TAM TẠNG PĀLI - VIỆT tập 36
TẠNG KINH - TIỂU BỘ
MAHĀNIDDESAPĀḶI – TIỂU DIỄN GIẢI
Người Dịch: Tỳ khưu Indacanda

13. UDAYASUTTANIDDESO - DIỄN GIẢI KINH UDAYA

 

13 - 1

 

(Tôn giả Udaya nói rằng:) “Với ý định (hỏi) câu hỏi, con đã đi đến bậc có thiền chứng, không còn bụi bặm, đang ngồi, bậc đã làm xong phận sự, không còn lậu hoặc, đã đi đến bờ kia của tất cả các pháp, xin ngài hãy nói về sự giải thoát do trí giác ngộ, về sự phá vỡ vô minh.

 

1. Luyến ái là bụi bặm, nhưng không phải nói đến bụi đất,

từ ‘bụi bặm’ này là tên gọi của luyến ái.

Bậc Hữu Nhãn, sau khi dứt bỏ hẳn bụi bặm này,

vì thế, đấng Chiến Thắng được gọi là ‘bậc đã tách lìa bụi bặm.’

 

2. Sân hận là bụi bặm, nhưng không phải nói đến bụi đất,

từ ‘bụi bặm’ này là tên gọi của sân hận.

Bậc Hữu Nhãn, sau khi dứt bỏ hẳn bụi bặm này,

vì thế, đấng Chiến Thắng được gọi là ‘bậc đã tách lìa bụi bặm.’

 

3. Si mê là bụi bặm, nhưng không phải nói đến bụi đất,

từ ‘bụi bặm’ này là tên gọi của si mê.

Bậc Hữu Nhãn, sau khi dứt bỏ hẳn bụi bặm này,

vì thế, đấng Chiến Thắng được gọi là ‘bậc đã tách lìa bụi bặm.’”

 

- ‘không còn bụi bặm’ là như thế.

 

4. “Các vị Thinh Văn, có ba Minh, có sự chiến thắng Thần Chết, hầu cận bậc Hiền Trí, vị đã đi đến bờ kia của khổ đau, đang ngồi ở sườn của ngọn núi.”

 

5. “Đối với vị tỳ khưu nào không có tham ái, có dòng chảy đã được cắt đứt, có phận sự và không phải phận sự đã được dứt bỏ, sự bực bội (của vị ấy) không tìm thấy.”

 

Vì thế, vị Bà-la-môn ấy đã nói rằng:

 

(Tôn giả Udaya nói rằng:) “Với ý định (hỏi) câu hỏi, con đã đi đến bậc có thiền chứng, không còn bụi bặm, đang ngồi, bậc đã làm xong phận sự, không còn lậu hoặc, đã đi đến bờ kia của tất cả các pháp, xin Ngài hãy nói về sự giải thoát do trí giác ngộ, về sự phá vỡ vô minh.”

 

13 - 2

 

(Đức Thế Tôn nói: “Này Udaya,) sự dứt bỏ đối với những mong muốn về dục và những nỗi ưu phiền, cả hai loại, việc xua đi sự dã dượi, và việc che lấp các trạng thái hối hận.

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

 

(Đức Thế Tôn nói: “Này Udaya,) sự dứt bỏ đối với những mong muốn về dục và những nỗi ưu phiền, cả hai loại, việc xua đi sự dã dượi, và việc che lấp các trạng thái hối hận.

 

13 - 3

 

Ta nói về sự giải thoát do trí giác ngộ,

về sự phá vỡ vô minh

có xả và niệm hoàn toàn trong sạch,

có sự suy tầm đúng pháp đi trước.”

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

 

Ta nói về sự giải thoát do trí giác ngộ,

về sự phá vỡ vô minh

có xả và niệm hoàn toàn trong sạch,

có sự suy tầm đúng pháp đi trước.”

 

13 - 4

 

“Thế gian có cái gì là sự ràng buộc?

Cái gì, đối với nó, là phương tiện xem xét?

Do lìa bỏ cái gì

được gọi là ‘Niết Bàn’?”

 

Vì thế, vị Bà-la-môn ấy đã nói rằng:

 

“Thế gian có cái gì là sự ràng buộc?

Cái gì, đối với nó, là phương tiện xem xét?

Do lìa bỏ cái gì

được gọi là ‘Niết Bàn’?”

 

13 - 5

 

“Thế gian có vui thích là sự ràng buộc.

Suy tầm, đối với nó, là phương tiện xem xét.

Do lìa bỏ tham ái

được gọi là ‘Niết Bàn.’”

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

 

“Thế gian có vui thích là sự ràng buộc.

Suy tầm, đối với nó, là phương tiện xem xét.

Do lìa bỏ tham ái

được gọi là ‘Niết Bàn.’”

 

13 - 6

 

“Như thế nào đối với vị có niệm, trong lúc thực hành,

thức (của vị ấy) được đình chỉ?

Chúng con đã đi đến để hỏi đức Thế Tôn,

hãy cho chúng con nghe lời nói của Ngài.”

 

Vì thế, vị Bà-la-môn ấy đã nói rằng:

 

“Như thế nào đối với vị có niệm, trong lúc thực hành,

thức (của vị ấy) được đình chỉ?

Chúng con đã đi đến để hỏi đức Thế Tôn,

hãy cho chúng con nghe lời nói ấy của Ngài.”

 

13 - 7

 

“Đối với vị không thích t hú cảm thọ

ở nội phần và ngoại phần,

đối với vị có niệm như vậy, trong lúc thực hành,

thức (của vị ấy) được đình chỉ.”

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

 

“Đối với vị không thích thú cảm thọ

ở nội phần và ngoại phần,

đối với vị có niệm như vậy, trong lúc thực hành,

thức (của vị ấy) được đình chỉ.”

 

Cùng với lúc kết thúc câu kệ ngôn, –nt– “Bạch ngài, đức Thế Tôn là bậc đạo sư của con, con là người đệ tử.”

 

Diễn Giải Kinh Udaya được hoàn tất.

 

14. POSĀLASUTTANIDDESO - DIỄN GIẢI KINH POSĀLA

 

14 - 1

 

(Tôn giả Posāla nói rằng:) “Với ý định (hỏi) câu hỏi, con đã đi đến

gặp bậc đã ngự đến bờ kia của tất cả các pháp,

vị chỉ ra thời quá khứ,

không còn dục vọng, đã cắt đứt sự nghi ngờ.

 

Bởi vì điều này đã được đức Thế Tôn nói đến:

“Này Cunda, liên quan đến thời kỳ quá khứ, đức Như Lai có trí nhớ lại các kiếp sống trước. Vị ấy muốn (nhớ lại) chừng nào thì nhớ lại chừng ấy. Và này Cunda, liên quan đến thời kỳ vị lai –nt–. Và này Cunda, liên quan đến thời kỳ hiện tại, trí do giác ngộ sanh của đức Như Lai khởi lên rằng: ‘Đây là kiếp sống cuối cùng, giờ đây không còn tái sanh nữa.’”

 

Vì thế, vị Bà-la-môn ấy đã nói rằng:

 

(Tôn giả Posāla nói rằng:) “Với ý định (hỏi) câu hỏi, con đã đi đến

gặp bậc đã ngự đến bờ kia của tất cả các pháp,

vị chỉ ra thời quá khứ,

không còn dục vọng, đã cắt đứt sự nghi ngờ.

 

14 - 2

 

Đối với vị có sắc tưởng đã không còn, có sự dứt bỏ toàn bộ về thân, đang nhìn thấy nội phần và ngoại phần là ‘không có gì,’ thưa vị dòng Sakya, con hỏi thêm về trí (của vị ấy); vị thuộc hạng như thế ấy nên được hướng dẫn thế nào?”

 

Vì thế, vị Bà-la-môn ấy đã nói rằng:

 

“Đối với vị có sắc tưởng đã không còn, có sự dứt bỏ toàn bộ về thân, đang nhìn thấy nội phần và ngoại phần là ‘không có gì,’ thưa vị dòng Sakya, con hỏi thêm về trí (của vị ấy); vị thuộc hạng như thế ấy nên được hướng dẫn thế nào?”

 

14 - 3

 

(Đức Thế Tôn nói: “Này Posāla,) trong khi biết rõ tất cả các chỗ trú của thức, đức Như Lai biết vị ấy đang trú (ở đâu), bị thiên về (điều gì), có điều ấy là mục tiêu.

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

 

(Đức Thế Tôn nói: “Này Posāla,) trong khi biết rõ tất cả các chỗ trú của thức, đức Như Lai biết vị ấy đang trú (ở đâu), bị thiên về (điều gì), có điều ấy là mục tiêu.”

 

14 - 4

 

Sau khi biết được nguồn sanh khởi của Vô Sở Hữu, (biết được) rằng: ‘sự ràng buộc bởi vui thích,’ sau khi biết rõ điều ấy như vậy, từ đó nhìn thấy rõ nơi ấy; đây là trí như thật của vị ấy, của vị Bà-la-môn đã sống hoàn hảo.”

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

 

Sau khi biết được nguồn sanh khởi của Vô Sở Hữu, (biết được) rằng: ‘sự ràng buộc bởi vui thích,’ sau khi biết rõ điều ấy như vậy, từ đó nhìn thấy rõ nơi ấy; đây là trí như thật của vị ấy, của vị Bà-la-môn đã sống hoàn hảo.”

 

Cùng với lúc kết thúc câu kệ ngôn, –nt– “Bạch ngài, đức Thế Tôn là bậc đạo sư của con, con là người đệ tử.”

 

Diễn Giải Kinh Posāla được hoàn tất.

 


[Mục lục][0x][01][02][03][04][05][06][07][08][09][10][11][12][13][14][15][16][17][18]


[Thư Mục Tổng Quát][ĐẠI DIỄN GIẢI][TIỂU DIỄN GIẢI]