SỐ 220
KINH ĐẠI BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA
HỘI THỨ III
Phẩm 4: Thiên Đế
(QUYỂN 498 - 500)
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.
Lúc bấy giờ, ở trong thế giới ba lần ngàn này, tất cả nơi nào có bốn Đại thiên vương và các Thiên đế, lần lượt cho đến cõi trời Sắc cứu cánh; đều cùng vô lượng trăm ngàn muôn ức chúng, đồng đến ngồi trong hội chúng. Chư Thiên này do các nghiệp thanh tịnh mà chiêu cảm quả Dị thục, hào quang nơi thân tuy phát ra rực rỡ, nhưng so với hào quang của Như Lai thường hiện, thì không bằng một phần trăm, không bằng một phần ngàn cho đến không bằng một phần cực nhỏ. Vì sao? Vì hào quang của thân Phật thường chiếu oai đức rực rỡ, so với hào quang của chư Thiên, vì Ngài là tối tôn, tối thắng, tối thượng, tối diệu, không thể so sánh, không có tương đồng, là vô thượng đệ nhất, che lấp cả hào quang của chư Thiên, khiến nó không hiện ra. Giống như ánh sáng trăng rằm mùa thu che lấp tất cả ngôi sao.
Khi ấy Thiên đế Thích bạch Thiện Hiện:
–Bây giờ trong thế giới ba lần ngàn này, đều có tất cả bốn Đại thiên vương và các Thiên đế, lần lượt cho đến trời Sắc cứu cánh đều cùng với quyến thuộc, đồng vân tập đến chúng hội, muốn nghe Đại đức tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa, cúi xin Đại đức thương xót chúng tôi mà tuyên thuyết.
Bạch Đại đức, sao gọi là Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa của Đại Bồ-tát? Vì sao Đại Bồ-tát an trụ nơi Bát-nhã ba-la-mật-đa? Vì sao Đại Bồ-tát phải học Bát-nhã ba-la-mật-đa?
Lúc đó, Cụ thọ Thiện Hiện bảo Thiên đế Thích:
–Kiều-thi-ca, Thiên chúng các vị đều nên lắng nghe, khéo suy nghĩ, tôi sẽ nương sức oai thần của Phật, thuận theo ý của Như Lai, vì các Đại Bồ-tát mà tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa. Như vậy Đại Bồ-tát nào, có thể ở trong pháp đó, nên an trụ như vầy, nên tu học như vầy.
Kiều-thi-ca, Thiên chúng các vị, vị nào chưa phát tâm cầu quả vị Giác ngộ cao tột thì nay đều nên phát. Kiều-thi-ca, những vị nào đã vào Chánh tánh ly sinh của Thanh văn, Độc giác, không thể phát tâm đại Bồ-đề lại nữa. Vì sao? Kiều-thi-ca, vì vị ấy ngăn cách dòng sinh tử. Trong những vị ấy, nếu có vị nào có thể phát tâm Vô thượng Bồ-đề thì tôi cũng tùy hỷ. Vì sao? Vì các bậc thắng nhân đều nên cầu thắng pháp. Tôi hoàn toàn không ngăn cản thiện phẩm thù thắng của họ.
Kiều-thi-ca, ngài hỏi sao gọi là Bát-nhã ba-la-mật-đa của Đại Bồ-tát? Lắng nghe, lắng nghe, tôi sẽ nói cho ngài rõ. Kiều-thi-ca, nếu Đại Bồ-tát nào khởi tâm tương ưng với trí Nhất thiết trí, dùng vô sở đắc làm phương tiện, tư duy sắc uẩn cho đến thức uẩn, hoặc vô thường, hoặc khổ, hoặc vô ngã, hoặc bất tịnh, hoặc không, hoặc vô tướng, hoặc vô nguyện, hoặc tịch tĩnh, hoặc xa lìa, hoặc như bệnh, hoặc như ung nhọt hoặc như mũi tên, hoặc như ghẻ lở, hoặc nhiệt não, hoặc bức bách, hoặc bại hoại, hoặc mục nát, hoặc biến động, hoặc mau diệt, hoặc đáng sợ, hoặc đáng chán, hoặc có tai họa, hoặc có hoạn nạn, hoặc có bệnh dịch, hoặc có bệnh truyền nhiễm, hoặc không an ổn, không đáng tin, không sinh, không diệt, không nhiễm, không tịnh, vô tác, vô vi.
Tư duy nhãn xứ cho đến ý xứ; tư duy sắc xứ cho đến pháp xứ; tư duy nhãn giới cho đến ý giới; tư duy sắc giới cho đến pháp giới; tư duy nhãn thức giới cho đến ý thức giới; tư duy nhãn xúc cho đến ý xúc; tư duy các thọ do nhãn xúc làm duyên sinh ra, cho đến các thọ do ý xúc làm duyên sinh ra; tư duy địa giới cho đến thức giới; tư duy vô minh cho đến lão tử cũng lại như vậy. Kiều-thi-ca, đấy gọi là Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa của Đại Bồ-tát.
Lại nữa Kiều-thi-ca, nếu Đại Bồ-tát nào khởi tâm tương ưng với trí Nhất thiết trí, dùng vô sở đắc làm phương tiện, tư duy vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục xứ, lục xứ duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên lão tử cho đến hoàn toàn là một tập hợp khối khổ lớn.
Sau đó, lại dùng vô sở đắc làm phương tiện, tư duy vô minh diệt nên hành diệt, hành diệt nên thức diệt, thức diệt nên danh sắc diệt, danh sắc diệt nên lục xứ diệt, lục xứ diệt nên xúc diệt, xúc diệt nên thọ diệt, thọ diệt nên ái diệt, ái diệt nên thủ diệt, thủ diệt nên hữu diệt, hữu diệt nên sinh diệt, sinh diệt nên lão tử cho đến hoàn toàn là tập khối khổ lớn cũng diệt.
Các diệt như thế là vô ngã, không, vô tướng, vô nguyện, tịch tĩnh, xa lìa, không sinh, không diệt, không nhiễm, không tịnh, vô tác, vô vi. Kiều-thica, đấy gọi là Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa của Đại Bồ-tát.
Lại nữa Kiều-thi-ca, nếu Đại Bồ-tát nào khởi tâm tương ưng với trí Nhất thiết trí, dùng vô sở đắc làm phương tiện, tư duy pháp không bên trong cho đến pháp không không tánh tự tánh là vô ngã, ngã sở, vô tướng, vô nguyện, tịch tĩnh, xa lìa, không sinh, không diệt, không nhiễm, không tịnh, vô tác, vô vi. Kiều-thi-ca, đấy gọi là Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa của Đại Bồ-tát.
Lại nữa Kiều-thi-ca, nếu Đại Bồ-tát nào phát khởi tâm tương ưng với trí Nhất thiết trí, dùng vô sở đắc làm phương tiện, tư duy chân như cho đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn là vô ngã, ngã sở, vô tướng, vô nguyện, tịch tĩnh, xa lìa, không sinh, không diệt, không nhiễm, không tịnh, vô tác, vô vi. Kiều-thi-ca, đấy gọi là Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa của Đại Bồ-tát.
Lại nữa Kiều-thi-ca, nếu Đại Bồ-tát nào phát khởi tâm tương ưng với trí Nhất thiết trí, dùng vô sở đắc làm phương tiện, tư duy Bố thí ba-la-mậtđa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa; tư duy bốn Niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo; tư duy bốn Tĩnh lự, bốn Vô lượng, bốn Định vô sắc; tư duy tám Giải thoát, chín Định thứ đệ; tư duy pháp môn giải thoát Không, Vô tướng, Vô nguyện; tư duy bậc Tịnh quán cho đến bậc Như Lai; tư duy bậc Cực hỷ cho đến bậc Pháp vân; tư duy năm loại mắt, sáu phép thần thông; tư duy mười lực của Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng; tư duy pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả; tư duy tất cả pháp môn Đà-la-ni, tất cả pháp môn Tam-ma-địa; tư duy trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng. Tất cả đều là vô thường, vô ngã, không, vô tướng, vô nguyện, tịch tĩnh, xa lìa, biến động, mau diệt, không đáng tin, không sinh, không diệt, không nhiễm, không tịnh, vô tác, vô vi. Kiều-thi-ca, đấy gọi là Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa của Đại Bồ-tát. Lại nữa Kiều-thi-ca, nếu Đại Bồ-tát nào phát khởi tâm tương ưng với trí Nhất thiết trí, dùng vô sở đắc làm phương tiện, an trụ pháp không bên trong cho đến pháp không không tánh tự tánh; an trụ chân như cho đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn; an trụ cảnh giới đoạn cho đến cảnh giới vô vi. An trụ Thánh đế khổ cho đến Thánh đế đạo. Kiều-thica, đấy gọi là Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa của Đại Bồ-tát.
Lại nữa Kiều-thi-ca, nếu Đại Bồ-tát nào phát khởi tâm tương ưng với trí Nhất thiết trí, dùng vô sở đắc làm phương tiện, tu hành Bố thí ba-la-mậtđa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa; tu hành bốn Niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo; tu hành bốn Tĩnh lự, bốn Vô lượng, bốn Định vô sắc; tu hành tám Giải thoát, chín Định thứ đệ; tu hành pháp môn giải thoát Không, Vô tướng, Vô nguyện; tu hành bậc Cực hỷ cho đến bậc Pháp vân; tu hành năm loại mắt, sáu phép thần thông; tu hành mười lực của Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng; tu hành pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả; tu hành tất cả Đà-la-ni, tất cả pháp môn Tam-ma-địa; tu hành trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng; tu hành tất cả hạnh của Đại Bồ-tát; tu hành quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật. Kiều-thi-ca, đấy là Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa của Đại Bồ-tát.
Lại nữa Kiều-thi-ca, nếu Đại Bồ-tát nào khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, mà quan sát như vậy: “Chỉ có các pháp trợ duyên với nhau, thấm nhuần tăng trưởng, lần lượt trùm khắp tất cả. Trong đó hoàn toàn không có ngã và ngã sở. Như thật quán sát chẳng thể nắm bắt được.” Lại khởi tâm quán sát: “Các Đại Bồ-tát dùng sự tu tập căn lành thù thắng, đem cho các hữu tình một cách bình đẳng, rồi cùng nhau hồi hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột. Tu tập tâm căn lành không cùng với tâm hồi hướng hòa hợp; tâm hồi hướng không cùng với tu tập tâm căn lành hòa hợp. Tâm hồi hướng không cùng với tâm Bồ-đề hòa hợp; tâm Bồ-đề cũng không cùng với tâm hồi hướng hòa hợp. Trong việc tu tập tâm căn lành đối với tâm hồi hướng, là không sở hữu và chẳng thể nắm bắt được. Trong tâm hồi hướng đối với tu tập tâm căn lành, cũng không sở hữu và chẳng thể nắm bắt được. Trong tâm hồi hướng đối với tâm Bồ-đề là không sở hữu và chẳng thể nắm bắt được. Trong tâm Bồ-đề đối với tâm hồi hướng cũng không sở hữu, chẳng thể nắm bắt được.” Các Đại Bồ-tát tuy như thật quán sát các pháp, nhưng đối với các pháp hoàn toàn vô sở kiến. Kiều-thi-ca, đấy gọi là Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa của Đại Bồ-tát.
Khi ấy Thiên đế Thích hỏi Thiện Hiện:
–Bạch Đại đức, vì sao đối với các Đại Bồ-tát, tu tập tâm căn lành không cùng với tâm hồi hướng hòa hợp. Tâm hồi hướng cũng không cùng với tu tập tâm căn lành hòa hợp. Tâm hồi hướng không cùng với tâm Bồ-đề hòa hợp. Tâm Bồ-đề cũng không cùng với tâm hồi hướng hòa hợp. Trong việc tu tập tâm căn lành đối với tâm hồi hướng là không sở hữu, chẳng thể nắm bắt được. Trong tâm hồi hướng đối với tu tập tâm căn lành cũng không sở hữu, chẳng thể nắm bắt được. Trong tâm hồi hướng đối với tâm Bồ-đề cũng không sở hữu, chẳng thể nắm bắt được. Trong tâm Bồ-đề đối với tâm hồi hướng, cũng không sở hữu, chẳng thể nắm bắt được?
Thiện Hiện đáp:
–Kiều-thi-ca, đối với các Đại Bồ-tát, tu tập tâm căn lành thì chẳng phải tâm. Tâm hồi hướng, tâm Bồ-đề cũng chẳng phải tâm. Không thể dùng cái chẳng phải tâm mà có sự tu tập, hoặc có hồi hướng, hoặc có sự hồi hướng. Không thể dùng cái chẳng phải tâm mà hồi hướng cái chẳng phải tâm, tâm cũng không nên hồi hướng chẳng phải tâm. Chẳng phải tâm không nên hồi hướng đối với tâm, tâm cũng không nên hồi hướng đối với tâm. Vì sao? Kiều-thi-ca, chẳng phải tâm tức là chẳng thể nghĩ bàn, chẳng thể nghĩ bàn tức là chẳng phải tâm. Cả hai loại như vậy đều không sở hữu. Trong không sở hữu không có nghĩa hồi hướng. Kiều-thi-ca, tâm không có tự tánh, tâm sở cũng vậy; tâm và tâm sở đã không có tự tánh, cho nên tâm cũng không có nghĩa với tâm hồi hướng. Kiều-thi-ca, các Đại Bồtát nếu quán sát như vậy, thì gọi là Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa của Đại Bồ-tát.
Lúc ấy, Đức Thế Tôn khen ngợi Thiện Hiện:
–Lành thay, lành thay! Nay ông khéo vì các Đại Bồ-tát mà tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa, thì cũng nên khéo khuyến khích các Đại Bồ-tát siêng năng, hoan hỷ, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, con đã biết ân, sao lại không đền đáp. Vì sao? Vì thời quá khứ, chư Phật và chúng đệ tử đã vì các Đại Bồ-tát mà tuyên thuyết sáu pháp Ba-la-mật-đa bằng cách thị hiện dạy dỗ, hướng dẫn, khen ngợi, khích lệ, hoan hỷ, an ủi, kiến lập để cho họ được cứu cánh. Khi ấy, Thế Tôn cũng học ở trong đó, nay đã chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột, chuyển pháp luân vi diệu, làm lợi ích cho chúng con. Vì vậy ngày nay, con phải theo lời Phật dạy, vì các Đại Bồ-tát mà tuyên thuyết sáu pháp Ba-la-mật-đa, cũng thị hiện, dạy dỗ, hướng dẫn, khen ngợi, khích lệ, hoan hỷ, kiến lập làm cho họ được cứu cánh, mau chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột, chuyển pháp luân vi diệu đến tận đời vị lai, làm lợi ích an lạc cho tất cả hữu tình, thì gọi là đền đáp ân đức kia vậy.
Bấy giờ, Cụ thọ Thiện Hiện lại bảo Thiên đế Thích:
–Kiều-thi-ca, ngài hỏi vì sao Đại Bồ-tát, nên an trụ Bát-nhã ba-la-mật-đa? Ngài hãy lắng nghe, lắng nghe, tôi sẽ vì ngài mà nói các Đại Bồ-tát đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa, nên an trụ đúng chỗ như vậy mà không nên có tướng trụ. Kiều-thi-ca, sắc uẩn cho đến thức uẩn, tánh của sắc uẩn cho đến thức uẩn đều không. Các Đại Bồ-tát, tánh của các Đại Bồ-tát là không. Hoặc tánh không của sắc uẩn cho đến thức uẩn, hoặc tánh không của các Đại Bồtát; tất cả như vậy đều không hai, không hai phần. Kiều-thi-ca, các Đại Bồ-tát đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa nên an trụ như vậy.
Kiều-thi-ca, nhãn xứ cho đến ý xứ, tánh của nhãn xứ cho đến ý xứ là không. Sắc xứ cho đến pháp xứ, tánh của sắc xứ cho đến pháp xứ là không. Nhãn giới cho đến ý giới, tánh của nhãn giới cho đến ý giới là không. Sắc giới cho đến pháp giới, tánh của sắc giới cho đến pháp giới là không. Nhãn thức giới cho đến ý thức giới, tánh của nhãn thức giới cho đến ý thức giới là không. Nhãn xúc cho đến ý xúc, tánh của nhãn xúc cho đến ý xúc là không. Các thọ do nhãn xúc làm duyên sinh ra, cho đến các thọ do ý xúc làm duyên sinh ra, tánh của các thọ do nhãn xúc làm duyên sinh ra, cho đến các thọ do ý xúc làm duyên sinh ra đều là không. Địa giới cho đến thức giới, tánh của địa giới cho đến thức giới là không. Nhân duyên cho đến tăng thượng duyên, tánh của nhân duyên cho đến tăng thượng duyên là không. Vô minh cho đến lão tử, tánh của vô minh cho đến lão tử là không. Vô minh diệt cho đến lão tử diệt, tánh của vô minh diệt cho đến lão tử diệt là không. Bố thí ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa, tánh của Bố thí ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa đều là không. Pháp không bên trong cho đến pháp không không tánh tự tánh, tánh của pháp không bên trong cho đến pháp không không tánh tự tánh là không. Chân như cho đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn, tánh của chân như cho đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn là không. Cảnh giới đoạn cho đến cảnh giới vô vi, tánh của cảnh giới đoạn cho đến cảnh giới vô vi là không. Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo, tánh của Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo là không. Bốn Niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo, tánh của bốn Niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo là không. Bốn Tĩnh lự, bốn Vô lượng, bốn Định vô sắc, tánh của bốn Tĩnh lự, bốn Vô lượng, bốn Định vô sắc là không. Tám Giải thoát, chín Định thứ đệ, tánh của tám Giải thoát, chín Định thứ đệ là không. Pháp môn giải thoát Không, Vô tướng, Vô nguyện; tánh của pháp môn giải thoát Không, Vô tướng, Vô nguyện đều là không. Bậc Tịnh quán cho đến bậc Như Lai, tánh của bậc Tịnh quán cho đến bậc Như Lai là không. Bậc Cực hỷ cho đến bậc Pháp vân, tánh của Bậc Cực hỷ cho đến bậc Pháp vân là không. Năm loại mắt, sáu phép thần thông, tánh của năm loại mắt, sáu phép thần thông là không. Mười lực của Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng; tánh của mười lực của Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng đều là không. Pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả, tánh của pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả là không. Tất cả pháp môn Đà-la-ni, tất cả pháp môn Tam-mađịa; tánh của tất cả pháp môn Đà-la-ni, tất cả pháp môn Tam-ma-địa đều là không. Thanh văn, Độc giác, Vô thượng thừa; tánh của Thanh văn, Độc giác, Vô thượng thừa đều là không. Dự lưu cho đến Như Lai; tánh của Dự lưu cho đến Như Lai là không. Trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng; tánh của trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng là không. Các Đại Bồ-tát, tánh của các Đại Bồ-tát là không. Hoặc tánh không của nhãn xứ cho đến trí Nhất thiết tướng; hoặc tánh không của các Đại Bồ-tát; tất cả như vậy đều không hai, không hai phần. Kiều-thi-ca, các Đại Bồ-tát đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa nên an trụ như vậy.
Lúc đó, Thiên đế Thích hỏi Thiện Hiện:
–Vì sao Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mậtđa sâu xa, không nên trụ vào chỗ nào?
Thiện Hiện đáp:
–Kiều-thi-ca, các Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, không nên trụ sắc uẩn, không nên trụ thọ, tưởng, hành, thức uẩn. Vì sao? Vì còn dùng hữu sở đắc làm phương tiện. Như vậy cho đến không nên trụ trí Nhất thiết, không nên trụ trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng. Vì sao? Vì còn dùng hữu sở đắc làm phương tiện.
Lại nữa Kiều-thi-ca, các Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, không nên trụ đây là sắc uẩn, không nên trụ đây là thọ, tưởng, hành, thức uẩn. Vì sao? Vì còn dùng hữu sở đắc làm phương tiện. Như vậy cho đến không nên trụ đây là trí Nhất thiết, không nên trụ đây là trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng. Vì sao? Vì như thế là còn dùng hữu sở đắc làm phương tiện.
Lại nữa Kiều-thi-ca, các Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, không nên trụ sắc uẩn cho đến thức uẩn là thường hay vô thường; là vui, khổ; là ngã, vô ngã; là tịnh, bất tịnh; là không, chẳng không; là có tướng, không tướng; là có nguyện, không nguyện; là tịch tĩnh, chẳng tịch tĩnh; là xa lìa, chẳng xa lìa. Vì sao? Vì còn dùng hữu sở đắc làm phương tiện. Như vậy cho đến không nên trụ trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng là thường, vô thường, vui, khổ, ngã, tịnh, bất tịnh, không, chẳng không, có tướng, không tướng, có nguyện, không nguyện, tịch tĩnh, chẳng tịch tĩnh, xa lìa, chẳng xa lìa. Vì sao? Vì như thế là còn dùng hữu sở đắc là phương tiện.
Lại nữa Kiều-thi-ca, các Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, không nên trụ Dự lưu quả là sự hiển hiện vô vi. Vì sao? Vì còn dùng hữu sở đắc làm phương tiện. Không nên trụ Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán quả, Độc giác Bồ-đề, quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật là sự hiển hiện vô vi. Vì sao? Vì còn dùng hữu sở đắc làm phương tiện.
Lại nữa Kiều-thi-ca, các Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, không nên trụ Dự lưu là phước điền đáng nhận sự cúng dường. Vì sao? Vì còn dùng hữu sở đắc làm phương tiện. Không nên trụ Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Độc giác, Bồtát, Như Lai là phước điền, đáng nhận sự cúng dường Vì sao? Vì còn dùng hữu sở đắc làm phương tiện.
Lại nữa Kiều-thi-ca, các Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không nên trụ Sơ địa. Vì sao? Vì còn dùng hữu sở đắc làm phương tiện. Không nên trụ Đệ nhị địa cho đến Đệ thập địa. Vì sao? Vì còn dùng hữu sở đắc làm phương tiện.
Lại nữa Kiều-thi-ca, các Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không nên trụ lúc phát tâm ban đầu, rồi nghĩ như vầy: “Ta nên viên mãn Bố thí ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa. Ta nên viên mãn bốn Niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo. Ta nên viên mãn bốn Tĩnh lự, bốn Vô lượng, bốn Định vô sắc. Ta nên viên mãn tám Giải thoát, chín Định thứ đệ. Ta nên viên mãn pháp môn giải thoát Không, Vô tướng, Vô nguyện. Ta tu gia hạnh đã viên mãn rồi nên vào Chánh tánh ly sinh của Bồ-tát. Ta đã đắc Chánh tánh ly sinh rồi, nên an trụ ở địa vị không thoái chuyển của Bồ-tát. Ta nên viên mãn năm thần thông của Bồ-tát. Ta trụ năm thần thông của Bồ-tát viên mãn rồi, nên du hóa đến vô lượng, vô số cõi Phật để đảnh lễ, chiêm ngưỡng, phụng sự, cúng dường chư Phật Thế Tôn, lắng nghe chánh pháp của Phật, rồi như lý suy nghĩ để giảng rộng cho người khác. Ta nên tranh nghiêm, thanh tịnh quốc độ như chỗ của mười phương Phật, mà an lập hữu tình. Ta phải thành thục các loài hữu tình, để họ chứng quả vị Giác ngộ cao tột, hoặc đắc Niết-bàn, hoặc ở cõi lành. Ta phải đến vô lượng, vô số cõi Phật để thân cận, phụng sự chư Phật Thế Tôn; lại dùng vô biên hoa hương, chuỗi anh lạc quý báu, cờ đèn, phan lọng, âm nhạc, ăn uống và các vật dụng khác để cúng dường, cúng kính, tôn trọng, ngợi khen. Ta phải an lập vô lượng, vô số, vô biên hữu tình, để làm cho họ đối với Vô thượng Bồ-đề, không còn thoái chuyển.” Vì sao? Vì như vậy là còn dùng hữu sở đắc làm phương tiện.
Lại nữa Kiều-thi-ca, các Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, không nên trụ ý nghĩ như vầy: “Ta phải thành tựu năm loại mắt thanh tịnh; đó là mắt thịt, mắt trời, mắt tuệ, mắt pháp, mắt Phật.” Không nên trụ ý nghĩ này: “Ta phải thành tựu sáu phép thần thông thù thắng. Sáu phép thần thông thù thắng là Cảnh trí thông, Thiên nhãn trí thông, Thiên nhĩ trí thông, Tha tâm trí thông, Túc trụ tùy niệm trí thông, Lậu tận trí thông.” Không nên trụ ý nghĩ này: “Ta nên thành tựu tất cả pháp môn Tam-ma-địa thù thắng; đối với các đẳng trì, tùy tâm muốn tự tại an trụ.” Không nên trụ ý nghĩ này: “Ta nên thành tựu tất cả pháp môn Đà-la-ni thù thắng, đối với các tổng trì, sự nghiệp đã làm ra đều được tự tại.” Không nên trụ ý nghĩ này: “Ta phải thành tựu mười lực của Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng.” Không nên trụ ý nghĩ này: “Ta phải thành tựu ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp để thân được trang nghiêm, khiến cho các hữu tình ai thấy cũng đều hoan hỷ, chiêm ngưỡng không biết nhàm chán, tự thân được lợi lạc.” Không nên trụ ý nghĩ này: “Ta phải thành tựu pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả.” Không nên trụ ý nghĩ này: “Ta phải thành tựu trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng, thông đạt các pháp nhưng không chấp trước, không chướng ngại.” Vì sao? Vì tất cả là còn dùng hữu sở đắc làm phương tiện.
Lại nữa Kiều-thi-ca, các Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, không nên trụ: “Đây là Tùy tín hành. Đây là Tùy pháp hành. Đây là bậc Đệ bát. Đây là bậc Dự lưu, còn bảy lần sinh trở lại. Đây là Gia gia. Đây là Nhất gian. Đây là bậc Tề thủ cho đến đoạn tận phiền não, thọ mạng mới dứt. Đây là Dự lưu định, không phải là pháp đọa. Đây là pháp trung gian vào Niết-bàn. Đây là Nhất lai, chỉ đến thế gian này một lần, sẽ dứt trừ hết khổ. Đây là Bất hoàn hướng. Đây là Bất hoàn quả, qua bờ kia mới được vào Niết-bàn. Đây là A-la-hán hướng. Đây là A-la-hán quả, quyết vào Vô dư Niết-bàn ở hiện tại. Đây là Độc giác. Đây là Bồtát, vượt hơn địa vị Thanh văn, Độc giác, an trụ địa vị Đại Bồ-tát; tu trí Nhất thiết và trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng, hiểu rõ tất cả pháp, tất cả tướng, rồi đoạn trừ hẳn sự tương tục của tất cả tập khí, kết sử, phiền não, chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột, được thành đấng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, đầy đủ oai lực lớn, rồi chuyển pháp luân vi diệu, làm các Phật sự, độ thoát vô lượng, vô số hữu tình, khiến họ chứng đắc Niết-bàn, hoàn toàn an lạc.” Vì sao? Vì như vậy là còn dùng hữu sở đắc làm phương tiện.
Lại nữa Kiều-thi-ca, các Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, không nên trụ ý nghĩ này: “Ta phải khéo tu bốn Thần túc, rồi an trụ đẳng trì thù thắng như thế. Do đẳng trì này, mà ta tăng trưởng thế lực, để tuổi thọ của ta được sống lâu, suốt hằng hà sa đại kiếp.” Không nên trụ ý nghĩ như vầy: “Ta phải được hưởng tuổi thọ vô lượng, vô biên.” Không nên trụ ý nghĩ này: “Ta phải thành tựu ba mươi hai tướng, mỗi một tướng này có trăm phước trang nghiêm, hữu tình nào được thấy thì sinh lợi lạc lớn.” Không nên trụ ý nghĩ này: “Ta phải thành tựu tám mươi vẻ đẹp, mỗi một vẻ đẹp này đều có vô số lượng việc thù thắng hiếm có; hữu tình nào được thấy thì sinh lợi ích lớn.” Không nên trụ ý nghĩ này: “Ta phải an trụ một cõi thanh tịnh trang nghiêm; cõi ấy diện tích rộng như hằng hà sa thế giới khắp mười phương.” Không nên trụ ý nghĩ này: “Ta phải an tọa trên một tòa bằng kim cang; tòa này rộng lớn bằng thế giới ba lần ngàn.” Không nên trụ ý nghĩ này: “Ta phải ngồi dưới cội Bồ-đề. Cây này phải cao rộng, to lớn với nhiều bảo vật quý báu, nơi ấy thường tỏa ra mùi thơm vi diệu tràn khắp, khiến cho người nghe mau chóng diệt trừ tâm tham, sân, si; vô lượng, vô biên thân bệnh cũng được lành; ai được nghe hương của cây Bồ-đề này thì xa lìa suy nghĩ về Thanh văn, Độc giác, chắc chắn chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột.” Không nên trụ ý nghĩ này: “Nguyện cho tôi sẽ được cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh. Cõi ấy thật trong sạch, không có các thứ cấu uế.” Vì sao? Vì như vậy là còn dùng hữu sở đắc làm phương tiện.
Lại nữa Kiều-thi-ca, các Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, không nên trụ ý nghĩ này: “Nguyện cho tôi sẽ được cõi Phật thanh tịnh; trong đó hoàn toàn không chấp trước tên gọi âm thanh của sắc uẩn cho đến thức uẩn; cũng không chấp trước tên gọi âm thanh nhãn xứ cho đến ý xứ; cũng không chấp trước tên gọi âm thanh sắc xứ cho đến pháp xứ; cũng không chấp trước tên gọi âm thanh nhãn giới cho đến ý giới; cũng không chấp trước tên gọi âm thanh sắc giới cho đến pháp giới; cũng không chấp trước tên gọi âm thanh nhãn thức giới cho đến ý thức giới; cũng không chấp trước tên gọi âm thanh nhãn xúc cho đến ý xúc; cũng không chấp trước tên gọi âm thanh các thọ do nhãn xúc làm duyên sinh ra, cho đến các thọ do ý xúc làm duyên sinh ra; cũng không chấp trước tên gọi âm thanh địa giới cho đến thức giới; cũng không chấp trước tên gọi âm thanh nhân duyên cho đến tăng thượng duyên; cũng không chấp trước tên gọi âm thanh vô minh cho đến lão tử; cũng không chấp trước tên gọi âm thanh Bố thí ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa; cũng không chấp trước tên gọi âm thanh pháp không bên trong cho đến pháp không không tánh tự tánh; cũng không chấp trước tên gọi âm thanh chân như cho đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn; cũng không chấp trước tên gọi âm thanh cảnh giới đoạn cho đến cảnh giới vô vi; cũng không chấp trước tên gọi âm thanh Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo; cũng không chấp trước tên gọi âm thanh bốn Niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo; cũng không chấp trước tên gọi âm thanh bốn Tĩnh lự, bốn Vô lượng, bốn Định vô sắc; cũng không chấp trước tên gọi âm thanh tám Giải thoát, chín Định thứ đệ; cũng không chấp trước tên gọi âm thanh pháp môn giải thoát Không, Vô tướng, Vô nguyện; cũng không chấp trước tên gọi âm thanh bậc Tịnh quán cho đến bậc Như Lai; cũng không chấp trước tên gọi âm thanh bậc Cực hỷ cho đến bậc Pháp vân; cũng không chấp trước tên gọi âm thanh năm loại mắt, sáu phép thần thông; cũng không chấp trước tên gọi âm thanh mười lực của Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng; cũng không chấp trước tên gọi âm thanh ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của bậc Đại sĩ; cũng không chấp trước tên gọi âm thanh pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả; cũng không chấp trước tên gọi âm thanh tất cả pháp môn Đà-la-ni, tất cả pháp môn Tam-ma-địa; cũng không chấp trước tên gọi âm thanh trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng; cũng không chấp trước tên gọi âm thanh Thanh văn, Độc giác, Đại thừa; cũng không chấp trước tên gọi âm thanh Dự lưu hướng, Dự lưu quả cho đến Bồ-tát, Như Lai.” Vì sao? Vì còn dùng hữu sở đắc làm phương tiện. Vì sao? Vì tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, khi chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột, hiểu rõ tất cả pháp hoàn toàn không sở hữu, tên gọi, chữ viết, âm thanh đều chẳng thể nắm bắt được.
Khi các Đại Bồ-tát an trụ ở bậc không thoái chuyển, cũng thấy các pháp hoàn toàn không sở hữu, tên gọi, chữ viết, âm thanh đều chẳng thể nắm bắt được. Kiều-thi-ca, đấy là các Đại Bồ-tát đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, chỗ trụ đúng như vậy mà không có tướng trụ. Kiều-thi-ca, các Đại Bồ-tát đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, tùy theo thật tướng nên trụ hay không nên trụ, vì dùng vô sở đắc làm phương tiện, phải nên học như vậy.
Khi ấy, Xá-lợi Tử nghĩ như vầy: “Nếu Đại Bồtát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, đối với tất cả pháp đều không nên trụ, thì tại sao nên trụ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Cụ thọ Thiện Hiện biết ý nghĩ nơi tâm của Xálợi Tử liền nói:
–Ý Tôn giả thế nào? Tâm của chư Như Lai thì trụ ở đâu?
Xá-lợi Tử đáp:
–Tâm của chư Như Lai hoàn toàn không chỗ trụ. Vì sao? Vì tâm của chư Phật; không trụ sắc uẩn cho đến thức uẩn; không trụ nhãn xứ cho đến ý xứ; không trụ sắc xứ cho đến pháp xứ; không trụ nhãn giới cho đến ý giới; không trụ sắc giới cho đến pháp giới; không trụ nhãn thức giới cho đến ý thức giới; không trụ nhãn xúc cho đến ý xúc; không trụ các thọ do nhãn xúc làm duyên sinh ra, cho đến các thọ do ý xúc làm duyên sinh ra; không trụ địa giới cho đến thức giới; không trụ nhân duyên cho đến tăng thượng duyên; không trụ vô minh cho đến lão tử; không trụ hữu vi giới cho đến vô vi giới; không trụ Bố thí ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mậtđa; không trụ pháp không bên trong cho đến pháp không không tánh tự tánh; không trụ chân như cho đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn; không trụ cảnh giới đoạn cho đến cảnh giới vô vi; không trụ Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo; không trụ bốn Niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo; không trụ bốn Tĩnh lự, bốn Vô lượng, bốn Định vô sắc; không trụ tám Giải thoát, chín Định thứ đệ; không trụ pháp môn giải thoát Không, Vô tướng, Vô nguyện; không trụ bậc Tịnh quán cho đến bậc Như Lai; không trụ bậc Cực hỷ cho đến bậc Pháp vân; không trụ năm loại mắt, sáu phép thần thông; không trụ mười lực của Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng; không trụ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của bậc Đại sĩ; không trụ pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả; không trụ tất cả pháp môn Đà-la-ni, tất cả pháp môn Tam-ma-địa; không trụ trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng. Vì sao? Vì tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được. Như vậy Thiện Hiện, tâm Như Lai đối với tất cả pháp hoàn toàn không chỗ trụ, cũng chẳng phải chẳng trụ.
Lúc đó Cụ thọ Thiện Hiện nói với Xá-lợi Tử:
–Các Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mậtđa sâu xa, cũng lại như vậy, tuy trụ Bát-nhã ba-la-mật-đa mà đồng với Như Lai; đối với tất cả pháp, tâm không chỗ trụ, cũng chẳng phải không trụ. Vì sao? Vì các Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, tuy trụ Bát-nhã ba-la-mật-đa, nhưng đối với sắc uẩn chẳng phải trụ, chẳng phải chẳng trụ; đối với thọ, tưởng, hành, thức uẩn cũng chẳng phải trụ, chẳng phải chẳng trụ. Như vậy cho đến, đối với trí Nhất thiết chẳng phải trụ, chẳng phải chẳng trụ; đối với trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng cũng chẳng phải trụ, chẳng phải chẳng trụ.
Vì sao? Xá-lợi Tử, vì sắc, pháp... không hai tướng. Xá-lợi Tử, các Đại Bồ-tát đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, tùy theo tướng chẳng phải trụ, chẳng phải bất trụ này, mà dùng vô sở đắc làm phương tiện, phải nên học như vậy.
Bấy giờ trong hội chúng, có các Thiên tử nghĩ thầm như vầy: Lời lẽ, câu, chú của các Dược-xoa nhiều loại khác nhau, tuy ẩn mật nhưng chúng ta còn có thể hiểu rõ được. Tôn giả Thiện Hiện thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa, mặc dầu dùng nhiều lời lẽ chỉ bày rõ ràng, nhưng sao chúng ta lại không hiểu nổi!
Cụ thọ Thiện Hiện biết được sự suy nghĩ của các Thiên tử, bèn bảo rằng:
–Các vị Thiên tử, những gì tôi đã thuyết các vị không hiểu nổi sao?
Chư Thiên đáp:
–Đúng vậy, đúng vậy! Câu cú và ý nghĩa của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa mà Tôn giả đã thuyết đối với chúng tôi thật là khó hiểu.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bảo:
–Tôi thường đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa này, trong nghĩa tương ưng cũng không thuyết một chữ. Các vị cũng không nghe thì lấy gì mà hiểu. Vì sao? Các Thiên tử, vì trong nghĩa tương ưng với Bátnhã ba-la-mật-đa thì văn tự, ngôn ngữ hoàn toàn xa lìa. Bởi vì trong ấy, người nói, người nghe và người hiểu đều chẳng thể nắm bắt được. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đã chứng quả vị Giác ngộ cao tột sâu xa vi diệu, cũng lại như vậy.
Các vị Thiên tử nên biết, như Phật hóa làm một thân Phật. Từ hóa thân Phật này, hóa làm bốn chúng, đều đến hội chúng mà thuyết pháp. Ý các vị thế nào? Trong đây thật có người thuyết người nghe, người hiểu không?
Các Thiên tử đáp:
–Bạch Đại đức, không có.
Thiện Hiện bảo:
–Đúng vậy, Thiên tử! Tất cả pháp đều như huyễn hóa. Nay trong nghĩa tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này; người thuyết, người nghe và người hiểu đều chẳng thể nắm bắt được. Thiên tử nên biết, cũng như mộng thấy Phật thuyết pháp cho đại chúng. Ý các vị thế nào? Trong đấy, thật có người thuyết, người nghe, người hiểu không?
Các Thiên tử đáp:
–Bạch Đại đức, không có!
Thiện Hiện bảo:
–Đúng vậy, Thiên tử, tất cả pháp đều như mộng. Nay trong nghĩa tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, người thuyết, người nghe và người hiểu đều chẳng thể nắm bắt được. Thiên tử nên biết, giống như có hai người ở trong một hang núi, mỗi người xoay về một hướng, cùng một lúc cất tiếng ca ngợi Phật, Pháp, Tăng. Ý các vị thế nào? Hai tiếng vang này có thể nghe lẫn nhau? Có thể hiểu lẫn nhau không?
Các Thiên tử đáp:
–Bạch Đại đức, không!
Thiện Hiện bảo:
–Đúng vậy, Thiên tử, tất cả pháp đều như tiếng vang. Nay trong nghĩa tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, người thuyết, người nghe và người hiểu đều chẳng thể nắm bắt được. Thiên tử nên biết, ví như nhà ảo thuật hoặc đệ tử của vị ấy, ở ngã tư đường, hóa làm bốn chúng và một Như Lai thuyết pháp. Ý các vị thế nào? Trong đây thật có người thuyết, người nghe, người hiểu không?
Các Thiên tử đáp:
–Bạch Đại đức, không!
Thiện Hiện bảo:
–Đúng vậy, Thiên tử! Tất cả pháp đều như ảo huyễn. Nay trong nghĩa tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, người thuyết, người nghe và người hiểu đều chẳng thể nắm bắt được. Thiên tử nên biết, bởi do nhân duyên này, nên tôi nói: đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, trong nghĩa tương ưng tôi không thuyết một chữ. Các vị cũng không nghe, thì lấy gì mà hiểu được.
Khi ấy các Thiên tử lại nghĩ thế này: “Đại đức Thiện Hiện, đối với nghĩa thậm thâm của Bát-nhã ba-la-mật-đa, tuy dùng nhiều phương tiện thuyết rõ, muốn chúng ta dễ hiểu nhưng nghĩa thú kia sâu xa lại càng sâu xa hơn, vi tế lại càng vi tế hơn, khó có thể lường được.”
Cụ thọ Hiện Thiện biết tâm niệm của các vị ấy, nên liền bảo rằng:
–Thiên tử nên biết, sắc uẩn chẳng phải sâu xa, chẳng phải vi tế. Thọ, tưởng, hành, thức uẩn chẳng phải sâu xa, chẳng phải vi tế. Vì sao? Này các Thiên tử, vì tự tánh sắc uẩn cho đến tự tánh thức uẩn đều chẳng phải sâu xa, chẳng phải vi tế. Như vậy cho đến trí Nhất thiết chẳng phải sâu xa, chẳng phải vi tế. Trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng cũng chẳng phải sâu xa, chẳng phải vi tế. Vì sao? Các Thiên tử, vì tự tánh trí Nhất thiết; tự tánh trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng đều chẳng phải sâu xa, chẳng phải vi tế.
Lúc ấy các Thiên tử lại nghĩ như vầy: “Đại đức Thiện Hiện, trong pháp được thuyết không nêu bày sắc uẩn, cũng không nêu bày thọ, tưởng, hành, thức uẩn. Vì sao? Vì tánh sắc uẩn... đều chẳng thể nêu bày. Như vậy cho đến không nêu bày trí Nhất thiết, cũng không nêu bày trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng. Vì sao? Vì tánh trí Nhất thiết... đều chẳng thể nêu bày. Trong lúc thuyết pháp, Đại đức Thiện Hiện không nêu bày Dự lưu hướng, Dự lưu quả, Nhất lai hướng, Nhất lai quả, Bất hoàn hướng, Bất hoàn quả, A-la-hán hướng, A-la-hán quả, Độc giác hướng, Độc giác quả, tất cả Đại Bồ-tát hành quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật. Vì sao? Vì tánh Dự lưu hướng... đều chẳng thể nêu bày. Trong lúc thuyết pháp, Đại đức Thiện Hiện cũng không nêu bày ngôn ngữ, văn tự. Vì sao? Vì tánh của ngôn ngữ, văn tự đều chẳng thể nêu bày.
Cụ thọ Thiện Hiện biết các Thiên tử đang nghĩ về pháp, liền bảo họ rằng:
–Đúng vậy, đúng vậy, đúng như ý nghĩ của các vị! Sắc uẩn cho đến Vô thượng Bồ-đề thì văn tự, ngôn ngữ đều chẳng thể nêu bày. Cho nên trong nghĩa tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, không có người thuyết, không người nghe cũng không người hiểu. Do đó các vị đối với các pháp, phải tùy theo lời thuyết mà tu hành nhẫn nhục vững chắc. Thiên tử nên biết, các vị muốn chứng, muốn trụ Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-lahán quả, Độc giác Bồ-đề, quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật, cần phải nương vào pháp nhẫn này mới có thể chứng đắc và an trụ. Như vậy Thiên tử, các Đại Bồ-tát từ lúc mới phát tâm cho đến khi rốt ráo; nên trụ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, không thuyết, không nghe, không hiểu này, luôn luôn siêng năng tu học, không nên tạm lìa bỏ.
Bấy giờ các Thiên tử lại nghĩ như vầy:
–Đại đức Thiện Hiện, nay muốn vì hữu tình nào mà thuyết những pháp nào?
Cụ thọ Thiện Hiện biết tâm niệm của chư Thiên, Ngài liền bảo họ rằng:
–Thiên tử nên biết, nay tôi muốn vì hữu tình như huyễn, như hóa, như mộng nên cũng lại tuyên thuyết pháp như huyễn, như hóa, như mộng. Vì sao? Vì như vậy thì người nghe đối với việc thuyết pháp cũng không nghe, không hiểu, không chứng.
Khi ấy, các Thiên tử liền hỏi lại:
–Người thuyết, người nghe và pháp được thuyết đều thấy như huyễn, như hóa, như mộng sao?
Thiện Hiện đáp:
–Đúng vậy, đúng vậy, đúng như lời các vị nói! Hữu tình như huyễn vì người như huyễn mà pháp thuyết cũng như huyễn. Hữu tình như hóa, vì người như hóa mà pháp thuyết cũng như hóa. Hữu tình như mộng vì người như mộng mà pháp thuyết cũng như mộng. Thiên tử nên biết, ngã cho đến cái thấy; đều thấy như huyễn, như hóa, như mộng. Sắc uẩn cho đến thức uẩn, cũng thấy như huyễn, như hóa, như mộng. Cho đến quả vị Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Độc giác Bồ-đề, quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật, cũng thấy như huyễn, như hóa, như mộng.
Khi ấy chư Thiên hỏi Thiện Hiện:
–Bạch Đại đức, nay ngài chỉ nói ngã cho đến Bồ-đề, thấy như huyễn, như hóa, như mộng. Vậy ngài cũng nói thấy Niết-bàn như huyễn, như hóa, như mộng sao?
Thiện Hiện đáp:
–Nay tôi không chỉ nói ngã cho đến Bồ-đề thấy như huyễn, như hóa, như mộng, mà còn nói Niếtbàn cũng thấy như huyễn, như hóa, như mộng. Thiên tử nên biết, giả sử có pháp cao hơn Niết-bàn. Tôi cũng thuyết mà thấy như huyễn, như hóa, như mộng. Vì sao? Này các Thiên tử, vì việc huyễn, hóa, mộng cùng với tất cả pháp cho đến Niết-bàn, tất cả đều không hai, không hai phần.
Bấy giờ các vị đại Thanh văn, Cụ thọ Xá-lợi Tử, Đại Mục-liên, Chấp Đại Tạng, Mãn Từ Tử, Đại Ca-đa-diễn-na, Đại Ca-diếp-ba... và vô lượng trăm ngàn Đại Bồ-tát cùng cất tiếng hỏi Cụ thọ Thiện Hiện:
–Bát-nhã ba-la-mật-đa mà Tôn giả đã thuyết, thậm thâm như vậy, khó thấy, khó hiểu, tịch tĩnh vi diệu, chẳng phải chỗ suy nghĩ, vượt lên cảnh giới suy nghĩ, tối thắng nhất thì ai có thể tin hiểu, lãnh thọ được?
Lúc đó Khánh Hỷ bạch với các vị đại Thanh văn và các Đại Bồ-tát:
–Có các Đại Bồ-tát không thoái chuyển, đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa này, có thể lãnh thọ và tin hiểu sâu xa. Lại có vô lượng A-la-hán đã thấy Thánh đế đối với các pháp sâu xa có thể đạt tận nguồn gốc, sở nguyện đã viên mãn, các lậu vĩnh viễn chấm dứt, nên đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa này có thể tin hiểu, lãnh thọ. Lại có vô lượng thiện nam, thiện nữ... đã ở trong thời quá khứ vô lượng, vô số, trăm ngàn muôn ức Phật, thân cận, cúng dường, phát thệ nguyện rộng lớn, trồng các căn lành, trí tuệ, thông minh, được sự giúp đỡ của bạn lành, đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng có thể tin hiểu lãnh thọ. Vì sao? Những vị như vậy, đối với pháp, chẳng phải pháp đều không phân biệt. Nghĩa là không dùng không, chẳng không để phân biệt với sắc cho đến thức, cũng không dùng sắc cho đến thức để phân biệt không, chẳng không. Không dùng có tướng, không tướng để phân biệt sắc cho đến thức; cũng không dùng sắc cho đến thức để phân biệt có tướng, không tướng. Không dùng có nguyện, không nguyện để phân biệt sắc cho đến thức; cũng không dùng sắc cho đến thức để phân biệt có nguyện, không nguyện. Không dùng tịch tĩnh, chẳng tịch tĩnh để phân biệt sắc cho đến thức; cũng không dùng sắc cho đến thức để phân biệt tịch tĩnh, chẳng tịch tĩnh. Không dùng xa lìa, chẳng xa lìa để phân biệt sắc cho đến thức; cũng không dùng sắc cho đến thức để phân biệt xa lìa, chẳng xa lìa. Không dùng sinh, chẳng sinh để phân biệt sắc cho đến thức; cũng không dùng sắc cho đến thức để phân biệt sinh, chẳng sinh. Không dùng diệt, chẳng diệt để phân biệt sắc cho đến thức; cũng không dùng sắc cho đến thức để phân biệt diệt, chẳng diệt. Như vậy cho đến không dùng không, chẳng không để phân biệt cảnh giới hữu vi, vô vi; cũng không dùng cảnh giới hữu vi, vô vi để phân biệt không, chẳng không. Không dùng có tướng, không tướng để phân biệt cảnh giới hữu vi, vô vi; cũng không dùng cảnh giới hữu vi, vô vi để phân biệt có tướng, không tướng. Không dùng có nguyện, không nguyện để phân biệt cảnh giới hữu vi, vô vi; cũng không dùng cảnh giới hữu vi, vô vi để phân biệt có nguyện, không nguyện. Không dùng tịch tĩnh, chẳng tịch tĩnh để phân biệt cảnh giới hữu vi, vô vi; cũng không dùng cảnh giới hữu vi, vô vi để phân biệt tịch tĩnh, chẳng tịch tĩnh. Không dùng xa lìa, chẳng xa lìa để phân biệt cảnh giới hữu vi, vô vi; cũng không dùng cảnh giới hữu vi, vô vi để phân biệt xa lìa, chẳng xa lìa. Không dùng sinh, chẳng sinh để phân biệt cảnh giới hữu vi, vô vi; cũng không dùng cảnh giới hữu vi, vô vi để phân biệt sinh, chẳng sinh. Không dùng diệt, chẳng diệt để phân biệt cảnh giới hữu vi, vô vi; cũng không dùng cảnh giới hữu vi, vô vi để phân biệt diệt, chẳng diệt. Do nhân duyên này, nên những vị như vậy, đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa này đều có thể tin hiểu và thọ trì.
Khi ấy Cụ thọ Thiện Hiện bảo các Thiên tử:
–Bát-nhã ba-la-mật-đa như vậy thật là thậm thâm, khó thấy, khó hiểu, tịch tĩnh vi diệu, chẳng phải chỗ suy nghĩ, vượt lên cảnh giới suy nghĩ, tối thắng đệ nhất. Trong đó, thật không có người có thể tin, hiểu, thọ trì. Vì sao? Vì trong đó không có pháp có thể hiển thị, cho nên người tin hiểu thọ trì cũng chẳng thể nắm bắt được.
Bấy giờ Xá-lợi Tử hỏi Thiện Hiện:
–Đâu phải trong giáo pháp sâu xa của Bát-nhã ba-la-mật-đa, nói rộng ra cho đến pháp tương ưng với Tam thừa là pháp Thanh văn thừa, pháp Độc giác thừa, pháp Vô thượng thừa, nói rộng ra cho đến đạo Bồ-tát nhiếp thọ các Đại Bồ-tát, từ lúc phát tâm ban đầu, lần lượt đến phát tâm lần thứ mười. Gọi là Bố thí ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa. An trụ pháp không bên trong cho đến pháp không không tánh tự tánh. An trụ chân như cho đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn. An trụ cảnh giới đoạn cho đến cảnh giới vô vi. An trụ Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo, hoặc bốn Niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo. Hoặc bốn Tĩnh lự, bốn Vô lượng, bốn Định vô sắc. Hoặc tám Giải thoát, chín Định thứ đệ. Hoặc pháp môn giải thoát Không, Vô tướng, Vô nguyện. Hoặc bậc Cực hỷ cho đến bậc Pháp vân. Hoặc năm loại mắt, sáu phép thần thông. Hoặc mười lực của Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng. Hoặc pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả. Hoặc tất cả pháp môn Đà-la-ni, tất cả pháp môn Tam-ma-địa. Hoặc trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng cho đến việc nhiếp thọ thần thông thù thắng của các Đại Bồ-tát. Đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, đó là những gì mà Đại Bồ-tát phải siêng năng tu hành, nên tùy theo chỗ sinh mà thường thọ hóa sinh; đối với thần thông không thoái chuyển, có thể tự tại an trụ, khéo thông đạt vô lượng pháp môn. Từ một cõi Phật đến một cõi Phật, thường cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen chư Phật Thế Tôn. Tùy theo sở nguyện mà gieo trồng các cội công đức, được thọ trì chánh pháp của chư Phật cho đến thường không quên mất pháp Vô thượng Chánh đẳng giác. Hằng ở thắng định, xa lìa tâm rối loạn. Do nhân duyên này mà đắc Vô ngại biện, Vô đoạn tận biện, Vô số mậu biện, Ưng biện tấn biện, Chư sở diễn thuyết phong nghĩa vị biện, Nhất thiết thế gian tối thắng diệu biện.
Thiện Hiện đáp:
–Đúng vậy, đúng vậy, thật đúng như lời ngài nói! Trong giáo pháp sâu xa của Bát-nhã ba-la-mật-đa này, đều dùng vô sở đắc mà làm phương tiện, nói rộng ra cho đến pháp tương ưng Tam thừa cho đến việc nhiếp thọ thần thông thù thắng của Bồ-tát cho đến chứng đắc tất cả diệu biện thù thắng của thế gian.
Khi ấy, Xá-lợi Tử hỏi Thiện Hiện:
–Trong giáo pháp sâu xa của Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế, thì những gì đã thuyết đều dùng vô sở đắc làm phương tiện. Vậy thì pháp nào ở đây dùng vô sở đắc làm phương tiện? Thiện Hiện đáp:
–Ở đấy, ngã cho đến cái thấy, dùng vô sở đắc làm phương tiện. Ở đây, sắc cho đến thức, dùng vô sở đắc làm phương tiện. Ở đây, nhãn xứ cho đến ý xứ, dùng vô sở đắc làm phương tiện. Ở đây, sắc xứ cho đến pháp xứ, dùng vô sở đắc làm phương tiện. Ở đây, nhãn giới cho đến ý giới, dùng vô sở đắc làm phương tiện. Ở đây, sắc giới cho đến pháp giới, dùng vô sở đắc làm phương tiện. Ở đây, nhãn thức giới cho đến ý thức giới, dùng vô sở đắc làm phương tiện. Ở đây, nhãn xúc cho đến ý xúc, dùng vô sở đắc làm phương tiện. Ở đây, các thọ do nhãn xúc làm duyên sinh ra, cho đến các thọ do ý xúc làm duyên sinh ra, đều dùng vô sở đắc làm phương tiện. Ở đây, địa giới cho đến thức giới, dùng vô sở đắc làm phương tiện. Ở đây, nhân duyên cho đến tăng thượng duyên, dùng vô sở đắc làm phương tiện. Ở đây, vô minh cho đến lão tử, dùng vô sở đắc làm phương tiện. Ở đây, Bố thí ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa, dùng vô sở đắc làm phương tiện. Ở đây, pháp không bên trong cho đến pháp không không tánh tự tánh, dùng vô sở đắc làm phương tiện. Ở đây, chân như cho đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn, dùng vô sở đắc làm phương tiện. Ở đây, cảnh giới đoạn cho đến cảnh giới vô vi, dùng vô sở đắc làm phương tiện. Ở đây, Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo, dùng vô sở đắc làm phương tiện. Ở đây, bốn Niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo, dùng vô sở đắc làm phương tiện. Ở đây, bốn Tĩnh lự, bốn Vô lượng, bốn Định vô sắc, dùng vô sở đắc làm phương tiện. Ở đây, tám Giải thoát, chín Định thứ đệ, dùng vô sở đắc làm phương tiện. Ở đây, pháp môn giải thoát Không, Vô tướng, Vô nguyện, dùng vô sở đắc làm phương tiện. Ở đây, bậc Tịnh quán cho đến bậc Như Lai, dùng vô sở đắc làm phương tiện. Ở đây, bậc Cực hỷ cho đến bậc Pháp vân, dùng vô sở đắc làm phương tiện. Ở đây, năm loại mắt, sáu phép thần thông, dùng vô sở đắc làm phương tiện. Ở đây, mười lực của Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng, dùng vô sở đắc làm phương tiện. Ở đây, ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp của bậc Đại sĩ, dùng vô sở đắc làm phương tiện.
Ở đây, pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả, dùng vô sở đắc làm phương tiện. Ở đây, tất cả pháp môn Đà-la-ni, tất cả pháp môn Tam-ma-địa, dùng vô sở đắc làm phương tiện. Ở đây, trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng, dùng vô sở đắc làm phương tiện. Ở đây, Dự lưu hướng, Dự lưu quả cho đến Đại Bồ-tát hành pháp quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật, dùng vô sở đắc làm phương tiện.
Lúc đó, Xá-lợi Tử hỏi Thiện Hiện:
–Do duyên gì mà trong giáo pháp thậm thâm của Bát-nhã ba-la-mật-đa này cho đến pháp tương ưng với ba thừa, dùng vô sở đắc làm phương tiện?
Do duyên gì mà trong giáo pháp thậm thâm của Bát-nhã ba-la-mật-đa này cho đến đạo Bồ-tát nơi nhiếp thọ các Đại Bồ-tát từ lúc phát tâm ban đầu cho đến phát tâm lần thứ mười, dùng vô sở đắc làm phương tiện?
Do duyên gì mà trong giáo pháp thậm thâm của Bát-nhã ba-la-mật-đa này cho đến việc nhiếp thọ thần thông thù thắng của các Đại Bồ-tát cho đến chứng đắc tất cả diệu biện tối thắng của thế gian?
Thiện Hiện đáp:
–Xá-lợi Tử, do pháp không bên trong cho đến pháp không không tánh tự tánh, cho nên trong giáo pháp sâu xa của Bát-nhã ba-la-mật-đa này cho đến pháp tương ưng với Tam thừa đều dùng vô sở đắc làm phương tiện.
Xá-lợi Tử, do pháp không bên trong cho đến pháp không không tánh tự tánh, cho nên trong giáo pháp sâu xa của Bát-nhã ba-la-mật-đa cho đến đạo Bồ-tát nhiếp thọ các Đại Bồ-tát từ lúc phát tâm ban đầu cho đến phát tâm lần thứ mười, đều dùng vô sở đắc làm phương tiện.
Xá-lợi Tử, do pháp không bên trong cho đến pháp không không tánh tự tánh, cho nên trong giáo pháp sâu xa của Bát-nhã ba-la-mật-đa, các việc nhiếp thọ thần thông thù thắng của các Đại Bồ-tát cho đến tất cả diệu biện tối thắng của thế gian đều dùng vô sở đắc làm phương tiện. Vì sao? Vì tất cả pháp đều không. Xét đến tận cùng rộng ra cứu cánh cũng chẳng thể nắm bắt được.
Lúc bấy giờ, Thiên đế Thích và bốn Đại thiên vương, trong thế giới ba lần ngàn cho đến trời Sắc cứu cánh, đồng nghĩ như vầy:
–Tôn giả Thiện Hiện đã nương nơi thần lực Phật vì chúng Đại Bồ-tát rưới trận mưa pháp lớn. Nay chúng ta nên vì thế mà cúng dường. Mỗi vị hãy hóa ra các loại hoa vi diệu của cõi trời, để rải cúng dường Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, các Đại Bồ-tát, hợp cùng Bí-sô Tăng, Tôn giả Thiện Hiện mà cúng dường Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nghĩ như vậy rồi, Thiên đế Thích và các vị trời, liền hóa thành hương hoa vi diệu ở cõi trời và rải cúng dường.
Khi ấy, nhờ thần lực của Phật, hoa nở khắp hư không, trong thế giới ba lần ngàn; biến thành đài hoa trang nghiêm, thù thắng, vi diệu, lớn bằng thế giới ba lần ngàn.
Cụ thọ Thiện Hiện thấy việc như vậy rồi, liền nghĩ: “Nay, hoa rải ở chỗ chư Thiên là điều chưa từng thấy. Hoa này thù thắng vi diệu, chắn chắn không phải do đất nước, cỏ cây sinh ra mà do sự biến hóa hiện từ tâm chư Thiên.”
Lúc đó, Thiên đế Thích biết suy nghĩ của Thiện Hiện, liền nói với Thiện Hiện:
–Hoa đã rải đây, thật chẳng phải do đất, nước, cỏ cây sinh ra, mà chỉ là do tâm của chư Thiên hóa hiện vậy.
Bấy giờ, Thiện Hiện nói với Đế Thích:
–Hoa này không sinh tức chẳng phải hoa.
Khi đó Thiên đế Thích hỏi Thiện Hiện:
–Chỉ hoa này là không sinh, còn các pháp khác cũng vậy chứ?
Thiện Hiện đáp:
–Không phải chỉ hoa này là không sinh. Các pháp khác cũng không sinh. Nghĩa là sao? Kiềuthi-ca, sắc cũng không sinh. Thọ, tưởng, hành, thức cũng không sinh. Đây đã không sinh, tức chẳng phải là sắc cho đến thức. Vì sao? Vì pháp không sinh, thì xa lìa các hý luận và không thể trình bày là sắc...; nhãn xứ cho đến ý xứ; sắc xứ cho đến pháp xứ; nhãn giới cho đến ý giới; sắc giới cho đến pháp giới; nhãn thức giới cho đến ý thức giới; nhãn xúc cho đến ý xúc; các thọ do nhãn xúc làm duyên sinh ra, cho đến các thọ do ý xúc làm duyên sinh ra; địa giới cho đến thức giới; nhân duyên cho đến tăng thượng duyên; vô minh cho đến lão tử; Bố thí ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa; pháp không bên trong cho đến pháp không không tánh tự tánh; chân như cho đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn; cảnh giới đoạn cho đến cảnh giới vô vi; Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo; bốn Niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo; bốn Tĩnh lự, bốn Vô lượng, bốn Định vô sắc; tám Giải thoát, chín Định thứ đệ; pháp môn giải thoát Không, Vô tướng, Vô nguyện; bậc Tịnh quán cho đến bậc Như Lai; bậc Cực hỷ cho đến bậc Pháp vân; năm loại mắt, sáu phép thần thông; mười lực của Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng; ba mươi hai tướng Đại sĩ, tám mươi vẻ đẹp của bậc Đại sĩ; pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả; tất cả pháp môn Đà-la-ni, tất cả pháp môn Tamma-địa; trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng; Dự lưu hướng, Dự lưu quả cho đến hạnh của các Đại Bồ-tát, quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật; Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Độc giác, Bồ-tát và chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, phải nên biết như vậy.
Khi ấy, Thiên đế Thích nghĩ thầm như vầy: “Trí tuệ của Tôn giả thật là thâm sâu, chỉ thuyết pháp tánh mà không bỏ giả danh.”
Đức Phật biết ý nghĩ đó, liền nói với Đế Thích: –Đúng như ý nghĩ của Kiều-thi-ca! Trí tuệ của Cụ thọ Thiện Hiện thật là thâm sâu, chỉ thuyết pháp tánh mà không bỏ giả danh.
Lúc đó, Thiên đế Thích bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, Tôn giả Thiện Hiện đối với những pháp gì, thuyết pháp tánh mà không bỏ giả danh?
Bấy giờ, Phật bảo Thiên đế Thích:
–Kiều-thi-ca, sắc cho đến thức chỉ là giả danh, giả danh như vậy nhưng không rời pháp tánh. Cụ thọ Thiện Hiện chỉ thuyết pháp tánh của sắc... mà giả danh của sắc... như thế không bị hoại. Vì sao? Vì pháp của tánh của sắc... không hoại, không không hoại; cho đến việc thuyết của Thiện Hiện cũng không hoại, không không hoại. Như vậy cho đến tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, cũng nên biết như vậy. Kiều-thi-ca, Cụ thọ Thiện Hiện đối với pháp như vậy, chỉ thuyết pháp tánh mà không bỏ giả danh.
Bấy giờ Thiện Hiện nói với Đế Thích:
–Kiều-thi-ca, đúng vậy, đúng vậy, đúng như lời Phật thuyết, các pháp các mặt đều là giả danh. Kiều-thi-ca, các Đại Bồ-tát biết tất cả pháp chỉ là giả danh rồi, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa. Kiềuthi-ca, khi các Đại Bồ-tát học như vậy, thì không phải đối với sắc mà học, cũng không phải đối với thọ, tưởng, hành, thức mà học. Vì sao? Vì Đại Bồtát này không thấy sắc, có thể có ở trong đó mà học, cũng không thấy thọ, tưởng, hành, thức có thể có ở trong đó mà học. Như vậy cho đến đối với chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác cũng nên biết như vậy.
Lúc đó Thiên đế Thích hỏi Thiện Hiện:
–Do nhân duyên gì mà Đại Bồ-tát trong lúc học không thấy sắc, cũng không thấy thọ, tưởng, hành, thức, cho đến cũng không thấy tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác?
Thiện Hiện đáp:
–Kiều-thi-ca, sắc, tánh của sắc là không. Thọ, tưởng, hành, thức; tánh của thọ, tưởng, hành, thức là không. Cho đến Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác; tánh của Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác cũng là không. Kiều-thi-ca, các Đại Bồ-tát do nhân duyên này mà trong lúc học không thấy sắc cho đến thức; cho đến không thấy tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác. Vì sao? Kiều-thi-ca, vì không thể dùng sắc không mà thấy sắc không; không thể dùng sắc không mà học sắc không. Như vậy cho đến không thể dùng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác không, mà thấy Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác không. Không thể dùng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác không, mà học Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác không. Kiều-thi-ca, nếu Đại Bồ-tát không học không, thì Đại Bồ-tát này là học không. Vì sao? Vì không hai phần. Kiều-thi-ca, nếu Đại Bồ-tát không học nơi sắc không cho đến không học nơi tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác không thì Đại Bồ-tát này là học nơi sắc không cho đến học nơi tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác không. Vì sao? Vì không hai phần. Kiều-thi-ca, nếu Đại Bồ-tát dùng không thể phân hai làm phương tiện đối với việc học chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác không; thì Đại Bồ-tát này có thể dùng không hai làm phương tiện.
Để học Bố thí ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa. Học pháp không bên trong cho đến pháp không không tánh tự tánh. Học chân như cho đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn. Học cảnh giới đoạn cho đến cảnh giới vô vi. Học Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo. Học bốn Niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo. Học bốn Tĩnh lự, bốn Vô lượng, bốn Định vô sắc. Học tám Giải thoát, chín Định thứ đệ. Học pháp môn giải thoát Không, Vô tướng, Vô nguyện. Học bậc Tịnh quán cho đến bậc Như Lai. Học bậc Cực hỷ cho đến bậc Pháp vân. Học năm loại mắt, sáu phép thần thông. Học mười lực của Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng. Học ba mươi hai tướng Đại sĩ, tám mươi vẻ đẹp. Học pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả. Học tất cả pháp môn Đà-la-ni, tất cả pháp môn Tamma-địa. Học trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng. Học Dự lưu hướng, Dự lưu quả cho đến Đại Bồ-tát hành quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật. Học Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-lahán, Độc giác, Bồ-tát và chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác.
Kiều-thi-ca, nếu Đại Bồ-tát nào có thể dùng pháp không hai làm phương tiện, học Bố thí ba-la-mật-đa cho đến Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thì Đại Bồ-tát đó có thể dùng pháp không hai làm phương tiện để học vô số, vô lượng, vô biên không thể nghĩ bàn hết thanh tịnh Phật pháp. Đại Bồ-tát này không vì sắc tăng mà học, không vì sắc giảm mà học, cho đến không vì tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tăng mà học; không vì Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác giảm mà học. Vì sao? Kiều-thi-ca, vì sắc cho đến tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác không hai phần. Kiều-thi-ca, nếu Đại Bồ-tát nào không vì sắc tăng mà học, cũng không vì sắc giảm mà học cho đến không vì tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tăng mà học, cũng không vì tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác giảm mà học, thì Đại Bồ-tát này không vì giữ gìn sắc mà học, cũng không vì hoại diệt sắc mà học.
Như vậy cho đến, không vì giữ gìn tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác mà học, cũng không vì hoại diệt tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác mà học. Vì sao? Kiều-thi-ca, vì nhiếp thọ, hoại diệt đều không hai phần.
Bấy giờ, Xá-lợi Tử hỏi Thiện Hiện:
–Khi các Đại Bồ-tát học như vậy, không vì giữ gìn sắc mà học, cũng không vì hoại diệt sắc mà học. Cho đến không vì giữ gìn tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác mà học, cũng không vì hoại diệt tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác mà học ư? Thiện Hiện đáp:
–Đúng vậy, đúng vậy! Xá-lợi Tử, khi các Đại Bồ-tát học như vậy, không vì giữ gìn sắc mà học, cũng không vì hoại diệt sắc mà học. Cho đến không vì giữ gìn tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác mà học, cũng không vì hoại diệt tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác mà học.
Khi đó, Xá-lợi Tử hỏi Thiện Hiện:
–Do nhân duyên gì mà các Đại Bồ-tát khi học như vậy, không vì giữ gìn sắc mà học, cũng không vì hoại diệt sắc mà học. Cho đến không vì giữ gìn tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác mà học, cũng không vì hoại diệt tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác mà học? Thiện Hiện đáp:
–Khi các Đại Bồ-tát học như vậy, không thấy có sắc để có thể giữ gìn và có thể hoại diệt, cũng không thấy người để có thể giữ gìn sắc và hoại diệt sắc. Cho đến không thấy có tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác để có thể giữ gìn và có thể hoại diệt, cũng không thấy có người để có thể giữ gìn tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và có thể hoại diệt. Vì sao? Xá-lợi Tử, vì pháp, sắc... hoặc chủ thể, hoặc đối tượng, hoặc trong, hoặc ngoài đều không, đều chẳng thể nắm bắt được.
Xá-lợi Tử, nếu Đại Bồ-tát nào không thấy các pháp là có thể giữ gìn và có thể hoại diệt, cũng lại không thấy có người để có thể giữ gìn và hoại diệt mà học Bát-nhã ba-la-mật-đa thì Đại Bồ-tát này mau chóng thành tựu trí Nhất thiết trí.
Khi ấy Xá-lợi Tử hỏi Thiện Hiện:
–Các Đại Bồ-tát khi học Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế, mau chóng thành tựu trí Nhất thiết trí ư?
Thiện Hiện đáp:
–Xá-lợi Tử, các Đại Bồ-tát khi học Bát-nhã ba-la-mật-đa như vậy, thì mau chóng thành tựu trí Nhất thiết trí. Vì sao? Xá-lợi Tử, vì các Đại Bồ-tát khi học như vậy, thì đối với tất cả pháp, không vì giữ gìn, không vì hoại diệt mà chỉ vì phương tiện.
Lúc đó, Xá-lợi Tử hỏi Thiện Hiện:
–Nếu Đại Bồ-tát, khi học như vậy, thì đối với tất cả pháp, không vì giữ gìn, không vì hoại diệt, chỉ vì phương tiện; thì làm sao có thể thành tựu trí Nhất thiết trí?
Thiện Hiện đáp:
–Đại Bồ-tát này hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, không thấy sắc cho đến thức là sinh, là diệt, là giữ, là bỏ, là nhiễm, là tịnh, là hợp, là tan, là tăng, là giảm. Cho đến không thất tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác là sinh, là diệt, là giữ, là bỏ, là nhiễm, là tịnh, là hợp, là tan, là tăng, là giảm. Vì sao? Vì sắc cho đến tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, tự tánh đều không, hoàn toàn chẳng thể nắm bắt được. Như vậy, Xá-lợi Tử, các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, đối với tất cả pháp đều không thấy sinh, diệt cho đến tăng, giảm. Vì lấy điều không học, không thành tựu mà làm phương tiện, để tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa, thì có thể thành tựu trí Nhất thiết trí.
Lúc bấy giờ Thiên đế Thích hỏi Xá-lợi Tử:
–Bạch Đại đức, các Đại Bồ-tát muốn học Bátnhã ba-la-mật-đa nên cầu ở đâu?
Xá-lợi Tử đáp:
–Kiều-thi-ca, các Đại Bồ-tát muốn học Bát-nhã ba-la-mật-đa nên cầu học ở phẩm Thiện Hiện đã nói ở trước.
Lúc ấy Thiên đế Thích hỏi Thiện Hiện:
–Có phải nhờ thần lực của Tôn giả làm chỗ nương tựa hộ trì, khiến cho Xá-lợi Tử nói như vậy không?
Thiện Hiện đáp:
–Kiều-thi-ca, không phải nhờ thần lực của tôi làm chỗ nương tựa, hộ trì, khiến cho Xá-lợi Tử nói như vậy đâu.
Thiên đế Thích lại hỏi:
–Vậy nhờ thần lực của ai làm chỗ nương tựa, hộ trì khiến cho Xá-lợi Tử nói như vậy?
Thiện Hiện đáp:
–Chính nhờ thần lực của Phật làm chỗ nương tựa, hộ trì khiến cho Xá-lợi Tử nói như vậy.
Thiên đế Thích nói:
–Tất cả pháp đều không chỗ nương tựa, hộ trì. Như vậy làm sao nói là nhờ thần lực của Phật làm chỗ nương tựa, hộ trì, khiến cho Xá-lợi Tử nói như vậy?
Thiện Hiện bảo:
–Đúng vậy, đúng vậy, đúng như lời ngài nói! Tất cả pháp không chỗ nương tựa, hộ trì cho nên Như Lai chẳng có thể nương tựa, hộ trì, chẳng làm chỗ nương tựa, hộ trì, chỉ vì thuận theo pháp thế gian cho nên nói làm chỗ nương tựa, hộ trì.
Kiều-thi-ca, Như Lai cùng với sự không nương tựa, hộ trì, là chẳng thể nắm bắt được. Như Lai xa lìa sự không nương tựa, hộ trì, là chẳng thể nắm bắt được. Như Lai trong chân như, không nương tựa, hộ trì là chẳng thể nắm bắt được. Trong Như Lai, chân như không nương tựa, hộ trì, là chẳng thể nắm bắt được. Như Lai trong pháp tánh, không nương tựa, hộ trì là chẳng thể nắm bắt được. Trong Như Lai, pháp tánh không nương tựa, hộ trì là chẳng thể nắm bắt được.
Kiều-thi-ca, Như Lai cùng với sắc, chẳng thể nắm bắt được. Như Lai xa lìa sắc, chẳng thể nắm bắt được. Như Lai trong chân như sắc, chẳng thể nắm bắt được. Chân như sắc trong Như Lai, chẳng thể nắm bắt được. Như Lai trong pháp tánh sắc, chẳng thể nắm bắt được. Pháp tánh sắc trong Như Lai, chẳng thể nắm bắt được. Như vậy cho đến Như Lai cùng với trí Nhất thiết tướng đều là chẳng thể nắm bắt được. Như Lai xa lìa trí Nhất thiết tướng, chẳng thể nắm bắt được. Như Lai trong chân như của trí Nhất thiết tướng, chẳng thể nắm bắt được. Chân như của trí Nhất thiết tướng trong Như Lai, chẳng thể nắm bắt được. Như Lai trong pháp tánh trí Nhất thiết tướng, chẳng thể nắm bắt được. Pháp tánh trí Nhất thiết tướng trong Như Lai, chẳng thể nắm bắt được. Vì sao? Kiều-thi-ca, vì Như Lai cùng với sắc chẳng hợp, chẳng tan. Như Lai cùng với xa lìa sắc, cũng chẳng hợp, chẳng tan. Như Lai cùng với chân như của sắc chẳng hợp, chẳng tan. Như Lai cùng với xa lìa chân như sắc chẳng hợp, chẳng tan. Như Lai cùng với pháp tánh sắc chẳng hợp, chẳng tan. Như Lai cùng với xa lìa pháp tánh sắc chẳng hợp, chẳng tan. Như vậy cho đến Như Lai cùng với trí Nhất thiết tướng chẳng hợp, chẳng tan. Như Lai cùng với xa lìa trí Nhất thiết tướng chẳng hợp, chẳng tan. Như Lai cùng với chân như trí Nhất thiết tướng chẳng hợp, chẳng tan. Như Lai cùng với xa lìa chân như trí Nhất thiết tướng chẳng hợp, chẳng tan. Như Lai cùng với pháp tánh trí Nhất thiết tướng chẳng hợp, chẳng tan. Như Lai cùng với xa lìa pháp tánh trí Nhất thiết tướng chẳng hợp, chẳng tan.
Kiều-thi-ca, Tôn giả Xá-lợi Tử đã nói những lời kia là đối với tất cả pháp chẳng gần, chẳng xa, chẳng hợp, chẳng tan. Nhờ thần lực của Như Lai mà làm chỗ nương tựa, hộ trì. Dùng không nương tựa, hộ trì; làm chỗ cho nương tựa, hộ trì.
Lại nữa Kiều-thi-ca, lúc trước ngài hỏi các Đại Bồ-tát học Bát-nhã ba-la-mật-đa nên cầu ở đâu? Kiều-thi-ca, việc học Bát-nhã ba-la-mật-đa của các Đại Bồ-tát là không nên cầu trong sắc, không nên cầu rời sắc. Như vậy cho đến không nên cầu trong trí Nhất thiết tướng, không nên cầu xa lìa trí Nhất thiết tướng. Vì sao? Kiều-thi-ca, hoặc sắc, hoặc lìa sắc cho đến trí Nhất thiết tướng, hoặc lìa trí Nhất thiết tướng, hoặc Bát-nhã ba-la-mật-đa, hoặc Đại Bồ-tát, hoặc cầu tất cả pháp không hợp, không tan như thế, vô sắc, vô kiến, vô đối, một tướng gọi là không tướng. Vì sao? Vì việc học Bát-nhã ba-la-mật-đa của các Đại Bồ-tát là chẳng phải sắc, chẳng phải xa lìa sắc, cho đến chẳng phải trí Nhất thiết tướng, chẳng phải xa lìa trí Nhất thiết tướng. Chẳng phải chân như sắc, chẳng phải xa lìa chân như sắc; cho đến chẳng phải chân như trí Nhất thiết tướng, chẳng phải xa lìa chân như trí Nhất thiết tướng. Chẳng phải pháp tánh sắc, chẳng phải xa lìa pháp tánh sắc, cho đến chẳng phải pháp tánh trí Nhất thiết tướng, chẳng phải xa lìa pháp tánh trí Nhất thiết tướng. Vì sao? Kiều-thi-ca, vì tất cả pháp như thế đều không sở hữu, đều chẳng thể nắm bắt được. Do không sở hữu, chẳng thể nắm bắt được, cho nên việc học Bát-nhã ba-la-mật-đa của các Đại Bồ-tát là chẳng phải sắc, chẳng phải xa lìa sắc, cho đến chẳng phải trí Nhất thiết tướng, chẳng phải xa lìa trí Nhất thiết tướng. Chẳng phải chân như của sắc, chẳng phải xa lìa chân như của sắc cho đến chẳng phải chân như của trí Nhất thiết tướng, chẳng phải xa lìa chân như của trí Nhất thiết tướng. Chẳng phải pháp tánh của sắc, chẳng phải xa lìa pháp tánh của sắc; cho đến chẳng phải pháp tánh của trí Nhất thiết tướng, chẳng phải xa lìa pháp tánh của trí Nhất thiết tướng.
Khi ấy, Thiên đế Thích thưa ngài Thiện Hiện:
–Việc học Bát-nhã ba-la-mật-đa của Đại Bồ-tát là đại Ba-la-mật-đa, là vô lượng Ba-la-mật-đa, là vô biên Ba-la-mật-đa. Các vị Dự lưu sẽ đắc quả Dự lưu, nơi việc học này. Các vị Nhất lai sẽ đắc quả Nhất lai, nơi việc học này. Các vị Bất hoàn sẽ đắc quả Bất hoàn, nơi việc học này. Các vị A-la-hán sẽ đắc quả A-la-hán, nơi việc học này. Các vị Độc giác sẽ đắc quả Độc giác, nơi việc học này. Các Đại Bồ-tát có thể giáo hóa hữu tình và trang nghiêm cõi Phật, chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột nơi việc học này.
Thiện Hiện liền nói:
–Đúng vậy, đúng vậy, đúng như lời ngài nói! Vì sao? Kiều-thi-ca, vì sắc rộng lớn, cho nên việc học Bát-nhã ba-la-mật-đa của Đại Bồ-tát cũng rộng lớn; cho đến trí Nhất thiết tướng rộng lớn, nên việc học Bát-nhã ba-la-mật-đa của Đại Bồ-tát cũng rộng lớn. Vì sao? Vì giai đoạn trước, sau, giữa của sắc cho đến trí Nhất thiết tướng đều chẳng thể nắm bắt được, cho nên gọi là rộng lớn. Do sự rộng lớn kia, cho nên việc học Bát-nhã ba-la-mật-đa của Đại Bồ-tát cũng là rộng lớn. Kiều-thi-ca, sắc vô lượng, cho nên việc học Bát-nhã ba-la-mật-đa của Đại Bồtát cũng vô lượng; cho đến trí Nhất thiết tướng vô lượng, cho nên việc học Bát-nhã ba-la-mật-đa của Đại Bồ-tát cũng vô lượng. Vì sao? Vì lượng của sắc cho đến Nhất thiết tướng là chẳng thể nắm bắt được; giống như lượng của hư không cũng chẳng thể nắm bắt được. Sắc... cũng vậy cũng vô lượng sắc. Sắc... vô lượng, cho nên việc học Bát-nhã ba-la-mật-đa của Đại Bồ-tát cũng vô lượng. Kiều-thica, sắc vô biên, cho nên việc học Bát-nhã ba-la-mật-đa của Đại Bồ-tát cũng vô biên. Cho đến trí Nhất thiết tướng vô biên, cho nên việc học Bát-nhã ba-la-mật-đa của Đại Bồ-tát cũng vô biên. Vì sao? Vì sắc cho đến trí Nhất thiết tướng, ở trong hay ngoài đều chẳng thể nắm bắt được. Giống như hư không, ở trong hay ngoài, đều chẳng thể nắm bắt được. Sắc... cũng vậy, cho nên nói vô biên. Kiềuthi-ca, hư không vô biên, cho nên sắc... cũng vô biên. Sắc... vô biên, cho nên việc học Bát-nhã ba-la-mật-đa của Đại Bồ-tát cũng vô biên.
Lại nữa Kiều-thi-ca, sở duyên vô biên cho nên việc học Bát-nhã ba-la-mật-đa của Đại Bồ-tát cũng vô biên.
Thiên đế Thích hỏi:
–Vì sao sở duyên vô biên, cho nên việc học Bát-nhã ba-la-mật-đa của Đại Bồ-tát cũng vô biên? Thiện Hiện đáp:
–Sở duyên của trí Nhất thiết trí vô biên, cho nên việc học Bát-nhã ba-la-mật-đa của Đại Bồ-tát cũng vô biên. Lại nữa Kiều-thi-ca, sở duyên của pháp giới vô biên, cho nên việc học Bát-nhã ba-la-mậtđa của Đại Bồ-tát cũng vô biên.
Thiên đế Thích hỏi:
–Vì sao sở duyên của pháp giới vô biên, cho nên việc học Bát-nhã ba-la-mật-đa của Đại Bồ-tát cũng vô biên?
Thiện Hiện đáp:
–Pháp giới vô biên cho nên sở duyên cũng vô biên. Sở duyên vô biên cho nên pháp giới cũng vô biên. Sở duyên của pháp giới vô biên cho nên việc học Bát-nhã ba-la-mật-đa của Đại Bồ-tát cũng vô biên. Lại nữa Kiều-thi-ca, sở duyên của chân như vô biên, cho nên việc học Bát-nhã ba-la-mật-đa của Đại Bồ-tát cũng vô biên.
Thiên đế Thích hỏi:
–Vì sao sở duyên của chân như vô biên, cho nên việc học Bát-nhã ba-la-mật-đa của Đại Bồ-tát cũng vô biên?
Thiện Hiện đáp:
–Chân như vô biên, cho nên sở duyên cũng vô biên. Sở duyên vô biên, cho nên chân như cũng vô biên. Sở duyên của chân như vô biên, cho nên việc học Bát-nhã ba-la-mật-đa của Đại Bồ-tát cũng vô biên. Lại nữa Kiều-thi-ca, hữu tình vô biên, cho nên việc học Bát-nhã ba-la-mật-đa của Đại Bồ-tát cũng vô biên.
Thiên đế Thích hỏi:
–Vì sao hữu tình vô biên, cho nên việc học Bátnhã ba-la-mật-đa của Đại Bồ-tát cũng vô biên?
Thiện Hiện đáp:
–Ý ngài thế nào? Nói hữu tình, vậy hữu tình ấy là chỉ cho ý niệm của pháp nào?
Thiên đế Thích bạch:
–Bạch Đại đức, hữu tình, hữu tình ấy, chẳng phải là khái niệm của pháp, cũng chẳng phải là khái niệm của chẳng phải pháp, chỉ là giả lập, khách quan thuộc về tên gọi tạm thời, thuộc về tên gọi không thật, thuộc về tên gọi không có nhân duyên.
Thiện Hiện lại hỏi:
–Vậy, theo ý ngài, trong kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, là hiển thị thật có hữu tình chứ?
Thiên đế Thích bạch:
–Bạch Đại đức, không có!
Thiện Hiện dạy rằng:
–Trong kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này đã không hiển thị thật có hữu tình, cho nên nói vô biên, vì ở trong hay ngoài nó đều chẳng thể nắm bắt được. Kiều-thi-ca, ý ngài thế nào? Chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, trải qua hằng hà sa kiếp, đã thuyết các hữu tình chỉ là danh tự. Trong đấy, có hữu tình, có sinh, có diệt không?
Thiên đế Thích thưa:
–Bạch Đại đức, không! Vì sao? Vì bản tánh các hữu tình vốn thanh tịnh, từ xưa đến nay đều không sở hữu.
Thiện Hiện dạy:
–Do điều này, tôi nói hữu tình vô biên, cho nên việc học Bát-nhã ba-la-mật-đa của Đại Bồ-tát cũng vô biên. Kiều-thi-ca, bởi do nhân duyên đó, cho nên việc học Bát-nhã ba-la-mật-đa của Đại Bồ-tát, phải nói là rất to lớn, vô lượng, vô biên.
[Mục lục bộ Bát-nhã][220][221][222][223][224][225][226][227][228][229][230][231][232][233][234][235][236][237][238][239][240][241][242][243][244][245][246][247][248][249][250][251][252][253][254][255][256][257][258][259][260][261]