NỀN TẢNG PHẬT GIÁO
(MŪLABUDDHASĀSANA)

QUYỂN VII

PHÁP-HẠNH BA-LA-MẬT 2
(PĀRAMĪ)


4.2-Pháp-Hạnh Trí-Tuệ Ba-La-Mật Bậc Trung

(Paññā Upapāramī)

Tích Vidhurajātaka (Vi-dhu-rá cha-tá-ká)

Trong tích Vidhurajātaka[1] Đức-Bồ-tát tiền-kiếp Đức-Phật Gotama làm quan Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita tạo pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật bậc trung (paññā upapāramī).

Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh-thành Sāvatthi. Khi ấy, Đức-Phật thuyết về tích Vidhurajātaka đề cập đến Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita tiền-kiếp của Đức-Phật tạo pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật bậc trung. Tích này được bắt nguồn như sau:

Một hôm, chư tỳ-khưu hội họp tại giảng đường, tán dương ca tụng trí-tuệ siêu-việt của Đức-Thế-Tôn rằng:

- Này chư pháp hữu! Đức-Thế-Tôn là Bậc có trí-tuệ vĩ đại, trí-tuệ sâu sắc, trí-tuệ vi-tế, trí-tuệ nhanh nhẹn, trí-tuệ sắc bén, trí-tuệ thấu suốt, trí-tuệ khống chế các luận thuyết của người khác v.v… làm cho người khác bỏ ác hành thiện, bỏ tà-kiến theo chánh-kiến, chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh-nhân.

- Này chư pháp hữu! Đức-Thế-Tôn của chúng ta là bậc đại trí-tuệ, có trí-tuệ siêu-việt thật sự!

Trong khi Chư tỳ-khưu đang đàm đạo thì Đức-Thế-Tôn ngự đến ngồi trên pháp tòa bèn hỏi rằng:

- Này Chư tỳ-khưu! Các con đang đàm đạo về chuyện gì vậy?

Chư tỳ-khưu bạch với Đức-Thế-Tôn về chuyện đang đàm đạo như vậy, Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:

- Này Chư tỳ-khưu! Nay kiếp hiện-tại Như-Lai là Đức-Phật Chánh Đẳng Giác có trí-tuệ thuyết phục người khác bỏ điều ác, hành điều thiện, bỏ tà-kiến theo chánh-kiến, xin quy y Tam-bảo, thọ trì ngũ-giới, v.v… đó chưa phải là điều phi thường.

Trong thời quá-khứ, những tiền-kiếp của Như-Lai còn là Đức-Bồ-tát đang thực-hành bồi bổ, tích lũy các pháp-hạnh ba-la-mật cho được đầy đủ, để trở thành Đức-Phật Chánh Đẳng Giác.

Như tiền-kiếp của Như-Lai là Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-Sư Vidhurapaṇḍita đã thuyết phục được thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka hung ác từ bỏ ý định giết chết Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita để lấy trái tim ăn thịt. Thống tướng Dạ xoa biết phục thiện, xin thọ trì ngũ-giới v.v… xin trả sinh-mạng lại cho Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita tiền-kiếp của Như-Lai.

Sau khi truyền dạy như vậy, Đức-Thế-Tôn làm thinh.

Chư tỳ-khưu kính thỉnh Đức-Thế-Tôn thuyết về tích Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, tiền-kiếp của Đức-Phật.

Tích Vidhurajātaka

Khi ấy, Đức-Thế-Tôn thuyết về tích Vidhurajātaka được tóm lược như sau:

Trong thời quá khứ, Đức-vua Dhanañcaya Korabya ngự tại kinh-thành Indapattha trị vì đất nước Kuru. Đức-Bồ-tát Vidhurapaṇḍita là một vị quan trong triều đình được Đức-vua Dhanañcaya Korabya tấn phong ngôi vị Đại-Pháp-sư.

Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita thuyết pháp giảng dạy Đức-vua Dhanañcaya Korabya, cùng trong hoàng tộc, các quan trong triều, các đoàn binh cùng dân chúng trong kinh-thành và ngoài thành, các tỉnh thành lân cận.

Danh tiếng Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita được lan truyền khắp toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu, nên 101 Đức-vua ngự từ 101 kinh-thành đều ngự đến kinh-thành Indapattha, để nghe Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita thuyết pháp.

Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita thuyết pháp hay ở phần đầu, phần giữa, phần cuối, đầy đủ ý nghĩa sâu sắc, văn chương hay làm cho 101 Đức-vua vô cùng hoan hỷ phát sinh đức-tin trong sạch nơi Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư, nên không hồi cung ngự trở về kinh-thành của mình, cùng nhau ở lại kinh-thành Indapattha, để thường được thân cận với Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, để nghe Ngài thuyết pháp.

Bốn Vị Đạo-Sĩ

Vào thời ấy, trong kinh-thành Bārāṇasī có bốn vị Bà-la-môn giàu có là bạn thân thiết với nhau, khi lớn tuổi, bốn vị Bà-la-môn này thấy tội lỗi trong ngũ-dục là sắc-dục, thanh-dục, hương-dục, vị-dục, xúc-dục, nên từ bỏ nhà đi vào rừng Himavanta xuất gia trở thành đạo-sĩ, thực-hành pháp-hành thiền-định dẫn đến chứng đắc các bậc thiền sắc-giới và phép thần thông.

Hằng ngày, bốn vị đạo-sĩ sống trong rừng bằng các thứ trái cây lớn nhỏ, lá cây nấu chín để nuôi mạng, trải qua thời gian lâu dài, bốn vị đạo-sĩ ấy rời khỏi rừng núi Himavanta đi du hành đến xóm làng đi khất thực, dần dần mới đến kinh-thành Kālacampā đất nước Aṅga, trú trong vườn thượng uyển. Sáng ngày hôm sau, bốn vị đạo-sĩ đi vào kinh-thành để khất thực.

Bốn Thí-Chủ

Trong kinh-thành Kālacampā có bốn người bạn thân đều là người giàu sang phú quý, mỗi người kính thỉnh mỗi vị đạo-sĩ về nhà của mình để cúng dường vật thực và các thứ vật dụng cần thiết, có đức-tin trong sạch nơi mỗi vị đạo-sĩ ấy.

Sau khi dùng vật thực của mỗi thí chủ xong, mỗi vị đạo-sĩ nghỉ trưa tại mỗi nơi khác nhau như sau:

* Một vị đạo-sĩ xuất hiện lên trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên nghỉ trưa.

* Một vị đạo-sĩ xuất hiện xuống dưới cõi long-cung nghỉ trưa.

* Một vị xuất hiện đến cõi Điểu-vương nghỉ trưa.

* Một vị xuất hiện đến vườn thượng uyển của Đức-vua Dhanañcaya Korabya nghỉ trưa.

* Vị đạo-sĩ nghỉ trưa tại cõi trời Tam-thập-tam-thiên nhìn thấy cung điện lâu đài nguy nga tráng lệ của Đức-vua trời Sakka. Khi trở về cõi người, vị đạo-sĩ diễn tả lại cho người thí chủ của mình nghe cung điện lâu đài của Đức-vua trời Sakka, nên người thí chủ vô cùng hoan hỷ phát sinh ý nguyện muốn kiếp sau trở thành Đức-Vua-Trời Sakka.

* Vị đạo-sĩ nghỉ trưa tại cõi long-cung, nhìn thấy các lâu đài, cung điện bằng vàng ngọc quý báu của Đức-Long-vương. Khi trở lên cõi người, vị đạo-sĩ diễn tả lại cho người thí chủ của mình nghe về các lâu đài cung điện ấy của Đức-Long-vương, nên người thí chủ vô cùng hoan hỷ phát sinh ý nguyện muốn kiếp sau trở thành Đức-Long-vương.

* Vị đạo-sĩ nghỉ trưa tại cõi Điểu-vương, nhìn thấy những đồ trang sức quý báu của Điểu-vương. Khi trở về cõi người, vị đạo-sĩ diễn tả lại cho người thí chủ của mình nghe về các đồ trang sức quý báu ấy của Điểu-vương, nên người thí chủ vô cùng hoan hỷ phát sinh ý nguyện muốn kiếp sau trở thành Điểu-vương.

* Vị đạo-sĩ nghỉ trưa tại vườn thượng uyển của Đức-vua Dhanañcaya Korabya, nhìn thấy cung vàng điện ngọc của Đức-vua Dhanañcaya Korabya. Khi trở về kinh-thành Kālacampā, vị đạo-sĩ diễn tả lại cho người thí chủ của mình nghe về cung vàng điện ngọc của Đức-vua Dhanañcayakorabya, nên người thí chủ vô cùng hoan hỷ phát sinh ý nguyện muốn kiếp sau trở thành Đức-vua Dhanañcaya Korabya.

Mỗi thí chủ cố gắng tinh-tấn tạo mọi phước-thiện bố-thí, phước-thiện giữ-giới, v.v… cho đến trọn kiếp.

Thành Tựu Như Ý Nguyện

* Sau khi một người thí chủ chết, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau làm Đức-vua trời Sakka trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên đúng như ý nguyện.

* Sau khi một người thí chủ chết, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau làm Đức-Long-vương dưới cõi long-cung, đúng như ý nguyện.

* Sau khi một người thí chủ chết, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau làm Đức Điểu-vương cõi Điểu-cung, đúng như ý nguyện.

* Sau khi một người thí chủ chết, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau vào lòng bà Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua Dhanañcaya Korabya, đúng như ý nguyện.

Bốn vị đạo-sĩ đều đã chứng đắc các bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, sau khi chết, sắc-giới thiện-nghiệp cho quả tái-sinh lên cõi trời sắc-giới phạm-thiên.

Bà Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua Dhanañcaya Korabya sinh hạ Thái-tử, Đức-vua cho đặt tên Thái-tử là Korabyakumāra: Thái-tử Korabya.

Đến lúc trưởng thành, khi Đức-vua Dhanañcaya Korabya băng hà, Thái-tử Korabya lên nối ngôi vua cha, ngự tại kinh-thành Indapattha trị vì đất nước Kuru.

Nghe theo lời khuyên dạy của Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, Đức-vua Dhanañcaya Korabya lập ra các trại bố-thí phân phát của cải đến cho những người nghèo khổ.

Hằng ngày, Đức-vua làm phước-thiện bố-thí cúng dường đến Sa-môn, Bà-la-môn, giữ gìn ngũ-giới, thọ trì bát-giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng.

* Một hôm, nhằm vào ngày bát-giới uposathasīla hằng tháng, buổi sáng hôm ấy, sau khi thọ trì bát-giới uposathasīla xong, Đức-vua Dhanañcaya Korabya ngự đến vườn thượng uyển tìm một nơi yên tĩnh để thuận lợi thực hành pháp-hạnh Sa-môn.

* Cũng vào buổi sáng hôm ấy, sau khi thọ trì bát-giới uposathasīla xong, Đức-vua trời Sakka nghĩ rằng: “Trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên này có nhiều phiền toái.”

Vậy, ta nên hiện xuống cõi người ngự đến vườn thượng uyển của Đức-vua Korabya, tìm một nơi yên tĩnh để thuận lợi thực-hành pháp-hạnh Sa-môn.

* Cũng vào buổi sáng hôm ấy, sau khi thọ trì bát-giới uposathasīla xong, Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā nghĩ rằng: “Cõi long-cung này có nhiều phiền toái.”

Vậy, ta nên hiện lên cõi người ngự đến vườn thượng uyển của Đức-vua Korabya, tìm một nơi yên tĩnh để thuận lợi thực-hành pháp-hạnh Sa-môn.

* Cũng vào buổi sáng hôm ấy, sau khi thọ trì bát-giới uposathasīla xong, Đức-Điểu-vương Supaṇṇarājā nghĩ rằng: “Cõi điểu-cung này có nhiều phiền toái.”

Vậy, ta nên hiện đến vườn thượng uyển của Đức-vua Dhanañcaya Korabya, tìm một nơi yên tĩnh để thực-hành pháp-hạnh Sa-môn.

Bốn Loài Chúng-Sinh Khác Nhau, Tâm Tư Giống Nhau

Vào buổi chiều hôm ấy, mỗi Đức-vua từ chỗ yên tĩnh ngự đến bờ hồ nước lớn, vừa mới gặp nhau mỗi Đức-vua vô cùng hoan hỷ chuyện trò với nhau bằng những lời chân tình thân thiết, bởi vì tiền-kiếp của bốn Đức-vua này vốn là bốn người bạn thân thiết với nhau. Cho nên, kiếp hiện-tại tuy mỗi Đức-vua khác nhau về phần thể xác, nhưng tâm tư rất thương yêu nhau. Bốn Đức-vua chuyện trò thân mật với nhau, rồi cùng nhau ngự đến tảng đá an lành.

Cuộc Đàm Đạo

Đức-vua trời Sakka ngồi chỗ cao quý, còn ba Đức-vua mỗi vị ngồi một nơi hợp lẽ. Khi ấy, Đức-vua trời Sakka truyền hỏi ba Đức-vua khác rằng:

- Này ba vị Vua! Chúng ta là bốn vị Vua đều thọ bát-giới uposathasīla ngày hôm nay.

Vậy, trong bốn vị Vua chúng ta, Đức-vua nào có giới cao thượng hơn cả?

* Bắt đầu Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā tâu rằng:

- Tâu Đức-vua trời Sakka, bổn vương có giới cao thượng hơn cả.

Đức-vua trời Sakka truyền hỏi rằng:

- Này Đức-Long-vương, do nguyên-nhân nào Đức-Long-vương tâu như vậy?

- Tâu Đức-vua trời Sakka, bởi vì Đức-Điểu-vương là kẻ thù của loài long chúng tôi đã sinh và chưa sinh. Tuy vậy, bổn vương gặp Đức-Điểu-vương nhưng bổn vương không phát sinh tâm sân đối với Đức-Điểu-vương. Cho nên, bổn vương có giới cao thượng hơn cả.

Đọc câu kệ rằng:

- Tâu Đức-vua trời Sakka,

Người nào không phát sinh tâm sân với hạng người

đáng sân.

Người nào là bậc thiện-trí không hề phát sinh tâm sân bất cứ trường hợp nào, dù người ấy có tâm sân cũng không để cho tâm sân phát sinh.

Chư bậc thiện-trí gọi người ấy là bậc thiện-trí chế ngự, làm lắng dịu được phiền não trong tâm.

- Tâu Đức-vua trời Sakka, bổn vương có đức tính nhẫn-nại, chế ngự được tâm sân.

Cho nên, bổn vương có giới cao thượng hơn cả.

* Nghe Đức-Long-vương tâu như vậy, Đức-Điểu-vương tâu rằng:

- Tâu Đức-vua trời Sakka, tuy Đức-Long-vương là món ăn ngon ưa thích của bổn vương, nhưng khi gặp Đức-Long-vương, bổn vương đè nén, chế ngự được tâm tham không ăn Đức-Long-vương ấy, nên không tạo ác-nghiệp sát-sinh.

Cho nên, bổn vương có giới cao thượng hơn cả.

Đọc câu kệ rằng:

- Tâu Đức-vua trời Sakka, Người nào đói bụng thèm ăn, nhưng chế ngự được tâm tham ăn, là người tự dạy mình, có sự tinh-tấn thiêu huỷ được phiền não, biết tri túc trong vật thực, không tạo ác-nghiệp do nguyên nhân vật thực.

Bậc thiện-trí gọi người ấy là bậc thiện-trí chế ngự, làm lắng dịu được phiền não trong tâm.

- Tâu Đức-vua trời Sakka, bổn vương không tạo ác-nghiệp do nguyên nhân vật thực.

Cho nên, bổn vương có giới cao thượng hơn cả.

* Đức-vua trời Sakka truyền rằng:

- Này ba Vị, bổn vương rời khỏi ngai vàng, lâu đài nguy nga tráng lệ trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên, tránh xa mọi sự dục lạc trên cõi trời, xuất hiện xuống cõi người để gìn giữ bát-giới uposathsīla.

Cho nên, bổn vương có giới cao thượng hơn cả.

Đọc câu kệ rằng:

Người nào tránh xa sự vui chơi, không thoả thích trong ngũ-dục, không nói lời vô ích, tránh xa sự hành dâm, tránh xa sự trang điểm thân thể, …

Chư bậc thiện-trí gọi người ấy là bậc thiện-trí chế ngự, làm lắng dịu được phiền não trong tâm.

Hôm nay, bổn vương tránh xa mọi sự an-lạc trên cõi trời, xuất hiện xuống cõi người để thọ trì bát-giới uposathasīla, thực-hành pháp-hạnh Sa-môn.

Cho nên, bổn vương có giới cao thượng hơn cả.

* Nghe ba Đức-vua mỗi vị truyền mỗi cách như vậy, Đức-vua Dhanañcaya Korabya tâu rằng:

- Tâu Đức-vua trời Sakka, hôm nay bổn vương rời khỏi ngai vàng điện ngọc mà bổn vương quý nhất, xa lánh các hoàng-hậu và 60.000 cung phi mỹ nữ, ngự đến vườn thượng uyển này để thọ trì bát-giới uposathasīla và thực-hành pháp-hạnh Sa-môn.

Cho nên bổn vương có giới cao thượng hơn cả.

Đọc câu kệ rằng:

- Tâu Đức-vua trời Sakka, Người nào có trí-tuệ thấy rõ tội lỗi trong vật-dục (vatthukāma) và phiền-não-dục (kilesakāma), từ bỏ được vật-dục và phiền-não-dục. Chư bậc thiện-trí gọi người ấy là người tự dạy mình diệt tâm tham-ái chấp thủ của ta, tâm không có tham muốn, làm lắng dịu mọi phiền não trong tâm.

Như vậy, mỗi Đức-vua tự đề cao mình có giới cao thượng hơn cả ba vị khác. Khi ấy, Đức-vua trời Sakka truyền hỏi Đức-vua Dhanañcaya Korabya rằng:

- Này Đại-vương! Trong triều đình của Đại-vương có ai là bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ siêu-việt phán xét rõ vấn đề giới của chúng ta hay không?

Đức-vua Dhanañcaya Korabya tâu rằng:

- Tâu Đức-vua trời Sakka, trong triều đình của bổn vương có vị quan Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita là bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ siêu-việt chắc chắn phán xét rõ về vấn đề giới của mỗi chúng ta được.

Kính thỉnh ba vị cùng nhau ngự đến gặp bậc đại-thiện-trí Vidhurapaṇḍita.

Đức-Bồ-Tát Vidhurapaṇḍita Phán Xét

Bốn Đức-vua đều đồng tâm nhất trí cùng ngự đến hội trường trang hoàng pháp tòa trang nghiêm, rồi thỉnh Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita lên ngồi trên pháp tòa ấy, còn bốn Đức-vua ngồi một nơi hợp lẽ bèn thưa rằng:

-Kính thưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, Ngài là bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ siêu-việt thấu suốt tận tường mọi việc.

Thưa Ngài Đại-Pháp-sư, bốn Đức-vua chúng tôi đều thọ trì bát-giới uposathasīla, rồi đang tranh luận với nhau, Đức-vua nào cũng tự cho mình có giới cao thượng hơn cả.

Vậy, kính thỉnh Ngài Đại-Pháp-sư phán xét, làm rõ ràng Đức-vua nào có giới cao thượng hơn cả, để chúng tôi không còn thắc mắc nữa.

Nghe bốn Đức-vua truyền hỏi như vậy, Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita tâu rằng:

- Tâu quý Đại-vương, quý Đại-vương đã tranh luận với nhau về giới của mình như thế nào, hạ thần chưa từng nghe, chưa được hiểu, thì hạ thần làm sao có thể tâu cho quý Đại-vương rõ ràng tường tận, không còn thắc mắc nữa.

Vậy, kính xin mỗi Đại-vương truyền bảo cho hạ thần biết ý kiến của mỗi Đại-vương như thế nào?

Nghe Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita tâu như vậy, mỗi Đức-vua tuần tự truyền bảo rằng:

* Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā tự đề cao mình có đức tính nhẫn-nại nên truyền bảo rằng:

Trẫm không hề phát sinh tâm sân nơi đối-tượng đáng phát sinh tâm sân.

* Đức-Điểu-vương Supaṇṇarājā tự đề cao mình không tham ăn, không tạo ác-nghiệp sát-sinh do nguyên nhân vật thực, nên truyền bảo rằng:

Trẫm biết tri túc trong vật thực.

* Đức-vua trời Sakka tự đề cao mình tránh xa sự say mê ngũ-dục trong cõi trời, nên truyền bảo rằng:

Trẫm không say mê ngũ-dục trong cõi trời.

* Đức-vua Dhanañcaya Korabya tự đề cao mình không bị ràng buộc nơi ngai vàng điện ngọc, nơi các hoàng-hậu, nên truyền bảo rằng:

Trẫm không dính mắc nơi ngai vàng điện ngọc, cảnh an-lạc đế vương.

Sau khi nghe mỗi Đức-vua truyền bảo ý kiến của mình, Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita tâu rằng:

- Tâu quý Đại-vương, mỗi Đại-vương truyền bảo ý kiến của mình đều là lời thiện-ngôn (subhāsitā) cả.

Thật vậy, những lời ấy hoàn toàn không phải lời ác ngôn chút nào.

Mỗi lời thiện-ngôn này là mỗi đức tính tốt được hiện hữu trong Đức-vua nào, chư bậc thiện-trí gọi Đức-vua ấy là bậc thiện-trí chế ngự, làm lắng dịu được phiền não trong tâm.

Như vậy, bốn Đại-vương đều có giới đức cao thượng, mỗi vị một đức tính tốt không hơn không kém.

Nghe Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita tâu như vậy, bốn Đức-vua đều phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ tán dương ca tụng Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita rằng:

-Kính thưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, Ngài là bậc đại-thiện-trí cao thượng nhất không ai sánh được, Ngài có trí-tuệ siêu-việt thấy rõ, biết rõ sâu sắc các pháp, đã phán xét công minh và hợp pháp về vấn đề giới của chúng tôi.

Bốn Đức-vua chúng tôi hết lòng tôn kính Ngài, bởi Ngài là bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ siêu-việt đã giải đáp rõ ràng minh bạch vấn đề giới, làm tiêu tan mọi sự hoài nghi, sự thắc mắc của chúng tôi ngày hôm nay.

Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita thuyết pháp tế độ bốn Đức-vua, sau khi nghe pháp xong, bốn Đức-vua vô cùng hoan hỷ thực-hành theo lời giáo huấn của Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita.

Cúng Dường Pháp

Khi ấy Đức-vua trời Sakka thưa rằng:

- Kính thưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, Trẫm rất hài lòng hoan hỷ với lời phán xét công minh của Ngài, Trẫm xin kính dâng lên Ngài tấm vải trời vô giá có hình hoa sen màu xanh, chất vải mịn màng, gọi là lễ vật cúng dường pháp.

* Đức-Điểu-vương Supaṇṇarājā thưa rằng:

- Kính thưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, Trẫm cũng rất hài lòng hoan hỷ với lời phán xét công minh của Ngài, Trẫm kính xin dâng lên Ngài đóa hoa vàng quý báu có trăm cánh, nhuỵ bằng hàng ngàn viên ngọc quý, gọi là lễ vật cúng dường pháp.

* Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā thưa rằng:

- Kính thưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, Trẫm cũng rất hài lòng hoan hỷ với lời phán xét công minh của Ngài, Trẫm kính dâng lên Ngài viên ngọc maṇi quý báu, món đồ trang sức xinh đẹp vô giá của Trẫm, gọi là lễ vật cúng dường pháp.

* Đức-vua Dhanañcaya Korabya thưa rằng:

- Kính thưa Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, Trẫm cũng rất hài lòng hoan hỷ với lời phán xét công minh của Ngài, Trẫm xin ban cho Ngài 1000 con bò sữa, 1000 con bò đực báu, 10 chiếc xe ngựa báu, 16 xóm nhà để thâu thuế, gọi là lễ vật cúng dường pháp.

Sau khi làm lễ cúng dường pháp xong, Đức-vua trời Sakka hồi cung ngự trở về cõi trời Tam-thập-tam-thiên, Đức-Điểu-vương Supaṇṇarājā ngự trở về cõi Điểu cung, Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā ngự trở về cõi long cung, Đức-vua Dhanañcaya Korabya ngự trở vào cung điện của mình.

Chánh-Cung Hoàng-Hậu Vimalādevī

Bà Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī của Đức-Long vương Varuṇanāgarājā không nhìn thấy viên ngọc maṇi trang sức trên cổ Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā nên tâu rằng:

- Muôn tâu Hoàng-thượng, sao thần thiếp không thấy viên ngọc maṇi của Hoàng-thượng?

- Này Ái-khanh Vimalādevī! Khi Trẫm nghe pháp của Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, Trẫm đã phát sinh đức-tin trong sạch nơi Ngài ấy, nên Trẫm đã đem viên ngọc maṇi quý báu ấy dâng đến Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, gọi là lễ vật cúng dường pháp.

Lễ cúng dường pháp ấy không chỉ có Trẫm, mà còn có Đức-vua trời Sakka cúng dường tấm vải trời vô giá, Đức-Điểu-vương cúng dường đóa hoa vàng quý báu có 100 cánh, Đức-vua Dhanañcaya Korabya cúng dường 1000 con bò sữa, 1000 con bò đực báu, v.v…

Nghe Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā truyền bảo như vậy, Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī tâu rằng:

- Muôn tâu Hoàng-thượng, Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita là người như thế nào?

- Này Ái-khanh Vimalādevī! Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita là bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ siêu-việt thuyết pháp hay ở phần đầu, phần giữa, phần cuối, đầy đủ ý nghĩa sâu sắc, văn chương hay, làm cho 101 Đức-vua trong cõi Nam-thiện-bội-châu ngự đến kinh-thành Indapattha nghe Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita thuyết pháp, không có một Đức-vua nào hồi cung ngự trở về kinh-thành của mình, mà cùng nhau ở lại kinh-thành Indapattha, để thường được gần gũi thân cận và nghe Ngài Đại-Pháp-sư thuyết pháp.

Nghe Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā tán dương ca tụng Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, bà Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī muốn nghe pháp của Ngài Đại-Pháp-sư, nên bà nghĩ rằng:

“Nếu ta tâu xin Đức-Long-vương thỉnh mời Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita đến cõi long cung này, để Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita thuyết pháp tế độ ta thì chắc chắn Đức-Long-vương sẽ không thỉnh Ngài Đại-Pháp-sư đến. Vậy, ta nên bày kế bị lâm bệnh muốn trái tim của Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita.

Nghĩ xong, bà Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī thực hành ngay ý định, bà cho truyền gọi các nữ tỳ đến, bà Chánh-cung Hoàng-hậu truyền bảo rằng:

-Này các ngươi! Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā hỏi đến ta thì các ngươi tâu rằng:

“-Muôn tâu Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā, Lệnh bà bị lâm trọng bệnh”.

Truyền bảo xong, bà Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalā-devī ngự vào phòng nằm giả bị bệnh.

Không nhìn thấy bà Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalā-devī đến chầu, Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā truyền hỏi các nữ tỳ rằng:

- Này các ngươi! Sao bà Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī vắng mặt?

- Muôn tâu Hoàng-thượng, Lệnh bà bị lâm trọng bệnh.

Nghe các nữ tỳ tâu như vậy, Đức-Long-vương rời ngai vàng ngự đến thăm bà Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī, ngồi một bên vuốt thân mình của bà Chánh-cung Hoàng-hậu rồi truyền hỏi rằng:

- Này Ái-khanh Vimalādevī yêu quý! Ái-khanh bị lâm bệnh như thế nào, mà thân hình gầy ốm, nước da nhợt nhạt, sức khoẻ yếu đuối như vậy?

Trẫm truyền hỏi, vậy, Ái-khanh hãy tâu cho Trẫm rõ.

Trái Tim Của Ngài Đại-Pháp-Sư Vidhurapaṇḍita

Nghe Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā truyền hỏi như vậy, Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī tâu rằng:

- Muôn tâu Hoàng-thượng, bậc cao cả trong cõi long cung này, lòng mong ước là tính chất của phái nữ.

- Muôn tâu Hoàng-thượng, thần thiếp muốn được trái tim của Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita (Vidhurassa hadayaṃ). Nếu Hoàng-thượng đem được trái tim ấy về đây một cách hợp pháp, không phải bất hợp pháp cho thần thiếp thì sinh-mạng của thần thiếp còn duy trì được.

Nếu thần thiếp không được trái tim[2] của Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita thì chắc chắn thần thiếp sẽ vĩnh biệt Hoàng-thượng tại nơi này.

Nghe bà Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī tâu như vậy, Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā hiểu lầm rằng: Trái tim thịt của Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, (Vidhurapaṇḍitassa hadayamaṃsaṃ), nên truyền bảo rằng:

- Này Ái-khanh Vimalādevī yêu quý! Ái-khanh muốn được trái tim của Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita như là muốn được mặt trời, mặt trăng hoặc gió, bởi vì Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita được 101 Đức-vua trong cõi Nam-thiện-bội-châu bảo vệ nghiêm ngặt, cho nên khó có người khác đến gần gũi thì làm sao lấy được trái tim của Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita hoặc bắt Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita đem về cõi long cung này một cách hợp pháp được.

Nghe Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā truyền bảo như vậy, bà Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī thất vọng tâu rằng:

- Muôn tâu Hoàng-thượng cao cả nhất trong cõi long cung, nếu thần thiếp không được trái tim của Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita trong vòng bảy ngày thì chắc chắn thần thiếp sẽ vĩnh biệt Hoàng-thượng tại nơi này.

Tâu xong, bà Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī nằm quay lưng, lấy tấm vải trùm mặt lại. Đức-Long-vương phát sinh khổ tâm ngự trở về lâu đài của mình, ngồi trên bệ suy nghĩ rằng:

“Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī muốn được trái tim của Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, nếu không được thì sinh-mạng Chánh-cung Hoàng-hậu của ta sẽ không còn nữa. Vậy, ta làm thế nào để có được trái tim thịt của Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita ấy.”

Khi ấy, Công-chúa long Irandhatī cùng với đoàn tuỳ tùng đến chầu đảnh lễ Đức Phụ-vương, rồi ngồi một nơi hợp lẽ, nhìn thấy gương mặt của Đức Phụ-vương buồn khổ, nên tâu rằng:

- Muôn tâu Đức Phụ-vương cao cả trong cõi long cung này, do nguyên nhân nào làm cho Đức Phụ-vương khổ tâm gương mặt thiểu não vậy?

Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā truyền bảo Công-chúa Irandhatī rằng:

- Này Irandhatī con yêu quý! Mẫu-hậu của con muốn được trái tim của Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita. Ngài Đại-Pháp-sư ấy được bảo vệ nghiêm ngặt.

Vậy, ai có khả năng đem Ngài Đại-Pháp-sư Vidhura-paṇḍita đến cõi long cung này một cách hợp pháp.

- Này Irandhatī con yêu quý! Con hãy nên tìm cách cứu sinh-mạng Mẫu-hậu của con.

Vậy, con nên đi tìm một vị phu-quân có khả năng đem Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita đến cõi long cung này một cách hợp pháp được không?

Nghe truyền bảo như vậy, Công-chúa Irandhatī tâu cho Đức-Long-vương an tâm, rồi đến chầu thăm Mẫu-hậu Vimalādevī, cũng tâu cho Mẫu-hậu an tâm, Công-chúa Irandhatī đảnh lễ Mẫu-hậu, rồi xin phép trở về lâu đài của mình.

Công-chúa Irandhatī trang điểm lộng lẫy với tâm tham ái muốn tìm một phu quân xứng đáng, nên rời khỏi cõi long cung ngay trong đêm hôm ấy. Công-chúa Irandhatī bay đến đỉnh núi Kāḷapabbata cao sáu mươi do tuần gần bãi biển tại rừng núi Himavanta.

Công-chúa Irandhatī đi tìm các thứ hoa thơm trong rừng núi Himavanta đem về trang hoàng trên đỉnh Kāḷapabbata xinh đẹp lộng lẫy, Công-chúa Irandhatī đờn ca múa hát những câu kệ hay với giọng lánh lót, câu kệ thứ bảy rằng:

Hỡi các thiên-nam, các Dạ-xoa nam, các điểu nam dạng người hay các người nam! Nếu vị nào tài giỏi có khả năng làm vừa lòng mong ước của Mẫu-hậu của Irandhatī, là “muốn được trái tim của Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita” một cách hợp pháp, thì vị ấy sẽ là vị phu-quân yêu quý của công-chúa Irandhatī suốt đời.

Khi ấy, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka, cháu của Đức Đại-Thiên-vương Vessavaṇṇamahārājā cỡi ngựa trời Manomayasindhava cao ba gāvuta bay đi dự đại hội Dạ-xoa, ngang qua đỉnh núi Kāḷapabbata nghe tiếng hát của công-chúa Irandhatī làm cho vị thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka say mê đắm đuối tiếng hát ấy, bởi vì tiền-kiếp của Công-chúa Irandhatī đã từng là phu-nhân của thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka.

Cho nên, kiếp hiện-tại này nghe lại tiếng hát, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka liền đem lòng thương yêu tha thiết, nên cho ngựa quay trở lại, ngồi trên lưng ngựa nói với Công-chúa Irandhatī rằng:

- Này Công-chúa Irandhatī có đôi mắt xinh đẹp! Công-chúa nên an tâm, ta có khả năng đem trái tim của Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita về dâng lên Mẫu-hậu của công-chúa một cách hợp pháp, bằng trí-tuệ của ta, rồi ta sẽ là vị phu-quân của công-chúa và công-chúa sẽ là phu-nhân của thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka này.

Khi thấy và nghe lời nói của vị thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka, công-chúa Irandhatī liền đem lòng thương yêu, bởi vị vị thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka này đã từng là vị phu-quân kiếp trước vừa qua của công-chúa Irandhatī, nên công-chúa thưa với thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka rằng:

0-Thưa thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka, tiện thiếp tên là Irandhatī công-chúa của Đức-Long-vương Varuṇanāga-rājā và Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī.

- Này chàng thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka! Tiện thiếp sẽ dẫn chàng đến yết kiến Đức Phụ-vương của thiếp, rồi Đức Phụ-vương sẽ truyền bảo cho chàng rõ.

Công-chúa Irandhatī xinh đẹp nắm tay thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka đến yết kiến đảnh lễ Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā, rồi thống-tướng Dạ-xoa tâu rằng:

- Tâu Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā cao cả trong cõi long cung, hạ thần mong muốn làm lễ thành hôn với công-chúa Irandhatī của Đức-Long-vương.

Vậy, kính xin Đức-Long-vương hoan hỷ nhận những đồ sính lễ của hạ thần, gồm có 100 con voi, 100 con ngựa, 100 cỗ xe ngựa chở đầy các thứ ngọc quý, rồi kính xin Đức-Long-vương ban công-chúa Irandhatī cho hạ thần, để làm phu-nhân của hạ thần.

Nghe thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka tâu như vậy, Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā truyền bảo rằng:

- Này thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka! Ngươi nên chờ đợi Trẫm bàn bạc với Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalā-devī của Trẫm và hoàng gia trước.

Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā ngự đến gặp Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī truyền bảo rằng:

- Này Ái-khanh Vimalādevī yêu quý! Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka đến cầu hôn công-chúa Irandhatī yêu quý của chúng ta, chúng ta không nên đòi hỏi những đồ sính lễ có phải không?

Nghe Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā bàn bạc như vậy, bà Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī tâu rằng:

- Muôn tâu Hoàng-thượng, chúng ta sẽ ban công-chúa Irandhatī yêu quý của chúng ta cho thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka không đòi hỏi những đồ sính lễ, mà chỉ có một điều kiện mà thôi. Nếu thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka có khả năng đem được trái tim của Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita đến cõi long cung này một cách hợp pháp, thì thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka sẽ được thành hôn với công-chúa Irandhatī yêu quý của chúng ta.

- Muôn tâu Hoàng-thượng, thần thiếp chỉ muốn được trái tim của Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita mà thôi. Ngoài ra, không muốn thứ của cải nào khác cả.

Nghe Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī tâu như vậy, Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā ngự trở lại gặp thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka truyền bảo rằng:

- Này thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka! Ngươi muốn cầu hôn với công-chúa Irandhatī yêu quý của chúng ta, không phải bằng những đồ sính lễ nào cả, mà chỉ có một điều kiện mà thôi. Nếu ngươi có khả năng đem trái tim của Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita đến cõi long cung này một cách hợp pháp, thì Trẫm sẽ ban công-chúa yêu quý của Trẫm cho ngươi đem về làm phu-nhân, bởi vì Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī của Trẫm chỉ muốn được trái tim của Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita mà thôi. Ngoài ra, không muốn thứ của cải nào khác cả.

Nghe Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā truyền bảo như vậy, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka tâu rằng:

- Tâu Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā cao thượng nhất trong cõi long cung này, kính xin Đức-Long-vương truyền bảo cho hạ thần biết rõ Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita đang làm gì và ở đâu?

- Này thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka! Hiện nay, Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita là vị quan thuyết pháp giảng dạy Đức-vua Dhanañcaya Korabya tại kinh-thành Indapattha, đất nước Kuru.

Nếu ngươi có khả năng đem trái tim của Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita đến cõi long cung này một cách hợp pháp, thì Trẫm sẽ ban Công-chúa Irandhatī yêu quý của Trẫm cho ngươi đem về làm phu-nhân của ngươi.

Nghe Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā truyền bảo rõ ràng như vậy, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka vô cùng hoan hỷ đảnh lễ Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā, rồi xin phép trở về chỗ ở của mình.

Thống-tướng Puṇṇaka cỡi con ngựa báu Sindhava bay trở về với tâm tham-ái say mê công-chúa Irandhatī, đến chầu đảnh lễ Đại-Thiên-vương Kuvera Vessavaṇṇa cao cả nhất trong hàng Dạ-xoa, rồi xin phép ra đi.

Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka cỡi con ngựa báu Sindhava bay lên hư không nghĩ rằng:

“Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita được các Đức-vua bảo vệ nghiêm ngặt, ta không dễ bắt sống Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita được, nhưng nếu được như vậy thì cũng không hợp pháp.

Ta biết Đức-vua Dhanañcaya Korabya có tài chơi môn cờ gieo con súc sắc [3].

Vậy, ta nên tìm một viên ngọc maṇi quý báu nhất, đó là một viên ngọc maṇi báu đặc biệt, là đồ trang sức của Đức-vua Chuyển-luân Thánh-vương để ở tại đỉnh núi Vepula gần kinh-thành Rājagaha. Ta nên đến đỉnh núi Vepula để lấy viên ngọc maṇi có nhiều oai lực phi thường ấy đem khoe với Đức-vua Dhanañcaya Korabya.

Nhìn thấy viên ngọc maṇi báu đặc biệt ấy, chắc chắn Đức-vua Dhanañcaya Korabya sẽ phát sinh tâm tham muốn được viên ngọc maṇi báu ấy, nên Đức-vua chấp thuận chơi môn cờ gieo súc sắc thắng thua với ta.”

Nghĩ xong, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka bay thẳng đến kinh-thành Rājagaha, bay lên đỉnh núi Vepula để tìm viên ngọc Maṇi ấy.

Viên Ngọc Maṇi Báu

Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka nhìn thấy viên ngọc maṇi báu đặc biệt ấy nằm giữa đỉnh núi Vepula, phát ra hào quang ánh sáng trong trẻo xinh đẹp lạ thường lan toả một vùng rộng lớn, tại nơi ấy, có 100 ngàn Dạ-xoa ngày đêm giữ gìn bảo vệ viên ngọc maṇi báu ấy.

Khi nhìn thấy chúng, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka làm bộ nổi giận trừng đôi mắt thì tất cả nhóm Dạ-xoa hoảng sợ chạy trốn nơi xa tít.

Khi ấy, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka đến lấy viên ngọc maṇī báu ấy, bay thẳng đến kinh-thành Indapattha đất nước Kuru.

Khi thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka đáp xuống trước cung điện của Đức-vua Dhanañcaya Korabya, biến hoá ra thành một chàng trai trẻ với tư cách dũng cảm hiên ngang đi vào nơi triều đình có Đức-vua Dhanañcaya Korabya cùng với 101 Đức-vua trong tòan cõi Nam-thiện-bội-châu đang hội họp.

Khi ấy, chàng trai trẻ đưa viên ngọc maṇi báu ấy lên mà thách thức các Đức-vua rằng:

-Tất cả các Đức-vua trong triều đình này, có Đức-vua nào dám đánh môn cờ gieo súc sắc với tên tiện dân này hay không?

Nếu Đức-vua nào thắng được kẻ tiện dân này thì kẻ tiện dân này sẽ dâng viên ngọc maṇi báu đặc biệt vô giá này đến Đức-vua ấy, và nếu tiện dân này thắng cờ Đức-vua nào thì Đức-vua ấy phải ban cho kẻ tiện dân này báu vật đặc biệt.

Khi nghe chàng trai trẻ thách thức các Đức-vua đánh môn cờ gieo súc sắc như vậy, Đức-vua Dhanañcaya Korabya nghĩ rằng:

“Trước đây ta chưa từng thấy ai dũng cảm, dõng dạc nói như vậy, ta muốn biết chàng trai trẻ này là ai?”

Đức-vua Dhanañcaya Korabya truyền hỏi rằng:

- Này chàng trai trẻ! Chắc chắn ngươi không phải là dân Kuru của Trẫm. Vậy, ngươi tên gì? Thuộc dòng dõi nào? Từ đâu đến đây?

Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka nghĩ rằng: “Đức-vua Dhanañcaya Korabya hỏi tên của ta, dòng dõi, dân tộc của ta. Có kẻ tôi tớ tên là Puṇṇaka, nếu ta tâu tên ta là Puṇṇaka thì Đức-vua sẽ khinh thường ta.”

Vậy, ta nên tâu dòng dõi kiếp trước của ta rằng:

- Tâu Đại-vương Dhanañcaya Korabya cao quý nhất trong nước Kuru này, tiện dân tên Puṇṇaka thuộc dòng dõi Kaccayana tại kinh-thành Kālacampā đất nước Aṅga.

- Tâu Đại-vương Dhanañcaya Korabya, nghe danh tiếng Đại-vương là bậc chơi môn cờ gieo súc sắc vô địch, nên hôm nay tiện dân đến xin chơi môn cờ gieo súc sắc với Đại-vương.

- Này chàng trai trẻ! Ngươi là kẻ thường dân không của cải, ngươi chơi cờ với Trẫm, nếu Trẫm thắng ngươi thì ngươi có gì dâng đến Trẫm.

Chàng trai trẻ tâu rằng:

- Tâu Đại-vương Dhanañcaya Korabya, tiện dân có một viên ngọc maṇi báu này và một con ngựa báu, nếu Đại-vương thắng cờ tiện dân, thì tiện dân sẽ dâng viên ngọc maṇi báu và con ngựa báu này lên Đại-vương.

- Này chàng trai trẻ! Ngươi chỉ có một viên ngọc maṇi báu và một con ngựa báu kia có đáng gì đâu! Trẫm có nhiều viên ngọc maṇi và nhiều con ngựa báu.

Con Ngựa Báu

- Tâu Đại-vương Dhanañcaya Korabya, con ngựa báu kia của tiện dân là con ngựa mà hàng ngàn con ngựa báu khác không sao sánh được, và viên ngọc maṇi báu của tiện dân là viên ngọc maṇi quý báu mà hàng ngàn viên ngọc maṇi khác không sao sánh được.

- Tâu Đại Vương, kính xin Đại-vương nhìn thấy tài con ngựa báu của tiện dân.

Tâu xong, chàng trai trẻ cỡi con ngựa Sindhava báu bay lên, phi trên bờ thành xung quanh kinh-thành, phi nhanh đến nỗi không thấy con ngựa và người cỡi, chỉ thấy tấm vải màu đỏ bay phất phới mà thôi.

Chàng trai trẻ truyền cho con ngựa dừng lại, xuống ngựa tâu rằng:

- Tâu Đại-vương Dhanañcaya Korabya, kính xin Đại-vương nhìn thấy con ngựa báu không chỉ có tài phi nhanh, mà còn có các tài khác.

Tâu xong, chàng trai trẻ cỡi con ngựa báu truyền phi nhanh trên mặt nước hồ lớn trong kinh-thành, rồi truyền con ngựa phi nhanh vó ngựa đạp trên lá sen trong hồ, lá sen không bị rách, vó ngựa không bị ướt, ...

Chàng trai trẻ xuống ngựa tâu rằng:

- Tâu Đại-vương Dhanañcaya Korabya, con ngựa báu của tiện dân so sánh với các con ngựa báu khác như thế nào?

- Này chàng trai trẻ! Con ngựa báu của ngươi hơn hẳn các con ngựa báu khác.

Viên Ngọc Maṇi

- Tâu Đại-vương Dhanañcaya Korabya, kính xin Đại-vương xem viên ngọc maṇi báu này của tiện dân.

Viên ngọc maṇi báu này đặc biệt phát ra ánh sáng và cảnh vật, hình ảnh theo ý người xem. Nếu người xem muốn ánh sáng màu nào, muốn xem cảnh nào… thì ánh sáng màu ấy, cảnh ấy hiện ra trên viên ngọc maṇi báu.

Đức-vua Dhanañcaya Korabya nhìn thấy rõ viên ngọc maṇi báu của chàng trai trẻ phát ra ánh sáng ngời trong trẻo theo ý của mình.

Khi Đức-vua nghĩ đến vườn thượng uyển thì vườn thượng uyển được hiện rõ ra, nghĩ đến cõi trời dục-giới nào thì cõi trời dục-giới ấy hiện ra, v.v… Đức-vua Dhanañcaya Korabya nhìn say mê viên ngọc maṇi báu này không biết chán, nên tán dương ca tụng rằng:

- Này chàng trai trẻ! Viên ngọc maṇi báu của ngươi thật là đẹp tuyệt vời, có tính chất đặc biệt hiện ra cảnh theo ý nghĩ của Trẫm. Thật là phi thường, Trẫm chưa từng thấy bao giờ.

Thật vậy, một viên ngọc maṇi này nếu được so sánh thì hơn hẳn cả ngàn viên ngọc maṇi quý báu khác. Cho nên, Trẫm nhìn say mê viên ngọc maṇi báu này không biết chán.

Khi ấy, chàng trai trẻ tâu rằng:

- Tâu Đại-vương Dhanañcaya Korabya cao cả nhất trong nước Kuru này, viên ngọc maṇi báu này có nhiều tính chất đặc biệt xinh đẹp tuyệt vời, có ánh sáng trong trẻo, có thể hiện rõ những cảnh theo ý nghĩ của Đại-vương.

- Tâu Đại-vương, nếu Đại-vương thắng cuộc chơi đánh môn cờ gieo súc sắc với tiện dân thì tiện dân sẽ kính dâng viên ngọc maṇi báu này lên Đại-vương. Ngay khi ấy, viên ngọc maṇi báu này thuộc về của Đại-vương.

Nhưng nếu tiện dân thắng cờ Đại-vương thì Đại-vương ban cho kẻ tiện dân này thứ gì? Tâu Đại-vương.

Nghe chàng trai trẻ đặt điều kiện, thắng và thua như vậy, Đức-vua Dhanañcaya Korabya nghĩ rằng:

“Ta là người vô địch chơi môn cờ gieo súc sắc này, chưa từng có ai thắng được ta.”

Cho nên, Đức-vua tin chắc chắn sẽ thắng cờ chàng trai này dễ dàng, nên truyền bảo rằng:

- Này chàng trai trẻ! Nếu nhà ngươi thắng cờ Trẫm thì ngoài Trẫm, ngai vàng, Chánh-cung Hoàng-hậu của Trẫm ra, còn lại những thứ khác, ngươi chọn những thứ nào, Trẫm sẽ ban những thứ ấy cho ngươi ngay.

- Tâu Đại-vương cao cả nhất trong đất nước Kururaṭṭha này, tiện dân xin tuân lệnh như vậy. Kính xin Đại-vương không nên chậm trễ, bởi vì kẻ tiện dân từ nơi xa đến.

Vậy, kính xin Đại-vương trang hoàng hội trường chơi đánh môn cờ gieo súc sắc ngay bây giờ.

Đức-vua Dhanañcaya Korabya truyền lệnh các quan trang hoàng hội trường gấp.

Tuân lệnh Đức-vua, các quan trang hoàng hội trường, chỗ ngồi giữa là ngai cao quý Đại-vương Dhanañcaya Korabya, phía dưới, bên phải và bên trái, 101 chỗ ngồi của 101 Đức-vua trong tòan cõi Nam-thiện-bộ-châu.

Phía trước Đức-vua, chỗ thấp hợp lẽ dành cho chàng trai trẻ chơi đánh môn cờ gieo súc sắc với Đức-vua.

Sau khi trang hoàng xong, các quan đến tâu trình

Đức-vua Dhanañcaya Korabya ngự đến hội trường.

Cuộc Chơi Đánh Môn Cờ Súc Sắc

Đức-vua Dhanañcaya Korabya ngự đến hội trường cùng với 101 Đức-vua và chàng trai trẻ.

Khi ấy, chàng trai trẻ tâu với Đức-vua rằng:

-Tâu Đại-vương Dhanañcaya Korabya, cuộc chơi đánh môn cờ gieo súc sắc giữa Đại-vương với kẻ tiện dân, sự thắng hoặc sự thua được xảy ra một cách công bằng và hợp pháp.

Cuộc chơi đánh cờ này, chắc chắn sẽ có một bên thắng và một bên thua một cách ôn hòa.

Nếu Đại-vương thắng nước cờ của kẻ tiện dân, thì tiện dân là người bị thua, xin kính dâng viên ngọc maṇi báu này lên Đại-vương. Khi ấy, viên ngọc maṇi báu này thuộc về của Đại-vương.

Nhưng nếu kẻ tiện dân này thắng nước cờ của Đại-vương, thì xin Đại-vương cũng ban báu vật của Đại-vương không chậm trễ.

Nghe chàng trai trẻ tâu như vậy, Đức-vua Dhanañcaya Korabya truyền rằng:

- Này chàng trai trẻ! Ngươi chớ nên lo ngại, bởi vì Trẫm là vua, sự thắng và sự thua phải là công bằng và hợp pháp. Cuộc chơi đánh cờ này, chắc chắn sẽ có một bên thắng và một bên thua một cách ôn hoà.

Nghe Đức-vua Dhanañcaya Korabya truyền ban như vậy, chàng trai trẻ tâu rằng:

- Tâu các Đức-vua trong toàn cõi Nam-thiện-bội-châu, kính xin quý Đức-vua biết rằng:

Cuộc đánh cờ giữa Đại-vương Dhanañcaya Korabya với kẻ tiện dân này, chắc chắn sẽ có một bên thắng và một bên thua, sự thắng hoặc sự thua phải là hợp pháp, kính xin quý Đức-vua, các quan, quý Bà-la-môn chứng minh cuộc đánh cờ này.

Khi ấy, các quan đem bàn cờ và con súc sắc bằng vàng đặt giữa Đức-vua Dhanañcaya Korabya và chàng trai trẻ Puṇṇaka.

Chàng trai trẻ Puṇṇaka tâu rằng:

-Tâu Đại-vương, kính thỉnh Đại-vương dồi con súc sắc trước.

Trước khi dồi con súc sắc, Đức-vua Dhanañcaya Korabya cầu xin vị thiên-nữ đang hộ trì, giúp đỡ cho Đức-vua đánh thắng cuộc cờ này, bởi vì vị thiên-nữ này đã từng là Mẫu-hậu của Đức-vua, đã từng giúp đỡ cho Đức-vua thắng các cuộc đánh cờ, do nhờ oai lực của vị thiên-nữ ấy.

Vị thiên-nữ hộ trì, khi thấy Đức-vua Dhanañcaya Korabya dồi con súc sắc lên cao trên hư không, nếu con súc sắc rơi xuống có thể làm cho Đức-vua thua nước cờ, thì vị thiên-nữ khiến Đức-vua bắt con súc sắc trên hư không, rồi dồi con súc sắc lại lần thứ nhì, cũng như lần trước, Đức-vua liền bắt con súc sắc trên hư không, rồi tiếp tục dồi con súc sắc lần thứ ba.

Khi ấy, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka nghĩ rằng:

Do nguyên nhân nào mà Đức-vua Dhanañcaya Korabya biết được con súc sắc rơi xuống sẽ bị thua nước cờ, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka biết do oai lực của vị thiên-nữ hộ trì Đức-vua, nên thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka trừng mắt nhìn vị thiên-nữ ấy. Ngay tức khắc, vị thiên-nữ hoảng sợ biến mất khỏi nơi ấy.

Con súc sắc rơi xuống lần thứ ba làm cho Đức-vua Dhanañcaya Korabya thua nước cờ do oai lực của thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka.

Đến phiên thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka dồi con súc sắc lên trên hư không, khi con súc sắc rơi xuống thì thắng nước cờ Đức-vua Dhanañcaya Korabya.

Khi ấy, thống tướng Dạ xoa dõng dạc tuyên bố rằng:

-Kẻ tiện dân đã thắng rồi!

Ba lần như vậy.

Nhìn thấy Đức-vua Dhanañcaya Korabya phát sinh nỗi khổ tâm, rồi thất vọng, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka tâu Đức-vua Dhanañcaya Korabya rằng:

-Tâu Đại-vương Dhanañcaya Korabya cao cả nhất trong đất nước Kuru, Đại-vương và kẻ tiện dân này đã quyết tâm trong cuộc đánh cờ này, điều chắc chắn xảy ra, một bên thắng và một bên thua.

- Tâu Đại-vương, cuộc đánh cờ này đã kết thúc, kẻ tiện dân này đã thắng Đại-vương rồi.

Kính xin Đại-vương ban thứ báu vật của Đại-vương cho kẻ tiện dân ngay bây giờ.

Đức-vua Dhanañcaya Korabya truyền bảo với thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka rằng:

- Này chàng trai trẻ dòng dõi Kaccayana! Trong đất nước của Trẫm có những thứ ngọc ngà châu báu, voi, ngựa, bò, các thứ quý giá khác, ngươi hãy chọn lựa rồi Trẫm cho phép lấy các thứ ấy theo ý muốn của ngươi.

Nghe Đức-vua Dhanañcaya Korabya truyền bảo như vậy, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka tâu rằng:

- Tâu Đại-vương Dhanañcaya Korabya, những thứ ngọc ngà châu báu, voi, ngựa, bò, các thứ quý giá khác, tiện dân không muốn, kẻ tiện dân này chỉ muốn được Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita mà thôi.

Kính xin Đại-vương ban Ngài Đại-Pháp-sư Vidhura-paṇḍita cho kẻ tiện dân này.

Nghe chàng trai trẻ Puṇṇaka yêu cầu như vậy, Đức-vua Dhanañcaya Korabya truyền rằng:

- Này chàng trai trẻ! Ngài Đại-Pháp-sư Vidhura-paṇḍita cũng chính là sinh-mạng của Trẫm.

Trước kia, Trẫm đã truyền bảo rằng:

“-Này chàng trai trẻ! Nếu nhà ngươi thắng cờ Trẫm thì ngoài Trẫm, ngai vàng, Chánh-cung Hoàng-hậu của Trẫm ra, còn lại những thứ khác, ngươi chọn những thứ nào, Trẫm sẽ ban những thứ ấy cho ngươi ngay.”

Vậy, ngươi chớ nên xem Ngài Đại-Pháp-sư Vidhura-paṇḍita như là những thứ của cải.

Thật ra, Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita chính là sinh-mạng của ta.

Vậy, ngươi không có quyền chọn lựa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita được.

Nghe Đức-vua Dhanañcaya Korabya dõng dạc truyền bảo như vậy, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka tâu rằng:

- Tâu Đại-vương Dhanañcaya Korabya, sự tranh chấp giữa Đại-vương với kẻ tiện dân này không thể dứt khoát được.

Vậy, kính thỉnh Đại-vương truyền hỏi Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita. Nếu Ngài Đại-Pháp-sư Vidhura-paṇḍita phán xét thế nào thì Đại-vương và kẻ tiện dân chấp thuận theo lời phán xét công minh ấy.

- Này chàng trai trẻ Puṇṇaka! Ngươi nói phải. Trẫm và ngươi cùng đi đến hội trường, kính xin Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita phán xét công minh.

Đức-vua Dhanañcaya Korabya và 101 Đức-vua ngự đến hội trường cùng với chàng trai trẻ Puṇṇaka. Đức-vua Dhanañcaya Korabya truyền cho các quan thỉnh mời Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita đến hội trường, Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita đảnh lễ Đức-vua Dhanañcaya Korabya, rồi ngồi một nơi hợp lẽ.

Khi ấy, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka vấn an Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita xong, rồi thưa rằng:

-Kính thưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, danh thơm tiếng tốt của Ngài được lan truyền khắp cõi Nam-thiện-bộ-châu và các cõi trời dục-giới rằng:

“Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita có trí-tuệ siêu-việt, là bậc thực-hành theo thiện-pháp, bậc không hề nói dối vì để bảo vệ sinh-mạng.”

Hôm nay, tôi sẽ biết được sự thật rằng:

“Ngài là bậc đại-thiện-trí thực-hành theo thiện-pháp hay không?”

-Kính thưa bậc đại-thiện-trí Vidhurapaṇḍita, Ngài có phải là người thân quyến của Đức-vua Dhanañcaya Korabya hay Ngài là vị quan Đại-Pháp-sư thuyết pháp giảng dạy Đức-vua Dhanañcaya Korabya?

Nghe chàng trai trẻ Puṇṇaka hỏi như vậy, Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita nghĩ rằng:

“Lời chân thật là nơi nương nhờ cao thượng nhất trong đời, không có gì quý báu hơn lời chân thật cả.”

Cho nên Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita bảo rằng:

- Này chàng trai trẻ Puṇṇaka! Ta không phải là thân quyến của Đức-vua Dhanañcaya Korabya, ta chỉ là vị quan Đại-Pháp-sư thuyết pháp giảng dạy Đức-vua Dhanañcaya Korabya mà thôi.

- Này chàng trai trẻ Puṇṇaka! Đức-vua Dhanañcaya Korabya chơi đánh cờ bị thua nhà ngươi. Vì vậy, nhà ngươi yêu cầu Đức-vua ban ta cho nhà ngươi. Đó là điều hợp pháp.

Nghe Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita bảo như vậy, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka vô cùng hoan hỷ tuyên bố rằng:

“Hôm nay tôi lại thắng lần thứ nhì, bởi vì bậc thiện-trí Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita phán xét công minh.”

Bổn-Phận Của Người Tại Gia

Đức-vua Dhanañcaya Korabya nghĩ rằng:

“Sau khi chàng trai trẻ này dẫn Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita đi rồi, ta không còn cơ hội nghe Đại-Pháp-sư thuyết pháp nữa. Cho nên ngay bây giờ, trước khi vị Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita rời khỏi kinh-thành, ta nên thỉnh Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita thuyết giảng về các bổn-phận của người tại gia.

Nghĩ xong, Đức-vua Dhanañcaya Korabya thưa Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita rằng:

- Kính thưa Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, sau khi Đại-Pháp-sư rời khỏi kinh-thành này rồi, Trẫm không còn cơ hội nghe Đại-Pháp-sư thuyết pháp nữa.

Nay, kính thỉnh bậc Đại-Pháp-sư lên ngồi trên pháp tòa thuyết pháp tế độ Trẫm, giảng giải cho Trẫm hiểu biết về bổn phận của người tại gia.

- Kính thưa Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, trong đời này:

* Người tại gia thực-hành thiện-pháp như thế nào để được sống an lành, tránh được mọi tai hại?

* Người tại gia thực-hành thiện-pháp tiếp độ mọi người như thế nào?

* Người tại gia không làm khổ mình, không làm khổ chúng-sinh khác như thế nào?

* Người tại gia nói như thế nào gọi là người thường nói lời chân thật?

* Người tại gia thực-hành thiện-pháp như thế nào để tránh khỏi tái-sinh kiếp sau trong bốn cõi ác-giới: địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh, mà được tái-sinh kiếp sau trong các cõi thiện-giới: cõi người, các cõi trời?

Nghe Đức-vua Dhanañcaya Korabya truyền hỏi những câu hỏi về người tại gia, Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita có trí-tuệ siêu-việt tâu giải đáp rằng:

- Tâu Đại-vương Dhanañcaya Korabya, trong đời này:

* Người tại gia là người có ngũ-giới trong sạch và trọn vẹn, không hay nói lời vô ích, là người biết làm tròn mọi bổn phận của mình như nuôi dưỡng cha mẹ, vợ con v.v… là người không dể duôi trong mọi thiện-pháp, là người có trí-tuệ biết suy xét đúng đắn, biết sắp xếp công việc nên làm trước và công việc nên làm sau theo thứ tự, là người không có tính ngã-mạn, có đức tính khiêm tốn.

Người tại gia thực-hành các thiện-pháp như vậy thì cuộc sống được yên lành, tránh được mọi tai hại.

* Người tại gia nên thực-hành bốn pháp tiếp độ mọi người là:

- Nên tạo phước-thiện bố-thí đến mọi người tuỳ theo khả năng của mình.

- Nên nói lời hay ngọt ngào dễ nghe.

- Nên làm việc đem mọi sự lợi ích đến cho mọi người.

- Nên sống hoà mình với mọi người.

* Người tại gia nên tránh xa mười ác-nghiệp bằng thân, bằng khẩu, bằng ý, đồng thời nên thực-hành mười thiện-nghiệp bằng thân, bằng khẩu, bằng ý với đại-thiện-tâm trong sạch.

Như vậy, người tại gia sống không làm khổ mình, không làm khổ chúng-sinh khác.

* Người tại gia là người nói như thế nào thì làm như thế ấy, làm như thế nào thì nói như thế ấy.

Như vậy, gọi là người thường nói lời chân thật.

* Người tại gia là người nên biết tạo phước-thiện bố-thí, cúng dường các thứ vật dụng cần thiết như vật thực, y phục, chỗ ở, thuốc trị bệnh, đến Sa-môn, Bà-la-môn có giới đức trong sạch, là người thường đến gần gũi thân cận với bậc thiện-trí có trí-tuệ, lắng nghe chánh pháp của bậc thiện-trí, thường đến học hỏi rằng:

- Kính bạch Ngài, thiện-pháp là gì? Ác-pháp là gì? Pháp nào nên thực-hành? Pháp nào không nên thực-hành? v.v… một cách cung kính.

- Tâu Đại-vương, trong đời này, người tại gia nào là người có giới trong sạch và trọn vẹn, biết làm tròn bổn phận của mình, biết tiếp độ mọi người như vậy, biết tránh xa mười ác-nghiệp như vậy, biết thực-hành mười thiện nghiệp như vậy, thường nói lời chân thật như vậy, biết làm phước-thiện bố-thí cúng dường đến các bậc Sa-môn, Bà-la-môn, biết nghe chánh-pháp, học hỏi chánh-pháp của các bậc thiện-trí như vậy.

Sau khi người tại gia ấy chết, ác-nghiệp không có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới: địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh, còn đại-thiện-nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong các cõi thiện-giới: cõi người hoặc các cõi trời dục-giới.

Sau khi Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita thuyết pháp giảng giải những câu hỏi của Đức-vua Dhanañcaya Korabya về bổn phận của người tại gia xong, bước xuống pháp tòa đến đảnh lễ Đức-vua Dhanañcaya Korabya xin phép trở về tư thất của mình.

Đức-vua Dhanañcaya Korabya cùng 101 Đức-vua trong tòan cõi Nam-thiện-bộ-châu vô cùng hoan hỷ ngự trở về chỗ ở của mình.

Sau khi Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita thuyết pháp xong, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka thưa với Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita rằng:

-Thưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, xin Ngài Đại-Pháp-sư hãy đi với tôi ngay bây giờ, Đức-vua Dhanañcaya Korabya đã ban Ngài Đại-Pháp-sư cho tôi rồi. Vì sự lợi ích hợp pháp của tôi, xin Ngài Đại-Pháp-sư không nên chậm trễ.

Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita bảo rằng:

-Này chàng trai trẻ Puṇṇaka! Ta biết Đức-vua Dhanañcaya Korabya đã ban ta cho ngươi, bây giờ ta thuộc về của nhà ngươi.

Ngươi nên biết rằng: “Ta là người đã giúp nhà ngươi thắng cuộc với Đức-vua Dhanañcaya Korabya, bởi vì ta đã nói lời chân thật, không nói theo ý của Đức-vua.

Vậy, ta xin mời ngươi đến tư thất của ta nghỉ lại ba ngày đêm, để ta dạy dỗ vợ con thân quyến của ta, rồi ta sẽ đi với nhà ngươi.

Nghe Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita nói như vậy, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka nghĩ rằng:

“Bậc Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita nói đúng, Ngài đã giúp ta thắng cuộc với Đức-vua Dhanañcaya Korabya. Nếu Ngài yêu cầu ta nghỉ lại tư dinh của Ngài bảy ngày hoặc nữa tháng thì ta cũng nên chờ đợi được, huống hồ chỉ có ba ngày mà thôi.”

Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka thưa rằng:

- Thưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, tôi xin chấp thuận theo lời yêu cầu của Ngài, tôi sẽ nghỉ lại tại tư dinh của Ngài ba ngày đêm, kể từ ngày hôm nay xin Ngài dạy dỗ vợ con của Ngài.

Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita đưa chàng trai trẻ Puṇṇaka lên lâu đài nghỉ trên tầng thứ bảy có đầy đủ tiện nghi, Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư truyền bảo 500 cô gái xinh đẹp như thiên-nữ đến phục vụ đờn ca nhảy múa làm cho chàng trai trẻ Puṇṇaka rất hài lòng hoan hỷ.

Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita đến gặp phu-nhân của Ngài báo cho biết sự việc xảy ra đối với Ngài, rồi bảo với phu-nhân rằng:

- Này Anojā em yêu quý! Em nên gọi các con trai gái của chúng ta đến nghe anh dạy bảo.

Nghe Đức phu-quân trình bày sự việc xảy ra như vậy, phu-nhân của Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita phát sinh nỗi khổ tâm sầu não khóc đầm đìa nước mắt, nên bà không thể đi gọi các con, mà nhờ người con dâu đi gọi các con đến nghe Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhura-paṇḍita dạy bảo.

Các người con trai, con gái đến tụ hội đầy đủ tại căn phòng lớn, nhìn thấy phụ thân bước vào, các người con đều khóc lên tiếng.

Khi ấy, Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita đến an ủi vỗ về các con của Đức-Bồ-tát rồi ngồi lên trên pháp tòa khuyên dạy các con rằng:

-Này các con yêu quý! Đức-vua Dhanañcaya Korabya bị buộc phải giao cha cho chàng trai trẻ Puṇṇaka rồi, cha xin phép nán lại được ba ngày, rồi chàng trai trẻ ấy sẽ dẫn cha đi theo y.

Trong khoảng thời gian ngắn ngủi này, trước khi từ biệt các con, cha sẽ dạy dỗ các con các pháp nương nhờ, che chở bảo vệ các con.

Vậy, các con hãy nên ghi nhớ kỹ lời dạy của cha.

Khi ấy, Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita dạy dỗ các con phép làm quan trong triều đình, căn dặn cặn kẽ từng li từng tí, từ việc nhỏ cho đến việc lớn trong triều đình chớ nên dễ duôi.

Khi biết tin Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita sẽ bị chàng trai trẻ Puṇṇaka dẫn đi xa, tòan thể những người trong gia đình dòng họ của Đức-Bồ-tát gồm có cha mẹ, các bà con thân quyến, những người tôi tớ, những người làm công đều cảm thấy khổ tâm sầu não, khóc than thảm thiết, Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhura-paṇḍita khuyên bảo rằng:

-Kính thưa cha mẹ và quý bà con thân quyến, kính xin quý vị đừng khóc than nữa, nên có trí-tuệ biết mình, chớ nên dễ duôi. Tất cả các pháp hữu vi có sinh rồi có diệt, có rồi lại không, đều là vô thường, nên chỉ có khổ mà thôi.

Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita có trí-tuệ siêu-việt dạy dỗ vợ con, tòan gia quyến dòng họ cho đến các người tôi tớ, người làm công xong đúng vào ngày thứ ba hết hạn.

Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita tắm rửa sạch sẽ dùng vật thực ngon lành rồi dẫn vợ con thân quyến đến chầu đảnh lễ Đức-vua Dhanañcaya Korabya đứng một nơi hợp lẽ rồi tâu rằng:

- Tâu Đại-vương, hạ thần xin phép ở nán được ba ngày để dạy dỗ vợ con thân quyến xong vừa hết hạn. Sáng ngày hôm nay, hạ thần dẫn vợ con thân quyến đến đảnh lễ Đại-vương, xin nương nhờ nơi Đại-vương.

Kính xin Đại-vương có tâm từ, tâm bi tế độ vợ con, các thân quyến, cùng các gia nhân được sống an lành như lúc hạ thần còn tại tư dinh.

- Tâu Đại-vương, hạ thần xét thấy mình có lỗi với Đại-vương bởi hạ thần nói sự thật với chàng trai trẻ Puṇṇaka rằng:

“Hạ thần chỉ là vị quan Đại-Pháp-sư giảng dạy Đức-vua Dhanañcaya Korabya mà thôi”, hạ thần không nói theo ý của Đại-vương.

Đó là lỗi của hạ thần, ngoài ra hạ thần không còn thấy lỗi nào khác, hạ thần kính xin Đại-vương tha lỗi ấy cho hạ thần.

Nay, hạ thần kính đảnh lễ Đại-vương, xin phép Đại-vương, hạ thần phải đi theo chàng trai trẻ Puṇṇaka.

Nghe Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita tâu như vậy, Đức-vua Dhanañcaya Korabya truyền bảo rằng:

- Thưa Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, xin Đại-Pháp-sư không nên đi theo chàng trai trẻ Puṇṇaka ấy. Trẫm truyền lệnh giết chàng trai trẻ Puṇṇaka chết, rồi chặt thành nhiều khúc chôn trong kinh-thành này.

Như vậy, Đại-Pháp-sư vẫn ở lại với Trẫm như trước.

Nghe Đức-vua Dhanañcaya Korabya truyền bảo như vậy, Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita tâu rằng:

- Tâu Đại-vương cao thượng nhất trong đất nước Kururaṭṭha này, xin Đại-vương không nên nghĩ điều ác mà nên nghĩ điều thiện. Bởi vì ác-nghiệp là nghiệp thấp hèn mà chư bậc thiện-trí đều chê trách.

Người nào tạo ác-nghiệp, nếu ác-nghiệp cho quả thì người ấy phải chịu quả xấu, quả khổ trong kiếp hiện-tại.

Sau khi người ấy chết, nếu ác-nghiệp có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau, thì sinh trong cõi ác-giới: địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh chịu quả khổ lâu dài cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới thoát ra khỏi cõi ác giới ấy.

- Tâu Đại-vương, không nên vì hạ thần mà Đại-vương tạo ác-nghiệp sát-sinh. Hạ thần kính đảnh lễ Đại-vương, xin phép bái biệt Đại-vương.

Sau khi bái biệt Đức-vua Dhanañcaya Korabya, Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita đến gặp bà Chánh-cung Hoàng-hậu cùng các cung phi mỹ nữ, các hoàng-tử, công-chúa, những người trong hoàng gia, v.v…

Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita thuyết pháp giảng dạy họ rồi khuyên họ chớ nên dễ duôi trong mọi thiện pháp.

Rời khỏi cung điện của Đức-vua, Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita đến gặp số đông dân chúng trong kinh-thành Indapattha, gồm có các Bà-la-môn, các phú hộ, các đoàn binh, các dân chúng, Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita khuyên dạy mọi người rằng:

-Tất cả các pháp hữu vi có sự sinh, sự diệt, đều là vô thường, nên sắc thân này không bền vững lâu dài.

Vậy, các người chớ nên dễ duôi trong mọi thiện pháp.

Sau khi khuyên dạy xong, Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita trở về tư dinh của mình, nhìn thấy đứa con trưởng Dhammapāla cùng đàn em đứng chờ đón bên ngoài tư dinh, Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita cảm động rơi nước mắt đến ôm đứa con trưởng vào lòng rồi bước vào tư dinh.

Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita có một ngàn người vợ, một ngàn đứa con trai, một ngàn đứa con gái, bảy trăm tớ gái và vô số tớ trai, người làm công v.v…

Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita bước lên lâu đài tầng thứ bảy gặp chàng trai trẻ Puṇṇaka báo cho y biết rằng:

- Này chàng trai trẻ Puṇṇaka! Ngươi đã nghỉ trong tư dinh của ta suốt ba ngày qua, việc cần làm ta đã làm xong. Nay, ta sẵn sàng đi cùng với ngươi.

Nghe Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita báo như vậy, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka thưa rằng:

- Xin mời Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita đi ngay bây giờ, bởi vì đường xa.

Đức-Bồ-Tát Vidhurapaṇḍita Từ Giã

Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka cỡi ngựa báu, còn Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita nắm cái đuôi con ngựa báu.

Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka hỏi rằng:

- Thưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, Ngài có sợ hay không?

- Này chàng trai trẻ Puṇṇaka! Ta không có hành ác bằng thân, bằng khẩu, bằng ý thì tại sao ta phải sợ!

Đức-Bồ-tát hai tay nắm cái đuôi con ngựa báu trong tư thế chắc chắn.

- Này chàng trai trẻ Puṇṇaka! Ta đã sẵn sàng, ngươi hãy cho con ngựa phi đi!

Khi ấy, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka ra hiệu cho con ngựa báu bay lên hư không đi thẳng đến ngọn núi Kāḷapabbta y nghĩ rằng:

“Ta nên giết Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita bằng cách cho thân thể của Ngài Đại-Pháp-sư đụng vào cây to, hoặc va chạm vào vách đá trong rừng núi Himavanta này. Ngài Đại-Pháp-sư chết, rồi ta sẽ mổ lấy trái tim thịt của Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita. Ta ném thi thể xuống mặt đất, chỉ đem trái tim thịt ấy đến cõi long cung, dâng lên Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī mà thôi, rồi ta xin rước công-chúa Irandhatī trở về cõi trời.”

Nghĩ xong, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka ra lệnh con ngựa báu bay băng qua các cây to, vách đá, nhưng do oai lực của Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, con ngựa bay đến đâu thì các cây to, vách đá tránh đường cho con ngựa báu bay qua, cho nên thân thể của Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita hoàn toàn không hề bị va chạm chút nào cả.

Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka nhìn lại sau thấy Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita chưa chết, nhìn thấy gương mặt của Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita vẫn trong sáng, tươi tỉnh tự tại như thường.

Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka ra lệnh cho con ngựa báu bay qua bay lại ba lần như vậy, nhưng Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita vẫn chưa chết.

Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka ra lệnh cho con ngựa báu bay vào vùng gió to, để làm cho thân thể của vị Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita chết tả tơi, nhưng do oai lực của Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, con ngựa báu bay đến đâu, ngọn gió to rẽ làm đôi không hề tiếp xúc với thân thể của Đức-Bồ-tát.

Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka quay lại nhìn thấy Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita vẫn chưa chết, gương mặt của Đức-Bồ-tát vẫn trong sáng tự tại.

Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka ra lệnh con ngựa báu bay qua bay lại bảy lần như vậy, nhưng Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita vẫn chưa chết.

Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka ra lệnh con ngựa báu bay vào vùng gió giữ dội Verambhavatā, nhưng do oai lực của Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, gió dữ dội rẽ ra làm đôi không tiếp xúc với thân thể của Đức-Bồ-tát, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka quay lại nhìn thấy Đức-Bồ-tát vẫn chưa chết, gương mặt vẫn tươi tỉnh.

Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka ra lệnh cho con ngựa báu trở lại đỉnh ngọn núi Kāḷapabbata, rồi đặt Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita ngồi trên đỉnh núi.

Tư Dinh Của Đại-Pháp-Sư Vidhurapaṇḍita

Nhìn thấy Dạ xoa Puṇṇaka cỡi con ngựa báu, Đức-Bồ-tát hai tay nắm cái đuôi con ngựa bay trên hư không, những người vợ người con, những người thân quyến của Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita khóc than thảm thiết rằng:

“Dạ xoa hóa ra chàng trai trẻ Puṇṇaka dẫn Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita đi rồi!”

Các bà cung phi mỹ nữ, các hoàng-tử các công-chúa, những người trong hoàng gia, các Bà-la-môn, các đoàn binh, toàn thể dân chúng trong kinh-thành và ngoài kinh-thành cũng đều khóc than rằng:

“Dạ xoa hóa ra chàng trai trẻ Puṇṇaka dẫn Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita của chúng ta đi rồi!”

Họ dẫn nhau đến trước cửa cung điện của Đức-vua Dhanañcaya Korabya khóc than, từ trên lâu đài nhìn qua cửa sổ thấy và nghe họ khóc than, Đức-vua Dhanañcaya Korabya truyền hỏi rằng:

- Này các ngươi! Các ngươi khóc than chuyện gì vậy?

Dân chúng tâu rằng:

- Muôn tâu Đại-vương, chàng trai trẻ Puṇṇaka kia không phải là loài người mà là loài Dạ-xoa hóa ra thành người, Dạ-xoa kia cỡi con ngựa báu, còn Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita hai tay nắm cái đuôi đằng sau con ngựa báu bay trên hư không, dẫn Ngài Đại-Pháp-sư của chúng ta đi rồi. Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita của chúng tiện dân không biết sống chết thế nào!

Nếu bậc Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita trong vòng bảy ngày không trở lại kinh-thành Indapattha thì chúng tiện dân không còn muốn sống, bởi vì sống mà không được nghe pháp của Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita thì sống có ích lợi gì nữa đâu!

Thật vậy, trong thời-kỳ Ngài Đại-Pháp-sư Vidhura-paṇḍita, 101 Đức-vua trong toàn cõi Nam-thiên-bộ-châu, những người trong hoàng gia, các quan trong triều đình, các đoàn quân, tòan thể dân chúng trong kinh-thành và khắp mọi nơi một lòng kính yêu Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, bởi vì Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita thuyết pháp giảng dạy tất cả mọi người được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài.

Nghe dân chúng tâu như vậy, Đức-vua Dhanañcaya Korabya truyền hỏi an ủi rằng:

-Này hỡi các thần dân! Các ngươi chớ nên khóc than sầu não khổ tâm nữa! Ngài Đại-Pháp-sư Vidhura-paṇḍita là người có trí-tuệ siêu-việt thuyết pháp hay đoạn đầu, đoạn giữa, đoạn cuối, có ý nghĩa sâu sắc văn chương hay, thuyết pháp giảng dạy Dạ-xoa Puṇṇaka kia hiểu biết chánh-pháp, biết phân biệt được thiện-nghiệp với ác-nghiệp, pháp nên thực-hành với pháp không nên thực-hành,… thuyết phục Dạ-xoa Puṇṇaka kia bỏ tà-kiến theo chánh-kiến, bỏ ác-pháp hành thiện-pháp, Dạ-xoa kia sẽ trả lại tự do cho Đại-Pháp-sư Vidhura-paṇḍita, rồi y sẽ đem Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita trở lại kinh-thành Indapattha.

Nghe Đức-vua Dhanañcaya Korabya truyền lời an ủi như vậy, tất cả mọi người đều cảm thấy an tâm trở về chỗ ở của mình.

Thống Tướng Dạ-Xoa Chọn Cách Giết Đức-Bồ-Tát

Đặt Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita ngồi trên đỉnh núi Kāḷapabbata, thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka nghĩ rằng:

“Nếu Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita còn sống thì ta chẳng có lợi ích gì cả.

Vậy, ta phải giết chết Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita lấy trái tim thịt của Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita đem đến cõi long cung, dâng lên bà Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī, rồi đón rước công-chúa Irandhatī đem về cõi trời của ta.

Ta không nên giết chết Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita bằng đôi bàn tay của ta, mà ta nên giết chết bằng cách làm cho Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita hoảng sợ khiếp vía kinh hồn mà chết.

* Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka hóa ra một Dạ-xoa to lớn hung dữ nhào đến vồ Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita nằm ngã xuống, nắm đôi chân bỏ vào hai hàm răng trong miệng làm như ăn thịt, nhưng Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư không một chút sợ hãi nào.

*  Tiếp theo thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka hóa ra con sư tử chúa chạy đến gầm gừ như muốn cắn xe Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita để ăn thịt, nhưng cũng không làm cho Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita sợ hãi chút nào.

* Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka hóa ra một con voi chúa có đôi ngà nhọn chạy đến như đâm vào Đức-Bồ-tát, nhưng Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita không hề tỏ ra sợ hãi chút nào.

* Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka hóa ra con rắn hổ mang chúa to lớn và dài bò đến quấn vào thân hình Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita phùng mang trước mặt Đức-Bồ-tát, dù làm như vậy, Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư vẫn tự nhiên không hề biết sợ hãi gì cả.

* Tiếp theo thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka hóa ra trận bão lớn thổi đến để làm cho Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita rơi xuống núi chết tan xương nát thịt, do oai lực của Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita trận bão lớn ấy không thể làm một sợi tóc Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita lay động.

* Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita vẫn nằm trên đỉnh núi Kāḷapabbata, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka làm cho núi Kāḷapabbata rung chuyển, làm nghiêng qua nghiêng lại, do oai lực của Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư nên Ngài vẫn nằm yên không hề bị xê dịch.

* Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka hóa ra trận sấm sét dữ dội trên hư không làm cho núi, mặt đất rung chuyển với mục đích làm cho Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhura-paṇḍita vỡ tim ra chết vì tiếng sấm sét ấy, do oai lực của Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita tiếng sấm sét ấy không làm cho Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhura-paṇḍita run sợ chút nào cả.

 Thật ra, Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita biết rõ những cảnh tượng ấy do chàng trai trẻ Puṇṇaka ấy biến hóa ra như tên Dạ xoa hung dữ, con sư tử chúa, con voi chúa, con rắn hổ mang chúa, trận bão lớn, làm núi rung chuyển, tiếng sấm sét, chứ không phải ai khác.

Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka nghĩ rằng:

“Ta không thể giết chết Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita bằng cách nhờ năng lực bên ngoài, thì ta sẽ giết chết Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita bằng đôi tay của ta vậy.”

* Lần thứ nhất, đứng trên đỉnh núi Kāḷapabbata, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka nắm thân hình Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita ném rơi xuống sâu khoảng 15 do tuần, liền sau đó thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka đưa tay nắm hai chân của Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhura-paṇḍita đưa lên cao cái đầu chúc xuống đất, nhìn thấy gương mặt của Đức-Bồ-tát vẫn chưa chết.

Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka đem Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita trở lại lên đỉnh núi.

* Lần thứ nhì, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka nắm thân hình Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita ném rơi xuống sâu khoảng 30 do tuần, liền sau đó thống tướng Dạ xoa đưa tay nắm hai chân của Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư đưa lên cao cái đầu chúc xuống đất, nhìn thấy gương mặt của Đức-Bồ-tát vẫn chưa chết.

Thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka đem Đức-Bồ-tát trở lại lên đỉnh núi.

* Lần thứ ba, thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka nắm thân hình Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita ném rơi xuống sâu khoảng 60 do tuần, liền sau đó thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka đưa tay nắm hai chân của Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư đưa lên cao cái đầu chúc xuống đất, nhìn thấy gương mặt của Đức-Bồ-tát vẫn chưa chết.

 Khi ấy, Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka nghĩ rằng:

“Dù ta đã tự tay ném Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita rơi xuống núi đến ba lần vẫn không chết.

Vậy, ta nên nắm chặt đôi chân của Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita  rồi đập  cái đầu  của  Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita xuống đỉnh núi làm cho bể nát đầu, thì chắc chắn Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita phải chết thôi.”

Nghĩ xong, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka đưa tay nắm hai chân của Đức-Bồ-tát đưa lên cao, cái đầu chúc xuống rồi đem Đức-Bồ-tát trở lại lên đỉnh núi.

Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita nghĩ rằng:

“Chàng trai trẻ này lần thứ nhất, ném ta rơi xuống sâu 15 do tuần; lần thứ nhì, ném ta rơi xuống sâu 30 do tuần; lần thứ ba, ném ta rơi xuống sâu 60 do tuần. Ta muốn biết do nguyên nhân nào mà y cố gắng giết ta chết như vậy.”

Khi ấy, Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita đang bị thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka nắm hai chân đưa lên cao cái đầu chúc xuống, nhưng không hề sợ hãi, Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita bình tĩnh truyền hỏi Dạ xoa rằng:

- Này chàng trai trẻ Puṇṇaka! Ngươi có vẻ cao thượng, nhưng chẳng cao thượng chút nào, ngươi có vẻ là người lương thiện, nhưng chẳng lương thiện chút nào.

Nếu ngươi đã tạo ác-nghiệp sát-sinh thì ngươi là kẻ ác đáng chê trách. Bây giờ ngươi định đập cái đầu ta trên đỉnh núi này để cho ta chết, ngươi có được sự lợi ích gì?

- Này chàng trai trẻ Puṇṇaka! Ta biết ngươi thuộc hàng chư thiên. Vậy, ngươi thuộc hàng chư thiên loại nào vậy?

Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka thưa rằng:

-  Thưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, tôi thuộc hàng Dạ-xoa, tên là Puṇṇaka là thống-tướng của Đại Thiên-vương Kuvera.

- Thưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, sở dĩ tôi cố gắng giết Ngài Đại-Pháp-sư là vì tôi yêu say đắm công-chúa Irandhatī rất xinh đẹp tuyệt vời của Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā cõi long cung.

Nghe thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka thưa như vậy, Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita bảo rằng:

- Này thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka! Ngươi là kẻ si mê, sai lầm. Ngươi yêu say đắm công-chúa Irandhatī xinh đẹp tuyệt vời. Vậy, do nguyên nhân nào mà ngươi lại muốn giết ta chết.

Xin ngươi hãy nói rõ cho ta biết nguyên nhân ấy?

- Thưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, tôi yêu say đắm công-chúa Irandhatī xinh đẹp tuyệt vời của Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā có nhiều oai lực cõi long cung, tôi xin làm lễ thành hôn với công-chúa Irandhatī, thì Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā đặt điều kiện truyền bảo tôi rằng:

“-Này thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka! Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī của Trẫm muốn được trái tim của Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, nếu ngươi có khả năng đem trái tim của vị Đại-Pháp-sư Vidhura-paṇḍita đến cõi long cung này một cách hợp pháp thì Trẫm sẽ ban công-chúa Irandhatī xinh đẹp tuyệt vời cho ngươi làm phu-nhân.

Trẫm chỉ cần trái tim của vị Đại-Pháp-sư Vidhura-paṇḍita mà thôi, ngoài ra, Trẫm không cần một thứ của cải nào khác.”

- Thưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, tôi không phải là kẻ si mê, tôi không phải là kẻ sai lầm gì cả. Nếu  khi tôi được trái tim của Ngài Đại-Pháp-sư Vidhura-paṇḍita một cách hợp pháp, tôi đem dâng trái tim ấy đến Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā thì Đức-Long-vương và Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī sẽ ban công-chúa Irandhatī xinh đẹp tuyệt vời cho tôi làm phu-nhân.

Vì vậy, tôi cố gắng giết Ngài Đại-Pháp-sư Vidhura-paṇḍita chết, rồi tôi lấy trái tim của Ngài, để tôi được thành tựu điều mong ước của tôi, là được thành hôn với công-chúa Irandhatī xinh đẹp tuyệt vời ấy.

Nghe thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka trình bày nguyên nhân như vậy, Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita nghĩ rằng:

“Chắc chắn đó là sự hiểu sai ý của bà Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī, bà ấy không phải muốn trái tim thịt của ta.

Sự thật, Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā nghe pháp của ta phát sinh đức-tin trong sạch đem dâng viên ngọc maṇi báu đến ta gọi là lễ vật cúng dường pháp.

Khi trở về cõi long cung Đức-Long-vương Varuṇa-nāgarājā thuật lại cho bà Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī về chuyện ta thuyết pháp hay, rồi tán dương ca tụng ta làm cho bà Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalā-devī cũng muốn nghe pháp của ta, lại nói muốn được trái tim của Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita.

Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā hiểu sai ý là “trái tim thịt” của Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita khiến cho thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka cũng hiểu sai lầm theo Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā, cho nên thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka đã cố gắng giết ta chết, để lấy trái tim của ta.

Nay, ta đã tìm ra được nguyên nhân như vậy, thế mà thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka đã hành hạ ta chịu bao nỗi khổ thân như thế này!

 Thật ra, nếu thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka giết ta chết, y chẳng được ích lợi gì.

Vậy, ta nên khuyên bảo cho y hiểu biết đúng sự thật.”

Khi ấy, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka vẫn còn nắm hai chân của Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita đưa lên cao, cái đầu chúc xuống đất.

Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita truyền bảo thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka rằng:

-Này thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka! Ta biết pháp sādhunaradhamma: pháp của người thiện. Ngươi hãy để cho ta ngồi trên đỉnh núi.

Hôm nay, ta sẽ thuyết giảng các pháp của người thiện cho ngươi nghe trước, sau đó ngươi hãy giết ta chết, rồi lấy trái tim của ta.

Nghe Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita bảo như vậy, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka nghĩ rằng:

“Pháp của người thiện, ta chưa từng nghe.

Vậy, ta nên đặt Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita trên đỉnh núi, để cho Ngài Đại-Pháp-sư thuyết giảng các pháp của người thiện cho ta nghe xong, rồi ta sẽ giết Ngài Đại-Pháp-sư chết, rồi sẽ lấy trái tim của Ngài Đại-Pháp-sư sau.”

Nghĩ xong, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka đặt Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita ngồi trên đỉnh núi.

Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita bảo rằng:

-Này thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka! Ta cần tắm rửa sạch sẽ trước, rồi ta sẽ thuyết-pháp sau.

Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka đem nước sạch đến cho Ngài Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita tắm rửa sạch sẽ.

 Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita tắm xong, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka dâng đến Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư một bộ y phục cõi trời, mang vật thực đến mời Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita dùng, còn thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka đi tìm các thứ hoa đem về làm một pháp tòa xinh đẹp và trang hoàng xung quanh đỉnh núi Kāḷapabbata.

Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka thỉnh Ngài Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita lên ngồi trên pháp tòa thuyết-pháp.

Bốn Pháp Của Con Người Thiện

Ngài Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita thuyết giảng bốn pháp của con người thiện (sādhunara-dhamma) rằng:

- Này thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka!

* Người hành theo con đường mà người xưa đã hành.

* Người không nên đốt bàn tay mềm mại.

* Người không bao giờ làm khổ bạn.

* Người không nên rơi vào năng lực của đàn bà.

Nghe bốn pháp của con người thiện (sādhunaradhamma) thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka không hiểu rõ, nên thưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita giảng giải rộng rằng:

- Kính thưa Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, xin Ngài giảng giải rộng từng mỗi pháp rằng:

* Thế nào gọi là người hành theo con đường mà người xưa đã hành?

* Thế nào gọi là người không nên đốt bàn tay mềm mại?

* Thế nào gọi là người không bao giờ làm khổ bạn?

* Thế nào gọi là người không nên rơi vào năng lực của đàn bà?

 Ngài Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita giảng giải rộng bốn pháp của con người thiện cho thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka nghe rằng:

- Này thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka! Người chủ mời người khách nào đến nhà, đối xử tử tế, đón rước tiếp đãi niềm nở với người khách ấy, thì người khách ấy cần phải có bổn phận biết ơn và biết đền đáp ơn người chủ ấy.

Chư bậc thiện-trí gọi là “Người hành theo con đường người xưa đã hành”, có nghĩa là người chủ đã đối xử tử tế, đã tiếp đãi niềm nở với người khách nào, thì người khách ấy cần phải có bổn phận biết ơn và biết đền đáp công ơn người chủ, hay người sau phải nên bắt chước noi gương người trước ấy.

- Này thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka! Người thực-hành như vậy, gọi là người hành theo con đường mà người xưa đã hành.

Đó là pháp thứ nhất của con người thiện.

- Này thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka! Người nào đến nương nhờ nơi nhà của người chủ nào, được tiếp đãi tử tế, dù chỉ một đêm, vẫn không nên nghĩ xấu đến người chủ ấy. Như vậy, gọi là người không nên đốt bàn tay mềm mại.

Đó là pháp thứ nhì của con người thiện.

- Này thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka! Người nào ngồi hoặc nằm dưới bóng mát của cây nào, khi rời khỏi cây ấy, thì người ấy không nên bẻ cành, ngắt lá của cây ấy.

Cây thuộc về thực vật không có tâm thức mà người ấy không làm tổn thương đến cây ấy, huống hồ là con người, thì người ấy chắc chắn không bao giờ làm hại bạn được.

Như vậy, gọi là người không bao giờ làm khổ bạn.

Đó là pháp thứ ba của con người thiện.

-  Người đàn bà nào được người chồng yêu quý nhất, được người chồng hết mực thương yêu chiều chuộng. Dù cho người chồng cho người vợ các thứ ngọc ngà châu báu, nhưng khi người đàn bà ấy có cơ hội gặp người đàn ông khác, thì người đàn bà ấy vẫn phụ bạc chồng, đi theo người đàn ông khác.

Cho nên, người đàn ông không nên rơi vào năng lực của người đàn bà ấy.

Đó là pháp thứ tư của người thiện.

- Này thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka!

* Người hành theo con đường mà người xưa đã hành là như vậy.

* Người không nên đốt bàn tay mềm mại là như vậy.

* Người không bao giờ làm khổ bạn là như vậy.

* Người không nên rơi vào năng lực của người đàn bà là như vậy.

Đó là bốn pháp của con người thiện.

- Này thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka! Ngươi hãy nên từ bỏ mọi ác-nghiệp, mà nên thực-hành theo mọi đại-thiện-nghiệp, nên từ bỏ tà-kiến mà theo chánh-kiến thì ngươi sẽ được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc trong kiếp hiện-tại và những kiếp vị-lai.

Thống-Tướng Dạ-Xoa Puṇṇaka Tỉnh Ngộ

Sau khi nghe Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhura-paṇḍita thuyết giảng bốn pháp của con người thiện, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka tỉnh ngộ, phát sinh đức-tin trong sạch nơi Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, có trí-tuệ biết mình nên nghĩ rằng:

“Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita này đã đối xử tử tế, đã tiếp đãi ta rất chu đáo, cho người phục vụ ta đầy

 đủ mọi thứ cần thiết, đờn ca múa hát làm ta rất hài lòng trong suốt ba ngày đêm tại tư dinh của Ngài Đại-Pháp-sư, nhưng ta không biết ơn và biết đền đáp công ơn đối với Ngài Đại-Pháp-sư, mà còn hành hạ Ngài Đại-Pháp-sư đủ mọi cách, cốt để giết Ngài Đại-Pháp-sư chết, rồi lấy trái tim của Ngài Đại-Pháp-sư, bởi vì ta yêu say đắm công-chúa Irandhatī của Đức-Long-vương Varuṇa-nāgarājā và Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī, khiến cho ta tạo mọi ác-nghiệp, làm hại bạn như vậy.

Ta không chỉ làm khổ Ngài Đại-Pháp-sư Vidhura-paṇḍita, ân nhân của ta mà còn làm khổ vợ con thân quyến của Ngài Đại-Pháp-sư cùng toàn thể dân chúng trong kinh-thành Indapattha và dân chúng trong đất nước Kuru nữa.

Nếu ta không thực-hành theo thiện-pháp của bậc thiện-trí thì ta là kẻ ác, ta tạo ác-nghiệp vì yêu say đắm công-chúa Irandhatī, rồi phải chịu quả khổ trong kiếp hiện-tại lẫn nhiều kiếp vị-lai.

Vậy, lợi ích gì mà ta muốn thành hôn với công-chúa Irandhatī của Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā và bà Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī nữa.”

Nghĩ xong, Dạ xoa Puṇṇaka thưa với Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita rằng:

-Kính thưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, tôi đã nương nhờ nơi tư dinh của Ngài Đại-Pháp-sư suốt ba ngày đêm, Ngài Đại-Pháp-sư đã ân cần tiếp đãi tôi hết mực tử tế.

Thật ra, tôi vốn là người mà trước đây Ngài Đại-Pháp-sư chưa từng quen biết bao giờ, đáng lẽ ra tôi phải là người biết ơn Ngài Đại-Pháp-sư, và biết đền đáp ơn Ngài Đại-Pháp-sư, nhưng tôi lại làm khổ Ngài Đại-Pháp-sư bằng nhiều cách.

 Nhờ nghe bốn pháp của con người thiện mà Ngài Đại-Pháp-sư đã thuyết giảng, nên tôi được tỉnh ngộ, nhận thức được sự sai lầm của tôi.

Vậy, tôi thành tâm sám hối tội lỗi ấy với Ngài Đại-Pháp-sư. Kính xin Ngài Đại-Pháp-sư tha thứ tội lỗi ấy cho tôi.

- Kính thưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, lời dạy của Ngài thật là kỳ diệu, làm cho tôi tỉnh ngộ, tôi không dám tạo ác-nghiệp tội lỗi nữa. Ngài Đại-Pháp-sư cũng được thoát chết.

Ngay bây giờ, Ngài Đại-Pháp-sư không còn thuộc về tôi nữa, Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita hoàn tòan được tự do. Dù công-chúa Irandhatī xinh đẹp tuyệt vời như thế nào, tôi cũng không còn quan tâm mong ước nữa, dù bà Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī bệnh hoạn thế nào, tôi cũng không còn quan tâm nữa.

- Kính thưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, ngay bây giờ, kính mời Ngài Đại-Pháp-sư lên ngồi phía trước con ngựa báu, tôi ngồi phía sau, sẽ tiễn đưa Ngài Đại-Pháp-sư trở về kinh-thành Indapattha, đáp xuống trước giảng đường trong cung điện của Đức-vua Dhanañcaya Korabya.

Nghe thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka thưa như vậy, Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita bảo rằng:

- Này thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka! Ngươi chớ vội đưa ta trở về kinh-thành Indapattha, ta nhờ ngươi đưa ta đến cõi long cung mà ta chưa từng thấy, để gặp Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā và Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī.

Nghe Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita bảo như vậy, thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka thưa rằng:

-  Kính thưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, Ngài là bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ siêu-việt không nên đến cõi long cung ấy rất nguy hiểm đến tính mạng của Ngài, bởi vì nơi ấy, kẻ thù đang chờ đợi trái tim của Ngài.

- Này thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka! Ta biết rõ điều đó, nhưng ta không sợ. Trước đây ngươi là thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka hung ác mà ta đã thuyết phục ngươi trở thành thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka thiện-trí, thì ta cũng có khả năng thuyết phục Đức-Long-vương Varuṇa-nāgarājā và Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī trở thành thiện-trí được vậy.

Nghe Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita nói như vậy, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka nhận lời yêu cầu của Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita.

Đức-Bồ-Tát Vidhurapaṇḍita Đến Cõi Long Cung

Thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka mời Đức-Bồ-tát lên con ngựa báu ngồi sau, còn thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka ngồi trước, để bảo vệ Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhura-paṇḍita, rồi bay thẳng đến cõi long cung do oai lực của thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka.

Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita nhìn thấy cảnh long cung có các lâu đài bằng các loại ngọc quý, các long nam long nữ rất xinh đẹp từng đoàn từng đoàn đờn ca múa hát vui vẻ với nhau, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka đưa Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita đến trước cung điện của Đức-Long-vương Varuṇa-nāgarājā.

Nhìn thấy thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka trở về mà không thấy Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita (bị che khuất) Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā truyền hỏi rằng:

-Này Puṇṇaka! Ngươi hãy đến cõi người tìm trái tim  Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita có trí-tuệ siêu-việt đem đến cõi long cung này được hay không?

Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka tâu rằng:

- Tâu Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā, hạ thần đã thỉnh được Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita có trí-tuệ siêu-việt đến cõi long cung này một cách hợp pháp rồi.

- Tâu Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā, Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita là bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ siêu-việt, thuyết pháp hay ở phần đầu, phần giữa, phần cuối, đầy đủ ý nghĩa sâu sắc với giọng hay làm cho người nghe tỉnh ngộ từ bỏ ác-nghiệp, tạo mọi thiện-nghiệp, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc trong kiếp hiện-tại lẫn những kiếp vị-lai.

Cho nên, được gần gũi thân cận với bậc đại-thiện-trí như Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita mới đem lại sự an-lạc thật sự. Tâu Đức-Long-vương.

Sau khi tâu xong, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka mời Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita vào yết kiến Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā.

Nhìn thấy Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā vô cùng hoan hỷ mới truyền bảo rằng:

- Kính thưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, Ngài là loài người đến cõi long cung là nơi chưa từng thấy, Ngài không sợ tai hoạ sự chết xảy đến với Ngài hay sao?

Tại sao Ngài không chịu đảnh lễ Trẫm. Như vậy, Ngài có xứng đáng được gọi là bậc đại-thiện-trí hay không?

Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita tâu rằng:

- Tâu Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā, tôi là người không biết sợ tai họa là cái chết xảy đến với tôi, cũng không một thế lực nào có thể khuất phục tôi được.

-  Tâu Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā, người tử tù không nên đảnh lễ tên đao phủ sắp giết mình chết, hoặc tên đao phủ cũng không nên bắt buộc người tử tù đảnh lễ mình, bởi vì, sự đảnh lễ của người tử tù không đem lại sự lợi ích gì!

- Tâu Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā, tôi biết rằng: “Đức-Long-vương truyền lệnh giết tôi chết. Vì vậy, tôi đảnh lễ Đức-Long-vương sao được. Vả lại, sự đảnh lễ cũng không đem lại sự lợi ích gì cho tôi cả.”

Nghe Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita tâu như vậy, Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā vô cùng hoan hỷ tán dương ca tụng Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita rằng:

- Kính thưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, lời tâu của Ngài thật là hợp lý. Người tử tù không nên đảnh lễ tên đao phủ sắp giết mình chết, hoặc tên đao phủ cũng không nên bắt buộc người tử tù đảnh lễ mình, bởi vì, sự đảnh lễ của người tử tù không đem lại sự lợi ích gì!

Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā rất hài lòng hoan hỷ trong lời tâu của Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư. Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā với Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita vấn an với nhau. Khi ấy, Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư tâu hỏi rằng:

- Tâu Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā, Đức-Long-vương trị vì cõi long cung này có các lâu đài bằng vàng bạc, có các thứ ngọc quý được trang hoàng các lâu đài nguy nga tráng lệ này, có được do nhờ ai không? Hoặc các lâu đài này phát sinh lên tự nhiên? Hoặc tự tay Đức-Long-vương xây dựng lên? Hoặc do chư thiên hóa ra rồi dâng lên Đức-Long-vương?

Kính xin Đức-Long-vương truyền bảo cho tôi biết được không?

 Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā truyền bảo rằng:

- Kính thưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, Trẫm trị vì cõi long cung có được các lâu đài nguy nga tráng lệ này không phải do nhờ ai cả, cũng không phải phát sinh lên tự nhiên, cũng không phải tự tay Trẫm xây dựng lên, cũng không phải do chư-thiên hóa ra rồi dâng đến Trẫm.

Sự thật, Trẫm có được các lâu đài nguy nga tráng lệ này, đó chỉ là quả của phước-thiện mà Trẫm đã tạo trong tiền-kiếp mà thôi.

- Tâu Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā, trong tiền-kiếp của Đức-Long-vương đã từng tạo những phước-thiện nào? Đã thực-hành phạm hạnh như thế nào? Mà kiếp hiện-tại này sinh làm Đức-Long-vương Varuṇa-nāgarājā trị vì cõi long cung này, có nhiều phép thần thông biến hóa, có sức mạnh phi thường, có các lâu đài nguy nga tráng lệ như thế này?

- Kính thưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, trong tiền-kiếp của Trẫm và Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalā-devī, sinh làm người trong kinh-thành Kālacampā, đất nước Aṅga. Hai chúng tôi là người tin nơi nghiệp và quả của nghiệp, thường làm phước-thiện bố-thí cúng dường vật thực, y phục, chỗ ở thuốc trị bệnh v.v… đến chư Sa-môn, chư Bà-la-môn một cách cung kính. Đó là những phước-thiện mà tiền-kiếp của hai chúng tôi đã từng tạo trong kiếp quá-khứ.

Và tiền-kiếp của hai chúng tôi là người có giới, giữ gìn ngũ-giới trong sạch và đầy đủ.

Đó là pháp-hành-giới mà tiền-kiếp của hai chúng tôi đã từng hành.

Kiếp hiện-tại tôi là Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā và Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī như thế này. Đó  là quả của các đại-thiện-nghiệp mà tiền-kiếp của hai chúng tôi đã từng tạo phước-thiện trong kiếp người.

- Tâu Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā, Đức-Long-vương trị vì cõi long cung này có các lâu đài bằng vàng ngọc nguy nga tráng lệ như thế này. Đó là quả của phước-thiện bố-thí, giữ-giới mà Đức-Long-vương đã từng tạo trong tiền-kiếp.

-Tâu Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā, những quả của phước-thiện này thuộc về các pháp-hữu-vi có sự sinh, sự diệt, đều là vô-thường, không bền vững lâu dài. Bởi vậy cho nên, xin Đức-Long-vương chớ nên dễ duôi trong mọi thiện-pháp.

Cho nên, Đức-Long-vương nên tạo các thiện-nghiệp bằng thân, bằng khẩu, bằng ý, để kiếp hiện-tại hưởng mọi sự an-lạc trong cõi long cung và những kiếp vị-lai.

Nghe bậc Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita thuyết giảng, Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā vô cùng hoan hỷ truyền thưa rằng:

- Kính thưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, trong cõi long cung này không có chư Sa môn, Bà-la-môn để cho chúng tôi làm phước-thiện bố-thí, cũng dường vật thực, y phục, v.v…

Vậy, chúng tôi tạo các đại-thiện-nghiệp bằng cách nào? Kính xin Ngài Đại-Pháp-sư chỉ dạy cho chúng tôi.

- Tâu Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā, trong cõi long cung, Đức-Long-vương có thể tạo mọi phước-thiện như Đức-Long-vương không nên làm khổ các loài long như các long nam, các long nữ, các quan quân, các hoàng-tử, các công-chúa, các cung phi mỹ nữ, các hoàng-hậu, Chánh-cung Hoàng-hậu, v.v… bằng thân, bằng khẩu, bằng ý. Đức-Long-vương nên rải tâm từ đến tất cả các loài long trong cõi long cung này.

 Đức-Long-vương chớ nên dễ duôi trong mọi thiện-pháp, cố gắng thọ trì bát-gới trong những ngày giới hằng tháng cho đến hết tuổi thọ.

Như vậy, Đức-Long-vương sẽ hưởng được mọi sự an-lạc trong cõi long cung này cho đến hết tuổi thọ.

Sau khi Đức-Long-vương băng hà, đại-thiện-nghiệp ấy sẽ cho quả tái-sinh kiếp sau lên cõi trời dục-giới, sẽ được hưởng mọi sự an-lạc cao quý hơn cõi long cung này gấp bội lần.

Nghe Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita thuyết dạy như vậy, Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā phát sinh đại thiện-tâm vô cùng hoan hỷ, nên nghĩ rằng:

“Ta nên thỉnh Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita đến gặp Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī, để Ngài Đại-Pháp-sư thuyết pháp tế độ cho Chánh-cung Hoàng-hậu của ta hầu phát sinh đại-thiện-tâm hoan hỷ trong lời dạy của Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita mà diệt tâm tham muốn trước kia, rồi ta sẽ tiễn đưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita trở lại kinh-thành Indapattha gặp lại Đức-vua Dhanañcaya Korabya đang ngày đêm trông ngóng.”

Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā truyền hỏi Đức-Bồ-tát rằng:

- Kính thưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, kính xin Ngài tâu cho Trẫm biết rõ, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka có dùng sức mạnh bắt Ngài Đại-Pháp-sư đưa đến cõi long cung này hay không? Hay bằng cách nào, có hợp pháp hay không?

- Tâu Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka hoàn toàn không dùng sức mạnh bắt tôi, đưa đến cõi long cung này.

 Sự thật, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka chơi đánh cờ súc sắc với Đức-vua Dhanañcaya Korabya, tại cung điện của Đức-vua Dhanañcaya Korabya.

Kết cục thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka đã thắng, còn Đức-vua Dhanañcaya Korabya bị thua, nên Đức-vua Dhanañcaya Korabya đã ban tôi cho thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka.

Như vậy, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka dẫn tôi đến cõi long cung này một cách hợp pháp.

Nghe lời tâu của Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhura-paṇḍita, Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā rất hài lòng hoan hỷ nắm tay Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư ngự đến thăm Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī, rồi truyền hỏi rằng:

- Này Ái-khanh Vimalādevī yêu quý, Ái-khanh bệnh tình như thế nào mà nằm yên như vậy?

- Này Ái-khanh yêu quý, Ngài Đại-Pháp-sư Vidhura-paṇḍita là bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ siêu-việt đem lại ánh sáng trí-tuệ cho chúng-sinh trong đời, Ái-khanh mong ước được trái tim của Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita.

Nay, Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita đã đến cõi long cung, sẽ đem ánh sáng trí-tuệ cho Ái-khanh.

Vậy, Ái-khanh nên nghe Ngài Đại-Pháp-sư thuyết pháp tế độ Ái-khanh, có cơ hội được thân cận gần gũi với Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita thật là một diễm phúc lớn lao!

Nghe Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā truyền bảo đến tên Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, bà Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī liền ngồi dậy, nhìn thấy Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita liền phát sinh đại-thiện-tâm hoan hỷ chưa từng có, bà chắp hai tay lễ bái  Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita có trí-tuệ siêu-việt, rồi truyền bảo rằng:

- Kính thưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, Ngài là loài người đến cõi long cung là nơi chưa từng thấy, Ngài không sợ tai hoạ sự chết xảy đến với Ngài Đại-Pháp-sư hay sao? Tại sao Ngài Đại-Pháp-sư không chịu đảnh lễ ta.

Như vậy, Ngài Đại-Pháp-sư có xứng đáng được gọi là bậc đại-thiện-trí hay không?

Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita tâu rằng:

- Tâu Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī, tôi là loài người không biết sợ tai họa là cái chết xảy đến với tôi, cũng không một thế lực nào có thể khuất phục tôi được.

- Tâu Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī, người tử tù không nên đảnh lễ tên đao phủ sắp giết mình chết, hoặc tên đao phủ cũng không nên bắt buộc người tử tù đảnh lễ mình, bởi vì, sự đảnh lễ của người tử tù không đem lại sự lợi ích gì!

- Tâu Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī tôi biết rằng: “Chánh-cung Hoàng-hậu truyền lệnh cho người giết tôi chết”. Vì vậy, tôi đảnh lễ Chánh-cung Hoàng-hậu sao được. Vả lại, sự đảnh lễ cũng không đem lại sự lợi ích gì cho tôi cả.

Nghe Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita tâu như vậy, Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī vô cùng hoan hỷ tán dương ca tụng Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư rằng:

- Kính thưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, lời tâu của Ngài thật là hợp lý. Người tử tù không nên đảnh lễ tên đao phủ sắp giết mình chết, hoặc tên đao phủ cũng không nên bắt buộc người tử tù đảnh lễ mình, bởi vì, sự đảnh lễ của người tử tù không đem lại sự lợi ích gì!

 Chánh-cung Hoàng-hậu rất hài lòng hoan hỷ trong lời tâu của Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita.

Sau đó, Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī và Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư vấn an sức khoẻ với nhau.

Khi ấy, Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita tâu hỏi Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī với lời lẽ nội dung giống như tâu hỏi Đức-Long-vương Varuṇa-nāgarājā, và bà Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī trả lời với nội dung giống như lời lẽ của Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā trả lời cho Ngài Đại-Pháp-sư Vidhura-paṇḍita, chỉ có khác nhau về cách bà xưng hô mà thôi.

Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita tâu cho bà Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī biết rõ thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka đưa Ngài đến cõi long cung này một cách hợp pháp, theo sự yêu cầu của Ngài Đại-Pháp-sư muốn thấy cõi long cung chưa từng thấy, để đến yết kiến Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā và Bà.

Biết rõ như vậy, nên bà Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī rất hài lòng, phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ truyền bảo lính hầu dẫn Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita đi tắm với 1000 bình nước thơm.

Sau khi tắm sạch sẽ xong, mặc bộ trang phục trời, dùng vật thực có vị ngon như vị trời.

Chánh-cung Hoàng-hậu truyền lệnh trang hoàng một pháp tòa sang trọng lộng lẫy tại trong hội trường lớn, rồi kính thỉnh Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita có trí-tuệ siêu-việt lên ngồi trên pháp tòa ấy, Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita thuyết pháp tế độ Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā, Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī, các hoàng-hậu, các hoàng-tử, các công-chúa, các hoàng gia, các quan quân cùng tòan thể long nam, long nữ trong cõi long cung.

 Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā truyền hỏi những câu hỏi nào thì Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita giải đáp rõ ràng những câu hỏi ấy, làm cho Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā vô cùng hoan hỷ với lời dạy của Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita.

Sau đó, Chánh-cung Hoàng-hậu hỏi câu hỏi nào thì Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita giải đáp rõ ràng những câu hỏi ấy, làm cho Bà vô cùng hoan hỷ theo lời dạy của Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita.

Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā và Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī phát sinh đức-tin trong sạch nơi Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ siêu-việt.

Khi ấy, Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita có trí-tuệ sáng suốt, có định tâm trong sáng, không hề biết sợ, dõng dạc tâu rằng:

- Tâu Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā và Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī, trước đây, hai vị mong ước được trái tim của tôi. Bây giờ, nếu Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā và Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī không dám giết tôi chết, để lấy trái tim thịt của tôi, thì tôi sẽ tự nguyện hy sinh tự mổ lấy trái tim của tôi dâng đến Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā và Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī, như điều mong ước của hai vị trước đây.

Nghe Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita dõng dạc tâu như vậy, Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā và Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī đã hiểu ý nhau truyền bảo rằng:

- Kính thưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ siêu-việt, sự thật, Chánh-cung

 Hoàng-hậu Vimalādevī mong ước trí-tuệ siêu-việt của Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, mà nói mong ước trái tim của Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita. Trẫm đã hiểu lầm là trái tim thịt, rồi khiến cho thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka cũng hiểu lầm theo Trẫm.

Nay, nghe Ngài Đại-Pháp-sư thuyết pháp, giảng giải tế độ chúng tôi cùng tòan thể các loài long trong cõi long cung này, Trẫm và Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ trí-tuệ siêu-việt là trái tim của Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita.

Thống Tướng Dạ-Xoa Puṇṇaka Thoả Nguyện

Hôm nay, Trẫm và Chánh-cung Hoàng-hậu ban công-chúa Irandhatī cho thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka như đã hứa từ trước.

- Này thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka! Ngươi hãy đón rước công-chúa Irandhatī yêu quý của Trẫm và Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī đem về làm phu-nhân.

Kể từ hôm nay, ngươi là phò mã của Trẫm và Chánh cung Hoàng-hậu Vimalādevī. Phò-mã nên thương yêu công-chúa Irandhatī. Trẫm và Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī cầu chúc hai con chung sống với nhau được hạnh phúc, an-lạc suốt đời.

- Này phò mã Puṇṇaka! Con hãy đưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita trở lại kinh-thành Indapattha dâng trở lại cho Đức-vua Dhanañcaya Korabya, cũng là trả lại cho thần dân thiên hạ đất nước Kuru vậy.

Tuân lệnh Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā và Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka tiễn đưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita trở lại kinh-thành Indapattha.

 Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka được thành hôn với công-chúa Irandhatī, cảm thấy vô cùng sung sướng, bởi vì được thoả lòng mong ước của mình, nên thưa với Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita rằng:

- Kính thưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, bậc đại-thiện-trí cao thượng có trí-tuệ siêu-việt, tôi có đức-tin trong sạch nơi Ngài Đại-Pháp-sư, nhờ có Ngài Đại-Pháp-sư thuyết pháp tế độ tôi từ bỏ ác-nghiệp, tạo thiện-nghiệp, trở thành thiện Dạ-xoa.

Nay, Ngài Đại-Pháp-sư giúp tôi thành tựu lòng mong ước thành hôn với công-chúa Irandhatī như ý.

Tôi thành kính cảm tạ ơn Ngài Đại-Pháp-sư, xin kính dâng đến Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita viên ngọc maṇi báu này, món đồ trang sức của Đức Chuyển-luân Thánh-vương.

Kính xin Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita hoan hỷ thọ nhận viên ngọc maṇi báu này, và tôi sẽ tiễn đưa Ngài Đại-Pháp-sư trở lại kinh-thành Indapattha đất nước Kuru ngay bây giờ.

Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita chúc mừng thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka rằng:

-Này thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka! Ta xin thọ nhận viên ngọc báu maṇi của ngươi, ta thành tâm cầu chúc cho ngươi và công-chúa Irandhatī sống với nhau được hạnh phúc an-lạc trọn đời.

Đức-Bồ-Tát Trở Lại Kinh-Thành Indapattha

Khi ấy, Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita xin phép Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā và Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī cùng tất cả long nam nữ trong long cung, để trở về kinh-thành Indapattha.

 Phò-mã Dạ-xoa Puṇṇaka và công-chúa Irandhatī đảnh lễ Đức Phụ-vương Varuṇanāgarājā và Mẫu-hậu Vimalā-devī, rồi tiễn đưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita trở lại kinh-thành Indapattha.

Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka thỉnh mời Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita cao thượng cỡi lên con ngựa báu Sindhava ngồi phía trước, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka ngồi ở giữa và công-chúa Irandhatī ngồi phía sau, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka ra lệnh con ngựa báu bay lên hư không hướng thẳng đến kinh-thành Indapattha như ý.

Đức-Vua Dhanañcaya Korabya Nằm Mộng

Tại cung điện của Đức-vua Dhanañcaya Korabya vào canh chót đêm hôm ấy, Đức-vua Dhanañcaya Korabya nằm mộng thấy rằng:

“Một cây lớn ở gần cửa cung điện, xung quanh có các voi, ngựa, có nhiều người đến lễ bái cũng dường cây lớn ấy. Khi ấy, một người khoẻ mạnh đến bứng cây lớn ấy đem đi nơi khác, trong khi mọi người đang khóc than thảm thiết.

Thời gian ít ngày sau, chính người khoẻ mạnh ấy đem cái cây lớn ấy trả lại, trồng ngay chỗ cũ y nguyên như xưa không có gì thay đổi, rồi bỏ đi.”

Đức-vua Dhanañcaya Korabya suy đoán giấc mộng ấy rằng:

“Một cây lớn đó là Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita còn người khoẻ mạnh đến bứng cây lớn ấy đem đi nơi khác, đó là chàng trai trẻ khoẻ mạnh dẫn Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita đem đi nơi khác, trong khi vợ con thân quyến dân chúng khóc than thảm thiết.

 Thời gian ít ngày sau, người khoẻ mạnh ấy đem cây lớn ấy trả lại, trồng ngay chỗ cũ, y nguyên như xưa không có gì thay đổi, rồi bỏ đi. Ngày mai chắc chắn chàng trai trẻ ấy thỉnh Ngài Đại-Pháp-sư Vidhura-paṇḍita đến trả lại, rồi bỏ đi.

Sau khi suy đoán giấc mộng như vậy, nên Đức-vua Dhanañcaya Korabya tin chắc chắn rằng:

“Ngày mai, ta sẽ gặp lại Ngài Đại-Pháp-sư Vidhura-paṇḍita.”

Sáng hôm ấy, Đức-vua Dhanañcaya Korabya vô cùng hoan hỷ truyền lệnh dân chúng trang hoàng kinh-thành Indapatta đẹp đẽ để đón rước Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, đặc biệt trang hoàng hội trường lộng lẫy có pháp tòa đặc biệt.

Đức-vua Dhanañcaya Korabya ngự đến ngồi tại hội trường cùng với 101 Đức-vua trong tòan cõi Nam-thiện bộ-châu, các người trong hoàng gia, các quan quân, tòan thể dân chúng trong kinh-thành và ngoài kinh-thành tụ hội tại hội trường chờ đón rước Ngài Đại-Pháp-sư .

Thấy mọi người đang nóng lòng chờ đợi, Đức-vua Dhanañcaya Korabya truyền bảo an ủi mọi người rằng:

-Này tất cả các ngươi! Các ngươi hãy an tâm, hôm nay tất cả mọi người chúng ta chắc chắn sẽ gặp lại Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita.

Khi ấy, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka tiễn đưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita đến trước cung điện của Đức-vua Dhanañcaya Korabya, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka ra lệnh cho con ngựa báu đáp xuống trước cửa hội trường, thỉnh mời Ngài Đại-Pháp-sư bước xuống ngựa, đi vào hội trường, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka và công-chúa Irandhatī lễ bái Ngài Đại-Pháp-sư rồi xin phép lên ngựa dẫn công-chúa Irandhatī trở về cõi trời của mình.

 Đức-Vua Dhanañcaya Korabya Đón Rước Đại-Pháp-Sư

Nhìn thấy Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita từ ngoài đi vào cửa hội trường, Đức-vua Dhanañcaya Korabya vô cùng hoan hỷ đứng dậy ngự ra cửa với hai tay ôm choàng Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita giữa đám đông, rồi nắm tay Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita đến ngồi trên pháp tòa trước mặt Đức-vua.

Khi ấy, Đức-vua Dhanañcaya Korabya truyền hỏi rằng:

- Kính thưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, Ngài là bậc đại-thiện-trí thuyết pháp dạy bảo chúng tôi tạo mọi phước thiện.

Từ khi chàng trai trẻ Puṇṇaka dẫn Ngài Đại-Pháp-sư đi rồi, chúng tôi không có cơ hội nghe Ngài Đại-Pháp-sư thuyết pháp nữa.

Nay, Ngài Đại-Pháp-sư trở về, Trẫm cùng toàn thể mọi người tại hội trường này cảm thấy vô cùng hoan hỷ gặp lại Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita.

- Thưa Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, Ngài đã thoát khỏi tay chàng trai trẻ Puṇṇaka ấy bằng cách nào? Ngài trở về đây bằng cách nào?

Nghe Đức-vua Dhanañcaya Korabya truyền hỏi như vậy, Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita tâu rằng:

- Tâu Đại-vương cao cả trong đất nước Kuru, chàng trai trẻ Puṇṇaka ấy không phải là loài người mà là loài Dạ-xoa tên Puṇṇaka là thống-tướng của Đức Đại-Thiên-vương Kuvera.

Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka yêu say đắm công-chúa Irandhatī xinh đẹp của Đức-Long-vương Varuṇa-nāgarājā và Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī, cho nên thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka cố gắng hết sức bằng nhiều cách giết hạ thần chết, để lấy trái tim của hạ thần,  đem về cõi long cung dâng lên Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī, để được thành hôn với công-chúa Irandhatī xinh đẹp ấy.

- Tâu Đại-vương, Đại-vương còn nhớ Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā nghe hạ thần giải đáp về vấn đề bát-giới uposathasīla tại giảng đường. Khi ấy, Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā có đức-tin trong sạch nơi hạ thần, đem dâng một viên ngọc maṇi báu cho hạ thần, gọi là lễ vật cúng dường pháp hay không?

Khi Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā trở về cõi long cung, Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī không nhìn thấy viên ngọc maṇi báu đeo trên cổ của Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā, nên bà tâu hỏi rằng:

- Muôn tâu Chúa-thượng, viên ngọc maṇi báu của Chúa-thượng ở đâu mà thần thiếp không thấy?

- Này Ái-khanh Vimalādevī! Trẫm nghe Ngài Đại-Pháp-sư  Vidhurapaṇḍita  giải đáp  vấn  đề  bát-giới uposathasīla và thuyết pháp rất hay, Trẫm phát sinh đức tin trong sạch nơi Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, nên đem viên ngọc maṇi báu ấy dâng đến Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, gọi là lễ vật cúng dường pháp.

Nghe Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā tường thuật lại buổi nghe hạ thần thuyết pháp, nên bà Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī tha thiết muốn nghe hạ thần thuyết pháp, nên Bà giả lâm bệnh, rồi tâu với Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā một cách khác rằng:

- Tâu Chúa-thượng, Thần thiếp muốn được trái tim của Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita.

Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā hiểu sai ý của bà Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī, nên Đức-Long-vương truyền bảo công-chúa Irandhatī rằng:

-  Này Irandhatī con yêu quý! Mẫu-hậu của con bị lâm bệnh nặng, muốn được trái tim của Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita.

Vậy, con nên đi tìm một vị phu-quân có khả năng lấy được trái tim của Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita một cách hợp pháp, đem về cõi long cung này để cứu sống sinh-mạng của Mẫu-hậu con.

Vâng theo lời của Đức Phụ-vương Varuṇanāgarājā, công-chúa Irandhatī đi tìm phu-quân, gặp lại thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka mà tiền-kiếp vừa qua đã từng là vị phu-quân của tiền-kiếp công-chúa. Cho nên, khi công-chúa Irandhatī gặp lại thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka cả hai bên liền phát sinh tình thương yêu say đắm với nhau.

Khi ấy, công-chúa Irandhatī nắm tay thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka dẫn đến chầu Đức Phụ-vương Varuṇa-nāgarājā. Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka kính xin làm lễ thành hôn với công-chúa Irandhatī của Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā làm phu-nhân của mình.

Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā truyền bảo rằng:

“-Này Puṇṇaka! Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī của Trẫm đang lâm bệnh, muốn được trái tim của Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita. Nếu ngươi có khả năng lấy được trái tim của Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita đem về cõi long cung này hợp pháp, thì Trẫm và Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī sẽ ban công-chúa Irandhatī xinh đẹp yêu quý của Trẫm cho ngươi làm phu-nhân. Ngoài ra, Trẫm không muốn được một thứ nào khác.”

Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka chấp nhận điều kiện của Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā, bởi vì muốn được công-chúa Irandhatī làm phu-nhân của mình. Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka cỡi ngựa báu bay lên

 đỉnh núi Vepula lấy viên ngọc maṇi báu, đồ trang sức của Đức-vua Chuyển-luân Thánh-vương.

Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka hoá ra thành chàng trai trẻ đem viên ngọc maṇi báu ấy đến lừa Đại-vương đánh cờ. Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka đã thắng Đại-vương và đã bắt buộc Đại-vương phải ban hạ thần cho y. Khi ấy, hạ thần thuộc về thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka.

-Tâu Đại-vương, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka đã cố gắng bằng nhiều cách giết hạ thần chết, để lấy trái tim của hạ thần, nhưng cách nào cũng không thể làm cho hạ thần chết được.

Khi ấy, hạ thần thuyết giảng cho thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka nghe bốn pháp của con người thiện (sādhunara-dhamma). Sau khi nghe bốn pháp của con người thiện xong, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka tỉnh ngộ, nên từ bỏ ác-nghiệp, tạo đại-thiện-nghiệp.

Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka biết lỗi, nên xin hạ thần tha lỗi, rồi xin trả lại tự do lại cho hạ thần và đưa hạ thần trở lại kinh-thành Indapattha.

Khi đã được tự do, hạ thần yêu cầu thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka đưa hạ thần đến cõi long cung, để yết kiến Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā và Chánh-cung Hoàng hậu Vimalādevī.

Hạ thần đã thuyết pháp tế độ Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā và Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī cùng các hàng long nam, long nữ tại cõi long cung.

Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā và Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ trí-tuệ siêu-việt đó là trái tim của hạ thần.

Khi ấy, Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā và Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī truyền bảo với thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka rằng:

 “-Này Puṇṇaka! Hôm nay, Trẫm và Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī ban công-chúa Irandhatī xinh đẹp yêu quý của chúng ta cho ngươi rước đem về làm phu-nhân của ngươi, như đã hứa từ trước.”

Như vậy, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka thoả lòng mong ước là được thành hôn với công-chúa Irandhatī xinh đẹp, nên thống-tướng Dạ-xoa chân thành cảm tạ hạ thần và kính dâng viên ngọc maṇi báu, đồ trang sức của Đức-vua Chuyển-luân Thánh-vương đến cho hạ thần.

Khi ấy, Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā truyền lệnh cho thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka tiễn đưa hạ thần trở lại kinh-thành Indapattha, đến cung điện của Đại-vương.

Tuân theo lệnh của Đức-vua Varaṇarāgarājā, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka mời hạ thần lên ngựa báu ngồi đằng trước, thống-tướng Dạ-xoa ngồi giữa và công-chúa Irandhatī ngồi sau, con ngựa báu bay lên hư không phi thẳng về kinh-thành Indapattha, đáp xuống trước cửa hội trường, hạ thần xuống ngựa, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka và công-chúa Irandhatī đảnh lễ hạ thần, rồi xin phép trở về cõi trời của mình.

- Tâu Đại-vương, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka yêu say đắm công-chúa Irandhatī xinh đẹp của Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā và Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī, muốn thành hôn với công-chúa Irandhatī, nên thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka đã cố gắng hết mình bằng mọi cách giết hạ thần chết, để lấy trái tim thịt của hạ thần, bởi vì mê lầm.

Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka được thoả lòng mong ước thành hôn với công-chúa Irandhatī. Về sau, nương nhờ nơi hạ thần, thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka tỉnh ngộ, từ bỏ ác-nghiệp, tạo đại-thiện-nghiệp, trở thành Dạ-xoa thiện.

-  Tâu Đại-vương, hạ thần đã nhận viên ngọc maṇi báu, đồ trang sức của Đức-vua Chuyển-luân Thánh-vương từ tay thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka.

Nay, hạ thần xin kính dâng viên ngọc maṇi báu này lên Đại-vương. Kính xin Đại-vương nhận viên ngọc maṇi báu này.

Đức-vua Dhanañcaya Korabya vô cùng hoan hỷ nhận viên ngọc maṇi báu, đồ trang sức của Đức-vua Chuyển-luân Thánh-vương.

Khi ấy, Đức-vua Dhanañcaya Korabya truyền bảo rằng:

-Này các khanh cùng thần dân thiên hạ! Trẫm xin thuật lại giấc mộng của Trẫm trong canh chót đêm qua:

“Một cây lớn mọc trước cửa cung điện của Trẫm…” trùng hợp với chuyện chàng trai trẻ Puṇṇaka dẫn Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita đem đi, ít ngày sau đem Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita trở về lại như trước.

-Này các khanh! Trẫm truyền lệnh cho toàn thể thần dân thiên hạ từ kinh-thành cho đến các tỉnh thành trong đất nước Kuru làm đại lễ ăn mừng Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita thoát khỏi chết trở về lại với chúng ta.

Đức-vua Dhanañcaya Korabya cho phép mọi người trong hoàng gia, các quan, các đoàn binh, các Bà-la-môn, các phú hộ, các thương gia, toàn thể dân chúng trong kinh-thành ngoài kinh-thành, dân chúng các tỉnh thành xóm làng đều được phép đem lễ vật đến cúng dường đến Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita.

Lễ Cúng Dường Ngài Đại-Pháp-Sư

Được Đức-vua Dhanañcaya Korabya cho phép, các hoàng-hậu, các cung phi mỹ nữ, các hoàng-tử, các công-chúa, những người trong hoàng gia, các quan, các đoàn

 binh, toàn thể dân chúng gần xa khắp mọi nơi trong đất nước Kuru đều có cơ hội đem lễ vật đến cúng dường Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita.

5

Khi ấy, Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita thuyết pháp giảng giải tất cả mọi người gồm các giai cấp nên tạo mọi phước-thiện như phước-thiện bố-thí, giữ gìn ngũ-giới cho được trong sạch và trọn vẹn, nên thọ trì bát-giới uposathasīla trong những ngày giới hàng tháng cho đến trọn đời.

Đức-vua Dhanañcaya Korabya cùng 101 Đức-vua trong tòan cõi Nam-thiện bộ-châu, những người trong hoàng gia, các quan, các quân lính, cho đến thần dân thiên hạ đều vâng lời khuyên dạy của Ngài Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, đều thực-hành theo lời khuyên dạy của Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita cho đến trọn đời, trọn kiếp.

Sau khi những người ấy chết, đại-thiện-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau trong các cõi thiện-giới: cõi người và sáu cõi trời dục-giới tùy theo quả của đại-thiện-nghiệp của mỗi người.

Đức-Thế-Tôn thuyết về tích Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita tiền-kiếp trước Đức-Phật đang thực hành các pháp-hạnh ba-la-mật, nhất là pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật, Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:

-Này chư tỳ-khưu! Như-Lai có trí-tuệ siêu-việt như vậy, không chỉ trong kiếp hiện-tại là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, mà còn những tiền-kiếp của Như-Lai khi còn là Đức-Bồ-tát đang tạo bồi bổ các pháp-hạnh ba-la-mật cũng có trí-tuệ siêu-việt biết cách giải cứu mình thoát khỏi chết như vậy.

 Đức-Thế-Tôn thuyết về tứ Thánh-đế, có số tỳ khưu chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh-nhân bậc thấp hoặc bậc cao tuỳ theo năng lực của các pháp-hạnh ba-la-mật và năm pháp-chủ (indriya): tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ của mỗi thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật.

 

Tích Vidhurajātaka Liên Quan Đến Kiếp Hiện-Tại

Trong tích Vidhurajātaka này, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm vị Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita trong thời quá khứ. Đến khi Đức-Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian, thì hậu-kiếp của những nhân vật trong tích Vidhurajātaka liên quan đến kiếp hiện-tại của những nhân vật ấy như sau:

- Phụ-thân và Mẫu-thân của Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita, nay kiếp hiện-tại là Đức Phụ-vương Suddhodana và Mẫu-hậu Mahāmayādevī.

- Phu-nhân cả Anojā, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Yasodharā.

- Con trưởng Dhammapāla, nay kiếp hiện-tại Ngài Trưởng-lão Rāhula.

- Đức-Long-vương Varuṇanāgarājā, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta.

- Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī, nay kiếp hiện-tại Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Uppalavaṇṇā.

- Đức-Điểu-vương Supaṇṇarājā, nay kiếp hiện-tại Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna.

- Đức-vua trời Sakka, nay hiếp hiện tại Ngài Trưởng-lão Anuruddha.

- Đức-vua Dhanañcaya Korabya, nay kiếp hiện-tại Ngài Trưởng-lão Ānanda.

-  Thống-tướng Dạ-xoa Puṇṇaka, nay kiếp hiện-tại Ngài Trưởng-lão Channa.

- Tất cả mọi người khác, nay kiếp hiện-tại là tứ chúng: tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, cận-sự-nam, cận-sự-nữ.

- Đức-Bồ-tát Vidhurapaṇḍita, nay kiếp hiện-tại là Đức-Phật Gotama.

Mười Pháp-Hạnh Ba-La-Mật

Tóm lược tích Đức-Bồ-tát Vidhurapaṇḍita là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama đã tạo pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật bậc trung đồng thời các pháp-hạnh ba-la-mật khác cũng được thành tựu như sau:

- Đức-Bồ-tát Vidhurapaṇḍita thuyết pháp tế độ mọi người, đó là pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát Vidhurapaṇḍita giữ-gìn giới trong sạch và đầy đủ, đó là pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát Vidhurapaṇḍita có sự tinh-tấn tạo mọi thiện pháp, đó là pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát Vidhurapaṇḍita có đức nhẫn-nại chịu đựng không hề phát sinh tâm sân, đó là pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát Vidhurapaṇḍita nói lời chân-thật, đó là pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát Vidhurapaṇḍita phát-nguyện không thoái chí nãn lòng, đó là pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát Vidhurapaṇḍita có tâm-từ mong đem lại sự lợi ích cho tất cả chúng-sinh, đó là pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật.

- Đức-Bồ-tát Vidhurapaṇḍita có tâm-trung-dung không thiên vị đối với tất cả chúng-sinh, đó là pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật.

 Đó là tám pháp-hạnh ba-la-mật đồng thời thành tựu cùng với pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật bậc trung này.

Nhận Xét Về Đức-Bồ-Tát Vidhurapaṇḍita

Pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật bậc trung là một trong mười pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung, cũng là một trong

30 pháp-hạnh ba-la-mật mà Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải thực-hành cho được đầy đủ trọn vẹn, để trở thành Đức-Phật Chánh Đẳng Giác (Sammāsambuddha).

Pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật đó là trí-tuệ tâm sở đồng sinh với các thiện tâm.

Để tạo pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật bậc trung này Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-sư Vidhurapaṇḍita dám hy sinh bộ phận trái tim trong thân thể của mình thuộc về pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật bậc trung.

Trong tích Vidhurajātaka này, Đức-Bồ-tát Đại-Pháp-Sư Vidhurapaṇḍita là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, dám hy sinh trái tim của mình đến cho Chánh-cung Hoàng-hậu Vimalādevī, đã tạo pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật bậc trung, một trong mười pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung, hầu để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.

(Xong pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật bậc trung)



[1] Bộ Jātakaṭṭhakathā, Phần Mahānipāta, tích Vidhurajātakavaṇṇanā.

[2] Trái tim có nghĩa là trí-tuệ, không phải trái tim thịt.

[3] Con súc sắc là khối hình vuông nhỏ có sáu mặt, mỗi mặt có một số từ số một đến số sáu. Chơi môn cờ gieo con súc sắc này lên cao, rồi rơi xuống, tính điểm trên mặt, người chơi thắng hoặc thua tính theo điểm.


Mục lục quyển 7 | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07


Mục lục chính | Quyển 1 | Quyển 2 | Quyển 3 | Quyển 4 | Quyển 5 | Quyển 6 | Quyển 7 | Quyển 8 | Quyển 9 | Quyển 10


[Đầu trang][Mục lục tổng quát]