SỐ 220
KINH ĐẠI BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA
HỘI THỨ II
Phẩm 30: Bảo tháp
(QUYỂN 428)
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.
Bấy giờ, Đức Phật bảo Thiên đế Thích:
–Kiều-thi-ca, nếu các thiện nam, thiện nữ đối với kinh điển sâu xa là Bát-nhã ba-la-mật-đa chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép, giải nói, truyền bá khắp nơi thì các thiện nam, thiện nữ này thân thường an ổn, tâm luôn vui vẻ an lành, không bị tất cả tai ương xâm nhập bức bách.
Và này Kiều-thi-ca, nếu các thiện nam, thiện nữ đối với kinh điển sâu xa là Bát-nhã ba-la-mậtđa này chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, gần gũi cúng dường, suy nghĩ đúng lý, biên chép, giải nói, truyền bá rộng rãi thì các thiện nam, thiện nữ này hoặc ở trong quân trận khi sắp giao chiến mà chí tâm tụng niệm Bát-nhã ba-la-mật-đa, đối với các hữu tình từ bi ủng hộ thì không bị đao gậy làm thương tổn hay giết hại. Những kẻ oán địch đều sinh tâm từ, giả sử họ có sinh tâm ác thì tự nhiên thất bại thoái lui. Các thiện nam, thiện nữ này nếu ở trong quân trận bị dao tên làm thương tổn, thân mạng tan nát... việc này không bao giờ có.
Vì sao? Này Kiều-thi-ca, các thiện nam, thiện nữ này lấy vô sở đắc làm phương tiện, ngày đêm tu tập Bố thí, Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa, tự họ có thể chinh phục đao gậy tham dục và có thể dẹp trừ đao gậy tham dục của người khác. Tự họ có thể chinh phục đao gậy giận dữ và có thể dẹp trừ đao gậy giận dữ của người khác. Tự họ có thể chinh phục đao gậy ngu si và có thể dẹp trừ đao gậy ngu si của người khác. Tự họ có thể chinh phục đao gậy kiêu mạn và có thể dẹp trừ đao gậy kiêu mạn của người khác. Tự họ có thể chinh phục đao gậy ác kiến và có thể dẹp trừ đao gậy ác kiến của người khác. Tự họ có thể chinh phục đao gậy tùy miên và có thể dẹp trừ đao gậy tùy miên của người khác. Tự họ có thể chinh phục đao gậy triền cấu và có thể dẹp trừ đao gậy triền cấu của người khác. Tự họ có thể chinh phục đao gậy nghiệp ác và có thể dẹp trừ đao gậy nghiệp ác của người khác.
Kiều-thi-ca, do nhân duyên này nên các thiện nam, thiện nữ đó nếu vào quân trận sẽ không bị đao gậy làm thương tổn, sát hại. Những kẻ oán địch đều sinh tâm từ, nếu sinh tâm ác tự nhiên thất bại thoái lui. Các thiện nam, thiện nữ này chí tâm tụng niệm Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, nhờ sức oai thần nên nếu ở nơi quân trận mà bị dao tên làm thương tổn, thân mạng tan nát thì việc này không bao giờ có.
Này Kiều-thi-ca, nếu các thiện nam, thiện nữ không xa lìa tâm của trí Nhất thiết trí, lấy vô sở đắc làm phương tiện, thường đối với Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa này chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, suy nghĩ đúng lý, cung kính cúng dường, tôn trọng, ngợi khen, biên chép, giải nói, truyền bá khắp nơi. Những người thiện nam, thiện nữ này đối với tất cả những thuốc độc, trùng độc, quỷ mị, trù ếm, chú thuật... đều không hại được. Nước không thể làm chìm, lửa không thể đốt; đao gậy, thú dữ, giặc thù, thần ác, các tà, yêu quái đều không thể gây tổn hại.
Vì sao? Này Kiều-thi-ca, vì Bát-nhã ba-la-mậtđa này là Đại thần chú, Bát-nhã ba-la-mật-đa này là Đại minh chú, Bát-nhã ba-la-mật-đa này là Vô thượng chú, Bát-nhã ba-la-mật-đa này là Vô chú không gì có thể sánh, Bát-nhã ba-la-mật-đa này là vua của tất cả chú. Chú này thật vi diệu tối thượng không thể sánh kịp, có đủ oai lực lớn có thể hàng phục tất cả nhưng không bị tất cả hàng phục được. Các thiện nam, thiện nữ tinh cần tu học chú vương này nên chính mình không bị hại, người khác cũng không bị hại, cả hai đều không bị hại. Vì sao? Này Kiều-thi-ca, các thiện nam, thiện nữ này học Bátnhã ba-la-mật-đa biết rõ mình và người đều chẳng thể nắm bắt được.
Kiều-thi-ca, các thiện nam, thiện nữ này khi học Đại chú vương Bát-nhã ba-la-mật-đa đây không nắm giữ ngã, không nắm giữ hữu tình, cho đến không nắm giữ cái biết, không nắm giữ cái thấy, không nắm giữ sắc, không nắm giữ thọ, tưởng, hành, thức, cho đến không nắm giữ trí Nhất thiết, không nắm giữ trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng, vì đối với tất cả pháp này đều vô sở đắc, cho nên chính mình không bị hại, người khác cũng không bị hại, cả hai đều không bị hại.
Kiều-thi-ca, các thiện nam, thiện nữ này khi học Đại chú vương Bát-nhã ba-la-mật-đa đây, đối với ngã và pháp tuy vô sở đắc nhưng chứng quả vị Giác ngộ cao tột, quán sát sự khác nhau nơi tâm hành của các hữu tình, tùy nghi chuyển bánh xe pháp vô thượng, làm cho họ thực hành đúng như những điều đã dạy để được lợi ích an vui. Vì sao? Này Kiều-thi-ca, các Đại Bồ-tát thời quá khứ đối với Đại thần chú Bát-nhã ba-la-mật-đa này tinh cần tu học, đã chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột, chuyển bánh xe pháp vi diệu, hóa độ vô lượng chúng sinh. Các Đại Bồ-tát thời vị lai đối với Đại thần chú Bát-nhã ba-la-mật-đa này tinh tần tu học sẽ chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột, chuyển bánh xe pháp vi diệu, hóa độ vô lượng chúng sinh. Hiện tại mười phương vô biên thế giới có các chúng Đại Bồ-tát đối với Đại thần chú Bát-nhã ba-la-mật-đa này tinh cần tu học, hiện chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột, chuyển bánh xe pháp vi diệu, hóa độ vô lượng chúng sinh.
Này Kiều-thi-ca, nếu các thiện nam, thiện nữ đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa này chí tâm lắng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh tấn tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép, giải nói, truyền bá khắp nơi thì những thiện nam, thiện nữ này tùy ở chỗ nơi các thành ấp, cõi nước đều không bị người và phi nhân gây ra những tai nạn bất trắc, các thứ bệnh tật làm tổn hại được.
Kiều-thi-ca, các thiện nam, thiện nữ này tùy ở chỗ nào đều được các chúng trời Tứ đại vương, cho đến trời Sắc cứu cánh cùng các Rồng, Thần, A-tố lạc ở khắp thế giới ba lần ngàn và mười phương vô biên thế giới khác thường đến ủng hộ, cung kính cúng dường, tôn trọng, ngợi khen, không để cho Bát-nhã ba-la-mật-đa bị trở ngại.
Và này Kiều-thi-ca, nếu các thiện nam, thiện nữ viết Đại thần chú Bát-nhã ba-la-mật-đa này, an trí chỗ thanh tịnh, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen; tuy chẳng lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh cần tu học, suy nghĩ đúng lý, cũng không vì người khác phân tích, nêu bày những chỗ ở nơi kinh đô, thành thị, thôn xóm đều không bị người và phi nhân gây ra tai họa bất trắc các thứ bệnh tật làm tổn hại. Vì sao? Kiều-thi-ca, Đại thần chú Bátnhã ba-la-mật-đa này tùy ở chỗ nào đều được các chúng trời Tứ đại vương cho đến trời Sắc cứu cánh cùng Rồng, Thần, A-tố-lạc ở khắp thế giới ba lần ngàn và mười phương vô biên thế giới khác thường đến ủng hộ, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen, không để cho Đại thần chú Bát-nhã ba-lamật-đa bị trở ngại.
Kiều-thi-ca, các thiện nam, thiện nữ đó chỉ viết Đại thần chú Bát-nhã ba-la-mật-đa và an trí nơi chỗ thanh tịnh, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen, còn đạt được lợi ích với pháp hiện tại như vậy, huống gì có thể lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, suy nghĩ đúng lý, vì người phân tích, nêu bày. Phải biết những người này công đức vô biên là mau chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột, làm lợi lạc cho tất cả.
Kiều-thi-ca, nếu các thiện nam, thiện nữ bị những sợ hãi đối với các oan gia, thú dữ, tai họa, trù ếm, tật dịch, độc dược, bùa chú... nên viết Đại thần chú vương Bát-nhã ba-la-mật-đa, tùy theo phần nhiều ít, đựng trong đãy hương thơm, đặt trong ống quý báu, thường đeo bên thân, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen thì những việc sợ hãi kia đều tự tiêu trừ vì có Trời, Rồng, Quỷ thần luôn theo ủng hộ.
Kiều-thi-ca, ví như có người hoặc loài bàng sinh vào đến gốc cây Bồ-đề, hoặc đến bên chung quanh cây ấy thì người hay phi nhân không thể làm tổn hại được. Vì sao? Kiều-thi-ca, vì chư Phật thời quá khứ, vị lai, hiện tại đều ngồi nơi cội cây ấy chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột. Chứng đắc giác ngộ rồi, các Ngài ban bố cho chúng hữu tình mọi pháp không sợ, không hãi, không oán, không hại, thân tâm an lạc; an lập vô lượng, vô số hữu tình thiền trụ nơi diệu hạnh trời, người tôn quý; an lập vô lượng, vô số hữu tình thiền trụ nơi diệu hạnh của ba thừa an lạc; an lập vô lượng, vô số hữu tình khiến hiện tại chứng đắc quả Dự lưu hoặc quả Nhất lai, quả Bất hoàn, quả A-la-hán; an lập vô lượng, vô số hữu tình vị lai khiến chứng đắc quả Độc giác Bồ-đề, hoặc chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột... Những sự kiện thù thắng như vậy đều do sức oai thần của Bát-nhã ba-la-mật-đa. Thế nên nơi đây tất cả Trời, Rồng, A-tố-lạc đều đến bảo vệ, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen.
Nên biết, kinh điển thâm diệu là Bát-nhã ba-lamật-đa, tùy theo trú xứ nào cũng lại như vậy. Tất cả Trời, Rồng, A-tố-lạc thường đến ủng hộ, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen, không để cho Bát-nhã ba-la-mật-đa bị trở ngại.
Kiều-thi-ca, kinh điển thâm diệu là Bát-nhã bala-mật-đa này, tùy ở chỗ nào phải biết chỗ ấy tức là bảo tháp. Tất cả hữu tình đều nên cung kính đảnh lễ và đem các thứ tràng hoa tốt đẹp nhất, các hương xoa, hương bột, y phục, anh lạc, cờ phướn lọng báu, các thứ châu ngọc hiếm có, âm nhạc, đèn sáng... để cúng dường.
Bấy giờ, Thiên đế Thích bạch Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn, các thiện nam, thiện nữ nào viết kinh điển thâm diệu là Bát-nhã ba-la-mậtđa này và dùng các thứ báu trang hoàng, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen, lại đem các tràng hoa tốt đẹp nhất, hương xoa, hương bột, y phục, anh lạc, cờ phướn lọng báu, châu ngọc quý hiếm, âm nhạc, đèn sáng... để cúng dường. Lại có các thiện nam, thiện nữ, sau khi Phật Niết-bàn xây dựng tháp báu, dùng bảy báu để trang hoàng và đựng xá-lợi Phật trong hòm báu, an trí trong tháp đó để cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen. Đem các tràng hoa tươi đẹp nhất, hương xoa, hương bột, y phục, anh lạc, cờ phướn lọng báu, những châu ngọc quý hiếm, âm nhạc, đèn sáng... để cúng dường, đối với hai chỗ sinh phước ở trên thì nơi nào nhiều hơn?
Đức Phật bảo:
–Kiều-thi-ca, Ta hỏi lại ông, cứ tùy ý đáp. Ý ông nghĩ sao? Như Lai đã được trí Nhất thiết tướng và thân tướng tốt đẹp là nương vào những pháp nào tu học để chứng đắc?
Thiên đế Thích thưa:
–Bạch Đức Thế Tôn, Như Lai đã đạt trí Nhất thiết tướng và thân tướng tốt đẹp là nương vào kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa tu học mà chứng đắc.
Phật dạy:
–Kiều-thi-ca, đúng thế, đúng thế, đúng như lời ông nói! Ta nương vào kinh điển Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa tu học, cho nên được trí Nhất thiết tướng và thân tướng tốt đẹp. Vì sao? Kiều-thi-ca, nếu không học kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa mà chứng được quả vị Giác ngộ cao tột là điều không bao giờ có.
Kiều-thi-ca, chẳng những đạt được thân tướng tốt đẹp nên gọi là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, mà còn cần phải chứng đắc trí Nhất thiết tướng mới gọi là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác.
Kiều-thi-ca, Như Lai chứng đắc trí Nhất thiết tướng chính là do Bát-nhã ba-la-mật-đa làm nhân sinh khởi. Thân Phật tốt đẹp chỉ là chỗ nương, nếu không nương vào thân tướng tốt đẹp của Phật thì trí Nhất thiết tướng không do đâu mà sinh. Thế nên Bát-nhã ba-la-mật-đa chính là nhân tố sinh ra trí Nhất thiết trí. Muốn cho trí này hiện tiền tương tục thì nên tu tập thân tướng tốt đẹp của Phật. Thân tướng tốt đẹp này nếu chẳng phải là làm chỗ nương tựa của Biến tri thì tất cả Trời, Rồng, Nhân phi nhân không nên hết lòng cung kính cúng dường. Vì thân tướng tốt đẹp cùng với Biến tri của Phật làm chỗ nương tựa nên các chúng Trời, Rồng, Thần, Nhân phi nhân... cung kính cúng dường. Do nhân duyên này mà sau khi Như Lai Niết-bàn, các chúng Trời, Rồng, Thần, Nhân phi nhân... cung kính cúng dường xá-lợi của Như Lai.
Kiều-thi-ca, những thiện nam, thiện nữ nào chỉ đối với kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cung kính cúng dường, tôn trọng, ngợi khen, thì đó chính là cúng dường trí Nhất thiết tướng và chỗ nương tựa là thân tướng tốt đẹp của Phật cùng xálợi sau khi Phật Niết-bàn. Vì sao? Kiều-thi-ca, trí Nhất thiết tướng và thân tướng tốt đẹp cùng xá-lợi Phật đều lấy Bát-nhã ba-la-mật-đa làm căn bản.
Kiều-thi-ca, nếu những thiện nam, thiện nữ chỉ đối với thân Phật và xá-lợi cung kính cúng dường, tôn trọng, ngợi khen thì chẳng phải là cúng dường trí Nhất thiết tướng và Bát-nhã ba-la-mật-đa này. Vì sao? Kiều-thi-ca, vì di thể của thân Phật không phải là căn bản của trí Nhất thiết tướng và Bát-nhã ba-la-mật-đa này.
Kiều-thi-ca, do nhân duyên ấy, những thiện nam, thiện nữ nào muốn cúng dường Phật, hoặc thân hoặc tâm và các công đức khác, trước phải lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép, giải nói kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này và đem những vật cúng dường tốt đẹp nhất để cúng dường kinh điển ấy.
Thế nên, này Kiều-thi-ca, nếu các thiện nam, thiện nữ viết kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này và dùng các thứ báu để trang hoàng; cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen; lại đem các tràng hoa tốt đẹp nhất, hương xoa, hương bột, y phục, anh lạc, phan lọng bảo cái, các ngọc đẹp quý hiếm, âm nhạc, đèn sáng... để cúng dường. Và có những thiện nam, thiện nữ sau khi Phật Niết-bàn, xây dựng tháp báu, dùng bảy báu trang hoàng, hòm quý đựng xá-lợi Phật, an trí trong tháp, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen, đem các tràng hoa tốt đẹp nhất, hương xoa, hương bột, y phục, chuỗi anh lạc, cờ phướn lọng báu, các ngọc đẹp quý hiếm, âm nhạc, đèn sáng... để cúng dường. Đối với hai chỗ sinh phước, chỗ trước sinh nhiều hơn vô lượng, vô số. Vì sao? Kiều-thi-ca, vì kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này có thể sinh khởi Bố thí ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa; có thể hiển bày pháp không bên trong cho đến pháp không không tánh tự tánh; có thể sinh khởi bốn Niệm trụ nói rộng cho đến mười tám pháp Phật bất cộng; có thể sinh khởi tất cả pháp môn Tam-mađịa, tất cả pháp môn Đà-la-ni; có thể đem lại sự thành tựu cho hữu tình, làm nghiêm tịnh cõi Phật một cách hoàn hảo; có thể tạo thành tựu cho Đại Bồ-tát, dòng họ viên mãn, sắc lực viên mãn, của cải viên mãn, quyến thuộc viên mãn; có thể thành tựu tất cả đại Từ, đại Bi, đại Hỷ, đại Xả; có thể thành tựu dòng dõi lớn Sát-đế-lợi, dòng dõi lớn Bàla-môn, dòng dõi lớn Trưởng giả, dòng dõi lớn Cư sĩ nơi thế gian chúng trời Tứ đại vương cho đến trời Sắc cứu cánh; có thể thành tựu thế gian trời Không vô biên xứ cho đến trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ; có thể thành tựu quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Độc giác Bồ-đề; có thể thành tựu tất cả hạnh Đại Bồ-tát, quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật; có thể thành tựu trí Nhất thiết tướng tối thượng, tối thắng không gì sánh bằng của tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác.
Thiên đế Thích bạch Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn, người ở châu Thiệm-bộ đối với kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này không biết cung kính cúng dường, tôn trọng, ngợi khen. Họ đâu có biết cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa lại đạt được công đức, lợi lạc thù thắng như thế?
Đức Phật bảo Kiều-thi-ca:
–Ta hỏi lại, ông tùy ý đáp. Ý ông nghĩ sao? Trong châu Thiệm-bộ có bao nhiêu người thành tựu chứng tịnh đối với Phật, thành tựu chứng tịnh đối với Pháp, thành tựu chứng tịnh đối với Tăng. Có bao nhiêu người đối với Phật không nghi, đối với Pháp không nghi, đối với Tăng không nghi? Có bao nhiêu người hiểu rốt ráo về Phật, hiểu rốt ráo về Pháp, hiểu rốt ráo về Tăng? Có bao nhiêu người được ba mươi bảy pháp phần Bồ-đề? Có bao nhiêu người được ba môn giải thoát? Có bao nhiêu người được tám Giải thoát? Có bao nhiêu người được chín Định thứ đệ? Có bao nhiêu người được sáu phép thần thông? Có bao nhiêu người được bốn sự hiểu biết thông suốt? Có bao nhiêu người chấm dứt ba kết sử, đắc quả Dự lưu? Có bao nhiêu người giảm tham, sân, si được quả Nhất lai? Có bao nhiêu người chấm dứt năm thuận kết sử hạ phần, được quả Bất hoàn? Có bao nhiêu người chấm dứt năm thuận kết sử thượng phần, đắc quả A-la-hán? Có bao nhiêu người phát tâm quyết định hướng đến quả vị Độc giác Bồ-đề? Có bao nhiêu người phát tâm quyết định hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật?
Thiên đế Thích thưa:
–Bạch Đức Thế Tôn, trong châu Thiệm-bộ có rất ít người thành tựu chứng tịnh đối với Phật, thành tựu chứng tịnh đối với Pháp, thành tựu chứng tịnh đối với Tăng... Cho đến có ít người phát tâm quyết định hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật.
Khi ấy Đức Phật bảo Thiên đế Thích:
–Đúng thế, đúng thế, đúng như Thiên chủ đã nói! Trong châu Thiệm-bộ rất ít người thành tựu chứng tịnh đối với Phật, thành tựu chứng tịnh đối với Pháp, thành tựu chứng tịnh đối với Tăng. Càng ít người đối với Phật không nghi, đối với Pháp không nghi, đối với Tăng không nghi. Cho đến càng ít người phát tâm quyết định hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật càng ít người đã phát tâm rồi tinh tấn tu tập hướng đến giác ngộ. Càng ít người đã tinh tấn tu tập giác ngộ rồi mà chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột. Vì sao? Kiềuthi-ca, các loài hữu tình trôi lăn trong dòng sinh tử từ vô lượng kiếp đến nay phần nhiều chẳng thấy Phật, chẳng nghe Chánh pháp, chẳng gần gũi Tăng; chẳng hành Bố thí, chẳng trì Tịnh giới, chẳng tu An nhẫn, chẳng sinh Tinh tấn, chẳng tập Tĩnh lự, chẳng học Bát-nhã; chẳng nghe pháp không bên trong, chẳng tu pháp không bên trong; cho đến chẳng nghe pháp không không tánh tự tánh, chẳng tu pháp không không tánh tự tánh; chẳng nghe bốn Niệm trụ, chẳng tu bốn Niệm trụ; nói rộng cho đến chẳng nghe mười tám pháp Phật bất cộng, chẳng tu mười tám pháp Phật bất cộng; chẳng nghe tất cả pháp môn Tam-ma-địa, chẳng tu tất cả pháp môn Tam-ma-địa; chẳng nghe tất cả pháp môn Đà-lani, chẳng tu tất cả pháp môn Đà-la-ni; chẳng nghe trí Nhất thiết, chẳng tu trí Nhất thiết; chẳng nghe trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng; chẳng tu trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng.
Kiều-thi-ca, do nguyên nhân ấy nên biết ở trong châu Thiệm-bộ này rất ít người thành tựu chứng tịnh đối với Phật, thành tựu chứng tịnh đối với Pháp, thành tựu chứng tịnh đối với Tăng. Càng ít người đối với Phật không nghi, đối với Pháp không nghi, đối với Tăng không nghi. Cho đến lại càng ít người phát tâm quyết định đạt đến quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật. Người đã phát tâm rồi tinh tấn tu tập theo giác ngộ càng ít hơn. Càng ít người tinh tấn tu tập giác ngộ chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột hơn nữa.
Kiều-thi-ca, ý ông thế nào? Không nói về châu Thiệm-bộ nữa. Hãy nói về thế giới ba lần ngàn này, bao nhiêu hữu tình cung kính cúng dường cha mẹ, sư trưởng? Bao nhiêu hữu tình cung kính cúng dường Sa-môn, Bà-la-môn? Bao nhiêu hữu tình Bố thí, giữ giới, trì trai, tu phước? Bao nhiêu hữu tình đối với các dục phát sinh ý tưởng nhàm ghét, tưởng vô thường, tưởng khổ, tưởng vô ngã, tưởng bất tịnh, tưởng chán ăn, tưởng tất cả thế gian chẳng đáng vui? Bao nhiêu hữu tình tu bốn Tĩnh lự, bốn Vô lượng, bốn Định vô sắc? Bao nhiêu hữu tình cho đến phát tâm quyết định đạt đến quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật? Bao nhiêu hữu tình đã phát tâm rồi tinh tấn tu tập tới giác ngộ? Bao nhiêu hữu tình mài luyện, trưởng dưỡng tâm tới giác ngộ? Bao nhiêu hữu tình dùng phương tiện thiện xảo tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa? Bao nhiêu hữu tình được ở bậc Bồ-tát không thoái chuyển? Bao nhiêu hữu tình mau chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột?
Thiên đế Thích thưa:
–Bạch Đức Thế Tôn, nơi thế giới ba lần ngàn này có ít hữu tình cung kính cúng dường cha mẹ, sư trưởng; cho đến rất ít hữu tình mau chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột.
Đức Phật dạy:
–Kiều-thi-ca, đúng thế, đúng thế, đúng như lời ông nói!
Kiều-thi-ca, ở thế giới ba lần ngàn này, rất ít hữu tình cúng dường cung kính cha mẹ, sư trưởng. Càng ít hữu tình cung kính cúng dường Sa-môn, Bà-la-môn. Cho đến lại càng ít hữu tình được ở bậc Bồ-tát không thoái chuyển; và càng ít hữu tình mau chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột.
Này Kiều-thi-ca, Ta dùng Phật nhãn vô thượng thanh tịnh quán sát khắp tất cả mười phương thế giới, tuy có vô lượng, vô số, vô biên hữu tình phát tâm quyết định đạt đến quả vị Giác ngộ cao tột, tinh tấn tu tập hướng đến giác ngộ, nhưng vì xa lìa phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa; chỉ có một, hoặc hai, hoặc ba hữu tình được ở bậc Bồ-tát không thoái chuyển; còn đa phần dừng lại nơi hàng Thanh văn, Độc giác. Vì sao? Kiều-thi-ca, vì quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật rất khó chứng được, nên các hữu tình trí tuệ xấu ác, biếng trễ, tinh tấn kém, thắng giải kém, thì không thể chứng được.
Kiều-thi-ca, do nguyên nhân này, nếu các thiện nam, thiện nữ phát tâm quyết định hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột, tinh tấn tu tập hướng đến giác ngộ, muốn ở bậc Bồ-tát không thoái chuyển, mau chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột, không còn trở ngại, nên đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này luôn luôn lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu tập, suy nghĩ đúng lý, ưa thỉnh hỏi thầy và thích giảng nói cho người khác. Thực hành việc này rồi, lại biên chép, dùng các vật báu để trang nghiêm, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen và đem những vòng hoa tốt đẹp nhất, những hương xoa, hương bột..., y phục, chuỗi anh lạc, cờ phướn lọng báu, các ngọc quý hiếm, âm nhạc, đèn sáng để cúng dường.
Kiều-thi-ca, các thiện nam, thiện nữ này đối với các pháp lành thù thắng khác hàm chứa Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cũng nên lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu tập, suy nghĩ đúng lý, ưa thỉnh hỏi thầy và thích giảng nói cho người khác.
Thế nào gọi là các pháp lành thù thắng hàm chứa Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa? Đó là Bố thí cho đến Tĩnh lự ba-la-mật-đa; hoặc pháp không bên trong cho đến pháp không không tánh tự tánh, hoặc tất cả pháp môn Tam-ma-địa, tất cả pháp môn Đà-la-ni; hoặc bốn Niệm trụ, nói rộng cho đến mười tám pháp Phật bất cộng, đại Từ, đại Bi, đại Hỷ, đại Xả và vô lượng, vô biên pháp Phật khác. Đây gọi là các pháp lành thù thắng hàm chứa Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Kiều-thi-ca, các thiện nam, thiện nữ này đối với vô lượng pháp môn khác của uẩn, xứ, giới... tùy thuận vào Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cũng nên lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, suy nghĩ đúng lý, không nên chê bai khiến đối với quả vị Giác ngộ cao tột còn có trở ngại. Vì sao? Kiều-thi-ca, các thiện nam, thiện nữ suy nghĩ thế này: “Thuở xưa, khi Đức Như Lai trụ nơi quả vị Bồ-tát, thường tinh tấn tu học pháp thuận giác ngộ, đó là Bát-nhã bala-mật-đa cho đến Bố thí ba-la-mật-đa; pháp không bên trong cho đến pháp không không tánh tự tánh; tất cả pháp môn Tam-ma-địa, tất cả pháp môn Đà-la-ni; bốn Niệm trụ, nói rộng cho đến mười tám pháp Phật bất cộng, đại Từ, đại Bi, đại Hỷ, đại Xả và vô lượng, vô biên pháp Phật khác, hoặc vô lượng pháp môn khác của uẩn, xứ, giới... tùy thuận vào Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Do đây chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột đã mong cầu. Ngày nay, chúng ta vì cầu quả vị Giác ngộ cao tột cũng nên theo học các pháp Bát-nhã ba-lamật-đa như thế, chắc chắn đó là bậc Đại sư của chúng ta. Chúng ta theo học bậc Đại sư đó, sở nguyện sẽ được viên thành.”
Như vậy, các pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa chắc chắn là pháp ấn của chư Phật. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác theo học pháp ấn đó cho nên đã chứng, đang chứng và sẽ chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột. Các pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa này cũng là tất cả pháp ấn của hàng Thanh văn, Độc giác. Tất cả các hàng Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Độc giác theo học pháp ấn đó cho nên đã, đang và sẽ đến bờ Niết-bàn.
Vì thế nên này Kiều-thi-ca, các thiện nam, thiện nữ, hoặc Phật đang ở đời, hay sau khi Niếtbàn, hãy nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa, nói rộng cho đến trí Nhất thiết tướng, thường nỗ lực tu học. Vì sao? Kiều-thi-ca, Bát-nhã ba-la-mật-đa này, nói rộng cho đến trí Nhất thiết tướng là chỗ nương về của các bậc Thanh văn, Độc giác, Bồ-tát và các chúng Trời, Người, A-tố-lạc…
Này Kiều-thi-ca, có các thiện nam, thiện nữ sau khi chư Như Lai Niết-bàn, vì cúng dường xálợi Phật nên đem bảy báu vi diệu xây dựng bảo tháp, dùng các thứ ngọc quý trang hoàng xen lẫn nhau. Tháp đó cao lớn một do-tuần, chiều rộng bằng phân nửa của chiều cao và dùng các vòng hoa tốt đẹp nhất, hương xoa, hương bột..., y phục, anh lạc, cờ phướn lọng báu, các ngọc quý hiếm, âm nhạc, đèn sáng, trọn đời cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen. Ý ông thế nào? Các thiện nam, thiện nữ đó, nhờ nhân duyên như vậy được phước có nhiều chăng?
Thiên đế Thích thưa:
–Bạch Đức Thế Tôn, rất nhiều! Bạch Đấng Thiện Thệ, rất nhiều!
Phật bảo:
–Kiều-thi-ca, nếu các thiện nam, thiện nữ không lìa tâm của trí Nhất thiết trí, lấy vô sở đắc làm phương tiện, đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa này chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, suy nghĩ đúng lý, truyền bá rộng rãi khắp loài hữu tình; hoặc biên chép, dùng các thứ báu để trang hoàng, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen và đem các vòng hoa tốt đẹp nhất, hương xoa, hương bột..., y phục, chuỗi anh lạc, cờ phướn lọng báu, các thứ châu ngọc diệu kỳ, âm nhạc, đèn sáng... để cúng dường; các thiện nam, thiện nữ này nhờ nhân duyên như vậy sẽ sinh phước đức rất nhiều, hơn những người kia vô lượng, vô biên.
Này Kiều-thi-ca, hãy gác việc này lại. Có các thiện nam, thiện nữ đối với các Đức Như Lai sau khi Niết-bàn, vì để cúng dường xá-lợi Phật nên đem bảy báu tốt đẹp xây dựng bảo tháp, trang hoàng bằng các loại ngọc quý xen lẫn. Tháp đó cao lớn một do-tuần, chiều rộng bằng phân nửa của chiều cao. Như vậy, đầy dẫy một châu Thiệm-bộ, hoặc bốn đại châu, hoặc cõi tiểu thiên, hoặc cõi trung thiên, hoặc cả thế giới ba lần ngàn đều dùng các thứ vòng hoa tốt đẹp cõi trời cho đến đèn sáng, trọn đời cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen. Ý ông nghĩ sao? Các thiện nam, thiện nữ nhờ nhân duyên đó được phước có nhiều chăng?
Thiên đế Thích thưa:
–Bạch Đức Thế Tôn, rất nhiều! Bạch Đấng Thiện Thệ, rất nhiều!
Phật bảo Kiều-thi-ca:
–Nếu các thiện nam, thiện nữ không lìa tâm của trí Nhất thiết trí, lấy vô sở đắc mà làm phương tiện, đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, suy nghĩ đúng lý, truyền bá rộng rãi khắp loài hữu tình; hoặc lại biên chép, dùng các thứ báu để trang hoàng, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen và đem các vòng hoa tốt đẹp nhất cho đến đèn sáng để cúng dường, thì các thiện nam, thiện nữ nhờ nhân duyên đó, chỗ sinh phước đức rất nhiều hơn những người kia vô lượng, vô biên.
Này Kiều-thi-ca, hãy gác lại việc một thế giới của thế giới ba lần ngàn. Giả sử các chúng hữu tình nơi thế giới ba lần ngàn đều đối với Đức Như Lai sau khi Niết-bàn, vì để cúng dường xá-lợi Phật nên dùng bảy báu tốt đẹp xây dựng bảo tháp, trang hoàng bằng các loại ngọc quý xen lẫn. Tháp đó cao lớn một do-tuần, chiều rộng bằng phân nửa của chiều cao, đầy khắp trong thế giới ba lần ngàn, không có chỗ hở trống. Và đem các vòng hoa trời tốt đẹp cho đến đèn sáng, trọn đời cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen. Ý ông thế nào? Các chúng hữu tình nơi thế giới ba lần ngàn như thế, nhờ nhân duyên này được phước nhiều chăng?
Thiên đế Thích thưa:
–Bạch Đức Thế Tôn, rất nhiều! Bạch Đấng Thiện Thệ, rất nhiều!
Phật bảo:
–Kiều-thi-ca, nếu các thiện nam, thiện nữ chẳng phải lìa tâm của trí Nhất thiết trí, lấy vô sở đắc làm phương tiện, đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa chí tâm lắng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh tấn tu học, suy nghĩ đúng lý, truyền bá rộng rãi khắp các hữu tình; hoặc lại biên chép, dùng các thứ báu để trang hoàng, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen. Và đem các vòng hoa tốt đẹp nhất cho đến đèn sáng để cúng dường, thì các thiện nam, thiện nữ nhờ nhân duyên đó, chỗ sinh phước đức rất nhiều hơn những người kia vô lượng, vô biên.
Thiên đế Thích vội bạch Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn, đúng vậy! Bạch Đấng Thiện Thệ, đúng vậy! Nếu các thiện nam, thiện nữ cung kính cúng dường, tôn trọng, ngợi khen Bátnhã ba-la-mật-đa như thế, phải biết tức là cung kính cúng dường, tôn trọng, ngợi khen chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai.
Bạch Đức Thế Tôn, giả sử tất cả hữu tình nơi mười phương thế giới đều nhiều như cát sông Hằng, đều đối với Đức Như Lai sau khi vào Niếtbàn, vì cúng dường xá-lợi Phật nên đem bảy báu vi diệu xây dựng bảo tháp, trang hoàng bằng các loại ngọc quý xen lẫn. Tháp đó cao lớn một do-tuần, chiều rộng bằng phân nửa của chiều cao, đầy khắp trong thế giới ba lần ngàn, không có chỗ hở trống. Và đem các vòng hoa trời tốt đẹp nhất cho đến đèn sáng; hoặc trải qua một kiếp, hoặc hơn một kiếp cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen. Bạch Đức Thế Tôn, các hữu tình do nhân duyên này được phước nhiều chăng?
Đức Phật dạy:
–Phước đó vô lượng, vô biên.
Thiên đế Thích thưa:
–Bạch Đức Thế Tôn, nếu các thiện nam, thiện nữ không lìa tâm của trí Nhất thiết trí, lấy vô sở đắc làm phương tiện, đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa này chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, suy nghĩ đúng lý, truyền bá khắp nơi cho chúng hữu tình; hoặc biên chép, dùng các thứ báu để trang hoàng, cung kính cúng dường, tôn trọng khen ngợi và đem các vòng hoa tốt đẹp nhất cho đến đèn sáng để cúng dường. Các thiện nam, thiện nữ nhờ nhân duyên này, chỗ sinh phước đức rất nhiều hơn những người kia vô lượng, vô biên, không thể nghĩ bàn, không thể tính kể. Vì sao? Bạch Đức Thế Tôn, vì Bát-nhã ba-la-mật-đa này có thể tổng thu, dung chứa tất cả pháp lành. Đó là mười nẻo nghiệp thiện, hoặc bốn Tĩnh lự, bốn Vô lượng, bốn Định vô sắc, hoặc bốn quán Thánh đế, hoặc ba mươi bảy pháp phần Bồ-đề, hoặc ba pháp môn giải thoát, hoặc sáu phép thần thông, hoặc tám Giải thoát, chín Định thứ đệ; hoặc Bố thí ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa; hoặc pháp không bên trong cho đến pháp không không tánh tự tánh; hoặc tất cả pháp môn Tam-ma-địa, tất cả pháp môn Đà-la-ni; hoặc mười lực của Phật, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại Từ, đại Bi, đại Hỷ, đại Xả, mười tám pháp Phật bất cộng; hoặc trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng; hoặc vô lượng, vô biên pháp Phật khác đều được tóm thâu vào Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa này.
Bạch Đức Thế Tôn, Bát-nhã ba-la-mật-đa này là pháp ấn chân thật của Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, cũng là pháp ấn chân thật của tất cả hàng Thanh văn, Độc giác.
Bạch Đức Thế Tôn, tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này thường tinh tấn tu học nên đã chứng, đang chứng và sẽ chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột. Tất cả hàng Thanh văn, Độc giác cũng đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa xâu xa này thường tinh tấn tu học nên đã, đang và sẽ đạt đến bờ Niết-bàn.
Bạch Đức Thế Tôn, do nhân duyên đó, nếu thiện nam, thiện nữ không lìa tâm của trí Nhất thiết trí, lấy vô sở đắc làm phương tiện, đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa này chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, suy nghĩ đúng lý, truyền bá khắp nơi cho chúng hữu tình; hoặc biên chép, dùng các thứ báu trang hoàng, cho đến đèn sáng để cúng dường thì chỗ sinh phước đức vô lượng, vô biên không thể nghĩ bàn, không thể tính kể.
[Mục lục bộ Bát-nhã][220][221][222][223][224][225][226][227][228][229][230][231][232][233][234][235][236][237][238][239][240][241][242][243][244][245][246][247][248][249][250][251][252][253][254][255][256][257][258][259][260][261]