SỐ 220
KINH ĐẠI BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA

HỘI THỨ IV

Phẩm 11: Ma sự
(QUYỂN 546 - 547)

Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.

QUYỂN 546

QUYỂN 547


QUYỂN 546

Phẩm 11: Ma sự (1)

Khi ấy, Thiện Hiện bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, đã nói các thiện nam, thiện nữ trụ nơi Bồ-tát thừa, khi tu những công đức hay gặp nhiều sự trở ngại. Những gì gọi là các việc trở ngại?

Đức Phật bảo Thiện Hiện:

–Việc trở ngại đó là các việc ma.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, thế nào gọi là việc ma của Bồtát?

Đức Phật bảo Thiện Hiện:

–Nếu Đại Bồ-tát lúc muốn giảng nói Bát-nhã ba-la-mật-đa hoặc nói pháp cốt yếu, thường nói thật lâu mới xong; hoặc nói pháp cốt yếu vội vàng cho xong; hoặc nói pháp cốt yếu đã xong, còn tiếp tục nói thêm; điều muốn nói thêm chưa xong liền ngưng; hoặc nói pháp cốt yếu ngôn từ lộn xộn; hoặc nói pháp cốt yếu ngôn từ gián đoạn; hoặc khi nói pháp cốt yếu lại sinh ra những điều không tốt, làm cho những điều muốn nói không được tùy tâm... nên biết đó là ma sự của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện, Đại Bồ-tát nào khi biên chép kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa; hoặc ợ ngáp uể oải; hoặc cùng nhau cười giỡn; hoặc khinh lấn lẫn nhau; hoặc thân tâm dao động; hoặc rối loạn mất chánh niệm; hoặc văn cú ngược xuôi; hoặc mê mờ về nghĩa lý; hoặc không được thấm nhuần pháp vị rồi sinh tâm chán bỏ; hoặc chóng sinh việc ngang trái; hoặc tranh cãi chống báng lẫn nhau... Vì những sự kiện này, nên biên chép không xong, nên biết đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện, nếu Đại Bồ-tát nào khi thọ trì, đọc tụng, suy nghĩ, tu tập, nói và nghe kinh Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa ợ ngáp uể oải; hoặc cùng nhau cười giỡn; hoặc khinh lấn lẫn nhau; hoặc thân tâm dao động; hoặc rối loạn mất chánh niệm; hoặc văn cú ngược xuôi; hoặc nghĩa lý mê mờ; hoặc không được thấm nhuần pháp vị nên sinh tâm chán bỏ; hoặc chóng sinh việc ngang trái; hoặc tranh cãi chống báng lẫn nhau... Do những sự kiện này, nên việc làm không thành tựu, nên biết đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện, nếu Đại Bồ-tát khi nghe thuyết kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, mà suy nghĩ thế này: “Ta ở trong đây không được thọ ký nên nghe làm gì?” Hoặc suy nghĩ: “Trong đấy không nói tên ta thì nghe làm gì!” Hoặc suy nghĩ: “Trong đây không nói đến thành ấp, xóm làng, nơi sinh của ta thì nghe làm gì!”… Vì những lý do này nên tâm không thanh tịnh, liền từ chỗ ngồi chán nản bỏ đi mà tâm không đoái hoài. Nên biết, đó là việc ma của Bồ-tát.

Thiện Hiện nên biết, nếu Đại Bồ-tát khi nghe thuyết kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, mà tâm không thanh tịnh, chán nản bỏ đi. Từ nơi tâm không thanh tịnh, chán nản bỏ đi của người đó nếu có bao nhiêu bước đi khi chán bỏ kinh này, liền giảm bấy nhiêu kiếp số công đức như vậy và chuốc lấy bấy nhiêu kiếp tội ngăn sự giác ngộ. Người đó đã chịu tội rồi, trải qua thời gian cũng như vậy, nếu phát tâm siêng năng, tinh tấn, tu các hạnh khổ khó hành của Bồ-tát thì mới có thể trở lại như cũ. Vì thế gọi là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện, nếu Đại Bồ-tát buông bỏ kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa dẫn đến trí Nhất thiết trí mà học các kinh điển khác, tùy thuận Nhị thừa, thì không thể dẫn đến trí Nhất thiết trí, như vậy là rời bỏ cội rễ mà vin vào cành lá, nên biết đó là việc ma của Bồ-tát. Vì sao? Vì kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có thể sinh các công đức thù thắng ở thế gian và xuất thế gian cho các Đại Bồ-tát. Do đó có thể dẫn đến trí Nhất thiết trí, có công dụng và thế lực lớn, ví như gốc của cây. Các kinh điển khác không có công dụng như vậy nó ví như công năng của cành lá, không thể vượt hơn được.

Nếu các thiện nam trụ nơi Bồ-tát thừa, tu học kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như vậy, tức là tu học các công đức thù thắng ở thế gian và xuất thế gian của tất cả chúng Đại Bồ-tát, thì chóng tiến đến trí Nhất thiết trí.

Nếu các thiện nam trụ nơi Bồ-tát thừa, buông bỏ kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa, để cầu học kinh điển tương ưng Nhị thừa; tức là buông bỏ tất cả các công đức thù thắng ở thế gian và xuất thế gian của Đại Bồ-tát, thì không bao giờ đạt đến trí Nhất thiết trí. Các thiện nam trụ Bồ-tát thừa này phước tuệ ít ỏi, vì bỏ gốc tìm ngọn; nên gọi đó là việc ma của Bồ-tát.

Thiện Hiện nên biết, như chó đói ngu si bỏ miếng ăn của chủ cho, trở lại theo tôi tớ để cầu xin miếng ăn! Vào thời tương lai, có các thiện nam trụ Bồ-tát thừa, bỏ kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-lamật-đa căn bản của trí Nhất thiết trí để cầu học kinh điển tương ưng Nhị thừa sẽ cũng như vậy. Vì sao? Vì các thiện nam trụ Bồ-tát thừa này, trí tuệ hiểu biết ám độn, bỏ kinh điển tương ưng Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa có thể dẫn đến trí Nhất thiết trí mà cầu học kinh điển dẫn đến công đức Thanh văn, Độc giác. Chắc chắn không thể đạt được trí Nhất thiết trí. Vì sao? Vì kinh điển tương ưng của Thanh văn, Độc giác chỉ là sự điều phục tự thân để được vắng lặng, để ra khỏi khổ sinh tử, đạt đến Niết-bàn an lạc; tinh tấn tu học kinh điển như vậy, chỉ dẫn đến căn lành, cứu cánh chỉ được trụ địa Nhị thừa, chỉ tự lợi viên mãn. Kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa sẽ cứu giúp khắp tất cả hữu tình ra khỏi sự khổ sống chết và được Niết-bàn an vui; tinh tấn tu học kinh điển này sẽ có được nhiều căn lành và cứu cánh sẽ đạt đến trí Nhất thiết trí, đem lại lợi ích an vui cho tất cả hữu tình.

Này Thiện Hiện, ví như có người muốn xem voi chúa thân hình lớn hay nhỏ, thuộc loại mạnh mẽ hay yếu đuối. Được thấy voi mà người ấy không xem, lại đi tìm dấu chân của nó. Ý ông nghĩ sao? Người đó có thông minh chăng?

Thiện Hiện thưa:

–Bạch Thế Tôn, thưa không.

Đức Phật bảo Thiện Hiện:

–Vào thời tương lai, có các thiện nam trụ Bồtát thừa, bỏ kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa, cội rễ của trí Nhất thiết trí để cầu học kinh điển tương ưng Nhị thừa và trong đó cũng mong cầu được trí Nhất thiết trí thì cũng sẽ như vậy.

Này Thiện Hiện, ví như có người vì trân bảo nên tìm đến biển lớn. Đã đến bờ biển, người ấy không vào biển lớn mà trở lại xem nước nơi dấu chân trâu, rồi suy nghĩ: “Nước trong biển lớn, lượng sâu rộng của nó có bằng đây chăng? Trong đó có lẽ cũng có các trân bảo.” Ý ông nghĩ sao?

Người đó có khôn không?

Thiện Hiện thưa:

–Bạch Thế Tôn, thưa không.

Đức Phật bảo Thiện Hiện:

–Vào thời tương lai, có các thiện nam trụ Bồtát thừa, bỏ kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa, cội rễ của trí Nhất thiết trí để cầu học kinh điển tương ưng Nhị thừa và trong đó cũng mong cầu được trí Nhất thiết trí thì cũng lại như vậy. Vì sao? Vì người đó tinh cần tu học kinh điển Nhị thừa, cuối cùng chỉ có thể đắc quả Dự lưu, tuần tự cho đến Độc giác Bồ-đề; tất nhiên không thể đạt được trí Nhất thiết trí.

Thế nên các thiện nam trụ Bồ-tát thừa, muốn mau chứng đắc trí Nhất thiết trí, hãy học Bát-nhã ba-la-mật-đa, không nên cầu học kinh điển Nhị thừa. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, chắc chắn là cội rễ của trí Nhất thiết trí, còn kinh điển Nhị thừa như là cành lá.

Này Thiện Hiện, như có người thợ, hoặc học trò của ông ta; muốn làm cung điện lớn, cao rộng tốt đẹp như cung điện Thiên đế Thích. Thấy cung điện đó rồi, nhưng người đó lại làm cung điện kiểu như cung điện Nhật nguyệt. Ý ông nghĩ sao? Như vậy người thợ, hoặc học trò của ông ta, có thể làm cung điện rộng lớn, tốt đẹp như cung điện của Đế Thích chăng?

Tôn giả Thiện Hiện:

–Bạch Thế Tôn, thưa không.

Đức Phật hỏi Thiện Hiện:

–Người ấy có thông minh không?

Tôn giả Thiện Hiện thưa:

–Bạch Thế Tôn, người ấy không thông minh.

Đức Phật bảo Thiện Hiện:

–Vào thời tương lai, có các thiện nam trụ Bồtát thừa, đã được Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, lại bỏ đi để cầu học kinh điển Nhị thừa và cũng muốn chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột, làm lợi ích an lạc cho loài hữu tình, như vậy cũng không được. Nên biết, đó là các loại người ngu si.

Thiện Hiện, như có người muốn thấy Chuyển luân thánh vương, thấy rồi, chẳng nhận biết, bỏ đến nơi khác. Thấy vua nước nhỏ, quán sát hình tướng của ông ta và suy nghĩ: “Hình tướng của Chuyển luân vương oai đức đâu có hơn người này.” Ý ông nghĩ sao? Người đó có thông minh không?

Tôn giả Thiện Hiện thưa:

–Bạch Thế Tôn, thưa không.

Đức Phật bảo:

–Thiện Hiện, vào thời tương lai, có các thiện nam trụ Bồ-tát thừa; muốn hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột, chuyển bánh xe pháp vi diệu hóa độ chúng hữu tình, mà bỏ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, lại cầu học kinh điển tương ưng Nhị thừa và nói: “Kinh điển kia và đây đâu có gì khác nhau? Tại sao phải dùng kinh đó?” Vì nguyên nhân này, nên người đó chắc chắn không thể đạt trí Nhất thiết trí. Vì sao? Vì kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa có nhiều phương tiện thị hiện, khuyến khích, dắt dẫn, khen ngợi, vui mừng giúp các thiện nam, thiện nữ trụ nơi Bồ-tát thừa đối với quả vị Giác ngộ cao tột đạt được đều không bị thoái chuyển; còn nếu bỏ để cầu học kinh điển Nhị thừa thì nên biết người đó không thể được như vậy. Vì sao? Vì người tinh tấn tu học kinh điển Nhị thừa, chắc chắn không thể chứng đắc Phật quả.

Này Thiện Hiện, như có người đói được thức ăn trăm vị mà bỏ để cầu ăn cơm đã để lâu hai tháng.

Ý ông nghĩ sao? Người đó có khôn ngoan không?

Tôn giả Thiện Hiện bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, thưa không.

Đức Phật bảo Thiện Hiện:

–Vào thời tương lai, có các thiện nam trụ Bồtát thừa, cũng sẽ lại như vậy. Cầu hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột mà bỏ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, để cầu học kinh điển tương ưng Nhị thừa, với ý muốn tìm trí Nhất thiết trí trong kinh Nhị thừa ấy, thật hoài công nhọc nhằn, cuối cùng chẳng được gì.

Này Thiện Hiện, như có người nghèo, được ngọc vô giá mà bỏ, để đổi lấy đá Ca-giá-mạt-ni. Ý ông nghĩ sao? Người đó có khôn ngoan không?

Thiện Hiện đáp:

–Bạch Thế Tôn, thưa không.

Đức Phật bảo Thiện Hiện:

–Vào thời tương lai, có các thiện nam trụ Bồtát thừa cũng lại như vậy; cầu hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột mà bỏ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, để cầu học kinh điển tương ưng Nhị thừa, với ý muốn tìm trí Nhất thiết trí trong kinh Nhị thừa ấy; thật hoài công nhọc nhằn, cuối cùng cũng chẳng được gì.

Này Thiện Hiện, các thiện nam, thiện nữ trụ nơi Bồ-tát thừa; nếu đang lúc biên chép, thọ trì, đọc tụng, suy nghĩ, tu tập kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có những sự biện luận phức tạp nổi lên và lại muốn nói về những pháp môn khác, làm cho những việc biên chép... không được hoàn tất, nên biết đó cũng là việc ma của Bồ-tát.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, có thể biên chép Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa được không?

Đức Phật bảo:

–Không được, Thiện Hiện, nếu các thiện nam trụ Bồ-tát thừa, khi biên chép kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa nghĩ: “Ta dùng văn tự biên chép Bát-nhã ba-la-mật-đa như vậy văn tự này là Bát-nhã ba-la-mật-đa; hoặc nương vào văn tự mà chấp trước Bát-nhã ba-la-mật-đa”, nên biết đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện, các thiện nam, thiện nữ trụ nơi Bồ-tát thừa, khi biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, giảng nói kinh tương ưng Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa mà nghĩ đến đất nước, thành ấp, kinh đô, nơi chốn, thầy bạn, cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, bà con, bạn bè, vua quan, trộm cướp, thú dữ, người ác, quỷ ác, đám đông, dạo chơi, âm nhạc, báo oán, báo ân, thực phẩm, y phục, đồ nằm; hoặc nghĩ đến các vật mà thân còn thiếu, nghĩ đến sự sáng tác văn tụng, sách vở, thời tiết lạnh, nóng, ấm, mát, những việc voi, ngựa, nước, lửa; hoặc nghĩ đến những sự nghiệp khác đã xa lìa... Nên biết, những sự kiện đó đều là việc ma của Bồ-tát.

Những việc ma này làm khuấy động Bồ-tát, làm cho những việc biên chép đều không được thành tựu. Bồ-tát biết rõ hãy nên xa lánh.

Này Thiện Hiện, các thiện nam, thiện nữ trụ nơi Bồ-tát thừa, khi biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, giảng nói kinh tương ưng Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa, được sự cung kính cúng dường, được nhiều lợi ích, tiếng khen. Nếu vì lý do này, mà người đó bỏ bê sự nghiệp đã làm thì nên biết, đó cũng là việc ma của Bồ-tát. Bồ-tát biết rõ như vậy hãy nên xả bỏ.

Thiện Hiện, các thiện nam, thiện nữ trụ nơi Bồtát thừa, khi biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, giảng nói kinh tương ưng Bát-nhã ba-la-mậtđa, mà có những ác ma hóa ra những hình tượng Bí-sô tay cầm các loại sách thế tục, hoặc kinh điển tương ưng Nhị thừa, giả hiện bạn thân, trao cho Bồ-tát và bảo Bồ-tát: “Kinh điển này ý nghĩa mới sâu xa, khó hiểu, nên chuyên cần tu học và bỏ kinh đã học kia đi.” Các thiện nam trụ Bồ-tát thừa này chưa có phương tiện thiện xảo, không nên chấp nhận sách luận thế tục của ác ma trao cho, hoặc kinh điển tương ưng Nhị thừa. Vì sao? Vì sách luận của thế tục và kinh điển Nhị thừa không thể dẫn dắt sự phát khởi cầu trí Nhất thiết trí; chẳng phải là con đường hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột; không phải là phương tiện thuận duyên hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột mà nó là chướng ngại to lớn.

Thiện Hiện nên biết, trong kinh tương ưng Bát- nhã ba-la-mật-đa sâu xa, giảng rộng về phương tiện thiện xảo của Đại Bồ-tát có cho biết, nếu ai đối với kinh này tinh cần, tu học, rất mau chứng đắc trí Nhất thiết trí. Nếu các thiện nam trụ Bồ-tát thừa, không có phương tiện thiện xảo, sẽ dễ gần gũi bạn ác, bỏ Bát-nhã ba-la-mật-đa, thọ học sách luận thế tục của ác ma và kinh điển tương ưng Nhị thừa. Nên biết, đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện, người nghe pháp thì thích nghe, thích hỏi, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Còn người thuyết pháp lại rơi vào biếng nhác, không muốn thuyết cho ai, cũng không ban bố cho ai Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa. Nên biết, đó là việc ma của Bồ-tát.

Thiện Hiện, người thuyết pháp, tâm không có say đắm, cũng không biếng nhác, ưa giảng và ưa ban bố Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, dùng phương tiện để khuyến khích việc biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập; còn người nghe pháp lại lười biếng, ham vui, không muốn lãnh thọ cho đến tu tập. Nên biết, đó là việc ma của Bồ-tát.

Thiện Hiện, người nghe pháp có đầy đủ sức trí tuệ, nhớ nghĩ; thích nghe, thích hỏi, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Còn người thuyết pháp lại muốn đi đến phương khác, không muốn dạy bảo, truyền trao. Nên biết, đó là việc ma của Bồ-tát.

Thiện Hiện, người thuyết pháp, ưa thuyết, ưa ban bố Bát-nhã ba-la-mật-đa, dùng phương tiện khuyến khích việc biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập; còn người nghe pháp lại muốn qua phương khác; không muốn nghe, thọ. Nên biết, đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện, người thuyết pháp có đầy đủ các thứ ác và lòng ham muốn lớn, yêu chuộng danh lợi; y phục, thực phẩm, đồ nằm, thuốc thang và bao nhiêu vật dụng, của cải khác; đối với sự cung kính cúng dường, tâm vui thích không nhàm chán; còn người nghe pháp chỉ biết đủ không ham muốn lớn tu hạnh xa lìa, dũng mãnh tinh tấn, đầy đủ niệm, định, tuệ; chán sợ tự lợi từ sự cung kính cúng dường và tiếng khen, hoặc có đủ tật đố, xan tham, không thể xả thí. Cả hai không hòa hợp, nên không tiếp nhận thọ trì, biên chép, đọc tụng, tu tập Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết, đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện, người thuyết pháp biết đủ, ít ham muốn, tu hạnh xa lìa, dũng mãnh, tinh tấn, đầy đủ niệm, định, tuệ, chán sợ tự lợi từ sự cung kính cúng dường và tiếng khen; hoặc có đủ tham lam, ganh ghét, không thể xả thí. Còn người nghe pháp, có đủ thứ ác, ham muốn lớn, chuộng danh lợi, y phục, thực phẩm, đồ nằm, thuốc thang và vật dụng, của cải khác, đối với sự cung kính cúng dường, tâm vui thích không nhàm chán. Cả hai không hòa hợp, nên không thể tiếp nhận, thọ trì, biên chép, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết, đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện, người thuyết pháp có tín, có giới, thọ trì mười hai công đức hạnh Đỗ-đa, thích thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cho người khác, dùng phương tiện để khuyến khích biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập. Còn người nghe pháp không tín, không giới, cũng không thọ trì mười hai công đức hạnh Đỗ-đa. Cả hai không hòa hợp, không thể dạy bảo, truyền trao, tiếp nhận, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết, đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện, người nghe pháp có tín, có giới, thọ trì mười hai công đức hạnh Đỗ-đa, ưa nghe, hỏi, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa; còn người thuyết pháp không có tín, có giới, cũng không có mười hai công đức hạnh Đỗ-đa, không muốn dạy bảo, truyền trao. Cả hai không hòa hợp nên, không đạt được kết quả nói hay nghe, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết, đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện, người thuyết pháp không có tâm tham lam bỏn sẻn và có thể bố thí tất cả. Còn người nghe pháp có tâm tham lam bỏn sẻn và không thể xả thí, hoặc trái ngược như trường hợp trên. Cả hai không hòa hợp, nên không đạt được sự dạy bảo, trao truyền hay tiếp nhận, thọ trì, biên chép, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết, đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện, người nghe pháp muốn cầu cúng dường người thuyết pháp y phục, thực phẩm, đồ nằm, thuốc thang và vật dụng khác, nhưng người thuyết pháp không muốn thọ dụng hoặc trái ngược như trường hợp trên. Cả hai không hòa hợp, nên không đạt được kết quả nói hay nghe, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết, đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện, người thuyết pháp đã thành tựu, trí được khai mở, không muốn truyền bá; còn người nghe pháp thành tựu diễn trí, không muốn nói tóm tắt hoặc ngược với trường hợp trên. Cả hai không hòa hợp nên không đạt được sự dạy bảo, truyền trao hay tiếp nhận, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết, đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện, người thuyết pháp thường muốn được biết rộng trình tự pháp nghĩa mười hai phần giáo; còn người nghe pháp không muốn biết rộng trình tự pháp nghĩa mười hai phần giáo, hoặc trái với trường hợp trên. Cả hai không hòa hợp, nên không đạt được sự dạy bảo, truyền trao hay tiếp nhận, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết, đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện, người thuyết pháp thành tựu sáu pháp Ba-la-mật-đa, có phương tiện thiện xảo đạt được Đà-la-ni; còn người nghe pháp không được công đức như vậy, hoặc ngược lại. Cả hai không hòa hợp, nên không đạt được sự dạy bảo, truyền trao hay tiếp nhận, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết, đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện, người thuyết pháp muốn làm cho người nghe pháp cung kính, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa; còn người nghe pháp lại không tùy thuận ý của người thuyết pháp, hoặc ngược lại. Cả hai không hòa hợp, nên không đạt được sự dạy bảo, truyền trao hay tiếp nhận, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa. Nên biết, đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện, người thuyết pháp đã xa lìa trần cấu, xan tham, đã xa lìa năm triền cái; còn người nghe pháp chưa xa lìa trần cấu xan tham, chưa xa lìa năm triền cái hoặc ngược lại. Cả hai không hòa hợp, nên không đạt được sự dạy bảo, truyền trao hay tiếp nhận, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết, đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện, người nghe pháp có tâm tin tưởng ưa thích, muốn hiểu rõ nghĩa lý sâu xa; nhưng người thuyết pháp đối với kinh này chưa được thuần thục sâu xa, nên không thể xác quyết rõ ràng, làm cho người nghe pháp không muốn nghe. Vì nguyên nhân này, nên không được biên chép, thọ trì, đọc tụng, tư duy, tu tập. Nên biết, đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện, người thuyết pháp, tâm thích nói pháp, nhưng người nghe pháp lại không muốn nghe, hoặc ngược lại. Cả hai không hòa hợp, nên không đạt được sự dạy bảo, truyền trao, tiếp nhận, thọ trì, biên chép, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa. Nên biết, đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện, người thuyết pháp tuy muốn nói pháp nhưng thân bị các căn bệnh nặng ràng buộc nên không thể thuyết pháp được. Hoặc người nghe pháp tuy muốn nghe, nhưng thân bị các căn bệnh nặng ràng buộc, không thể nghe được. Cả hai không hòa hợp, nên không đạt được sự dạy bảo, truyền trao hay tiếp nhận, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết, đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện, có các thiện nam trụ Bồ-tát thừa, lúc biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, giảng nói kinh tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa; có người đến nói về những cảnh giới ác và những việc khổ; nhân đó lại bảo: “Ngươi đối với thân này nên siêng năng, tinh tấn sẽ mau chấm dứt hết khổ, vào cảnh giới Niết-bàn. Cớ sao phải dừng lại ở biển cả sinh tử, nhẫn chịu trăm ngàn sự khổ khó nhẫn, để cầu hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột làm chi!” Do những lời nói ấy mà sự biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, giảng nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này không được trọn vẹn. Nên biết, đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện, có các thiện nam trụ nơi Bồtát thừa, khi biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, suy nghĩ, giảng nói kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa; có người đến ca ngợi những sự thù thắng ở cõi người và ca ngợi sự trường thọ, an lạc của cõi trời, rồi người đó nói: “Tuy ở cõi Dục, thọ những dục lạc, ở trong cõi Sắc hưởng vui tĩnh lự, ở cõi Vô sắc hưởng vui không dứt. Nhưng đó đều là những pháp vô thường, khổ, không, vô ngã, bất tịnh, biến hoại; đó là pháp tàn tạ, pháp xa lìa, pháp chấm dứt, pháp hoại diệt. Vì sao ngươi đối với thân này, không tinh tấn để chứng quả Dự lưu, dần dần cho đến Độc giác Bồ-đề, vào cảnh giới Niết-bàn cứu cánh an vui? Sao lại phải ở lâu nơi luân hồi sinh tử, vô cớ vì người khác chịu những khổ nhọc, để cầu hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột?” Do những lời nói ấy mà sự biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, giảng nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này không được trọn vẹn. Nên biết, đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện, người thuyết pháp sống một mình, không ràng buộc, chuyên tu việc mình chứ không lo việc người khác; còn người nghe pháp thích dự vào đám đông, thích lo việc người khác nhưng không lo việc mình, hoặc ngược lại. Cả hai không hòa hợp, nên không đạt được sự dạy bảo, truyền trao, tiếp nhận, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết, đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện, người thuyết pháp không ưa ồn ào, xen tạp; còn người nghe pháp thích chỗ ồn ào, xen tạp, hoặc ngược lại. Cả hai không hòa hợp nên không đạt được sự dạy bảo, truyền trao hay tiếp nhận, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa. Nên biết, đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện, người thuyết pháp muốn người nghe hoàn toàn tùy thuận và hỗ trợ những điều mình nói; nhưng người nghe pháp không tùy thuận ý muốn của người nói hoặc ngược lại. Cả hai không hòa hợp nên không đạt được sự dạy bảo, truyền trao hay tiếp nhận, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết, đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện, người thuyết pháp vì danh lợi nên muốn thuyết pháp cho người, lại muốn những người nghe đó biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa; còn người nghe pháp, biết những điều như vậy, nhưng không muốn tùy thuận chấp nhận. Hoặc người nghe vì danh lợi nên muốn thỉnh người thuyết pháp và muốn phương tiện biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa; còn người thuyết pháp biết những điều như vậy nhưng không chấp nhận lời thỉnh kia. Cả hai không hòa hợp, nên không đạt được sự dạy bảo, truyền trao hay tiếp nhận, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết, đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện, người thuyết pháp muốn đến phương khác, dù nơi đó có thể nguy hiểm đến thân mạng; nhưng người nghe pháp sợ mất thân mạng nên không muốn đi theo. Hoặc người nghe pháp muốn qua phương khác dù nơi đó có thể nguy hiểm đến thân mạng; nhưng người thuyết pháp sợ mất thân mạng không muốn cùng đi. Cả hai không hòa hợp, nên không đạt được sự dạy bảo, truyền trao hay tiếp nhận, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa được. Nên biết, đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện, người nói pháp muốn qua phương khác, dù cõi nước đó có nhiều giặc cướp, tật dịch, đói khát, nhưng người nghe pháp lo sợ nơi ấy gian khổ, nên không chịu đi theo; hoặc người nghe pháp muốn đến phương khác, dù cõi nước đó có nhiều giặc cướp, tật dịch, đói khát; nhưng người thuyết pháp lo sợ nơi ấy gian khổ nên không chịu đi cùng. Cả hai không hòa hợp, nên không đạt được sự dạy bảo, truyền trao hay tiếp nhận, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết, đó là việc ma của Bồ-tát.

QUYỂN 547

Phẩm 11: Ma sự (2)

Này Thiện Hiện, người thuyết pháp muốn qua phương khác, nơi an ổn, giàu có, an vui, không có tai nạn. Còn người nghe pháp muốn đi theo người thuyết pháp. Người thuyết pháp tìm cách nói thử: “Tuy ngươi vì lợi muốn đi theo ta, nhưng ngươi đến đó đâu hẳn đã vừa lòng! Nên suy nghĩ cẩn thận, đừng để sau này lo âu, hối tiếc.”

Người nghe pháp sau khi nghe nói như vậy, suy nghĩ: “Thầy này không muốn để ta cùng đi. Nếu như ta cố tình đi theo, chắc gì đã được nghe pháp!” Vì sự việc này mà người nghe pháp không đi theo. Cả hai không hòa hợp, nên không dạy bảo, truyền trao hay tiếp nhận, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa được. Nên biết, đây là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện, người thuyết pháp muốn qua phương khác, phải đi qua con đường hoang vu, hiểm trở, có nhiều nạn giặc cướp và những sự khủng bố của kẻ hung dữ, của ác thú, của thợ săn, của rắn độc... Người nghe pháp muốn cùng đi theo; người thuyết pháp tìm cách nói thử: “Vì sao bỗng dưng ngươi muốn theo ta đến những nơi có nhiều nguy hiểm như vậy? Hãy nên suy nghĩ cẩn thận, đừng để sau này âu lo, hối tiếc.”

Người nghe pháp nghe xong suy nghĩ: “Thầy này không muốn cho ta đi theo. Nếu như ta cố tình đi theo, chắc gì đã được nghe pháp!” Vì nguyên nhân này mà người nghe pháp không đi theo. Cả hai không hòa hợp, nên không dạy bảo, truyền trao, tiếp nhận thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa được. Nên biết, đây là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện, người thuyết pháp có nhiều thí chủ, luôn luôn cùng theo kề cận. Người nghe pháp đến thỉnh thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa hoặc thỉnh biên chép, thọ trì, đọc tụng, như lời dạy tu hành; nhưng người thuyết pháp có nhiều việc trở ngại, không rảnh để dạy bảo. Vì vậy, người nghe pháp sinh tâm ghét hờn; mặc dầu sau đó có được dạy bảo nhưng không thèm nghe. Cả hai không hòa hợp nên không dạy bảo, truyền trao hay tiếp nhận, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa được. Nên biết, đây là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện, có các ác ma hóa ra đủ thứ hình dáng, đến chỗ Bồ-tát tìm cách phá hoại, làm cho người đó đối với kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa, không thể biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy hay giảng thuyết cho người khác được.

Thế nên, này Thiện Hiện, các thiện nam trụ Bồtát thừa, khi biên chép,... Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thường có những sự trở ngại, nên biết đó đều là việc ma của Bồ-tát.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, vì cớ gì mà ác ma hóa thành các hình tượng, đến chỗ Bồ-tát tìm cách phá hoại làm cho người đó đối với kinh điển tương ưng Bátnhã ba-la-mật-đa không thể biên chép, cho đến giảng nói được?

Đức Phật bảo Thiện Hiện:

–Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có khả năng sinh ra trí Nhất thiết trí của chư Phật. Tất cả trí Nhất thiết trí của chư Phật sinh ra lời dạy của Phật. Lời dạy của Phật sinh ra vô lượng, vô số trí tuệ cho loài hữu tình. Loài hữu tình có đầy đủ trí tuệ sẽ đoạn tận vô biên các phiền não. Người đã đoạn tận phiền não, thì tất cả ác ma không thể làm hại được. Vì tất cả ác ma không làm hại được nên sinh nhiều buồn khổ, như bị mũi tên đâm vào tim chúng. Chúng nghĩ: “Chớ để cho Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này làm trống khuyết cảnh giới của ta.” Thế nên, ác ma hóa thành các hình tượng, đến chỗ Bồ-tát tìm cách phá hoại, làm cho người đó đối với kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa không thể biên chép cho đến giảng nói được.

Khi ấy, Tôn giả Thiện Hiện bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, ác ma hóa ra những hình tướng, đến chỗ Bồ-tát tìm cách phá hoại như thế nào?

Đức Phật bảo Thiện Hiện:

–Có các ác ma hóa ra hình tướng Sa-môn, đến chỗ Bồ-tát tìm cách phá hoại, làm cho người đó chán bỏ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Sa-môn giả đó nói rằng: “Tuy ngươi tu tập, tụng kinh điển vô tướng, nhưng đó chẳng phải là chân Bát-nhã ba-lamật-đa. Ta thường tụng kinh điển hữu tướng, đó mới là chân Bát-nhã ba-la-mật-đa.” Khi chúng nói những lời như vậy, có các Bồ-tát chưa được thọ ký, mới học Đại thừa nên trí tuệ thấp kém, hạn hẹp; liền sinh tâm nghi hoặc đối với kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì nghi hoặc nên đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sinh tâm chán bỏ. Vì có tâm chán bỏ nên không biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy và giảng nói cho người khác Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa được. Nên biết, đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện, có những ác ma hóa ra hình tướng Bí-sô, đến chỗ Bồ-tát và nói với Bồ-tát: “Những Bồ-tát nào thực hành Bát-nhã ba-la-mậtđa sâu xa, chỉ chứng thật tế, đắc quả Dự lưu cho đến đắc quả Độc giác Bồ-đề, chứ không bao giờ có thể chứng quả Phật vô thượng. Vì sao đối với Bátnhã phải hoài công nhọc nhằn?” Bồ-tát nghe như vậy xong liền bỏ, không biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy và giảng nói Bát-nhã ba-la-mậtđa sâu xa. Nên biết, đó là việc ma của Bồ-tát.

Thế nên, này Thiện Hiện, khi biên chép... Bátnhã ba-la-mật-đa có rất nhiều những việc ma Bồtát nên biết rõ, đã biết rõ như vậy, Bồ-tát hãy tinh tấn suy nghĩ chân chánh, hiểu biết đúng đắn, tìm cách xa lìa.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, đúng vậy! Bạch Đức Thiện Thệ, đúng vậy! Khi biên chép,... Bát-nhã bala-mật-đa có rất nhiều việc ma. Ví như ngọc thần đại bảo vô giá, mặc dầu có sức thù thắng nhưng cũng có nhiều giặc oán. Cũng vậy, Bát-nhã ba-lamật-đa tuy có phước đức thù thắng nhưng cũng có nhiều trở ngại. Các thiện nam trụ Bồ-tát thừa vì ít phước đức nên lúc biên chép... có các ác ma đến làm trở ngại. Mặc dầu có tâm ưa muốn thực hiện nhưng không thành tựu được. Vì sao? Vì người ngu si dễ bị ma làm mê hoặc. Khi các thiện nam trụ Bồ-tát thừa biên chép... Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, chính họ làm nên sự trở ngại.

Bạch Thế Tôn, kẻ ngu si đó, tuệ giác ít ỏi nên không thể nghĩ bàn pháp Phật vĩ đại bao la. Chính họ không thể biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, lắng nghe hay giảng nói Bát-nhã ba-la-mậtđa, mà còn muốn làm trở ngại sự biên chép... của người khác nữa.

Đức Phật bảo Thiện Hiện:

–Đúng thế, đúng thế, đúng như lời ông nói. Có kẻ ngu si bị ma sai khiến; chưa trồng căn lành, phước tuệ ít, mỏng; chưa phát nguyện rộng lớn với Đức Phật; chưa được bạn lành bảo hộ. Chính mình đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa không thể biên chép cho đến giảng nói, còn làm cho các thiện nam mới học Đại thừa bị trở ngại, khi biên chép Bát-nhã bala-mật-đa.

Vào thời tương lai, có những thiện nam, thiện nữ phước tuệ nông cạn, căn lành ít ỏi, đối với công đức rộng lớn của chư Như Lai tâm không ưa thích. Chính mình đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa không thể biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, nghe, hỏi, giảng nói; lại còn muốn làm trở ngại sự biên chép... của người khác. Nên biết, những loại người đó bị mắc vô biên tội.

Này Thiện Hiện, có các thiện nam trụ Bồ-tát thừa, khi biên chép... Bát-nhã ba-la-mật-đa, bị nhiều việc ma làm trở ngại, khiến cho sự biên chép... không được thành tựu. Do đó, công đức không được viên mãn, phước tuệ ít ỏi và căn lành chưa thành thục.

Có các thiện nam trụ Bồ-tát thừa, lúc biên chép... Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không có việc ma xảy ra, nên biết đều nhờ vào thần lực từ bi hộ niệm của chư Phật. Vì sao? Vì ác ma và bè lũ của chúng, tuy luôn tìm đủ mọi cách muốn hoại diệt Bát-nhã ba-la-mật-đa, nhưng chư Phật Thế Tôn cũng luôn luôn tìm cách từ bi hộ niệm, làm cho các thiện nam trụ Bồ-tát thừa ấy khi biên chép... Bátnhã ba-la-mật-đa, không có các chướng ngại và được mau chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột.


Trước

[Đầu trang][Mục lục Kinh Đại Bát Nhã]

Tiếp theo


[Mục lục bộ Bát-nhã][220][221][222][223][224][225][226][227][228][229][230][231][232][233][234][235][236][237][238][239][240][241][242][243][244][245][246][247][248][249][250][251][252][253][254][255][256][257][258][259][260][261]


[Mục lục tổng quát]