NỀN TẢNG PHẬT GIÁO
(MŪLABUDDHASĀSANA)
QUYỂN IV
NGHIỆP VÀ QUẢ CỦA NGHIỆP
(KAMMA-KAMMAPHALA)
“Kammassako’mhi kammadāyādo kammayoni kamma-bandhu kammappaṭisaraṇo, yaṃ kammaṃ karissāmi kalyāṇaṃ vā pāpakaṃ vā tassa dāyādo bhavissāmi.”[1]
Ta có nghiệp là của riêng ta, ta là người thừa hưởng quả của nghiệp, nghiệp là nhân sinh ra ta, nghiệp là bà con thân quyến của ta, nghiệp là nơi nương nhờ của ta; ta tạo nghiệp nào ‘thiện-nghiệp hoặc ác-nghiệp’ ta sẽ là người thừa hưởng quả an-lạc của thiện-nghiệp ấy hoặc quả khổ của ác-nghiệp ấy.
* Đức-Phật dạy về kamma: nghiệp rằng:
Kammassako’mhi: Ta có nghiệp là của riêng ta, nghĩa là ta đã tạo đại-thiện-nghiệp nào hoặc ác-nghiệp nào rồi, đại-thiện-nghiệp ấy hoặc ác-nghiệp ấy là của riêng ta, hoàn toàn không phải của chung với ai khác.
Thật ra, ngoài nghiệp của riêng ta ra, còn những thứ của cải tài sản, nhà cửa, đất đai nào trong đời không phải là của riêng ta thật sự, thậm chí ngay cả thân này, ta cũng không thể làm chủ được, huống hồ những thứ của cải tài sản bên ngoài thân này.
Tất cả của cải tài sản nhà cửa, đất đai, … đều là của chung, nếu người nào có quả của đại-thiện-nghiệp bố-thí nào tốt, thì người ấy tạm thời làm chủ tài sản nhà cửa, đất đai, …lâu hoặc mau tùy theo thời hạn cho quả của đại-thiện-nghiệp bố-thí ấy.
* Đức-Phật dạy về quả của nghiệp rằng:
“…tassa dāyādo bhavissāmi.” Ta sẽ là người thừa hưởng quả an-lạc của thiện-nghiệp ấy hoặc chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy, như là người thừa kế (dāyādo).
Đối với loài người trong cõi Nam-thiện-bộ-châu này, nếu chủ nhân nào có đại-thiện-nghiệp nào gặp thuận-duyên (sampatti) thì có cơ hội cho quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp ấy, nên chủ nhân ấy hưởng được mọi an-lạc của đại-thiện-nghiệp ấy của mình, như là người thừa kế (dāyādo) quả của đại-thiện-nghiệp ấy với thời gian lâu hoặc mau tùy theo quả của đại-thiện-nghiệp ấy.
Và nếu chủ-nhân nào có ác-nghiệp nào gặp nghịch-duyên (vipatti) thì có cơ hội cho quả khổ, nên chủ nhân ấy phải chịu quả khổ của ác-nghiệp của mình, như là người thừa kế (dāyādo) quả của ác-nghiệp ấy với thời gian lâu hoặc mau tùy theo quả của ác-nghiệp ấy.
-Mỗi chúng-sinh nói chung, mỗi người nói riêng, đều không có số-mệnh hoặc định-mệnh của mình, mà chỉ có nghiệp và quả của nghiệp của mình mà thôi.
Giả sử, nếu mỗi chúng-sinh có số-mệnh, có định-mệnh của mình thật sự, thì ai có khả năng định sẵn an bài số-mệnh, định-mệnh của mỗi chúng-sinh lớn và nhỏ trong bốn loài chúng-sinh, trong tam-giới gồm có 31 cõi-giới chúng-sinh này được???
Thật ra, nếu người nào tin nghiệp và quả của nghiệp của mình, thì người ấy chắc chắn không còn tin vào số-mệnh hoặc định-mệnh nào cả, bởi vì không có số-mệnh hoặc định-mệnh nào đã được an bài đối với mỗi chúng-sinh lớn nhỏ trong tam-giới.
Tính chất của mỗi đại-thiện-nghiệp, mỗi ác-nghiệp
- Sau khi chủ-nhân ấy chết, nếu đại-thiện-nghiệp ấy có cơ hội thì cho quả tái-sinh kiếp sau (kiếp thứ nhì) trong cõi thiện-dục-giới.
- Đại-thiện-nghiệp ấy nếu gặp thuận-duyên (sampatti) thì có cơ hội cho quả từ kiếp thứ 3 cho đến kiếp chót của bậc Thánh A-ra-hán, trước khi tịch diệt Niết-bàn.
- Mỗi ác-nghiệp ấy gặp nghịch-duyên (vipatti) thì có cơ hội cho quả xấu, quả khổ ngay trong kiếp hiện-tại (kiếp thứ nhất).
- Sau khi chủ-nhân ấy chết, nếu ác-nghiệp ấy có cơ hội thì cho quả tái-sinh kiếp sau (kiếp thứ nhì) trong cõi ác-giới.
- Ác-nghiệp ấy nếu gặp nghịch-duyên (vipatti) thì có cơ hội cho quả từ kiếp thứ 3 cho đến kiếp chót của bậc Thánh A-ra-hán, trước khi tịch diệt Niết-bàn.
Bậc thiện-trí có kammassakatā sammādiṭṭhi: chánh-kiến sở nghiệp, tin nghiệp và quả của nghiệp của mình, và tin nghiệp và quả của nghiệp của mỗi chúng-sinh, nên bậc thiện-trí nhận thức đúng đắn rằng:
“Không có sự bất công thật sự trong đời này.”
Bởi vì, kiếp hiện-tại của mỗi chúng-sinh nào đều bị chi phối do nghiệp và quả của nghiệp của mỗi chúng-sinh ấy. Tuy nhiên, nghiệp và quả của nghiệp có thời gian mãn nghiệp ấy, hoàn toàn không phải là định-mệnh hoặc số-mệnh đã được an bài đối với mỗi chúng-sinh.
Tất cả mọi người trong đời đều có quyền hoàn toàn chủ động tự lựa chọn tạo thiện-nghiệp nào theo khả năng của mình, và cũng có quyền hoàn toàn chủ động không tạo ác-nghiệp hoặc tạo ác-nghiệp theo khả năng của mình.
Nếu đã tạo nghiệp nào rồi, nghiệp ấy có cơ hội cho quả thì chủ-nhân của nghiệp ấy hoàn toàn bị động, không có quyền phủ nhận quả của nghiệp của mình, mà phải chấp nhận như là người thừa kế (dāyādo) quả của nghiệp ấy.
- Nếu ác-nghiệp nào gặp nghịch-duyên (vipatti) có cơ hội thì cho quả xấu, quả khổ của ác-nghiệp ấy, làm cho chủ nhân của ác-nghiệp ấy phải chịu bao nhiêu nỗi khổ trong cuộc sống.
- Nếu đại-thiện-nghiệp nào gặp thuận-duyên (sampatti) có cơ hội thì cho quả tốt, quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp ấy, làm cho chủ nhân của đại-thiện-nghiệp ấy được hưởng mọi sự an-lạc thuận lợi trong cuộc sống.
Người nào nghĩ rằng:
“Có sự bất công thật sự trong đời này.”
Bởi vì người ấy chỉ thấy, chỉ biết nghiệp trong kiếp hiện-tại mà thôi, họ không có kammassakatā sammā-diṭṭhi: chánh-kiến sở nghiệp, không tin nghiệp và quả của nghiệp của mình, và không tin nghiệp và quả của nghiệp của mỗi chúng-sinh.
Sự thật, nghiệp và quả của nghiệp là 1 trong 4 điều bất khả tư nghì mà Đức-Phật thuyết dạy trong bài kinh Acinteyyasutta [2] rằng:
- “Này chư tỳ-khưu! Có 4 điều bất-khả tư-nghì này không nên suy nghĩ, nếu người nào suy nghĩ thì người ấy sẽ trở thành người loạn trí, điên cuồng, làm khổ não. 4 điều bất khả tư nghì là:
1- Năng lực trí-tuệ phi thường của Đức-Phật đó là điều bất khả tư nghì, không nên suy nghĩ, nếu người nào suy nghĩ thì người ấy sẽ trở thành người loạn trí, điên cuồng, làm khổ não.
2- Năng lực phi thường của thiền-định, phép-thần-thông đó là điều bất khả tư nghì, không nên suy nghĩ, nếu người nào suy nghĩ thì người ấy sẽ trở thành người loạn trí, điên cuồng, làm khổ não.
3- Nghiệp và quả của nghiệp đó là điều bất khả tư nghì, không nên suy nghĩ, nếu người nào suy nghĩ thì người ấy sẽ trở thành người loạn trí, điên cuồng, làm khổ não.
4- Suy nghĩ về tạo nên cõi-giới này đó là điều bất khả tư nghì, không nên suy nghĩ, nếu người nào suy nghĩ thì người ấy sẽ trở thành người loạn trí, điên cuồng, làm khổ não.
- Này chư tỳ-khưu! 4 điều bất khả tư nghì này không nên suy nghĩ, nếu người nào suy nghĩ thì người ấy sẽ trở thành người loạn trí, điên cuồng, làm khổ não.”
Chỉ có Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ đặc biệt thấy rõ, biết rõ nghiệp và quả của nghiệp của mỗi chúng-sinh trong kiếp hiện-tại, vô số kiếp quá-khứ và vô số kiếp vị-lai mà thôi.
Ngoài Đức-Phật ra, các bậc Thánh thanh-văn đệ-tử đều không có khả năng thấy rõ, biết rõ nghiệp và quả của nghiệp của mình, và của chúng-sinh khác được.
Tuy nhiên, bộ Chú-giải Therāpadāna, Therī apadāna, chư Thánh A-ra-hán tự thuật lại tiền-kiếp hạn chế của mỗi Ngài đã từng tạo các đại-thiện-nghiệp gọi là các pháp-hạnh ba-la-mật từ thời-kỳ Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác trong thời quá-khứ cho đến kiếp hiện-tại trở thành bậc Thánh A-ra-hán trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama.
Iminā puññakammena, sukhī bhavāma sabbadā.
Ciraṃ tiṭṭhatu saddhammo, loke sattā sumaṅgalā.
Vietnam-raṭṭhikā sabbe ca, janā pappontu sāsane.
Vuḍḍhiṃ viruḷhivepullaṃ, patthayāmi nirantaraṃ.
Do nhờ phước-thiện thanh cao này,
Cho chúng con thường được an-lạc.
Cầu mong chánh-pháp được trường tồn,
Tất cả chúng-sinh được hạnh-phúc.
Dân tộc Việt Nam được phát triển,
Tiến hóa hưng thịnh trong Phật-giáo.
Bần sư cầu nguyện với tâm thành,
Hằng mong được thành tựu như nguyện.
Ciraṃ tiṭṭhatu saddhammo lokasmiṃ
Ciraṃ tiṭṭhatu saddhammo Vietnamraṭṭhasmiṃ.
Cầu nguyện chánh-pháp được trường tồn trên thế gian,
Cầu nguyện chánh-pháp được trường tồn trên Tổ-quốc Việt-Nam thân yêu.
PL. 2563 / DL. 2019
Rừng Núi Viên-Không
xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
Tỳ-khưu Hộ-Pháp
(Dhammarakkhita Bhikkhu)
(Aggamahāpaṇḍita)
- Vinayapiṭakapāḷi và Aṭṭhakathāpāḷi.
- Suttantapiṭakapāḷi và Aṭṭhakathāpāḷi.
- Abhidhannapiṭakapāḷi và Aṭṭhakathāpāḷi.
- Bộ Abhidhammatthasaṅgaha của Ngài Đại-Trưởng-Lão Anuruddha.
- Bộ Visuddhimagga và bộ Visuddhimaggamahāṭīkā.
- Toàn bộ Mahābuddhavaṃsa của Ngài Đại-Trưởng-Lão Vicittasārābhivaṃsa (Visiṭṭhatipiṭakadhara, Mahātipiṭakakovida, Dhammabhaṇdāgārika).
-Toàn bộ sách giáo khoa “Paramatthajotika” của Ngài Đại-Trưởng-Lão Saddhammajotika.
- Toàn bộ sách Ledi của Ngài Đại-Trưởng-Lão Ledi Sayadaw, v.v...
[1] Aṅg. phần Pañcakanipāta, kinh Abhiṇhapaccavekkhitabbaṭhānasutta.
[2] Aṅguttaranikāya, phần Catukkanipātapāḷi, kinh Acinteyyasutta.
Mục lục quyển 4 | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08
Mục lục chính | Quyển 1 | Quyển 2 | Quyển 3 | Quyển 4 | Quyển 5 | Quyển 6 | Quyển 7 | Quyển 8 | Quyển 9 | Quyển 10