SỐ 220
KINH ĐẠI BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA

HỘI THỨ IV

Phẩm 15: Trời khen ngợi
(QUYỂN 548)

Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.


QUYỂN 548

Phẩm 15: Trời khen ngợi

Bấy giờ Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, các Đại Bồ-tát mới học Đại thừa, phải trụ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế nào? Phải học Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế nào?

Đức Phật bảo Thiện Hiện:

–Các Đại Bồ-tát mới học Đại thừa, muốn trụ, muốn học Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa; trước hết phải thân cận, phụng sự, cúng dường bạn lành chân tịnh. Người nào có thể giảng nói Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa, răn dạy, truyền trao cho các Bồ-tát, nên biết đó là bạn lành chân tịnh. Nghĩa là giảng nói được Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, răn dạy, truyền trao cho các Bồ-tát mới học Đại thừa và nói: “Thiện nam, đến đây! Ông nên siêng tu Bố thí, Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bát-nhã bala-mật-đa. Khi siêng năng tu tập, ngươi hãy lấy vô sở đắc làm phương tiện, đối với các hữu tình phải bình đẳng và cùng nhau hồi hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột. Khi ông hồi hướng, chớ đem sắc mà chấp quả vị Giác ngộ cao tột; chớ đem thọ, tưởng, hành, thức mà chấp quả vị Giác ngộ cao tột. Vì sao? Thiện nam, nếu không có sự chấp giữ thì sẽ chứng đắc trí Nhất thiết trí. Thiện nam, ông đối với địa vị Thanh văn và Độc giác, chớ sinh tâm đắm trước.”

Thiện Hiện, như vậy là bạn lành chân tịnh là người răn dạy, truyền trao cho các Đại Bồ-tát mới học Đại thừa, làm cho họ vào dần Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa.

Khi ấy, Thiện Hiện bạch Phật:

–Các Đại Bồ-tát làm những việc khó khăn, nên nương vào các tướng Bố thí, Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa, mà phát tâm hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột. Họ không muốn tự tại mà chọn lấy sự diệt độ, quán sự khổ trầm trọng nơi cõi hữu tình để mong chứng quả vị Giác ngộ cao tột. Vì muốn có phương tiện để cứu giúp chúng sinh đến tận cùng thời tương lai nên không sợ luân chuyển nơi đường sinh tử.

Đức Phật bảo Thiện Hiện:

–Đúng thế, đúng thế! Các Đại Bồ-tát có thể làm những việc khó, nghĩa là làm lợi lạc cho các thế gian để hướng họ đến quả vị Giác ngộ cao tột; vì thương xót các hữu tình trong thế gian giúp họ hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột và phát nguyện: “Ta vì sự cứu giúp các hữu tình trong thế gian nên vì các thế gian mà làm nhà cửa, vì các thế gian mà làm chỗ quay về nương tựa, để chỉ cho thế gian con đường cứu cánh, vì các thế gian làm hòn đảo, vì các thế gian làm ánh sáng, vì các thế gian làm người dẫn đường, vì các thế gian làm chỗ đi đến; phát tâm siêng năng tinh tấn hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột.”

Thế nào là Đại Bồ-tát phát nguyện: “Ta vì cứu giúp các thế gian nên phát tâm chuyên cần tinh tấn hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột?”

Thiện Hiện, Đại Bồ-tát thấy các thế gian trôi lăn trong đường sinh tử, chịu vô lượng khổ, không thể ra khỏi. Để chấm dứt sự khổ này, nên Bồ-tát phát tâm chuyên cần, tinh tấn hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột. Đó là Đại Bồ-tát phát nguyện: “Ta vì cứu giúp các thế gian nên phát tâm chuyên cần, tinh tấn hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột.”

Thế nào là Đại Bồ-tát vì các thế gian làm nhà cửa; nên phát tâm chuyên cần, tinh tấn hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột?

Thiện Hiện, Đại Bồ-tát muốn vì thế gian mà nói; tất cả pháp đều không hòa hợp, nên phát tâm chuyên cần tinh tấn, hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột. Đó là Đại Bồ-tát vì các thế gian làm nhà cửa, phát tâm chuyên cần tinh tấn hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột.

Cụ thọ Thiện Hiện thưa:

–Bạch Thế Tôn, thế nào là tất cả pháp đều không hòa hợp?

Đức Phật bảo Thiện Hiện:

–Các sắc không hòa hợp, tức sắc không nhập vào nhau. Nếu sắc không nhập vào nhau, tức sắc không sinh diệt. Nếu sắc không sinh diệt, tức sắc không hòa hợp. Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Các Đại Bồ-tát muốn vì thế gian mà nói tất cả pháp đều có tướng không hòa hợp, nên phát tâm chuyên cần tinh tấn, hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột.

Thế nào là các Đại Bồ-tát vì các thế gian mà làm chỗ quay về nương tựa, nên phát tâm chuyên cần tinh tấn hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột?

Thiện Hiện, Đại Bồ-tát vì muốn làm cho những sự khổ bức bách ở thế gian như sinh, già, bệnh, chết, buồn, than, lo, khổ..., chóng được giải thoát, chúng sinh được vào cảnh giới Vô dư y Niết-bàn, nên phát tâm chuyên cần tinh tấn, hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột. Đó là Đại Bồ-tát vì làm chỗ quay về nương tựa cho các thế gian, nên phát tâm chuyên cần tinh tấn hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột.

Thế nào là Đại Bồ-tát vì muốn chỉ cho thế gian con đường cứu cánh, nên phát tâm chuyên cần, tinh tấn hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột?

Thiện Hiện, Đại Bồ-tát vì muốn dạy cho thế gian pháp như thế này; nghĩa là: bờ kia của sắc tức chẳng phải sắc; sắc của bờ kia cũng như vậy. Bờ kia của thọ, tưởng, hành, thức tức chẳng phải thọ, tưởng, hành, thức; như vậy thọ, tưởng, hành, thức của bờ kia cũng vậy. Như bờ kia của sắc, thọ, tưởng, hành, thức, của tất cả các pháp cũng như vậy.

Cụ thọ Thiện Hiện thưa:

–Bạch Thế Tôn, nếu bờ kia, tất cả các pháp và sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng vậy, thì phải chăng Đại Bồ-tát đối với tất cả pháp đã chứng Đẳng giác? Vì sao? Vì trong đó hoàn toàn không có sự phân biệt!

Đức Phật bảo Thiện Hiện:

–Đúng thế, đúng thế! Ở trong bờ kia, không có sự phân biệt mà đã không có sự phân biệt thì các Đại Bồ-tát đối với tất cả pháp đã chứng Đẳng giác. Thiện Hiện nên biết, các Đại Bồ-tát làm việc rất khó. Mặc dầu có thể quán tất cả pháp như vậy nhưng không chứng đắc, cũng không chìm đắm và phải suy nghĩ: “Ta đối với pháp này đang chứng Đẳng giác, rồi chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột, vì các thế gian mà giảng nói chỉ bày.” Đó là Đại Bồ-tát vì chỉ cho thế gian con đường cứu cánh, nên phát tâm chuyên cần, tinh tấn hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột.

Thế nào là Đại Bồ-tát vì các thế gian mà làm hòn đảo, nên phát tâm chuyên cần, tinh tấn hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột?

Thiện Hiện, ví như trong biển, sông, hồ lớn nhỏ, có vùng đất cao ở được và nước bao quanh làm ngăn cách nên gọi là hòn đảo.

Thế nên Thiện Hiện, sắc cho đến thức đoạn được bờ trước sau, do đoạn tận như vậy nên tất cả pháp đoạn. Tất cả pháp này đã đoạn được bờ trước sau tức là Niết-bàn vắng lặng vi diệu, cũng là tánh như thật không điên đảo.

Thiện Hiện, Đại Bồ-tát nào cầu chứng quả vị Giác ngộ cao tột, vì hữu tình mà muốn nói pháp như thế, làm cho chóng tiến vào Niết-bàn, Đại Bồtát đó là vì các thế gian làm hòn đảo, nên phát tâm chuyên cần tinh tấn hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột.

Thế nào là Đại Bồ-tát vì các thế gian làm ánh sáng, nên phát tâm chuyên cần, tinh tấn hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột?

Thiện Hiện, Đại Bồ-tát vì muốn phá vỡ vỏ trứng vô minh như đêm dài che phủ hữu tình trong bóng tối dày đặc, vì muốn chữa bệnh mù mắt cho hữu tình không thấy được sáng láng, vì muốn giúp cho tất cả hữu tình ngu tối có được đèn sáng trí tuệ, nên phát tâm chuyên cần, tinh tấn hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột. Đó là Đại Bồ-tát vì các thế gian làm ánh sáng, nên phát tâm chuyên cần, tinh tấn hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột.

Thế nào là Đại Bồ-tát vì các thế gian mà làm người dẫn đầu, nên phát tâm chuyên cần tinh tấn hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột?

Thiện Hiện, Đại Bồ-tát vì thế gian mà giảng nói, chỉ bày bản tánh các sắc vốn không sinh, không diệt; vì thế gian mà giảng nói, chỉ bày bản tánh thọ, tưởng, hành, thức không sinh, không diệt; vì thế gian mà giảng nói, chỉ bày bản tánh các pháp phàm phu không sinh, không diệt; vì thế gian mà giảng nói, chỉ bày bản tánh pháp Thanh văn, Độc giác, Bồ-tát, Phật không sinh, không diệt; vì thế gian mà giảng nói, chỉ bày bản tánh tất cả các pháp không sinh, không diệt; nên phát tâm chuyên cần, tinh tấn hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột. Đó là Đại Bồ-tát vì các thế gian mà làm người dẫn đầu, nên phát tâm chuyên cần, tinh tấn hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột.

Thế nào là Đại Bồ-tát vì các thế gian mà làm chỗ đi đến, nên phát tâm chuyên cần, tinh tấn hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột?

Thiện Hiện, Đại Bồ-tát nào vì các thế gian mà giảng nói chỉ bày sắc lấy hư không làm chỗ đi đến; thọ, tưởng, hành, thức cũng lấy hư không làm chỗ đi đến; tất cả pháp đều lấy hư không làm chỗ đi đến. Bồ-tát nào vì thế gian mà giảng nói, chỉ bày sắc không có chỗ đi đến, cùng với hư không là như nhau. Thọ, tưởng, hành, thức cũng không có chỗ đi đến, cùng với hư không là như nhau. Tất cả pháp đều không có chỗ đi đến, cùng với hư không là như nhau.

Như hư không bao la, không đến, không đi, không làm, không trụ, không chỗ an lập, không sinh, không diệt, các pháp cũng vậy, đều như hư không, đều không phân biệt, nên cũng không có chỗ để phân biệt. Vì sao? Vì các sắc là không, cho nên không đến, không đi. Thọ, tưởng, hành, thức đều là không, cho nên cũng không đến, không đi. Tất cả pháp là không, cho nên đều không đến, không đi.

Vì sao? Vì tất cả pháp đều lấy không, vô tướng, vô nguyện làm chỗ đi đến, pháp đó đối với chỗ đi đến đây cũng không thể vượt hơn.

Tất cả pháp đều lấy không tạo, không tác làm chỗ đi đến, pháp đó và đây không thể vượt hơn.

Tất cả pháp đều lấy không sinh, không khởi, làm chỗ đi đến, pháp đó và đây không thể vượt hơn.

Tất cả pháp đều lấy không tánh, làm chỗ đi đến, pháp đó và đây không thể vượt hơn.

Tất cả pháp đều lấy như mộng, làm chỗ đi đến, pháp đó và đây không thể vượt hơn.

Tất cả pháp đều lấy vô ngã, làm chỗ đi đến, pháp đó và đây không thể vượt hơn.

Tất cả pháp đều lấy vô biên, làm chỗ đi đến, pháp đó và đây không thể vượt hơn.

Tất cả pháp đều lấy Niết-bàn vắng lặng, không thủ, không xả, không đến, không đi, tuyệt đối tịch diệt làm chỗ đi đến, pháp đó và đây không thể vượt hơn.

Các Đại Bồ-tát vì thế gian muốn nói pháp như thế; nên phát tâm chuyên cần, tinh tấn hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột. Đấy là Đại Bồ-tát vì các thế gian làm chỗ đi đến nên phát tâm siêng năng, tinh tấn, hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột.

Khi ấy Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, ai có thể đối với Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa, sinh lòng tin hiểu?

Đức Phật bảo Thiện Hiện:

–Đại Bồ-tát nào tu lâu nơi hạnh Đại Bồ-tát, đã từng cúng dường vô lượng chư Phật, ở nơi chư Phật phát nguyện rộng lớn, đã trồng căn lành đều được thuần thục, được vô lượng bạn lành bảo vệ, thương tưởng. Chính những Đại Bồ-tát này mới có thể sinh lòng tin hiểu Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, nếu đối với Bát-nhã ba-la-mậtđa sâu xa này, có thể sinh lòng tin hiểu, thì Đại Bồtát đó lấy gì làm tự tánh?

Đức Phật bảo Thiện Hiện:

–Đại Bồ-tát đó lấy điều phục xa lìa làm tự tánh.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, Đại Bồ-tát đó sẽ đến đâu?

Đức Phật đáp:

–Đại Bồ-tát đó sẽ đạt đến trí Nhất thiết trí.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, nếu Đại Bồ-tát đạt đến trí Nhất thiết trí thì có thể biết chỗ đạt đến và có thể giảng nói, cùng giúp cho hữu tình làm chỗ quay về.

Đức Phật bảo Thiện Hiện:

–Đúng thế, đúng thế, như lời ông nói! Nếu Đại Bồ-tát đạt đến trí Nhất thiết trí thì có thể biết chỗ đạt đến và có thể giảng nói, cùng giúp cho hữu tình làm chỗ quay về.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

–Đại Bồ-tát này có thể làm việc khó làm, nghĩa là đội mũ, mặc áo giáp chắc chắn và nghĩ: “Ta sẽ độ thoát vô lượng, vô số, vô biên hữu tình, làm cho họ nhập Niết-bàn”, nhưng các hữu tình đều không thể chứng đắc.

Phật bảo Thiện Hiện:

–Đúng thế, đúng thế, như lời ông nói! Này Thiện Hiện, Đại Bồ-tát đã đội mũ, mặc áo giáp chắc chắn là không thuộc sắc, không vì sắc. Không thuộc thọ, tưởng, hành, thức, không vì thọ, tưởng, hành, thức. Không thuộc Thanh văn, Độc giác địa; không vì Thanh văn, Độc giác địa. Không thuộc Bồ-tát địa; không vì Bồ-tát địa. Không thuộc Phật địa, không vì Phật địa. Vì sao? Vì tất cả pháp đều không chỗ thuộc, đều không chỗ vì. Các Đại Bồtát thực hành sâu xa Bát-nhã ba-la-mật-đa, đều mặc áo giáp, đội mũ kiên cố như vậy.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

–Nếu Đại Bồ-tát mặc áo mão kiên cố mà thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, tức là đối với ba chỗ không bị vướng mắc. Ba chỗ ấy là những gì?

1.                  Thanh văn địa.

2.                  Độc giác địa.

3.                  Như Lai địa.

Đức Phật hỏi Thiện Hiện:

–Ông quán ở nghĩa nào mà nói như vậy?

Thiện Hiện thưa:

–Bạch Thế Tôn, Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không có sự trụ, trước, không kẻ tu tập, không có pháp để tu, không có thời gian tu, không nơi chốn tu, cũng không do đấy mà được tu tập. Vì sao? Vì chẳng phải trong Bát-nhã ba-la-mật-đa nghĩa lý sâu xa có ít phần pháp chân thật, có thể được gọi là có khả năng tu tập...

Bạch Thế Tôn, nếu tu hư không là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa. Nếu tu tất cả pháp là tu Bát-nhã bala-mật-đa. Nếu tu không đắm trước là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa. Nếu tu không sở hữu là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa. Nếu tu không nhiếp thọ là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa. Nếu tu pháp trừ khiển là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Đức Phật bảo Thiện Hiện:

–Đúng thế, đúng thế, đúng như lời ông nói! Này Thiện Hiện, nên nương vào Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa, tối thắng này, mà hành, trụ, quán sát Đại Bồ-tát không thoái chuyển. Đại Bồ-tát nào, tuy thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa nhưng đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này không có sự chấp trước, thì nên biết đó là Đại Bồ-tát không thoái chuyển.

Này Thiện Hiện, có các Đại Bồ-tát không thoái chuyển; không chấp lời người mà còn lấy lời dạy của người khác làm chân yếu; không chỉ tin người khác mà còn vì người khác để có hành động; nghe thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa này, tâm người ấy không kinh, không sợ, không hãi, không chìm, không đắm, không nghi, không hối, cũng không mê muội. Đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa lại vui mừng, muốn nghe, hết lòng tin thọ, biên chép, giữ gìn, đọc tụng, suy nghĩ đúng lý, giảng nói cho mọi người không bao giờ lười mỏi. Nên biết, Đại Bồ-tát không thoái chuyển này, đời trước đã nghe rất nhiều nghĩa lý Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Vì sao? Do vì Đại Bồ-tát không thoái chuyển này nghe thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, trong tâm không kinh, không sợ, không hãi, phổ biến cho đến giảng nói cho mọi người không hề mỏi mệt.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

–Nếu Đại Bồ-tát, nghe nói Bát-nhã ba-la-mậtđa sâu xa này, trong tâm không kinh, không sợ, không hãi, phổ biến cho đến giảng nói cho mọi người không hề chán mỏi, thì Đại Bồ-tát ấy làm sao tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa?

Đức Phật bảo Thiện Hiện:

–Đại Bồ-tát đó tùy thuận liên tục, hướng đến thâm nhập trí Nhất thiết trí. Nên làm như vậy để thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

–Đại Bồ-tát đó làm thế nào để tùy thuận liên tục, hướng đến thâm nhập trí Nhất thiết trí, thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa?

Đức Phật bảo Thiện Hiện:

–Nếu Đại Bồ-tát tùy thuận liên tục, hướng đến thâm nhập hư không mà thực hành Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa; đó là Đại Bồ-tát liên tục tùy thuận hướng đến thâm nhập trí Nhất thiết trí, để thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Vì sao? Vì trí Nhất thiết trí là vô lượng, vô biên. Nếu là vô lượng, vô biên tức chẳng phải sắc; chẳng phải thọ, tưởng, hành, thức; không sở đắc, không hiện quán, không chứng, không đạo quả, không trí, không thức, không sinh, không diệt, không thành, không hoại, không bắt đầu, không chấm dứt, không tu, không tạo tác, không từ đâu đến, cũng chẳng về đâu, không phương, không cõi, cũng không chỗ trụ, chỉ có thể nói là vô lượng, vô biên.

Thiện Hiện nên biết, vì hư không vô lượng, vô biên, nên trí Nhất thiết trí cũng vô lượng, vô biên. Trí Nhất thiết trí vô lượng, vô biên, nên không thể chứng đắc. Chẳng phải sắc có thể chứng; cũng chẳng phải thọ, tưởng, hành, thức có thể chứng. Chẳng phải Bố thí ba-la-mật-đa có thể chứng; cũng chẳng phải Tịnh giới cho đến Bát-nhã ba-la-mậtđa có thể chứng. Vì sao? Vì sắc tức trí Nhất thiết trí; thọ, tưởng, hành, thức tức trí Nhất thiết trí. Bố thí ba-la-mật-đa tức trí Nhất thiết trí; Tịnh giới cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa tức trí Nhất thiết trí.

Khi ấy, Thiên đế Thích dẫn đầu các chúng Thiên tử cõi Dục và Đại phạm Thiên vương dẫn đầu các chúng Thiên tử cõi Sắc; cùng đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Ngài, nhiễu quanh bên phải ba vòng, rồi đứng sang một bên, chắp tay cung kính đồng bạch Phật:

–Như vậy Bát-nhã ba-la-mật-đa này vô cùng sâu xa, khó thấy, khó lường.

Đức Phật bảo các Thiên tử:

–Đúng thế, đúng thế, đúng như lời ông nói! Thiên tử nên biết, Ta quán sát nghĩa này khi mới chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột. Ta ngồi lặng yên suy nghĩ, không muốn nói pháp, trong tâm nghĩ thế này: “Ta đã chứng pháp sâu xa vi diệu, các thế gian khó có thể chấp nhận và tin tưởng được ngay.”

Thiên tử nên biết, pháp Ta đã chứng tức là Bátnhã ba-la-mật-đa. Pháp này rất sâu xa mầu nhiệm, không người chứng và không pháp chứng, không chỗ chứng, không thời gian chứng.

Thiên tử nên biết, vì hư không sâu xa, nên pháp này sâu xa. Vì ngã sâu xa nên pháp này sâu xa. Tất cả pháp không đến, không đi nên pháp này sâu xa.

Tất cả pháp vô lượng, vô biên nên pháp này sâu xa. Tất cả pháp không sinh, không diệt nên pháp này sâu xa. Tất cả pháp không nhiễm, không tịnh nên pháp này sâu xa.

Khi ấy, các Thiên tử bạch Phật:

–Thật kỳ diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Đấng Thiện Thệ! Pháp Phật đã dạy rất sâu xa vi diệu, tất cả thế gian khó tin khó hiểu. Vì sao? Vì pháp Phật đã dạy không bị thu phục, không bị rời bỏ, mà các loài hữu tình trong thế gian phần nhiều là thu phục hay bị rời bỏ, thế nên thế gian đối với lời Phật dạy không có khả năng tin hiểu được là vậy.

Đức Phật bảo các Thiên tử:

–Đúng thế, đúng thế, như lời các ông nói!

 


Trước

[Đầu trang][Mục lục Kinh Đại Bát Nhã]

Tiếp theo


[Mục lục bộ Bát-nhã][220][221][222][223][224][225][226][227][228][229][230][231][232][233][234][235][236][237][238][239][240][241][242][243][244][245][246][247][248][249][250][251][252][253][254][255][256][257][258][259][260][261]


[Mục lục tổng quát]