SỐ 220
KINH ĐẠI BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA
HỘI THỨ II
Phẩm 65: Thật ngữ
(QUYỂN 457 - 458)
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.
Bấy giờ, Thiên đế Thích bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, tôi nói như vậy, khen như vậy, thọ ký như vậy, là thuận với thật ngữ, pháp ngữ của Thế Tôn, đối với pháp, tùy thuận theo pháp có phải là thọ ký chân chánh không?
Lúc ấy, Phật bảo:
–Kiều-thi-ca, ông nói như vậy, khen như vậy, thọ ký như vậy, thật là thuận với thật ngữ, pháp ngữ của Thế Tôn, đối với pháp, tùy thuận theo pháp là thật sự thọ ký chân chánh.
Lúc ấy, Thiên đế Thích lại bạch Phật:
–Thật hiếm có thưa Thế Tôn, Đại đức Thiện Hiện có nói điều gì cũng dựa vào pháp Không, Vô tướng, Vô nguyện, dựa vào bốn Niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo, cũng dựa vào bốn Tĩnh lự, bốn Vô lượng, bốn Định vô sắc, dựa vào tám Giải thoát cho đến mười Biến xứ; cũng dựa vào Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo; dựa vào Bố thí ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa; cũng dựa vào pháp không bên trong cho đến pháp không không tánh tự tánh; chân như cho đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn; cũng dựa vào địa vị Đại Bồ-tát; dựa vào tất cả pháp môn Đà-la-ni, tất cả pháp môn Tam-ma-địa; cũng dựa vào năm loại mắt, sáu phép thần thông; dựa vào mười lực của Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng; cũng dựa vào pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả; dựa vào trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng; cũng dựa vào tất cả các hạnh của Đại Bồ-tát; dựa vào quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật.
Bấy giờ, Phật bảo Thiên đế Thích:
–Kiều-thi-ca, Cụ thọ Thiện Hiện trụ ở pháp không, quán Bố thí ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa còn chẳng thể nắm bắt được huống gì người thực hành Bố thí ba-la-mật-đa cho đến Bátnhã ba-la-mật-đa làm sao có thể nắm bắt; quán bốn Niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo còn chẳng thể nắm bắt được huống gì người tu tập bốn Niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo làm sao có thể nắm bắt; quán bốn Tĩnh lự, bốn Vô lượng, bốn Định vô sắc còn chẳng thể nắm bắt được huống gì người tu bốn Tĩnh lự, bốn Vô lượng, bốn Định vô sắc làm sao có thể nắm bắt; quán tám Giải thoát cho đến mười Biến xứ còn chẳng thể nắm bắt được huống gì người tu tám Giải thoát cho đến mười Biến xứ làm sao có thể nắm bắt; quán Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo còn chẳng thể nắm bắt được huống gì người trụ nơi Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo làm sao có thể nắm bắt; quán pháp không bên trong cho đến pháp không không tánh tự tánh còn chẳng thể nắm bắt được huống gì người trụ ở pháp không bên trong cho đến pháp không không tánh tự tánh làm sao có thể nắm bắt; quán chân như cho đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn còn chẳng thể nắm bắt được huống gì người trụ ở chân như cho đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn làm sao có thể nắm bắt; quán pháp môn giải thoát Không, Vô tướng, Vô nguyện còn chẳng thể nắm bắt được huống gì người tu pháp môn giải thoát Không, Vô tướng, Vô nguyện làm sao có thể nắm bắt; quán bậc Cực hỷ cho đến bậc Pháp vân còn chẳng thể nắm bắt được huống gì người tu bậc Cực hỷ cho đến bậc Pháp vân làm sao có thể nắm bắt; quán tất cả pháp môn Đà-la-ni, tất cả pháp môn Tam-ma-địa còn chẳng thể nắm bắt được huống gì người tu tất cả pháp môn Đà-lani, tất cả pháp môn Tam-ma-địa làm sao có thể nắm bắt; quán năm loại mắt, sáu phép thần thông còn chẳng thể nắm bắt được, huống là người làm phát sinh năm loại mắt, sáu phép thần thông làm sao có thể nắm bắt; quán mười lực của Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng còn chẳng thể nắm bắt được huống gì người làm phát sinh mười lực của Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng làm sao có thể nắm bắt; quán pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả còn chẳng thể nắm bắt được huống gì người phát sinh pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả làm sao có thể nắm bắt; quán trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng còn chẳng thể nắm bắt được huống gì người phát sinh trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng làm sao có thể nắm bắt; quán tất cả các hạnh của Đại Bồ-tát còn chẳng thể nắm bắt được huống gì người có thể thực hành các hạnh của Đại Bồ-tát làm sao có thể nắm bắt; quán quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật còn chẳng thể nắm bắt được huống gì người có thể chứng quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật làm sao có thể nắm bắt; quán trí Nhất thiết trí còn chẳng thể nắm bắt được huống gì người có thể đạt được trí Nhất thiết trí làm sao có thể nắm bắt; quán bánh xe chánh pháp còn chẳng thể nắm bắt được huống gì người có thể vận chuyển bánh xe chánh pháp làm sao có thể nắm bắt; quán ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp còn chẳng thể nắm bắt được huống gì người dùng tướng hảo này để trang nghiêm thân làm sao có thể nắm bắt; quán pháp không sinh, không diệt còn chẳng thể nắm bắt được huống gì người có thể chứng pháp không sinh, không diệt làm sao có thể nắm bắt. Vì sao vậy?
Kiều-thi-ca, đối với tất cả các pháp, Cụ thọ Thiện Hiện trú ở chỗ xa lìa trú, trú ở chỗ vắng lặng trú, trú ở chỗ không sở hữu trú, trú ở chỗ vô sở đắc trú, trú ở chỗ chân không trú, trú ở chỗ vô tướng trú, trú ở chỗ vô nguyện trú. Kiều-thi-ca, đối với tất cả các pháp, Cụ thọ Thiện Hiện trụ ở những nơi rất thù thắng như vậy. Kiều-thi-ca, việc trụ ở nơi rất thù thắng của Thiện Hiện so với chỗ trụ của Đại Bồ-tát đã thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thì không bằng một phần trăm, không bằng một phần ngàn cho đến không bằng một phần rất nhỏ. Vì sao vậy?
Kiều-thi-ca, trừ chỗ trụ của Như Lai, chỗ trụ vào việc thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa của Đại Bồ-tát là hơn hết, là thù thắng, là tôn quý, là cao cả, là diệu, là vi diệu, là ở trên, là vô thượng, là không gì sánh bằng. Vì sao vậy?
Kiều-thi-ca, Đại Bồ-tát nào muốn đứng trên tất cả hữu tình thì nên đứng ở chỗ thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Vì sao vậy?
Kiều-thi-ca, các vị Đại Bồ-tát trú ở chỗ này hơn hẳn địa vị Thanh văn, Độc giác, chứng nhập Chánh tánh ly sinh của Bồ-tát, có thể mau viên mãn tất cả Phật pháp, vĩnh viễn đoạn trừ sự nối tiếp của tập khí phiền não, có thể mau chứng đắc trí Nhất thiết trí, được gọi là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thường làm lợi lạc tất cả hữu tình.
Bấy giờ trong chúng có vô lượng, vô số trời Ba mươi ba nghe lời Phật dạy sinh vui mừng cực độ. Mỗi vị cầm hoa thơm vi diệu ở cõi trời, rải dâng lên Như Lai và các Bí-sô.
Lúc ấy, sáu trăm Bí-sô ở trong chúng từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ sát chân Phật, che kín vai trái, quỳ gối phải sát đất, khom người cung kính, chắp tay hướng Phật chiêm ngưỡng dung nhan của Đức Thế Tôn không chớp mắt. Nhờ thần lực của Phật, trong lòng bàn tay của mỗi vị tự nhiên tràn đầy hoa thơm vi diệu. Các vị Bí-sô vui mừng tột độ vì gặp việc chưa từng có. Họ đều đem hoa này rải lên dâng Phật và các Bồ-tát.
Sau khi rải hoa, họ đều phát nguyện rằng: “Chúng con xin nhờ căn lành thù thắng này để được thường an trú vào việc thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa là chỗ mà Thanh văn, Độc giác, không thể trú được và mau đạt được quả vị Giác ngộ cao tột vượt hẳn địa vị Thanh văn, Độc giác.”
Bấy giờ, biết ý tăng thượng muốn đạt đến đại Bồ-đề quyết không thoái lui của các Bí-sô, Đức Thế Tôn liền mỉm cười. Như thường pháp của chư Phật, từ miệng Ngài phóng ra đủ loại ánh sáng xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, tím, bích, lục, vàng, bạc, pha lê, chiếu khắp thế giới ba lần ngàn. Ánh sáng đó thu dần và nhiễu quanh thân Phật ba vòng rồi chui vào trên đảnh.
Sau khi thấy điềm lành này, Khánh Hỷ vui mừng tột độ rời khỏi chỗ ngồi đảnh lễ Phật và chắp tay thưa:
–Bạch Đức Thế Tôn, vì nhân duyên gì mà Ngài mỉm cười; chư Phật mỉm cười chẳng phải là không có lý do, cúi xin Như Lai thương xót nói cho con biết.
Phật bảo Khánh Hỷ:
–Trong kiếp Tinh dụ ở đời vị lai, các Bí-sô này sẽ được làm Phật có cùng hiệu là Tán Hoa Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, minh Hạnh Viên Mãn,
Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn Bạc-già-phạm. Họ có chỗ tuổi thọ, chỗ ở, quốc độ và các đệ tử Bí-sô tất cả đều giống nhau. Các vị Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác này từ lúc mới sinh đi xuất gia cho đến sau khi thành Phật dù ở chỗ nào, dù ngày hay đêm cũng thường có mưa hoa thơm vi diệu năm màu. Vì lý do này Ta mỉm cười. Vì vậy, này Khánh Hỷ, Đại Bồ-tát nào muốn trú ở nơi tối thắng thì phải thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, Đại Bồ-tát nào muốn đứng ở chỗ của Như Lai thì phải thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Khánh Hỷ nên biết, thiện nam, thiện nữ nào siêng năng tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thì thiện nam, thiện nữ ấy vào đời trước, hoặc từ trong loài người qua đời mà sinh trở lại nơi đây, hoặc từ cõi trời, Đổ-sử-đa qua đời, sinh vào loài người. Vào đời trước, hoặc ở trong loài người, hoặc ở trên trời, do đã từng nghe giảng rộng Bát-nhã ba-la-mật-đa nên vào đời này người ấy có thể siêng tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa. Khánh Hỷ nên biết, Như Lai thấy thiện nam, thiện nữ nào có thể siêng năng tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không đoái hoài thân mạng, tài sản thì đúng là Đại Bồ-tát.
Khánh Hỷ nên biết, thiện nam, thiện nữ nào ưa thích lắng nghe lời dạy Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như vậy, nghe xong thọ trì, đọc tụng thông suốt, siêng năng tu học, tu duy đúng lý, giải bày khai thị, dạy bảo, truyền trao cho các thiện nam, thiện nữ thuộc Bồ-tát thừa thì nên biết người ấy đã từng gần gũi chư Phật trong quá khứ, được nghe nói về Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa như vậy, nghe xong thọ trì, đọc tụng thông suốt, siêng năng tu học, tư duy đúng lý và cũng đã từng giải bày, khai thị, dạy bảo, truyền trao cho người khác.
Khánh Hỷ nên biết, thiện nam, thiện nữ này đã từng trồng các căn lành ở vô số cõi Phật trong quá khứ cho nên đời này có thể làm được việc này. Thiện nam, thiện nữ này nên nghĩ rằng: “Trước đây ta không theo Thanh văn, Độc giác nghe nói Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa này mà chắc chắn là đã theo Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác để nghe dạy Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như vậy; trước đây ta không trồng căn lành đối với Thanh văn, Độc giác mà chắc chắn lành là trồng các căn lành đối với Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác. Nhờ nhân duyên đó, ngày nay ta được nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, ưa thích, thọ trì, đọc tụng thông suốt, siêng năng tu học, suy nghĩ đúng lý, giảng rộng cho mọi người không có mệt mỏi nhàm chán.”
Khánh Hỷ nên biết, thiện nam, thiện nữ nào ưa thích lắng nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, nghe xong thọ trì, đọc tụng thông suốt, siêng năng tu học, tư duy đúng lý, hoặc nghĩa, hoặc văn, hoặc pháp, hoặc ý, hoặc giới luật họ đều có thể thông đạt thì thiện nam, thiện nữ này hiện đang thấy tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác.
Khánh Hỷ nên biết, thiện nam, thiện nữ nào nghe dạy nghĩa lý sâu xa của Bát-nhã ba-la-mật-đa liền sinh lòng tin hiểu trong sạch, không hủy báng, không bị ngăn trở, phá hoại, thì các thiện nam, thiện nữ này đã từng cúng dường vô lượng chư Phật, phát nguyện rộng lớn, trồng các căn lành ở chỗ Đức Phật và cũng được vô lượng thiện tri thức chân chánh hộ trì.
Khánh Hỷ nên biết, thiện nam, thiện nữ nào có thể trồng các căn lành vào ruộng phước thù thắng của Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, tuy chắc chắn sẽ đạt được hoặc quả Thanh văn, hoặc quả Độc giác, hoặc quả Như Lai nhưng muốn chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột thì cần phải thông suốt nghĩa lý Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, tu hành Bố thí ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa; an trú vào pháp không bên trong cho đến pháp không không tánh tự tánh; an trú vào chân như cho đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn; an trú vào Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo; tu hành bốn Niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo; tu hành bốn Tĩnh lự, bốn Vô lượng, bốn Định vô sắc; tu hành tám Giải thoát cho đến mười Biến xứ; tu hành pháp môn giải thoát Không, Vô tướng, Vô nguyện; tu hành bậc Cực hỷ cho đến bậc Pháp vân; tu hành tất cả pháp môn Đàla-ni, tất cả pháp môn Tam-ma-địa; tu hành năm loại mắt, sáu phép thần thông; tu hành mười lực của Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng; tu hành pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả; tu hành trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng làm cho được viên mãn.
Khánh Hỷ nên biết, Đại Bồ-tát nào khéo thông suốt nghĩa lý Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, tu hành Bố thí, Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bátnhã ba-la-mật-đa làm cho được viên mãn như vậy cho đến tu hành trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng, làm cho được viên mãn thì sẽ không có việc Đại Bồ-tát này trụ ở địa vị Thanh văn hoặc Độc giác mà không chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột. Vì vậy Đại Bồ-tát nào muốn chứng quả vị Giác ngộ cao tột thì phải khéo thông đạt nghĩa lý sâu xa của Bát-nhã ba-la-mật-đa tu hành Bố thí, Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa làm cho được viên mãn như vậy cho đến tu hành trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng làm cho được viên mãn.
Vì thế, này Khánh Hỷ, Ta đem Bát-nhã ba-la-mật-đa giao phó cho ông, ông nên thọ trì đọc tụng thông suốt chính xác, đừng để quên mất.
Khánh Hỷ nên biết, trừ kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, nếu thọ trì các kinh khác mà ta đã dạy, giả sử có quên mất thì tội ấy còn nhẹ nhưng đối với kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa này, nếu không thọ trì trọn vẹn cho đến quên mất một câu thì tội ấy rất nặng.
Khánh Hỷ nên biết, đối với kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, người nào có thể thọ trì cho đến một câu không để quên mất thì được vô lượng phước. Còn nếu đối với kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, người nào không thọ trì trọn vẹn cho đến quên mất một câu thì mắc tội rất nặng ngang với phước nói trên. Vì thế, này Khánh Hỷ, Ta đem kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa ân cần giao phó cho ông. Ông phải thọ trì, đọc tụng cho thông suốt và chính xác, tư duy đúng lý và giảng rộng cho người khác nghe, phân biệt, khai thị giúp cho người nghe hoàn toàn hiểu rõ ý nghĩa của nó và người đó lại có thể diễn giải đúng lý cho người khác nghe.
Khánh Hỷ nên biết, đối với kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, thiện nam, thiện nữ nào thọ trì, đọc tụng hoàn toàn thông suốt, tư duy như lý, giảng rộng cho người khác nghe thì chính là thọ trì nắm giữ quả vị Giác ngộ cao tột mà tất cả các vị Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác trong quá khứ, hiện tại, vị lai đã chứng đắc.
Khánh Hỷ nên biết, thiện nam, thiện nữ nào phát sinh tâm thanh tịnh, hiện đến chỗ Ta muốn dùng đủ loại vòng hoa vi diệu, hương xoa, hương bột, y phục, anh lạc, tràng phan báu, dù lọng, âm nhạc, đèn sáng, cúng dường, cung kính, tôn trọng, khen ngợi không nhàm chán, mệt mỏi thì đối với kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa người ấy phải hết lòng lắng nghe thọ trì, đọc tụng, hoàn toàn thông suốt, tư duy đúng lý, giảng rộng cho người khác, hoặc lại biên chép, trang điểm bằng châu báu, dùng đủ loại vòng hoa vi diệu, hương xoa, hương bột, y phục, anh lạc, tràng phan báu, dù lọng, âm nhạc, đèn sáng, cúng dường, cung kính, tôn trọng, khen ngợi không được biếng nhác.
Khánh Hỷ nên biết, thiện nam, thiện nữ nào cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa chính là cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen Ta, cũng là cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác hiện đang thuyết pháp ở mười phương thế giới và cũng là cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen chư Phật ở quá khứ, vị lai.
Khánh Hỷ nên biết, thiện nam, thiện nữ nào nghe nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như vậy, phát sinh lòng tin trong sạch, cung kính ưa thích thì chính là đem lòng tin trong sạch cung kính, ưa thích quả vị Giác ngộ cao tột mà tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác trong quá khứ, vị lai, hiện tại đã chứng đắc.
Khánh Hỷ, nếu người cung kính ưa thích Ta, không xả bỏ Ta thì phải mạnh mẽ gấp bội trong việc cung kính, ưa thích không xả bỏ Bát-nhã ba-la-mật-đa cho đến một câu cũng đừng để quên mất. Khánh Hỷ, Ta nói lý do giao phó Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, tuy có vô lượng lý do nhưng Ta chỉ nói tóm gọn. Như Ta là Đại Sư của các ông, nên biết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cũng là Đại sư của các ông. Trời, người, các ông kính trọng Ta thì cũng phải kính trọng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Vì vậy, này Khánh Hỷ, Ta dùng vô số phương tiện thiện xảo giao phó kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cho ông, ông phải thọ trì đừng để quên mất. Nay ở trước Trời, Người, A-tố-lạc và vô số đại chúng Ta đem Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này giao phó cho ông.
Khánh Hỷ, nay Ta nói thật với ông, các hữu tình có lòng tin trong sạch muốn không xả bỏ Phật, không xả Pháp, không xả bỏ Tăng lại muốn không xả bỏ quả vị Giác ngộ cao tột mà chư Phật đời quá khứ, vị lai, hiện tại đã chứng đắc thì cần phải không xả bỏ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Đó chính là pháp chư Phật chúng tôi dạy dỗ truyền trao cho các đệ tử.
Khánh Hỷ nên biết, thiện nam, thiện nữ ưa thích lắng nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, thọ trì, đọc tụng, hoàn toàn thông suốt, tư duy đúng lý, đem vô lượng pháp môn giảng rộng cho người khác, phân biệt, khai thị, vạch bày, an lập giúp họ hiểu rõ và siêng năng tu học thì thiện nam, thiện nữ này mau chứng quả vị Giác ngộ cao tột và gần được viên mãn trí Nhất thiết trí. Vì sao vậy? Khánh Hỷ, quả vị Giác ngộ cao tột mà tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đã chứng đắc đều dựa vào Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa này mà được sinh ra.
Khánh Hỷ nên biết, chư Phật đời quá khứ, vị lai, hiện tại đều dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này để sinh ra quả vị Giác ngộ cao tột. Vì thế, này Khánh Hỷ, Đại Bồ-tát nào muốn chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột thì cần phải siêng năng tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này. Vì sao vậy?
Khánh Hỷ, Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa là mẹ của các Đại Bồ-tát vì nó sinh ra các vị Đại Bồ-tát.
Khánh Hỷ nên biết, Đại Bồ-tát nào siêng năng tu học Bố thí, Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa thì mau chứng quả vị Giác ngộ cao tột. Vì thế, này Khánh Hỷ, Ta đem sáu pháp Ba-la-mật-đa giao phó cho ông, ông phải thọ trì cho đúng để quên mất. Vì sao vậy? Vì sáu pháp Ba-la-mật-đa này là kho pháp vô tận của các vị Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, tất cả Phật pháp đều sinh ra từ nơi đó.
Khánh Hỷ nên biết, pháp yếu mà chư Phật đời hiện tại, quá khứ, vị lai đã nói đều được lưu xuất từ kho pháp vô tận là sáu pháp Ba-la-mật-đa.
Khánh Hỷ nên biết, chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai đều nương vào kho pháp vô tận là sáu pháp Ba-la-mật-đa để chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột. Khánh Hỷ nên biết, chư Phật và chúng Thanh văn đời hiện tại, quá khứ, vị lai đều dựa vào kho pháp vô tận là sáu pháp Ba-la-mật-đa siêng năng tu học để nhập Niết-bàn vào cõi Vô dư y Niết-bàn.
Lại nữa Khánh Hỷ, giả sử các ông nói pháp Thanh văn cho các chúng sinh thuộc Thanh văn thừa và nhờ pháp này tất cả hữu tình ở thế giới ba lần ngàn đều chứng quả A-la-hán thì vẫn chưa phải vì Ta mà làm những việc đệ tử Phật cần làm. Nếu các ông có thể giảng nói một câu pháp tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa cho các chúng sinh thuộc Bồ-tát thừa nghe, thì mới chính là vì Ta mà làm công việc người đệ tử Phật cần làm và Ta rất tùy hỷ đối với việc này hơn là việc các ông giáo hóa tất cả hữu tình trong thế giới ba lần ngàn để cho họ đều đắc quả A-la-hán.
Lại nữa Khánh Hỷ, giả sử tất cả hữu tình ở thế giới ba lần ngàn nhờ người khác chỉ dạy nên đồng thời đều được thân người và đều chứng đắc quả Ala-hán. Theo ý ông thì tất cả phước có được nhờ bố thí, nhờ trì giới và nhờ tu tập của tất cả các vị Ala-hán đó có nhiều không?
Khánh Hỷ thưa:
–Bạch Thế Tôn, rất nhiều! Phước nghiệp ấy là vô lượng, vô số.
Phật bảo Khánh Hỷ:
–Nếu có đệ tử Thanh văn nào có thể vì Đại Bồtát giảng nói pháp tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa trải qua một ngày một đêm thì thu được lượng phước đức nhiều hơn phước kia rất nhiều.
Khánh Hỷ nên biết, không cần đến một ngày một đêm chỉ cần một ngày, lại không cần đến một ngày, chỉ cần nửa ngày, lại không cần đến nửa ngày, chỉ cần một giờ, lại không cần đến một giờ, chỉ cần một bữa ăn, lại không cần đến một bữa ăn, chỉ cần trong chốc lát, lại không cần đến trong chốc lát, chỉ cần trong khoảnh khắc, lại không cần đến trong khoảng khắc, chỉ cần trong nháy mắt Thanh văn nào có thể giảng nói pháp tương ưng với Bátnhã ba-la-mật-đa cho các Đại Bồ-tát nghe, thì tu được một lượng phước đức lớn hơn phước đức trước rất nhiều. Vì sao vậy? Vì phước đức mà Thanh văn này thu được hơn hẳn công đức của tất cả Thanh văn, Độc giác.
Lại nữa Khánh Hỷ, nếu Đại Bồ-tát giảng nói pháp Thanh văn cho các chúng sinh thuộc Thanh văn thừa, giả sử nhờ pháp này, tất cả hữu tình trong thế giới ba lần ngàn đều chứng đắc quả A-la-hán đều đầy đủ các loại công đức thù thắng, thì theo ý ông nhờ nhân duyên này Đại Bồ-tát đó thu được nhiều phước đức không?
Khánh Hỷ thưa:
–Bạch Thế Tôn, rất nhiều! Phước đức mà Đại Bồ-tát này thu được là vô lượng, vô biên.
Phật bảo Khánh Hỷ:
–Đại Bồ-tát nào giảng nói pháp tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cho các thiện nam, thiện nữ thuộc Thanh văn thừa, Độc giác thừa, hoặc Vô thượng thừa suốt một ngày đêm thì thu được phước đức hơn phước nói ở trước rất nhiều.
Khánh Hỷ nên biết, không cần đến một ngày đêm, chỉ cần một ngày, không cần đến một ngày, chỉ cần nửa ngày, lại không cần đến nửa ngày, chỉ cần một giờ, lại không cần đến một giờ, chỉ cần trong khoảng một bữa ăn, lại không cần đến khoảng thời gian một bữa ăn, chỉ cần trong chốc lát, lại không cần đến trong chốc lát, chỉ cần trong khoảnh khắc, lại không cần đến trong khoảng khắc, chỉ cần trong nháy mắt, Đại Bồ-tát có thể giảng nói pháp tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cho các thiện nam, thiện nữ thuộc ba thừa thì thu được phước đức hơn phước đức trước vô số lần. Vì sao vậy? Vì pháp thí tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa hơn hẳn tất cả pháp thí tương ưng với Thanh văn, Độc giác và các công đức của Nhị thừa. Vì sao vậy? Vì Đại Bồ-tát này tự cầu quả vị Giác ngộ cao tột cũng đem pháp tương ưng với Đại thừa để khai thị dạy dỗ và khích lệ giúp các hữu tình không còn thoái lui đối với quả vị Giác ngộ cao tột. Khánh Hỷ nên biết, Đại Bồ-tát này tự tu Bố thí ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa, cũng dạy người khác tu Bố thí ba-la-mật-đa cho đến Bátnhã ba-la-mật-đa; tự tu bốn Niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo, cũng dạy người khác tu bốn Niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo; tự an trú vào pháp không bên trong cho đến pháp không không tánh tự tánh, cũng dạy người khác an trú vào pháp không bên trong cho đến pháp không không tánh tự tánh; tự an trú vào chân như cho đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn, cũng dạy người khác an trú vào chân như cho đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn; tự an trú vào Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo, cũng dạy người khác an trú vào Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo; tự tu bốn Tĩnh lự, bốn Vô lượng, bốn Định vô sắc, cũng dạy người khác tu bốn Tĩnh lự, bốn Vô lượng, bốn Định vô sắc; tự tu tám Giải thoát cho đến mười Biến xứ, cũng dạy người khác tu tám Giải thoát cho đến mười Biến xứ; tự tu pháp môn giải thoát Không, Vô tướng, Vô nguyện, cũng dạy người khác tu pháp môn giải thoát Không, Vô tướng, Vô nguyện; tự tu Bồ-đề địa, cũng dạy người khác tu Bồ-đề địa; tự tu tất cả pháp môn Đà-la-ni, tất cả pháp môn Tam-ma-địa, cũng dạy người khác tu tất cả pháp môn Đà-la-ni, tất cả pháp môn Tam-mađịa; tự tu năm loại mắt, sáu phép thần thông, cũng dạy người khác tu năm loại mắt, sáu phép thần thông; tự tu mười lực của Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng, cũng dạy người khác tu mười lực của Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng; tự tu ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, cũng dạy người khác tu ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của bậc Đại sĩ; tự tu pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả, cũng dạy người khác tu pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả; tự tu trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng, cũng dạy người khác tu trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng; tự tu tất cả các hạnh của Đại Bồ-tát, cũng dạy người khác tu tất cả các hạnh của Đại Bồ-tát; tự tu quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật, cũng dạy người khác tu quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật; tự tu trí Nhất thiết trí, cũng dạy người khác tu trí Nhất thiết trí, vì vậy căn lành tăng trưởng và không thể có việc người ấy bị thoái chuyển đối với quả vị Giác ngộ cao tột.
Bấy giờ với bốn chúng vây quanh, Như Lai khen ngợi Bát-nhã ba-la-mật-đa và giao phó cho Khánh Hỷ. Sau khi đã giao phó và ra lệnh cho Khánh Hỷ thọ trì, Ngài lại hiện năng lực thần thông ở trước tất cả Trời, Rồng, Dược-xoa, nói rộng cho đến đại chúng Nhân phi nhân làm cho họ đều thấy Như Lai Bất Động với các Thanh văn, Bồ-tát vây quanh cả trước lẫn sau đang giảng nói diệu pháp để dạy đại chúng và thấy tướng trang nghiêm của cõi ấy. Chúng Thanh văn Tăng ở cõi ấy đều là Ala-hán đã hết lậu hoặc, không còn phiền não, thật sự tự tại, tâm hoàn toàn giải thoát, giống như ngựa hay đã được điều phục, hoặc như rồng lớn đã làm việc cần làm, đã hoàn tất việc cần hoàn tất, bỏ các gánh nặng đạt được tự lợi, dứt sạch các kết sử, biết đúng và giải thoát, hết lòng tự chủ rốt ráo bậc nhất. Chúng Bồ-tát Tăng ở cõi ấy đều được mọi người ngưỡng vọng và biết đến, đạt được Đà-la-ni và có công đức trí tuệ biện tài vô ngại, giống như biển lớn. Sau đó Thế Tôn thu thần lực lại làm cho Trời, Rồng, Dược-xoa, nói rộng cho đến Nhân phi nhân ở chúng hội này không còn thấy Như Lai Bất Động, Thanh văn, Bồ-tát và đại chúng khác cùng với tướng trang nghiêm của cõi Phật ấy. Chúng hội và cõi nước trang nghiêm của Đức Phật ấy đều chẳng phải là đối tượng của nhãn căn ở cõi này. Vì sao vậy? Vì Phật thu thần lực nên không còn duyên để thấy diệu cảnh ấy nữa.
Khi ấy, Phật bảo Cụ thọ Khánh Hỷ:
–Ông có còn thấy cõi nước và chúng hội của Bất Động Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác không? Khánh Hỷ đáp:
–Con không còn thấy, bởi vì việc ấy chẳng phải là đối tượng của con mắt này.
Phật bảo Khánh Hỷ:
–Giống như cõi nước và chúng hội của Như Lai kia chẳng phải là cảnh giới mà con mắt ở cõi này có thể thấy được, nên biết rằng các pháp cũng lại như vậy, chúng chẳng phải là cảnh giới mà nhãn căn có thể thấy được. Pháp chẳng thể thực hành pháp; pháp chẳng thấy pháp; pháp chẳng biết pháp; pháp không thể chứng đắc pháp.
Khánh Hỷ nên biết, tánh của tất cả các pháp đều không thể thực hành, không thể thấy, không thể biết, không thể chứng, không lay động, không tạo tác. Vì sao vậy? Bởi vì tất cả các pháp đều như hư không, không có tác dụng, người nhận và vật được nhận đều có tánh xa lìa. Do tất cả các pháp đều không thể nghĩ bàn, người nghĩ bàn và vật được nghĩ bàn đều có tánh xa lìa, vì tất cả các pháp đều như huyễn là do các duyên hòa hợp giả có, vì tất cả các pháp không có người tạo ra và thọ nhận, vọng hiện ra dường như là có mà không chắc thật.
Khánh Hỷ nên biết, Đại Bồ-tát nào có thể thực hành như vậy, có thể thấy như vậy, có thể biết như vậy, có thể chứng như vậy là thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa và cũng không chấp trước tướng các pháp này.
Khánh Hỷ nên biết, Đại Bồ-tát nào có học như vậy là học Bát-nhã ba-la-mật-đa. Khánh Hỷ nên biết, Đại Bồ-tát nào muốn chứng đắc tất cả Bát-nhã ba-la-mật-đa, muốn mau được viên mãn thì phải học Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì sao vậy? Trong các môn học, môn học này là hơn hết, là thù thắng, là tôn quý, là cao cả, là diệu, là vi diệu, là ở trên, là không gì trên, là không gì bằng, là không gì sánh bằng, làm lợi ích an lạc cho tất cả hữu tình, làm nơi trông cậy cho tất cả hữu tình không nơi trông cậy, là nơi quay về nương tựa cho tất cả hữu tình không nơi nương tựa, là nơi hướng đến cho những người không chỗ hướng đến, là nhà cửa cho người không nhà cửa, là nơi cứu giúp cho những người không ai cứu giúp. Chư Phật Thế Tôn luôn khai mở, ca ngợi việc tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa này.
Khánh Hỷ nên biết, nếu các Đại Bồ-tát và chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác an trú trong pháp học này thì có thể dùng ngón tay phải, hoặc ngón chân phải nhấc thế giới ba lần ngàn đặt ở phương khác, hoặc đem về chỗ cũ mà các hữu tình ở trong đó không hay, không biết, không bị tổn hại, không run rẩy. Vì sao vậy? Bởi vì oai lực công đức của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không thể nghĩ bàn. Chư Phật và các chúng Đại Bồ-tát trong quá khứ, hiện tại, vị lai nhờ học Bát-nhã ba-la-mật-đa đạt được hiểu biết vô ngại.
Vì vậy, này Khánh Hỷ, trong các môn học Ta nói môn học Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này là hơn hết, là thù thắng, là tôn quý, là cao cả, là diệu, là vi diệu, là ở trên, là không gì trên, là không gì bằng, là không gì sánh bằng.
Khánh Hỷ nên biết, các hữu tình nào muốn nắm bắt số lượng và bờ mé của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thì cũng như người ngu muốn nắm lấy số lượng và bờ mé hư không. Vì sao vậy? Bởi vì công đức của Bát-nhã ba-la-mật-đa là vô lượng, vô biên. Khánh Hỷ nên biết, Ta quyết không nói công đức thù thắng của Bát-nhã ba-la-mật-đa như danh, thân... là có hạn lượng bờ mé. Vì sao vậy? Vì tất cả danh từ, câu nói, văn tự là pháp có hạn lượng còn công đức của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chẳng phải là pháp có hạn lượng chẳng phải danh từ, câu nói, văn tự có thể đo lường công đức thù thắng của Bát-nhã ba-la-mật-đa, cũng chẳng phải công đức thù thắng của Bát-nhã ba-la-mật-đa là thứ được pháp kia đo lường.
Khi ấy, Khánh Hỷ bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, vì sao nói Bát-nhã ba-la-mậtđa sâu xa là vô lượng.
Phật bảo Khánh Hỷ:
–Vì tánh của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa là vô tận nên Ta nói là vô lượng, vì tánh xa lìa nên Ta nói là vô lượng, vì tánh tịch tĩnh nên Ta nói là vô lượng, vì đúng thật tế nên nói là vô lượng, vì như hư không nên nói là vô lượng.
Khánh Hỷ nên biết, tất cả chư Phật Thế Tôn ở quá khứ, vị lai, hiện tại đều học Bát-nhã ba-la-mật-đa hoàn toàn viên mãn, chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột, giảng giải khai thị cho các hữu tình nhưng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này vẫn vô cùng tận. Vì sao vậy? Bởi vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cũng giống như hư không, là vô tận. Hữu tình nào muốn biết tường tận về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa tức là muốn biết tường tận về bờ mé của hư không. Khánh Hỷ nên biết. Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cho đến Bố thí ba-la-mật-đa chẳng phải đã cùng tận, chẳng phải đang cùng tận, chẳng phải sẽ cùng tận; pháp không bên trong cho đến pháp không không tánh tự tánh chẳng phải đã cùng tận, chẳng phải đang cùng tận, chẳng phải sẽ cùng tận; chân như cho đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn chẳng phải đã cùng tận, chẳng phải đang cùng tận, chẳng phải sẽ cùng tận; Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo chẳng phải đã cùng tận, chẳng phải đang cùng tận, chẳng phải sẽ cùng tận; bốn Niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo chẳng phải đã cùng tận, chẳng phải đang cùng tận, chẳng phải sẽ cùng tận; bốn Tĩnh lự, bốn Vô lượng, bốn Định vô sắc chẳng phải đã cùng tận, chẳng phải đang cùng tận, chẳng phải sẽ cùng tận; tám Giải thoát cho đến mười Biến xứ, chẳng phải đã cùng tận, chẳng phải đang cùng tận, chẳng phải sẽ cùng tận; pháp môn giải thoát Không, Vô tướng, Vô nguyện chẳng phải đã cùng tận; bậc Cực hỷ cho đến bậc Pháp vân chẳng phải đã cùng tận, chẳng phải đang cùng tận, chẳng phải sẽ cùng tận; tất cả pháp môn Đàla-ni, tất cả pháp môn Tam-ma-địa chẳng phải đã cùng tận, chẳng phải đang cùng tận, chẳng phải sẽ cùng tận; năm loại mắt, sáu phép thần thông chẳng phải đã cùng tận, chẳng phải đang cùng tận, chẳng phải sẽ cùng tận; mười lực của Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng chẳng phải đã cùng tận, chẳng phải đang cùng tận, chẳng phải sẽ cùng tận; ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp chẳng phải đã cùng tận, chẳng phải đang cùng tận, chẳng phải sẽ cùng tận; pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả, chẳng phải đã cùng tận, chẳng phải đang cùng tận, chẳng phải sẽ cùng tận; trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng chẳng phải đã cùng tận, chẳng phải đang cùng tận, chẳng phải sẽ tường tận; tất cả các hạnh của Đại Bồ-tát chẳng phải đã cùng tận, chẳng phải đang cùng tận, chẳng phải sẽ cùng tận; quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật chẳng phải đã cùng tận, chẳng phải đang cùng tận, chẳng phải sẽ cùng tận; trí Nhất thiết trí chẳng phải đã cùng tận, chẳng phải đang cùng tận, chẳng phải sẽ cùng tận. Vì sao vậy? Vì những pháp này không sinh, không diệt cũng không đứng yên, không dời đổi thì làm sao có sự tạo ra và có sự cùng tận.
Bấy giờ, từ mặt Thế Tôn xuất hiện tướng lưỡi dài rộng che khắp khuôn mặt. Sau khi hiện tướng lưỡi, Thế Tôn thu tướng lưỡi trở lại và bảo Khánh Hỷ:
–Nếu người nào có tướng lưỡi như vậy thì có nói lời hư dối không?
Khánh Hỷ đáp:
–Không, thưa Thế Tôn!
Phật bảo Khánh Hỷ:
–Từ nay trở đi ông phải vì bốn chúng giảng rộng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, phân biệt, khai thị tạo dựng, an lập giúp họ dễ hiểu.
Khánh Hỷ nên biết, trong kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này có giảng rộng tất cả các pháp phần Bồ-đề và các pháp tướng. Vì vậy tất cả các chúng sinh cầu Thanh văn thừa, tất cả chúng sinh cầu Độc giác thừa và tất cả chúng sinh cầu Vô thượng đều dựa vào pháp môn Bát-nhã ba-la-mậtđa sâu xa được dạy để thường xuyên tu học, đừng sinh nhàm chán, mệt mỏi. Ai thường siêng năng tu học như vậy thì sẽ mau chóng đắc pháp mà mình mong cầu.
Lại nữa Khánh Hỷ, Bát-nhã ba-la-mật-đa là pháp có thể ngộ nhập tất cả pháp tướng, có thể ngộ nhập tất cả văn tự, có thể ngộ nhập tất cả pháp môn Đà-la-ni. Các Đại Bồ-tát thường xuyên tu học tất cả pháp môn Đà-la-ni này. Đại Bồ-tát nào thọ trì tất cả pháp môn Đà-la-ni này thì có thể mau chứng đắc tất cả biện tài và sự hiểu biết vô ngại.
Khánh Hỷ nên biết, kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này chính là kho pháp vô tận của chư Phật Thế Tôn đời quá khứ, vị lai, hiện tại. Vì vậy Ta phải bảo ông một cách rõ ràng: “Người nào thọ trì, đọc tụng, hoàn toàn thông suốt Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này và tư duy đúng lý tức là thọ trì quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật ở quá khứ, vị lai, hiện tại.”
Khánh Hỷ nên biết, Ta nói Bát-nhã ba-la-mậtđa như thế là đôi chân vững chắc có thể đi trên đường giác ngộ, cũng là đại Đà-la-ni của Phật pháp vô thượng. Nếu các ông có thể thọ trì Đà-la-ni và Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này tức là tổng trì tất cả Phật pháp làm cho không quên mất và làm lợi ích cho các hữu tình đến tận đời vị lai.
[Mục lục bộ Bát-nhã][220][221][222][223][224][225][226][227][228][229][230][231][232][233][234][235][236][237][238][239][240][241][242][243][244][245][246][247][248][249][250][251][252][253][254][255][256][257][258][259][260][261]