SỐ 220
KINH ĐẠI BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA

HỘI THỨ I

PHẨM 33: HỦY BÁNG BÁT-NHÃ
(QUYỂN 181)

Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.

 


QUYỂN 181

Phẩm 33: HỦY BÁNG BÁT-NHÃ

Bấy giờ, Cụ thọ Xá-lợi Tử bạch Phật:

−Bạch Thế Tôn, nếu Đại Bồ-tát đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm diệu này có khả năng tin hiểu thì vị ấy đã ở từ cõi nào mà sinh vào cõi này?

Bạch Thế Tôn, Đại Bồ-tát ấy phát tâm hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột đã trải qua thời gian ra sao?

Bạch Thế Tôn, Đại Bồ-tát ấy đã từng gần gũi cúng dường bao nhiêu Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác?

Bạch Thế Tôn, Đại Bồ-tát ấy tu tập các pháp Bố thí, Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bátnhã ba-la-mật-đa đã trải qua bao lâu?

Bạch Thế Tôn, Đại Bồ-tát ấy tin hiểu nghĩa lý cao xa của Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm diệu ấy như thế nào?

Phật dạy:

−Này Xá-lợi Tử, nếu Đại Bồ-tát đối với Bátnhã ba-la-mật-đa thâm diệu này có khả năng tin hiểu là vị ấy đã từ trong pháp hội của vô số, vô lượng, vô biên chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác ở mười phương thế giới mà sinh vào cõi này.

Này Xá-lợi Tử, Đại Bồ-tát ấy phát tâm hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột đã trải qua vô số, vô lượng, vô biên trăm ngàn ức vô số kiếp.

Này Xá-lợi Tử, Đại Bồ-tát ấy đã từng gần gũi cúng dường vô số, vô lượng, vô biên chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, chẳng thể nghĩ bàn, chẳng thể lường tính.

Này Xá-lợi Tử, Đại Bồ-tát ấy từ lúc mới phát tâm thường xuyên tu tập Bố thí, Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa, đã trải qua vô số, vô lượng, vô biên trăm ngàn ức vô số kiếp.

Này Xá-lợi Tử, Đại Bồ-tát ấy thấy Bát-nhã bala-mật-đa này thì liền nghĩ là ta được thấy Phật; nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa này thì liền nghĩ là ta được nghe Phật nói.

Này Xá-lợi Tử, Đại Bồ-tát ấy dùng không tướng, không hai, không sở đắc làm phương tiện nên có khả năng tin hiểu nghĩa lý sâu xa của Bátnhã ba-la-mật-đa này.

Lúc này, Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

−Bạch Thế Tôn, Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm diệu như vậy có thể nghe, có thể thấy chăng?

Phật dạy:

−Này Thiện Hiện, Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế thật không có chủ thể nghe, thấy. Bát-nhã bala-mật-đa như thế, cũng chẳng phải là đối tượng được nghe, thấy. Vì sao? Thiện Hiện, sắc không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật; thọ, tưởng, hành, thức không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật.

Này Thiện Hiện, nhãn xứ không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật; nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật. Sắc xứ không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật; thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật.

Này Thiện Hiện, nhãn giới không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật; sắc giới, nhãn thức giới và nhãn xúc cùng các thọ do nhãn xúc làm duyên sinh ra không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật; nhĩ giới không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật; thanh giới, nhĩ thức giới và nhĩ xúc cùng các thọ do nhĩ xúc làm duyên sinh ra không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật; tỷ giới không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật; hương giới, tỷ thức giới và tỷ xúc cùng các thọ do tỷ xúc làm duyên sinh ra không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật; thiệt giới không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật; vị giới, thiệt thức giới và thiệt xúc cùng các thọ do thiệt xúc làm duyên sinh ra không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật; thân giới không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật; xúc giới, thân thức giới và thân xúc cùng các thọ do thân xúc làm duyên sinh ra không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật; ý giới không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật; pháp giới, ý thức giới và ý xúc cùng các thọ do ý xúc làm duyên sinh ra không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật.

Này Thiện Hiện, địa giới không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật; thủy, hỏa, phong, không, thức giới không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật.

Này Thiện Hiện, vô minh không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật; hành, thức, danh sắc, lục xứ, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử, sầu bi khổ ưu não không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật.

Này Thiện Hiện, Bố thí ba-la-mật-đa không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật; Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật.

Này Thiện Hiện, pháp không bên trong không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật; pháp không bên ngoài, pháp không cả trong ngoài, pháp không không, pháp không lớn, pháp không thắng nghĩa, pháp không hữu vi, pháp không vô vi, pháp không rốt ráo, pháp không không biên giới, pháp không tản mạn, pháp không không đổi khác, pháp không bản tánh, pháp không tự tướng, pháp không cộng tướng, pháp không nơi tất cả pháp, pháp không chẳng thể nắm bắt được, pháp không không tánh, pháp không tự tánh, pháp không không tánh tự tánh không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật.

Này Thiện Hiện, chân như không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật; pháp giới, pháp tánh, tánh không hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sinh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật.

Này Thiện Hiện, Thánh đế khổ không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật; Thánh đế tập, diệt, đạo không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật.

Này Thiện Hiện, bốn Tĩnh lự không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật; bốn Vô lượng, bốn Định vô sắc không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật.

Này Thiện Hiện, tám Giải thoát không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật; tám Thắng xứ, chín Định thứ đệ, mười Biến xứ không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật.

Này Thiện Hiện, bốn Niệm trụ không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật; bốn Chánh đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy chi Đẳng giác, tám chi Thánh đạo không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật.

Này Thiện Hiện, pháp môn giải thoát Không không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật; pháp môn giải thoát Vô tướng, Vô nguyện không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật.

Này Thiện Hiện, năm loại mắt không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật; sáu phép thần thông không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật.

Này Thiện Hiện, mười lực của Phật không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật; bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại Từ, đại Bi, đại Hỷ, đại Xả, mười tám pháp Phật bất cộng không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật.

Này Thiện Hiện, pháp không quên mất không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật; tánh luôn luôn xả không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật.

Này Thiện Hiện, trí Nhất thiết không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật; trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật.

Này Thiện Hiện, tất cả pháp môn Đà-la-ni không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật; tất cả pháp môn Tam-ma-địa không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật.

Này Thiện Hiện, Dự lưu không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật; Nhất lai, Bất hoàn, Ala-hán không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật.

Này Thiện Hiện, Dự lưu hướng, Dự lưu quả không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật; Nhất lai hướng, Nhất lai quả, Bất hoàn hướng, Bất hoàn quả, A-la-hán hướng, A-la-hán quả không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật.

Này Thiện Hiện, Độc giác không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật; quả vị Độc giác không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật.

Này Thiện Hiện, Đại Bồ-tát không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật; hạnh Đại Bồ-tát không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật.

Này Thiện Hiện, Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật; quả vị Giác ngộ cao tột không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật.

Này Thiện Hiện, tất cả pháp không nghe không thấy vì các pháp vốn ẩn mật.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

−Bạch Thế Tôn, các Đại Bồ-tát tích chứa công hạnh bao lâu mới có khả năng tu học Bát-nhã bala-mật-đa thâm diệu?

Phật dạy:

−Này Thiện Hiện, đối với việc ấy cần phải phân biệt mà nói.

Này Thiện Hiện, có Đại Bồ-tát từ lúc mới phát tâm liền có khả năng tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm diệu; cũng có khả năng tu học Tĩnh lự ba-lamật-đa, Tinh tấn ba-la-mật-đa, An nhẫn ba-la-mậtđa, Tịnh giới ba-la-mật-đa, Bố thí ba-la-mật-đa.

Này Thiện Hiện, Đại Bồ-tát ấy vì có phương tiện thiện xảo, nên chẳng hủy báng các pháp. Đối với tất cả pháp chẳng tăng chẳng giảm, Đại Bồ-tát ấy thường chẳng xa lìa hạnh tương ưng với Bố thí, Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bát-nhã bala-mật-đa; cũng thường chẳng xa lìa chư Phật Thế Tôn và các chúng Đại Bồ-tát. Đại Bồ-tát ấy từ cõi Phật này đến cõi Phật khác muốn đem các thứ ngọc báu, vật dụng thượng hạng cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen chư Phật Thế Tôn và các Đại Bồ-tát… thành tựu như ý, cũng có khả năng ở chỗ các Đức Như Lai kia vun trồng các căn lành. Đại Bồ-tát ấy tùy theo chỗ thọ thân chẳng vào bào thai mẹ để sinh ra. Đại Bồ-tát ấy tâm thường chẳng lẫn lộn với phiền não cũng chẳng từng khởi tâm Nhị thừa. Đại Bồ-tát ấy thường chẳng xa lìa các pháp thần thông thù thắng, từ cõi Phật này đến cõi Phật khác đem lại mọi thành tựu cho các hữu tình, làm nghiêm tịnh cõi Phật.

Này Thiện Hiện, Đại Bồ-tát ấy đúng là có khả năng tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm diệu.

Này Thiện Hiện, có các thiện nam, thiện nữ ở Bồ-tát thừa tuy đã từng thấy nhiều Đức Phật, hoặc nhiều trăm Đức Phật, hoặc nhiều ngàn Đức Phật, hoặc nhiều trăm ngàn Đức Phật, hoặc nhiều ức Đức Phật, hoặc nhiều trăm ức Đức Phật, hoặc nhiều ngàn ức Đức Phật, hoặc nhiều trăm ngàn ức Đức Phật, hoặc nhiều trăm ngàn ức vô số Đức Phật, ở chỗ các Đức Phật cũng đã tu tập nhiều về Bố thí, Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bát-nhã, nhưng vì lấy hữu sở đắc làm phương tiện, nên chẳng có khả năng tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm diệu; cũng chẳng có khả năng tu học Tĩnh lự ba-la-mật-đa, Tinh tấn ba-la-mật-đa, An nhẫn bala-mật-đa, Tịnh giới ba-la-mật-đa, Bố thí ba-lamật-đa.

Này Thiện Hiện, thiện nam, thiện nữ ấy nghe nói Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm diệu như thế, liền từ chỗ ngồi đức dậy, rời chúng mà đi.

Này Thiện Hiện, các thiện nam, thiện nữ ấy chẳng kính Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm diệu này, cũng chẳng kính Phật, đã lìa bỏ Bát-nhã ba-lamật-đa thâm diệu này, cũng rời bỏ các Đức Phật, hiện nay trong chúng này, cũng có hạng như thế, nghe ta nói Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm diệu ấy thì tâm chẳng vui thích, rời chúng bỏ đi. Vì sao? Vì thiện nam, thiện nữ ấy đời trước nghe nói Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm diệu đã từng bỏ đi; đời này nghe nói Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế, do tập khí đời trước, nên cũng bỏ đi; Thiện nam, thiện nữ ấy đối với việc nói Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm diệu này, thân, ngữ và tâm đều chẳng hòa hợp; do việc làm ấy, càng tăng trưởng ngu si, ác tuệ, tạo tác tội lỗi nên nghe nói Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm diệu như thế liền hủy báng, gây chướng ngại, hoặc lìa bỏ. Người ấy đã hủy báng, gây chướng ngại, lìa bỏ Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế tức là đã hủy báng, gây chướng ngại, lìa bỏ trí Nhất thiết tướng của chư Phật trong quá khứ, vị lai, hiện tại. Người ấy do hủy báng, gây chướng ngại, lìa bỏ trí Nhất thiết tướng của chư Phật trong quá khứ, vị lai, hiện tại nên liền tạo tác làm tăng trưởng nẻo nghiệp xấu xa lìa chánh pháp. Người ấy do tạo tác, làm tăng trưởng nẻo nghiệp xấu xa lìa chánh pháp, nên bị đọa vào địa ngục lớn trải qua nhiều năm, hoặc nhiều trăm năm, hoặc nhiều ngàn năm, hoặc nhiều trăm ngàn năm, hoặc nhiều ức năm, hoặc nhiều trăm ức năm, hoặc nhiều ngàn ức năm, hoặc nhiều trăm ngàn ức năm, hoặc nhiều trăm ngàn ức vô số năm, ở trong địa ngục lớn chịu các nỗi khổ độc hại dữ dội; vì người ấy bị trọng tội, nên ở thế giới này, từ đại địa ngục nọ tới đại địa ngục kia, cho đến thời kỳ hỏa kiếp, thủy kiếp, phong kiếp chưa khởi tới nay, vẫn còn phải chịu các khổ não độc hại dữ dội; hoặc ở thế giới này, khi hỏa kiếp, thủy kiếp, phong kiếp khởi lên, nghiệp xấu xa lìa chánh pháp ấy vẫn còn; sau khi chết rồi chuyển sinh vào thế giới phương khác, cùng với đồng loại ấy ở trong đại địa ngục trải qua nhiều năm, hoặc nhiều trăm năm, hoặc nhiều ngàn năm, hoặc nhiều trăm ngàn năm, hoặc nhiều ức năm, hoặc nhiều trăm ức năm, hoặc nhiều ngàn ức năm, hoặc nhiều trăm ngàn ức năm, hoặc nhiều trăm ngàn ức vô số năm, ở trong đại địa ngục chịu các nỗi khổ não độc hại to lớn dữ dội. Vì người ấy bị trọng tội, nên ở thế giới này, từ đại địa ngục nọ tới đại địa ngục kia, cho đến thời kỳ hỏa kiếp, thủy kiếp, phong kiếp chưa khởi đến nay chịu các nỗi khổ não độc hại kịch liệt; hoặc ở thế giới này, khi hỏa kiếp, thủy kiếp, phong kiếp dấy khởi, nghiệp xấu xa lìa chánh pháp của người ấy vẫn còn, khi chết chuyển sinh vào thế giới phương khác, cùng với đồng loại ấy ở trong đại địa ngục trải qua nhiều năm, hoặc nhiều trăm năm, hoặc nhiều ngàn năm, hoặc nhiều trăm ngàn năm, hoặc nhiều ức năm, hoặc nhiều trăm ức năm, hoặc nhiều ngàn ức năm, hoặc nhiều trăm ngàn ức năm, hoặc nhiều trăm ngàn ức vô số năm, ở trong đại địa ngục chịu các nỗi khổ não độc hại kịch liệt; vì người ấy bị trọng tội, nên ở thế giới khác, từ đại địa ngục này đến đại địa ngục nọ, cho tới hỏa kiếp, thủy kiếp, phong kiếp chưa khởi đến nay, chịu các nỗi khổ não độc hại hết sức dữ dội. Lần lượt như thế, trải qua các thế giới khác nơi phương Đông, ở trong đại địa ngục chịu các nỗi khổ não độc hại hết sức kịch liệt; lần lượt như thế, trải qua các thế giới khác nơi phương Nam, ở trong đại địa ngục chịu các nỗi khổ não độc hại kịch liệt; lần lượt như thế, trải qua các thế giới khác nơi phương Tây, ở trong đại địa ngục chịu các nỗi khổ não độc hại kịch liệt; lần lượt như thế, trải qua các thế giới khác nơi phương Bắc, ở trong đại địa ngục chịu các nỗi khổ não độc hại kịch liệt; lần lượt như thế, trải qua các thế giới khác nơi hướng đông bắc, ở trong đại địa ngục chịu các nỗi khổ não độc hại kịch liệt; lần lượt như thế, trải qua các thế giới khác nơi hướng Đông nam, ở trong đại địa ngục chịu các nỗi khổ não độc hại kịch liệt; lần lượt như thế, trải qua các thế giới khác nơi hướng Tây nam, ở trong đại địa ngục chịu các nỗi khổ não độc hại kịch liệt; lần lượt như thế, trải qua các thế giới khác nơi hướng Tây bắc, ở trong đại địa ngục chịu các nỗi khổ não độc hại kịch liệt; lần lượt như thế, trải qua các thế giới khác nơi phương Dưới, ở trong đại địa ngục chịu các nỗi khổ não độc hại kịch liệt; lần lượt như thế, trải qua các thế giới khác nơi phương Trên, ở trong đại địa ngục chịu các nỗi khổ não độc hại kịch liệt. Hoặc các thế giới khác trong mười phương kia, khi hỏa kiếp, thủy kiếp, phong kiếp khởi, vì nghiệp xấu xa lìa chánh pháp của kẻ ấy chưa hết, nên sau khi chết sinh vào trong đại địa ngục ở thế gian này, từ đại địa ngục nọ tới đại địa ngục kia, cho đến hỏa kiếp, thủy kiếp, phong kiếp chưa khởi đến nay, chịu các nỗi khổ não độc hại kịch liệt; hoặc ở thế giới này khi hỏa kiếp, thủy kiếp, phong kiếp khởi, vì nghiệp xấu xa lìa chánh pháp của kẻ ấy chưa hết, sau khi chết lại sinh vào thế giới khác nữa, trải qua khắp các đại địa ngục trong mười phương, chịu các nỗi khổ não độc hại hết sức dữ dội. Cứ luân hồi như vậy trải qua vô số kiếp, nghiệp dữ xa lìa chánh pháp của người kia giảm dần, từ đại địa ngục thoát ra, đọa vào bàng sinh, trải qua nhiều năm, hoặc nhiều trăm năm, hoặc nhiều ngàn năm, hoặc nhiều trăm ngàn năm, hoặc nhiều ức năm, hoặc nhiều trăm ức năm, hoặc nhiều ngàn ức năm, hoặc nhiều trăm ngàn ức năm, hoặc nhiều trăm ngàn ức vô số năm thọ thân bàng sinh, chịu đủ các thứ khổ tàn hại bức bách, vì tội chưa hết, nên ở thế gian này, từ nơi hiểm ác này đến nơi hiểm ác kia, tới khi hỏa kiếp, thủy kiếp, phong kiếp chưa khởi cho đến nay, chịu đủ các thứ khổ tàn hại bức bách. Hoặc ở thế giới này khi tam tai hết, nghiệp lực xấu xa lìa chánh pháp của kẻ ấy còn sót lại chưa hết, nên sau khi chết, chuyển sinh vào thế giới phương khác, cùng với đồng loại trong loài bàng sinh này, trải qua nhiều năm, hoặc nhiều trăm năm cho đến hoặc nhiều trăm ngàn ức vô số năm thọ thân bàng sinh chịu đủ các thứ khổ tàn hại bức bách, vì tội chưa hết, còn ở thế giới khác từ nơi hiểm ác này đến nơi hiểm ác khác, cho tới khi hỏa kiếp, thủy kiếp, phong kiếp chưa khởi đến nay, chịu đủ các thứ khổ tàn hại bức bách; hoặc ở thế giới khác, khi tam tai hết, nghiệp lực xấu xa lìa chánh pháp của kẻ ấy còn sót lại chưa hết, cho nên sau khi chết, chuyển sinh vào thế giới phương khác, cùng với đồng loại trong loài bàng sinh này, trải qua nhiều năm, hoặc nhiều trăm năm cho đến hoặc nhiều trăm ngàn ức vô số năm thọ thân bàng sinh chịu đủ các thứ khổ tàn hại bức bách, vì tội chưa hết, nên ở thế giới khác, từ nơi hiểm ác này đến nơi hiểm ác nọ, cho tới khi hỏa kiếp, thủy kiếp, phong kiếp chưa khởi đến nay, chịu đủ các thứ khổ tàn hại bức bách. Lần lượt như vậy, trải khắp các thế giới khác trong mười phương, thọ thân bàng sinh, chịu đủ các thứ khổ tàn hại bức bách; hoặc ở thế giới khác trong mười phương kia, khi tam tai hoại, nghiệp lực xấu xa lìa chánh pháp của người kia chưa hết, sau khi chết sinh lại trong loài bàng sinh ở thế giới này, từ nơi hiểm ác nọ đến nơi hiểm ác kia, cho tới khi hỏa kiếp, thủy kiếp, phong kiếp chưa khởi đến nay, chịu đủ các thứ khổ tàn hại bức bách; hoặc ở thế giới này khi tam tai hoại, nghiệp lực xấu xa lìa chánh pháp của người kia chưa hết, sau khi chết lại sinh vào thế giới khác nữa, trải qua khắp loài bàng sinh trong mười phương, chịu đủ các thứ khổ. Xoay vần như vậy, trải qua vô số kiếp, nghiệp lực xấu xa lìa chánh pháp của người kia mỏng dần, thoát khỏi bàng sinh, đọa vào loài quỷ, trải qua nhiều năm, hoặc nhiều trăm năm, hoặc nhiều ngàn năm, hoặc nhiều trăm ngàn năm, hoặc nhiều ức năm, hoặc nhiều trăm ức năm, hoặc nhiều ngàn ức năm, hoặc nhiều trăm ngàn ức năm, hoặc nhiều trăm ngàn ức vô số năm ở trong loài quỷ, chịu đủ các thứ khổ về gầy ốm đói khát; vì tội chưa hết, nên ở thế giới này, từ chốn ngạ quỷ nọ đến chốn ngạ quỷ kia, cho tới khi hỏa kiếp, thủy kiếp, phong kiếp chưa khởi đến nay, chịu đủ các thứ khổ về gầy ốm đói khát; hoặc ở thế giới này, khi tam tai hoại, nghiệp lực xấu xa lìa chánh pháp của kẻ ấy còn sót lại chưa hết, nên sau khi chết, chuyển sinh vào thế giới phương khác cùng với đồng loại trong loài ngạ quỷ này, trải qua nhiều năm, hoặc nhiều trăm năm cho đến hoặc nhiều trăm ngàn ức vô số năm ở trong loài ngạ quỷ chịu đủ các thứ khổ về gầy ốm đói khát; vì tội chưa hết, nên ở thế giới khác, từ chốn ngạ quỷ này đến chốn ngạ quỷ kia, cho tới khi hỏa kiếp, thủy kiếp, phong kiếp chưa khởi đến nay chịu đủ các thứ khổ về gầy ốm đói khát; hoặc ở thế giới khác, khi tam tai hoại, nghiệp lực xấu xa lìa chánh pháp của người ấy còn sót lại chưa hết, nên sau khi chết, chuyển sinh vào thế giới phương khác, cùng với đồng loại trong loài ngạ quỷ này, trải qua nhiều năm, hoặc nhiều trăm năm cho đến hoặc nhiều trăm ngàn ức vô số năm, ở trong loài ngạ quỷ, chịu đủ các thứ khổ về gầy ốm đói khát; vì tội chưa hết, nên ở thế giới khác, từ chốn ngạ quỷ này đến chốn ngạ quỷ nọ, cho tới khi hỏa kiếp, thủy kiếp, phong kiếp chưa khởi đến nay, chịu đủ các thứ khổ về gầy ốm đói khát. Lần lượt như thế, trải qua khắp các thế giới khác trong mười phương, ở nơi loài ngạ quỷ, chịu đủ các thứ khổ về gầy ốm đói khát; hoặc ở thế giới khác trong mười phương kia, khi tam tai hoại, nghiệp lực xấu xa lìa chánh pháp của người ấy còn sót lại chưa hết, sau khi chết lại sinh trong loài ngạ quỷ ở thế gian này, từ chốn ngạ quỷ này đến chốn ngạ quỷ kia, cho tới khi hỏa kiếp, thủy kiếp, phong kiếp chưa khởi đến nay, chịu đủ các thứ khổ về gầy ốm đói khát; hoặc ở thế giới này khi tam tai hoại, nghiệp lực xấu xa lìa chánh pháp của người kia còn sót lại chưa hết, sau khi chết lại sinh vào thế giới khác, trải khắp loài ngạ quỷ trong mười phương, chịu đủ các khổ. Xoay vần như vậy, trải qua vô số kiếp, nghiệp lực xấu xa lìa chánh pháp còn sót lại của người kia sắp hết, tuy được làm người nhưng ở nơi chốn hạ tiện, đó là sinh vào nhà người mù bẩm sinh, hoặc gia đình Chiên-đà-la, hoặc nhà lo việc khiêng thây người, hoặc vào nhà chuyên giết hại súc vật, hoặc nhà đánh cá, đi săn, hoặc nhà lao công, hoặc nhà làm trò vui, hoặc nhà theo tà kiến, hoặc nhà giữ các luật nghi xấu ác tạp nhạp; hoặc thọ thân người không có mắt, không có tai, không có mũi, không có lưỡi, không có đầu, không có chân, ung thư, ghẻ lở, phong cuồng, điên khùng, vai gù, lưng cong, lùn xấu, tay co, chân khèo, các căn khiếm khuyết, bần cùng khốn khổ, bướng bỉnh không hiểu biết; phàm làm việc gì đều bị người khinh chê; hoặc tại chỗ sinh ra, hoặc chẳng nghe danh hiệu Phật, danh hiệu Pháp, danh hiệu Tăng, danh hiệu Bồ-tát, danh hiệu Độc giác; hoặc sinh vào thế giới tối tăm, thường không có ngày đêm, chẳng thấy ánh sáng; vì nghiệp xa lìa chánh pháp của người kia đã tạo tác, tăng trưởng quá thâm trọng, nên luôn chịu đủ bao thứ khổ như thế, chẳng được an vui.

Bấy giờ Xá-lợi Tử bạch Phật:

−Bạch Thế Tôn, nghiệp xấu xa lìa chánh pháp mà người kia đã tạo tác luôn tăng trưởng và mãi bị trôi lăn như thế cùng với nghiệp ngũ vô gián có thể nói là tương tợ chăng?

Phật dạy:

−Này Xá-lợi Tử, nghiệp xa lìa chánh pháp của người kia rất là lớn nặng, chẳng thể đem so sánh với nghiệp ngũ vô gián! Đó là người kia nghe nói Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm diệu chẳng tin, lại phỉ báng, chê bai, nói là pháp ấy chẳng phải do chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác diễn thuyết, chẳng phải pháp, chẳng phải luật, chẳng phải lời giáo huấn của đại sư, chúng ta đối với pháp ấy chẳng nên tu học. Người hủy báng chánh pháp ấy, tự hủy báng Bát-nhã ba-la-mật-đa, cũng chỉ bày cho vô lượng hữu tình khác hủy báng, tự làm hại mình, cũng khiến người khác tự hại; tự uống thuốc độc, cũng khiến người khác uống; tự làm mất quả an vui giải thoát sinh Thiên, cũng khiến người khác làm mất; tự gieo thân mình vào lửa địa ngục, cũng khiến người khác gieo thân mình vào lửa địa ngục; tự chẳng tin hiểu Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm diệu, cũng dạy người khác khiến chẳng tin hiểu Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm diệu; tự hãm thân mình chìm trong biển khổ, cũng khiến người khác hãm mình đắm chìm trong biển khổ.

Này Xá-lợi Tử, Ta đối với Bát-nhã ba-la-mậtđa thâm diệu ấy, hãy còn chẳng khiến cho kẻ hủy báng chánh pháp kia được nghe tới danh tự, huống là vì họ mà thuyết giảng.

Này Xá-lợi Tử, đối với người hủy báng chánh pháp kia, Ta còn chẳng cho các thiện nam, thiện nữ trụ Bồ-tát thừa, nghe tên của họ, huống là cho tận mắt thấy và cho ở chung. Vì sao? Xá-lợi Tử, vì các người hủy báng Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm diệu nên biết họ là những kẻ phá hoại chánh pháp, đọa vào loài đen tối như loài ốc sên, tự làm ô uế và làm ô uế kẻ khác, như đống rác thối. Nếu có người tin dùng lời nói của kẻ phá hoại chánh pháp thì cũng phải chịu các nỗi khổ lớn dữ như đã nói ở trước.

Này Xá-lợi Tử, các người phá hoại Bát-nhã bala-mật-đa thâm diệu, nên biết hạng người ấy chính là địa ngục, bàng sinh, ngạ quỷ. Vì vậy mà người trí chẳng nên hủy báng Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm diệu.

Xá-lợi Tử bạch Phật:

−Bạch Thế Tôn, vì duyên cớ gì mà chỉ nói về những kẻ phá hoại chánh pháp ấy bị đọa vào đại địa ngục, bàng sinh, quỷ thú, chịu khổ lâu dài, mà chẳng nói đến thân hình tướng mạo của họ?

Phật dạy:

−Này Xá-lợi Tử, thôi thôi! Chẳng nên nói về hình dáng và nẻo ác mà kẻ phá hoại chánh pháp ấy phải chịu trong tương lai. Vì sao? Vì nếu ta nói đầy đủ về hình dáng và nẻo ác mà kẻ phá hoại chánh pháp phải chịu trong tương lai, thì kẻ ấy nghe rồi sẽ kinh hoàng sợ hãi tột cùng, đến nỗi phải chết, hoặc suýt bỏ mạng, tâm luôn bối rối lo lắng như bị trúng tên độc, thân khô héo dần như mầm bị cắt. Sợ người kia nghe nói kẻ hủy báng chánh pháp phải chịu thân rất khổ đau, xấu xí như thế, tự chuốc lấy sự kinh hoàng, làm mất thân mạng, ta vì thương xót họ, nên chẳng nói cho người nghe, về thân hình dung mạo của kẻ mắc tội phá hoại chánh pháp.

Xá-lợi Tử bạch:

−Cúi xin Thế Tôn nói về hình dáng và cõi ác mà kẻ phá hoại chánh pháp phải chịu trong tương lai, để răn dạy đời sau biết phá hoại chánh pháp sẽ bị khổ báo to lớn dữ dội như vậy, để họ chẳng còn dám tạo tội ấy.

Phật dạy:

−Này Xá-lợi Tử, những lời Ta nói ở trước đã đủ để làm lời khuyên rõ ràng, nghĩa là các thiện nam, thiện nữ ở đời vị lai, nghe những điều ta đã nói về nghiệp dữ phá hoại chánh pháp, kẻ tạo tác, làm tăng trưởng đến cùng thì bị đọa vào trong các đường dữ: địa ngục, bàng sinh, quỷ giới, chịu khổ lâu dài, như thế là đủ để tự cẩn thận giữ gìn, chẳng nên hủy báng chánh pháp.

Xá-lợi Tử liền bạch Phật:

−Thưa vâng, bạch Thế Tôn! Thưa vâng, bạch Thiện Thệ! Các thiện nam, thiện nữ ở đời vị lai có lòng tin thanh tịnh nghe Phật trước đã nói về nghiệp dữ phá hủy chánh pháp, phải chịu lấy quả báo khổ não lâu dài, đủ để làm lời răn dạy rõ ràng, nên thà bỏ thân mạng, quyết trọn đời chẳng hủy báng chánh pháp, như thế mình khỏi phải chịu khổ ấy, trong đời vị lai.

Bấy giờ Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

−Bạch Thế Tôn, nếu có các hàng thiện nam, thiện nữ thông minh lanh lợi đã nghe Phật giảng nói về kẻ hủy báng chánh pháp, ở đời vị lai sẽ chịu bao thứ khổ báo lâu dài dữ dội, nên khéo giữ gìn các nghiệp về thân, ngữ, ý, đối với chánh pháp chớ phỉ báng, hủy hoại mà bị đọa vào ba đường ác chịu khổ lâu dài, ở trong một thời gian lâu xa, các kẻ ấy chẳng được thấy chư Phật, chẳng được nghe chánh pháp, chẳng được gặp chúng tăng, chẳng được sinh vào quốc độ có Phật; tuy sinh vào loài người nhưng là hạng bần cùng hạ tiện, xấu xí ngu si, các căn nơi thân chẳng đủ, những điều nói ra chẳng ai tin theo. Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch:

−Bạch Thế Tôn, sự tạo tác, làm tăng trưởng, dẫn dắt của nghiệp dữ lìa bỏ chánh pháp há chẳng phải là do nguyên nhân từ nghiệp ác ngữ?

Phật dạy:

−Này Thiện Hiện, đúng vậy, đúng vậy! Vì chính là do thói quen mê lầm của nghiệp ác ngữ, nên đã tạo tác, làm tăng trưởng, dẫn dắt đưa tới nghiệp dữ lìa bỏ chánh pháp. Trong Chánh pháp luật tạng của Ta, sẽ có những người xuất gia ngu si, tuy họ tôn xưng Ta là Đại Sư, nhưng đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm diệu mà Ta đã nói thì lại phỉ báng, hủy hoại.

Này Thiện Hiện, nên biết, nếu có người hủy báng Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm diệu, tức là hủy báng quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật. Nếu có người hủy báng quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật tức là hủy báng trí Nhất thiết tướng của chư Phật trong quá khứ, vị lai, hiện tại. Nếu có người hủy báng trí Nhất thiết tướng tức là hủy báng Phật. Nếu hủy báng Phật tức là hủy báng Pháp. Nếu hủy báng Pháp tức là hủy báng Tăng. Nếu hủy báng Tăng thì sẽ hủy báng chánh kiến nơi thế gian. Nếu hủy báng hủy báng chánh kiến nơi thế gian thì sẽ hủy báng Bố thí, Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa; cũng sẽ hủy báng pháp không bên trong, pháp không bên ngoài, pháp không cả trong ngoài, pháp không không, pháp không lớn, pháp không thắng nghĩa, pháp không hữu vi, pháp không vô vi, pháp không rốt ráo, pháp không không biên giới, pháp không tản mạn, pháp không không đổi khác, pháp không bản tánh, pháp không tự tướng, pháp không cộng tướng, pháp không nơi tất cả pháp, pháp không chẳng thể nắm bắt được, pháp không không tánh, pháp không tự tánh, pháp không không tánh tự tánh; cũng sẽ hủy báng chân như, pháp giới, pháp tánh, tánh không hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sinh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn; cũng sẽ hủy báng Thánh đế khổ, Thánh đế tập, Thánh đế diệt, Thánh đế đạo; cũng sẽ hủy báng, bốn Tĩnh lự, bốn Vô lượng, bốn Định vô sắc; cũng sẽ hủy báng tám Giải thoát, tám Thắng xứ, chín Định thứ đệ, mười Biến xứ; cũng sẽ hủy báng bốn Niệm trụ, bốn Chánh đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy chi Đẳng giác, tám chi Thánh đạo; cũng sẽ hủy báng pháp môn giải thoát Không, pháp môn giải thoát Vô tướng, pháp môn giải thoát Vô nguyện; cũng sẽ hủy báng năm loại mắt, sáu phép thần thông; cũng sẽ hủy báng mười lực của Phật, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại Từ, đại Bi, đại Hỷ, đại Xả, mười tám pháp Phật bất cộng; cũng sẽ hủy báng pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả; cũng sẽ hủy báng trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng; cũng sẽ hủy báng tất cả pháp môn Đà-la-ni, tất cả pháp môn Tamma-địa. Kẻ ấy do hủy báng các công đức nên phải nhận chịu vô số, vô lượng, vô biên tội lỗi nên phải nhận chịu khổ báo nơi các đại địa ngục, bàng sinh, quỷ giới và vô số, vô lượng, vô biên thống khổ trong loài người.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

−Bạch Thế Tôn, các người ngu si ấy do những nhân duyên gì mà hủy báng Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm diệu như vậy?

Phật dạy:

−Này Thiện Hiện, do bốn nhân duyên: Một là bị các thứ tà ma mê hoặc, khiến kẻ ngu si hủy báng Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm diệu; hai là đối với pháp thâm diệu chẳng tin hiểu, khiến người ngu si hủy báng Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm diệu; ba là chẳng siêng năng tinh tấn, kiên trì gắn bó với thật tướng của năm uẩn, bị các hàng tri thức xấu ác chi phối, khiến người ngu si hủy báng Bát-nhã ba-lamật-đa thâm diệu; bốn là tâm ý chất chứa nhiều sân hận, thích làm việc ác, hay tự cao, khinh mạn chê bai kẻ khác, khiến người ngu si hủy báng Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm diệu như vậy.

Này Thiện Hiện, do gồm đủ bốn thứ nhân duyên như thế, nên những kẻ ngu si đã hủy báng Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm diệu như vậy.


Trước

[Đầu trang][Mục lục Kinh Đại Bát Nhã]

Tiếp theo


[Mục lục bộ Bát-nhã][220][221][222][223][224][225][226][227][228][229][230][231][232][233][234][235][236][237][238][239][240][241][242][243][244][245][246][247][248][249][250][251][252][253][254][255][256][257][258][259][260][261]


[Mục lục tổng quát]