SỐ 220
KINH ĐẠI BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA
HỘI THỨ IV
Phẩm 10: Tổng trì
(QUYỂN 545 - 546)
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.
Khi ấy, Thiên đế Thích nghĩ rằng: “Nếu các thiện nam, thiện nữ chỉ mới được nghe công đức và danh hiệu của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, phải biết những người ấy đã từng cúng dường vô lượng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, phát thệ nguyện rộng, gieo nhiều căn lành trong quá khứ. Huống gì được thọ trì, đọc tụng, biên chép, như lý suy nghĩ, vì người khác giảng giải, hoặc có thể tùy sức mà tu hành như sự chỉ dạy, phải biết người này trong quá khứ đã được ở chỗ vô lượng Đức Phật, gần gũi cúng dường, gieo nhiều căn lành; đã từng nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa, nghe rồi thọ trì, đọc tụng, suy nghĩ, diễn nói cho người khác, như sự chỉ dạy mà tu hành, hoặc có thể hỏi, có thể đáp kinh này, nhờ phước lực đời trước nay mới thành tựu được việc này. Nếu các thiện nam, thiện nữ đã từng cúng dường vô lượng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, công đức thuần tịnh thì khi nghe Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa, tâm chẳng kinh sợ, chẳng hoảng hốt, chẳng e ngại, chẳng lo buồn, chẳng hối tiếc, chắc thoái lui, chẳng mất đi.”
Bấy giờ, Thế Tôn biết tâm niệm của Thiên đế Thích liền bảo:
–Đúng vậy, đúng vậy, đúng như ông nghĩ!
Khi ấy Xá-lợi Tử cũng biết được tâm niệm của Thiên đế Thích, liền bạch Phật:
–Thiện nam, thiện nữ nào nghe Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa tin hiểu sâu xa, thọ trì đọc tụng, như lý suy nghĩ, biên chép thuyết giảng, truyền bá rộng rãi, tu hành như sự chỉ dạy, thì phải biết người này như các Đại Bồ-tát ở địa vị không thoái chuyển. Vì sao? Nghĩa lý của Bát-nhã ba-la-mật-đa này sâu xa, khó tin, khó hiểu. Nếu ở đời trước tu hành Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa không lâu dài, không ở trước Phật thỉnh hỏi và lãnh thọ; không ở chỗ Phật gieo nhiều căn lành thì làm sao vừa được nghe Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa có thể tin hiểu ngay được? –Bạch Thế Tôn, nếu các thiện nam, thiện nữ nghe thuyết nghĩa lý sâu xa của Bát-nhã ba-la-mậtđa, tâm chẳng tin hiểu, lại phỉ báng chê bai, thì phải biết người này đời trước đã chê bai phỉ báng Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa. Vì sao? Vì người ngu này căn lành ít ỏi, không có chí nguyện đúng đắn, gần gũi bạn ác nên khi nghe nghĩa lý sâu xa của Bátnhã ba-la-mật-đa, do sức huân tập từ đời trước; nên chẳng tin, chẳng ưa, tâm chẳng thanh tịnh, chẳng nhẫn nại, chẳng muốn. Vì sao? Vì đời quá khứ, người ngu này chưa từng gần gũi chư Phật, Bồ-tát và các Thánh hiền; chưa từng thỉnh hỏi nghĩa lý sâu xa của Bát-nhã ba-la-mật-đa này.
Bấy giờ, Thiên đế Thích nói với Xá-lợi Tử:
–Nghĩa lý sâu xa của Bát-nhã ba-la-mật-đa này rất khó tin, hiểu. Những người có lòng tin chưa lâu dài muốn tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, nghe thuyết nghĩa lý sâu xa trong ấy, không thể tin hiểu, hoặc sinh hủy báng chưa phải là hiếm có.
Khi ấy, Thiên đế Thích bạch Phật:
–Nay con kính lễ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nếu con kính lễ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa tức là kính lễ trí Nhất thiết trí.
Phật bảo Thiên đế Thích:
–Đúng vậy, đúng vậy, đúng như ông nói! Nếu thường kính lễ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa tức là kính lễ trí Nhất thiết trí. Vì sao? Này Kiều-thi-ca, chư Phật đã chứng trí Nhất thiết trí đều từ Bát-nhã ba-la-mật-đa mà được sinh. Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa lại do trí Nhất thiết trí của chư Phật mà có được. Kiều-thi-ca, các Đại Bồ-tát nên hành Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa như vậy, nên trụ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như vậy, nên học Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa như vậy.
Thiên đế Thích bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thế nào, thì gọi là trụ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa? Hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thế nào, thì gọi là học Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa?
Phật bảo Thiên đế Thích:
–Lành thay, lành thay! Chính ông mới có thể thỉnh hỏi nghĩa lý sâu xa này. Ông nhờ Phật lực mới có thể hỏi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về nghĩa lý sâu xa này. Kiều-thi-ca, các Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, chẳng trụ vào sắc cũng chẳng trụ đây là sắc, đây là học sắc. Chẳng trụ thọ, tưởng, hành, thức; cũng chẳng trụ đây là thọ, tưởng, hành, thức; đây là học thọ, tưởng, hành, thức.
Này Kiều-thi-ca, các Đại Bồ-tát khi hành Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa, chẳng học đối với sắc, cũng chẳng học đây là sắc, đây là chẳng trụ sắc. Chẳng học đối với thọ, tưởng, hành, thức, cũng chẳng học đây là thọ, tưởng, hành, thức, đây là chẳng trụ thọ, tưởng, hành, thức.
Kiều-thi-ca, đấy gọi là Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, cũng gọi là trụ Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa, cũng gọi là học Bát-nhã ba-la-mậtđa sâu xa.
Khi ấy, Xá-lợi Tử bạch Phật:
–Bát-nhã ba-la-mật-đa này rất là sâu xa. Bátnhã ba-la-mật-đa này khó có thể so lường. Bát-nhã ba-la-mật-đa này khó có thể chấp giữ. Bát-nhã bala-mật-đa này không có hạn lượng.
Bấy giờ, Phật bảo Xá-lợi Tử:
–Đúng vậy, đúng vậy! Xá-lợi Tử, khi hành Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa các Đại Bồ-tát chẳng trụ vào tánh thâm sâu của sắc, cũng chẳng trụ đây là tánh thâm sâu của sắc; đây gọi là học tánh thâm sâu của sắc. Chẳng trụ vào tánh thâm sâu của thọ, tưởng, hành, thức; cũng chẳng trụ đây là tánh thâm sâu của thọ, tưởng, hành, thức; đây gọi là học tánh thâm sâu của thọ, tưởng, hành, thức.
Này Xá-lợi Tử, khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, các Đại Bồ-tát chẳng học tánh thâm sâu của sắc; cũng chẳng học đây là tánh thâm sâu của sắc; đây gọi là chẳng trụ tánh thâm sâu của sắc. Đối với thọ, tưởng, hành, thức chẳng học tánh thâm sâu của thọ, tưởng, hành, thức; cũng chẳng học đây là tánh thâm sâu của thọ, tưởng, hành, thức; đây gọi là chẳng trụ vào tánh thâm sâu của thọ, tưởng, hành, thức.
Xá-lợi Tử lại bạch Phật:
–Bát-nhã ba-la-mật-đa này rất thâm sâu, khó có thể so lường, khó có thể chấp giữ, không có hạn lượng, khó tin hiểu, chỉ nên thuyết cho các Bồ-tát ở địa vị không thoái chuyển kia thôi. Vì sao? Vì những vị ấy nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, tâm chẳng hoảng hốt, sợ hãi, nghi ngờ, tâm rất tin hiểu, chẳng sinh hủy báng.
Khi ấy, Thiên đế Thích liền hỏi Cụ thọ Thiện Hiện:
–Nếu có vì các Bồ-tát chưa được thọ ký kia mà thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thì sẽ mắc lỗi gì?
Xá-lợi Tử bảo Thiên đế Thích:
–Khi nghe, những người kia sẽ hoảng hốt, sợ hãi, nghi ngờ, không thể tin hiểu, hoặc sinh hủy báng; như vậy là đã làm tăng trưởng nghiệp cảm đọa ác thú, chìm trong ba đường ác, chịu khổ lâu dài nặng nề, khó chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột. Vì thế không nên vì họ mà tuyên thuyết Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa. Thiên đế Thích thưa:
–Có trường hợp nào, Bồ-tát chưa được thọ ký, nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, tâm chẳng sợ hãi, hoảng hốt, nghi ngờ, rất tin hiểu, chẳng hủy báng không?
Xá-lợi Tử đáp:
–Có! Này Kiều-thi-ca, Đại Bồ-tát này đã phát tâm cầu quả vị Giác ngộ cao tột lâu rồi, đã tu hạnh của Đại Bồ-tát lâu rồi, chẳng bao lâu sẽ được thọ ký đại Bồ-đề. Kiều-thi-ca, Đại Bồ-tát nào nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, tâm chẳng sợ hãi, hoảng hốt, nghi ngờ, chẳng hủy báng lại rất tin hiểu, phải biết Đại Bồ-tát này đã được thọ ký quả vị Giác ngộ cao tột. Nếu là người chưa được thọ ký thì bất quá sẽ ở chỗ một Đức Phật hoặc hai Đức Phật và nhất định sẽ được thọ ký đại Bồ-đề.
Bấy giờ, Phật bảo Xá-lợi Tử:
–Đúng vậy, đúng vậy, đúng như ông nói! Xálợi Tử, Đại Bồ-tát nào học Đại thừa lâu dài, phát đại nguyện lâu dài, tu đại hạnh lâu dài, cúng dường nhiều Phật, phụng sự nhiều thiện hữu, căn lành thành thục, nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, tâm chẳng sợ hãi, hoảng hốt và nghi ngờ, tâm tin hiểu sâu xa, thích lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, cung kính cúng dường, suy nghĩ đúng lý, thuyết giảng cho người khác hoặc lại biên chép, như thuyết tu hành thường chẳng biếng nhác.
Xá-lợi Tử, do có những nguyên nhân này, nên dù sinh ở chỗ nào, Đại Bồ-tát này luôn được gặp Phật, thường nghe chánh pháp, cung kính, cúng dường, tôn trọng, ngợi khen. Gặp được Phật đều được Phật thọ ký không bỏ qua.
Khi ấy, Xá-lợi Tử bèn bạch Phật:
–Nay con muốn nói chút ít thí dụ, cúi xin Ngài hứa cho.
Phật bảo Xá-lợi Tử:
–Tùy ý, ông cứ nói.
Xá-lợi Tử thưa:
–Bạch Thế Tôn, như các thiện nam trụ Đại thừa này, mộng thấy chính mình ngồi tòa Bồ-đề nhiệm mầu, phải biết người này gần chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột. Như vậy, nếu có các thiện nam, được nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa, tâm rất kính tin, thọ trì, đọc tụng, siêng năng tu học, như lý suy nghĩ, biên chép giải nói, truyền bá rộng rãi, thì phải biết người này đã học Đại thừa lâu dài, căn lành thành thục, hoặc đã được thọ ký đại Bồ-đề, hoặc gần được thọ ký đại Bồ-đề, mau chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột. Bạch Thế Tôn, ví như có người đi dạo qua đồng nội, gặp khúc đường nguy hiểm dài hàng trăm do-tuần, hoặc hai, hoặc ba, hoặc bốn, hoặc năm trăm, thấy phía trước là thành ấp vương đô, nghĩa là gồm ruộng vườn, cây cối, người thả trâu... Thấy như vậy rồi bèn nghĩ rằng: “Thành ấp vương đô cách đây chẳng xa.” Nghĩ như vậy rồi, thân tâm thư thái, chẳng sợ ác thú, giặc cướp, đói khát. Những thiện nam, trụ Bồ-tát thừa cũng lại như vậy; nếu nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa hết lòng kính tin, thọ trì, đọc tụng, siêng năng tu học, như lý suy nghĩ, biên chép thuyết giảng, truyền bá rộng rãi, thì phải biết người này chẳng bao lâu sẽ được thọ ký đại Bồ-đề, mau chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột, không sợ rơi vào hàng Thanh văn và Độc giác. Vì sao? Vì đã được thấy, nghe, cung kính cúng dường Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa; đó là tướng trước của quả vị Giác ngộ cao tột.
Bạch Thế Tôn, ví như có người muốn xem biển cả, lần lượt đi tới, mãi một thời gian lâu mà chẳng thấy núi rừng, liền nghĩ rằng: “Nay thấy được như vậy chắc biển cả chẳng còn xa. Vì sao? Vì gần bờ biển mặt đất thấp dần nên không có các núi rừng.” Bấy giờ, tuy người kia chưa thấy biển cả nhưng thấy được cảnh gần kề nên vui mừng nhảy nhót.
Các thiện nam trụ Bồ-tát thừa cũng lại như thế; khi được nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa hết lòng kính tín, thọ trì, đọc tụng, siêng năng tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép giảng nói, truyền bá rộng rãi, thì phải biết chẳng bao lâu người này sẽ được thọ ký đại Bồ-đề, mau chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột. Vì sao? Vì đã được nghe Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa là tướng trước của quả vị Giác ngộ cao tột.
Bạch Thế Tôn, ví như vào mùa xuân, cây cho hoa và cây cho quả sau khi rụng hết lá úa, cành lá tươi nhuận lại. Mọi người thấy vậy nghĩ rằng: “Chẳng bao lâu, lá xanh sẽ nhú ra cây sẽ đơm bông kết trái. Vì sao? Vì các cây này đã hiện ra tướng trước của lá, hoa, quả mới.” Những thiện nam trụ Bồ-tát thừa cũng lại như vậy. Khi được nghe Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa này hết lòng kính tin, thọ trì, đọc tụng, siêng năng tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép thuyết giảng, truyền bá rộng rãi, phải biết chẳng bao lâu người này sẽ được thọ ký đại Bồ-đề, mau chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột.
Bạch Thế Tôn, ví như người nữ mang thai lâu ngày, thân thể di chuyển nặng nề, đi đứng không yên, ăn uống ngủ nghỉ đều giảm sút, chẳng thích nói nhiều, biếng nhác công việc thường ngày, vì lãnh chịu khổ đau nên mọi việc đều trễ nãi. Có người thấy bộ dạng này rồi, biết ngay người nữ này chẳng bao lâu sẽ sinh. Các thiện nam trụ Bồ-tát thừa cũng lại như vậy. Nếu được nghe Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa này, hết lòng kính tin, thọ trì, đọc tụng, siêng năng tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép giảng giải, truyền bá rộng rãi, phải biết chẳng bao lâu vị ấy sẽ được thọ ký đại Bồ-đề, mau chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột, chuyển bánh xe pháp nhiệm mầu độ các hữu tình.
Bấy giờ, Phật khen Xá-lợi Tử:
–Hay thay, hay thay! Ông đã khéo léo nói được thí dụ của Bồ-tát, nhưng phải biết đó đều nhờ thần lực của Như Lai.
Bấy giờ Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, hy hữu thay! Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác khéo phân tích giảng nói những sự việc của Bồ-tát.
Đức Phật bảo Thiện Hiện:
–Đúng thế, đúng thế! Vì sao? Vì các Đại Bồtát muốn đem lại nhiều lợi ích, an vui cho các chúng sinh. Vì thương xót chúng sinh trong thế gian và thương tưởng chúng trời, người muốn làm cho họ đạt được nhiều lợi ích an vui nên cầu chứng quả vị Giác ngộ cao tột. Vì các hữu tình mà nói pháp vô thượng.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
–Các Đại Bồ-tát đã thành tựu nhiều công đức lớn vô biên nhưng vì muốn làm nhiều lợi ích cho các hữu tình mà thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Vậy Đại Bồ-tát làm thế nào để tu hành Bátnhã ba-la-mật-đa chóng được viên mãn?
Đức Phật dạy:
Thiện Hiện, Đại Bồ-tát nào khi thực hành Bátnhã ba-la-mật-đa, không thấy sắc tăng mà hành Bát-nhã ba-la-mật-đa; không thấy thọ, tưởng, hành, thức tăng mà hành Bát-nhã ba-la-mật-đa; không thấy sắc giảm mà hành Bát-nhã ba-la-mậtđa; không thấy thọ, tưởng, hành, thức giảm mà hành Bát-nhã ba-la-mật-đa; không thấy đúng pháp mà hành Bát-nhã ba-la-mật-đa; không thấy phi pháp mà hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa như vậy mới chóng đạt viên mãn.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
–Lời dạy của Đức Như Lai không thể nghĩ bàn! Đức Phật bảo Thiện Hiện:
–Đúng thế, đúng thế! Sắc không thể nghĩ bàn nên lời dạy của Như Lai không thể nghĩ bàn. Thọ, tưởng, hành, thức không thể nghĩ bàn nên lời dạy của Như Lai không thể nghĩ bàn. Nếu Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, mặc dầu biết là như thật sắc không thể nghĩ bàn nhưng không sinh tưởng, không thể nghĩ bàn, để tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa; tuy biết như thật là thọ, tưởng, hành, thức không thể nghĩ bàn, nhưng không sinh tưởng không thể nghĩ bàn, để tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa như vậy mới chóng được viên mãn.
Khi ấy Xá-lợi Tử bạch Phật:
Bạch Thế Tôn, nghĩa lý của Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa như vậy thì ai có khả năng tin hiểu? Đức Phật bảo Xá-lợi Tử:
–Đại Bồ-tát nào, từ lâu đã tu hạnh lớn đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa mới có thể sinh lòng tin hiểu.
Xá-lợi Tử lại bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, đến mức độ nào mới biết Đại Bồ-tát ấy đã tu hạnh lớn lâu dài và được gọi là tu hạnh lớn lâu dài?
Đức Phật bảo Xá-lợi Tử:
–Đại Bồ-tát nào khi thực hành Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa không phân biệt mười lực của Như Lai; không phân biệt bốn điều không sợ, không phân biệt mười tám pháp Phật bất cộng; không phân biệt trí Nhất thiết, không phân biệt trí Nhất thiết tướng. Vì sao? Vì mười lực của Như Lai, bốn điều không sợ, mười tám pháp Phật bất cộng, trí Nhất thiết, trí Nhất thiết tướng đều không thể nghĩ bàn. Tất cả pháp cũng không thể nghĩ bàn.
Xá-lợi Tử, nếu Đại Bồ-tát thực hành như vậy, mà hoàn toàn không có chỗ hành, đó mới là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Xá-lợi Tử, đến mức độ như thế nên biết Đại Bồ-tát này đã tu hạnh lớn lâu dài và được gọi là tu hạnh lớn lâu dài.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
Bạch Thế Tôn, Bát-nhã ba-la-mật-đa này rất là sâu xa. Bát-nhã ba-la-mật-đa này là những trân bảo vĩ đại. Bát-nhã ba-la-mật-đa này là khối thanh tịnh, như hư không bao la vô cùng thanh tịnh vậy.
Đức Phật bảo Thiện Hiện:
–Đúng thế, đúng thế!
Thiện Hiện lại bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, thật hy hữu thay! Bát-nhã bala-mật-đa này rất sâu xa, nên có nhiều sự trở ngại, nay nên giảng rộng để sự trở ngại không sinh.
Đức Phật bảo Thiện Hiện:
–Đúng thế, đúng thế! Nhờ thần lực của Phật nên không xảy ra những sự trở ngại. Thế nên các thiện nam, thiện nữ Đại thừa, đối với Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa, nếu muốn biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy và giảng dạy cho người khác, thì hãy nên gấp biên chép,... cho đến giảng nói. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có nhiều sự trở ngại, chớ để cho sự biên chép cho đến giảng nói không được rốt ráo.
Thiện Hiện nên biết, các thiện nam, thiện nữ Đại thừa này; nếu muốn biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, giảng nói Bát-nhã ba-la-mậtđa sâu xa được rốt ráo trong thời gian một tháng cho đến một năm, hãy nên siêng năng tinh tấn, chánh niệm biên chép cho đến giảng nói; trong khoảng thời gian như vậy phải làm cho được rốt ráo. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa là ngọc thần đại bảo nên bị nhiều sự trở ngại.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
–Hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa là viên ngọc thần đại bảo có nhiều sự trở ngại, cho nên nếu có người biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy và giảng dạy cho người khác thì ác ma sẽ làm trở ngại cho người đó, làm cho không biên chép cho đến giảng dạy được.
Đức Phật bảo Thiện Hiện:
–Ác ma đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, tuy luôn rình tìm, muốn làm cho trở ngại để không biên chép cho đến giảng nói. Nhưng sức của ác ma không đủ làm chướng ngại, khiến cho việc làm của Bồ-tát đó không thành.
Xá-lợi Tử bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, nhờ thần lực của ai làm cho ác ma kia không thể gây trở ngại cho việc biên chép của các Bồ-tát?
Đức Phật bảo Xá-lợi Tử:
–Đó là thần lực của Phật, làm cho bọn ác ma kia không thể gây trở ngại cho việc biên chép của các Bồ-tát.
Này Xá-lợi Tử, đó cũng là thần lực của chư Phật khắp mười phương tất cả thế giới, đã làm cho ác ma không thể gây trở ngại đến việc biên chép của các Bồ-tát.
Xá-lợi Tử, tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, đều cùng hộ niệm cho các Bồ-tát hành Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa, làm cho ác ma kia không thể gây sự trở ngại. Vì sao? Xá-lợi Tử, chư Phật Thế Tôn đều cùng hộ niệm cho các chúng Bồ-tát vì các chúng Bồ-tát đã làm thiện nghiệp mà thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, làm cho ác ma không thể gây sự trở ngại.
Xá-lợi Tử, nếu những Bồ-tát nào, đối với Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, suy nghĩ, giảng nói, thì đáng được mười phương thế giới, tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác sẽ hiển hiện thuyết pháp hộ niệm cho. Nếu được nhờ chư Phật hộ niệm thì ác ma cũng không thể gây sự trở ngại.
Này Xá-lợi Tử, nếu các thiện nam, thiện nữ có lòng tin sâu xa thanh tịnh, đối với Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, suy nghĩ, giảng nói và nên suy nghĩ: “Ta đang biên chép cho đến giảng nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa đều là nhờ thần lực của chư Phật Thế Tôn nơi tất cả mười phương thế giới hộ niệm.” Xá-lợi Tử bạch Phật:
–Nếu các thiện nam, thiện nữ Bồ-tát thừa này đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, suy nghĩ, giảng nói đều là nhờ thần lực của chư Phật khắp mười phương từ bi hộ niệm, thì người đó đã tạo các thiện nghiệp thù thắng, nên ác ma và quyến thuộc của chúng không thể gây sự trở ngại.
Khi ấy Đức Phật bảo Xá-lợi Tử:
–Đúng thế, đúng thế, đúng như lời ông nói!
Xá-lợi Tử bạch Phật:
–Nếu các thiện nam, thiện nữ Bồ-tát thừa, đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, suy nghĩ, giảng nói, thì chư Phật Thế Tôn nơi mười phương thế giới đều cùng nhận biết, hoan hỷ hộ niệm. Chư Phật Thế Tôn khắp mười phương thế giới thường dùng Phật nhãn để quán thấy khắp cùng rồi từ bi hộ niệm, làm cho sự tu tập của các Bồ-tát được thành tựu.
Đức Phật bảo Xá-lợi Tử:
–Đúng thế, đúng thế, đúng như lời ông nói. Nếu các thiện nam, thiện nữ trụ nơi Bồ-tát thừa, đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, suy nghĩ, giảng nói, thường được chư Phật Thế Tôn khắp mười phương tất cả thế giới dùng Phật nhãn quán thấy, biết rõ và hộ niệm, làm cho các ác ma không thể khuấy rối; sự tạo tác thiện nghiệp nhờ vậy mà chóng thành tựu.
Này Xá-lợi Tử, các thiện nam, thiện nữ trụ nơi Bồ-tát thừa; nếu có thể đối với Bát-nhã ba-la-mậtđa sâu xa này mà biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, suy nghĩ, giảng nói; nên biết các thiện nam, thiện nữ đó đã gần quả vị Giác ngộ cao tột; các ác ma oán không thể làm trở ngại được.
Xá-lợi Tử, các thiện nam, thiện nữ trụ nơi Bồtát thừa; nếu có thể biên chép Bát-nhã ba-la-mậtđa sâu xa, trang nghiêm nhiều loại, thọ trì, đọc tụng, cung kính cúng dường, tôn trọng, ngợi khen; người ấy thường được Phật nhãn Như Lai quán chiếu, nhận biết và hộ niệm. Nhờ nhân duyên này chắc chắn sẽ đạt được đại tài, đại lợi, đại quả, đại báo,... cho đến sẽ được bậc không thoái chuyển, thường không xa lìa chư Phật và Bồ-tát, thường nghe chánh pháp và không rơi vào cõi ác, được sinh vào chốn trời, người, hưởng vui sướng tốt đẹp. Vì sao? Xá-lợi Tử, vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa làm cho các hữu tình thông suốt như thật nghĩa thù thắng của các pháp. Đời này và đời sau đều phát khởi những việc lợi ích an vui.
Xá-lợi Tử, kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa, sau khi Ta vào Niết-bàn, đến phương Đông nam đần dần sẽ được hưng thịnh; vì phương đó có nhiều thiện nam, thiện nữ trụ nơi Bồtát thừa; có thể đối với kinh điển tương ưng Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa đem lòng tin sâu xa; rồi vui vẻ biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, suy nghĩ, giảng nói, cung kính cúng dường, tôn trọng, ngợi khen.
Kinh điển như vầy, sau khi Ta vào Niết-bàn, từ phương Đông nam chuyển đến phương Nam sẽ dần dần được hưng thịnh; vì phương đó có nhiều thiện nam, thiện nữ trụ nơi Bồ-tát thừa, có thể đối với kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa; hết lòng tin sâu xa, muốn biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, suy nghĩ, giảng nói, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen. Kinh điển cứ như vầy, sau khi Ta vào Niết-bàn, từ phương Nam đến phương Tây nam dần dần được hưng thịnh; vì phương đó có nhiều thiện nam, thiện nữ trụ nơi Bồtát thừa, có thể đối với kinh điển tương ưng Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa, hết lòng tin, muốn biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập suy nghĩ, giảng nói, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen.
Kinh điển như thế này, sau khi Ta vào Niếtbàn, từ phương Tây nam đến phương Tây bắc, dần dần được hưng thịnh, vì phương đó có nhiều thiện nam, thiện nữ trụ nơi Bồ-tát thừa, có thể đối với kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, hết lòng tin rồi thích biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, suy nghĩ, giảng nói, cung kính cúng dường, tôn trọng, ngợi khen.
Kinh điển như thế này, sau khi Ta vào Niếtbàn, từ phương Tây bắc chuyển đến phương Bắc, dần dần được hưng thịnh; vì phương đó có nhiều thiện nam, thiện nữ trụ nơi Bồ-tát thừa; có thể đối với kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, hết lòng tin rồi thích biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, suy nghĩ, giảng nói, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen.
Kinh điển như thế này, sau khi Ta vào Niếtbàn, từ phương Bắc đến phương Đông bắc dần dần được hưng thịnh, vì phương đó có nhiều thiện nam, thiện nữ trụ nơi Bồ-tát thừa, có thể đối với kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, hết lòng tin rồi thích biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, suy nghĩ, giảng nói, cung kính cúng dường, tôn trọng, ngợi khen.
Xá-lợi Tử, sau khi Ta vào Niết-bàn, sau đó năm trăm năm, kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mậtđa sâu xa ở phương Đông bắc làm Phật sự lớn. Vì sao? Xá-lợi Tử, kinh điển tương ưng Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa là nơi đáng tôn trọng của tất cả Đức Như Lai, là nơi được tất cả Đức Như Lai cùng hộ niệm, làm cho phương đó tồn tại lâu dài.
Này Xá-lợi Tử, chẳng phải chánh pháp vô thượng mà Phật chứng đắc, như pháp và Tỳ-nại-da có tướng bị tiêu diệt mà quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật chứng đắc như pháp và Tỳ-nại-da là Bát-nhã ba-la-mật-đa tương ưng với kinh điển.
Xá-lợi Tử, các thiện nam, thiện nữ trụ nơi Bồtát thừa ở phương Đông bắc kia, có thể đối với kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, hết lòng tin và thích biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, suy nghĩ, giảng nói, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen. Chư Phật chúng ta thường dùng Phật nhãn quán sát hộ niệm để cho họ không bị tổn hại và phiền não; hiện tại và vị lai thân tâm an lạc. Tôn giả Xá-lợi Tử bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, khoảng năm trăm năm, sau khi Phật vào Niết-bàn, ở phương Đông bắc có truyền bá rộng rãi chăng?
Đức Phật bảo Xá-lợi Tử:
–Đúng thế, đúng thế! Xá-lợi Tử, năm trăm năm sau, khi Ta vào Niết-bàn, các thiện nam, thiện nữ trụ nơi Bồ-tát thừa ở phương Đông bắc; nếu được nghe kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, hết lòng tin và thích biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, suy nghĩ, giảng nói, cung kính cúng dường, tôn trọng, ngợi khen, phải biết những người đó từ lâu đã phát tâm cầu quả vị Giác ngộ cao tột, từ lâu đã tu hạnh Đại Bồ-tát, cúng dường nhiều Đức Phật, phụng sự nhiều bạn lành; từ lâu đã tu tập nhiều thân giới tâm tuệ, trồng nhiều căn lành và đã hoàn toàn thành thục, nhờ phước lực này nên được nghe kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, hết lòng tin ưa và có thể biên chép, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, suy nghĩ đúng lý, vì khắp các hữu tình mà phân tích chỉ bày.
Xá-lợi Tử lại bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, sau khi Phật nhập Niết-bàn năm trăm năm, lúc chánh pháp sắp diệt, ở phương Đông bắc sẽ có bao nhiêu thiện nam, thiện nữ trụ nơi Bồ-tát thừa, được nghe kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa mật đa sâu xa, hết lòng tin thích lại có thể biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, suy nghĩ, giảng dạy cho mọi người, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen?
Đức Phật bảo Xá-lợi Tử:
–Sau khi Ta vào Niết-bàn năm trăm năm, lúc chánh pháp sắp diệt, ở phương Đông bắc tuy có vô lượng thiện nam, thiện nữ trụ nơi Bồ-tát thừa, nhưng ít có người được nghe kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa, hết lòng tin thích và có thể biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, suy nghĩ, giảng dạy cho mọi người, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen.
Xá-lợi Tử, những thiện nam, thiện nữ trụ nơi Bồ-tát thừa, nghe nói kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, mà tâm không chìm đắm, không kinh, không sợ lại sinh niềm tin sâu xa, thích biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, suy nghĩ, giảng nói, cung kính cúng dường, tôn trọng, ngợi khen, thì nên biết những người này đã từng gần gũi, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen vô lượng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và các Bồ-tát, thỉnh hỏi nghĩa lý sâu xa của Bát-nhã ba-la-mật-đa. Này Xá-lợi Tử, đó là những thiện nam, thiện nữ trụ nơi Bồ-tát thừa, chẳng bao lâu nhất định sẽ viên mãn đạo Đại Bồ-tát, cho nên được tất cả Như Lai hộ niệm và vô lượng bạn lành giúp đỡ, được ở trong căn lành thù thắng. Và vì muốn đem lại nhiều lợi ích cho chúng sinh, nên chóng chứng được quả vị Giác ngộ cao tột. Vì sao? Xá-lợi Tử, Ta thường vì các thiện nam, thiện nữ trụ nơi Bồ-tát thừa đó, nói pháp tương ưng trí Nhất thiết. Thời quá khứ, Như Lai cũng thường vì những người đó nói pháp tương ưng trí Nhất thiết. Nhờ nhân duyên này, vào đời sau, người đó thường được tu tập chánh hạnh tương ưng trí Nhất thiết trí, chóng đạt quả vị Giác ngộ cao tột, rồi cũng thường vì người khác thuyết pháp tương ưng, làm cho họ đạt đến quả vị Giác ngộ cao tột, thân tâm luôn luôn được an định. Các ác ma vương và bè lũ của chúng không thể nào phá hoại, tâm mong cầu tiến đến quả vị Giác ngộ cao tột, huống gì những kẻ ưa làm việc ác, hủy báng Bát-nhã ba-la-mật-đa, thì làm sao cản trở được tâm kia để khỏi tinh tấn cầu đến quả vị Giác ngộ cao tột. Vì sao? Vì người đó đối với quả vị Giác ngộ cao tột bằng tâm dũng mãnh tinh tấn, rất kiên trì.
Xá-lợi Tử, những thiện nam, thiện nữ trụ nơi Bồ-tát thừa nếu nghe nói về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa mà tâm được cởi mở, thanh tịnh, vui mừng thì cũng có thể an lập vô lượng hữu tình nơi pháp thiện thù thắng, làm cho họ tiến đến quả vị Giác ngộ cao tột. Vì sao? Xá-lợi Tử, vì các thiện nam, thiện nữ trụ nơi Bồ-tát thừa này đã phát nguyện rộng lớn với Ta: “Ta phải an lập vô lượng trăm ngàn các loài hữu tình, làm cho họ phát tâm cầu quả vị Giác ngộ cao tột, tu các hạnh Đại Bồ-tát, chỉ bày, khuyên bảo, khen ngợi, vui mừng, làm cho ở nơi quả vị Giác ngộ cao tột cho đến được thọ ký không thoái chuyển. Ta đối với họ, nguyện sinh tâm vô cùng hoan hỷ.” Vì sao? Xá-lợi Tử, vì Ta quán thấy những người đó, đã phát tâm nguyện rộng lớn tương ưng với lời nói. Người đó ở tương lai nhất định có thể an lập vô lượng trăm ngàn các loài hữu tình, làm cho họ phát tâm cầu quả vị Giác ngộ cao tột, tu các hạnh Đại Bồ-tát, chỉ bày, khuyến khích, hướng dẫn, hân hoan, tiến đến quả vị Giác ngộ cao tột, cho đến được thọ ký không thoái chuyển.
Những thiện nam, thiện nữ trụ nơi Bồ-tát thừa này, vào thời quá khứ, cũng đã ở trước Phật phát nguyện rộng lớn: “Ta sẽ an lập vô lượng trăm ngàn các loài hữu tình, làm cho họ phát tâm cầu quả vị Giác ngộ cao tột, tu các hạnh Đại Bồ-tát, chỉ bày, khuyến khích, hướng dẫn, hân hoan để đạt quả vị Giác ngộ cao tột, cho đến được thọ ký không thoái chuyển.”
Thời quá khứ, Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác cũng sinh tâm tùy hỷ đối với nguyện rộng lớn đó. Vì sao? Xá-lợi Tử, chư Phật ở quá khứ cũng quán thấy những thiện nam, thiện nữ trụ nơi Bồ-tát thừa, đã phát tâm nguyện rộng lớn tương ưng với lời nói. Người đó ở tương lai, nhất định có thể an lập vô lượng trăm ngàn các loài hữu tình, làm cho họ phát tâm cầu quả vị Giác ngộ cao tột, tu các hạnh Đại Bồ-tát, chỉ bày khuyến khích, hướng dẫn, hân hoan để tiến đến quả vị Giác ngộ cao tột, cho đến được thọ ký không thoái chuyển. Những thiện nam, thiện nữ Bồ-tát này, tin hiểu rộng lớn, tu hạnh nguyện rộng lớn nguyện sinh cõi nước của chư Phật dù ở phương nào cũng, đều có Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đang giảng nói pháp vô thượng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Người đó được nghe pháp vô thượng Bát-nhã ba-la-mật-đa này rồi, có thể an lập vô lượng trăm ngàn các loài hữu tình trong cõi Phật kia, làm cho họ phát tâm cầu quả vị Giác ngộ cao tột, tu các hạnh Đại Bồtát, chỉ bày khuyến khích, hướng dẫn, vui mừng, làm cho họ đắc không thoái chuyển đối với quả vị Giác ngộ cao tột.
Xá-lợi Tử bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, thật là hiếm có! Đức Phật đối với các pháp sở hữu thời quá khứ, vị lai và hiện tại, không có pháp nào mà không chứng biết, không có pháp nào mà không hiểu rõ. Đối với những hữu tình tâm hạnh khác nhau, Đức Phật đều hoàn toàn chứng biết và hiểu rõ. Đối với ba đời chư Phật, Bồtát, Thanh văn và các cõi Phật, Thế Tôn đều hoàn toàn chứng biết và hiểu rõ.
Bạch Thế Tôn, Đại Bồ-tát nào đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép, giải nói, truyền bá khắp nơi thì Đại Bồ-tát này vào thời tương lai nếu đối với kinh điển tương ưng Bátnhã ba-la-mật-đa sẽ dũng mãnh, tinh tấn thường cầu không ngưng nghỉ, như vậy, người đó đối với kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa luôn được chứng đắc, không kể thời gian phải không?
Đức Phật bảo Xá-lợi Tử:
–Đúng thế, đúng thế! Phật đối với tất cả, đều hoàn toàn chứng biết và hiểu rõ, Đại Bồ-tát này thường đối với kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-lamật-đa luôn dũng mãnh tinh tấn, vui thích, mong cầu không ngưng nghỉ, nên chứng đắc bất kỳ lúc nào, không kể thời gian. Vì sao? Xá-lợi Tử, vì Đại Bồ-tát đối với kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-lamật-đa luôn có tâm vui thích mong cầu không ngưng nghỉ, thì được chư Phật và Bồ-tát thường hộ niệm.
Xá-lợi Tử lại bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, Đại Bồ-tát này không chỉ đối với kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa luôn dũng mãnh, tinh tấn, vui thích mong cầu không ngưng nghỉ mà chứng đắc bất kỳ lúc nào, hay đối với những kinh điển khác cũng thường được như vậy?
Đức Phật bảo Xá-lợi Tử:
–Nếu Đại Bồ-tát thường đối với kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa mà dũng mãnh, tinh tấn, tin tưởng, mong cầu, không đoái nghĩ đến thân mạng, có lúc nào không có được các kinh điển khác? Điều này không bao giờ có. Vì sao? Xá-lợi Tử, Đại Bồ-tát này vì mong cầu quả vị Giác ngộ cao tột, nên mới thị hiện, hướng dẫn, khuyến khích, ca ngợi, vui vẻ với các hữu tình, làm cho họ đối với kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa và kinh điển khác thọ trì, đọc tụng, tư duy, tu học. Nhờ căn lành này, mà sinh ở nơi nào, cũng thường được thọ trì, đọc tụng kinh tương ưng pháp không của Bát-nhã ba-la-mật-đa và các kinh điển khác nữa.
[Mục lục bộ Bát-nhã][220][221][222][223][224][225][226][227][228][229][230][231][232][233][234][235][236][237][238][239][240][241][242][243][244][245][246][247][248][249][250][251][252][253][254][255][256][257][258][259][260][261]