NỀN TẢNG PHẬT GIÁO
(MŪLABUDDHASĀSANA)
QUYỂN VII
PHÁP-HẠNH BA-LA-MẬT 2
(PĀRAMĪ)
Đức-Bồ-Tát Mahosadhapaṇḍita Trốn Đi Lánh Nạn
Dân chúng trong kinh-thành Mithilā xôn xao bàn tán về việc Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita đã trốn đi ra khỏi kinh-thành Mithilā để lánh nạn.
-Bốn vị quân-sư chúng tôi cũng đều là bậc thiện-trí. Vậy, xin quý vị hãy an tâm.
Biết chắc Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita không còn ở trong tư dinh, nên bốn vị quân-sư không ai nói cho ai biết, mỗi vị tự mình âm thầm lén lút đem những món quà quý giá đến biếu bà Amarā, phu-nhân của Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita, để chiếm lấy tình cảm của bà Amarā, trong lúc Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita không có trong tư dinh.
Bốn Vị Quân-Sư Bị Mắc Mưu Kế
Đây là cơ hội tốt để bà minh oan cho Đức phu-quân. Bà hoan hỷ nhận đủ bốn món quà quý giá của bốn vị quân-sư đem đến biếu, rồi Bà Amarā kính mời bốn vị quân-sư cùng đến gặp Bà trong cùng một đêm, nhưng đặc biệt, Bà hẹn mỗi vị quân-sư đến khác giờ rằng:
- Kính thưa quân-sư, tiện nữ kính mời quân-sư nhớ đến vào đúng đêm ấy và đúng vào giờ ấy. Kính xin quân-sư đến đúng hẹn.
Bà Amarā nghĩ rằng: “Ta sẽ làm cho bốn vị quân-sư si mê này phải xấu hổ giữa triều đình.”
Khi mở chốt, nếu người nào bước lên tấm ván thì người ấy sẽ rơi xuống hầm phẩn và nước tiểu, rồi nắp hầm tự động đậy trở lại như trước. Trên nắp hầm, Bà lót một tấm thảm xinh đẹp để ngụy trang.
Trong căn phòng được trang hoàng kết hoa rất xinh đẹp đáng hài lòng, mọi công việc đều được bí mật hoàn thành tốt đẹp.
* Vào đêm hôm hẹn ấy, vị quân-sư Senaka ăn uống no say, trang phục nghiêm trang. Đúng theo giờ mà Bà Amarā đã hẹn, vị quân-sư Senaka đến đứng trước cửa tư dinh của Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita, bảo người lính gác cửa vào báo cho bà Amarā biết vị quân-sư Senaka đã đến.
Biết vị quân-sư Senaka đến, bà Amarā cho mời vào, ông ta đi vào đứng gần bà. Bà Amarā niềm nở đón tiếp rồi thưa với vị quân-sư Senaka rằng:
- Thưa quân-sư, đêm nay tiện nữ sẽ thuộc về quân-sư rồi. Kính mời quân-sư vào phòng tắm nước hoa trước.
* Cũng vào đêm hôm hẹn ấy, đúng theo giờ mà bà Amarā đã hẹn, vị quân-sư Pukkusa đến đứng trước cửa tư dinh của Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita, bảo người lính gác cửa vào báo cho bà Amarā biết vị quân-sư Pukkusa đã đến.
Biết vị quân-sư Pukkusa đến, bà Amarā cho mời vào, ông ta đi vào đứng gần bà. Bà Amarā niềm nở đón tiếp rồi thưa với ông giống như vị quân-sư Senaka.
Nghe lời mời ngon ngọt của bà Amarā, vị quân-sư Pukkusa ngoan ngoãn vâng lời vào phòng tắm, đạp lên tấm thảm xinh đẹp thì nắp hầm hạ xuống làm cho ông ta rơi xuống hầm phẩn và nước tiểu, đụng phải cái đầu của vị quân-sư Senaka, ông hoảng hốt la lên rằng:
- Ngươi là người hay hàng phi nhân, đáng kinh sợ quá!
- Ta là quân-sư Senaka đây! Còn ngươi là ai vậy?
- Thưa quân-sư Senaka, tôi là quân-sư Pukkusa.
* Cũng vào đêm hôm hẹn ấy, đúng theo giờ mà bà Amarā đã hẹn, vị quân-sư Kāminda đến đứng trước cửa tư dinh của Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita, bảo người lính gác cửa vào báo cho bà Amarā biết vị quân-sư Kāminda đã đến.
Biết vị quân-sư Kāminda đến, bà Amarā cho mời vào, ông ta đi vào đứng gần bà. Bà Amarā niềm nở đón tiếp rồi thưa với ông giống như hai vị quân-sư trước.
-Các ngươi là người hay các hàng phi nhân, đáng kinh sợ quá!
- Chúng ta là quân-sư Senaka và quân-sư Pukkusa đây, còn ngươi là ai vậy?
- Thưa hai vị quân-sư, tôi là quân-sư Kāminda.
* Cũng vào đêm hôm hẹn ấy, đúng theo giờ mà bà Amarā đã hẹn, vị quân-sư Devinda đến đứng trước cửa tư dinh của Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita, bảo người lính gác cửa vào báo cho bà Amarā biết vị quân-sư Devinda đã đến.
Nghe lời mời ngon ngọt của bà Amarā, vị quân-sư Devinda ngoan ngoãn vâng lời vào phòng tắm, đạp lên tấm thảm xinh đẹp thì nắp hầm hạ xuống làm cho ông ta rơi xuống hầm phẩn và nước tiểu, đụng phải ba cái đầu của ba vi quân sư, ông hoảng hốt la lên rằng:
-Các ngươi là người hay các hàng phi nhân, đáng kinh sợ quá!
- Chúng ta là quân-sư Senaka, quân-sư Pukkusa và quân-sư Kāminda đây, còn ngươi là ai vậy?
- Thưa ba vị quân-sư, tôi là quân-sư Devinda.
Bốn vị quân-sư đứng chịu trận dưới hầm phẩn và nước tiểu tối tăm, nắp hầm kiên cố, chịu ngửi mùi hôi thối kinh khủng như vậy. Ba vị quân-sư thưa với vị quân-sư Senaka rằng:
- Thưa quân-sư, bây giờ chúng ta có cách nào để thoát ra khỏi hầm phẩn và nước tiểu hôi thối, tối tăm kinh khủng này không?
- Chúng ta đều là những hạng người khốn nạn, đê hèn, rồi còn phải chịu bao nỗi xấu hổ khác hơn thế nữa!
Sáng ngày hôm sau, bà Amarā bảo những người gia nhân lôi cổ bốn vị quân-sư lên khỏi hầm, dội nước tắm cho họ, rồi lấy dao cạo trọc đầu và râu của họ, lấy viên gạch chà xát trên da đầu cho chảy máu, để hành hạ họ.
Mỗi vị quân-sư được đặt nằm ngửa, trần truồng trên một tấm ván, trên ngực mỗi vị có một thứ báu vật mà chính họ đã ăn trộm của Đức-vua, và một tấm biển có ghi rõ tên người tớ gái, tên cha mẹ cô và tên người chủ đã sai cô đem bán cho bà Amarā là những vị quân-sư trên.
Bà Amarā bảo những người gia nhân quấn quanh mỗi vị quân-sư bằng tấm vải tốt rất xinh đẹp bao quanh người, hai đầu cột lại. Bà đóng con dấu của quan lớn quân-sư Mahosadhapaṇḍita.
Bà Amarā đến cung điện, xin vào chầu Đức-vua Vedeha giữa bá quan văn võ. Bà bảo những người gia nhân đem 4 món quà đến đặt dưới chân Đức-vua rồi tâu rằng:
- Muôn tâu Hoàng-thượng, tiện nữ kính xin dâng lên Hoàng-thượng bốn món quà này. Kính thỉnh Hoàng-thượng anh minh ngự lãm.
Đức-vua chứng kiến:
* Gói thứ nhất: Vị quân-sư Senaka nằm trần truồng bị cạo trọc đầu và râu, trên ngực có viên ngọc Cūḷamaṇi và tấm biển ghi rõ nguồn gốc.
* Gói thứ nhì: Vị quân-sư Pukkusa nằm trần truồng, bị cạo trọc đầu và râu, trên ngực có xâu chuỗi vàng và tấm kẽm ghi rõ nguồn gốc.
* Gói thứ ba: Vị quân-sư Kāminda nằm trần truồng, bị cạo trọc đầu và râu, trên ngực có chiếc mền lông thú và tấm kẽm ghi rõ nguồn gốc..
* Gói thứ tư: Vị quân-sư Devinda nằm trần truồng, bị cạo trọc đầu và râu, trên ngực có đôi hia vàng và tấm kẽm ghi rõ nguồn gốc.
Nhìn thấy rõ bốn vị quân-sư nằm trần truồng, tóc râu không còn sợi nào, trên ngực mỗi vị có một món báu vật mà bốn vị quân-sư này đã tâu rằng bốn báu vật ấy chắc chắn Mahosadhapaṇḍita đã lấy trộm làm của riêng.
- Ô! Xin quý vị hãy xem bốn con bạch vượn giả nhân chưa từng thấy bao giờ!
Làm cho bốn vị quân-sư vô cùng xấu hổ. Khi ấy, bà Amarā, phu nhân của Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu lên Đức-vua Vedeha rằng:
- Muôn tâu Hoàng-thượng, kính xin Hoàng-thượng anh minh, sáng suốt, xem xét lại sự việc rằng hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita phu-quân của tiện nữ, không phải là kẻ trộm cắp bốn báu vật của Hoàng-thượng, mà sự thật:
* Quân-sư Senaka đã lấy trộm viên ngọc Cūḷamaṇi của Hoàng-thượng.
* Quân-sư Pukkusa đã lấy trộm xâu chuỗi vàng của Hoàng-thượng.
* Quân-sư Kāminda đã lấy trộm chiếc mền lông thú của Hoàng-thượng.
* Quân-sư Devinda đã lấy trộm đôi hia vàng của Hoàng-thượng.
-Muôn tâu Hoàng-thượng,
* Quân-sư Senaka đã giấu viên ngọc Cūḷamaṇi trong nồi bơ đầy.
* Quân-sư Pukkusa đã giấu xâu chuỗi vàng trong cái hộp, bên trên đựng đầy hoa lài.
* Quân-sư Kāminda đã giấu chiếc mền lông thú được giấu trong cái giỏ chất đầy rau cải.
* Quân-sư Devinda đã giấu đôi hia vàng được giấu trong bao gạo.
Mỗi vị quân-sư sai bảo người tớ gái của mình đem đi bán, mà chỉ được phép bán cho tiện nữ mà thôi.
- Muôn tâu Hoàng-thượng, tiện nữ biết bốn báu vật ấy là của Hoàng-thượng, cho nên tiện nữ đã mua báu vật, rồi ghi rõ tên của người tớ gái, tên cha mẹ, tên chủ của tớ gái là bốn vị quân-sư.
Nay, tiện nữ kính xin dâng lại bốn báu vật này lên Hoàng-thượng.
- Muôn tâu Hoàng-thượng, bốn vị quân-sư biết hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita, đức phu-quân của tiện nữ không có trong tư dinh, nên đêm hôm qua, mỗi vị quân-sư lén lút đến tư dinh ấy, theo giờ hẹn khác nhau, xâm nhập vào tư dinh có ác ý toan tính làm nhục (hại) tiện nữ. Vì vậy, tiện nữ đã cho họ rơi xuống hầm phẩn và nước tiểu, rồi nhốt suốt đêm qua.
Sáng nay, tiện nữ sai bảo gia nhân lôi bốn vị quân-sư lên, cạo đầu, râu, trói đem đến tâu trình Hoàng-thượng xét xử tội bốn kẻ trộm cắp báu vật của Hoàng-thượng.
Tiện nữ kính đảnh lễ Hoàng-thượng, xin phép trở về tư dinh.
-Các ngươi hãy mau trở về tư dinh của mình, tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc tử tế!
Chư Thiên Tâu Hỏi Bốn Câu Hỏi Với Đức-Vua Vedeha
Từ khi Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita phải trốn đi khỏi kinh-thành Mithilā để lánh nạn, trong thời ấy, vị chư thiên ngự tại chiếc lọng trắng của Đức-vua Vedeha không được nghe pháp của Đức-Bồ-tát Mahosadha-paṇḍita nữa, nên vị ấy nghĩ rằng: “Ta tìm cách để cho Đức-vua Vedeha mời Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita trở về kinh-thành Mithilā, để phụng sự Đức-vua như trước.”
- Này vị chư thiên! Trẫm không hiểu bốn câu hỏi ấy. Xin chư thiên chờ Trẫm hỏi bốn vị quân-sư thiện-trí của Trẫm, ngày mai Trẫm sẽ trả lời.
- Tâu Bệ-hạ, chúng thần đầu trọc, râu trụi, đi ra đường cảm thấy xấu hổ quá! Kính xin Bệ-hạ ban cho chúng thần cái khăn bịt đầu, bao cằm mới dám đi đến chầu Bệ-hạ được.
- Này quân-sư Senaka, đêm hôm qua, vị chư thiên ngự tại chiếc lọng trắng trên ngai vàng của Trẫm hiện ra, tâu hỏi Trẫm bốn câu hỏi mà Trẫm hoàn toàn không hiểu gì cả. Trẫm có hẹn với vị chư thiên ấy rằng sáng nay, Trẫm sẽ hỏi bốn vị quân-sư của Trẫm về bốn câu hỏi ấy, bốn vị quân-sư trả lời thế nào, rồi tối nay, xin mời vị chư thiên đến nghe Trẫm giải đáp thế ấy.
- Này quân-sư Senaka, câu hỏi thứ nhất, vị chư thiên ấy tâu rằng:
“Tâu Đại-vương, ai là người đánh vào thân hình người khác bằng đôi tay hoặc đạp bằng đôi chân, lấy đôi tay vả vào miệng người khác. Người ấy lại là người yêu quý nhất của người bị đánh.
Tâu Đại-vương, người yêu quý nhất ấy là ai vậy?”
Đức-vua tiếp tục hỏi ba câu hỏi tiếp theo, bốn vị quân-sư cũng hoàn toàn không hiểu gì cả.
Đêm hôm ấy, đúng theo hẹn, vị chư thiên hiện ra tâu hỏi Đức-vua rằng:
- Tâu Đại-vương, kính xin Đại-vương giải đáp bốn câu hỏi ấy của tôi?
- Này chư thiên! Trẫm đã hỏi bốn câu hỏi ấy của quý vị, nhưng bốn vị quân-sư thiện-trí của Trẫm hoàn toàn không hiểu được câu nào cả.
- Tâu Đại-vương, bốn vị quân-sư ấy là người si-mê, tham-dục thì làm sao giải đáp câu hỏi này được. Ngoài quân-sư Mahosadhapaṇḍita ra, không có ai trên đời này giải đáp bốn câu hỏi này được.
Kính xin Đại-vương truyền lệnh các vị quan đi tìm mời quân-sư Mahosadhapaṇḍita trở về để giải đáp bốn câu hỏi ấy của chúng tôi. Đó là điều tốt lành!
Nếu Đại-vương không truyền lệnh cho mời quân-sư Mahosadhapaṇḍita trở về để giải đáp bốn câu hỏi của chúng tôi thì chúng tôi sẽ đập cái đầu của Đại-vương bằng cái chuỳ sắt cháy đỏ này.
- Tâu Đại-vương, như người cần lửa thì không thể tìm nơi con đom đóm, cũng như vậy, khi cần bậc thiện-trí có trí-tuệ hiểu biết, thì Đại-vương không thể tìm nơi bốn vị quân-sư si mê ngu muội ấy.
Quân-sư Mahosadhapaṇḍita là bậc đại-thiện-trí, có trí-tuệ siêu-việt, ví như đống lửa lớn, còn bốn vị quân-sư Senaka, Pukkusa, Kāminda và Devinda chỉ ví như con đom đóm mà thôi.
- Tâu Đại-vương, nếu Đại-vương không truyền lệnh mời quân-sư Mahosadhapaṇḍita trở về để giải đáp bốn câu hỏi này của chúng tôi thì chắc chắn sinh-mạng của Đại-vương sẽ không được an toàn.
Thỉnh Mời Đức-Bồ-Tát Mahosadhapaṇḍita Trở Về
-Này chư khanh! Mỗi khanh lấy một cỗ xe ngựa và đoàn tùy tùng, hãy đi ra mỗi cửa thành, đến mỗi xóm nhà vùng lúa mạch mỗi hướng (Đông, Tây, Nam, Bắc) để tìm cho được hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita. Các khanh hãy báo cho hoàng-tử, con của Trẫm rằng: “Trẫm truyền mời hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita trở về cung điện, đến yết kiến Trẫm gấp.”
Riêng vị quan lớn cùng đoàn tùy tùng đến xóm nhà vùng lúa mạch hướng Nam của kinh-thành Mithilā, những người lính trong đoàn tùy tùng vào xóm nhà hỏi thăm, tìm người, nên nhận ra hoàng-tử Mahosadha-paṇḍita đang vác đất sét, thân hình dính đầy đất, đem về học làm nồi với một vị thầy để nuôi mạng. Đời sống của hoàng-tử thật là vất vả, cực khổ như vậy.
Vấn: Tại sao hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita làm việc nuôi mạng vất vả, cực khổ như vậy?
Đáp: Bởi vì hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita không muốn Đức-vua nghi ngờ là hoàng-tử có mưu đồ phản bội giết vua, để chiếm ngôi báu. Khi Đức-vua biết rằng hoàng-tử làm nghề thợ gốm, để nuôi mạng thì Đức-vua sẽ không còn nghi ngờ nơi hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita nữa.
Vị quan lớn nghe người lính trình thưa rằng: “Chính y đã nhìn thấy, nhận ra hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita đang vác đất sét đem về làm nồi đất như vậy.”
Vị quan lớn liền cho người đánh xe ngựa sang trọng đến tận chỗ ở của hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita, ngừng xe lại, bước xuống xe. Vị quan lớn đi vào nhà gặp hoàng tử Mahosadhapaṇḍita.
Nhìn thấy vị quan đến, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita nghĩ rằng: “Hôm nay, ta sẽ được phục chức lớn, và sẽ gặp lại phu-nhân của ta.”
Khi ấy, vị quan lớn thưa với quân-sư Mahosadha-paṇḍita rằng:
-Kính thưa quân-sư Mahosadhapaṇḍita, ban đêm vị chư thiên ngự tại chiếc lọng trắng trên ngai vàng của Đức-vua Vedeha hiện ra tâu hỏi Đức-vua bốn câu hỏi.
Nghe xong bốn câu hỏi, Đức-vua hoàn toàn không hiểu được câu nào. Đức-vua hẹn với vị chư thiên rằng: “Trẫm sẽ đem bốn câu hỏi này hỏi bốn vị quân-sư thiện-trí của Trẫm. Vậy, Trẫm xin hẹn tối mai, mời vị chư thiên đến, bốn vị quân-sư giải đáp như thế nào thì Trẫm sẽ giải đáp như thế ấy.”
Tối hôm sau, vị chư thiên hiện ra xin nghe Đức-vua giải đáp bốn câu hỏi ấy. Đức-vua truyền rằng: “Thưa chư thiên, bốn vị quân-sư của Trẫm hoàn toàn không hiểu được bốn câu hỏi ấy.”
Chư thiên không hài lòng, hăm dọa và khuyên Đức-vua cho mời quân-sư Mahosadhapaṇḍita trở về cung điện, để giải đáp bốn câu hỏi ấy.
Nếu không thì Đức-vua sẽ không được an toàn sinh-mạng, nên Đức-vua cảm thấy vô cùng hoảng sợ. Vì vậy, Đức-vua truyền lệnh cho các quan đi khắp bốn xóm nhà trong bốn vùng lúa mạch ở bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, để đi tìm …
May mắn thay! Hạ quan gặp Quân-sư tại nơi đây. Đức-vua có gửi 1.000 Kahāpana và các phẩm vật quý giá khác ban cho Quân-sư, kính xin Quân-sư thọ nhận số tiền và các phẩm vật này.
- Kính thưa quân-sư Mahosadhapaṇḍita, kính mời Quân-sư lên xe ngựa sang trọng này trở về yến kiến Đức-vua gấp.
Biết người học trò là vị Quân-sư trong triều đình đến ẩn náu nơi đây, vị thầy cảm thấy vô cùng hoảng sợ. Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita thưa với thầy rằng:
- Thưa thầy, xin thầy không nên lo sợ, chính thầy là người ân nhân của tôi, tôi xin chân thành kính biếu thầy 1.000 Kahāpana và các phẩm vật quý giá này để tỏ lòng biết ơn thầy. Xin phép thầy, tôi phải trở về cung điện theo lệnh của Đức-vua Vedeha.
- Muôn tâu Bệ-hạ, kẻ hạ thần đã mời quân-sư Maho-sadhapaṇḍita trở về đến kinh-thành Mithilā.
- Này khanh! Khanh gặp hoàng-tử Mahosadha-paṇḍita ở đâu?
- Muôn tâu Bệ-hạ, kẻ hạ thần gặp hoàng-tử Maho-sadhapaṇḍita trong một chỗ làm đồ gốm trong xóm nhà vùng lúa mạch hướng Nam. Hoàng-tử với thân hình dính đầy đất sét, đang ngồi xoay bàn làm nồi đất sét, để nuôi mạng.
Nghe vị quan tâu như vậy, Đức-vua Vedeha nghĩ rằng: “Nếu hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita là kẻ thù của ta, có mưu đồ giết ta để chiếm ngôi vua thì chắc chắn hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita không bao giờ làm nghề thợ gốm để sinh sống như vậy được.
Vậy, hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita chắc chắn không phải kẻ thù của ta.”
- Này khanh! Khanh hãy thưa với hoàng-tử Maho-sadhapaṇḍita trở về nhà tắm rửa sạch sẽ, trang phục đầy đủ theo chức tước mà Trẫm đã ban từ trước, rồi đến yết kiến Trẫm.
- Này Mahosadhapaṇḍita! Thông thường người không có trí-tuệ, không có khả năng làm được việc lớn, còn con là bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ siêu-việt, có tài đức hơn người, nếu cần, con có khả năng chiếm đoạt tất cả ngai vàng trong toàn cõi Nam-thiện Bộ-châu này. Đó là điều không khó đối với con, nhưng tại sao con không chiếm đoạt ngai vàng của ta vậy?
-Tâu Đại-vương, người nào ngồi hoặc nằm dưới bóng mát của cây nào, người ấy không nên bứt lá, bẻ cành của cây ấy, bởi vì, người làm hại bạn là con người ác.
- Tâu Đại-vương, Đại-vương là Đức Phụ-vương của con, nuôi dưỡng con, ban địa vị cao quý cho con. Đại-vương là bậc đại-ân-nhân của đời con, sao con dám nghĩ ác đến Đức Phụ-vương, còn làm hại Đức Phụ-vương thì điều đó chắc chắn không bao giờ xảy ra được.
- Tâu Đại-vương, có năm điều xấu tốt:
* Người sống tại gia hưởng sự an-lạc mà lười biếng. Đó là điều không tốt.
* Bậc xuất gia mà không biết cẩn trọng trong sáu môn cho được thanh-tịnh. Đó là điều không tốt.
* Bậc thiện-trí mà phát sinh tâm sân. Đó là điều không tốt.
* Đức-vua không suy xét kỹ trước mà truyền lệnh. Đó là điều không tốt.
* Đức-vua anh minh sáng suốt, chưa suy xét kỹ thì chưa truyền lệnh, khi đã suy xét kỹ trước rồi mới truyền lệnh. Đó là điều tốt.
Các quan, quân cho đến thần dân thiên hạ đều cảm phục, đều nương nhờ nơi Đức-vua ấy.
Bốn Câu Hỏi Của Chư Thiên
- Này Hoàng-nhi Mahosadhapaṇḍita yêu quý! Vị chư thiên ngự tại chiếc lọng trắng hiện ra, tâu hỏi Phụ-vương bốn câu hỏi, nhưng Phụ-vương không hiểu bốn câu hỏi ấy, và bốn vị quân-sư cũng hoàn toàn không hiểu nổi.
Nay, Phụ-vương nhờ con giải đáp bốn câu hỏi ấy của vị chư thiên.
- Tâu Đức Phụ-vương, vị chư thiên tâu hỏi bốn câu hỏi với Đức Phụ-vương như thế nào, kính xin Đức Phụ-vương thuật lại cho con nghe.
* Đức-vua Vedeha thuật lại câu hỏi thứ nhất của chư thiên tâu rằng:
1- Ai là người đánh vào thân hình người khác bằng đôi tay hoặc đạp bằng đôi chân, lấy đôi tay vả vào miệng người khác. Người ấy lại là người yêu quý nhất của người bị đánh.
Vậy, người yêu quý nhất ấy là ai vậy?
- Tâu Đức Phụ-vương, khi nào một đứa con thơ dại yêu quý nằm trên đùi của người mẹ, nó vui mừng, cười giỡn, đánh vào thân hình người mẹ bằng đôi tay hoặc đạp bằng đôi chân, hoặc vả trên miệng người mẹ bằng đôi tay, khi ấy, người mẹ nói với đứa con yêu quý ấy với tình thương yêu vô hạn như là: “Ô! Đứa con ngỗ nghịch! Con dám đánh, đạp mẹ như thế này sao!”
Nói xong, người mẹ không ngăn được tình thương yêu vô hạn đối với đứa con yêu quý, nên ẵm đứa con áp sát vào ngực, hôn trên đầu đứa con nhỏ.
- Tâu Đức Phụ-vương, người được thương yêu nhất của người bị đánh ấy là đứa con thơ dại yêu quý của người mẹ hiền (cũng như của người cha hiền).
- Ô! Bậc đại-thiện-trí Mahosadhapaṇḍita giải đáp câu hỏi thứ nhất đúng rồi!
Vị chư thiên cúng dường đến Đức-Bồ-tát Mahosadha-paṇḍita bằng những đóa hoa trời, vật thơm rồi biến mất.
* Đức-vua Vedeha thuật lại câu hỏi thứ nhì của chư thiên rằng:
2- Người chửi rủa, mắng nhiếc người khác một cách thỏa mãn, nhưng hoàn toàn không muốn cho người bị chửi rủa, mắng nhiếc ấy phải bị tai họa nào cả, bởi vì người bị chửi rủa, mắng nhiếc là người thương yêu nhất của người chửi rủa, mắng nhiếc.
Vậy người bị chửi rủa, mắng nhiếc ấy là ai vậy?
- Tâu Đức Phụ-vương, khi nào người mẹ bảo đứa con lên 7-8 tuổi của mình đang chơi đùa với chúng bạn rằng: “Này con yêu quý của mẹ! Con hãy đi đến nhà bà dì mượn cái ấy đem về cho mẹ, mau đi con!”
Đứa bé thưa với mẹ rằng: “Thưa mẹ, con đói bụng, mẹ cho con ăn trước, rồi con sẽ đi.”
Nghe con đói bụng, người mẹ đem đồ ăn, đồ uống cho con. Ăn uống no đủ người con lại ham chơi với chúng bạn mà không đi đến nhà bà dì mượn đồ như lời người mẹ bảo. Khi ấy, người mẹ nổi cơn giận dữ, chửi rủa, mắng nhiếc người con rằng: “Ê! Tên lừa dối mẹ! Cho ăn rồi không chịu đi à!”
Đứa con cười thích thú, bỏ chạy. Nhìn thấy đứa con yêu quý của mình bỏ chạy, người mẹ bực mình, cầm roi, đuổi theo không kịp đứa con, nên bà chửi rủa, mắng nhiếc rằng: “Ê! Tên lừa dối mẹ! Đồ ăn hại! Hãy đứng lại!” Sợ mẹ đánh, đứa con chạy trốn mất.
Người mẹ bực tức nên chửi rủa, mắng nhiếc thậm tệ rằng: “Mày chạy gặp trâu, bò húc mày!” Bởi vì người mẹ quá bực tức đứa con yêu quý của mình, nên thốt lên như vậy, nhưng bà mẹ lại hoàn toàn không muốn đứa con nhỏ yêu quý của mình gặp phải điều tai hại nào cả.
Không thấy đứa con yêu quý trở về nhà, người mẹ nhớ con, khổ tâm, đi tìm con mình. Khi đến nhà ông bà ngoại của con, thì đứa con chạy đến với mẹ, người mẹ ôm đứa con yêu quý vào lòng, hôn trên đầu con mà nói rằng: “Con yêu quý của mẹ! Mẹ thương yêu con lắm! Mẹ bực tức, chửi rủa, mắng nhiếc vậy thôi. Thật ra, mẹ rất thương yêu con, con là trái tim, là đôi mắt của mẹ, mẹ luôn luôn bảo vệ con, không để mọi điều rủi ro, tai hại xảy đến với con.”
- Tâu Đức Phụ-vương, người bị chửi rủa, mắng nhiếc một cách thậm tệ, nhưng người chửi hoàn toàn không muốn người bị chửi rủa, bị mắng nhiếc ấy gặp phải điều rủi ro, tai hại nào cả.
- Tâu Đức Phụ-vương, người ấy là đứa con yêu quý của người mẹ trong cơn bực tức.
Đức-vua Vedeha vô cùng hoan hỷ cúng dường đến Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita những phẩm vật quý giá, rồi khẩn khoản Đức-Bồ-tát giải đáp câu hỏi tiếp theo.
* Đức-vua Vedeha thuật lại câu hỏi thứ ba của chư thiên rằng:
3- Những người nào vu cáo lẫn nhau, không có chứng cớ, những người ấy lại là những người yêu quý lẫn nhau. Vậy, những người ấy là ai vậy?
- Tâu Đức Phụ-vương, khi nào hai vợ chồng ở nơi kín đáo, ái ân đùa cợt với nhau với tình thương yêu tha thiết trong đời. Khi ấy, hai người này vu cáo lẫn nhau bằng lời không thật rằng: “Anh có thương yêu gì em đâu! Hoặc em có thương yêu gì anh đâu!”
Buộc tội lẫn nhau không có chứng cớ rằng: “Tâm của anh đang nghĩ đến ai khác, không còn nghĩ đến em nữa! Hoặc tâm của em đang nghĩ đến ai khác, không còn nghĩ đến anh nữa!” Khi ấy, hai vợ chồng thương yêu, thắm thiết hơn bao giờ hết.
- Tâu Đức Phụ-vương, những người ấy là hai vợ chồng đang thương yêu nhau, thắm thiết với nhau nơi kín đáo.
Đức-vua Vedeha vô cùng hoan hỷ cúng dường đến Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita những phẩm vật quý giá, rồi khẩn khoản Đức-Bồ-tát giải đáp câu hỏi tiếp theo.
* Đức-vua Vedeha nhắc lại câu hỏi thứ tư của chư thiên rằng:
4- Những người nào đến thọ nhận y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc trị bệnh, … những người thọ nhận vật dụng ấy gọi là nhận hợp pháp, được người thí-chủ tôn kính.
Vậy, những người ấy là ai vậy?
- Tâu Đức Phụ-vương, câu hỏi thứ tư của vị chư thiên đề cập đến chư Sa-môn, chư Bà-la-môn, bậc hành phạm hạnh cao thượng.
Thật vậy, những người nào có đức-tin nơi nghiệp và quả của nghiệp, những người ấy muốn tạo những phước-thiện bố-thí, cúng dường y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc trị bệnh, … đến chư Sa-môn, chư Bà-la-môn, bậc hành phạm-hạnh cao thượng. Cho nên, những bậc Sa-môn, bậc Bà-la-môn ấy thọ nhận y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc trị bệnh, … của thí chủ gọi là thọ nhận hợp pháp, được những thí chủ tôn kính, bởi vì những người thí chủ có được cơ hội tốt tạo được những phước-thiện bố-thí cao quý, cho quả báu an-lạc trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai.
- Tâu Đức Phụ-vương, những người ấy là chư Sa-môn, chư Bà-la-môn thọ nhận vật dụng hợp pháp, được những người thí chủ ấy tôn kính nhất.
Khi ấy, Đức-vua Vedeha vô cùng hoan hỷ phát sinh đức-tin trong sạch nơi Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita, tán dương, ca tụng trí-tuệ siêu-việt của Đức-Bồ-tát, và không còn lo sợ lời hăm dọa của vị chư thiên-nữa.
Đức-vua hoan hỷ cúng dường đến Đức-Bồ-tát nhiều phẩm vật quý giá, đặc biệt nhất, ban chức vị cao nhất: Chức quan Senāpati: Chức quan Thừa-tướng đứng đầu trong triều đình cho Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita ngay khi ấy.
Lập Kế Hại Đức-Bồ-Tát Mahosadhapaṇḍita
- Bây giờ, Mahosadhapaṇḍita, con của phú hộ có chức trọng quyền cao nhất. Chúng ta nghĩ ra mưu kế gì mới, để hại Mahosadhapaṇḍita được không?
- Này quý vị! Tôi xin hiến mưu kế hay, bốn chúng ta nên đến tư dinh của Mahosadhapaṇḍita, tôi sẽ hỏi rằng: “Có nên nói chuyện bí mật cho ai biết không?”
Nếu Mahosadhapaṇḍita trả lời rằng: “Không nên nói chuyện bí mật cho ai biết cả”, thì chúng ta lấy lý do ấy mà tâu lên Đức-vua rằng: “Mahosadhapaṇḍita, con ông phú hộ, có mưu đồ phản bội, là kẻ thù của Bệ-hạ”, để vu oan làm hại được Mahosadhapaṇḍita.
Bốn vị quân-sư cùng nhau đi đến tư dinh của Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita.
Đón tiếp bốn vị quân-sư xong, Đức-Bồ-tát mời họ ngồi một nơi hợp lẽ. Khi ấy, vị quân-sư Senaka thưa rằng:
-Thưa quan Thừa-tướng, xin quan Thừa-tướng cho chúng tôi cơ hội, chúng tôi muốn hỏi câu hỏi.
Maho: -Thưa quân-sư, xin quý vị cứ tự nhiên đặt câu hỏi.
Sena: -Thưa Thừa-tướng, bậc thiện-trí nên đặt pháp nào làm nền tảng?
Maho: -Thưa quân-sư, bậc thiện-trí nên đặt pháp chân thật làm nền tảng.
Sena: -Thưa Thừa-tướng, chuyện bí mật của mình có nên tiết lộ cho người nào biết hay không?
Maho: -Thưa quân-sư, chuyện bí mật của mình không nên tiết lộ cho một người nào biết cả.
Bốn vị quân-sư thực hiện mưu kế thâm độc để hại Đức-Bồ-tát, nên họ xin vào chầu Đức-vua Vedeha trường hợp đặc biệt và khẩn cấp, để tâu lên Đức-vua rằng:
- Muôn tâu Bệ-hạ, chúng thần đến tư dinh của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita hỏi rõ, biết được quan Thừa-tướng có mưu đồ phản bội Bệ-hạ. Quan Thừa-tướng là kẻ thù của Bệ-hạ.
- Này quý quân-sư, Trẫm không thể tin Mahosadha-paṇḍita lại có thể phản bội Trẫm, là kẻ thù của Trẫm.
- Muôn tâu Bệ-hạ, kính xin Bệ-hạ tin lời chúng thần. Nếu Bệ-hạ không tin thì Bệ-hạ truyền hỏi Mahosadha-paṇḍita rằng: “Chuyện bí mật của mình có nên tiết lộ cho người nào biết hay không?”
Nếu Mahosadhapaṇḍita không phải là kẻ phản bội, là kẻ thù của Bệ-hạ thì sẽ tâu rằng: “Chuyện bí mật của mình nên tiết lộ cho người thân biết.”
Còn nếu Mahosadhapaṇḍita là kẻ phản bội, là kẻ thù của Bệ-hạ thì sẽ tâu rằng:
“Chuyện bí mật của mình không nên tiết lộ cho một người nào biết cả.”
Khi ấy, Bệ-hạ sẽ tin lời của chúng thần là sự thật.
Đức-vua Vedeha chuẩn tấu, và sẽ truyền hỏi Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita. Một hôm, bốn vị quân-sư và Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita đến chầu đông đủ, Đức-vua Vedeha bèn truyền hỏi rằng:
- Này các khanh! Người ta có nên tiết lộ chuyện bí mật của mình, đó là chuyện xấu hoặc chuyện tốt cho một người thân nào biết hay không?
Nghe Đức-vua truyền hỏi như vậy, vị quân-sư Senaka muốn nịnh hót Đức-vua để được cảm tình, nên tâu rằng:
- Muôn tâu Bệ-hạ, Bệ-hạ là Chúa-thượng, còn năm chúng thần là bề tôi, Chúa-thượng nên tiết lộ chuyện bí mật trong triều cho năm chúng thần bề tôi trước, để chúng thần suy xét điều lợi, điều hại, rồi tâu lên Chúa-thượng.
Khi ấy, Đức-vua Vedeha truyền hỏi quân-sư Senaka rằng:
- Thưa quân-sư, chuyện bí mật của mình có nên tiết lộ cho người thân nào biết hay không?
- Muôn tâu Bệ-hạ, người bạn thân thiết nào là người đáng tin cậy, là nơi nương nhờ của mình, là người bạn thân thiết cùng khổ, cùng vui với mình, thì mình chỉ nên tiết lộ chuyện bí mật của mình cho người bạn thân thiết ấy biết mà thôi.
- Thưa quân-sư, chuyện bí mật của mình có nên tiết lộ cho người thân nào biết hay không?
- Muôn tâu Bệ-hạ, người anh hoặc người em trai nào của mình là người đáng tin cậy, biết phục vụ, đem lại sự lợi ích, sự an-lạc cho mình, thì mình chỉ nên tiết lộ chuyện bí mật của mình cho người anh hoặc người em trai thân thiết ấy biết mà thôi.
- Thưa quân-sư, chuyện bí mật của mình nên tiết lộ cho người thân nào biết hay không?
- Muôn tâu Bệ-hạ, người con trai nào luôn luôn vâng lời dạy bảo của cha, một lòng biết phụng dưỡng, biết săn sóc cha hợp thời, thì người cha chỉ nên tiết lộ chuyện bí mật của mình cho người con trai yêu quý ấy biết mà thôi.
- Thưa quân-sư, chuyện bí mật của mình nên tiết lộ cho người thân nào biết hay không?
- Muôn tâu Bệ-hạ, người mẹ là người có ân đức cưu mang, dưỡng dục mình nên người bằng tình thương yêu thiêng liêng, thì mình chỉ nên tiết lộ chuyện bí mật của mình cho người mẹ kính yêu ấy biết mà thôi.
- Này Mahosadhapaṇḍita! Chuyện bí mật của mình có nên tiết lộ cho người thân nào biết hay không?
- Tâu Đại-vương, chuyện bí mật của mình nên giữ kín là điều tốt, tiết lộ chuyện bí mật là điều không tốt. Khi nào nguyện vọng của mình chưa được thành tựu, bậc thiện-trí nên nhẫn nại chờ đợi, không nên tiết lộ chuyện bí mật cho một ai biết cả, đến khi thành tựu thì nên cho mọi người đều biết.
Đức-Bồ-tát Mahosadha nhìn thấy vậy, biết rằng: “Bốn vị quân-sư này đã có mưu kế thâm độc để hại ta bằng cách tâu lên Đức-vua Vedeha đặt câu hỏi để thử lòng ta.”
Khi ấy, Đức-vua Vedeha và các quân-sư đang bàn luận, đến lúc mặt trời sắp lặn, những người lính đốt đèn sáng, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita nghĩ rằng: Chuyện này phức tạp, tốt hơn ta nên xin phép trở về.
Khi ra khỏi cửa cung điện, Đức-Bồ-tát nhớ lại những câu trả lời của bốn vị quân-sư về câu hỏi của Đức-vua rằng:
* Quân-sư Senaka tâu rằng: Nên tiết lộ chuyện bí mật cho người bạn thân thiết biết.
* Quân-sư Pukkusa tâu rằng: Nên tiết lộ chuyện bí mật cho người anh em thân thiết biết.
* Quân-sư Kāminda tâu rằng: Nên tiết lộ chuyện bí mật cho người con yêu quý biết.
* Quân-sư Devinda tâu rằng: Nên tiết lộ chuyện bí mật cho người mẹ kính yêu biết.
Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tin chắc rằng bốn vị quân-sư này đã hành động rồi, cho nên mỗi người đều nói đến chuyện bí mật của mình. Đức-Bồ-tát Maho-sadhapaṇḍita nghĩ rằng:
“Ta nên nghe chuyện bí mật của bốn vị quân-sư ấy như thế nào?”
Hôm nay, ta đến ẩn nấp một nơi kín đáo để nghe bốn vị quân-sư này bàn luận chuyện gì?
Sau khi Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita xin phép trở về, bốn vị quân-sư còn ở lại, vị quân-sư Senaka tâu với Đức-vua rằng:
- Tâu Bệ-hạ, Mahosadhapaṇḍita không tiết lộ chuyện bí mật của mình cho một người thân nào biết cả. Sự thật như vậy, Bệ-hạ nghĩ thế nào?
- Thưa quân-sư, bây giờ Trẫm phải hành động như thế nào? Xin quân-sư tâu cho Trẫm rõ.
- Muôn tâu Bệ-hạ, xin Bệ-hạ không nên chậm trễ, không để cho Mahosadhapaṇḍita có cơ hội.
- Này quân-sư, vậy khanh là người đảm trách công việc lớn lao này. Khanh nhận thanh gươm báu này cùng với ba vị quân-sư khác, đứng chờ nơi cửa cung điện.
Sáng ngày mai, Mahosadhapaṇḍita đến chầu thì khanh hãy chặt đầu Mahosadhapaṇḍita bằng thanh gươm báu này.
- Tâu Bệ-hạ, chúng thần xin phụng mệnh.
Bốn vị quân-sư đảnh lễ Đức-vua Vedeha rồi xin phép trở về tư dinh của mình. Đúng như điều tiên đoán của Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita, họ cùng đến chỗ gần cửa thành, ngồi lại một nơi (Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita đang ẩn nấp gần nơi ấy). Vị quân-sư Senaka bảo rằng:
- Sáng ngày mai, ai là người chặt đầu Mahosadha-paṇḍita?
- Thưa quân-sư, quân-sư là người nhận thanh gươm báu. Vậy, chính quân-sư là người chặt đầu Mahosadha-paṇḍita, còn ba chúng tôi sẽ tiếp sức với quân-sư.
- Này quý vị! Chuyện bí mật của mình nên tiết lộ cho người thân mà mỗi vị đã tâu với Đức-vua, chuyện bí mật của mỗi vị đã xảy ra rồi phải không?
- Thưa quân-sư, chuyện bí mật đã có xảy ra rồi, còn chuyện bí mật mà quân-sư đã tâu với Đức-vua cũng đã xảy ra rồi phải không?
- Này quý vị! Chuyện bí mật ấy chính tôi đã làm từ lâu.
- Thưa quân-sư, nếu vậy, thì xin quân-sư tiết lộ cho chúng tôi biết với.
- Thưa quý vị, nếu chuyện bí mật ấy mà Đức-vua biết được thì chắc chắn tôi bị chém đầu.
- Thưa quân-sư, đây chỉ có chúng tôi mà thôi, xin quân-sư tiết lộ cho chúng tôi biết, có gì đáng sợ đâu!
- Này quý vị! Quý vị có biết cô kỹ nữ xinh đẹp (tên ấy) trong kinh-thành Mithilā này hay không?
- Thưa quân-sư, chúng tôi đều biết cô kỹ nữ xinh đẹp ấy, nhưng bây giờ cô kỹ nữ ấy ở đâu, không ai biết.
- Này quý vị! Tôi đã hãm hiếp cô kỹ nữ trong vườn cây sālā, rồi giết cô chết. Tôi đã lấy tất cả đồ nữ trang của cô ta gói lại trong tấm áo choàng của cô, rồi đem treo trên ngà voi trong phòng của tôi.
Chuyện bí mật này, tôi chỉ tiết lộ cho người bạn thân thiết của tôi biết mà thôi. Và bạn thân của tôi cũng giấu kín chuyện này. Vì vậy, tôi tâu với Đức-vua rằng: “Chuyện bí mật của mình chỉ nên tiết lộ cho người bạn thân thiết của mình mà thôi.”
* Tiếp đến, vị quân-sư Pukkusa tiết lộ chuyện bí mật của mình rằng:
- Thưa quý vị, tôi mắc bệnh ngoài da, lở loét ở bắp vế, chỉ có người em trai yêu quý của tôi biết mà thôi.
Hằng ngày, em trai của tôi thoa thuốc, băng bó vết thương ấy. Đức-vua Vedeha thương yêu tôi, đôi khi Đức-vua nằm gối đầu trên chỗ vết thương ấy.
Nếu Đức-vua biết tôi mắc bệnh ngoài da, lở loét ở bắp vế như vậy, thì sinh-mạng của tôi không được an toàn. Vì vậy, tôi tâu với Đức-vua rằng: “Chuyện bí mật của tôi chỉ nên tiết lộ cho người em trai thân thích của tôi mà thôi.”
* Tiếp đến vị quân-sư Kāminda tiết lộ chuyện bí mật của mình rằng:
- Thưa quý vị, thường vào ngày uposathasīla cuối tháng, một Dạ-xoa tên Naradeva nhập vào tôi khiến cho tôi tru như con chó. Chuyện bí mật này chỉ có người con trai yêu quý của tôi biết mà thôi. Khi người con ấy biết tôi bị Dạ-xoa nhập, nó đưa tôi vào nằm ở phòng trong rồi đóng cửa lại, bên ngoài, nó cho đoàn ca hát biểu diễn làm át tiếng tru như chó của tôi, cho đến khi Dạ-xoa thoát ra. Vì vậy, tôi tâu với Đức-vua rằng: “Chuyện bí mật của cha chỉ tiết lộ cho người con yêu quý của mình mà thôi.”
* Tiếp đến, vị quân-sư Devinda tiết lộ chuyện bí mật của mình rằng:
- Thưa quý vị, Đức-vua Vedeha truyền bảo tôi làm phận sự lau chùi viên ngọc maṇi, đem lại mọi sự hạnh phúc an lành cho triều đình. Tôi đã lấy trộm viên ngọc maṇi ấy đem về đưa cho mẹ tôi cất giữ, mẹ tôi không nói cho ai biết cả. Mỗi khi tôi đi chầu Đức-vua thì mẹ tôi lại trao viên ngọc maṇi ấy cho tôi đem theo bên người.
Nhờ oai lực viên ngọc maṇi ấy mà Đức-vua thường ban cho tôi nhiều phẩm vật quý giá hơn quý vị. Vì vậy, tôi tâu với Đức-vua rằng: “Chuyện bí mật của con chỉ tiết lộ cho người mẹ yêu quý của con biết mà thôi.”
Khi ấy, vị quân-sư Senaka nhắc bảo rằng:
-Xin quý vị chớ nên dể duôi, sáng mai giúp nhau chặt đầu Mahosadhapaṇḍita, con của ông phú hộ.
-Này các ngươi! Đêm nay, khi người thân tín của Chánh-cung Hoàng-hậu Udumbaradevī đem tin đến thì các người hãy báo cho ta biết ngay.
Đêm hôm ấy, Đức-vua Vedeha nằm trên long sàng không ngủ được, hồi tưởng lại ân đức của Mahosadha-paṇḍita: “Mahosadha đã đến phụng sự giúp ta từ khi bảy tuổi cho đến nay trải qua thời gian nhiều năm tháng. Mahosadhapaṇḍita là bậc đại-thiện-trí, có trí-tuệ siêu-việt chưa từng có điều gì làm cho ta buồn, dù là chuyện nhỏ.
Chuyện bốn câu hỏi của chư thiên vừa qua, nếu không có Mahosadhapaṇḍita giúp giải đáp thì sinh-mạng của ta đâu còn cho đến ngày hôm nay.
Vậy, tại sao ta có thể tin lời bốn vị quân-sư thường có tính ganh tị với Mahosadhapaṇḍita. Khi ta chưa suy xét kỹ mà ta đã truyền lệnh chặt đầu Mahosadhapaṇḍita bằng thanh gươm báu.
Ôi! bắt đầu từ ngày mai, ta sẽ không còn thấy Maho-sadhapaṇḍita nữa!”
Khi ấy, Chánh-cung Hoàng-hậu Udumbaradevī ngự đến thấy Đức-vua Vedeha trong trạng thái bất an như vậy bèn tâu rằng:
- Muôn tâu Hoàng-thượng, có chuyện gì làm cho long thể Hoàng-thượng bất an, xin Hoàng-thượng truyền bảo cho thần thiếp biết được không?
- Này Ái-khanh Udumbaradevī! Bốn vị quân-sư tâu với Trẫm rằng Mahosadhapaṇḍita có mưu đồ phản bội, là kẻ thù của Trẫm. Cho nên, Trẫm đã trao thanh gươm báu và truyền lệnh bốn vị quân-sư sáng ngày mai chặt đầu Mahosadhapaṇḍita.
Trẫm hồi tưởng đến ân đức của Mahosadhapaṇḍita, người đã tận tình phụng sự và cứu giúp Trẫm thoát chết, là bậc đại-thiện-trí, có trí-tuệ siêu-việt. Bắt đầu từ ngày mai, Trẫm sẽ không còn nhìn thấy Mahosadhapaṇḍita nữa.
Thà là Trẫm chịu chết còn hơn là để Mahosadha-paṇḍita chết.
- Này Ái-khanh Udumbaradevī! Đó là nguyên nhân làm cho Trẫm phát sinh nỗi khổ tâm, sầu não cùng cực như vậy.
Nghe Đức-vua Vedeha truyền như vậy, Chánh-cung Hoàng-hậu Udumbaradevī cũng phát sinh nỗi khổ tâm vì thương yêu em trai Mahosadhapaṇḍita, Bà nghĩ rằng: “Ta nên tìm cách an ủi để Đức-vua an tâm ngủ say, ta sẽ báo tin này đến Mahosadhapaṇḍita, em của ta biết.”
- Tâu Hoàng-thượng, Hoàng-thượng đã ban cho Mahosadhapaṇḍita chức quan Thừa-tướng cao nhất trong triều đình. Bây giờ, nếu Mahosadhapaṇḍita có mưu đồ phản bội, là kẻ thù của Hoàng-thượng thì Hoàng-thượng truyền lệnh như vậy cũng hợp pháp rồi. Kính xin Hoàng-thượng an tâm.
Sau đó, Bà trở về phòng riêng viết tin báo cho Mahosadhapaṇḍita biết rằng:
- Này Mahosadhapaṇḍita em yêu quý! Bốn vị quân-sư tâu với Đức-vua rằng: “Em là người phản bội, là kẻ thù của Đức-vua, nên Đức-vua nổi cơn thịnh nộ, trao thanh gươm báu, Đức-vua truyền lệnh cho bốn vị quân-sư sáng ngày mai chặt đầu em tại cửa thành cung điện.”
Vậy, sáng ngày mai, nếu em đến chầu Đức-vua thì nên đi cùng với đoàn tùy tùng.
Viết xong, Bà đặt vào trong ống, đậy nắp, đóng dấu rồi truyền bảo người thân tín đem trao tận tay Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita.
Sáng sớm hôm sau, bốn vị quân-sư mang thanh gươm báu đến đứng chờ trước của cung điện, không thấy Mahosadhapaṇḍita đến chầu như thường ngày. Bốn vị quân-sư thất vọng, đi vào chầu Đức-vua.
Nhìn thấy bốn vị quân-sư , Đức-vua truyền hỏi rằng:
- Các khanh đã chặt đầu Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita rồi phải không?
- Tâu Bệ-hạ, chúng thần đứng chờ trước cửa cung điện, nhưng sáng nay Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita không đến chầu Bệ-hạ như thường ngày.
Khi ấy, Đức-vua Vedeha đứng trên lâu đài, nhìn thấy Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita cùng đoàn tùy tùng đến, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita bước xuống xe, từ xa đảnh lễ Đức-vua Vedeha một cách cung kính.
Nhìn thấy cử chỉ đảnh lễ của Đức-Bồ-tát Mahosadha-paṇḍita, Đức-vua Vedeha nghĩ rằng:
“Nếu Mahosadha là kẻ phản bội,, là kẻ thù của ta thì chắc chắn không đảnh lễ ta một cách cung kính như vậy.”
Nghĩ xong, Đức-vua Vedeha truyền gọi Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita vào chầu. Đức-Bồ-tát Mahosadha-paṇḍita vào đảnh lễ Đức-vua Vedeha thêm một lần nữa rồi ngồi một nơi hợp lẽ, bốn vị quân-sư cũng đều ngồi chỗ của mình.
- Này Mahosadhapaṇḍita! Hôm qua khanh xin phép trở về trước, hôm nay, khanh đến trễ cùng với đoàn tùy tùng. Vậy, khanh có điều gì không hài lòng, khanh hãy tâu cho Trẫm rõ.
- Tâu Đại-vương, chuyện bí mật nào mà Đại-vương truyền lệnh cho bốn vị quân-sư, chuyện bí mật nào mà Đại-vương truyền bảo với Chánh-cung Hoàng-hậu Udumbara-devī … Những chuyện bí mật ấy, kẻ hạ thần này đã biết rõ cả rồi.
Nghe Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu như vậy, nên Đức-vua Vedeha nổi cơn thịnh nộ do nghĩ: “Chánh-cung Hoàng-hậu Udumbaradevī báo tin này cho Mahosadhapaṇḍita biết.”
Biết Đức-vua đang nổi cơn thịnh nộ, nên Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu rằng:
- Tâu Đại-vương, hạ thần biết được chuyện đã xảy ra trong quá khứ, hiện-tại và vị-lai. Nếu Đại-vương nghĩ rằng chuyện bí mật của Đại-vương do Chánh-cung Hoàng-hậu Udumbaradevī báo tin cho hạ thần biết, thì còn những chuyện bí mật của bốn vị quân-sư do ai báo cho hạ thần, mà hạ thần cũng đều biết rõ những chuyện bí mật ấy.
- Tâu Đại-vương, chuyện bí mật của quân-sư Senaka như sau:
“Quân-sư Senaka đã tạo ác-nghiệp thấp hèn, hãm hiếp cô kỹ nữ (tên ấy) rồi giết cô tại vườn Sālā trong kinh-thành Mithilā này, rồi lấy tất cả đồ trang sức gói lại trong tấm áo choàng của cô, đem về treo trên chiếc ngà voi trong phòng của mình. Quân-sư chỉ tiết lộ chuyện bí mật này cho một người bạn thân thiết mà thôi.
Chuyện bí mật của quân-sư Senaka đã được hạ thần biết rõ như vậy.”
Nghe Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu chuyện bí mật của vị quân-sư Senaka như vậy. Đức-vua Vedeha nhìn quân-sư Senaka, truyền hỏi rằng:
- Này Senaka! Chuyện đó có thật vậy hay không?
- Tâu Bệ-hạ, chuyện đó có thật, đúng như vậy.
Đức-vua Vedeha truyền lệnh bắt quân-sư Senaka đem giam trong ngục, chờ xét xử.
* Tiếp đến, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu chuyện bí mật của vị quân-sư Pukkusa như sau:
- Tâu Đại-vương, quân-sư Pukkusa mắc bệnh ngoài da ở bắp vế, lở loét khó trị, không được phép gần gũi với Đại-vương. Thế mà quân-sư Pukkusa để cho Đại-vương nằm gối đầu trên bắp vế mắc bệnh được băng bó kín ấy. Quân-sư Pukkusa chỉ tiết lộ chuyện bí mật cho người em trai thân thiết của quân-sư mà thôi.
Chuyện bí mật của quân-sư Pukkusa đã được hạ thần biết rõ như vậy.
Nghe Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu chuyện bí mật của vị quân-sư Pukkusa như vậy. Đức-vua Vedeha nhìn quân-sư Pukkusa, truyền hỏi rằng:
- Này Pukkusa! Chuyện đó có thật vậy hay không?
- Tâu Bệ-hạ, chuyện đó có thật, đúng như vậy.
Đức-vua Vedeha truyền lệnh bắt quân-sư Pukkusa đem giam trong ngục, chờ xét xử.
* Tiếp đến, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu chuyện bí mật của vị quân-sư Kāminda như sau:
- Tâu Đại-vương, quân-sư Kāminda bị Dạ-xoa Nara-deva nhập vào. Khi bị Dạ-xoa nhập vào, ông ta tru lên như con chó điên. Quân-sư Kāminda chỉ tiết lộ chuyện bí mật này cho con trai yêu quý mà thôi.
Chuyện bí mật của quân-sư Kāminda đã được hạ thần biết rõ như vậy.
Nghe Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu chuyện bí mật của vị quân-sư Kāminda như vậy. Đức-vua Vedeha nhìn quân-sư Kāminda, truyền hỏi rằng:
- Này Kāminda! Chuyện đó có thật vậy hay không?
- Tâu Bệ-hạ, chuyện đó có thật, đúng như vậy.
Đức-vua Vedeha truyền lệnh bắt quân-sư Kāminda đem giam trong ngục, chờ xét xử.
* Tiếp đến, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu chuyện bí mật của vị quân-sư Devinda như sau:
- Tâu Đại-vương, Đại-vương truyền quân-sư Devinda làm phận sự lau chùi viên ngọc maṇi, quốc bảo của triều đình. Quân-sư Devinda tự trộm cắp viên ngọc maṇi ấy đem về tư dinh, quân-sư chỉ tiết lộ chuyện bí mật này cho người mẹ kính yêu của quân-sư biết mà thôi.
Chuyện bí mật của ông quân-sư Devinda đã được hạ thần biết rõ như vậy.
Nghe Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu chuyện bí mật của vị quân-sư Devinda như vậy. Đức-vua Vedeha nhìn quân-sư Devinda, truyền hỏi rằng:
- Này Devinda! chuyện đó có thật vậy hay không?
- Tâu Bệ-hạ, chuyện đó có thật, đúng như vậy.
Đức-vua Vedeha truyền lệnh bắt quân-sư Kāminda đem giam trong ngục, chờ xét xử.
Bốn vị quân-sư bày mưu kế thâm độc để hại Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita, nhưng không thành tựu, ngược lại, bốn vị quân-sư bị giam trong ngục.
Khi ấy, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu rằng:
- Tâu Đại-vương, bốn vị quân-sư tiết lộ chuyện bí mật của mình cho người khác biết, cho nên, họ phải chịu hậu quả tai hại như vậy. Vì vậy, hạ thần tâu rằng:
“Không nên tiết lộ chuyện bí mật của mình cho người khác biết”.
- Tâu Đại-vương, chuyện bí mật của mình nên giữ kín là điều tốt, tiết lộ chuyện bí mật của mình cho người khác là điều không tốt.
Khi nào nguyện vọng của mình chưa thành tựu, bậc thiện-trí nên nhẫn nại chờ đợi, không nên tiết lộ chuyện bí mật cho một ai biết, đến khi thành tựu thì hãy nên cho mọi người biết.
Không nên tiết lộ chuyện bí mật của mình, mà nên giữ gìn chuyện bí mật ấy như người giữ gìn kho báu. Người biết chuyện bí mật thì không nên tiết lộ, đó là điều tốt.
Bậc thiện-trí không nói chuyện bí mật cho người nữ giới và kẻ thù, cũng không nói điều suy nghĩ của mình cho kẻ thù và những người không phải bạn thân.
Người nói chuyện bí mật với người thân tín lúc ban ngày, thì phải tìm nơi vắng vẻ. Khi nói chuyện bí mật lúc ban đêm thì nói nhỏ vừa đủ nghe, không để âm thanh vọng ra bên ngoài, bởi vì nếu có người nghe lén chuyện bí mật thì chuyện bí mật ấy sẽ bị lộ ra bên ngoài, nhiều người biết.
Nghe Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita thuyết giảng về chuyện bí mật như vậy, Đức-vua Vedeha nổi cơn thịnh nộ bốn vị quân-sư đã bày mưu kế thâm độc để sát hại hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita.
Bốn vị quân-sư bị buộc hai tay ra đằng sau, bị đánh 100 roi rồi dắt đến chỗ hành hình. Khi ấy, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu rằng:
- Tâu Đại-vương, bốn vị quân-sư đã phụng sự, giúp Đại-vương đã nhiều năm qua, kính xin Đại-vương tha tội cho bốn vị quân-sư ấy.
Nghe Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita khẩn khoản xin tha tội cho bốn vị quân-sư, Đức-vua Vedeha chuẩn tấu, rồi gọi họ vào, truyền bảo rằng:
- Từ nay, các ngươi trở thành người tôi tớ của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita.
Ngay khi ấy, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita lại xóa bỏ kiếp tôi tớ cho bốn vị quân-sư ấy.
Đức-vua Vedeha truyền lệnh đuổi họ ra khỏi đất nước Videharaṭṭha. Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu lên Đức-vua Vedeha rằng:
- Tâu Đại-vương, kính xin Đại-vương tha tội cho bốn vị quân-sư ấy và xin phục chức quân-sư trở lại như trước.
Đức-vua Vedeha phát sinh đức-tin trong sạch nơi Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita do nghĩ rằng:
“Mahosadhapaṇḍita có tâm từ, tâm bi đến kẻ thù như vậy, huống gì đối với tất cả chúng-sinh khác.”
Từ đó về sau, bốn vị quân-sư không dám bày mưu, tính kế hại Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita nữa.
Củng Cố Kinh-Thành Mithilā
Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita được Đức-vua Vedeha hoàn toàn tin cậy nên nghĩ rằng: “Ta là quan Thừa-tướng cao nhất trong triều, ta phải có bổn phận bảo vệ ngai vàng của Đức-vua, bảo vệ kinh-thành Mithilā, bảo vệ đất nước Videharaṭṭha này”. Vì nghĩ như vậy, nên Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita dâng lên Đức-vua Vedeha, xin củng cố kinh-thành Mithilā thật kiên cố.
* Xây thành trì vững chắc bao bọc.
* Xây lại bốn cửa thành vững chắc.
* Đào ba con đường nước sâu vòng quanh bên ngoài kinh-thành Mithilā, nuôi cá sấu trong các con đường nước ấy.
* Sửa chữa các trại lính, tập luyện các đoàn quân tinh nhuệ dũng cảm.
* Đào nhiều hồ nước lớn bên trong kinh-thành và làm đường thông nước ra vào trong và ngoài thành, v.v…
Quan Thừa-Tướng Tổ Chức Đội Lính Điệp Viên
“Để giữ gìn trong đất nước được thanh bình, dân chúng được sống an cư lạc nghiệp, ta nên có quan hệ xã giao với các nước láng giềng xung quanh, để biết mọi hoạt động của các nước ấy.”
Cho nên, quan Thừa-tướng tuyển chọn 101 người lính tài giỏi, xuất sắc, trung thành tuyệt đối với quan Thừa-tướng và đất nước Videharaṭṭha, rồi bảo với họ rằng:
-Này các bạn thân mến! Tất cả các bạn gồm 101 người, mỗi người mang những tặng phẩm quý giá này đến mỗi kinh-thành dâng lên Đức-vua của nước ấy, rồi xin ở phục vụ Đức-vua ấy.
Hằng ngày đêm, mỗi người có phận sự theo dõi công việc triều chính, nếu có hành động nào khả nghi thì các bạn hãy gửi tin cho tôi biết. Toàn thể gia đình, vợ con, cha mẹ, bà con của các bạn có tôi lo cung cấp, nuôi dưỡng đầy đủ, các bạn chớ nên bận tâm, lo lắng gì cả.
Những tặng phẩm ấy là một bộ đồ trang phục của Đức-vua, một thanh gươm báu, một đôi hia vàng, một vòng hoa vàng. Quan Thừa-tướng ghi dòng chữ trên mỗi món đồ, rồi phát nguyện: “Nếu khi nào sự việc của tôi cần thì chỉ khi ấy dòng chữ này mới hiện rõ mà thôi.”
101 người lính của quan Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita đến phục vụ cho 101 Đức-vua của 101 nước trong toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu. Họ là những lính điệp viên gửi tin tức về cho quan Thừa-tướng. Vì vậy, quan Thừa-tướng ở tại kinh-thành Mithilā mà có thể biết được mọi hoạt động của các Đức-vua trong toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu.
Một thời gian sau, một người lính điệp viên của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita gửi tin về báo rằng: “Các đội binh của đất nước Kapilaraṭṭha đang chuẩn bị, tôi không biết sẽ có chuyện gì xảy ra. Xin quan Thừa-tướng gửi con vẹt trí-tuệ Suvapaṇḍita bay đến đây do thám, để biết rõ hơn.”
Con Vẹt Trí-tuệ Suvapaṇḍita
Nhận được tin của lính điệp viên, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita gọi Suvapaṇḍita đến bảo rằng:
- Này Suvapaṇḍita yêu quý! Con hãy bay đến đất nước Kapilaraṭṭha, do thám tình hình kinh-thành Uttara-pañcāla như thế nào, rồi con bay một vòng đến các kinh-thành khác xem xét, do thám tình hình các Đức-vua như thế nào rồi con bay trở về báo cho ta biết.
Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita ân cần săn sóc con vẹt Suvapaṇḍita ăn uống bổ dưỡng đầy đủ, lấy dầu thoa đôi cánh cho khỏe, rồi thả bay đi do thám. Nó bay đến kinh-thành Uttarapañcāla đất nước Kapilaraṭṭha do thám xong, rồi bay đến các kinh-thành khác quan sát, do thám tình hình tại mỗi kinh-thành xong, nó bay trở lại kinh-thành Uttarapañcāla do thám một lần nữa.
Thời kỳ ấy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta ngự tại kinh-thành Uttarapañcāla, có vị quân-sư là Bà-la-môn Kevaṭṭa. Hôm ấy, vị quân-sư Kevaṭṭa đến chầu Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, tâu rằng:
- Tâu Chúa-thượng, hạ thần có chuyện bí mật, xin tâu lên Chúa-thượng. Trong kinh-thành không có chỗ vắng vẻ, kính thỉnh Chúa-thượng ngự đến vườn thượng uyển.
Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta ngự trên tảng đá an lành, còn quân-sư Kevaṭṭa ngồi gần bên. Khi ấy, con vẹt Suvapaṇḍita theo dõi Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta và quân-sư Kevaṭṭa, thấy thái độ khả nghi, nên nó nghĩ rằng: “Quân-sư Kevaṭṭa chắc chắn có chuyện bí mật, hệ trọng tâu lên Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta tại nơi này. Hôm nay, ta sẽ được nghe chuyện bí mật của các ngươi, để bay về báo cho chủ ta biết”. Nghĩ xong, nó bay đậu trên cành cây gần tảng đá an lành, có lá cây che kín. Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền bảo quân-sư Kevaṭṭa rằng:
- Thưa quân-sư, chuyện bí mật như thế nào, quân-sư tâu cho Trẫm rõ.
- Tâu Chúa-thượng, chuyện bí mật này chỉ được nghe bằng hai lỗ tai của Chúa-thượng và hai lỗ tai của hạ thần mà thôi.
- Tâu Chúa-thượng, nếu Chúa-thượng thực hiện theo kế sách của hạ thần thì Chúa-thượng sẽ trở thành Đức-vua cao cả nhất trong toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu này.
Nghe quân-sư Kevaṭṭa tâu như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta rất hài lòng bởi tâm tham vọng làm bá chủ trong toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu này, nên Đức-vua truyền bảo rằng:
- Thưa quân-sư, xin quân-sư tâu cho Trẫm rõ, Trẫm sẽ thực hiện theo kế sách của quân-sư.
- Tâu Chúa-thượng, Chúa-thượng dẫn đầu các đoàn binh đến vây hãm bên ngoài kinh-thành nước nhỏ ấy, còn hạ thần làm sứ giả vào kinh-thành yết kiến Đức-vua nước ấy tâu rằng: “Tâu Đức-vua, Đức-vua là vua của một nước nhỏ, sức yếu, không nên đương đầu với các đội binh hùng mạnh của nước lớn. Điều tốt nhất, Đức-vua nên thần phục Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, rồi Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta sẽ tấn phong Đức-vua lại như cũ. Nếu Đức-vua đương đầu với các đội binh hùng mạnh của nước lớn thì chắc chắn Đức-vua sẽ bị chiến bại rồi sẽ bị giết chết thê thảm.”
Nếu Đức-vua ấy chịu thần phục thì Chúa-thượng tấn phong Đức-vua ấy làm vua như cũ, rồi bắt Đức-vua ấy theo Chúa-thượng và sát nhập các đoàn binh nước nhỏ ấy vào các đoàn binh của Chúa-thượng.
Nếu Đức-vua ấy không chịu thần phục thì Chúa-thượng tiến quân xâm nhập vào chiếm kinh-thành, bắt giết Đức-vua nước ấy, đem các đoàn binh nước nhỏ ấy sát nhập vào các đoàn binh của Chúa-thượng.
Theo kế sách như vậy, Chúa-thượng chiếm 101 kinh-thành, bắt 101 Đức-vua làm chư hầu, gồm 101 các đội binh của nước ấy sát nhập vào các đoàn binh hùng mạnh của Chúa-thượng.
Khi nào Chúa-thượng đã toàn thắng, đã chiếm 101 kinh-thành, bắt 101 Vua chư hầu, khi ấy, Chúa-thượng cho tổ chức đại lễ mừng chiến thắng, cho mời 101 Vua chư hầu đến tham dự, uống rượu, ăn mừng chiến thắng ấy. Trong mỗi hũ rượu và đồ ăn uống của mỗi Đức-vua sẽ được trộn thuốc độc, khi 101 Vua chư hầu uống rượu, ăn thịt mừng trong buổi đại lễ ấy đều bị băng hà cả thảy.
Khi ấy, Chúa-thượng đương nhiên sẽ trở thành vị Đại-vương cao cả nhất (aggamahārājā) trong toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu này.
- Thưa quân-sư Kevaṭṭa, thật là diệu kế! Thật là đại tài! Trẫm sẽ thực hiện theo kế sách của quân-sư.
- Tâu Chúa-thượng, chuyện bí mật này chỉ có Chúa-thượng và hạ thần biết mà thôi, ngoài ra, không một ai có thể biết được.
- Tâu Chúa-thượng, xin Chúa-thượng nên thực hiện càng sớm càng tốt.
Được nghe trọn vẹn chuyện bí mật của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta và quân-sư Kevaṭṭa, con vẹt Suva-paṇḍita (con vẹt trí-tuệ) bay sà xuống, ỉa phẩn rơi trên đầu quân-sư Kevaṭṭa, ông vừa ngẩng mặt lên, la rằng “Phẩn gì đây?” thì nó lại ỉa phẩn rơi vào miệng ông ta, rồi bay mau rời khỏi nơi ấy.
Con vẹt Suvapaṇḍita nghĩ rằng: “Này Kevaṭṭa! Chuyện bí mật ấy không chỉ bốn lỗ tai được nghe mà còn hai lỗ tai của ta và sẽ có hai lỗ tai của chủ ta Mahosadha-paṇḍita cũng được nghe nữa.”
Con vẹt Suvapaṇḍita bay thẳng về kinh-thành Mithilā, đến tư dinh của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita, đậu trên vai của quan Thừa-tướng, có nghĩa là chuyện bí mật này chỉ nói một mình quan Thừa-tướng biết mà thôi. (Nếu nó đậu trên bắp vế của Đức-Bồ-tát Mahosadha-paṇḍita thì có nghĩa là chuyện ấy nói cho Đức-Bồ-tát và phu-nhân Amarādevī biết. Nếu nó đậu dưới nền thì có nghĩa là chuyện ấy nói cho mọi người đều biết.)
- Này Suvapaṇḍita yêu quý! Con đã thấy, đã nghe biết chuyện gì phải không?
- Kính thưa Ông chủ, con bay đi do thám đến các kinh-thành của các Đức-vua khác trong cõi Nam-thiện-bộ-châu thì tình hình vẫn bình thường, duy chỉ có Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta ngự tại kinh-thành Uttarapañcāla, trị vì đất nước Kapilaraṭṭha, có mưu đồ làm bá chủ toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu này, do chuyện bí mật mà con đã nghe tại vườn thượng uyển.
Con vẹt Suvapaṇḍita tường thuật đầy đủ lại mọi chi tiết, chuyện bí mật mà vị quân-sư Kevaṭṭa tâu lên Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta và nhắc lại câu: “Tâu Chúa-thượng, chuyện bí mật này chỉ có Chúa-thượng và hạ thần biết mà thôi. Ngoài ra, không một ai có thể biết được…”. Nghe nó tường thuật lại chi tiết đầy đủ chuyện bí mật ấy, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita hỏi:
- Này Suvapaṇḍita yêu quý! Đức-vua Cūḷanī Brahma-datta có chuẩn y theo kế sách của quân-sư Kevaṭṭa hay không?
- Kính thưa Ông chủ, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta rất hài lòng, vô cùng hoan hỷ sẽ thực hiện theo kế sách của quân-sư Kevaṭṭa.
Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita ân cần, chăm sóc đặc biệt con vẹt Suvapaṇḍita, thoa dầu đôi cánh cho nó, cho ăn uống những thứ bổ dưỡng rồi cho nằm nghỉ trong chiếc lồng vàng, đầy đủ tiện nghi. Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita nghĩ rằng:
“Quân-sư Kevaṭṭa chưa biết ta nhiều, ta sẽ làm cho kế sách của y trở thành vô hiệu, dù Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta dẫn các đoàn binh hùng mạnh nhất đến vây kinh-thành Mithilā này, cũng vẫn bị thua kế của ta, rồi bỏ chạy.”
Đức-Vua Cūḷanī Brahmadatta Chiếm 101 Kinh-Thành
Sau đó, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta ngự vào kinh-thành nước ấy, rồi tấn phong Đức-vua nước ấy trở lại làm Đức-vua chư hầu của mình, và sát nhập các đoàn binh của nước ấy tăng cường vào các đoàn binh của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta.
Và cũng theo kế sách ấy, Đức-vua Cūḷanī Brahma-datta cùng với Đức-vua chư hầu ngự đi dẫn đầu các đoàn binh đã được tăng cường, kéo đến vây hãm kinh-thành của nước khác, buộc Đức-vua nước ấy cũng phải chịu thần phục Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, rồi trở thành Đức-vua chư hầu của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta.
Tiếp tục theo kế sách vây hãm kinh-thành của các nước làm cho các Đức-vua của các nước ấy buộc phải thần phục, trong suốt thời gian bảy năm bảy tháng bảy ngày, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta đã thu phục được 101 kinh-thành, có được 101 Đức-vua chư hầu, làm tăng cường lực lượng các đoàn binh rất hùng mạnh chưa từng có với số lượng 18 akkhobhiṇī[i], nhưng chỉ còn kinh-thành Mithilā của Đức-vua Vedeha, đất nước Videharaṭṭha chưa chiếm được mà thôi.
Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita thường nhận được tin tức từ những người lính điệp viên của quan Thừa-tướng gửi về báo cho biết suốt cuộc hành trình của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta thu phục được các kinh-thành, Đức-vua của nước ấy trở thành Đức-vua chư hầu của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta.
Sau khi đã thu phục 101 kinh-thành, có được 101 Đức-vua chư hầu, có các đoàn binh hùng mạnh như vậy, nên Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cùng với 101 Đức-vua chư hầu dự định thân chinh dẫn đầu các đoàn binh đến vây hãm kinh-thành Mithilā, để bắt buộc Đức-vua Vedeha phải chịu thần phục.
Những người lính điệp viên của quan Thừa-tướng Mahosadha gửi tin về báo cho quan Thừa-tướng biết rằng: “Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta dự định đem các đoàn binh đến vây hãm kinh-thành Mithilā, để bắt buộc Đức-vua Vedeha phải chịu thần phục. Kính báo tin trình cho quan Thừa-tướng biết.”
Biết được ý định của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta sẽ thân chinh dẫn đầu các đoàn binh đến vây hãm kinh-thành Mithilā, vị quân-sư Kevaṭṭa đến chầu Đức-vua tâu khuyên can rằng:
- Tâu Chúa-thượng, kính xin Chúa-thượng không nên đem các đoàn binh vây hãm kinh-thành Mithilā, bởi vì trong kinh-thành Mithilā có vị Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita có trí-tuệ siêu-việt, có nhiều mưu kế khôn cùng. Vả lại, xung quanh kinh-thành Mithilā được bảo vệ rất kiên cố vững chắc, các đoàn quân không dễ gì xâm nhập vào bên trong kinh-thành được.
- Tâu Chúa-thượng, Chúa-thượng đã chiếm 101 kinh-thành, đã có 101 Đức-vua chư hầu, Chúa-thượng là một Đại-vương cao cả nhất trong cõi Nam-thiện-bộ-châu này, còn kinh-thành Mithilā, đất nước Videharaṭṭha nhỏ bé, có đáng gì đâu mà Chúa-thượng quan tâm đến.
Vậy, kính xin Chúa-thượng ngự dẫn đầu các đoàn binh trở về kinh-thành Uttarapañcāla nghỉ ngơi.
Nghe lời khuyên can của quân-sư Kevaṭṭa, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cùng với 101 Đức-vua chư hầu ngự dẫn đầu các đoàn binh trở về kinh-thành Uttarapañcāla.
“Nghe lời khuyên can của vị quân-sư Kevaṭṭa, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cùng với 101 Vua chư hầu hồi cung ngự trở về kinh-thành Uttarapañcāla.”
Nhận được tin của điệp viên ấy, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita truyền lệnh rằng:
“Các ngươi hãy nên theo dõi hành vi của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta.”
Một hôm, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền gọi quân-sư Kevaṭṭa đến bèn truyền hỏi rằng:
-Thưa quân-sư Kevaṭṭa, bây giờ Trẫm nên làm gì nữa?
Âm Mưu Sát Hại 101 Vua Chư Hầu
Nghe Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền hỏi, vị quân-sư Kevaṭṭa tâu rằng:
-Tâu Chúa-thượng, xin Chúa-thượng truyền lệnh cho tổ chức đại lễ, uống rượu ăn mừng chiến thắng tại vườn thượng uyển, để Chúa-thượng trở thành Đại-vương cao cả nhất, làm bá chủ trong cõi Nam-thiện-bộ-châu này.
Nghe quân-sư Kevaṭṭa tâu như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta vô cùng hoan hỷ truyền lệnh trang hoàng vườn thượng uyển, chuẩn bị hằng trăm, hằng ngàn hũ rượu ngon và các món ăn có vị ngon lành.
Những người lính điệp viên của quan Thừa-tướng Mahosadha gửi tin báo cho quan Thừa-tướng biết rằng:
“Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền lệnh các quan tổ chức đại lễ, uống rượu ăn mừng chiến thắng tại vườn thượng uyển”. (Nhưng họ hoàn toàn không hay biết các hũ rượu và các món ăn dành cho 101 Đức-vua chư hầu có trộn thuốc độc, để đầu độc các Đức-vua chư hầu tại nơi ấy.)
Nhận được tin báo từ những lính điệp viên như vậy, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita gửi tin cho họ rằng: “Các ngươi hãy báo tin cho ta biết rõ chính xác ngày đại lễ, uống rượu ăn mừng chiến thắng.”
“Khi có ta là Mahosadhapaṇḍita thì không bao giờ để cho 101 Đức-vua phải bị băng hà theo mưu kế của quân-sư Kevaṭṭa. Ta sẽ cứu sống 101 Đức-vua ấy.”
Nghĩ xong, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita cho gọi nhóm bạn 1.000 chiến sĩ anh hùng đến bảo rằng:
-Này các bạn thân mến! Nghe tin báo rằng: “Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền lệnh trang hoàng vườn thượng uyển, để tổ chức đại lễ, uống rượu ăn mừng chiến thắng.”
Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền lệnh cho mời 101 Đức-vua chư hầu đến dự đại lễ ăn mừng chiến thắng ấy.
Vậy, các ngươi hãy đến tại vườn thượng uyển ấy trước một ngày, làm bộ tranh giành chỗ ngồi của Đức-vua của mình. Như vậy, cuộc tranh cãi sẽ xảy ra, nhân dịp ấy, các ngươi hãy dùng cây đập bể các hũ rượu dành cho 101 Vua chư hầu và đổ bỏ các món ăn hết thảy.
Hoàn thành xong nhiệm vụ, các người la hét lên rằng: “Chúng tôi là lính của quan Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita, kinh-thành Mithilā, đất nước Videharaṭṭha”, rồi các ngươi hãy mau trở về.
Khi xâm nhập vào vườn thượng uyển, họ thấy khu vườn đã được trang hoàng lộng lẫy như vườn Nandavana của Đức-vua trời. Có ngai vàng cao, có lọng trắng của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta nằm ngay ở giữa, dọc theo hai bên, có 101 ngai vàng thấp cũng có lọng trắng, trước mỗi ngai vàng có hũ rượu và các món đồ ăn đã được bày ra sẵn sàng, chờ đợi đến giờ Đức-vua Cūḷanī Brahma-datta cùng 101 Đức-vua chư hầu ngự đến tham dự lễ uống rượu, ăn mừng chiến thắng.
Thi hành nhiệm vụ đúng theo mưu kế của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita, nhóm 1.000 chiến sĩ anh hùng tranh cãi với lính làm phận sự tại vườn thượng uyển, nhân cơ hội ấy, họ đập bể các hũ rượu và đổ bỏ tất cả các món đồ ăn, rồi họ la lớn lên rằng:
“Chúng ta là lính của quan Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita từ kinh-thành Mithilā, đất nước Videharaṭṭha đến đây phá hoại buổi đại lễ ăn mừng chiến thắng của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta.”
-Tâu Bệ-hạ, nhóm lính của quan Thừa-tướng Maho-sadhapaṇḍita từ kinh-thành Mithilā, đất nước Videha-raṭṭha, xâm nhập vào vườn thượng uyển gây gổ với lính làm nhiệm vụ trong vườn thượng uyển, rồi đập bể các hũ rượu và đổ bỏ các món ăn cả thảy, rồi rút đi về rồi.
Nghe những người lính tâu như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta nổi cơn phẫn nộ trước hành động phá hoại của nhóm lính của quan Thừa-tướng Mahosadha, bởi vì, họ không chỉ phá hoại đại lễ uống rượu ăn mừng chiến thắng, mà sự thật còn phá kế sách của quân-sư Kevaṭṭa đầu độc 101 Vua chư hầu băng hà trong ngày hôm ấy.
“Bọn lính của Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita từ kinh-thành Mithilā đến phá hoại không cho chúng ta uống rượu ăn mừng chiến thắng.”
Khi ấy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền gọi 101 Đức-vua chư hầu rồi truyền lệnh rằng:
- Này chư Đức-vua! Chúng ta sẽ dẫn đầu các đoàn binh hùng mạnh đến xâm nhập kinh-thành Mithilā, bắt Đức-vua Vedeha và Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita đem ra chém đầu, rồi chúng ta sẽ tổ chức đại lễ, uống rượu, ăn mừng chiến thắng hoàn toàn.
Vậy, chư Đức-vua hãy chuẩn bị chờ lệnh Quả-nhân.
Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền gọi vị quân-sư Kevaṭṭa đến nơi kín đáo, truyền bảo rằng:
- Thưa quân-sư, Trẫm cùng với 101 Đức-vua chư hầu thân chinh dẫn đầu các đoàn binh hùng mạnh, gồm có 18 akkhobhiṇī quân đến vây hãm kinh-thành Mithilā, phá thành trì xâm nhập vào cung điện bắt Đức-vua Vedeha và Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita đem ra chém đầu, để trị tội phá hoại đại lễ của chúng ta, Trẫm xin mời quân-sư cùng đi với Trẫm.
Nghe Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta quyết tâm như vậy, quân-sư Kevaṭṭa xét thấy dù có bao nhiêu đoàn binh hùng mạnh đến đâu đi nữa cũng vẫn không thể thắng được vị Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita. Cho nên, ông tìm cách khuyên can Đức-vua thay đổi ý định, quân-sư Kevaṭṭa tâu rằng:
- Tâu Chúa-thượng, nhóm lính xâm nhập vườn thượng uyển, gây gổ, đập bể những hũ rượu và đổ bỏ các món đồ ăn, cốt để phá hoại đại lễ. Đó chắc chắn là nhóm chiến sĩ anh hùng của Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita, họ mới dám làm chuyện phi thường như vậy. Đức-vua Vedeha không liên can đến chuyện phá hoại này.
- Tâu Chúa-thượng, kinh-thành Mithilā được Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita cho bảo vệ an toàn, chắc chắn không có một đội quân nào có khả năng xâm nhập vào bên trong kinh-thành được.
Nếu Chúa-thượng đem các đoàn binh đến vây hãm kinh-thành Mithilā mà không xâm nhập vào bên trong kinh-thành được thì chỉ làm cho chúng ta bị xấu hổ mà thôi. Vì vậy, kính xin Chúa-thượng bỏ ý định đem các đoàn binh đến bao vây kinh-thành Mithilā. Đó là điều hay nhất.
Tuy quân-sư Kevaṭṭa khuyên can như vậy, nhưng Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta ỷ lại vào sức mạnh của các đoàn binh và tính ngã mạn của một Đại-vương nước lớn, nên không chịu bỏ ý định ban đầu, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền bảo rằng:
- Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita dù có trí-tuệ đến đâu cũng vẫn không thể chống đỡ nổi sức mạnh phi thường các đoàn binh của Trẫm được!
Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cùng với 101 Đức-vua chư hầu ngự dẫn đầu các đoàn binh gồm có 18 akkhobhiṇī quân đến vây hãm xung quanh kinh-thành Mithilā. Quân-sư Kevaṭṭa không khuyên can được Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, cũng không dám trái ý của Đức-vua, nên cũng đi theo hộ giá Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta.
“Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cùng với 101 Đức-vua chư hầu ngự dẫn đầu các đoàn binh gồm có 18 akkhobhiṇī quân đến vây hãm kinh-thành Mithilā. Kính xin báo tin cho quan Thừa-tướng biết.
Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cùng các đoàn quân đến mỗi chặng đường, thì lính điệp viên đều báo tin về cho quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita biết rõ cuộc hành trình tiến quân của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta.
- Tâu Bệ-hạ, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cùng với 101 Đức-vua chư hầu ngự dẫn đầu các đoàn binh đông đảo không sao đếm được như đoàn tượng binh, đoàn mã binh, đoàn quân xa, đoàn bộ binh, … đến bao vây xung quanh kinh-thành Mithilā rộng bảy do tuần.
Bốn vị quân-sư: quân-sư Senaka, quân-sư Pukkusa, quân-sư Kāminda và quân-sư Devinda cũng vào chầu Đức-vua Vedeha, tâu rằng:
- Tâu Bệ-hạ, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cùng với 101 Đức-vua chư hầu ngự dẫn đầu các đoàn binh gồm có 18 akkhobhiṇī quân đến bao vây xung quanh kinh-thành Mithilā.
Vậy, sinh-mạng của Bệ-hạ và sinh-mạng của các hạ thần cùng dân chúng trong kinh-thành Mithilā khó thoát khỏi cái chết.
Được tin lính điệp viên báo cho biết Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cùng với 101 Đức-vua chư hầu truyền lệnh 18 akkhobhiṇī quân bao vây xung quanh kinh-thành Mithilā, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita ra lệnh cho các quân lính đóng chặt bốn cửa thành, giữ gìn, bảo vệ kinh-thành cho được an toàn.
Sau đó, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita đến chầu Đức-vua Vedeha. Nhìn thấy quan Thừa-tướng đến hầu, Đức-vua rất vui mừng, truyền bảo rằng:
- Này hoàng-nhi Mahosadha yêu quý! Con đến thật đúng lúc, Phụ-vương đang khổ tâm vì hoảng sợ, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cùng với 101 Đức-vua chư hầu đem các đoàn binh hùng mạnh gồm có 18 akkhobhiṇī quân bao vây hãm kinh-thành Mithilā này ba vòng kín.
- Này hoàng-nhi Mahosadhapaṇḍita! Con là bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ siêu-việt, không một ai sánh được. Con có kế sách nào để cứu giúp cho Phụ-vương, các vương gia, các quan trong triều đình và toàn thể dân chúng trong kinh-thành Mithilā này được an toàn sinh-mạng hay không?
“Đức-vua Vedeha sợ chết quá! Thầy thuốc giỏi có thuốc hay là nơi nương nhờ của bệnh nhân, vật thực là nhu yếu phẩm cho người đang đói, nước là thứ thiết yếu cho người đang khát.
Ngoài ta ra, không có ai là nơi nương nhờ của Đức-vua Vedeha và của tất cả những người khác trong kinh-thành Mithilā này.
Vậy, ta nên tâu lời an ủi để làm Đức-vua Vedeha an tâm”, nên tâu rằng:
- Tâu Đức Phụ-vương, kính xin Đức Phụ-vương không nên hoảng sợ. Xin Đức Phụ-vương an hưởng mọi sự an-lạc trên ngai vàng. Con sẽ làm cho các đoàn binh gồm có 18 akkhobhiṇī quân bỏ chạy, ví như người ném cục đất làm cho đàn quạ bay đi.
Nghe hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita tâu như vậy, Đức-vua Vedeha an tâm. Quan Thừa-tướng đảnh lễ Đức-vua, rồi xin phép lui ra ngoài.
Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita ra lệnh cho các lính thông báo cho toàn thể dân chúng trong kinh-thành Mithilā rằng:
- Hỡi toàn thể dân chúng trong kinh-thành! Quan Thừa-tướng khuyên rằng: “Tất cả mọi người không nên lo sợ gì cả. Hãy mở hội lớn vui chơi bảy ngày, mọi người nên trang điểm đẹp đẽ, hãy đánh đàn, thổi kèn, ca hát, nhảy múa, vui chơi, vỗ tay, reo hò. Mọi người đều được ăn uống ngon lành no đủ tại mỗi trại lớn.”
Dân chúng ở bên ngoài thành kéo nhau vào nội thành bằng con đường nhỏ có lính kiểm soát, để thưởng thức các món ăn thức uống vui chơi. Trong số dân chúng vào nội thành ấy, có số lính của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta. Dù lính canh gác kiểm soát của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita biết lính của kẻ thù, nhưng vẫn cho ra vào tự do như những người dân ngoại thành trong đất nước Videharaṭṭha.
Bên ngoài thành, nghe được âm thanh tiếng đàn, tiếng kèn, tiếng ca hát, tiếng reo hò từ trong thành vang dội ra, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền hỏi các quan rằng:
- Này các khanh! Chúng ta vây hãm kinh-thành với các đoàn binh gồm có 18 akkhobhiṇī quân như thế này, tại sao dân chúng trong kinh-thành không biết sợ, không biết lo lắng gì cả mà chỉ biết vui chơi, đàn ca, múa hát, vỗ tay, reo hò như vậy?
- Tâu Đại-vương, một số lính của ta len lỏi theo đám dân chúng ngoại thành vào trong nội thành bằng con đường nhỏ, thấy dân chúng vui chơi, ca hát, nhảy múa, ăn uống no đủ, mới hỏi họ rằng:
- Này các ngươi! Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cùng với 101 Đức-vua chư hầu trong cõi Nam-thiện-bộ-châu hỗ trợ, đem các đoàn quân đông đảo gồm có 18 akkhobhiṇī quân vây hãm xung quanh kinh-thành Mithilā này của các ngươi. Tại sao các ngươi dể duôi, ham vui chơi, không biết lo sợ vậy?
- Này ông! Ông không biết hay sao! Đức-vua Vedeha của chúng tôi, khi còn trẻ tuổi, lên ngôi vua có mơ ước rằng: “Khi nào các Đức-vua trong cõi Nam-thiện-bộ-châu này đến bao vây kinh-thành Mithilā của chúng ta, khi ấy, Đức-vua của chúng tôi sẽ cho phép dân chúng ăn uống, vui chơi, ca hát, nhảy múa suốt bảy ngày đêm.”
Hôm nay, điều mơ ước ấy đã trở thành hiện thực. Cho nên, Đức-vua truyền lệnh cho phép dân chúng trong kinh-thành được phép ăn uống no đủ, vui chơi, đờn kèn, ca hát, nhảy múa, reo hò suốt bảy ngày đêm.
- Này các tướng sĩ anh dũng! Các ngươi hãy mau tiến quân vào phá thành trì, xâm nhập vào bên trong kinh-thành giết sạch dân chúng trong kinh-thành, bắt Vua Vedeha và quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita đem ra nạp cho Trẫm, để Trẫm trị tội.
Tiến gần đến tầm mũi tên cách thành trì kiên cố, vững chắc, những người lính của quan Thừa-tướng Maho-sadha đứng trên thành, ném đá, bắn tên xuống làm cho quân lính của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta bị thương vong rất nhiều, không có cách nào tiến gần đến thành trì được, nên đành phải rút lui một cách vất vả cũng như khi tiến vào. Đoàn quân anh dũng ấy tâu lên Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta rằng:
- Tâu Đại-vương, xung quanh thành trì có ba đường nước sình lầy có nhiều cá sấu rất nguy hiểm, làm cho các đoàn quân của chúng ta bị chết và bị thương nhiều. Khi đã vượt qua được ba đường nước ấy, đến gần tầm mũi tên cách thành trì kiên cố, các đoàn quân anh dũng của chúng ta bị lính trên thành ném đá, bắn tên xuống làm cho các đoàn quân anh dũng của chúng ta bị thương vong rất nhiều. Các đoàn quân của chúng ta không có cách nào tiến gần đến thành trì được, nên đành phải rút lui cũng vất vả khó khăn như khi tiến vào.
Nghe tâu như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta đóng quân bên ngoài kinh-thành 4-5 ngày đêm, mà không tìm ra phương kế nào để xâm nhập vào bên trong kinh-thành Mithilā được. Đức-vua truyền hỏi quân-sư Kevaṭṭa rằng:
- Thưa quân-sư, đoàn quân anh dũng của chúng ta không thể nào đến gần chân thành trì được.
Vậy, quân-sư có phương kế nào để cho đoàn quân anh dũng của chúng ta xâm nhập vào bên trong kinh-thành được?
- Tâu Chúa-thượng, nước uống, nước dùng hằng ngày của mọi người dân bên trong kinh-thành được lấy từ bên ngoài kinh-thành. Khi dân chúng trong kinh-thành thiếu nước, họ phải mở cửa thành để đi lấy nước.
Khi ấy, các đoàn quân anh dũng của chúng ta sẽ xâm nhập vào kinh-thành bằng cánh cửa ấy. Vì vậy, chúng ta chờ dân chúng trong kinh-thành thiếu nước vậy.
Nghe quân-sư Kevaṭṭa tâu như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cho là hợp lý. Đức-vua truyền lệnh cấm không cho ai đem nước vào trong kinh-thành.
Lính điệp viên của quan Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita viết thư cột trên đầu mũi tên, lén bắn vào bên trong kinh-thành.
Đọc tờ giấy, biết như vậy, quan Thừa-tướng nghĩ rằng: “Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta thật là không biết ta là Mahosadhapaṇḍita!”, rồi quan Thừa-tướng ra lệnh cho lính dẫn nước xuống chỗ trũng rồi trồng cây bông sen trắng do một đạo-sĩ đem từ hồ nước lớn gần núi Himavanta. Do oai lực của quan Thừa-tướng Maho-sadhapaṇḍita cây bông sen trắng lớn nhanh.
Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita ra lệnh cắt cọng bông sen trắng ném ra bên ngoài thành, để cho nhóm lính của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta nhặt được.
- Tâu Đại-vương, kính xin Đại-vương xem cọng bông sen trắng dài chưa từng thấy như thế này.
- Này các khanh! Cọng bông sen trắng này dài bao nhiêu vậy?
- Này các khanh! Các khanh có được cọng bông sen trắng này từ đâu vậy?
- Tâu Đại-vương, chúng thần nhặt được cọng bông sen trắng này từ bên trong kinh-thành ném ra ngoài.
- Tâu Đại-vương, một hôm, hạ thần xen lẫn trong đám dân chúng vào bên trong kinh-thành ăn uống, vui chơi với họ, hạ thần nhìn thấy một hồ nước rộng lớn. Nghe người ta nói hồ nước sâu hơn 100 cùi tay, trong hồ có nhiều loại hoa sen.
- Tâu Đại-vương, trong kinh-thành có nhiều hồ nước rộng lớn sâu như vậy. Những hồ nước này để cho dân chúng trong nội thành dùng để ăn uống hằng ngày.
- Thưa quân-sư, các đoàn quân anh dũng của chúng ta sẽ xâm nhập vào bên trong kinh-thành Mithilā bằng cách chờ dân chúng thiếu nước, mở cửa thành ra lấy nước uống, nước dùng. Đó là cách vô vọng, bởi vì trong kinh-thành có rất nhiều hồ nước lớn và sâu.
- Tâu Chúa-thượng, thóc gạo là nhu yếu phẩm cần thiết cho sự sống mà dân chúng bên trong kinh-thành sống nhờ thóc gạo từ bên ngoại thành đem vào. Đến khi thóc gạo trong kinh-thành hết thì dân chúng bên trong kinh-thành phải mở cửa thành đi ra lấy thóc gạo.
Khi ấy, các đoàn quân anh dũng của chúng ta sẽ xâm nhập vào bằng cửa thành ấy. Vì vậy, chúng ta chờ bên trong kinh-thành hết thóc gạo vậy.
Lính điệp viên của quan Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita viết thư cột vào mũi tên lén bắn vào bên trong kinh-thành báo tin cho quan Thừa-tướng biết như vậy.
Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita ra lệnh cho lính đem bùn đắp trên bờ quanh thành rồi gieo lúa. Do oai lực của quan Thừa-tướng, cây lúa lên cao, xanh rờn quanh trên bờ thành. Nhìn thấy trên bờ thành có màu xanh rờn, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền hỏi rằng:
- Này các khanh! Trên bờ quanh thành có đám cỏ gì màu xanh rờn vậy?
- Tâu Đại-vương, nghe nói rằng Thừa-tướng Maho-sadhapaṇḍita có trí-tuệ siêu-việt, thấy rõ, biết rõ những sự việc trong quá-khứ, trong hiện-tại và những sự việc sẽ xảy ra trong vị-lai. Biết trong thời vị-lai sẽ có xảy ra sự việc các đoàn quân các nước ngoài đến bao vây kinh-thành Mithilā. Cho nên, quan Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita làm nhiều kho thóc gạo lớn, đem thóc gạo từ bốn vùng lúa mạch của bốn hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc về chất đầy các kho lớn, phần còn dư đem đổ trên bờ thành, nên đám lúa mọc xanh rờn như vậy.
Một hôm, hạ thần đi theo dân chúng vào bên trong kinh-thành bằng con đường nhỏ, hạ thần đứng nhìn kho thóc gạo lớn, người ta mời hạ thần:
“-Này bạn! Bạn có cần thóc gạo bao nhiêu, mời bạn lấy đem về cho gia đình”.
- Thưa quân-sư, các quân anh dũng của chúng ta sẽ xâm nhập vào trong kinh-thành Mithilā bằng cách chờ bên trong kinh-thành hết thóc gạo. Đó là cách vô vọng, bởi vì trong kinh-thành có nhiều kho thóc lúa đầy đủ.
Vậy quân-sư còn có cách nào nữa?
- Tâu Chúa-thượng, dân chúng nấu nướng các món ăn thức uống đều phải dùng đến củi, mà dân chúng bên trong kinh-thành phải lấy củi từ bên ngoài thành đem vào. Đến khi hết củi dân chúng bên trong kinh-thành phải mở cửa thành ra lấy củi.
Khi ấy, các đoàn quân anh dũng của chúng ta sẽ xâm nhập vào bên trong kinh-thành bằng cửa thành ấy. Vì vậy, chúng ta chờ bên trong kinh-thành hết củi vậy.
Người lính điệp viên của quan Thừa-tướng Maho-sadhapaṇḍita viết thư cột vào mũi tên lén bắn vào trong kinh-thành, báo tin cho quan Thừa-tướng biết như vậy.
Nhận được tin báo của người lính điệp viên, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita ra lệnh cho lính đứng trên thành ném củi ra cho lính đang vây quanh thành la lớn rằng:
- Này các bạn! Các bạn hãy lấy củi đem nấu nướng các món ăn thức uống thoải mái, chúng tôi có nhiều củi.
- Này các khanh! Các khanh lấy củi từ đâu mà chất thành đống cao lớn như vậy?
- Tâu Đại-vương, đống củi này từ những người lính của Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita đứng trên thành ném ra cho lính của Đại-vương để nấu nướng đồ ăn thức uống.
- Tâu Đại-vương, nghe nói Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita có trí-tuệ siêu-việt, thấy xa, biết rộng, biết rõ rằng trong thời vị-lai, kinh-thành Mithilā này sẽ bị quân các nước đến bao vây. Cho nên, Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita cho đào các hồ nước lớn và sâu để chứa nước, cho xây dựng các kho chứa thóc gạo đầy đủ, chuẩn bị những nhu yếu phẩm cần thiết đầy đủ cho dân chúng, củi chất thành đống lớn xung quanh thành, v.v... để cho toàn thể dân chúng bên trong kinh-thành Mithilā có thể sống tự túc thời gian lâu dài, mà không cần bên ngoại thành cung cấp.
- Này quân-sư, các đoàn quân anh dũng của chúng ta không thể xâm nhập vào trong kinh-thành bằng cách chờ bên trong kinh-thành hết củi nấu nướng, bởi vì củi dự trữ trong kinh-thành nhiều đến nỗi lính trong thành ném ra cho chúng ta đống củi lớn như thế này.
Vậy, quân-sư còn có cách nào nữa không?
- Tâu Chúa-thượng, Chúa-thượng chớ nên lo lắng, hạ thần còn có cách khác nữa.
- Trẫm thấy cách nào của quân-sư cũng đều vô vọng cả. Nếu chúng ta không thể xâm nhập vào bên trong kinh-thành Mithilā này được thì chúng ta chỉ có cách dẫn các đoàn binh trở về nước mà thôi.
Khi ấy, quân-sư Kevaṭṭa cảm thấy tự ái, xấu hổ, vì bị Đức-vua xem ông là kẻ bất tài nên nghĩ: “Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cùng với 101 Đức-vua chư hầu dẫn các đoàn binh hùng mạnh gồm có 18 akkhobhiṇī quân vây hãm xung quanh kinh-thành Mithilā này ba vòng. Kinh-thành Mithilā chỉ là một kinh-thành của nước nhỏ mà tại sao các đoàn quân anh dũng của chúng ta không thể xâm nhập vào bên trong được, bởi vì trong kinh-thành ấy có Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita.
Mahosadhapaṇḍita là bậc đại trí, thì ta cũng là bậc đại trí.”
Dhammayuddha: Trận Đấu-Pháp
- Tâu Chúa-thượng, hạ thần sẽ bày ra mưu kế đấu nhau bằng Dhammayuddha: Trận Đấu-Pháp.
- Này quân-sư, Dhammayuddha: Trận-Đấu-Pháp là thế nào?
- Tâu Chúa-thượng, Dhammayuddha: Trận Đấu-Pháp là đấu tài trí giữa hai bậc đại-trí với nhau, nghĩa là chỉ có hai bậc đại-trí sử dụng tài trí mưu kế đấu với nhau mà thôi.
Một bậc đại-trí của nước bên này đấu trí với một bậc đại-trí của nước kia. Trên đấu trường chỉ có hai bậc đại-trí mà thôi.
Trong hai bậc đại-trí ấy, nếu bậc đại-trí của nước nào cúi đầu đảnh lễ bậc đại-trí của nước kia, thì nước ấy coi như đã bị thua, còn nước kia coi như đã thắng. Nước thắng sẽ chiếm lấy nước thua.
- Tâu Chúa-thượng, như vậy, gọi là Dhammayuddha: Trận Đấu-Pháp giữa hai bậc đại-trí với nhau, không sử dụng đến binh hùng tướng mạnh.
- Tâu Chúa-thượng, trong Trận Đấu-Pháp này, kẻ hạ thần ở thế thượng phong, bởi vì hạ thần là người lớn tuổi, còn Thừa-tướng Mahosadha còn trẻ tuổi hơn hạ thần. Cho nên, khi gặp hạ thần, Thừa-tướng Mahosadha sẽ cúi đầu đảnh lễ dưới đôi bàn chân của hạ thần.
Ngay khi ấy, hạ thần sẽ lớn tiếng dõng dạc tuyên bố cho toàn thể các Đức-vua, các đoàn binh của hai nước biết rằng: “Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita của Đức-vua Vedeha đất nước Videha đã bị thua, còn quân-sư Kevaṭṭa của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta đất nước Kapilaraṭṭha đã thắng.”
- Này quân-sư, Dhammayuddha: Trận Đấu-Pháp này thật là diệu kế.
Người lính điệp viên của quan Thừa-tướng Mahosadha viết thư cột trên đầu mũi tên lén bắn vào bên trong kinh-thành, để báo tin cho quan Thừa-tướng biết rõ Dhamma-yuddha: Trận Đấu-Pháp mà quân-sư Kevaṭṭa bày ra.
Nhận được tin của lính điệp viên, quan Thừa-tướng nghĩ rằng: “Nếu ta thua quân-sư Kevaṭṭa thì ta đâu phải là Mahosadhapaṇḍita.”
Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền viết tối hậu thư gửi đến Đức-vua Vedeha rằng:
“Bổn Vương xin thông báo cho Đức-vua Vedeha được rõ: “Ngày mai, Trận Đấu-Pháp: Dhammayuddha sẽ diễn ra giữa hai bậc đại-trí của hai nước:
- Nước Kapilaraṭṭha của bổn vương sẽ đề cử một bậc đại-trí.
- Nước Videharaṭṭha của Đức-vua Vedeha cũng đề cử một bậc đại trí.
*Nếu bậc đại-trí của nước nào thắng thì nước ấy thắng.
* Nếu bậc đại-trí của nước nào thua thì nước ấy thua. Nước thắng chiếm lấy nước thua.”
Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền một vị quan làm sứ giả đem tối hậu thư đến trình Đức-vua Vedeha trong kinh-thành Mithilā, nước Videharaṭṭha.
- Tâu Hoàng-thượng, hay lắm! Kính xin Hoàng-thượng trả lời tối hậu thư rằng:
“Tâu Đại-vương Cūḷanī Brahmadatta, Bổn vương chấp thuận Trận Đấu-Pháp: Dhammayuddha này.”
Dân chúng trong kinh-thành Mithilā sẽ xây dựng một đấu trường tại cửa thành hướng Tây. Kính xin mời Đại-vương cùng 101 Đức-vua chư hầu, các đoàn quân đến chứng kiến gần chỗ đấu trường vào ngày mai.”
Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita ra lệnh cho dân chúng xây dựng một đấu trường tại cửa thành hướng Tây. Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita nghĩ rằng:
“Chắc chắn quân-sư Kevaṭṭa sẽ bị thua nhục nhã vào ngày mai.”
* Quân-sư Kevaṭṭa trang phục chỉnh tề đến tại đấu trường sớm, ngồi chờ đợi Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita.
* Cũng sáng ngày hôm ấy, quan Thừa-tướng Maho-sadhapaṇḍita thức dậy, tắm rửa sạch sẽ, ăn uống ngon lành, mặc bộ đồ triều phục sang trọng từ nước Kāsi giá 1.000 Kahāpana, trang điểm các đồ trang sức quý giá, ngồi trên chiếc xe ngựa báu sang trọng cùng với nhóm bạn hữu 1.000 chiến sĩ anh hùng vào chầu Đức-vua Vedeha, tâu rằng:
- Muôn tâu Đức Phụ-vương, hạ thần xin phép đi đến đấu trường.
- Này hoàng-nhi Mahosadhapaṇḍita yêu quý! Con cần đem theo thứ gì?
- Muôn tâu Đức Phụ-vương, con xin phép đem theo viên ngọc maṇi báu để đánh lừa quân-sư Kevaṭṭa.
- Này hoàng-nhi Mahosadhapaṇḍita yêu quý! Phụ-vương chấp thuận.
Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita đón nhận viên ngọc maṇi báu, rồi đảnh lễ Đức-vua Vedeha, xin phép đi với nhóm bạn hữu 1.000 chiến sĩ anh hùng. Quan Thừa-tướng ngồi trên chiếc xe ngựa báu sang trọng giá 900 nghìn Kahāpana, đi thẳng ra cửa thành hướng Tây, cửa thành mở ra, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita xuất hiện như sư tử chúa cùng với đoàn tùy tùng đông đảo phía sau. Quan Thừa-tướng bước xuống xe, đi bộ đến nơi đấu trường với dáng đi như con sư tử chúa.
Nhìn thấy quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cùng với 101 Đức-vua chư hầu đều tán dương ca tụng rằng:
-Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita có các tướng tốt của bậc đại-nhân mà không một ai trong cõi Nam-thiện-bộ-châu này sánh được.
Quân-sư Kevaṭṭa đã ngồi chờ đợi quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita tại nơi đấu trường, trời nắng nóng, mồ hôi chảy ra nhễ nhại và nghĩ rằng: “Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita sắp đến.”
Nhìn thấy Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita đi đến, bước lên đấu trường, quân-sư Kevaṭṭa liền đứng dậy đón tiếp quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita và nói rằng:
- Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita, cả hai chúng ta đều là bậc đại-trí. Khi tôi đã đến đất nước của Thừa-tướng lâu ngày rồi, mà Thừa-tướng không cho người đem quà gì tặng cho tôi cả, tại sao Thừa-tướng đối xử như vậy?
- Thưa quân-sư Kevaṭṭa, tôi đã biết quân-sư đến đất nước của tôi lâu ngày rồi, nhưng tôi tìm chưa được món quà xứng đáng để biếu quân-sư, mãi đến hôm nay mới tìm được viên ngọc maṇi báu này. Viên ngọc maṇi báu này không phải dễ có được.
Nhìn thấy viên ngọc maṇi báu ấy sáng chói, thật là vô giá nằm trong tay của quan Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita, quân-sư Kevaṭṭa nghĩ rằng:
“Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita muốn biếu viên ngọc maṇi báu ấy cho ta”, nên quân-sư Kevaṭṭa ngửa hai bàn tay ra chờ đón nhận viên ngọc maṇi báu ấy.
- Xin quân-sư Kevaṭṭa vui lòng nhận viên ngọc maṇi báu này.
Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita buông thả mạnh viên ngọc maṇi báu ngay trên đầu ngón tay của quân-sư Kevaṭṭa, viên ngọc maṇi báu ấy nặng vừa chỉ đụng trên đầu ngón tay của quân-sư Kevaṭṭa mà thôi, quân-sư Kevaṭṭa không thể nắm được, nên viên ngọc maṇi báu liền rơi xuống đất gần hai bàn chân của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita.
* Với tâm tham muốn tối tăm quên mình, quân-sư Kevaṭṭa cúi rạp người xuống ngay hai bàn chân của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita để nhặt viên ngọc maṇi báu ấy.
Ngay khi ấy, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita đưa một tay nắm cổ của quân-sư Kevaṭṭa đè cái mặt xuống đất rồi chà qua xát lại làm cho da mặt của quân-sư Kevaṭṭa trầy da, máu chảy ra đầy mặt, và một tay kia nắm chặt tấm choàng bào dở hỏng lên mặt đất, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita nói giọng lớn, vang dội ra khoảng không gian rộng lớn rằng:
- Này quân-sư Kevaṭṭa! Quân-sư không nên đảnh lễ tôi.
- Này quân-sư Kevaṭṭa! Quân-sư hãy đứng lên, tôi còn nhỏ tuổi đáng con cháu của quân-sư. Quân-sư không nên đảnh lễ tôi.
- Quân-sư Kevaṭṭa đảnh lễ dưới đôi bàn chân của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita.
Tiếng vang dội ra khắp mọi nơi, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta ngồi chứng kiến, thấy quân-sư Kevaṭṭa cúi đầu đảnh lễ dưới đôi bàn chân của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita, còn nghe rõ tiếng nói của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita như vậy, nên Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta nghĩ rằng:
“Quân-sư Kevaṭṭa của ta đã đảnh lễ dưới đôi bàn chân của Thừa-tướng Mahosadha. Như vậy, Trận Đấu-Pháp: Dhammayuddha này, quân-sư Kevaṭṭa của ta đã bị thua rồi. Còn Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita đã thắng rồi, chắc chắn họ sẽ không tha mạng sống của ta.
Nghĩ vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta lên ngựa báu của mình chạy thoát thân, trở về kinh-thành Uttara-pañcāla. Còn 101 Đức-vua chư hầu cũng nhìn thấy quân-sư Kevaṭṭa đảnh lễ dưới đôi bàn chân của quan Thừa-tướng Mahosadha và nhìn thấy Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta đã lên ngựa báu chạy thoát thân, nên 101 Đức-vua chư hầu cũng lên ngựa của mình chạy theo, các đoàn binh đông đảo của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta hỗn quân, hỗn quan, cũng tìm cách chạy thoát thân.
Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita buông thả, xô đẩy quân-sư Kevaṭṭa ra xa, trên gương mặt của quân-sư bị trầy trụa máu tươm từ trán, lỗ mũi, hai gò má, miệng, cằm. Quân-sư Kevaṭṭa ngồi dậy, lau mặt đầy máu, nghe quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita bảo rằng:
- Này kẻ si-mê! Ngươi đừng hòng thấy ta đảnh lễ ngươi!
* Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita bảo lính của mình nhặt viên ngọc maṇi báu trao lại cho quan Thừa-tướng rồi lên xe ngựa báu, dẫn đầu nhóm bạn hữu 1.000 chiến sĩ anh hùng trở vào kinh-thành Mithilā.
Quân-sư Kevaṭṭa gặp lại Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta và 101 Đức-vua chư hầu, tâu rằng:
- Tâu Chúa-thượng, hạ thần không phải đảnh lễ dưới đôi bàn chân của Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita, mà sự thật quan Thừa-tướng lừa hạ thần bằng cách đánh rơi viên ngọc maṇi báu xuống tại chỗ hai bàn chân của quan Thừa-tướng. Khi hạ thần cúi đầu xuống để nhặt viên ngọc maṇi báu ấy, thì hạ thần bị quan Thừa-tướng đè cái đầu sát mặt đất, rồi chà qua xát lại cái mặt của hạ thần bị trầy trụa, máu chảy tươm đầy mặt như thế này.
Nghe quân-sư Kevaṭṭa tâu như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền hỏi rằng:
- Thưa quân-sư Kevaṭṭa, bây giờ Trẫm nên làm thế nào?
- Thưa Chúa-thượng, bây giờ Chúa-thượng nên kéo quân lại bao vây kinh-thành Mithilā, cấm không cho dân chúng bên ngoài thành ra vào bên trong kinh-thành bằng con đường nhỏ nữa. Dân chúng bên trong kinh-thành Mithilā bị giam lâu ngày, cảm thấy bực bội khó chịu, cuối cùng phải mở cửa thành.
Khi ấy, các đoàn quân anh dũng của Chúa-thượng xâm nhập vào trong kinh-thành, bắt Đức-vua Vedeha và Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita đem ra chém đầu.
Nghe quân-sư Kevaṭṭa tâu kế sách như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta chuẩn tấu, và tán dương: “Đó là diệu kế.”
Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cùng với 101 Đức-vua chư hầu dẫn các đoàn binh gồm có 18 akkhobhiṇī trở lại bao vây hãm kinh-thành Mithilā, cấm dân chúng bên ngoài thành ra vào bên trong kinh-thành bằng con đường nhỏ nữa.
Nhận được tin từ những người lính điệp viên báo như vậy, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita nghĩ rằng:
“Nếu các đoàn binh của Đức-vua Cūḷanī Brahma-datta vây hãm kinh-thành Mithilā lần này lâu ngày, còn cấm dân chúng bên ngoài thành ra vào bên trong kinh-thành. Như vậy, toàn thể dân chúng trong kinh-thành này như bị nhốt lâu ngày, thì cuộc sống của họ chắc chắn khổ nhiều.
Vậy, ta nên tìm kế làm cho Đức-vua Cūḷanī Brahma-datta cùng 101 Đức-vua chư hầu và các đoàn binh gồm có 18 akkhobhiṇī này bỏ chạy thoát thân, không dám quay trở lại nữa.”
Quan Thừa-tướng nhận xét thấy một người có đủ những đức tính này đó là vị Bà-la-môn Anukevaṭṭa đã từng là vị quan lớn trong triều đình. Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita ra lệnh cho lính mời vị Bà-la-môn Anukevaṭṭa đến, rồi thưa rằng:
- Kính thưa thầy Anukevaṭṭa, hiện nay các đoàn quân gồm có 18 akkhobhiṇī quân của Đức-vua Cūḷanī Brahma-datta và 101 Đức-vua chư hầu bao vây hãm kinh-thành Mithilā lần này lâu ngày. Như vậy, toàn thể dân chúng trong kinh-thành này sẽ bị nhốt lâu ngày, thì cuộc sống của họ chắc chắn khổ nhiều.
- Kính thưa thầy, tôi nghĩ ra một kế làm cho Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cùng 101 Đức-vua chư hầu và các đoàn binh gồm có 18 akkhobhiṇī này phải bỏ chạy thoát thân, không dám quay trở lại nữa.
Tôi đã xem xét nhiều người mà không tìm thấy ai có đủ đức tính như thầy. Cho nên, tôi ra lệnh cho lính mời thầy đến đây, kính xin thầy đảm đương một công việc rất hệ trọng của đất nước và dân tộc của chúng ta.
- Kính thưa thầy, nay sức lực của thầy còn có khả năng đảm đương nổi được không?
- Thưa quan Thừa-tướng đại-nhân, tôi sẽ đảm đương công việc như thế nào, xin quan Thừa-tướng trình bày cho tôi rõ.
- Kính thưa thầy, kính xin thầy nhẫn-nại chịu đựng thực hiện “khổ-nhục-kế” như vầy:
Xin thầy lên đứng trên bờ thành, khi nhìn thấy những người lính canh gác trên thành sơ ý, thầy ném đồ ăn xuống cho lính của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta rồi kêu gọi rằng:
“-Này hỡi các bạn! Các bạn hãy đến lấy đồ ăn, bánh trái mà dùng cho được khoẻ mạnh. Các bạn ráng chịu đựng chờ đợi một thời gian ngắn nữa, khi dân chúng bị nhốt trong kinh-thành Mithilā này cảm thấy bực bội khó chịu như con gà bị nhốt trong lồng, thời gian không lâu nữa, chắc chắn họ sẽ mở cửa thành đón rước các bạn vào bên trong kinh-thành, để bắt Đức-vua Vedeha và quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita đem dâng cho Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta trị tội.”
Nghe thầy nói như vậy, những người lính của tôi sẽ bắt thầy, mắng nhiếc, đánh đập, hành hạ thầy, trói hai tay, lấy sợi dây cột người thầy, thòng dây thả thầy ra bên ngoài thành, để cho lính của Đức-vua Cūḷanī Brahma-datta nhìn thấy. Những người lính sẽ mắng nhiếc thầy rằng: “Này kẻ phản bội đất nước, ngươi hãy đi theo quân giặc của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta đi!”
Khi những người lính ngoại thành dẫn thầy đến chầu Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, nhìn thấy thầy như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta sẽ truyền hỏi thầy rằng:
“-Này ngươi đã làm tội gì mà bị hành hạ như vậy?” Khi ấy, xin thầy tâu với Đức-vua Cūḷanī Brahma-datta rằng:
“-Tâu Đại-vương, trước đây hạ thần là vị quan lớn trong triều đình của Đức-vua Vedeha, hạ thần thường hay chống đối kế sách của Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita, nên Thừa-tướng ghét hạ thần và tâu với Đức-vua Vedeha cách chức hạ thần. Hạ thần rất căm thù Thừa-tướng Mahosadha. Vì vậy, khi nghe tin các đoàn binh của Đại-vương bao vây hãm kinh-thành Mithilā, hạ thần rất vui mừng, leo lên trên bờ thành, nhìn thấy quân binh của Đại-vương, quan sát thấy lính của Thừa-tướng Mahosadha canh gác thưa thớt, không để ý, nên hạ thần ném đồ ăn, bánh xuống cho lính của Đại-vương ăn cho được khoẻ mạnh, rồi kêu gọi chờ đánh chiếm kinh-thành.
Lính của Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita thấy hạ thần hành động và nghe như vậy, nên báo cho Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita biết.
Để trả thù hạ thần, Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita đã ra lệnh cho lính đánh đập, hành hạ, rồi trói hạ thần thòng dây thả ra bên ngoài cửa thành. Những người lính mắng nhiếc hạ thần là kẻ phản bội đất nước. Nhờ lính của Đại-vương nhìn thấy hạ thần như vậy, nên đem hạ thần đến chầu Đại-vương. Thật là diễm phúc cho cuộc đời của hạ thần.”
Khi được gần gũi, thân cận với Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, thầy tìm mọi cách làm cho Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta tin tưởng nơi thầy, rồi thầy tâu rằng:
“-Tâu Đại-vương, bậy giờ hạ thần rất căm thù Thừa tướng Mahosadhapaṇḍita và ghét Đức-vua Vedeha.
Vậy, từ nay hạ thần chỉ có một lòng một dạ trung thành phục vụ Đại-vương mà thôi.
-Tâu Đại-vương, hạ thần đã từng phục vụ trong triều đình Đức-vua Vedeha lâu năm, nên biết rõ các địa hình, địa thế quan trọng trong và ngoài kinh-thành, các đường nước xung quanh kinh-thành, chỗ nào nguy hiểm có nhiều cá sấu, chỗ nào ít nguy hiểm, … hạ thần đều biết rõ. Cho nên, hạ thần biết đường dẫn các đoàn quân anh dũng xâm nhập vào bên trong, để chiếm lấy kinh-thành Mithilā, bắt Đức-vua Vedeha và Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita đem dâng lên Đại-vương trị tội.”
Nghe thầy tâu như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta sẽ tin nơi thầy, nếu Đức-vua truyền cho thầy dẫn các đoàn quân anh dũng xâm nhập vào bên trong kinh-thành, thì thầy ra lệnh các đoàn quân anh dũng băng qua đường nước nơi có nhiều cá sấu, nên một số quân lính bị cá sấu cắn bị thương. Nhìn thấy cảnh bị thương như vậy, số đông quân lính còn lại không dám băng qua đường nước, mặc dù thầy ra lệnh.
Khi ấy, thầy trở về tâu lên Đức-vua Cūḷanī Brahma-datta rằng:
“-Tâu Đại-vương, hạ thần ra lệnh các đoàn quân anh dũng băng qua đường nước ít nguy hiểm, vì ít cá sấu, để xâm nhập vào bên trong kinh-thành, nhưng các đoàn quân anh dũng ấy không tuân theo lệnh của hạ thần.
- Tâu Đại-vương, hạ thần biết trong các đoàn quân ấy, có một số quân lính đã bị Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita mua chuộc, ăn hối lộ của y, nên họ không còn trung thành tuyệt đối với Đại-vương.
Thật vậy, khi Đại-vương thực hiện kế sách gì thì nhóm quân lính này đều báo tin cho Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita biết cả. Nhờ vậy, Thừa-tướng Maho-sadhapaṇḍita đều phá được kế sách của Đại-vương.
- Tâu Đại-vương, hạ thần còn biết rõ 101 Đức-vua chư hầu của Đại-vương đều nhận đồ hối lộ từ Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita.
Nếu Đại-vương không tin hạ thần thì xin Đại-vương truyền lệnh cho 101 Đức-vua chư hầu mặc triều phục đến chầu. Khi ấy, Đại-vương sẽ thấy rõ sự thật.”
Nghe thầy tâu như vậy, để biết rõ hư thật thế nào, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta sẽ truyền lệnh mời 101 Vua chư hầu đến chầu. Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta chính mình nhìn thấy 101 Đức-vua chư hầu mặc long bào, mang thanh gươm báu, mang đôi hia vàng, vòng vàng đeo cổ, mỗi thứ đều nổi lên dòng chữ “Mahosadha-paṇḍita kính dâng món quà này lên Đức-vua.”
Dòng chữ này chỉ có một mình Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta nhìn thấy mà thôi. Do nguyện lực của tôi.
Còn 101 Đức-vua chư hầu hoàn toàn không thấy, không biết gì cả. Khi nhìn thấy rõ đúng sự thật như vậy, nên Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta tin theo lời của thầy và phát sinh nỗi lo sợ, sẽ truyền lệnh rằng: “Xin mời các Đức-vua ngự trở về chỗ ở của mình.”
Khi ấy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền hỏi thầy rằng: “Này khanh! Bây giờ Trẫm phải hành động thế nào?” Thầy nên tâu với Đức-vua rằng:
“-Tâu Đại-vương, hạ thần biết Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita là người có tà thuật, có mưu ma chước quỷ, có thể làm mê hoặc được mọi người nghe theo y, Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita cũng có thể làm mê hoặc sai khiến các đoàn binh của Đại-vương làm phản, bắt Đại-vương nạp cho quan Thừa-tướng được.
Nếu Đại-vương ngự tại nơi này lâu ngày, thì sẽ không an toàn sinh-mạng của Đại-vương.
- Tâu Đại-vương, để bảo vệ sự an toàn sinh-mạng của Đại-vương và của hạ thần. Vậy, vào canh giữa đêm nay, thỉnh Đại-vương ngự đi khỏi nơi này, để Đại-vương và hạ thần tránh khỏi được sự chết đau đớn do tay của người khác.”
Nghe lời tâu như vậy, chắc chắn Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta sẽ làm theo. Khi Đức-vua đã ngự đi ra khỏi doanh trại, thầy tiễn đưa một đoạn đường dài, rồi thầy trở lại báo tin cho nhóm lính điệp viên biết.
- Thưa quan Thừa-tướng đại-nhân, kế này hay lắm! Tôi sẽ thi hành đúng như lời chỉ dẫn của quan Thừa-tướng.
- Kính thưa thầy, kính xin thầy ráng nhẫn-nại, chịu đựng để thực hiện “khổ-nhục-kế” này.
- Thưa quan Thừa-tướng đại-nhân, trong thân thể của tôi chỉ ngoại trừ sinh-mạng, hai tay, hai chân, hai con mắt, hai lỗ tai ra, còn lại các bộ phận khác tôi ráng nhẫn-nại, chịu đựng được cả.
Sau đó mọi người thi hành khổ-nhục-kế hết sức tự nhiên đúng theo bài bản rất nhập vai như thật.
Vị Bà-la-môn Anukevaṭṭa bị đánh đập hành hạ mà những người lính của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta đều nhìn thấy, rồi đặt vị Bà-la-môn vào chiếc võng thòng dây thả xuống nằm bên ngoài cửa thành.
Mọi sự việc sau xảy ra giữa vị Bà-la-môn Anukevaṭṭa với Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta theo tuần tự từ đầu đến cuối đúng như điều mà quan Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita đã trình bày với vị thầy Bà-la-môn Anukevaṭṭa.
Nghe vị Bà-la-môn Anukevaṭṭa tâu dối là quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita có mưu ma chước quỷ, có thể sai khiến quân lính làm phản và sợ không an toàn tánh mạng như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta nghĩ rằng:
“Thật đáng lo sợ! Ta không còn dám tin vào người nào cả. 101 Đức-vua chư hầu đều nhận đồ hối lộ của Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita, ngay cả quân-sư Kevaṭṭa cũng chịu nhận hối lộ viên ngọc maṇi báu của Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita, cho nên trên mặt bị nhiều vết thương đang nằm chữa trị.
Bây giờ, ta chỉ còn cách âm thầm trốn ra khỏi nơi này là thượng sách mà thôi”.
Nghĩ xong, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền lệnh cho vị Bà-la-môn Anukevaṭṭa rằng:
- Này Bà-la-môn Anukevaṭṭa! Ngoài khanh ra, Trẫm không biết tin vào ai nữa.
Vậy, khanh hãy lo sửa soạn các con ngựa báu cài vào chiếc long xa cho Trẫm.
- Tâu Đại-vương, hạ thần xin tuân lệnh.
Biết Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta chịu ngự trốn đi khỏi nơi ấy, nên vị Bà-la-môn Anukevaṭṭa đến tìm những người lính điệp viên của quan Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita báo cho biết: “Vào canh chót đêm nay, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta sẽ ngự trốn đi khỏi nơi này.
Vậy, các ngươi hãy cài ngựa báu vào chiếc long xa, thay đổi giây điều khiển dừng lại sang vị trí phi nhanh (Đức-vua muốn dừng lại thì con ngựa càng phi nhanh).
Tất Cả Quân Lính Chạy Trốn Không Kịp Mặc Áo
Chiếc long xa của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta phi nhanh như bay không ngừng, con ngựa của vị Bà-la-môn Anukevaṭṭa đưa một quãng đường dài thì quay lui trở lại doanh trại, báo cho những người lính điệp viên gác trại ấy biết rồi la lớn lên:
“Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta không có trong doanh trại”, rồi họ báo cho 101 Đức-vua chư hầu, vừa thức dậy tất cả đều hoảng sợ tưởng rằng: “Quân lính của Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita đã xâm nhập vào doanh trại bắt Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta đi rồi, chắc chắn họ không tha mạng cho chúng ta”, nên 101 Đức-vua chư hầu đều vội vã lên ngựa chạy trốn thoát thân, không kịp mặc áo.
Nghe tiếng ồn ào xôn xao làm cho các đoàn binh gồm có 18 akkhobhinī thức dậy tưởng rằng: “Quân lính của Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita tiến quân xâm nhập vào doanh trại, bắt Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta và 101 Đức-vua chư hầu dẫn đi rồi”. Cho nên, mỗi người lính không kịp mặc áo, tìm có được phương tiện nào thì dùng phương tiện ấy chạy trốn thoát thân, có số đông quân lính không có phương tiện nên chạy bộ trốn thoát.
Sáng ngày hôm sau, các quân lính trong kinh-thành Mithilā mở cửa thành đi đến các doanh trại, nhìn thấy các thứ khí giới, đồ đạc, các dụng cụ, lương thực, v.v… bỏ lại nhiều vô số kể, nên trình cho quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita rằng:
- Kính thưa quan Thừa-tướng, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cùng với 101 cùng chư hầu và các đoàn binh gồm có 18 akkhobhinī quân lính đều bỏ chạy trốn khỏi nơi này cả thảy, bỏ lại các khí giới, các dụng cụ, lương thực, v.v… chúng tôi phải làm thế nào?
- Này các ngươi! Tất cả mọi khí giới, các dụng cụ, lương thực, v.v… của kẻ thù bỏ lại đều thuộc về chúng ta. Vậy, các ngươi đem những vật dụng của 101 Đức-vua đem dâng lên Đức-vua Vedeha. Những vật dụng của các quan thì các người đem nạp trong kho của ta. Những vũ khí, dụng cụ, phương tiện thì các ngươi đem nạp vào kho của triều đình. Những thứ vật dụng, đồ dùng của lính, lương thực, v.v… thì các ngươi lấy sử dụng và cho dân chúng đem về nhà làm của riêng.
Dân chúng trong kinh-thành Mithilā và dân chúng ngoại thành dọn dẹp các đồ dùng khác suốt thời gian bốn tháng mới xong.
Khen Thưởng Vị Thầy Bà-La-Môn Anukevaṭṭa
Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tán dương, ca tụng vị thầy Bà-la-môn Anukevaṭṭa có công lớn làm cho Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, 101 Đức-vua chư hầu và các đoàn binh hùng mạnh gồm 18 akkhobhinī quân lính bỏ chạy khỏi đất nước Videharaṭṭha. Đức-Bồ-tát Mahosadha-paṇḍita ban những phần thưởng quý giá đến vị Bà-la-môn Anukevaṭṭa.
Đức-vua Vedeha ngự tại kinh-thành Mithilā trị vì đất nước Videharaṭṭha được thái bình thịnh vượng, thần dân thiên hạ được sống an cư lạc nghiệp.
Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta ngự tại kinh-thành Uttarapañcāla, trị vì đất nước Kapilaraṭṭha và 101 Đức-vua chư hầu trong toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu, trải qua một năm thái bình, không chiến tranh.
Một hôm, quân-sư Kevaṭṭa soi gương nhìn thấy trên mặt nhiều vết sẹo trên trán, đôi má, cằm, ... nên nghĩ rằng: “Đây là những vết sẹo do Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita đè đầu chà qua sát lại trên mặt đất, đến nay vẫn còn lưu lại trên gương mặt. Thật là một điều vô cùng xấu hổ đối với Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta và 101 Đức-vua chư hầu cùng toàn thể các đoàn binh lính nữa.” Quân-sư Kevaṭṭa phát sinh tâm thù hận Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita nên nghĩ rằng:
“Làm cách nào ta có thể trả được mối thù này?” Quân-sư Kevaṭṭa nghĩ ra mưu thâm kế độc để giết hại Đức-vua Vedeha và Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita.
Mỹ-Nhân-Kế
Quân-sư Kevaṭṭa nghĩ đến Công-chúa Pañcālacandī của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta và Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī:
“Công-chúa có sắc đẹp tuyệt trần như một thiên-nữ. Vậy, ta nên lợi dụng sắc đẹp của Công-chúa Pañcālacandī làm mỹ-nhân-kế, dụ Đức-vua Vedeha ngự đến kinh-thành Uttarapañcāla để làm lễ thành hôn với Công-chúa Pañcālacandī, chắc chắn có Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita cùng đi theo hộ giá.
Như vậy, họ ví như nai bị mắc bẫy, cá bị cắn câu.
Khi ấy, ta sẽ bắt Vua Vedeha và Mahosadhapaṇḍita đem ra chém đầu, rồi sẽ làm đại lễ uống rượu ăn mừng chiến thắng toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu này.”
Sau khi nghĩ xong, quân-sư Kevaṭṭa đến chầu Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, tâu rằng:
- Tâu Chúa-thượng, hạ thần có một kế hay, xin tâu cho Chúa-thượng rõ.
Nghe quân-sư Kevaṭṭa tâu như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền hỏi rằng:
- Này quân-sư, quân-sư đã hiến bao nhiêu kế đều thất bại thê thảm, bỏ chạy trốn thoát thân. Nay, quân-sư còn bày ra kế gì nữa đây!
- Tâu Chúa-thượng, kế này thật là diệu kế, cũng là thượng sách nữa!
- Này quân-sư, nếu vậy thì hãy tâu cho Trẫm rõ.
- Tâu Chúa-thượng, xin Chúa-thượng đến một chỗ vắng vẻ, chỉ có Chúa-thượng và hạ thần mà thôi, hạ thần sẽ tâu cho Chúa-thượng rõ.
- Tâu Chúa-thượng, Công-chúa Pañcālacandī của Chúa-thượng có sắc đẹp tuyệt trần như một thiên-nữ. Chúa-thượng nương nhờ Công-chúa Pañcālacandī làm mỹ-nhân-kế dụ Đức-vua Vedeha ngự đến kinh-thành Uttarapañcāla để làm lễ thành hôn, chắc chắn Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita đi theo hộ giá.
Như vậy, hai người ấy ở trong tay của ta, ví như nai bị mắc bẫy, cá bị cắn câu, không còn đường nào trốn thoát được nữa.
Chúa-thượng truyền lệnh bắt Đức-vua Vedeha và Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita đem ra chém đầu, để trả thù, rồi Chúa-thượng truyền lệnh tổ chức đại lễ uống rượu, ăn mừng chiến thắng trong toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu này.
Khi ấy, Chúa-thượng đương nhiên sẽ được suy tôn là Đại-vương cao cả nhất (aggamahārājā), làm bá chủ trong cõi Nam-thiện-bộ-châu này.
-Tâu Chúa-thượng, ban đầu truyền gọi các thi sĩ vào cung, nhìn thấy Công-chúa Pañcālacandī xinh đẹp tuyệt trần như thiên-nữ, họ sẽ làm thơ, ca hát tán dương, ca tụng sắc đẹp tuyệt trần của Công-chúa; truyền cho đoàn ca hát, nhảy múa tán dương, ca tụng sắc đẹp tuyệt trần của Công-chúa từ kinh-thành Uttarapañcāla cho đến kinh-thành Mithilā.
Đoàn ca múa xin vào cung điện trình diễn ca hát, nhảy múa, tán dương, ca tụng Công-chúa Pañcālacandī có sắc đẹp tuyệt trần như thiên-nữ cho Đức-vua Vedeha thưởng thức, gợi cho Đức-vua mong ước được Công-chúa làm Chánh-cung Hoàng-hậu.
Khi ấy, hạ thần sẽ làm sứ giả đến kinh-thành Mithilā, xin chầu Đức-vua Vedeha, tâu rằng:
“-Tâu Đại-vương Vedeha, Chúa-thượng của hạ thần là Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta nhận xét thấy Đại-vương là người xứng đáng nên muốn ban Công-chúa Pañcālacandī xinh đẹp tuyệt trần như thiên-nữ cho Đại-vương để làm Chánh-cung Hoàng-hậu.
-Kính xin Đại-vương chọn ngày ngự đến kinh-thành Uttarapañcāla để cử hành hôn lễ với Công-chúa Pañcālacandī, rồi đón rước về kinh-thành Mithilā, để làm Chánh-cung Hoàng-hậu của Đại-vương.”
Khi Đức-vua Vedeha ngự đến kinh-thành Uttara-pañcāla thì chắc chắn Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita sẽ đi theo hộ giá.
Như vậy, hai người ấy sẽ mắc vào mỹ-nhân-kế của chúng ta.
-Thưa Quân-sư, Trẫm xin chuẩn tấu, quân-sư hãy thực hiện mỹ-nhân-kế này một cách rất khéo léo và bí mật tuyệt đối!
Đức-vua Vedeha vốn ham mê ngũ-dục (sắc-dục, thanh-dục, hương-dục, vị-dục, xúc-dục), nên khi nghe nói có đoàn ca múa hay nổi tiếng như thế ấy, Đức-vua Vedeha truyền cho mời vào cung điện để trình diễn.
Đoàn ca múa ấy ca hát tán dương, ca tụng Đức-vua Vedeha với lời hay, ý đẹp làm cho Đức-vua vô cùng hoan hỷ khen ngợi. Đoàn ca múa tán dương, ca tụng Công-chúa Pañcālacandī có sắc đẹp tuyệt trần như thiên-nữ, gợi cho Đức-vua Vedeha nghe say mê, mong ước có được Công-chúa làm Chánh-cung Hoàng-hậu của mình.
Đức-vua Vedeha vô cùng hoan hỷ ban thưởng cho đoàn ca hát ấy các phần thưởng quý giá. Sau đó họ trở về kinh-thành Uttarapañcāla, vào chầu Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta tâu trình rằng:
- Muôn tâu Đại-vương, chúng thần được mời vào cung điện của Đức-vua Vedeha, trình diễn các bài hát tán dương, ca tụng Đức-vua Vedeha, tán dương, ca tụng Công-chúa Pañcālacandī có sắc đẹp tuyệt trần như thiên-nữ làm cho Đức-vua Vedeha cảm thấy hài lòng, vô cùng hoan hỷ, nên đã ban thưởng cho chúng thần những phần thưởng quý giá.
- Thưa quân-sư, kế sách của quân-sư phần đầu đã có kết quả. Nay, xin quân-sư lãnh sứ mạng làm sứ giả đến kinh-thành Mithilā, chầu Đức-vua Vedeha, tâu lời của Trẫm theo kế sách của quân-sư.
Trước khi đến kinh-thành Mithilā, quân-sư Kevaṭṭa đã cho người loan tin cho dân chúng trong kinh-thành Mithilā biết rằng:
“Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta muốn kết tình thân thiện với Đức-vua Vedeha, nên Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta sẽ ban Công-chúa Pañcālacandī xinh đẹp tuyệt trần như thiên-nữ cho Đức-vua Vedeha làm Chánh-cung Hoàng-hậu, để kết tình thân hữu giữa kinh-thành Uttarapañcāla với kinh-thành Mithilā và hai đất nước Kapilaraṭṭha với Videharaṭṭha trong tình thân thiện lẫn nhau, thần dân thiên hạ của hai đất nước sống trong cảnh thanh bình an lạc.”
Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita gửi tin hỏi người lính điệp viên của mình, để biết rõ mỹ-nhân-kế của quân-sư Kevaṭṭa, thì được thư trả lời rằng:
“Thưa quan Thừa-tướng, chúng tôi không biết rõ được mỹ-nhân-kế của quân-sư Kevaṭṭa mà chỉ biết rõ Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta và quân-sư Kevaṭṭa bàn bạc chuyện bí mật trên lâu đài trong phòng ngủ của Đức-vua, mà tại cửa sổ phòng ngủ của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta có con sáo mái Sāḷikā biết nghe và nói tiếng người, chắc chắn con sáo mái Sāḷikā đã nghe được chuyện bí mật ấy.”
Khi ấy, sứ giả Kevaṭṭa tâu với Đức-vua Vedeha rằng:
- Tâu Đại-vương, Chúa-thượng của hạ thần là Đại-vương Cūḷanī Brahmadatta nhận xét thấy Đại-vương là người xứng đáng kết tình thân thiện, nên muốn ban Công-chúa Pañcālacandī xinh đẹp tuyệt trần như thiên-nữ cho Đại-vương làm Chánh-cung Hoàng-hậu, để kết tình thân hữu giữa kinh-thành Uttarapañcāla với kinh-thành Mithilā và hai đất nước Kapilaraṭṭha với Videha-raṭṭha kết tình thân thiện lẫn nhau, thần dân thiên hạ của hai đất nước sống trong cảnh thanh bình an lạc.
- Tâu Đại-vương, Đại-vương Cūḷanī Brahmadatta xin mời Đại-vương chọn ngày ngự đến kinh-thành Uttara-pañcāla, để làm lễ thành hôn với Công-chúa Pañcāla-candī xinh đẹp tuyệt trần như thiên-nữ, rồi đón rước Công-chúa ngự trở về kinh-thành Mithilā này.
Nghe sứ giả Kevaṭṭa tâu như vậy, Đức-vua Vedeha vô cùng hoan hỷ nghe đến câu “ban Công-chúa Pañcāla-candī xinh đẹp tuyệt trần như thiên-nữ”, nên Đức-vua Vedeha truyền bảo với sứ giả Kevaṭṭa rằng:
- Này sứ giả, Quả-nhân vô cùng cảm kích trước tấm lòng tốt của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta đối với Quả-nhân. Quả-nhân chân thành cảm tạ Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta và sứ giả đã vất vả đến đây, để đem lại sự lợi ích, sự an lạc cho Quả-nhân, cho toàn thể dân chúng đất nước Videharaṭṭha và đất nước Kapilaraṭṭha trong tình thân thiện, sống trong cảnh thanh bình an lạc.
- Này sứ giả, để xoá bỏ những lỗi quá khứ giữa sứ giả với Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita. Xin mời sứ giả đến thăm Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita, để bỏ lỗi lẫn nhau, thông cảm và hòa hợp với nhau trong tình thân hữu giữa hai người với nhau.
Nghe lời khuyên của Đức-vua Vedeha, sứ giả Kevaṭṭa đi đến tư dinh thăm quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita. Biết sứ giả Kevaṭṭa đến tư dinh của mình, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita nghĩ rằng:
“Ta không nên đón tiếp, nói chuyện với kẻ ác như sứ giả Kevaṭṭa ấy.”
Do nghĩ như vậy, nên sáng hôm ấy, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita dùng một ít bơ lỏng, rồi bảo gia nhân đem phần bơ lỏng còn lại đổ rải khắp nền nhà, dẹp các ghế ngồi chỉ còn lại chiếc giường Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita đang nằm mà thôi.
Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita căn dặn nhóm gia nhân: “Hãy tiếp sứ giả Kevaṭṭa với thái độ khinh bỉ. Nếu khi Kevaṭṭa muốn hỏi chuyện với ta thì các người hãy ngăn cản y không cho hỏi chuyện, bởi vì hôm nay quan Thừa-tướng dùng bơ lỏng, và nếu ta làm bộ nói chuyện với Kevaṭṭa thì các người cũng ngăn cản ta không cho nói chuyện, bởi vì hôm nay quan Thừa-tướng dùng bơ lỏng.”
Khi ấy, sứ giả Kevaṭṭa đến đứng trước cổng thứ nhất tư dinh của Đức-Bồ-tát, hỏi người lính gác cổng rằng:
- Này ngươi! Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita có trong dinh không?
- Này Bà-la-môn Kevaṭṭa! Ngươi chớ nên nói lớn tiếng, ta cho phép ngươi làm thinh đi vào.
Sứ giả Kevaṭṭa đi vào tuần tự đến cổng số hai cho đến cổng số bảy tư dinh của Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita, các lính gác cổng đều đối xử khinh bỉ như vậy.
Sứ giả Kevaṭṭa đến chỗ Đức-Bồ-tát Mahosadha-paṇḍita đang nằm, không có chỗ ngồi, nên sứ-giả Kevaṭṭa phải đứng, muốn hỏi chuyện Đức-Bồ-tát Maho-sadhapaṇḍita thì gia nhân ngăn cản rằng:
- Này Bà-la-môn Kevaṭṭa! Ngươi không nên hỏi chuyện quan Thừa-tướng, bởi vì hôm nay quan Thừa-tướng của chúng tôi dùng bơ lỏng.
Khi Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita làm bộ muốn nói chuyện với sứ giả Kevaṭṭa thì nhóm gia nhân ngăn cản Đức-Bồ-tát không cho nói chuyện, vì hôm nay quan Thừa-tướng đại-nhân dùng bơ lỏng.
Sứ giả Kevaṭṭa đến thăm Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita, không có chỗ ngồi, đứng trên sàn nhà dính bơ lỏng, mọi người trong tư dinh đều tỏ ra khinh bỉ, nên sứ giả Kevaṭṭa cảm thấy xấu hổ, xin phép trở về. Một gia nhân mắng rằng:
-Này tên Bà-la-môn Kevaṭṭa ác nhân kia! Hãy đi ra. Sứ giả Kevaṭṭa hoảng sợ, trở về cung điện. Đức-vua Vedeha nghĩ rằng:
“Hôm nay, nghe sứ giả Kevaṭṭa báo tin về sứ mạng chuyến đi này, Mahosadhapaṇḍita chắc chắn vui mừng hoan hỷ lắm. Hai bậc đại-trí chuyện trò thân mật bỏ lỗi lẫn nhau. Thật là điều hạnh phúc an lạc cho ta biết dường nào!”
- Thưa sứ giả, sứ giả đã gặp quan Thừa-tướng Maho-sadhapaṇḍita rồi, quan Thừa-tướng chắc chắn đã xin lỗi sứ giả và sứ giả đã bỏ lỗi cho quan Thừa-tướng. Hai bên đã bỏ lỗi cho nhau. Khi nghe sứ giả báo tin về sứ mạng chuyến đi này, chắc chắn quan Thừa-tướng vui mừng hoan hỷ lắm phải không?
- Tâu Đại-vương Vedeha, kính xin Đại-vương không nên nói đến quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita ấy nữa. Ông là con người đần độn, không đáng gọi là bậc đại-trí, vì y không nói một lời nào, y chỉ giống như người câm, người điếc mà thôi.
Nghe sứ giả Kevaṭṭa nói xấu quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita, Đức-vua Vedeha làm thinh, không đồng tình cũng không phản đối. Đức-vua Vedeha mời sứ giả Kevaṭṭa cùng đoàn tuỳ tùng về chỗ nghỉ ngơi. Đức-vua Vedeha suy xét rằng:
“Mahosadhapaṇḍita là bậc đại-trí, có trí-tuệ siêu-việt, là người tài ba lỗi lạc trong phép xã giao. Vậy, tại sao Mahosadhapaṇḍita lại không nói một lời nào với sứ giả Kevaṭṭa, không tỏ ra hoan hỷ trong sự có mặt của sứ giả Kevaṭṭa.
Như vậy, Mahosadhapaṇḍita chắc chắn đã thấy rõ, được mưu kế thâm độc của sứ giả rồi, nên mới tỏ ra thái độ như vậy. Mahosadhapaṇḍita con của ta là bậc đại-trí có trí-tuệ siêu-việt thấy rõ, biết rõ quá-khứ, hiện-tại, vị-lai mà những người khác không dễ gì thấy được, biết được. Cho nên, Mahosadhapaṇḍita chắc chắn biết rõ được mưu kế thâm độc của quân-sư Kevaṭṭa đến đây mời ta ngự đến kinh-thành Uttarapañcāla, để làm lễ thành hôn với Công-chúa Pañcālacandī xinh đẹp tuyệt trần như thiên-nữ.
Nếu đó là mưu kế thâm độc của quân-sư Kevaṭṭa đem Công-chúa Pañcālacandī xinh đẹp tuyệt trần như thiên-nữ để dụ dỗ ta, khi ta rời khỏi kinh-thành Mithilā này, ngự đến kinh-thành Uttarapañcāla, thì có khác nào ta đã lọt vào tay của kẻ thù xưa, sự sống hoặc sự chết của ta như thế nào làm sao biết được?”
-Này quân-sư Senaka, Trẫm có nên ngự đến kinh-thành Uttarapañcāla, để làm lễ thành hôn với Công-chúa Pañcālacandī xinh đẹp tuyệt trần như thiên-nữ của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta hay không? Quân-sư nghĩ thế nào, hãy tâu cho Trẫm rõ.
-Tâu Bệ-hạ, điều hạnh phúc đã đến với Bệ-hạ, kính xin Bệ-hạ đón nhận. Đây là cơ hội tốt nhất đối với Bệ-hạ. Bệ-hạ nên ngự đến kinh-thành Uttarapañcāla, để làm lễ thành hôn với Công-chúa Pañcālacandī xinh đẹp tuyệt trần như thiên-nữ của Đức-vua Cūḷanī Brahma-datta. Đó là cơ hội tốt nhất, cũng là điều vinh dự nhất đối với Bệ-hạ.
Hiện nay, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta là một Đại-vương cao cả nhất trong cõi Nam-thiện-bộ-châu này, còn 101 Đức-vua của 101 đất nước kia là chư hầu của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta. Vì vậy, chỉ có Bệ-hạ ngự tại kinh-thành Mithilā trị vì nước Videharaṭṭha là không phải nước chư hầu của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta mà thôi. Xét thấy Bệ-hạ là Đức-vua xứng đáng, nên Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta ban Công-chúa Pañcāla-candī xinh đẹp tuyệt trần như thiên-nữ đến Bệ-hạ, để làm Chánh-cung Hoàng-hậu của Bệ-hạ.
Kính xin Bệ-hạ nên thuận theo thiện ý của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta đối với Bệ-hạ, để kết tình thân hữu giữa kinh-thành Uttarapañcāla với kinh-thành Mithilā và hai đất nước Kapilaraṭṭha với Videharaṭṭha trong tình thân thiện lẫn nhau, để thần dân thiên hạ của hai nước sống trong cảnh thanh bình an-lạc.
Vậy, kính xin Bệ-hạ nên chọn ngày ngự đến kinh-thành Uttarapañcāla, để làm lễ thành hôn với Công-chúa Pañcālacandī xinh đẹp tuyệt trần như thiên-nữ, rồi rước về kinh-thành Mithilā.
Chúng thần sẽ có cơ hội theo hộ giá Bệ-hạ, cũng sẽ được Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta biếu những phẩm vật quý giá.
- Tâu Bệ-hạ, kính xin Bệ-hạ nên ngự đến kinh-thành Uttarapañcāla, để làm lễ thành hôn với Công-chúa Pañcālacandī xinh đẹp tuyệt trần như thiên-nữ, để làm Chánh-cung Hoàng-hậu của Bệ-hạ.
- Tâu Đại-vương, hạ thần không thể ở lâu hơn nữa, xin phép Đại-vương trở về kinh-thành Uttarapañcāla.
Kính xin Đại-vương chọn ngày ngự đến kinh-thành Uttarapañcāla. Đại-vương truyền gửi sứ giả đến tâu lên Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta được rõ.
Biết sứ giả Kevaṭṭa đã rời khỏi kinh-thành Mithilā trở về kinh-thành Uttarapañcāla, Đức-Bồ-tát Mahosadha-paṇḍita đến chầu Đức-vua Vedeha, đảnh lễ rồi ngồi một nơi hợp lẽ.
Trước đây, Đức-vua Vedeha một mình suy xét đúng đắn, sau khi gặp bốn vị quân-sư thiểu trí si-mê, nên Đức-vua lại thay đổi ý nghĩ trước, do năng lực của tâm tham-ái làm cho Đức-vua trở thành người say mê trong ngũ-dục, nên truyền hỏi Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita rằng:
-Này Mahosadhapaṇḍita! Chúng ta gồm có sáu người: Trẫm, quân-sư Kevaṭṭa và bốn quân-sư đều là bậc đại-trí đồng có ý kiến với nhau rằng: “Trẫm nên chọn ngày ngự đến kinh-thành Uttarapañcāla, để làm lễ thành hôn với Công-chúa Pañcālacandī xinh đẹp tuyệt trần như thiên-nữ của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, rồi rước về làm Chánh-cung Hoàng-hậu của Trẫm.”
-Này Mahosadhapaṇḍita! Con có ý kiến như thế nào? Con hãy tâu cho Phụ-vương rõ.
“Đức-vua Vedeha đã tin lời sứ giả Kevaṭṭa và bốn vị quân-sư thiểu trí si-mê, rồi say mê Công-chúa Pañcāla-candī mà không thấy Công-chúa chỉ là miếng mồi để dụ Đức-vua ngự đến kinh-thành Uttarapañcāla, để sát hại Đức-vua Vedeha chứ không phải để làm lễ thành hôn với Công-chúa. Ta sẽ tâu cho Đức-vua nhận thức thấy rõ sự thật như vậy mà thay đổi ý, không dám ngự đến kinh-thành Uttarapañcāla nữa.”
- Tâu Đại-vương, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta đem Công-chúa Pañcālacandī làm mồi dụ Đại-vương ngự đến kinh-thành Uttarapañcāla, để sát hại Đại-vương, chứ không phải để làm lễ thành hôn với Công-chúa xinh đẹp tuyệt trần như thiên-nữ, như sứ giả Kevaṭṭa tâu với Đại-vương. Đó chỉ là “mỹ-nhân-kế” của sứ giả Kevaṭṭa mà thôi.
Ví như người thợ săn đem con nai cái ra để lừa con nai đực say mê rồi mắc bẫy của y; người câu cá móc miếng mồi ngon bao bọc lưỡi câu để lừa con cá mê mồi nuốt phải lưỡi câu vào bụng, không biết sự chết đến với mình.
- Tâu Đại-vương, Công-chúa Pañcālacandī ví như con nai cái của người thợ săn, cũng ví như miếng mồi ngon bao bọc lưỡi câu của người câu cá.
Nếu Đại-vương say mê Công-chúa mà ngự đến kinh-thành Uttarapañcāla thì Đại-vương chắc chắn sẽ bị bắt rồi bị chém đầu ngay tức thì.
- Tâu Đại-vương, hạ thần đã thấy rõ “mỹ-nhân-kế” của quân-sư Kevaṭṭa dụ Đại-vương ngự đến kinh-thành Uttarapañcāla để giết Đại-vương.
Vậy, kính xin Đại-vương có trí-tuệ sáng suốt nhận thức rõ tai họa ấy mà thay đổi ý, không nên ngự đến kinh-thành Uttarapañcāla nữa.
“Mahosadhapaṇḍita coi thường ta, không còn tôn trọng ta là Đức-vua nữa. Chính sứ giả Kevaṭṭa đã tâu với ta rằng: “Tâu Đại-vương, Chúa-thượng của hạ thần là Đại-vương Cūḷanī Brahmadatta nhận xét thấy Đại-vương là người xứng đáng kết tình thân thiện, nên muốn ban Công-chúa Pañcālacandī xinh đẹp tuyệt trần như thiên-nữ cho Đại-vương để làm Chánh-cung Hoàng-hậu, để kết tình thân hữu giữa kinh-thành Uttarapañcāla với kinh-thành Mithilā và hai đất nước Kapilaraṭṭha với Videharaṭṭha kết tình thân thiện lẫn nhau, thần dân thiên hạ của hai đất nước sống trong cảnh thanh bình an-lạc.
Đại-vương Cūḷanī Brahmadatta xin mời Đại-vương chọn ngày ngự đến kinh-thành Uttarapañcāla, để làm lễ thành hôn với Công-chúa Pañcālacandī xinh đẹp tuyệt trần như thiên-nữ, rồi đón rước Công-chúa ngự trở về kinh-thành Mithilā này.”
- Này Mahosadhapaṇḍita! Ngươi dám coi thường Trẫm, ví Trẫm như con nai đực say mê con nai cái, như con cá say mê miếng mồi.
- Này Mahosadhapaṇḍita! Ngươi là con trai sống trong xóm nhà vùng lúa, chỉ biết cày ruộng mà thôi. Làm sao ngươi có thể biết được sự hạnh phúc an-lạc đế vương như sứ giả Kevaṭṭa và bốn vị quân-sư của Trẫm được.
Mahosadhapaṇḍita này làm cản trở sự hạnh phúc an-lạc của Trẫm, cản trở Trẫm làm lễ thành hôn với Công-chúa Pañcālacandī xinh đẹp tuyệt trần như thiên-nữ của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta.
Vậy, các khanh hãy tống cổ nó ra khỏi nơi này, các khanh hãy đuổi nó ra khỏi đất nước của Trẫm, bởi Mahosadhapaṇḍita không giúp Trẫm làm lễ thành hôn với Công-chúa Pañcālacandī xinh đẹp tuyệt trần như thiên-nữ, mà còn cản trở không muốn Trẫm ngự đến kinh-thành Uttarapañcāla.
Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita biết rằng: “Đức-vua Vedeha truyền bảo như vậy trong cơn thịnh nộ, nhưng thật ra, Đức-vua rất thương yêu, nên Đức-Bồ-tát đảnh lễ Đức-vua rồi xin phép trở về tư dinh của mình.”
Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita nghĩ rằng: “Vì nghe những lời tán dương, ca tụng Công-chúa Pañcālacandī xinh đẹp tuyệt trần như thiên-nữ, nên Đức-vua phát sinh tâm tham-ái, say mê Công-chúa Pañcālacandī mà không biết đến sự tai hoạ sẽ xảy ra đến với mình. Ta phải tìm cách phá mỹ-nhân-kế của quân-sư Kevaṭṭa này và cố gắng giúp cho Đức Phụ-vương của ta được toại nguyện như ý, làm lễ thành hôn với Công-chúa Pañcālacandī, rồi rước về làm Chánh-cung Hoàng-hậu. Bởi vì, Đức-vua là Đức Phụ-vương của ta, đã nuôi dưỡng ta từ khi mới lên bảy tuổi cho đến nay, đã ban cho ta chức trọng quyền cao nhất, quan Thừa-tướng (senāpati) trong triều đình.
Vậy, ta phải có bổn phận bảo vệ Đức-vua cho được an toàn sinh-mạng và giúp cho Đức-vua làm lễ thành hôn với Công-chúa Pañcālacandī cho được toại nguyện như ý.
Trước tiên, ta cần phải nhờ con vẹt Suvapaṇḍita (con vẹt trí-tuệ) bay đi do thám tìm hiểu sự thật như thế nào.”
- Này Suvapaṇḍita con yêu quý! Ta nhờ con giúp một việc, vì việc này loài người không thể làm được.
- Kính thưa Ông chủ, Ông chủ muốn cho con giúp việc gì vậy?
- Này Suvapaṇḍita yêu quý! Ta được người lính điệp viên bảo rằng: “Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta và quân-sư Kevaṭṭa bàn bạc chuyện bí mật trong phòng ngủ của Đức-vua trên lâu đài, chỉ có hai người biết mà thôi, tại cửa sổ phòng ngủ của Đức-vua có con sáo mái Sāḷikā biết nghe và nói tiếng người, chắc chắn con sáo mái Sāḷikā sẽ nghe được chuyện bí mật ấy.”
Bây giờ, ta nhờ con bay đến gặp con sáo mái Sāḷikā ấy, con khéo tán tỉnh rồi tỏ tình yêu thương tha thiết với nó, rồi hỏi nó về chuyện bí mật của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta và quân-sư Kevaṭṭa cho đầy đủ. Con cẩn thận đừng để cho ai biết, nếu có ai biết được thì sinh-mạng của con không được an toàn đâu nhé!
Con Vẹt Suvapaṇḍita Với Con Sáo Mái Sāḷikā
Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita lấy dầu thoa đôi cánh, thân mình rồi cho con vẹt Suvapaṇḍita ăn uống những thứ đồ ăn bổ dưỡng. Con vẹt Suvapaṇḍita đảnh lễ Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita, rồi bay nhanh như gió đến kinh-thành Ariṭṭhā trong nước Sivi. Từ đó, con vẹt Suvapaṇḍita bay đến kinh-thành Uttarapañcāla, đậu một chỗ cao trên lâu đài, gần chỗ ở của con sáo mái Sāḷikā, đứng trên đỉnh hót ra âm thanh hay ngọt ngào yêu thương quyến rũ. Con sáo mái Sāḷikā nghe hiểu rõ rồi trả lời với giọng ngọt ngào yêu thương, mời mọc đến.
Con vẹt Suvapaṇḍita bay đến đứng gần hỏi thăm con sáo mái Sāḷikā rằng:
- Này bạn Sāḷikā yêu quý! Bạn có được khoẻ mạnh không? Hằng ngày bạn có được vật thực ngon lành đầy đủ chứ?
- Này bạn Suvapaṇḍita! Tôi vẫn được khoẻ mạnh, hằng ngày tôi vẫn được những thứ vật thực ngon lành đầy đủ.
- Này bạn Suvapaṇḍita! Bạn từ đâu đến đây? Ai bảo bạn đến đây?
Nghe con sáo mái Sāḷikā hỏi như vậy, con vẹt Suvapaṇḍita nghĩ rằng: “Ta không nên nói thật là ta từ kinh-thành Mithilā bay đến mà nên nói dối”, nên nó trả lời rằng:
- Này bạn Sāḷikā yêu quý! Tôi là con chim được nuôi dưỡng tại nơi phòng ngủ của Đức-vua Sivi. Đức-vua thả tôi bay ra ngoài đi dạo chơi cho khuây khỏa.
- Này Suvapaṇḍita! Bạn bay đến đây có việc gì không?
- Này bạn Sāḷikā yêu quý! Trong thời gian qua, vợ của tôi là sáo mái Sāḷikā, có giọng nói ngọt ngào như bạn, bị con diều bắt ăn thịt, tôi buồn khổ, nhớ thương vợ của tôi. Nhìn thấy hoàn cảnh khổ đau, cô đơn, đáng thương của tôi, nên Đức-vua của tôi truyền bảo rằng:
“-Này Suvapaṇḍita! Nghe nói có một cô sáo Sāḷikā có giới hạnh tốt, có cử chỉ đáng yêu. Cô sáo Sāḷikā ấy được Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta nuôi dưỡng tại cửa sổ phòng ngủ của Đức-vua. Con nên bay đến thăm cô Sāḷikā ấy, con xem cô Sāḷikā ấy có đáng yêu không? Và con hỏi cô Sāḷikā ấy có yêu con không? Chuyện như thế nào, con bay về báo tin cho Trẫm biết”. Đó là nguyên nhân tôi đến thăm nàng hôm nay.
- Này nàng Sāḷikā yêu quý! Tôi xin nói thật tình, nhìn thấy nàng, tôi cảm thấy yêu nàng tha thiết. Nếu nàng đáp lại tình yêu tha thiết của tôi thì tôi và nàng sẽ kết duyên vợ chồng với nhau cho đến trọn đời.
- Này bạn Suvapaṇḍita! Thông thường vẹt trống (suva) yêu vẹt mái (suvi), sáo trống (sāḷika) yêu sáo mái (sāḷikā) cùng nòi giống với nhau. Còn đây, vẹt trống lại yêu sáo mái, cảm thấy sao khó nói quá!
- Này nàng Sāḷikā yêu quý! Tình yêu giữa đôi bên khác phái chỉ có tâm thương yêu tha thiết với nhau là chính, còn nòi giống khác nhau không là quan trọng đâu.
- Tình yêu phát sinh do tâm thương yêu lẫn nhau là chính, không phân biệt giai cấp thấp cao, nòi giống.
- Này nàng Sāḷikā yêu quý! Người con gái xinh đẹp tên Jampāvati, vốn là phụ-nữ thuộc giai cấp thấp hèn, nhưng cô được Đức-vua Vāsudeva đem lòng thương yêu, đưa về cung. Đức-vua Vāsudeva tấn phong cô lên ngôi Chánh-cung Hoàng-hậu. Về sau, Chánh-cung Hoàng-hậu Jampāvati sinh hạ Thái-tử tên Sivi. Khi Đức-vua Vāsudeva băng hà, Thái-tử Sivi lên nối ngôi vua cha, ngự tại kinh-thành Dvāravatī.
Như vậy, Đức-vua Vāsudeva thuộc giai cấp vua chúa, còn kết hôn với cô Jampāvati, thuộc giai cấp thấp hèn được. Hai chúng ta đều là loài chim với nhau, tại sao không thể kết duyên vợ chồng với nhau được?
-Này nàng Sāḷikā yêu quý! Con kinnarī cái tên là Raṭṭhavadī ăn ở chung sống với đạo-sĩ tên Vaccha, sinh ra các con trai, con gái của họ.
Như vậy, loài súc sinh Kinnarī cái ăn ở chung sống với loài người, vị đạo-sĩ Vaccha được. Hai chúng ta đều là loài chim với nhau, tại sao không thể kết duyên vợ chồng với nhau được?
- Thưa anh Suvapaṇḍita yêu quý! Thật vậy, tình yêu phát sinh do tâm thương yêu lẫn nhau là chính, không phân biệt giống nòi, nhưng tâm thương yêu ấy có tồn tại mãi mãi được hay không? Khi em thương yêu anh, hai chúng ta trở thành vợ chồng với nhau, nếu một ngày kia phải xa lìa nhau thì chắc chắn em sẽ khổ lắm.
- Này em Sāḷikā yêu quý! Em nói như vậy, có nghĩa là em không tin anh tha thiết thương yêu em, để cùng em chung sống với nhau suốt đời. Anh vô cùng thất vọng.
Vậy, anh xin từ giã em!
- Thưa anh Suvapaṇḍita yêu quý! Sự hạnh phúc an-lạc không có đối với người nóng nảy, vội vã. Chuyện vợ chồng chung sống với nhau, đó là điều tối hệ trọng cả cuộc đời, cần phải nên suy xét kỹ trước khi quyết định.
Vậy, xin anh chớ vội đi đâu, mời anh ở lại đây, rồi em sẽ cho biết tình cảm yêu thương của em đối với anh.
- Này em Sāḷikā yêu quý! Anh nghe người ta lan truyền tin rằng: “Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta sẽ ban Công-chúa Pañcālacandī rất xinh đẹp tuyệt trần như một thiên-nữ cho Đức-vua Vedeha ngự tại kinh-thành Mithilā, để làm Chánh-cung Hoàng-hậu.
Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta mời Đức-vua Vedeha ngự đến kinh-thành Uttarapañcāla, để tổ chức làm lễ thành hôn Công-chúa Pañcālacandī với Đức-vua Vedeha, rồi rước trở về kinh-thành Mithilā. Chuyện ấy có thật hay không?
-Này em Sāḷikā yêu quý! Nếu thật như vậy, thì em biết do nguyên nhân nào mà Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta ban Công-chúa Pañcālacandī xinh đẹp tuyệt trần như một thiên-nữ cho Đức-vua Vedeha vốn là kẻ thù trước đây của mình, mà lại không ban Công-chúa xinh đẹp tuyệt trần đến một Đức-vua chư hầu nào của mình, vậy em?
- Này anh Suvapaṇḍita yêu quý! Tại sao anh nói đến chuyện bất hạnh ấy, trong khi chúng ta đang hưởng mọi sự hạnh phúc an-lạc như thế này?
- Này em Sāḷikā yêu quý! Chuyện lễ thành hôn của Công-chúa Pañcālacandī với Đức-vua Vedeha, tại sao em lại nói là chuyện bất hạnh?
- Này anh Suvapaṇḍita yêu quý! Cầu xin chuyện lễ thành hôn khủng khiếp ấy đừng bao giờ xảy đến với Đức-vua Vedeha.
- Này em Sāḷikā yêu quý! Hai chúng ta đã là vợ là chồng của nhau rồi, chỉ có chuyện nhỏ ấy mà em không tâm sự cho anh biết, thì tình nghĩa vợ chồng còn có nghĩa gì nữa!
- Này anh Suvapaṇḍita yêu quý! Nếu vậy thì anh nghe em nói. Tại phòng ngủ lâu đài của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, em nghe vị quân-sư Kevaṭṭa tâu chuyện bí mật với Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta rằng:
“-Tâu Chúa-thượng, Công-chúa Pañcālacandī của Chúa-thượng có sắc đẹp tuyệt trần như một thiên-nữ. Chúa-thượng nương nhờ Công-chúa làm mỹ-nhân-kế dụ Đức-vua Vedeha ngự đến kinh-thành Uttarapañcāla để làm lễ thành hôn với Công-chúa, chắc chắn Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita đi theo hộ giá.
Như vậy, hai người ấy ở trong tay của ta, ví như nai bị mắc bẫy, cá bị cắn câu, không còn đường nào trốn thoát được nữa.
Chúa-thượng truyền lệnh bắt Đức-vua Vedeha và Thừa-tướng Mahosadha đem ra chém đầu, để trả thù, rồi Chúa-thượng truyền lệnh tổ chức đại lễ uống rượu, ăn mừng chiến thắng trong toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu này.
Khi ấy, Chúa-thượng đương nhiên sẽ được suy tôn là Đại-vương cao cả nhất (aggamahārājā) làm bá chủ trong cõi Nam-thiện-bộ-châu này.”
- Thưa anh Suvapaṇḍita yêu quý! Đó là lý do mà em nói rằng: Chuyện lễ thành hôn khủng khiếp ấy, xin đừng bao giờ xảy đến với Đức-vua Vedeha.
- Quân-sư Kevaṭṭa là người có nhiều mưu kế thâm độc, giỏi thật!
- Thưa anh Suvapaṇḍita yêu quý! Lợi ích gì những chuyện bất hạnh ấy đối với chúng ta, tốt nhất, chúng ta nên đi ngủ.
Sáng dậy, con vẹt Suvapaṇḍita nói với con sáo mái Sāḷikā rằng:
- Này em Sāḷikā yêu quý! Xin em cho phép anh đi trong vòng bảy ngày để anh tâu lên Đức-vua Sivi và Chánh-cung Hoàng-hậu biết rằng:
“-Con đã tìm được nàng Sāḷikā đáng yêu xứng đáng với con rồi, để Đức-vua Sivi và Chánh-cung Hoàng-hậu tác hợp cho anh và em thành vợ chồng với nhau.
-Này em Sāḷikā yêu quý! Xin em vui vẻ hoan hỷ cho phép anh đi, em ở lại chớ nên buồn, đợi anh trở lại.”
Nghe Suvapaṇḍita nói như vậy, Sāḷikā nghĩ: “Tình nghĩa vợ chồng mới hợp lại phải xa nhau đến bảy ngày đêm dài, nhưng không cho phép cũng không được”, nên Sāḷikā thưa rằng:
- Thưa anh Suvapaṇḍita yêu quý! Em đồng ý cho phép anh đi, chỉ trong vòng bảy ngày mà thôi. Nếu anh không trở lại gặp em trong ngày thứ bảy thì chắc chắn em sẽ không thể sống thêm được nữa.
- Này em Sāḷikā yêu quý! Em chớ nên nói như vậy, nếu anh không thấy em trong ngày thứ bảy thì chắc chắn anh cũng không thể sống thêm được nữa. Em hãy an tâm chờ đợi anh.
Con vẹt Suvapaṇḍita thuật lại cho Đức-Bồ-tát nghe đầy đủ chuyện bí mật giữa quân-sư Kevaṭṭa với Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta tại trên lâu đài phòng ngủ của Đức-vua.
Nghe con vẹt Suvapaṇḍita thuật lại đầy đủ câu chuyện bí mật ấy, Đức-Bồ-tát suy xét rằng:
“Dù ta khuyên can Đức-vua Vedeha không nên đến kinh-thành Uttarapañcāla thì Đức-vua cũng vẫn ngự đến nơi đó.
Nếu Đức-vua ngự đến kinh-thành Uttarapañcāla thì chắc chắn Đức-vua sẽ bị chém đầu tại nơi đó.
Đức-vua là Đức Phụ-vương của ta, đã ban cho ta chức trọng quyền cao nhất trong triều đình, nếu ta không đền đáp công ơn Đức-vua thì ta không tránh khỏi bậc thiện-trí chê trách. Ta là người biết ơn và biết đền ơn Đức-vua.
Vì vậy, ta phải nên đến kinh-thành Uttarapañcāla chầu Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta trước, kính xin Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cho phép xây dựng một cung điện, để đón rước Đức-vua Vedeha.
Nhân cơ hội ấy, ta sẽ bí mật đào một con đường hầm rộng lớn dưới đất để đưa Công-chúa Pañcālacandī đến chầu Đức-vua Vedeha, và để cứu nguy cho Đức-vua bằng con đường hầm ấy.
Đức Phụ-vương của ta ngự trở về kinh-thành Mithilā được an toàn sinh-mạng, mà Đức-vua Cūḷanī Brahma-datta không sao ngờ được. Đó là phận sự mà ta cần phải thực hiện.”
“Ta phải là người biết ơn và biết đền ơn đối với Đức-vua Vedeha, Đức Phụ-vương của ta. Đức-vua đã ban cho ta chức trọng quyền cao, ta đã hưởng bỗng lộc của Đức-vua ban, nên ta phải hết lòng lo phụng sự Đức-vua.
Dù Đức-vua nổi cơn thịnh nộ quở mắng ta, ta vẫn nhẫn-nại chịu đựng mà không hề phát sinh tâm sân, không hài lòng. Ta phải có bổn phận biết ơn và biết đền ơn Đức Phụ-vương của ta.”
-Tâu Đại-vương, Đại-vương có ý định ngự đến kinh-thành Uttarapañcāla hay không?
-Này Mahosadhapaṇḍita con yêu quý! Phụ-vương dự định sẽ ngự đến kinh-thành Uttarapañcāla. Nếu Phụ-vương làm lễ thành hôn với Công-chúa Pañcālacandī thì ngai vàng của Phụ-vương được bền vững lâu dài.
Xin con đừng bỏ Phụ-vương, con nên đi theo Phụ-vương vì được hai điều lợi lớn:
1- Phụ-vương được thành hôn với Công-chúa Pañcālacandī xinh đẹp tuyệt trần của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta.
2- Phụ-vương được kết tình thân với Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta tại kinh-thành Uttarapañcāla như vậy, Phụ-vương ngự trên ngai vàng này sẽ được bền vững lâu dài.
- Tâu Đức Phụ-vương, nếu Đức Phụ-vương muốn như vậy thì con phải đi đến kinh-thành Uttarapañcāla trước, vào chầu Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta xin phép xây dựng một cung điện để đón rước Đức Phụ-vương.
Khi nào xây dựng cung điện xong, con sẽ ra lệnh người lính về tâu trình lên Đức Phụ-vương rõ. Khi ấy. Đức Phụ-vương sẽ ngự đi đến kinh-thành Uttara-pañcāla.
Nghe hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita tâu như vậy, Đức-vua Vedeha vô cùng hoan hỷ nghĩ rằng: “Mahosadha con của ta chiều theo ý muốn của ta”, nên truyền bảo rằng:
- Này hoàng-nhi Mahosadhapaṇḍita yêu quý! Con đi đến kinh-thành Uttarapañcāla trước, để xây dựng cung điện, con cần có những thứ gì vậy con?
- Tâu Đức Phụ-vương, con cần quân lính và các phương tiện.
- Này hoàng-nhi yêu quý! Con cần có những thứ gì, Phụ-vương đều cho phép những thứ ấy.
- Tâu Đức Phụ-vương, xin phép Đức Phụ-vương mở cửa 4 nhà tù, thả những tù nhân nào khỏe mạnh, để họ đi theo giúp con.
[i] Akkhobhiṇī (akkhobhaṇī) có hai cách tính:
1- Akkhobhiṇī: tính theo số lương là 10 lũy thừa 42 = 10 42 nghĩa là con số 1 theo sau 42 số 0.
2- Akkhobhiṇī: tính theo các đoàn binh gồm có: Đoàn tượng binh có 21.870 con, đoàn mả binh có 65.610 con, đoàn binh xa có 21.870 chiếc, đoàn bộ binh 109.350 quân.
Mục lục quyển 7 | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07
Mục lục chính | Quyển 1 | Quyển 2 | Quyển 3 | Quyển 4 | Quyển 5 | Quyển 6 | Quyển 7 | Quyển 8 | Quyển 9 | Quyển 10