jambuka ở trần truồng, ăn phân, nằm trên mặt đất, nhổ tóc trải qua suốt 55 năm ròng rã.

Đức-Phật ngự đến tế độ tu-sĩ Jambuka

Vào canh chót đêm ấy, Đức-Phật sau khi xả đại-bi thiền, suy xét với tâm đại bi xem chúng-sinh nào có duyên lành nên tế độ. Đức-Phật thấy tu-sĩ Jambuka hiện rõ trong màng lưới trí-tuệ của Ngài. Đức-Phật suy xét thấy tu-sĩ Jambuka có duyên lành trở thành bậc Thánh A-ra-hán cùng với tứ-tuệ-phân-tích, đồng thời có 84.000 chúng-sinh cũng được chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả Niết-bàn cùng với tu-sĩ lõa thể Jambuka.

Sáng hôm ấy, Đức-Thế-Tôn ngự vào kinh-thành Rājagaha cùng chư tỳ-khưu-Tăng để khất thực, khi trở về Đức-Phật gọi Ngài Trưởng-lão Ānanda dạy rằng:

-Này Ānanda! Như-Lai sẽ ngự đi một mình đến tế độ tu-sĩ Jambuka.

Chư-thiên biết Đức-Thế-Tôn sẽ ngự đến chỗ ở dơ bẩn của tu-sĩ Jambuka cho nên, chư-thiên làm một trận mưa lớn để rửa sạch nơi ấy, làm cho các loại cây đều trổ hoa tạo một phong cảnh sạch mát, xinh đẹp.

Buổi chiều hôm ấy, Đức-Thế-Tôn ngự đến gặp tu-sĩ Jambuka xin nghỉ trọ một đêm. Tu-sĩ Jambuka một mực khước từ, y nói rằng:

- Thưa Sa-môn, nơi đây không có chỗ cho Sa-môn nghỉ trọ một đêm đâu, xin Sa-môn hãy đi đến nơi khác.

Đức-Thế-Tôn bèn hỏi Jambuka rằng:

- Này Jambuka! Ngươi có phải là tu-sĩ lõa thể không?

Tu-sĩ Jambuka khẳng định trả lời rằng:

- Thưa Sa-môn, tôi là tu-sĩ đạo lõa thể.

- Này Jambuka! Những thứ vật dụng của tu-sĩ đạo lõa thể của ngươi để đâu mà Như-Lai không thấy?

Nghe Đức-Thế-Tôn hỏi như vậy, tu-sĩ Jambuka nổi giận, nói như xua đuổi rằng:

- Này Sa-môn! Nơi đây không có chỗ để Sa-môn nghỉ trọ đâu.

- Này Jambuka! Xin đừng nổi giận, xin ngươi chỉ cho Như-Lai một chỗ ở.

- Này Sa-môn! Tùy Sa-môn tự tìm chỗ ở.

Đức-Thế-Tôn ngự đến một nơi không xa chỗ ở của tu-sĩ Jambuka, Đức-Thế-Tôn trải tọa cụ ngồi nhập thiền.

Canh đầu đêm, Tứ-Đại-thiên-vương từ 4 hướng cùng nhau đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, ánh sáng hào quang của Tứ-Đại-thiên-vương tỏa ra khắp một vùng. Tu-sĩ Jambuka nhìn thấy cảnh lạ thường chưa từng thấy, nên nghĩ rằng:

“Ánh sáng hào quang gì vậy, 4 vị chư-thiên ấy là vị nào mà đến hầu đảnh lễ Sa-môn ấy. Vị Sa-môn này phải là Bậc cao thượng.”

Canh giữa đêm, Đức-vua trời Sakka cõi Tam-thập tam-thiên ngự đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, ánh sáng hào quang tỏa ra khắp vùng rộng lớn hơn canh đầu đêm.

Tu-sĩ Jambuka nhìn thấy cảnh lạ thường chưa từng thấy, nên nghĩ rằng:

“Ánh sáng hào quang này lớn hơn lần trước, vị chư-thiên ấy là vị nào mà có oai lực hơn 4 vị chư-thiên trước. Vị Sa-môn này phải là Bậc cao thượng.”

Vào canh chót đêm, một vị Đại-Phạm-thiên đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, ánh sáng hào quang lần này gấp bội hơn hai lần trước làm sáng tỏa cả khu rừng rộng lớn.

Tu-sĩ Jambuka nhìn thấy cảnh lạ thường chưa từng thấy, nên nghĩ rằng:

“Ánh hào quang lần này gấp bội hơn hai lần trước, vị chư-thiên ấy là vị nào mà đến hầu đảnh lễ Sa-môn, có nhiều oai lực hơn các vị trước. Chắc chắn vị Sa-môn này phải là Bậc cao thượng.”

Sáng hôm sau, tu-sĩ Jambuka đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn bèn bạch rằng:

- Kính thưa Đại-Sa-môn, canh đầu đêm hôm qua, 4 vị chư-thiên nào từ 4 hướng đến hầu đảnh lễ Ngài, 4 vị chư-thiên ấy có ánh hào quang tỏa ra một vùng như vậy? Bạch Ngài.

Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:

- Này Jambuka! 4 vị ấy là Tứ-Đại-thiên-vương từ 4 hướng của cõi trời Tứ-đại thiên-vương.

- Kính thưa Đại-Sa-môn, như vậy Ngài cao thượng hơn cả Tứ-Đại-thiên-vương.

- Này Jambuka! Như-Lai là Bậc cao thượng hơn Tứ-Đại-thiên-vương, cho nên, Tứ-Đại-thiên-vương đến hầu hạ Như-Lai.

- Kính thưa Đại-Sa-môn, canh giữa đêm hôm qua, vị chư-thiên nào đến hầu đảnh lễ Ngài, vị chư-thiên ấy có ánh hào quang tỏa ra một vùng rộng lớn như vậy? Bạch Ngài.

- Này Jambuka! Vị ấy là Đức-vua trời Sakka trị vì cõi trời Tam-thập-Tam-thiên.

- Kính thưa Đại-Sa-môn, như vậy Ngài cao thượng hơn Đức-vua trời Sakka.

- Này Jambuka! Như-Lai là Bậc cao thượng hơn Đức-vua trời Sakka, cho nên, Đức-vua trời Sakka như người nuôi bệnh của Như-Lai, hay như một sa-di nhỏ hầu hạ Như-Lai.

- Kính thưa Đại-Sa-môn, canh chót đêm hôm qua, vị chư-thiên nào đến hầu đảnh lễ Ngài, vị ấy có ánh hào quang tỏa khắp một vùng rộng lớn như vậy? Bạch Ngài.

- Này Jambuka! Vị ấy là vị Đại-Phạm-thiên.

- Kính thưa Đại-Samôn, như vậy Ngài cao thượng hơn cả Đại-Phạm-thiên.

- Này Jambuka! Như-Lai là bậc cao thượng hơn cả vị Đại-Phạm-thiên.

- Kính thưa Đại-Sa-môn, Ngài là Bậc cao thượng nhất, tôi thực-hành hạnh cao thượng, chỉ đứng một chân, còn chân bên kia chống vào đầu gối, không ngồi, không nằm, ngửa mặt lên trời dùng gió làm vật thực trải qua 55 năm rồi, mà không có một chư-thiên nào đến hầu hạ tôi cả.

Khi ấy, Đức Thế Tôn truyền dạy tu-sĩ Jambuka rằng:

- Này Jambuka! Ngươi lừa dối được những người mê tín, nhưng ngươi không thể lừa dối được Như-Lai đâu!

Có phải trải qua suốt 55 năm, hằng ngày ngươi phải ăn phân, nằm trên mặt đất, ở trần truồng, tự nhổ sạch tóc. Thế mà ngươi đã lừa dối những người mê tín rằng:

“Ngươi ăn vật thực bằng gió, đứng một chân, không ngồi, không nằm.” Nay, ngươi còn muốn lừa dối cả Như-Lai nữa hay sao?

Tiền-kiếp của ngươi đã tạo khẩu ác-nghiệp nói lời thô tục mắng nhiếc bậc Thánh A-ra-hán, nên kiếp hiện-tại này ngươi phải chịu quả khổ của khẩu ác-nghiệp ấy còn dư sót, cho nên, ngươi phải ăn phân, nằm trên mặt đất, ở trần truồng, tự nhổ sạch tóc.

Bây giờ ngươi còn chấp-thủ do tà-kiến thấp hèn như vậy được nữa hay sao?

Nghe Đức-Thế-Tôn truyền dạy như vậy, tu-sĩ Jambuka kính thỉnh Đức-Thế-Tôn rằng:

-Kính bạch Đại-Sa-môn, khẩu ác-nghiệp nói lời thô tục nào mà con đã tạo trong tiền-kiếp quá khứ của con? Bạch Ngài.

Đức-Thế-Tôn thuyết giảng về tiền-kiếp của tu-sĩ Jambuka được tóm lược như sau:

Tiền-kiếp của tu-sĩ Jambuka đã từng là vị tỳ-khưu trụ trì một ngôi chùa, đã tạo khẩu ác-nghiệp nói lời thô tục, mắng nhiếc bậc Thánh A-ra-hán trong thời-kỳ Đức-Phật Kassapa rằng:

* Ông nên ăn phân hơn là độ vật thực của nhà thí chủ.

* Ông nên ở truồng hơn là mặc tấm y của nhà thí chủ.

* Ông nên nằm trên mặt đất hơn là nằm trên giường của nhà thí chủ.

* Ông nên tự nhổ tóc hơn là để cho người thí chủ gọi người thợ hớt tóc đến cạo tóc cho ông.

Lắng nghe về khẩu ác-nghiệp nói lời thô tục mắng nhiếc bậc Thánh A-ra-hán của mình như vậy, tu-sĩ Jambuka phát sinh động tâm và vô cùng hổ-thẹn tội-lỗi của mình, liền ngồi xuống.

Đức-Phật trao cho một tấm vải choàng tắm đến tu-sĩ Jambuka, tu-sĩ cung-kính nhận tấm vải rồi mặc vào, đảnh lễ dưới 2 bàn chân của Đức-Thế-Tôn, rồi ngồi một nơi hợp lẽ.

Đức-Thế-Tôn thuyết pháp tế độ Jambuka. Sau khi lắng nghe Đức-Phật thuyết pháp xong, tu-sĩ Jambuka liền chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, cùng với tứ-tuệ-phân-tích, lục-thông.

Đặc biệt đồng thời ngay khi ấy, khẩu ác-nghiệp nói lời thô tục mắng nhiếc bậc Thánh A-ra-hán trong thời-kỳ Đức-Phật Kassapa cũng mãn quả ác-nghiệp ấy, hết hiệu lực cho quả xấu nữa.

Tu-sĩ Jambuka kính xin Đức-Thế-Tôn cho phép xuất gia sa-di, tỳ-khưu trong giáo pháp của Ngài.

Đức-Thế-Tôn thấy rõ, biết rõ tu-sĩ Jambuka có đầy đủ đại-thiện-nghiệp pháp-hạnh ba-la-mật đã được tích lũy từ vô số kiếp trong quá-khứ, đặc biệt có lời phát nguyện xin cho 8 thứ vật dụng của tỳ-khưu được phát sinh như thần thông, nên Đức-Thế-Tôn đưa bàn tay phải, chỉ bằng ngón trỏ, rồi truyền dạy rằng:

“Ehi bhikkhu! Cara brahmacariyaṃ sammā dukkhassa antakiriyāya.” [5]

-Này Jambuka! Con hãy đến đây, con được trở thành tỳ-khưu theo ý nguyện. Con nên thực-hành phạm-hạnh cao thượng dẫn đến tận cùng của sự khổ sinh.

Sau khi Đức-Thế-Tôn truyền dạy vừa dứt, tướng mạo của tu-sĩ Jambuka liền biến mất. Và ngay khi ấy, Jambuka trở thành tỳ-khưu có đầy đủ 8 thứ vật dụng của tỳ-khưu phát sinh như thần-thông và có tăng tướng trang nghiêm như một Ngài Đại-đức có 60 hạ.

Như mọi ngày, dân chúng xứ Aṅga và xứ Magadha đem những lễ vật đến cúng dường tu-sĩ Jambuka.

Hôm ấy, mọi người đến gặp Đức-Thế-Tôn tại nơi ấy nên họ nghĩ rằng:

“Không biết Sa-môn Gotama cao thượng hơn tu-sĩ Jambuka, hay tu-sĩ Jambuka vị thầy của chúng ta cao thượng hơn Sa-môn Gotama?”

Biết được sự hoài-nghi của người dân chúng xứ Aṅga và xứ Magadha tại nơi ấy, Ngài Trưởng-lão Jambuka xin Đức-Thế-Tôn cho phép Ngài nhập đệ-tứ-thiền, biến hóa phép-thần-thông bay lên hư không cao khoảng một cây thốt nốt, đứng kính bạch rằng:

“Satthā me Bhante Bhagavā, sāvako’hamasmi.”

-Kính bạch Đức Thế Tôn, Ngài là vị Tôn-sư của con, và con là hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn.

Khi bạch xong, Ngài Trưởng-lão Jambuka đáp xuống đảnh lễ dưới 2 bàn chân của Đức-Thế-Tôn.

Một lần nữa, Ngài Trưởng-lão Jambuka bay lên cao khoảng 2 cây thốt nốt, 3 cây thốt nốt, … 7 cây thốt nốt,… rồi bạch như lần trước xong, đáp xuống đảnh lễ dưới 2 bàn chân của Đức-Thế-Tôn.

Tại nơi ấy, mọi người đã thấy và nghe rõ lời của Ngài Trưởng-lão Jambuka, cho nên không còn hoài-nghi nữa, mọi người đồng tán dương ca tụng ân-Đức-Phật thật là phi thường.

Khi ấy, Đức-Thế-Tôn thuyết một bài kệ, vừa chấm dứt bài kệ, 84.000 chúng-sinh đều chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn tùy theo năng lực của pháp-hạnh ba-la-mật 5 pháp-chủ: tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ của mỗi chúng-sinh.

4-Ác-nghiệp nói lời vô ích

Nói lời vô ích là nói lời không đem lại sự lợi ích với tác-ý tâm-sở đồng sinh với ác-tâm làm cho người nghe, người đọc say mê theo lời nói của mình, làm mất sự lợi ích, sự an-lạc đối với họ. Như vậy, gọi là người ấy tạo ác-nghiệp nói lời vô ích (samphappalāpa).

- Trường hợp người nói, người viết những chuyện không có thật, để làm ví dụ trong việc giảng dạy, giúp cho người nghe, người đọc dễ hiểu theo lời dạy ấy, thì lời nói của người ấy không gọi là lời nói vô ích.

- Trường hợp người nói hoặc người viết trình bày những câu chuyện có thật, đúng theo sự thật, nhưng không đem lại lợi ích gì cho người nghe hoặc người đọc, thì lời nói của người ấy không gọi là lời nói vô ích.

- Trường hợp người nói hoặc người viết những câu chuyện nhảm nhí, hoang đường, không có thật để làm cho người nghe, người đọc say mê tiêu khiển trong chốc lát, làm mất thời gian mà không đem lại sự lợi ích, gọi là lời nói vô ích (samphappalāpa) không gọi là lời nói-dối (musāvāda), bởi vì người nói hoặc người viết không có tác-ý ác-tâm nói-dối làm cho người nghe, người đọc tin theo rồi gây ra sự tai hại.

- Nhưng nếu người nói hoặc người viết những chuyện nhảm nhí, hoang đường, không có thật để làm cho người nghe, người đọc say mê tin theo, làm mất sự lợi ích, gây ra sự tai hại đến với họ thì người nói hoặc người viết tạo ác-nghiệp nói lời vô ích ác-nghiệp nói-dối nữa.

Chi-pháp của ác-nghiệp nói lời vô ích

Để biết có tạo ác-nghiệp nói lời vô ích hay không, cần phải căn cứ vào 2 chi-pháp của ác-nghiệp nói lời vô ích như sau:

1-Niratthakathāpurakkhāro: Tác-ý nói lời vô ích. 2-Kathanaṃ: Nói lời vô ích.

Nếu người nào hội đủ 2 chi-pháp của ác-nghiệp nói lời vô ích này thì người ấy đã tạo ác-nghiệp nói lời vô ích hội đủ chi-pháp, nhưng nếu không hội đủ 2 chi-pháp này thì người ấy tạo ác-nghiệp nói lời vô ích không hội đủ chi-pháp.

Quả của 2 loại ác-nghiệp nói lời vô ích này có sự khác biệt:

- Nếu tạo ác-nghiệp nói lời vô ích hội đủ 2 chi-pháp này thì ác-nghiệp nói lời vô ích ấy có nhiều năng lực, có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭi-sandhikāla) và có cơ hội cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại.

- Nếu tạo ác-nghiệp nói lời vô ích không hội đủ 2 chi-pháp này thì ác-nghiệp nói lời vô ích ấy có ít năng lực, không có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla), mà chỉ có cơ hội cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại.

Ác-nghiệp nói lời vô ích nặng hoặc nhẹ

Nếu người nào hằng ngày nói lời vô ích trở thành thói quen như các diễn viên hài; người viết chuyện vui cười, nhảm nhí, hoang đường, không có thật làm cho người nghe, người đọc say mê, làm mất lợi ích, v.v… thì người ấy tạo ác-nghiệp nói lời vô ích, tạo ác-nghiệp nặng.

Sau khi người ấy chết, nếu ác-nghiệp nói lời vô ích ấy có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭi-sandhikāla) thì sinh trong cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh).

Nếu người nào thỉnh thoảng, đôi khi vui đùa nói lời vô ích thì người ấy tạo ác-nghiệp nói lời vô ích nhẹ. Sau khi người ấy chết, ác-nghiệp nói lời vô ích ấy không có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭi-sandhikāla), nếu có cơ hội thì ác-nghiệp nói lời vô ích ấy chỉ cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavatti-kāla), kiếp hiện-tại.[6]

Quả xấu của ác-nghiệp nói lời vô ích

Nếu người nào đã tạo ác-nghiệp nói lời vô ích làm mất sự lợi ích cho những người khác, thì sau khi người

ấy chết, nếu ác-nghiệp nói lời vô ích ấy trong 11 bất-thiện-tâm (trừ si-tâm hợp với phóng tâm) có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) thì có suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau 1 trong 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), chịu quả khổ cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy mới thoát ra khỏi cõi ác-giới.

Sau khi thoát ra khỏi cõi ác-giới, * trường-hợp nếu có đại-thiện-nghiệp nào trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) thì có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau đầu thai làm người trong cõi người này.

* Và trường hợp, người nào tạo ác-nghiệp nói lời vô ích nhẹ. Sau khi người ấy chết, nếu ác-nghiệp nói lời vô ích nhẹ ấy không có cơ hội cho quả thì đại-thiện-nghiệp nào trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau đầu thai làm người trong cõi người này.

Cả 2 trường-hợp ấy, người ấy còn phải chịu 7 quả xấu của ác-nghiệp nói lời vô ích mà tiền-kiếp của người ấy đã tạo trong quá-khứ là:

Kiếp hiện-tại của người ấy:

1-Là người có nhiều người không tin lời nói của mình.

2-Là người có nhiều người không ưa thích.

3- Là người không được nhiều người kính trọng.

4- Là người không thể nói cho người khác tin theo.

5- Là người nghèo khổ.

6-Là người không có quyền lực.

7-Là người thiểu trí (ngu dốt).

Đó là 7 quả xấu của ác-nghiệp nói lời vô ích mà tiền-kiếp của người ấy đã tạo trong thời quá-khứ.

* Nói lời vô ích

Nói lời vô ích là nói những lời nói không đem lại sự lợi ích cho sự thực-hành pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ, không dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, không chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn, không diệt tận được tham-ái, phiền-não, không giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.

Trong kinh Sāmaññaphalasutta [7] Đức-Phật thuyết giảng có 32 chuyện không đem lại sự lợi ích cho sự giải thoát khổ gọi là tiracchānakathā, đó là:

1-Rājakathā: Nói chuyện về Đức-vua, Hoàng tộc, ...

2-Mahāmattakathā: Nói chuyện về các quan trong triều đình, trong chính-phủ.

3-Corakathā: Nói chuyện về bọn trộm cướp.

4-Senākathā: Nói chuyện về quân đội.

5- Bhayakathā: Nói chuyện về tai họa.

6- Yuddhakathā: Nói chuyện về chiến tranh.

7- Annakathā: Nói chuyện về vật thực: cơm, gạo, ...

8- Pānakathā: Nói chuyện về đồ uống.

9- Vatthakathā: Nói chuyện về vải, quần áo.

10- Mālākathā: Nói chuyện về các loại hoa, vòng hoa.

11- Sayanakathā: Nói chuyện về chỗ nằm, chỗ ở.

12-Ghandhakathā: Nói chuyện về mùi thơm, dầu thơm.

13-Ñātikathā: Nói chuyện về bà con, dòng họ.

14- Yānakathā: Nói chuyện về xe cộ.

15- Gāmakathā: Nói chuyện về xóm làng.

16- Nigamakathā: Nói chuyện về quận, huyện.

17- Nagarakathā: Nói chuyện về thành phố.

18-Janapadakathā: Nói chuyện về vùng quê.

19-Itthikathā: Nói chuyện về đàn bà.

20- Purisakathā: Nói chuyện về đàn ông.

21- Kumārakathā: Nói chuyện về những chàng trai.

22- Kumārīkathā: Nói chuyện về những cô gái.

23-Surakathā: Nói chuyện về sự can đảm.

24-Visikhākathā: Nói chuyện về đường xá.

25- Kumbaṭṭhānakathā: Nói chuyện về bến nước.

26- Pubbapetakathā: Nói chuyện về bà con đã qua đời.

27- Nānattakathā: Nói những chuyện nhảm nhí.

28- Lokakkhāyika: Nói chuyện về thế giới tạo thiên lập địa.

29- Samuddakkhāyika: Nói chuyện về đại dương.

30- Itibhavābhavakathā: Nói chuyện về kiếp nhỏ, kiếp lớn luân hồi.

31- Araññakathā: Nói chuyện về rừng.

32- Pabbatakathā: Nói chuyện về núi, ...

Đó là 32 chuyện nói lời vô ích không đem lại sự lợi ích cho người nghe, không làm duyên dẫn đến sự giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.

Tóm lại, khẩu ác-nghiệp ác-nghiệp phần nhiều được tạo bằng khẩu-môn nói ác còn gọi là khẩu hành-ác, có 4 loại ác-nghiệp:

- Ác-nghiệp nói-dối.

- Ác-nghiệp nói lời chia rẽ.

- Ác-nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc).

- Ác-nghiệp nói lời vô ích.

Khẩu ác-nghiệp này không chỉ được tạo bằng khẩu-môn nói ác, mà còn có thể tạo bằng thân-môn với hành vi cử chỉ ác, nhưng không gọi là thân ác-nghiệp, bởi vì 4 ác-nghiệp này phần nhiều được tạo bằng khẩu-môn hơn là thân-môn.

IV.1.3-Ý ác-nghiệp

Ý ác-nghiệp tác-ý tâm-sở đồng sinh với ác-tâm phát sinh bên trong ý-môn, chưa biểu hiện ra bên ngoài thân-môn hoặc khẩu-môn, còn gọi là ý-hành-ác (mano-ducaritta).

Ý ác-nghiệp có 3 loại ác-nghiệp:

- Ác-nghiệp tham-lam của cải, tài sản của người khác.

- Ác-nghiệp thù hận người khác.

- Ác-nghiệp tà-kiến, thấy sai chấp lầm.

1-Ác-nghiệp tham lam tài sản của người khác

Ý ác-nghiệp tham lam của cải, tài sản của người khác như thế nào?

Phàm phần đông hạng phàm-nhân, khi tiếp xúc với những đối-tượng tốt đáng vừa lòng như sắc đẹp, âm thanh hay, hương thơm, vị ngon, xúc êm ấm, pháp vừa lòng, thì thường phát sinh tham-tâm muốn các đối-tượng ấy thuộc về của mình.

Tham-tâm phát sinh đối với 2 hạng người:

- Hạng người nào nếu phát sinh tham-tâm muốn được thứ báu vật quý giá, … của người khác một cách hợp pháp, thì người ấy không tạo ý ác-nghiệp nghĩ tham lam của cải, tài sản của người khác.

- Hạng người nào nếu phát sinh tham-tâm muốn được thứ báu vật quý giá, … của người khác một cách bất hợp pháp, thì người ấy tạo ý ác-nghiệp nghĩ tham lam của cải, tài sản của người khác.

* Hạng người phát sinh tham-tâm muốn được của cải tài-sản của người khác một cách hợp pháp như thế nào?

Nếu người nào phát sinh tham-tâm muốn thứ báu vật quý giá nào của người khác thuộc về của mình, bằng cách mua lại, hoặc trao đổi, hoặc xin chủ nhân nhường lại, … bằng mọi cách làm cho chủ nhân của thứ báu vật quý giá ấy đồng ý ưng thuận trao thứ báu vật quý giá ấy cho mình, thì người ấy phát sinh tham-tâm muốn thứ báu vật quý giá của người khác một cách hợp pháp, người ấy không tạo ý ác-nghiệp tham lam của cải, tài sản của người khác.

* Hạng người phát sinh tham-tâm muốn được của cải tài-sản của người khác một cách không hợp pháp như thế nào?

Nếu người nào phát sinh tham-tâm muốn được thứ báu vật quý giá nào của người khác thuộc về của mình, bằng cách trộm-cắp, hoặc lừa đảo, hoặc dùng thế lực bắt buộc người chủ trao thứ báu vật quý giá ấy cho mình, thì người ấy phát sinh tham-tâm muốn món đồ quý giá của người khác một cách không hợp pháp, người ấy tạo ý ác-nghiệp tham lam của cải, tài sản của người khác.

Chi-pháp của ý ác-nghiệp tham lam tài sản của người khác

Để biết có tạo ác-nghiệp tham lam của cải, tài sản của người khác hay không, cần phải căn cứ vào 2 chi-pháp của ác-nghiệp tham lam của cải, tài sản của người khác như sau:

1- Parabhaṇḍaṃ: Của cải, tài sản của người khác.

2- Attanopariṇāmanaṃ: Tâm nghĩ tham lam muốn được của cải, tài sản ấy thuộc về của riêng mình một cách bất hợp pháp.

Nếu người nào hội đủ 2 chi-pháp của ác-nghiệp tham lam của cải, tài sản của người khác này, thì người ấy đã tạo ác-nghiệp tham lam của cải, tài sản của người khác hội đủ chi-pháp, nhưng nếu không hội đủ 2 chi-pháp này thì người ấy tạo ác-nghiệp tham lam của cải, tài sản của người khác không hội đủ chi-pháp.

Quả của 2 loại ác-nghiệp tham lam của cải, tài sản của người khác này có sự khác biệt:

-Nếu tạo ác-nghiệp tham lam của cải, tài sản của người khác hội đủ 2 chi-pháp này thì ác-nghiệp tham lam của cải, tài sản của người khác ấy có nhiều năng lực, có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) và có cơ hội cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại.

-Nếu tạo ác-nghiệp tham lam của cải, tài sản của người khác không hội đủ 2 chi-pháp này thì ác-nghiệp tham lam của cải, tài sản của người khác ấy có ít năng lực, không có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) mà chỉ có cơ hội cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại.

Chi-pháp parabhaṇḍaṃ: của cải, tài sản của người khác, có nghĩa rộng gồm có những thứ của cải, tài sản là những thứ vật dụng, thuộc về vật chất và tinh thần, các loài gia súc, gia cầm, con người, v.v… thuộc về của cải, tài sản có chủ.

Ngoài ra, nếu những thứ của cải, tài sản không thuộc về người chủ, chưa có chủ, thì không phải là chi-pháp parabhaṇḍaṃ này.

Ví dụ: Trong 20 hạng con gái, có 8 hạng con gái là con gái có mẹ trông nom, con gái có cha trông nom, con gái có cha mẹ trông nom, con gái có chị hoặc em gái trông nom, con gái có anh hoặc em trai trông nom, con gái có bà con trông nom, con gái có dòng họ trông nom, con gái hành phạm hạnh có thầy bạn trông nom. 8 hạng con gái này, tuy có người thân trông nom, bảo vệ, nhưng những người thân này không phải là chủ cuộc đời của 8 hạng con gái này, 8 hạng con gái này chưa có chồng, chưa có người đàn ông nào làm chủ cuộc đời của họ.

Cho nên, nếu người con trai nào phát sinh tham-tâm muốn lấy 1 trong 8 cô gái ấy làm vợ của mình một cách hợp pháp thì người con trai ấy không tạo ý ác-nghiệp tham lam người con gái của người khác.

Ác-nghiệp tham lam của cải của người khác nặng -nhẹ

- Nếu người nào phát sinh tham-tâm muốn chiếm đoạt của cải, tài sản của người có giới-đức thì người ấy đã tạo ý ác-nghiệp tham lam của cải tài sản của người khác nặng.

Sau khi người ấy chết, ý ác-nghiệp tham lam của cải tài-sản của người khác ấy trong 11 bất-thiện-tâm (trừ si-tâm hợp với phóng-tâm) có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) thì có suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp trong tham-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh trong loài ngạ-quỷ hoặc loài a-su-ra, chịu quả khổ cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy mới thoát ra khỏi cõi ác-giới.

- Nếu người nào phát sinh tham-tâm, muốn chiếm đoạt của cải, tài sản của người không có giới-đức thì người ấy đã tạo ý ác-nghiệp tham lam của cải tài-sản của người khác nhẹ. Sau khi người ấy chết, ác-nghiệp tham lam của cải tài-sản của người khác nhẹ ấy không có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭi-sandhikāla) mà có đại-thiện-nghiệp nào có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau đầu thai làm người thì người ấy sẽ là người nghèo khổ, thiếu thốn mọi nhu cầu cần thiết trong cuộc sống, ...

2-Ác-nghiệp thù hận người khác

Ý ác-nghiệp thù hận người khác như thế nào?

Người nào có tính hay giận dữ, không tiếp xúc thân mật với người khác, không thích gần gũi giúp đỡ, v.v… như vậy người ấy có sân-tâm bình thường, không phải là ý ác-nghiệp thù hận người khác.

Người nào phát sinh sân-tâm tìm cách phá hoại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc của người khác, rồi người ấy luôn luôn nghĩ tìm cách làm hại người khác. Đó là sân-tâm tạo ác-nghiệp thù hận người khác.

Chi-pháp của ác-nghiệp thù hận người khác

Để biết có tạo ác-nghiệp thù hận người khác hay không, cần phải căn cứ vào 2 chi-pháp của ác-nghiệp thù hận người khác:

1- Parasatto: Người khác.

2- Vināsacintā: Sân-tâm nghĩ tìm cách phá hoại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc của người khác.

Nếu người nào hội đủ 2 chi-pháp của ác-nghiệp thù hận người khác này, thì người ấy đã tạo ác-nghiệp thù hận người khác hội đủ chi-pháp, nhưng nếu không hội đủ 2 chi-pháp này, thì người ấy tạo ác-nghiệp thù hận người khác không hội đủ chi-pháp.

Quả của 2 loại ác-nghiệp thù hận người khác này có sự khác biệt:

- Nếu tạo ác-nghiệp thù hận người khác hội đủ 2 chi-pháp này thì ác-nghiệp thù hận người khác ấy có nhiều năng lực, có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) và có cơ hội cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại.

- Nếu tạo ác-nghiệp thù hận người khác không hội đủ 2 chi-pháp này thì ác-nghiệp thù hận người khác ấy có ít năng lực, không có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) mà chỉ có cơ hội cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại.

Người nào có ý ác-nghiệp thù hận người có giới-đức, sau khi người ấy chết, nếu ý ác-nghiệp thù hận người có giới-đức ấy trong 11 bất-thiện-tâm (trừ si-tâm hợp với phóng-tâm) có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau, suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp trong sân-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhi-citta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm chúng-sinh trong cõi địa-ngục, chịu quả khổ cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới thoát ra khỏi cõi ác-giới.

-Nếu người nào có ý ác-nghiệp thù hận người không có giới, thì sau khi người ấy chết, ý ác-nghiệp thù hận người khác nhẹ ấy không có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) mà có đại-thiện-nghiệp nào có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau đầu thai làm người thì người ấy sẽ là người có thân hình xấu xí, kỳ dị đáng ghê sợ, mọi người xa lánh.

3-Ác-nghiệp tà-kiến

Ý ác-nghiệp tà-kiến tác-ý tâm-sở đồng sinh với 4 tham-tâm hợp với tà-kiến thấy sai chấp lầm.

Tà-kiến đó là tâm-sở tà-kiến (diṭṭhicetasika) đồng sinh với 4 tham-tâm hợp với tà-kiến thấy sai chấp lầm.

Người có ý ác-nghiệp tà-kiến thấy sai, chấp lầm từ chủ-thể bên trong của mình đến các đối-tượng bên ngoài.

Tà-kiến có 2 loại là:

- Sakkāyadiṭṭhi: Tà-kiến chấp ngã trong ngũ-uẩn chấp-thủ.

- Niyatamicchādiṭṭhi: Tà-kiến cố-định chấp-thủ.

Ngũ-uẩn chấp-thủ có 5 uẩn là:

1- Sắc-uẩn chấp-thủ đó là 28 sắc-pháp thuộc về sắc-pháp.

2 -Thọ-uẩn chấp-thủ đó là thọ tâm-sở đồng sinh với 81 tam-giới-tâm

3- Tưởng-uẩn chấp-thủ đó là tưởng tâm-sở đồng sinh với 81 tam-giới-tâm .

4- Hành-uẩn chấp-thủ gồm có 50 tâm-sở (trừ thọ tâm-sở và tưởng tâm-sở) đồng sinh với 81 tam-giới-tâm.

5-Thức-uẩn chấp-thủ gồm có 81 tam-giới-tâm.

(Thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn thuộc về danh-uẩn).

Trong bộ Paṭisambhidāmagga, phần diṭṭhikathā trình bày tà-kiến chấp ngã trong ngũ-uẩn chấp-thủ có 20 loại.

3.1-Sakkāyadiṭṭhi: Tà-kiến chấp ngã trong ngũ-uẩn

Sakkāyadiṭṭhi: Tà-kiến chấp ngã trong ngũ-uẩn chấp-thủ cho là ta (ngã).

1-Tà-kiến chấp ngã trong sắc-uẩn chấp-thủ có 4 loại:

- Sắc-uẩn là ta.         -Ta có sắc-uẩn.

- Sắc-uẩn trong ta. -Ta trong sắc-uẩn.

2- Tà-kiến chấp ngã trong thọ-uẩn chấp-thủ có 4 loại:

- Thọ-uẩn là ta.         -Ta có thọ-uẩn.

- Thọ-uẩn trong ta. -Ta trong thọ-uẩn.

3- Tà-kiến chấp ngã trong tưởng-uẩn chấp-thủ có 4 loại:

- Tưởng-uẩn là ta.          -Ta có tưởng-uẩn.

- Tưởng-uẩn trong ta. -Ta trong tưởng-uẩn.

4- Tà-kiến chấp ngã trong hành-uẩn chấp-thủ có 4 loại:

- Hành-uẩn là ta.          -Ta có hành-uẩn.

- Hành-uẩn trong ta. -Ta trong hành-uẩn.

5- Tà-kiến chấp ngã trong thức-uẩn chấp-thủ có 4 loại:

- Thức-uẩn là ta.          -Ta có thức-uẩn.

- Thức-uẩn trong ta. -Ta trong thức-uẩn.

Đó là 20 loại tà-kiến chấp ngã trong ngũ-uẩn chấp-thủ: sắc-uẩn chấp-thủ, thọ-uẩn chấp-thủ, tưởng-uẩn chấp-thủ, hành-uẩn chấp-thủ, thức-uẩn chấp-thủ đối với tất cả các hàng chúng-sinh thuộc về hạng phàm-nhân (chưa phải bậc Thánh-nhân) trong tam-giới.

- Tất cả chúng-sinh có ngũ-uẩn trong 11 cõi dục-giới.

- Tất cả phạm-thiên có ngũ-uẩn trong 15 tầng trời sắc-giới phạm-thiên (trừ tầng trời sắc-giới phạm-thiên Vô-tưởng-thiên).

- Tất cả phạm-thiên có nhất-uẩn sắc-uẩn trong tầng trời sắc-giới phạm-thiên Vô-tưởng-thiên.

- Tất cả phạm-thiên có tứ-uẩn là thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn trong 4 tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên.

Sakkāyadiṭṭhi: Tà-kiến chấp ngã trong ngũ-uẩn chấp-thủ cho là ta này có ảnh hưởng thế nào đối với mọi chúng-sinh?

Tà-kiến chấp ngã trong ngũ-uẩn chấp-thủ cho là ta đó là tà-kiến tâm-sở đồng sinh với 4 tham-tâm hợp với tà-kiến.

Đối với tất cả mọi chúng-sinh còn là phàm nhân đều có loại sakkāyadiṭṭhi: tà-kiến chấp ngã trong ngũ-uẩn chấp-thủ cho là ta này. Sakkāyadiṭṭhi này không có ảnh hưởng, không có cản trở nào đối với những người tạo mọi phước-thiện như phước-thiện bố-thí, phước-thiện giữ-giới, phước-thiện hành-thiền, v.v…, cũng không cản trở đối với các hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định, không cản trở sự chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm, cũng không cản trở chứng đắc 5 phép-thần-thông thế-gian (lokiya abhiññā).

Cho nên, tà-kiến chấp ngã trong ngũ-uẩn chấp-thủ cho là ta không cản trở dục-giới thiện-nghiệp trong 8 dục-giới thiện-tâm cho quả tái-sinh kiếp sau trong 7 cõi thiện-dục-giới; không cản trở sắc-giới thiện-nghiệp trong 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên 16 tầng trời sắc-giới phạm-thiên; không cản trở vô-sắc-giới thiện-nghiệp trong 4 vô-sắc-giới thiện-tâm cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên 4 tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên.

Tà-kiến chấp ngã trong ngũ-uẩn cản trở pháp-hành thiền-tuệ

Sakkāyadiṭṭhi: Tà-kiến chấp ngã trong ngũ-uẩn chấp-thủ cho là ta, ngã này chỉ có cản trở đối với các hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ mà thôi, bởi vì đối-tượng thiền-tuệ ngũ-uẩn chấp-thủ: sắc-uẩn chấp-thủ, thọ-uẩn chấp-thủ, tưởng-uẩn chấp-thủ, hành-uẩn chấp-thủ, thức-uẩn chấp-thủ hoặc sắc-pháp, danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) có thật-tánh của các sắc-pháp, các danh-pháp rõ ràng đều là pháp-vô-ngã, không phải là ta, không phải là người, không phải là đàn ông, không phải là đàn bà, không phải là chúng-sinh,… nhưng tà-kiến chấp ngã trong ngũ-uẩn chấp-thủ cho là ta, là người, là đàn ông, là đàn bà, chúng-sinh, v.v… cho nên, tà-kiến chấp ngã trong ngũ-uẩn chấp-thủ làm cản trở đối với hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ.

* Tà-kiến chấp ngã trong ngũ-uẩn chấp-thủ

1- Tà-kiến thấy sai chấp lầm trong sắc-uẩn chấp-thủ cho là ta như thế nào?

Sắc-uẩn chấp-thủ đó là thân gồm có 28 sắc-pháp:

-Sắc-uẩn chấp-thủ trong thân của người nam gồm có 27 sắc-pháp (trừ sắc-nữ-tính).

-Sắc-uẩn chấp-thủ trong thân của người nữ gồm có 27 sắc-pháp (trừ sắc-nam-tính).

Ví dụ: Khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, …Đúng theo sự-thật của chân-nghĩa-pháp (paramatthasacca) thì chỉ có thân đi, thân đứng, thân ngồi, thân nằm mà thôi.

Thân thuộc về sắc-uẩn (sắc-pháp) nên gọi là sắc đi, sắc đứng, sắc ngồi, sắc nằm mà thôi.

-Nếu khi thân đi hoặc sắc đi thì tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi sắc đi cho là ta đi.

Ta đi vốn không có thật, sự-thật đúng theo chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) thì chỉ có sắc đi mà thôi.

Sở dĩ có sự thấy sai chấp lầm cho là ta đi là vì tà-kiến đồng sinh với 4 tham-tâm hợp với tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi sắc đi cho là ta đi.

Đúng theo thật-tánh của tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp đều là pháp-vô-ngã (anattā), không có ngã.

Như vậy, ngã (ta) vốn không có thật, nên không có phương pháp diệt ngã được.

Sở dĩ có sự chấp ngã là vì tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi sắc đi thuộc về sắc-uẩn đó là sắc-pháp cho là ta đi.

Như vậy, tà-kiến có thật nên chắc chắn có phương pháp diệt tà-kiến được.

Thật vậy, hành-giả thuộc về hạng người tam-nhân có giới-hạnh trong sạch trọn vẹn, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến phát sinh trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, danh-pháp tam-giới, thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, danh-pháp tam-giới; dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được 2 loại phiền-não là tà-kiến (diṭṭhi) trong 4 tham-tâm hợp với tà-kiến, và hoài-nghi (vicikicchā) trong si-tâm hợp với hoài-nghi không còn dư sót; trở thành bậc Thánh Nhập-lưu vĩnh viễn không còn tà-kiến thấy sai chấp lầm trong sắc-uẩn chấp-thủ (cùng với 4 danh-uẩn) cho ta, là ngã, đồng thời không còn thấy sai chấp lầm cho là người, là đàn ông, là đàn bà, là chúng-sinh nào nữa.

Cũng tương tự như vậy,

- Khi thân đứng hoặc sắc đứng, bậc Thánh Nhập-lưu không còn tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi sắc đứng cho là ta đứng nữa.

- Khi thân ngồi hoặc sắc ngồi, bậc Thánh Nhập-lưu không còn tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi sắc ngồi cho là ta ngồi nữa.

- Khi thân nằm hoặc sắc nằm, bậc Thánh Nhập-lưu không còn tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi sắc nằm cho là ta nằm nữa, …

2- Tà-kiến thấy sai chấp lầm trong thọ-uẩn chấp-thủ cho là ta như thế nào?

Thọ-uẩn chấp-thủ đó là thọ tâm-sở (vedanācetasika) đồng sinh với 81 tam-giới-tâm. Thọ tâm-sở có trạng-thái cảm thọ trong đối-tượng, có 3 loại thọ:

- Dukkhavedanā: Thọ khổ là cảm thọ khổ, khó chịu trong đối-tượng xấu.

- Sukhavedanā: Thọ lạc là cảm thọ lạc, dễ chịu trong đối-tượng tốt.

- Adukkhamasukhavedanā: Thọ không khổ không lạc là cảm thọ không khổ không lạc trong đối-tượng không xấu không tốt.

Ba loại thọ này là thọ-uẩn thuộc về danh-pháp.

- Nếu khi cảm thọ khổ (dukkhavedanā) thì tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi thọ khổ cho là ta khổ.

- Nếu khi cảm thọ lạc (sukhavedanā) thì tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi thọ lạc cho là ta an-lạc.

- Nếu khi cảm thọ không khổ không lạc (adukkha-masukhavedanā) thì tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi thọ không khổ không lạc cho là ta không khổ không lạc.

Ta khổ, ta an-lạc,… vốn không có thật, sự thật đúng theo chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) thì chỉ có thọ-uẩn cảm thọ mà thôi.

Sở dĩ có sự thấy sai chấp lầm cho là ta khổ, ta an-lạc,… là vì tà-kiến đồng sinh với 4 tham-tâm hợp với tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi thọ-uẩn chấp-thủ cho là ta khổ, ta an-lạc,…

Đúng theo thật-tánh của tất cả mọi danh-pháp đều là pháp-vô-ngã (anattā), không có ngã.

Như vậy, ngã vốn không có thật nên không có phương pháp diệt ngã được.

Sở dĩ có sự chấp ngã là vì tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi thọ-uẩn chấp-thủ thuộc về danh-pháp cho là ta khổ, ta an-lạc, …

Như vậy, tà-kiến có thật nên chắc chắn có phương pháp diệt tà-kiến được.

Thật vậy, hành-giả thuộc về hạng người tam-nhân có giới-hạnh trong sạch trọn vẹn, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến phát sinh trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, danh-pháp tam-giới, trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, danh-pháp tam-giới; dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được 2 loại phiền-não là tà-kiến (diṭṭhi) trong 4 tham-tâm hợp với tà-kiến, và hoài-nghi (vicikicchā) trong si-tâm hợp với hoài-nghi không còn dư sót; trở thành bậc Thánh Nhập-lưu vĩnh viễn không còn tà-kiến thấy sai chấp lầm trong thọ-uẩn chấp-thủ (cùng với 4 uẩn còn lại) cho ta, là ngã, đồng thời không còn thấy sai chấp lầm cho là người, là đàn ông, là đàn bà, là chúng-sinh nào nữa.

3- Tà-kiến thấy sai chấp lầm trong tưởng-uẩn chấp-thủ cho là ta như thế nào?

Tưởng-uẩn chấp-thủ đó là tưởng tâm-sở (saññā-cetasika) đồng sinh với 81 tam-giới-tâm.

Tưởng tâm-sở có trạng-thái tưởng nhớ trong 6 đối-tượng đó là:

- Rūpasaññā: Sắc tưởng là tưởng nhớ đối-tượng sắc.

-Saddasaññā: Tưởng thanh là tưởng nhớ đối-tượng âm-thanh.

-Gandhasaññā: Hương tưởng là tưởng nhớ đối-tượng hương.

-Rasasaññā: Vị tưởng là tưởng nhớ đối-tượng vị.

-Phoṭṭhabbasaññā: Xúc tưởng là tưởng nhớ đối-tượng xúc.

-Dhammasaññā: Pháp tưởng là tưởng nhớ đối-tượng các pháp.

Sáu loại tưởng này tưởng-uẩn thuộc về danh-pháp.

-Nếu khi tưởng nhớ đến đối-tượng sắc thì tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi sắc tưởng cho là ta tưởng sắc.

Ta tưởng sắc vốn không có thật, sự-thật đúng theo chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) thì chỉ có tưởng-uẩn mà thôi.

Sở dĩ có sự thấy sai chấp lầm cho là ta tưởng là vì tà-kiến đồng sinh với 4 tham-tâm hợp với tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi tưởng-uẩn chấp-thủ cho là ta tưởng.

Đúng theo thật-tánh của tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp đều là pháp-vô-ngã (anattā), không có ngã.

Như vậy, ngã vốn không có thật nên không có phương pháp diệt ngã được.

Sở dĩ có sự chấp ngã là vì tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi

tưởng-uẩn chấp-thủ thuộc về danh-pháp cho ta tưởng.

Như vậy, tà-kiến có thật, nên chắc chắn có phương pháp diệt tà-kiến được.

Thật vậy, hành-giả thuộc về hạng người tam-nhân có giới-hạnh trong sạch trọn vẹn, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến phát sinh trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, danh-pháp tam-giới, trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, danh-pháp tam-giới; dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được 2 loại phiền-não là tà-kiến (diṭṭhi) trong 4 tham-tâm hợp với tà-kiến, và hoài-nghi (vicikicchā) trong si-tâm hợp với hoài-nghi không còn dư sót; trở thành bậc Thánh Nhập-lưu vĩnh viễn không còn tà-kiến thấy sai chấp lầm trong tưởng-uẩn chấp-thủ (cùng với 4 uẩn còn lại) cho ta, là ngã, đồng thời không còn thấy sai chấp lầm cho là người, là đàn ông, là đàn bà, là chúng-sinh nào nữa.

4- Tà-kiến thấy sai chấp lầm trong hành-uẩn chấp-thủ cho là ta như thế nào?

Hành-uẩn chấp-thủ đó là 50 tâm-sở (cetasika) (trừ thọ tâm-sở và tưởng tâm-sở) đồng sinh với 81 tam-giới-tâm.

Trong 50 tâm-sở có tác-ý tâm-sở (cetanācetasika) dẫn đầu tạo thiện-nghiệp hoặc tạo ác-nghiệp.

- Nếu khi tạo thiện-nghiệp thì tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi hành-uẩn chấp-thủ cho là ta tạo thiện-nghiệp.

- Nếu khi tạo ác-nghiệp thì tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi hành-uẩn chấp-thủ cho là ta tạo ác-nghiệp.

Ta tạo thiện-nghiệp, ta tạo ác-nghiệp, … vốn không có thật, sự-thật đúng theo chân-nghĩa-pháp (paramattha-dhamma) thì chỉ có hành-uẩn tạo thiện-nghiệp, tạo ác-nghiệp mà thôi.

Sở dĩ có sự thấy sai chấp lầm cho là ta tạo thiện-nghiệp, ta tạo ác-nghiệp là vì tà-kiến đồng sinh với 4 tham-tâm hợp với tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi hành-uẩn chấp-thủ cho là ta tạo thiện-nghiệp, ta tạo ác-nghiệp, …

Đúng theo thật-tánh của tất cả mọi danh-pháp, mọi sắc-pháp đều là pháp-vô-ngã (anattā), không có ngã.

Như vậy, ngã vốn không có thật nên không có phương pháp diệt ngã được.

Sở dĩ có sự chấp ngã là vì tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi hành-uẩn chấp-thủ thuộc về danh-pháp cho là ta tạo thiện-nghiệp, ta tạo ác-nghiệp,…

Như vậy, tà-kiến có thật nên chắc chắn có phương pháp diệt tà-kiến được.

Thật vậy, hành-giả thuộc về hạng người tam-nhân có giới-hạnh trong sạch trọn vẹn, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến phát sinh trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, danh-pháp tam-giới, trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, danh-pháp tam-giới; dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được 2 loại phiền-não là tà-kiến (diṭṭhi) trong 4 tham-tâm hợp với tà-kiến, và hoài-nghi (vicikicchā) trong si-tâm hợp với hoài-nghi không còn dư sót; trở thành bậc Thánh Nhập-lưu vĩnh viễn không còn tà-kiến thấy sai chấp lầm trong hành-uẩn chấp-thủ (cùng với 4 uẩn còn lại) cho ta, là ngã, đồng thời không còn thấy sai chấp lầm cho là người, là đàn ông, là đàn bà, là chúng-sinh nào nữa.

5- Tà-kiến thấy sai chấp lầm trong thức-uẩn chấp-thủ cho là ta như thế nào?

Thức-uẩn chấp-thủ đó là 81 tam-giới-tâm chia ra 6 loại thức tâm:

- Cakkhuviññāṇa: Nhãn-thức-tâm có 2 tâm.

- Sotaviññāṇa: Nhĩ-thức-tâm có 2 tâm.

- Ghānaviññāṇa: Tỷ-thức-tâm có 2 tâm.

- Jivhāviññāṇa: Thiệt-thức-tâm có 2 tâm.

- Kāyaviññāṇa: Thân-thức-tâm có 2 tâm.

- Manoviññāṇa: Ý-thức-tâm có 71 tâm.

Sáu loại tâm này gọi là thức-uẩn thuộc về danh-pháp.

-Nếu khi nhãn-thức-tâm có phận sự thấy đối-tượng sắc thì tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi nhãn-thức-tâm cho là ta thấy sắc.

Ta thấy sắc vốn không có thật, sự-thật đúng theo chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) thì chỉ có nhãn-thức-tâm thấy sắc mà thôi, nhãn-thức-tâm thuộc về thức-uẩn.

Sở dĩ có sự thấy sai chấp lầm cho là ta thấy sắc là vì tà-kiến đồng sinh với 4 tham-tâm hợp với tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi nhãn-thức-tâm thuộc về thức-uẩn cho là ta thấy sắc.

Đúng theo thật-tánh của tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp đều là pháp-vô-ngã (anattā), không có ngã.

Như vậy, ngã vốn không có thật, nên không có phương pháp diệt ngã được.

Sở dĩ có sự chấp ngã là vì tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi nhãn-thức-tâm thuộc về thức-uẩn chấp-thủ thuộc về danh-pháp cho ta thấy sắc.

Như vậy, tà-kiến có thật nên chắc chắn có phương pháp diệt tà-kiến được.

Thật vậy, hành-giả thuộc về hạng người tam-nhân có giới-hạnh trong sạch trọn vẹn, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến phát sinh trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, danh-pháp tam-giới, trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, danh-pháp tam-giới; dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được 2 loại phiền-não là tà-kiến (diṭṭhi) trong 4 tham-tâm hợp với tà-kiến, và hoài-nghi (vicikicchā) trong si-tâm hợp với hoài-nghi không còn dư sót; trở thành bậc Thánh Nhập-lưu vĩnh viễn không còn tà-kiến thấy sai chấp lầm trong thức-uẩn chấp-thủ (cùng với 4 uẩn còn lại) cho ta, là ngã, đồng thời không còn thấy sai chấp lầm cho là người, là đàn ông, là đàn bà, là chúng-sinh nào nữa.

Cũng tương tự như vậy,

- Nếu khi nhĩ-thức-tâm nghe âm-thanh thì bậc Thánh Nhập-lưu không còn tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi nhĩ-thức-tâm cho là ta nghe âm-thanh nữa.

- Nếu khi tỷ-thức-tâm ngửi mùi hương thì bậc Thánh Nhập-lưu không còn tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi tỷ-thức-tâm cho là ta ngửi mùi hương nữa.

- Nếu khi thiệt-thức-tâm nếm vị thì bậc Thánh Nhập-lưu không còn tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi thiệt-thức-tâm cho là ta nếm vị nữa.

- Nếu khi thân-thức-tâm xúc-giác cứng mềm,… thì bậc Thánh Nhập-lưu không còn tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi thân-thức-tâm cho là ta xúc-giác cứng mềm nữa.

- Nếu khi ý-thức-tâm biết các pháp thì bậc Thánh Nhập-lưu không còn tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi ý-thức-tâm cho là ta biết các pháp nữa.

3.2-Niyatamicchādiṭṭhi: Tà-kiến cố-định là tà-kiến chấp-thủ cố-định, không thay đổi.

Tà-kiến cố-định có 3 loại:

- Natthikadiṭṭhi: Vô-quả tà-kiến.

- Ahetukadiṭṭhi: Vô-nhân tà-kiến.

- Akiriyadiṭṭhi: Vô-hành tà-kiến.

a- Vô-quả tà-kiến như thế nào?

Natthikadiṭṭhi: Vô-quả tà-kiến cố-định là tà kiến thấy sai chấp lầm cố-định, không thay đổi rằng: “Không có quả của nghiệp”.

Người có vô-quả tà-kiến cố-định này thấy sai chấp lầm rằng: “Không có quả khổ của ác-nghiệp cũng không có quả an-lạc của thiện-nghiệp. Người đã tạo ác-nghiệp hoặc đã tạo thiện-nghiệp rồi đều không có quả khổ của ác-nghiệp, cũng không có quả an-lạc của thiện-nghiệp.

Tất cả chúng-sinh chết rồi là hết, không có nghiệp nào cho quả tái-sinh kiếp sau.”

Người có vô-quả tà-kiến cố-định này còn gọi là đoạn-kiến (ucchedadiṭṭhi) chết là hết, không có kiếp sau.

Như trong bài kinh Sāmaññaphalasutta [8] vị Đạo-sư ngoại-đạo Ajitakesakambala có tà thuyết natthikadiṭṭhi: vô-quả tà-kiến cố-định thấy sai, chấp lầm rằng:“không có quả của nghiệp” như sau:

1- Natthi dinnaṃ: Tà-kiến thấy sai rằng: Phước-thiện bố-thí không có quả tốt, an-lạc.

2- Natthi yiṭṭhaṃ: Tà-kiến thấy sai rằng: Phước-thiện cúng dường không có quả tốt, an-lạc.

3- Natthi hutaṃ: Tà-kiến thấy sai rằng: Phước-thiện cúng dường, đón rước cũng không có quả tốt, an-lạc.

4- Natthi sukatadukkatānaṃ kammānaṃ phalaṃ vipākaṃ: Tà-kiến thấy sai rằng: Đã tạo thiện-nghiệp, ác-nghiệp rồi, không có quả an-lạc của thiện-nghiệp, không có quả khổ của ác-nghiệp.

5- Natthi ayaṃ loko: Tà-kiến thấy sai rằng: Không có cõi-giới này nghĩa là không có chúng-sinh tái-sinh đến cõi-giới này.

6- Natthi paro loko: Tà-kiến thấy sai rằng: Không có cõi-giới khác nghĩa là chúng-sinh chết rồi là hết, không có tái-sinh kiếp sau trong cõi-giới khác.

7- Natthi mātā: Tà-kiến thấy sai rằng: Tạo phước, tạo tội đối với mẹ của mình, không có quả tốt, quả xấu.

8- Natthi pitā: Tà-kiến thấy sai rằng: Tạo phước, tạo tội đối với cha của mình, không có quả tốt, quả xấu.

9- Natthi sattā opapātikā: Tà-kiến thấy sai rằng: Không có các loài chúng-sinh hóa-sinh to lớn ngay tức thì, như chư-thiên cõi dục-giới, chư phạm-thiên cõi sắc-giới, chúng-sinh địa-ngục, loài ngạ-quỷ, loài a-su-ra.

10- Natthi loke samaṇabrahmaṇā samaggatā sam- māpaṭipannā ye imañca lokaṃ parañca lokaṃ abhiññā sacchikatvā pavedenti: Tà-kiến thấy sai rằng: Trong đời này, không có các Sa-môn, Bà-la-môn thực-hành pháp-hành thiền-định dẫn đến chứng đắc các bậc thiền sắc-giới, các bậc thiền vô-sắc-giới, chứng đắc các phép-thần-thông; thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn, thấy rõ, biết rõ cõi-giới này, các cõi-giới khác.

Người có vô-quả tà-kiến cố-định này là người phủ nhận quả của ác-nghiệp, quả của thiện-nghiệp, cũng có nghĩa là phủ nhận nhân ác-nghiệp, thiện-nghiệp.

b- Vô-nhân tà-kiến như thế nào?

Ahetukadiṭṭhi: Vô-nhân tà-kiến cố-định là tà-kiến thấy sai chấp lầm cố-định, không thay đổi rằng: “Không có nhân là không có nghiệp.”

Người có vô-nhân tà-kiến cố-định thấy sai chấp lầm rằng: “Không có nghiệp sinh cho quả (janakahetu), cũng không có nghiệp hỗ trợ cho quả của nghiệp. Nghĩa là không có thiện-nghiệp cho quả an-lạc, không có ác-nghiệp cho quả khổ; cũng không có thiện-nghiệp hỗ trợ cho quả của nghiệp, không có ác-nghiệp hỗ trợ cho quả của nghiệp.”

Như vậy, người có vô-nhân tà-kiến cố-định thấy sai chấp lầm rằng: “Tất cả mọi chúng-sinh hiện hữu trong cõi đời này theo tự nhiên, không do quả của thiện-nghiệp, không do quả của ác-nghiệp nào cả. Tất cả mọi chúng-sinh bị ô nhiễm tự nhiên, đến thời kỳ được trong sạch thanh-tịnh tự nhiên. Cho nên, tất cả mọi chúng-sinh là người ác và người thiện; kẻ ngu và bậc trí, trải qua tử sinh luân-hồi nhiều đời nhiều kiếp, đến thời-kỳ nào đó cũng đều giải thoát khổ cả thảy.”

Như trong bài kinh Sāmaññaphalasutta [9] vị Đạo-sư ngoại đạo Makkhaligosāla có tà thuyết Ahetukadiṭṭhi: vô-nhân tà-kiến cố-định thấy sai, chấp lầm rằng: “Không có nhân là không có nghiệp” như sau:

- Không có nhân nào, không có duyên nào làm cho tất cả chúng-sinh bị ô nhiễm. Tất cả chúng-sinh bị ô nhiễm tự nhiên, không do nhân nào, duyên nào cả.

- Không có nhân nào, không có duyên nào làm cho tất cả chúng-sinh được trong sạch thanh-tịnh. Tất cả chúng-sinh được trong sạch thanh-tịnh tự nhiên, không do nhân nào, duyên nào cả.

- Không có nghiệp riêng của mình, không có nghiệp của người khác. Tất cả chúng-sinh sống tùy thuộc vào sự may, sự rủi, thọ khổ tự nhiên, thọ lạc tự nhiên.

- Tất cả chúng-sinh là người ác, người thiện; kẻ ngu, bậc trí, trải qua tử sinh luân-hồi nhiều đời nhiều kiếp, đến thời-kỳ nào đó cũng đều giải thoát khổ cả thảy.

Người có vô-nhân tà-kiến cố-định này là người phủ nhận nhân đó là thiện-nghiệp, ác-nghiệp, cũng có nghĩa là phủ nhận quả an-lạc của thiện-nghiệp, quả khổ của ác-nghiệp.

c- Vô-hành tà-kiến như thế nào?

Akiriyadiṭṭhi: Vô-hành tà-kiến cố-định là tà-kiến thấy sai chấp lầm cố-định, không thay đổi rằng: “Không có hành ác, không có hành thiện.”

Người có vô-hành tà-kiến cố-định thấy sai chấp lầm rằng: “Người tạo ác-nghiệp không có hành ác, người tạo thiện-nghiệp không có hành thiện. Hành chỉ là hành mà thôi, không có hành ác, không có hành thiện.”

Như trong bài kinh Sāmaññaphalasutta vị Đạo-sư ngoại đạo Puraṇakassapa có tà thuyết Akiriyadiṭṭhi: vô-hành tà-kiến cố-định thấy sai, chấp lầm rằng: “Không có hành ác, không có hành thiện” như sau:

* Tự mình hành ác, sai khiến hành ác đều không có hành ác như:

- Tự mình sát-sinh, sai khiến người khác sát-sinh đều không có hành ác sát-sinh.

- Tự mình trộm-cắp, sai khiến người khác trộm-cắp đều không có hành ác trộm-cắp, v.v…

- Tự mình bố-thí, khuyên dạy người khác bố-thí đều không có hành thiện bố-thí.

- Tự mình cúng-dường, khuyên dạy người khác cúng-dường đều không có hành thiện cúng-dường, v.v…

Người có vô-hành tà-kiến cố-định này là người phủ nhận nhân đó là thiện-nghiệp, ác-nghiệp, cũng có nghĩa là phủ nhận quả của thiện-nghiệp, quả của ác-nghiệp.

Ba loại tà-kiến cố-định này là ác-nghiệp cực kỳ nặng hơn 5 ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh A-ra-hán, làm bầm máu bàn chân của Đức-Phật và chia rẽ chư tỳ-khưu-Tăng; bởi vì, người có loại tà-kiến cố-định này hoàn toàn không tin nghiệp và quả của nghiệp của họ.

Tuy người ấy không tin nghiệp và quả của nghiệp, nhưng sự thật, người ấy đã tạo ác-nghiệp cực kỳ nặng, nên sau khi người ấy chết, chắc chắn ác-nghiệp tà-kiến cố-định ấy có quyền ưu tiên cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi đại-địa-ngục Avīci, phải chịu quả khổ thiêu đốt suốt thời gian lâu dài, không có hạn định.

* Tính chất của 3 ác-nghiệp tà-kiến cố-định

Trong tất cả mọi loại ác-nghiệp, chỉ có 3 loại ác-nghiệp tà-kiến chấp-thủ cố-định này là trọng-tội cực kỳ nặng mà thôi, không có ác-nghiệp nào tội nặng hơn 3 loại ác-nghiệp tà-kiến chấp-thủ cố-định này.

5 ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh A-ra-hán, làm bầm máu bàn chân của Đức-Phật và chia rẽ chư tỳ-khưu-Tăng, cũng không nặng bằng 3 loại ác-nghiệp tà-kiến chấp-thủ cố-định này, bởi vì người có ác-nghiệp tà-kiến chấp-thủ cố-định này hoàn toàn phủ nhận nghiệp và quả của nghiệp, hoàn toàn không tin nghiệp và quả của nghiệp.

Cho nên, họ không chịu lắng nghe lời giáo huấn của chư bậc thiện-trí, không thực-hành theo lời giáo huấn của chư bậc thiện-trí.

Tuy họ thường hành ác-nghiệp, nhưng họ không tin ác-nghiệp sẽ cho quả khổ trong kiếp hiện-tại lẫn nhiều kiếp vị-lai, nên họ không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, không biết ăn năn sám hối tội-lỗi của mình, nên không từ bỏ ác-nghiệp tà-kiến chấp-thủ cố-định này.

Cho nên, chính do tâm tà-kiến chấp-thủ cố-định này, nên họ càng ngày càng lún sâu vào tội-lỗi.

Người có ác-nghiệp tà-kiến chấp-thủ cố-định này, tuy họ không tin có kiếp sau nhưng sau khi họ chết, chắc chắn ác-nghiệp tà-kiến chấp-thủ cố-định có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp kế-tiếp (paṭisandhikāla) trong cõi đại-địa-ngục Avīci mà không có nghiệp nào có khả năng ngăn cản được, phải chịu quả khổ của ác-nghiệp tà-kiến chấp-thủ cố-định ấy suốt thời gian lâu dài trải qua nhiều đại-kiếp trái đất, không có thời hạn.

Người có ác-nghiệp tà-kiến cố-định chấp-thủ sống trong kiếp hiện-tại như thế nào?

Người có ác-nghiệp tà-kiến chấp-thủ cố-định là người hoàn toàn không tin nơi nghiệp và quả của nghiệp, nghĩa là không tin rằng:

“Ác-nghiệp cho quả khổ, còn thiện-nghiệp cho quả an-lạc trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai.”

Đối với người có ác-nghiệp tà-kiến chấp-thủ cố-định thì sự khổ hoặc sự an-lạc trong cuộc sống chỉ là điều rủi, điều may mà thôi. Cho nên, trong kiếp sống hiện-tại, nếu khi có cơ hội thì người ấy có thể tạo mọi ác-nghiệp, bởi vì họ hoàn toàn không tin rằng: “Làm ác là có tội, làm thiện là có phước, nghiệp là của riêng mình.”

Người ấy không dám làm ác, không phải là họ sợ tội-lỗi, mà họ sợ vi phạm pháp luật của nhà nước, họ sợ bị bắt phạt, bắt giam trong tù, hoặc e ngại người khác chê trách mà lánh xa họ.

Nếu nghề nào không phạm pháp, được nhà nước cho phép ví như làm nghề sát-sinh giết mổ gia súc, gia cầm để bán thịt thì người ấy hăng hái giết mổ các loài gia súc, các loài gia cầm bán thịt, cốt để thu được nhiều lợi, rồi họ nộp thuế cho nhà nước, sống hợp pháp.

Nếu xét về nghiệp thì người ấy đã tạo ác-nghiệp sát-sinh, thuộc về tà-nghiệp, sống tà-mạng kiếp hiện-tại.

Nếu người ấy là người giàu có thì tham gia vào những việc từ thiện, đem của cải, tài sản của mình giúp đỡ cứu trợ những người gặp cảnh thiên tai bão lụt, ... những người gặp hoạn nạn, những người tàn tật, nghèo khổ, … không phải có tác-ý tạo phước-thiện bố-thí (vì họ không tin phước), mà có lòng thương người, muốn giúp đỡ cứu trợ người trong cảnh khổ để được danh thơm tiếng tốt được mọi người biết đến họ trong kiếp hiện-tại này.

Tà-kiến (Micchādiṭṭhi)

Tà-kiến phát sinh do nhân nào?

Trong Chi-bộ-kinh, phần pháp 2 chi, Đức-Phật thuyết dạy tà-kiến (micchādiṭṭhi) phát sinh do 2 nhân-duyên:

“Dveme        Bhikkhave,        paccayā        micchādiṭṭhiyā uppādāya. Katame dve?

Parato ca ghoso, ayoniso ca manasikāro.

Ime    kho    bhikkhave,     dve    paccayā    micchādiṭṭhiyā uppādāya.”

- Này chư tỳ-khưu! Do 2 nhân-duyên làm phát sinh tà-kiến. Hai nhân-duyên ấy là gì?

1- Parato ca ghoso: Lắng nghe tà-pháp từ hạng người có tà-kiến.

2- Ayoniso ca manasikāro: Biết trong tâm với si-tâm không biết đúng 4 trạng-thái của các pháp hữu vi.

- Này chư tỳ-khưu! Do 2 nhân-duyên ấy làm phát sinh tà-kiến.

Giải Thích

Ayoniso ca manasikāro: Biết trong tâm với si-tâm không biết đúng 4 trạng-thái của tất cả sắc-pháp, danh-pháp tam-giới như sau:

* Sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái vô-thường (anicca) thì do si-tâm biết đảo ngược cho là thường (nicca).

* Sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái khổ (dukkha) thì do si-tâm biết đảo ngược cho là lạc (sukha).

* Sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái vô-ngã (anattā) thì do si-tâm biết đảo ngược cho là ngã (attā).

* Sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái bất-tịnh (asubha) thì do si-tâm biết đảo ngược cho là tịnh (subha).

Ayonisomanasikāra: Biết trong tâm với si-tâm biết đảo ngược 4 trạng-thái của tất cả sắc-pháp, danh-pháp tam-giới cho là thường, lạc, ngã, tịnh làm nhân-duyên phát sinh micchādiṭṭhi : tà-kiến, cũng làm nhân-duyên phát sinh vipallāsa: pháp-đảo-điên.

Vipallāsa: pháp-đảo-điên có 3 loại:

1- Diṭṭhivipallāsa: Tà-kiến đảo-điên thấy đảo ngược nơi sắc-pháp, danh-pháp cho là thường, lạc, ngã, tịnh.

2- Cittavipallāsa: Tâm đảo-điên biết đảo ngược nơi sắc-pháp, danh-pháp cho là thường, lạc, ngã, tịnh.

3- Saññāvipallāsa: Tưởng đảo-điên tưởng đảo ngược nơi sắc-pháp, danh-pháp cho là thường, lạc, ngã, tịnh.

Như vậy, pháp-đảo-điên có 3 loại, mà mỗi loại có 4 pháp, cho nên, gồm có 12 pháp-đảo-điên làm nhân-duyên phát sinh tà-kiến.

Giải thích nguồn gốc phát sinh mỗi ác-nghiệp

* Ba ác-nghiệp là ác-nghiệp tà-dâm, ác-nghiệp tham lam, ác-nghiệp tà-kiến, được phát sinh do từ gốc tham-tâm (lobhamūlacitta).

* Ba ác-nghiệp là ác-nghiệp sát-sinh, ác-nghiệp nói lời thô tục, ác-nghiệp thù hận, được phát sinh do từ gốc sân-tâm (dosamūlacitta).

* Bốn ác-nghiệp là ác-nghiệp trộm-cắp, ác-nghiệp nói-dối, ác-nghiệp nói lời chia rẽ, ác-nghiệp nói lời vô ích, được phát sinh khi thì do từ gốc tham-tâm, khi thì do từ gốc sân-tâm như sau:

- Ác-nghiệp trộm-cắp được phát sinh do từ gốc tham-tâm, nghĩa là trộm-cắp của cải, tài sản của người khác đem về làm của riêng mình.

- Ác-nghiệp trộm-cắp được phát sinh do từ gốc sân-tâm, nghĩa là trộm-cắp của cải, tài sản của người khác, không phải muốn lấy làm của riêng mình, mà chỉ để phá hoại của cải, tài sản của người ấy, bởi vì, người ấy là kẻ thù của mình.

- Ác-nghiệp nói-dối được phát sinh do từ gốc tham-tâm, nghĩa là nói-dối, lừa gạt người khác để có lợi cho mình.

- Ác-nghiệp nói-dối được phát sinh do từ gốc sân-tâm, nghĩa là nói-dối vu oan giá họa người ấy để làm khổ người ấy, bởi vì thù ghét người ấy.

- Ác-nghiệp nói lời chia rẽ được phát sinh do từ gốc tham-tâm, nghĩa là nói lời chia rẽ giữa người này với người kia, để muốn cho hai người ấy nghi kỵ lẫn nhau, rồi ghét bỏ xa lánh nhau, đồng thời để cho hai người ấy tin cậy nơi mình mà thương yêu mình.

- Ác-nghiệp nói lời chia rẽ được phát sinh do từ gốc sân-tâm, nghĩa là nói lời chia rẽ hai người thân nhau, để cho hai người ấy nghi kỵ lẫn nhau, rồi ghét bỏ nhau, chia rẽ nhau, bởi vì không muốn hai người ấy thân yêu với nhau, cốt để trả thù.

- Ác-nghiệp nói lời vô ích được phát sinh do từ gốc tham-tâm, nghĩa là nói lời vô ích, hoặc viết những câu chuyện hài hước, v.v… để vui cười, để đem lại sự lợi ích cho mình.

- Ác-nghiệp nói lời vô ích được phát sinh do từ gốc sân-tâm, nghĩa là nói lời vô ích, hoặc viết những câu chuyện hoang đường không có thật, có tác-ý làm cho người nghe, người đọc mất lợi ích, gây ra sự tai hại đến với họ.

Đó là ác-nghiệp riêng biệt được phát sinh trực tiếp từ gốc tham-tâm hoặc gốc sân-tâm. Còn 10 ác-nghiệp nói chung được phát sinh đều có gốc si-tâm trong mỗi ác-nghiệp ấy.

10 loại ác-nghiệp do thân, khẩu, ý

* Thân ác-nghiệp có 3 loại:

- Ác-nghiệp sát-sinh.

- Ác-nghiệp trộm-cắp.

- Ác-nghiệp tà-dâm.

* Khẩu ác-nghiệp có 4 loại:

- Ác-nghiệp nói-dối.

- Ác-nghiệp nói lời chia rẽ.

- Ác-nghiệp nói lời thô tục.

- Ác-nghiệp nói lời vô ích.

* Ý ác-nghiệp có 3 loại:

- Ác-nghiệp tham lam của cải, tài sản của người khác.

- Ác-nghiệp thù hận người khác.

- Ác-nghiệp tà-kiến thấy sai chấp lầm.

30 loại ác-nghiệp tính theo 3 thời-kỳ tác-ý

10 loại ác-nghiệp này nếu tính theo 3 thời-kỳ tác-ý thì có 30 loại ác-nghiệp như sau:

1- Pubbacetanā: Tác-ý ác-tâm phát sinh trước khi tạo 10 ác-nghiệp.

2- Muñcacetanā: Tác-ý ác-tâm phát sinh đang khi tạo 10 ác-nghiệp.

3- Aparacetanā: Tác-ý ác-tâm phát sinh sau khi đã tạo 10 ác-nghiệp.

Như vậy, 10 loại ác-nghiệp nhân với 3 thời-kỳ tác-ý ác-tâm thành 30 loại ác-nghiệp.

40 loại ác-nghiệp tính theo 4 hạng người

10 loại ác-nghiệp này tính theo 4 hạng người thì có 40 loại ác-nghiệp như sau:

1- Sāhatthikaduccarita: Tự mình tạo 10 ác-nghiệp.

2- Āṇattikaduccarita: Sai khiến người tạo 10 ác-nghiệp.

3- Vaṇṇabhāsanaduccarita: Tán dương ca tụng người tạo 10 ác-nghiệp.

4- Samanuññāduccarita: Tâm hài lòng hoan hỷ trong 10 ác-nghiệp.

Ví dụ: Tạo ác-nghiệp sát-sinh

1- Người tự mình sát hại chúng-sinh.

2- Sai khiến, ra lệnh người khác sát hại chúng-sinh.

3- Người tán dương ca tụng người sát hại chúng-sinh.

4- Người phát sinh ác-tâm hoan hỷ khi thấy, khi nghe người khác sát hại chúng-sinh.

Người tự mình sát hại chúng-sinh ấy, hoặc người sai khiến người khác sát hại chúng-sinh ấy, hoặc người tán dương ca tụng người sát hại chúng-sinh ấy, cả 3 hạng người ấy đã tạo ác-nghiệp sát-sinh hội đủ 5 chi-pháp.

Còn hạng người nào phát sinh ác-tâm hoan hỷ khi thấy, nghe người khác sát hại chúng-sinh ấy, người ấy cũng đã tạo ác-nghiệp sát-sinh không hội đủ chi-pháp.

Như vậy, 10 loại ác-nghiệp nhân với 4 hạng người thành 40 loại ác-nghiệp.

Quả của thân hành-ác và khẩu hành-ác

Trong kinh Duccaritavipākasutta [10] Đức-Phật thuyết dạy về quả của thân hành-ác và quả của khẩu hành-ác:

-Này chư tỳ-khưu! Người nào đã tạo ác-nghiệp sát-sinh, thường sát-sinh, sát-sinh nhiều, sau khi người ấy chết, ác-nghiệp sát-sinh ấy cho quả tái-sinh trong cõi địa-ngục, trong loài súc-sinh, trong loài ngạ-quỷ.

Nếu ác-nghiệp sát-sinh nhẹ không có khả năng cho quả tái-sinh kiếp sau (trong cõi ác-giới) mà do nhờ đại-thiện-nghiệp khác cho quả tái-sinh kiếp sau làm người, thì người ấy sẽ là người chết yểu.

- Này chư tỳ-khưu! Người nào đã tạo ác-nghiệp trộm-cắp, thường trộm-cắp, trộm-cắp nhiều, sau khi người ấy chết, ác-nghiệp trộm-cắp ấy cho quả tái-sinh trong cõi địa-ngục, trong loài súc-sinh, trong loài ngạ-quỷ.

Nếu ác-nghiệp trộm-cắp nhẹ không có khả năng cho quả tái-sinh kiếp sau (trong cõi ác-giới) mà do nhờ đại-thiện-nghiệp khác cho quả tái-sinh kiếp sau làm người, thì người ấy sẽ là người có của cải, tài sản bị khánh kiệt, nghèo khổ thiếu thốn.

- Này chư tỳ-khưu! Người nào đã tạo ác-nghiệp tà-dâm, thường tà-dâm, tà-dâm nhiều, sau khi người ấy chết, ác-nghiệp tà-dâm ấy cho quả tái-sinh trong cõi địa-ngục, trong loài súc-sinh, trong loài ngạ-quỷ.

Nếu ác-nghiệp tà-dâm nhẹ không có khả năng cho quả tái-sinh kiếp sau (trong cõi ác-giới) mà do nhờ đại-thiện-nghiệp khác cho quả tái-sinh kiếp sau làm người thì người ấy sẽ là người có nhiều người thù, có nhiều người oan trái.

- Này chư tỳ-khưu! Người nào đã tạo ác-nghiệp nói-dối, thường hay nói-dối, nói-dối nhiều lần, sau khi người ấy chết, ác-nghiệp nói-dối ấy cho quả tái-sinh trong cõi địa-ngục, trong loài súc-sinh, trong loài ngạ-quỷ.

Nếu ác-nghiệp nói-dối nhẹ không có khả năng cho quả tái-sinh kiếp sau (trong cõi ác-giới) mà do nhờ đại-thiện-nghiệp khác cho quả tái-sinh kiếp sau làm người thì người ấy sẽ là người thường bị vu oan giá họa với những điều không có thật.

- Này chư tỳ-khưu! Người nào đã tạo ác-nghiệp nói lời chia rẽ, thường hay nói lời chia rẽ, nói lời chia rẽ nhiều lần, sau khi người ấy chết, ác-nghiệp nói lời chia rẽ ấy cho quả tái-sinh trong cõi địa-ngục, trong loài súc-sinh, trong loài ngạ-quỷ.

Nếu ác-nghiệp nói lời chia rẽ nhẹ không có khả năng cho quả tái-sinh kiếp sau (trong cõi ác-giới) mà do nhờ đại-thiện-nghiệp khác cho quả tái-sinh kiếp sau làm người thì người ấy sẽ là người thường bị bạn bè xa lánh.

- Này chư tỳ-khưu! Người nào đã tạo ác-nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), thường hay nói lời thô tục, nói lời thô tục nhiều lần, sau khi người ấy chết, ác-nghiệp nói lời thô tục ấy cho quả tái-sinh trong cõi địa-ngục, trong loài súc-sinh, trong loài ngạ-quỷ.

Nếu ác-nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) nhẹ không có khả năng cho quả tái-sinh kiếp sau (trong cõi ác-giới) mà do nhờ đại-thiện-nghiệp khác cho quả tái-sinh kiếp sau làm người thì người ấy sẽ là người thường nghe những lời nói cay độc.

- Này chư tỳ-khưu! Người nào đã tạo ác-nghiệp nói lời vô ích, thường hay nói lời vô ích, nói lời vô ích nhiều lần, sau khi người ấy chết, ác-nghiệp nói lời vô ích ấy cho quả tái-sinh trong cõi địa-ngục, trong loài súc-sinh, trong loài ngạ-quỷ.

Nếu ác-nghiệp nói lời vô ích nhẹ không có khả năng cho quả tái-sinh kiếp sau (trong cõi ác-giới) mà do nhờ đại-thiện-nghiệp khác cho quả tái-sinh kiếp sau làm người thì người ấy sẽ là người nói điều gì cũng không ai tin tưởng, thường bị chống đối.

- Này chư tỳ-khưu! Người nào đã tạo ác-nghiệp uống rượu và các chất say, thường hay uống rượu và các chất say, uống rượu và các chất say nhiều lần, sau khi người ấy chết, ác-nghiệp uống rượu và các chất say ấy cho quả tái-sinh trong cõi địa-ngục, trong loài súc-sinh, trong loài ngạ-quỷ.

Nếu ác-nghiệp uống rượu và các chất say nhẹ không có khả năng cho quả tái-sinh kiếp sau (trong cõi ác-giới) mà do nhờ đại-thiện-nghiệp khác cho quả tái-sinh kiếp sau làm người thì người ấy sẽ là người điên loạn trí.

(Xong bài kinh Duccaritavipākasutta)

Ý ác-nghiệp có nhiều năng lực nhất

Trong 3 loại nghiệp: thân ác-nghiệp, khẩu ác-nghiệp ý ác-nghiệp này, thì ý ác-nghiệp có nhiều năng lực hơn thân ác-nghiệp khẩu ác-nghiệp.

Thật vậy, tìm hiểu bài kinh Upālisutta [11] được tóm lược như sau:

Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn đang ngự tại khu rừng xoài của phú hộ Pāvārika gần thành Nālandā. Khi ấy, vị đạo-sư Nigaṇṭha Nāṭaputta cùng nhóm đệ-tử trú tại xứ Nālandā. Một hôm, người đệ-tử của vị đạo-sư Nigaṇṭha Nāṭaputta tên là Dīghatapassī đi vào thành Nālandā khất thực, sau khi thọ thực xong, tu-sĩ Dīghatapassī đến hầu viếng Đức-Thế-Tôn tại khu vườn xoài của phú hộ Pāvārika. Sau khi thăm hỏi xong ngồi một nơi hợp lẽ, Đức-Thế-Tôn truyền hỏi tu-sĩ Dīghatapassī rằng:

-Này Tapassī! Vị Nigaṇṭha Nāṭaputta chế định nghiệp, tạo ác-nghiệp trở thành ác-nghiệp có bao nhiêu loại?

Tu-sĩ Dīghatapassī bạch rằng:

Dī: -Kính bạch Ngài Sa-môn Gotama, vị đạo-sư Nigaṇṭha Nāṭaputta không chế định nghiệp mà thường chế định “daṇḍa: hành hạ”.

ĐP: -Này Tapassī! Vị Nigaṇṭha Nāṭaputta chế định sự hành hạ trong việc tạo ác-nghiệp, trở thành ác-nghiệp có bao nhiêu loại?

Dī: -Kính bạch Ngài Sa-môn Gotama, vị đạo-sư Nigaṇṭha Nāṭaputta chế định sự hành hạ trong việc tạo ác-nghiệp, trở thành ác-nghiệp có 3 loại là:

- Kāyadaṇḍa: Sự hành hạ bằng thân.

- Vacīdaṇḍa: Sự hành hạ bằng khẩu.

- Manodaṇḍa: Sự hành hạ bằng ý.

ĐP: -Này Tapassī! Trong 3 loại hành hạ là sự hành hạ bằng thân, sự hành hạ bằng khẩu, sự hành hạ bằng ý; vị Nigaṇṭha Nāṭaputta đã chế định sự hành hạ nào có tội-ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác-nghiệp, trở thành ác-nghiệp?

Dī: -Kính bạch Ngài Sa-môn Gotama, trong 3 loại hành hạ khác nhau ấy, vị đạo-sư Nigaṇṭha Nāṭaputta đã chế định “loại hành hạ bằng thân (kāyadaṇḍa)” có tội-ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác-nghiệp, trở thành ác-nghiệp. Và chế định hành hạ bằng khẩu và hành hạ bằng ý không có tội-ác nghiêm trọng trong việc tạo ác-nghiệp, trở thành ác-nghiệp bằng sự hành hạ bằng thân. Bạch Ngài.

Đức-Phật đã hỏi lại 3 lần, vị tu-sĩ Dīghatapassī cũng khẳng định lại 3 lần như trước, rồi tu-sĩ Dīghatapassī bạch hỏi Đức-Phật rằng:

Dī: -Kính bạch Ngài Sa-môn Gotama, Ngài chế định “sự hành hạ (daṇḍa)” trong việc tạo ác-nghiệp trở thành ác-nghiệp có bao nhiêu loại? Bạch Ngài.

ĐP: -Này Tapassī! Như-Lai không chế định“sự hành hạ (daṇḍa)” mà thường chế định “nghiệp (kamma).”

Dī: -Kính bạch Ngài Sa-môn Gotama, Ngài chế định “nghiệp (kamma)” trong việc tạo ác-nghiệp, trở thành ác-nghiệp có bao nhiêu loại? Bạch Ngài.

ĐP: -Này Tapassī! Như-Lai chế định nghiệp (kamma) trong việc tạo ác-nghiệp, trở thành ác-nghiệp có 3 loại:

- Thân ác-nghiệp (kāya-akusalakamma).

- Khẩu ác-nghiệp (vacī-akusalakamma).

- Ý ác-nghiệp (mano-akusalakamma).

Dī: -Kính bạch Ngài Sa-môn Gotama, trong 3 loại ác-nghiệp là thân ác-nghiệp, khẩu ác-nghiệp, ý ác-nghiệp, Ngài đã chế định loại ác-nghiệp nào có tội-ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác-nghiệp, trở thành ác-nghiệp? Bạch Ngài.

ĐP: -Này Tapassī! Trong 3 loại ác-nghiệp khác nhau ấy, Như-Lai đã chế định loại ý ác-nghiệp có tội-ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác-nghiệp, trở thành ác-nghiệp, và chế định loại thân ác-nghiệp khẩu ác-nghiệp không có tội-ác nghiêm trọng trong việc tạo ác-nghiệp, trở thành ác-nghiệp bằng ý ác-nghiệp.

Tu-sĩ Dīghatapassī bạch hỏi lại Đức-Thế-Tôn 3 lần, Đức-Thế-Tôn cũng khẳng định lại 3 lần như trước, rồi tu-sĩ Dīghatapassī xin phép từ giã Đức-Thế-Tôn trở về gặp vị đạo-sư Nigaṇṭha Nāṭaputta.

Khi ấy, vị Đạo-sư Nigaṇṭha Nāṭaputta đang ngồi tại hội trường giữa nhóm đệ-tử tu-sĩ và cư-sĩ có ông phú hộ Upāli là người trưởng nhóm cư-sĩ.

Nhìn thấy Dīghatapassī từ xa trở về, vị đạo-sư Nigaṇṭha Nāṭaputta hỏi rằng:

Nig-Này Tapassī! Con từ đâu trở về lúc này vậy?

Tu-sĩ Dīghatapassī thưa rằng:

Dī: -Kính thưa Thầy, con từ nơi tu viện của Ngài Sa-môn Gotama trở về. Thưa Ngài.

Nig: -Này Tapassī! Con có đàm luận với Ngài Sa-môn Gotama về vấn đề gì hay không?

Dī: -Kính thưa Thầy, con có đàm luận với Ngài Sa-môn Gotama.

Vị tu-sĩ Dīghatapassī liền tường thuật đầy đủ cuộc đàm luận giữa y với Đức-Phật cho vị đạo-sư Nigaṇṭha Nāṭaputta nghe. Sau khi nghe xong, vị đạo-sư Nigaṇṭha Nāṭaputta tán dương ca tụng rằng:

-Này Tapassī! Những điều mà con đã trình bày với Ngài Sa-môn Gotama là đúng, con thật xứng đáng là một người đệ-tử tài giỏi hiểu rõ, biết rõ đúng theo lời dạy của thầy.

Thật ra, sự hành hạ bằng ý có đáng gì so với sự hành-hạ bằng thân. Sự thật, chỉ có sự hành hạ bằng thân mới có tội-ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác-nghiệp, trở thành ác-nghiệp mà thôi. Còn sự hành hạ bằng khẩu và sự hành hạ bằng ý không có tội-ác nghiêm trọng trong việc tạo ác-nghiệp, trở thành ác-nghiệp bằng sự hành hạ bằng thân đâu!

Phú hộ Upāli xin phép đi đấu trí với Đức-Phật

Khi nghe vị đạo-sư Nigaṇṭha Nāṭaputta dạy như vậy, Ông phú hộ Upāli liền kính thưa với vị đạo-sư Nigaṇṭha Nāṭaputta rằng:

- Kính thưa Thầy, vị Dīghatapassī đã trình bày đúng, tài giỏi thật! Những điều mà vị Dīghatapassī đã trình bày với Ngài Sa-môn Gotama đúng theo điều con đã nghe Thầy dạy. Vị Dīghatapassī là một người đệ-tử tài giỏi, hiểu rõ, biết rõ đúng theo lời dạy của Thầy.

Thật ra, sự hành hạ bằng ý quá nhẹ không đáng gì so với sự hành hạ bằng thân quá nặng. Sự thật, chỉ có sự hành hạ bằng thân mới có tội-ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác-nghiệp, trở thành ác-nghiệp mà thôi. Còn sự hành hạ bằng khẩu và sự hành hạ bằng ý không có tội-ác nghiêm trọng trong việc tạo ác-nghiệp, trở thành ác-nghiệp bằng sự hành hạ bằng thân đâu!

- Kính thưa Thầy, như vậy, con sẽ đi đến đấu trí về vấn đề này với Ngài Sa-môn Gotama.

Nếu Ngài Sa-môn Gotama vẫn khẳng định với con như đã khẳng định với vị Dīghatapassī như vậy, thì con sẽ hỏi vặn, hỏi vẹo, hỏi xuôi, hỏi ngược, hỏi qua, hỏi lại, bằng lời lẽ của con đối đáp lại lời lẽ của Ngài Sa-môn Gotama, ví như một người đàn ông khoẻ mạnh nắm bộ lông dài của con cừu non kéo qua kéo lại như vậy.

Con sẽ bắt bẻ, hỏi vặn vẹo bằng lời lẽ của con đối đáp lại lời lẽ của Ngài Sa-môn Gotama, ví như một người đàn ông khoẻ mạnh làm việc trong xưởng nấu rượu, nhúng cái vợt vớt rác xuống nồi rượu kéo qua kéo lại như vậy.

Con sẽ vặn, chà xát, bóp chặt bằng lời lẽ của con đối đáp lại lời lẽ của Ngài Sa-môn Gotama, ví như người đàn ông khoẻ mạnh là người nghiện rượu, cầm chén rượu nghiêng qua ngửa lại như vậy, v.v…

- Kính thưa Thầy, con xin đến gặp Ngài Sa-môn Gotama để đấu trí về vấn đề này bằng lời lẽ của con đối đáp lại với lời lẽ của Ngài Sa-môn Gotama.

Vị đạo-sư Nigaṇṭha Nāṭaputta động viên khuyến khích ông phú hộ Upāli rằng:

- Này ông phú hộ! Ngươi nên đi, ngươi là người nên đi đấu trí về vấn đề này bằng lời lẽ của ngươi đối đáp lại với lời lẽ của Ngài Sa-môn Gotama.

Khi nghe vị đạo-sư Nigaṇṭha Nāṭaputta động viên khuyến khích như vậy, vị tu-sĩ Dīghatapassī thưa với vị đạo-sư Nigaṇṭha Nāṭaputta rằng:

- Kính thưa Thầy, điều mà Thầy động viên khuyến khích ông phú hộ Upāli đến gặp Ngài Sa-môn Gotama để đấu trí bằng lời lẽ của mình đối đáp lại với lời lẽ của Ngài Sa-môn Gotama ấy, con không hài lòng chút nào, con không yên tâm chút nào, bởi vì Ngài Sa-môn Gotama là Bậc có nhiều xảo thuật kỳ-diệu, cho nên đã có nhiều người đệ-tử ngoại-đạo chịu bái phục, rồi xin làm đệ-tử của Ngài Sa-môn Gotama.

Vị đạo-sư Nigaṇṭha Nāṭaputta tin tưởng chắc chắn rằng điều đó không thể xảy ra đối với ông phú hộ Upāli, cho nên, vị đạo-sư quả quyết bảo rằng:

- Này Tapassī! Điều mà phú hộ Upāli sẽ trở thành đệ-tử của Ngài Sa-môn Gotama đó là điều không phải là nhân, không phải duyên có thể xảy ra được, nhưng ngược lại, điều mà Ngài Sa-môn Gotama khâm phục phú hộ Upāli, đó là điều có thể xảy ra được.

-Này ông phú hộ Upāli! Ngươi nên đi, ngươi là người nên đi đấu trí về vấn đề này bằng lời lẽ của ngươi đối đáp lại với lời lẽ của Ngài Sa-môn Gotama.

Tuy người đệ-tử Dīghatapassī khuyên can vị đạo-sư Nigaṇṭha Nāṭaputta không nên cho ông phú hộ Upāli đi đầu trí với Ngài Sa-môn Gotama đến 3 lần, nhưng vị đạo-sư Nigaṇṭha Nāṭaputta không quan tâm đến lời khuyên của người đệ-tử Dīghatapassī của mình, mà vẫn động viên khuyến khích ông phú hộ Upāli đi đấu trí về vấn đề ấy bằng lời lẽ của ông đối đáp lại với lời lẽ của Ngài Sa-môn Gotama.

Phú hộ Upāli đến gặp Đức-Phật

Được sự động viên khuyến khích của vị đạo-sư Nigaṇṭha Nāṭaputta, ông phú hộ Upāli lễ bái vị Đạo-sư Nigaṇṭha Nāṭaputta, rồi xin phép đi đến khu rừng xoài của ông phú hộ Pāvārika gặp Đức-Phật. Ông phú hộ Upāli cung-kính đảnh lễ Đức-Phật xong, ngồi một nơi hợp lẽ, bèn bạch hỏi Đức-Phật rằng:

- Kính bạch Ngài Sa-môn Gotama, vị tu-sĩ Dīgha-tapassī có đến nơi đây hay không? Bạch Ngài.

Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:

- Này phú hộ Upāli! Vị tu-sĩ Dīghatapassī có đến đây.

- Kính bạch Ngài Sa-môn Gotama, Ngài Sa-môn có đàm luận với vị tu-sĩ Dīghatapassī về vấn đề gì hay không? Bạch Ngài.

- Này phú hộ Upāli! Như-Lai có đàm đạo với vị tu-sĩ Dīghatapassī.

Đức-Thế-Tôn thuật lại cho ông phú hộ Upāli cuộc đàm luận giữa Ngài với vị tu sĩ Dīghatapassī.

Khi nghe Đức-Thế-Tôn thuật lại xong, ông phú hộ Upāli bèn bạch với Đức-Thế-Tôn rằng:

Upā: -Kính bạch Ngài Sa-môn Gotama, vị tu-sĩ Dīgha-tapassī thật là tài giỏi! Những điều mà vị tu-sĩ Dīghatapassī đã trình bày với Ngài Sa-môn là đúng như những điều mà tôi đã nghe, đã học hỏi từ vị đạo-sư Nigaṇṭha Nāṭaputta.

Vị tu-sĩ Dīghatapassī là một người đệ-tử tài giỏi đã hiểu rõ, biết rõ đúng theo lời dạy của vị đạo-sư Nigaṇṭha Nāṭaputta.

Thật ra, sự hành hạ bằng thân mới có nhiều năng lực nghiêm trọng nhất, còn sự hành hạ bằng ý có ít năng lực, không có tội đáng kể.

-Kính bạch Ngài Sa-môn Gotama, sự thật, chỉ có sự hành hạ bằng thân mới có tội-ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác-nghiệp, trở thành ác-nghiệp mà thôi. Còn sự hành hạ bằng khẩu sự hành hạ bằng ý không thể có tội-ác nghiêm trọng trong việc tạo ác-nghiệp, trở thành ác-nghiệp bằng sự hành hạ bằng thân đâu!

ĐP: -Này phú hộ Upāli! Nếu nhà ngươi quả quyết, khẳng định những điều đó là đúng thì Như-Lai và nhà ngươi sẽ đàm luận về vấn đề này.

Upā: -Kính bạch Ngài Sa-môn Gotama, con xin quả quyết, khẳng định những điều đó là đúng.

Vậy, con xin tranh luận với Ngài Sa-môn về vấn đề này.

Đức-Phật hỏi những câu hỏi

ĐP: -Này phú hộ Upāli! Nhà ngươi nhận thức thế nào về điều này:

“Trong đời này, người đệ-tử của Nigaṇṭha bị lâm bệnh nặng, đau khổ, bệnh trầm trọng, mà bệnh nhân ấy bị cấm không được uống nước lạnh, chỉ được phép uống nước nóng mà thôi. Bệnh nhân ấy đã bị chết vì không được uống nước lạnh.

- Này phú hộ Upāli! Vị Nigaṇṭha Nāṭaputta chế định sự tái-sinh kiếp sau của người đệ-tử của Nigaṇṭha ấy trong cõi-giới nào?

Upā: -Kính bạch Ngài Sa-môn Gotama, vị Nigaṇṭha Nāṭaputta chế định trong cõi chư-thiên có tên là cõi “Manosatta (chư-thiên có tâm dính mắc)” bởi vì trong lúc lâm chung, người đệ-tử Nigaṇṭha có tâm dính mắc trong cõi chư-thiên manosatta. Cho nên, sau khi người đệ-tử Nigaṇṭha bệnh chết, do tâm dính mắc trong cõi chư-thiên manosatta, nên tái-sinh kiếp sau trong cõi chư-thiên manosatta ấy.

ĐP: -Này phú hộ Upāli! Nhà ngươi nên suy xét kỹ, nên thận trọng trả lời, đừng để cho lời nói sau trái với lời nói trước, hoặc đừng để lời nói trước nghịch với lời nói sau.

- Này phú hộ Upāli! Chính nhà ngươi đã bạch với Như-Lai rằng: “Kính bạch Ngài Sa-môn Gotama, sự thật, chỉ có sự hành hạ bằng thân mới có tội-ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác-nghiệp, trở thành ác-nghiệp mà thôi. Còn sự hành hạ bằng khẩu sự hành hạ bằng ý không thể có tội-ác nghiêm trọng trong việc tạo ác-nghiệp, trở thành ác-nghiệp bằng sự hành hạ bằng thân đâu! Kính bạch Ngài Sa-môn Gotama, con xin quả quyết, khẳng định những điều đó là đúng.

Vậy, con xin tranh luận với Ngài Sa-môn về vấn đề này.”

Upā: -Kính bạch Đức-Thế-Tôn, Ngài đã thuyết dạy lời lẽ đúng sự thật. Mặc dù vậy, đối với con chỉ có sự hành hạ bằng thân này có tội-ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác-nghiệp, trở thành ác-nghiệp mà thôi.

Còn sự hành hạ bằng khẩu và sự hành hạ bằng ý không thể có tội-ác nghiêm trọng trong việc tạo ác-nghiệp, trở thành ác-nghiệp bằng sự hành hạ bằng thân.

ĐP: -Này phú hộ Upāli! Nhà ngươi nhận thức thế nào về điều này:

“Trong đời này, người đệ-tử Nigaṇṭha là người phải nên cẩn trọng 4 điều cấm:

- Hoàn toàn không được phép uống nước lạnh [12] (còn có nghĩa là tránh xa mọi tội-ác).

- Hoàn toàn không được làm các điều-ác.

- Phải diệt mọi tội-ác bằng cách tránh xa hoàn toàn hành-ác.

- Khi tiếp xúc, hoàn toàn không làm mọi tội-ác.”

Vậy, khi bước tới trước, khi bước lui lại sau, đạp nhằm những chúng-sinh (sinh vật) nhỏ bé bị chết.

- Này ông phú hộ Upāli, như vậy, vị Nigaṇṭha Nāṭa-putta chế định quả của nghiệp ấy như thế nào đối với người đệ-tử Nigaṇṭha ấy.

Upā:-Kính bạch Đức-Thế-Tôn, vị Nigaṇṭha Nāṭaputta không chế định nghiệp trong hành động không có tác-ý. Nếu không có tác-ý thì không có tội-ác nặng nào cả.

ĐP: -Này phú hộ Upāli! Nếu có tác-ý thì sao?

Upā: -Kính bạch Đức-Thế-Tôn, nếu có tác-ý thì có tội-ác nặng.

ĐP: -Này phú hộ Upāli! Vị Nigaṇṭha Nāṭaputta chế định khi hành động có tác-ý thì thuộc về loại daṇḍa (sự hành hạ) nào trong 3 loại hành hạ?

Upā:-Kính bạch Đức-Thế-Tôn, vị Nigaṇṭha Nāṭaputta chế định khi hành động có tác-ý thì thuộc về sự hành hạ bằng ý (manodaṇḍa).

ĐP: -Này phú hộ Upāli! Nhà ngươi nên suy xét kỹ, nên thận trọng trả lời, đừng để cho lời nói sau trái với lời nói trước, hoặc đừng để lời nói trước nghịch với lời nói sau.

-Này phú hộ Upāli! Chính nhà ngươi đã bạch với Như-Lai rằng: “Kính bạch Ngài Sa-môn Gotama, sự thật, chỉ có sự hành hạ bằng thân mới có tội-ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác-nghiệp, trở thành ác-nghiệp mà thôi. Còn sự hành hạ bằng khẩu sự hành hạ bằng ý không thể có tội-ác nghiêm trọng trong việc tạo ác-nghiệp, trở thành ác-nghiệp bằng sự hành hạ bằng thân đâu! Kính bạch Ngài Sa-môn Gotama, con xin quả quyết, khẳng định những điều đó là đúng.

Vậy, con xin tranh luận với Ngài Sa-môn về vấn đề này.”

Upā: -Kính bạch Đức-Thế-Tôn, Ngài đã thuyết dạy lời lẽ đúng sự thật. Mặc dù vậy, đối với con chỉ có sự hành hạ bằng thân này có tội-ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác-nghiệp, trở thành ác-nghiệp mà thôi.

Còn sự hành hạ bằng khẩu và sự hành hạ bằng ý không thể có tội-ác nghiêm trọng trong việc tạo ác-nghiệp, trở thành ác-nghiệp bằng sự hành hạ bằng thân.

ĐP: -Này phú hộ Upāli! Nhà ngươi nhận thức thế nào về điều này:

Thành-phố Nālandā là thành phố rất trù phú, rất phát triển, có nhiều loài chúng-sinh, có nhiều người đông đúc, có phải không?

Upā: -Kính bạch Đức-Thế-Tôn, đúng vậy! Thành phố Nālandā là thành phố rất trù phú, rất phát triển, có nhiều loài chúng-sinh, có nhiều người đông đúc. Bạch Ngài.

ĐP: -Này phú hộ Upāli! Nhà ngươi nhận thức thế nào về điều này:

Trong thành-phố Nālandā này, có một người đàn ông cầm dao rồi tuyên bố rằng: “Tôi sẽ làm thịt tất cả mọi loài chúng-sinh, mọi người và chúng-sinh hết thảy trong thành phố Nālandā này, rồi bằm nát gom lại thành một đống thịt to lớn chỉ trong một khoảnh khắc (sát-na), một chớp nhoáng mà thôi.”

-Này phú hộ Upāli! Nhà ngươi nhận thức thế nào? Người đàn ông ấy có thể làm thịt tất cả mọi loài chúng-sinh, mọi người và chúng-sinh hết thảy trong thành phố Nālandā này, rồi bằm nát gom lại thành một đống thịt to lớn chỉ trong một khoảnh khắc (sát-na), một chớp nhoáng được hay không?

Upā: -Kính bạch Đức-Thế-Tôn, dù có 10 người đàn ông, 20 người đàn ông, 30 người đàn ông, 40 người đàn ông, 50 người đàn ông hay nhiều người đàn ông hơn nữa cũng không thể làm thịt tất cả mọi loài chúng-sinh, mọi người và chúng-sinh hết thảy trong thành phố Nālandā này, rồi bằm nát gom lại thành một đống thịt to lớn chỉ trong một khoảnh khắc (sát-na), một chớp nhoáng, huống hồ chỉ có một người đàn ông thì làm sao mà làm nổi được! (chắc chắn là không làm được).

ĐP:-Này phú hộ Upāli! Nhà ngươi nhận thức thế nào? Một vị Sa-môn hoặc một vị Bà-la-môn có phép-thần-thông phi thường, là bậc thuần thục trong phép thần-thông. Đến thành phố Nālandā này, vị Sa-môn hoặc một vị Bà-la-môn ấy tuyên bố rằng:

“Ta sẽ làm cho thành-phố Nālandā này trở thành tro bụi với chỉ một sân-tâm phát sinh nghĩ tiêu diệt mà thôi.”

-Này phú hộ Upāli! Nhà ngươi nhận thức thế nào? Vị Sa-môn hoặc một vị Bà-la-môn ấy có phép-thần-

thông phi thường, là bậc thuần thục trong phép-thần-

thông, có thể làm cho thành phố Nālandā này trở thành tro bụi với chỉ một sân-tâm phát sinh nghĩ tiêu diệt được hay không?

Upā: -Kính bạch Đức-Thế-Tôn, dù có 10 thành phố, 20 thành phố, 30 thành phố, 40 thành phố, 50 thành phố như thành phố Nālandā này, vị Sa-môn hoặc một vị Bà-la-môn ấy có phép-thần-thông phi thường, là bậc thuần thục trong phép-thần-thông, cũng có thể làm cho những thành phố ấy trở thành tro bụi với chỉ một sân-tâm phát sinh nghĩ tiêu diệt, huống hồ chỉ có một thành-phố Nālandā này mà thôi, sao mà không trở thành tro bụi được! (chắc chắn trở thành tro bụi mà thôi). Bạch Ngài.

ĐP: -Này phú hộ Upāli! Nhà ngươi nên suy xét kỹ, nên thận trọng trả lời, đừng để cho lời nói sau trái với lời nói trước, hoặc đừng để lời nói trước nghịch với lời nói sau.

-Này phú hộ Upāli! Chính nhà ngươi đã bạch với Như-Lai rằng: “Kính bạch Ngài Sa-môn Gotama, sự thật, chỉ có sự hành hạ bằng thân mới có tội-ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác-nghiệp, trở thành ác-nghiệp mà thôi. Còn sự hành hạ bằng khẩu sự hành hạ bằng ý không thể có tội-ác nghiêm trọng trong việc tạo ác-nghiệp, trở thành ác-nghiệp bằng sự hành hạ bằng thân đâu! Kính bạch Ngài Sa-môn Gotama, con xin quả quyết, khẳng định những điều đó là đúng.

Vậy, con xin tranh luận với Ngài Sa-môn về vấn đề này.”

Upā: -Kính bạch Đức-Thế-Tôn, Ngài đã thuyết dạy lời lẽ đúng sự thật. Mặc dù vậy, đối với con chỉ có sự hành-tội bằng thân này có tội-ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác-nghiệp, trở thành ác-nghiệp mà thôi.

Còn sự hành hạ bằng khẩu và sự hành hạ bằng ý không thể có tội-ác nghiêm trọng trong việc tạo ác-nghiệp, trở thành ác-nghiệp bằng sự hành hạ bằng thân.

ĐP: -Này ông phú hộ Upāli, nhà ngươi nhận thức thế nào về điều này?

Khu rừng Daṇḍakī, khu rừng Kāliṅga, khu rừng Mejjha, khu rừng Mātaṅga, những khu rừng ấy trước khi trở thành khu rừng, nhà ngươi đã có nghe câu chuyện xảy ra như thế nào hay không?

Upā: -Kính bạch Đức-Thế-Tôn, đúng như vậy, khu rừng Daṇḍakī, khu rừng Kāliṅga, khu rừng Mejjha, khu rừng Mātaṅga, những khu rừng ấy trước khi trở thành khu rừng, con đã từng nghe câu chuyện xảy ra. Bạch Ngài.

ĐP: -Này ông phú hộ Upāli! Nhà ngươi đã từng nghe thế nào. Khu rừng Daṇḍakī, khu rừng Kāliṅga, khu rừng Mejjha, khu rừng Mātaṅga, những khu rừng ấy trước khi trở thành khu rừng.

Do nguyên nhân nào trở thành những khu rừng ấy?

Upā: -Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con đã từng nghe kể lại rằng:

Sở dĩ trở thành khu rừng Daṇḍakī, khu rừng Kāliṅga, khu rừng Mejjha, khu rừng Mātaṅga, là vì con người phát sinh ác-tâm làm khổ vị đạo-sĩ, làm hại vị đạo-sĩ, nên chư-thiên phát sinh sân-tâm nghĩ tiêu diệt con người, trở thành những khu rừng.

ĐP: -Này phú hộ Upāli! Nhà ngươi nên suy xét kỹ, nên thận trọng trả lời, đừng để cho lời nói sau trái với lời nói trước hoặc đừng để lời nói trước nghịch với lời nói sau.

-Này phú hộ Upāli! Chính nhà ngươi đã bạch với Như-Lai rằng: “Kính bạch Ngài Sa-môn Gotama, sự thật, chỉ có sự hành hạ bằng thân mới có tội-ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác-nghiệp, trở thành ác-nghiệp mà thôi. Còn sự hành hạ bằng khẩu sự hành hạ bằng ý không thể có tội-ác nghiêm trọng trong việc tạo ác-nghiệp, trở thành ác-nghiệp bằng sự hành hạ bằng thân đâu! Kính bạch Ngài Sa-môn Gotama, con xin quả quyết, khẳng định những điều đó là đúng.

Vậy, con xin tranh luận với Ngài Sa-môn về vấn đề này.”

Phú hộ Upāli kính xin thọ phép quy y

Upā: -Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con vô cùng hoan hỷ với lời giáo huấn của Đức-Thế-Tôn ngay điều ví dụ đầu tiên, nhưng con rất tha thiết muốn nghe tài ứng đáp lưu loát bằng nhiều cách, những ví dụ khác nhau vô cùng sâu sắc của Đức-Thế-Tôn. Do đó con đã làm ra vẻ như cứng đầu, khó dạy, đối lập với Đức-Thế-Tôn, thực ra trong tâm của con hết lòng tôn kính Đức-Thế-Tôn.

- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, lời giáo huấn của Ngài thật rõ ràng quá! Ví như lật ngửa ra vật bị che đậy, hoặc mở ra vật bị đóng chặt, hoặc chỉ đường cho người đang đi lạc đường, hoặc rọi đèn soi sáng vào nơi tăm tối để cho người có đôi mắt sáng được thấy rõ tất cả mọi vật hiện hữu như thế nào, Đức-Thế-Tôn đã thuyết giảng giáo pháp bằng nhiều cách cũng như thế ấy.

- Kính bạch Đức-Thế-Tôn,

* Con nguyện đem hết lòng thành kính xin quy-y nương nhờ nơi Đức-Thế-Tôn.

* Con nguyện đem hết lòng thành kính xin quy-y nương nhờ nơi Đức-Pháp.

* Con nguyện đem hết lòng thành kính xin quy-y nương nhờ nơi chư tỳ-khưu-Tăng.

Kính xin Đức-Thế-Tôn công nhận con là người cận-sự-nam đã thọ phép quy-y Tam-bảo kể từ nay cho đến trọn đời.

ĐP: -Này phú hộ Upāli! Con nên suy xét kỹ lưỡng chu đáo trước, rồi mới nói lên bằng lời, người có tiếng tăm như con càng phải nên đắn đo cân nhắc kỹ lưỡng, rồi mới nói nên bằng lời. Đó là điều hay.

Upā: -Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con vô cùng ngạc nhiên nghe Ngài khuyên dạy con rằng: “Này phú hộ Upāli, con nên suy xét kỹ lưỡng chu đáo trước rồi mới nói lên bằng lời, người có tiếng tăm như con càng phải nên đắn đo cân nhắc kỹ lưỡng, rồi mới nói nên bằng lời. Đó là điều hay.”

Với lời khuyên dạy của Đức-Thế-Tôn càng làm cho con vô cùng hoan hỷ, vô cùng tôn kính Ngài hơn nữa.

-Kính bạch Đức-Thế-Tôn, nhóm ngoại đạo được con là đệ-tử của họ, họ sẽ cầm cờ reo hò đi khắp thành-phố Nālandā này thông báo cho mọi người biết rằng:

“Từ nay, phú hộ Upāli là đệ-tử của chúng tôi.” Nhưng còn Đức-Thế-Tôn lại khuyên dạy con rằng: “Này phú hộ Upāli! Con nên suy xét kỹ lưỡng chu đáo trước, rồi mới nói lên bằng lời, người có tiếng tăm như con càng phải nên đắn đo cân nhắc kỹ lưỡng, rồi mới nói nên bằng lời. Đó là điều hay.”

-Kính bạch Đức-Thế-Tôn, một lần nữa,

* Con nguyện đem hết lòng thành kính xin quy-y nương nhờ nơi Đức-Thế-Tôn.

* Con nguyện đem hết lòng thành kính xin quy-y nương nhờ nơi Đức-Pháp.

* Con nguyện đem hết lòng thành kính xin quy-y nương nhờ nơi Chư Tỳ-khưu Tăng, lần thứ nhì.

Kính xin Đức-Thế-Tôn công nhận con là người cận-sự-nam đã thọ phép quy y Tam-bảo kể từ nay cho đến trọn đời.

ĐP: -Này phú hộ Upāli! Đã từ lâu, gia đình của con đã thường hộ độ, cúng dường các thứ vật dụng cho nhóm Nigaṇṭha, gia đình con như là một giếng nước đối với họ. Từ nay về sau, gia đình con cũng nên tiếp tục hộ độ, cúng dường họ, mỗi khi họ đến gia đình con.

Upā: -Kính bạch Đức-Thế-Tôn, một lần nữa, con vô cùng ngạc nhiên nghe Ngài khuyên dạy con rằng: “Đã từ lâu, gia đình của con đã thường hộ độ, cúng dường các thứ vật dụng cho nhóm Nigaṇṭha, gia đình con như là một giếng nước đối với họ. Từ nay về sau, gia đình con cũng nên tiếp tục hộ độ, cúng dường họ, mỗi khi họ đến gia đình con.”

Với lời khuyên dạy của Đức-Thế-Tôn càng làm cho con vô cùng hoan hỷ, vô cùng tôn kính Ngài hơn nữa.

- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con đã từng nghe rằng: “Ngài Sa-môn Gotama khuyên dạy rằng:

- Chỉ nên tạo phước-thiện bố-thí đến Như-Lai mà thôi, không nên tạo phước-thiện bố-thí đến các vị đạo-sư khác.

- Chỉ nên tạo phước-thiện bố-thí đến các hàng thanh-văn đệ-tử của Như-Lai mà thôi, không nên tạo phước-thiện bố-thí đến các hàng đệ-tử của các phái khác.

- Phước-thiện bố-thí mà thí chủ dâng cúng dường đến Như-Lai chắc chắn có quả báu nhiều, còn phước-thiện bố-thí mà thí chủ đã dâng cúng dường đến vị đạo-sư khác không có quả báu nhiều.

- Phước-thiện bố-thí mà thí chủ đã dâng cúng đến các hàng thanh-văn đệ-tử của Như-Lai mới có quả báu nhiều, còn phước-thiện bố-thí mà thí chủ đã dâng cúng đến các hàng đệ-tử của các phái khác không có quả báu nhiều.”

Nhưng sự thật, Đức-Thế-Tôn khuyên dạy con nên tiếp tục tạo phước-thiện bố-thí hộ độ, cúng dường cho nhóm Nigaṇṭha.

- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con sẽ biết tùy thời nên tạo phước-thiện bố-thí.

- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, một lần nữa,

* Con nguyện đem hết lòng thành kính xin quy-y nương nhờ nơi Đức-Thế-Tôn.

* Con nguyện đem hết lòng thành kính xin quy-y nương nhờ nơi Đức-Pháp.

* Con nguyện đem hết lòng thành kính xin quy-y nương nhờ nơi chư tỳ-khưu-Tăng, lần thứ ba.

Kính xin Đức-Thế-Tôn công nhận con là người cận-sự-nam đã thọ phép quy-y Tam-bảo kể từ nay cho đến trọn đời.

Phú hộ Upāli chứng đắc thành bậc Thánh Nhập-lưu

Tiếp theo, Đức-Thế-Tôn thuyết pháp Anupubbi-kathā để tế độ phú hộ Upāli, thuyết pháp theo tuần tự đó là: phước-thiện bố-thí, phước-thiện giữ-giới, các cõi giới của chư-thiên, tội-lỗi của 5 đối-tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc) làm cho tâm ô nhiễm, quả báu trong sự xa lánh 5 đối-tượng ấy.

Biết rõ tâm của phú hộ Upāli trong sáng dễ dạy, khi ấy, Đức-Thế-Tôn thuyết-pháp nâng đỡ tâm của phú hộ Upāli bằng pháp tứ-đế khổ-đế (ngũ-uẩn chấp-thủ), nhân sinh khổ-đế (tham-ái), diệt khổ-đế (Niết-bàn), pháp-hành dẫn đến diệt khổ-đế (bát-chánh-đạo).

Ví như tấm vải trắng sạch sẽ không còn chất dơ bẩn, nên dễ nhuộm thấm màu tốt đẹp như thế nào, do đại-thiện-tâm trong sạch của phú hộ Upāli làm nền tảng phát sinh pháp-nhãn (dhammacakkhu) trong sáng thanh-tịnh cũng như thế ấy, thấy rõ rằng:

“Tất cả các pháp nào trong tam-giới có trạng-thái-sinh, thì tất cả các pháp ấy đều có trạng-thái-diệt.”

Khi ấy, phú hộ Upāli đã phát sinh trí-tuệ-thiền-tuệ chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, đã biết rõ đúng theo chân-lý tứ Thánh-đế, đã thấu rõ, thông suốt chân-lý tứ Thánh-đế, nên đã diệt tận hoàn toàn mọi điều hoài-nghi nơi Đức-Phật, nơi Đức-Pháp, nơi Đức-Tăng, không còn hoài-nghi nào nữa, với trí-tuệ-thiền-tuệ siêu-tam-giới của mình đã thấy rõ, biết rõ đúng theo lời giáo huấn của Đức-Thế-Tôn, nên không còn tin nơi người nào khác nữa.

Phú hộ Upāli đã trở thành bậc Thánh Nhập-lưu trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama tại nơi ấy.

Phú hộ Upāli thành kính đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, rồi xin phép trở về nhà.

Tóm lại, trong 3 loại ác-nghiệp được phát sinh do nương nhờ nơi 3 môn đó là thân ác-nghiệp, khẩu ác-nghiệp, ý ác-nghiệp, thì ý ác-nghiệp là ác-nghiệp nặng hơn thân ác-nghiệp, khẩu ác-nghiệp.

Ác-nghiệp và quả của ác-nghiệp

* Quả của ác-nghiệp trong kiếp hiện-tại

Ác-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở (cetanācetasika) đồng sinh với 12 ác-tâm có cơ hội cho quả có 7 bất-thiện-quả vô-nhân-tâm tiếp xúc biết các đối-tượng xấu, không đáng hài lòng trong kiếp hiện-tại:

7 bất-thiện-quả vô-nhân-tâm

1-Nhãn-thức-tâm đồng sinh với thọ xả, là quả của ác-nghiệp, nhìn thấy đối-tượng sắc xấu, không đáng hài lòng.

2-Nhĩ-thức-tâm đồng sinh với thọ xả, là quả của ác-nghiệp, nghe đối-tượng âm-thanh dở, không đáng hài lòng.

3-Tỷ-thức-tâm đồng sinh với thọ xả, là quả của ác-nghiệp, ngửi đối-tượng hương mùi hôi, không đáng hài lòng.

4-Thiệt-thức-tâm đồng sinh với thọ xả, là quả của ác-nghiệp, nếm đối-tượng vị dở, không đáng hài lòng.

5-Thân-thức-tâm đồng sinh với thọ khổ, là quả của ác-nghiệp, xúc-giác đối-tượng xúc thô, không đáng hài lòng.

6-Tiếp-nhận-tâm đồng sinh với thọ xả, là quả của ác-nghiệp, tiếp nhận 5 đối-tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc) xấu, không đáng hài lòng.

7-Suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả, là quả của ác-nghiệp, suy xét 5 đối-tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc) xấu, không đáng hài lòng.

Paṭisandhikāla và Pavattikāla

Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) trong 12 bất-thiện-tâm (ác-tâm) cho quả trong 2 thời-kỳ:

- Paṭisandhikāla: thời-kỳ tái-sinh kiếp sau.

- Pavattikāla: thời-kỳ sau khi đã tái-sinh,kiếp hiện-tại.

1- Paṭisandhikāla: Thời-kỳ tái-sinh kiếp sau

Trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla), ác-nghiệp trong 11 bất-thiện-tâm (ác-tâm) (trừ si-tâm hợp với phóng-tâm[13]) cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) chỉ có 1 quả-tâm suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả thuộc về bất-thiện-quả vô-nhân-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh

kiếp sau (paṭisandhikicca) 1 sát-na-tâm 1 trong 4 cõi ác-giới là địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh.

* Nếu suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp trong tham-tâm có nhiều năng lực thì làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm loài ngạ-quỷ hoặc loài a-su-ra, 2 loài chúng-sinh này thường có tham-tâm thèm khát, …

* Nếu suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp trong sân-tâm có nhiều năng lực thì làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm chúng-sinh trong cõi địa-ngục, thường bị hành hạ đau khổ.

* Nếu suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp trong si-tâm có nhiều năng lực thì làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm loài súc-sinh có tính si-mê.

2- Pavattikāla: Thời-kỳ sau khi đã tái-sinh

Trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh, kiếp hiện-tại, tất cả ác-nghiệp trong 12 ác-tâm đều có khả năng cho quả là 7 bất-thiện-quả vô-nhân-tâm là quả của ác-nghiệp.

Bất-thiện-quả vô-nhân-tâm có 7 tâm:

1- Nhãn-thức-tâm đồng sinh với thọ xả, là quả của ác-nghiệp, nhìn thấy đối-tượng sắc xấu.

2- Nhĩ-thức-tâm đồng sinh với thọ xả, là quả của ác-nghiệp, nghe đối-tượng âm-thanh dở.

3- Tỷ-thức-tâm đồng sinh với thọ xả, là quả của ác-nghiệp, ngửi đối-tượng hương mùi hôi.

4- Thiệt-thức-tâm đồng sinh với thọ xả, là quả của ác-nghiệp, nếm đối-tượng vị dở.

5-Thân-thức-tâm đồng sinh với thọ khổ, là quả của ác-nghiệp, xúc-giác đối-tượng xúc thô.

6- Tiếp-nhận-tâm đồng sinh với thọ xả, là quả của ác-nghiệp, tiếp nhận 5 đối-tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc) xấu.

7- Suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả, là quả của ác-nghiệp, suy xét 5 đối-tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc) xấu.

7 bất-thiện-quả vô-nhân-tâm là quả của bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) trong 12 bất-thiện-tâm (ác-tâm), tiếp xúc biết các đối-tượng xấu trong cuộc sống kiếp hiện-tại của chúng-sinh ấy.

Trong 7 bất-thiện-quả vô-nhân-tâm ấy, suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả nào thuộc về bất-thiện-quả vô-nhân-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikicca) 1 sát-na-tâm rồi diệt; tiếp theo trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavatti-kāla), kiếp hiện-tại, chính suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả ấy lại trở thành hộ-kiếp-tâm (bhavaṅgacitta) làm phận sự giữ gìn kiếp chúng-sinh ấy cho đến mãn kiếp; rồi cuối cùng, cũng chính suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả ấy trở thành tử-tâm (cuticitta) làm phận sự chết, kết thúc kiếp hiện-tại của chúng-sinh ấy.

Ác-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau trong 4 cõi ác-giới.

* 4 cõi ác-giới:

1- Cõi địa-ngục (Niraya): chúng-sinh ở trong cõi địa-ngục thuộc về loại chúng-sinh hóa-sinh không có sự an-lạc, mà chỉ chịu quả khổ của ác-nghiệp, luôn luôn bị hành hạ đến chết rồi hóa-sinh trở lại như vậy mà thôi.

Cõi địa-ngục có 8 cõi đại-địa-ngục và 449 tiểu-địa-ngục, gồm có 457 cõi địa-ngục lớn nhỏ[14]

Người nào đã tạo ác-nghiệp nặng nào, sau khi người ấy chết, nếu ác-nghiệp nặng ấy có cơ hội cho quả thì tái-sinh kiếp sau trong cõi đại-địa-ngục chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy suốt thời gian lâu dài, cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy mới thoát ra khỏi cõi đại-địa-ngục này, rồi ác-nghiệp ấy lại còn cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi tiểu-địa-ngục khác. Rồi cứ như vậy, từ cõi tiểu-địa-ngục này đến cõi tiểu địa-ngục kia cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy.

Cho nên, chúng-sinh trong cõi địa-ngục không có tuổi thọ nhất định.

2- Cõi ngạ-quỷ (Peta): Loài ngạ-quỷ không có cõi riêng biệt, sống chung trong cõi người, nơi rừng núi, nơi nghĩa địa, v.v… Loài ngạ-quỷ thuộc về chúng-sinh hóa-sinh có thân hình rất vi-tế mà mắt thường của con người không thể nhìn thấy được, chỉ hành-giả nào có thiên-nhãn-thông mới có khả năng nhìn thấy loài ngạ-quỷ được mà thôi, hoặc nếu loài ngạ-quỷ biến hóa trở thành thân hình thô để cho con người nhìn thấy được.

Loài ngạ-quỷ có nhiều nhóm, mỗi nhóm có nhiều loài ngạ-quỷ khác nhau, có thân hình kỳ dị, ghê tởm, thường chịu cảnh đói khát, lạnh lẽo, v.v… [15]

Nếu loài ngạ-quỷ nào đến khi ác-nghiệp nhẹ dần thì loài ngạ-quỷ ấy hóa-sinh trở thành loài ngạ-quỷ có tên là paradattupajīvikapeta sống gần gũi loài người, chờ cơ hội hoan-hỷ phần phước-thiện bố-thí của thí-chủ.

Khi bà con thân quyến, hoặc các thí-chủ đã tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đến chư tỳ-khưu-Tăng (Saṃghadānakusala) xong, rồi hồi-hướng phần phước-thiện (pattidānakusala) ấy đến cho các loài ngạ-quỷ.

Nếu loài ngạ-quỷ nào hay biết có thân quyến hoặc thí-chủ hồi hướng phần phước-thiện bố-thí đến các loài ngạ-quỷ thì hiện đến, loài ngạ-quỷ ấy phát sinh đại-thiện-tâm trong sạch hoan-hỷ nói lên lời Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay! Ngạ-quỷ ấy hoan-hỷ nhận phần phước-thiện bố-thí ấy, ngay tức thì thoát khỏi kiếp loài ngạ-quỷ, hóa-sinh trở thành vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trên cõi trời dục-giới, hưởng mọi sự an-lạc trong cõi trời ấy.

Cho nên, loài ngạ-quỷ không có tuổi thọ nhất định.

3- Cõi A-su-ra (Asura): Loài a-su-ra là nhóm chúng-sinh sống khổ tâm, khổ thân, cuộc sống thiếu thốn. Loài a-su-ra thuộc về chúng-sinh hóa-sinh có thân hình rất vi-tế mà mắt thường của con người không thể nhìn thấy.

Loài A-su-ra có 3 loại:

1- Deva-a-su-ra: A-su-ra là chư-thiên.

2- Petti-a-su-ra: A-su-ra là loài ngạ-quỷ.

3- Niraya-a-su-ra: A-su-ra là chúng-sinh địa-ngục.

A-su-ra là chúng-sinh địa-ngục bị đói khát lần mò đi kiếm ăn, nếu khi chúng gặp nhau, tưởng là vật thực, nên 2 bên nhào đến cắn xé nhau ăn thịt lẫn nhau, 2 bên đều chết, rồi hóa-sinh trở lại loài a-su-ra.

Cho nên, loài a-su-ra không có tuổi thọ nhất định.

4-Loài súc-sinh (Tiracchāna): Loài súc-sinh gồm có các loài chúng-sinh lớn hoặc nhỏ khác nhau, không có cõi riêng biệt, sinh sống chung trong cõi người.

Loài súc-sinh được phân loại có 4 nhóm súc-sinh:

1- Apada tiracchāna: Nhóm loài súc-sinh không có chân như con rắn, con lươn, con cá, v.v…

2- Dvipada tiracchāna: Nhóm loài súc-sinh có 2 chân như con gà, con chim, v.v…

3- Catupada tiracchāna: Nhóm loài súc-sinh có 4 chân như con voi, con ngựa, con trâu, con bò, v.v…

4- Bahupada tiracchāna: Nhóm loài súc-sinh có nhiều chân như con rít, con cuốn chiếu, v.v…

Tuy nhiên, có số loài súc-sinh như con voi báu, ngựa báu, con chó, con mèo tinh khôn, v.v… được con người nuôi nấng, chăm sóc chu đáo.

Tuy những con súc vật quý báu ấy được sinh ra do quả của ác-nghiệp của chúng trong kiếp quá-khứ cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla), nhưng những con súc vật quý báu ấy được đại-thiện-nghiệp của chúng trong kiếp quá-khứ hỗ trợ cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại, nên con voi báu, con ngựa báu, con chó, con mèo tinh khôn ấy được các gia đình giàu sang phú quý nuôi nấng chăm sóc chu đáo.

Chúng-sinh trong cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh) đến khi mãn quả của ác-nghiệp của chúng-sinh ấy mới thoát khỏi cõi ác-giới, rồi tái-sinh kiếp sau trong cõi-giới khác tùy theo nghiệp và quả của nghiệp của chúng-sinh ấy như sau:

* Sau khi thoát khỏi cõi ác-giới, nếu đại-thiện-nghiệp nào có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau thì sinh làm người trong cõi người, hoặc hóa-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trên cõi trời dục-giới, hưởng mọi sự an-lạc trong cõi ấy.

* Sau khi thoát khỏi cõi ác-giới, ác-nghiệp nào có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong loài ngạ-quỷ sống gần gũi với loài người, trông mong những người bà con thân quyến, hoặc những thí-chủ khác làm phước-thiện, rồi hồi-hướng đến cho loài ngạ-quỷ, nếu loài ngạ-quỷ ấy hay biết hiện đến phát sinh đại-thiện-tâm hoan-hỷ nhận phần phước-thiện ấy thì loài ngạ-quỷ ấy được thoát khỏi kiếp ngạ-quỷ, liền hóa-sinh trở thành vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trên cõi trời dục-giới, hưởng mọi sự an-lạc.

Thật ra, các chúng-sinh trong 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh) chịu quả khổ cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy mới thoát ra cõi ác-giới ấy, để có đại-thiện-nghiệp nào có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trở lại làm người, đó thật là điều rất khó được.

Như Đức-Phật dạy rằng:

“Manussattabhāvo dullabho.”

Được sinh làm người là điều rất khó được.

Nay, chúng ta đã có diễm phúc được sinh làm người rồi, chúng ta nên biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi tránh xa mọi ác-nghiệp, cố gắng tinh-tấn tạo mọi thiện-nghiệp tùy theo khả năng của mình. Sau khi chết, đại-thiện-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-giới, làm người trong cõi người, hoặc hóa-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trên cõi trời dục-giới, hưởng mọi sự an-lạc trong cõi thiện-giới ấy.



[1] Xem phần giảng giải trong quyển “Vi-diệu-pháp hiện-thực trong cuộc sống” 8 tham-tâm trang 20, 2 sân-tâm trang 51, 2 si-tâm trang 59, cùng soạn giả.

[2] Nên tìm hiểu trong quyển “Vi-Diệu-Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống” cùng soạn giả.

[3] Xem đầy đủ trong bộ Nền-Tảng-Phật-Giáo, quyển III Pháp-Hành-Giớicùng soạn giả.

[4] Bộ Chú-giải Dhammapadaṭṭhakathā, Tích Jambukattheravatthu.

[5] Bộ Dhammapadaṭṭhakathā, Tich Jambukattheravatthu.

[6] Xem đầy đủ trong bộ Nền-Tảng-Phật-Giáo, quyển III Pháp-Hành-Giớiphần phạm điều-giới nói lời vô ích, cùng soạn giả.

[7] Dīghanikāya, Sīlakkhandhavagga. Kinh Sāmaññaphalasutta.

[8] Dī. Sīlakkhandhavagga, kinh Sāmaññaphalasutta.

[9] Dī. Sīlakkhandhavagga, kinh Sāmaññaphalasutta.

[10] Aṅguttaranikāya, Aṭṭhakanipāta, kinh Duccaritavipākasutta.

[11] Majjhimanikāya, Majjhimapaṇṇāsa, kinh Upālisutta.

[12] Bởi vì trong nước lạnh có sinh-vật.

[13] Ác-nghiệp trong si-tâm hợp với phóng-tâm có năng lực yếu không có khả năng cho quả tái-sinh kiếp sau, nhưng có khả năng cho quả sau khi đã tái-sinh.

[14] Tìm hiểu trong quyển “Vi-Diệu-Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống” phần cõi địa-ngục, trang 306, cùng soạn giả.

[15] Tìm hiểu trong quyển “Vi-Diệu-Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống” phần cõi ngạ-quỷ, trang 329, cùng soạn giả.


Mục lục quyển 4 | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08


Mục lục chính | Quyển 1 | Quyển 2 | Quyển 3 | Quyển 4 | Quyển 5 | Quyển 6 | Quyển 7 | Quyển 8 | Quyển 9 | Quyển 10


[Đầu trang][Mục lục tổng quát]