SỐ 220
KINH ĐẠI BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA

HỘI THỨ II

Phẩm 29: Nhiếp thọ
(QUYỂN 427 - 428)

Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.

QUYỂN 427

QUYỂN 428


QUYỂN 427

Phẩm 29: Nhiếp thọ (1)

Bấy giờ, Thiên đế Thích bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, các Đại Bồ-tát thật hy hữu, đặc biệt. Đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa này chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép, giải nói, truyền bá rộng rãi. Lãnh hội pháp hiện tại hy hữu như thế, được công đức lợi ích thù thắng, đem lại sự thành tựu cho hữu tình, làm nghiêm tịnh cõi Phật, từ cõi Phật này đến cõi Phật khác, gần gũi phụng thờ chư Phật Thế Tôn, đối với các căn lành, tùy chỗ ưa thích, do ở nơi chư Phật cung kính, cúng dường, tôn trọng, ngợi khen, liền có thể sinh trưởng, mau chóng được viên mãn. Ở chỗ chư Phật được nghe nhận chánh pháp, cho đến chứng đạt quả vị Giác ngộ cao tột, trong thời gian ấy chưa từng quên mất, mau được tiếp nhận dòng tộc viên mãn, cha mẹ viên mãn, tướng tốt viên mãn, ánh sáng viên mãn, mắt thù thắng viên mãn, tai thù thắng viên mãn, âm thanh viên mãn, các pháp đẳng trì viên mãn, tổng trì viên mãn. Dùng sức của phương tiện thiện xảo tự hóa thân như hình tượng Phật, từ thế giới này đến thế giới khác, đến cõi không có Phật, ngợi khen hạnh Bố thí ba-la-mật-đa, cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa; khen ngợi pháp không bên trong cho đến pháp không không tánh tự tánh; khen ngợi bốn Tĩnh lự, bốn Vô lượng, bốn Định vô sắc; khen ngợi bốn Niệm trụ, nói rộng cho đến mười tám pháp Phật bất cộng và dùng sức của phương tiện thiện xảo, vì các hữu tình giảng nói pháp yếu, tùy nghi đưa họ hội nhập nơi pháp của ba thừa, khiến họ vĩnh viễn giải thoát sinh, già, bệnh, chết, chứng cảnh giới Bát-niết-bàn vô dư. Hoặc cứu vớt những khổ đau trong nẻo ác, giúp họ được hưởng an vui bậc nhất nơi cõi trời, người.

Thiên đế Thích bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, Bát-nhã ba-la-mật-đa này rất hy hữu, rất kỳ diệu. Nếu có thể lãnh hội Bátnhã ba-la-mật-đa như thế, lãnh hội đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật-đa; nói rộng cho đến đó là lãnh hội đầy đủ mười tám pháp Phật bất cộng, cũng là đầy đủ quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Độc giác Bồ-đề, tất cả hạnh Đại Bồ-tát, quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật, trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng.

Đức Phật bảo Thiên đế Thích:

–Đúng thế, đúng thế, như lời ông nói! Nếu có thể lãnh hội Bát-nhã ba-la-mật-đa này, tức là lãnh hội đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật-đa, nói rộng cho đến lãnh hội đầy đủ trí Nhất thiết tướng.

Và này Kiều-thi-ca, nếu các thiện nam, thiện nữ có thể đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép, giảng nói, truyền bá rộng rãi thì các thiện nam, thiện nữ ấy tiếp nhận những giáo pháp hiện tại và công đức lợi ích thù thắng trong vị lai, ông hãy lắng nghe và vận dụng sự suy nghĩ một cách khéo léo, Như Lai sẽ vì ông phân tích, giải nói.

Thiên đế Thích thưa:

–Thưa vâng, bạch Đại thánh, cúi xin chỉ dạy, chúng con muốn nghe! Đức Phật bảo:

–Kiều-thi-ca, nếu có những tộc họ ngoại đạo, hoặc các Thiên ma ở cõi trời Tự tại Dục giới cùng quyến thuộc của họ, hoặc những kẻ bạo ác tăng thượng mạn, muốn đối với các thiện nam, thiện nữ này gây ra những việc không lợi ích, muốn làm cho họ xa lìa, chống trái, hủy báng Bát-nhã ba-lamật-đa; những kẻ ấy vừa sinh tâm, tức thời gặp tai nạn tự phải diệt ngay, không được kết quả như ý muốn. Vì sao? Kiều-thi-ca, vì Đại Bồ-tát này ngày đêm tu hành Bố thí, Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Những hữu tình nào vì tham lam bỏn sẻn nên luôn luôn tranh chấp, Đại Bồ-tát này đối với các pháp trong ngoài, tất cả đều xả nên tìm cách dạy họ an trụ nơi Bố thí ba-la-mật-đa.

Những hữu tình nào thường hay phá giới, Đại Bồ-tát này đối với pháp trong ngoài tất cả đều xả, dùng phương tiện dạy họ an trụ nơi Tịnh giới bala-mật-đa.

Những hữu tình nào thường hay giận dữ, Đại Bồ-tát này đối với pháp trong ngoài tất cả đều xả, dùng phương tiện dạy họ an trụ nơi An nhẫn ba-lamật-đa.

Những hữu tình nào thường hay lười biếng, Đại Bồ-tát này đối với pháp trong ngoài tất cả đều xả, dùng phương tiện dạy họ an trụ nơi Tinh tấn ba-lamật-đa.

Những hữu tình nào thường xuyên tán loạn, Đại Bồ-tát này đối với pháp trong ngoài tất cả đều xả, dùng phương tiện dạy họ an trụ nơi Tĩnh lự bala-mật-đa.

Những hữu tình nào luôn bị ngu si, Đại Bồ-tát này đối với pháp trong ngoài tất cả đều xả, dùng phương tiện dạy họ an trụ nơi Bát-nhã ba-la-mậtđa.

Những hữu tình nào trôi lăn trong dòng sinh tử, luôn bị các thứ phiền não tham, sân, si... ràng buộc, khuấy rối nơi tâm, tạo tác biết bao việc không lợi ích, Đại Bồ-tát này dùng các phương tiện thiện xảo giúp họ dứt trừ mọi sự ràng buộc của tham, sân, si..., giúp họ an trụ nơi bốn Tĩnh lự, bốn Vô lượng, bốn Định vô sắc; hoặc an trụ nơi bốn Niệm trụ, nói rộng cho đến tám chi Thánh đạo; hoặc an trụ nơi ba pháp môn giải thoát Không, Vô tướng, Vô nguyện, an trụ nơi quả Dự lưu cho đến quả A-lahán; an trụ nơi quả vị Độc giác Bồ-đề; an trụ nơi mười địa của Bồ-tát; hoặc an trụ vào quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật.

Kiều-thi-ca, như vậy gọi là Đại Bồ-tát đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa này chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép, giải nói, truyền bá khắp nơi, đã tiếp nhận pháp hiện tại nơi công đức lợi ích thù thắng.

Kiều-thi-ca, Đại Bồ-tát này nhờ nhân duyên đó, nên vào đời vị lai mau chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột, chuyển bánh xe pháp vi diệu, hóa độ vô lượng chúng sinh. Theo sở nguyện của họ mà thiết lập phương tiện giúp họ tu học rốt ráo nơi của ba thừa, cho đến chứng đắc Niết-bàn Vô dư.

Kiều-thi-ca, như vậy gọi là Đại Bồ-tát đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép, giải nói, truyền bá khắp nơi, đã tiếp nhận công đức lợi ích thù thắng trong vị lai.

Này Kiều-thi-ca, nếu các thiện nam, thiện nữ đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa này chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép, giải nói, truyền bá rộng rãi thì nơi chốn người đó ở nếu có ác ma và quyến thuộc của ma, hoặc tộc họ của các thứ ngoại đạo, hoặc những kẻ tăng thượng mạn bạo ác khác, ganh ghét Bát-nhã ba-la-mật-đa nên muốn làm trở ngại, phá hoại, hủy diệt, nên tìm mọi cách cật vấn, chê trách, lăng nhục hay chống cự, tuy có những ý muốn ấy nhưng họ không bao giờ làm hại được. Những kẻ xấu ác ấy nhờ vừa được nghe tiếng Bát-nhã mà các ác dần dần tiêu diệt, công đức dần dần sinh, về sau, nhờ vào pháp của ba thừa mà chấm dứt khổ, hoặc thoát khỏi cảnh giới ác, sinh trong cõi trời, người.

Kiều-thi-ca, như có thuốc hay tên Mạc-kỳ, thuốc này với công năng lớn, có thể làm tiêu những chất độc; nơi nào có thuốc hay ấy thì các loại trùng độc không thể đến gần. Có con rắn độc lớn bị đói, đi kiếm ăn gặp loài vật muốn ăn nuốt, ngay do vì sợ chết nên các con vật kia bèn chạy tới chỗ có thuốc hay. Rắn độc vừa nghe hơi thuốc tức thì thoái lui. Vì sao? Kiều-thi-ca, vì thuốc hay này gồm đủ năng lực lớn, có thể giúp ích cho thân mạng, phá trừ các chất độc. Nên biết, Bát-nhã bala-mật-đa gồm đủ oai lực lớn cũng giống như vậy. Nếu các thiện nam, thiện nữ chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép, giải nói, truyền bá khắp nơi, thì các ác ma muốn gây việc ác cho Đại Bồ-tát này, do sức từ oai thần của Bát-nhã ba-la-mật-đa khiến cho việc ác đó tự phải tiêu diệt, không thể làm gì hại được. Vì sao? Kiều-thi-ca, vì Bát-nhã ba-la-mật-đa này gồm đủ oai lực lớn, có khả năng bẻ gãy các ác, tăng thêm pháp lành.

Kiều-thi-ca, vì sao Bát-nhã ba-la-mật-đa có đủ khả năng bẻ gãy các ác, tăng thêm pháp lành?

Kiều-thi-ca, vì Bát-nhã ba-la-mật-đa này có thể diệt trừ tham dục, sân hận, ngu si, vô minh cho đến toàn bộ khối khổ lớn, toàn bộ sự ngăn che của phiền não, mọi ràng buộc của trần cấu; hoặc chấp ngã, chấp về hữu tình, chấp về chủ thể luân hồi, chấp đoạn, chấp thường, chấp có, chấp không; cho đến vô số các loại hướng tới ác kiến, tham lam, bỏn sẻn, phá giới, sân hận, biếng nhác, tán loạn, ngu si; tưởng thường, tưởng lạc, tưởng ngã, tưởng tịnh... cùng với tất cả mọi hành của tham, sân, si, mạn, nghi, kiến...

Kiều-thi-ca, như vậy, Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể diệt chấp trước nơi sắc cho đến chấp trước nơi thức; có thể diệt chấp trước nơi nhãn cho đến chấp trước nơi ý; có thể diệt chấp trước nơi sắc cho đến chấp trước nơi pháp; có thể diệt chấp trước nơi nhãn thức cho đến chấp trước nơi ý thức; có thể diệt chấp trước nơi nhãn xúc cho đến chấp trước nơi ý xúc; có thể diệt chấp trước nơi các thọ do nhãn xúc làm duyên sinh ra cho đến chấp trước nơi các thọ do ý xúc làm duyên sinh ra; có thể diệt chấp trước nơi Bố thí ba-la-mật-đa cho đến chấp trước nơi Bát-nhã ba-la-mật-đa; có thể diệt chấp trước nơi pháp không bên trong cho đến chấp trước nơi pháp không không tánh tự tánh; có thể diệt chấp trước nơi bốn Niệm trụ, nói rộng cho đến chấp trước nơi mười tám pháp Phật bất cộng; có thể diệt chấp trước nơi trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng; có thể diệt chấp trước nơi giác ngộ Niết-bàn.

Kiều-thi-ca, như vậy, Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể đoạn trừ tất cả các pháp ấy và có thể làm tăng trưởng các pháp đối trị chúng. Cho nên Bát-nhã bala-mật-đa gồm đủ oai lực lớn lao, tối tôn, tối thắng. Này Kiều-thi-ca, nếu các thiện nam, thiện nữ đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép, giải nói, truyền bá rộng rãi... thì các thiện nam, thiện nữ này thường được Tứ đại Thiên vương và Thiên đế Thích chủ cõi Kham nhẫn, Đại phạm Thiên vương, trời Tịnh cư... Trời, Rồng, Dược-xoa, A-tố-lạc... cùng những Thiên thần trong khắp thế giới ba lần ngàn, đều đến ủng hộ, không để cho tất cả tai họa bất trắc xâm phạm, bức xúc; chỗ mong cầu như pháp hoàn toàn được đầy đủ. Đông, Tây, Nam, Bắc, bốn hướng trên dưới, hằng hà sa số thế giới chư Phật, tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác cũng thường hộ niệm các thiện nam, thiện nữ này, làm cho các ác dần dần tiêu diệt, pháp lành càng tăng thêm, nghĩa là khiến tăng trưởng Bố thí ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-lamật-đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện; cũng khiến tăng trưởng quán pháp không bên trong cho đến quán pháp không không tánh tự tánh, lấy vô sở đắc làm phương tiện; cũng làm cho tăng trưởng bốn Niệm trụ, nói rộng cho đến mười tám pháp Phật bất cộng, lấy vô sở đắc làm phương tiện; cũng làm cho tăng trưởng tất cả pháp môn Tam-ma-địa, tất cả pháp môn Đà-la-ni, lấy vô sở đắc làm phương tiện; cũng khiến tăng trưởng trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng, lấy vô sở đắc làm phương tiện.

Kiều-thi-ca, các thiện nam, thiện nữ này do nhân duyên ấy mà ngôn từ luôn nghiêm túc, khiến người nghe đều kính nhận, tán thán, mọi sự luận bàn, lời nói không lầm lộn; biết ân và đền ân, đối xử tốt với bạn lành; không bị các thứ tham, ganh, giận, hận, não phú, dua nịnh, dối trá, kiêu mạn... che lấp.

Kiều-thi-ca, các thiện nam, thiện nữ này tự thân có thể xa lìa nghiệp sát sinh và khuyên người khác xa lìa nghiệp sát sinh; cũng tùy thuận ca ngợi pháp không sát sinh, hoan hỷ ngợi khen người không sát sinh; cho đến tự mình có thể xa lìa tà kiến và khuyên người khác xa lìa tà kiến, tùy thuận ca ngợi pháp xa lìa tà kiến, hoan hỷ ngợi khen người xa lìa tà kiến.

Tự mình có thể thực hành Bố thí ba-la-mật-đa và khuyên người khác thực hành Bố thí ba-la-mậtđa, tùy thuận ca ngợi pháp thực hành Bố thí ba-lamật-đa, hoan hỷ ca ngợi người thực hành Bố thí ba-la-mật-đa; cho đến tự mình có thể thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa và khuyên người khác thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, tùy thuận ca ngợi pháp thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, hoan hỷ ngợi khen người thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Tự mình có thể thực hành pháp không bên trong, khuyên người khác thực hành pháp không bên trong, tùy thuận ca ngợi pháp thực hành pháp không bên trong, hoan hỷ ngợi khen người thực hành pháp không bên trong; cho đến tự mình có thể thực hành pháp không không tánh tự tánh, khuyên người khác thực hành pháp không không tánh tự tánh, tùy thuận ca ngợi pháp thực hành pháp không không tánh tự tánh, hoan hỷ ngợi khen người thực hành pháp không không tánh tự tánh.

Tự mình có thể tu tất cả pháp môn Tam-mađịa, khuyên người khác tu tất cả pháp môn Tamma-địa, tùy thuận ca ngợi pháp tu tất cả pháp môn Tam-ma-địa, hoan hỷ ngợi khen người tu tất cả pháp môn Tam-ma-địa; tự mình có thể tu tất cả pháp môn Đà-la-ni, khuyên người khác tu tất cả pháp môn Đà-la-ni, tùy thuận ca ngợi pháp tu tất cả pháp môn Đà-la-ni, hoan hỷ ngợi khen người tu tất cả pháp môn Đà-la-ni.

Tự mình có thể tu bốn Tĩnh lự, khuyên người khác tu bốn Tĩnh lự, tùy thuận ca ngợi pháp tu bốn Tĩnh lự, hoan hỷ ngợi khen người tu bốn Tĩnh lự; tự mình có thể tu bốn Vô lượng, khuyên người khác tu bốn Vô lượng, tùy thuận ca ngợi pháp tu bốn Vô lượng, hoan hỷ ngợi khen người tu bốn Vô lượng; tự mình có thể tu bốn Định vô sắc, khuyên người khác tu bốn Định vô sắc, tùy thuận ca ngợi pháp tu bốn Định vô sắc, hoan hỷ ngợi khen người tu bốn Định vô sắc.

Tự mình có thể tu bốn Niệm trụ, khuyên người khác tu bốn Niệm trụ, tùy thuận ca ngợi pháp tu bốn Niệm trụ, hoan hỷ ngợi khen người tu bốn Niệm trụ; tự mình có thể tu tám chi Thánh đạo, khuyên người khác tu tám chi Thánh đạo, tùy thuận ca ngợi pháp tu tám chi Thánh đạo, hoan hỷ ngợi khen người tu tám chi Thánh đạo.

Tự mình có thể tu ba pháp môn giải thoát, khuyên người khác tu ba pháp môn giải thoát, tùy thuận ca ngợi pháp tu ba pháp môn giải thoát, hoan hỷ ngợi khen người tu ba pháp môn giải thoát.

Tự mình có thể tu tám Giải thoát, khuyên người khác tu tám Giải thoát, tùy thuận ca ngợi pháp tu tám Giải thoát, hoan hỷ ngợi khen người tu tám Giải thoát; tự mình có thể nhập thuận nghịch chín Định thứ đệ, khuyên người khác nhập thuận nghịch chín Định thứ đệ, tùy thuận ca ngợi pháp nhập thuận nghịch chín Định thứ đệ, hoan hỷ ngợi khen người nhập thuận nghịch chín Định thứ đệ.

Tự mình có thể tu mười lực của Phật, khuyên người khác tu mười lực của Phật, tùy thuận ca ngợi pháp tu mười lực của Phật, hoan hỷ ngợi khen người tu mười lực của Phật; tự mình có thể tu mười tám pháp Phật bất cộng, khuyên người khác tu mười tám pháp Phật bất cộng, tùy thuận ca ngợi pháp tu mười tám pháp Phật bất cộng, hoan hỷ ngợi khen người tu mười tám pháp Phật bất cộng.

Tự mình có thể tu pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả, khuyên người khác tu pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả, tùy thuận ca ngợi pháp tu pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả, hoan hỷ ngợi khen người tu pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả.

Tự mình có thể tu trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng, khuyên người khác tu trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng, tùy thuận ca ngợi pháp tu trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng, hoan hỷ ngợi khen người tu trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng.

Kiều-thi-ca, các thiện nam, thiện nữ này tu hành Bố thí... cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa, lấy vô sở đắc mà làm phương tiện ban cho các hữu tình một cách bình đẳng, cùng nhau hồi hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột.

Kiều-thi-ca, các thiện nam, thiện nữ này thường suy nghĩ: “Nếu ta không thực hành Bố thí ba-la-mật-đa sẽ sinh vào nhà bần cùng, hãy còn không có uy lực, thì làm sao có thể đem lại sự thành tựu cho hữu tình, làm nghiêm tịnh cõi Phật, huống là có thể đạt được trí Nhất thiết trí? Nếu ta không giữ Tịnh giới ba-la-mật-đa sẽ sinh vào các nẻo ác, hãy còn không thể được làm người hạ tiện, thì làm sao có thể đem lại sự thành tựu cho hữu tình, làm nghiêm tịnh cõi Phật, huống là có thể đạt được trí Nhất thiết trí? Nếu ta không tu An nhẫn ba-la-mật-đa thì các căn sẽ bị thiếu mất và thân hình xấu xí, không đầy đủ sắc thân trọn vẹn của Bồ-tát. Nếu được sắc thân viên mãn của Bồ-tát và tu hạnh Bồ-tát thì các hữu tình được thấy rất vui mừng, tin thọ lời nói, tất đạt được quả vị Giác ngộ cao tột. Nếu không được sắc thân viên mãn này thì làm sao có thể đem lại sự thành tựu cho hữu tình, làm nghiêm tịnh cõi Phật, huống là có thể đạt được trí Nhất thiết trí? Nếu ta lười biếng, không khởi Tinh tấn ba-la-mật-đa, hãy còn không có thể đạt đạo thù thắng của Bồ-tát thì làm sao có thể đem lại sự thành tựu cho hữu tình, làm nghiêm tịnh cõi Phật, huống là có thể đạt được trí Nhất thiết trí? Nếu tâm ta tán loạn, không nhập Tĩnh lự ba-la-mậtđa, hãy còn không có thể phát sinh thiền định thù thắng của Bồ-tát, thì làm sao có thể đem lại sự thành tựu cho hữu tình, làm nghiêm tịnh cõi Phật, huống là có thể đạt được trí Nhất thiết trí? Nếu ta vô trí, không học Bát-nhã ba-la-mật-đa, hãy còn không thể có được phương tiện thiện xảo vượt bậc Nhị thừa, thì làm sao có thể đem lại sự thành tựu cho hữu tình, làm nghiêm tịnh cõi Phật, huống là có thể đạt được trí Nhất thiết trí?”

Kiều-thi-ca, các thiện nam, thiện nữ này thường suy nghĩ: “Ta không nên theo sức lôi cuốn của tham lam bỏn sẻn, nếu theo sức lôi cuốn đó thì Bố thí ba-la-mật-đa của ta không được viên mãn. Ta không nên theo sức lôi cuốn của phá giới, nếu theo sức lôi cuốn đó thì Tịnh giới ba-la-mật-đa của ta không được viên mãn. Ta không nên theo sức lôi cuốn của giận dữ, nếu theo sức lôi cuốn đó thì An nhẫn ba-la-mật-đa của ta không được viên mãn. Ta không nên theo sức lôi cuốn của lười biếng, nếu theo sức lôi cuốn đó thì Tinh tấn ba-la-mật-đa của ta không được viên mãn. Ta không nên theo sức lôi cuốn của loạn tâm, nếu theo sức lôi cuốn đó thì Tĩnh lự ba-la-mật-đa của ta không được viên mãn. Ta không nên theo sức lôi cuốn của ác tuệ, nếu theo sức lôi cuốn đó thì tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa không được viên mãn.

Nếu ta tu Bố thí, Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa không được viên mãn thì không bao giờ có thể đạt được trí Nhất thiết trí.

Kiều-thi-ca, các thiện nam, thiện nữ này không rời tâm của trí Nhất thiết trí, lấy vô sở đắc làm phương tiện, đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa này chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép, giải nói, truyền bá khắp nơi, thì chắc chắn đạt được pháp hiện tại như vậy và được công đức lợi ích thù thắng trong vị lai.

QUYỂN 428

Phẩm 29: Nhiếp thọ (2)

Bấy giờ, Thiên đế Thích bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, Bát-nhã ba-la-mật-đa này thật là hiếm có, đã điều phục tâm cao ngạo của các Đại Bồ-tát và có thể hồi hướng đến trí Nhất thiết trí.

Đức Phật bảo Thiên đế Thích:

–Kiều-thi-ca, thế nào gọi là Bát-nhã ba-la-mậtđa điều phục tâm cao ngạo của các Đại Bồ-tát và có thể hồi hướng đến trí Nhất thiết trí?

Thiên đế Thích thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn, các Đại Bồ-tát khi thực hành Bố thí ba-la-mật-đa nơi thế gian; nếu ở chỗ Phật mà thực hành Bố thí liền suy nghĩ: “Ta cúng dường cho Phật.” Nếu đối với Bồ-tát, Độc giác, Thanh văn, người cô độc, người già, người bệnh, người đi đường, kẻ hành khất mà thực hành Bố thí, liền suy nghĩ: “Ta bố thí từ Bồ-tát cho đến kẻ hành khất.” Vì Đại Bồ-tát này không có phương tiện thiện xảo nên tuy thực hành Bố thí mà vẫn sinh tâm cao ngạo thì không thể hồi hướng đến trí Nhất thiết trí được.

Bạch Đức Thế Tôn, các Đại Bồ-tát khi thực hành Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bátnhã ba-la-mật-đa liền suy nghĩ: “Ta có thể tu hành Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bát-nhã bala-mật-đa, lại nghĩ: “Ta có thể làm viên mãn Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bát-nhã ba-lamật-đa.” Đại Bồ-tát này vì không có phương tiện thiện xảo cho nên tuy thực hành Tịnh giới cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa mà vẫn sinh tâm cao ngạo thì không thể hồi hướng đến trí Nhất thiết trí được. Bạch Đức Thế Tôn, các Đại Bồ-tát khi tu hành bốn Niệm trụ nơi thế gian, liền suy nghĩ: “Ta có thể tu hành bốn Niệm trụ.” Lại nghĩ: “Ta có thể làm viên mãn bốn Niệm trụ.” Đại Bồ-tát này vì không có phương tiện thiện xảo nên tuy thực hành niệm trụ mà vẫn sinh tâm cao ngạo thì không thể hồi hướng đến trí Nhất thiết trí được.

Bạch Đức Thế Tôn, các Đại Bồ-tát khi tu hành bốn Chánh đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy chi Đẳng giác, tám chi Thánh đạo, hoặc suy nghĩ: “Ta có thể tu hành bốn Chánh đoạn cho đến tám chi Thánh đạo.” Hoặc lại nghĩ: “Ta có thể làm viên mãn bốn Chánh đoạn cho đến tám chi Thánh đạo.” Đại Bồ-tát này vì không có phương tiện thiện xảo nên tuy thực hành bốn Chánh đoạn cho đến tám chi Thánh đạo mà vẫn sinh tâm cao ngạo thì không thể hồi hướng đến trí Nhất thiết trí được.

Bạch Đức Thế Tôn, các Đại Bồ-tát khi tu hành pháp môn giải thoát Không, Vô tướng, Vô nguyện, hoặc suy nghĩ: “Ta có thể tu hành pháp môn giải thoát Không, Vô tướng, Vô nguyện”, hoặc lại nghĩ: “Ta có thể làm viên mãn pháp môn giải thoát Không, Vô tướng, Vô nguyện.” Đại Bồ-tát này vì không có phương tiện thiện xảo nên tuy thực hành pháp môn giải thoát Không, Vô tướng, Vô nguyện mà sinh tâm cao ngạo thì không thể hồi hướng đến trí Nhất thiết trí được.

Bạch Đức Thế Tôn, các Đại Bồ-tát khi tu hành tất cả pháp môn Tam-ma-địa, tất cả pháp môn Đàla-ni, nếu suy nghĩ: “Ta có thể tu hành tất cả pháp môn Tam-ma-địa, tất cả pháp môn Đà-la-ni”, hoặc nghĩ: “Ta có thể viên mãn tất cả pháp môn Tamma-địa, tất cả pháp môn Đà-la-ni.” Đại Bồ-tát này vì không có phương tiện thiện xảo nên tuy thực hành tất cả pháp môn Tam-ma-địa, tất cả pháp môn Đà-la-ni mà sinh tâm cao ngạo thì không thể hồi hướng đến trí Nhất thiết trí được.

Bạch Đức Thế Tôn, các Đại Bồ-tát khi tu hành mười lực của Phật, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại Từ, đại Bi, đại Hỷ, đại Xả, mười tám pháp Phật bất cộng, nếu suy nghĩ: “Ta có thể tu hành mười lực của Phật cho đến mười tám pháp Phật bất cộng”, hoặc nghĩ: “Ta có thể viên mãn mười lực của Phật cho đến mười tám pháp Phật bất cộng.” Đại Bồ-tát này vì không có phương tiện thiện xảo nên tuy thực hành mười lực của Phật cho đến mười tám pháp Phật bất cộng mà sinh tâm cao ngạo thì không thể hồi hướng đến trí Nhất thiết trí được.

Bạch Thế Tôn, các Đại Bồ-tát khi tu hành trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng, nếu suy nghĩ: “Ta có thể tu hành trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng”, hoặc nghĩ: “Ta có thể làm viên mãn trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng.” Đại Bồ-tát này vì không có phương tiện thiện xảo nên tuy thực hành trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng mà sinh tâm cao ngạo thì không thể hồi hướng đến trí Nhất thiết trí được.

Bạch Đức Thế Tôn, các Đại Bồ-tát khi đem lại sự thành tựu cho hữu tình, làm nghiêm tịnh cõi Phật, nếu suy nghĩ: “Ta có thể đem lại sự thành tựu cho hữu tình, làm nghiêm tịnh cõi Phật, ngoài ra không ai có thể làm được việc này.” Đại Bồ-tát này vì không có phương tiện thiện xảo nên tuy đem lại sự thành tựu cho hữu tình, làm nghiêm tịnh cõi Phật mà sinh tâm cao ngạo thì không thể hồi hướng đến trí Nhất thiết trí được.

Bạch Đức Thế Tôn, các Đại Bồ-tát như thế dựa vào tâm thế gian để tu các pháp lành, vì không có phương tiện thiện xảo nên bị chấp ngã và ngã sở làm rối loạn tâm. Tuy tu Bát-nhã ba-la-mật-đa nhưng chưa đạt, do đó không thể như thật điều phục tâm cao ngạo, cũng không thể như thật hồi hướng đến trí Nhất thiết trí được.

Bạch Đức Thế Tôn, nếu Đại Bồ-tát khi thực hành Bố thí ba-la-mật-đa xuất thế, vì khéo tu Bátnhã ba-la-mật-đa nên không chấp nơi người bố thí, người nhận và vật bố thí. Đại Bồ-tát này nương tựa Bát-nhã ba-la-mật-đa để thực hành bố thí nên có thể như thật điều phục tâm cao ngạo và có thể hồi hướng đến trí Nhất thiết trí.

Bạch Đức Thế Tôn, nếu Đại Bồ-tát khi thực hành Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bátnhã ba-la-mật-đa xuất thế, vì khéo tu Bát-nhã bala-mật-đa nên không chấp nơi tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự, Bát-nhã và tất cả pháp. Đại Bồ-tát này nương tựa Bát-nhã ba-la-mật-đa để thực hành Tịnh giới cho đến Bát-nhã nên có thể như thật điều phục tâm cao ngạo và có thể hồi hướng đến trí Nhất thiết trí.

Bạch Đức Thế Tôn, nếu Đại Bồ-tát khi tu hành bốn Niệm trụ xuất thế, nói rộng cho đến trí Nhất thiết tướng, vì khéo tu Bát-nhã ba-la-mật-đa nên không chấp nơi bốn Niệm trụ, nói rộng cho đến không chấp trí Nhất thiết tướng và tất cả pháp. Đại Bồ-tát này nương tựa Bát-nhã ba-la-mật-đa để thực hành bốn Niệm trụ, nói rộng cho đến trí Nhất thiết tướng nên có thể như thật điều phục tâm cao ngạo và có thể hồi hướng đến trí Nhất thiết trí.

Bạch Đức Thế Tôn, nếu Đại Bồ-tát khi đem lại sự thành tựu cho hữu tình, làm nghiêm tịnh cõi Phật, khéo tu Bát-nhã ba-la-mật-đa nên không chấp đem lại sự thành tựu cho hữu tình, làm nghiêm tịnh cõi Phật và tất cả pháp. Đại Bồ-tát này nương tựa Bát-nhã ba-la-mật-đa mà đem lại sự thành tựu cho hữu tình, làm nghiêm tịnh cõi Phật, nên có thể như thật điều phục tâm cao ngạo và có thể hồi hướng đến trí Nhất thiết trí.

Bạch Đức Thế Tôn, do nhân duyên này mà con nói như vầy: “Bát-nhã ba-la-mật-đa này thật là hy hữu, điều phục chúng Đại Bồ-tát không còn tâm cao ngạo và có thể hồi hướng đến trí Nhất thiết trí.”


Trước

[Đầu trang][Mục lục Kinh Đại Bát Nhã]

Tiếp theo


[Mục lục bộ Bát-nhã][220][221][222][223][224][225][226][227][228][229][230][231][232][233][234][235][236][237][238][239][240][241][242][243][244][245][246][247][248][249][250][251][252][253][254][255][256][257][258][259][260][261]


[Mục lục tổng quát]