NỀN TẢNG PHẬT GIÁO
(MŪLABUDDHASĀSANA)

QUYỂN VII

PHÁP-HẠNH BA-LA-MẬT 2
(PĀRAMĪ)


Xây Dựng Cung Điện Và Đường Hầm (Umaṅga[1])

Được sự chuẩn y của Đức-vua Vedeha, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita dẫn theo 18 đội binh và số đông tù nhân khỏe mạnh, các nhóm thợ mộc, thợ nề tài giỏi, nhóm hoạ sĩ, v.v… đem theo đầy đủ các dụng cụ cần thiết để xây dựng.

Quan Thừa-tướng dẫn đầu đoàn người đông đảo rời khỏi kinh-thành Mithilā đi đến kinh-thành Uttara-pañcāla, cứ mỗi đoạn đường cách một do-tuần quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita cho đoàn người dừng lại, ra lệnh xây dựng một ngôi nhà nghỉ, để lại một vị quan cùng với các quan sở tại, lo chuẩn bị tiếp đón Đức-vua Vedeha ngự đến nghỉ ngơi và để thay voi, ngựa, xe mới, trên con đường ngự đến kinh-thành Uttarapañcāla và ngự trở về kinh-thành Mithilā.

Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita ra lệnh các quan cần phải phục vụ chu đáo và bảo vệ Đức-vua Vedeha cho được an toàn.

Khi đến con sông Gaṅgā, quan Thừa-tướng truyền bảo vị quan Ānanda rằng:

-Này Ānanda! Ngươi hãy dẫn 300 người thợ mộc vào rừng đốn 300 cây gỗ quý rồi chở trên các chiếc thuyền đem về gấp để xây cất cung điện mới.

Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita đi xem chọn chỗ đất xây dựng cung điện mới, để đón rước Đức-vua Vedeha, và đi thăm dò chỗ để đào con đường hầm từ chỗ xây dựng cung điện mới đến bờ sông Gaṅgā có chiều dài hơn 10 cây số, và từ chỗ cung điện mới đến cung điện của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta trong kinh-thành Uttarapañcāla có chiều dài khoảng 5 cây số.

Vậy, con đường hầm có chiều dài khoảng 15 cây số. Sau khi đã chọn chỗ xây dựng cung điện mới và con đường hầm xong. Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita đi vào kinh-thành Uttarapañcāla. Lính gác cửa thành đến chầu Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta tâu rằng:

-Muôn tâu Đại-vương, sứ giả Mahosadhapaṇḍita của Đức-vua Vedeha đã đến kinh-thành Uttarapañcāla, xin vào yết kiến Đại-vương.

Nghe người lính tâu như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta vô cùng hoan hỷ nghĩ rằng:

“Mưu kế của ta sẽ được thành tựu như ý, Mahosadha-paṇḍita đến trước, rồi Đức-vua Vedeha không lâu cũng sẽ đến sau. Ta sẽ truyền lệnh bắt Đức-vua Vedeha và Mahosadhapaṇḍita kẻ thù của ta chém đầu cùng một lúc, rồi ta sẽ tổ chức uống rượi ăn mừng chiến thắng.

Khi ấy, ta sẽ là Đại-vương cao cả nhất, làm bá chủ trong toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu này.”

Nghĩ xong, Đức-vua truyền lệnh cho mời vào.

Nghe tin quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita đến kinh-thành Uttarapañcāla, dân chúng trong kinh-thành xôn xao náo nức bàn tán với nhau rằng:

- Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita là bậc đại-trí đã dùng mưu kế kỳ diệu làm cho Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cùng 101 Đức-vua chư hầu và đoàn quân binh lính đông đảo 18 Akkhobhinī (18x1042) quân bỏ chạy thoát thân, không kịp mặc áo, như người chỉ cần ném một cục đất cũng đuổi được bầy quạ.

Khi quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita đi vào cửa kinh-thành, trên đường đi đến cung điện Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, dân chúng trong kinh-thành đứng hai bên đường nhìn thấy quan Thừa-tướng có các tướng tốt của bậc đại-nhân, mọi người đều kính phục. Các quan vào chầu Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta tâu rằng:

- Muôn tâu Đại-vương, sứ giả Mahosadhapaṇḍita đã đến, kính xin yết kiến Đại-vương.

Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cho phép sứ-giả Maho-sadhapaṇḍita vào yết kiến. Sứ-giả Mahosadha yết kiến Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta theo nghi lễ của vị sứ giả xong, đứng một nơi hợp lẽ. Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta mời Ngài ngồi một nơi hợp lẽ, rồi truyền bảo rằng:

- Này sứ-giả Mahosadhapaṇḍita! Đức-vua Vedeha của ngươi khi nào mới ngự đến?

- Tâu Đại-vương, Đức-vua Vedeha của hạ thần sẽ ngự đến, khi nào hạ thần ra lệnh các quan về tâu.

- Này sứ-giả Mahosadhapaṇḍita! Ngươi đến trước để chuẩn bị việc gì vậy?

- Tâu Đại-vương, hạ thần đến trước xây dựng một cung điện, để đón tiếp Đức-vua Vedeha của hạ thần.

- Này sứ-giả Mahosadhapaṇḍita! Tốt lắm! Vậy, ngươi cần Trẫm giúp đỡ gì không?

- Tâu Đại-vương, kính xin Đại-vương ban cho chúng thần chỗ ở, đồ ăn uống, nhu cầu cần thiết, những dụng cụ, phương tiện.

- Này sứ giả Mahosadhapaṇḍita! Ngươi hãy an tâm, Trẫm ban cho các ngươi đầy đủ những nhu cầu cần thiết, những dụng cụ, phương tiện cho đến khi Đức-vua Vedeha của các ngươi ngự đến đây.

Khi ấy, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita đi quan sát, đứng lại chỗ cầu thang cũ lên lâu đài, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita nghĩ rằng: “Cửa đường hầm sẽ ở tại đây, cần phải giữ mặt đất như cũ”, nên Đức-Bồ-tát tâu với Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta rằng:

-Tâu Đại-vương, hạ thần xem xét thấy cầu thang cũ này không cân xứng với lâu đài nguy nga tráng lệ của Đại-vương.

Hạ thần có nhóm thợ mộc tài giỏi, khéo tay. Vậy, kính xin Đại-vương cho phép hạ thần sửa chữa cầu thang cũ này lại cho đẹp đẽ và chắc chắn xứng đáng với ngôi lâu đài này.

Nghe Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu như vậy, Đức-vua Cūḷanī hoan hỷ truyền rằng:

- Này sứ giả Mahosadhapaṇḍita! Nếu ngươi có khả năng sửa chữa cầu thang cũ này lại cho đẹp đẽ và chắc chắn thì Trẫm rất hoan hỷ cho phép ngươi.

Được Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cho phép, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita truyền bảo nhóm thợ mộc tháo cái cầu thang cũ, đem những tấm ván tốt chắc chắn lót trên nền mặt đất, làm lại cái cầu thang mới bằng thứ gỗ quý, với đường nét chạm trỗ rất xinh đẹp tuyệt vời với thời gian ngắn.

Nhìn thấy cái cầu thang mới xinh đẹp, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta rất hài lòng vô cùng hoan hỷ tán dương ca tụng sứ giả Mahosadhapaṇḍita là người có óc mỹ thuật cao, thật đáng khen ngợi. Khi ấy, Đức-Bồ-tát tâu rằng:

- Tâu Đại-vương, kính xin Đại-vương cho phép hạ thần tìm chỗ thích hợp để xây dựng một cung điện mới, để đón tiếp Đức-vua Vedeha của hạ thần.

-Này sứ giả Mahosadhapaṇḍita! Ngươi xem xét thấy chỗ nào thích hợp xây dựng cung điện mới thì ngươi tâu cho Trẫm biết, Trẫm sẽ cho phép.

Thật ra, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta muốn cho Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita xây dựng một cung điện mới sớm được hoàn thành, đón tiếp Đức-vua Vedeha ngự đến kinh-thành Uttarapañcāla này, để bắt giết Đức-vua Vedeha và Mahosadhapaṇḍita càng sớm càng tốt.

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu tiếp rằng:

-Tâu Đại-vương, hạ thần xem xét thấy rằng, nếu hạ thần xây dựng một cung điện mới gần cung điện của Đại-vương thì cần phải di dời một số nhà, làm phiền phức dân chúng trong kinh-thành. Cho nên, hạ thần kính xin Đại-vương cho phép hạ thần xây dựng một cung điện mới cách xa cung điện của Đại-vương khoảng 5 cây số.”

Nghe Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu như vậy, Đức-vua Cūḷanī vô cùng hoan hỷ nghĩ rằng: “Quân lính ta chiến đấu với quân lính của Đức-vua Vedeha bên trong kinh-thành Uttarapañcāla, đó là điều rất khó khăn đối với ta, còn chiến đấu bên ngoài kinh-thành đó là điều quá dễ dàng thuận lợi cho ta, để bắt Đức-vua Vedeha và Mahosadha, nhất là dân chúng trong kinh-thành không thấy cảnh chết chóc giữa hai quân lính với nhau”. Cho nên, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta liền truyền bảo rằng:

- Này sứ giả Mahosadhapaṇḍita! Ý kiến của ngươi hay lắm! Trẫm cho phép ngươi chọn chỗ nào thích hợp, rồi xây dựng một cung điện mới, để đón tiếp Đức-vua Vedeha của ngươi.

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu rằng:

- Tâu Đại-vương, Đại-vương đã ban cho khoảng đất, để cho chúng thần xây dựng một cung điện mới.

Vậy, kính xin Đại-vương truyền cho dân chúng không được phép vào trong vùng đất mà chúng thần đang xây dựng cung điện mới ấy, để tránh sự đụng chạm giữa công nhân của hạ thần với dân chúng.

- Này sứ giả Mahosadhapaṇḍita! Điều người tâu rất hợp lý, Trẫm sẽ truyền lệnh cấm dân chúng không được phép đi vào vùng đất đang xây dựng cung điện mới ấy.

- Tâu Đại-vương, đàn voi của hạ thần thích xuống sông Gaṅgā tắm chơi, làm cho dòng nước đục. Nếu dân chúng không hài lòng tâu lên Đại-vương, kính xin Đại-vương tha tội cho hạ thần.

- Này sứ giả Mahosadhapaṇḍita! Thông thường đàn voi thích tắm chơi dưới nước, làm cho dòng nước đục. Trẫm cho phép, nếu dân chúng không hài lòng tâu lên Trẫm thì Trẫm cũng không bắt tội ngươi đâu, ngươi chớ nên lo ngại.

Mọi điều mà Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu đều được Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta chuẩn y cho phép.

Thật ra, đã chọn chỗ vùng đất xây dựng một cung điện mới từ trước, nên Đức-Bồ-tát Mahosadha điều hành thi công chia ra thành nhiều nhóm thợ, nhóm thợ xây dựng cung điện mới, nhóm thợ đào con đường hầm, nhóm thợ đóng các chiếc thuyền, v.v… Mỗi nhóm thợ có trưởng nhóm chịu trách nhiệm công việc của nhóm mình.

Con Đường Hầm (Umaṅga)

Công việc đào con đường hầm này do nhóm thợ gồm có 6.000 người đảm trách thi công dưới sự điều hành chỉ dẫn của Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita, con đường hầm dài khoảng 15 cây số, chia làm hai đoạn:

* Một đoạn từ bờ sông Gaṅgā đến cung điện mới của Đức-vua Vedeha có chiều dài khoảng 10 cây số.

* Một đoạn từ cung điện mới của Đức-vua Vedeha đến cung điện của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta có chiều dài khoảng 5 cây số đi thông đến cửa hầm tại bờ sông Gaṅgā.

Khi đào con đường hầm, tất cả số đất đá trong hầm được đem ra đổ ngoài sông Gaṅgā làm cho dòng nước sông Gaṅgā chảy đục, dân chúng ở phía dưới dòng sông Gaṅgā chịu cảnh dùng nước đục, nên phàn nàn rằng:

- Từ ngày sứ-giả Mahosadhapaṇḍita đến đây xây dựng cung điện mới, chúng ta phải dùng nước đục.

Dân chúng phàn nàn kêu ca, tâu lên Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, nhưng Đức-vua đã cho phép Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita rồi, nên Đức-vua khuyên dân chúng nhẫn nại chịu đựng một thời gian ngắn, khi xây dựng cung điện mới xong, chắc chắn tình trạng này sẽ không còn nữa. (Bởi vì khi cung điện mới xong, Đức-vua Vedeha ngự đến, đó là lúc Đức-vua Vedeha và Mahosadha-paṇḍita đều bị giết chết cả.)

Biết dân chúng phàn nàn như vậy, nên Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita phát nguyện bằng lời chân thật rằng:

- Xin cho dòng nước trong trẻo tự nhiên như trước.

Do nguyện lực của Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita, tất cả đất, đá, v.v… từ trong đường hầm đem đổ xuống dòng sông Gaṅgā đều chìm xuống sâu, nên dòng nước không còn bị đục nữa. Từ đó, dân chúng dùng nước dòng sông Gaṅgā trong trẻo như xưa, nên không còn phàn nàn gì nữa.

* Con đường hầm dài 15 cây số, có chiều cao 10 cùi tay, bề rộng voi, ngựa, xe có thể đi lại dễ dàng, chia làm hai đoạn:

- Một đoạn từ cửa hầm lớn tại bến sông Gaṅgā dẫn đến cửa hầm tại dưới cầu thang cung điện mới của Đức-vua Vedeha, có chiều dài khoảng 10 cây số, để cứu nguy Đức-vua Vedeha cùng đoàn hộ giá thoát nạn.

- Một đoạn từ cung điện mới của Đức-vua Vedeha dẫn đến cửa hầm dưới cầu thang lâu đài của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta có chiều dài khoảng năm cây số, đi thông đến cửa hầm tại bờ sông Gaṅgā, để đón rước bốn hoàng thân của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, đến yết kiến Đức-vua Vedeha.

Bên trong con đường hầm, hai bên vách tường được xây bằng gạch, phía dưới được lót bằng gỗ, trần được đóng bằng gỗ, có chạm trỗ hoa văn, dọc theo con đường hầm, hai bên vách tường được các họa sĩ tài ba vẽ những cảnh thật xinh đẹp lạ thường, làm cho người đi xem không biết chán.

Trong đoạn đường hầm từ cung điện mới của Đức-vua Vedeha dẫn đến cửa hầm bến sông Gaṅgā khoảng 10 cây số có hai phòng lớn làm nơi hội triều, được trang hoàng lộng lẫy, có hình chư thiên đứng hầu như thật, có ngai vàng bên trên có lọng trắng, hai bên có các quan đứng chầu, để dành cho Đức-vua Vedeha, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, có 101 phòng nhỏ được trang hoàng lộng lẫy để dành cho 101 Đức-vua chư hầu của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta.

Trong con đường hầm có 80 cửa lớn và 64 cửa nhỏ. Các cửa này được mở hoặc đóng bằng máy do người điều khiển, hễ khi đóng cửa thì tất cả các cánh cửa đều đóng, hoặc khi mở cửa thì tất cả các cánh đều mở.

Trong suốt con đường hầm có các ngọn đèn sáng hai bên vách, các ngọn đèn này được cháy sáng hoặc tắt do người điều khiển, hễ khi mở đèn thì tất cả ngọn đèn sáng chói rực rỡ cùng một lúc, như trên cõi trời và khi tắt đèn thì tất cả ngọn đèn đều tắt cùng một lúc, tối tăm như cõi địa ngục.

Trong suốt con đường hầm có mùi thơm nước hoa, có các cảnh vật được trang hoàng dọc theo con đường hầm.

Con đường hầm (Umaṅga) này được thiết kế và thi công do trí-tuệ siêu-việt của Đức-Bồ-tát Mahosadha-paṇḍita tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama. Vì vậy, tích này còn có tên là Umaṅgajātaka” Tích con đường hầm được xây dựng do Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama.

Cung Điện Mới

Cung điện mới được xây dựng rất đồ sộ, nguy nga, để đón tiếp Đức-vua Vedeha, có hồ nước lớn đủ các loại hoa sen, hoa súng, có thành lũy cao 18 cùi tay bao quanh cung điện. Cửa thành bốn hướng có đài cao lính canh gác, có đường nước rộng bao xung quanh bên ngoài bức thành luỹ ấy. Đặc biệt có cửa hầm bí mật nằm dưới cầu thang thông ra đường hầm dẫn đến cửa hầm lớn tại bờ sông Gaṅgā.

Một nhóm thợ đóng thuyền đóng 300 chiếc thuyền xong và chờ đợi trên sông Gaṅgā. Khi có lệnh của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita, các chiếc thuyền được di chuyển đến ngay tức khắc. Tất cả mọi công việc được hoàn thành trong vòng bốn tháng.

Khi ấy, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita ra lệnh cho các quan trở về kinh-thành Mithilā, tâu lên Đức-vua Vedeha rằng:

-Tâu Bệ-hạ, cung điện đã hoàn thành xong, kính thỉnh Bệ-hạ ngự đến kinh-thành Uttarapañcāla.

Nghe các quan của quan Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita tâu như vậy, Đức-vua Vedeha vô cùng hoan hỷ truyền lệnh cho bốn vị quân-sư, các quan trong triều, bốn đội binh đi theo hộ giá. Đức-vua Vedeha ngự lên con voi báu, dẫn đầu rời khỏi kinh-thành Mithilā cùng với đoàn hộ giá đông đảo. Đức-vua Vedeha ngự đi qua mỗi đoạn đường khoảng một do tuần có trạm nghỉ, dừng lại nghỉ ngơi, rồi thay đổi voi, ngựa, xe mới, để tiếp tục suốt cuộc hành trình như vậy, tuần tự đến bờ sông Gaṅgā.

Tại nơi ấy, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita chờ đón rước Đức-vua Vedeha cùng các quan, các đội binh, Đức-Bồ-tát thỉnh Đức-vua ngự đến cung điện mới thật nguy nga tráng lệ. Đức-vua Vedeha nghỉ ngơi trong một căn phòng có long sàng sang trọng trong cung điện.

Sau đó, Đức-vua Vedeha tắm rửa sạch sẽ, dùng vật thực ngon lành nơi phòng ăn sang trọng, Đức-vua không quan tâm đến phần mỹ thuật của cung điện, bởi vì tâm mong muốn sớm được gặp mặt Công-chúa Pañcālacandī, nên Đức-vua Vedeha truyền sứ giả đem tấu thư dâng lên Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta rằng:

“Tâu Đại-vương Cūḷanī Brahmadatta, bổn vương Vedeha từ kinh-thành Mithilā đã đến cung điện mới, bên ngoài kinh-thành Uttarapañcāla. Bổn vương kính đảnh lễ dưới đôi bàn chân của Đại-vương, xin Đại-vương ban Công-chúa Pañcālacandī xinh đẹp tuyệt trần của Đại-vương, được trang điểm đầy đủ các đồ trang sức quý giá, và cho phép cử hành lễ thành hôn với bổn vương, để Công-chúa Pañcālacandī trở thành Chánh-cung Hoàng-hậu của bổn vương.”

Thật ra, xét về tuổi tác, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta tuổi còn nhỏ chỉ đáng tuổi hoàng-tử của Đức-vua Vedeha mà thôi. Bởi vì nghe danh tiếng Công-chúa Pañcālacandī xinh đẹp tuyệt trần, Đức-vua Vedeha muốn thành hôn với Công-chúa, nên tôn Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta lên ngôi nhạc Phụ-vương, còn Đức-vua Vedeha trở thành phò mã của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta. Vì vậy, Đức-vua Vedeha chịu hạ mình đảnh lễ Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, xin thành hôn với Công-chúa Pañcālacandī, để làm Chánh-cung Hoàng-hậu của mình rồi rước về kinh-thành Mithilā.

Nghe Công-chúa Pañcālacandī có sắc đẹp tuyệt trần như thiên-nữ, nên Đức-vua Vedeha đã say mê Công-chúa Pañcālacandī mà hoàn toàn không biết đó là mỹ-nhân-kế của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta.

Sự thật, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta lừa Đức-vua Vedeha đến kinh-thành Uttarapañcāla để bắt đem ra chém đầu, chứ không phải ban Công-chúa Pañcālacandī cho Đức-vua Vedeha, để làm Chánh-cung Hoàng-hậu.

Đọc tấu thư của Đức-vua Vedeha, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta vô cùng hoan hỷ nghĩ rằng:

“Bây giờ kẻ thù của ta không còn đường trốn thoát đâu được nữa. Ta sẽ truyền lệnh bắt Đức-vua Vedeha và Mahosadhapaṇḍita đem ra chém đầu, rồi ta sẽ tổ chức uống rượu, ăn mừng chiến thắng, ta sẽ là Đại-vương cao cả nhất, làm bá chủ trong cõi Nam-thiện bộ-châu này.”

Để biểu lộ nỗi vui mừng, hoan hỷ, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta ban cho các sứ giả của Đức-vua Vedeha các phẩm vật quý giá, và gửi đáp lại tấu thư của Đức-vua Vedeha rằng:

“Tâu Đại-vương Vedeha, Đại-vương đã từ xa ngự đến, bổn vương rất hân hạnh đón tiếp. Xin Đại-vương chọn giờ tốt lành, bổn vương sẽ đưa Công-chúa Pañcālacandī xinh đẹp tuyệt trần như thiên-nữ của bổn vương, được trang điểm đầy đủ các đồ trang sức quý giá đến gặp Đại-vương, rồi cho phép làm lễ thành hôn Đại-vương với Công-chúa Pañcālacandī, để Công-chúa Pañcālacandī trở thành Chánh-cung Hoàng-hậu của Đại-vương.”

Sứ giả của Đức-vua Vedeha đem đáp thư của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta dâng lên Đức-vua Vedeha.

Xem đáp thư của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, Đức-vua Vedeha vô cùng hoan hỷ dâng tấu thư đến Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta ngay rằng:

“Tâu Đại-vương Cūḷanī Brahmadatta, bổn vương chọn ngày hôm nay là ngày tốt lành. Kính xin Đại-vương đưa Công-chúa Pañcālacandī của Đại-vương đến, rồi cho phép làm lễ thành hôn Công-chúa Pañcālacandī với bổn vương, để Công-chúa Pañcālacandī trở thành Chánh-cung Hoàng-hậu của bổn vương hôm nay.”

Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta đáp tấu thư rằng:

“Xin chuẩn tấu, ngày hôm nay, bổn vương sẽ đưa Công-chúa Pañcālacandī đến, rồi cử hành lễ thành hôn Đại-vương với Công-chúa.”

Sau khi gởi đáp tấu thư lừa Đức-vua Vedeha như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta liền truyền lệnh cho 101 Đức-vua chư hầu chuẩn bị các đội binh gồm 18 Akkhobhinī chờ lệnh xuất quân.

Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta nghĩ rằng: “Cuối đêm nay, ta sẽ truyền lệnh bắt Đức-vua Vedeha và Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita, đem chém đầu.

Ngày mai, chúng ta sẽ tổ chức đại lễ uống rượu, ăn mừng chiến thắng. Ta sẽ là Đức-vua cao cả nhất, làm bá chủ toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu này”.

Tuân theo lệnh Đại-vương Cūḷanī Brahmadatta, 101 Đức-vua chư hầu, các tướng sĩ chuẩn bị sẵn sàng các đội binh gồm 18 Akkhobhinī chờ lệnh xuất quân bao vây cung điện mới của Đức-vua Vedeha.

Trước khi xuất trận, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta ngự đến chầu Mẫu-hậu Calākadevī, rồi truyền gọi Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī, Thái-tử Pañcāla-canda và Công-chúa Pañcālacandī, để cả bốn vị hoàng thân ngự chung trong phòng của Mẫu-hậu Calākadevī, có quân lính bảo vệ nghiêm ngặt. Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta đảnh lễ Mẫu-hậu, rồi xin phép lui ra, thân chinh dẫn đầu đoàn quân xuất trận.

Khi ấy, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita cung kính đảnh lễ Đức-vua Vedeha, tiếp đãi, ăn uống xong thỉnh Đức-vua vào nghỉ ngơi trên long sàng trong căn phòng cao sang, bốn vị quân-sư: Senaka, Pukkasa, Kāminda và Devinda, mỗi vị nghỉ ngơi trong mỗi căn phòng sang trọng, các quan mỗi người mỗi phòng nghỉ. Các đoàn binh hộ giá ăn uống, no say xong đều nằm ngủ say, vì đi đường xa mệt mỏi.

Cung Điện Mới Của Đức-Vua Vedeha Bị Vây Hãm

Bên ngoài cung điện mới của Đức-vua Vedeha, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta thân chinh dẫn đầu 101 Đức-vua chư hầu cùng các đội binh gồm 18 Akkhobhinī bao vây xung quanh cung điện 3 vòng, cầm đèn thắp sáng cả vùng, chờ lệnh tiến quân vào chiếm cung điện mới, bắt Đức-vua Vedeha và Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita chém đầu.

Những người lính điệp viên của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita báo cho biết tình hình bên ngoài như vậy, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita liền gọi 300 người lính anh dũng của mình đến ra lệnh rằng:

-Này các ngươi! Các ngươi hãy đi theo đường hầm vào cung điện của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, mở miệng hầm dưới cầu thang, lên trên lâu đài của lệnh bà Calākadevī, Mẫu-hậu của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, rồi tâu thỉnh Mẫu-hậu Calākadevī, Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī, Thái-tử Pañcālacanda và Công-chúa Pañcālacandī của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, ngự lên chiếc xe sang trọng đi theo con đường hầm dẫn đến phòng lớn nghỉ. Các ngươi hãy phục vụ chu đáo, chờ lệnh của ta.

Tuân theo lệnh quan Thừa-tướng Mahosadha, nhóm 300 người lính anh dũng đem chiếc xe sang trọng theo con đường hầm đến cung điện của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, mở tấm ván cửa hầm tại cầu thang lên lâu đài của Hoàng-thái-hậu Calākadevī, bắt các người lính gác, các cô tỳ nữ trói lại, nhét khăn vào miệng, đem giấu nơi kín đáo.

Họ lấy vật thực ăn uống no đủ xong, lên trên phòng Hoàng-thái-hậu Calākadevī gọi cửa, Bà truyền hỏi rằng:

- Các ngươi gọi có chuyện gì?

Những người lính tâu rằng:

- Muôn tâu Lệnh bà Calākadevī, Đại-vương Cūḷanī Brahmadatta của chúng ta đã chém đầu Đức-vua Vedeha và sứ giả Mahosadhapaṇḍita xong rồi. Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cùng với 101 Đức-vua chư hầu, các quan, các tướng sĩ, các đội binh tổ chức đại lễ, uống rượu ăn mừng chiến thắng vinh quang, suy tôn Đại-vương Cūḷanī Brahmadatta là Đại-vương cao cả nhất, làm bá chủ trong toàn cõi Nam-thiện bộ-châu này.

- Muôn tâu Lệnh bà Calākadevī, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền lệnh cho chúng thần đến thỉnh Lệnh bà Calākadevī cùng Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī, Thái-tử Pañcālacanda và Công-chúa Pañcālacandī ngự đến dự đại lễ mừng chiến thắng vinh quang này.

Nghe nhóm lính tâu rõ như vậy, tin đó là sự thật, nên Hoàng-thái-hậu Calākadevī, Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī, Thái-tử Pañcālacanda và Công-chúa Pañcālacandī đi theo nhóm lính bước xuống cầu thang lâu đài xuống con đường hầm, ngự lên chiếc xe thật sang trọng, suốt con đường hầm có đèn sáng choang rực rỡ, có thể nhìn dọc theo hai bên vách tường hầm, thấy những bức tranh đẹp tuyệt vời, do tài khéo tay của các họa sĩ nổi danh, làm cho người xem không thấy chán. Hoàng-thái-hậu Calākadevī truyền hỏi rằng:

- Này các ngươi! Ta ngự ở đây lâu năm rồi, ta chưa từng ngự đi con đường hầm được trang hoàng xinh đẹp, tuyệt vời như thế này? Vậy, con đường gọi tên là gì?

- Muôn tâu Lệnh Bà, con đường này gọi là “Con đường hạnh-phúc an-lạc”. Hôm nay, ngày đại lễ uống rượu ăn mừng chiến thắng hoàn toàn trên cõi Nam-thiện-bộ-châu. Cho nên, Đại-vương Cūḷanī Brahmadatta truyền lệnh cho phép mở con đường hầm này.

Kính thỉnh Lệnh Bà, Chánh-cung Hoàng-hậu, Thái-tử và Công-chúa ngự đi dự đại lễ chiến thắng vinh quang này.

Nghe lời tâu của nhóm lính như vậy, Hoàng-thái-hậu Calākadevī tin rằng đó là sự thật. Một số lính thỉnh bốn vị hoàng thân đi theo con đường hầm, còn một số lính trở lại cung điện của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta mở các kho báu, người nào có khả năng lấy được bao nhiêu báu vật quý giá thì lấy đem đi, phần báu vật còn lại họ đem rải rác trên sàn lâu đài, mở các cửa bỏ trống rồi đi ra, xuống theo con đường hầm trở về chỗ của mình.

Số lính thỉnh bốn vị hoàng thân đến một căn phòng rộng lớn, được trang hoàng lộng lẫy như căn phòng khách trên cõi trời. Hoàng-thái-hậu Calākadevī tưởng rằng: Đây là căn phòng để đón tiếp các Đức-vua đến dự đại lễ mừng chiến thắng.

Họ mời bốn vị hoàng thân nghỉ ngơi tại căn phòng ấy, có nhiều người tỳ-nữ rất xinh đẹp đến tận tình hầu hạ phục vụ khéo léo, chu đáo làm cho bốn vị hoàng thân không có hoài nghi gì cả.

Một số lính đến trình báo cho quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita biết, họ đã thi hành hoàn thành nhiệm vụ xong.

Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita hoan hỷ nghĩ rằng: “Bây giờ, điều mong ước của ta lâu nay đã trở thành hiện thực.”

Khi ấy, Đức-vua Vedeha nằm không nghỉ được, vì nóng lòng chờ đợi Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta đưa Công-chúa Pañcālacandī xinh đẹp tuyệt trần như thiên-nữ đến ban cho mình. Đức-vua Vedeha ngồi dậy, ngự đi ra khỏi phòng, đứng tại cửa sổ, nhìn xuống phía dưới, thấy hằng trăm ngàn cây đèn tỏa sáng cả một vùng xung quanh cung điện, thấy rõ các đội binh mặc áo giáp, tay cầm khí giới trong tư thế chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Đức-vua Vedeha không biết có sự việc gì sẽ xảy ra, nên Đức-vua truyền gọi bốn vị quân-sư và quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita đến, truyền hỏi họ rằng:

- Này quý vị quân-sư! Quý vị nhìn thấy hằng trăm ngàn cây đèn tỏa sáng cả một vùng xung quanh cung điện, thấy rõ các đội binh mặc áo giáp, tay cầm khí giới trong tư thế chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu.

Vậy, quý vị quân-sư thấy thế nào? Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta đang biểu diễn gì vậy?

Vị quân-sư Senaka tâu rằng:

- Tâu Bệ-hạ, xin Bệ-hạ chớ nên lo nghĩ, hằng trăm ngàn cây đèn tỏa sáng rực rỡ xung quanh cung điện của chúng ta, để Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta ngự đưa Công-chúa Pañcālacandī đến làm lễ thành hôn Bệ-hạ với Công-chúa xinh đẹp tuyệt trần.

Vị quân-sư Pukkusa tâu rằng:

- Tâu Bệ-hạ, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền các đội bộ binh đến canh gác, giữ gìn sự an toàn cho Bệ-hạ và những người khách quý như chúng ta.

Cả bốn vị quân-sư nghĩ, rồi tâu theo ý nghĩ riêng của mình. Khi bốn vị quân-sư đang tâu như vậy, thì Đức-vua Vedeha nghe rõ tiếng truyền lệnh của các tướng lĩnh rằng:

- Các đội binh chớ nên dể duôi, tay cầm khí giới, sẵn sàng chờ lệnh!

Đức-vua Vedeha cảm thấy sợ hãi về sự an toàn, nên truyền hỏi hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita rằng:

- Này Mahosadhapaṇḍita! Hằng trăm ngàn cây đèn toả sáng xung quanh cung điện của chúng ta, các đội binh: đội tượng binh, đội mã binh, đội quân xa, đội bộ binh mặc áo giáp, tay cầm khí giới trong tư thế chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu.

Vậy, các đội binh ấy chuẩn bị sẵn sàng làm gì vậy?

Nghe Đức-vua Vedeha truyền hỏi như vậy, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita nghĩ rằng: “Trước tiên, ta tâu sự thật làm cho Đức-vua Vedeha đang say mê sắc đẹp của Công-chúa Pañcālacandī phát sinh tâm hoảng sợ, kinh hồn, khiếp vía, rồi sau đó ta tâu lời an ủi để cho Đức-vua an tâm”. Nghĩ vậy, nên Đức-Bồ-tát tâu rằng:

- Tâu Đại-vương, Đại-vương đã bị mắc mưu kế thâm độc “mỹ-nhân-kế” của quân-sư Kevaṭṭa, lừa Đại-vương ngự đến đất nước của họ, để dễ dàng bắt Đại-vương đem ra chém đầu, chứ không phải để làm lễ thành hôn Đại-vương với Công-chúa Pañcālacandī của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta đâu!

- Tâu Đại-vương, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta và 101 Đức-vua chư hầu cùng với các đội binh hùng hậu gồm có 18 Akkhobhinī đang vây hãm xung quanh cung điện của Đại-vương.

Đêm nay, hằng trăm ngàn cây đèn tỏa sáng cả một vùng canh giữ nghiêm ngặt không để Đại-vương trốn thoát ra được, chờ đến lúc rạng đông, sẽ tiến quân xâm nhập vào cung điện bắt Đại-vương đem ra chém đầu.

Ngày mai, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta và 101 Đức-vua chư hầu cùng các quan, các tướng sẽ làm đại lễ uống rượu ăn mừng chiến thắng, suy tôn Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta là vị Đại-vương cao cả nhất, làm bá chủ cõi Nam-thiện-bộ-châu này.

Nghe Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu như vậy, Đức-vua Vedeha cảm thấy vô cùng hoảng sợ, kinh hồn khiếp vía vì sợ chết, nên than vãn rằng:

-Này Mahosadhapaṇḍita! Thân tâm của Trẫm cảm thấy run sợ như chiếc lá non trước gió lớn, cổ của Trẫm khô khan không còn chút nước miếng, Trẫm như bị thiêu đốt giữa ban ngày trời nắng nóng. Toàn thân tâm của Trẫm đang nóng như thiêu như đốt, khổ tâm cùng cực bởi vì quá sợ chết.

Nghe Đức-vua Vedeha than vãn như vậy, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita nghĩ rằng: “Bởi vì nghe diễn tả Công-chúa Pañcālacandī xinh đẹp tuyệt trần như thiên-nữ, nên Đức-vua Vedeha phát sinh tâm tham-ái say mê sắc đẹp của Công-chúa ấy. Vì vậy, Đức-vua không chịu nghe lời khuyên can của ta ngày trước, nên ngày nay, Đức-vua phải chịu nóng nảy khổ thân, khổ tâm cùng cực như vậy.”

Nghĩ xong Đức-Bồ-tát tâu rằng:

-Tâu Đại-vương, Đại-vương là người dể duôi (thất niệm), tin theo lời tâu của sứ-giả Kevaṭṭa và nghe lời tâu nịnh của bốn vị quân-sư thiểu trí si mê, nên Đại-vương đã phát sinh tâm tham-ái say mê sắc đẹp của Công-chúa Pañcālacandī.

Hạ thần đã thấy rõ, biết rõ mưu kế thâm độc “mỹ-nhân-kế” của sứ-giả Kevaṭṭa rất độc ác. Cho nên, ngày trước hạ thần đã khuyên can Đại-vương không nên ngự đến kinh-thành Uttarapañcāla này, nhưng Đại-vương không nghe theo lời khuyên can của hạ thần mà nghe theo lời tâu nịnh của bốn vị quân-sư thiểu trí si mê.

Nay, Đại-vương đã mắc mưu mỹ-nhân-kế, nên lâm vào cảnh khốn cùng này. Xin Đại-vương hãy nhờ bốn vị quân-sư trổ tài ra giải cứu Đại-vương thoát nạn.

Ví như con nai ham ăn cỏ non của người thợ săn, nên bị mắc vào bẫy của người thợ săn.

Cũng như vậy, Đại-vương là người dể duôi (thất niệm), do tâm tham-ái say mê sắc đẹp của Công-chúa Pañcālacandī, Đại-vương đã bị mắc lừa, nên ngự đến kinh-thành Uttarapañcāla này, nay Đại-vương đã bị mắc bẫy của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta rồi.

Ví như con cá ham ăn miếng mồi ngon của người câu cá, nên con cá bị nuốt phải lưỡi câu vào bụng.

Cũng như vậy, Đại-vương là người dể duôi, do tâm tham-ái say mê sắc đẹp của Công-chúa Pañcālacandī, Đại-vương đã bị lừa, nên ngự đến kinh-thành Uttara-pañcāla này, nay Đại-vương sẽ bị chém đầu chết thê thảm tại đất nước người.

- Tâu Đại-vương, kẻ ác như sứ-giả Kevaṭṭa, như con rắn độc mà bậc thiện-trí không nên gần gũi thân cận, không nên tin theo lời của kẻ ác, bởi vì thân cận với kẻ ác chỉ đem lại sự khổ cho mình trong kiếp hiện-tại và những kiếp vị-lai mà thôi.

- Tâu Đại-vương, bậc thiện-trí là bậc có giới đức, bậc đa văn túc trí. Vậy, Đại-vương nên gần gũi thân cận với bậc thiện-trí ấy, bởi vì thân cận với bậc thiện-trí chỉ đem lại sự an-lạc cho mình trong kiếp hiện-tại và những kiếp vị-lai mà thôi.

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita muốn tâu cho Đức-vua Vedeha thức tỉnh, để về sau không còn mắc mưu như vậy nữa, nên tâu rằng:

- Tâu Đại-vương, Đại-vương đã truyền bảo rằng:

“-Này Mahosadhapaṇḍita! Ngươi là con trai sống trong xóm nhà vùng lúa, chỉ biết cày ruộng mà thôi. Làm sao ngươi có thể biết được sự hạnh phúc an-lạc đế vương như sứ giả Kevaṭṭa và bốn vị quân-sư của Trẫm được.

Mahosadhapaṇḍita này làm cản trở sự hạnh phúc an lạc của Trẫm, cản trở Trẫm làm lễ thành hôn với Công-chúa Pañcālacandī xinh đẹp tuyệt trần như thiên-nữ của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta.

Vậy, các khanh hãy tống cổ nó ra khỏi nơi này, các khanh hãy đuổi nó ra khỏi đất nước của Trẫm, bởi Mahosadhapaṇḍita không giúp Trẫm làm lễ thành hôn với Công-chúa Pañcālacandī xinh đẹp tuyệt trần như thiên-nữ, mà còn cản trở không muốn Trẫm ngự đến kinh-thành Uttarapañcāla.”

Đại-vương đã truyền lệnh cho bốn vị quân-sư ấy tống cổ hạ thần ra khỏi đất nước của Đại-vương, bởi vì hạ thần thấy rõ, biết rõ mưu kế thâm độc, “mỹ-nhân-kế” của sứ-giả Kevaṭṭa, nên hạ thần đã khuyên can Đại-vương không nên tin lời sứ-giả ấy, khuyên can Đại-vương không nên ngự đến kinh-thành Uttarapañcāla, nguy hiểm đến sinh-mạng này.

Đêm nay, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta và 101 Đức-vua chư hầu cùng với 18 akkhobhinī đang bao vây hãm bên ngoài cung điện của Đại-vương. Chờ đến rạng đông, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền lệnh tiến quân vào cung điện này, để bắt Đại-vương đem ra chém đầu tại nơi này.

Bây giờ, Đại-vương có bốn vị quân-sư này là nơi nương nhờ của Đại-vương.

Vậy, Đại-vương nên nhờ họ tìm phương giải cứu Đại-vương thoát khỏi nạn chém đầu lần này. Tại sao Đại-vương lại truyền hỏi hạ thần?

Nghe nhắc lại những lỗi lầm trước của mình, Đức-vua Vedeha cảm thấy hổ thẹn, bèn truyền bảo rằng:

- Này Mahosadhapaṇḍita con yêu quý! Chư bậc thiện-trí không nhắc lại lỗi lầm đã qua của người khác, sao con lại nhắc lại lỗi lầm đã qua của Phụ-vương?

- Này Mahosadhapaṇḍita con yêu quý! Nếu con có con đường nào cứu nguy cho Phụ-vương được thì con nên giải cứu Phụ-vương thoát khỏi đại nạn này, bằng con đường ấy. Con là nơi nương nhờ của Phụ-vương trong lúc này. Ngoài con ra, Phụ-vương không còn biết nương nhờ nơi người nào khác nữa.

Nghe Đức-vua Vedeha truyền bảo như vậy, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu làm cho Đức-vua càng kinh hoàng, hoảng sợ hơn nữa rằng:

- Tâu Đại-vương, sứ-giả Kevaṭṭa đã lừa Đại-vương ngự đến trong đất nước của họ, cốt để bắt Đại-vương đem ra chém đầu, rồi họ sẽ tổ chức đại lễ uống rượu ăn mừng chiến thắng. Hạ thần không có khả năng giải cứu Đại-vương bằng con đường trên hư không, đưa Đại-vương trở về kinh-thành Mithilā được.

Kính xin Đại-vương cảm thông cho hạ thần vậy.

Nghe Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu như vậy, Đức-vua Vedeha hoàn toàn thất vọng, càng kinh hoàng hoảng sợ hơn nữa vì sợ chết, cho nên không truyền được lời nào nữa.

Khi ấy, vị quân-sư Senaka hạ mình khẩn khoản, năn nỉ Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita rằng:

-Kính thưa Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita đại-nhân, quan Thừa-tướng là bậc đại tài đại trí hơn hẳn bốn vị quân-sư chúng tôi và các quan trong triều đình, quan Thừa-tướng có nhiều mưu kế kỳ diệu phi thường. Như ngày trước, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta và 101 Đức-vua chư hầu cùng với các đội binh gồm có 18 Akkhobhinī vây hãm kinh-thành Mithilā chờ xâm nhập vào kinh-thành giết sạch chúng tôi. Thế mà quan Thừa-tướng đại-nhân đã khéo dùng mưu kế làm cho Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cùng 101 Đức-vua chư hầu và các đội binh gồm có 18 Akkhobhinī hoảng sợ bỏ chạy mình trần, không kịp mang theo một thứ gì bên mình cả.

Nhờ vậy mà cứu chúng tôi sống đến ngày nay.

Nay, chúng tôi khẩn khoản cầu xin quan Thừa-tướng đại-nhân giải cứu Đức-vua và tất cả chúng tôi thoát khỏi chết trong tay Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta.

Nghe vị quân-sư Senaka khẩn khoản như vậy, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita thưa rằng:

- Thưa quân-sư, quân-sư đang ở trong đất nước của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, tôi không có khả năng đưa quý vị thoát khỏi nơi này bằng con đường trên hư không trở về kinh-thành Mithilā được. Cho nên, quý vị khó mà thoát khỏi chết được.

Đức-vua Vedeha nghĩ rằng: “Ta nên truyền hỏi xem bốn vị quân-sư có mưu kế gì hay, để giải thoát khỏi nơi này”, nên truyền hỏi quân-sư Senaka rằng:

- Thưa quân-sư, quân-sư đã thấy tai họa sắp xảy đến với Trẫm.

Vậy, quân-sư có kế hay nào giải cứu Trẫm. Xin tâu cho Trẫm rõ.

Nghe Đức-vua Vedeha truyền hỏi như vậy, vị quân-sư Senaka tâu rằng:

- Tâu Bệ-hạ, xin Bệ-hạ truyền lệnh lấy lửa đốt từ cửa vào cung điện này, biến cung điện này thành giàn hỏa thiêu, rồi chịu chết thiêu hoặc rút gươm đâm chém lẫn nhau chết ngay tức thì, không nên để cho Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta bắt hành hạ Bệ-hạ và chúng thần đến chết, chịu đau khổ lâu dài.

Nghe vị quân-sư Senaka tâu như vậy, Đức-vua vô cùng thất vọng về ông, tiếp đến Đức-vua truyền hỏi vị quân-sư Pukkasa rằng:

- Thưa quân-sư, quân-sư đã thấy tai họa sắp xảy đến với Trẫm.

Vậy, quân-sư có kế hay nào giải cứu Trẫm. Xin tâu cho Trẫm rõ?

Quân-sư Pukkasa tâu rằng:

- Tâu Bệ-hạ, xin Bệ-hạ và chúng thần nên uống thuốc độc cực mạnh chết ngay tức khắc, không nên để Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta giết Bệ-hạ và chúng thần bằng các cực hình.

Quân-sư Kāminda tâu rằng:

- Tâu Bệ-hạ, xin Bệ-hạ và chúng thần nên lấy dây treo cổ chết lẹ, hoặc nhảy xuống hồ nước sâu trùm mình chết, không nên để Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta bắt hành hạ Bệ-hạ và chúng thần đến chết.

Quân-sư Devinda không nghĩ ra kế nào, nên lặp lại kế của quân-sư Senaka rằng:

- Tâu Bệ-hạ, xin Bệ-hạ truyền lệnh lấy lửa đốt từ cửa vào cung điện này, biến cung điện này thành giàn hỏa thiêu, rồi chịu chết thiêu hoặc rút gươm đâm chém lẫn nhau chết ngay tức thì, không nên để cho Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta bắt hành hạ Bệ-hạ và chúng thần đến chết, chịu đau khổ lâu dài.

Tiếp theo quân-sư Devinda tâu rằng:

- Tâu Bệ-hạ, Bệ-hạ và chúng thần khẩn khoản cầu xin quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita giải cứu Bệ-hạ và chúng thần thoát chết.

Nếu quan Thừa-tướng không giải cứu Bệ-hạ và chúng thần được thì xin Bệ-hạ truyền lệnh thi hành theo kế của quân-sư Senaka vậy.

Nghe bốn vị quân-sư tâu như vậy, Đức-vua Vedeha vô cùng thất vọng về họ. Đức-vua nhớ lại đã từng đối xử không tốt với Mahosadhapaṇḍita, cho nên không dám truyền bảo lời nào, đành than vãn rằng:

- Người đi tìm lõi cây trong vườn chuối, không có được lõi cây như thế nào, cũng như ta tìm kế hay để giải thoát ra cảnh khốn cùng này trong bốn vị quân-sư si mê cũng như thế ấy. Thân tâm của ta nóng nảy như bị thiêu đốt giữa buổi trưa nắng. Thật là khổ thân, khổ tâm cùng cực quá!

Nhìn thấy Đức-vua Vedeha than vãn như vậy, Đức- Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita nghĩ rằng: “Đức-vua Vedeha đã phát sinh nỗi khổ thân, khổ tâm khốn cùng như vậy, nếu ta không tâu lời an ủi thì Đức-vua có thể vỡ tim, băng hà tại đây”, nên tâu lời an ủi rằng:

- Tâu Đại-vương, kính xin Đại-vương chớ quá lo âu, hạ thần sẽ giải cứu Đại-vương ra khỏi vòng vây của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta như vị chư thiên giải cứu mặt trời, mặt trăng ra khỏi oai lực của vị chư thiên Rāhu, như cứu con voi chúa lên khỏi vũng lầy, như cứu Đức Long-vương ra khỏi nanh vuốt của Điểu-vương, như cứu con cá lớn ra khỏi lưới bao bọc, như cứu Điểu-vương ra khỏi lồng sắt, v.v…

Hạ thần có phương kế làm cho Đức-vua Cūḷanī Bramadatta và 101 Đức-vua chư hầu cùng với các đội binh hùng mạnh gồm có 18 akkhobhinī đang vây hãm xung quanh cung điện của Đại-vương trở thành vô hiệu quả, rồi lặng lẽ rút quân trở về.

Nếu hạ thần, Mahosadhapaṇḍita này không giải cứu được Đại-vương trong cảnh khốn cùng nguy hại đến sinh-mạng của Đại-vương, thì trí-tuệ của kẻ hạ thần này còn có ích lợi gì đâu!

Hơn nữa, kẻ hạ thần này đã được Đại-vương nhận làm hoàng-tử, Đại-vương là Đức Phụ-vương đã nuôi dưỡng con từ khi mới lên bảy tuổi. Đức Phụ-vương đã ban cho con chức quan Thừa-tướng cao nhất trong triều.

Vậy, con phải làm tròn bổn phận người con chí hiếu đối với Đức Phụ-vương và làm tròn phận sự của vị quan Thừa-tướng chí trung đối với Đại-vương và đất nước Videharaṭṭha.

-Muôn tâu Đức Phụ-vương, kính xin Đức Phụ-vương an tâm, con sẽ giải cứu Đức Phụ-vương ra khỏi vòng vây của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, và điều mong ước của Đức Phụ-vương chắc chắn cũng sẽ được trở thành hiện thực như ý, rồi Đức Phụ-vương sẽ ngự trở về kinh-thành Mithilā được an toàn.

Nghe hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita tâu như vậy, Đức-vua Vedeha vô cùng hoan hỷ tin tưởng rằng: “Ta chắc chắn sẽ còn sống!”

Bốn vị quân-sư cũng hoan hỷ thưa rằng:

- Thưa quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita, chúng tôi cũng được giải cứu phải không?

- Thưa chư vị quân-sư, tôi cũng sẽ giải cứu không chỉ bốn vị quân-sư, mà còn tất cả binh lính hộ giá và toàn thể công nhân xây dựng, tất cả đều sẽ thoát ra khỏi vòng vây của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, trở về kinh-thành Mithilā được an toàn.

Khi ấy, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita ra lệnh những người lính của mình rằng:

- Này các người lính trẻ! Các ngươi hãy đi mở cửa đường hầm, mở tất cả phòng lớn và 101 phòng nhỏ bằng máy tự động và các ngọn đèn chiếu sáng rực rỡ suốt con đường hầm.

Tuân lệnh quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita, những người lính trẻ thi hành xong, đến trình cho quan Thừa-tướng biết, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita tâu với Đức-vua Vedeha rằng:

- Tâu Đức Phụ-vương, đến giờ, kính thỉnh Đức Phụ-vương ngự xuống lâu đài.

Nghe Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu thỉnh như vậy, Đức-vua Vedeha ngự xuống lâu đài, ngự vào con đường hầm rộng rãi và cao, Đức-vua bước lên chiếc long xa ngự đi trước, theo sau có xe Đức-Bồ-tát Mahosadha, xe bốn vị quân-sư và xe các quan quân theo hộ giá. Đức-vua Vedeha ngự đi trong con đường hầm rộng rãi và cao, có các ngọn đèn sáng chói rực rỡ, có thể nhìn thấy rõ hai bên vách hầm có những bức tranh đẹp tuyệt vời của các nhà họa sĩ tài hoa, nổi tiếng trong đất nước Videha.

Đức-vua Vedeha ngự đến căn phòng lớn được trang hoàng lộng lẫy như trên cõi trời, có các tượng hình thiên-nữ như thật đứng chầu trong phòng lớn ấy. Đức-vua Vedeha ngự lên trên ngai vàng có chiếc lọng che, các quan ngồi hai bên theo cấp bậc.

Đại Lễ Thành Hôn

Khi ấy, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita truyền bảo những người lính anh dũng mời bốn vị hoàng thân của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta Hoàng thái-hậu Calākadevī, Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī, Thái-tử Pañcālacanda và Công-chúa Pañcālacandī đến yết kiến Đức-vua Vedeha.

Khi yết kiến Đức-vua Vedeha, nhìn thấy quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita, bốn vị hoàng thân mới biết mình đã bị bắt ở trong tay của người khác. Họ phát sinh tâm sợ hãi, Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī khóc lớn lên thành tiếng vang lên mặt đất.

Trong khi ấy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta bố trí chỗ trọng yếu chặn đường Đức-vua Vedeha chạy trốn theo đường sông Gaṅgā, nên khi nghe tiếng khóc của Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī vọng ra trong đêm thanh vắng, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta hoàn toàn không tin đó là sự thật, mà nghĩ rằng:

“Đó chỉ là ảo tưởng mà thôi.”

Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita thỉnh mời Công-chúa Pañcālacandī ngự lên chỗ ngồi làm bằng thất báu để làm lễ thành hôn với Đức-vua Vedeha.

Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita tâu rằng:

- Muôn tâu Đại-vương, Đại-vương ngự đến kinh-thành Uttarapañcāla này với ý nguyện tha thiết mong ước được thành hôn với Công-chúa Pañcālacandī.

- Muôn tâu Đại-vương, với sự hiện diện chứng minh của ba hoàng thân của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta là Hoàng thái-hậu Calākadevī, Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī và Thái-tử Pañcālacanda. Kính xin Đại-vương cử hành đại lễ thành hôn với Công-chúa Pañcālacandī, và kính xin Đại-vương tấn phong Công-chúa lên ngôi Chánh-cung Hoàng-hậu của Đại-vương.

Sau khi cử hành đại lễ thành hôn xong, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita tâu rằng:

- Muôn tâu Đại-vương, 300 chiếc thuyền đã chờ sẵn, kính thỉnh Đại-vương Vedeha và Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcālacandī ngự lên chiếc thuyền rồng.

Kính thỉnh Lệnh bà Hoàng thái-hậu Calākadevī, Lệnh bà Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī và Hoàng Thái-tử Pañcālacanda cùng ngự lên chiếc thuyền rồng.

Và mời bốn vị quân-sư cùng lên chiếc thuyền rồng ấy. Các quan và quân lính theo hầu đều bước lên các chiếc thuyền khác đi theo hộ giá.

Đức-vua Vedeha ngự lên chiếc thuyền rồng cùng Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcālacandī với ba vị hoàng thân của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta.

Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita đứng trên bờ sông Gaṅgā tâu rằng:

- Muôn tâu Đại-vương, từ nay, Đại-vương là phò mã của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta và Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī. Như vậy,

* Hoàng Thái-hậu Calākadevī là nhạc Hoàng Thái-hậu của Đại-vương.

* Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta là nhạc Phụ-vương của Đại-vương.

* Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī là nhạc Mẫu-hậu của Đại-vương.

* Hoàng Thái-tử Pañcālacanda là nhạc Hoàng-huynh của Đại-vương.

- Muôn tâu Đại-vương Vedeha, kính xin Đại-vương làm tròn bổn phận của mình đối với mỗi vị hoàng thân của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta.

Nghe lời tâu của hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita, để cho hoàng-tử an tâm, Đức-vua Vedeha truyền bảo rằng:

- Này Mahosadhapaṇḍita, hoàng-nhi yêu quý! Phụ-vương hứa chắc chắn sẽ làm tròn bổn phận đối với mỗi vị hoàng thân của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta.

Đức-vua Vedeha muốn thuyền rồng mau rời khỏi bến sông Gaṅgā để thoát khỏi vòng vây của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta và cũng sợ Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta biết được đuổi theo bắt lại, nên truyền bảo rằng:

- Này Mahosadhapaṇḍita, hoàng-nhi yêu quý! Sao con còn đứng trên bờ, con hãy mau mau bước xuống thuyền, để rời khỏi bến ngay bây giờ.

Nghe Đức-vua Vedeha truyền bảo như vậy, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita tâu rằng:

- Tâu Đại-vương, hạ thần là vị Thừa-tướng thống lĩnh các đoàn quân lính thi hành các công việc suốt bốn tháng nay, có nhóm bị bệnh hoạn, có nhóm đang nghỉ ngơi, có nhóm đang làm phận sự, v.v… nên hạ thần không thể bỏ họ ở lại, dù chỉ một người. Cho nên, hạ thần phải trở lại với họ, hạ thần sẽ dẫn các đoàn binh lính ấy trở về kinh-thành Mithilā sau.

- Này Mahosadhapaṇḍita, hoàng-nhi yêu quý! Con có số quân lính ít ỏi, làm sao con chống cự lại với các đội binh hùng mạnh, đông đảo của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta được. Con ở thế yếu, làm sao có thể chống cự lại với Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta có thế mạnh gấp trăm ngàn lần được!

Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita tâu rằng:

- Tâu Đại-vương, một vị tướng lĩnh có tài-trí hơn người, có mưu kế hay, dù có quân lính ít ỏi cũng vẫn thắng được vị tướng lĩnh kém tài, vô mưu, dù có quân lính nhiều vô số vẫn bị thua.

Cũng ví như mặt trời mọc lên sáng chói, làm tiêu tan được bóng tối khắp mọi nơi.

- Tâu Đại-vương, hạ thần xin đảnh lễ Đại-vương, kính thỉnh Đại-vương truyền lệnh cho thuyền rồng rời khỏi bến ngay bây giờ.

Giải Cứu Đức-Vua Vedeha Và Đoàn Người Hộ Giá

Khi chiếc thuyền rồng rời khỏi bến, Đức-vua Vedeha nhớ tưởng đến ân đức của hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita nên nghĩ rằng:

“Ta đã thoát khỏi tay của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, là ta đã thoát khỏi chết lần này, và điều mong ước thành hôn với Công-chúa Pañcālacandī xinh đẹp tuyệt trần như thiên-nữ cũng đã trở thành hiện thực như ý. Tất cả đều do nhờ trí-tuệ siêu-việt của hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita.”

Nghĩ xong, Đức-vua Vedeha vô cùng hoan hỷ tán dương ân đức của hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita với vị quân-sư Senaka rằng:

-Này quân-sư! Gần gũi, thân cận với bậc đại-trí mới đem lại sự hạnh phúc an-lạc thật sự.

Nhờ Mahosadhapaṇḍita giải cứu chúng ta thoát khỏi tay của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, như người thả bầy chim ra khỏi lồng, thả đàn cá ra khỏi đáy lưới.

Thật ra, nhờ Mahosadhapaṇḍita giải cứu mà chúng ta thoát khỏi chết trong tay của Đức-vua Cūḷanī Brahma-datta, chúng ta còn sống được như thế này là nhờ trí-tuệ siêu-việt của Mahosadhapaṇḍita.

Vậy, ân đức của Mahosadhapaṇḍita đối với chúng ta thật là vô lượng! Đúng vậy phải không quân-sư?

Nghe Đức-vua Vedeha tán dương, ca tụng Mahosadha-paṇḍita như vậy, quân-sư Senaka cũng tán dương, ca tụng rằng:

-Tâu Bệ-hạ, thật vậy, gần gũi, thân cận với bậc đại-trí mới đem lại sự hạnh phúc an-lạc thật sự.

Nhờ quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita giải cứu mà Bệ-hạ và chúng thần thoát khỏi chết từ tay của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, như người thả bầy chim ra khỏi lồng, thả đàn cá ra khỏi đáy lưới.

Chiếc thuyền rồng đi qua hết con sông Gaṅgā cập bến, Đức-vua Vedeha, Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcāla-candī, cùng ba vị hoàng thân của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta ngự lên bờ cùng các quan quân đến ngôi nhà nghỉ mà quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita đã xây dựng sẵn dành để đón tiếp Đức-vua Vedeha và Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcālacandī cùng phái đoàn hộ giá.

Tại ngôi nhà nghỉ, Đức-vua Vedeha, Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcālacandī cùng phái đoàn hộ giá ăn uống vật thực ngon lành, bổ dưỡng, rồi Đức-vua Vedeha và Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcālacandī ngự lên chiếc long xa có đôi ngựa báu, ba vị hoàng thân của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cũng ngự lên chiếc long xa có đôi ngựa báu, còn các quan quân khác lên ngựa, voi, xe tiếp tục lên đường trở về kinh-thành Mithilā.

Đường đi đến kinh-thành Mithilā dài 100 do tuần, cứ mỗi do tuần, quan Thừa-tướng Mahosadha có xây dựng một trạm, có ngôi nhà nghỉ để đón tiếp Đức-vua Vedeha và Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcālacandī cùng phái đoàn hộ giá nghỉ ngơi, ăn uống vật thực ngon lành, bổ dưỡng, rồi thay đổi chiếc long xa, ngựa, voi khỏe mạnh khác.

Nhờ vậy mà Đức-vua Vedeha và Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcālacandī cùng ba vị hoàng thân của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta ngự đến kinh-thành Mithilā được an toàn và được khoẻ mạnh.

Đức-Bồ-Tát Mahosadhapaṇḍita Với Đức-Vua Cūḷanī Brahmadatta

Sau khi Đức-vua Vedeha cùng đoàn hộ giá đã rời khỏi bến sông Gaṅgā, trên đường hồi cung trở về kinh-thành Mithilā, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita trở lại đến cửa hầm, cởi thanh gươm báu ra, đào đất chôn giấu tại cửa hầm, rồi đi vào con đường hầm trở lại cung điện mới, bước lên lâu đài, tắm rửa sạch sẽ, ăn uống thức ăn ngon lành, bổ dưỡng, vào nằm trên giường sang trọng.

Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita hồi tưởng:

“Từ ngày đến đất nước Kapilaraṭṭha này, ta đã điều hành, thi công xây dựng một Cung Điện Mới, đặc biệt là một Con Đường Hầm kỳ diệu và đã thực hiện điều mong ước của Đức Phụ-vương của ta trở thành hiện thực, Đức-vua Vedeha đã làm đại lễ thành hôn với Công-chúa Pañcālacandī, rồi tấn phong lên ngôi Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua Vedeha.

Đức Phụ-vương của ta đã thành tựu được như ý, vậy là ta đã đền đáp một phần công ơn của Đức Phụ-vương.

Nay, Đức Phụ-vương cùng Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcālacandī và đoàn hộ giá trên đường hồi cung, ngự trở về kinh-thành Mithilā.”

Hồi tưởng như vậy xong, Đức-Bồ-tát phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ, rồi nằm ngủ say.

Bên ngoài cung điện mới của Đức-vua Vedeha, suốt đêm cho đến lúc rạng đông, Đức-vua Cūḷanī Brahma-datta đi duyệt các đội binh hùng mạnh gồm 18 akkhobhinī quân lính vây hãm cung điện. Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền lệnh tất cả tướng sĩ chớ nên dể duôi, chuẩn bị sẵn sàng, chờ lệnh lúc rạng đông, xâm nhập vào cung điện mới, để bắt sống Đức-vua Vedeha và quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita là kẻ thù xưa, đem ra chém đầu. Và sau đó sẽ làm lễ ăn mừng chiến thắng hoàn toàn, rồi lên ngôi Đại-vương cao cả trong toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu này.

Rạng sáng hôm sau, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta thân chinh mặc áo giáp đặc biệt, ngự trên voi báu, tay cầm cây cung đã nạp sẵn tên, giục voi tiến đến cung điện mới của Đức-vua Vedeha, đằng sau, một đoàn quân anh dũng thiện chiến theo hộ giá. Đức-vua Cūḷanī Brahma-datta nghĩ rằng:

“Này Vua Vedeha hiếu sắc, ngươi chớ hòng nhìn thấy Công-chúa Pañcālacandī của ta. Ngày trước, vây hãm kinh-thành Mithilā, chúng ta bị mắc mưu, thua kế của Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita phải bỏ chạy, cho nên ngày ấy Ngươi mới thoát khỏi chết.

Nay, Ngươi đã bị mắc mưu mỹ-nhân-kế của chúng ta, Ngươi đã đem mạng đến nạp trên đất nước của ta, ví như cá đã vào đáy lưới. Dù cho Ngươi có cánh, Ngươi cũng không thể thoát khỏi làn tên mũi giáo của ta.

Lần này, chính ta sẽ bắt sống Ngươi và Mahosadha-paṇḍita, chính ta sẽ chặt đầu Ngươi và Mahosadha-paṇḍita tại nơi cung điện mới của Ngươi. Sáng ngày hôm nay, ta sẽ tổ chức đại lễ uống rượu ăn mừng chiến thắng.”

Khi ấy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta giục voi báu tiến đến gần cung điện mới ấy. Quân lính canh gác, bảo vệ cung điện vội đến trình báo cho quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita biết. Quan Thừa-tướng mới thức dậy, tắm rửa sạch sẽ, dùng bữa sáng bằng những món ăn ngon lành, bổ dưỡng, mặc trang phục vải xứ Kāsi đắt giá, cầm cây gậy cẩn bằng thất báu, mang đôi hia bằng vàng, đứng bên cửa sổ trên lâu đài, có các cô gái xinh đẹp như thiên-nữ cầm cây quạt lông phe phẩy.

Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita đi qua đi lại trên lâu đài như Đức-vua trời Sakka trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên, để cho Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta nhìn thấy.

Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta ngồi trên voi báu, nhìn thấy quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita có các tướng tốt của bậc đại-nhân, nhưng Đức-vua không phát sinh đức-tin trong sạch nơi quan Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita, bởi vì Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta đang nổi cơn thịnh nộ, chỉ muốn vào bắt sống quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita mà thôi.

Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita nghĩ rằng:

“Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta muốn xông vào bắt sống Đức-vua Vedeha và ta, nhưng Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta không biết ta đã cho lính mời bốn vị hoàng thân của Đức-vua là Hoàng Thái-hậu Calākadevī, Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī, Thái-tử Pañcāla-canda và Công-chúa Pañcālacandī đem dâng Đức-vua Vedeha, đang trên đường hồi cung ngự trở về kinh-thành Mithilā rồi.

Ta nên lộ mặt ra để cho Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta nhìn thấy.”

Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita bước ra tâu với Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta bằng giọng nói nửa đùa nửa thật rằng:

- Tâu Đại-vương, sao Đại-vương nổi cơn thịnh nộ vội vã giục con voi báu ngự đến như vậy. Lẽ ra, Đại-vương phải vui mừng hớn hở, bởi vì âm mưu “mỹ-nhân-kế” của Đại-vương đã được thành tựu như ý rồi, phải không, Đại-vương?

- Tâu Đại-vương, xin Đại-vương trao cây cung cho lính hầu cầm, Đức-vua cầm làm gì cho nặng, có ích lợi gì đâu!

Xin Đại-vương cởi chiếc áo giáp đặc biệt ra khỏi long thể cho nhẹ nhàng, bởi vì Đại-vương đã mặc nó từ tối hôm qua, chỉ làm cho long thể của Đại-vương khó chịu mà thôi!

Đại-vương ngự đến cung điện mới của hạ thần từ sáng sớm, chắc có chuyện việc gì quan trọng đây?

Nghe quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita tâu với giọng nói ngọt ngào êm tai, gương mặt tươi cười, vui vẻ và sáng ngời, nên Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền bảo rằng:

-Này Mahosadhapaṇḍita! Ngươi là người có màu da vàng trong sáng, gương mặt rạng rỡ, tươi cười vui vẻ, có lời nói ngọt ngào êm tai. Đó là trạng thái được biểu hiện nơi người sắp chết như ngươi.

- Này Mahosadhapaṇḍita! Hôm nay, chính ta sẽ bắt Vua Vedeha và ngươi, rồi ta sẽ chặt đầu hai ngươi cùng một lúc. Cũng hôm nay, ta sẽ tổ chức đại lễ uống rượu, ăn mừng chiến thắng vinh quang trong toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu này.

Khi quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita và Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta đối đáp với nhau, các đội binh của Đức-vua nhìn thấy thân hình của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita có các tướng tốt của bậc đại-nhân, nên phát sinh đức-tin trong sạch, kính phục, ngưỡng mộ quan Thừa-tướng.

Họ nhìn thấy Đức-vua của họ với quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita đang bàn bạc chuyện với nhau.

Nghe Đức-vua truyền bảo lời hăm dọa như vậy, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita nghĩ rằng:

“Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta không biết ta là Mahosadhapaṇḍita.”

Nghĩ xong, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita bèn tâu rằng:

- Tâu Đại-vương, những lời hăm dọa của Đại-vương chẳng làm cho tôi có cảm giác sợ chút nào cả, Đại-vương nên biết rằng: “Chuyện bí mật mà quân-sư Kevaṭṭa bàn tính với Đại-vương trên lâu đài trong phòng ngủ của Đại-vương. Tôi đã biết và những người khác cũng đều biết cả rồi!”

- Tâu Đại-vương, Đại-vương không có khả năng bắt được Đức-vua Vedeha của tôi đâu?

Đức-vua Vedeha đã rời khỏi cung điện mới này, trên đường hồi cung ngự trở về kinh-thành Mithilā rồi.

Ví như con ngựa báu Sindhava phi nhanh, làm sao con ngựa què quặt đuổi theo kịp được!

Đức-vua Vedeha đã biết trọng dụng tôi ví như con ngựa báu Sindhava phi nhanh. Còn Đại-vương chỉ biết dùng quân-sư Kevaṭṭa ví như con ngựa què quặt thì làm sao sánh với con ngựa báu Sindhava phi nhanh được!

- Tâu Đại-vương, Đức-vua Vedeha không chỉ ngự đi một mình mà còn bốn nhân vật thượng khách, các quân-sư, các quan, quân lính theo hộ giá cùng đi theo Đức-vua Vedeha, đã vượt qua con sông Gaṅgā từ tối hôm qua rồi.

Dù Đại-vương muốn đuổi theo cũng không kịp nữa, ví như con quạ già sức yếu làm sao bay đuổi theo con thiên nga trẻ, khỏe mạnh được!

- Tâu Đại-vương, những điều mơ ước, hy vọng của Đại-vương đã biến thành tro bụi, mây khói cả rồi!

Nghe quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita tâu như vậy, Đức-vua Cūḷanī nghĩ rằng:

“Nếu Mahosadhapaṇḍita, con của phú hộ đã biết chuyện bí mật của ta, nó đã dõng dạc, khẳng khái dám nói như vậy thì chắc chắn nó đã giải cứu Vua Vedeha thoát ra khỏi cung điện mới này rồi, không còn nghi ngờ gì nữa. Nhưng bằng cách nào?

Ta nhớ rõ, trước đây ta đem quân vây hãm kinh-thành Mithilā, chờ xâm nhập vào kinh-thành bắt giết Vua Vedeha, nhưng ta đã bị mắc mưu kế của Mahosadha-paṇḍita, làm cho ta phải bỏ chạy thẳng một mạch như điên. Bây giờ, Vua Vedeha đã ngự đến đất nước của ta, như ở trong tay của ta rồi, thế mà Mahosadhapaṇḍita này cũng giải cứu Vua Vedeha thoát ra khỏi tay của ta được, chính Mahosadhapaṇḍita này làm cho ta tiêu tan mộng làm bá chủ trong cõi Nam-thiện-bộ-châu này.”

Nghĩ như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta nổi cơn lôi đình thịnh nộ, truyền lệnh rằng:

-Này các tướng sĩ! Các ngươi hãy bắt Mahosadha-paṇḍita, rồi chặt hai tay, hai chân, cắt hai lỗ tai, lỗ mũi của y, vì tội giải cứu Vua Vedeha, kẻ thù của Trẫm đã thoát khỏi tay của Trẫm trở về kinh-thành Mithilā.

Các ngươi hãy lấy cây lao đâm Mahosadhapaṇḍita, đem đặt trên giàn lửa thiêu đốt sống, vì tội giải cứu Vua Vedeha… kinh-thành Mithilā.

Các ngươi hãy lấy cây móc, móc da thịt của Mahosadhapaṇḍita, dùng gươm đâm chém Mahosadha, vì tội giải cứu Vua Vedeha … kinh-thành Mithilā.

Các ngươi hãy giết chết Mahosadhapaṇḍita … vì tội giải cứu vua Vedeha, kẻ thù của Trẫm đã thoát khỏi tay của Trẫm trở về kinh-thành Mithilā.

Nghe Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền lệnh cho các tướng sĩ của mình, quan Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita phát ra tiếng cười lớn khanh khách vang xa làm cho các đội binh của Đức-vua nghe rõ.

Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita nghĩ rằng:

“Nếu Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta biết ta đã ra lệnh cho lính mời bốn vị hoàng thân của Đức-vua là Hoàng Thái-hậu Calākadevī, Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī, Thái-tử Pañcālacanda và Công-chúa Pañcālacandī đem dâng Đức-vua Vedeha rồi.

Nay, bốn vị hoàng thân ấy của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cùng ngự theo Đức-vua Vedeha đến kinh-thành Mithilā, thì Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta càng nổi cơn lôi đình thịnh nộ có thể bắn ta với cung tên trong tay.

Vậy, ngay bây giờ ta nên tâu cho Đức-vua biết rõ, để làm cho Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta phát sinh khổ tâm cùng cực”, nên quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita tâu rằng:

-Tâu Đại-vương, nếu Đại-vương truyền lệnh chặt hai tay, hai chân, cắt hai lỗ tai, lỗ mũi của tôi như thế nào, thì Đức-vua Vedeha cũng truyền lệnh chặt hai tay, hai chân, cắt hai lỗ tai, lỗ mũi của Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī, Thái-tử Pañcālacanda, Công-chúa Pañcāla-candī của Đại-vương cũng như thế ấy.

Nếu Đại-vương truyền lệnh lấy cây giáo đâm tôi, đem đặt trên giàn lửa thiêu đốt sống như thế nào, thì Đức-vua Vedeha cũng truyền lệnh lấy cây giáo đâm Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī, Thái-tử Pañcālacanda, Công-chúa Pañcālacandī của Đại-vương, đem đặt trên giàn lửa thiêu đốt sống cũng như thế ấy.

Nếu Đại-vương truyền lệnh lấy cây móc, móc da thịt của tôi, dùng gươm đâm chém tôi như thế nào, thì Đức-vua Vedeha cũng truyền lệnh lấy cây móc, móc da thịt của Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī, Thái-tử Pañcāla-canda, Công-chúa Pañcālacandī của Đại-vương, dùng gươm đâm chém cũng như thế ấy.

Nếu Đức-vua truyền lệnh giết tôi như thế nào, thì Đức-vua Vedeha cũng truyền lệnh giết Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī, Thái-tử Pañcālacanda, Công-chúa Pañcālacandī của Đại-vương cũng như thế ấy.

- Tâu Đại-vương, tôi và Đức-vua Vedeha đã bàn bạc, thoả thuận bí mật với nhau rằng: “Hễ Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta đối xử với hạ thần như thế nào thì xin Đại-vương cũng đối xử với Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī, Thái-tử Pañcālacanda, Công-chúa Pañcāla-candī cũng như thế ấy.”

- Tâu Đại-vương, Đức-vua Vedeha đã cam kết chắc chắn với tôi như vậy. Đó là diệu kế để bảo vệ sinh-mạng của tôi. Cho nên, dù muốn dù không Đại-vương cũng không thể truyền lệnh bắt tôi, hành hạ tôi, chắc chắn không để tôi phải chịu một cực hình nào cả!

- Tâu Đại-vương, Mahosadhapaṇḍita là một bề tôi một lòng một dạ trung thành với Đức-vua Vedeha, có bổn phận phụng sự, để đem lại sự hạnh phúc an-lạc cho Đức-vua Vedeha, bảo vệ Đức-vua Vedeha, ngăn cản mọi kẻ thù không thể làm hại đến Đức-vua Vedeha.

Và tôi còn phải giúp Đức-vua Vedeha trị vì đất nước Videharaṭṭha được phồn thịnh, thần dân thiên hạ được an cư lạc nghiệp. Vì vậy, tôi đã phá hoại mọi mưu kế thâm độc “mỹ-nhân-kế” của quân-sư Kevaṭṭa bằng diệu kế của tôi.

Nghe quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita tâu như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta nghĩ rằng:

“Tại sao Mahosadhapaṇḍita con của phú hộ nói xàm như vậy, nếu ta đối xử với y như thế nào thì Đức-vua Vedeha cũng sẽ đối xử với Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī, Thái-tử Pañcālacanda, Công-chúa Pañcāla-candī của ta cũng như thế ấy?

Y không biết rằng trước khi ta thân chinh xuất trận, ta đã truyền bảo ba vị hoàng thân của ta ngự đến ở chung với Mẫu-hậu Calākadevī và được lính canh gác bảo vệ an toàn tuyệt đối rồi.

Bây giờ, có lẽ Mahosadhapaṇḍita biết mình sắp chết, vì sợ chết nên nói xàm, nói bậy như vậy, ta không thể nào tin theo lời nói của y được.”

Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita nghĩ rằng:

“Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta nghĩ rằng ta sợ chết nên nói xàm, nói bậy. Vậy, ta sẽ tâu cho Đức-vua biết rõ.”

Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita bèn tâu rằng:

-Tâu Đại-vương, kính thỉnh Đại-vương ngự trở về nhìn xem trên lâu đài Mẫu-hậu Calākadevī của Đại-vương. Bây giờ, tại nơi ấy như bãi tha ma vắng vẻ, không có một ai cả, bởi vì tôi đã ra lệnh nhóm lính anh dũng của tôi đi theo con đường hầm đến cung điện của Đại-vương, lên lâu đài Mẫu-hậu Calākadevī của Đại-vương, thỉnh mời Hoàng Thái-hậu Calākadevī, Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī, Thái-tử Pañcālacanda và Công-chúa Pañcālacandī ngự đi theo con đường hầm đem đến dâng lên Đức-vua Vedeha của tôi rồi.

Khi Đức-vua Vedeha ngự trở về kinh-thành Mithilā, có thỉnh theo bốn vị hoàng thân của Đại-vương cùng ngự đến kinh-thành Mithilā rồi.

Nghe lời tâu dõng dạc đanh thép của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta nghĩ rằng:

“Mahosadhapaṇḍita, con của phú hộ, tâu mạnh dạn, khẳng khái như vậy, đêm qua chính tai ta cũng nghe tiếng khóc giống như tiếng khóc của Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī vọng ra gần bên bờ sông Gaṅgā.

Biết đâu rằng lời tâu của y là sự thật thì sao?”

Nghĩ vậy, nên Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta liền phát sinh nỗi khổ tâm sầu não, truyền lệnh cho vị quan thân tín của mình trở về cung điện ngay tức khắc rằng:

-Này khanh! Khanh hãy cởi ngựa phi nhanh trở về cung điện, để biết rõ thực hư thế nào, rồi hãy mau trở lại tâu cho Trẫm rõ.

Tuân lệnh Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, vị quan thân tín ấy trở về cung điện, lên lâu đài của Hoàng Thái-hậu Calākadevī, thấy cửa bỏ trống, các người lính gác, bảo vệ đều bị trói tay chân, bịt miệng, mở mắt nằm một đống, không cử động được. Vị quan mở trói tay chân một người, rồi người ấy giúp mở trói những người khác.

Vị quan ấy bước lên tầng trên lâu đài, thấy cửa mở, sang phòng bên nhìn thấy các tỳ nữ đều bị trói tay chân, bịt miệng, mở mắt nằm không cử động. Vị quan mở trói tay chân một cô tỳ nữ, rồi cô tỳ nữ ấy giúp mở trói cho các cô khác.

Vị quan ấy vào bên trong phòng, nhìn thấy ngọc ngà châu báu rải rác trên sàn, mà không nhìn thấy Hoàng Thái-hậu Calākadevī, Chánh-cung Hoàng-hậu Nandā-devī, Thái-tử Pañcālacanda và Công-chúa Pañcālacandī đâu cả.

Vị quan ấy vội vàng trở xuống lâu đài, cỡi ngựa phi nhanh trở lại tâu Đức-vua rằng:

-Tâu Đại-vương, những điều mà Mahosadhapaṇḍita tâu như thế nào đều đúng sự thật như thế ấy. Phía dưới lâu đài, các người lính gác, bảo vệ đều bị trói tay chân, bịt miệng, mở mắt nằm một chỗ, không cử động được.

Phía trên lâu đài, bên ngoài các cô tỳ nữ đều bị trói tay chân, bịt miệng, mở mắt nằm không cử động.

Bên trong phòng, các ngọc ngà châu báu rải rác trên sàn, căn phòng trống không, vắng vẻ, không có Lệnh bà Hoàng Thái-hậu Calākadevī, Lệnh bà Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī, Thái-tử Pañcālacanda và Công-chúa Pañcālacandī của Đại-vương đâu cả.

Nghe vị quan thân tín tâu rõ sự thật như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta phát sinh nỗi khổ tâm cùng cực, bởi vì những người thân yêu nhất trong đời bị Mahosadha-paṇḍita ra lệnh cho lính bắt đem đi dâng lên Đức-vua Vedeha, kẻ thù của mình.

Đức-vua nghĩ rằng: “Nỗi khổ tâm cùng cực của ta là do Mahosadhapaṇḍita, con của phú hộ này.” Vì vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta nổi cơn lôi đình, thịnh nộ kinh khủng đối với Mahosadhapaṇḍita.

Nhìn thấy Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta nổi cơn tức giận dữ dội như vậy, quan Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita nghĩ rằng:

“Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta phát sinh tâm sân hận dữ dội có thể hại ta được.

Vậy, ta nên diễn tả sắc đẹp tuyệt trần của Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī. Khi Đức-vua Cūḷanī Brahma-datta nghe đến sắc đẹp tuyệt trần ấy, rồi phát sinh tâm tham-ái nhớ thương Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī làm dịu bớt lại cơn sân hận mà suy nghĩ lại rằng:

“Nếu ta giết Mahosadhapaṇḍita thì chắc chắn ta sẽ không còn có cơ hội nhìn thấy lại Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī của ta được nữa.”

Nghĩ xong, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita đứng trên lâu đài, tâu với Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta rằng:

- Tâu Đại-vương, bốn vị hoàng thân của Đại-vương là Hoàng Thái-hậu Calākadevī, Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī, Thái-tử Pañcālacanda và Công-chúa Pañcālacandī được thỉnh mời ngự trên một cỗ long xa sang trọng, đi dọc theo con đường hầm rất kỳ diệu, ra đến bờ sông Gaṅgā, cả bốn vị hoàng thân cùng ngự trên chiếc thuyền rồng sang trọng lộng lẫy, bởi vì họ là thượng khách của Đức-vua Vedeha.

- Tâu Đại-vương, Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī là một nữ báu, có màu da rất xinh đẹp tuyệt trần, thân hình không cao không thấp, thật cân xứng, xinh đẹp như một thiên-nữ, ...

Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita đã khéo tả sắc đẹp thân thể của Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī cho Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta nghe. Đức-vua lắng nghe từng lời, từng câu tả về sắc đẹp ấy nên phát sinh tâm tham-ái, nỗi nhớ thương da diết nơi Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī. Quan Thừa-tướng tâu tiếp rằng:

- Tâu Đại-vương, Đại-vương là bậc có đại phước, đại duyên nhất trong thiên hạ mới có được một Chánh-cung Hoàng-hậu như bà Nandādevī, chẳng lẽ Đại-vương bằng lòng để cho Chánh-cung Hoàng-hậu xinh đẹp tuyệt trần như thiên-nữ chết thảm thiết hay sao?

Bởi vì, nếu Đại-vương giết tôi chết như thế nào thì Đức-vua Vedeha của tôi cũng sẽ giết Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī chết như thế ấy.

- Tâu Đại-vương, nếu tôi chết thì Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī cũng chết như tôi. Kiếp sau của tôi với kiếp sau của Chánh-cung Hoàng-hậu hy vọng sẽ gặp lại nhau. Nếu được như vậy thì dù sao sau khi tôi chết, kiếp sau của tôi cũng không có gì đáng buồn cả.

Vấn: Tại sao Đức-Bồ-tát khéo tả sắc đẹp tuyệt trần của Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī mà không đề cập đến Hoàng Thái-hậu Calākadevī, Thái-tử Pañcāla-canda và Công-chúa Pañcālacandī của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta?

Đáp: Thông thường, con người thương nhớ đến người vợ yêu quý nhất của mình hơn người khác. Vì vậy, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita khéo tả sắc đẹp tuyệt trần của Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī với giọng nói truyền cảm, ngọt ngào làm cho Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta nhớ thương da diết đến Chánh-cung Hoàng-hậu xinh đẹp tuyệt trần như thiên-nữ, nên phát sinh tâm tham-ái, nỗi nhớ thương Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī.

Nghe lời tâu của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita xong, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta nghĩ rằng:

“Ngoài Mahosadhapaṇḍita ra, không có ai có khả năng đưa Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī yêu quý nhất trở lại với ta được.”

Hiểu biết được tâm trạng nhớ thương da diết đến Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, nên quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita tâu lời an ủi Đức-vua:

- Tâu Đại-vương, kính xin Đại-vương an tâm, Hoàng Thái-hậu Calākadevī, Chánh-cung Hoàng-hậu Nandā-devī, Thái-tử Pañcālacanda, Công-chúa Pañcālacandī là các vị thượng khách của Đức-vua Vedeha. Bốn vị hoàng thân của Đại-vương chắc chắn được trọng đãi đặc biệt, được an hưởng mọi sự an-lạc trong cung điện của Đức-vua Vedeha.

- Tâu Đại-vương, trước đây Đại-vương đã hứa ban Công-chúa Pañcālacandī cho Đức-vua Vedeha, để làm lễ thành hôn, trở thành Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua Vedeha.

Như vậy, Công-chúa Pañcālacandī đã trở thành Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua Vedeha ngự tại kinh-thành Mithilā. Còn lại ba vị hoàng thân của Đại-vương, tôi hứa chắc chắn với Đại-vương rằng: “Sau khi tôi trở lại kinh-thành Mithilā, tôi sẽ tiễn đưa ba vị hoàng thân ngự trở về kinh-thành Uttarapañcāla sớm nhất.

Kính xin Đại-vương tin tưởng nơi tôi.”

Nghe quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita hứa chắc chắn như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cảm thấy vô cùng hoan hỷ, an tâm chờ đợi ngày đoàn tụ gia đình. Đức-vua nghĩ rằng:

“Trước khi cầm binh xuất trận, ta đã giao phó những đoàn quân anh dũng ở lại bảo vệ kinh-thành Uttara-pañcāla, cung điện và đặc biệt bảo vệ Mẫu-hậu Calākadevī, Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī, Thái-tử Pañcālacanda, Công-chúa Pañcālacandī của ta rất nghiêm ngặt, rồi ta mới thân chinh xuất trận.

Thế mà Mahosadhapaṇḍita có khả năng ra lệnh cho lính của mình xâm nhập vào cung điện, lên lâu đài thỉnh bốn vị hoàng thân của ta ngự theo con đường hầm, dẫn đến dâng lên Vua Vedeha, từ chiều hôm qua và suốt đêm nay, ta và 101 Đức-vua chư hầu cùng với các đội binh gồm 18 akkhobhinī quân lính bao vây xung quanh cung điện mới của Đức-vua Vedeha ba vòng nghiêm ngặt như vậy, Mahosadhapaṇḍita đã có khả năng đặc biệt giải cứu Đức-vua Vedeha ra khỏi vòng vây, rồi ngự trở về kinh-thành Mithilā cùng với đoàn hộ giá, còn đưa bốn vị hoàng thân của ta ngự đi theo mà ta hoàn toàn không hay biết.

Vậy, chắc chắn Mahosadhapaṇḍita biết phép thần (dibbamayā) hoặc phép che mắt mọi người (cakkhu-mohana) ta nên truyền hỏi Mahosadhapaṇḍita cho rõ.”

Nghĩ xong, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền hỏi quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita rằng:

- Này Mahosadhapaṇḍita! Ngươi là người biết phép thần hay phép che mắt mọi người có phải không?

Nghe Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền hỏi như vậy, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita tâu rằng:

- Tâu Đại-vương, trong đời này, bậc thiện-trí có trí-tuệ phép thần (dibbamayā), nhờ phép thần mà bậc thiện-trí có khả năng tự giải cứu mình thoát ra khỏi cảnh khốn quẫn và cũng có khả năng giải cứu cho những người khác thoát ra khỏi cảnh khốn quẫn ấy.

Như hạ thần đã giải cứu Đức-vua Vedeha trong cảnh khốn quẫn, cùng các quan quân trong đoàn hộ giá của Đức-vua Vedeha thoát ra khỏi vòng vây hãm của Đại-vương, bằng con đường hầm mà hạ thần đã ra lệnh cho những người lính tài giỏi của hạ thần đã đào sẵn, và bốn vị hoàng thân của Đại-vương cũng được thỉnh mời ngự đi bằng con đường hầm ấy.

Nghe quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita tâu về con đường hầm mà Đức-vua Vedeha ngự đi thoát ra khỏi vòng vây của mình, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta muốn tận mắt nhìn thấy con đường hầm ấy như thế nào.

Biết ý Đức-vua muốn tận mắt nhìn thấy con đường hầm ấy, nên quan Thừa-tướng tâu rằng:

-Tâu Đại-vương, kính thỉnh Đại-vương cùng 101 Đức-vua chư hầu ngự đi xem con đường hầm rất kỳ công bằng trí-tuệ của hạ thần. Hạ thần đã sử dụng các người thợ tài giỏi, các họa sĩ nổi danh, các nhà điêu khắc tài ba, các nhà nghệ thuật xuất sắc trong nước, tập trung làm con đường hầm kỳ diệu này. Con đường hầm này dài 15 cây số, rộng rãi, cao 14 cùi tay, có 80 cửa lớn, có 64 cửa nhỏ, có 2 căn phòng rộng lớn được trang hoàng lộng lẫy làm nơi hội triều, có 101 phòng nhỏ, có các ngọn đèn sáng rực rỡ suốt con đường hầm.

Nghe diễn tả con đường hầm với lời thỉnh mời của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cùng 101 Đức-vua chư hầu ngự vào cung điện mới của quan Thừa-tướng, cùng với các đoàn lính hộ giá.

Khi ấy, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita ra lệnh cho lính của mình mở cửa đường hầm, mở các cửa lớn nhỏ và mở các ngọn đèn. Quan Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita từ trên lâu đài bước xuống đón rước Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cùng 101 Đức-vua chư hầu.

Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita đảnh lễ Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, rồi thỉnh Đức-vua ngự lên chiếc long xa sang trọng, cùng 101 Đức-vua chư hầu ngự vào con đường hầm, theo sau có các đoàn lính hộ giá. Suốt con đường hầm có đèn sáng chói rực rỡ, hai bên vách đường hầm có nhưng bức tranh tuyệt đẹp, xen vào có những tượng chư thiên đứng như thật, tất cả được trang hoàng đẹp đẽ như cõi trời.

Nhìn thấy con đường hầm được trang hoàng lộng lẫy xem không biết chán, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta tán dương ca tụng quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita rằng:

-Này Mahosadhapaṇḍita! Ngươi là bậc đại trí có trí-tuệ siêu-việt sống trong ngôi nhà nào, phục vụ trong triều đình nào, trong đất nước nào, thì trong ngôi nhà ấy, trong triều đình ấy, trong đất nước ấy có được con người quý báu vô giá, đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài cho nơi ấy. Gia đình ông phú hộ Sirivaḍḍhaka, Đức-vua Vedeha, đất nước Videharaṭṭha có được ngươi thì thật là một diễm phúc lớn lao nhất trong đời.

Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta ngự trên chiếc long xa, nhìn thấy hai bên vách tường con đường hầm có những bức tranh đẹp tuyệt vời, những bức phù điêu sắc sảo do các nghệ nhân khéo tay, những tượng hình chư thiên đứng như thật, v.v… Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta ngự đi trước cùng với quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita ra khỏi cửa hầm.

Biết 101 Đức-vua chư hầu cùng đoàn tùy tùng theo hộ giá Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta đang ở trong con đường hầm, say mê nhìn những bức tranh, bức phù điêu, tượng chư thiên, … chưa một ai đi theo kịp. Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita ra lệnh cho lính đóng cửa hầm và đóng 80 cửa lớn, 64 cửa nhỏ đồng thời cùng một lúc, tắt tất cả các ngọn đèn suốt con đường hầm tối tăm như cõi địa ngục Lokantarikanaraka, 101 Đức-vua chư hầu và đoàn binh lính hộ giá bị nhốt trong con đường hầm tối tăm, tất cả đều sợ chết ở trong con đường hầm ấy.

Khi ấy, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita lấy thanh gươm báu được chôn dưới đất chỗ cửa hầm đêm hôm trước, nhảy cao lên hư không 18 cùi tay, rồi đáp xuống đất, đưa thanh gươm báu kề vào cổ Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, làm cho Đức-vua hoảng sợ, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita hỏi rằng:

- Tất cả ngai vàng trong toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu này thuộc về của ai?

Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta hoảng sợ truyền rằng:

- Tất cả ngai vàng trong toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu này thuộc về Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita. Xin quan Thừa-tướng hãy tha tội chết cho Trẫm.

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu rằng:

- Tâu Đại-vương, kính xin Đại-vương chớ nên hoảng sợ. Hạ thần cầm thanh gươm báu làm như vậy, không có tác ý sát hại Đại-vương mà hạ thần chỉ biểu hiện oai lực trí-tuệ của hạ thần mà thôi.

Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita nâng thanh gươm báu bằng đôi tay rồi tâu rằng:

- Tâu Đại-vương, nếu Đại-vương muốn giết hạ thần thì Đại-vương giết hạ thần bằng thanh gươm báu này. Nếu Đại-vương muốn tha tội chết cho hạ thần thì xin Đại-vương ban sinh-mạng lại cho hạ thần.

Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền bảo rằng:

- Này Mahosadhapaṇḍita! Trẫm tha tội chết cho ngươi thật sự. Xin ngươi hãy an tâm.

 

Biến Thù Thành Bạn

Khi ấy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta và quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita, cả hai vị cầm thanh gươm thề với nhau rằng:

“Từ nay về sau, hai chúng ta sẽ không bao giờ giết hại lẫn nhau.”

Đức-vua truyền bảo với quan Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita rằng:

- Này Mahosadhapaṇḍita! Ngươi là bậc đại-trí có đủ tài-đức, có trí-tuệ siêu-việt không ai bằng, có mưu kế siêu phàm. Tại sao ngươi không chiếm lấy ngai vàng lên làm vua trị vì thiên hạ.

Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita tâu rằng:

- Tâu Đại-vương, nếu hạ thần muốn được ngai vàng thì ngay hôm nay hạ thần có thể giết chết 101 Đức-vua trong cõi Nam-thiện-bộ-châu này, hạ thần sẽ trở thành Đại-vương Ekarājā, Đức-vua độc nhất làm bá chủ trong cõi Nam-thiện-bộ-châu này, nhưng giết vua để lên ngôi vua, đó là điều mà chư bậc thiện-trí không bao giờ làm, cũng không tán dương, ca tụng. Vì vậy, hạ thần không bao giờ nghĩ đến việc ấy.

Khi ấy, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita ra lệnh cho lính mở cửa hầm và mở tất cả các cửa lớn nhỏ, mở tất cả các ngọn đèn đồng thời cùng một lúc, làm cho đường hầm sáng chói rực rỡ như trước.

Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita thỉnh Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta ngự vào trong căn phòng lớn được trang hoàng lộng lẫy như cõi trời, ngự lên ngai vàng có lọng che, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita ngồi phía dưới ra lệnh cho lính thỉnh 101 Đức-vua chư hầu vào chầu Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta.

Khi ấy, 101 Đức-vua chư hầu và đoàn quân lính hộ giá Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta vui mừng, reo hò, cùng nhau đến gặp quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita đang ngồi trong phòng lớn có Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta ngự trên ngai vàng, họ thưa rằng:

- Kính thưa quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita, quan Thừa-tướng là nơi nương nhờ của chúng tôi, vì tất cả chúng tôi được cứu sống trong ngày hôm nay là nhờ quan Thừa-tướng, nếu quan Thừa-tướng không mở các cửa, không cho đèn sáng thì tất cả chúng tôi đều sẽ chết trong con đường hầm này.

Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita tâu rằng:

- Tâu quý Đức-vua, sự thật, tôi không những cứu sống quý Đức-vua hôm nay, mà trước đây, tôi cũng đã từng cứu sống quý Đức-vua. Cho nên, quý Đức-vua còn sống cho đến ngày hôm nay cũng do nương nhờ nơi tôi nữa.

Nghe quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita tâu như vậy, các Đức-vua thưa hỏi rằng:

- Kính thưa quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita, trước đây trong trường hợp nào vậy? Thưa quan Thừa-tướng?

- Tâu quý Đức-vua, nếu quý Đức-vua muốn biết thì tôi xin tâu nhắc lại rằng:

“Quý vị còn nhớ, khi Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta thu phục được 101 kinh-thành, quý Đức-vua đã thần phục Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta (trừ Đức-vua Vedeha). Khi ấy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta ngự trở về kinh-thành Uttarapañcāla, 101 Đức-vua cùng ngự đi theo. Khi ấy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền lệnh tổ chức đại lễ uống rượu, ăn mừng chiến thắng tại vườn thượng uyển”, quý vị còn nhớ hay không?

Các Đức-vua đều truyền đáp lại rằng:

- Kính thưa quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita, các Trẫm nhớ rõ, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta có truyền lệnh tổ chức đại lễ uống rượu, ăn mừng chiến thắng, nhưng các hũ rượu và đồ ăn bị nhóm lính gây gổ với nhau, đập bể các hũ rượu và đổ tất cả các đồ ăn, cho nên đại lễ đó uống rượu ăn mừng không thành tựu.

- Tâu quý Đức-vua, trong thời kỳ ấy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta gần gũi thân cận với vị quân-sư Kevaṭṭa, nghe theo mưu kế của quân-sư, tổ chức đại lễ uống rượu, ăn mừng chiến thắng. Nhân dịp đại lễ mừng chiến thắng ấy sẽ đầu độc 101 Đức-vua chư hầu bằng chất độc pha trộn trong các hũ rượu và các món đồ ăn.

Khi ấy, biết được ý đồ độc ác của quân-sư Kevaṭṭa, nên tôi nghĩ rằng: “Khi ta đang hiện hữu trên cõi đời này, ta quyết không để cho 101 Đức-vua chư hầu ấy phải bị băng hà do mưu kế độc ác của vị quân-sư Kevaṭṭa.

Vậy, ta sẽ là nơi nương nhờ của 101 Đức-vua ấy.”

Nghĩ xong, tôi ra lệnh cho một đoàn quân anh dũng nhanh nhẹn đến xâm nhập vào vườn thượng uyển, làm bộ gây gổ với những người lính đang chuẩn bị cho đại lễ uống rượu, ăn mừng chiến thắng, rồi nhân cơ hội ấy, đập phá bể các hũ rượu có pha trộn chất độc và đổ bỏ các món đồ ăn có trộn chất độc, phá tan mưu kế giết chết 101 Đức-vua chư hầu, để cứu sinh-mạng của 101 Đức-vua của các nước ấy.

Nghe quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita tâu lại chuyện đã từng xảy ra như vậy, 101 Đức-vua chư hầu vô cùng sửng sốt bèn tâu hỏi Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta rằng:

- Tâu Đại-vương Cūḷanī Brahmadatta, chuyện mà quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita tâu như vậy, có thật hay không?

Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền bảo rằng:

- Này quý Đức-vua! Chuyện mà quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita tâu là hoàn toàn đúng sự thật.

Bởi vì nghe theo mưu kế của quân-sư Kevaṭṭa, nên Quả-nhân chấp thuận đầu độc quý Đức-vua trong ngày đại lễ uống rượu, ăn mừng chiến thắng bằng cách pha trộn chất độc trong các hũ rượu và các món đồ ăn, để 101 Đức-vua phải bị băng hà trong ngày hôm ấy.

Đó là chuyện hoàn toàn đúng theo sự-thật.

Nghe Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền xác nhận sự thật như vậy, các Đức-vua đều ôm choàng quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita truyền bảo rằng:

- Kính thưa quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita kính mến! Chính quan Thừa-tướng là nơi nương nhờ của tất cả chúng tôi, tất cả chúng tôi được cứu sống là do nương nhờ nơi quan Thừa-tướng.

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu với Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta rằng:

- Tâu Đại-vương, xin Đại-vương chớ nên hối hận, lỗi lầm ấy là do gần gũi thân cận với người ác. Xin Đại-vương truyền bảo quý Đức-vua chư hầu bỏ lỗi lầm cũ.

Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền bảo rằng:

- Này quý Đức-vua! Quả-nhân đã mắc phải những lỗi lầm như vậy, bởi vì nghe lời của người ác, đó là điều sai lầm tội lỗi của Quả-nhân.

Vậy, xin quý Đức-vua bỏ lỗi cho Quả-nhân. Từ nay về sau, Quả-nhân chắc chắn không làm điều ác như vậy nữa.

Nghe Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền bảo như vậy, 101 Đức-vua đều hoan hỷ bỏ lỗi, rồi mỗi Đức-vua đều xin lỗi lẫn nhau, sống trung thực, tin tưởng đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, 101 Đức-vua đều vui mừng hoan hỷ sống chung hoà bình với nhau trong tình thân thiện.

Khi ấy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền lệnh đem đồ ăn, đồ uống đủ các món, truyền các ban nhạc, các đoàn nhảy múa hát, … đến trình diễn tại trong căn phòng lớn trong đường hầm suốt bảy ngày đêm.

Đến ngày thứ bảy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cùng 101 Đức-vua chư hầu hoan hỷ làm lễ ban những tặng phẩm quý giá đến quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita tại căn phòng lớn ấy. Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta tha thiết truyền bảo rằng:

- Này Mahosadhapaṇḍita! Trẫm sẽ ban cho ngươi gấp đôi mỗi thứ mà Đức-vua Vedeha ban cho ngươi và những thứ của cải quý báu khác, ban cho ngươi một tỉnh thành để lấy thuế. Ngươi được phép sử dụng tùy theo sở thích, hưởng mọi sự an-lạc trong đời.

Trẫm tha thiết chân thành mời Ngươi ở lại với Trẫm, xin đừng trở lại kinh-thành Mithilā nữa, có được hay không?

Nghe Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta tha thiết truyền bảo như vậy, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita chân thành tâu rằng:

- Tâu Đại-vương, nếu người nào từ bỏ bậc đã nuôi dưỡng mình, bởi vì tham muốn của cải, danh lợi thì người ấy tự chê trách mình và cũng bị bậc thiện-trí chê trách nữa.

- Tâu Đại-vương, lúc hạ thần mới lên bảy tuổi, Đức-vua Vedeha nhận hạ thần làm hoàng-tử, và hạ thần tôn kính Đức-vua Vedeha là Đức Phụ-vương. Cho nên, Đức-vua Vedeha còn sống đến ngày nào thì hạ thần vẫn một lòng trung thành phụng sự Đức-vua Vedeha cho đến ngày ấy, hạ thần không bao giờ từ bỏ Đức-vua Vedeha được.

Nghe quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita dõng dạc khẳng định, tuyệt đối trung thành với Đức-vua Vedeha như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta vô cùng kính phục quan Thừa-tướng, nên truyền bảo rằng:

- Này Mahosadhapaṇḍita, Trẫm rất kính phục khanh. Khanh là một hiền thần một lòng trung thành tuyệt đối với Đức-vua Vedeha.

Tuy nhiên, Trẫm tha thiết yêu cầu khanh rằng: “Sau khi Đức-vua Vedeha băng hà, xin khanh hứa với Trẫm rằng khanh sẽ trở lại kinh-thành Uttarapañcāla giúp Trẫm.”

Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita tâu rằng:

- Tâu Đại-vương, đến khi ấy, nếu hạ thần còn sống thì hạ thần hứa sẽ trở lại kinh-thành Uttarapañcāla phụng sự Đại-vương.

Nghe quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita hứa như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta vô cùng hoan hỷ truyền bảo rằng: Lành thay! Lành thay!

Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta ban cho quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita 1.000 thỏi vàng, 80 xóm nhà trong vùng Kāsi để lấy thuế hằng năm, 400 người tớ gái, 100 người vợ, rồi truyền bảo rằng:

- Trẫm chúc khanh dẫn các đội quân trở về kinh-thành Mithilā được an toàn.

Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita tâu với Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta rằng:

- Tâu Đại-vương, kính xin Đại-vương an tâm, hạ thần đã từng tâu với Đức-vua Vedeha rằng: “Tâu Đại-vương Vedeha, bây giờ Đại-vương đã trở thành phò mã của Đại-vương Cūḷanī Brahmadatta rồi, Đại-vương phải nên có bổn phận:

* Đối xử với Hoàng Thái-hậu Calākadevī trên ngôi vị nhạc Hoàng Thái-hậu của Đại-vương.

* Đối xử với Đại-vương Cūḷanī Brahmadatta trên ngôi vị nhạc Phụ-vương của Đại-vương.

* Đối xử với Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī trên ngôi nhạc Mẫu-hậu của Đại-vương.

* Đối xử với Thái-tử Pañcālacanda trên ngôi vị nhạc Hoàng-huynh của Đại-vương.

* Đối xử với Công-chúa Pañcālacandī trên ngôi vị Chánh-cung Hoàng-hậu của Đại-vương.”

- Tâu Đại-vương, sau khi về đến kinh-thành Mithilā, hạ thần sẽ tổ chức đại lễ tiễn đưa Lệnh bà Hoàng Thái-hậu Calākadevī, Lệnh bà Chánh-cung Hoàng-hậu Nandā-devī và Thái-tử Pañcālacanda của Đại-vương ngự trở về kinh-thành Uttarapañcāla sớm nhất.

Kính xin Đại-vương an tâm, tin tưởng nơi hạ thần.

Lễ Tiễn Biệt Quan Thừa-Tướng

Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita bái biệt Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cùng với 101 Đức-vua trở về kinh-thành Mithilā, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta gửi những tớ gái, tớ trai, ngọc ngà châu báu, voi, ngựa, xe đến ban cho Công-chúa Pañcālacandī và truyền lệnh ban cho nhiều đồ ăn cho đàn voi, đàn ngựa để cho đàn voi, đàn ngựa có đủ sức mạnh đi đường xa.

Buổi lễ tiễn đưa quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita đầy lưu luyến, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cùng 101 Đức-vua chư hầu trở về kinh-thành Uttarapañcāla.

Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita dẫn đầu các bộ binh trở về kinh-thành Mithilā, với số lượng đông hơn trước, bởi vì có đoàn binh lính của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta tiễn đưa đến kinh-thành Mithilā.

Xung quanh ngoại thành Mithilā, vị quân-sư Senaka đặt những người lính canh gác, quan sát, hễ có quân lính của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta xâm nhập phải báo ngay cho quân-sư ngay.

Quan Thừa-Tướng Trở Về Kinh-Thành Mithilā

Khi đoàn quân rất đông đảo đi đến gần kinh-thành Mithilā, những người lính của vị quân-sư Senaka nhìn thấy quan Thừa-tướng Mahosadha dẫn đầu đoàn quân đông đảo trở về, liền thưa báo cho vị quân-sư Senaka biết.

Quân-sư Senaka đến chầu Đức-vua Vedeha tâu rằng:

-Tâu Bệ-hạ, quan Thừa-tướng Mahosadha dẫn đầu đoàn quân rất đông đảo đang trở về kinh-thành Mithilā.

Nghe vị quân-sư Senaka tâu như vậy, Đức-vua Vedeha nghĩ rằng:

“Đoàn quân của Mahosadhapaṇḍita trước đây có ít, bây giờ rất đông đảo. Vậy, có phải Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta bắt buộc Mahosadhapaṇḍita dẫn đầu kéo quân đến tấn công kinh-thành Mithilā này hay không?”

Nghĩ vậy, nên Đức-vua Vedeha lo sợ, truyền hỏi các vị quân-sư rằng:

- Thưa quý quân-sư, đoàn quân của Mahosadha-paṇḍita trước đây có ít, bây giờ rất đông đảo đang kéo vào kinh-thành Mithilā như vậy. Quý vị quân-sư nghĩ thế nào?

Quân-sư Senaka tâu rằng:

- Tâu Bệ-hạ, kính xin Bệ-hạ vui mừng, không có gì đáng ngại cả, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita đã làm cho Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta kính phục, nên Đức-vua đã cho các đội binh theo tiễn đưa quan Thừa-tướng Mahosadha đến kinh-thành Mithilā được an toàn.

Nghe quân-sư Senaka tâu như vậy, Đức-vua vô cùng hoan hỷ truyền lệnh dân chúng trong kinh-thành Mithilā trang hoàng kinh-thành đẹp đẽ để đón rước quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita cùng đoàn quân trở về kinh-thành Mithilā được an toàn.

Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita vào kinh-thành đến cung điện chầu Đức-vua Vedeha, đảnh lễ Đức-vua, tâu trình lên Đức-vua xong, ngồi một nơi hợp lẽ.

Khi ấy, Đức-vua Vedeha từ trên ngai vàng đứng dậy, đến ôm choàng hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita với tấm lòng nhớ thương, rồi dắt lên cùng ngồi chung trên ngai vàng, truyền hỏi rằng:

- Này Hoàng-nhi Mahosadhapaṇḍita yêu quý! Con ở lại trong tay của kẻ thù là Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, con đã sử dụng phép thần kế nào mà con không chỉ thoát ra khỏi tay của kẻ thù, mà còn làm cho Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta kính phục con, ban thưởng cho con nhiều phẩm vật quý giá đến thế?

Hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita tâu rằng:

- Muôn tâu Đức Phụ-vương, con đã chống đỡ việc làm của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta kẻ thù, bằng việc làm của con. Con đã chống đỡ ý nghĩ của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta kẻ thù, bằng ý nghĩ của con. Chỉ có một mình con đã chống đỡ được Đức-vua Cūḷanī Brahma datta cùng 101 Đức-vua chư hầu.

Sau đó, hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita tâu thuật lại cuộc khẩu chiến giữa quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita với Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, và chinh phục được Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, cho Đức-vua Vedeha nghe lại đầy đủ.

Nghe hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita tâu thuật lại đầy đủ như vậy, Đức-vua Vedeha vô cùng hoan hỷ, tán dương, ca tụng trí-tuệ siêu-việt của hoàng-tử.

Khi ấy, hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita tâu lên Đức-vua Vedeha về những quà của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta tặng hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita như sau:

-Tâu Đức Phụ-vương, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta ban tặng cho con 1.000 thỏi vàng, 80 xóm nhà trong vùng Kāsi, 400 người tớ gái, 100 người vợ.

Con đã đưa các đội binh, các công nhân, các nhà nghệ thuật đầy đủ trở về an toàn.

Đức-vua Vedeha truyền lệnh cho phép thần dân thiên hạ trong toàn đất nước Videharaṭṭha ăn mừng, vui chơi, ca hát, nhảy múa suốt bảy ngày đêm. Đức-vua Vedeha truyền bảo rằng:

-Những người nào có lòng tôn kính Trẫm, thì những người ấy hãy nên đem phẩm vật đến kính biếu Maho-sadhapaṇḍita hoàng-nhi của Trẫm.

Từ lâu, phần đông các quan, quân trong triều đình, các hoàng thân của Đức-vua Vedeha, dân chúng trong kinh-thành Mithilā, dân chúng ngoại thành, dân chúng bốn xóm nhà bốn vùng lúa mạch bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc cho đến dân chúng các vùng biên địa đều có lòng ngưỡng mộ Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita.

Nay, Đức-vua Vedeha truyền lệnh cho phép thần dân thiên hạ trong toàn đất nước Videharaṭṭha được phép đem phẩm vật đến kính biếu Đức-Bồ-tát Mahosadha-paṇḍita. Đó là cơ hội tốt cho tất cả mọi người được gần gũi thân cận với Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita.

Trong cung điện, từ Chánh-cung Hoàng-hậu Udumbara-devī của Đức-vua Vedeha là đại tỷ của Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita, đem những phẩm vật quý giá đến biếu người em trai là Mahosadhapaṇḍita, rồi thứ đến các Hoàng-hậu, thứ-phi, cung-phi mỹ-nữ, các vị trong hoàng gia, hoàng-tử, công-chúa, quan trong triều, tướng lĩnh, binh lính triều đình, các Bà-la-môn, phú hộ, các thương gia, dân chúng trong kinh-thành, dân chúng ngoại thành, dân chúng trong bốn vùng lúa mạch, cho đến dân chúng vùng biên địa, lũ lượt kéo nhau đem những phẩm vật quý giá của xứ sở của mình đến kính biếu Đức-Bồ-tát.

Tất cả mọi người đều vô cùng hoan hỷ được chiêm ngưỡng, gần gũi, thân cận với Đức-Bồ-tát Mahosadha-paṇḍita. Tất cả mọi người đều tán dương, ca tụng Maho-sadhapaṇḍita là bậc đại-thiện-trí, luôn luôn đem lại sự hạnh phúc an-lạc cho mọi người.

Toàn thể dân chúng vui mừng đại lễ hội suốt bảy ngày xong, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita đến chầu Đức-vua Vedeha, tâu rằng:

- Tâu Đại-vương, xin Đại-vương truyền lệnh tổ chức đại lễ tiễn đưa ba vị hoàng thân của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta là Hoàng Thái-hậu Calākadevī, Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī và Thái-tử Pañcālacanda ngự trở về kinh-thành Uttarapañcāla nhanh nhất.

Đức-vua Vedeha truyền bảo rằng:

- Này hoàng-nhi Mahosadha yêu quý! Lành thay! Chúng ta nên tổ chức đại lễ tiễn đưa ba vị hoàng thân của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta một cách trọng thể nhất.

Lễ Tiễn Đưa Ba Vị Hoàng Thân

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita ra lệnh cho các đoàn quân của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta đã tiễn đưa Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita ngày trước, nay, các đoàn quân ấy cùng với đoàn quân của Đức-Bồ-tát trở thành đoàn quân hộ giá ba vị hoàng thân của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta ngự trở về kinh-thành Uttarapañcāla.

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita dẫn 100 người vợ, 400 tớ gái mà Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta đã ban cho Đức-Bồ-tát trước đây, nay Đức-Bồ-tát kính xin dâng đến Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta đem về lo hầu hạ, phục vụ cho Bà.

Khi ấy, trong buổi lễ tiễn đưa, Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī ôm Công-chúa Pañcālacandī vào lòng, hôn trên đầu, rồi truyền bảo rằng:

-Mẫu-hậu ngự trở về cố quốc, con ở lại đây với Đức-vua Vedeha.

Công-chúa Pañcālacandī cảm động khóc vì phải xa Mẫu-hậu của mình.

Sau đó, ba vị hoàng thân: Hoàng Thái-hậu Calāka-devī, Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī và Thái-tử Pañcālacanda của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta ngự lên chiếc long xa sang trọng trở về kinh-thành Uttarapañcāla với đoàn quân hộ giá đông đảo.

Ba vị hoàng thân ngự trên chiếc long xa sang trọng ra khỏi kinh-thành Mithilā với lòng lưu luyến, bởi vì Đức-vua Vedeha đối xử với họ một lòng tôn kính suốt trong những ngày họ ngự tại cung điện của Đức-vua Vedeha.

Ba Vị Hoàng Thân Ngự Về Đến Cố Quốc

Quân lính giữ biên giới đến chầu Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, tâu rằng:

-Tâu Đại-vương, ba vị hoàng thân của Đại-vương cùng đoàn quân hộ giá đông đảo đang ngự đến gần kinh-thành Uttarapañcāla.

Nghe tâu như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cùng các quan ngự ra ngoài kinh-thành Uttarapañcāla chờ đón rước Hoàng Thái-hậu Calākadevī, Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī và Thái-tử Pañcālacanda.

Nhìn từ xa, thấy chiếc long xa sang trọng chở ba vị hoàng thân của mình đang đến, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta vô cùng vui mừng, hoan hỷ giục con voi báu lại đón rước họ, rồi Đức-vua dẫn đầu đoàn người ngự vào kinh-thành Uttarapañcāla đến cung điện, thỉnh Hoàng Thái hậu Calākadevī, theo sau là Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī và Thái-tử Pañcālacanda lên lâu đài.

Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta đảnh lễ dưới đôi bàn chân của Hoàng Thái hậu Calākadevī rồi tâu rằng:

- Tâu Mẫu-hậu, Đức-vua Vedeha đối xử với Mẫu-hậu như thế nào?

- Này hoàng-nhi yêu quý! Đức-vua Vedeha đối xử với Mẫu-hậu, Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī, Thái-tử Pañcālacanda như những người trong hoàng gia của mình. Đức-vua Vedeha đặt Mẫu-hậu lên ngôi vị nhạc Hoàng Thái-hậu, Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī lên ngôi vị nhạc Mẫu-hậu, Thái-tử Pañcālacanda lên ngôi vị nhạc hoàng-huynh và Công-chúa Pañcālacandī lên ngôi vị Chánh-cung Hoàng-hậu.

Đức-vua Vedeha hết lòng sủng ái Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcālacandī. Ngày đêm, Đức-vua Vedeha đối xử làm tròn bổn phận đối với Mẫu-hậu, Chánh-cung Hoàng-hậu, Thái-tử và Công-chúa của con.

Nghe Mẫu-hậu truyền bảo như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta vô cùng hoan hỷ khen ngợi Đức-vua Vedeha là Đức-vua chí hiếu chí tình.

Về sau, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta thường truyền sai sứ giả đem những phẩm vật quý giá ban cho Đức-vua Vedeha, vị phò mã của mình. Và Đức-vua Vedeha cũng thường truyền sai sứ giả đem những phẩm vật quý giá kính dâng lên Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, Đức nhạc Phụ-vương của mình.

Từ đó về sau, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta với Đức-vua Vedeha trở thành người thân quyến với nhau, dân chúng hai kinh-thành Uttarapañcāla và kinh-thành Mithilā thân mật với nhau, toàn thể dân chúng hai đất nước Kapilaraṭṭha và đất nước Videharaṭṭha cũng thân thiện với nhau, sống chung hòa bình thịnh vượng, an cư lạc nghiệp với nhau.

Đức-Vua Vedeha Băng Hà

Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcālacandī được Đức-vua sủng ái nhất, đến năm thứ nhì, Bà sinh hạ được một hoàng-tử. Khi hoàng-tử lên 10 tuổi, Đức-vua Vedeha băng hà. Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita làm đại lễ đăng quang cho hoàng-tử nối ngôi vua cha, cũng ngự tại kinh-thành Mithilā, trị vì đất nước Videharaṭṭha.

Khi ấy, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu với Đức-vua trẻ rằng:

- Tâu Đại-vương, hạ thần xin đi đến chầu Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, Đức-vua ngoại của Bệ-hạ tại kinh-thành Uttarapañcāla.

Đức-vua trẻ truyền bảo rằng:

- Thưa quan Thừa-tướng, Trẫm còn thơ dại, Trẫm cần nương nhờ nơi quan Thừa-tướng. Kính xin quan Thừa-tướng không nên rời khỏi Trẫm đi trong lúc này.

Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcālacandī cũng khẩn khoản van xin quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita ở lại, vì Đức-vua còn thơ dại và triều đình rất cần quan Thừa-tướng, để làm nơi nương nhờ. Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita tâu rằng:

- Tâu Chánh-cung Hoàng-hậu, hạ thần đã từng hứa với Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, cho nên hạ thần phải giữ lời hứa ấy. Xin tâu Lệnh Bà rõ.

 

Đức-Bồ-Tát Giã Từ Kinh-Thành Mithilā

Mặc dù Đức-vua trẻ, Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcālacandī, các quan trong triều đình, các tướng lĩnh, quân lính, dân chúng trong kinh-thành Mithilā khóc than thật đáng thương, khẩn khoản xin Đức-Bồ-tát Maho-sadhapaṇḍita ở lại triều đình, nhưng Đức-Bồ-tát vẫn không thay đổi ý định. Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita dẫn nhóm 1000 người bạn thuộc hạ của mình rời khỏi kinh-thành Mithilā đi đến kinh-thành Uttarapañcāla, chầu Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta như lời đã hứa năm xưa. Vị quan gác cửa thành vào tâu trình lên Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta rằng:

- Muôn tâu Đại-vương, quan Mahosadhapaṇḍita cùng đoàn tùy tùng thuộc hạ đến kinh-thành Uttarapañcāla, xin vào yết kiến Đại-vương.

Nghe vị quan tâu như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahma-datta vô cùng hoan hỷ truyền bảo rằng:

-Này khanh! Khanh hãy mời quan Mahosadha-paṇḍita cùng đoàn thuộc hạ vào cung điện.

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita cùng nhóm bạn vào yết kiến Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta tại cung điện, đảnh lễ, vấn an Đức-vua xong, Đức-Bồ-tát tâu rằng:

- Muôn tâu Đại-vương, Đức-vua Vedeha đã băng hà, hạ thần đã làm tròn bổn phận xong. Để giữ gìn lời hứa năm xưa với Đại-vương, hạ thần cùng nhóm bạn thuộc hạ đến chầu Đại-vương.

Nghe Đức-Bồ-tát Mahosadha tâu như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta vô cùng hoan hỷ truyền bảo rằng:

- Này Mahosadhapaṇḍita! Khanh cùng nhóm bạn đến đây, Trẫm rất hài lòng vô cùng hoan hỷ. Nay, triều đình có thêm những bậc hiền tài giúp Trẫm.

Vậy, Trẫm xin ban cho các khanh chỗ ở, và những nhu cầu cần thiết, ban cho khanh 80 xóm vùng Kāsi để thâu thuế.

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita cùng nhóm bạn 1000 người hết lòng phục vụ cho triều đình Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, nhưng họ không được đãi ngộ xứng đáng.

Bậc Đại-Thiện-Trí Gặp Bậc Đại-Thiện-Trí

Khi ấy, một nữ tu-sĩ Bherī phiêu lãng (paribbājikā) thường đến thọ nhận vật thực trong cung điện của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta. Nữ tu-sĩ Bherī là bậc đại-thiện-trí, có trí-tuệ sắc bén, chưa từng gặp Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita, chỉ nghe danh tiếng Đức-Bồ-tát là bậc đại-thiện-trí, có trí-tuệ siêu-việt, đến phục vụ Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, và Đức-Bồ-tát Mahosadha-paṇḍita cũng chưa từng gặp nữ tu-sĩ Bherī, chỉ nghe danh tiếng nữ tu-sĩ Bherī là bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ sắc bén, thường đến thọ nhận vật thực trong cung điện của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta.

Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī không hài lòng nơi Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita, bởi vì chính Đức-Bồ-tát là người bày ra kế bắt Công-chúa Pañcālacandī yêu dấu của Bà thành hôn với Đức-vua Vedeha tại kinh-thành Mithilā, làm cho Bà phải xa lìa Công-chúa yêu dấu của Bà. Cho nên, Bà truyền bảo 500 tỳ nữ theo dõi, tìm lỗi của Đức-Bồ-tát, rồi tâu lên Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, để làm kế ly gián.

Tuân lệnh Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī, hằng ngày, nhóm tỳ nữ luôn luôn theo dõi Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita.

Một hôm, nữ tu-sĩ Bherī thọ thực xong, từ cung điện trở về, nhìn thấy Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita từ ngoài đi vào làm việc trong cung điện. Hai vị gặp nhau tại sân bên ngoài cung điện.

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita dừng lại, chắp hai tay lễ bái vị nữ tu-sĩ Bherī. Vị nữ tu-sĩ Bherī nghĩ rằng:

“Nghe danh tiếng Mahosadhapaṇḍita là bậc đại-thiện-trí, có trí-tuệ siêu-việt, ta muốn biết y là bậc đại-thiện-trí hay không. Vậy, ta nên hỏi những câu hỏi bằng cách ra dấu bằng tay.”

Vị nữ tu-sĩ Bherī dừng lại, nhìn về phía Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita, rồi ngửa bàn tay phải, có nghĩa là:

- Này quan Mahosadhapaṇḍita! Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta mời ông từ nước ngoài đến giúp triều đình, Đức-vua có ban nhiều ân huệ cho ông không?

Nhìn thấy nữ tu-sĩ Bherī ngửa bàn tay phải, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita hiểu rõ ý nghĩa câu hỏi của nữ tu-sĩ Bherī, nên Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita đưa tay phải nắm chặt lại, có nghĩa là:

- Thưa nữ tu-sĩ Bherī, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta mời tôi đến giúp triều đình. Đã từng hứa sẽ ban cho tôi nhiều ân huệ, đến nay Đức-vua vẫn còn nắm chặt tay, chưa ban những ân huệ ấy cho tôi.”

Hiểu rõ ý nghĩa câu trả lời của Đức-Bồ-tát Maho-sadhapaṇḍita, nên vị nữ tu-sĩ Bherī đưa bàn tay vuốt trên đầu của mình, có nghĩa là:

- Này quan Mahosadha-paṇḍita! Nếu ông sống trong hoàn cảnh thiếu thốn như vậy, thì xin ông nên đi xuất gia như bần đạo vậy!”

Hiểu rõ ý nghĩa vị nữ tu-sĩ Bherī khuyên đi xuất gia như bà, nên Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita đưa tay sờ vào bụng của mình, có nghĩa là:

- Thưa nữ tu-sĩ Bherī, tôi còn có vợ con và nhóm bạn hữu thuộc hạ, cần phải lo nuôi dưỡng, nên tôi chưa có thể xuất gia như bà được.”

Vị nữ tu-sĩ Bherī hiểu rõ ý nghĩa câu trả lời của Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita, bà thông cảm hoàn cảnh khổ của Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita.

Hai bậc đại-thiện-trí: nữ tu-sĩ Bherī và Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita vấn đáp với nhau bằng cách ra dấu bằng bàn tay, mà chỉ có hai người mới có thể thông hiểu rõ ý nghĩa của nhau mà thôi.

Nữ tu-sĩ Bherī đi về chỗ ở của mình, còn Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita đi vào cung điện phục vụ Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta.

Nhóm nữ tỳ của Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī theo dõi nhìn thấy nữ tu-sĩ Bherī và Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita có cử chỉ ra dấu bằng tay ấy, họ nghĩ rằng: “Đó là cái lỗi mà nhóm nữ tỳ đã nhìn thấy nơi Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita.”

Nhóm nữ tỳ đến tâu lên Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī những điều đã nhìn thấy về Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita và nữ tu-sĩ Bherī.

Nghe nhóm nữ tỳ đến tâu như vậy, Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī truyền bảo họ đến chầu Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, tâu theo cách suy diễn của Bà.

Tuân theo lệnh của Chánh-cung Hoàng-hậu, họ đến chầu Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, tâu rằng:

- Tâu Hoàng-thượng, chúng tiện nữ nhìn thấy vị quan Mahosadhapaṇḍita với nữ tu-sĩ Bherī gặp nhau tại sân trước cung điện, bàn tính với nhau chiếm đoạt ngai vàng của Hoàng-thượng.

Như vậy, Mahosadhapaṇḍita và nữ tu-sĩ Bherī là kẻ thù của Hoàng-thượng.

Nghe nhóm nữ tỳ ấy tâu như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền hỏi rằng:

- Này các nữ tỳ! Các ngươi thấy hoặc nghe gì mà dám tâu như vậy?

Nhóm nữ tỳ ấy tâu rằng:

- Tâu Hoàng-thượng, nhóm tiện nữ nhìn thấy nữ tu-sĩ Bherī, sau khi thọ thực xong, từ cung điện ra về, nữ tu-sĩ Bherī gặp vị quan Mahosadhapaṇḍita từ bên ngoài đi vào, hai người đứng khoảng cách xa tại sân trước cung điện của Hoàng-thượng.

Khi ấy, nữ tu-sĩ Bherī làm dấu ngửa bàn tay, có nghĩa là:

“-Này Mahosadha! Ngài có khả năng nắm Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta trong bàn tay của Ngài, rồi chờ cơ hội chiếm lấy ngai vàng vào trong tay của Ngài chưa?”

Vị quan Mahosadhapaṇḍita đưa tay phải nắm chặt lại, có nghĩa là:

“-Thưa nữ tu-sĩ Bherī, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta nằm trong tay của tôi rồi, tôi chờ cơ hội giết Đức-vua.”

Nữ tu-sĩ Bherī đưa bàn tay vuốt trên đầu của mình, có nghĩa là:

“-Này Mahosadhapaṇḍita! Ngài nên chặt đầu Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta.”

Vị quan Mahosadhapaṇḍita đưa tay sờ vào bụng của mình, có nghĩa là:

“-Thưa nữ tu-sĩ Bherī, tôi không chỉ chặt đầu Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta mà còn đâm vào bụng của Đức-vua nữa.”

-Tâu Hoàng-thượng, kính xin Hoàng-thượng chớ nên dể duôi, xin Hoàng-thượng truyền lệnh giết chết vị quan Mahosadhapaṇḍita trước. Đó là thượng sách.

Nghe lời tâu của nhóm tỳ nữ của Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta nghĩ rằng:

“Ta và Mahosadhapaṇḍita đã từng hứa chắc chắn với nhau không bao giờ giết hại lẫn nhau nữa. Cho nên, ta tin tưởng chắc chắn vị quan Mahosadhapaṇḍita không bao giờ giết hại ta. Nhưng ta muốn biết rõ sự thật về cuộc đàm thoại bằng cách ra dấu tay như thế nào?

Vậy, ta nên hỏi vị nữ tu-sĩ Bherī. Bởi vì bậc xuất gia tôn trọng sự thật.”

Đức-Bồ-Tát Được Thăng Chức Quan Thừa-Tướng

Sáng hôm sau, khi nữ tu-sĩ Bherī thọ thực tại cung điện xong, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta ngự đến gặp bà, truyền hỏi rằng:

- Kính thưa nữ tu-sĩ Bherī, bà đã gặp vị quan Mahosadhapaṇḍita hay chưa?

- Tâu Đại-vương, hôm qua, sau khi thọ thực xong, bần đạo từ trên lâu đài bước xuống ra về, đi ra đến sân, nhìn thấy vị quan Mahosadhapaṇḍita từ ngoài đi vào làm việc trong cung điện, ông dừng lại cách một khoảng, đứng chắp hai tay lễ bái bần đạo.

Bần đạo nghĩ rằng: “Nghe danh tiếng vị quan Maho-sadhapaṇḍita là bậc đại-thiện-trí, có trí-tuệ siêu-việt, ta muốn biết ông là bậc đại-thiện-trí hay không.

Vậy, ta nên hỏi ông những câu hỏi theo cách ra dấu bằng tay.”

Bần đạo dừng lại, nhìn về phía quan Mahosadha-paṇḍita rồi ngửa bàn tay phải, nghĩa là:

“-Này quan Mahosadhapaṇḍita! Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta mời ông từ nước ngoài đến giúp triều đình, Đức-vua có ban nhiều ân huệ cho Ngài hay không?”

Nhìn thấy bần đạo ngửa bàn tay phải, vị quan Maho-sadhapaṇḍita hiểu rõ ý nghĩa câu hỏi của bần đạo, nên ông đưa tay phải nắm chặt lại, nghĩa là:

“-Thưa nữ tu-sĩ Bherī, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta mời tôi đến giúp, đã từng hứa sẽ ban cho tôi nhiều ân huệ. Đến nay Đức-vua vẫn nắm chặt tay, chưa ban những ân huệ ấy cho tôi.”

Hiểu rõ ý nghĩa câu trả lời của vị quan Mahosadha-paṇḍita, nên bần đạo đưa bàn tay vuốt trên đầu của mình, nghĩa là:

“-Này quan Mahosadhapaṇḍita! Nếu ông sống trong hoàn cảnh thiếu thốn như vậy, thì ông nên đi xuất gia như bần đạo vậy!”

Hiểu rõ ý nghĩa bần đạo khuyên đi xuất gia, nên ông đưa tay sờ vào bụng của mình, nghĩa là:

“-Thưa nữ tu-sĩ Bherī, tôi còn có vợ con và nhóm bạn hữu thuộc hạ, cần phải lo nuôi dưỡng, nên tôi chưa có thể xuất gia như bà được.”

Bần đạo hiểu rõ ý nghĩa câu trả lời ấy của vị quan Mahosadhapaṇḍita, nên thông cảm hoàn cảnh khổ hiện tại của ông.

-Tâu Đại-vương, bần đạo gặp vị quan Mahosadha-paṇḍita chỉ hỏi và đáp với nhau theo cách ra dấu bằng tay mà thôi, không có nói với nhau lời nào.

Hỏi và đáp theo cách ra dấu bằng tay này chỉ có bậc đại-thiện-trí với bậc đại-thiện-trí, mới có thể thông hiểu rõ ý nghĩa của nhau được mà thôi.

Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền hỏi rằng:

- Thưa vị nữ tu-sĩ Bherī, vị quan Mahosadhapaṇḍita có phải là bậc đại-thiện-trí hay không?

- Tâu Đại-vương, bậc đại-thiện-trí như vị quan Maho-sadhapaṇḍita không dễ có trong đời này. Vậy, vị quan Mahosadhapaṇḍita ấy đích thực là bậc đại-thiện-trí cao thượng nhất trong đời này.

Nghe nữ tu-sĩ Bherī tâu thuật lại cuộc đàm thoại lý thú giữa bà và Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita, và được bà khẳng định rằng:

Vị quan Mahosadhapaṇḍita đích thực là bậc đại-thiện-trí cao thượng nhất trong đời này.”

Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta vô cùng hoan hỷ được gần gũi, thân cận với bậc đại-thiện-trí ấy, Đức-vua đảnh lễ nữ tu-sĩ Bherī, rồi ngự trở về lâu đài của mình.

Khi ấy, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita đi vào chầu Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, làm phận sự trong triều đình như thường lệ. Đức-vua truyền hỏi rằng:

- Này Mahosadhapaṇḍita! Khanh có gặp nữ tu-sĩ Bherī hay chưa?

- Tâu Đại-vương, hôm qua, đang đi vào cung điện, hạ thần đã gặp vị nữ tu-sĩ Bherī tại sân, trước cung điện.

- Này Mahosadhapaṇḍita! Khanh có nói chuyện với vị nữ tu-sĩ Bherī hay không?

Nghe Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền hỏi như vậy, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu Đức-vua rằng:

- Tâu Đại-vương, ban đầu hạ thần dừng lại, đứng cách một khoảng, chắp hai tay cung kính lễ bái vị nữ tu-sĩ Bherī. Bà ngửa bàn tay phải ra có nghĩa là hỏi hạ thần phục vụ trong triều đình, được Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta ban nhiều ân huệ hay không?

Hiểu rõ ý nghĩa nữ tu-sĩ Bherī hỏi, nên hạ thần đưa tay phải nắm chặt lại.

Bà hiểu rõ Đại-vương chưa ban nhiều ân huệ, nên hạ thần đang sống trong hoàn cảnh thiếu thốn.

Bà đưa bàn tay vuốt trên đầu của bà.

Hiểu rõ ý nghĩa bà khuyên hạ thần nên đi xuất gia như bà, thì hạ thần đưa tay sờ vào bụng của mình.

Vị nữ tu-sĩ Bherī hiểu rõ hạ thần còn có bổn phận lo nuôi dưỡng vợ con và nhóm bạn hữu của mình.

Bà thông cảm hoàn cảnh của hạ thần. Sau đó, hạ thần xin bái biệt bà.

-Tâu Đại-vương, đó là cuộc vấn đáp theo cách ra dấu bằng tay, mà chỉ có hạ thần với nữ tu-sĩ Bherī hiểu biết rõ với nhau mà thôi, không nói bằng lời như vậy.

Nghe Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu trình lại cuộc đàm thoại giữa vị nữ tu-sĩ Bherī với Ngài, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta vô cùng hoan hỷ phát sinh đức tin trong sạch nơi Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita.

Hôm ấy, buổi hội triều, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta trân trọng ban chức quyền cao nhất trong triều đình, Chức quan Senāpati: Chức quan Thừa-tướng đến Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita giữa triều đình bá quan văn võ, đồng thời, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cũng ban cho 1.000 người bạn hữu thuộc hạ của Ngài chức tước lớn cùng một lúc.

Sau khi được Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta ban chức trọng quyền cao nhất trong triều đình, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita nghĩ rằng:

“Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta không chỉ ban cho ta chức quyền cao nhất trong triều đình, mà còn ban cho 1.000 người bạn hữu của ta chức tước lớn nữa, cùng một lúc như thế này, ta không biết Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta có phải trọng dụng người tài hay không?

Để biết Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta có thật tâm trọng dụng ta, hay có ý gì khác. Người có khả năng biết được Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta đối xử với ta như thế nào, thì chỉ có nữ tu-sĩ Bherī mà thôi, bởi vì bà có trí-tuệ sâu sắc, biết cách dò xét để tìm ra sự thật.”

Nghĩ xong, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita đem phẩm vật đến lễ bái cúng dường vị nữ tu-sĩ Bherī xong, ngồi một nơi hợp lẽ, thưa rằng:

-Kính thưa nữ tu-sĩ Bherī, từ ngày Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta ngự đến truyền hỏi chuyện với bà, bà đã tâu thuật lại cuộc đàm thoại lý thú giữa bà với tôi. Bà đã đề cao tôi với Đức-vua.

Sau đó, Đức-vua lại truyền hỏi lại tôi về cuộc đàm thoại lý thú ấy. Nghe tôi cũng tâu thuật lại như vậy. Đức-vua đã ban cho tôi chức quyền cao nhất: “Chức quan Thừa-tướng” trong triều đình, và cùng một lúc ban chức lớn đến cho 1.000 người bạn hữu của tôi nữa.

Tôi muốn biết Đức-vua đã ban như vậy, với đại-thiện-tâm thiện ý của Đức-vua, hay có ý gì khác.

Vậy, tôi xin nhờ bà tìm hiểu, dò xét Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta đối xử với tôi như thế nào?

Nghe Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita có tâm trạng băn khoăn như vậy, vị nữ tu-sĩ Bherī nhận lời giúp làm sáng tỏ, để cho vị quan Mahosadhapaṇḍita an tâm.

Câu Hỏi Dakarakkhasapañhā

Một hôm, vào cung điện của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, nữ tu-sĩ Bherī nghĩ ra câu hỏi gọi là Dakarakkhasapañhā: Câu hỏi Dạ-xoa dưới nước.

Vị nữ tu-sĩ Bherī chỉ muốn hỏi riêng một mình Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta về câu hỏi ấy mà thôi.

Bà tâu rằng:

- Tâu Đại-vương, bần đạo có một câu hỏi muốn hỏi riêng Đại-vương, kính xin Đại-vương cho cơ hội.

Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền bảo rằng:

- Kính thưa nữ tu-sĩ Bherī, kính mời bà hỏi, nếu Quả-nhân biết thì Quả-nhân sẽ giải đáp.

Được Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cho cơ hội, nên vị nữ tu-sĩ Bherī tâu rằng:

- Tâu Đại-vương, giả dụ Đại-vương đi du thuyền trên biển, trong chiếc thuyền gồm có bảy người là:

1- Đại-vương,

2- Mẫu-hậu Calākadevī,

3- Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī,

4- Hoàng đệ Tikhiṇamanti,

5-Bạn hữu Dhanusekha,

6-Quân-sư Kevaṭṭa,

7-Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita.

Một Dạ-xoa dưới nước (Dakarakkhasa) nổi lên bắt chiếc thuyền, với yêu cầu rằng:

“-Tâu Đại-vương, trong chiếc thuyền này gồm có bảy người, xin Đại-vương ban cho tôi từng người để ta ăn thịt theo tuần tự từ Ngài.ưi thứ nhất đến người thứ sáu, tôi sẽ tha chết một người.”

- Tâu Đại-vương, nếu Dạ-xoa dưới nước yêu cầu như vậy, thì Đại-vương ban cho Dạ-xoa ăn thịt từng người theo tuần tự từ người thứ nhất đến người thứ sáu như thế nào?

Nghe câu hỏi mà vị nữ tu-sĩ Bherī đặt ra hỏi, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền thưa rằng:

- Thưa vị nữ tu-sĩ Bherī, nếu Dạ-xoa dưới nước yêu cầu như vậy thì Quả-nhân sẽ ban cho Dạ-xoa ăn thịt mỗi người theo tuần tự như sau:

1- Người thứ nhất, Mẫu-hậu Calākadevī.

2- Người thứ nhì, Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī

3- Người thứ ba, Hoàng đệ Tikhiṇamanti.

4-Người thứ tư, bạn hữu Dhanusekha.

5-Người thứ năm, quân-sư Kevaṭṭa.

6-Người thứ sáu chính là Quả-nhân.

Khi ấy, Quả-nhân truyền bảo Dạ-xoa ấy rằng:

- Ngươi hãy ăn thịt Quả-nhân đây!

- Thưa vị nữ tu-sĩ Bherī, thà Quả-nhân chịu hy sinh sinh-mạng cho Dạ-xoa ăn thịt là người thứ sáu, chứ không bao giờ chịu hy sinh Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita cho Dạ-xoa ăn thịt.

Nghe Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta giải đáp câu hỏi như vậy, vị nữ tu-sĩ Bherī đã biết được Đức-vua thật tâm tôn trọng quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita.

Sau khi Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta giải đáp câu hỏi dakarakkhasapañhā xong, bà muốn cho các quan quân trong triều đình, những người trong hoàng gia, dân chúng trong kinh-thành Uttarapañcāla đều biết đến tài đức của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita, cho nên bà tâu với Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta rằng:

- Tâu Đại-vương, kính xin Đại-vương truyền lệnh cho tất cả các quan quân trong triều đình, những người trong hoàng gia, dân chúng trong kinh-thành Uttara-pañcāla tụ hội tại sân rồng trước cung điện, và Đại-vương ngự trên ngai vàng.

Khi ấy, bần đạo sẽ tâu hỏi lại câu hỏi dakarakkhasa-pañhā này, rồi kính xin Đại-vương giải đáp lại như vậy, trước tất cả mọi tầng lớp người tham dự, để cho mọi người biết đến tài đức vẹn toàn của Thừa-tướng Maho-sadhapaṇḍita được rõ ràng như vầng trăng sáng trên hư không trong đêm rằm.

 

Xét Về Đức (Guṇa) Với Lỗi (Dosa)

Lý do Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta ban cho Dạ-xoa ăn thịt mỗi người trong chiếc thuyền theo tuần tự từ người thứ nhất đến người thứ sáu như sau.

1- Người thứ nhất là Thái hậu Calākadevī

Vị nữ tu-sĩ Bherī biết câu chuyện bà Calākadevī là Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua Mahācūḷanī. Bà ngoại tình với vị Bà-la-môn Chabbhi, vị quan lớn trong triều đình của Đức-vua Mahācūḷanī, bà lập mưu kế đầu độc Đức-vua Mahācūḷanī bị băng hà, rồi đưa vị Bà-la-môn Chabbhi lên ngôi vua, và bà vẫn là Chánh-cung Hoàng-hậu Calākadevī của vị Bà-la-môn Chabbhi. Khi ấy, Thái-tử Cūḷanī đang còn thơ ấu.

Một hôm, vị Bà-la-môn Chabbhi nhìn thấy Thái-tử Cūḷanī nên nghĩ rằng: “Khi Thái-tử Cūḷanī trưởng thành, nó sẽ giết ta để trả thù, rồi lấy lại ngôi vua cha. Vậy, ta nên giết Thái-tử Cūḷanī ngay khi còn thơ ấu.”

Nghĩ xong, vị Bà-la-môn Chabbhi bàn với Chánh-cung Hoàng-hậu Calākadevī về chuyện giết Thái-tử Cūḷanī. Chánh-cung Hoàng-hậu Calākadevī vì thương yêu Thái-tử Cūḷanī nên tâu dối rằng:

- Tâu Bệ-hạ, vì yêu Bệ-hạ nên thần thiếp đã đầu độc Đức-vua Mahācūḷanī. Nay, sá gì Thái-tử Cūḷanī, cũng nên giết nó cho xong. Thần thiếp có kế giết Thái-tử chết mà không ai biết.

Vị Bà-la-môn Chabbhi tin theo lời tâu của Chánh-cung Hoàng-hậu Calākadevī. Bà gọi người đầu bếp của vị Bà-la-môn Chabbhi vào truyền bảo rằng:

- Này người đầu bếp! Thái-tử Cūḷanī với con trai Dhanusekha của ngươi cùng sinh một đêm, là bạn hữu thân thiết với nhau. Nay, vị Bà-la-môn Chabbhi muốn giết Thái-tử để tránh hậu họa về sau.

Vì vậy, ta gửi Thái-tử Cūḷanī ngủ chung với Dhanusekha trong phòng của ngươi. Ngươi đem ba bộ xương dê bỏ vào trong phòng ngủ của ngươi.

Đến đêm khuya, mọi người đều ngủ say, ngươi dẫn Thái-tử Cūḷanī và Dhanusekha ra khỏi phòng, rồi dùng lửa đốt phòng ấy. Ngươi hãy dẫn Thái-tử Cūḷanī và con trai Dhanusekha của ngươi trốn ra cửa nhỏ, đi sang nước khác để sinh sống. Ta ban cho ngươi nhiều thứ của cải quý giá, nhờ ngươi trông nom, săn sóc nuôi dưỡng Thái-tử Cūḷanī và con trai Dhanusekha của ngươi trong đất nước khác.

Ngươi nói Thái-tử Cūḷanī là con của ngươi, không nên tiết lộ tông tích của Thái-tử Cūḷanī.

Tuân theo lệnh truyền của Chánh-cung Hoàng-hậu Calākadevī, người đầu bếp đem ba bộ xương dê vào để trong phòng ngủ của mình. Thi hành theo kế của Chánh-cung Hoàng-hậu Calākadevī, đêm khuya, mọi người đều ngủ say, châm lửa đốt cháy phòng ngủ, rồi người đầu bếp dẫn Thái-tử Cūḷanī và con trai Dhanusekha trốn ra khỏi kinh-thành Uttarapañcāla, đi đến kinh-thành Sāgala, đất nước Maddaraṭṭha.

Sau đó, Chánh-cung Hoàng-hậu Calākadevī tâu dối Bà-la-môn Chabbhi rằng:

-Tâu Đức phu quân, phòng ngủ của người đầu bếp đã bị cháy rụi. Trong phòng có ba người: Người đầu bếp, con trai của ông và Thái-tử Cūḷanī đều bị chết thiêu. Đây là bộ xương của Thái-tử Cūḷanī. Như vậy, mưu đồ của Đức phu quân đã được thành tựu như ý.

Người đầu bếp sau đó xin vào làm bếp, được Đức-vua Madda chấp thuận. Hằng ngày, Thái-tử Cūḷanī và cậu Dhanusekha thường vào cung điện chơi với Công-chúa Nandā của Đức-vua Madda. Công-chúa Nandā đem lòng thương yêu Thái-tử Cūḷanī.

Một hôm, Đức-vua Madda truyền gọi người đầu bếp vào hỏi rằng:

- Này người đầu bếp! Hai đứa trẻ ấy là con của ai vậy?

- Tâu Bệ-hạ, hai đứa trẻ ấy là con của tiện dân.

- Này người đầu bếp! Vì sao 2 đứa trẻ không giống nhau?

- Tâu Bệ-hạ, bởi vì hai đứa trẻ ấy khác mẹ.

Theo dõi và để ý thấy tư cách của Thái-tử Cūḷanī, Đức-vua Madda biết chắc đứa trẻ Cūḷanī không phải là con trai của người đầu bếp, nên truyền bảo rằng:

- Này người đầu bếp! Người hãy nói sự thật, Trẫm biết chắc rằng đứa trẻ Cūḷanī không phải con trai của ngươi. Nó là con của ai?

Nếu ngươi không tâu thật thì Trẫm sẽ truyền lệnh chém đầu ngươi.

Nghe Đức-vua Madda truyền bảo như vậy, người đầu bếp sợ chết nên tâu rằng:

- Tâu Bệ-hạ, nếu như vậy thì tiện dân xin tâu chuyện này chỗ vắng vẻ.

Đức-vua Madda cho cơ hội, người đầu bếp tâu rõ mọi sự thật về cuộc đời Thái-tử Cūḷanī. Đức-vua Madda chấp thuận cho Công-chúa Nandā kết hôn với Thái-tử Cūḷanī.

Nữ tu-sĩ Bherī, căn cứ vào chuyện này mà tâu rằng:

- Tâu Đại-vương, Mẫu-hậu Calākadevī của Đại-vương là người mẹ có ân đức lớn nhất đối với Đại-vương, Bà không chỉ có công ơn sinh thành dưỡng dục Đại-vương trưởng thành, mà còn cứu sống Đại-vương bằng kế đánh lừa vị Bà-la-môn Chabbhī. Bà đem xương dê nói rằng bộ xương của Thái-tử Cūḷanī.

Như vậy, Mẫu-hậu Calākadevī của Đại-vương đã có công ơn sinh thành dưỡng dục và bảo vệ sinh-mạng của Đại-vương. Vậy, lý do nào mà Đại-vương ban Mẫu-hậu Calākadevī cho Dạ-xoa ăn thịt người đầu tiên?

Nghe nữ tu-sĩ Bherī trình bày như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta thưa rằng:

- Thưa nữ tu-sĩ Bherī, thật vậy, Mẫu-hậu Calākadevī rất thương yêu Quả-nhân, có ân đức lớn nhất đối với Quả-nhân. Quả-nhân biết công ơn sinh thành dưỡng dục của Mẫu-hậu Calākadevī, Bà luôn luôn bảo vệ Quả-nhân.

- Thưa nữ tu-sĩ Bherī, Mẫu-hậu Calākadevī có những lỗi như sau:

* Mẫu-hậu Calākadevī đã già rồi mà thích trang điểm lộng lẫy bằng những đồ nữ trang quý giá, thích tiếp xúc chuyện trò với các cô gái trẻ. Đó là điều không nên.

* Mẫu-hậu Calākadevī thích chuyện trò cười cợt với những người gác cửa thành, người luyện tập voi, ngựa, cho đến quá giờ đóng cửa thành. Đó là điều không nên.

* Mẫu-hậu tự viết chiếu chỉ với lời lẽ của Quả-nhân truyền rằng:

“Mẫu-hậu Calākadevī của Trẫm đang độ tuổi hồi xuân. Vậy, khanh đến hầu hạ Mẫu-hậu của Trẫm.” Rồi trao lính hầu đem đến vị quan trấn nhậm tỉnh thành ấy.

Vị quan ấy đến chầu Trẫm, rồi đọc giữa triều đình làm cho Quả-nhân vô cùng xấu hổ.

- Thưa nữ tu-sĩ, đó là lý do mà Quả-nhân ban Mẫu-hậu Calākadevī cho Dạ-xoa ăn thịt người đầu tiên.

2- Người thứ nhì là Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī

Nghe Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền bảo những lỗi của Hoàng Thái-hậu Calākadevī như vậy, nữ tu-sĩ Bherī tâu rằng:

- Tâu Đại-vương, Đại-vương ban Hoàng Thái-hậu Calākadevī cho Dạ-xoa ăn thịt người đầu tiên, bởi do những lỗi ấy cũng nên, nhưng Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī là người có ân-đức đối với Đại-vương từ khi còn nhỏ cho đến nay.

- Tâu Đại-vương, bà Nandādevī là Chánh-cung Hoàng-hậu cao quý hơn các hoàng-hậu và các cung phi mỹ nữ khác trong triều đình. Chánh-cung Hoàng-hậu Nandā-devī xinh đẹp tuyệt trần, có giọng nói thanh tao rất hay, là người biết chiều chuộng Đại-vương, bà thường ngự chung với Đại-vương như hình với bóng. Bà rất mực thương yêu Đại-vương.

Khi Đại-vương là cậu bé Cūḷanī đi theo người đầu bếp trốn sang kinh-thành Sāgala đất nước Maddaraṭṭha, được ở trong cung điện của Đức-vua Madda. Cậu Cūḷanī chưa lộ rõ tông tích, thường chơi với Công-chúa Nandā của Đức-vua Madda. Công-chúa Nandā đem lòng thương yêu cậu Cūḷanī.

Một hôm nọ, cậu Cūḷanī nổi giận đánh Công-chúa Nandā, Công-chúa chỉ âm thầm khóc mà thôi, không dám cho Đức Phụ-vương biết, vì sợ Đức Phụ-vương sẽ hành phạt cậu Cūḷanī.

Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī là người rất thông minh, không hay giận hờn, đặc biệt biết chiều chuộng Đại-vương. Vậy, lý do nào mà Đại-vương ban Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī cho Dạ-xoa ăn thịt người thứ nhì.

Nghe nữ tu-sĩ Bherī trình bày như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền bảo lỗi của Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī như sau:

-Thưa nữ tu-sĩ Bherī, Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī biết Quả-nhân đang say đắm nơi bà. Khi ấy, Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī xin Quả-nhân ban cho bà những món đồ trang sức quý giá mà Quả-nhân đã ban cho các bà hoàng-hậu, các hoàng-tử, các công-chúa của Quả-nhân rồi. Đáng lẽ, bà không nên xin nơi Quả-nhân những món trang sức ấy, nhưng vì Quả-nhân đang say đắm nơi bà, nên Quả-nhân đã hứa sẽ ban cho bà những món trang sức ấy.

Bà truyền bảo các bà hoàng-hậu, các hoàng-tử, các công-chúa rằng: “Những món đồ trang sức ấy, Hoàng-thượng đã ban cho ta rồi. Vậy, các ngươi hãy mang lại dâng cho ta.”

Các hoàng-hậu, các hoàng-tử, các công-chúa phải đem những món đồ trang sức ấy đến dâng cho bà, rồi họ khóc vì tiếc món đồ trang sức của họ từ trước.

Thấy các hoàng-hậu, các hoàng-tử, các công-chúa của Quả-nhân khóc vì tiếc như vậy, Quả-nhân cảm thấy khổ tâm.

Đó là lý do mà Quả-nhân ban Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī cho Dạ-xoa ăn thịt người thứ nhì.

3. Hoàng-đệ Tikhiṇamanti của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta

Nghe Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền bảo những lỗi của bà Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī như vậy, nữ tu-sĩ Bherī tâu rằng:

-Tâu Đại-vương, Đại-vương ban Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī, cho Dạ-xoa ăn thịt người thứ nhì, bởi do những lỗi ấy cũng nên, nhưng Hoàng đệ Tikhiṇamanti của Đại-vương là người có công lớn đối với Đại-vương và triều đình của Đại-vương.

-Tâu Đại-vương, Hoàng đệ Tikhiṇamanti là người ngự đi thỉnh Đại-vương từ kinh-thành Sāgala, đất nước nhỏ Maddaraṭṭha, ngự trở về kinh-thành Uttarapañcāla, làm lễ đăng quang nối ngôi vua cha.

Hoàng đệ Tikhiṇamanti có công lớn giúp Đại-vương làm phát triển đất nước, làm cho 101 Đức-vua trong toàn cõi Nam-thiện bộ-châu phải thần phục Đại-vương, làm cho đất nước Kapilaraṭṭha phồn vinh và hùng mạnh, đặc biệt Hoàng đệ Tikhiṇamanti là người có mưu trí bậc nhất.

Khi bà Calākadevī sinh hạ hoàng tử Tikhiṇamanti trong lúc là Chánh-cung Hoàng-hậu của vị Bà-la-môn Chabbhī, nên ông tưởng rằng Tikhiṇa-manti là con của mình và hoàng-tử Tikhiṇamanti cũng tưởng rằng vị Bà-la-môn Chabbhī là phụ thân của mình. Cho nên, vị Bà-la-môn Chabbhī ban cho hoàng-tử một thanh gươm báu đặc biệt.

Về sau, một vị quan trung thành với cố Đại-vương Mahācūḷanī tâu với hoàng-tử Tikhiṇamanti rằng:

-Tâu hoàng-tử Tikhiṇamanti, hoàng-tử không phải là con của vị Bà-la-môn Chabbhī, bởi vì khi hoàng-tử còn là thai nhi trong bụng Chánh-cung Hoàng-hậu Calākadevī của Đức-vua Mahācūḷanī., khi ấy, Chánh-cung Hoàng-hậu Calākadevī ngoại tình với vị Bà-la-môn Chabbhī, quan lớn trong triều, khiến dùng thuốc độc giết Đại-vương Mahācūḷanī, rồi vị Bà-la-môn chiếm ngôi vua.

Như vậy, căn cứ theo thời gian, hoàng-tử là con của cố Đại-vương Mahācūḷanī, không phải là hoàng-tử của vị Bà-la-môn.

Nghe vị quan trung tín tâu như vậy, hoàng-tử Tikhiṇamanti nổi cơn thịnh nộ nghĩ rằng:

“Ta sẽ giết vị Bà-la-môn Chabbhī này bằng mưu kế.”

Một hôm, vào chầu vị Bà-la-môn Chabbhī, hoàng-tử Tikhiṇamanti trao thanh gươm báu cho vị quan giữ cửa cung điện lâu đài của vị Bà-la-môn Chabbhī, rồi đến gặp vị quan lớn thân tín trong cung điện, truyền bảo rằng:

-Này vị quan lớn! Ngươi hãy đến gặp vị quan giữ cửa cung điện lâu đài của vị Bà-la-môn Chabbhī nói với vị quan ấy rằng:

“Thanh gươm báu này là của tôi.”

Hai ngươi tranh chấp lớn tiếng với nhau, rồi chờ ta gọi vào.

Sau khi truyền bảo xong, hoàng-tử Tikhiṇamanti vào chầu vị Bà-la-môn Chabbhī. Nghe hai vị quan lớn tiếng với nhau ở bên ngoài cửa cung điện lâu đài, hoàng-tử Tikhiṇamanti truyền bảo người lính ra xem có chuyện gì mà họ lớn tiếng với nhau.

Tuân lệnh hoàng-tử, người lính đi ra ngoài cửa cung

điện lâu đài, nghe biết chuyện rồi vào thưa rằng:

-Tâu hoàng-tử, hai vị quan ấy tranh chấp với nhau về thanh gươm báu. Vị quan lớn bảo rằng:

“Thanh gươm báu này là của tôi.” Vị quan giữ cửa bảo rằng:

“Thanh gươm báu này là của hoàng-tử Tikhiṇamanti giao tôi giữ.”

Nghe người lính tâu như vậy, hoàng-tử Tikhiṇamanti tâu với vị Bà-la-môn Chabbhī rằng:

- Tâu Đức Phụ-vương, thanh gươm báu mà Đức Phụ-vương ban cho con, con giao cho vị quan giữ cửa lâu đài giữ. Nay, vị quan lớn bảo rằng: “Thanh gươm báu ấy là của ông ta.” Như vậy, sự thật như thế nào?

Vị Bà-la-môn Chabbhī truyền bảo rằng:

- Nếu như vậy thì hãy cho truyền gọi hai vị quan ấy đem thanh gươm báu vào, ta nhớ rõ thanh gươm báu ấy, ta sẽ phán xét.

Khi hai vị quan đem thanh gươm báu vào, hoàng-tử Tikhiṇamanti cầm thanh gươm báu, tuốt gươm ra khỏi vỏ, trình cho vị Bà-la-môn Chabbhī, tâu rằng:

- Tâu Đức Phụ-vương, xin Đức Phụ-vương xem kỹ thanh gươm báu này.

Khi vị Bà-la-môn đến gần xem kỹ thanh gươm báu ấy, không thận trọng, ngay tức khắc, hoàng-tử Tikhiṇamanti đưa thanh gươm báu cắt cổ ông ta, cái đầu rơi xuống dưới chân của mình, rồi hoàng-tử Tikhiṇamanti truyền lệnh đem thi thể ra ngoài cung điện.

Vị Bà-la-môn Chabbhī bị hoàng-tử Tikhiṇamanti giết chết, các quan trong triều đều vui mừng, bởi vì ông là vị quan phản phúc với cố Đại-vương Mahācūḷanī.

Hoàng-tử Tikhiṇamanti truyền lệnh trang hoàng cung điện lộng lẫy và kinh-thành Uttarapañcāla cho đẹp đẽ, để tổ chức lễ đăng quang hoàng-tử Tikhiṇamanti lên nối ngôi Đức Phụ-vương Mahācūḷanī của mình.

Khi ấy, bà Calākadevī, Mẫu-hậu của hoàng-tử Tikhiṇa-manti truyền bảo rằng:

-Này hoàng-nhi Tikhiṇamanti yêu quý! Sự thật, con chính là hoàng-tử của Đại-vương Mahācūḷanī, không phải con của vị Bà-la-môn Chabbhī. Con còn vị Hoàng-huynh là Thái-tử Cūḷanī hiện đang còn sống ở tại kinh-thành Sāgala, đất nước Maddaraṭṭha.

Nghe Mẫu-hậu Calākadevī truyền bảo như vậy, hoàng-tử Tikhiṇamanti dẫn đầu bốn đội quân hùng hậu ngự đến kinh-thành Sāgala, đất nước nhỏ Maddaraṭṭha, thỉnh Hoàng-huynh Cūḷanī và Công-chúa Nandā trở về kinh-thành Uttarapañcāla, làm lễ đăng quang Thái-tử Cūḷanī lên nối ngôi vua cha, trị vì đất nước Kapilaraṭṭha to lớn cho đến nay.

Như vậy, hoàng-đệ Tikhiṇamanti là người có lòng tôn kính hỗ trợ đắc lực cho Đại-vương.

Vậy, lý do nào mà Đại-vương ban hoàng-đệ Tikhiṇa-manti cho Dạ-xoa ăn thịt người thứ ba?

Nghe nữ tu-sĩ Bherī trình bày như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền thưa rằng:

- Thưa nữ tu-sĩ Bherī, thật vậy, hoàng đệ Tikhiṇamanti ngự đến kinh-thành Sāgala đất nước nhỏ Maddaraṭṭha, thỉnh Quả-nhân trở về kinh-thành Uttarapañcāla lên nối ngôi vua cha, trị vì đất nước lớn Kapilaraṭṭha này.

Hoàng-đệ Tikhiṇamanti có công lớn làm cho các vùng trong nước phát triển, chinh phục được 101 Đức-vua trong cõi Nam-thiện-bộ-châu đều thần phục Quả-nhân, làm cho đất nước Kapilaraṭṭha giàu mạnh hùng cường, đặc biệt hoàng-đệ Tikhiṇamanti là người có tài thiện xạ, có mưu trí sâu sắc, … nhưng hoàng-đệ thường huênh hoang với mọi người rằng:

“Hoàng huynh Cūḷanī Brahmadatta của tôi đang ngự ở kinh-thành Sāgala đất nước nhỏ bé Maddaraṭṭha, tôi đi đến thỉnh Hoàng-huynh của tôi ngự trở về kinh-thành Uttarapañcāla đất nước to lớn Kapilaraṭṭha, làm lễ đăng quang Hoàng-huynh Cūḷanī Brahmadatta lên nối ngôi vua cha, có uy quyền lớn và an hưởng mọi sự an-lạc như vậy.”

Ngày trước, hoàng-đệ Tikhiṇamanti ngự đến chầu mỗi buổi sáng. Nhưng nay, hoàng-đệ Tikhiṇamanti có khi đến chầu, có khi không, không giữ phép luật của triều đình.

Đó là lý do mà Quả-nhân ban hoàng đệ Tikhiṇamanti cho Dạ-xoa ăn thịt người thứ ba.

 

4. Bạn hữu Dhanusekha của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta

Nghe Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền bảo về hoàng-đệ Tikhiṇamanti như vậy, vị nữ tu-sĩ Bherī tâu rằng:

- Tâu Đại-vương, Đại-vương ban cho Dạ-xoa ăn thịt người thứ ba là hoàng-đệ Tikhiṇamanti, bởi do những lỗi ấy cũng nên, nhưng bạn-hữu Dhanusekha là người bạn thân thiết tín cẩn của Đại-vương.

Bạn-hữu Dhanusekha cùng sinh trong một đêm với Đại-vương trong kinh-thành Uttarapañcāla này, là người bạn-hữu thân thiết từ thuở nhỏ cùng khổ cùng vui với Đại-vương cho đến nay, luôn luôn đi theo Đại-vương như hình với bóng, là người bạn hữu có sự tinh-tấn không ngừng ngày đêm trong công việc mà Đại-vương giao phó, có một lòng trung thành tuyệt đối với Đại-vương. Đặc biệt, bạn-hữu Dhanusekha có tài bắn cung đệ nhất, không ai sánh được.

Vậy, lý do nào mà Đại-vương ban bạn-hữu Dhanu-sekha cho Dạ-xoa ăn thịt người thứ tư?

Nghe nữ tu-sĩ Bherī trình bày như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền thưa rằng:

- Thưa nữ tu-sĩ Bherī, thật vậy, bạn-hữu Dhanusekha là người bạn thân thiết từ thuở nhỏ cùng khổ cùng vui với Quả-nhân. Ngày xưa, bạn-hữu Dhanusekha hay vỗ tay cười lớn như thế nào, đến nay cũng vẫn giữ tính hay vỗ tay cười lớn như thế ấy.

Nay, Quả-nhân là Đức-vua mà bạn-hữu Dhanusekha hành động, nói năng như ngang hàng với Quả-nhân, không biết tôn kính như Đức-vua.

Quả-nhân có ban cho bạn-hữu Dhanusekha một ân huệ là được phép đến chầu Quả-nhân bất cứ lúc nào, nhưng khi Quả-nhân đang chuyện trò thân mật với Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī nơi kín đáo, bạn-hữu Dhanusekha đi vào không xin phép trước, không biết tôn trọng Quả-nhân.

Đó là lý do mà Quả-nhân ban bạn-hữu Dhanusekha cho Dạ-xoa ăn thịt người thứ tư.

5. Quân-sư Kevaṭṭa của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta

Nghe Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền bảo những lỗi của bạn-hữu Dhanusekha như vậy, nữ tu-sĩ Bherī tâu:

- Tâu Đại-vương, Đại-vương ban bạn-hữu Dhanu-sekha cho Dạ-xoa ăn thịt người thứ tư, bởi do những lỗi ấy cũng nên. Nhưng quân-sư Kevaṭṭa là một vị thầy giỏi về các bộ môn của Bà-la-môn, hiến nhiều kế sách, có tài điều binh khiển tướng giúp Đại-vương chiến thắng dễ dàng 101 kinh-thành, bắt 101 Đức-vua trong cõi Nam-thiện-bộ-châu này đều thần phục Đại-vương, thu phục 101 nước trong cõi Nam-thiện-bộ-châu trở thành các nước chư hầu của Đại-vương. Cho nên, Đại-vương có uy quyền lớn trong cõi Nam-thiện-bộ-châu này.

Vậy, lý do nào mà Đại-vương ban vị quân-sư Kevaṭṭa cho Dạ-xoa ăn thịt người thứ năm?

Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền thưa rằng:

- Thưa vị nữ tu-sĩ Bherī, trong các buổi hội triều, Quả-nhân ngự trên ngai vàng chủ trì, phía dưới có các quan văn võ, các khanh tướng sĩ mà vị quân-sư Kevaṭṭa trợn mắt nhìn Quả-nhân như giận giữ Quả-nhân.

Đó là lý do mà Quả-nhân ban vị quân-sư Kevaṭṭa cho Dạ-xoa ăn thịt người thứ năm.

6-Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta

Tiếp theo nữ tu-sĩ Bherī tâu rằng:

- Tâu Đại-vương, Đại-vương truyền bảo rằng: “Quả-nhân ban mỗi người cho Dạ-xoa ăn thịt theo tuần tự từ người thứ nhất là Mẫu-hậu Calākadevī cho tới người thứ năm là vị quân-sư Kevaṭṭa, đến người thứ sáu cuối cùng chính là Quả-nhân.

Quả-nhân chịu hy sinh sinh-mạng của mình cho Dạ-xoa ăn thịt người thứ sáu, chứ không chịu hy sinh quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita cho Dạ-xoa ăn thịt. Quả-nhân chịu băng hà, để cho quan Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita sống.”

- Tâu Đại-vương, Đại-vương là một Đại-Hoàng-đế cao cả nhất trong toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu này, có 101 Đức-vua của 101 nước nhỏ đều chịu thần phục Đại-vương làm các nước chư hầu. Đại-vương là Đại-Hoàng-đế có nhiều uy quyền nhất, thống lĩnh các đội binh hùng mạnh gồm 18 akkhobhinī quân, Đại-vương làm bá chủ trong toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu này. Đại-vương có 16.000 cung phi mỹ nữ xinh đẹp như thiên-nữ đêm ngày hầu hạ, Đại-vương đang hưởng mọi sự an-lạc cao quý trong đời.

- Tâu Đại-vương, sinh-mạng là nơi yêu quý nhất của mỗi chúng-sinh, Đại-vương là người cao quý nhất trong thần dân thiên hạ trong toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu này. Sinh-mạng của Đại-vương thật là cao quý biết dường nào!

Vậy, lý do nào mà Đại-vương dám hy sinh sinh-mạng của mình chịu cho Dạ-xoa ăn thịt người thứ sáu, để bảo vệ sinh-mạng của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita?

- Tâu Đại-vương, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita là con người như thế nào mà Đại-vương dám hy sinh sinh-mạng của mình, để bảo vệ sinh-mạng của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita vậy?

Nghe vị nữ tu-sĩ Bherī tâu hỏi như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền thưa rằng:

- Thưa nữ tu-sĩ Bherī, quan Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita từ nước khác đến giúp Quả-nhân trị vì đất nước Kapilaraṭṭha cho được phát triển mạnh, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài cho thần dân thiên hạ.

Thật sự Quả-nhân chưa thấy, chưa phát hiện một điều lỗi nào dù chỉ là cái lỗi nhỏ của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita cả.

Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita là bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ siêu-việt. Cho nên, Quả-nhân dù phải hy sinh sinh-mạng của mình, để bảo vệ sinh-mạng của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita vẫn xứng đáng lắm. Bởi vì quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita còn sống có khả năng đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an-lạc lâu dài cho toàn thể hoàng tộc của Quả-nhân, trong triều đình của Quả-nhân, trong toàn cõi đất nước của Quả-nhân, trong toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu này.

Vì vậy, Quả-nhân không thể ban quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita cho Dạ-xoa ăn thịt người thứ sáu, mà chính Quả-nhân sẽ hy sinh sinh-mạng của mình cho Dạ-xoa ăn thịt người thứ sáu vậy.

Nghe Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta tán dương ca tụng tài đức cao thượng, trí-tuệ siêu-việt của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita ví như vầng trăng rằm sáng tỏ trên hư không trong trẻo.

Muốn cho mọi người phát sinh đức-tin trong sạch nơi quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita, nên nữ tu-sĩ Bherī khuyên những người đến tụ hội tại sân trước cung điện gồm đủ các giai cấp từ Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, các Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī, các hoàng-hậu, các hoàng-tử, các công-chúa, những người trong hoàng tộc của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, 101 Đức-vua chư hầu trong toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu, các quan trong triều, các đoàn quân, toàn thể dân chúng trong kinh-thành Uttarapañcāla rằng:

- Thưa tất cả quý vị, quý vị đã nghe Đại-vương Cūḷanī Brahmadatta tán dương ca tụng quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita là bậc đại-thiện-trí, có trí-tuệ siêu-việt, có khả năng đem lại cho mình và cho tất cả mọi chúng-sinh, nhất là nhân loại và chư thiên, sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài cả trong kiếp hiện-tại lẫn nhiều kiếp trong vị lai.

Vì vậy, Đại-vương Cūḷanī Brahmadatta dám hy sinh các sinh-mạng những người thân yêu của mình ban cho Dạ-xoa ăn thịt theo tuần tự từ người thứ nhất cho đến người thứ năm, rồi cuối cùng Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta hy sinh sinh-mạng của mình cho Dạ-xoa ăn thịt người thứ sáu, để bảo vệ sinh-mạng của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita còn sống trên chiếc thuyền giữa biển.

- Thưa tất cả quý vị, trí-tuệ là pháp cao thượng, bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ nên được mọi người, chư thiên, phạm thiên tôn kính lễ bái cúng dường.

Như vậy, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita là bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ siêu-việt, có tài đức vẹn toàn, rất xứng đáng cho mọi người chúng ta tôn kính đảnh lễ cúng dường quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita một cách cung kính.

Nghe lời khuyên dạy của nữ tu-sĩ Bherī, mọi người đều vô cùng hoan hỷ cung kính đảnh lễ quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita với tấm lòng tôn kính.

Tích Mahosadhajātaka, hoặc tích Umaṅgajātaka, trong tích này, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama của chúng ta, đang tạo pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật bậc hạ và các pháp-hạnh ba-la-mật khác, để bồi bổ và tích lũy cho được đầy đủ 30 pháp-hạnh ba-la-mật, để trở thành Đức-Phật Chánh Đẳng Giác, có danh hiệu là Đức-Phật Gotama trong thời vị-lai.

Như vậy, công-tử Mahosadhapaṇḍita vẫn còn là Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu-việt thấy rõ, biết rõ những gì mà những người khác không thể thấy được, không thể biết được. Đó là do nhờ trí-tuệ siêu-việt mà Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita đã tích lũy từ nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ.

Trí-tuệ siêu-việt của Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita ấy có khả năng khống chế, đè bẹp những tà-kiến của người khác, dẹp bỏ những ý đồ đen tối của người khác, có khả năng phá tan các mưu kế thâm độc của các kẻ thù một cách dễ dàng, để thực hiện những điều mong ước trở thành hiện thực.

Đức-Phật dạy rằng:

-Này Chư tỳ-khưu, không chỉ kiếp hiện-tại Như-Lai là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu-việt khống chế, đè bẹp mọi tà thuyết của người khác một cách dễ dàng như vậy, mà trong các tiền-kiếp của Như-Lai khi còn là Đức-Bồ-tát cũng có trí-tuệ siêu-việt khống chế, đè bẹp những tà-kiến, dẹp bỏ những ý đồ đen tối của người khác, còn phá tan các mưu kế thâm độc của các kẻ thù, đặc biệt nhờ trí-tuệ siêu-việt nên biến kẻ thù trở thành người thân yêu của mình nữa. (Như trong tích Mahosadhajātaka).

Sau khi lắng nghe Đức-Phật thuyết về tích Maho-sadhajātaka hoặc tích Umaṅgajātaka xong, chư tỳ-khưu phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ trong lời giáo huấn của Đức-Phật, nên chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế,

-Có số chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.

-Có số chứng đắc đến Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhất-lai.

-Có số chứng đắc đến Bất-lai Thánh-đạo, Bất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Bất-lai.

-Có số chứng đắc đến A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao-thượng.

Còn có số chưa trở thành bậc Thánh-nhân nào vẫn còn là hạng phàm nhân vô cùng hoan hỷ có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, cố gắng tinh tấn tiếp tục thực-hành các pháp-hạnh ba-la-mật, nhất là pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật, để mong chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn trở thành bậc Thánh-nhân trong thời vị lai.

Tích Mahosadhajātaka Liên Quan Đến Kiếp Hiện-Tại

Trong tích Mahosadhajātaka hoặc tích Umaṅga-jātaka này, khi Đức-Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian, còn các hậu-kiếp của những nhân vật trong tích Mahosadhajātaka hoặc tích Umaṅgajātaka ấy liên quan đến kiếp hiện-tại như sau:

- Ông phú hộ Sirivaḍḍhaka, nay kiếp hiện-tại là Đức-vua Suddhodana.

- Bà Sumanādevī, nay kiếp hiện-tại là Chánh-cung Hoàng-hậu Mahāmayādevī.

- Đức-vua Vedeha, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Kāḷudāyaka.

- Chánh-cung Hoàng-hậu Udumbaradevī, nay kiếp hiện-tại là bà Maṅgalikā.

- Vị quân-sư Senaka, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa.

- Vị quân-sư Pukkusa, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Poṭṭhapāda.

- Vị quân-sư Kāminda, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Ambaṭṭha.

- Vị quân-sư Devinda, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Pilotika.

- Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta.

-Vị quân-sư Kevaṭṭa, nay kiếp hiện-tại là tỳ-khưu Devadatta.

- Bà Mẫu-hậu Calākādevī của Đức-vua Cūḷanī, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Thullanandinī.

- Công-chúa Pañcālacandī, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Sundarī.

- Con chim vẹt Suvapaṇḍita, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Ānanda.

- Con chim sáo Sāḷikā, nay kiếp hiện-tại là Bà Mallikādevī.

- Nữ tu-sĩ Bherī, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Uppalavaṇṇā.

- Bà Amarā, phu-nhân của Đức-Bồ-tát Mahosadha-paṇḍita, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Bimbāsundarī (Yasodharā).

- Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita, nay kiếp hiện-tại là Đức-Phật Gotama.

Theo bộ Chú-giải Jātakaṭṭhakathā bản dịch chữ Thái những nhân vật trong tích Mahosadhajātaka liên quan đến kiếp hiện-tại như sau:

- Ông phú hộ Sirivaḍḍhaka, nay kiếp hiện-tại là Đức-vua Suddhodana.

- Bà Sumanādevī, nay kiếp hiện-tại là Chánh-cung Hoàng-hậu Mahāmayādevī.

- Đức-vua Vedeha, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Kāḷudāyī.

- Chánh-cung Hoàng-hậu Udumbaradevī, nay kiếp hiện-tại là Đại-đức tỳ-khưu-ni Gotamī.

- Vị quân-sư Senaka, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa.

- Vị quân-sư Pukkusa, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Poṭṭhapāda.

- Vị quân-sư Kāminda, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Ambaṭṭha.

- Vị quân-sư Devinda, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Soṇadaṇḍaka.

- Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta.

-Vi Bà-la-môn Anukevaṭṭa, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna.

- Hoàng đệ Tikhiṇamanti, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Nanda.

- Bạn hữu Dhanusekha, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Rāhula.

- Bà Mẫu-hậu Calākādevī của Đức-vua Cūḷanī, nay kiếp hiện-tại là Đại-đức tỳ-khưu-ni Thullanandikā.

- Thái-tử Pañcālacanda, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Anuruddha.

- Công-chúa Pañcālacandī, nay kiếp hiện-tại là Đại-đức tỳ-khưu-ni Sundarī.

- Con chim vẹt Suvapaṇḍita, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Ānanda.

- Con chim sáo Sāḷikā, nay kiếp hiện-tại là Bà Mallikādevī.

- Nữ tu-sĩ Bherī, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Uppalavaṇṇā.

-Vị quân-sư Kevaṭṭa, nay kiếp hiện-tại là tỳ-khưu Devadatta.

- Bà Amarā, phu-nhân của Đức-Bồ-tát Mahosadha-paṇḍita, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Bimbāsundarī (Yasodharā).

- Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita, nay kiếp hiện-tại là Đức-Phật Gotama.

Mười Pháp-Hạnh Ba-La-Mật

Tóm lược tích Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama đã tạo pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật bậc hạ, ngoài ra, có tám pháp-hạnh ba-la-mật phụ khác cũng đồng thời thành tựu như sau:

- Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tạo mọi phước thiện bố-thí, đó là pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita giữ gìn giới, đó là pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita có sự tinh-tấn không ngừng, đó là pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita có đức-nhẫn nại, đó là pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita nói lời chân-thật, đó là pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita phát-nguyện bằng lời chân thật, đó là pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita có tâm-từ đối với mọi người, mọi chúng-sinh, đó là pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita có tâm-xả đối với mọi chúng-sinh, đó là pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật.

Đó là 8 pháp-hạnh ba-la-mật phụ đồng thời thành tựu cùng với pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật bậc hạ này.

Nhận Xét Về Đức-Bồ-Tát Mahosadhapaṇḍita

Tích Mahosadhajātaka hoặc tích Umaṅgajātaka này, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, sinh làm công-tử của gia đình phú hộ Sirivaḍḍhaka, tạo pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật bậc hạ (paññāpāramī).

Từ khi Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita mới lên bảy tuổi có trí-tuệ siêu-việt hơn hẳn tất cả mọi người trong đời, không có một ai sánh được.

Pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật bậc hạ là một trong mười pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ, cũng là một trong 30 pháp-hạnh ba-la-mật mà Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải thực-hành cho được đầy đủ trọn vẹn, để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác (Sammāsambuddha).

Trí-tuệ ba-la-mật bậc hạ đó là trí-tuệ tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm sáng suốt thấy rõ, biết rõ các pháp.

Để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác (Sammā-sambuddha), Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác (Sammāsam-bodhisatta) cần phải thực-hành đầy đủ ba bậc pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật: pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật bậc hạ, pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật bậc trung và pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật bậc thượng.

Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác dù tạo pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật bậc nào cũng chỉ đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an-lạc cho mình và cho tất cả mọi người, mọi chúng-sinh khác mà thôi.

Trí-tuệ siêu-việt ấy có được do từ đâu?

Trí-tuệ siêu-việt ấy có được do hai nguyên nhân:

- Trí-tuệ siêu-việt do nhờ tích lũy từ nhiều đời nhiều kiếp quá-khứ hỗ trợ.

- Trí-tuệ siêu-việt do phát sinh trong kiếp hiện-tại.

Đức-Phật thuyết dạy trong bài kinh Paññāsutta[2] về Trí-tuệ phát sinh trong kiếp hiện-tại, được tóm lược 8 điều chính yếu. Chư tỳ-khưu, chư tỳ-khưu-ni, cận-sự-nam, cận-sự-nữ muốn có được trí-tuệ cần phải hội đủ tám nhân phát sinh trí-tuệ như sau:

1- Tỳ-khưu đến nương nhờ nơi Đức-Phật hoặc bậc Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật, làm bậc Tôn Sư của mình, hết lòng tôn kính, có tâm biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, có đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật hoặc nơi bậc Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật, lắng nghe chánh-pháp của Đức-Phật.

Đó là nhân thứ nhất phát sinh trí-tuệ.

2- Tỳ-khưu lắng nghe chánh-pháp của Đức-Phật, hoặc bậc Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật, thường đến hầu đảnh lễ Đức-Phật hoặc bậc Thánh thanh-văn bạch hỏi những điều chưa hiểu rằng:

- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, pháp này có ý nghĩa như thế nào? Bạch Ngài.

- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, pháp này thực-hành như thế nào? Bạch Ngài, v.v…

Đức-Phật giảng giải cho hiểu rõ những pháp ấy. Đó là nhân thứ nhì phát sinh trí-tuệ.

3- Khi tỳ-khưu nghe hiểu rõ những pháp ấy làm cho thân tâm thanh-tịnh.

Đó là nhân thứ ba phát sinh trí-tuệ.

4- Tỳ-khưu là người có giới, giữ gìn giới tỳ-khưu, thực-hành các pháp hành tỳ-khưu, biết cẩn trọng trong sáu môn (nhãn-môn, nhĩ-môn, tỷ-môn, thiệt-môn, thân-môn, ý-môn) thanh-tịnh, thường thấy tai hoạ lớn trong lỗi nhỏ, giữ gìn giới tỳ-khưu cho được trong sạch thanh-tịnh.

Đó là nhân thứ tư phát sinh trí-tuệ.

5- Tỳ-khưu là bậc đa văn túc trí, học nhiều hiểu rộng, ghi nhớ thuộc lòng các Pháp-học Phật-giáo, thấu suốt pháp-hành Phật-giáo, có chánh-kiến thanh-tịnh, thuyết giảng chánh-pháp hay ở phần đầu, phần giữa, phần cuối, ý nghĩa sâu sắc, văn chương lưu loát.

Đó là nhân thứ năm phát sinh trí-tuệ.

6- Tỳ-khưu là người có chánh tinh-tấn không ngừng diệt các bất-thiện-pháp, để các thiện-pháp phát sinh, có đức nhẫn-nại, có sự tinh-tấn không ngừng, không từ bỏ phận sự, làm tăng trưởng mọi thiện-pháp.

Đó là nhân thứ sáu phát sinh trí-tuệ.

7- Tỳ-khưu đi vào nơi chư tỳ-khưu-Tăng hội, không nói chuyện nhảm, không nói lời vô ích, khi thì tự mình thuyết-pháp, khi thì thỉnh mời Ngài Đại-Trưởng-lão thuyết-pháp, không thì im lặng như bậc Thánh-nhân.

Đó là nhân thứ bảy phát sinh trí-tuệ.

8- Tỳ-khưu thực-hành pháp-hành thiền-tuệ phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ biết rõ sự sinh, sự diệt của ngũ-uẩn chấp thủ rằng:

- Sắc-uẩn chấp thủ là như vậy, sự sinh của sắc-uẩn chấp thủ là như vậy, sự diệt của sắc-uẩn chấp thủ là như vậy.

- Thọ-uẩn chấp thủ là như vậy, sự sinh của thọ-uẩn chấp thủ là như vậy, sự diệt của thọ-uẩn chấp thủ là như vậy.

- Tưởng-uẩn chấp thủ là như vậy, sự sinh của tưởng-uẩn chấp thủ là như vậy, sự diệt của tưởng-uẩn chấp thủ là như vậy.

- Hành-uẩn chấp thủ là như vậy, sự sinh của hành-uẩn chấp thủ là như vậy, sự diệt của hành-uẩn chấp thủ là như vậy.

- Thức-uẩn chấp thủ là như vậy, sự sinh của thức-uẩn chấp thủ là như vậy, sự diệt của thức-uẩn chấp thủ là như vậy.

Đó là nhân thứ tám phát sinh trí-tuệ.

Trí-Tuệ Có Ba Loại

- Sutamayapaññā: Trí-tuệ phát sinh do nghe từ các bậc thiện-trí, do học hỏi, nghiên cứu chánh-pháp.

- Cintāmayapaññā: Trí-tuệ phát sinh do suy xét, tư duy sâu sắc đúng đắn theo chánh-pháp.

- Bhavanāmayapaññā: Trí-tuệ thiền-tuệ phát sinh do thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới cho đến trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới đó là bốn Thánh-đạo-tuệ và bốn Thánh-quả-tuệ.

* Trí-tuệ phát sinh do nghe như thế nào?

Hạng thanh-văn đệ-tử có đức-tin trong sạch nơi bậc đại-thiện-trí, đến gần gũi thân cận với bậc đại-thiện-trí, lắng nghe chánh-pháp của bậc đại-thiện-trí, ghi nhớ hiểu rõ chánh-pháp của bậc đại-thiện-trí.

Đó là gọi là trí-tuệ phát sinh do nghe chánh-pháp của bậc đại-thiện-trí.

Chánh pháp là những pháp nào?

Chánh-pháp đó là 37 pháp Bodhipakkhiyadhamma: 37 pháp phát sinh bốn Thánh-đạo như sau:

* 4 pháp niệm-xứ (Satipaṭṭhāna):

1- Niệm thân: Thân là đối-tượng của chánh-niệm và trí-tuệ-tỉnh-giác. Thân có 14 đối-tượng thuộc về sắc-pháp.

2- Niệm thọ: Thọ là đối-tượng của chánh-niệm và trí-tuệ-tỉnh-giác. Thọ có một đối-tượng chia ra chín loại thọ, thuộc về danh-pháp.

3- Niệm tâm: Tâm là đối-tượng của chánh-niệm và trí-tuệ-tỉnh-giác. Tâm có một đối-tượng chia ra làm 16 loại tâm thuộc về danh-pháp.

4- Niệm pháp: Pháp là đối-tượng của chánh-niệm và trí-tuệ-tỉnh-giác. Pháp có năm loại thuộc về sắc-pháp, danh-pháp[3].

* 4 pháp tinh-tấn (Samappadhāna):

1- Tinh-tấn ngăn các ác-pháp chưa phát sinh, không cho phát sinh.

2- Tinh-tấn diệt ác-pháp đã phát sinh.

3- Tinh-tấn làm cho thiện-pháp phát sinh.

4- Tinh-tấn làm tăng trưởng thiện-pháp đã phát sinh.

* 4 pháp thành-tựu (Iddhipāda):

1-Thành tựu do hài lòng.

2-Thành tựu do tinh-tấn.

3-Thành tựu do quyết tâm.

4-Thành tựu do trí-tuệ.

* 5 pháp-chủ (Indriya):

1-Tín pháp-chủ. 2-Tấn pháp-chủ.

3-Niệm pháp-chủ. 4-Định pháp-chủ.

5-Tuệ pháp-chủ.

* 5 pháp-lực (Bala):

1-Tín pháp-lực.

2-Tấn pháp-lực.

3-Niệm pháp-lực.

4-Định pháp-lực.

5-Tuệ pháp-lực.

* 7 pháp giác-chi (Bojjhaṅga):

1-Niệm giác-chi.

2-Phân tích giác-chi.

3-Tinh-tấn giác-chi.

4-Hỷ giác-chi.

5-Tịnh giác-chi.

6-Định giác-chi.

7-Xả giác-chi.

* 8 pháp chánh-đạo (Magga):

1-Chánh-kiến.

2-Chánh-tư-duy.

3-Chánh-ngữ.

4-Chánh-nghiệp.

5-Chánh-mạng.

6-Chánh-tinh-tấn.

7-Chánh-niệm.

8-Chánh-định.

Nếu trường hợp các hàng thanh-văn đệ-tử không có cơ hội trực tiếp lắng nghe bậc đại-thiện-trí, thì nên đọc sách Tam-tạng Pāḷi, Chú-giải Pāḷi, hoặc nghe máy ghi âm lời giảng giải chánh-pháp của bậc đại-thiện-trí, hoặc nghiên cứu sách của bậc đại-thiện-trí, ghi nhớ hiểu rõ chánh-pháp của bậc đại-thiện-trí.

Đó cũng gọi là trí-tuệ phát sinh do nghe chánh-pháp của bậc đại-thiện-trí.

* Trí-tuệ phát sinh do suy xét, tư duy như thế nào?

Sau khi có trí-tuệ phát sinh do nghe chánh-pháp của bậc đại-thiện-trí làm nền tảng, rồi các hàng thanh-văn đệ-tử nên suy xét kỹ, tư duy sâu sắc, hiểu biết đúng đắn về chánh-pháp của bậc đại-thiện-trí.

Đó gọi là trí-tuệ phát sinh do suy xét, do tư duy sâu sắc đúng đắn theo chánh-pháp.

* Trí-tuệ thiền-tuệ phát sinh do thực-hành pháp-hành thiền-tuệ như thế nào?

Sau khi có trí-tuệ phát sinh do nghe và trí-tuệ phát sinh do hiểu biết đúng đắn, suy xét, tư duy sâu sắc đúng đắn theo chánh-pháp làm nền tảng, làm nơi nương nhờ, rồi các hàng thanh-văn đệ-tử nên thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, danh-pháp, trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ biết rõ ba trạng-thái chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, danh-pháp, trí-tuệ thiền-tuệ phát sinh theo tuần tự từ trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới cho đến trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới chứng-ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc bốn Thánh-đạo, bốn Thánh-quả và Niết-bàn.

Đó gọi là trí-tuệ thiền-tuệ phát sinh do thực-hành pháp-hành thiền-tuệ như sau:

* Hạng thanh-văn đệ-tử phàm nhân thuộc hạng người tam-nhân có giới-hạnh trong sạch trọn vẹn làm nơi nương nhờ, rồi thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được hai loại phiền-não là tà-kiến (diṭṭhi) và hoài-nghi (vicikicchā), trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.

* Bậc Thánh Nhập-lưu tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được một loại phiền-não là sân (dosa) loại thô, trở thành bậc Thánh Nhất-lai.

* Bậc Thánh Nhất-lai tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Bất-lai Thánh-đạo, Bất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được một loại phiền-não là sân (dosa) loại vi-tế, trở thành bậc Thánh Bất-lai.

* Bậc Thánh Bất-lai tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được bảy loại phiền-não còn lại là tham (lobha), si (moha), ngã-mạn (māna), buồn chán (thīna), phóng-tâm (uddhacca), không biết hổ-thẹn tội-lỗi (ahirika), không biết ghê-sợ tội-lỗi (anottappa) không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng.

Đó gọi là trí-tuệ thiền-tuệ phát sinh do thực-hành pháp-hành thiền-tuệ.

Cho nên, trong mười pháp-hạnh ba-la-mật, pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật là pháp-hạnh cao cả hơn chín pháp-hạnh ba-la-mật còn lại.

(Xong pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật bậc hạ)

 

Pháp-Hạnh Trí-Tuệ Ba-La-Mật Bậc Hạ

Tích Sambhavajātaka (Sam-bha-va cha-tá-ká)

Trong tích Sambhavajātaka[4] Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama cậu bé Sambhavakumāra tạo pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật bậc hạ (paññāpāramī).

Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh-thành Sāvatthi. Khi ấy, Đức-Phật thuyết về tích Sanbhavajātaka đề cập đến Đức-Bồ-tát Sambhavakumāra tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama tạo pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật bậc hạ. Tích này được bắt nguồn như sau:

Đức-vua Dhanañcayakorabya vị bà-la-môn thừa-tướng Sucirata là vị quân-sư của Đức-vua, dạy Đức-vua tạo mọi phước-thiện như bố-thí, thọ-trì ngũ-giới, v.v… nghiêm chỉnh thực-hành mười pháp-vương trị vì đất nước cho được thanh bình thịnh vượng, thần dân thiên hạ được sống an cư lạc nghiệp.

Một hôm, Đức-vua Dhanañcayakorabya suy tư về câu hỏi gọi là dhammayāga: (cúng-dường pháp), nên thỉnh vị bà-la-môn thừa-tướng Sucirata lên ngồi trên pháp-tòa, cung-kính lễ bái, rồi bạch hỏi câu hỏi bằng 4 câu kệ có ý nghĩa như sau:

- Kính bạch vị quân-sư Sucirata, Trẫm đã được lên ngôi vua cao cả trong đất nước này, Trẫm còn muốn ngôi vị cao hơn nữa, được làm lễ suy tôn lên ngôi đại-vương bá chủ trị vì trong toàn trái đất này bằng thiện-pháp, không phải là tà-pháp. Trẫm hoàn toàn không thích bằng tà-pháp.

- Kính bạch vị quân-sư Sucirata, thật ra, thực hành theo đúng thiện-pháp, đó là phận-sự của Đấng minh-quân.

- Kính bạch vị quân-sư Sucirata, do nhân nào Trẫm sẽ không bị chê trách trong kiếp hiện-tại này và những kiếp sau nữa, và Trẫm sẽ được tán dương ca tụng cả trong cõi người lẫn trong cõi trời dục-giới? Kính xin vị quân-sư tâu cho Trẫm biết rõ nhân ấy.

- Kính bạch vị quân-sư Sucirata, Trẫm mong muốn thực-hành nghiêm chỉnh đúng theo attha dhamma ấy. Trẫm đã bạch hỏi vị quân-sư rồi. Kính xin vị quân-sư tâu cho Trẫm biết rõ attha dhamma ấy.

Giảng Giải

Đức-vua Dhanañcayakorabya ngự tại kinh-thành Inda-patta rộng lớn bảy do-tuần[5], trị vì vùng Kuru rộng lớn 300 do-tuần. Đức-vua còn muốn trở thành ngôi vị đại-vương bá chủ trị vì trong toàn cõi trái đất này bằng thiện-pháp, không phải tà-pháp, bởi vì Đức-vua thực-hành theo thiện-pháp thì thần dân thiên hạ cũng thực-hành thiện-pháp, cho nên, thực-hành thiện-pháp đó là phận sự của đấng minh-quân trong đời.

Đức-vua Dhanañcayakorabya bạch hỏi vị bà-la-môn quốc-sư Sucirata rằng:

“Trẫm nên thực-hành attha dhamma như thế nào? Để Trẫm không bị chê trách trong kiếp hiện-tại và những kiếp vị-lai của Trẫm, không bị tái-sinh kiếp sau tronng cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh).

Khi Trẫm trở thành Đại-vương cao cả, sẽ được tán dương ca tụng trong cõi người và cõi trời dục-giới.

Khi Trẫm thực-hành nghiêm chỉnh đúng theo attha dhamma ấy, sẽ dẫn đến chứng ngộ Niết-bàn, và tế độ,

hỗ trợ cho các chúng-sinh khác cũng chứng ngộ Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.

Trẫm đã bạch hỏi vị quân-sư rồi. Kính xin vị quân-sư tâu cho Trẫm biết rõ attha dhamma ấy.

Nghĩa hai pháp attha dhamma

- Attha có nghĩa là phalavipāka: quả của nhân.

- Dhamma có nghĩa là tassa atthassa hetubhūtaṃ: nhân của quả ấy.

Sau khi vị bà-la-môn quân-sư Sucirata nghe Đức-vua Dhanañcayakorabya bạch hỏi câu hỏi như vậy, biết đó là câu hỏi vô cùng sâu sắc, câu hỏi này chỉ nên bạch hỏi đến Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác mà thôi, nếu không có Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác thì chỉ nên bạch hỏi đến Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác mà thôi.

Vị bà-la-môn quân-sư Sucirata suy xét rằng:

“Ta không phải là Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác, nên không có khả năng giải đáp câu hỏi này được. Ta không thể tự cho mình là paṇḍita (bậc thiện-trí).”

Biết mình không có khả năng giải đáp câu hỏi ấy của Đức-vua, cho nên, vị bà-la-môn quân-sư Sucirata tâu với Đức-vua Dhanañcayakorabya bằng câu kệ rằng:

-Muôn tâu Đại-vương, Đại-vương muốn biết thực-hành theo attha dhamma nào, đó là câu hỏi vô cùng sâu sắc, ngoài vị bà-la-môn Vidhura ra, không có vị nào có có khả năng chỉ dạy attha dhamma ấy được.

Thật ra, câu hỏi của Đức-vua Dhanañcayakorabya là câu hỏi rất sâu sắc và vô cùng vi-tế, ngoài khả năng hiểu biết của vị bà-la-môn quân-sư Sucirata. Vì vậy, vị bà-la-môn quân-sư không thấy phần khởi đầu, phần cuối cùng của câu hỏi, giống như người đi vào chỗ tăm tối. Vị bà-la-môn quân-sư biết chỉ có vị bà-la-môn Vidhura có trí-tuệ xuất sắc, là vị quan thừa-tướng của Đức-vua Bārāṇasī mới có khả năng giải đáp được câu hỏi này mà thôi.

Ngoài vị bà-la-môn Vidhura ấy ra, không có vị nào khác có khả năng chỉ dạy attha dhamma rõ ràng được.

Nghe vị bà-la-môn quân-sư Sucirata tâu rõ như vậy, nên Đức-vua Dhanañcayakorabya truyền thưa rằng:

-Kính thưa vị bà-la-môn quân-sư Sucirata, Trẫm xin phái quân-sư làm sứ giả đem theo một tấm vàng để ghi chép lời attha và dhamma của vị bà-la-môn Pháp-sư Vidhura, và 1000 thỏi vàng làm quà cúng-dường đến vị Pháp-sư. Vị bà-la-môn quân-sư Sucirata ngồi trên chiếc xe sang trọng cùng với nhóm thuộc hạ rời khỏi kinh-thành Indapatta, đi thẳng đến kinh-thành Bārāṇasī.

Vị bà-la-môn quân-sư Sucirata cùng với nhóm thuộc hạ đến tư dinh của vị bà-la-môn Vidhura vào buổi sáng, thấy vị bà-la-môn Vidhura đang dùng bữa ăn sáng.

Nhìn thấy vị bà-la-môn quân-sư Sucirata, vốn là bạn đồng môn cùng học một thầy với nhau trong thời trẻ, nên vị bà-la-môn Vidhura tỏ ra vô cùng hoan hỷ, mời dùng bữa ăn sáng với nhau.

Sau khi dùng bữa ăn sáng xong, hai vị bà-la-môn bạn hữu hàn huyên tâm sự với nhau, vị bà-la-môn Vidhura bèn hỏi rằng:

- Này bạn thân mến! Bạn đến thăm tôi có việc gì vậy?

Vị bà-la-môn quân-sư Sucirata thưa với vị bà-la-môn Vidhura rằng:

- Kính thưa vị bà-la-môn Vidhura, tôi là vị bà-la-môn quân-sư của Đức-vua Dhanañcayakorabya, khi Đức-vua truyền hỏi câu hỏi về dhammayāga, tôi không có khả năng giải đáp được câu hỏi về attha dhamma ấy, tôi mới giới thiệu về bạn là người có khả năng giải đáp được câu hỏi về attha dhamma ấy, nên Đức-vua Dhanañcayakorabya phái tôi làm sứ giả tìm đến gặp bạn, xin hỏi câu hỏi về attha dhamma.

Bây giờ, tôi đã hỏi bạn về attha dhamma rồi. Kính xin bạn giải đáp chỉ dạy attha dhamma ấy cho tôi.

Nghe vị bà-la-môn quân-sư Sucirata của Đức-vua Dhanañcayakorabya hỏi câu hỏi về attha dhamma, vị bà-la-môn Vidhura đang bận lo công việc đại sự khác, nên không có cơ-hội giải đáp được câu hỏi về attha dhamma ấy, nên vị bà-la-môn Vidhura thưa với vị bà-la-môn quân-sư Sucirata rằng:

-Kính thưa vị bà-la-môn quân-sư Sucirata, tôi đang bận công việc đại sự khác, nên bây giờ không có cơ hội giải đáp được câu hỏi về attha dhamma ấy.

Xin bạn thông cảm, tôi có công-tử lớn tên Bhadrakāra là bậc thiện-trí có trí-tuệ hơn cả tôi, công-tử ấy có khả năng giải đáp câu hỏi về attha dhamma ấy. Bạn hãy nên đến tư thất của nó.

Nghe vị bà-la-môn Vidhura giới thiệu đến công-tử như vậy, vị bà-la-môn quân-sư Sucirata tìm đến tư thất của công-tử Bhadrakāra, thấy của công-tử Bhadrakāra đang ngồi trong nhà giữa nhóm người thuộc hạ.

Nhìn thấy vị bà-la-môn quân-sư Sucirata đến, công-tử Bhadrakāra ra đón rước mời vào phòng khách tiếp đãi tử tế niềm nở, cung-kính lễ bái, rồi thưa hỏi nguyên-nhân đến gặp công-tử hôm nay.

Vị bà-la-môn quân-sư Sucirata thưa với công-tử

Bhadrakāra rằng:

-Thưa công-tử Bhadrakāra, tôi là vị bà-la-môn quân-sư của Đức-vua Dhanañcayakorabya, khi Đức-vua truyền hỏi về dhammayāga, tôi không có khả năng giải đáp được câu hỏi về attha dhamma ấy, Đức-vua Dhanañcayakorabya phái tôi làm sứ giả tìm đến gặp vị bà-la-môn Vidhura là phụ thân của công-tử, xin hỏi câu hỏi về attha dhamma, thì phụ thân của công-tử giới thiệu đến gặp công-tử có khả năng giải đáp được câu hỏi về attha dhamma ấy.

Bây giờ, tôi đã hỏi công-tử câu hỏi về attha dhamma rồi. Kính xin công-tử giải đáp về attha dhamma ấy cho tôi.

Nghe vị bà-la-môn quân-sư của Đức-vua Dhanañcaya-korabya thưa hỏi như vậy, công-tử Bhadrakāra kính thưa rằng:

-Kính thưa phụ thân Sucirata, con đang bị phiền-não khống chế hằng ngày, nên tâm của con không được sáng suốt. Vì vậy, con không thể giải đáp câu hỏi về attha dhamma ấy cho phụ thân được. Con có người em trai tên Sañjayakumāra là bậc thiện-trí có trí-tuệ hơn con nhiều, em của con có khả năng giải đáp câu hỏi về attha dhamma ấy cho phụ thân được. Xin phụ thân tìm đến tư thất của em con.

Nghe công-tử Bhadrakāra giới thiệu người em như vậy, vị bà-la-môn quân-sư Sucirata rời khỏi tư thất của công-tử Bhadrakāra, tìm đến tư thất của công-tử Sañjayakumāra.

Nhìn thấy vị bà-la-môn quân-sư Sucirata đến, công-tử Sañjayakumāra ra đón rước mời vào phòng khách tiếp đãi tử tế niềm nở, cung-kính lễ bái, rồi thưa hỏi nguyên-nhân đến gặp công-tử hôm nay.

Vị bà-la-môn quân-sư Sucirata thưa với công-tử Sañjayakumāra rằng:

-Thưa công-tử Sañjayakumāra, tôi là vị bà-la-môn quân-sư của Đức-vua Dhanañcayakorabya, khi Đức-vua truyền hỏi về dhammayāga, tôi không có khả năng giải đáp được câu hỏi về attha dhamma ấy, Đức-vua Dhanañcayakorabya phái tôi làm sứ giả tìm đến gặp vị bà-la-môn Vidhura là phụ thân của công-tử, xin hỏi câu hỏi về attha dhamma ấy, phụ thân của công-tử không giải đáp câu hỏi mà giới thiệu đến gặp công-tử lớn Bhadrakāra. Công-tử Bhadrakāra cũng không giải đáp câu hỏi mà giới thiệu đến gặp công-tử có khả năng giải đáp được câu hỏi về attha dhamma ấy.

Bây giờ, tôi đã hỏi cậu về attha dhamma ấy rồi. Kính xin cậu giải đáp câu hỏi, chỉ dạy attha dhamma ấy cho tôi.

Nghe vị bà-la-môn quân-sư của Đức-vua Dhanañcaya-korabya thưa như vậy, cậu Sañjayakumāra kính thưa rằng:

-Kính thưa phụ thân Sucirata, con đang bị ác-nghiệp làm khổ tâm, tử thần theo dõi ngày đêm, nên tâm bị phiền-não làm ô nhiễm. Vì vậy, con không thể giải đáp câu hỏi về attha dhamma ấy cho phụ thân được. Con có người em trai tên Sambhavakumāra mới lên 7 tuổi, nhưng là bậc thiện-trí có trí-tuệ hơn con gấp trăm lần, gấp ngàn lần, gấp trăm ngàn lần, em trai của con có khả năng giải đáp câu hỏi về attha dhamma ấy cho phụ thân được. Xin phụ thân tìm đến gặp em của con.

Nghe công-tử Sañjayakumāra giới thiệu người em như vậy, vị bà-la-môn quân-sư Sucirata bảo rằng:

-Này các người! Câu hỏi về attha dhamma này phi thường đến thế sao?

Tôi đã từng hỏi người cha là vị bà-la-môn Vidhura là bậc thiện-trí có trí-tuệ xuất sắc không giải đáp câu hỏi, mà giới thiệu tôi tìm đến công-tử lớn tên Bhadrakāra, công-tử Bhadrakāra không giải đáp câu hỏi ấy, mà lại giới thiệu tôi tìm đến công-tử Sañjayakumāra. Tôi đã tìm đến công-tử Sañjayakumāra, công-tử cũng không giải đáp câu hỏi ấy, mà lại giới thiệu tôi tìm đến công-tử Sambhavakumāra mới lên bảy tuổi.

Vậy công-tử trẻ Sambhavakumāra mới lên bảy tuổi mà có khả năng giải đáp câu hỏi về attha dhamma này được hay sao?

Nghe vị bà-la-môn quân-sư Sucirata truyền bảo như vậy, công-tử Sañjayakumāra kính thưa với vị bà-la-môn quân-sư Sucirata rằng:

-Kính thưa phụ thân Sucirata, xin phụ thân không nên nghĩ rằng: “Sambhavakumāra còn thơ ấu”. Nếu phụ thân muốn nghe giải đáp câu hỏi ấy, thì phụ thân hỏi câu hỏi về attha dhamma ấy thì sẽ biết rõ ngay.

Công-tử Sañjayakumāra tán dương ca tụng tài đức của công-tử Sambhavakumāra em trai như sau:

-Kính thưa phụ thân Sucirata, khi Ngài chưa hỏi công-tử Sambhavakumāra câu hỏi về attha dhamma ấy, thì Ngài không nên nghĩ công-tử còn thơ ấu, khi Ngài hỏi công-tử Sambhavakumāra câu hỏi về attha dhamma ấy rồi, thì Ngài sẽ hiểu biết được attha dhamma ấy rõ ràng.

Như mặt trăng di chuyển trên bầu trời trong sáng không có mây che, ánh trăng tỏa sáng hơn các vì sao như thế nào, tuy công-tử Sambhavakumāra vẫn còn thơ ấu, nhưng trí-tuệ siêu-việt sáng ngời nổi bật hơn hẳn các bậc thiện-trí trong đời cũng như thế ấy.

- Kính thưa phụ thân Sucirata, khi Ngài chưa hỏi công-tử Sambhavakumāra câu hỏi về attha dhamma ấy, thì Ngài không nên nghĩ công-tử còn thơ ấu, khi Ngài hỏi công-tử Sambhavakumāra câu hỏi về attha dhamma ấy rồi, thì Ngài sẽ hiểu biết được attha dhamma ấy rõ ràng.

- Kính thưa phụ thân Sucirata, tháng 5 trong mùa mát trời đẹp hơn các tháng khác về màu xanh của cây, và các thứ hoa như thế nào, tuy công-tử Sambhavakumāra vẫn còn thơ ấu, nhưng trí-tuệ siêu-việt sáng ngời nổi bật hơn hẳn các bậc thiện-trí trong đời cũng như thế ấy.

- Kính thưa phụ thân Sucirata, khi Ngài chưa hỏi công-tử Sambhavakumāra câu hỏi về attha dhamma ấy, thì Ngài không nên nghĩ công-tử còn thơ ấu, khi Ngài hỏi công-tử Sambhavakumāra câu hỏi về attha dhamma ấy rồi, thì Ngài sẽ hiểu biết được attha dhamma ấy rõ ràng.

- Kính thưa phụ thân Sucirata, núi Himavanta (núi Hi-mã-lạp-sơn) gọi là gandhamādana có nhiều loại cây rừng, là chỗ trú ngụ của chư vị thiên-nam, thiên-nữ xinh đẹp có mùi hương thơm tho tỏa khắp mọi nơi với thiên dược như thế nào, tuy công-tử Sambhavakumāra vẫn còn thơ ấu, nhưng trí-tuệ siêu-việt tuyệt vời nổi bật hơn hẳn các bậc thiện-trí trong đời cũng như thế ấy.

- Kính thưa phụ thân Sucirata, khi Ngài chưa hỏi công-tử Sambhavakumāra câu hỏi về attha dhamma ấy, thì Ngài không nên nghĩ công-tử còn thơ ấu, khi Ngài hỏi công-tử Sambhavakumāra câu hỏi về attha dhamma ấy rồi, thì Ngài sẽ hiểu biết được attha dhamma ấy rõ ràng.

- Kính thưa phụ thân Sucirata, ngọn lửa rừng cháy dữ dội, các cây nhỏ cây lớn đều làm mồi của lửa không biết chán, cháy lan lên đến đỉnh núi cao vào ban đêm, ánh sáng rực rỡ toả khắp mọi nơi trong rừng như thế nào, tuy công-tử Sambhavakumāra vẫn còn thơ ấu, nhưng trí-tuệ siêu-việt tuyệt vời nổi bật hơn hẳn các bậc thiện-trí trong đời cũng như thế ấy.

- Kính thưa phụ thân Sucirata, khi Ngài chưa hỏi công-tử Sambhavakumāra câu hỏi về attha dhamma ấy, thì Ngài không nên nghĩ công-tử còn thơ ấu, khi Ngài hỏi công-tử Sambhavakumāra câu hỏi về attha dhamma ấy rồi, thì Ngài sẽ hiểu biết được attha dhamma ấy rõ ràng.

-Kính thưa phụ thân Sucirata, mọi người biết được ngựa báu do nhờ bốn chân ngựa phi đường xa, không phải là hình dáng màu sắc, mọi người biết được bò khỏe mạnh cao quý do nhờ chuyên chở hàng hóa trên đường xa, mọi người biết được bò sữa tốt do nhờ có nhiều sữa tốt, chư bậc thiện-trí biết được bậc thiện-trí cao thượng do nhờ đàm đạo về chánh-pháp với nhau như thế nào, tuy công-tử Sambhavakumāra vẫn còn thơ ấu, nhưng trí-tuệ siêu-việt tuyệt vời nổi bật hơn hẳn các bậc thiện-trí trong đời cũng như thế ấy.

- Kính thưa phụ thân Sucirata, khi Ngài chưa hỏi công-tử Sambhavakumāra câu hỏi về attha dhamma ấy, thì Ngài không nên nghĩ công-tử còn thơ ấu, khi Ngài hỏi công-tử Sambhavakumāra câu hỏi về attha dhamma ấy rồi, thì Ngài sẽ hiểu biết được attha dhamma ấy rõ ràng.

Khi công-tử Sañjayakumāra tán dương ca tụng tài đức của công-tử Sambhavakumāra em trai mới lên bảy tuồi như vậy, vị bà-la-môn quân-sư Sucirata hỏi rằng:

- Này công-tử Sañjayakumāra! Công-tử Sambhava-kumāra em trai của công-tử hiện nay ở đâu vậy?

Khi ấy, công-tử Sañjayakumāra đứng dậy dẫn vị bà-la-môn quân-sư Sucirata đi đến cánh cửa sổ, rồi chỉ xuống dưới có công-tử Sambhavakumāra, có màu da trong sáng như màu vàng, đang chơi đùa với các bạn trẻ gần cửa ra vào lâu đài.

-Xin mời Ngài đi xuống gặp công-tử Sambhava-kumāra hỏi câu hỏi về attha dhamma ấy, công-tử Sambhavakumāra sẽ giải đáp câu hỏi của Ngài, rồi Ngài sẽ hiểu biết rõ về attha dhamma ấy.

Sau khi nghe công-tử Sañjayakumāra chỉ dẫn như vậy, vị bà-la-môn quân-sư Sucirata bước xuống lâu đài, đi thẳng về phía công-tử Sambhavakumāra đang đứng vui chơi với các bạn trẻ.

Thấy vị bà-la-môn quân-sư Sucirata đứng trước mặt, nên công-tử Sambhavakumāra bèn thưa rằng:

- Kính thưa vị bà-la-môn, Ngài đến đây có việc gì không?

Vị bà-la-môn quân-sư Sucirata kính thưa rằng:

- Kính thưa công-tử Sambhavakumāra, tôi là vị bà-la-môn quân-sư của Đức-vua Dhanañcayakorabya, khi Đức-vua truyền hỏi về dhammayāga như vậy, tôi không có khả năng giải đáp được câu hỏi về attha dhamma ấy. Đức-vua Dhanañcayakorabya phái tôi làm sứ giả tìm đến gặp vị bà-la-môn Vidhura là phụ thân của công-tử, xin hỏi câu hỏi về attha dhamma ấy, thì phụ thân của công-tử không giải đáp câu hỏi mà giới thiệu đến gặp công-tử Bhadrakāra. Công-tử Bhadrakāra không giải đáp câu hỏi mà giới thiệu đến công-tử Sañjayakumāra. Công-tử Sañjayakumāra cũng không giải đáp câu hỏi mà giới thiệu đến công-tử có khả năng giải đáp được câu hỏi về attha dhamma ấy. Đó là nguyên-nhân tôi tìm đến gặp công-tử hôm nay, kính xin công-tử giải đáp hỏi câu hỏi dhammayāga ấy.

- Kính thưa công-tử Sambhavakumāra, Đức-vua Dhanañcayakorabya bạch hỏi tôi câu hỏi như sau:

- “Này quân-sư Sucirata, Trẫm đã được lên ngôi vua cao cả trong đất nước này, Trẫm còn muốn ngôi vị cao hơn nữa, được làm lễ suy tôn lên ngôi đại-vương bá chủ trị vì trong toàn trái đất này bằng thiện-pháp, không phải là tà-pháp. Trẫm hoàn toàn không thích bằng tà-pháp.

- Này quân-sư Sucirata, thật ra, thực-hành theo đúng thiện-pháp, đó là phận-sự của Đấng minh-quân.

- Này quân-sư Sucirata, do nhân nào Trẫm sẽ không bị chê trách trong kiếp hiện-tại này và những kiếp sau nữa, và Trẫm sẽ được tán dương ca tụng cả trong cõi người lẫn trong cõi trời dục-giới? Xin vị quân-sư tâu cho Trẫm biết rõ nhân ấy.

- Này quân-sư Sucirata, Trẫm mong muốn thực hành nghiêm chỉnh đúng theo attha dhamma ấy. Trẫm đã bạch hỏi vị quân-sư rồi. Kính xin vị quân-sư tâu cho Trẫm biết rõ attha dhamma ấy.”

Đó là câu hỏi của Đức-vua Dhanañcayakorabya mà tôi không có khả năng giải đáp được, tôi cũng đã hỏi câu hỏi này đến vị bà-la-môn Vidhura là phụ thân của công-tử, đến công-tử Bhadrakāra, đến công-tử Sañjayakumāra là huynh của công-tử đều không giải đáp câu hỏi của tôi. Đó là nguyên-nhân tôi tìm đến gặp công-tử hôm nay.

- Kính xin công-tử giải đáp câu hỏi dhammayāga ấy, chỉ rõ về attha dhamma ấy cho tôi.

Khi ấy, công-tử Bồ-Tát Sambhavakumāra, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama đang đứng giữa đường nhận lời sẽ giải đáp câu hỏi ấy với giọng nói phát ra âm thanh vang khắp kinh-thành Bārāṇasī khoảng 12 do-tuần. Đức-vua và các quan trong triều đình cùng toàn thể dân chúng trong kinh-thành Bārāṇasī đều đến tụ hội nghe công-tử Bồ-Tát Sambhavakumāra đứng giữa đám đông đại chúng trả lời câu hỏi ấy.

-Kính thưa phụ thân Sucirata, xin phụ thân hãy lắng nghe, tôi sẽ giải đáp câu hỏi của Ngài bằng lời của bậc thiện-trí, còn Đức-vua Dhanañcayakorabya hiểu biết được attha dhamma ấy, rồi có thực-hành theo đúng attha dhamma ấy được hay không, điều ấy không biết.

Công-tử Bô-tát Sambhavakumāra giải đáp câu hỏi của vị bà-la-môn quân-sư Sucirata rằng:

- Kính thưa phụ thân Sucirata, Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác giải đáp câu hỏi ấy như thế nào, tôi sẽ giải đáp câu hỏi ấy cũng như thế ấy, để cho Đức-vua của Ngài hiểu biết được, sau khi Đức-vua đã hiểu biết được attha dhamma ấy, rồi Đức-vua có thự-hành hoặc không thực hành theo attha dhamma ấy, điều ấy tùy thuộc vào khả năng của Đức-vua của Ngài, tôi không có lỗi.

Công-tử Bồ-tát Sambhavakumāra, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotam,a giải đáp câu hỏi dhammayāga bằng năm câu kệ như sau:

- Kính thưa phụ thân Sucirata, nếu Đức-vua của phụ thân truyền hỏi các quan rằng:

“Hôm nay, chúng ta nên tạo mọi phước-thiện.” Nếu các quan tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ-hạ, ngày mai, chúng ta sẽ tạo mọi phước-thiện.

Đức-vua của Ngài thuộc dòng dõi Yudhiṭṭhila không để cho ngày hôm ấy trôi qua với sự dể duôi (thất niệm) khi đại-thiện-tâm phát sinh. Vì vậy, Đức-vua không nên nghe theo lời tâu của vị quan ấy.

- Kính thưa phụ thân Sucirata, nếu khi Đức-vua truyền hỏi câu hỏi, thì phụ thân chỉ nên tâu rằng: ngũ-uẩn chấp-thủ đều có trạng-thái vô-thường mà thôi.

Người phàm-nhân si mê không biết suy xét, nên có ác-tâm nghĩ trong tà-kiến. Còn Đức-vua của phụ thân có đại-thiện-tâm nghĩ trong chánh-kiến, chỉ nên thực-hành 10 đại-thiện-nghiệp bằng thân, khẩu, ý mà thôi.

Phụ thân nên tâu lên Đức-vua như vậy.

- Kính thưa phụ thân Sucirata, Ngài nên tâu lên Đức-vua rằng: Không nên coi thường kiếp người đang sinh sống trong cõi thiện-giới, không nên tạo ác-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau trong bốn cõi ác-giới, không nên hành-ác bằng thân, khẩu, ý, không nên có tà-kiến, không nên tạo mọi ác-nghiệp cho quả khổ.

- Kính thưa phụ thân Sucirata, con đã giải đáp câu hỏi dhammayāga ấy, Đức-vua nào mong muốn thực-hành đúng theo attha là quả của nhân, dhamma là nhân sinh quả ấy, thì Đức-vua ấy sẽ có mọi thiện-pháp được tăng trưởng như vầng trăng sáng trong thời-kỳ trăng lên như vậy.

Đức-vua ấy được hoàng tộc yêu mến, được các quan quân trong triều cùng với thần dân thiên hạ trong nước đều kính yêu.

Sau khi Đức-vua ấy băng hà, đại-thiện-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam cao-thượng trên cõi trời dục-giới ấy, hưởng mọi sự an-lạc cho đến khi hết tuổi thọ.

Chú-Giải Ý Nghĩa Bài Kệ

Trong phần Chú-giải giảng giải về ý nghĩa các bài kệ:

- Kính thưa phụ thân Sucirata, nếu Đức-vua của phụ thân truyền hỏi các quan rằng:

“Hôm nay chúng ta nên tạo phước-thiện bố-thí, giữ-giới, thọ-trì bát-giới uposathasīla.”

Nếu có vị quan tâu lên Đức-vua rằng:

- Muôn tâu Bệ-hạ, hôm nay chúng ta nên sát sinh để ăn thịt, uống rượu, hưởng dục lạc, rồi ngày mai chúng ta sẽ tạo mọi phước-thiện.

Đức-vua của Ngài thuộc dòng dõi Yudhiṭṭhila, không nên nghe theo lời tâu của vị quan ấy, không nên sống trong ngày hôm ấy mà để thời gian trôi qua với sự dể duôi (thất niệm) (taṃ divasaṃ pamādena vītināmento mā avasi), khi đại-thiện-tâm phát sinh không để cho hoại, chỉ nên cố gắng tinh-tấn làm cho mọi thiện-pháp tăng trưởng mà thôi.

Trong kinh Bhaddekarattasutta, Đức-Phật dạy rằng:

“Ajjeva kiccamātappaṃ, ko jaññā maraṇaṃ suve.”[6]

Bậc thiện-trí nên tinh-tấn hoàn thành xong phận-sự ngay trong ngày hôm nay, ai biết được sự chết sẽ xảy ra trong ngày mai.

Trong Dhammapadaṭṭhakathā, Đức-Phật dạy câu kệ về

pháp dể duôi rằng:

“Appamādo amtaṃ padaṃ, pamādo maccuno padaṃ. Appamattā na mīyanti, ye pamattā yathā matā.”[7]

Bậc thiện-trí không có dể duôi trong mọi thiện-pháp (có chánh-niệm) là con đường dẫn đến Niết-bàn bất tử.

Người thiểu-trí có dể duôi trong mọi thiện-pháp là con đường dẫn đến sự chết.

Chư bậc thiện-trí nào không có dể duôi trong mọi thiện-pháp, chư bậc thiện-trí ấy dù có chết cũng như không chết.

Những người thiểu-trí nào dể duôi trong mọi thiện-pháp, những người thiểu-trí ấy dù còn sống cũng như đã chết.

Khi Đức-vua Dhanañcayakorabya của Ngài truyền hỏi rằng:

-Này quân-sư Sucirata! Khi khanh hỏi câu hỏi dhammyāga, công-tử Sambhavapaṇḍita giải đáp thế nào?

-Kính thưa phụ thân Sucirata, xin Ngài tâu lên Đức-vua của Ngài về pháp bên trong đó là ngũ-uẩn chấp-thủ (sắc-uẩn, thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn) là pháp vô-thường có rồi lại không có bằng câu kệ rằng:

“Sabbe saṅkhārā aniccā’ti, yadā paññāya passati. Atha nibbindati dukkhe, esa maggo visuddhiyā.”[8]

Khi nào hành-giả phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ rằng: tất cả các pháp-hữu-vi sắc-pháp, danh-pháp ngũ-uẩn chấp-thủ đều có trạng-thái vô-thường.

Khi thấy rõ biết rõ sự-thật như vậy, phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ nhàm chán trong khổ-đế, trí-tuệ thiền-tuệ nhàm chán ấy là đạo thanh-tịnh giải thoát khổ.

“Aniccā vata saṅkhārā, uppādavayadhammino. Uppajjitvā nirujjhanti, tesaṃ vūpasamo sukho.”[9]

Sự-thật, các pháp-hữu-vi sắc-pháp, danh-pháp đều là vô-thường, có trạng-thái sinh rồi diệt là thường.

Sau khi sinh rồi tất cả đều diệt, sự diệt tận của các pháp ấy là an-lạc thật sự.

-Kính thưa phụ thân Sucirata, hạng phàm-nhân si-mê không biết nên có mọi tà-kiến. Ngài nên tâu với Đức-vua của Ngài, Đức-vua có trí-tuệ hiểu biết, không nên có tà-kiến như vậy, nên thực-hành mười đại-thiện-nghiệp bằng thân, khẩu, ý.

Đức-vua không nên coi thường kiếp người đang sinh sống trong cõi thiện-giới, những người nào bỏ qua ba pháp hành-thiện bằng thân, khẩu, ý trong cõi người, mà tạo ba pháp hành-ác bằng thân, khẩu, ý.

Sau khi những người ấy chết, ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau trong bốn cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh). Cho nên, Đức-vua không nên tạo ba pháp hành-ác bằng thân, khẩu, ý ấy.

Đức-vua không nên có mọi tà-kiến, không nên tạo mọi ác-nghiệp cho quả khổ.

-Kính thưa phụ thân Sucirata, con đã giải đáp câu hỏi dhammayāga ấy, nếu Đức-vua nào mong muốn thực-hành đúng theo attha là quả của nhân, dhamma là nhân sinh quả ấy. thì Đức-vua ấy phải có giới-hạnh trong sạch trọn vẹn, có trí-tuệ sáng suốt, sẽ có được mọi phước-thiện dược tăng trưởng như vầng trăng sáng trong thời-kỳ trăng lên như vậy.

Công-tử Bồ-tát Sambhavakumāra, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, giải đáp câu hỏi dhammayāga của vị bà-la-môn quân-sư Sucirata của Đức-vua Dhanañcayakorabya rõ ràng ví như lời giải đáp của Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, giống như mặt trăng hiện trên bầu trời trong sáng không có mây che phủ.

Toàn thể hội chúng đều tán dương ca tụng nói lên lời sādhu vang rền cả không gian, Đức-vua Bārāṇasī cúng-dường pháp bằng những phẩm vật cao quý đến công-tử Bồ-tát Sambhavakumāra, cùng với mọi người cúng-dường pháp bằng các vật quý báu của mình.

Riêng vị bà-la-môn quân-sư Sucirata của Đức-vua Dhanañcayakorabya cúng-dường 1000 lượng vàng, liền ghi chép toàn lời giải đáp câu hỏi dhammayāga trên tấm biển vàng.

Vị bà-la-môn quân-sư Sucirata đảnh lễ, xin bái biệt công-tử Bồ-tát Sambhavakumāra, rồi lên đường trở về kinh thành Indapatta, xin vào đảnh lễ yết kiến Đức-vua Dhanañcayakorabya tâu trình tấm biển vàng ghi chép toàn lời giải đáp câu hỏi dhammayāga của công-tử Bồ-tát Sambhavakumāra lên Đức-vua.

Đức-vua Dhanañcayakorabya nghiêm chỉnh thực-hành đúng theo lời dạy của công-tử Bồ-tát Sambhavapaṇḍita.

Đức-Thế-Tôn thuyết giảng Sambhavajātaka tích công-tử Bồ-tát Sambhavakumāra tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama xong, Đức-Phật truyền dạy chư tỳ-khưu rằng:

- Này chư tỳ-khưu! Nay kiếp hiện-tại Như-lai là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu việt đó không phải là điều phi thường, dù trong những tiền-kiếp của Như-lai khi còn là Đức-Bồ-tát cũng vẫn có trí-tuệ siêu-việt vậy.

Tích Sabhavajātaka Liên Quan Đến Kiếp Hiện-Tại

Trong tích Sambhavajātaka này, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm công-tử Bồ-tát Sambhava-kumāra trong thời quá khứ. Đến khi Đức-Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian, thì hậu kiếp của những nhân vật trong tích Sambhavajātaka ấy liên quan đến kiếp hiện-tại của những nhân vật ấy như sau:

- Đức-vua Dhanañcayakorabya, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Ānanda.

- Vị bà-la-môn quân-sư Sucirata, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Anuruddha.

- Vị bà-la-môn Vidhura, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng lão Ariyakassapa.

- Công-tử Bhadara, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna.

- Công-tử Sañjaya, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta.

-Công-tử Bồ-tát Sambhavakumāra nay kiếp hiện-tại là Đức-Phật Gotama.

Mười Pháp-Hạnh Ba-La-Mật

Tóm lược tích Công-tử Bồ-tát Sambhavakumāra tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama mới lên bảy tuổi đã tạo pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật bậc hạ, ngoài ra, có 8 pháp-hạnh ba-la-mật phụ khác cũng đồng thời thành tựu như sau:

- Công-tử Bồ-tát Sambhavakumāra tạo mọi phước thiện bố-thí pháp, đó là pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật.

- Công-tử Bồ-tát Sambhavakumāra giữ gìn giới, đó là pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật.

- Công-tử Bồ-tát Sambhavakumāra có sự tinh-tấn không ngừng, đó là pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật.

- Công-tử Bồ-tát Sambhavakumāra có đức nhẫn-nại, đó là pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật.

- Công-tử Bồ-tát Sambhavakumāra nói lời chân-thật, đó là pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật.

- Công-tử Bồ-tát Sambhavakumāra phát-nguyện bằng lời chân thật, đó là pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật.

- Công-tử Bồ-tát Sambhvakumāra có tâm-từ đối với mọi người, mọi chúng-sinh, đó là pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật.

- Công-tử Bồ-tát Sambhavakumāra có tâm-xả đối với mọi chúng-sinh, đó là pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật.

Đó là tám pháp-hạnh ba-la-mật phụ đồng thời thành tựu cùng với pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật bậc hạ này.

Nhận Xét Về Công-Tử Bồ-Tát Sambhavakumāra

Trong tích Sambhavajātaka này, Đức-Bồ-tát công-tử Sambhavakumāra là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, mới lên bảy tuổi tạo pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật bậc hạ (paññāpāramī).

Khi công-tử Bồ-tát Sambhavakumāra mới lên bảy tuổi có trí-tuệ siêu-việt nổi bật hơn hẳn đối với tất cả mọi bậc thiện-trí có trí-tuệ trong đời, không có một ai sánh được.

Pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật bậc hạ là một trong mười pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ, cũng là một trong 30 pháp-hạnh ba-la-mật mà Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải thực-hành cho được đầy đủ trọn vẹn, để trở thành Đức-Phật Chánh Đẳng Giác (Sammāsambuddha).

Trí-tuệ ba-la-mật đó là trí-tuệ tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ sáng suốt thấy rõ, biết rõ thật-tánh của tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp.

Trí-tuệ vốn có đối với các hạng người tam-nhân (tihetukapuggala) từ khi đầu thai làm người trong lòng mẹ, cho nên, khi sinh ra đời, tuy còn thơ ấu, nhưng đứa bé có trí-tuệ hiểu biết đặc biệt xuất sắc hơn người, bởi vì trong vô số tiền-kiếp của đứa bé đã từng tích-luỹ nhiều trí-tuệ hiểu biết trong những kiếp quá-khứ, nên kiếp hiện-tại này là quả của đại-thiện-nghiệp mà những tiền-kiếp của đứa bé đã tạo và đã được tích-lũy và được lưu-trữ ở trong tâm của đứa bé ấy. Cho nên, đứa bé có trí-tuệ hiểu biết đặc biệt xuất sắc hơn người, đó là sự-thật hiển nhiên, sự-thật này đối với bậc thiện-trí chỉ có tin nghiệp và quả của nghiệp mà thôi.

Ví dụ: những tiền-kiếp của một người nào đã từng tích-luỹ nhiều sự hiểu biết về lĩnh vực chuyên môn nào thuộc về đại-thiện-nghiệp (không phải là ác-nghiệp).

Sau khi người ấy chết, nếu đại-thiện-nghiệp ấy trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) đại-quả-tâm ấy gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau đầu thai trở lại làm người.

Khi sinh ra đời, tuy đứa bé còn thơ ấu, nhưng khi đứa bé ấy tiếp xúc với lĩnh vực chuyên môn ấy mà những tiền-kiếp của đứa bé đã được tích-lũy và được lưu-trữ ở trong tâm, nên trở thành đứa bé có tài xuất sắc hơn vị thầy dạy của nó, và cũng có khả năng hơn hẳn những người khác đã từng trải qua nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn ấy. Cho nên, đứa bé ấy được phần đông mọi người tán dương ca tụng là đứa bé thiên-tài do thiên phú.

Vậy, sự-thật có phải là do trời phú cho hay không?

Theo quan niệm của Phật-giáo, đứa bé có tài xuất chúng đó là do quả của đại-thiện-nghiệp mà tiền-kiếp của đứa bé ấy đã tạo trong những kiếp quá-khứ. Đó là sự-thật về đại-thiện-nghiệp và quả tốt của đại-thiện-nghiệp ấy.

Thật vậy, Đức-Phật dạy về nghiệp và quả của nghiệp như sau:

“Kammassako’mhi, kammadāyādo, kammayoni, kammabandhu, kammappaṭisaraṇo, yaṃ kammaṃ karissāmi kalyāṇaṃ vā pāpakaṃ vā, tassa dāyādo bhavissāmi.”[10]

Ta có nghiệp là của riêng ta, ta là người thừa hưởng quả của nghiệp của ta, nghiệp là nhân sinh ra ta, nghiệp là bà con thân quyến của ta, nghiệp là nơi nương nhờ của ta. Ta tạo nghiệp nào ‘thiện-nghiệp hoặc ác-nghiệp’ ta sẽ là người thừa hưởng quả an-lạc của thiện-nghiệp ấy hoặc quả khổ của ác-nghiệp ấy.

“Ta có nghiệp là của riêng ta, ta là người thừa hưởng quả của nghiệp của ta” như thế nào, mỗi chúng-sinh dù lớn dù nhỏ trong ba giới (dục-giới, sắc-giới và vô-sắc-giới gồm có 31 cõi-giới) và bốn loài chúng-sinh (thai sinh, noãn sinh, thấp sinh và hoá-sinh) cũng như thế ấy.

Mỗi chúng-sinh có nghiệp là của riêng mình, mỗi chúng-sinh là người thừa hưởng quả của nghiệp của mình, …

Các hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật đều có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp của mình. Cho nên, bậc thiện-trí nào tin nghiệp và quả của nghiệp của mình, bậc thiện-trí ấy có chánh-kiến sở-nghiệp (kammassakatā sammādiṭṭhi) đó là chánh-kiến cơ bản ban đầu trong năm loại chánh-kiến trong Phật-giáo.

Nghiệp và quả của nghiệp một trong bốn pháp bất khả tư nghì mà các hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật không nên suy nghĩ, mà chỉ nên tin nghiệp và quả của nghiệp mà thôi. Chỉ có Đức-Phật mới thấy rõ, biết rõ thấu suốt nghiệp và quả của nghiệp của tất cả mọi chúng-sinh lớn hoặc nhỏ trong vô số kiếp quá-khứ và vô số kiếp vị-lai mà thôi.

Cho nên, kiếp hiện-tại của mỗi chúng-sinh dù lớn dù nhỏ cũng đều là quả của nghiệp của chúng-sinh ấy trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp quá-khứ.

(Xong pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật bậc hạ)



[1] Tích Mahosadhajātaka, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama này còn có tên là tích Umaṅgajātaka, bởi vì trong tích này Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita đứng ra thiết kế và thi công đào con dường hầm lịch sử Umaṅga này.

[2] Bộ Aṅguttaranikāya, Aṭṭhakanipāta, kinh Paññāsutta.

[3] Xem đầy đủ trong kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta trong Dī Mahāvaggapāḷi.

[4] Bộ Jātakaṭṭhakathā, phần Tiṃsanipāta, tích Sambhavajātaka.

[5] 1 Yojana: do-tuần khoảng 20 cây số.

[6] Ma. Uparipaṇṇāsapāḷi, Bhaddekarattasutta.

[7] Dhammapadagâthâ thứ 21.

[8] Dhammapadagāthā thứ 277.

[9] Dī. Mahāvaggapāḷi, Mahāparinibbānasuttapāḷi. Parnibbutakathā.

[10] Aṅg. Pañcakanipāta, Abhiṇhapaccavekkhitabbaṭhānasutta.


Mục lục quyển 7 | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07


Mục lục chính | Quyển 1 | Quyển 2 | Quyển 3 | Quyển 4 | Quyển 5 | Quyển 6 | Quyển 7 | Quyển 8 | Quyển 9 | Quyển 10


[Đầu trang][Mục lục tổng quát]