SỐ 220
KINH ĐẠI BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA
HỘI THỨ IV
Phẩm 14: Thí dụ
(QUYỂN 548)
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.
Bấy giờ Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn, có phải đúng thật là Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa vì việc lớn mà xuất hiện ở đời không?
Đức Phật bảo Thiện Hiện:
–Đúng thế, đúng thế, đúng thật là Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa, vì việc lớn mà xuất hiện ở đời. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thật sự có thể thành tựu trí Nhất thiết trí, thật sự có thể thành tựu các Độc giác địa, thật sự có thể thành tựu các Thanh văn địa.
Thiện Hiện nên biết, như Quán đảnh Đại vương Sát-đế-lợi, oai đức tự tại, chinh phục tất cả, đem các việc nước giao cho quan lớn nên rảnh rỗi, nhàn hạ, an ổn, vui vẻ. Các Đức Phật cũng vậy, là Đại Pháp Vương oai đức tự tại, chinh phục tất cả, đem các pháp Phật hoặc pháp Độc giác, pháp Thanh văn mà giao phó vào Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa khiến cho khắp tất cả được thành tựu.
Thiện Hiện, như vậy Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa xuất hiện ở thế gian thật là việc lớn.
Thiện Hiện nên biết, Bát-nhã ba-la-mật-đa không vì tiếp nhận sự chấp trước sắc mà xuất hiện ở đời; không vì tiếp nhận sự chấp trước thọ, tưởng, hành, thức mà xuất hiện ở đời; không vì tiếp nhận sự chấp trước quả Dự lưu mà xuất hiện ở đời; không vì tiếp nhận sự chấp trước Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán quả mà xuất hiện ở đời; không vì tiếp nhận sự chấp trước Độc giác Bồ-đề mà xuất hiện ở đời; cũng không vì tiếp nhận sự chấp trước trí Nhất thiết trí mà xuất hiện ở đời.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
–Vì sao Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này cũng không vì tiếp nhận sự chấp trước trí Nhất thiết trí mà xuất hiện ở đời?
Đức Phật bảo:
–Thiện Hiện, ý ông nghĩ sao? Phải chăng ông thấy có quả A-la-hán có thể tiếp nhận sự chấp trước ư?
Cụ thọ Thiện Hiện thưa:
–Bạch Thế Tôn, dạ không. Con không thấy có quả A-la-hán, có thể ở trong Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa tiếp nhận sự chấp trước.
Đức Phật bảo Thiện Hiện:
–Hay thay, hay thay! Ta cũng không thấy có pháp Như Lai có thể ở trong Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa tiếp nhận sự chấp trước.
Thiện Hiện, như vậy Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, không vì tiếp nhận sự chấp trước trí Nhất thiết trí mà xuất hiện ở đời.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
–Nếu Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cũng không vì tiếp nhận sự chấp trước trí Nhất thiết trí mà xuất hiện ở đời, thì các chúng Bồ-tát mới học Đại thừa, nghe nói như vậy, liền sinh tâm hoảng sợ, không thể tin nhận. Phải từng ở nơi vô lượng quá khứ Phật, có đầy đủ nhân duyên, phát nguyện rộng lớn, luôn luôn tích tập căn lành tốt đẹp nhất, thì các chúng Bồ-tát khi nghe nói như vậy mới có thể tin thọ được.
Đức Phật bảo Thiện Hiện:
–Đúng thế, đúng thế, đúng như lời ông nói! Vì nguyên nhân này, cho nên không vội tự tiện thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cho các Bồ-tát mới học Đại thừa.
Khi ấy các Thiên tử cõi Dục và cõi Sắc đều bạch Phật:
–Bát-nhã ba-la-mật-đa này, thật là sâu xa, khó thấy, khó biết, vô cùng, khó tin hiểu. Những hữu tình nào, đã từng ở nơi vô lượng quá khứ Phật, phát nguyện rộng lớn, trồng nhiều căn lành và phục vụ nhiều bạn lành thì mới có thể tin hiểu Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa. Nếu như các loài hữu tình nơi thế giới ba lần ngàn, tất cả đều thành tựu Tùy tín hành, trải qua một kiếp hoặc hơn một kiếp, những loại hữu tình đó tu Tự địa hành; không bằng có người đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, vui thích, nghiền ngẫm, suy tư, so sánh, quán sát trong một ngày, công đức đạt được của người này nhiều hơn công đức kia đến vô lượng.
Đức Phật bảo các Thiên tử:
–Đúng thế, đúng thế, đúng như những lời các ông đã nói! Thiên tử nên biết, nếu các thiện nam, thiện nữ, được nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, chóng đắc Niết-bàn, vượt hơn Tùy tín hành đã nói trước, trải qua một kiếp hay hơn một kiếp tu Tự địa hành, huống là vui thích nghiền ngẫm...
Các Thiên tử nghe lời Phật dạy, hoan hỷ, phấn chấn, đảnh lễ Đức Thế Tôn, nhiễu quanh bên phải ba vòng, rồi từ tạ trở về cung.
Họ ra khỏi hội chúng chẳng bao xa, bỗng nhiên biến mất. Tùy thuộc cõi nào, họ trở về cung của mình, khuyến khích chư Thiên tu hạnh thù thắng.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
–Đại Bồ-tát nào, nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, có thể sinh tin hiểu, không bị chìm đắm, không bị mê muội, không nghi hoặc, không chấp giữ, hoan hỷ lắng nghe, cung kính cúng dường. Họ từ đâu sinh đến cõi này?
Đức Phật bảo Thiện Hiện:
–Đại Bồ-tát nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, có thể sinh tin hiểu, không bị chìm đắm, không bị mê muội, không nghi hoặc, không chấp giữ, hoan hỷ lắng nghe, cung kính cúng dường, ưa gặp, ưa nghe, thọ trì đọc tụng, là những Bồ-tát thường không xa lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa và có những ý tưởng tốt đẹp tương ưng với người nói pháp, yêu mến đi theo người thuyết pháp như bò con theo mẹ, chưa thể lìa xa. Cho đến những Bồtát dù chưa được bao nhiêu nghĩa lý sâu xa của Bátnhã ba-la-mật-đa chưa thông suốt rốt ráo, cũng có thể giảng nói cho người, vẫn không bao giờ xa lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa và thầy thuyết pháp dầu chỉ trong giây phút. Đại Bồ-tát này từ trong cõi người sinh đến đây, nhờ vào nhân tốt đẹp đời trước nên thành tựu sự kiện hôm nay.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
–Có phải các Đại Bồ-tát thành tựu công đức như vậy là nhờ vào thừa sự cúng dường chư Phật ở phương khác rồi từ đó sinh ra đến đây chăng?
Đức Phật bảo Thiện Hiện:
–Có Đại Bồ-tát đã thừa sự cúng dường chư Phật phương khác, rồi từ đó sinh đến đây, thành tựu công đức tốt đẹp như vậy. Vì sao? Vì Đại Bồtát đó trước đây đã ở nơi vô lượng Đức Phật phương khác, nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có thể sinh tin hiểu, cung kính cúng dường, biên chép thọ trì, thỉnh hỏi nghĩa lý sâu xa trong kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa, tư duy tu tập và giảng dạy cho người khác. Từ nơi đó họ sinh đến đây, nhờ căn lành đã có nên thành tựu được việc này.
Này Thiện Hiện, cũng có Đại Bồ-tát là chúng trời từ trời Đổ-sử-đa sinh trong loài người, họ cũng được thành tựu công đức như vậy. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát này, đời trước đã ở trời Đổ-sử-đa, nơi Đại Bồ-tát Từ Thị nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, có thể sinh tin hiểu, cung kính cúng dường, thỉnh hỏi nghĩa lý sâu xa trong kinh ấy, tư duy tu tập và giảng nói cho mọi người. Họ từ cõi đó sinh đến đây, nhờ căn lành đời trước nên thành tựu được việc này.
Này Thiện Hiện, các thiện nam trụ Bồ-tát thừa, tuy ở đời trước đã được nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa nhưng không thỉnh hỏi nghĩa lý sâu xa. Ngày nay, tuy sinh trong loài người, nghe dạy Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa nhưng tâm người ấy mê muội, chìm đắm, nghi hoặc, hay có sự hiểu biết khác, khó có thể khai ngộ được. Vì sao? Vì họ không hiểu rõ nghĩa, trong lòng đầy mê muội, chìm đắm, nghi hoặc.
Này Thiện Hiện, cũng có các thiện nam trụ Bồtát thừa, tuy đời trước đã được nghe Bát-nhã ba-lamật-đa, cũng từng thỉnh hỏi nghĩa lý sâu xa, hoặc một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, nhưng không theo lời dạy tinh tấn tu hành. Ngày nay sinh trong loài người, được nghe dạy Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, dầu chỉ trải qua thời gian ngắn, tâm người ấy vẫn vững chắc, không thể hoại diệt được. Nếu phải rời chỗ nghe Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa và vị thầy thuyết pháp, để thỉnh hỏi nghĩa sâu mầu nhiệm, thì người ấy liền thoái thất, sinh tâm do dự. Vì sao? Các thiện nam trụ Bồ-tát thừa này, tuy đời trước được nghe Bát-nhã ba-lamật-đa, cũng thỉnh hỏi nghĩa lý sâu xa, nhưng không tu hành tinh tấn theo lời dạy; nên đời nay đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa có khi muốn nghe, có khi không muốn nghe, có khi tâm vững bền, có khi tâm lui sụt. Tâm ấy chao động, tiến thoái không thường, như bông gòn chuyển động theo gió. Phải biết, các thiện nam trụ Bồ-tát thừa này mới học Đại thừa, mặc dầu có tín tâm, nhưng không thanh tịnh kiên cố. Đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, không thể tin ưa lâu dài chuyển theo. Người đó đối với hai địa, hoặc rơi vào một, nghĩa là Thanh văn và Độc giác địa.
Thiện Hiện nên biết, như chiếc thuyền bị thủng giữa biển cả mênh mông, những người trong thuyền nếu không nắm được cây, đồ vật, phao nổi, tấm ván, thây chết... làm chỗ nương tựa, biết chắc là họ sẽ bị chết chìm, không qua đến bờ kia được. Còn nếu những người trong thuyền đó nắm được cây, đồ vật, phao nổi, tấm ván, thây chết... làm chỗ nương tựa, thì nên biết những hạng người này không bao giờ bị chết chìm, sẽ được an ổn nơi biển cả và đến bờ bên kia, không bị tổn hại, hưởng các sự an vui.
Những thiện nam trụ Bồ-tát thừa cũng vậy. Có người, tuy đối với Đại thừa, có thành tựu chút ít sự kính tin, yêu thích nhưng không tiếp nhận Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa làm chỗ nương tựa; nên biết những người giữa đường thoái lui, không thể chứng đắc trí Nhất thiết trí; nghĩa là rơi vào địa vị Thanh văn hay Độc giác. Người nào, đối với Đại thừa mà có tin, có nhận, có thích, có muốn, có tinh tấn, có thắng giải, có không buông lung, có ý vui thù thắng, có xả, có kính, có vui, có mừng, có tâm thanh tịnh, có đối với quả vị Giác ngộ cao tột không bỏ điều quy định tốt đẹp và có thể tiếp nhận Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa làm chỗ nương tựa, thì nên biết những người này không bao giờ giữa đường thoái lui rơi vào địa vị Thanh văn hay Độc giác, họ nhất định sẽ chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột, mang lại lợi ích an vui cho tất cả mọi loài trong tương lai.
Này Thiện Hiện, như có những người nam hay nữ mang chiếc bình đất chưa nung đến sông, suối, giếng, ao, khe để lấy nước. Phải biết, chiếc bình này không bao lâu sẽ bị tan rã. Vì sao? Vì chiếc bình này chưa được nung chín, không kham nổi sự đựng nước, nên cuối cùng trở thành đất.
Như thế Thiện Hiện, có các thiện nam trụ nơi Bồ-tát thừa, tuy đối với Đại thừa có tin, có nhận, có thích, có muốn, có tinh tấn, có thắng giải, có không buông lung, có ý vui thù thắng, có xả, có kính, có vui, có mừng, có tâm thanh tịnh, có đối với quả vị Giác ngộ cao tột không bỏ quy định hoàn hảo, nhưng không tiếp nhận phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa; nên biết những kẻ đó sẽ giữa đường lui mất, không thể chứng đắc trí Nhất thiết trí, nghĩa là rơi vào địa vị Thanh văn hay Độc giác.
Này Thiện Hiện, như có những người nam hay nữ mang chiếc bình đã nung chín, đến sông, suối, giếng, ao, khe để lấy nước. Nên biết, chiếc bình này không bị tan rã. Vì sao? Vì chiếc bình ấy được nung chín tốt, kham nổi sự đựng nước rất bền chắc. Như thế, Thiện Hiện, có các thiện nam trụ Bồtát thừa, đối với Đại thừa có tin, có nhận... nói rộng cho đến có đối với quả vị Giác ngộ cao tột không bỏ quy định hoàn hảo và có thể tiếp nhận phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa; nên biết những người này không bao giờ giữa đường thoái lui để phải vào Thanh văn hay Độc giác địa và nhất định sẽ chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột, mang lại lợi ích an vui cho tất cả mọi loài trong tương lai.
Này Thiện Hiện, như có người đi buôn nhưng không có trí khôn khéo; thuyền ở trên bờ, chưa được sửa chữa chắc chắn, mà đem của cải chất lên trên đó rồi kéo xuống nước, cấp tốc ra đi. Nên biết, thuyền này giữa đường sẽ bị hư chìm. Người, thuyền, của cải vật chất tản mác khắp nơi... Người buôn này rõ ràng không có trí khôn khéo nên tán thân mất mạng và những của cải quý báu.
Thế nên Thiện Hiện, có những thiện nam trụ Bồ-tát thừa, tuy đối với Đại thừa có tin, có nhận, nói rộng cho đến có đối với quả vị Giác ngộ cao tột không bỏ quy định hoàn hảo nhưng không tiếp nhận phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mậtđa sâu xa; nên biết những kẻ đó sẽ lui mất giữa đường, không thể chứng đắc trí Nhất thiết trí, nghĩa là rơi vào địa vị Thanh văn hay Độc giác.
Này Thiện Hiện, như có người đi buôn có trí tuệ khéo léo, trước khi ra khơi, lo sửa thuyền thật chắc chắn rồi mới kéo vào nước, biết không có lỗ thủng, sau đó mới đem đồ đạc, của cải chất lên thuyền, ra đi. Nên biết, thuyền này chắc chắn không bị hư chìm; người và đồ đạc được đến nơi an ổn.
Thế nên Thiện Hiện, các thiện nam trụ Bồ-tát thừa, đối với Đại thừa có tin, có nhận... nói rộng cho đến có đối với quả vị Giác ngộ cao tột, không bỏ quy định hoàn hảo và có thể tiếp nhận phương tiện thiện xảo Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa; nên biết những người này, giữa đường không bao giờ thoái lui để phải rơi vào địa vị Thanh văn hay Độc giác, họ nhất định sẽ chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột, mang lại hạnh phúc an vui cho tất cả mọi loài trong tương lai. Vì sao? Nếu các thiện nam trụ Bồ-tát thừa này, đối với Đại thừa có tin, có nhận..., nói rộng cho đến có đối với quả vị Giác ngộ cao tột, không bỏ quy định hoàn hảo và có thể tiếp nhận phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa; trong giai đoạn trung gian với pháp như vậy, nên không rơi vào địa vị Thanh văn hay Độc giác; nhất định sẽ chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột, thường làm lợi ích cho các hữu tình.
Này Thiện Hiện, ví như có người một trăm hai mươi tuổi, già nua, suy yếu, lại thêm nhiều bệnh như bệnh phong, bệnh nhiệt, bệnh đàm, hoặc ba bệnh xen lẫn. Ý ông nghĩ sao? Người già bệnh này có thể từ giường, ghế, tự đứng dậy được không?
Cụ thọ Thiện Hiện thưa:
–Bạch Thế Tôn, dạ không.
Đức Phật bảo Thiện Hiện:
–Người này nếu có đỡ cho đứng dậy cũng không có sức đi ba dặm, hai dặm hoặc một dặm.
Vì sao? Vì đã quá già bệnh.
Thế nên Thiện Hiện, có các thiện nam trụ Bồtát thừa, giả sử đối với Đại thừa có tin, có nhận, nói rộng cho đến có đối với quả vị Giác ngộ cao tột không bỏ quy định hoàn hảo. Nếu không tiếp nhận phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa; nên biết loại người đó không chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột, bị thoái lui và rơi vào địa vị Thanh văn hay Độc giác. Vì sao? Vì xa lìa pháp phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa, nên phải như vậy.
Này Thiện Hiện, ví như có người một trăm hai chục tuổi, già nua suy yếu, lại thêm nhiều bệnh như: bệnh phong, bệnh nhiệt, bệnh đàm, hoặc ba bệnh xen lẫn. Người già bệnh này muốn từ giường, ghế đứng dậy đến chỗ khác nhưng không thể đứng được. Có hai người mạnh, mỗi người xốc một bên nách, đỡ dần cho đứng lên và bảo người đó: “Đừng lo bị khó khăn, muốn đi đâu tùy ý; hai người chúng tôi không bao giờ bỏ ông, chắc chắn đưa ông đến chỗ an ổn không có tổn hại.”
Thế nên Thiện Hiện, có các thiện nam trụ Bồtát thừa, nếu đối với Đại thừa có tin, có nhận, nói rộng cho đến có đối với quả vị Giác ngộ cao tột, không bỏ quy định hoàn hảo và có thể tiếp nhận phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, thì nên biết những người này không bao giờ giữa đường bị thoái lui để phải rơi vào địa vị Thanh văn hay Độc giác; họ nhất định chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột, chuyển bánh xe pháp vi diệu, hóa độ các chúng hữu tình.
[Mục lục bộ Bát-nhã][220][221][222][223][224][225][226][227][228][229][230][231][232][233][234][235][236][237][238][239][240][241][242][243][244][245][246][247][248][249][250][251][252][253][254][255][256][257][258][259][260][261]