SỐ 220
KINH ĐẠI BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA

HỘI THỨ II

Phẩm 26: Tín thọ
(QUYỂN 426)

Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.


QUYỂN 426

Phẩm 26: Tín thọ

Khi ấy, các Thiên tử suy nghĩ: “Hôm nay Tôn giả Thiện Hiện muốn vì những hữu tình nào và ưa thuyết pháp gì?”

Cụ thọ Thiện Hiện biết những điều suy nghĩ của các Thiên tử nên bảo:

–Này các Thiên tử, nay ta muốn vì những hữu tình như huyễn, như hóa, như mộng và ưa thuyết pháp như huyễn, như hóa, như mộng. Vì sao? Này các Thiên tử, như vậy, người nghe đối với những điều đã dạy mà không nghe, không hiểu và không có sự chứng.

Ngay lúc đó các Thiên tử lại hỏi:

–Người nói, người nghe và những pháp được thuyết đều như huyễn, như hóa, như mộng cả sao? Tôn giả Thiện Hiện đáp:

–Đúng thế, đúng thế, đúng như lời các ông nói, hữu tình như huyễn vì người như huyễn mà thuyết pháp như huyễn. Hữu tình như hóa vì người như hóa mà thuyết pháp như hóa. Hữu tình như mộng vì người như mộng mà thuyết pháp như mộng.

Này các Thiên tử, ngã cho đến cái thấy đều là những cái trông thấy như huyễn, như hóa, như mộng. Sắc cho đến thức đều là những cái trông thấy như huyễn, như hóa, như mộng. Nhãn cho đến ý đều là những cái trông thấy như huyễn, như hóa, như mộng. Sắc cho đến pháp đều là những cái trông thấy như huyễn, như hóa, như mộng. Nhãn thức cho đến ý thức đều là những cái trông thấy như huyễn, như hóa, như mộng. Nhãn xúc cho đến ý xúc đều là những cái trông thấy như huyễn, như hóa, như mộng. Các thọ do nhãn xúc sinh ra cho đến các thọ do ý xúc sinh ra các thọ đều là những cái trông thấy như huyễn, như hóa, như mộng. Bố thí ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa đều là những cái trông thấy như huyễn, như hóa, như mộng. Pháp không bên trong cho đến pháp không không tánh tự tánh đều là những cái trông thấy như huyễn, như hóa, như mộng. Bốn Niệm trụ, nói rộng cho đến mười tám pháp Phật bất cộng đều là những cái trông thấy như huyễn, như hóa, như mộng. Như vậy cho đến quả Dự lưu đến quả A-la-hán đều là những cái trông thấy như huyễn, như hóa, như mộng. Độc giác Bồ-đề và quả vị Giác ngộ cao tột đều là những cái trông thấy như huyễn, như hóa, như mộng.

Các Thiên tử hỏi Tôn giả Thiện Hiện:

–Nay Tôn giả không những nói ngã..., sắc..., cho đến quả vị Giác ngộ cao tột đều là những cái trông thấy như huyễn, như hóa, như mộng, mà còn nói về Niết-bàn đều là những cái trông thấy như huyễn, như hóa, như mộng nữa sao? Tôn giả Thiện Hiện đáp –Này các Thiên tử, không những ta chỉ nói ngã..., sắc..., cho đến quả vị Giác ngộ cao tột đều là những cái trông thấy như huyễn, như hóa, như mộng, mà còn nói Niết-bàn cũng đều là những cái trông thấy như huyễn, như hóa, như mộng.

Các Thiên tử, nếu còn có pháp nào vượt hơn Niết-bàn thì ta cũng nói đều là những cái trông thấy như huyễn, như hóa, như mộng. Vì sao? Này các Thiên tử, việc như huyễn, như hóa, như mộng cùng tất cả pháp cho đến Niết-bàn cũng đều không hai và không hai chỗ vậy.

Bấy giờ, các Tôn giả Xá-lợi Tử, Đại Mục-liên, Chấp Đại Tạng, Mãn Từ Tử, Đại Ca-đa-diễn-na, Đại Ca-diếp-ba và tất cả chúng Đại Thanh văn cùng vô lượng trăm ngàn Đại Bồ-tát hỏi Cụ thọ Thiện Hiện:

–Ngài đã thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa khó thấy, khó biết, vắng lặng, vi tế, trầm mật, thù thắng vi diệu như thế, thì ai có thể tin thọ được?

Tôn giả A-nan-đà nghe đại chúng hỏi như vậy, bạch Đại Thanh văn và các Đại Bồ-tát:

–Có các Đại Bồ-tát không thoái chuyển đối với những điều đã thuyết về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa khó thấy, khó biết, vắng lặng, vi tế, trầm mật, thù thắng vi diệu này có khả năng tin thọ được; và có vô lượng vị đã thấy Thánh đế nên đối với pháp sâu xa có thể thấu triệt tận ngọn nguồn. Các vị Ala-hán sở nguyện đã mãn, đối với những điều đã thuyết về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa khó thấy, khó biết, vắng lặng, vi tế, trầm mật, thù thắng vi diệu này cũng có thể tin thọ. Và có vô lượng Đại Bồ-tát vào thời quá khứ đã thân cận cúng dường ngàn vạn chư Phật, phát nguyện rộng lớn, trồng nhiều cội đức, đối với những điều đã thuyết về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa khó thấy, khó biết, vắng lặng, vi tế, trầm mật, thù thắng vi diệu này có thể tin thọ được. Và có vô lượng các thiện nam, thiện nữ thời quá khứ đã ở nơi vô số chư Phật phát nguyện rộng lớn và trồng các căn lành, căn tánh thông tuệ, lanh lợi, được bạn lành bảo hộ, đối với những điều đã thuyết về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa khó thấy, khó biết, vắng lặng, vi tế, trầm mật, thù thắng vi diệu này cũng có thể tin thọ được. Vì sao? Vì những người như thế chẳng đem không, vô tướng, vô nguyện, không sinh, không diệt, vắng lặng, xa lìa mà phân biệt sắc cho đến thức. Cũng chẳng đem sắc cho đến thức mà phân biệt không, vô tướng, vô nguyện, không sinh, không diệt, vắng lặng, xa lìa. Như thế chẳng đem không, vô tướng, vô nguyện, không sinh, không diệt, vắng lặng, xa lìa mà phân biệt nhãn cho đến ý; sắc cho đến pháp; nhãn thức cho đến ý thức; nhãn xúc cho đến ý xúc; các thọ do nhãn xúc làm duyên sinh ra cho đến các thọ do ý xúc làm duyên sinh ra; Bố thí ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa; pháp không bên trong cho đến pháp không không tánh tự tánh; bốn Niệm trụ, nói rộng cho đến mười tám pháp Phật bất cộng, tất cả pháp môn Tam-mađịa, tất cả pháp môn Đà-la-ni, quả Dự lưu cho đến quả A-la-hán, Độc giác Bồ-đề; tất cả hạnh Đại Bồtát, quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật, trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng, cảnh giới hữu vi, cảnh giới vô vi; cũng đem nhãn cho đến cảnh giới vô vi mà phân biệt không, vô tướng, vô nguyện, không sinh, không diệt, vắng lặng, xa lìa. Do nhân duyên này mà những người như thế đối với những điều đã thuyết về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa khó thấy, khó biết, vắng lặng, vi tế, trầm mật, thù thắng vi diệu này đều có thể tin thọ được. Cụ thọ Thiện Hiện bảo các Thiên tử:

–Như thế, những điều đã nói về Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa khó thấy, khó biết, vắng lặng, vi tế, trầm mật, thù thắng vi diệu chẳng phải là đối tượng tư duy vì nó siêu việt lãnh vực tư duy, trong ấy thật không có người có khả năng tin thọ. Vì sao? Này các Thiên tử, vì trong đây không có pháp nào có thể hiển thị được. Đã thật không có pháp nào có thể hiển thị, cho nên người tin thọ thật không thể được.

Khi ấy, Cụ thọ Xá-lợi Tử hỏi Tôn giả Thiện Hiện:

Phải chăng ở trong pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa ngài đã nói ra đó, có bao trùm cả pháp tương ưng với ba thừa không? Nghĩa là pháp Thanh văn thừa, Độc giác thừa, Vô thượng thừa. Phổ biến và giáo hóa các Đại Bồ-tát từ lúc mới phát tâm cho đến đạo Thập địa của chư Bồ-tát. Đó là Bố thí bala-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa, bốn Niệm trụ, nói rộng cho đến mười tám pháp Phật bất cộng. Tất cả pháp môn Tam-ma-địa, tất cả pháp môn Đàla-ni, nói rộng việc thù thắng thần thông giáo hóa các Đại Bồ-tát, nghĩa là Đại Bồ-tát đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa này siêng tu hành nên sinh đến đâu cũng được hóa sinh, thần thông không lui sụt và an trú trong tự tại, thông đạt trọn vẹn vô lượng pháp môn. Từ cõi Phật này đến cõi Phật khác cung kính cúng dường, tôn trọng, ngợi khen chư Phật Thế Tôn. Tùy sở nguyện ưa thích các căn lành đều có thể tu tập, chóng thành tựu viên mãn, ở chỗ chư Phật lãnh hội giữ gìn chánh pháp cho đến chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột, luôn nhớ không quên, thường an trú thiền định thù thắng, xa lìa tâm tán loạn, lấy đó làm duyên được biện tài vô ngại, biện tài không đoạn tận, biện tài thích ứng, biện tài nhanh chóng, biện tài không sai lầm, biện tài diễn nói nghĩa vị phong phú, biện tài tuyệt diệu vượt hơn tất cả thế gian.

Tôn giả Thiện Hiện đáp:

Đúng thế, đúng thế, đúng như lời ông nói. Trong giáo pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, dùng vô sở đắc làm phương tiện, rộng nói pháp tương ưng của ba thừa, cho đến rộng nói sự thù thắng thần thông giáo hóa các Đại Bồ-tát, làm cho được biện tài tuyệt diệu vượt hơn tất cả thế gian, lấy vô sở đắc làm phương tiện. Ở đây đối với pháp nào lấy vô sở đắc làm phương tiện? Nghĩa là đối với ngã cho đến cái thấy lấy vô sở đắc làm phương tiện. Đối với sắc cho đến thức vô lấy sở đắc làm phương tiện. Đối với nhãn cho đến ý lấy vô sở đắc làm phương tiện. Đối với sắc cho đến pháp lấy vô sở đắc làm phương tiện. Đối với nhãn thức cho đến ý thức lấy vô sở đắc làm phương tiện. Đối với nhãn xúc cho đến ý xúc lấy vô sở đắc làm phương tiện. Đối với nhãn xúc làm duyên sinh ra thọ cho đến ý xúc lấy vô sở đắc làm phương tiện. Đối với Bố thí ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa lấy vô sở đắc làm phương tiện. Đối với pháp không bên trong cho đến pháp không không tánh tự tánh vô sở đắc làm phương tiện. Đối với bốn Niệm trụ, nói rộng cho đến mười tám pháp Phật bất cộng lấy vô sở đắc làm phương tiện. Như vậy, cho đến đối với trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng lấy vô sở đắc làm phương tiện.

Khi ấy, Tôn giả Xá-lợi Tử hỏi Tôn giả Thiện Hiện:

Vì nguyên nhân nào mà trong giáo pháp sâu xa Bát-nhã ba-la-mật-đa này lấy vô sở đắc làm phương tiện để nói rộng pháp tương ưng của ba thừa và nguyên nhân nào mà trong giáo pháp Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa này lấy pháp vô sở đắc làm phương tiện, cho đến nói rộng sự thù thắng của thần thông giáo hóa các Đại Bồ-tát, làm cho biện tài tuyệt diệu vượt hơn tất cả thế gian?

Tôn giả Thiện Hiện đáp:

–Này Xá-lợi Tử, vì pháp không bên trong cho đến pháp không không tánh tự tánh, nên trong giáo pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này lấy vô sở đắc làm phương tiện để nói rộng pháp tương ưng của ba thừa.

Xá-lợi Tử, vì pháp không bên trong cho đến pháp không không tánh tự tánh nên trong giáo pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này lấy vô sở đắc làm phương tiện, cho đến nói rộng sự thù thắng của thần thông giáo hóa các Đại Bồ-tát làm cho được biện tài tuyệt diệu vượt hơn tất cả thế gian.


Trước

[Đầu trang][Mục lục Kinh Đại Bát Nhã]

Tiếp theo


[Mục lục bộ Bát-nhã][220][221][222][223][224][225][226][227][228][229][230][231][232][233][234][235][236][237][238][239][240][241][242][243][244][245][246][247][248][249][250][251][252][253][254][255][256][257][258][259][260][261]


[Mục lục tổng quát]