TAM TẠNG PĀLI - VIỆT tập 36
TẠNG KINH - TIỂU BỘ
MAHĀNIDDESAPĀḶI – TIỂU DIỄN GIẢI
Người Dịch: Tỳ khưu Indacanda

4. METTAGŪSUTTANIDDESO - DIỄN GIẢI KINH METTAGŪ

 

 

4 - 1

 

(Tôn giả Mettagū nói rằng:) “Thưa đức Thế Tôn, tôi hỏi ngài. Xin ngài hãy trả lời tôi về điều này. Tôi nghĩ rằng ngài là bậc đã đạt được sự hiểu biết, có bản thân đã được tu tập. Từ đâu mà các khổ này đã được khởi lên, bất kể loại nào ở thế gian, với nhiều hình thức?”

 

1. (Đức Thế Tôn nói: “Này Sabhiya,) vị đã hiểu rõ toàn bộ các loại kiến thức thuộc về các Sa-môn, thuộc về các Bà-la-môn, vị đã xa lìa sự luyến ái ở tất cả các cảm thọ, vị đã vượt qua mọi kiến thức, vị ấy là ‘bậc đã đạt được sự hiểu biết.”

 

Đức Thế Tôn là bậc đã đạt được sự hiểu biết nghĩa là như vậy.

 

2. Người ta đưa (ngựa) đã được rèn luyện đến nơi tụ hội. Đức vua cỡi lên (ngựa) đã được rèn luyện. Người đã được rèn luyện chịu đựng lời mắng nhiếc là hạng nhất giữa loài người.

 

3. Cao quý thay những con lừa đã được thuần hóa, những con ngựa Sindhu thuần chủng, và những con voi thuộc loài khổng tượng, người đã tự rèn luyện bản thân là cao quý hơn cả.

 

4. Bởi vì chẳng phải nhờ vào những cỗ xe ấy mà có thể đi đến nơi chưa đi đến (Niết Bàn), như là nhờ vào bản thân đã khéo được rèn luyện. Do nhờ đã được rèn luyện mà người đã được rèn luyện đi đến (Niết Bàn).

 

5. Các vị không dao động ở các trạng thái kiêu mạn, đã được thoát khỏi việc sanh ra lần nữa, đã đạt đến lãnh vực của các bậc đã được rèn luyện, các vị ấy là những người chiến thắng ở thế gian.

 

6. Vị nào có các giác quan đã được tu tập, ở nội phần, ở ngoại phần, và ở toàn thể thế gian, sau khi thấu triệt đời này và đời sau, vị có bản thân đã được tu tập chờ đợi thời điểm, vị ấy là đã được huấn luyện.”

 

Vì thế, vị Bà-la-môn ấy đã nói rằng:

 

(Tôn giả Mettagū nói rằng:) “Thưa đức Thế Tôn, tôi hỏi ngài. Xin ngài hãy trả lời tôi về điều này. Tôi nghĩ rằng ngài là bậc đã đạt được sự hiểu biết, có bản thân đã được tu tập. Từ đâu mà các khổ này đã được khởi lên, bất kể loại nào ở thế gian, với nhiều hình thức?”

 

4 - 2

 

(Đức Thế Tôn nói: “Này Mettagū,) quả thật ngươi đã hỏi Ta về nguồn sanh khởi của khổ. Ta sẽ tuyên thuyết về điều ấy cho ngươi theo như điều Ta nhận biết. Các khổ phát khởi đều có căn nguyên là mầm tái sanh, bất kể loại nào ở thế gian, với nhiều hình thức.

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

 

(Đức Thế Tôn nói: “Này Mettagū,) quả thật ngươi đã hỏi Ta về nguồn sanh khởi của khổ. Ta sẽ tuyên thuyết về điều ấy cho ngươi theo như điều Ta nhận biết. Các khổ phát khởi đều có căn nguyên là mầm tái sanh, bất kể loại nào ở thế gian, với nhiều hình thức.”

 

4 - 3

 

“Thật vậy, kẻ nào, (do) không biết, rồi tạo ra mầm tái sanh, là kẻ ngu, (sẽ) đi đến khổ lần này rồi lần khác. Vì thế, người có sự quán xét về sự sanh ra và phát khởi của khổ, trong khi biết, không nên tạo ra mầm tái sanh.”

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

 

“Thật vậy, kẻ nào, (do) không biết, rồi tạo ra mầm tái sanh, là kẻ ngu, (sẽ) đi đến khổ lần này rồi lần khác. Vì thế, người có sự quán xét về sự sanh ra và phát khởi của khổ, trong khi biết, không nên tạo ra mầm tái sanh.”

 

4 - 4

 

“Điều nào chúng tôi đã hỏi ngài, ngài đã giải thích cho chúng tôi. Chúng tôi hỏi ngài điều khác, vậy xin ngài hãy trả lời điều ấy. Làm thế nào các bậc sáng trí vượt qua dòng lũ, sanh và già, sầu muộn và than vãn? Thưa bậc hiền trí, xin ngài hãy khéo léo giảng rõ điều ấy cho tôi, bởi vì pháp này đã được ngài biết đúng theo bản thể.”

 

7. (Chư Phật) đã nói bậc hiền trí về thân, bậc hiền trí về khẩu, bậc hiền trí về ý, bậc không còn lậu hoặc, bậc hiền trí thành tựu hiền trí hạnh là bậc có sự dứt bỏ tất cả.

 

8. (Chư Phật) đã nói bậc hiền trí về thân, bậc hiền trí về khẩu, bậc hiền trí về ý, bậc không còn lậu hoặc, bậc hiền trí thành tựu hiền trí hạnh là bậc có điều ác đã được rửa sạch.

 

9. Kẻ có dáng vẻ khờ khạo, ngu dốt, dầu với trạng thái im lặng cũng không trở thành bậc hiền trí. Nhưng người nào, tựa như người nắm lấy cái cân rồi chọn lấy vật quý giá, là người sáng suốt.

 

10. Người lánh xa hẳn các điều ác, người ấy là bậc hiền trí, do việc ấy người ấy trở thành bậc hiền trí. Người nào hiểu rõ cả hai thế giới, do việc ấy được gọi là bậc hiền trí.

 

11. Vị đã biết được bản chất của những kẻ xấu và của những người tốt, nội phần và ngoại phần, ở tất cả thế gian, vị được tôn vinh bởi chư Thiên và nhân loại, vị đã vượt qua sự quyến luyến và mạng lưới (tham ái và tà kiến), vị ấy là bậc hiền trí.”

 

Vì thế, vị Bà-la-môn ấy đã nói rằng:

 

“Điều nào chúng tôi đã hỏi ngài, ngài đã giải thích cho chúng tôi.

Chúng tôi hỏi ngài điều khác, vậy xin ngài hãy trả lời điều ấy.

Làm thế nào các bậc sáng trí vượt qua dòng lũ,

sanh và già, sầu muộn và than vãn?

Thưa bậc hiền trí, xin ngài hãy khéo léo giảng rõ điều ấy cho tôi,

bởi vì pháp này đã được ngài biết đúng theo bản thể.”

 

4 - 5

 

(Đức Thế Tôn nói: “Này Mettagū,)

Ta sẽ giải thích cho ngươi Giáo Pháp,

về pháp đã được thấy, không phải do nghe nói lại.

Sau khi hiểu pháp ấy, vị có niệm, trong khi sống,

có thể vượt qua sự vướng mắc ở thế gian.”

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

 

(Đức Thế Tôn nói: “Này Mettagū,)

Ta sẽ giải thích cho ngươi Giáo Pháp,

về pháp đã được thấy, không phải do nghe nói lại.

Sau khi hiểu pháp ấy, vị có niệm, trong khi sống,

có thể vượt qua sự vướng mắc ở thế gian.”

 

4 - 6

 

“Và tôi thích thú về điều ấy,

thưa bậc đại ẩn sĩ, về Giáo Pháp tối thượng ấy.

Sau khi hiểu pháp ấy, vị có niệm, trong khi sống,

có thể vượt qua sự vướng mắc ở thế gian.”

 

Vì thế, vị Bà-la-môn ấy đã nói rằng:

 

“Và tôi thích thú về điều ấy,

thưa bậc đại ẩn sĩ, về Giáo Pháp tối thượng ấy.

Sau khi hiểu pháp ấy, vị có niệm, trong khi sống,

có thể vượt qua sự vướng mắc ở thế gian.”

 

4 - 7

 

(Đức Thế Tôn nói: “Này Mettagū,) bất cứ điều gì mà ngươi tự mình nhận biết, bên trên, bên dưới, luôn cả bề ngang và khoảng giữa, ngươi hãy xua đi sự vui thích, sự chấp chặt, và tâm thức liên quan đến các pháp ấy; không nên trụ lại ở hữu.”

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

 

(Đức Thế Tôn nói: “Này Mettagū,) bất cứ điều gì mà ngươi tự mình nhận biết, bên trên, bên dưới, luôn cả bề ngang và khoảng giữa, ngươi hãy xua đi sự vui thích, sự chấp chặt, và tâm thức liên quan đến các pháp ấy; không nên trụ lại ở hữu.”

 

4 - 8

 

An trú như vậy, có niệm, không xao lãng, vị tỳ khưu, trong khi sống, sau khi từ bỏ các vật đã được chấp là của ta, là vị hiểu biết, ngay tại nơi này, có thể dứt bỏ khổ đau, sanh, già, sầu muộn và than vãn.

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

 

“An trú như vậy, có niệm, không xao lãng,

vị tỳ khưu, trong khi sống, sau khi từ bỏ các vật đã được chấp là của ta,

là vị hiểu biết, ngay tại nơi này, có thể dứt bỏ khổ đau,

sanh, già, sầu muộn và than vãn.”

 

4 - 9

 

Tôi thích thú lời nói này của bậc đại ẩn sĩ, đã khéo được trình bày, thưa ngài Gotama, không liên quan đến mầm tái sanh, bởi vì đức Thế Tôn đương nhiên đã dứt bỏ khổ, bởi vì pháp này đã được ngài biết đúng theo bản thể.

 

Vì thế, vị Bà-la-môn ấy đã nói rằng:

 

“Tôi thích thú lời nói này của bậc đại ẩn sĩ, đã khéo được trình bày, thưa ngài Gotama, không liên quan đến mầm tái sanh, bởi vì đức Thế Tôn đương nhiên đã dứt bỏ khổ, bởi vì pháp này đã được ngài biết đúng theo bản thể.”

 

4 - 10

 

Và thưa bậc hiền trí, những người nào được ngài giáo huấn không ngừng nghỉ, những người ấy chắc chắn có thể dứt bỏ khổ đau. Vì thế, thưa bậc long tượng, sau khi gặp ngài, con[1] xin kính lễ ngài. Mong sao đức Thế Tôn sẽ giáo huấn con không ngừng nghỉ.

 

12. (Đức Thế Tôn nói: “Này Sabhiya,) vị không làm bất cứ điều tội lỗi nào ở thế gian, sau khi tháo gở tất cả các sự ràng buộc (và) các sự trói buộc, không bám víu vào bất cứ nơi đâu, đã được giải thoát, vị tự tại, có bản thể như thế, được gọi là ‘bậc Long Tượng.’”

 

‘Đức Thế Tôn không làm điều tội lỗi’ là bậc long tượng - nghĩa là như vậy.

 

Vì thế, vị Bà-la-môn ấy đã nói rằng:

 

“Và thưa bậc hiền trí, những người nào được ngài giáo huấn không ngừng nghỉ, những người ấy chắc chắn có thể dứt bỏ khổ đau. Vì thế, thưa bậc long tượng, sau khi gặp ngài, con xin kính lễ ngài. Mong sao đức Thế Tôn sẽ giáo huấn con không ngừng nghỉ.”

 

4 - 11

 

Vị Bà-la-môn nào mà ngươi có thể biết rõ là bậc đã đạt được sự hiểu biết, không còn vướng bận, không bị dính mắc ở dục và hữu, vị ấy đương nhiên đã vượt qua dòng lũ này, và đã vượt qua đến bờ kia, không còn trụ chắn (ô nhiễm), không còn nghi ngờ.

 

13. (Đức Thế Tôn nói: “Này Sabhiya,) sau khi loại trừ tất cả các điều ác, là người không còn vết nhơ, tốt lành, định tĩnh, có bản thân vững chãi, vị ấy đã vượt qua luân hồi, có sự toàn hảo, không nương nhờ, tự tại, vị ấy được gọi là Bà-la-môn.”

 

14. “Đối với vị ấy, đây là lần cuối cùng, thân xác này là sau chót, sự sanh tử luân hồi, việc sanh ra lần nữa không có đối với vị ấy.”

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

 

Vị Bà-la-môn nào mà ngươi có thể biết rõ là bậc đã đạt được sự hiểu biết, không còn vướng bận, không bị dính mắc ở dục và hữu, vị ấy đương nhiên đã vượt qua dòng lũ này, và đã vượt qua đến bờ kia, không còn trụ chắn (ô nhiễm), không còn nghi ngờ.”

 

4 - 12

 

Và người nào ở nơi này, có sự hiểu biết, là bậc đã đạt được sự hiểu biết, sau khi tháo gỡ sự quyến luyến này ở hữu và phi hữu, người ấy có tham ái đã được xa lìa, không còn phiền muộn, không có mong cầu, Ta nói rằng, người ấy đã vượt qua sanh và già.

 

15. (Đức Thế Tôn nói: “Này Sabhiya,) vị đã hiểu rõ toàn bộ các loại kiến thức thuộc về các Sa-môn, thuộc về các Bà-la-môn, vị đã xa lìa sự luyến ái ở tất cả các cảm thọ, vị đã vượt qua mọi kiến thức, vị ấy là ‘bậc đã đạt được sự hiểu biết.”

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

 

“Và người nào ở nơi này, có sự hiểu biết, là bậc đã đạt được sự hiểu biết, sau khi tháo gỡ sự quyến luyến này ở hữu và phi hữu, người ấy có tham ái đã được xa lìa, không còn phiền muộn, không có mong cầu, Ta nói rằng, người ấy đã vượt qua sanh và già.”

 

Cùng với lúc kết thúc câu kệ ngôn, –nt– “Bạch ngài, đức Thế Tôn là bậc đạo sư của con, con là người đệ tử.”

 

Diễn Giải Kinh Mettagū là thứ tư.

 



[1] Từ đoạn này trở đi, nhân xưng đại danh từ “tôi” của các vị Bà-la-môn sẽ được ghi là “con” theo ý kiến chủ quan của người dịch, nghĩ rằng đến lúc này, các vị Bà-la-môn đã có niềm tin với đức Phật nên có sự khiêm nhường hơn so với trước đây khi mới gặp (ND).


[Mục lục][0x][01][02][03][04][05][06][07][08][09][10][11][12][13][14][15][16][17][18]


[Thư Mục Tổng Quát][ĐẠI DIỄN GIẢI][TIỂU DIỄN GIẢI]