SỐ 220
KINH ĐẠI BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA

HỘI THỨ III

Phẩm 5: Hiện bảo tháp
(QUYỂN 500 - 502)

Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.

QUYỂN 500

QUYỂN 501

QUYỂN 502


QUYỂN 500

Phẩm 5: Hiện Bảo tháp (1)

Bấy giờ trong hội chúng, Thiên đế Thích... và chư Thiên ở cõi Dục. Phạm thiên vương... và chư Thiên ở cõi Sắc, cùng với Thiên nữ Y-xá-na Thần tiên, đồng thời ba lần cất cao tiếng, xướng rằng:

–Lành thay, lành thay! Đại đức Thiện Hiện phụng sự thần lực của Phật, làm chỗ nương tựa và hộ trì; khéo léo vì chúng tôi, thế gian, trời, người mà phân biệt, khai thị pháp tánh vi diệu gọi là Bátnhã ba-la-mật-đa. Nếu Đại Bồ-tát nào đối với Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế mà tu hành, không bao giờ xa lìa như lời dạy trên, thì chúng tôi sẽ cung kính cúng dường, tôn trọng, khen ngợi, người đó giống như đối với Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác.

Trong lời dạy sâu xa của Bát-nhã ba-la-mật-đa như vậy, quả thật là không có pháp để có thể đắc. Nghĩa là trong ấy không có sắc để có thể đắc; không có thọ, tưởng, hành, thức để có thể đắc; như vậy cho đến không có trí Nhất thiết để có thể đắc; không có trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng để có thể đắc. Tuy không có các pháp để có thể đắc như vậy, nhưng có thể trình bày Thánh giáo ba thừa, đó là Thánh giáo của Thanh văn, Độc giác và Vô thượng thừa.

Bấy giờ, Phật bảo chư Thiên rằng:

–Đúng vậy, đúng vậy, đúng như lời các vị nói! Trong giáo pháp sâu xa của Bát-nhã ba-la-mật-đa này, tuy các pháp không sắc... có thể đắc, nhưng có thể trình bày Thánh giáo ba thừa. Vậy, nếu Đại Bồ-tát nào đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa này mà dùng vô sở đắc làm phương tiện, thì có thể tu hành không bao giờ xa lìa đúng như lời trên. Các vị chư Thiên đều phải đến đó thành tâm cung kính, cúng dường, tôn trọng, ngợi khen, giống như Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác. Vì sao? Vì trong giáo pháp sâu xa của Bát-nhã ba-la-mật-đa, tuy nói rộng có Thánh giáo ba thừa, nhưng Như Lai hoàn toàn chẳng thể nắm bắt được. Chẳng lẽ Như Lai cùng với Bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể đắc ư? Chẳng lẽ Như Lai xa lìa Bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể đắc ư? Chẳng lẽ Như Lai cùng với pháp không bên trong cho đến pháp không không tánh tự tánh có thể đắc ư? Chẳng lẽ Như Lai xa lìa pháp không bên trong cho đến pháp không không tánh tự tánh có thể đắc ư? Chẳng lẽ Như Lai cùng với chân như cho đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn có thể đắc ư? Chẳng lẽ Như Lai xa lìa chân như cho đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn có thể đắc ư? Chẳng lẽ Như Lai cùng với cảnh giới đoạn cho đến cảnh giới vô vi có thể đắc ư? Chẳng lẽ Như Lai xa lìa cảnh giới đoạn cho đến cảnh giới vô vi có thể đắc ư? Chẳng lẽ Như Lai cùng với Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo có thể đắc ư? Chẳng lẽ Như Lai xa lìa Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo có thể đắc ư? Chẳng lẽ Như Lai cùng với bốn Niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo có thể đắc ư? Chẳng lẽ Như Lai xa lìa bốn Niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo có thể đắc ư? Chẳng lẽ Như Lai cùng với bốn Tĩnh lự, bốn Vô lượng, bốn Định vô sắc có thể đắc ư? Chẳng lẽ Như Lai xa lìa bốn Tĩnh lự, bốn Vô lượng, bốn Vô định sắc có thể đắc ư? Chẳng lẽ Như Lai cùng với tám Giải thoát, chín Định thứ đệ có thể đắc ư? Chẳng lẽ Như Lai xa lìa tám Giải thoát, chín Định thứ đệ có thể đắc ư? Chẳng lẽ Như Lai cùng với pháp môn giải thoát Không, Vô tướng, Vô nguyện có thể đắc ư? Chẳng lẽ Như Lai xa lìa pháp môn giải thoát Không, Vô tướng, Vô nguyện có thể đắc ư? Chẳng lẽ Như Lai cùng với bậc Cực hỷ cho đến bậc Pháp vân có thể đắc ư? Chẳng lẽ Như Lai xa lìa bậc Cực hỷ cho đến bậc Pháp vân có thể đắc ư? Chẳng lẽ Như Lai cùng với năm loại mắt, sáu phép thần thông có thể đắc ư? Chẳng lẽ Như Lai xa lìa năm loại mắt, sáu phép thần thông có thể đắc ư? Chẳng lẽ Như Lai cùng với mười lực của Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng có thể đắc ư? Chẳng lẽ Như Lai xa lìa mười lực của Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng có thể đắc ư? Chẳng lẽ Như Lai cùng với pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả có thể đắc ư? Chẳng lẽ Như Lai xa lìa pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả có thể đắc ư? Chẳng lẽ Như Lai cùng với tất cả pháp môn Đà-la-ni, tất cả pháp môn Tam-ma-địa có thể đắc ư? Chẳng lẽ Như Lai xa lìa tất cả pháp môn Đà-la-ni, tất cả pháp môn Tam-ma-địa có thể đắc ư? Chẳng lẽ Như Lai xa lìa trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng, có thể đắc ư?

Chư Thiên nên biết, nếu Đại Bồ-tát nào đối với tất cả pháp, dùng vô sở đắc làm phương tiện, nhiệt tâm tinh cần tu học Bố thí ba-la-mật-đa cho đến trí Nhất thiết tướng, thì Đại Bồ-tát này đối với Bátnhã ba-la-mật-đa có thể luôn luôn tu hành, không bao giờ xả bỏ. Vì vậy, các vị phải nên đến đó thành tâm cung kính, cúng dường, tôn trọng, ngợi khen Đại Bồ-tát đó, giống như Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác.

Chư Thiên nên biết, vào thời xa xưa, khi Nhiên Đăng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác xuất hiện ở đời. Lúc đó, Ta ở ngã tư đường tại kinh đô Liên hoa vương, bỗng thấy Phật Nhiên Đăng, liền cầm năm cành hoa sen cúng dường Ngài và trải tóc lấp bùn, để cầu nghe chánh pháp cốt yếu. Ta dùng vô sở đắc làm phương tiện, liền không xa lìa Bố thí, Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa rộng nói cho đến trí Nhất thiết tướng và vô lượng, vô biên Phật pháp khác. Khi ấy, Phật Nhiên Đăng liền thọ ký quả vị Giác ngộ cao tột cho Ta. Ngài dạy rằng: “Thiện nam tử, ở đời vị lai, trải qua vô số kiếp, trong hiền kiếp của thế giới này, con sẽ thành Phật hiệu Thích-ca Mâu-ni Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Viên Mãn, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng, Trượng Phu, Điều Ngự Sĩ, Thiên Nhân Sư, Phật, Bạc-giàphạm và tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa độ thoát vô lượng chúng sinh.”

Lúc ấy, chư Thiên đều bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế thật là hy hữu, làm cho chúng Đại Bồ-tát, mau chóng giữ gìn trí Nhất thiết trí. Vì dùng vô sở đắc làm phương tiện, cho nên đối với sắc cho đến thức không giữ, không bỏ; như vậy cho đến đối với trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng cũng không giữ, không bỏ.

Lúc bấy giờ Đức Phật quán sát thấy bốn chúng hòa hợp và chúng Đại Bồ-tát, cùng bốn Đại thiên vương lần lượt cho đến trời Sắc cứu cánh, đều đến tập hợp trong hội chúng, đồng thời làm minh chứng. Thế Tôn liền giao phó cho Thiên đế Thích rằng:

–Kiều-thi-ca, nếu Đại Bồ-tát Bí-sô, Bí-sô-ni, Ô-ba-sách-ca, Ô-ba-tư-ca, các Thiên tử, các Thiên nữ, thiện nam, thiện nữ... không xa lìa tâm trí Nhất thiết trí; dùng vô sở đắc làm phương tiện, đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa thọ trì, đọc tụng, nhiệt tâm tinh cần, tu tập suy nghĩ đúng lý, còn vì người khác mà tuyên thuyết rộng thì nên biết, đối với những vị này, tất cả ác ma và quyến thuộc của chúng không thể hại được. Vì sao? Kiều-thi-ca, vì các thiện nam, thiện nữ... này khéo an trụ nơi Không, Vô tướng, Vô nguyện của sắc; cho đến khéo an trụ, Không, Vô tướng, Vô nguyện của trí Nhất thiết tướng. Không thể dùng không mà hại được không vậy; không thể dùng vô tướng mà hại được vô tướng, không thể dùng vô nguyện mà hại được vô nguyện. Vì sao? Vì các pháp như vậy hoàn toàn không có tự tánh; hoặc nếu ai làm hại hoặc ai bị hại, hoặc thời gian, hoặc nơi chốn, hoặc việc não hại, đều chẳng thể nắm bắt được.

Lại nữa Kiều-thi-ca, các thiện nam, thiện nữ... này, không bị người hay phi nhân làm hại. Vì sao? Vì các thiện nam, thiện nữ... này biết dùng vô sở đắc làm phương tiện, thường nên siêng năng, tu tập Từ, Bi, Hỷ, Xả đối với các hữu tình, cho nên tất cả người và phi nhân không thể làm não hại được.

Lại nữa Kiều-thi-ca, các thiện nam, thiện nữ... này, hoàn toàn không bị các việc hiểm ác, ngang trái làm tổn thương, cũng không bị chết oan. Vì sao? Vì các thiện nam, thiện nữ... này, thường tu tập Bố thí ba-la-mật-đa, đối với các hữu tình nuôi dưỡng đúng lý vậy.

Lại nữa Kiều-thi-ca, trong thế giới ba lần ngàn, nơi có bốn Đại thiên vương cho đến trời Quảng quả. Vị nào đã phát tâm Vô thượng Bồ-đề, đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa chưa từng được lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, nhiệt tâm, tinh cần tu học, suy nghĩ đúng lý thì đều phải không xa lìa tâm trí Nhất thiết trí, dùng vô sở đắc làm phương tiện; còn đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa thì phải chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh cần tu học, suy nghĩ đúng lý.

Lại nữa Kiều-thi-ca, nếu các thiện nam, thiện nữ nào không xa lìa tâm trí Nhất thiết trí, dùng vô sở đắc làm phương tiện, đối với Bát-nhã ba-la-mậtđa thì chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh cần tu tập, suy nghĩ đúng lý thì các thiện nam, thiện nữ đó nếu ở nhà trống, ở nơi hoang dã, ở đường nguy hiểm và ở chỗ nguy nạn, sẽ không sợ hãi đến nỗi rợn tóc gáy. Vì sao? Vì các thiện nam, thiện nữ này, không xa lìa tâm trí Nhất thiết trí, dùng vô sở đắc làm phương tiện, khéo tu tập pháp không bên trong cho đến pháp không không tánh tự tánh.

Khi ấy, nơi có bốn Đại thiên vương cho đến trời Sắc cứu cánh... ở thế giới ba lần ngàn đều chắp tay, đồng bạch Phật rằng:

–Bạch Thế Tôn, nếu các thiện nam, thiện nữ nào, không xa lìa tâm trí Nhất thiết trí dùng vô sở đắc làm phương tiện, đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, luôn luôn chí tâm, lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh cần tu học, suy nghĩ đúng lý, viết chép giảng giải, tuyên thuyết, lưu truyền cùng khắp thì chúng con thường theo cung kính hộ trì, không để cho tất cả tai họa ngang trái não hại. Vì sao? Vì các thiện nam, thiện nữ này... tức là Đại Bồ-tát. Nhờ Đại Bồ-tát này, cho nên các hữu tình dứt hẳn các đường địa ngục, bàng sinh, ngạ quỷ, A-tố-lạc... các đường hiểm nạn, ác thú. Nhờ Đại Bồ-tát này, cho nên Trời, Người, Dược-xoa, Rồng... dứt hẳn tất cả tai nạn ngang trái, bệnh tật, nghèo cùng, đói khát, lạnh nóng... Nhờ Đại Bồ-tát này, cho nên chúng Trời, Người, A-tố-lạc... dứt hẳn những việc không như ý, ở chỗ nào cũng không có giặc giã, tất cả hữu tình đều đem lòng Từ đối với nhau. Nhờ Đại Bồtát này, cho nên thế gian liền có mười nghiệp lành; hoặc bốn Tĩnh lự, bốn Vô lượng, bốn Định vô sắc; hoặc Bố thí ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa; hoặc pháp không bên trong cho đến pháp không không tánh tự tánh; hoặc chân như cho đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn; hoặc cảnh giới đoạn cho đến cảnh giới vô vi; hoặc Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo; hoặc bốn Niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo; hoặc tám Giải thoát, chín Định thứ đệ; hoặc pháp môn giải thoát Không, Vô tướng, Vô nguyện; hoặc bậc Tịnh quán cho đến bậc Như Lai; hoặc bậc Cực hỷ cho đến bậc Pháp vân; hoặc năm loại mắt, sáu phép thần thông; hoặc mười lực của Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng; hoặc pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả; hoặc tất cả pháp môn Đà-la-ni, tất cả pháp môn Tamma-địa; hoặc trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng. Nhờ Đại Bồ-tát này, cho nên thế gian mới có dòng dõi lớn Sát-đế-lợi, dòng dõi lớn Bàla-môn, dòng dõi lớn Trưởng giả, dòng dõi lớn Cư sĩ, vua các nước nhỏ, Chuyển luân thánh vương và các quan thần giúp việc. Nhờ Đại Bồ-tát này cho nên thế gian mới có bốn Đại thiên vương cho đến trời Tha hóa tự tại, trời Phạm chúng, trời Sắc cứu cánh, trời Không vô biên xứ, trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Nhờ Đại Bồ-tát này, cho nên thế gian mới có Dự lưu hướng, Dự lưu quả; Nhất lai hướng, Nhất lai quả; Bất hoàn hướng, Bất hoàn quả; A-lahán hướng, A-la-hán quả; Độc giác hướng, Độc giác quả. Nhờ Đại Bồ-tát này, cho nên thế gian mới có các Đại Bồ-tát đem lại sự thành tựu cho hữu tình, làm nghiêm tịnh cõi Phật và tu tập các hạnh Bồ-tát thù thắng. Nhờ Đại Bồ-tát này, cho nên thế gian mới có Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột, chuyển pháp luân vi diệu, cứu độ chúng sinh vô lượng. Nhờ Đại Bồ-tát này, cho nên thế gian mới có ba ngôi báu là Phật, Pháp, Tăng, làm lợi ích an lạc cho tất cả hữu tình.

Bạch Thế Tôn, do nhân duyên này, cho nên chúng con, Trời, A-tố-lạc, Rồng, Dược-xoa cùng đại thế lực của Nhân phi nhân... luôn luôn theo hộ trì, cung kính các Đại Bồ-tát này, không để cho tất cả tai họa ngang trái tổn hại. Vì các vị ấy đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tu tập, suy nghĩ đúng lý, viết chép, các việc đó không bao giờ gián đoạn.

Bấy giờ, Phật bảo các vị trời:

–Đúng vậy, đúng vậy, đúng như lời các vị nói! Nếu các thiện nam, thiện nữ nào không xa lìa tâm trí Nhất thiết trí, dùng vô sở đắc làm phương tiện, thường siêng ở trong Bát-nhã ba-la-mật-đa này mà chí tâm, lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh cần tu học, suy nghĩ đúng lý, viết chép, giảng giải, tuyên thuyết lưu truyền cùng khắp; các vị nên biết các thiện nam, thiện nữ này tức là Đại Bồ-tát. Nhờ Đại Bồ-tát này, cho nên các hữu tình dứt hẳn đường ác cho đến đem Tam bảo xuất hiện ở thế gian cùng với các hữu tình, làm lợi ích lớn, vì vậy các vị Trời, Rồng, Thần cùng với đại thế lực của Nhân phi nhân... thường phải nên cung kính, cúng dường, tôn trọng, ngợi khen, siêng năng hộ trì Đại Bồ-tát này, đừng để tất cả tai họa ngang trái não hại. Nếu các vị cung kính, cúng dường, tôn trọng, ngợi khen, hộ trì Đại Bồ-tát như vậy; thì nên biết đó là cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen, hộ trì Ta và tất cả mười phương Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác; vì thế các vị, tất cả Trời, Rồng, Dượcxoa, Thần, Tiên, A-tố-lạc... thường nên theo Đại Bồ-tát này để cung kính, cúng dường, tôn trọng, ngợi khen, hộ trì, đừng để tất cả tai họa ngang trái não hại vị ấy.

Các vị nên biết, giả sử Thanh văn, Độc giác, cùng khắp thế giới ba lần ngàn, ví như lúa, mè, tre, lau, lùm rừng... không có một khoảng trống nào nếu có thiện nam, thiện nữ nào đối với bậc phước điền kia mà dùng vô lượng báu đẹp thượng diệu để cung kính, cúng dường, tôn trọng, ngợi khen hết một đời mình. Hoặc lại có người, chỉ trong khoảng khắc, cung kính, cúng dường, tôn trọng, ngợi khen cho một vị Đại Bồ-tát mới phát tâm, không xa lìa sáu pháp Ba-la-mật-đa, đem công đức trên so sánh với phước đức này thì không bằng một phần trăm, không bằng một phần ngàn cho đến không bằng một phần muôn ức. Vì sao? Vì không nhờ Thanh văn, Độc giác thừa mà có Đại Bồ-tát và chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác xuất hiện ở thế gian; chỉ nhờ Đại Bồ-tát cho nên thế gian mới có Thanh văn, Độc giác và chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác xuất hiện ở đời. Vì vậy tất cả các vị Trời, Rồng cùng đại thế lực của các hàng Nhân phi nhân... thường phải ủng hộ, cung kính, cúng dường, tôn trọng, ngợi khen Đại Bồ-tát này, đừng để tất cả tai họa ngang trái làm não hại vị ấy. Các vị, do việc làm này mà phước đức luôn luôn được an lạc ở trong trời, người, cho đến chứng đắc Niếtbàn cứu cánh, làm lợi ích lớn mãi đến tận đời vị lai.

Bấy giờ, Thiên đế Thích lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, thật là điều kỳ lạ, hiếm có. Các Đại Bồ-tát đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa, chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh cần tu học, suy nghĩ đúng lý, viết chép, giảng giải, tuyên thuyết, lưu truyền cùng khắp, giữ gìn, thể hiện sự lợi ích thù thắng của các pháp này, giáo hóa hữu tình, trang nghiêm cõi Phật, từ cõi Phật này đến cõi Phật khác đều thân cận, phụng sự chư Phật Thế Tôn. Đối với các căn lành thù thắng, thì tùy theo đó mà hân hoan, an lạc. Nhờ cung kính, cúng dường, tôn trọng ngợi khen chư Phật, liền được sinh trưởng ở chỗ chư Phật, mau chóng lãnh thọ chánh pháp được thành tựu viên mãn cho đến khi chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột, không bao giờ quên mất chánh pháp đã được nghe và giữ gìn. Vì vậy tộc tánh được viên mãn, mẫu sinh được viên mãn, quyến thuộc viên mãn, tướng hảo viên mãn, quang minh viên mãn, nhãn nhĩ viên mãn, âm thanh viên mãn, Đà-la-ni viên mãn, Tam-ma-địa viên mãn.

Lại dùng năng lực phương tiện thiện xảo nên hóa ra thân như Phật, từ thế giới không Phật này, đến thế giới không có Phật khác, khen ngợi, thuyết giảng về Bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa. Khen ngợi thuyết giảng về pháp không bên trong cho đến pháp không không tánh tự tánh. Thuyết giảng, khen ngợi về chân như cho đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn. Thuyết giảng, khen ngợi về cảnh giới đoạn cho đến cảnh giới vô vi. Thuyết giảng, khen ngợi về Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo. Thuyết giảng, khen ngợi về bốn Niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo. Thuyết giảng, khen ngợi về bốn Tĩnh lự, bốn Vô lượng, bốn Định vô sắc. Thuyết giảng, khen ngợi về tám Giải thoát, chín Định thứ đệ. Thuyết giảng, khen ngợi về pháp môn giải thoát Không, Vô tướng, Vô nguyện. Thuyết giảng, khen ngợi về bậc Tịnh quán cho đến bậc Như Lai. Thuyết giảng, khen ngợi về bậc Cực hỷ cho đến bậc Pháp vân. Thuyết giảng, khen ngợi về năm loại mắt, sáu phép thần thông. Thuyết giảng, khen ngợi về mười lực của Như Lai cho đến mười tám pháp cộng của Phật. Thuyết giảng, khen ngợi về pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả. Thuyết giảng, khen ngợi về tất cả pháp môn Đà-la-ni, tất cả pháp môn Tam-ma-địa. Thuyết giảng, khen ngợi về trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng. Thuyết giảng, khen ngợi về Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo.

Lại dùng năng lực phương tiện thiện xảo vì các hữu tình mà tuyên thuyết chánh pháp, tùy theo căn cơ mà giáo hóa họ, trong pháp Tam thừa, khiến họ giải thoát hẳn sinh, già, bệnh, chết; chứng nhập vào cảnh giới Vô dư y Niết-bàn; hoặc lại cứu vớt các khổ ở đường ác, để họ hưởng thọ an lạc vi điệu ở trong trời, người.

Khi ấy, Thiên đế Thích lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế thật là hy hữu. Nếu ai có thể giữ gìn Bát-nhã ba-la-mật-đa như vậy tức là giữ gìn đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật-đa cho đến trí Nhất thiết tướng; cũng là giữ gìn đầy đủ các quả vị Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Độc giác Bồ-đề, tất cả các hạnh của Đại Bồ-tát, quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật.

Lúc bấy giờ Thế Tôn bảo Thiên đế Thích:

–Đúng vậy, đúng vậy, đúng như lời ông đã nói! Nếu có ai có thể giữ gìn Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế tức là giữ gìn đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật-đa cho đến tất cả Đại Bồ-tát hành quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật.

QUYỂN 501

Phẩm 5: Hiện bảo tháp (2)

Lại nữa Kiều-thi-ca, nếu thiện nam, thiện nữ nào có thể đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế mà chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, tư duy đúng lý, biên chép, giảng giải, tuyên thuyết, lưu truyền cùng khắp, thì thiện nam, thiện nữ ấy ở đời hiện tại hay vị lai sẽ được pháp lợi ích thù thắng. Các vị hãy chú ý lắng nghe và khéo tư duy. Ta sẽ vì các vị mà phân tích, giảng thuyết.

Thiên đế Thích bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, cúi xin Ngài giảng thuyết, chúng con rất muốn nghe.

Phật dạy:

–Kiều-thi-ca, nếu có các ngoại đạo, Phạm chí xấu ác, hoặc ác ma và quyến thuộc của chúng, hoặc những kẻ hung bạo, tăng thượng mạn đối với Đại Bồ-tát này mà muốn làm những điều bất lợi, kẻ kia vừa khởi tâm hại thì tự chuốc lấy họa, tất sẽ tiêu diệt, không thực hiện được điều mong muốn. Vì sao? Kiều-thi-ca, vì Đại Bồ-tát này đem tâm tương ưng với trí Nhất thiết trí, dùng vô sở đắc làm phương tiện, thường tu hành Bố thí ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa, lấy tâm nguyện đại Bi làm đầu.

Nếu các hữu tình mãi mê tăm tối, xan tham phát khởi các đấu tranh, thì Đại Bồ-tát này đối với tất các pháp trong ngoài đều xả bỏ dùng phương tiện để cho hữu tình kia được an trụ Bố thí ba-la-mậtđa.

Nếu các hữu tình mãi mê tăm tối phá giới tạo các nghiệp ác thì Đại Bồ-tát này đối với tất cả pháp trong ngoài đều xả bỏ, dùng phương tiện khiến cho hữu tình kia được an trụ nơi Tịnh giới ba-la-mậtđa.

Nếu các hữu tình mãi mê tăm tối phẫn hận làm tổn hại lẫn nhau thì Đại Bồ-tát này đối với tất cả pháp trong ngoài đều xả bỏ, dùng phương tiện khiến cho hữu tình kia được an trụ nơi An nhẫn bala-mật-đa.

Nếu các hữu tình mãi mê tăm tối giải đãi làm bỏ các nghiệp lành thì Đại Bồ-tát này đối với tất cả pháp trong ngoài đều xả bỏ, dùng phương tiện để cho hữu tình kia được an trụ nơi Tinh tấn ba-lamật-đa.

Nếu các hữu tình mãi mê tăm tối, tâm tán loạn, chuyên làm náo động thì Đại Bồ-tát này đối với tất cả pháp trong ngoài đều xả bỏ, dùng phương tiện để cho hữu tình kia được an trụ nơi Tĩnh lự ba-lamật-đa.

Nếu các hữu tình mãi mê tăm tối ngu si không biết phân biệt tốt xấu thì Đại Bồ-tát này đối với tất cả pháp trong ngoài đều xả bỏ, dùng phương tiện để cho hữu tình kia được an trụ nơi Bát-nhã ba-lamật-đa.

Nếu các hữu tình nào trong tâm bị ràng buộc bởi tham, sân, si... trôi lăn trong vòng sinh tử, tạo nhiều việc không lợi ích, thì Đại Bồ-tát này khéo dùng phương tiện, để cho hữu tình kia diệt trừ các nhân duyên của sinh tử như tham, sân, si…; hoặc làm cho họ an trụ nơi bốn Tĩnh lự, bốn Vô lượng, bốn Định vô sắc; hoặc an trụ nơi bốn Niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo; hoặc an trụ nơi pháp môn giải thoát Không, Vô tướng, Vô nguyện; hoặc an trụ tám Giải thoát, chín Định thứ đệ; an trụ nơi các ngôi vị Bồ-tát; an trụ nơi pháp không bên trong cho đến pháp không không tánh tự tánh; an trụ nơi chân như cho đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn; an trụ nơi cảnh giới đoạn cho đến cảnh giới vô vi; an trụ nơi Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo; an trụ nơi bậc Tịnh quán cho đến bậc Như Lai; an trụ nơi năm loại mắt, sáu phép thần thông; an trụ nơi mười lực của Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng; an trụ nơi pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả; an trụ nơi tất cả pháp môn Đà-la-ni, tất cả pháp môn Tam-ma-địa; an trụ nơi trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng; an trụ nơi quả Dự lưu cho đến Độc giác Bồ-đề; an trụ nơi tất cả hạnh Đại Bồ-tát; an trụ nơi quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật; an trụ nơi các pháp lành khác ở thế gian và xuất thế gian.

Kiều-thi-ca, như thế gọi là đối với Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa, chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, tư duy đúng lý, biên chép, giảng giải, tuyên thuyết, lưu truyền rộng rãi. Các Đại Bồ-tát này hiện tại gặp pháp lợi ích thù thắng.

Kiều-thi-ca, Đại Bồ-tát này do nhân duyên ấy mà ở đời vị lai sẽ mau chóng chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột, chuyển pháp luân vi diệu cứu độ chúng sinh vô lượng, tùy theo sở nguyện của mọi loài hữu tình mà làm cho họ được an trụ tu học rốt ráo ba thừa, cho đến chứng đắc Niết-bàn vô dư. Kiều-thica, như thế gọi là đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này chí tâm, lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, tư duy đúng lý, biên chép giảng giải, tuyên thuyết, lưu tuyền rộng rãi. Các Đại Bồ-tát này ở vị lai sẽ gặp pháp lợi ích thù thắng.

Lại nữa Kiều-thi-ca, nếu thiện nam, thiện nữ nào đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa mà chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, tư duy đúng lý, biên chép, giảng giải tuyên thuyết, lưu truyền rộng rãi, ở địa phương đó nếu có ác ma và bè đảng của ma, hoặc các ngoại đạo, Phạm chí và kẻ hung bạo tăng thượng mạn khác, hiềm khích Bát-nhã bala-mật-đa, muốn làm trở ngại, gây chướng nạn, chống trái, đều khiến cho chúng nó mau chóng ẩn mất, dù có ý muốn, rốt cuộc cũng không thành. Những kẻ ác kia vừa nghe tiếng Bát-nhã, cho nên các điều ác tiêu diệt từ từ, công đức phát sinh dần dần. Về sau nương vào ba thừa được chấm dứt khổ, hoặc thoát khỏi đường ác, sinh trong trời, người.

Kiều-thi-ca, như có loại thuốc kỳ diệu là Mạtkỳ, công năng của thuốc này có thể làm tiêu tan các chất độc. Thuốc kỳ diệu như thế, dù ở chỗ nào, các loài trùng độc cũng không dám đến gần. Có rắn độc lớn, đói đi kiếm ăn gặp thấy sinh vật nhỏ muốn cắn nuốt chúng. Sinh vật nhỏ kia sợ chết, vội chạy trốn chỗ thuốc thần. Rắn nghe mùi thuốc liền bỏ chạy. Vì sao? Kiều-thi-ca, vì thuốc thần đó có đầy đủ công năng lớn, có thể làm cho thân mạng được lợi ích và tiêu trừ các chất độc. Nên biết, Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng có đầy đủ công năng lớn như vậy. Nếu thiện nam, thiện nữ nào chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, tư duy đúng lý, biên chép giảng giải, tuyên thuyết lưu truyền cùng khắp, thì các ác ma... ở chỗ Đại Bồ-tát này, muốn gây các việc ác, nhưng nhờ sức oai thần của Bát-nhã ba-la-mật-đa này khiến cho các việc ác kia ở chỗ ấy, tự phải tiêu diệt, không làm gì được. Vì sao? Kiều-thi-ca, vì do Bát-nhã ba-la-mật-đa đầy đủ oai lực lớn, có thể đẩy lùi các điều ác và tăng trưởng các pháp lành.

Tại sao Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể đẩy lùi các điều ác và tăng trưởng các pháp lành? Bát-nhã bala-mật-đa này diệt trừ tham, sân, si, vô minh cho đến toàn là nhóm khổ uẩn lớn, chướng cái, tùy miên, triền cấu, kiết phược, kiến chấp ngã, kiến chấp hữu tình cho đến kiến chấp cái thấy, kiến chấp đoạn, kiến chấp thường, kiến chấp không, kiến chấp có, cho đến các kiến chấp về ác thú. Xan tham, phá giới, sân nhuế, giải đãi, tán loạn, ngu si, tưởng thường, tưởng lạc, tưởng ngã, tưởng tịnh và ngoài ra tất cả tham, sân, si, mạn, nghi, kiến hành... đều có thể diệt trừ. Cũng diệt trừ chấp sắc cho đến chấp thức, cho đến cũng diệt trừ chấp trí Nhất thiết tướng, chấp Bồ-đề Niết-bàn. Kiều-thi-ca, Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế, có thể diệt trừ tất cả pháp ác này và có thể tăng trưởng tất cả các việc lành. Vì vậy Bát-nhã ba-la-mật-đa này có vô số lượng đại oai thần lớn.

Lại nữa Kiều-thi-ca, nếu thiện nam, thiện nữ nào đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa mà chí tâm, lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, tư duy đúng lý, biên chép giảng giải, tuyên thuyết lưu truyền cùng khắp, thì Đại Bồ-tát này thường được bốn Đại thiên vương và Thiên đế Thích, Đại phạm Thiên vương chủ cõi Kham nhẫn, trời Tịnh cư... ở thế giới ba lần ngàn và các vị Thiên thần thường đến ủng hộ, không để cho tất cả tai họa ngang trái làm não hại. Những điều mong muốn hợp pháp được mãn nguyện. Được Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác ở hiện tại mười phương thế giới cũng thường hộ niệm, khiến cho việc ác từ từ tiêu diệt, pháp lành dần dần tăng trưởng. Nghĩa là làm tăng trưởng Bố thí ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa. Như vậy cho đến trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng, cũng làm cho tăng trưởng. Dùng vô sở đắc làm phương tiện, nên việc tu, việc trụ thường không tổn giảm. Kiều-thi-ca, Đại Bồ-tát này do nhân duyên ấy nên lời lẽ oai nghiêm, người nghe đều kính mến, phát ra lời nói vừa đủ, ôn hòa, không ồn ào xen tạp, thân cận bạn lành, rất biết báo ân, không bị các sự keo kiệt, ganh tỵ, giận hờn, che giấu lỗi lầm, buồn bực, dối trá, dua nịnh, kiêu mạn... che khuất nơi tâm.

Kiều-thi-ca, Đại Bồ-tát này tự xa lìa sự sát sinh, cũng có thể khuyến hóa người khác xa lìa sự sát sinh. Không ca ngợi một cách điên đảo về pháp chống trái sự xa lìa sát sinh và hoan hỷ tán thán người xa lìa sự sát sinh. Như vậy cho đến tự xa lìa tà kiến, cũng khuyên người khác xa lìa tà kiến. Không ca ngợi một cách điên đảo về pháp xa lìa tà kiến và hoan hỷ, tán thán người xa lìa tà kiến. Kiềuthi-ca, Đại Bồ-tát này tự hành Bố thí cho đến Bátnhã ba-la-mật-đa, cũng khuyên người khác hành Bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa. Không đề cao, ca ngợi một cách điên đảo pháp hành Bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa. Hoan hỷ tán thán người hành Bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa. Như vậy cho đến tự tu trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng cũng khuyến hóa người khác tu trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng. Không đề cao, tán dương một cách điên đảo pháp tu trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng. Hoan hỷ, tán thán người tu trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng.

Kiều-thi-ca, Đại Bồ-tát này tu hành Bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa, dùng vô sở đắc làm phương tiện, cùng các hữu tình bình đẳng đồng hồi hướng về quả vị Giác ngộ cao tột. Đại Bồ-tát này thường tư duy: “Nếu ta không tu hành Bố thí bala-mật-đa, sẽ sinh vào hạng bần cùng, hạ tiện. Nếu ta không tu hành Tịnh giới ba-la-mật-đa thì cánh cửa trời, người sẽ bị đóng kín và rơi vào các nẻo ác. Nếu ta không tu hành An nhẫn ba-la-mật-đa thì các căn sẽ thiếu sót, hình dung xấu xí, không đầy đủ sắc thân viên mãn của Bồ-tát. Nếu ta không tu hành Tinh tấn ba-la-mật-đa, thì chẳng thể tu đạo hạnh của Bồ-tát, thường ôm lòng giải đãi, các việc không thành. Nếu ta không tu hành Tĩnh lự ba-lamật-đa, thì không thể tu thắng định của Bồ-tát, tâm luôn luôn tán loạn mong muốn điều gì cũng không thành. Nếu Ta không tu hành Bát-nhã ba-la-mậtđa, thì không thể được phương tiện thiện xảo, vượt các địa vị Thanh văn, Độc giác... Nếu có các việc bần cùng… như vậy, thì không đủ thế lực để đem lại sự thành tựu cho hữu tình, lại cũng không thể làm nghiêm tịnh cõi Phật, huống gì đắc trí Nhất thiết trí.”

Đại Bồ-tát này thường tư duy: “Ta không nên lệ thuộc thế lực của sự keo kiệt. Nếu lệ thuộc thế lực ấy thì việc Bố thí ba-la-mật-đa của ta không được viên mãn. Ta không nên lệ thuộc thế lực của sự phá giới. Nếu lệ thuộc thế lực ấy thì Tịnh giới ba-la-mật-đa của ta không được viên mãn. Ta không nên lệ thuộc thế lực của sự giận hờn. Nếu lệ thuộc thế lực ấy thì An nhẫn ba-la-mật-đa của ta không được viên mãn. Ta không nên lệ thuộc thế lực của sự biếng nhác. Nếu lệ thuộc thế lực ấy, thì Tinh tấn ba-la-mật-đa của ta không được viên mãn. Ta không nên lệ thuộc thế lực của sự tán loạn. Nếu lệ thuộc thế lực ấy thì Tĩnh lự ba-la-mật-đa của ta không được viên mãn. Ta không nên lệ thuộc thế lực của sự ngu si. Nếu lệ thuộc thế lực ấy thì Bátnhã ba-la-mật-đa của ta không được viên mãn. Nếu sáu pháp Ba-la-mật-đa của Ta không được viên mãn, thì hoàn toàn không thể đắc trí Nhất thiết trí, làm lợi ích an lạc cho tất cả hữu tình.”

Kiều-thi-ca, Đại Bồ-tát này không xa lìa tâm trí Nhất thiết trí, dùng vô sở đắc làm phương tiện đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu tập, tư duy đúng lý, biên chép, giảng giải, tuyên thuyết, lưu truyền cùng khắp. Được các pháp hiện tại như thế, tương lai sẽ được lợi ích thù thắng của công đức thế gian và xuất thế gian.

Bấy giờ, Thiên đế Thích bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, Bát-nhã ba-la-mật-đa này thật là kỳ lạ hy hữu, có thể điều phục Đại Bồ-tát xa lìa tâm cống cao, lại hồi hướng về trí Nhất thiết trí.

Phật bảo Thiên đế Thích:

–Kiều-thi-ca, sao gọi là Bát-nhã ba-la-mật-đa kỳ lạ hy hữu, có thể điều phục Đại Bồ-tát xa lìa tâm cống cao, lại hồi hướng về trí Nhất thiết trí?

Thiên đế Thích bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, khi các Đại Bồ-tát hành Bố thí ba-la-mật-đa thế gian. Nếu đối với Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và các vị Bồ-tát, Độc giác, Thanh văn, kẻ cô đơn, bần cùng, già yếu, bệnh tật, lỡ đường, ăn xin mà thực hành bố thí, lại suy nghĩ: “Ta có thể cúng dường cho chư Phật cho đến bố thí người ăn xin” thì Đại Bồ-tát này không có phương tiện khéo léo, tuy có hành Bố thí ba-la-mật-đa, mà lại khởi tâm cống cao, không thể hồi hướng về trí Nhất thiết trí.

Các Đại Bồ-tát hành Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa của thế gian, lại nghĩ như vầy: “Ta có thể tu hành Tịnh giới cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa”, lại cũng nghĩ: “Ta có thể viên mãn Tịnh giới cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa” thì Đại Bồ-tát này không có phương tiện khéo léo.

Tuy hành Tịnh giới cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa, mà lại khởi tâm cống cao, không thể hồi hướng về trí Nhất thiết trí. Như vậy cho đến các Đại Bồ-tát tu hành trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng. Đại Bồ-tát này không có phương tiện khéo léo, tuy tu hành trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng, mà còn khởi tâm cống cao, không thể hồi hướng về trí Nhất thiết trí được.

Khi các Đại Bồ-tát đem lại sự thành tựu cho hữu tình, làm nghiêm tịnh cõi Phật, nếu có tư duy: “Ta có thể đem lại sự thành tựu cho hữu tình, làm nghiêm tịnh cõi Phật người khác không làm được điều này” thì Đại Bồ-tát này không có phương tiện khéo léo tuy đem lại sự thành tựu cho hữu tình, làm nghiêm tịnh cõi Phật, mà còn khởi tâm cống cao, không thể hồi hướng về trí Nhất thiết trí được.

Bạch Thế Tôn, chúng Đại Bồ-tát như thế, chỉ đem tâm thế gian mà tu hành các pháp lành, không có phương tiện khéo léo, cho nên còn chấp ngã, ngã sở. Tâm trí rối loạn, nên tuy có tu hành Bátnhã ba-la-mật-đa nhưng chưa chứng đắc được, vì không điều phục tâm cống cao, nên cũng không thể hồi hướng về trí Nhất thiết trí.

Bạch Thế Tôn, khi các Đại Bồ-tát tu hành Bố thí ba-la-mật-đa xuất thế, khéo tu Bát-nhã ba-lamật-đa cho nên không thấy người cho, không thấy người nhận, không thấy có vật để cho thì Đại Bồtát này biết dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa mà hành bố thí, vì thế điều phục được tâm cống cao và hồi hướng về trí Nhất thiết trí.

Nếu khi Đại Bồ-tát hành Tịnh giới cho đến Bátnhã ba-la-mật-đa xuất thế, mà khéo tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa, cho nên không thấy có Tịnh giới cho đến Bát-nhã và tất cả pháp, thì Đại Bồ-tát này biết dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa mà hành Tịnh giới cho đến Bát-nhã, vì thế điều phục được tâm cống cao và hồi hướng về trí Nhất thiết trí.

Như vậy cho đến, nếu khi Đại Bồ-tát tu hành trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng mà khéo tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa, cho nên không thấy có trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng và tất cả pháp, thì Đại Bồ-tát này biết dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa mà tu tập trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng, vì thế điều phục được tâm cống cao và hồi hướng về trí Nhất thiết trí.

Nếu khi Đại Bồ-tát đem lại sự thành tựu cho hữu tình, làm nghiêm tịnh cõi Phật, khéo tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, cho nên không thấy có đem lại sự thành tựu cho hữu tình, làm nghiêm tịnh cõi Phật và tất cả pháp, thì Đại Bồ-tát này biết dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa mà đem lại sự thành tựu cho hữu tình, làm nghiêm tịnh cõi Phật. Vì thế điều phục được tâm cống cao và hồi hướng về trí Nhất thiết trí.

Bạch Thế Tôn, do nhân duyên này cho nên con nói, Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế thật là kỳ lạ, hy hữu có thể điều phục chúng Đại Bồ-tát xa lìa tâm cống cao, lại có thể hồi hướng về trí Nhất thiết trí.

Phật bảo Thiên đế Thích:

–Kiều-thi-ca, nếu thiện nam, thiện nữ nào đối với kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, mà không rời tâm trí Nhất thiết trí, biết dùng vô sở đắc làm phương tiện, chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, tư duy đúng lý, biên chép giảng giải, tuyên thuyết, lưu truyền khắp nơi thì các thiện nam, thiện nữ này, thân tâm an lạc, không bị tất cả tai họa ngang trái não hại. Còn khi ở trong trận đấu giao chiến nhau, mà chí tâm tụng niệm Bát-nhã bala-mật-đa như thế, đối với các hữu tình từ bi hộ niệm, thì không bị gươm đao làm tổn thương. Đối với phía oán địch đều khởi từ tâm, nếu khởi tâm ác thì tự nhiên sẽ bị thua trận. Các thiện nam, thiện nữ này, nếu ở trong trận chiến mà bị thương bởi gươm tên, hoặc mất mạng, thì điều đó không có. Vì sao? Kiều-thi-ca, vì các thiện nam, thiện nữ này, không rời tâm trí Nhất thiết, biết dùng vô sở đắc làm phương tiện, luôn luôn tu hành Bát-nhã ba-la-mậtđa tự chiến thắng tham, sân, si, mạn, ác kiến, tùy miên, ác nghiệp triền cấu, các loại đao trượng; cũng có thể trừ khử tham, sân, si, mạn, ác kiến, tùy miên, ác nghiệp triền cấu, các loại đao trượng của người khác.

Lại nữa Kiều-thi-ca, nếu thiện nam, thiện nữ nào đối với kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, không rời tâm trí Nhất thiết, biết dùng vô sở đắc làm phương tiện, chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, tư duy đúng lý, biên chép giảng giải, tuyên thuyết lưu truyền khắp nơi, thì các thiện nam, thiện nữ này không bị tổn hại bởi tất cả thuốc độc, trùng độc, quỷ mị, thư yếm, chú thuật, nước không nhận chìm, lửa chẳng đốt được, đao trượng, ác thú, oán tặc, ác thần, các tà ma yêu quái, không làm tổn thương. Vì sao? Kiều-thi-ca, vì Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế là Đại thần chú; Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế là Đại minh chú; Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế là Vô thượng chú; Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế là chú không gì sánh bằng; Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế là vua trong tất cả chú, là tối thượng, tối diệu, không có gì bằng; Đầy đủ oai lực lớn, có thể hàng phục tất cả, mà không bị tất cả hàng phục. Vì thế các thiện nam, thiện nữ phải tinh tấn tu học chú vương này, thì không hại mình, không hại người, không hại cả hai. Vì sao? Kiều-thi-ca, vì các thiện nam, thiện nữ học Bát-nhã ba-la-mật-đa, hiểu rõ mình, người và cả hai đều chẳng thể nắm bắt được. Kiều-thi-ca, các thiện nam, thiện nữ, khi học Đại chú vương Bátnhã ba-la-mật-đa đó, không thấy ngã cho đến cái thấy, không thấy sắc cho đến thức, như vậy cho đến không thấy trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng. Vì đối với ngã... vô sở đắc cho nên không hại mình, không hại người, không hại cả hai. Kiều-thi-ca, các thiện nam, thiện nữ này khi học Đại chú vương Bát-nhã ba-la-mật-đa đó, đối với ngã và pháp, tuy dùng vô sở đắc mà chứng quả vị Giác ngộ cao tột, quán tâm hành sai khác của các hữu tình, tùy theo sự căn cơ mà chuyển pháp luân vô thượng, ai tu hành theo lời thuyết giảng sẽ được lợi ích lớn. Vì sao? Kiều-thi-ca, vì chúng Đại Bồ-tát ở đời quá khứ, vị lai, hiện tại đều đối với Đại thần chú vương Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như vậy mà tinh tấn tu học, đã, đang và sẽ chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột, chuyển pháp luân vi diệu, cứu độ vô lượng chúng sinh.

Lại nữa Kiều-thi-ca, nếu thiện nam, thiện nữ nào đối với kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, mà không rời tâm trí Nhất thiết trí, biết dùng vô sở đắc làm phương tiện, chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, tư duy đúng lý, biên chép giảng giải, tuyên thuyết lưu truyền khắp nơi, thì các thiện nam, thiện nữ này, tùy theo chỗ ở của nơi thành ấp nào, đất nước nào, không bị người và phi nhân làm tổn hại bởi tất cả tai họa ngang trái hay bệnh dịch. Vì sao? Kiều-thi-ca, vì các thiện nam, thiện nữ này, dù ở chỗ nào, đều được chư Thiên ở thế giới ba lần ngàn và khắp mười phương vô lượng, vô biên thế giới thuộc sở hữu của bốn Đại thiên vương, cho đến trời Sắc cứu cánh cùng với các Rồng, Thần, A-tố-lạc... thường đến ủng hộ, cung kính, cúng dường, tôn trọng ngợi khen, không làm cho nơi có Đại thần chú vương Bát-nhã ba-lamật-đa bị tai nạn.

Lại nữa Kiều-thi-ca, nếu các thiện nam, thiện nữ, viết Đại thần chú vương Bát-nhã ba-la-mật-đa đem để ở nơi thanh tịnh, luôn luôn cung kính, cúng dường, tôn trọng, ngợi khen; mặc dù không lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, tư duy đúng lý, cũng không vì người khác mà khai thị, phân biệt, nhưng tại thành ấp đô thị nước đó cũng bị người và phi nhân... làm tổn thương bằng các tai họa bất ngờ, hay bệnh dịch. Vì sao? Kiều-thi-ca, vì Đại thần chú vương Bát-nhã ba-la-mật-đa, dù ở chỗ nào cũng được bốn đại thiên ở thế giới ba lần ngàn và chư Thiên ở khắp mười phương, vô lượng, vô biên thế giới, cho đến trời Sắc cứu cánh cùng với các Rồng, Thần, A-tố-lạc... thường đến ủng hộ, cung kính, cúng dường, tôn trọng, ngợi khen, không làm cho nơi có Đại thần chú vương Bát-nhã ba-la-mật-đa bị tai nạn.

Kiều-thi-ca, các thiện nam, thiện nữ này, chỉ biên chép Đại thần chú vương Bát-nhã ba-la-mậtđa hoặc để ở nơi thanh tịnh mà cung kính, cúng dường, tôn trọng, ngợi khen, hiện tại còn được pháp lợi ích thù thắng như thế, huống chi là lắng nghe thọ trì, đọc tụng, tinh cần, tu học, tư duy đúng lý và giảng dạy, phân tích cho người khác. Nên biết công đức này vô biên, mau chứng đắc Bồ-đề, làm lợi ích tất cả.

Lại nữa Kiều-thi-ca, nếu thiện nam, thiện nữ nào sợ hãi oan gia, ác thú, tai họa, thư yếm, tật dịch, thuốc độc, bùa chú... thì nên viết Đại thần chú vương Ba-la-mật-đa, tùy theo nhiều hay ít, để trong đãy sạch sẽ, thơm tho hay để trong ống quý báu, luôn luôn đem theo bên mình mà cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen, thì các điều sợ hãi ấy tự nhiên tiêu trừ, còn được Trời, Rồng, Quỷ thần thường ủng hộ.

Kiều-thi-ca, ví như có người hoặc loài bàng sinh, đến chỗ cây Bồ-đề hoặc bên cạnh cây Bồ-đề thì không bị người, phi nhân làm tổn hại. Vì sao? Kiều-thi-ca, vì chư Phật ở quá khứ, vị lai, hiện tại đều ngồi ở đó, mà chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột, được Bồ-đề rồi, mới đem ban bố cho các hữu tình điều không hoảng hốt, không sợ sệt, không oán thù, không tổn hại, thâm tâm được an vui. An lập vô lượng, vô số hữu tình, làm cho họ được an trụ nơi diệu hạnh cao quý của trời, người. An lập vô lượng, vô số hữu tình làm cho họ trụ nơi ba thừa, được diệu hạnh an lạc. An lập vô lượng, vô số hữu tình, làm cho họ chứng đắc quả Dự lưu, Nhất lai quả, Bất hoàn quả hoặc A-la-hán quả. An lập vô lượng, vô số hữu tình làm cho họ sẽ chứng đắc Độc giác Bồ-đề. An lập vô lượng, vô số hữu tình, làm cho họ tu tập hạnh Đại Bồ-tát, sẽ chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột. Các điều tối thắng như thế đều do sức oai thần của Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì thế nơi này được tất cả Trời, Rồng, A-tố-lạc... đồng ủng hộ cung kính, cúng dường, tôn trọng, ngợi khen. Nên biết kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, tùy theo sự xuất hiện ở đâu cũng lại như vậy, đều được tất cả Trời, Rồng, A-tố-lạc... thường đến ủng hộ, cung kính cúng dường, tôn trọng, ngợi khen. Không để cho nơi có Bát-nhã ba-la-mật-đa bị tai nạn gì.

Kiều-thi-ca, kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế, dù ở chỗ nào, thì nên biết chỗ ấy chính là tháp Phật, tất cả hữu tình đều nên kính lễ, phải dùng các tràng hoa thượng diệu, hương bột, hương xoa, y phục, anh lạc, tràng phan, lọng báu, các thứ trân kỳ, kỹ nhạc, đèn sáng để cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen.

Bấy giờ, Thiên đế Thích bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, nếu các thiện nam, thiện nữ, biên chép kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này dùng các vật báu trang hoàng, rồi cung kính, cúng dường, tôn trọng ngợi khen. Lại dùng các thứ tràng hoa thượng diệu, hương đồ hương xoa, y phục, anh lạc, tràng phan, lọng báu, trân kỳ, kỹ nhạc, đèn sáng mà cúng dường. Lại có các thiện nam, thiện nữ, sau khi Phật nhập Niết-bàn, xây dựng bảo tháp, dùng bảy báu để trang sức, đựng Xá-lợi Phật trong hòm ngọc, rồi đặt vào tháp để cung kính, cúng dường, tôn trọng ngợi khen. Lại dùng các loại tràng hoa thượng diệu, hương bột, hương xoa, y phục, anh lạc, tràng phan, lọng báu, các thứ trân kỳ, kỹ nhạc, đèn sáng mà cúng dường. Hai loại phước đó, loại nào được phước nhiều hơn?

Phật dạy Kiều-thi-ca:

–Ta hỏi lại ông cứ theo ý nghĩ mà trả lời. Ý ông nghĩ sao? Như Lai chứng đắc trí Nhất thiết trí và thân tướng hảo là do dựa vào pháp tu học gì mà chứng đắc?

Thiên đế Thích bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, Như Lai đã chứng đắc trí Nhất thiết trí và thân tướng hảo là dựa vào kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này để tu học mà chứng đắc.

Phật dạy Kiều-thi-ca:

–Đúng vậy, đúng vậy, đúng như lời ông nói! Như Lai dựa vào kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này tu học, cho nên chứng đắc trí Nhất thiết trí và thân tướng hảo. Vì sao? Kiều-thi-ca, vì không học kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa mà chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột, điều đó không bao giờ. Kiều-thica, chẳng phải chỉ được thân tướng hảo mà gọi là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác. Cốt yếu là do chứng đắc trí Nhất thiết trí nên gọi là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác. Kiều-thi-ca, Như Lai đã chứng đắc trí Nhất thiết trí, cốt yếu là do Bát-nhã ba-lamật-đa làm nhân để phát khởi, còn thân tướng hảo của Phật chỉ là chỗ nương tựa. Nếu không nương tựa vào thân tướng hảo của Phật thì trí Nhất thiết trí không do đâu mà khởi; cho nên Bát-nhã ba-lamật-đa chính là nhân để phát sinh trí Nhất thiết trí. Vì muốn làm cho trí này tương tục hiện tiền, nên tu tập thân tướng hảo của Phật. Thân tướng hảo này nếu không phải là nương tựa trí tuệ của Phật, thì tất cả Trời, Rồng, A-tố-lạc... không thành tâm khao khát cúng dường, cung kính. Nếu dùng thân tướng hảo cùng với trí tuệ Phật làm chỗ nương tựa, thì các Trời, Rồng, A-tố-lạc... cúng dường, cung kính. Do nhân duyên này, cho nên sau khi Ta nhập Niếtbàn, các Trời, Rồng, Thần, Người, Phi nhân... đều cung kính cúng dường xá-lợi Ta.

Kiều-thi-ca, nếu các thiện nam, thiện nữ chỉ đối với kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa bằng cách cung kính, cúng dường, tôn trọng ngợi khen tức là cúng dường trí Nhất thiết trí và thân tướng hảo của Phật được trí Nhất thiết trí nương tựa cùng với xálợi Phật sau khi nhập Niết-bàn. Vì sao? Kiều-thica, vì trí Nhất thiết trí và thân tướng hảo cùng với xá-lợi, đều dùng Bát-nhã ba-la-mật-đa làm căn bản.

Kiều-thi-ca, nếu các thiện nam, thiện nữ chỉ đối với thân Phật và xá-lợi bằng cách cung kính, cúng dường, tôn trọng ngợi khen thì chẳng phải là cúng dường trí Nhất thiết trí và Bát-nhã ba-la-mật-đa này. Vì sao? Kiều-thi-ca, vì di thể thân Phật chẳng phải là căn bản của trí Nhất thiết trí và Bát-nhã bala-mật-đa này. Kiều-thi-ca, do nhân duyên này, nếu các thiện nam, thiện nữ muốn cúng dường Phật, hoặc thân hoặc tâm và công đức khác, trước tiên phải lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, tư duy đúng lý, biên chép giảng giải, tuyên thuyết kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa như vậy. Lại dùng các loại tràng hoa thượng diệu, hương bột, hương xoa, y phục, anh lạc, tràng phan, lọng báu, các thứ trân kỳ, kỹ nhạc, đèn sáng để cúng dường, cung kính, tôn trọng ngợi khen.

Vì thế, này Kiều-thi-ca, nếu các thiện nam, thiện nữ biên chép kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, dùng các thứ vật báu trang hoàng rồi cung kính, cúng dường, tôn trọng, ngợi khen, lại dùng các tràng hoa thượng diệu, hương bột, hương xoa, y phục, anh lạc, tràng phan, lọng báu, các thứ trân kỳ, kỹ nhạc, đèn sáng mà cúng dường. Có các thiện nam, thiện nữ sau khi Phật nhập Niết-bàn xây dựng tháp bằng bảy báu để trang sức, dùng hòm ngọc đựng xá-lợi Phật, để trong tháp ấy, rồi cung kính, cúng dường, tôn trọng ngợi khen tiếp đến dùng các tràng hoa thượng diệu, hương bột, hương xoa, y phục, anh lạc, tràng phan, lọng báu, các thứ trân kỳ, kỹ nhạc, đèn sáng mà cúng dường. Hai việc phước đức đã tạo đó thì phước trên nhiều hơn gấp vô lượng lần. Vì sao? Kiều-thi-ca, vì kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như vậy làm cho mau chóng thành tựu Bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa; pháp không bên trong cho đến pháp không không tánh tự tánh; chân như cho đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn; cảnh giới đoạn cho đến cảnh giới vô vi; Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo; bốn Niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo; bốn Tĩnh lự, bốn Vô lượng, bốn Định vô sắc; tám Giải thoát, chín Định thứ đệ; pháp môn giải thoát Không, Vô tướng, Vô nguyện; bậc Tịnh quán cho đến bậc Như Lai; bậc Cực hỷ cho đến bậc Pháp vân; năm loại mắt, sáu phép thần thông; mười lực của Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng; pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả; tất cả pháp môn Đà-la-ni, tất cả pháp môn Tam-ma-địa; trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng, giáo hóa hữu tình, làm trang nghiêm cõi Phật; cũng có thể thành tựu tộc họ viên mãn, sắc lực viên mãn, tài bảo viên mãn, quyến thuộc viên mãn của các Đại Bồ-tát, cũng có thể thành tựu mười việc lành thuộc thế gian; cúng dường Sa-môn, Cha mẹ, Sư trưởng. Bố thí, trì giới, tu tập... vô lượng pháp lành; cũng có thể thành tựu dòng dõi lớn Sát-đế-lợi, dòng dõi lớn Bà-la-môn, dòng dõi lớn Trưởng giả, dòng dõi lớn Cư sĩ, bốn Đại thiên vương, cho đến trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ; cũng có thể thành tựu quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Độc giác Bồ-đề, tất cả hạnh Đại Bồ-tát và quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật; cũng có thể thành tựu Thanh văn, Độc giác, Bồ-tát, Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác; cũng có thể thành tựu trí Nhất thiết trí không thể nghĩ lường, không thể tuyên thuyết, không gì trên, không gì vượt trên, không gì bằng, không gì sánh bằng.

Thiên đế Thích bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, người ở châu Thiệm-bộ đối với kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, có người không cung kính, cúng dường, tôn trọng ngợi khen. Người ấy chẳng lẽ không biết rằng cung kính, cúng dường, tôn trọng ngợi khen kinh Bát-nhã ba-lamật-đa thì được nhiều công đức lợi ích thù thắng sao?

Phật dạy:

–Kiều-thi-ca, Ta hỏi lại ông, ông tùy theo ý nghĩ mà trả lời. Ý ông nghĩ sao? Trong châu Thiệm-bộ có bao nhiêu người thành tựu chứng tịnh đối với Phật, có bao nhiêu người thành tựu chứng tịnh đối với Pháp, có bao nhiêu người thành tựu chứng tịnh đối với Tăng? Có bao nhiêu người đối với Phật không nghi, đối với Pháp không nghi, đối với Tăng không nghi? Có bao nhiêu người đối với Phật rốt ráo, đối với Pháp rốt ráo, đối với Tăng rốt ráo? Có bao nhiêu người tu mười nẻo nghiệp thiện? Có bao nhiêu người tu hạnh bố thí, trì giới? Có bao nhiêu người chứng đắc ba mươi bảy pháp phần Bồđề? Có bao nhiêu người đắc ba pháp môn giải thoát? Có bao nhiêu người đắc tám Giải thoát? Có bao nhiêu người đắc chín Định thứ đệ? Có bao nhiêu người đắc bốn sự hiểu biết thông suốt? Có bao nhiêu người đắc sáu phép thần thông? Có bao nhiêu người chấm dứt ba kết sử, đắc quả Dự lưu? Có bao nhiêu người bào mòn tham, sân, si, đắc quả Nhất lai? Có bao nhiêu người đoạn năm hạ phần kết sử, đắc quả Bất hoàn? Có bao nhiêu người đoạn năm thượng phần kết sử, đắc quả A-la-hán? Có bao nhiêu người phát tâm nhất định vào Độc giác Bồđề? Có bao nhiêu người phát tâm nhất định vào quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật.

Thiên đế Thích bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, trong châu Thiệm-bộ có ít người thành tựu chứng tịnh đối với Phật, thành tựu chứng tịnh đối với Pháp, thành tựu chứng tịnh đối với Tăng. Như vậy cho đến ít có người phát tâm quyết định chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật.

Bấy giờ, Phật bảo Thiên đế Thích:

–Đúng vậy, đúng vậy, đúng như lời ông nói! Kiều-thi-ca, trong châu Thiệm-bộ rất ít người thành tựu chứng tịnh đối với Phật, thành tựu chứng tịnh đối với Pháp, thành tựu chứng tịnh đối với Tăng. Càng ít người đối với Phật không nghi, đối với Pháp không nghi, đối với Tăng không nghi. Như vậy cho đến càng ít người phát tâm quyết định chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật. Càng ít người đã phát tâm rồi lại siêng năng tu tập hạnh Bồ-đề. Càng ít người siêng năng tu tập hạnh Bồ-đề, không thoái chuyển để chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột. Vì sao? Kiều-thi-ca, vì các hữu tình trôi lăn trong vòng sinh tử từ vô lượng kiếp đến nay, phần nhiều không được thấy Phật, không nghe Chánh pháp, không thân cận chúng Tăng, phần nhiều không tu hành mười nẻo nghiệp thiện và bố thí, trì giới… không nghe Bố thí cho đến Bátnhã ba-la-mật-đa, không tu hành Bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa. Như vậy cho đến không nghe trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng; không tu hành trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng. Kiều-thi-ca, do nhân duyên này, nên biết trong châu Thiệm-bộ rất ít người thành tựu chứng tịnh đối với Phật, thành tựu chứng tịnh đối với Pháp, thành tựu chứng tịnh đối với Tăng. Càng rất ít người đối với Phật không nghi, đối với Pháp không nghi, đối với Tăng không nghi. Như vậy cho đến càng rất ít người phát tâm quyết định chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật. Càng rất ít người đã phát tâm rồi mà siêng năng tu tập hạnh Bồ-đề. Càng rất ít người siêng năng tu tập hạnh Bồ-đề, không thoái chuyển để chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột.

Lại nữa Kiều-thi-ca, Ta nay hỏi ông, tùy theo tư duy mà trả lời. Ý ông nghĩ sao? Hãy gác việc người thuộc châu Thiệm-bộ này lại. Ở trong thế giới ba lần ngàn này, có bao nhiêu hữu tình cúng dường, cung kính Cha mẹ, Thầy tổ? Có bao nhiêu hữu tình cúng dường Sa-môn, Bà-la-môn? Có bao nhiêu hữu tình tu tập bố thí, trì giới, tạo các nghiệp phước? Có bao nhiêu hữu tình tu hành mười nẻo nghiệp thiện? Có bao nhiêu hữu tình đối với các dục lạc mà tâm thường quán tưởng nhàm chán, quán tưởng vô thường, quán tưởng khổ, quán tưởng vô ngã, quán tưởng bất tịnh, quán tưởng nhàm chán vật thực, quán tưởng tất cả thế gian không có gì đáng vui? Có bao nhiêu hữu tình tu tập bốn Tĩnh lự, bốn Vô lượng, bốn Định vô sắc? Có bao nhiêu hữu tình thành tựu chứng tịnh đối với Phật, thành tựu chứng tịnh đối với Pháp, thành tựu chứng tịnh đối với Tăng? Như vậy cho đến có bao nhiêu hữu tình phát tâm quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật? Có bao nhiêu hữu tình đã phát tâm rồi, mà siêng năng tu tập hạnh Bồ-đề? Có bao nhiêu hữu tình rèn luyện, trưởng dưỡng tâm Bồđề? Có bao nhiêu hữu tình dùng phương tiện khéo léo để tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa? Có bao nhiêu hữu tình an trụ ngôi vị Bồ-tát không thoái chuyển? Có bao nhiêu hữu tình mau chóng chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột?

Thiên đế Thích bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, trong thế giới ba lần ngàn này, có ít hữu tình cúng dường, cung kính Cha mẹ, Thầy tổ. Như vậy cho đến ít hữu tình mau chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột.

Phật bảo Kiều-thi-ca:

–Đúng vậy, đúng vậy, đúng như lời ông nói! Kiều-thi-ca, trong thế giới ba lần ngàn này rất ít hữu tình cúng dường, cung kính Cha mẹ, Thầy tổ. Càng rất ít hữu tình cúng dường Sa-môn, Bà-lamôn. Như vậy cho đến càng rất ít hữu tình được an trụ ngôi vị Bồ-tát không thoái chuyển. Càng rất ít hữu tình mau chóng chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột.

Lại nữa Kiều-thi-ca, Ta dùng Phật nhãn thanh tịnh không chướng ngại xem thấy mười phương thế giới vô biên, tuy có vô lượng, vô số hữu tình phát tâm Bồ-đề, tu hạnh Bồ-tát, nhưng vì xa lìa phương tiện khéo léo của Bát-nhã ba-la-mật-đa, nên chỉ có một, hai, hay ba hữu tình an trụ ngôi vị Bồ-tát không thoái chuyển; phần nhiều rơi vào Thanh văn, Độc giác, ý chí yếu, phẩm hạnh kém, địa vị thấp. Vì sao? Kiều-thi-ca, vì quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật, công đức vô biên khó có thể chứng đắc. Hữu tình nào mà ác tuệ, biếng nhác, tinh tấn hạ liệt, thắng giải hạ liệt, thì hữu tình đó hạ liệt không thể chứng đắc được. Vì vậy Kiều-thi-ca, các thiện nam, thiện nữ nào phát tâm Bồ-đề, tu hạnh Bồ-tát, muốn an trụ ngôi vị Bồ-tát không thoái chuyển, mau chóng chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột, mà không gặp chướng nạn, thì nên đối với kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, luôn luôn lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, tư duy đúng lý, thưa hỏi Pháp sư, vui vẻ vì người giảng thuyết, lại còn phải biên chép, dùng các vật báu trang hoàng rồi cung kính, cúng dường, tôn trọng ngợi khen, còn dùng các tràng hoa thượng diệu, hương bột, hương xoa, y phục anh lạc, tràng phan, lọng báu, các thứ trân kỳ, kỹ nhạc, đèn sáng mà cúng dường.

Kiều-thi-ca, các thiện nam, thiện nữ này đối với việc nhiếp thọ các pháp lành thù thắng khác của Bát-nhã ba-la-mật-đa, cũng nên lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh cần tu học, tư duy đúng lý, thưa hỏi Pháp sư, vui vẻ vì người giảng thuyết, lại còn biên chép, cúng dường, cung kính. Nhiếp thọ pháp lành thù thắng của Bát-nhã ba-la-mật-đa là gì? Đó là Bố thí cho đến Tĩnh lự ba-la-mật-đa; pháp không bên trong cho đến pháp không không tánh tự tánh; chân như cho đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn; cảnh giới đoạn cho đến cảnh giới vô vi. Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo; bốn Niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo; bốn Tĩnh lự, bốn Vô lượng, bốn Định vô sắc; tám Giải thoát, chín Định thứ đệ, ba pháp môn giải thoát; bậc Cực hỷ cho đến bậc Pháp vân; năm loại mắt, sáu phép thần thông; mười lực của Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng; pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả; tất cả pháp môn Đàla-ni, tất cả pháp môn Tam-ma-địa; trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng; hoặc vô lượng, vô biên Phật pháp khác. Đây gọi là nhiếp thọ các pháp lành thù thắng khác của Bát-nhã ba-la-mậtđa sâu xa.

Kiều-thi-ca, các thiện nam, thiện nữ này đối với vô lượng pháp môn như uẩn, giới, xứ..., tùy thuận Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, cũng nên lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tư duy đúng lý, không nên phỉ báng, đến nỗi đối với quả vị Giác ngộ cao tột mà gặp phải chướng nạn. Vì sao? Kiều-thi-ca, vì các thiện nam, thiện nữ này nên tư duy như vầy: “Khi xưa, Đức Như Lai lúc còn ở địa vị Bồ-tát, thường siêng năng tu học, tùy thuận pháp Bồ-đề. Đó là Bát-nhã cho đến Bố thí ba-la-mật-đa. Như vậy cho đến trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng và vô lượng, vô biên Phật pháp khác, cùng với vô lượng pháp môn như uẩn, giới, xứ... tùy thuận Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Do đây đã chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột. Chúng ta ngày nay vì cầu quả vị Giác ngộ cao tột, cũng nên theo học Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa và các pháp lành thù thắng tùy thuận. Quyết định là Đại sư chân thật của chúng ta chúng ta theo đó tu học thì sở nguyện thường viên mãn. Quyết định là pháp ấn chân thật của chư Phật, tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đã theo học điều đó mà chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột. Cũng vậy, pháp ấn chân thật của tất cả Thanh văn, Độc giác đều theo việc học đó mà đạt đến cứu cánh rốt ráo Niết-bàn. Vì vậy Kiều-thi-ca, các thiện nam, thiện nữ nào khi Phật còn tại thế hay sau khi Phật Niết-bàn, nên y chỉ vào Bát-nhã bala-mật-đa cho đến trí Nhất thiết trí vào vô lượng, vô biên Phật pháp; vô lượng pháp môn như uẩn, giới, xứ... thường phải siêng năng tu học. Vì sao? Kiều-thi-ca, vì Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế, cho đến trí Nhất thiết tướng và vô lượng, vô biên Phật pháp, vô lượng pháp môn như uẩn, giới, xứ... đều là chỗ nương tựa lợi ích, an lạc của tất cả Thanh văn, Độc giác, Bồ-tát và Trời, Rồng, A-tố-lạc...

QUYỂN 502

Phẩm 5: Hiện bảo tháp (3)

Bấy giờ Thiên đế Thích bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, nếu thiện nam, thiện nữ nào không xa lìa tâm của trí Nhất thiết trí, dùng vô sở đắc làm phương tiện, đối với kinh Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa này, chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh cần tu học, tư duy đúng lý, vì các hữu tình tuyên thuyết, lưu truyền hoặc biên chép, dùng các vật báu trang hoàng, các tràng hoa thượng diệu, hương bột, hương xoa, y phục, anh lạc, tràng phan, lọng báu, các thứ trân kỳ, kỹ nhạc, đèn sáng; dù chỉ trong khoảng chốc lát để cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen, thì các thiện nam, thiện nữ này, nhờ nhân duyên ấy thì được bao nhiêu phước đức?

Phật dạy Kiều-thi-ca:

–Ta hỏi lại ông, hãy theo ý nghĩ mà đáp. Có các thiện nam, thiện nữ nào đối với chư Như Lai sau khi Niết-bàn, vì cúng dường xá-lợi Phật nên dùng bảy báu xây tháp, trang sức bằng các loại trân kỳ xen lẫn. Tháp đó cao lớn một du-thiện-na, chiều rộng bằng nửa chiều cao. Lại dùng các loại tràng hoa thượng diệu, hương đồ, hương xoa, y phục, anh lạc, tràng phan, lọng báu, các thứ trân kỳ, kỹ nhạc, đèn sáng, trọn đời cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen. Ý ông nghĩ sao? Các thiện nam, thiện nữ này, nhờ nhân duyên đó được phước báu có nhiều không?

Thiên đế Thích bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, phước đó rất nhiều! Bạch Thiện Thệ, phước đức đó rất nhiều!

Phật dạy Kiều-thi-ca:

–Các thiện nam, thiện nữ đó đạt được phước nhiều hơn việc làm kia vô lượng, vô biên.

Lại nữa Kiều-thi-ca, tạm gác việc này lại. Nếu thiện nam, thiện nữ nào đối với chư Như Lai, sau khi Niết-bàn, vì muốn cúng dường xá-lợi Phật nên dùng bảy báu để xây tháp, trang sức bằng các loại trân kỳ xen lẫn. Tháp đó cao lớn một du-thiện-na, rộng bằng nửa chiều cao. Như vậy, cho đến đầy khắp một châu Thiệm-bộ hoặc bốn đại châu, hoặc tiểu thiên giới, hoặc trung thiên giới, hoặc thế giới ba lần ngàn, đều dùng các tràng hoa thượng diệu cho đến đèn sáng, trọn đời cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen. Ý ông nghĩ sao? Các thiện nam, thiện nữ này, nhờ nhân duyên ấy được phước có nhiều không?

Thiên đế Thích bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, phước đó rất nhiều! Bạch Thiện Thệ, phước đó rất nhiều!

Phật dạy Kiều-thi-ca:

–Các thiện nam, thiện nữ đó phước đức đã được rất nhiều hơn việc làm kia vô lượng, vô biên. Lại nữa Kiều-thi-ca, tạm gác việc một thế giới ba lần ngàn lại, giả sử các hữu tình ở thế giới ba lần ngàn, mỗi người đều đối với Như Lai sau khi Niết-bàn, mỗi người cúng dường xá-lợi Phật, dùng bảy báu để xây tháp, trang sức bằng các loại trân kỳ xen lẫn. Tháp đó cao lớn một du-thiện-na, chiều rộng bằng nửa chiều cao, đầy khắp trong thế giới ba lần ngàn, không chỗ nào trống. Rồi đem các tràng hoa hương diệu cho đến đèn sáng, trọn đời cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen. Ý ông nghĩ sao? Các hữu tình trong thế giới ba lần ngàn như vậy, nhờ nhân duyên ấy được phước có nhiều không?

Thiên đế Thích bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, phước đó rất nhiều! Bạch Thiện Thệ, phước đó rất nhiều!

Phật dạy Kiều-thi-ca:

–Các thiện nam, thiện nữ kia, phước đã đạt được nhiều hơn việc làm kia vô lượng, vô biên.

Khi ấy, Thiên đế Thích lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, đúng vậy! Bạch Thiện Thệ, đúng vậy! Nếu các thiện nam, thiện nữ, cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa, nên biết đó là cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen chư Phật Thế Tôn ở đời quá khứ, hiện tại, vị lai. Giả sử tất cả hữu tình trong mười phương hằng hà sa thế giới, đều đối với Như Lai sau khi Niết-bàn, vì muốn cúng dường xá-lợi Phật, nên dùng bảy báu xây tháp, các loại trân kỳ xen lẫn để trang sức. Tháp đó cao lớn một duthiện-na, chiều rộng bằng nửa chiều cao, đầy khắp mười phương hằng hà sa thế giới của chư Phật, không một chỗ trống. Mỗi vị đều dùng các loại tràng hoa hương diệu cho đến đèn sáng, trải qua một kiếp, hoặc hơn một kiếp, cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen. Bạch Thế Tôn, các hữu tình này, nhờ nhân duyên ấy mà được phước có nhiều không?

Phật dạy:

–Rất nhiều.

Thiên đế Thích bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, nếu thiện nam, thiện nữ nào không rời tâm của trí Nhất thiết trí dùng vô sở đắc làm phương tiện, đối với kinh Bát-nhã ba-la-mậtđa sâu xa này mà chí tâm, lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh cần tu học, tư duy đúng lý, tuyên thuyết rộng rãi cho hữu tình, hoặc có người biên chép, dùng nhiều vật báu để trang hoàng. Lại đem các tràng hoa thượng diệu cho đến đèn sáng, dù chỉ trong khoảnh khắc để cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen, thì các thiện nam, thiện nữ này, nhờ nhân duyên ấy mà được phước nhiều hơn người kia vô lượng, vô biên, không thể nghĩ bàn, không thể tính kể. Vì sao?

Bạch Thế Tôn, vì Bát-nhã ba-la-mật-đa này có thể tổng hợp, chất chứa tất cả pháp lành. Đó là mười nẻo nghiệp thiện, bốn Tĩnh lự, bốn Vô lượng, bốn Định vô sắc; ba mươi bảy phẩm Bồ-đề, ba pháp môn giải thoát; tám Giải thoát, chín Định thứ đệ; năm loại mắt, sáu phép thần thông; Bố thí bala-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa; pháp không bên trong cho đến pháp không không tánh tự tánh; chân như cho đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn; cảnh giới đoạn cho đến cảnh giới vô vi; quán bốn Thánh đế, quán mười hai duyên khởi; bậc Tịnh quán cho đến bậc Như Lai; bậc Cực hỷ cho đến bậc Pháp vân; tất cả pháp môn Đà-la-ni, tất cả pháp môn Tam-ma-địa; mười lực của Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng; pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả; trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng, vô lượng, vô biên Phật pháp, đều gom vào Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này.

Bạch Thế Tôn, Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế là pháp ấn chân thật của chư Như Lai, cũng là pháp ấn chân thật của tất cả Thanh văn, Độc giác. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác nhờ học pháp này, nên đã chứng, sẽ chứng, đang chứng quả vị Giác ngộ cao tột. Tất cả Thanh văn và các Độc giác nhờ học pháp này, nên đã chứng, sẽ chứng, đang chứng đến bờ Niết-bàn. Nhờ nhân duyên này, nếu các thiện nam, thiện nữ, không xa lìa tâm của trí Nhất thiết trí, dùng vô sở đắc làm phương tiện, đối với kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này mà chí tâm, lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, tư duy đúng lý, giảng rộng cho các hữu tình, hoặc biên chép, trang hoàng bằng vật báu, lại dùng các tràng hoa thượng diệu cho đến đèn sáng, mà cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen, sẽ được vô lượng, vô biên phước báo, không thể nghĩ bàn, không thể tính kể mà các phước báo khác không thể sánh bằng.


Trước

[Đầu trang][Mục lục Kinh Đại Bát Nhã]

Tiếp theo


[Mục lục bộ Bát-nhã][220][221][222][223][224][225][226][227][228][229][230][231][232][233][234][235][236][237][238][239][240][241][242][243][244][245][246][247][248][249][250][251][252][253][254][255][256][257][258][259][260][261]


[Mục lục tổng quát]